Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

20210731. BỘ TRƯỞNG QP MỸ AUSTIN THĂM VIỆT NAM

 ĐIỂM BÁO MẠNG

MỸ MUỐN THĂM DÒ VIỆT NAM VỀ KHẢ NĂNG LẬP QUAN HỆ 

ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC ?

RFI 29-7-2021


Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin và động nhiệm Việt Nam Phan Văn Giang, duyệt đội quân danh dự tại Hà Nội, ngày 29/07/2021. AP - Nguyen Trong Duc
Hoa Kỳ tăng cường hợp tác quân sự và an ninh với Việt Nam, củng cố thêm liên minh ngăn chận ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Câu hỏi còn lại đối với Hà Nội là tìm được thế cân bằng giữa Bắc Kinh và Washington. Đâu là phản ứng của Trung Quốc trước viễn cảnh với sự trợ giúp của Mỹ, Việt Nam nâng cấp khả năng phòng thủ ?  

Washington và Bắc Kinh cùng đang nhìn về Hà Nội vào lúc bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin hội đàm với đồng nhiệm Việt Nam Phan Văn Giang. Sau 25 năm bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ, vốn là cựu thù, ngày càng thúc đẩy hợp tác quân sự. Đây sẽ là một trong những điểm chính được bộ trưởng Quốc Phòng, Lloyd Austin, thảo luận với các lãnh đạo Việt Nam hôm nay (29/07/2021).

Trả lời báo South China Morning Post, chuyên gia về Đông Nam Á, Lê Hồng Hiệp, Viện nghiên cứu Yusof Ishak tại Singapore đánh giá : Những tham vọng trong khu vực của Trung Quốc càng lớn, thì Việt Nam và Mỹ « càng chú trọng nhiều hơn vào việc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quân sự song phương, đặc biệt là tại Biển Đông ». Thêm vào đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có lập trường cứng rắn nhất, cưỡng lại Trung Quốc dùng bản đồ 9 đoạn  khẳng định chủ quyền với gần hết Biển Đông. 

Theo giới phân tích, do quá khứ lịch sử chiến tranh Mỹ - Việt, do quan hệ giữa hai nước Việt - Trung đều do đảng Cộng Sản độc quyền lãnh đạo, tới nay hợp tác quân sự luôn luôn là một điểm nhậy cảm trong quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam. Tuy nhiên, từ 2014 sau sự kiện giàn khoan dầu của Trung Quốc hiện diện trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông trong 10 tuần lễ liên tiếp, các chính quyền Mỹ liên tiếp đều dành cho Việt Nam nhiều ưu ái, và có những dấu hiệu cho thấy dường như có khuynh hướng « trông cậy » vào Việt Nam nhiều hơn.

Thứ nhất là trong cuộc điều trần tại Thượng Viện đầu tháng 07/2021, ông Marc Knapper, người vừa được tổng thống Biden bổ nhiệm làm đại sứ tại Việt Nam, đã nêu khả năng Mỹ xem Việt Nam là một « đối tác chiến lược ». Theo phân tích của giáo sư Carlyle Thayer, Học Viện Quốc Phòng Úc, bộ trưởng Lloyd Austin đến Hà Nội lần này là nhằm « thăm dò » ý kiến của giới lãnh đạo Việt Nam về kịch bản này. Theo giáo sư Thayer, tướng Lloyd Austin và các lãnh đạo Việt Nam sẽ « trao đổi về tầm nhìn chiến lược, về cách xử lý trong quan hệ với Trung Quốc, và về những ưu tiên của phía Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng cho giai đoạn sắp tới ». 

Dấu hiệu thứ nhì là đối với Washington, Việt Nam ngày càng trở thành một mắt xích quan trọng trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, do vậy có nhiều khả năng Việt Nam mua vũ khí và trang thiết bị quân sự của Hoa Kỳ. South China Morning Post nhắc lại, từ 2016 Mỹ đã dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam, nhưng nguồn cung cấp chính của Việt Nam tới nay vẫn là Nga. Năm 2017, tổng thống Trump từng trực tiếp khuyến khích Hà Nội trang bị tên lửa và hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ. 

Tờ báo Hồng Kông này còn trích dẫn tiến sĩ Phạm Quang Minh, nguyên viện trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn Hà Nội, nhắc lại mong muốn của Mỹ cung cấp vũ khí cho Việt Nam và các trang thiết bị quân sự của Hoa Kỳ cho phép Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông. 

Các ý định đó của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc không hài lòng. Chưa bao giờ Bắc Kinh chấp nhận để cho Việt Nam được giúp đỡ tăng cường sức mạnh quân sự, thậm chí cho dù là từ Nga. Vẫn chuyên gia Lê Hồng Hiệp, được South China Morning Post trích dẫn, cho rằng «Trung Quốc không muốn Việt Nam và Mỹ đẩy mạnh quan hệ quân sự », hay Hoa Kỳ giúp đỡ bất kỳ một quốc gia nào khác trong khu vực trên phương diện này. 

Câu hỏi còn lại là về mặt an ninh và quân sự, Việt Nam sẽ hợp tác với Mỹ đến mức độ nào ? Còn về phía Trung Quốc, như một số nhà phân tích ghi nhận, có nhiều khả năng Bắc Kinh tránh công khai lên tiếng về hợp tác Mỹ - Việt, nhưng ở hậu trường, Trung Quốc có thể có những tính toán nào khác và sẽ kiên nhẫn với Việt Nam cũng như với các đối tác « hữu nghị với Mỹ » ở Đông Nam Á này trong bao lâu ? Một câu hỏi khác đang  đặt ra đó là sự can thiệp dồn dập của Hoa Kỳ trong khu vực này liệu có nguy cơ khiến Trung Quốc càng tỏ thái độ quyết đoán hơn nữa hay không ?   

Điều chắc chắn là chuyến công du Việt Nam lần này của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ nhằm hai mục tiêu, vừa thăm dò ý định của Hà Nội vừa nhằm quan sát phản ứng của Bắc Kinh. 

BỘ TRƯỞNG AUSTIN THÚC ĐẨY QUAN HỆ QUỐC PHÒNG VỚI VIỆT NAM, KHÔNG YÊU CẦU HÀ NỘI PHẢI CHỌN BÊN

VOA 29-7-2021


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hội kiến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ở Hà Nội ngày 29/7/2021. Photo US Embassy Hanoi.

Hôm 29/7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tìm cách thúc đẩy mối quan hệ an ninh quốc phòng ngày càng sâu sắc hơn với Việt Nam giữa lúc cả hai nước theo dõi các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông trong tình trạng báo động ngày càng tăng. Tuy vậy, ông Austin không yêu cầu Hà Nội phải chọn bên giữa các quốc gia.

Mặc dù Mỹ và Việt Nam có quan hệ quân sự chặt chẽ hơn, chính quyền của Tổng thống Joe Biden nói rằng vẫn có những giới hạn trong mối quan hệ cho đến khi Hà Nội đạt được tiến bộ về nhân quyền, hãng tin Reuters cho biết.

Việt Nam nổi lên như một đối thủ lớn tiếng nhất trước các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông và đã nhận được khí tài quân sự của Hoa Kỳ, bao gồm cả tàu tuần duyên.

Trước cuộc gặp với người đồng cấp Việt Nam tại Hà Nội, ông Austin cho biết Hoa Kỳ không yêu cầu Việt Nam phải lựa chọn giữa các quốc gia.

“Một trong những mục tiêu trọng tâm của chúng tôi là đảm bảo rằng các đồng minh và đối tác của chúng tôi có quyền tự do và không gian để xây dựng tương lai của chính họ”, ông Austin nói.


Ông không đề cập đến Trung Quốc, nhưng tại châu Á hiện có một quan niệm rằng Trung Quốc đang khiến các quốc gia phải lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington, khi căng thẳng gia tăng giữa hai cường quốc lớn này, vẫn theo Reuters.

Sau cuộc hội kiến với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Austin viết trên Twitter: “Chúng tôi đã thảo luận về quan hệ đối tác song phương bền chặt và tôi nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, độc lập và thịnh vượng”.


Ông Greg Poling, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington cho Reuters biết: “(Việt Nam) muốn biết rằng Mỹ sẽ tiếp tục can dự quân sự, tiếp tục hiện diện ở Biển Đông”.

Hai bên đã ký một “biên bản ghi nhớ”, theo đó Đại học Công nghệ Harvard và Texas của Mỹ sẽ tạo ra một cơ sở dữ liệu giúp người Việt Nam tìm kiếm những người mất tích sau chiến tranh.

“Hai bên đã trao đổi các hiện vật và thông tin nhằm hỗ trợ công tác tìm kiếm, khai quật và xác định quân nhân mất tích, đồng thời phía Hoa Kỳ chính thức bày tỏ cam kết với một chương trình nhằm hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm hài cốt quân nhân”, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết trên Facebook hôm 29/7.

Hiện vẫn tồn tại những giới hạn đối với việc Hoa Kỳ sẵn sàng làm sâu sắc hơn quan hệ trước khi Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền của mình. Việt Nam đã trải qua những cải cách kinh tế sâu rộng và thay đổi xã hội trong những thập kỷ gần đây, nhưng Đảng Cộng sản cầm quyền vẫn giữ một sự kiểm soát chặt chẽ đối với truyền thông và ít chấp nhận bất đồng chính kiến, theo Reuters.

Tại Singapore hôm 27/7, ông Austin cho biết Hoa Kỳ sẽ luôn dẫn đầu với các giá trị nhân quyền của mình. “Chúng tôi sẽ thảo luận về những giá trị đó với bạn bè và đồng minh của chúng tôi ở mọi nơi chúng tôi đến và chúng tôi không ngần ngại về điều đó”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói.

Trong tháng này, ông Marc Knapper, người được Tổng thống Biden đề cử làm đại sứ tiếp theo của Hoa Kỳ tại Việt Nam, tuyên bố sẽ thúc đẩy quan hệ an ninh nhưng cho biết hai bên chỉ có thể phát huy hết tiềm năng nếu Hà Nội đạt được tiến bộ đáng kể về nhân quyền.

Truyền thông nhà nước Việt Nam cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của việc tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, giải quyết hòa bình các tranh chấp cũng như duy trì môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, trật tự và tự do hàng không, hàng hải tại các vùng biển và đại dương theo quy định của luật pháp quốc tế.

BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG MỸ ĐẾN VIỆT NAM, CHUYÊN GIA QUỐC TẾ NHẬN ĐỊNH: HÀ NỘI LÀ MỘT TRONG NHỮNG ĐỐI TÁC CÓ Ý NGHĨA CHIẾN LƯỢC NHẤT CỦA WASHINGTON Ở ĐÔNG NAM Á
LAN HƯƠNG/ SOHA 28-7-2021

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: AFP.

Ngày 28/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ bắt đầu chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á gồm Singapore, Việt Nam và Philippines. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một thành viên nội các Mỹ đến Đông Nam Á kể từ khi ông Biden lên nắm quyền.

Mỹ sẽ cam kết hỗ trợ Đông Nam Á phục hồi sau đại dịch

Lý giải về việc chọn 3 quốc gia Đông Nam Á làm điểm dừng chân, Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, Úc cho rằng, chính quyền Tổng thống Biden đã xác định, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là cấu trúc ưu tiên chiến lược và nhấn mạnh sự quan trọng của việc xây dựng mạng lưới đồng minh và đối tác.

Hồi tháng 3, chính quyền Tổng thống Biden đưa ra Hướng dẫn Chiến lược an ninh quốc gia tạm thời đã cam kết, Mỹ hợp tác cùng với Singapore và Việt Nam "cho các mục tiêu chung", trong khi Philippines là một đồng minh của Mỹ, nhưng mối quan hệ dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte đã trở nên căng thẳng và cần được điều chỉnh.

Tuy nhiên, những nỗ lực can dự với ASEAN dưới thời chính quyền Biden đã có một khởi đầu không tốt đẹp lắm khi cuộc họp vào ngày 25/5 giữa Ngoại trưởng Anthony Blinken và các Bộ trưởng ngoại giao của ASEAN đã phải bị hủy vài phút sau khi bắt đầu vì vấn đề kỹ thuật.

Còn vào tháng 6, theo dự kiến, đáng lẽ Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin ​​sẽ dừng chân tại Việt Nam trước khi tham dự Đối thoại Shangri-la tại Singapore từ ngày 4-5/6, nhưng chuyến đi này đã bị hủy bỏ do đại dịch COVID-19.

Do vậy, chuyến thăm của ông Austin tới Singapore, Việt Nam và Philippines lần này báo hiệu sự khởi động nhanh chóng của Mỹ trong việc can dự với Đông Nam Á, ông Carl Thayer nói.

Bộ trưởng QP Mỹ đến Việt Nam, chuyên gia quốc tế nhận định: Hà Nội là một trong những đối tác có ý nghĩa chiến lược nhất của Washington ở ĐNÁ - Ảnh 1.

Derek Grossman, chuyên gia cao cấp của Viện nghiên cứu RAND (Mỹ) nhận định, cả 3 quốc gia này đều có lý do chính đáng để đưa vào lịch trình chuyến thăm. Rõ ràng, Singapore về cơ bản là một đồng minh trên thực tế của Mỹ do mối quan hệ an ninh chặt chẽ giữa hai quốc gia. Trong khi đó, động lực hơp tác với Việt Nam là khá đáng kể, từ sau năm 2015, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm Mỹ.

Dự báo về nội dung làm việc trong chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Carl Thayer cho rằng, chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ sẽ được "lộ diện" trong bài phát biểu của Bộ trưởng Austin tại Singapore; trong đó tái khẳng định Mỹ là một đối tác đáng tin cậy trong các vấn đề an ninh khu vực và sẽ hỗ trợ Đông Nam Á trong việc chống lại COVID-19 và phục hồi sau đại dịch.

Ông Austin sẽ nhắc lại cam kết của Mỹ đối với "một trật tự khu vực công bằng, cởi mở và bao trùm hơn" và tự do trên biển. Và đáng chú ý, với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, ông Austin sẽ giới thiệu về các kế hoạch của Lầu Năm Góc nhằm cập nhật và hiện đại hóa khả năng quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đề xuất các hợp tác song phương.

Bộ trưởng QP Mỹ đến Việt Nam, chuyên gia quốc tế nhận định: Hà Nội là một trong những đối tác có ý nghĩa chiến lược nhất của Washington ở ĐNÁ - Ảnh 3.

Cũng theo ông Thayer, phát biểu của Ngoại trưởng Austin tại cuộc họp báo trước khi lên đường cho thấy rằng Biển Đông sẽ được nêu ra trong các cuộc thảo luận. Theo đó, ông Austin tuyên bố, Mỹ sẽ nói rõ quan điểm đối với tuyên bố vô căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cũng có khả năng ông Austin sẽ thảo luận về việc bán hoặc chuyển giao thiết bị và công nghệ quân sự cho Việt Nam cũng như đào tạo chuyên gia. Ngoài ra, Bộ trưởng Austin có thể gửi lời mời tới người đồng cấp Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang sang thăm Mỹ, ông Thayer nói.

Mở đường cho chuyến thăm cấp cao đến Việt Nam

Với Việt Nam, ông Thayer cho rằng, Việt Nam được các chính quyền Mỹ, bao gồm cả Tổng thống Obama và Tổng thống Trump, luôn coi là một nước đóng góp xây dựng và có ảnh hưởng cho hòa bình, an ninh khu vực cũng như toàn cầu, và là một đối tác an ninh tiềm năng. Chính quyền Tổng thống Biden đã thông qua một đánh giá tương tự và dường như đã đặt mục tiêu nâng quan hệ song phương lên một tầm cao hơn.

Vào ngày 13/7, Marc Knapper, người được Tổng thống Biden đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, đã phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, rằng, hiện tại, hai nước đang có quan hệ Đối tác toàn diện và hy vọng sẽ nâng lên quan hệ đối tác chiến lược. Ông cũng tuyên bố sẽ xúc tiến các bước để thực hiện điều đó bằng cách tăng cường hơn nữa mối quan hệ an ninh với Việt Nam.

Các cựu Đại sứ của Việt Nam tại Mỹ và của Mỹ tại Việt Nam đều nhấn mạnh rằng tên gọi quan hệ song phương như thế nào không quan trọng, bản chất quan hệ hai nước đã ở tầm chiến lược, ông Thayer lưu ý.

Murray Hiebert, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam phát triển đáng kể trong thập kỷ qua và toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, ngoại giao nhân dân...

Theo ông Hiebert, Hà Nội là một trong những đối tác có ý nghĩa chiến lược nhất của Washington tại Đông Nam Á.

Bộ trưởng QP Mỹ đến Việt Nam, chuyên gia quốc tế nhận định: Hà Nội là một trong những đối tác có ý nghĩa chiến lược nhất của Washington ở ĐNÁ - Ảnh 5.

Ông Murray cũng cho biết, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lần này được dự đoán là mở đường cho một chuyến thăm cấp cao tới Việt Nam từ phía Mỹ.

Reuters mới đây đưa tin, Mỹ đang cân nhắc về chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris đến Việt Nam vào tháng 8 năm nay. Và chuyến thăm của ông Austin là nhằm mở đường cho chuyến đi này, chuyên gia của CSIS nhận định.

VIỆT NAM TRÔNG ĐỢI GÌ  TỪ CHUYẾN THĂM  CỦA BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG MỸ LLAUD AUSTIN ?

RFA 28-7-2021


Trung tướng Vũ Chiến Thắng đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Hà Nội ngày 28/7

Theo AP, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đang tìm cách củng cố mối quan hệ với Việt Nam, một trong những quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, trong chuyến thăm hai ngày bắt đầu từ hôm thứ Tư 28/7.

Cũng trong ngày 28/7, South China Morning Post dẫn nhận định của các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm của Lloyd Austin, thành viên hàng đầu trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhằm nhấn mạnh cam kết của Washington trong việc tăng cường quan hệ với Hà Nội.

Giáo sư Carl Thayer, nhà phân tích chính trị về Việt Nam và hiện làm việc tại Học viện quốc phòng Australia, khi trả lời RFA hôm 28/7, trước thềm chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin, nhận định:

“Bộ trưởng Quốc phòng Austin đến Hà Nội vào giữa ngày thứ tư, 28 tháng bảy. Sau lễ đón, ông dự kiến ​​gặp Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sau đó hội kiến ​​Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tại thời điểm này chưa có kế hoạch cuộc gặp nào với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bộ trưởng Austin có khả năng sẽ chuyển tải ba chủ đề trong bài phát biểu tại Diễn đàn Fullerton ở Singapore hôm qua 27 tháng 7: Hợp tác trong khôi phục sau đại dịch COVID-19, tái khẳng định Mỹ là đối tác tin cậy trong việc đối phó với các thách thức an ninh của khu vực và hợp tác trong việc duy trì một nền tự do và mở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Fullerton của mình, ông Austin đã cung cấp một danh sách chi tiết về sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để chống lại COVID-19 bao gồm các thiết bị xét nghiệm, bình ô-xy, thiết bị PPE, máy thở, kho chứa vắc xin, các phòng khám di động, vắc-xin COVID-19 và chuyển giao công nghệ để cho phép sản xuất vắc-xin tại địa phương.”

Theo Giáo sư Carl Thayer, chuyến đi của Bộ trưởng Austin tới Việt Nam là chuyến thăm cấp cao nhất của một thành viên trong nội các của Tổng thống Biden. Đây là cơ hội để ông Austin giới thiệu bản thân với người đồng cấp Việt Nam và các lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam, đồng thời truyền đạt cam kết của Mỹ đối với quan hệ song phương. Giáo sư Carl Thayer nói tiếp:

“Bộ trưởng Austin cũng sẽ tham gia một buổi lễ tưởng nhớ những người chết trong chiến tranh của Việt Nam. Hôm qua, 27 tháng 7, là Ngày Thương binh Liệt sĩ của Việt Nam, tương tự với Ngày lễ Chiến sĩ trận vong của Hoa Kỳ.

Bộ trường Austin có khả năng sẽ đưa ra một tuyên bố chỉ ra rằng Hoa Kỳ tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam.

Theo báo cáo, một Biên bản ghi nhớ sẽ được ký kết giữa Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Ủy ban Chỉ đạo Quốc gia về Tìm kiếm, Hồi hương và Nhận dạng Chiến sĩ Tử trận (Ban Chỉ đạo 515) liên quan đến việc Hoa Kỳ hỗ trợ xác định vị trí và hài cốt của quân nhân Việt Nam hy sinh trong Chiến tranh Việt Nam.”

Giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng, chuyến thăm của ông Austin tới Singapore, Việt Nam và Philippines lần này báo hiệu sự khởi động nhanh chóng của Mỹ trong việc can dự với Đông Nam Á.

Còn theo South China Morning Post, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin khi đàm phán với phía Việt Nam, dự kiến ​​sẽ tập trung nhiều vào hợp tác an ninh và quân sự, cùng với kế hoạch của Washington nhằm giúp Đông Nam Á đối phó với COVID-19 và phục hồi sau đại dịch.

Các nguồn tin của South China Morning Post cũng cho biết, các cuộc thảo luận vào ngày mai 29/7 giữa Austin và người đồng cấp Phan Văn Giang tại Hà Nội sẽ bao gồm việc cung cấp các tàu tuần duyên của Hoa Kỳ đến Việt Nam để tuần tra hàng hải và khả năng có chuyến thăm hàng không mẫu hạm Mỹ thứ ba để báo hiệu mối quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn giữa hai nước.


Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin phát biểu tại Singapore vào ngày 27 tháng 7 năm 2021. Roslan Rahman / AFP.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore vào tối 28/7 nhận định với RFA:

“Về nội dung, hai bên Mỹ - Việt Nam sẽ trao đổi với nhau về tình hình an ninh, hòa bình ở khu vực Indo-Pacific (Ấn Độ- Thái Bình Dương) và ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Biển Đông và đưa ra các gợi ý, đề nghị từ cả hai bên. Làm thế nào để hai bên giữ được hòa bình cũng như ổn định, giảm rủi ro an ninh ở trong khu vực rộng lớn Indo-Pacific, và cụ thể khu vực gần Việt Nam là Đông Nam Á, Đông Bắc Á, trong đó có biển Đông. Đó là những việc về trao đổi chia sẻ.”

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định thêm về quan hệ song phương Mỹ - Việt Nam trong chuyến thăm này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ:

“Trong quan hệ song phương, phía Mỹ và Việt Nam sẽ thảo luận để làm sao thúc đẩy tốt hơn quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước, trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện đã được ký kết giữa hai nước từ lâu rồi. Có khả năng có đặt một vấn đề từ hai phía là làm thế nào để mà sớm đưa quan hệ đối tác toàn diện sang thành đối tác chiến lược. Đó là một điểm chốt quan trọng trong hội đàm ngày mai giữa hai ông Bộ trưởng quốc phòng, cũng như trong cuộc gặp với Chủ tịch nước và Thủ tướng Việt Nam. Rõ ràng đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cao cấp nhất của Mỹ đến Việt Nam từ khi có chính quyền của ông Biden. Ông Austin sẽ đại diện chính quyền bàn về các vấn đề đó.”

Đồng quan điểm, Giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng, Bộ trưởng Austin có khả năng sẽ nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam về triển vọng nâng cấp quan hệ đối tác và những vấn đề ưu tiên trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong đối phó với sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong cuộc họp báo trước chuyến công du, Bộ trưởng Austin cho biết các chủ đề chính trong chuyến đi bao gồm tái khẳng định Mỹ là đối tác đáng tin cậy trong các vấn đề an ninh khu vực, cam kết hỗ trợ Đông Nam Á chống COVID-19 và phục hồi sau đại dịch. Bộ trưởng Austin cũng đã khẳng định vấn đề Biển Đông sẽ được nêu ra trong các cuộc thảo luận. Ông nhấn mạnh: ‘Tôi sẽ nói rõ quan điểm của chúng tôi về các yêu sách vô nghĩa và vô căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông’.

Liên quan vấn đề hợp tác quốc phòng giữa Mỹ - Việt Nam, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói tiếp:

“Hai bên sẽ nhấn mạnh chuyện phía Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường giúp Việt Nam trong mảng thực thi pháp luật trên biển. Đây cũng là dịp ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thấy tàu tuần duyên mà Mỹ tặng cho Cảnh sát Biển Việt Nam được sử dụng như thế nào, trong sự điều phối của Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam. Nói thẳng ra, chắc sẽ có một số bàn thảo thuộc chuyện bí mật giữa hai nước thì người ta sẽ không công bố đâu.”

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, khi trả lời South China Morning Post cho biết, Washington và Hà Nội coi nhau là những đối tác quan trọng. Theo ông Hiệp, do sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc, hai nước hiện đang ngày càng quan tâm đến việc theo đuổi hợp tác quốc phòng song phương sâu sắc hơn, đặc biệt là ở Biển Đông. Ông Hiệp cho rằng, chuyến thăm của Bộ trưởng Austin là nhằm thúc đẩy quan hệ song phương theo hướng đó.

Trả lời South China Morning Post trong ngày 28/7, Tiến sĩ Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, cho biết cũng có khả năng hai bên có thể thảo luận về việc mua bán vũ khí hoặc chuyển giao thiết bị quân sự.

Năm 2016, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, nhưng không có cuộc mua bán nào diễn ra kể từ đó. Khi đến thăm Việt Nam vào năm 2017, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hối thúc các nhà lãnh đạo Việt Nam mua tên lửa và hệ thống phòng thủ của Mỹ.

Theo Tiến sĩ Phạm Quang Minh, việc Hà Nội tổ chức đón tiếp Bộ trưởng Austin khi đang phải đối phó với đợt bùng phát COVID-19 cho thấy tầm quan trọng trong mối quan hệ với Hoa Kỳ. Ông Minh cho rằng, nếu đó là một mối quan hệ hời hợt, ai sẽ đến thăm nhau giữa một đại dịch toàn cầu?

MỸ CẦN TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ VỚI ASEAN

NGUYỄN QUANG DY/ BVN 26-7-2021

Chiến lược Indo-Pacific, thời Biden cũng như thời Trump, dựa trên quan hệ đồng minh với ASEAN và “Bộ Tứ” (Quad) làm nền tảng cho cấu trúc an ninh khu vực để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong khi Trump coi trọng quan hệ song phương và coi nhẹ đồng minh thì Biden coi trọng quan hệ đa phương và đồng minh. Đó là bối cảnh bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin đến thăm Singapore, Việt Nam, Philippines vào cuối tháng này.

Bối cảnh

Theo một khảo sát gần đây của viện ISEAS (tại Singapore) 61,5% những người được hỏi ở khu vực đã ủng hộ liên kết với Mỹ, chứ không phải Trung Quốc. Sự trở lại của các quan chức ngoại giao kỳ cựu dưới thời Obama đã làm nhiều nước ASEAN kỳ vọng vào một “thời kỳ vàng son” trong quan hệ Mỹ-ASEAN. (Why Biden has been a disappointment to Southeast Asia so farRichard Heydarian, South China Morning Post, June 8, 2021).

Sau bốn năm dưới thời Trump, hầu hết các nước ASEAN hoan nghênh Biden trở lại, và mong đợi chính quyền Biden sẽ chủ động cải thiện quan hệ với ASEAN. Nhưng sau nửa năm cầm quyền, họ vẫn cảm thấy bị Washington lãng quên. Cú sốc đầu tiên là Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời chỉ nhắc một cách chung chung đến ASEAN và một số nước như Việt Nam và Singapore, nhưng không nói đến Philippines và Thailand.

Cú sốc thứ hai là các ngoại trưởng ASEAN phải chờ 45 phút tại cuộc họp (trực tuyến) lần đầu với ngoại trưởng Mỹ (25/5) khi Antony Blinken đang bay từ Châu Âu đi Trung Đông, nên phải hoãn cuộc họp vào phút chót vì không kết nối được mạng. Nếu cuộc họp Mỹ-Trung (trực tiếp) lần đầu tại Alaska (20/3) được ASEAN rất quan tâm, thì cuộc họp ngoại trưởng Mỹ-ASEAN (trực tuyến) lần đầu càng được các nước ASEAN rất mong đợi.

Các nước ASEAN thường phàn nàn vì sự vắng mặt của lãnh đạo Mỹ tại các cuộc họp cấp cao ở khu vực (như ASEAN và Đông Á). Đối với các nước ASEAN, sự có mặt của tổng thống Mỹ không chỉ có ý nghĩa tượng trưng, mà đó còn là dấu hiệu của sự cam kết về chính sách. Trong khi các nước ASEAN buồn và thất vọng trước sự cố ngoại giao nói trên, thì Bắc Kinh vui như “ngư ông đắc lợi”. Ngay sau đó, ngoại trưởng Trung Quốc đã tổ chức một “hội nghị đặc biệt” với các ngoại trưởng ASEAN tại Trùng Khánh (7-8/6/2021).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã thay mặt Ngoại trưởng Blinken xin lỗi các ngoại trưởng ASEAN. Washington đã cử thứ trưởng ngoại giao Wendy Sherman tới Indonesia, Campuchia, và Thailand (25/5-4/6/2021). Theo giới truyền thông, Wendy Sherman là quan chức ngoại giao cao nhất của Mỹ đến thăm ASEAN kể từ khi Biden nhậm chức. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia cũng khẳng định rằng Washington đang chuẩn bị một cuộc họp ngoại trưởng với ASEAN (13/7) để thay thế cho cuộc họp đã bị hoãn (25/5).

Theo học giả Joshua Kurlantzik, sự cố ngoại giao nói trên đã khiến Mỹ mất điểm với khu vực, làm các nước ASEAN cảm thấy không được coi trọng như mong đợi. Trong sáu tháng đầu, Team Biden “xoay trục sang Châu Á”, nhưng ưu tiên cho “Bộ Tứ”, họp cấp cao lần đầu ra tuyên bố chung (13/3). Ngoại trưởng Blinken và bộ trưởng Quốc phòng Austin thăm Nhật và Hàn Quốc (16/3). Tổng thống Biden đã dự họp cấp cao G-7 tại Anh (12/6). Dự kiến Tổng thống Biden ​​sẽ trực tiếp dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào cuối năm.

Ngoại trưởng Blinken đã điện đàm với 7/10 ngoại trưởng ASEAN. Tổng thống Biden đã mời ba nhà lãnh đạo ASEAN dự hội nghị trực tuyến về biến đổi khí hậu (tháng 4/2021), nhưng ông chưa điện đàm với một ai trong số 10 nhà lãnh đạo ASEAN. Sau các cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc, ASEAN dường như bị lãng quên.

Gần đây, Washington càng tỏ ra khó chịu trước việc lãnh đạo ASEAN không phản ứng quyết liệt đối với cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar (2/2021). ASEAN đã không đình chỉ tư cách thành viên của Myanmar, mà còn ngăn cản các biện pháp trừng phạt (dù khiêm tốn) đối với chính quyền quân sự của Myanmar. ASEAN đã hợp pháp hóa chính quyền quân sự Myanmar bằng cách mời họ tới dự các cuộc họp cấp cao trong khu vực.

Nhưng Trung Quốc mới là nguồn bất cập lớn nhất giữa chính quyền Biden và ASEAN. Trên thực tế, tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN (ngoại trừ Việt Nam), không dám công khai liên kết với Mỹ để chống Trung Quốc. Các đồng minh Philippines và Thailand đã “xoay trục” về phía Trung Quốc. ASEAN đã tỏ ra ngần ngại tham gia bất kỳ chiến lược ngăn chặn nào do Mỹ dẫn dắt, nhằm đối phó với sự trỗi dậy đầy thách thức của Trung Quốc.

Tuy chính quyền Biden cũng như Trump xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chính”, và định vị Trung Quốc là “phép thử địa chính trị lớn nhất”, nhưng các nước ASEAN chưa quên bài học đã từng bị Mỹ bỏ rơi. Đó là chưa kể Trung Quốc tăng cường phân hóa và lôi kéo ASEAN, bao gồm các nước đồng minh của Mỹ như Philippines và Thailand.

Chính quyền Biden đang cổ vũ kế hoạch “Tái thiết Thế giới Tốt hơn” (Build Back Better World) do Mỹ hậu thuẫn cho các dự án hạ tầng chất lượng cao. Tuy kế hoạch này sẽ giúp các nước khu vực sự lựa chọn để thay thế chương trình “vành đai Con đường” của Trung Quốc với những rủi ro như “bẫy nợ”, nhưng kế hoạch đó khó triển khai nhanh vì đại dịch.

Mỹ với khu vực

Theo giáo sư Carl Thayer (NSW University), Chính quyền Biden đã xác định Indo-Pacific là khu vực ưu tiên chiến lược và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mạng lưới đồng minh và đối tác. Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Lâm thời (3/2021) cam kết “cộng tác với Singapore và Việt Nam để đạt được mục tiêu chung” (Defense Secretary Austin to Visit Vietnam, Singapore and the Philippines, Carl Thayer, July 22, 2021).

Bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin đã có kế hoạch đến thăm Việt Nam trước khi tham dự Đối thoại Shangri-la (Singapore, 4-5/6/2021), nhưng phải hủy bỏ vì đại dịch bùng phát. Vì vậy, tiếp theo cuộc họp ngoại trưởng (trực tuyến) giữa Anthony Blinken và các ngoại trưởng ASEAN (13/7/2021), chuyến thăm Singapore, Việt Nam và Philippines của Austin (vào cuối tháng 7) là một chỉ dấu rằng Mỹ đang tăng cường quan hệ với các nước ASEAN.

Trong cuộc họp báo (21/7), Austin nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ củng cố một trong những “tài sản chiến lược là mạng lưới đồng minh và đối tác hùng mạnh của chúng ta”. Austin xác định ba thông điệp chính trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ trong bài diễn văn chính (key note speech) tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS).

Thứ nhất, “Mỹ là đồng minh đáng tin cậy cho an ninh khu vực”, giúp các nước đối phó với Covid-19 và phục hồi sau đại dịch. Thứ hai, “Mỹ cam kết vì một trật tự khu vực công bằng hơn, cởi mở hơn, và bao trùm”, cùng với các giá trị chung. Thứ ba, “Mỹ sẽ làm việc chặt chẽ với các đối tác để theo đuổi tầm nhìn mới và khả năng răn đe tích hợp” nhằm hiện đại hóa năng lực của Mỹ và ASEAN để đối phó với Trung Quốc đang bắt nạt khu vực.

Tại sao Austin lại chọn Singpapore, Hà Nội, và Manila? Singapore là đồng minh và đối tác quân sự đáng tin cậy nhất của Mỹ trong khu vực. Không phải ngẫu nhiên mà Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Lâm thời nhắc đến Singapore và Việt Nam. Mỹ đã đồng ý bán 12 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B cho Singapore như một ưu tiên cao.

Philippines vốn là đồng minh của Mỹ, nhưng Duterte đã ngả theo Trung Quốc. Về lâu dài, Mỹ phải lôi kéo Manila trở lại, nhưng trước mắt Austin cần thỏa thuận với Manila về Hiệp định VFA (cho Mỹ đóng quân). Đối với Việt Nam, chuyến thăm của Austin chuẩn bị cho chuyến thăm của Phó tổng thống Kamala Harris (dự kiến vào giữa tháng 8).

Austin sẽ trao đổi với lãnh đạo các nước ASEAN mà ông đến thăm về kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhằm cập nhật và hiện đại hóa năng lực quân sự của Mỹ ở Indo-Pacific và đề xuất chương trình hợp tác song phương với các nước khu vực trong tương lai. Việt Nam được các chính quyền Mỹ (Obama và Trump) đánh giá cao là đối tác an ninh tiềm năng có nhiều đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh khu vực và trên thế giới.

Ngoại trưởng Blinken và bộ trưởng quốc phòng Austin đang dẫn đầu các nỗ lực nhằm kết nối với các đồng minh và đối tác chiến lược ở khu vực. Trong cuộc họp trực tuyến lần đầu với các ngoại trưởng ASEAN, Blinken nhấn mạnh đến “lợi ích chung” và cam kết với “vai trò trung tâm của ASEAN” để định hình cơ chế an ninh khu vực Indo-Pacific ”. (US moves to repair its ties with ASEAN, Richard Heydarian, Asia Times, July 21, 2021).

Austin cũng thúc đẩy các nước ASEAN phối hợp đối phó với cuộc khủng hoảng diễn ra tại Myanmar, trong khi bác bỏ thẳng thừng những đòi hỏi phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong cuộc họp ngoại trưởng Mỹ-ASEAN (13/7) Blinken đã nói thẳng về “mối quan tâm sâu sắc của Washington” đối với hành động thiếu quyết đoán của ASEAN trước cuộc khủng hoảng Myanmar, và kêu gọi phải thả ngay các nhà hoạt động dân chủ và lãnh đạo dân sự, đã bị giới cầm quyền quân sự ở Mysnmar “bắt giam một cách bất công”.

Trong khi Trung Quốc không để phí thời gian nhằm lôi kéo các nước khu vực bằng đầu tư, và gần đây bằng vaccine, thì Mỹ cũng nóng lòng lôi kéo các nước ASEAN. Blinken nhấn mạnh cam kết của Chính quyền Biden muốn thông qua ASEAN để đối phó với các thách thức của Trung Quốc ở khu vực. Mỹ kiên quyết bác bỏ các đòi hỏi phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông, lên án Trung Quốc bắt nạt Malaysia, Việt Nam, và Philippines.

Vào giữa tháng 3 và tháng 5/2021, Philippines đã bị lôi cuốn vào một cuộc đối đầu với Trung Quốc tại Đá Ba Đầu (Whitsun Reef), khi 238 tàu dân quân biển của Trung Quốc đã hoạt động phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế. Tại Singapore, Austin sẽ giới thiệu các nét chính về Chiến lược Quốc phòng của Chính quyền Biden nhằm đối phó với Trung Quốc. Theo người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ, chuyến thăm của Austin chứng tỏ vai trò quan trọng của ASEAN như “một phần thiết yếu trong chiến lược Indo-Pacific”.

Manila đã nhảy từ cực này sang cực khác dưới thời tổng thống Duterte. Chuyến thăm Manila của Austin đúng vào thời điểm quan trọng, chỉ vài tuần sau khi Duterte quyết định hoãn việc khôi phục hoàn toàn hiệp định VFA (Visiting Forces Agreement). Nay Tổng thống Duterte đang chìa cành ô-liu cho Tổng thống Biden. “Lúc này tôi chỉ muốn đàm phán với ai đó ở Washington, dù là Phủ Tổng thống hay là Bộ Ngoại giao, hay là Bộ Quốc phòng”.

Mỹ với Việt Nam

Chính quyền Biden đánh giá cao vai trò của Việt Nam, và muốn nâng quan hệ song phương với Việt Nam lên mức cao hơn. Marc Knapper (dự kiến là đại sứ mới của Mỹ tại Việt Nam) đã nói với Tiểu ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ trong phiên điều trần (ngày 13/7) rằng “Hiện nay, chúng ta có quan hệ “đối tác toàn diện” với Việt Nam; hy vọng chúng ta sẽ nâng cấp lên thành “đối tác chiến lược”, qua tăng cường hợp tác an ninh với Việt Nam.

Các cuộc thảo luận của Austin với lãnh đạo Việt Nam sẽ nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với an ninh và ổn định tại Biển Đông, để đối phó với hành động bắt nạt và đe dọa của Trung Quốc. Hai bên sẽ trao đổi quan điểm về các vấn đề chiến lược, nhằm điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc, và các ưu tiên của Việt Nam về hợp tác quốc phòng trong tương lai.

Theo Carl Thayer, trong chuyến thăm này, Austin có thể mời Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang thăm Mỹ. Nếu hai bên khó đạt được một thỏa thuận chính thức, hãy giao cho các quan chức quốc phòng hai bên tiếp tục làm việc, như mua/bán, chuyển giao khí tài quân sự và công nghệ quốc phòng, cũng như đào tạo các chuyên gia cho Việt Nam.

Các đại sứ Việt Nam ở Mỹ cũng như các đại sứ Mỹ ở Việt Nam đều nhấn mạnh “mô tả quan hệ song phương như thế nào không quan trọng bằng bản chất chiến lược của quan hệ đó”. Chính quyền Biden tuy nhấn mạnh việc nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác chiến lược”, nhưng nếu Austin nêu vấn đề này ra, chắc Hà Nội sẽ lúng túng (quandary).

Theo một nghiên cứu mới của CSIS, Mỹ muốn ưu tiên cho đối tác chiến lược với Việt Nam. Nhưng Thayer cho rằng quan điểm đó thiếu thực tế vì quan hệ Mỹ-Việt là “đồng sàng dị mộng”. Việt Nam hợp tác quân sự với Mỹ rất thận trọng, để tránh bị Trung Quốc coi đó là khiêu khích. Tuy bên ngoài tích cực hợp tác, nhưng bên trong Hà Nội cần đồng thuận.

Hà Nội muốn Chính quyền Biden tái khẳng định lập trường cứng rắn mà cựu Ngoại trưởng Pompeo đã tuyên bố (7/2020) rằng Bãi Tư Chính là của Việt Nam và Trung Quốc không có quyền khai thác dầu khí ở đó. Nhưng điều đó không có nghĩa là Hà Nội muốn nâng cấp ngay quan hệ lên đối tác chiến lược, mà cần xúc tiến một cách thận trọng.

Việt Nam nằm trong danh sách các nước khu vực được ưu tiên nhận vaccine của Mỹ qua cơ chế COVAX. Đến nay Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam 5 triệu liều vaccine Moderna, và hứa sẽ cung cấp thêm vaccine cho Việt Nam để đối phó với đại dịch đang diễn biến phức tạp. Viện trợ vaccine cho Việt Nam đúng lúc là một bước xây dựng lòng tin, như câu thành ngữ “người bạn thực sự là người bạn khi cần” (a friend indeed is a friend in need).

Mỹ và Việt Nam đều không muốn Trung Quốc cư xử một cách côn đồ, nhưng hai bên vẫn khó nhất trí phải làm thế nào (như một nghịch lý). Theo các chuyên gia, sau việc ưu tiên đối phó với đại dịch Covid-19 sẽ là ưu tiên đối phó với biến đổi khí hậu, nhất là khi John Kery (một người thân thiện với Việt Nam) đang phụ trách vấn đề đó (như một cơ hội).

Theo các chuyên gia về quan hệ Mỹ-Việt, mỗi khi vấn đề nhân quyền nổi lên, nó thường làm gián đoạn các sáng kiến ​​mà lãnh đạo hai nước đang theo đuổi và có thể làm cho quan hệ thụt lùi. Đạo luật ARIA (Asia Reassurance Initiative Act) đề cập đích danh Việt Nam trong phần nói về nhân quyền, và để ngỏ khả năng trừng phạt nếu Việt Nam vi phạm.

Mấy năm qua, Mỹ và Việt Nam đã có bước phát triển vững chắc về đồng thuận chiến lược, do mối lo chung trước sự trỗi dậy đầy nguy hiểm của Trung Quốc ở khu vực, từ thượng lưu sông Mekong đến Biển Đông. Vì vậy, Bộ trưởng tài chính Janet Yellen và Thống đốc ngân hàng Nguyễn Thi Hồng đã ký thỏa thuận về tiền tệ. (Vietnam’s U.S. Reach Accord on Alleged Currency Manipulation, Sebastian Strangio, Diplomat, July 20, 2021).

Tháng 12/2020, Bộ tài chính Mỹ đã chính thức cáo buộc Việt Nam là nước thao túng tiền tệ. Đến tháng 4/2021, tuy Bộ Tài chính Mỹ đã rút Việt Nam khỏi danh sách thao túng tiền tệ, nhưng nói rằng cùng với Đài Loan và Thụy Sỹ, đã vượt ngưỡng (theo luật 2015). Trong tuyên bố chung (19/7), Việt Nam đã xác nhận cam kết theo quy định của IMF “sẽ không thao túng tỷ giá hối đoái để tránh phải điều chỉnh cán cân thanh toán, hoặc giành lợi thế cạnh tranh không công bằng”, và hứa “sẽ không phá giá đồng tiền để cạnh tranh”.

Vai trò của Bộ Tứ

Nếu chính quyền Trump đã nhân cơ hội Trung Quốc bành trướng ở khu vực để hồi sinh “Bộ Tứ” (Quad) thì chính quyền Biden đặt “Bộ Tứ” vào tâm điểm của chiến lược Indo-Pacific. Đây là một bước chuyển lớn về hệ quy chiếu (paradigm shift), đặt “Bộ Tứ” vào đúng chỗ và đúng lúc. (The Quadrilateral Security Dialogue Is Consolidating Its Power Against China, Robert Manning & James Przystup, National Interest, July 4, 2021).

“Bộ Tứ” có thể phát huy vai trò đối với các nước ASEAN ven biển như Indonesia, Việt Nam và Philippines, để định hình lại các nỗ lực nhằm đạt được một bộ quy tắc ứng xử (COC) có tính ràng buộc, với các biện pháp làm giảm thiểu rủi ro để tránh leo thang do xung đột xảy ra ngoài ý muốn. “Bộ Tứ” có thể chấp nhận phán quyết của tòa PCA năm 2016, theo đó đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.

“Bộ Tứ mở rộng” (Quad+) có thể đưa sáng kiến ra Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) để thông qua hoặc giao vấn đề đó cho ARF hay các cơ chế khu vực khác thảo luận và báo cáo cho EAS. Cuộc họp cấp cao giữa các nguyên thủ quốc gia có thể xem xét để phê chuẩn sự hợp tác về các vấn đề cụ thể. Đối với các vấn đề phức hợp, “Bộ Tứ” có vị trí thuận lợi để xúc tác giúp các nước khu vực hợp tác hiệu quả hơn, làm đòn bẩy cân bằng lực lượng, hoặc hợp tác với Trung Quốc. Nói cách khác, “Bộ Tứ” có vai trò thiết yếu trong chiến lược Indo-Pacific. 

Chính quyền Biden dự kiến sẽ họp cấp cao “Bộ Tứ” tại Washington vào cuối năm nay, với nội dung hợp tác trên các lĩnh vực như hạ tầng số chất lượng cao, đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng, và công nghệ thông tin/kỹ thuật số. “Bộ Tứ” là một cơ chế tuy không chính thức (informal) nhưng bền vững (resilent), và có thể nhân bản sức mạnh (force multiplier) để đảm bảo an ninh khu vực. Vì phải biến báo (improvisational), nên chưa rõ “Bộ Tứ” sẽ tham gia thế nào vào cơ chế chính thức của khu vực (formal institutional architecture).

Trong một khu vực còn nhiều thể chế cứng nhắc, nhàm chán, và quan liêu, thì bước chuyển về hệ quy chiếu nhằm kiến tạo các hành động tập thể theo chức năng, là một sự đổi mới lớn dựa trên nguyên tắc đơn giản là “hình thức phải theo chức năng” (form follows function). Nói cách khác, ai ngồi vào bàn phải đảm bảo sẵn sàng và có thể đem lại giá trị gia tăng. “Bộ tứ” có thể mời các nước ASEAN ven biển như Indonesia, Viêt Nam, Singapore, Malaysia và Philippines tham gia thảo luận về lập trường chung và/hoặc các hành động cụ thể.

“Bộ Tứ” có thể quyết định nâng cao nhận thức và năng lực hàng hải cho khu vực. Để đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng, “Bộ Tứ” có thể mời Hàn Quốc và Singapore tham gia, như hai trung tâm công nghệ lớn của Châu Á. Vì ASEAN không đe dọa lợi ích các nước lớn, nên họ hoan nghênh vai trò đối thoại về chính trị/an ninh khu vực để các bên tham gia. Nói tóm lại, ASEAN có vai trò thiết yếu trong mạng lưới ngoại giao của Indo-Pacific.

Nhiều người cho rằng diễn đàn ASEAN chỉ là nơi để nói (talk shop) chứ không đem lại kết quả. Nguyên tắc của ASEAN là đồng thuận thay vì đối đầu, tuy đạt được một số thành công nhưng nếu ASEAN áp dụng nguyên tắc đó vào đàm phán COC (code of conduct) cho tranh chấp tại Biển Đông, thì có thể phản tác dụng như “con dao hai lưỡi”. ASEAN không thể im lặng vì lý do đồng thuận trước sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Từ cuối thập niên 2000s, các nước Malaysia, Philippines, và Singapore đã buộc phải lên tiếng cùng với Việt Nam trước thái độ ngày càng ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu đồng thuận đòi hỏi tất cả các thành viên ASEAN phải nhất trí (unanimity) thì triển vọng các nước ASEAN dám đương đầu với Trung Quốc chỉ là viển vông.

Theo quan điểm của Mỹ, sự có mặt của hải quân Mỹ và “Bộ Tứ” có thể làm thay đổi cục diện bất lợi giữa Malaysia và Trung Quốc, giúp Malaysia có sự răn đe cần thiết. Nhưng lãnh đạo Malaysia lại có quan điểm khác, lo ngại sự có mặt của hải quân Mỹ sẽ buộc Trung Quốc leo thang vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của họ. Vì vậy, trong cuộc đối đầu (standoff) năm ngoái, trong khi tàu chiến Mỹ phải rút, thì tàu chiến Trung Quốc vẫn ở lại.

Các nước khu vực từng hy vọng rằng ASEAN có thể định đoạt quan hệ của họ với nhau và với các nước lớn. Nhưng trên thực tế, các nước lớn như Trung Quốc đang định đoạt quan hệ nội bộ của ASEAN. Nhưng ASEAN vẫn có cơ hội thành công nếu họ chấp nhận vai trò các nước khác như “Bộ Tứ” (Nhật, Ấn, Úc, và Mỹ) để cân bằng lực lượng. Dù muốn hay không, sức mạnh vẫn cần thiết trong quan hệ quốc tế. Nếu ASEAN không từ bỏ ý tưởng về “con đường thứ ba” (the third way) mà không cần đến các nước lớn, thì chỉ là viển vông.

Tham khảo

1. Interim National Security Strategic Guidance, the White House, March 03, 2021

2. Why Biden has been a disappointment to Southeast Asia so farRichard Heydarian, South China Morning Post, June 8, 2021

3. The Quadrilateral Security Dialogue Is Consolidating Its Power Against China, Robert Manning & James Przystup, National Interest, July 4, 2021

4. Vietnam-US Reach Accord on Alleged Currency Manipulation, Sebastian Strangio, Diplomat, July 20, 2021

5. US moves to repair its ties with ASEAN, Richard Heydarian, Asia Times, July 21, 2021

6. US Defense Secretary Austin to Visit Vietnam, Singapore and the Philippines, Carl Thayer, July 22, 2021

N.Q.D.

26/7/2021

Tác giả gửi BVN

MỸ ĐÃ BẬT CÔNG TẮC: ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC

LƯU TRỌNG VĂN/ BVN 31-7-2021

Báo chính thống VN đưa tin:

"Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là đối tác hàng đầu trong chính sách đối ngoại”.

Xin nhấn mạnh hai chữ "hàng đầu" không kèm theo cụm từ "một trong". Điều đó khẳng định VN luôn coi Mỹ là đối tác quan trọng nhất trong đối ngoại của VN.

Đáp lại lời khẳng định "luôn coi..." này của chủ tịch VN, bộ trưởng QP Mỹ Lloyd Austin đã nói gì?

Ông đề nghị: "hai bên nghiên cứu, nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược trong tương lai”.

Ván bài cuối cùng đã lật ngửa.

Vấn đề còn lại là VN đã sẵn sàng nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ để chứng tỏ lời nói "luôn coi là đối tác hàng đầu" hay chưa mà thôi.

Trong các cấp quan hệ đối tác của VN hiện nay thì trên phương diện ký kết (chứ chưa chắc là trên thực tế) VN có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện - cấp cao nhất - với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ.

Tiếp theo là cấp Đối tác chiến lược với 14 nước trong đó có Anh, Pháp, Nhật, Ý, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Thái, Tây ban nha, Singapore, Indonesia, Malaisia, Philippines và Đức. (Đức đã tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược này với VN do vụ Trịnh Xuân Thanh).

Mặc dù Mỹ được coi là đối tác quan trọng nhất về đối ngoại nhưng lại không lọt trong danh sách 17 nước trên.

Đó là nghịch lý.

Theo quy ước của nhiều QG và thông lệ quốc tế thì:

Đối tác chiến lược toàn diện hay còn gọi là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, tức là hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược.

Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc tháng 5 năm 2008 của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí xây dựng "Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" trong thế kỷ 21 trên cơ sở phương châm 16 chữ vàng "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt" trên đúng thông lệ và quy ước trên.

Có điều ông Mạnh khi ký kết với ông Hồ Cẩm Đào đã bất chấp một thực tế rất quyết định làm nền tảng cho hiệp định ông ký kết, đó là Lòng Dân VN cùng niềm tin của Dân VN không hề có đối với chính quyền CSTQ.

Trong khi đó thì Lòng Dân VN ngược lại luôn hướng thiện cảm, tin cậy với chính phủ và Dân Mỹ, vậy mà Mỹ chưa được là đối tác chiến lược chứ chưa nói đến đối tác chiến lược toàn diện như Trung Quốc.

Vậy thế nào là đối tác chiến lược?

Theo giáo sư Va-lê-ri Lót-xkin (Nga), “đối tác chiến lược" phải bao gồm những nội dung sau:

Không tấn công lẫn nhau; không liên minh chống lại các nước khác; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; phải có lòng tin lẫn nhau.

Nếu xét trên bình diện này thì Trung Quốc không xứng đáng là đối tác chiến lược của VN chứ đừng nói đến đối tác chiến lược toàn diện như ông Mạnh ký, bởi hai yếu tố: niềm tin không có với nhau và Trung Quốc luôn can thiệp vào nội bộ lãnh đạo của VN, liên tục đe doạ, tấn công xâm lược VN.

Còn đối với Mỹ, đối tác chiến lược phải bao gồm hợp tác chặt chẽ về quân sự, an ninh. Với tiêu chuẩn này, chỉ thật sự tin cẩn nhau và không tấn công nhau mới hợp tác chặt chẽ về quân sự, an ninh. Hiện nay Mỹ chỉ có 24 đối tác chiến lược hoặc tương đương trở lên.

Cuộc đối thoại của bộ trưởng QP Phan Văn Giang với bộ trưởng QP Mỹ chắc chắn vấn đề mấu chốt để có được hiệp định Đối tác chiến lược theo tiêu chuẩn của Mỹ là hợp tác chặt chẽ về quân sự, an ninh đã được chia sẻ theo chiều thuận lợi.

Bởi, nếu không có sự chia sẻ thuận lợi này thì bộ trưởng QP Mỹ không thể công khai đề nghị với chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc về việc bàn thảo nâng cấp đối tác chiến lược được.

Trên bình diện trên Dân VN rất hoan nghênh tiến trình xích lại gần nhau lên tầm cao mới giữa VN và Mỹ.

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

TRONG LÒNG ĐẠI DỊCH NGẪM VỀ... ĐU DÂY !

TRÂN VĂN/ TD 30-7-2021

Bộ trưởng Quốc phòng, Thủ tướng rồi Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam vừa thay nhau tiếp ông Lloyd Austin – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Một trong những nội dung mà các nhân vật chủ chốt của hệ thống công quyền lặp đi lặp lại với ông Austin là… tri ân Mỹ đã hỗ trợ vaccine cũng như các trang bị, thiết bị y tế giúp ngăn ngừa COVID-19, đồng thời đề nghị Mỹ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ thêm vaccine cho Việt Nam, sớm tạo điều kiện cho các đối tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine tại Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm để công nhận vaccine (1).

Việc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam loay hoay chống đỡ đợt dịch thứ tư (kéo dài từ hạ tuần tháng tư đến nay), giá phải trả bằng nhân mạng, bằng sự hỗn loạn đi kèm hoảng loạn càng ngày càng lớn, song hành với tình trạng suy thoái chưa có điểm dừng ở mọi mặt, buộc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam muối mặt vật nài thiên hạ, trong đó có Mỹ trợ giúp, cũng như hiệu quả và hy vọng từ viện trợ Mỹ trong việc chống đỡ đại dịch khiến người ta nhớ tới chính sách đu dây trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ…

Năm 2016, tướng Dennis Via, khi ấy là Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tiếp vận của Lục quân Mỹ từng giới thiệu ý tưởng: Xây dựng hệ thống kho, dự trữ quân cụ, quân nhu tại Việt Nam nhằm giúp quân đội Mỹ triển khai nhanh các chiến dịch nhân đạo, giúp giải quyết hậu quả thiên tai tại khu vực Đông Nam Á nhờ các nguồn tiếp liệu đã sẵn sàng… Lúc đó, một số nguồn thạo tin còn đề cập đến khả năng, nếu Việt Nam đồng ý, hệ thống kho tiếp liệu, dự trữ quân cụ, quân nhu cho các chiến dịch nhân đạo sẽ được thiệt lập ở miền Trung Việt Nam…

Sau tướng Via, tướng Robert Brown (Tư lệnh Lục quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương từ 2016 đến 2019) tiếp tục lập lại ý tưởng xây dựng hệ thống kho tiếp liệu, dự trữ quân cụ, quân nhu cho các chiến dịch nhân đạo nhưng ngoài Việt Nam, tướng Brown tính thêm Malaysia, Bangladesh, Cambodia như những nơi có thể nhắm tới! Giống như tướng Via, tướng Brown giải thích tại sao quân đội Mỹ bận tâm về chuyện này: Đó là khu vực chắc chắn sẽ xảy ra những thảm họa. Kế hoạch này nhằm tư vấn, hỗ trợ cứu được nhiều mạng người nhất trong toàn khu vực (2)!

Trước nay, quân đội Mỹ đã và vẫn tiếp tục thực hiện các chiến dịch nhân đạo, hỗ trợ nhiều quốc gia, khu vực thoát ra khỏi các thảm nạn. Tại sao họ đã xác định Việt Nam là địa điểm lý tưởng để xây dựng hệ thống cất trữ phương tiện, vật dụng dành riêng cho các chiến dịch nhân đạo và hợp tác Mỹ – Việt càng ngày càng chặt chẽ nhưng ý tưởng đó dường như chẳng đến đâu? Muốn có câu trả lời, hãy dùng Google, search về nỗ lực thực hiện “chính sách ba không” (Không liên minh quân sự. Không cho bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào một quốc gia khác) của Việt Nam!

***

Ai cũng biết, mục tiêu chính khiến Việt Nam kiên định với “chính sách ba không”, gần đây nâng thêm một “không” nữa (không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế) biến “ba không” thành “bốn không” là để… “gìn giữ, phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với Trung Quốc” khi mở rộng và thắt chặt quan hệ với Mỹ cũng như các quốc gia, tổ chức quốc tế khác mà Trung Quốc xem là… thù địch!

Thay vì phân tích điều đó đúng hay sai, nên hay không, tốt nhất cần đọc qua nhận định và tâm sự của ông Nguyễn Đình Bin – cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, cựu Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam. Trong bối cảnh Trung Quốc liên tục tổ chức tập trận ở biển Đông, cuối tuần trước – ngày 23 tháng 7 – ông Bin vừa chia sẻ như thế này trên trang facebook của ông…

Tin quan trọng!

Việt Nam tính sao đây?

Trung Quốc khai trương Nhà Kỷ niệm Chiến tranh biên giới Việt – Trung!

(Tin từ Trung Quốc – 21 tháng 7)

Ngày 20/7, Trung Quốc tổ chức Lễ khai trương “Nhà kỷ niệm Chiến tranh biên giới Trung – Việt” (hay còn gọi là Cuộc chiến phản kích tự vệ Trung – Việt) tại Công viên văn hóa du lịch Tái Thượng Quân, tỉnh Thiểm Tây.

Thượng tướng Tiền Thụ Căn (nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc), Trung tướng Trâu Canh Nhâm, Trung tướng Trương Kiến Thắng (nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Lan Châu), Thiếu tướng Lưu Bồi Canh (nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Thiểm Tây), Thiếu tướng Lan Hiểu Quân (nguyên Phó Chính ủy Quân khu Cam Túc), Thiếu tướng Trần Đức Quang (nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Thiểm Tây), Miêu Phong (Bí thư Khu ủy Du Dương, thành phố Du Lâm)… tham dự buổi lễ.

Tại buổi lễ, Trâu Canh Nhâm, Trương Kiến Thắng, Lưu Bồi Canh, Lan Hiểu Quân, Trần Đức Quang tặng sách “Tổ quốc trong tim” cho Tăng Kính Tuyền, Mã Trung Tường, Triệu Tuấn Tân, Trần Uy Vũ, Trương Hồng Bân là đại diện cựu chiến binh tham gia cuộc chiến. Tiền Thụ Căn và Bí thư Khu ủy Khu Du Dương Miên Phong cùng khai trương “Nhà kỷ niệm Cuộc chiến phản kích tự vệ Trung – Việt”.

“Nhà kỷ niệm Chiến tranh biên giới Trung – Việt” nằm trong Công viên văn hóa du lịch Tái Thượng Quân Thiểm Tây, địa chỉ tại Vịnh Bổ Long, thôn Kỷ Tiểu Than, thị trấn Kỳ Hà, khu Du Dương, thành phố Du Lâm, tỉnh Thiểm Tây, cách trung tâm thành phố 8 km. Hiện đã xây dựng xong “Nhà kỷ niệm tác chiến phản kích tự vệ đối với Việt Nam”, “Nhà ký ức Nam Cương (biên giới phía Nam)”, “Tháp kỷ niệm anh hùng cách mạng đỏ” và các hạng mục trưng bày vũ khí mô phỏng, thể nghiệm huấn luyện quân sự, đi lại con đường trường chinh, xuyên rừng… Đây là khu công năng tổng hợp về giáo dục quốc phòng, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, giáo dục cán bộ đảng viên, giáo dục khoa học, đào tạo, hội nghị, nghiên cứu, tham quan, du lịch.

Tính đến nay, Công viên này đã tổ chức hơn 900 hoạt động đào tạo, giáo dục, huấn luyện quân sự cho học sinh trung tiểu học, cơ quan chính quyền, đơn vị sự nghiệp và cán bộ đảng viên, với hơn 110.000 người tham gia đào tạo. Các giới trong xã hội đến tham quan du lịch, thể nghiệm cuộc sống quân đội, tham gia giáo dục quốc phòng chủ nghĩa yêu nước lên tới hơn 1,2 triệu lượt người…

Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Tiền Thụ Căn (nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc) nhấn mạnh, việc xây dựng Nhà kỷ niệm đã tạo ra một nơi quy tụ tình cảm cho rộng rãi cựu chiến binh tham gia chiến tranh, cung cấp cho xã hội một địa điểm tuyệt vời về giáo dục bồi dưỡng. Trước chiến tranh, đó (nhà kỷ niệm) là người đi qua và người thu thập. Trước tương lai, đó là người thừa kế và người lan tỏa. Với sự kết hợp giáo dục chủ nghĩa quốc phòng yêu nước khô khan với trải nghiệm huấn luyện quân sự, xuyên rừng, vui chơi… để những người đến tham gia nghiên cứu, học tập, du lịch có thể vừa giải trí vừa thể nghiệm cuộc sống quân đội, ôn lại lịch sử đỏ, kích thích nhiệt tình yêu nước.

Sau Lễ khai trương, các đại biểu đã tham quan “Nhà kỷ niệm Cuộc chiến phản kích tự vệ Trung – Việt”, “Nhà ký ức biên giới phía Nam”, cảm nhận về máu nhuộm đỏ lên cờ của nước cộng hòa. “Nhà kỷ niệm Cuộc chiến phản kích tự vệ Trung – Việt” và “Nhà ký ức biên giới phía Nam” được hoàn thành xây dựng vào tháng 5/2021. Với chủ đề về chiến tranh biên giới Trung – Việt, hai công trình này đã thể hiện tinh thần Lão Sơn “không sợ khổ, không sợ chết, không sợ thiệt” và “chiến đấu gian khổ”, “cống hiến vô tư” của các anh hùng nhân dân, đã viết nên khúc hoan ca về bảo vệ nước nhà.

Song song với việc dịch – giới thiệu sự kiện nêu trên, ông Bin chia sẻ suy nghĩ riêng của ông thế này: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” và bài học Chiến tranh thế giới thứ hai còn nóng hổi (để tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, thế giới đã liên minh lại, gồm cả hai hệ tư tưởng đối lập, hai đối thủ lớn nhất – Liên Xô và Hoa Kỳ – và đã thắng lợi, cứu được cả loài người khỏi họa phát xít), nay đã đến lúc, để ngăn chặn và làm thất bại tham vọng bá chủ thế giới theo mô hình phi dân chủ, vị kỷ, tàn bạo của nhà cầm quyền Bắc Kinh, các quốc gia trên thế giới, trước hết là các nước lớn, vì lợi ích tối cao của chính mình, phải liên minh lại thì mới thắng lợi. Còn nếu mỗi nước, chỉ vì lợi ích vị kỷ, riêng rẽ của mình, thì nhất định sẽ thất bại.

Dân tộc Trung Hoa là một dân tộc vĩ đại, có một nền văn minh đáng tự hào, khi đó sẽ xây dựng một Trung Quốc dân chủ, văn minh, hùng cường, vĩ đại, tòan dân được hưởng cuộc sống xứng đáng, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển, hòa đồng và có vị trí cường quốc xứng đáng được tôn vinh trên thế giới, cũng giống như các nước Đức, Nhật và Ý ngày nay.

***

Khác với Trung Quốc, đến giờ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn cố gắng lờ đi tất cả những gì có liên quan đến xung đột biên giới Việt – Trung kéo dài từ cuối thập niên 1970 đến cuối thập niên 1980. Tưởng niệm, tri ân những người từng cầm súng, đã hy sinh trong cuộc chiến vệ quốc đó chỉ từ dân, trong dân và do… yêu cầu chính trị, thỉnh thoảng xuất hiện trên hệ thống truyền thông chính thức.

Ngay vào thời điểm này, dẫu mức độ hung hăng, càn rỡ của Trung Quốc trên biển Đông tiếp tục gia tăng (4), hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ gia tăng… thảo luận với thiên hạ về… tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở biển Đông, hy vọng thiên hạ tham gia giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới!..

Sáu năm trước, ông Trọng từng vặn hỏi những đồng chí, đồng bào bày tỏ sự âu lo và thắc mắc rằng cả ông lẫn đảng của ông sẽ làm gì khi Trung Quốc càng ngày càng hung hăng trong việc xác lập chủ quyền đối với 80% diện tích biển Đông của Việt Nam: Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội đảng được không (5)?

Đại hội 12, rồi đại hội 13 đều… thành công tốt đẹp, Tết vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc tiếp tục nhắn nhủ: Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống với Việt Nam, sẵn sàng cùng với Việt Nam tăng cường trao đổi chiến lược, thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, định hướng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt – Trung không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định, mang lại lợi ích thiết thực cho dân chúng hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới (6), vỗ về ông Nguyễn Phú rọng và đảng của ông nên… quản lý hợp lý sự khác biệt trên biển và chống lại sự xúi giục của các thế lực bên ngoài (7).

Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh, nỗ lực hợp tác, siết chặt quan hệ với Việt Nam là vì lợi ích thiết thực của cả hai bên, Mỹ không yêu cầu Việt Nam phải chọn phe, đồng minh cũng như đối tác của Mỹ tự do xây dựng tương lai của chính mình, trở ngại duy nhất trong quan hệ Mỹ – Việt là khác biệt trong nhận thức, hành xử liên quan tới nhân quyền (8). Còn Việt Nam, xét cho đến cùng, “ba không” rồi “bốn không” chỉ xoay quanh một “không” – không để vuột mất đặc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng CSVN.

“Ba không” rồi “bốn không” chắc chắn đã góp phần đáng kể vào việc ngăn chặn sự hiện diện của hệ thống kho dự trữ quân cụ, quân nhu, các loại vật phẩm nhằm giúp quân đội Mỹ có thể triển khai nhanh các chiến dịch nhân đạo, giúp giải quyết hậu quả thiên tai tại khu vực Đông Nam Á nhờ các nguồn tiếp liệu đã sẵn sàng… trên lãnh thổ Việt Nam.

Cứ tìm thêm thông tin về các chiến dịch nhân đạo mà trước nay quân đội Mỹ từng thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới rồi đối chiếu với thực trạng đại dịch đang càng ngày càng tồi tệ ở Việt Nam sẽ có thêm chuyện để ngẫm về… giá của “giữ gìn, phát triển quan hệ hữu nghị Việt – Trung”! Giá của giải pháp… đu dây nhằm tổ chức đại hội đảng lần thứ n, vốn vẫn thường được tụng ca là… “tài tình, sáng suốt”!

Chú thích

(1) https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/hoa-ky-coi-trong-quan-he-doi-tac-toan-dien-voi-viet-nam-657371/

(2) https://www.armytimes.com/pay-benefits/military-benefits/2016/08/25/army-grows-pacific-pathways-ties-with-asian-partners/

(3) https://www.facebook.com/dinh.nguyen.94009841/posts/4331251996937099

(4) https://thanhnien.vn/the-gioi/tau-chien-my-phoi-hop-hanh-dong-o-bien-dong-giua-luc-trung-quoc-tap-tran-1422075.html

(5) https://soha.vn/xa-hoi/tong-bi-thu-neu-dung-do-tren-bien-ta-co-ngoi-day-duoc-khong-20151208144743885.htm

(6) https://baoquocte.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-dien-dam-voi-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-trung-quoc-tap-can-binh-107894.html

(7) https://www.voatiengviet.com/a/ong-tap-khuyen-ong-trong-chong-lai-su-xui-giuc-cua-cac-the-luc-ben-ngoai/5771160.html

(8) https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-austin-thuc-day-quan-he-quoc-phong-voi-vietnam-du-van-quan-ngai-ve-nhan-quyen/5983266.html

Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét