Thứ Năm, 15 tháng 7, 2021

20210716. CỰU BÍ THƯ BÌNH DƯƠNG TRẦN VĂN NAM

 ĐIỂM BÁO MẠNG

SAI PHẠM CỦA CỰU BÍ THƯ BÌNH DƯƠNG CHO THẤY SỰ BẤT ỔN TRONG KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC

CAO KIM ANH/ GDVN 12-7-2021

GDVN- Ông Lưu Bình Nhưỡng: "Quy trình tuyển dụng có hệ thống chặt chẽ từ trên xuống dưới, nhưng chỉ cần một sơ hở, cẩu thả sẽ dẫn đến nhiều sai phạm".

Những năm gần đây, tình trạng tha hóa quyền lực trở thành một trong những vấn đề nhức nhối, nóng bỏng, ảnh hưởng đến tổ chức bộ máy nhà nước, đời sống, kinh tế - xã hội và tổn hại đến uy tín của Đảng với quần chúng, nhân dân.

Vẫn còn không ít trường hợp cán bộ mắc vào vòng xoáy quyền lực, cám dỗ của chức tước, của đồng tiền, nhận thức không đúng đắn về quyền lực, vượt quá giới hạn để xảy ra sai phạm, tham nhũng, dẫn đến vướng mắc vào vòng lao lý.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: "Đã có rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề nhân sự quốc gia và bản thân Chính phủ cũng có đề án để thu hút, trọng dụng nhân tài.

Đảng cũng có nhiều nghị quyết để chúng ta xây dựng được một bộ máy trong sạch, vì nước, vì dân. Chúng ta có những quy định của Đảng, Nhà nước về xử lý các cán bộ có sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, kể cả vấn đề cán bộ cấp cao nhưng không gương mẫu.

Bên cạnh đó, chúng ta còn sở hữu một hệ thống các quy định đầy đủ từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khâu tổ chức thực hiện từ đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, phát triển… cán bộ ở nhiều nơi làm chưa tốt”.

Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Cao Kim Anh.

Thí dụ gần nhất chính là trường hợp vi phạm của ông Trần Văn Nam - cựu Bí thư tỉnh ủy Bình Dương và nhiều thuộc cấp.

Theo đánh giá của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020 vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc của Tỉnh ủy; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức đảng và đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Đảng, Nhà nước tại Tổng Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3/2) thuộc Tỉnh ủy Bình Dương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát lớn ngân sách nhà nước.

Cá nhân ông Trần Văn Nam chịu trách nhiệm trực tiếp khi giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký văn bản áp dụng giá đất tính thu tiền sử dụng đất, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước; thực hiện trái chủ trương về phương án sử dụng 43 ha đất tại Tổng Công ty 3/2; hợp thức việc chuyển nhượng trái phép Dự án Tân Phú cho tư nhân; để Tổng Công ty 3/2 đưa 145 ha đất góp vốn vào Công ty Tân Thành trái pháp luật.

Tại hội nghị lần thứ 3 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, biểu quyết, quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Trần Văn Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.

Sai phạm của ông Trần Văn Nam và nhiều cán bộ cấp dưới tại Bình Dương khiến dư luận ngỡ ngàng, bởi vụ việc này có liên quan tới nhiều người, xảy ra suốt một thời gian dài nhưng tới nay mới bị phát hiện, xử lý. Phải chăng công tác tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và giám sát cán bộ đang có những vấn đề bất ổn?

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, việc quy hoạch cán bộ cần có sự nghiêm túc, quản lý chặt chẽ và phải có sự giám sát của nhân dân. Với một quy trình tuyển dụng có hệ thống chặt chẽ từ trên xuống dưới nhưng chỉ cần một sơ hở, cẩu thả sẽ dẫn đến nhiều sai phạm xảy ra.

Những vụ việc bị phát hiện gần đây, rất hiếm vụ việc nào chỉ một, hai cá nhân tham gia mà hầu hết là sai phạm có tổ chức, mang tính tập thể. Ngay cả sai phạm tại tỉnh Bình Dương được nêu ở trên cũng là một ví dụ điển hình cụ thể. Từ sai phạm đó, cần phải xem lại công tác kiểm soát quyền lực, mỗi năm các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra thế nào mà lại để sai phạm "chìm" lâu như vậy?

Phát hiện, xử lý sai phạm là điều rất cần thiết, nhằm ngăn chặn những cán bộ ấy tiếp tục vướng vào những sai phạm khác, gây thiệt hại cho nhà nước và ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức. Tuy nhiên, việc xử lý phải đảm bảo thật sự công bằng, không phân biệt bất kỳ cá nhân nào cũng là một một vấn đề hết sức quan trọng.

Ông Lưu Bình Nhưỡng nhận định: “Chúng ta thường xử lý cán bộ và công khai khi ở vào tình huống cực chẳng đã, tức là khi sai phạm ấy đã quá rõ ràng rồi, còn không đối với những sai phạm nhỏ của cán bộ thì nhiều nơi bao che. Cũng chính vì vậy những cán bộ ấy không bị xử lý, rồi họ lại liên kết với nhau gây ra những sai phạm khác, khi phát hiện ra và xử lý thì họ đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo ở địa phương hoặc trong ngành, để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Chúng ta chưa thật sự công khai, minh bạch, sự tham gia giám sát của người dân nói là như vậy nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả. Đó là còn chưa kể tới cơ chế bảo vệ người tố cáo, làm việc trong một tổ chức mà tố cáo lãnh đạo cấp trên thì liệu có an toàn không, có còn tồn tại nổi ở cơ quan ấy không... rất nhiều vấn đề cần phải được xem xét".

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, việc xử lý cán bộ và mức xử lý cũng cần có sự tương xứng, công bằng và minh bạch. Như vậy mới đem lại được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

“Đã có lần trước Quốc hội tôi đã phát biểu và nói với đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ là có những cán bộ thực hiện thanh tra, kiểm tra nhưng chỉ xử lý những vi phạm bằng khiển trách và cảnh cáo thì làm sao có tính răn đe. Sai phạm thì quá nhiều, hàng trăm tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, gây ra hậu quả lâu dài về sau thì phải xử lý nghiêm khắc hơn nữa mới đủ sức răn đe", ông Nhưỡng cho biết.

Ông Trần Văn Nam đã bị kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng. Ảnh: Vietnamplus.

Ông Lưu Bình Nhưỡng nhớ lại có lần đã bày tỏ sự bức xúc khi nêu thí dụ trường hợp người dân ăn cắp quả trứng, cái bánh mỳ thì bị xử lý rất nặng nhưng cán bộ sai phạm thì xử lý chưa nghiêm. Cán bộ, nhân sự trong bộ máy nhà nước thực hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phải đủ tâm, đủ tầm, đạo đức, phẩm hạnh để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân.

“Điều nguy hiểm nhất không phải là không phát hiện được sai phạm mà là xử lý không nghiêm dẫn đến tình trạng nhờn luật, nhờn thuốc, người ta không sợ nên sẵn sàng tham nhũng, dễ dàng sai phạm”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Việc tuyển dụng cán bộ cấp dưới theo chế độ “lướt ván” của cấp trên cũng được ông Lưu Bình Nhưỡng chỉ ra.

Có rất nhiều trường hợp xảy ra ở địa phương đã bị phanh phui, đó là cán bộ được tuyển mộ, giao trọng trách vào những vị trí quan trọng, tuy nhiên chưa được bao lâu thì đã luân chuyển lên một chức vị cao hơn, thậm chí thời gian luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm được “tối giản”, “rút ngắn” mặc dù chưa có cống hiến gì đặc biệt, thậm chí không có thực lực.

Theo ông Nhưỡng, điều này đồng nghĩa với việc cấp trên tiếp tay cấp dưới, tiếp tay cho những cán bộ có ý định chạy chức, chạy quyền để vào những vị trí quan trọng. Đó là điều vô cùng nguy hiểm, bởi chính những cán bộ thiếu năng lực “chui sâu, leo cao” như thế là những “con mọt” làm mục ruỗng, nguy hại đến bộ máy nhà nước.

Điều đó cũng đặt ra vấn đề công tác kiểm tra, đánh giá cán bộ hàng năm đều được tổ chức, quy củ, đầy đủ, tuy nhiên chưa phát huy được hết công năng.

“Chúng ta chỉ đánh giá, rà soát qua loa, thực hiện không nghiêm túc và thiên nhiều về tính hình thức. Chính vì những cán bộ có thẩm quyền rà soát, thanh tra, kiểm tra làm chưa tốt mới dẫn đến việc xuê xoa cho nhau, bỏ qua sai phạm, không xử lý nghiêm túc. Lỗi nhỏ bỏ qua, lâu dần mới trở thành những lỗi lớn, gây hậu quả nghiêm trọng và có liên quan tới nhiều người", ông Nhưỡng nói.

Cao Kim Anh
SAI PHẠM CỦA CỰU BÍ THƯ BÌNH DƯƠNG NHƯ 'BỌC NHỌT' GÂY 
NGUY HẠI CHO ĐẤT NƯỚC

CAO KIM ANH/ GDVN 13-7-2021

GDVN- Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: "Những thành phần cán bộ tha hóa lại thường ẩn náu rất kỹ, khi bị phát hiện thì hậu quả đã nặng nề".

Công tác nhân sự được xem là khâu được chú trọng nhất khi thực hiện công tác quy hoạch cán bộ trong bộ máy nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"; "Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong".

Thực tế đã chứng minh trong quá trình phát triển của đất nước, sự chuẩn bị cẩn trọng trong công tác cán bộ đã mang lại nhiều lợi ích, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít trường hợp cá nhân, tập thể cán bộ tha hóa, biến chất, lợi dụng, lạm dụng quyền lực để biến nó làm công cụ thực hiện các hành vi sai phạm, tham nhũng... dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng.

Đã có không ít các cán bộ nắm giữ những vị trí quan trọng vì lòng tham địa vị, chức tước, suy đồi đạo đức, tha hóa vì đồng tiền mà phải nhận hậu quả là những bản án nghiêm khắc trước vành móng ngựa. Thế nhưng vẫn có những vụ việc sai phạm tiếp tục xảy ra có tính chất nghiêm trọng hơn.

Điều này khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi băn khoăn trong công tác cán bộ, đặc biệt là ở khâu tuyển chọn nhân sự.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, cho biết: “Nói đến công tác nhân sự là nói đến các quy định về tiêu chuẩn, chính sách, chế độ, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ.

Điều đáng nói nhất trong công tác cán bộ là quy trình lựa chọn, đào tạo, giao trọng trách cho con người vào đơn vị, vị trí, công việc cụ thể.

Cán bộ, nhân sự được tuyển mộ phải có thực lực, có tâm, có tài, có nhân phẩm, đạo đức để có thể thực hiện đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đất nước".

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau). Ảnh: Cao Kim Anh.

Theo Đại biểu Lê Thanh Vân, trong một thời gian dài, công tác nhân sự đã có nhiều lần chấn chỉnh về tiêu chuẩn, về cách thức, phương thức tuyển chọn... nhưng càng chấn chỉnh lại càng phát hiện ra cán bộ sai phạm ở mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn và có liên quan tới nhiều người.

Đó cũng là lí do vì sao những nhiệm kỳ gần đây, đặc biệt là khóa XII, khóa XIII các cơ quan lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm nhiều hơn đến công tác nhân sự.

"Trên thực tế, thời gian qua, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu kín, chạy thi đua, khen thưởng, chạy danh hiệu… đã được phản ánh rất nhiều.

Điều đáng buồn là những thành phần cán bộ tha hóa lại thường ẩn náu rất kỹ, khi bị phát hiện thì hậu quả đã nặng nề. Có những cán bộ khi phát hiện ra sai phạm thì đã kinh qua rất nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước", ông Vân nêu thực tế.

Một ví dụ gần nhất được Đại biểu Lê Thanh Vân nhắc đến gần đây nhất chính là vụ việc sai phạm của cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.

Ngoài những cá nhân có trực tiếp liên quan đến sai phạm bị xử lý thì cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam là người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm đối với những sai phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiếm tra, giám sát để một số tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản tại Tổng công ty sản xuất và xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3.2), gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước, nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến hình ảnh uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trước đó, ông Trần Văn Nam liên quan đến những sai phạm mang tính hệ thống từ khi giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh như: ký văn bản áp dụng giá đất tính thu tiền sử dụng đất, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước; thực hiện trái chủ trương về phương án sử dụng 43 ha đất tại Tổng công ty 3.2…

Điều đáng nói là sai phạm của ông Trần Văn Nam đã xảy ra từ trước đó hai nhiệm kỳ nhưng không bị phát hiện, xử lý.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng: “Để tránh những hệ luỵ lâu dài thì những người có trọng trách phải nhìn thấu được năng lực, phẩm chất, đong đếm được kết quả công tác cụ thể của cán bộ, thấu được phẩm hạnh, đạo đức công vụ, đạo đức lối sống của họ.

Muốn làm được thì phải thực hiện giám sát nghiêm túc của tập thể rộng chứ không phải từ một vài cá nhân có chức, có quyền. Nếu vẫn chỉ là kiểm tra đánh giá từ vài vị trí có chức quyền thì có thể không khách quan, bị ảnh hưởng bởi lợi ích nhóm, tiền bạc, rồi xảy ra sai phạm tập thể”.

Đã không ít trường hợp cán bộ, trong đó có rất nhiều người từng giữ vị trí cán bộ cấp cao, cậy quyền, cậy thế của mình để che đậy cho cấp dưới suốt thời gian dài.

“Đó là việc dựa vào quyền thế để đưa người thân, ruột thịt, đưa cánh hậu, đồ đệ, đưa bậu xậu rồi từ vỏ bọc đó nhân danh là tập thể để khéo che đậy, kết bè, kết cánh, cùng nhau sai phạm có tổ chức. Lúc đó, việc đưa ra tập thể, giám sát một vài cá nhân thực hiện chỉ mang tính hợp thức hóa mà thôi”, ông Vân nhấn mạnh.

Ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Ảnh: TTXVN.

Theo Đại biểu Lê Thanh Vân, thực tế những vụ việc gần đây phần lớn được phát hiện thường do mâu thuẫn nội bộ ngay trong tổ chức sai phạm bục phát hoặc do nhân dân, do truyền thông phát hiện ra dấu hiệu sai phạm. Vì vậy, cần tiếp tục nâng cao vai trò giám sát của công chúng, của truyền thông.

Trong một cơ quan, tổ chức có khi phát hiện sai phạm nhưng không xử lý bởi vì liên quan đến trách nhiệm cá nhân người quản lý. Đó cũng được xem lý do vì sao, rất nhiều sự vụ khi bị phát hiện có số cán bộ sai phạm lớn, có tổ chức, có hệ thống.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Mỗi cán bộ đang thực hiện quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ cũng chính do nhân dân tin tưởng giao phó, thực hiện.

“Muốn Đảng mạnh, trong sạch, muốn loại trừ các cán bộ, nhân sự tham nhũng thì phải dựa vào dân, phải có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Chỉ nhân dân mới có tinh nhãn, sáng suốt phát hiện ra những sai phạm trong công tác nhân sự.

Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm, không nhân nhượng đối với những cá nhân, cán bộ, tổ chức sai phạm, không để tồn tại những bọc nhọt, ủ bệnh lâu ngày, ém nhẹm trong hệ thống như trường hợp cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương”, Đại biểu Lê Thanh Vân nhận định.

Cao Kim Anh
BÀ BÙI THỊ AN: 'CÁN BỘ VÀO VÒNG LAO LÝ CHO THẤY KIỂM TRA GIÁM SÁT CÒN LỎNG LẺO'
CAO KIM ANH/ GDVN 15-7-2021
GDVN- Chúng ta có các chủ trương về công tác cán bộ rất chặt chẽ nhưng khâu tổ chức, thực hiện, quản lý thì không phải địa phương nào cũng có kết quả tốt.

Tại Hội nghị Trung ương 3 vừa qua, công tác cán bộ tiếp tục được Đảng, Nhà nước chú trọng, nhằm nâng cao chất lượng, đưa lại những lợi ích, cống hiến cho nhân dân, đất nước. Điều đó được thể hiện qua nội dung thảo luận cho ý kiến về quy định thi hành điều lệ Đảng và quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng khoá XIII.

Công tác cán bộ gồm nhiều khâu, từ tuyển chọn, nhận xét, đánh giá, đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, bổ nhiệm, sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ.

Tất cả các khâu thực hiện trong công tác cán bộ là một chỉnh thể thống nhất, có quan hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau. Chính vì vậy, để có kết quả tốt nhất trong công tác cán bộ cần phải thực hiện đồng bộ tất cả các khâu và không được xem nhẹ bất cứ công việc nào.

Mặc dù đã có những thể chế, quy phạm, quy định có tính hệ thống, chặt chẽ và có những trường hợp cán bộ sai phạm bị xử lý nghiêm làm tiền lệ nhưng vẫn xảy ra những vụ việc mới, có tính chất nghiêm trọng, để lại nhiều hệ quả nặng nề.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: Quốc hội)

Luôn tâm huyết với vấn đề công tác nhân sự, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết: "Chúng ta có các chủ trương về quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, quản lý cán bộ từ trung ương rất chặt chẽ nhưng khâu tổ chức, thực hiện, quản lý không phải nơi nào, địa phương nào cũng như nhau và có kết quả tốt”.

Theo bà Bùi Thị An, việc có cán bộ sai phạm đã là đáng buồn nhưng sai phạm có tổ chức, có hệ thống, thậm chí có những cán bộ sai phạm hết từ vị trí này đến vị trí khác thì đó là điều không thể chấp nhận. Đây được xem là lỗ hổng rất lớn trong công tác cán bộ, ở tất cả các khâu.

Nguy hiểm hơn là những sai phạm ấy lại còn được nhiều người liên kết bao che cho nên nhiều năm liền địa phương chỉ thấy báo cáo thành tích, không xử được cán bộ, gây nên sự bức xúc âm ỉ trong chính bộ máy và dư luận xã hội.

“Nếu chỉ nói về công tác cán bộ là chọn nhân sự vào vị trí này, vị trí kia thì không hoàn toàn đúng. Bởi có những cán bộ khi mới tuyển mộ thì rất tốt nhưng rồi sau một thời gian giữ các vị trí có quyền, có chức mới bị tha hóa.

Chính vì thế, lí do để những sai phạm xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng là có những lỗ hổng ở tất cả các khâu, thậm chí các lỗ hổng nhỏ liên kết lại với nhau, tạo thành lỗ hổng lớn và tồn tại trong thời gian dài”, bà An cho hay.

Theo dõi sự những sự việc gần đây, bà Bùi Thị An nhận thấy rằng, sự vụ của cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và nhiều cán bộ dưới quyền mắc sai phạm trong một thời gian dài hàng chục năm nay mới được xử lý thì cần phải xem lại cơ chế kiểm tra, giám sát.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật, thậm chí đang bị tạm giam phục vụ điều tra.

Tại tỉnh Khánh Hoà, hai cựu Chủ tịch tỉnh là Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh bị dính vòng lao lý vì những sai phạm về quản lý đất đai.

Trước đó, một ví dụ điển hình là trường hợp sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh tại tỉnh Đồng Nai.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã quyết định kỷ luật đối bà Thanh bằng hình thức cách hết chức vụ trong Đảng và cho thôi làm Đại biểu Quốc hội vì đã vi phạm luật phòng chống tham nhũng.

Cụ thể, trong thời gian giữ chức tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công nghiệp tỉnh Đồng Nai (từ năm 2003 đến tháng 1 năm 2009), Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà tham gia điều hành công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Hưng do chồng bà sáng lập và là chủ tịch Hội đồng thành viên.

Ngoài ra trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai (từ tháng 6 năm 2011 đến tháng 9 năm 2014), bà Thanh đã ký nhiều văn bản sai phạm, không thuộc lĩnh vực mình phụ trách, không thông qua tập thể Ủy ban Nhân dân tỉnh, chưa báo cáo Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư.

Bà Phan Thị Mỹ Thanh còn kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không đúng quy định của Đảng và Nhà nước là vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.

Từ những thí dụ điển hình nêu trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An đánh giá, sai phạm của cán bộ rất dễ xảy ra nếu bản lĩnh cá nhân không tốt và quản lý, giám sát của các cơ quan cấp trên chưa đủ chặt chẽ. Cán bộ vào vòng lao lý là do kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo.

Nhiều cán bộ giữ vị trí quan trọng ở địa phương nhưng tha hoá dẫn tới hậu quả đau đớn. Cán bộ tha hóa từ cấp thấp nhưng vẫn leo sâu chui cao lên cấp trên. Thời gian sai phạm không chỉ một vài năm mà tận hai nhiệm kỳ mới phát hiện ra, như sự vụ của bà Phan Thị Mỹ Thanh từ năm 2008 đến năm 2016 mới bị phát hiện xử lý. Mới nhất là trường hợp cựu Bí thư Bình Dương cũng diễn ra nhiều năm.

“Chúng ta cho rằng công tác cán bộ chặt chẽ hoàn thiện. Tuy nhiên thực tế cho thấy rằng, chỉ hoàn thiện và đầy đủ trên mặt hệ thống văn bản còn việc thực hiện thì chưa được như mong muốn.

Cán bộ vi phạm thể chế, quy phạm thì phải xử lý thật nghiêm khắc và triệt để. Cấp trên quản lý trực tiếp cũng phải chịu trách nhiệm về thiếu giám sát, thiếu quản lý, thiếu sự quan tâm tới cấp dưới và chính xác thì đó cũng là nhiệm vụ của cấp trên được nhân dân giao phó”, bà An cho hay.

Bà Bùi Thị An cho rằng, lựa chọn một nhân sự trong bộ máy nhà nước, là nhân dân tin tưởng giao phó trọng trách quốc gia dân tộc.

Mỗi cán bộ bắt buộc phải đủ tâm, đủ tài, đủ năng lực, trí tuệ, đạo đức, phẩm hạnh, sáng suốt để vượt qua những cám dỗ về tiền tài, vật lực, cống hiến hết mình cho lẽ phải, cho nhân dân, đất nước.

Có như vậy thì mới xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phát triển, nhân dân ngày càng đủ đầy, hạnh phúc.

Cao Kim Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét