Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

20210730. KẾT THÚC KỲ HỌP THỨ NHẤT QUỐC HỘI KHÓA XV

 ĐIỂM BÁO MẠNG

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI: CẢM XÚC QUA  2 LẦN TUYÊN THỆ NHẬM CHỨC

 VẪN TƯƠI MỚI

PHƯƠNG THẢO/ DT 22-7-2021

Dân trí

 "Cảm giác khi đó rất khó tả, xúc động. Cảm xúc đó dù trong lần tuyên thệ cách đây 3 tháng hay 2 ngày trước, cảm xúc đều tươi nguyên như vậy" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ.

Chủ tịch Quốc hội: Cảm xúc qua 2 lần tuyên thệ nhậm chức vẫn tươi mới - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Chủ tịch Quốc hội gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí chiều muộn ngày 22/7.

Chiều 22/7/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người vừa lần thứ hai được bầu giữ chức vụ đứng đầu cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, chủ trì cuộc họp báo.

5 năm nữa mới biết có xứng đáng là người đại biểu nhân dân hay không!

Nói về chương trình hoạt động đề ra trong nhiệm kỳ công tác này, Chủ tịch Quốc hội phân tích, chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội nói chung, nhất là đại biểu chuyên trách là nhân tố quyết định thành công hoạt động của Quốc hội. Vậy nên, đại biểu Quốc hội chính là nhân tố trung tâm của hoạt động của cơ quan lập pháp của nhà nước.

Không nêu thông điệp, nhắn nhủ tới các đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội chỉ chia sẻ, ông tự đặt mình vào vị trí là 1 trong 499 đại biểu Quốc hội được bầu khóa này, là một trong những người được gần 70 triệu cử tri cân nhắc lựa chọn bầu vào cơ quan đại diện của người dân tại Trung ương.

"Đây là vinh dự rất lớn, với cả 40% đại biểu tái cử và 60% đại biểu lần đầu được bầu vào Quốc hội" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội: Cảm xúc qua 2 lần tuyên thệ nhậm chức vẫn tươi mới - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ về trách nhiệm người đại biểu nhân dân.

Ông chia sẻ: "Tôi đã tham gia Quốc hội đến khóa thứ 3, tôi hiểu cảm giác của những người lần đầu bước chân vào Quốc hội, thấy rất vinh dự, tự hào nhưng cũng áp lực về trách nhiệm to lớn của mình. Mình phải làm gì đây để xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri, làm gì trong suốt chặng đường 5 năm tới?".

Chủ tịch Quốc hội nhắc tới những mốc chặng đường quan trọng sắp tới của đất nước, đến năm 2025, 2030 và mốc 2045 tròn 100 năm ngày thành lập nước với những mục tiêu cụ thể như tới 2025 trở thành một nước có mức thu nhập trung bình, tới 2045 thành nước phát triển có mức thu nhập trung bình cao như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Ý thức về vinh hạnh cũng là trách nhiệm lớn lao, theo Chủ tịch Quốc hội, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng cầu thị học tập, luôn gần dân, trọng dân, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội: Cảm xúc qua 2 lần tuyên thệ nhậm chức vẫn tươi mới - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 20/7/2021.

Ông Huệ nhấn mạnh nguyên lý, Quốc hội là thiết chế quyền lực của dân. "Bước chân vào nghị trường, theo đó, là vinh dự lớn nhưng có hoàn thành được trọng trách của mình hay không là việc khó hơn. Dù ở cương vị Chủ tịch Quốc hội hay đại biểu bình thường, chúng tôi cũng ý thức rõ về điều đó" - ông Huệ bày tỏ.

Ông liên tưởng lại thời điểm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu đồng thời làm Chủ tịch nước, Tổng Bí thư đã đọc câu thơ "Chén vui mừng buổi hôm nay/Chén mừng phải đợi ngày này… 5 năm sau". Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, 5 năm hoạt động cũng là thời gian thử thách, để xem 499 địa biểu có đúng là người đại diện cao nhất của nhân dân, có xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của cử tri, nhân dân hay không.

"Cố gắng kiềm chế cảm xúc để thể hiện lời tuyên thệ trước quốc dân đồng bào"

Chia sẻ về cảm xúc qua 2 lần tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội chỉ cách nhau 3 tháng, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc tuyên thệ là quy định của Hiến pháp với các chức danh lãnh đạo chủ chốt của nhà nước, là quy trình phải thực hiện, không kể thời gian đảm nhiệm chức vụ dài hay ngắn.

"Khi đã được Quốc hội bầu giữ chức vụ người đứng đầu, dù chỉ làm nhiệm vụ 2-3 tháng thì đó cũng là trọng trách, phải tuyên thệ trước Quốc hội" - ông Huệ khẳng định.

Ông cũng chia sẻ: "Cảm giác trúng cử tôi đã nói. Còn cảm giác khi được Quốc hội bầu làm Chủ tịch, đứng trước 500 đại biểu cùng nhiều quan khách, thực sự thấy vinh dự, tự hào lắm, thấy rất thiêng liêng nhưng cũng cảm nhận được trách nhiệm nặng nề vì chỉ sơ suất một chút là không hoàn thành nhiệm vụ. Nói chung, cảm giác khi đó rất khó tả, xúc động và phải cố gắng làm sao để kiềm chế được cảm xúc, để thể hiện lời tuyên thệ trước quốc dân đồng bào. Cảm xúc đó thì dù trong lần tuyên thệ cách đây 3 tháng hay 2 ngày trước, cảm xúc đều tươi nguyên như vậy".

Chủ tịch Quốc hội: Cảm xúc qua 2 lần tuyên thệ nhậm chức vẫn tươi mới - 4

Nhấn để phóng to ảnh

Sự khác nhau giữa 2 lần tuyên thệ, theo ông Huệ là trong lần 3 tháng trước, phát biểu nhậm chức, ông chỉ hứa 2 điều là đảm bảo hoạt động thường xuyên, liên tục của Quốc hội và tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026. Kiểm điểm lại, ông Huệ khẳng định, UB Thường vụ, Hội đồng bầu cử quốc gia cũng như Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị đã thống nhất đánh giá là lãnh đạo Quốc hội đã làm được 2 việc đó, thậm chí làm được nhiều hơn những gì đã hứa. Còn tại lần tuyên thệ 2 ngày trước, ông có bài phát biểu nhậm chức dài hơn, hứa nỗ lực để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trên tất cả các khía cạnh: hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Phương Thảo



CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ CHỦ TRÌ HỌP BÁO SAU
 KIỆN TOÀN NHÂN SỰ

THU HẰNG, TRẦN THƯỜNG /VNN 22-7-2021

499 ĐBQH là kho tàng kiến thức, kinh nghiệm vô giá. Hơn nữa, là trí tuệ của toàn dân. Cái tài của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cái khéo của Chủ tịch Quốc hội là làm sao khơi dậy, phát huy được điều này.

Chiều 22/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì họp báo sau khi Quốc hội kiện toàn xong nhân sự lãnh đạo Quốc hội khóa XV.

Tham dự họp báo có lãnh đạo Quốc hội và nhiều lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, trong đó có sự xuất hiện của những gương mặt mới như Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm.

Báo VietNamNet gửi đến Chủ tịch Quốc hội 3 câu hỏi:

Chủ tịch Quốc hội có thể chia sẻ cảm xúc của ông lúc này so với lần nhậm chức cách đây 3 tháng có gì khác biệt?

Gần 3 tháng nắm giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội, vừa làm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp khối lượng công việc khổng lồ như vậy, ông có thấy áp lực?

Là Giáo sư - Tiến sĩ kinh tế, có nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, điều hành ở Trung ương và cả địa phương, ông sẽ vận dụng điều này vào vai trò Chủ tịch Quốc hội như thế nào?

Trả lời câu hỏi tiếp theo của phóng viên VietNamNet, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, thời gian qua, khối lượng công việc rất lớn, áp lực rất nặng nề.

“Chúng tôi thấy rất quý trọng tinh thần làm việc của các ĐBQH khóa XIV. Có ĐBQH làm việc đến phút khai mạc Quốc hội khóa này. Phòng ốc cũng chưa chuẩn bị để chuyển đồ đạc đi vì không còn làm nhiệm vụ”- Chủ tịch Quốc hội nói.

{keywords}
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ trả lời câu hỏi phỏng vấn của báo VietNamNet 

Nhắc đến thành công của cuộc bầu cử trong bối cảnh khó khăn dịch bệnh, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến bài học: “Khi tập thể Quốc hội đoàn kết, trên dưới một lòng, phát huy sức mạnh của từng ĐBQH, của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ nào chúng ta cũng có thể hoàn thành”.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc đến bài học lấy dân làm gốc được khẳng định qua các kỳ Đại hội Đảng. Đến Đại hội XII đã khẳng định “dân làm gốc” và đến Đại hội XIII thêm thành tố “dân thụ hưởng”. 

Trả lời câu hỏi cuối cùng của phóng viên VietNamNet, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ: “Đến nay, tôi có 43 năm công tác, trong đó 23 năm trưởng thành từ giảng viên rồi phó hiệu trưởng trường Đại học. Từ 2001 được bổ nhiệm Phó Tổng kiểm toán nhà nước đến nay đã ngót nghét 20 năm. Cũng đúng là trải qua nhiều cương vị khác nhau”.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hoạt động Quốc hội là tổng hòa tất cả mọi vấn đề của đất nước. Nếu có nhiều trải nghiệm, có nhiều kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau thì có lợi thế hơn

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Nhưng điều quan trọng là 499 ĐBQH mới là kho tàng kiến thức, kinh nghiệm vô giá. Nhiều hơn nữa là trí tuệ của toàn dân, của các nhà khoa học. Cái tài của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cái khéo là của Chủ tịch Quốc hội làm sao khơi dậy, phát huy được điều này, chứ một người không làm nên được”.

Trả lời câu hỏi đầu tiên của phóng viên báo VietNamNet, Chủ tịch Quốc hội nói:

"Cảm giác trúng cử ĐBQH các bạn cũng thấy rồi, cảm giác khi được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội còn đứng trước gần 500 ĐBQH, và nhiều quan khách như vậy, tôi thấy vinh dự, tự hào và rất thiêng liêng, nhiệm vụ cũng rất nặng nề, sơ xuất một tí là không hoàn thành được.

Cảm xúc lúc đó dâng trào, vừa vinh dự, vừa cảm thấy rất xúc động, rất thiêng liêng. Lúc đó chỉ nghĩ làm sao để kiềm chế được cảm xúc, thể hiện được lời tuyên thệ của mình trước quốc dân đồng bào. Dù là cách đây mấy tháng hay mới hôm 20/7 vừa rồi thì cảm xúc vẫn y nguyên như thế", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ.

Chủ tịch Quốc hội cho hay, trong phần phát biểu nhậm chức lần trước ông phát biểu rất ngắn. Có hai nhiệm vụ: Đảm bảo cho Quốc hội hoạt động thường xuyên, liên tục và cùng với Hội đồng Bầu cử quốc gia, cả hệ thống chính trị tổ chức tốt cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

"Chúng tôi đánh giá đã làm được 2 nhiệm vụ này, đã hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí là còn làm nhiều hơn", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Ông thông tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành chương trình hành động chi tiết và cụ thể để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói "Quốc hội phải luôn luôn tự đổi mới và hoàn thiện". 75 năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Trong những nhiệm kỳ gần đây, Quốc hội gặt hái được nhiều thành tựu toàn diện, to lớn trên cả lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao, và quyết định những vấn đề quan trọng quốc gia.

{keywords}
Toàn cảnh cuộc gặp mặt.

"Khi nhậm chức và làm việc với các cơ quan của Quốc hội, gặp các ĐBQH chuyên trách, tôi đều nói những thành tựu, nền móng chúng ta được tiếp thu là quá lớn. Quốc hội khóa XV có thuận lợi kế thừa và phát huy những thành tựu đã có, nhưng cũng đặt ra áp lực tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng như thế nào…

Phấn đấu duy trì được những thành quả của khóa vừa rồi đã khó rồi, tiến thêm bước nữa cũng rất khó khăn" Chủ tịch Vương Đình Huệ chia sẻ.

Trong chương trình hành động, mỗi ĐBQH cũng đã nêu nét chính cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng quốc gia.

Về công tác lập pháp, Chủ tịch Vương Đình Huệ cho biết, cần nâng cao chất lượng, siết chặt kỷ luật kỷ cương luật pháp.

"Phải gắn trách nhiệm với từng cơ quan, nhất là người đứng đầu", ông nhấn mạnh. Mục tiêu của Quốc hội luôn luôn theo đuổi là xây dựng được hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có "tuổi thọ" ổn định lâu dài, khả thi, đáp ứng được yêu cầu....

Khắc phục tình trạng "luật khung, luật ống"; mặt khác cũng phải khắc phục xu hướng, khía cạnh vấn đề thực tiễn cuộc sống chưa đủ rõ nhưng chúng ta lại quy định quá chi tiết, lúc đó "tuổi thọ" của luật không được lâu.

Về giám sát, theo Chủ tịch Quốc hội, với tinh thần có trọng tâm, trọng điểm; làm đến nơi, đến chốn, truy đến tận cùng sự việc; xác định được trách nhiệm giải trình của tập thể, cá nhân và nêu ra ý kiến xác đáng.

“Trong bài phát biểu của mình, tôi cũng từng nói phải coi trọng giám sát, thực hiện các kiến nghị giám sát. Nhiệm kỳ tới, các cơ quan của Quốc hội phải chú trọng giám sát việc ban hành pháp luật và tổ chức thực hiện”- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.

Quốc hội cũng sẽ tiếp tục đổi mới hình thức và nội dung chất vấn, tăng cường hoạt động chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tăng cường hoạt động giải trình, có cơ chế để ĐBQH, đoàn ĐBQH tham gia giám sát.

Quốc hội họp 2 kỳ nhưng ĐBQH làm việc liên tục.

Về việc nâng cao chất lượng việc quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngoài 499 ĐBQH, chủ trương của Đảng đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là huy động tối đa đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học.

Mở đầu họp báo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chất lượng hoạt động của ĐBQH nói chung, đặt biệt là ĐBQH chuyên trách quyết định chất lượng hoạt động Quốc hội. Có thể nói ĐBQH là trung tâm hoạt động của Quốc hội.

"Với vị trí vai trò quan trọng như vậy, tôi xin phép không nhắn gửi mà trước hết là một trong 499 ĐBQH được bầu mong thông qua dịp này nói tâm tư nguyện vọng và quyết tâm của mình.

Tôi cùng 499 ĐBQH được gần 70 triệu cử tri cân nhắc, lựa chọn bầu vào Quốc hội khóa XV, đại diện cho hàng triệu cử tri cả nước. Đây là một vinh dự kể cả với 40% ĐBQH tái cử và 60% ĐBQH trúng cử lần đầu.

{keywords}
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ

Lần này tôi vinh dự tham gia khóa thứ 3. Cảm giác của các ĐB lần đầu tiên bước chân vào Quốc hội lần đầu tiên giống tôi cách đây 3 nhiệm kỳ.

Cảm thấy rất vinh dự, tự hào nhưng cũng thấy đây là trách nhiệm rất nặng nề, phải làm gì đây để xứng đáng cho sự lựa chọn của cử tri. Trong giai đoạn 5 năm, là chặng đầu rất quan trọng để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII.

Cá nhân tôi hay các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt hôm nay hay là 499 ĐBQH được bầu và được xác nhận tư cách ĐBQH, tôi thấy được vinh dự và trách nhiệm để phấn đấu, luôn luôn tu dưỡng phẩm hạnh, đạo đức của mình theo các tiêu chuẩn rất là khắt khe của người đại biểu nhân dân. Không ngừng cầu thị, hết sức lắng nghe ý kiến của nhân dân, gần dân, trọng dân lắng nghe ý kiến của dân”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Đặt chân vào nghị trường là vinh dự rất là lớn nhưng có hoàn thành trách nhiệm của mình hay không là việc càng lớn hơn. Dù là Chủ tịch Quốc hội hay một đại biểu bình thường chúng ta cũng có những trách nhiệm hết sức nặng nề với đất nước.

Chủ tịch QH bày tỏ: “Tôi nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đọc mấy câu thơ. Mấy nay có nhiều người chúc mừng tôi. Tôi học lại câu nói của Tổng Bí thư: “không biết chúc mừng hay chúc lo” và xin gửi lại mấy câu thơ Tổng Bí thư đã đọc: “Chén vui mừng buổi hôm nay, chén mừng phải đợi ngày này 5 năm sau”.

Thu Hằng - Trần Thường


'QUYỀN LỰC KHÔNG ĐƯỢC KIỂM SOÁT, ANH HÙNG CŨNG CÓ THỂ 

BIẾN THÀNH TỘI PHẠM'

CAO KIM ANH/ GDVN 29-7-2021

GDVN- “Điều đó chứng tỏ rằng, quản lý cán bộ chúng ta nói là một chuyện và người thực thi nhiệm vụ lại là một câu chuyện khác”, ông Thuyền nhận định.

Tồn tại nhiều lỗ hổng trong công tác cán bộ

Ngày 27/7, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” khi mở rộng vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3/2), là doanh nghiệp Tỉnh ủy Bình Dương chi phối vốn.

Các quyết định tố tụng đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phê chuẩn. Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Những vi phạm của cá nhân ông Trần Văn Nam đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư kết luận: với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV, ông Nam chịu trách nhiệm người đứng đầu các vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020.

Ngoài ra, ông Nam còn phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ký văn bản áp dụng giá đất thu tiền sử dụng đất, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước và những sai phạm khác.

Đáng chú ý, khi vụ án Tổng công ty 3/2 đang được điều tra, ông Trần Văn Nam vẫn lần lượt tái cử các chức danh như Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Bình Dương, ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV (sau đó Hội đồng bầu cử Quốc gia không xác nhận tư cách Đại biểu Quốc hội).

Mặc dù các chức danh này của ông Trần Văn Nam bị cách hoặc không được công nhận ngay khi phát hiện có dấu hiệu sai pham. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn đặt ra rằng, công tác cán bộ của chúng ta bấy lâu nay được xem là chặt chẽ vậy tại sao vẫn tồn tại những cán bộ như ông Nam suốt một thời gian rất dài, thậm chí còn kinh qua nhiều vị trí quan trọng đứng đầu tỉnh?

Ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. (Ảnh Quochoi.vn)

Trao đổi vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII cho biết: "Vụ việc của cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương không phải là trường hợp duy nhất. Từ những năm trước, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều cán bộ cấp cao phải đứng chịu tội trước vành móng ngựa vì những sai phạm đã gây ra.

Điều đó chứng tỏ rằng trong công tác quản lý, đánh giá, xem xét, quy hoạch cán bộ và giám sát quyền lực của cán bộ có nhiều sơ hở, để lọt cán bộ tiêu cực, tham nhũng. Thực tế cho thấy chưa bao giờ phát hiện và xử lý nghiêm minh cán bộ sai phạm nhiều như thời gian vừa qua.

Mỗi kỳ đại hội chúng ta làm các quy trình rất chặt chẽ, đánh giá cán bộ qua bốn, năm khâu, thế nhưng những người như ông Nam vẫn lọt vào Ban Chấp hành Trung ương và giới thiệu để vào tiếp tục trở thành Đại biểu Quốc hội.

Sai phạm và tiêu cực này không phải hình thành mới đây mà đã tồn tại rất nhiều năm. Điều này cho thấy, quy hoạch, đánh giá, nhận xét cán bộ còn nhiều lỗ hổng cần phải được xem xét".

Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, các cán bộ sai phạm hầu hết được phát hiện khi đã ngồi vào các vị trí cao. Tất nhiên, chúng ta đã làm rất kỹ và thường xuyên có các quy định, quy chế phù hợp với diễn biến thực tế nhằm ngăn chặn, không để cán bộ tiêu cực, tham nhũng lọt vào Ban Chấp hành Trung ương.

Tuy nhiên, thực tế là vẫn có nhiều người sai phạm mà vẫn trúng cử và chỉ bị phanh phui khi mà Bộ Chính trị đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quyết liệt xử lý như những năm vừa qua.

“Chúng ta phải ghi nhận những nỗ lực xử lý rất mạnh trong công tác cán bộ, thực tế là đã kiểm tra, xử lý sai phạm với nhiều cán bộ địa phương và trung ương. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải nhìn nhận lại chuyện quản lý, đánh giá cán bộ, quy trình thì chặt chẽ nhưng vẫn lọt những kẻ sai phạm, cơ hội”, ông Thuyền nhận định.

Hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy định nghiêm ngặt, rõ ràng, chặt chẽ, tuy nhiên trên thực tế nhiều cán bộ vi phạm tiêu cực trong một thời gian dài vẫn được bao che, tạo điều kiện, giúp đỡ để được lên lãnh đạo cao nhất tại địa phương.

Điều đáng nói ở đây là mỗi khi phát hiện ra các cán bộ sai phạm, người ta chất vấn và hỏi trách nhiệm này thuộc về ai nhưng nhận được câu trả lời là đã là đúng quy trình. Vậy để những cán bộ như ông Trần Văn Nam có thể tồn tại được trong đội ngũ cán bộ cấp cao, kinh qua rất nhiều vị trí chủ chốt là do quy trình đúng hay sai?

Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, công tác đánh giá cán bộ hết sức quan trọng. Hiện tại tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ vẫn còn nhiều. Chúng ta để lọt lưới cán bộ sai phạm thì chứng tỏ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ, giám sát quyền lực của chúng ta cần xem lại, chấn chỉnh lại.

“Chúng ta phải thật sự xem xét lại công tác kiểm soát quyền lực. Khi trao một số quyền lực nhất định thì con người có thể thay đổi. Hôm nay có thể là anh hùng, nhưng ngày mai có thể trở thành tên tội phạm, bởi vì trong quá trình kiểm tra giám sát chúng ta làm không kỹ, không răn đe, không giáo dục dẫn đến tính tự kiêu, tự mãn của chủ nghĩa cá nhân phát triển mà không phát hiện kịp thời”, ông Thuyền cảnh báo.

Chúng ta xây dựng hệ thống giám sát từ trên xuống dưới, có vẻ chặt chẽ nhưng không tìm ra, phát hiện ra sai phạm thì cần phải chỉnh đốn lại.

Ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng: “Công tác cán bộ những năm gần đây đã có bài bản tuy nhiên thực hiện chưa chuẩn. Nhiều cơ quan giám sát được hình thành nhưng không động đến vấn đề nóng trong cuộc sống.

Các cơ quan giám sát phải gần dân, tăng cường sự giám sát lắng nghe ý kiến từ người dân.

Thực tế, người dân có khi đã phát hiện ra sai phạm, đã tố cáo nhưng cơ quan chúng ta thường có thói quen chuyện nhỏ bỏ qua. Sự tồn ứ lâu ngày, không lắng nghe ý kiến từ nhân dân cũng là một trong những nguyên do không phát hiện ra cán bộ tha hóa, biến chất, sai phạm”.

Công tác phê bình, tự phê bình chỉ là hình thức?

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (Ảnh Cao Kim Anh)

Vụ việc xảy ra tại Tỉnh ủy Bình Dương được ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem là một sự việc rất đáng buồn, bởi sai phạm này không chỉ một mình cá nhân cựu Bí thư tỉnh ủy Bình Dương gây ra mà còn có nhiều cá nhân giữ vị trí lãnh đạo ở tỉnh cùng tham gia.

“Đây là một tập thể quan trọng, đầu não của tỉnh ủy, là nhân sự nòng cốt để phát triển địa phương, nhưng lại vi phạm những điều pháp luật cấm, để kết cục phải rơi vào vòng lao lý.

Đây là biểu hiện của sự tê liệt trong đội ngũ lãnh đạo, tê liệt sức chiến đấu trong tập thể cán bộ, đảng viên tại địa phương. Người ta nói cái kim lâu ngày trong bọc cũng lòi ra, đây không chỉ là một cái kim mà là khối tài sản lớn của nhân dân, đất nước bị sai phạm trong một thời gian dài. Đó là một điều đau đớn”, ông Hùng nhận định.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, cần phải nghiêm túc xem xét khi mà mỗi kỳ đại hội đều có nghị quyết xây dựng chỉnh đốn đảng, thế nhưng vẫn tồn tại những trường hợp đảng viên, cán bộ cấp cao sai phạm liên tiếp, qua nhiều vị trí, nhiều nhiệm kỳ như ông Trần Văn Nam. Điều đáng nói, đây không phải trường hợp đầu tiên mắc sai phạm, bị khởi tố điều tra trong những năm trở lại đây.

“Chúng ta lập ra các cơ quan quản lý, kiểm tra, giám sát cấp ủy và những người đó phải có trách nhiệm khi sai phạm xảy ra bởi chưa thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Phải kiểm tra lại từng cá nhân, phải biết ai là người theo dõi tỉnh ủy Bình Dương và theo dõi tại sao không biết sai phạm xảy ra trong thời gian lâu dài như vậy?

Chúng ta có một cái mạch lãnh đạo chỉ đạo về mặt hình thức rất gắn bó và ngày một chính quy, hiện đại nhưng tại sao không nắm được cán bộ vi phạm?”, ông Hùng nhận định.

Một trong những việc theo ông Vũ Quốc Hùng để hạn chế sai phạm, kiểm soát quyền lực của cán bộ là thông qua giám sát nhân dân: "Cuối mỗi năm chúng ta đều có kiểm điểm trên các hiệu quả công việc được giao. Kết quả kiểm điểm luôn luôn tốt nhưng sai phạm nghiêm trọng vẫn xảy ra. Điều đó chứng tỏ có sự bao che, bưng bít để gây ra sai phạm. Như vậy, công tác phê bình, tự phê bình chỉ tồn tại ở mặt hình thức, chỉ là những đánh giá qua loa, không hiệu quả.

Kinh nghiệm từ Nghị quyết Trung ương 6, lần 2, khóa VIII, thì mọi tổ chức đảng đến cuối năm đều phải hỏi ý kiến dân, hỏi ý kiến các tổ chức đảng cấp dưới. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn những công tác này không được chú trọng, chỉ làm hình thức, quan liêu.

Cơ chế giám sát thông qua nhân dân phải được triển khai mạnh mẽ hơn. Cán bộ phải gần dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, có như vậy thì những điều lệ, cơ chế, chính sách và ngay cả những chỉ đạo mới được thực hiện sâu sát và hiệu quả. Từ đó công tác phòng, chống tham nhũng mới là một cuộc cách mạng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân đóng vai trò hết sức quan trọng".

Cao Kim Anh
QUỐC HỘI LÀ GÌ ?

NGÔ HUY CƯƠNG/ TD 24-7-2021

Quốc hội có thể là một nấc thang để đưa ai đó leo lên cao hơn. Quốc hội cũng có thể là nơi xếp ghế cho ai đó ngồi để hưởng vinh hoa. Quốc hội cũng có thể là nơi để ai đó tạo ra được nhiều mối quan hệ hữu ích cho công việc làm ăn của riêng mình.

Nhưng đối với dân, Quốc hội là sự mong mỏi cuối cùng.

Vậy vào Quốc hội không phải để nịnh nhau. Riêng trong lĩnh vực luật học thì chúng tôi quá biết các vị rồi. Hãy hiểu dân và phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của dân!

Trước hết mong các vị Đại biểu Quốc hội đừng nói “chúng tôi sẽ đồng hành với Chính phủ”. Nói như vậy là không hề hiểu biết gì về chính thể do Hiến pháp năm 2013 tạo ra ở nước ta.

Đối với chính thể Quốc hội, thì dân bầu ra Quốc hội và rồi từ Quốc hội tổ chức ra các cơ quan hành pháp và tư pháp. Vậy nên Chính phủ phải tuân thủ pháp luật và quyết sách do Quốc hội làm ra và phải chịu sự giám sát của Quốc hội.

Lưu ý rằng: Đảng lãnh đạo chứ không có nghĩa là một cá nhân nào đó trong Đảng lãnh đạo. Ngại Chính phủ chỉ vì nhìn vào vị thế trong Đảng của ông Thủ tướng là sai. Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 đã qui định các tổ chức của Đảng và Đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật cơ mà(!?)

Nếu chỉ chú ý đến cái ghế hiện tại và tương lai của mình thì khó làm Đại biểu của dân lắm!

***

Đại biểu của dân nói gì thế?

Mấy hôm nay theo dõi VTV1 hòng mong thu hoạch thêm được nhiều thông tin, kiến thức qua các phát biểu của các vị Đại biểu Quốc hội, chứ chưa dám nghĩ tới chuyện thực hành quyền của cử tri giám sát các vị đại biểu của mình, tôi thấy buồn quá.

Chưa thấy có ý kiến nào gây xúc động, nên tôi cứ đoán già, đoán non rằng Đài truyền hình Việt Nam chưa “để lộ” ra hay cố giấu đi những ý kiến trí tuệ và tâm huyết của các ĐBQH, hoặc các ĐBQH chưa muốn lộ tài năng và đức độ của mình để còn thăm dò lẫn nhau hay thăm dò dư luận?

Khoá Quốc hội này khá khác biệt là có tới 37% số Đại biểu có trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ luật học. Vậy có làm nên trò trống gì không?Chúng tôi sẽ lắng nghe và giám sát.

Đề nghị Đài truyền hình Việt Nam nếu không đưa tin đầy đủ thì cố gắng lựa chọn một số ý kiến nào đó có trí tuệ và tâm huyết một tí đưa lên để cử tri chúng tôi thấy lá phiếu của chúng tôi còn có tí giá trị.

***

Quốc hội cần chất vấn khẩn cấp các chính trị gia

Xã hội là thế, sinh ra các chính trị gia để lo việc lớn của toàn cộng đồng như phát triển kinh tế- xã hội, chống dịch và chống giặc…

Việt Nam có câu “Một người lo bằng cả kho người làm”. Người dân đầu tắt mặt tối đi làm kiếm sống nuôi bản thân và gia đình, đồng thời phải đóng thuế nuôi chính trị gia những mong chính trị gia “nhìn xa, trông rộng” để làm những việc lớn cho cộng đồng.

Ấy vậy mà cho tới nay mới lộ rõ những người có trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thiếu tầm nhìn để tới bây giờ cuống lên trong việc tìm kiếm nguồn vaccine tiêm phòng ngừa cho dân.

Có nhiều biện bạch cho rằng họ đã nhìn thấy vấn đề vaccine ngay từ ban đầu. Tôi không tin! Bất kỳ một dự án hay một kế hoạch nào đều gắn với tài chính. Vậy nếu đã có kế hoạch mua vaccine thì tại sao bây giờ mới cuống lên xây dựng quỹ vaccine để dân ủng hộ và cho tới giờ còn đang cuống lên đi tìm nguồn cung vaccine?

Ông Vũ Đức Đam bình thường thì ăn nói gãy gọn lắm nhưng khi biện bạch cho việc có tầm nhìn về vaccine thì có vẻ ấp úng hơn bình thường, sao vậy? Người dân đang có nhu cầu bức bách về vaccine để cứu mạng sống của chính mình và gia đình mình. Chính sách ưu tiên tiêm vaccine thiếu thích hợp dẫn đến tình trạng trong một gia đình người được tiêm, người không được tiêm. Người được tiêm có thể chủ quan gây lây nhiễm cho người chưa được tiêm trong gia đình?

Chúng tôi ngưỡng mộ các bác sĩ, nhân viên y tế và các chiến sĩ quân đội, công an ngày đêm lo chống dịch. Nhưng chúng tôi đòi hỏi các chính trị gia phải có câu trả lời minh chứng được về khả năng chỉ đạo phòng chống dịch.


THẤY GÌ VỀ CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CUỘC HỌP ĐẦU TIÊN KHÓA  XV

NGÔ HUY CƯƠNG/ TD 28-7-2021


Có hai loại Đại biểu Quốc hội: “đọc” và “nói”.

1. Loại ĐBQH nói rất hiếm gặp trong kỳ họp Quốc hội lần này, có thể đếm trên đầu ngón tay. Họ không cắm mặt vào tờ giấy viết sẵn để đọc.

Ấy thế mà loại này lại có thể chia thành hai tiểu loại. Tiểu loại thứ nhất nói có thông tin và kiến thức đáng suy nghĩ; và tiểu loại thứ hai nói lưu loát với những ngôn từ đẹp nhưng bị trôi tuột đi như một lời mở đầu xã giao. Đôi người thuộc tiểu loại thứ hai này chắc hẳn là những người trước kia học khá môn văn ở phổ thông, nên ý tứ sến sẩm của những câu văn quen thuộc được sử dụng nhưng thay một số từ. Ví dụ câu văn ta vẫn thường nghe “em không biết đó thôi, ở ngoài kia dòng đời đang xô đẩy” được thay một vài chữ thành “khi chúng ta đang ngồi họp ở đây thì ở ngoài kia người dân đang phải chống chọi với dịch bệnh”.

Khi ngồi hội đồng chấm luận văn hay luận án, thường chúng ta đánh giá khá cao những người bảo vệ luận văn hay luận án mà không cắm mặt vào giấy hay máy tính để đọc vì cho rằng họ nắm được luận văn hay luận án của mình.

2. Loại ĐBQH đọc chiếm hầu hết

Khi nghe họ phát biểu mình có cảm giác nếu những tờ giấy mà không đánh số trang hay không ghim lại thành tập thì có thể họ đọc cả những trang họ đã đọc rồi. Với họ, một cú ngước mắt để nhìn lên, rời khỏi tờ giấy là cả một vấn đề lớn cần phải suy tính. Cú ngước lên đó có thể làm họ đọc “lộn dòng” (nghĩa đen).

Rất nhiều bài viết có bố cục giống nhau và giọng văn giống nhau.

Bố cục thường theo thứ tự như sau: Nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ; ca ngợi lãnh đạo; nhắc lại những gì mà Chính phủ đã báo cáo; góp vài ý kiến nhỏ và lồng vào mấy đặc điểm địa phương nơi bầu ra mình; và cảm ơn Quốc hội đã chú ý lắng nghe (còn mặc kệ, không cần biết có ai nghe không).

Biết các đồng chí thư ký của các đoàn Đại biểu Quốc hội rất vất vả. Nhưng tôi thấy cần phải lưu ý các đồng chí rằng “làm thế lộ chết!”.

Ngô Huy Cương

QUỐC HỘI CỦA  AI CHỨ KHÔNG PHẢI CỦA TÔI

NGUYỄN THÔNG/ TD 17-7-2021

Thấy báo chí nói nhiều về kỳ họp thứ nhất quốc hội khóa mới sắp diễn ra. Ông chủ tịch, ông chủ nhiệm văn phòng, bà trưởng ban công tác… của quốc hội đều đăng đàn tuyên bố, giải thích này nọ, rằng tại sao phải bầu lại, tại sao phải tuyên thệ, chính phủ mới sẽ ra sao, có mấy phó thủ tướng, v.v..

Tinh những chuyện mọi người đã tỏ, không cần phải họp, không cần phải giải thích. Chẳng hạn ông Trương Hòa Bình đang là Phó Thủ tướng thường trực nhưng không còn ủy viên trung ương nữa thì đương nhiên sẽ “out”, có gì mà phải bàn. Thế mà cũng cứ làm như tinh giản bộ máy ghê gớm lắm (ngay chuyện để ổng làm thủ phó tới thời điểm này cũng lắm điều hay, như một kiểu an ủi…). Họp như thế chỉ phí thời gian, thà ở nhà (tỉnh, thành) mà chống dịch.

Quốc hội, ngoài nhiệm vụ chính làm luật, hãy đi vào thực chất. Tôi lấy ví dụ, ai cũng biết cái công trình đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là sự nhức nhối ê chề tốn kém diễn ra cả chục năm nay rồi. Nó không phải của riêng thủ đô, mà là vết nhơ của cả nước. Hai khóa quốc hội, họp mấy chục kỳ, không bao giờ bàn đến, cứ để nó “ngạo nghễ” thách thức.

Giờ hãy bàn cụ thể về nó, số phận nó, quyết đi, để hay phá, chạy hay không chạy, bao giờ chạy…, lại cứ ỡm ờ mãi, đẩy tới đẩy lui, đánh bùn sang ao, ném đá ao bèo, không đứa nào chịu trách nhiệm, chối bỏ xừ.

Tôi đề nghị, trước khi họp, xin các vị đừng làm lễ khai mạc khai miếc, đừng “trong không khí hân hoan phấn khởi” làm gì (đang dịch chết người, buồn thấy bà, tôi cấm tiệt các vị hân hoan phấn khởi), cứ tất cả 499 ông bà lục tục leo hết lên tàu Cát Linh – Hà Đông làm một vòng. Cho tứ trụ ngồi hàng đầu, ông Thể cầm lái. Không có cách nào chứng minh chất lượng công trình thuyết phục dân chúng bằng cách ấy. Đi xong, về lại hội trường Diên Hồng, tha hồ họp. Còn có về được hay không lại là chuyện khác, không bàn ở đây.

Cứ bàn toàn chuyện đẩu đâu, không ích nước lợi dân chi cả.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét