Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

20210724. GÓP Ý VỀ CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 (2)

 ĐIỂM BÁO MẠNG

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC CHỐNG COVID-19 TẠI VIỆT NAM

BORISTO NGUYỄN/ BVN 22-7-2021


Ảnh: Vietnamnet, Thanh Niên. Thiết kế: Luật Khoa.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam hiện rất căng thẳng, diễn biến theo chiều hướng xấu, không như trước. Là con dân Việt, người Việt Nam sống xa quê cũng rất lo lắng, quan tâm đến tình hình dịch bệnh đang bùng phát ở Việt Nam.

Tôi xin trình bày một vài suy nghĩ, hy vọng sẽ có ích cho việc tổ chức phòng dịch Covid tại Việt Nam.

Để có những phương án, chiến lược chống dịch được tốt, theo tôi phải có cách nhìn hệ thống, xuất phát từ việc đánh giá hiện trạng, khả năng của hệ thống y tế - xã hội, xác định thật đúng mục tiêu rồi mới đưa ra các phương án, kịch bản chống dịch cho thích hợp.

ĐẶC THÙ của Covid-19

– Coronavirus có tỷ lệ tử vong trên tổng số người bệnh tương đối thấp, tùy từng nước dao động trong khoảng 1%-3%. Tỷ lệ này ít hơn nhiều so với một số virus khác, chẳng hạn như Ebola hơn 70%. Tỷ lệ người mắc Covid không có triệu chứng hay bị nhẹ rất lớn, nhất là người trẻ và trẻ em. Có thể nói, coronavirus là loại virus yếu, khả năng gây tử vong hay bệnh nặng không lớn. Nhưng đây lại chính là điều nguy hiểm, gây tác động rất lớn cho xã hội. Vì nhiều người bị mắc bệnh mà không biết nên chủ quan trong việc giãn cách, hạn chế tiếp xúc, và họ biến thành nguồn phát tán, lây bệnh. Kết quả là tổng số người mắc bệnh rất lớn và số tử vong cũng vậy.

– Và cũng vì người bệnh không có triệu chứng nên việc xác định chính xác số người dính Covid là khó, nên khả năng bỏ sót, không phát hiện hết người bệnh là rất lớn. Khi số người mắc bệnh lọt ra cộng đồng đủ lớn thì việc truy tìm, đuổi bắt sẽ không còn hiệu quả.

– Hiện chưa có thuốc đặc chủng, phác đồ điều trị đảm bảo có hiệu quả cao.

– Qua những gì được chứng kiến tại Nga thì diễn biến dịch bệnh, việc lây lan, mắc bệnh rất khó lường. Tất nhiên, thực hiện giãn cách xã hội nghiêm chỉnh và tuân thủ các khuyến cáo của y tế sẽ giảm rủi ro lây bệnh. Tuy nhiên, có những trường hợp người sống cùng, giao tiếp trực tiếp với người bệnh lại không bị nhiễm bệnh, nhưng ngược lại có người rất cẩn thận, cả tháng tự cách lY trong nhà, chỉ một lần xuống cửa hàng mua hoa quả thì bị lây bệnh rồi tử vong.

– Trong quá trình lan truyền, coronavirus phát sinh ra nhiều biến chủng mới, ngày càng mạnh và nguy hiểm, triệu chứng thay đổi. Điều này làm cho các phương pháp chữa bệnh cũ hay vắc xin sẽ không còn hiệu quả như trước.

MỘT VÀI NÉT ĐẶC THÙ của Việt Nam (từ góc nhìn đại dịch)

– Mật độ dân số rất cao, cách sống túm tụm, thích tập trung đông người, môi trường vệ sinh kém là điều kiện thuận lợi cho việc lây lan, mắc nhiễm.

– Hạ tầng y tế yếu, cả về mặt cơ sở vật chất lẫn đội ngũ nhân viên y tế. Vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về trình độ. Việt Nam không phải không có bác sĩ giỏi, nhưng đứng về mặt hệ thống thì y tế Việt Nam là tương đối yếu.

Có 2 nhược điểm khá rõ. Thứ nhất, đó là sự chênh lệch quá lớn giữa trung ương, các thành phố lớn, với địa phương. Yếu kém thứ hai là hệ thống nhân viên phục vụ y tế, điều dưỡng viên. Bệnh viện không là một thể khép kín, vẫn phải dùng người nhà, người ngoài vào phục vụ, đưa cơm nước thì khó tránh khỏi lây ra ngoài. Khi số lượng bệnh nhân ít thì có thể giải quyết tạm thời nhưng khi số lượng bệnh nhân rất nhiều thì đây sẽ là một vấn đề giải quyết không đơn giản.

– Ý thức người dân chấp hành các quy định của nhà nước về dịch bệnh khá tốt so với các nước châu Âu, nhà nước có thể tiến hành các biện pháp chống dịch mạnh mà ít bị phản kháng.

VẮC XIN CHỐNG COVID-19

Không thể không nhắc đến điều thuận lợi rất quan trọng là thế giới đã có các loại vắc xin khác nhau. Tình hình hiện nay khác hẳn một năm trước, khi vắc xin chưa có (và cũng chưa có thuốc đặc chủng, phác đồ chữa bệnh chuẩn). Khi thế giới đã có vắc xin, lối ra cũng đã nhìn thấy. Ngoài ra, bây giờ có thuận lợi là thế giới không còn khan hiếm vắc xin như trước, khi mà nhiều nước đã ký hợp đồng, trả tiền trước từ lâu mà vẫn không có thuốc.

MỤC TIÊU

Quan trọng nhất là cần xác định đúng mục tiêu. Mục tiêu có thể chỉ là chống và dập tắt dịch bằng mọi giá, các vấn đề khác kể cả kinh tế đều là thứ yếu. Có vẻ như Việt Nam đã và hiện đang thiên về mục tiêu này.

Đại dịch Covid-19 không chỉ gây tổn thất về người mà còn gây tác hại rất lớn đến nền kinh tế. Hầu hết các nước châu Âu và Mỹ coi cả việc chống dịch và giữ vững kinh tế khỏi rơi vào khủng hoảng đều quan trọng như nhau.

Một bên là bài toán một mục tiêu, bên kia là bài toán hai mục tiêu, cách chống dịch sẽ rất khác nhau. Một bên sẽ thực hiện những biện pháp siết chặt, chấp nhận những thiệt hại cho nền kinh tế nói chung hay cho một nhóm đối tượng nói riêng. Bên kia điều tiết các mức độ siết vào hay mở ra tùy theo mức độ dịch bệnh, thực hiện biện pháp mạnh chỉ trong tình huống đỉnh điểm của dịch, không những vậy còn đưa ra rất nhiều các biện pháp để trợ giúp các doanh nghiệp và người dân.

CHIẾN LƯỢC chống dịch của Việt Nam, một vài cảm nhận

Cách chống dịch của Việt Nam cho đến nay về cơ bản là đi theo theo hai hướng: truy lùng và cách ly/phong tỏa. Nói vui kiểu dân dã là chiến lược đuổi gà, nhốt vịt. Với nước ngoài thì Việt Nam đóng cửa một cách tối đa, thậm chí công dân nước mình cũng cho về nước một cách nhỏ giọt. Khi có người dính bệnh thì truy vết, phong tỏa cả khu dân cư.

Bằng cách này Việt Nam đã thành công, ngăn chặn được dịch bệnh hơn một năm. Đó là thành tích đáng khích lệ.  Tuy nhiên, đây chỉ là mặt phải của tấm huy chương. Mặt trái của nó bây giờ đang bộc lộ.

Việt Nam có hơn một năm dịch bệnh gần như không đáng kể. Đó là khoảng thời gian vàng khá dài quí báu mà ít nước nào có được. Đọc báo chí, theo dõi tình hình trong nước tôi có cảm giác Việt Nam ngất ngây, ngạo nghễ quá lâu mà bỏ phí quãng thời gian quí báu này để có những bước chuẩn bị cần thiết khi dịch bệnh bùng nổ, khi cuộc chiến mới thực sự bắt đầu.

Có một vài nhận xét về cách chống dịch của Việt Nam:

– Việc siết chặt, chỉ nhỏ giọt cho công dân Việt từ nước ngoài về nước và báo chí cổ vũ cho chính sách này đã làm cho nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Chắc không ít người có cảm giác bị bỏ rơi, tủi thân khi nghĩ về Tổ quốc. Ở đây tôi chỉ nói đến công dân Việt chứ chưa nói đến người nước ngoài gốc Việt. Chuyện 26 người Huế đi tàu về quê bị Huế từ chối nhận, không cho xuống ga và chuyện công dân Việt không được phép trở về quê hương mình là hoàn toàn tương tự. Cảm giác của 26 người dân Huế chắc cũng giống cảm giác của không ít đồng bào mình ở nước ngoài muốn về mà không được về. Cũng phải nói thêm, nhiều nước cũng phải đối diện với việc cho phép hay không công dân mình quay về nhưng không mấy nước làm như Việt Nam. Năm ngoái, đầu tháng 3 Nga gần như đã hết dịch nhưng sau đó do đón ồ ạt công dân mình về nên dịch bệnh bùng phát. Khi được hỏi: tại sao lại đón ồ ạt công dân từ nước ngoài về, ngoại trưởng Nga Lavrov có trả lời đại ý: theo hiến pháp, công dân Nga có quyền ra khỏi và quay về nước bất cứ lúc nào, nhà nước phải tạo điều kiện cho họ.

– Tỷ lệ người mắc Covid  không có triệu chứng rất lớn, sai số của test Covid khá cao (theo ý kiến của các chuyên gia Nga thì sai số có thể lên tới 35%, trên thực tế không ít người test 2 thậm chí 3 lần cho kết quả âm tính, lần sau đó lại dương tính). Vì những lý do này việc bỏ sót, lọt người mắc bệnh ra cộng đồng là khó tránh khỏi. Thêm nữa, việc đưa người nhập lậu qua biên giới hay những lỗ hổng khác cũng là các nguyên nhân làm lọt người mắc bệnh và lây lan ra cộng đồng. Đó chính là những rủi ro, nỗi lo sợ bệnh dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Điều này sớm muộn cũng sẽ phải xảy ra.

– Vì nhận thức được việc dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng là khó tránh khỏi, và coi mục tiêu kinh tế cũng quan trọng không kém việc dập dịch, các nước có chiến lược chống dịch hoàn toàn khác với Việt Nam. Họ không chạy theo việc truy đuổi và cách ly như Việt Nam đã và đang làm. Họ không lùa các F1 vào các khu cách ly, không đưa tất cả F0 vào bệnh viện, không phong tỏa một cách cứng nhắc các cụm dân cư theo kiểu nội bất xuất ngoại bất nhập rồi để gây ra biết bao nhiêu hệ lụy…

– Để chống dịch Covid cần phải có cách nhìn hệ thống. Đây là bài toán phức tạp với nhiều tham số, nhiều mục tiêu và nhiều bài toán con cần giải quyết một cách đồng bộ. Nếu không nhận thức được điều này, không lường được độ phức tạp của bài toán, không dự báo được các tình huống sẽ xảy ra và không có chiến lược thích hợp, quy trình giải quyết, không có sự chuyển bị trước mà luôn chạy theo tình huống thì dễ dẫn tới rối loạn điều khiển. Cần phải hiểu chống Covid không chỉ đơn thuần là bài toán dịch tễ mà còn là bài toán kinh tế và quản lý hệ thống/xã hội trong điều kiện rất phức tạp mà không thể giải quyết bởi tư duy phong trào hay theo thói quen cháy nhà mới lo dập lửa.  Cần phải có tư duy hệ thống, xác định chính xác bài toán, chỉ ra được những vấn đề cần phải giải quyết để bố trí nguồn lực thực hiện và tìm hướng giải quyết, một cách đồng bộ.

– Xin gạch một vài đầu dòng những mảng công việc không thể không được lưu tâm:

* Tiến hành củng cố, nâng cấp hệ thống y tế để sẵn sàng chống dịch: xây bệnh viện dã chiến; nâng cấp, chuyển đổi công năng một số bệnh viện; mua sắm trang bị các thiết bị y tế cần thiết, … và đặc biệt là huy động hết nguồn nhân lực, bồi dưỡng đào tạo lại đội ngũ nhân viên y tế.

Trang thiết bị y tế có thể mua sắm, bệnh viện có thể nâng cấp, số giường bệnh có thể tăng nhưng nguồn lực nhân viên y tế là có hạn, đây là điều đáng lo nhất của nhiều quốc gia. Việc nâng cao năng lực, chuyển đổi công năng, sử dụng nguồn lực của hệ thống y tế, cả về vật chất lẫn nguồn nhân lực, cũng phải có tính toán, cân nhắc hợp lý chứ không thể dựa vào cảm tính. Những việc này cần được tiến hành sớm chứ không phải khi tình hình phức tạp mới bắt đầu lo. Việt Nam có một thời gian dài để làm chuyện này nhưng đáng tiếc đã bỏ phí thời gian, không có sự quan tâm đầy đủ.

* Đánh giá đúng tình hình dịch bệnh thông qua việc tiến hành test đại trà. Việc test đại trà ở các nước theo tôi có mục đích hơi khác với Việt Nam. Việt Nam thực hiện test nhằm để truy đuổi tìm dấu vết người bệnh rồi thực hiện cách ly, phong tỏa, cô lập với cộng đồng. Các nước test là để nắm rõ bức tranh lây nhiễm trong cộng đồng và từ đó có các chính sách, phương án chống dịch: điều tiết việc tăng giảm mức độ dãn cách xã hội, tăng cường thêm bệnh viện, số giường bệnh nếu cần thiết, tiến hành các biện pháp hỗ trợ kinh tế cho doanh nghiệp và các đối tượng người dân…

Nhân đây xin kể lại một ví dụ. Năm ngoái, khi làn sóng 1 bùng phát ở Nga, người ta làm một bản đồ online các địa chỉ (tòa nhà) tại Moscow có người bệnh nặng phải đi cấp cứu. Mọi người xem để biết mà đề phòng trong giao tiếp. Tuy nhiên, sau một thời gian thì bản đồ khắp nơi đều dày đặc các điểm bị đánh dấu đến mức trở thành vô nghĩa và người ta dừng cập nhật thông tin. Trong tình huống số lượng F0, F1 quá nhiều thì cách ly như Việt Nam liệu có khả thi?

* Điều lo ngại nhất đối với các nước là khi dịch bệnh bùng phát quá mạnh, số người bệnh quá nhiều thì hệ thống y tế sẽ bị quá tải và có nguy cơ sụp đổ. Do vậy, các nước đều phân loại người bệnh (F0) nếu bị nhẹ thì chữa ở nhà (bác sĩ của phòng khám khu vực khám, cho đơn thuốc và theo rõi qua điện thoại), chỉ có những trường hợp nặng (xác định qua các triệu chứng) mới được đưa đi bệnh viện. Các đối tượng cần cách ly (ví dụ, người đến từ các nước có tình hình dịch bệnh phức tạp, người sống chung với người bị bệnh...) đều tự cách ly tại nhà. Để theo dõi, quản lý việc thực hiện cách ly có thể có nhiều cách khác nhau, tùy theo mỗi nước.

* Cuộc sống, các hoạt động của xã hội trong đại dịch Covid khác rất nhiều với lúc bình thường. Mọi cái đều thay đổi, khó khăn rất nhiều, không chỉ là tính mạng và sức khỏe của người dân mà còn với cả kinh tế, cuộc sống, giáo dục, văn hóa thế thao và nhiều thứ khác. Dịch bệnh càng bùng phát thì càng phải siết chặt nhưng ngược lại vẫn phải lo làm sao để hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế, không để rơi vào khủng hoảng trầm trọng, doanh nghiệp phá sản, dân nghèo vào chốn đường cùng không còn kế sinh nhai. Làm được điều này khó hơn rất nhiều với việc chỉ dập tắt dịch bằng mọi giá…

Xin đưa một vài ví dụ:

+   Kể cả khi một thành phố bị siết chặt hay buộc phải phong tỏa thì các hoạt động quan trọng vẫn phải hoạt động, thành phố không thể để biến thành thành phố chết: các hiệu thuốc, cửa hàng thực phẩm, hệ thống an ninh, giao thông, vệ sinh… vẫn phải hoạt động. Muốn người dân vẫn được cung cấp đầy đủ, ví dụ, thực phẩm thì phải có sự chuẩn bị về nguồn thực phẩm, logistic, hệ thống cung cấp và phân phối, hệ thống mua, đặt hàng online và ship hàng. Đấy là chưa nói đến nhiều người dân chưa có kỹ năng, điều kiện để mua bán hàng online … Để làm được những điều này là cả một sự chuẩn bị công phu chứ không phải tự nhiên mà có. Cảnh người dân ở một số khu cách ly sống dở chết dở là một ví dụ minh chứng. Nếu qui mô dịch bệnh còn tăng nhiều thì lúc đó sẽ thế nào?

+  Vì dịch bệnh, ở những giai đoạn nhất định, nhiều hoạt động sẽ phải chuyển sang online, chẳng hạn các hoạt động giáo dục như dạy và học. Để làm được việc này chắc cũng phải có một sự chuẩn bị và thay đổi rất lớn chứ không đơn thuần là ra chỉ thị, công bố quyết định. Đảm bảo cơ sở vật chất (máy tính, mạng, phần mềm) ở nhiều nơi chắc không phải đơn giản? Rồi kỹ năng, phương pháp dạy và học của thầy và trò, các vấn đề về tổ chức… cũng phải thay đổi.

+  Một khi thành phố bị phong tỏa, nhóm đối tượng là dân nghèo không còn kế sinh nhai, nhà nước sẽ trợ giúp họ thế nào? Để họ tự phó mặc với cuộc đời hay trông chờ vào sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm? Nhà nước trợ giúp thì giúp bao nhiêu, theo cách nào để có hiệu quả?

+  Một ví dụ khác là về ngành du lịch. Du lịch (nhà hàng, khách sạn, công ty lữ hành…) là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Vậy thì nhà nước giúp đỡ bằng cách nào? Tình hình dịch bệnh lúc tăng, lúc giảm vậy thì khi nào đóng, khi nào mở, điều tiết mức độ đóng mở ra sao? Khi mở thì cần những biện pháp gì để giảm thiểu khả năng lây lan rồi bùng phát trở lại. Cảnh người dân chen chúc tại chùa Tam Chúc, tại lễ hội Đền Hùng hay bãi biển Vũng Tàu không lâu ngay trước đợt bùng phát lần này chắc nói lên nhiều điều.

Còn có rất nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết mà trong một note ngắn không thể liệt kê ra hết.

* Và điều quan trọng hàng đầu là vắc xin. Hiện chính phủ đang nỗ lực hết sức để có được vắc xin, tiêm phòng cho người dân. Đó là điều rất tốt. Lẽ ra còn tốt hơn nhiều nếu Việt Nam bắt đầu việc tìm kiếm và đặt mua vắc xin từ sớm chứ không phải bây giờ, khi dịch bệnh bùng phát.

Có rất nhiều điều phải suy nghĩ khi xây dựng chiến lược chống dịch Covid. Kể mà có nhiều thời gian thì cần thiết kế các mô hình về tình huống/hiện trạng, nhiệm vụ, chức năng, các kịch bản và cách giải quyết… để nhìn thấy toàn bộ bức tranh thì sẽ giúp ích nhiều trong việc ra các quyết sách cụ thể. Thời gian không cho phép nhưng việc đầu tiên là phải nhận thức đúng vấn đề, xác định chính xác bài toán, tìm hướng tiếp cận cho đúng.

Moscow, 18-07-2021

B.N.

Nguồn: viet-studies.net

TS VŨ THÀNH TỰ ANH: 'NÊN CHẤP NHẬN ĐỂ KINH TẾ 

CHỊU ĐAU NGẮN HẠN

PHƯƠNG ÁNH/ VnEx 16-7-2021


Giám đốc trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam cho rằng, đã tới lúc chấp nhận tổn thương kinh tế ngắn hạn để rộng đường ra quyết định chống dịch.

- Các biện pháp chống dịch của chúng ta ở đợt dịch lần này, theo ông, tại sao vẫn chưa mang lại kết quả như các đợt dịch trước?

Ở các đợt trước, khi có thể truy vết, khoanh vùng, dập dịch gọn gàng, Việt Nam đã duy trì được hoạt động kinh tế gần như bình thường. Nhưng lần này, biến thể Delta có tốc độ lây nhiễm rất nhanh, quy mô dịch lan rất rộng, hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch truyền thống như truy vết, cách ly, khoanh vùng... bị suy giảm, khiến lượng nhiễm Covid-19 tăng đột biến theo cấp số nhân.

Từ góc độ chính sách, một số quy định ban hành trong thời gian gấp gáp do phải phản ứng tức thời với tình thế, nên chưa để ý đúng mức đến việc thực thi. Đơn cử, việc người dân và lái xe qua lại giữa TP HCM và các tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính với nCoV hiệu lực chỉ trong 3 ngày, là sai về cả y tế (việc có kết quả âm tính hôm nay không đảm bảo sẽ không nhiễm trong 3 ngày kế tiếp) và kinh tế (tạo sự đứt gãy và gia tăng chi phí trong chuỗi cung ứng).

Về chiến lược, việc kiên trì mục tiêu kép – trong đó y tế chưa được ưu tiên đúng mức – có nghĩa là các biện pháp phòng chống dịch không đủ tốc độ, quy mô và sức mạnh cần thiết, chưa tương xứng tốc độ, quy mô và sức tàn phá của đại dịch.

Ở góc độ thực thi chính sách, trước áp lực phải xử lý "khủng hoảng", chúng ta có thiên hướng quá chú trọng đến các con số có tính báo cáo để đạt chỉ tiêu mà quên mất mục tiêu thực sự của chính sách. Ví dụ như đi xét nghiệm ào ạt nhưng thiếu tổ chức có thể dẫn tới mất an toàn về y tế, chất lượng xét nghiệm không đảm bảo, và kết quả xét nghiệm cũng thiếu tin cậy.

- Hôm qua, Chính phủ đã đưa ra định hướng chống dịch mới, trong đó thể hiện mục tiêu "bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân là trên hết, trước hết, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm cần thiết trong cuộc sống". Ông đánh giá thế nào về thay đổi này?

- Định hướng mới này đúng nhưng nó cần phải được thể hiện qua sự điều chỉnh chiến lược cũng như các quyết sách cụ thể. Tôi thấy chúng ta vẫn đặt nặng mục tiêu kinh tế, trong khi lẽ phải chấp nhận thực hiện các biện pháp chống dịch mạnh mẽ hơn, chấp nhận kinh tế "chịu đau" trong ngắn hạn để đổi lấy sự ổn định trong trung và dài hạn.

Ở tình thế này, mọi quyết sách đều phải đánh đổi, và cái giá phải trả sẽ đắt đỏ về cả y tế lẫn kinh tế. Tuy nhiên, kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam năm ngoái cho thấy, nếu kiềm chế được dịch bệnh thì kinh tế vẫn có thể tăng trưởng; đồng thời kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới trong 18 tháng qua cũng cho thấy, không kiềm chế được dịch bệnh thì khủng hoảng y tế tất yếu sẽ dẫn tới suy thoái kinh tế.

- Cơ sở nào ông nói chúng ta vẫn chưa chú trọng đúng mức tới mục tiêu y tế?

- Khác hẳn với ba đợt dịch trước, đến nay đã có tới 58 tỉnh thành có Covid-19 với hơn 38.600 ca nhiễm – tức là gấp hơn 10 lần so với cả ba đợt trước cộng lại. Việt Nam cũng đã trở thành một trong 25 nước có số ca nhiễm hàng ngày cao nhất thế giới. Nếu đà này tiếp diễn, hệ thống y tế của nhiều tỉnh thành sẽ nhanh chóng quá tải, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác.

Nếu tình trạng dịch căng thẳng kéo dài, mức độ lây lan tiếp tục gia tăng, theo tôi, Chính phủ cần tính đến phương án tuyên tình trạng khẩn cấp.

Có thể nhìn sang Tokyo như một trường hợp tham khảo. Ngày 7/7/2021, Tokyo ghi nhận thêm 920 người bị nhiễm trên quy mô dân số khoảng 14 triệu dân. Ngay ngày hôm sau, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo, bắt đầu áp dụng từ 12/7 đến 22/8, và đây là lần thứ tư Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm ứng phó với Covid-19.

Trong khi đó TP HCM, với dân số ít hơn Tokyo, đã ghi nhận trên 1.000 ca mỗi ngày trong một tuần nay, thậm chí có ngày trên 2.000 ca. Hay một tỉnh như Đồng Tháp, một ngày có 150 ca trên dân số 1,6 triệu người thì cũng không khác mức độ mỗi ngày 1.500 ca của TP HCM (trên dân số 10 triệu), trong khi điều kiện y tế yếu kém hơn rất nhiều.

Dịch bệnh cũng lan rất nhanh từ TP HCM sang các tỉnh lân cận ở cả vùng Đông và Tây Nam Bộ, mà những tỉnh này đều không đủ năng lực y tế, phải dựa vào chi viện từ bên ngoài nếu diễn biến phức tạp hơn. Nếu không có quyết sách đồng bộ, ngay cả khi TP HCM chống dịch thành công, cũng không bền vững vì dập được dịch ở cửa trước, dịch lại lẻn vào cửa sau do sự liên thông của các tỉnh cũng như do vị trí trung tâm vùng của TP HCM.

Thời điểm này, tôi cho rằng tạm thời không cần nhìn vào các chỉ số ngắn hạn của năm nay như GDP, tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu, FDI... Tầm nhìn chúng ta phải vượt qua năm nay, mới có thể đưa ra các phương án dài hạn hơn.

- Vậy theo ông, giờ chiến lược mới nên ưu tiên những gì?

- Đầu tiên là phải nhận diện đúng tầm mức khủng hoảng y tế lần này và có cách ứng xử tương xứng. Trong các đợt dịch trước là ưu tiên truy vết, khoanh vùng, dập dịch thì lần này phải ưu tiên xét nghiệm, điều trị, và vaccine để bảo vệ sinh mạng người dân và hệ thống y tế.

Tất nhiên không thể bảo vệ đại trà, mà cần theo các nguyên tắc về quản lý rủi ro, đặt ưu tiên lớn cho những khu vực và các đối tượng rủi ro nhất: Trong bệnh viện là bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân; ngoài bệnh viện là người cao tuổi và người có bệnh nền. Việc Bộ Y tế cho phép cách ly F1 tại nhà và giảm thời gian cách ly điều trị cho các trường hợp F0 không có triệu chứng lâm sàng là những biện pháp quan trọng giúp giảm tải cho hệ thống y tế.

Vaccine đóng vai trò then chốt nhưng việc cần làm là tìm cách trì hoãn tốc độ của dịch để chờ vaccine về kịp. Một biện pháp trì hoãn quan trọng là thực hiện giãn cách toàn xã hội. Kinh nghiệm của Việt Nam hồi tháng 4/2020 và của TP HCM hiện nay cho thấy, nếu trước sau cũng phải giãn cách thì nên thực hiện càng sớm càng tốt, chi phí, tổn thất càng ít và hiệu lực càng cao.

Dịch bệnh không có biên giới, vì vậy chiến lược chống dịch phải có cách tiếp cận tổng thể, là bài toán chung của quốc gia, của vùng chứ không phải của riêng một địa phương nào. Nếu không đồng bộ, cả nước sẽ luôn trong trạng thái dịch bệnh. Thay vì đau một lần, sẽ phải chịu đau dài dài.

Với tình trạng dịch bệnh ở phía Nam như hiện nay, tôi cho rằng cần mở rộng phạm vi áp dụng Chỉ thị 16 ở toàn vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

- Chúng ta vừa qua vẫn lúng túng trong việc làm sao để vừa kiểm soát được dịch mà đảm bảo lưu thông hàng hóa giữa các vùng kinh tế. Sau 4 đợt dịch bùng phát, tại sao vẫn bỡ ngỡ như lần đầu?

- Một vấn đề lớn là chúng ta chưa thấy rõ vai trò của một "Bộ tổng tham mưu" thực sự có khả năng quán xuyến tất cả phương diện khác nhau của dịch bệnh, bao gồm cả y tế, công nghiệp, thương mại, dân sinh... "Bộ Tổng tham mưu" là nơi xác lập mục tiêu, ưu tiên và ra quyết định ở cấp độ trung ương, ví như hệ thần kinh trung ương, qua các kênh dẫn truyền để đi tới các bộ ngành và địa phương. Còn Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 hiện nay chủ yếu tập trung về khía cạnh y tế, trong khi phòng chống dịch đòi hỏi một sự phối hợp tổng thể và đồng bộ giữa các bộ ngành, giữa các địa phương, và giữa trung ương với địa phương.

Ở cấp độ địa phương, từ lâu tồn tại một nhược điểm cố hữu là tính chia cắt, phân mảnh. Chính quyền địa phương được đánh giá bởi các chỉ tiêu thuần túy có tính địa phương mà thiếu tính liên kết vùng. Vậy nên xảy ra tình trạng cục bộ.

Trong đại dịch, do thiếu khuôn khổ chính sách đồng bộ và nhất quán từ Trung ương nên đối diện với tình trạng dịch bệnh khẩn cấp, mỗi địa phương tự đưa ra cách làm riêng để bảo vệ lợi ích của mình. Điều này tạo ra tình trạng khó khăn trong việc lưu thông lương thực, hàng hoá, dẫn tới tình trạng khan hiếm cục bộ và nhiều hệ lụy về cả kinh tế và xã hội.

- Nhiều lần ông nhắc đến việc không đặt nặng các yếu tố kinh tế trong ngắn hạn, nhưng nên làm gì khi cuộc sống của nhiều người dân đang điêu đứng, doanh nghiệp kiệt quệ?

- Dù không nhìn vào ngắn hạn, vẫn phải có biện pháp giảm đau và chữa trị cho kinh tế.

Đầu tiên là phải tìm cách bảo vệ sức sống của khu vực doanh nghiệp và sinh kế của người dân. Khi họ "nín thở" vì Covid-19, phải cấp cho họ "máy trợ thở". Chính phủ phải làm thế nào để đưa ra các biện pháp hỗ trợ hiệu quả hơn, ví dụ bên cạnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì nên giảm thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân.

Chính sách hỗ trợ phải trực tiếp giúp giảm chi phí và tăng thu nhập của doanh nghiệp và người dân, chứ không phải qua một chuỗi các thủ tục hành chính từ lên danh sách, nộp đơn, xét duyệt, giải ngân phức tạp và mất thời gian như hiện nay. Thủ tục bị kéo dài sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí cho người dân và doanh nghiệp, khiến họ thậm chí không muốn nhận hỗ trợ.

Cần bảo vệ và duy trì các huyết mạch kinh tế cơ bản, cụ thể là đảm bảo cung ứng đầy đủ, ổn định lương thực, thực phẩm thiết yếu và duy trì hoạt động công nghiệp, đặc biệt là các chuỗi cung ứng quan trọng.

Với các chuỗi cung ứng này, phải chấp nhận giảm quy mô, chỉ cho những đơn vị nào có đủ điều kiện giãn cách, cung ứng lao động tại chỗ hoạt động. Vì nếu có hàng chục nghìn người lao động di chuyển, khả năng sẽ tạo ra nhiều khe hở cho dịch bệnh bùng phát.

Từ góc độ vĩ mô, theo tôi phải đầu tư thật mạnh cho cơ sở hạ tầng và Thủ tướng rất giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trong thời gian ông làm Bí thư Quảng Ninh, địa phương này tự xây dựng được 200 km đường cao tốc. Nếu đẩy mạnh cơ sở hạ tầng, điều này sẽ tạo sức bật lớn hơn cho Việt Nam hậu Covid-19. Đầu tư công là khu vực có tính miễn nhiễm cao nhất với Covid-19 nên có thể đẩy mạnh.

Phương Ánh (thực hiện)

 TÂM THƯ 8 ĐIỀU GỬI CHÍNH PHỦ

YÊN KHẮC CHÍNH/ LK/BVN 22-7-2021

Chính quyền cần thể hiện trách nhiệm của mình trước khi yêu cầu người dân tin tưởng và ủng hộ.

Ảnh: Vietnamnet, Thanh Niên. Thiết kế: Luật Khoa.

Ngày 19/7/2021, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã có thư gửi đến toàn thể người dân thành phố, kêu gọi “sự ủng hộ, tin tưởng, cảm thông, chia sẻ”, đồng thời đề ra “8 giải pháp hiệu quả để chống dịch” [1].

Tuy không nhìn thấy điểm gì mới trong các giải pháp của người đứng đầu thành phố, nhưng tôi nghĩ đây là ý tưởng tốt cần nhân rộng.

Để hưởng ứng phong trào, mỗi người dân nên có tâm thư gửi đến lãnh đạo nhà nước, đề ra những giải pháp mà chính quyền cần thực hiện để chống dịch.

Tôi mạn phép đề xuất 8 giải pháp chính phủ cần làm để người dân có thể yên tâm chống dịch.

1. Chỉ rõ ai là người chịu trách nhiệm

Một trong những vấn đề lớn nhất thời gian qua là người dân không thấy quan chức chính quyền nào chịu trách nhiệm cho các chính sách ban ra.

Những quyết định phong tỏa được thực hiện dựa trên các chỉ thị 15, 16 hay 19 của thủ tướng Chính phủ, vừa có nội dung mơ hồ, lại vừa không có giá trị pháp lý [2].

Hệ quả là mỗi địa phương mạnh ai nấy làm, mỗi nơi một kiểu [3]. Có những địa phương kiên quyết ngăn sông cấm chợ [4]. Có những nơi ra công văn không tiếp nhận công dân từ nơi khác [5]. Lại có chỗ ra quy định kỳ khôi như cấm người dân đi xe máy mà khuyến khích đi lại bằng ô tô [6].

Chưa kể việc ra quyết định phong tỏa thành phố hơn 10 triệu dân theo kiểu đánh úp, khiến hàng hóa thiếu hụt, giá cả leo thang đến nay vẫn chưa ổn định hoàn toàn [7].

Ai chịu trách nhiệm cho những chính sách gây khó khăn vô lý cho người dân và doanh nghiệp?

Việc đóng cửa chợ truyền thống đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Trong ảnh, chợ Hòa Hưng, quận 10 bị phong tỏa từ ngày 27/6 đến nay vẫn chưa được mở lại. Ảnh: Vietnamnet.

Nếu không ai trong bộ máy nhà nước dám đứng ra lãnh trách nhiệm cụ thể cho những quyết sách của mình – nhẹ thì kỷ luật phạt tiền, nặng thì chủ động từ chức – làm sao họ có tư cách để yêu cầu người dân “ủng hộ, tin tưởng, cảm thông, chia sẻ”?

2. Trải thảm mời các chuyên gia độc lập góp ý

Một điều dễ nhận ra trong phương thức chống dịch tại Việt Nam là việc thừa mứa các khẩu hiệu hô hào chính trị nhưng vắng bóng ý kiến phản biện của những chuyên gia.

Mãi cách đây 10 ngày, người dân mới thấy Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đăng đàn “đã đến lúc ông cần phải gặp trực tiếp các chuyên gia, nhà khoa học để lắng nghe các ý kiến độc lập nhằm góp thêm phương pháp vào chiến lược chống dịch” [8].

Trên thực tế, ý kiến của các chuyên gia độc lập khó đến được người dân, huống chi là đến tai lãnh đạo.

Cách đây vài ngày, một bài phỏng vấn Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam, đăng trên VnExpress đã bị gỡ bỏ. Bản lưu bài báo cho thấy các ý kiến phân tích về chính sách chống dịch của nhà nước từ vị chuyên gia này hoàn toàn chừng mực, xác đáng, nhưng cuối cùng vẫn biến mất không lý do [9].

Đã không có bao nhiêu đất diễn trên các phương tiện truyền thông nhà nước, ngay trong các hội thảo khoa học (dường như độc lập với chính quyền), những quan điểm trái chiều cũng đang bị kiểm duyệt.

Điển hình như sự việc đang gây nhiều chú ý những ngày qua, khi Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, một chuyên gia y học tại Viện nghiên cứu City of Hope, California, Mỹ, vào giờ chót bị loại ra khỏi một cuộc tọa đàm khoa học. Chương trình này do AVSE Global – Hiệp hội các Nhà khoa học và Chuyên gia Việt Nam, tổ chức. Đây là một tổ chức được sáng lập ở nước ngoài, với mục đích liên kết các nhà khoa học người Việt, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam.

Lý do bị loại, theo thông tin đăng trên Facebook cá nhân của Tiến sĩ Vũ, là vì những người tổ chức không đồng tình với nội dung anh dự định trình bày, trong đó nêu các nghi vấn về một số loại vaccine sẽ được sử dụng ở Việt Nam [10]. Họ chỉ muốn anh nói theo đúng định hướng, khuyến khích người dân “tin vào chính phủ”, “có vaccine nào thì chích vaccine ấy”.

Chừng nào chưa trải thảm đỏ mời những chuyên gia, nhà khoa học độc lập góp ý, đồng thời công khai ý kiến của họ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chừng đó chính quyền không thể yêu cầu người dân đâm đầu nhắm mắt tin tưởng vào các khẩu hiệu chính trị sáo rỗng.

3. Công khai tình trạng tiêm vaccine của lãnh đạo

Cách đây không lâu, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng chỉ đạo “tránh tình trạng, tâm lý chờ đợi, lựa chọn vaccine, có loại nào phải dùng ngay loại đó” [11].

Đây là ý kiến hợp lý, xét đến việc vaccine đang là lựa chọn duy nhất để có thể thoát khỏi đại dịch. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh thiếu hụt vaccine, đồng thời có nhiều nghi ngại về hiệu quả và mức độ an toàn của một số loại vaccine, người dân có lý do để đắn đo suy nghĩ [12].

Những người đang nắm giữ vị trí lãnh đạo đất nước (từ trái qua): Phạm Minh Chính, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Phú Trọng, Vương Đình Huệ. Thông tin về tình trạng tiêm vaccine của các lãnh đạo đến giờ vẫn không được công khai. Ảnh: VGP.

Để giúp giải tỏa lo lắng, lãnh đạo nhà nước cần công khai việc mình đã tiêm vaccine loại nào. Thông tin về việc người nhà của họ có được tiêm hay chưa và dùng loại nào cũng cần được công bố.

Ngày nào còn giữ kín những thông tin vốn dĩ phải được công khai này, ngày đó người dân còn có quyền nghi ngờ vào chính sách phân phối vaccine công bằng của chính quyền.

4. Công bố báo cáo của Quỹ Vaccine Phòng chống COVID-19

Theo quy định từ Thông tư số 41/2021/TT-BTC [13], những người quản lý Quỹ Vaccine Phòng chống COVID-19 có trách nhiệm công khai báo cáo tài chính vào mỗi tháng, mỗi sáu tháng và mỗi năm. Thời điểm công khai báo cáo “chậm nhất sau ngày 10 kể từ ngày kết thúc tháng”.

Đến nay, báo cáo nói trên vẫn chưa được công bố trên trang web của quỹ lẫn trang web của Bộ Tài chính [14].

Không có báo cáo chi tiết các khoản thu chi, người dân không thể giám sát kiểm tra tính minh bạch và hiệu quả của số tiền này, và như vậy không thể yêu cầu người dân tin tưởng tiếp tục đóng góp vào quỹ.

5. Làm rõ nguy cơ lây nhiễm trong các khu cách ly

Việc người dân bị đưa vào trong khu cách ly và có thể nhiễm bệnh trong đó là một nguy cơ có thật, đã được cảnh báo nhiều lần. Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế cũng từng đưa ra kết luận tương tự [15].

Đến thời điểm hiện tại, chưa có một cuộc điều tra nghiêm túc nào được tiến hành về số ca đã bị lây từ các khu cách ly. Trong khi đó, chính quyền vẫn áp dụng chính sách đưa đi cách ly tất cả những ca bị nghi nhiễm, kể cả trẻ em [16]. Việc này không những khiến hệ thống y tế quá tải, còn khiến người dân hoang mang lo sợ.

Chỉ gần đây, chính quyền mới thử nghiệm việc cách ly các ca nghi nhiễm tại nhà, một việc lẽ ra có thể làm từ đầu.

Cần một đánh giá toàn diện về hiệu quả và hậu quả của chính sách cách ly tập trung, thay vì áp dụng cứng nhắc theo ý chí chính trị như trước nay.

Hình ảnh một đứa trẻ trong khu cách ly tại Phú Yên vào tháng 6/2021. Ảnh: Hải Đường/ Báo Thanh Niên.

6. Công khai ghi hình tất cả những trường hợp bắt phạt

Trong thời gian nhiều địa phương thực hiện phong tỏa, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều các phản ánh về tình trạng lạm quyền xử phạt.

Chỉ một số ít trong đó, như vụ “bánh mì không phải lương thực” ở Khánh Hòa vừa qua, là bị xử lý [17].

Cần nhớ rằng những trường hợp như trên là cán bộ chủ động ghi lại hình ảnh sau đó công khai lên mạng vì họ tưởng mình làm đúng, chờ đợi được khen thưởng.

Còn biết bao nhiêu trường hợp khác mà người dân không được phép ghi hình, chất vấn các quyết định xử phạt tùy tiện của cán bộ?

Cần có quy định ghi hình và công khai tất cả trường hợp xử phạt để người dân có thể khiếu nại. Nếu cán bộ không ghi hình và công khai băng hình thì quyết định xử phạt phải bị hủy bỏ.

7. Công khai hồi đáp các vấn đề về Bluezone và công nghệ nói chung

Ứng dụng công nghệ, trong đó có ứng dụng Bluezone, luôn được chính quyền quảng bá là phương thức hiệu quả để hỗ trợ chống dịch.

Tuy vậy, những người chịu trách nhiệm quản lý các ứng dụng công nghệ hầu như không đả động gì đến các ý kiến chất vấn của giới chuyên môn về tính hiệu quả, an toàn và bảo mật thông tin cá nhân của các giải pháp này.

Các cuộc thảo luận chỉ diễn ra sôi nổi ở những diễn đàn công nghệ, hoàn toàn không được phổ biến cho công chúng [18]. Những lo ngại của các chuyên gia hoặc được âm thầm xử lý, hoặc bị lãng quên không hồi đáp.

Chính quyền cần tổ chức các buổi thảo luận công khai, hồi đáp mọi ý kiến phản biện từ các chuyên gia độc lập.

Những lời hứa như của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra vào đầu tháng Sáu, trong đó khẳng định “dữ liệu cá nhân liên quan phòng chống dịch sẽ được xóa sau một tháng lưu trữ” cần được công khai thẩm tra để biết nó có đang được thực hiện hay không [19].

8. Dừng ngay việc đàn áp, quấy nhiễu những người bất đồng chính kiến

Bất chấp tình hình dịch bệnh, chính quyền vẫn không ngừng tung quân đi bắt giữ những người bất đồng chính kiến [20].

Chỉ tính trong tháng Sáu đã có nhiều trường hợp đáng chú ý như việc truy nã và bắt giữ blogger Lê Văn Dũng (Lê Dũng Vova), khởi tố và bắt tạm giam ba người dùng mạng xã hội Facebook tại Quảng Ngãi, vụ bắt giữ nhà hoạt động Đỗ Nam Trung, sự kiện khởi tố và bắt tạm giam nhà báo Mai Phan Lợi cùng luật sư Đặng Đình Bách, v.v.

Những hành động trấn áp này của chính quyền gửi đi một thông điệp cảnh cáo đến người dân, rằng không ai được phép lên tiếng chỉ trích nhà nước.

Nhưng một nhà nước không cho phép người dân chỉ ra cái sai, cái xấu, cái tệ hại của mình thì làm sao có thể yêu cầu người dân ủng hộ?

Trong tình cảnh dịch bệnh, người dân chứ không phải cán bộ nhà nước mới là đối tượng phải gánh chịu phần lớn thiệt hại kinh tế. Ở hoàn cảnh khó khăn này mà chính quyền còn quyết tâm bịt miệng các ý kiến khác biệt thì lấy tư cách gì để đòi hỏi người dân tin tưởng, cảm thông hay chia sẻ?

Y.K.C.

----

Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

Nguồn: Luật Khoa tạp chí

ĐẾN LÚC NÀY PHẢI NHẬN THỨC VỀ 'MỤC TIÊU KÉP'  THEO HƯỚNG ĐỔI MỚI HOÀN TOÀN

THẾ KHA/ DT 22-7-2021

Dân trí

 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, đến lúc này chúng ta phải nhận thức về "mục tiêu kép" theo hướng đổi mới hoàn toàn.

Chiều 22/7, Quốc hội thảo luận tại tổ về các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021 và kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đại biểu tỉnh Thanh Hóa) cho biết, từ năm 2020 tới nay có những biến động mạnh. Diễn biến dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn với tình huống hoàn toàn khác trước, phức tạp và khó lường hơn.

Việc giãn cách xã hội các tỉnh, thành phố vừa qua đã được Chính phủ tính toán rất kỹ lưỡng. Ở TPHCM, dù gần hết giai đoạn giãn cách nhưng khả năng sẽ phải kéo dài hơn. Trong khi đó, các cơ sở y tế đều đang trong tình trạng quá tải.

Đến lúc này phải nhận thức về mục tiêu kép theo hướng đổi mới hoàn toàn - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi thảo luận chiều 22/7 (Ảnh: Mạnh Dũng).

"Thành trì vững chắc, nơi tăng trưởng kinh tế là khu công nghiệp, khu chế xuất thì dịch cũng đã tấn công. Sau Bắc Giang, Bắc Ninh thì giờ là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai. TPHCM thì có 1,6 triệu công nhân, Đồng Nai 1,2 triệu và Bình Dương có khoảng 1,2 triệu"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và nhận định chỉ riêng 3 địa phương phía Nam mà "vỡ trận" thì rất nguy hiểm.

Theo ông, đến lúc này chúng ta phải nhận thức về "mục tiêu kép" theo hướng đổi mới hoàn toàn. "Trước đây mục tiêu kép là đồng thời cả 2 việc, nhưng bây giờ không thể có được. Trong hoàn cảnh như ở TPHCM bây giờ chỉ ưu tiên chống dịch hay ưu tiên phát triển kinh tế"- ông nói.

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý hàng trăm cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy và cũng đang phải căng mình ra tìm cách chống dịch Covid-19. Mới nhất, tại Trung tâm cai nghiện Bố Lá (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) có hơn 800 người nghiện và hơn 80 cán bộ, công chức, viên chức đã có trên 500 người cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.

"Bây giờ bảo tách ra thì giờ họ là F1 nhưng không biết ngày mai có là F0 không. Vì thế nên nhận thức về mục tiêu kép bây giờ phải khác, phải chấp nhận tốc độ phát triển chậm lại, hi sinh một phần kinh tế để mà chống dịch vì an toàn sức khỏe của người lao động"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ quan điểm.

Ông cho rằng muốn phát triển kinh tế tốt thì chỉ có cách sống chung với dịch, phải miễn dịch cộng đồng và do đó buộc phải có chiến lược vắc xin. Vừa qua nhiều người nói sao không cho doanh nghiệp A, doanh nghiệp B mua vắc xin, nhưng thực tế không có doanh nghiệp nào mua nổi.

"Tất cả các hãng vắc xin trên thế giới đều đi tới thống nhất với nhau chỉ hợp tác với Chính phủ. Hợp tác ở đây là hợp tác không có điều kiện. Hiện đã đặt mua được 140 triệu liều của các hãng khác nhau rồi nhưng phải chấp nhận những tình huống vô cùng khó, có những cái phải vượt luật, bởi vì sử dụng trong tình huống cấp bách, đặc biệt"- ông Dung thông tin.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dự báo trong bối cảnh dịch dã như thế này chúng ta không thể đạt được miễn dịch cộng đồng trong năm 2021.

Đề nghị phân phối nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp

Theo đại biểu Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau), nếu nước ta đạt được miễn dịch cộng đồng 60-70% thì yên tâm phát triển kinh tế, nhưng đến giờ đang phải căng mình ra chống dịch. Vì vậy phương hướng, kế hoạch từ nay đến cuối năm 2021 chỉ là câu chuyện xoay quanh chuyện dập dịch.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) thì đưa ra hai mặt sáng - tối của bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 mà ông băn khoăn: Trong điều kiện dịch bệnh một số ngành công nghiệp, nông nghiệp có mức tăng trưởng tốt nhưng ngành dịch vụ lại tăng trưởng âm. Cán cân xuất nhập khẩu bắt đầu thâm hụt. Có 67.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm nhưng kèm theo đó là hơn 70.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Các thông tin cho hay những tháng đầu năm 2021 đại dịch tác động tới 80% doanh nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp khác niêm yết trên thị trường chứng khoán lại có lợi nhuận cao…

Ông Hiếu cho rằng tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 này rất khác so với những lần khác. Từ đó ông đề nghị phân phối nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp thực sự cần thiết và có thể sống sót được, không dành nguồn lực cho các doanh nghiệp đương nhiên rút khỏi thị trường, dù không có đại dịch Covid-19 xảy ra vẫn không thể sống nổi.

Ngoài ra, cần cân nhắc miễn thuế VAT cho các doanh nghiệp đang thực hiện "3 cùng" tại các nhà máy, xí nghiệp. "Tôi đề nghị, năm 2021 không nên ban hành bất kể quy định nào khiến tăng chi phí của doanh nghiệp. Thậm chí là tạm dừng một số chi phí không cần thiết như lắp camera cho xe kinh doanh vận tải"- vị đại biểu đề xuất.

Thế Kha

ƯU TIÊN KHOE, TỰ DO HỚN HỞ

ĐỖ DUY NGỌC/ TD 21-7-2021



Mạng xã hội sau vụ bánh mì lại nổi sóng rầm rộ về vụ một cô từng là hoa khôi báo chí tên V. P. Anh ở Hà Nội khoe trên facebook của mình là đã được chích ngừa virus Vũ Hán với thuốc của hãng Pfizer nhờ chạy cửa hậu do oai của ông ngoại. Với những hình ảnh khoe trên face cá nhân, người ta thấy rõ cô gái này xuất thân từ gia đình giàu có, lắm tiền, nhiều của, gia thế là quan chức. Thì ông ngoại phải ở level nào mới xin cho con cháu suất ưu tiên chích Pfizer chớ!

Ở Việt Nam giờ đa phần là Moderna, AstraZeneca, Sputnik V, Sinopharm. Thuốc Pfizer của Mỹ rất ít, cho đến nay chính phủ Mỹ mới gởi 96.000 liều Pfizer hỗ trợ Việt Nam chống dịch. Đương nhiên với số lượng ít ỏi như thế, thuốc này chỉ dành riêng cho các đối tượng rất đặc biệt. Nói thế là hiểu rồi nhé, không nói thêm. Như vậy nhờ oai ông ngoại, cô gái này đã được ưu tiên chích trước và ưu tiên được chích Pfizer, cũng theo nội dung cô đăng trên face, cô cũng chẳng phải cần đăng ký.

Hàng chục triệu nhân dân đang chờ được tiêm chủng. Hàng triệu người ở tuyến đầu chống dịch cũng chưa được tiêm đủ người. Sao một cô gái không thuộc đối tượng nào trong danh sách lại được ưu tiên. Và tui tin chắc rằng không chỉ riêng cô này mà còn nhiều, rất nhiều con ông cháu cha khác cũng được ưu tiên như cô ấy và cũng được chọn thuốc tốt như cô ấy. Nhưng họ lặng im vì họ không muốn người khác bất bình. Còn cô thì hớn hở muốn khoe cái sự được hơn người. Người ta khó chịu không phải ganh tỵ mà người ta bất bình vì sự bất công.

Tấm hình giấy chứng nhận đã được tiêm chủng của cô gái này như chọc vào mắt đám dân nghèo đang lầm lũi lo miếng ăn chờ được để mắt tới. Những người già cũng đang chờ, chẳng biết khi nào được gọi dù họ là thành phần dễ nhiễm bệnh và dễ tử vong vì sức đề kháng yếu và có bệnh nền. Về mặt nguyên tắc, họ là đối tượng ưu tiên nhưng chẳng hề được ưu tiên. Và giờ chót có thể họ sẽ được chích thuốc Sinopharm của Tàu.

Cô ấy muốn cho cả thế giới biết gia đình cô giàu có và rất quyền thế. Đời làm đếch gì có sự công bằng! Sự việc xuất hiện khi người nhiễm bệnh và tử vong càng lúc càng nhiều ở Sài Gòn và nhiều tỉnh, thành phố của cả nước phải giãn cách vì dịch. Hình ảnh khoe khoang, tự hào của cô ấy diễn ra trong lúc đội ngũ y bác sĩ đang kiệt sức vì chống dịch, khi các bệnh viện quá tải và thiết bị y tế đang thiếu trầm trọng.

Những tấm ảnh và sự hớn hở như trêu ngươi. Đó là một sự bất công. Dù vẫn biết xã hội này khó tránh được những ưu tiên phi lý thế này, nhưng lòng vẫn căm phẫn.

***

(*) Ghi chú của Tiếng Dân: Moderna là vaccine của Mỹ, cũng sử dụng kỹ thuật mới mRNA và có tác dụng ngăn ngừa bệnh dịch tương đương với vaccine Pfizer-BioNTech.

Đỗ Duy Ngọc

THỌ BÁNH MỲ, ĐƠN LẺ HAY PHỔ BIẾN

UÔNG NGỌC DẬU /TVN 23-7-2021

Khi ông Nguyễn Sỹ Khánh, Chủ tịch UBND TP Nha Trang gửi thư xin lỗi, nhận khuyết điểm với công dân Trần Văn Em, đó chính là hành động cầu thị và tử tế.

Bức thư được gửi đi chỉ 2 ngày sau khi anh Em bị phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa chặn phạt vì đi mua bánh mỳ trong ngày giãn cách.

Thời thế tạo biệt danh

Bây giờ thì vị Phó chủ tịch phường Vĩnh Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà Trần Lê Hữu Thọ đã được mặc định cái biệt danh: Thọ “bánh mỳ không phải lương thực”. Gọi cho ngắn gọn, là Thọ Bánh mỳ.

Thọ bánh mỳ, đơn lẻ hay phổ biến?
Tổ công tác phường Vĩnh Hòa đưa xe của anh Trần Văn Em về phường

Suốt tuần qua, biệt danh này trở thành vấn đề thời sự, nóng, trên truyền thông, trong đời sống, và cả trong nghị trường Quốc hội.

Thời thế tạo anh hùng, đương nhiên. Thời thế còn tạo biệt danh.

Đơn lẻ hay phổ biến

Trong hàng ngũ quan chức xã, phường, hiện tượng Thọ Bánh mỳ là đơn lẻ hay phổ biến?

Tôi nhận thấy, về đại thể, nó là đơn lẻ…

Là vì, trong bối cảnh đại dịch Covid, mỗi xã phường là cả hệ thống chính trị đông đảo cùng vào cuộc, nhưng chỉ mình anh ta - Trần Lê Hữu Thọ, tự bộc lộ và chịu sự chỉ trích, và có thể sẽ bị xử lý kỷ luật!

Đơn lẻ, là vì, cũng trong bối cảnh đại dịch, các tỉnh thành thuộc diện phải thực hiện giãn cách, phong toả, có hàng nghìn đơn vị cấp xã, phường, thì chỉ mới phường Vĩnh Hoà, thành phố Nha Trang là để xảy ra chuyện.

Đơn lẻ, là vì anh ta chỉ là một, trong khi hàng ngày xuất hiện không ít những cán bộ cấp xã, phường không quản ngại khó khăn gian khổ, đồng cảm với bao cảnh ngộ, chấp nhận mất mát hy sinh, ngày đêm cùng nhân dân ngăn dịch, an dân, ổn định sản xuất.

Nhưng, ở góc nhìn khác, trường hợp Thọ Bánh mỳ lại không hẳn là đơn lẻ hay cá biệt.

Một là, việc làm gây bão của anh ta, từ việc kiểm tra, lập biên bản và rút giấy phép lò bánh mỳ, đến việc lập chốt kiểm tra dẫn đến vụ xử lý anh công nhân đi mua bánh mỳ, là việc làm có tổ chức, đủ ban bệ thành phần, được trang bị công cụ, phương tiện, công khai minh bạch.

Hơn cả công khai minh bạch, anh ta còn không ngại ngần tự ghi hình và tự mình công bố trên mạng xã hội!

Phải nhận thấy việc mình làm là đúng đường lối chủ trương, là thể hiện năng lực cá nhân, là được tổ chức đồng tình ủng hộ, là thành tích cụ thể…, anh ta mới “tự sướng” đến thế chứ?

Hai là, từ việc xử lý chủ nhân 1 lò bánh mỳ hôm 12/7 đến anh công nhân mua bánh mỳ ngày 18, vị phó chủ tịch phường đều yêu cầu đối tượng/người dân về phường, tức công sở, làm việc. Chả nhẽ trong quá trình đó, các vị chủ tịch phường, bí thư Đảng uỷ, và cả hệ thống ban bệ, không nhận ra có gì đó sao sao, sai sai, để chấn chỉnh, ngăn ngừa?

Ba là, theo nguyên tắc thông thường, vị phó chủ tịch phường phải báo cáo kết quả công việc hàng ngày với người đứng đầu, với thường trực, thường vụ. Trong bối cảnh, như nhiều người hay viện dẫn, là “chống dịch như chống giặc”, thì nguyên tắc này càng được đề cao. Và chắc chắn, hàng ngày phường phải báo cáo lên thành phố kết quả thực hiện, xử phạt bao nhiêu trường hợp, rút giấy phép bao nhiêu cơ sở v.v…

Như thế, không hề tự phát, không hề đơn lẻ.

Tôi đã gặp Thọ Bánh mỳ ở đâu đó

Lối hành xử của Thọ với người dân toát lên thái độ hống hách, coi thường người dân. Anh ta có đặc điểm nổi bật là hách một cách ngạo mạn, và áp đặt lối giải thích luật lệ theo hướng bất lợi cho người dân, và đương nhiên, có lợi cho nhà chức trách!

Lời nói, hành động, cử chỉ khi thi hành công vụ của anh ta khiến tôi nghĩ, đấy không phải là quan chức cấp chính quyền gần dân nhất, hiểu dân nhất của chế độ tốt đẹp của chúng ta! Anh ta ở đâu đó, trên sân khấu, trên màn ảnh, trong trang sách, thuộc về nhân vật phản diện, thuộc về chế độ của quá khứ?

Tôi đã từng gặp những Thọ Bánh mỳ ở đâu đó, không chỉ cấp xã, phường, ngay nơi tôi sống, mỗi khi là người dân đến nhờ cậy chính quyền, nhà chức trách một việc gì đó. Gặp dân, thay vì hướng dẫn, giải thích, phục vụ, họ thường gây khó dễ và giở nguyên tắc một cách cứng nhắc, máy móc. Hơn thế, họ cố tình tạo sự cố khó dễ và đẩy sự bùng nhùng ấy về phía người dân.

Bộ máy công quyền không có chỗ cho những Thọ Bánh mỳ

Tôi đồng tình với đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, khi cách đây vài hôm, tại nghị trường, ông đề nghị Quốc hội có thêm nội dung giám sát cán bộ diện luân chuyển.

Trần Lê Hữu Thọ là cán bộ từ thành phố Nha Trang luân chuyển về phường Vĩnh Hoà làm phó chủ tịch.

Luân chuyển, theo thông lệ, là để đi lên, để tiếp tục thăng quan tiến chức.
Để được luân chuyển, tất yếu phải qua nhiều quy trình, cất nhắc, chọn lựa kỹ càng.

Thế mà vẫn để xảy ra trường hợp Thọ Bánh mỳ!

Không chỉ giám sát, trước, trong và sau luân chuyển, còn nên thường xuyên kiểm tra giám sát chất lượng cán bộ, công chức qua đánh giá sự hài lòng của người dân. Kiểm tra thực chất, giám sát thực chất, không hời hợt, qua loa, không nói chung là…

Cuối cùng là, không để những Thọ Bánh mỳ trong bộ máy công quyền của chế độ ta.

Uông Ngọc Dậu

CỨ MỞ MIỆNG LÀ LẠI CÓ CHUYỆN  CHO DÂN CƯỜI, DÂN CHỬI

SONG CHI/ TD 21-7-2021

Những ngày này có vẻ như nhà cầm quyền VN càng trở nên “nhạy cảm” hơn với mọi lời chỉ trích. Chẳng hạn, nghe dư luận cười cợt, chế diễu, tức giận vụ “bánh mì không phải là thực phẩm”, Chủ tịch TP Nha Trang vội gửi thư xin lỗi dân, chỉ thị cho UBND phường Vĩnh Hòa trao trả xe máy, giấy tờ xe và không xử phạt hành chính đối với công dân Trần Văn Em, đồng thời, tạm thời điều chuyển tay Phó Chủ tịch UBND phường Trần Lê Hữu Thọ sang thực hiện nhiệm vụ khác trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhưng bản thân anh công nhân Trần Văn Em thì vẫn bị công ty cho nghỉ việc tạm thời, không biết liệu rồi có được làm việc lại hay không.

Khi những câu chuyện lợi dụng mối quan hệ để “chen trước” chích vaccine như có “ông ngoại”, ông anh, ông xã làm trong ngành Y bùng ra, ngay sau đó chủ nhân viết những dòng status khoe được chích vaccine trước này liền rút bài, phía BV thì lên tiếng bao biện, bào chữa v.v…

Nhưng đừng vội mừng trước những chuyện này. Thứ nhất là những câu phát biểu ngây ngô ngớ ngẩn, quan liêu, của quan chức từ trên xuống dưới, từ “bánh mì không phải thực phẩm” cho tới “Đưa rau củ quả vào TP.HCM và miền Nam bằng máy bay khi cần thiết” của ông Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải – trưởng Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa, ‘Bịt chặt kẽ hở không cho Covid-19 xuyên qua’, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng v.v… vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện (như từ trước tới giờ quan chức VN không mở miệng thì thôi, mà cứ mở miệng là lại có chuyện cho dân cười dân chửi), bởi vì trình độ của đa số quan chức VN chỉ đến thế, đâu thể một sớm một chiều mà khác được?

Cho tới những chuyện lạm quyền, hống hách, hành hạ sách nhiễu dân, sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội VN thể hiện trong đại dịch vẫn sẽ tiếp tục diễn ra dài dài. Dư luận chỉ khiến cho nhà cầm quyền và những kẻ nhất thân nhì thế “khôn” hơn, “kín” hơn, chẳng hạn, từ bây giờ trở đi nếu có ngu xuẩn mà phạt dân thì không quay video, nếu có được chích ngừa trước thì im không khoe khoang lên mạng xã hội, nếu Hà Nội có được chích ngừa nhanh hơn, nhiều hơn vùng khác-dù vùng đó đang bị dịch nặng hơn, thì lơ đi v.v và v.v… Còn bản chất của cả một chế độ là không bao giờ thay đổi! Đó là “Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật bình đẳng hơn những con khác”, All animals are equal, but some animals are more equal than others, (George Orwell). Đó là luật là để dành cho dân đen chứ không phải cho quan.

Xoa dịu dân đen bằng một vài hành động nhỏ, dễ thôi, nhưng những chuyện lớn hơn thì đừng hòng.

Vụ binh nhì Trần Đức Đô, chưa phải là lớn, cùng lắm nếu làm tới nơi tới chốn thì cũng chỉ một vài quân nhân hay sĩ quan cấp trung đội trưởng, đại đội trưởng bị trừng phạt là cùng, trong khi cái lợi lớn hơn nhiều là vớt vát được uy tín của cả quân đội, lấy lại phần nào niềm tin của người dân, mà họ còn không làm.

Bởi vì nhà cầm quyền biết rất rõ rằng ngoài việc chỉ trích, phẫn nộ, người dân còn có thể làm được gì khác?

Và ngược lại, người dân cũng cần biết rằng không có đảng phái đối lập, không có tam quyền phân lập, không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, thì thay đổi tận gốc thế nào được?

CÓ BAO NHIÊU 'CHÁU NGOẠI' ĐÃ TRÓT LỌT CHEN HÀNG ĐỂ TIÊM VACCINE TRƯỚC ?

NGUYÊN MINH / BVN 23-7-2021

Nếu chuyện này tiếp diễn, những người có nguy cơ cao có lẽ sẽ mãi là người được chích sau.

Tranh biếm họa của Mahnaz Yazdani. Ảnh nền: TTXVN.

Từ những điều mắt thấy tai nghe trong các vụ việc được tiêm vaccine nhờ “ông ngoại”, “ông anh” và “chú em”, dư luận không chỉ bức xúc về thói khoe mẽ của một vài cá nhân. Họ còn có lý do để nghi ngờ rằng đang tồn tại một hệ thống nhiều lỗ hổng, tạo điều kiện cho những kẻ có tiền và quyền lực chen hàng, lấy đi cơ hội của những người đang cần vaccine nhất.

Sau các sự vụ, cơ quan chức năng đã vào cuộc, yêu cầu báo cáo và đưa ra hình thức xử lý. Tuy nhiên, cách xử lý chủ yếu mang tính xoa dịu dư luận, bỏ qua gốc rễ của vấn đề. Vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho hàng loạt câu hỏi: Tiêm vaccine dựa trên quen biết có phải là cá biệt? Ai phải chịu trách nhiệm cho những sự việc này? Đang có những lỗ hổng nào trong việc phân chia vaccine?

Ăn xén của công lại thành “làm phúc phải tội”

Chỉ trong ngày 20/7, mạng xã hội dậy sóng vì ba vụ khoe tiêm vaccine nhờ quen biết. Rầm rộ nhất là vụ cô gái được tiêm chủng nhờ “ông ngoại”. Đêm 19/7, hình ảnh cô gái tên V.P.A. (ở Hà Nội) tiêm vaccine lan truyền khắp mạng xã hội. Cô đăng bài trên trang cá nhân, khoe được “ông ngoại” gọi đi tiêm vaccine, kèm với hashtag #Pfizer. Bài đăng đính kèm hình ảnh cô đang tiêm vaccine cùng hai tấm giấy xác nhận do Bệnh viện Hữu Nghị [Việt Xô] (Bộ Y tế) cấp. Dưới phần bình luận, cô gái này cho biết cô không cần đăng ký vì “đăng ký không biết đến bao giờ mới được tiêm”.

Bệnh viện Hữu Nghị sau đó xác nhận cô P.A. đã tiêm vaccine tại đây, còn “ông ngoại” được nhắc đến chính là bố cô gái [1]. Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị [Việt Xô] nói rằng cô gái này có thi hoa khôi, là phóng viên báo chí, thuộc diện ưu tiên tiêm vaccine. Ông cũng xác nhận bố cô này là giảng viên tại Học viện Quân y 103, và chính người bố đã đăng ký tiêm vaccine cho con gái.

“Chúng tôi hôm đó tiêm cho các cán bộ cấp cao xong thì thừa ra hai liều, bố cô ấy có nhờ bác sĩ trong tổ tiêm, là học trò của ông ấy giúp, cho tiêm”, ông Hà nói với báo Thanh Niên.

Lời giải thích của vị giám đốc bệnh viện thiếu thuyết phục ở nhiều điểm.

Thứ nhất, nếu cô gái này là phóng viên theo diện ưu tiên thì sao không đăng ký tiêm theo cơ quan mà lại phải nhờ đến bố của mình? Hơn thế, bệnh viện không cung cấp tên của đơn vị báo chí nơi cô làm việc. Tới thời điểm này, cũng chưa có cơ quan báo chí nào xác nhận cô là nhân viên của mình.

Thứ hai, nếu cô gái là phóng viên đúng diện ưu tiên thì chồng cô đang được tiêm theo diện nào? Diện “đính kèm” người được ưu tiên?

Thứ ba, nếu thực sự là dư ra hai liều vaccine thì tại sao cô lại là người được chọn trong số những người đăng ký? Ai là người quyết định chuyện hai vợ chồng cô được chọn?

Tranh biếm họa của H. Lộc. Nguồn: Tuổi Trẻ Cười.

Nhiều bạn đọc nhận xét trên báo Tuổi Trẻ, nghi ngờ ông giám đốc bệnh viện đang lấp liếm cho hiện tượng chia vaccine trên sự quen biết và gia thế [2]. Điều này phần nào được khẳng định ở chi tiết giám đốc bệnh viện đánh giá vụ việc này là “làm phúc phải tội” [3].

Đây là một tư duy rất kỳ lạ. Vaccine là tài sản công, với những dấu hiệu ăn xén của công như trên, đáng ra ông này phải đối diện với sự trừng phạt của pháp luật, thay vì có thể mở miệng nói mình “làm phúc”.

Khi câu chuyện “ông ngoại” chưa hết nóng, dư luận lại bức xúc về vụ việc của một người phụ nữ tên N.T.N (Hà Nội) [4]. Trên trang cá nhân, cô viết: “Có người anh vừa tài giỏi xuất chúng, khả năng lãnh đạo siêu phàm, mà có tấm lòng tâm ái, losức khỏe cho những người xung quanh. Người anh là Tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Đình Tùng, vô tình người anh hỏi ‘Cô tiêm vaccine chưa?’. Thế rồi trao đổi qua lại và mình quyết định gửi thông tin để người anh đăng ký và hôm nay mình chính thức đã tiêm vaccine”.

Phản hồi vụ việc, bác sĩ Tùng – “người anh tài giỏi” – giải thích rằng: “Cô N. là cộng tác viên của Trung tâm (kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội), thường quảng bá hình ảnh cho trung tâm. Do các cộng tác viên thường xuyên qua lại với trung tâm, nguy cơ lây nhiễm cao trong thời điểm dịch này nên chúng tôi phải lập danh sách tiêm chủng”.

Phần trả lời trên cho thấy rõ ràng cô N. không thuộc diện ưu tiên như quy định của Bộ Y tế. Lý giải của bác sĩ Tùng cũng rất có vấn đề. Trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, người thân bệnh nhân còn phải hạn chế ra vào, không lẽ Bệnh viện Xanh Pôn vẫn tổ chức các hoạt động quảng bá hình ảnh, để người bên ngoài như cô N. vào nơi khám chữa bệnh? Liệu đây có phải là cái cớ để lấp liếm cho sự phân phát tùy hứng của “người anh”?

Qua lời kể của N., cô nhận một suất tiêm rất dễ dàng, chỉ sau một câu hỏi “vô tình” là cô đã được đưa ngay vào danh sách tiêm. Như vậy, có phải ông Tùng có quyền cho bất cứ ai vào danh sách theo ý muốn chủ quan của mình?

Trong một vụ việc khác, cũng trên mạng xã hội, ông G.X.N. kể câu chuyện mình được ưu ái chọn vaccine, lần này là dựa vào một “chú em” [5]. “Em lo loại vắc xin tốt nhất tiêm cho anh và người thân, không hạn chế số lượng”, ông N. viết. Chưa hết, ở phần bình luận, ông còn khẳng định “Chú em lo hết, tiêm trả tiền thì nói làm gì”.

Khi bị dư luận phản ứng, khác với giải thích lắt léo của các lãnh đạo bệnh viện, ông G.X.N. lên tiếng phủ nhận chính mình. Ông nói đã hư cấu một số chi tiết về chuyện mình đi tiêm vaccine với chủ ý muốn mọi người yên tâm, không lo thiếu vaccine [6].

Lời giải thích của ông G.X.N. đúng hay sai còn cần sự xác minh của cơ quan chức năng, nhưng sự việc bộc lộ một hiện trạng: niềm vui khi dựa hơi quen biết để được tiêm trước và sự phân chia cao thấp giữa các loại vaccine và tư duy lựa chọn vaccine.

Lỗ hổng trong quy trình tiêm vaccine

Sau khi dư luận và báo chí phản ứng, các cơ quan chức năng đã phải vào cuộc. Thanh tra Bộ Y tế ngay lập tức yêu cầu Bệnh viện Hữu Nghị giải trình [7]. UBND TP. Hà Nội cũng đã yêu cầu Sở Y tế điều tra vụ “người anh tài giỏi” [8]. Ngày 21/7/2021, thủ tướng cũng đã yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm “nếu như có chuyện tiêm vaccine COVID-19 không cần đăng ký” [9]. Tuy nhiên, kết quả xử lý đang thể hiện sự qua loa, không nhìn đúng bản chất của vấn đề.

Cụ thể, ngày 21/7, Bệnh viện Hữu Nghị đã xử lý kỷ luật và điều chuyển công tác của nhân viên y tế trong vụ việc “ông ngoại” [10]. Đây rõ ràng là một chiêu “thí tốt”, vì nếu như không có sự cho phép từ những cấp cao hơn, liệu một nhân viên y tế có dám tạo điều kiện để người khác chen hàng?

Ông giám đốc bệnh viện với phát ngôn “làm phúc phải tội” không chịu bất cứ hình thức xử lý nào. Đáng ra, với hành vi ăn xén vaccine (một tài sản công), người đứng đầu bệnh viện phải chịu trách nhiệm.

Cách xử lý này cũng không đề cập đến trách nhiệm của “cô cháu gái” hay “ông ngoại” – người có hành vi nhờ vả để người thân chen hàng, vốn không chỉ là vi phạm đạo đức nghiêm trọng, mà còn có dấu hiệu “ăn xén” của công.

Không chỉ có trách nhiệm xử lý thấu đáo từng vụ việc, cơ quan chức năng phải trả lời được câu hỏi: Còn bao nhiêu con ông này bà kia đã tiêm vaccine nhờ quen biết nhưng khôn ngoan hơn nên không (hoặc chưa) khoe trên mạng xã hội?

Người lao động xếp hàng chờ tiêm vaccine tại TP. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 6/2021. Ảnh: Thanh Vũ/ TTXVN.

Có nhiều căn cứ để tin rằng hiện tượng nhờ vào quan hệ để được tiêm vaccine trước không phải là cá biệt.

Cư dân mạng đã phát hiện nhiều nhân viên của các công ty được tiêm vaccine dù các công ty này không thuộc diện ưu tiên. Điển hình, một số nhân viên và khách hàng của 25 Fit –  một phòng gym tại TP. Hồ Chí Minh đăng hình trên mạng xã hội và cảm ơn công ty đã tạo điều kiện cho nhân viên tiêm vaccine [11].

Các trường hợp tiêm vaccine đầy nghi vấn khiến người dân nghi ngờ danh sách đối tượng ưu tiên vaccine của Bộ Y tế dường như chẳng có giá trị gì.

Khi dư ra hai liều vaccine, bệnh viện lập tức có quyền quyết định gọi cô V.P.A. “thế chỗ”. Cứ cho là người thế chỗ này thực sự thuộc nhóm ưu tiên, vậy vì sao chồng cô ấy lại được “tiêm ké” mà không phải một người khác trong danh sách ưu tiên?

“Người anh tài giỏi” của cô N. cũng dễ dàng quyết định đưa cô vào danh sách chỉ sau một vài câu trao đổi. Ai sẽ giám sát nếu “người anh” này đưa họ hàng của mình vào tiêm?

Ai quyết định chuyện một phòng gym lại được tiêm vaccine sớm, trong khi còn rất nhiều người khác đang phải chờ đợi?

Có hai vấn đề ở đây. Một là quy trình quyết định người được tiêm vaccine phụ thuộc vào một số cá nhân, và họ đã tiếp tay cho hành động nhờ vả, đi cửa sau. Bằng cách này, những kẻ có tiền, có quyền có thể mặc nhiên cướp đi cơ hội tiêm chủng của những người cần vaccine nhất.

Hai là không có cơ chế giám sát trong việc thực hiện. Nếu không phải là một hai vụ việc lẻ tẻ vô tình bị lộ ra khiến dư luận bức xúc, liệu thanh tra có bao giờ vào cuộc? Không có gì đảm bảo sự thiếu giám sát này không tạo điều kiện cho một thực tế còn tệ hơn nhiều: tham nhũng vaccine có hệ thống. Khi đó, hậu quả không chỉ là việc người dân mất niềm tin, mà cả công cuộc chống dịch, bảo vệ sinh mạng cho người dân cũng sẽ có nguy cơ thất bại.

Với tất cả những lỗ hổng trên và các câu hỏi đang đặt ra, cơ quan chức năng phải rà soát lại để có cái nhìn tổng quát hơn và đánh giá đúng mức độ về hiện tượng chen hàng ngang nhiên này. Bao nhiêu cá nhân đã tiêm vaccine trót lọt nhờ vào quen biết? Bao nhiêu công ty không thuộc ngành nghề thiết yếu đã được tiêm? Người dân muốn có câu trả lời chính xác về bức tranh thực sự của hoạt động này và các giải pháp cần thiết để vá các lỗ hổng.

Đối với ông giám đốc bệnh viện, hai liều vaccine Pfizer còn lại có thể là “thừa”, nhưng hai liều ấy có thể cứu được mạng của hai người dân trên 65 tuổi hoặc có bệnh nền. Đáng ra, cơ quan y tế phải tranh thủ từng phút từng giây để tiêm vaccine cho những người có nguy cơ cao, bảo vệ sinh mạng của họ. Ngược lại, chúng ta đang nhìn thấy hiện tượng những người nắm quyền quyết định lại “nhìn gia thế trao vaccine”.

Nếu không sớm vá những lỗ hổng này, sự bất bình đẳng sẽ càng khoét sâu. Người dân sẽ mất niềm tin vào cả cái gọi là “công bằng vaccine” lẫn lời kêu gọi “chung tay chống dịch” mà chính quyền luôn ra rả trên truyền thông.

N.M.

Nguồn: luatkhoa.org

THẤY GÌ TỪ HÀNH VI CỦA MỘT PHÓ CHỦ TỊCH PHƯỜNG ?

MẠC VĂN TRANG /TD 21-7-2021

Sau khi xem ba cái clip ông Trần Lê Hữu Thọ phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang hành dân (clip 1: Ông và tổ công tác bắt anh Trần Văn Em, 25 tuổi, trú xã Diên Hòa, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, ở ngoài đường vì đi mua bánh mì “vi phạm vào chỉ thị 16”; Clip 2: Ông Thọ căn vặn anh EM là “bánh mì không phải lương thực thực phẩm”; clip 3: Ông Thọ và tổ công tác đến “kiểm tra lò bánh mì” lập biên bản, thu giấy phép, mời lên phường làm việc) thì thấy gì?

1. Ông Thọ mượn cớ chỉ thị 16 để hành dân, không một chút tình người

Chỉ thị 16 yêu cầu giãn cách xã hội, người ra đường không có lý do chính đáng thì bị phạt. Anh Trần Văn Em buổi trưa đi mua bánh mì và nước để ăn uống. Anh đã trình bày là công nhân đang làm tại công trường, có đủ giấy tờ hợp pháp. Anh đã năn nỉ hết lời xin được thông cảm, “tha” cho em… Nhưng ông Thọ và tay chân nhất định không tha.”Đồ này không phải đồ thiết yếu, anh mua đồ ăn mà thiết yếu gì?”… Ông ta còn nói “mày từ trên núi xuống à”…; Còn đe dọa “đuổi việc” anh Em …

Sự thật ông ta và đám tay chân chỉ mượn cớ chỉ thị 16 để hành dân, phạt dân càng nhiều, càng thích. Đáng lẽ trường hợp như thế này chỉ cần nhắc nhở rồi cho người dân đi, nhưng ông ta nhất định bắt anh Em về đồn lập biên bản, thu giữ xe máy, không một chút tình thương, cảm thông với người dân.

2. Phó chủ tịch phường quá ngu dốt, vô văn hóa

Bắt anh Em về đồn, ông ta ra oai, nói lấy được, bắt dân phải nghe những điều ngu ngốc: “Bánh mì không phải là lương thực, thực thực phẩm hiểu chưa”?

Sau vụ hành hạ anh Em, ông ta và tổ công tác đến hành chủ lò bánh mì cũng với thái độ hống hách, vô minh như vậy. Ông ta coi mình như cha mẹ dân, quát nạt, “dạy bảo” dân bằng những lời ngu ngốc, đe doạ dân với thái độ cực kỳ vô văn hoá.

3. Ông ta ngu đến mức không biết mình ngu, ác, khốn nạn, tự quay clip hành hạ dân rồi post lên mạng. Hành vi này cho thấy tột cùng của sự hợm hĩnh, tự phụ, khinh dân, coi thường tất cả, chỉ cốt thể hiện oai quyền kiểu xã hội đen của mình để hăm dọa dân. Hành vi này chẳng khác gì hành động bản năng vô ý thức của một đứa trẻ thiểu năng trí tuệ, vô giáo dục.

4. Cả một tổ công tác cùng u mê tăm tối?

Tổ công tác khoảng 4-5 người, nhưng tất cả đều hành động răm rắp như robot theo lệnh phó chủ tịch Thọ, không một ai “có ý kiến khác”, không ai tỏ chút thương cảm người dân! “Sự u minh tập thể”, cái ác tập thể thật đáng sợ. Khi những nhân viên dưới quyền một kẻ ngu, ác thì tất cả dường như biến thành công cụ cho kẻ ngu ác cầm đầu. Thật nguy hiểm cho người dân.

5. Thân phận người dân thật khốn khổ

Xem 3 cái clip này và cái clip anh chồng quỳ lạy “tổ công tác” lập biên bản xử phạt người vợ anh vừa mở cửa ra, càng thấy thân phận người dân chả khác gì anh Pha, anh Dậu ngày xưa! Anh chồng quỳ lạy “tổ công tác” đã nói hết lời: Vợ tôi đang có bầu, tôi mất việc, khổ lắm rồi, không có tiền nộp phạt, các ông có bắt đi tù thì bắt đi… Một tổ viên tổ công tác vẫn bình thản giải thích: lập biên bản phạt là để bảo vệ an toàn cho vợ anh, gia đình anh…

Đây chỉ là mấy cái clip vô tình lộ ra, cho thấy bộ máy công quyền ở cơ sở hãi hùng biết chừng nào! Sự thật ở cơ sở đã lợi dụng chỉ thị 16 để xử phạt người dân, có quận còn khoán chỉ tiêu phạt; Phó giám đốc sở TTTT TP HCM còn “báo cáo thành tích”: Trong 5 ngày đầu đã phạt 2052 người, thu số tiền 4,9 tỷ đồng….

Các vị trên cao luôn mồm: Chính quyền của dân, do dân, vì dân; chính quyền phục vụ người dân, lấy dân làm gốc; không để người dân nào đói ăn, thiếu mặc; không để người dân nào tụt lại phía sau… vân vân và vân vân. Nhưng hãy xem chính quyền cấp phường xã hành dân ra sao mới rõ.

Người dân chỉ biết cam chịu, van vỉ, đút lót, quỳ lạy thôi! Người nào phản ứng mạnh mẽ là bị quy tội “chống người thi hành công vụ”, bị còng tay bắt đi, rồi hoặc là bị hành hạ và nộp phạt; hoặc “tự chết” trong đồn; hoặc phải ra tòa với bản án bỏ túi.

VỤ 'BÁNH MỲ' : VỪA XIN LỖI, VỪA SĂN NGƯỜI TỐ CÁO

TRÂN VĂN/ VOA/ BVN 23-7-2021

Ông Trần Lê Hữu Thọ - Phó Chủ tịch phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, mới tìm đến công trường xây dựng Dự án Vega City để xin lỗi anh Trần Văn Em - người từng bị ông lúc còn là Trưởng Ban phòng, chống dịch của phường, chặn lại vì dám ra ngoài mua bánh mì dù… bánh mì không phải là lương thực, thực phẩm (1).

Tuy vẫn là một nhưng ông Thọ hôm 22 tháng 7 khác xa ông Thọ hôm 18 tháng 7. ông Thọ hôm 22 tháng 7 công khai tự kiểm, chân thành tạ lỗi với người thanh niên lam lũ mà trước đó bốn ngày bị ông nạt nộ, dạy bảo về cách nhận biết… lương thực, thực phẩm thiết yếu cả ở ngoài đường, lẫn ở trụ sở chính quyền phường. Lần này, ông Thọ còn mang nước yến đến tặng cho anh Em chứ không tạm giữ xe, không yêu cầu nơi anh Em làm việc đuổi anh ra đường vì… dám tranh cãi với ông thế nào là… lương thực, thực phẩm!

Trước khi ông Thọ đến xin lỗi, tặng quà cho anh Em, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chỉ đạo Thành ủy, UBND thành phố Nha Trang kiểm điểm và xử lý nghiêm sai phạm của ông Thọ (2). UBND tỉnh Khánh Hòa cũng nhập cuộc, Chủ tịch Khánh Hòa cho biết đã chỉ đạo Thành ủy, UBND thành phố Nha Trang kiểm điểm, xử lý nghiêm sai phạm của ông Thọ. Chủ tịch Nha Trang tuân lệnh, viết thư xin lỗi anh Em, xin anh Em nói riêng và nhân dân nói chung thông cảm, chia sẻ (3)…

***

Sở dĩ cả hệ thống chính trị (Tỉnh ủy Khánh Hòa, Thành ủy Nha Trang), lẫn hệ thống công quyền (UBND tỉnh khánh Hòa, UBND thành phố Nha Trang) đồng thanh nhìn nhận sai phạm của đảng viên, viên chức thuộc quyền, rồi chỉ đạo kiểm điểm, viết thư xin lỗi, hứa hẹn xử lý và trên thực tế đã cách chức… Trưởng Ban phòng chống dịch phường Vĩnh Hòa của ông Thọ là vì các video clip do ông Thọ… tự thực hiện (4), đột nhiên xuất hiện, lan truyền trên mạng xã hội khiến công chúng nổi giận.

Xét về bản chất, việc công bố - chia sẻ những video clip liên quan tới scandal “bánh mì” chính là một hình thức tố cáo những phát ngôn, hành vi sai trái của công chức, viên chức dân cử, không những được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam khuyến khích mà còn cam kết bảo vệ người tố cáo bằng nhiều qui định pháp luật khác nhau. Tuy nhiên song song với việc thực hiện hàng loạt những động tác để dân chúng hạ hỏa, các hệ thống này đang hỗ trợ ông Thọ… truy tìm người đã đưa những video clip ấy lên Internet.

Tin mới nhất cho biết: Ông Thọ đang làm việc với công an để xác định ai đăng tải các video clip trên mạng xã hội. Những video clip do ông Thọ tự thực hiện được xác định là chỉ gửi cho lãnh đạo công ty tại công trường Vega City ở phía Bắc thành phố Nha Trang nhằm xử lý anh Trần Văn Em với lỗi ra đường không cần thiết theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Ông Thọ và lãnh đạo công ty đã được gửi video clip cùng khẳng định họ không phải là người đưa các video clip lên Internet nên công an đang tiếp tục điều tra (5)!

Thi nhau lên tiếng thừa nhận sai phạm của đảng viên, viên chức thuộc quyền, thi nhau chỉ đạo kiểm điểm, viết thư xin lỗi, hứa hẹn xử lý nghiêm túc, cùng lúc với việc điều động công an ráo riết điều tra xem ai đưa các video clip do ông Thọ tự quay lên Internet, gây ra scandal “bánh mì”, có khác gì vừa xin lỗi, vừa… rút dao ra để tìm - trị người tố cáo?

***

Sau khi xin anh Em nói riêng và nhân dân nói chung thông cảm, chia sẻ, rồi cách chức Trưởng Ban phòng – chống dịch phường Vĩnh Hòa của ông Thọ, vừa nhác thấy nhiều người trong số nhân dân hởi lòng, hởi dạ, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Khánh Hòa không chỉ tăng tốc truy lùng người tố cáo mà còn đổi giọng.

Bão dư luận vừa lắng, ông Trần Văn Đông, Bí thư phường Vĩnh Hòa đã nêu nhận định thế này về “đồng chí” Thọ với báo giới: Ông Thọ chưa bao giờ có biểu hiện lớn tiếng hay hống hách với ai, làm việc năng nổ và tốt. Có những khuyết điểm của phường tồn tại gần hai năm, trải qua bốn nhiệm kỳ không khắc phục được nhưng anh Thọ về là giải quyết được… Trong công tác phòng chống dịch của phường Vĩnh Hòa, ông Thọ là cán bộ đóng góp rất quan trọng, giữ cho phường không có thêm ca nhiễm COVID-19.

Phải thấy những ưu điểm, những điều mà anh ấy đã đóng góp cho công tác phòng chống dịch. Đêm hôm khuya khoắt bám trụ ngoài đường, vỉa hè, tuần tra kiểm soát người ra đường không cần thiết, chống dịch bệnh lây lan. Mấy tháng nay có nhiều ngày anh Thọ ra phường ở nhằm có thời gian thực hiện công tác chống dịch. Con cái, cha mẹ ở nhà ốm đau đều giao cho vợ lo toan, gắng sức cùng anh em hoàn thành nhiệm vụ được giao… Làm cả ngàn việc tốt thì ít ai nhớ chứ sai lầm một lần là tai tiếng ngay…

Ngoài hai video clip liên quan đến việc nạt nộ, dạy dỗ anh Em, thậm chí chưa hả giận vì anh Em vì dám cãi, không chấp nhận… bánh mì không phải lương thực, thực phẩm (6) nên gửi video clip gây áp lực để chủ doanh nghiệp đuổi anh Em (6), đã có ai đó đưa lên Internet những video clip, trong đó có clip ghi lại cảnh ông Thọ dẫn một… “Tổ công tác” đến lập biên bản, tạm giữ giấy phép kinh doanh của một lò bánh mì ở phường Vĩnh Hòa vì dám… bán bánh mì cho người khác mua, mang về nhà (7)!

Trong một video clip khác, người ta thấy ông Thọ và… “Tổ công tác” của ông xông vào một căn nhà đang ăn cơm, tra xét: “Ai là chủ quán”? Khi các thành viên trong nhà phản ứng vì làm như thế là xâm nhập bất hợp pháp, “Tổ công tác” cật vấn: “Tại sao không mang khẩu trang”? Bị nhiều người trong nhà chửi như tát nước: Ai có thể mang khẩu trang khi ăn cơm? Tại sao lại tự tiện xông vào nhà tìm… chủ quán, tự tiện quay phim, chụp ảnh, bắt lỗi không mang khẩu trang?... “Tổ công tác” đuối lý nên rút êm (8)…

***

Ít nhất, ông Trần Văn Đông, Bí thư phường Vĩnh Hòa cũng đúng ở hai điểm khi lên tiếng bảo vệ “đồng chí, đồng đội” của ông. Thứ nhất có những việc nhiều người giải quyết không được trong nhiều năm phải có những người như ông Thọ mới giải quyết được. Người tâm tánh, hiểu biết ở mức bình thường làm sao làm được những việc như ông Thọ!

Thứ hai, ông Thọ đã làm được… cả ngàn việc tốt, chỉ… sai lầm một lần. Dường như Tỉnh ủy Khánh Hòa, Thành ủy Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND thành phố Nha Trang cũng… nhất trí. Sai lầm không nằm ở nhận thức, hành vi của ông Thọ mà ở chỗ để các video clip ông Thọ tự ghi như một cách lưu lại… chiến công, xuất hiện trên Internet. Cũng vì vậy cả hệ thống mới vừa xin lỗi, vừa săn tìm người tố cáo. Cứ ngẫm mà xem, đâu chỉ có Khánh Hòa nhìn và hành xử như thế! Đó mới là điều thật sự đáng sợ!

Chú thích

(1) https://nld.com.vn/thoi-su/pho-chu-tich-phuong-tran-le-huu-tho-xin-loi-cong-nhan-mua-banh-mi-20210722190430469.htm

(2) https://tuoitre.vn/vu-banh-mi-khong-phai-la-luong-thuc-tinh-uy-khanh-hoa-yeu-cau-xu-ly-nghiem-2021072011281755.htm

(3) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/chu-tich-thanh-pho-xin-loi-vi-chuyen-banh-mi-cua-pho-chu-tich-phuong-932425.ldo

(4) https://www.youtube.com/watch?v=D0Z5_pl1MZM&ab_channel=NhaTrangTrongTôi

(5) https://www.phunuonline.com.vn/cong-an-dang-xac-minh-nguoi-dang-clip-banh-mi-khong-phai-hang-thiet-yeu-a1440739.html

(6)

https://www.youtube.com/watch?v=cDYGrjJ9wCw&ab_channel=RFATiếngViệt

(7) https://www.youtube.com/watch?v=vPFDisp8N6Y&ab_channel=NhaTrangTrongTôi

(8) https://www.facebook.com/tieuvudlc/posts/4486538188031031

T.V.

Nguồn: voatiengviet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét