Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

20210710. BÀN VỀ CHIẾN LƯỢC CHỐNG DỊCH COVID-19

 ĐIỂM BÁO MẠNG

KHÔNG NÊN LÀM XÉT NGHIỆM COVID-19 TRÊN 10 TRIỆU NGƯỜI

NGUYỄN VĂN TUẤN/ BVN 9-7-2021


Giới chức y tế Sài Gòn đang triển khai chương trình xét nghiệm Covid-19 trên 10 triệu cư dân thành phố. Cái note này sẽ trình bày 4 lí do tại sao không nên thực hiện một chương trình qui mô như vậy vì kém hiệu quả y tế, kém chính xác, và tốn quá nhiều tiền. Nên dành tiền để mua vaccine hơn là để xét nghiệm.

Hôm qua, tôi có đặt vấn đề về chương trình xét nghiệm Covid-19 trên 5 triệu người [1]. Một nhà báo cho biết rằng TPHCM dự định xét nghiệm 10 triệu người, chớ không phải 5 triệu như tôi đọc trên TN. Chương trình xét nghiệm chia thành 2 đợt, mỗi đợt 5 triệu người. Có lẽ đây là chương trình xét nghiệm qui mô lớn nhứt trên thế giới (?)

Rất khó biết chương trình xét nghiệm này có mục tiêu là gì. Tôi nghĩ chắc các bạn chủ trì chương trình biết, nhưng họ chưa chia sẻ với công chúng. Theo tôi, mục tiêu của bất cứ chương trình tầm soát (xét nghiệm đại trà có thể xem là tầm soát) là cứu người. Qui trình hết sức đơn giản: làm xét nghiệm tầm soát; phát hiện ca dương tính; làm xét nghiệm xác định; can thiệp (cách li hay điều trị); cứu người. Có thể xem mục tiêu tối hậu là giảm số ca tử vong trong cộng đồng.

Tôi có lí do để khuyên rằng không nên làm xét nghiệm như thế trong bối cảnh hiện nay, và nên nghĩ đến một chiến lược khác.

Lí do thứ nhứt: số ca dương tính rất thấp

Thấp là bao nhiêu? Hôm nọ, tôi có trình bày con số từ Úc cho thấy xét nghiệm xét nghiệm trên 7.4 triệu người, kết quả cho thấy có 0.4% (tức 4 trên 1000) có kết quả dương tính [2]. Nhưng con số sau cùng xét nghiệm trên 21.5 triệu người, có 0.1% (1 trên 1000 người) có kết quả dương tính [3]. Nếu dùng con số này (0.1%) làm điểm tham khảo, chúng ta dự báo rằng xét nghiệm trên 10 triệu người ở TPHCM sẽ cho ra kết quả 10,000 người có kết quả dương tính. Nói cách khác, 99.9% sẽ có kết quả âm tính.

Dĩ nhiên, 10000 người có kết quả dương tính không có nghĩa là phát hiện 10,000 ca nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, con số 10,000 đó quá thấp để chúng ta dồn sức lực và tài chánh của người dân vào một chương trình qui mô như thế. Tôi sẽ giải thích tiếp dưới đây.

Lí do thứ hai: chi phí quá tốn kém

Thường, xét nghiệm bằng kĩ thuật RT-PCR khá tốn kém. Ở Úc, mỗi mẫu như thế tốn khoảng 150 đôla; nếu thêm xét nghiệm kháng thể IgG thì tốn đến 210 đôla. Nhưng ở Việt Nam thì chi phí, theo như một quảng cáo, là 750,000 đồng (tức gần 33 USD). Nếu xét nghiệm theo nhóm thì chi phí có thể là 460,000 đồng (20 USD). Nếu chúng ta lấy cái giá 20 USD là chi phí ‘bảo thủ’ (thấp), thì xét nghiệm trên 10 triệu người sẽ tốn 200 triệu USD, hay 4000 tỉ đồng.

Bốn ngàn tỉ đồng để phát hiện 10,000 ca dương tính. Tính bình quân, để phát hiện mỗi ca dương tính, người dân phải tốn 400 triệu đồng (hay 20,000 USD)! Có xứng đáng ‘đồng tiền bát gạo’ không? Tôi nghĩ đa số các bạn sẽ nói ‘không’.

Lí do thứ ba: lợi ích quá thấp

Ở trên, tôi nói rằng mục tiêu tối hậu của xét nghiệm đại trà không chỉ là phát hiện ca dương tính, mà là giảm tử vong. Bây giờ chúng ta thử xem qua giả định này. Hiện nay, chúng ta không có thuốc đặc trị cho bệnh nhân Covid-19, nhưng có vài thuốc được tái mục đích cho Covid-19 [4]. Những thuốc như Dexamethasone có thể giảm nguy cơ tử vong khoảng 36% [4].

Bây giờ chúng ta quay lại số ca cần điều trị. Giả dụ rằng chương trình xét nghiệm phát hiện 10,000 người bị nhiễm (một giả định lớn). Trong số này, chỉ có 3% là nặng và cần điều trị (theo số liệu của Bộ Y tế [5]), hay 300 bệnh nhân. Xác suất tử vong ở những bệnh nhân nặng này là khoảng 17% [6]. Do đó, con số tử vong dự kiến sẽ là 51 người.

Tuy nhiên, họ sẽ được điều trị, nên con số tử vong là 0.17*0.64*300 = 32 người. Nói cách khác, chúng ta cứu được 18 người.

Bây giờ, chúng ta sẽ hỏi: cần tâm soát hay xét nghiệm bao nhiêu người để giảm 1 ca tử vong? Trong dịch tễ học, câu trả lời cho câu hỏi này là ‘number needed to screen’ (NNS). Con số này phụ thuộc vào hiệu quả của thuốc điều trị [chúng ta đã biết] và xác suất tử vong.

Chúng ta biết rằng xác suất tử vong là 51 / 10,000,000 = 0.0000051. Nhưng vì họ được tầm soát / xét nghiệm và điều trị, nên xác suất tử vong mà chương trình xét nghiệm đem lại là 0.0000051*0.64 = 0.00000326. Suy ra, số người cần xét nghiệm để giảm MỘT ca tử vong là:

1 / (0.0000051 – 0.00000326) = 543,478.

Tức là, chúng ta phải tầm soát 543,478 để giảm 1 ca tử vong.

Chi phí để xét nghiệm để giảm 1 ca tử vong là: 10,869,560 USD.

Chính tôi cũng ngạc nhiên khi thấy con số quá cao như thế. Điều này càng nói lên rằng chúng ta sẽ phải chi rất nhiều tiền, nhưng không đem lại hiệu quả cho công chúng bao nhiêu.

Lí do thứ tư: sai sót trong xét nghiệm

Hôm trước tôi có giải thích rằng xét nghiệm đại trà dễ dẫn đến sai sót về kết quả. Sai sót xuất phát từ 2 nguồn: khâu lấy mẫu và khâu xét nghiệm. Lấy mẫu đại trà ngoài cộng đồng, trong môi trường không có kiểm soát, rất dễ bị ‘contaminated’, nhứt là khi các mẫu được gom vào một rọ. Đó là chưa nói đến bảo quản mẫu trước khi chuyển về phòng xét nghiệm.

Độ chính xác của xét nghiệm còn tuỳ thuộc vào nơi lấy mẫu. Chẳng hạn như có nghiên cứu cho thấy lấy mẫu ở cổ họng kém chính xác bằng lấy mẫu ở mũi.

Kĩ thuật xét nghiệm PCR tuy rất chính xác, nhưng vẫn có kết quả dương tính giả và âm tính giả. Dương tính giả là khi người ta có kết quả dương tính, nhưng họ không bị nhiễm. Âm tính giả là khi họ có kết quả âm tính, nhưng thật ra họ đã bị nhiễm. Tỉ lệ dương tính giả là khoảng 7% và âm tính giả có thể lên đến 20% [7].

Tuy con số không cao , nhưng nếu các bạn áp dụng cho 10 triệu người thì sẽ thấy rất cao. Lấy kết quả seroprevalence mà giả dụ (nhấn mạnh là ‘giả định’) rằng có 0.24% trong cộng đồng bị nhiễm [8], và nếu xét nghiệm tất cả 10 triệu người, chúng ta kì vọng sẽ có kết quả (xem giản đồ minh hoạ):

· dương tính: 717,520 người, nhưng trong số này dương tính giả là 698,320 người.

· âm tính: 9,282,480, nhưng trong số này sẽ có 4800 là âm tính giả.

Sai sót trong xét nghiệm (dương tính giả và âm tính giả).

Như vậy, các bạn thấy con số sai sót quá lớn: 703,120 nguời sẽ có kết quả sai.

Dĩ nhiên, những con số đó có thể sai, vì giả định có thể không đúng. Nhưng tôi tin rằng dù có sai thì con số kết quả xét nghiệm dương tính giả và âm tính giả vẫn hơn 500,000 người.

Thay đổi chiến lược xét nghiệm

Từ trong tim, tôi vẫn nghĩ đến xét nghiệm trong cộng đồng, và đã từng lên tiếng từ năm ngoái khi dịch chưa cao. Tôi nghĩ nên thay đổi chiến lược xét nghiệm: thay vì làm trên 10 triệu người, nên làm xét nghiệm ngẫu nhiên.

Theo phương án xét nghiệm ngẫu nhiên, chúng ta sẽ ứng dụng cách lấy mẫu theo cụm (cluster sampling). Chúng ta sẽ đi đến từng phường, và lấy ngẫu nhiên một số hộ gia đình. Lí do lấy gia đình là vì đa số các ca nhiễm là trong nhà (kinh nghiệm bên Úc). Chúng ta sẽ xem gia đình là đơn vị lấy mẫu. Còn lấy bao nhiêu thì là vấn đề kĩ thuật tính toán (sẽ bàn sau). Với cách lấy mẫu theo cụm như thế, chúng ta bảo đảm bao trùm cả thành phố, mà không cần phải xét nghiệm trên 10 triệu người. Cách làm này sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền mà vẫn cho ra kết quả có tính khoa học cao.

***

Tóm lại, tôi đã giải thích tại sao một chương trình xét nghiệm đại trà như thế ở TPHCM sẽ tốn rất nhiều tiền, không có hiệu quả y tế cộng đồng, và không chính xác. Ở Anh, từ cuối năm ngoái, người ta cũng không làm như thế. Một quan chức cao cấp trong Bộ Y tế (Lord Bethell) viết rằng “Hiện nay, chúng tôi không có kế hoạch xét nghiệm đại trà; xét nghiệm bằng cách quét [cổ họng] không có triệu chứng không phải là một phương pháp chính xác để tầm soát trong dân số, bởi vì nguy cơ âm tính giả quá cao” [9] (Nguyên văn: ‘We are not currently planning mass asymptomatic testing; swab testing people with no symptoms is not an accurate way of screening the general population, as there is a real risk of giving false reassurance.’)

Trích thư của Lord Bethell gởi cho một dân biểu nói rằng Bộ Y tế Anh không làm xét nghiệm Covid-19 đại trà

Bên Anh người ta đã qua trải nghiệm xét nghiệm Covid-19 đại trà và họ không làm nữa. Nên ngưng chương trình xét nghiệm đại trà, và suy nghĩ cách làm khác cho hiệu quả hơn và ít tốn kém hơn. Nên dành số tiền dành cho xét nghiệm để đầu tư vào mua vaccine vì tiêm vaccine là ưu tiên số 1 hiện nay (chớ không phải xét nghiệm đại trà).

N.V.T.

_____

[1] https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1273137866466861

[2] https://www.pathologyjournal.rcpa.edu.au/article/S0031-3025(20)30936-3/fulltext

[3] https://www.health.gov.au/news/health-alerts/novel-coronavirus-2019-ncov-health-alert/coronavirus-covid-19-case-numbers-and-statistics#tests-conducted-and-results

[4] https://cuoituan.tuoitre.vn/cuoc-song-muon-mau/cac-lua-chon-trong-dieu-tri-benh-nhan-covid-19-1587801.html

[5] https://nguyenvantuan.info/2021/07/07/nen-ngung-dem-so-ca-nhiem

[6] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7920817

[7] https://nguyenvantuan.info/2021/07/06/sai-sot-trong-xet-nghiem-covid-19-va-dien-giai-ket-qua-xet-nghiem

[8] https://www.mja.com.au/journal/2021/214/4/seroprevalence-sars-cov-2-specific-antibodies-sydney-after-first-epidemic-wave

[9] https://www.bmj.com/content/bmj/suppl/2020/12/21/bmj.m4916.DC1/DHSCreply_Redacted.pdf

Nguồn: Nguyễn Văn Tuấn (nguyenvantuan.info)

DỊCH COVID-19 BÙNG PHÁT: BÍ THƯ NGUYỄN VĂN NÊN: TÌM F0 BẰNG CHIẾN DỊCH XÉT NGHIỆM RỘNG TOÀN THÀNH PHỐ

THU HẰNG /ZING 28-6-2021


Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu TP.HCM đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm. Ảnh: HMC.

Sáng 28/6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã tham dự cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM. Tại cuộc họp, ông có nhiều chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị, Bí thư Nên đánh giá ngay từ khi phát hiện ổ dịch điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng mang chủng Delta, thành phố đã dự báo về khả năng dịch bệnh lây lan nghiêm trọng.

Xem xét lại công tác xét nghiệm

Bí thư Nên nhận định giai đoạn đầu, thành phố đã nhanh chóng áp dụng Chỉ thị 16 với quận Gò Vấp, một phường của quận 12 và đạt được những hiệu quả nhất định, khống chế sự lây lan từ 2 ổ dịch lớn này. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, thành phố lại phát sinh nhiều ổ dịch mới, buộc phải tăng cường, siết chặt hơn nữa bằng Chỉ thị 10.

Sau hơn một tuần thực hiện Chỉ thị 10, số ca nhiễm và nghi nhiễm vẫn tăng. Do đó, Bí thư Nên yêu cầu phân tích toàn diện, khoa học, đánh giá lại các biện pháp đang thực hiện.

Để khống chế dịch và thực hiện mục tiêu kép, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM chỉ đạo đẩy nhanh tối đa tốc độ xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm. Ông nhận định cần xem xét lại việc tổ chức thực hiện công tác xét nghiệm, trả kết quả xét nghiệm để nâng cao hiệu quả và tốc độ truy vết.

Ông Nên nhấn mạnh việc sử dụng bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên được coi là giải pháp quan trọng góp phần hỗ trợ công tác truy vết, phát hiện trường hợp ca dương tính sớm. Ngay khi TP nhận được bộ xét nghiệm nhanh được Chính phủ hỗ trợ, ông yêu cầu lập tức triển khai thí điểm tại khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông người và các quận, huyện.

Bí thư Nên cũng đề nghị rà soát lại các khu cách ly tập trung, kiểm tra chặt chẽ trên tinh thần cảnh giác cao nhất. Đồng thời, thành phố cần đánh giá lại việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine đợt 4, từ đó rút kinh nghiệm khắc phục những hạn chế cho các đợt triển khai tiêm chủng tiếp theo.

"Mở chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm, tìm F0 bằng việc xét nghiệm rộng toàn thành phố", Bí thư Nên chỉ đạo.

Lãnh đạo Thành ủy cho rằng TP.HCM cần vận hành chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ, trong đó, thành phố là cấp chỉ huy chiến dịch, quận/huyện là chỉ huy trực tiếp và toàn diện. Ông nhấn mạnh quan điểm của TP là không để mọi hoạt động bị ách tắc, đặc biệt việc cung ứng lương thực thực phẩm phải đảm bảo không để người dân bị thiếu.

Bí thư cũng yêu cầu thành phố khẩn trương thành lập hai trung tâm: Trung tâm Thông tin để thu thập, kết nối dữ liệu, thực hiện việc phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh; và Trung tâm Phân phối trang thiết bị y tế có đủ thẩm quyền để đáp ứng kịp thời việc cung ứng thiết bị, vật tư cho công tác phòng chống dịch.

Cung cấp 132.000 bộ xét nghiệm nhanh cho các quận, huyện

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến 6h ngày 28/6, TP.HCM có 3.535 ca mắc Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố.

Sở Y tế nhận định đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc (đặc biệt là các tòa nhà văn phòng, cơ sở sản xuất thực phẩm đông lạnh).

Sở nhận định tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Các ca nhiễm trong cộng đồng còn gia tăng, được phát hiện thông qua các trường hợp có triệu chứng đến khám ở cơ sở khám, chữa bệnh. Đây là những ca chỉ điểm để ngành y tế tiến hành truy vết lại các ổ dịch ở khu trọ, cơ sở sản xuất, chợ đầu mối.

Từ 26/5 đến 27/6, TP.HCM đã lấy gần 1,2 triệu mẫu xét nghiệm. Thành phố cũng đã sử dụng 30.000 bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Hiện, TP.HCM đã cung cấp cho các quận, huyện 132.000 bộ xét nghiệm nhanh. Đồng thời, thành phố cũng tiếp nhận 80.000 bộ xét nghiệm nhanh của Công ty Medicon từ Hà Nội chuyển vào hôm 27/6.

Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 3.280 ca mắc mới, vượt Bắc Ninh và đang là ổ dịch có số ca mắc nhiều thứ 2 cả nước, chỉ sau Bắc Giang.

Từ ngày 19/6, TP.HCM bước vào chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử với hơn 800.000 liều, dự kiến triển khai trong 5-7 ngày.

Ngày 19/6, UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 10 về giãn cách xã hội với các quy định như không tụ tập quá 3 người nơi công cộng, giữ khoảng cách 1,5 m, tạm dừng chợ tự phát. TP.HCM cũng quyết định phong tỏa hàng loạt khu vực có nhiều ca nhiễm nCoV tại huyện Hóc Môn, quận Bình Tân, quận 8.

PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19: ĐIỀU CHỈNH GÌ TRƯỚC TÌNH HÌNH MỚI ?

TRẦN TUẤN/ TD 9-7-2021

Toàn dân cùng chính phủ và cả các doanh nghiệp đang dồn sức chống dịch.

Tình hình lúc này, cả trong nước và quốc tế, đã rất khác với hồi đầu năm! Càng khác với năm 2020! Trong khi tất cả các nước nguy khốn vì dịch năm qua như Anh, Mỹ, Đức… đang từng bước quay đầu ra khỏi dịch một cách bền vững khi có thêm vaccine trong tay, thì các nước “thành công chống dịch trong năm 2020”, trong đó có Việt nam, lại rơi dần vào quỹ đạo một năm về trước ở các nước Âu, Mỹ!

Hẳn phải có điểm chưa ổn trong thực thi chiến lược phòng chống vừa qua ở nước ta, cả ở tầm chính sách và thực tế triển khai! Lúc này cần phải khách quan xem lại và thực hiện điều chỉnh cho phù hợp trước tình hình mới!

HIỂU TÌNH HÌNH MỚI THẾ NÀO?

Tác nhân gây bệnh, vi rút SARS-CoV2 giờ đây đã khác so với hồi khởi dịch! Chủng nguyên thủy Vũ Hán qua “chinh chiến” đã biến hình lần lượt thành các chủng mới Alpha, Beta, Gamma, Delta, rồi Delta Plus và còn nữa chưa lường được ở phía trước. Chủng Delta đang hoành hành ở ta, hơn hẳn các chủng trước đó về tính lây nhiễm, khả năng gây bệnh cả ở giới trẻ, và hình thái lâm sàng cũng có biểu hiện nặng hơn. Tóm lại, “kẻ thù” khôn hơn, liều lĩnh hơn, nguy hiểm hơn, và tàn bạo hơn!

Đối lại, chúng ta, ngoài lực lượng truyền thống “cây nhà, lá vườn” 5K, đã có thêm trong tay viện binh vaccine, lực lượng “chính quy” trong phòng chống dịch bệnh lây nhiễm.

Tuy các vaccine hiệu lực chưa thật hoàn hảo, chưa đủ toàn diện để chặn đứng hoàn toàn sự lây nhiễm vi rút với các biến thể khác nhau, nhưng chắc chắn triển khai sẽ làm giảm sự lây nhiễm trong cộng đồng, bảo vệ được người đã tiêm (đủ liều, đủ thời gian) tránh được diễn biến nặng trên lâm sàng, tức giúp không chỉ giảm số mới mắc, giảm nguy cơ phát tán dịch, mà còn giảm được cả gánh nặng bệnh và tử vong, là điều lo ngại nhất cho các nước đang phát triển: Nguy cơ khủng hoảng hệ thống bệnh viện như đã thấy năm ngoái ở Mỹ, Pháp…, và đang đã lặp lại nặng nề hơn ở Ấn Độ, Indonesia nửa đầu năm nay!

Kiến thức về vi rút SARS-CoV2 và kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 cũng đã rộng và sâu hơn! Về quốc tế, trang web của WHO cập nhật hàng ngày thông tin chống dịch trên toàn thế giới, chứa đầy đủ các khuyến cáo khoa học phòng chống dịch rút kinh nghiệm từ các nước khác nhau. Không chỉ giúp xác định chiến lược, mà chi tiết tới cả cách làm kế hoạch phòng chống dịch! Không chỉ hướng dẫn cập nhật chống sự lây nhiễm vi rút SARS-CoV2, mà còn nhắc nhở cả phòng chống mọi tác động bất lợi khác của COVID-19 lên muôn mặt đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục.

Trong nước, chúng ta đã có quỹ vaccine, cơ chế đảm bảo huy động sự đóng góp của người dân đủ lớn cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Hơn thế, lại có thêm hỗ trợ vaccine miễn phí từ WHO và từ chính phủ các nước phát triển, đảm bảo đáp ứng đạt tối thiểu 20% nhu cầu vaccine của cả nước! Ngót 4 triệu liều vaccine đã được tiêm, và kế hoạch 125 triệu liều vaccine từ nay tới cuối năm đã trong tầm tay.

Với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ y sinh học, thị trường vaccine đang ngày càng trở nên sẵn hơn, dễ tiếp cận hơn! Mục tiêu có 150 triệu liều vaccine cho Việt Nam để tạo được mức 70% đối tượng được tiêm đủ liều vaccine vào đầu năm 2022 không thể nói là không khả thi, trừ khi có điểm bất ổn từ khâu quản lý hệ thống trong nước, hoặc diễn biến “không thể ngờ” xẩy ra với nước láng giềng Trung Quốc và các nước đã dùng vaccine Trung Quốc phòng chống dịch (chú thích 1).

Như vậy, tình hình chung phải nói là thuận lợi hơn rất nhiều so với hồi đầu năm! Càng thuận lợi hơn so với thời gian này một năm trước đó. Phối hợp vaccine với 5K, các nước Âu, Mỹ khốn đốn vì dịch bệnh năm ngoái đã và đang ra khỏi dịch một cách bền vững!

Nhưng diễn biến dịch ở ta trong những ngày này lại đang đi ngược với tư duy logic thông thường!

Dịch bệnh không những không giảm đi, chẳng “giữ nguyên trạng thái”, mà suốt nửa năm nay, ngày càng tăng nặng lên cả về quy mô phát tán và diễn biến lâm sàng. Các tỉnh phía bắc chưa kịp ngơi, Hà Nội vẫn đang trong nguy cơ “căng như dây đàn”, thì nhất loạt các tỉnh phía nam liên tục thể hiện dịch bệnh đang lan tỏa mạnh trong cộng đồng!

Tổng số ca nhiễm của cả nước đã vượt con số 20 ngàn! Số chết đã lên tới con số hàng trăm. Tp Hồ Chí Minh ngày hôm qua đạt “kỷ lục” số mới nhiễm trong 24h: 915 ca dương tính (https://ncov.moh.gov.vn)! Điều mà cách đây chưa đầy tuần được cho là “tin đồn thất thiệt với dụng ý xấu”, thì nay đã là hiện thực phũ phàng cho tp HCM: Áp dung phong tỏa diện rộng, trừ trường hợp đặc biệt, thực thi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”!

Rõ ràng, tình hình là nghiêm trọng, rất khác trước!

Vẫn lực lượng chỉ đạo phòng chống dịch với tinh thần cao như năm ngoái, vẫn chiến lược 5K, lại thêm vaccine, thêm tiền từ dân, thêm kinh nghiệm trợ giúp quốc tế, mà sao diễn biến dịch không giảm đi mà lại trở nên nặng nề hơn?

Chắc chắn có những vấn đề không ổn trong thực thi phòng chống dịch trước tình hình mới. Truyền thông những ngày qua đã mô tả đáng kể những vấn đề tồn tại đó. Bài viết này không nhắc lại! Thay vào đó, tổng hợp quy chiếu để đưa ngay những điều chỉnh cụ thể trên cơ sở lập luận: Thừa nhận có vấn đề, phải thay đổi trong thực hành chiến lược 5K và tiêm chủng vaccine! Cao hơn nữa, phải đổi mới cách nhìn toàn diện phòng chống dịch trên cơ sở minh bạch và giải trình trách nhiệm xã hội của mỗi bên.

CHỐNG DỊCH HIỆU QUẢ: GIẢM HUY ĐỘNG HỆ THỐNG BỆNH VIỆN RA THỰC ĐỊA, TRẢ LẠI CHO DÂN VAI TRÒ NGƯỜI LÍNH TIỀN PHƯƠNG

Truyền thông thực hành chống dịch thời gian vừa qua quá nhấn vào các hoạt động tập thể, đẩy mạnh vai trò can thiệp nhà nước, đang dần trở nên duy ý chí, thiếu dẫn đường bởi khoa học trước tình hình thực tế đã biến đổi mạnh, dẫn đến làm nhẹ đi vai trò phòng chống dịch tối quan trọng của cá nhân, giảm sự tham gia chủ động của người dân, của cơ sở.

Thực thi chống dịch chạy theo “truy vết” khiến cả hệ thống y tế gồng lên, đặc biệt hệ thống bệnh viện, mệt mỏi quay cuồng chạy theo “chặn đường đi muôn phương của con vi rút”, làm trầm trọng thêm gánh nặng vốn có của y tế và làm lu mờ đi đích lẽ ra y tế phải tập trung làm tốt lúc này là (1) ưu tiên củng cố năng lực hồi sức cấp cứu đối phó với những trường hợp dịch bệnh nặng trên toàn hệ thống và (2) phát triển tư vấn điều trị tại nhà rộng khắp các dạng bệnh, đặc biệt các trường hợp nhiễm trùng nghi dịch COVID-19.

Các hình thức đưa đi “cách ly tập trung” nhất loạt mọi trường hợp xét nghiệm kết quả dương tính hoặc có tiếp xúc với trường hợp có xét nghiệm dương tính, phong tỏa cả các điểm cung cấp dịch vụ thiết yếu, kể cả bệnh viện, kéo dài thời gian cách ly tập trung tới 3 tuần, thậm chí 4, 5 tuần chỉ bởi có tiếp xúc với F0, F1 … là điển hình cho tình trạng trên. Nếu nói các biện pháp đó đã phát huy hiệu quả, thì thực ra chỉ đúng khi dịch bệnh là loại “ngoại xâm” và trên diện nhỏ, hẹp, thời gian ngắn mà thôi! Chắc chắn, không còn phù hợp khi dịch đã đi vào giai đoạn “ phát sinh, tồn tại, lan truyền rộng ra trong cộng đồng”.

Hậu quả nhãn tiền, đẩy nhà nước vào thế “ chịu trách nhiệm làm thay dân”, đẩy cả dân và hệ thống y tế vào thế “bị động, đối phó”, làm chệch mục tiêu cao nhất của hệ thống quản lý phòng chống dịch: Dự phòng triệt để thực hiện chủ động, tự nguyện bởi từng người dân, từng gia đình, từng cộng đồng trên cơ sở hiểu biết khoa học y học dự phòng và y tế công cộng soi sáng! Dẫn đến càng thực hiện, càng chạy theo dịch, dịch càng loang, càng tốn kém, thiếu hiệu quả và không bền vững!

Gốc gác chậm thay đổi trong mấy tháng qua, là từ lối làm việc quá “tự tin”, triển khai một chiều, có ở một bộ phận quản lý và làm chính sách trong hệ thống, đi đôi với việc thiếu nghiên cứu đánh giá độc lập. Nếu có giám sát đánh giá độc lập, chắc chắn sẽ chỉ ra rất sớm, những hình thức trên là không còn phù hợp, bất lợi, vi phạm nguyên lý phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm!

Các khuyến cáo thực thi “cách li tại nhà, tại cộng đồng”, xây dựng hệ thống giám sát điểm (sentinel sistes) tại cộng đồng, tận dụng tối đa công nghệ thông tin và phát huy tối đa phương châm “xã hội hóa phòng chống dịch” một cách thực tế và toàn diện… sẽ được thực thi chí ít phải nửa năm rồi, chứ không chỉ dừng ở khâu “xã hội hóa-dân đóng góp tài chính”, để rồi Bộ Y tế cùng các bệnh viện, hệ thống y tế dự phòng, tất cả cùng căng mình ra “chịu trận” khi “đường đi” của SARS-CoV2 đã là “thênh thang theo gió ngàn bay”!

CHỐNG DỊCH HIỆU QUẢ: KHUYẾN CÁO CỦA WHO + GIÁM SÁT ĐÁNH GIÁ ĐỘC LẬP + CHỐNG THƯƠNG MẠI HÓA CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH

Sự thực hành kéo dài các hình thức cách ly tập trung vào bệnh viện cả những đối tượng không có triệu chứng lâm sàng cần can thiệp y tế, để truyền thông “say sưa” với các hình thức “truy vết” ly kỳ, đẩy cả hệ thống phòng chống dịch vận hành cuốn theo phương châm hàng đầu “truy vết, cách ly tập trung, khử trùng hóa chất” khi dịch bệnh đã ở giai đoạn “lan truyền trong cộng đồng” trở thành “dịch nội sinh”, tạo nhu cầu xét nghiệm hàng loạt không thực tế, qua “giấy thông hành xét nghiệm âm tính COVID-19”, cùng thực thi phun hóa chất “khử trùng bay theo gió” tràn lan ngoài cộng đồng … Tất cả ngoài căn nguyên sâu xa nêu ở phần trên, còn có thêm một yếu tố bất lợi nữa, đó là, đã để hoạt động phòng chống dịch ngả dần sang “thương mại hóa”, bởi sự can thiệp của “nhóm thủ lợi dịch vụ y tế”, mọi khu vực từ xét nghiệm, vaccine, phong tỏa cách ly, và truyền thông phòng chống dịch.

HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ GÌ TRONG THỜI GIAN TỚI?

Hành động cần thiết ngay lúc này, là thực hiện trở lại nguyên tắc khoa học khách quan dẫn đường hành động! Không gì tốt hơn, là tạo cơ chế thông tin đảm bảo 100% thông hiểu “địch, ta” trong trận chiến chống COVID-19:

– (1) Thông tin khoa học dẫn đường, tận dụng tối đa từ trang web truyền thông phòng chống dịch COVID-19 của WHO! Bộ phận làm chính sách và thực thi chính sách của chính quyền từ trung ương tới địa phương, và cả lãnh đạo hệ thống truyền thông của đất nước, phải được đọc, nghiên cứu, hiểu rõ thông tin trên trang web này, được cập nhật hàng ngày dựa trên bằng chứng khoa học và thực tế toàn cầu mới nhất. Những phát biểu chỉ đạo phải được phản biện với những bằng chứng đánh giá so sánh với khuyến cáo của WHO (https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/advice-for-public).

– (2) Thông tin phản ánh “thực tế mạnh yếu” của hệ thống phòng chống dịch đang triển khai, phải đến từ hệ thống giám sát, đánh giá chất lượng hiệu quả thiết kế đảm bảo nguyên tắc khoa học khách quan. Đặc biệt, không được để thiếu thành phần “giám sát đánh giá độc lập” được thực hiện bởi các tổ chức khoa học vì dân, ngoài nhà nước! Đây là điểm yếu nhất của hệ thống phòng chống dịch bệnh nói chung của Việt Nam trong nhiều năm rồi và cụ thể vẫn tiếp diễn với phòng chống dịch COVID-19 vừa qua. Vậy, cần thiết lập ngay hệ thống giám sát điểm “sentinel sites” để thu thập thông tin giám sát, đánh giá diễn biến dịch bệnh.

Một trong số điểm này, phải được vận hành bởi các tổ chức độc lập, khoa học, vì dân! Nghiên cứu dịch tễ học tại các sentinel sites phối hợp xét nghiệm (cả kháng nguyên, kháng thể) đi kèm với điều tra yếu tố nguy cơ, cùng loại hình nghiên cứu “vận hành hệ thống” (operation study) phải được thiết kế và đưa vào thực hiện càng sớm càng tốt, nhằm cung cấp cho được bằng chứng khoa học khách quan đánh giá mức độ lây truyền cùng hiệu quả phòng chống dịch trên thực tế, để rồi có cơ sở cho hoạch định chính sách không chỉ phòng chống dịch, mà còn khắc phục hậu quả không đáng có của dịch bệnh lên đời sống kinh tế xã hội toàn diện, vốn đang ngày càng trầm trọng theo thời gian diễn biến kéo dài của dịch!

– (3) Tiếp tục đẩy mạnh xu hướng chống thương mại hóa y tế, cả ở lĩnh vực điều trị (hoạt động của các bệnh viện) và dự phòng (tiêm chủng, xét nghiệm, truyền thông). Phải chặn đứng lối thông tin “truyền thông thương mại” đẩy dân “lo lắng, sợ hãi” quá mức với dịch bệnh để các thế lực kinh doanh duy trì và thúc đẩy tình trạng “lạm dụng sử dụng dịch vụ y tế” như đã thấy trong thời gian qua, phải chấm dứt xu hướng thúc đẩy “dân bỏ tiền túi ra” trong chăm sóc y tế dự phòng. Chấm dứt tình trạng chỉ định xét nghiệm tràn lan, lấy xét nghiệm làm “tiêu chí định danh” cho hoạt động xã hội của công dân, vốn rất ít giá trị phòng chống dịch, mà thực chất, chỉ phục vụ lợi ích của bên thương mại sản phẩm y-sinh học.

Muốn thế, phải loại bỏ “tình trạng hai mang”, nằm trong tư vấn, chỉ đạo ra chính sách phòng chống dịch bệnh, nhưng lại “có chân” trong các tập đoàn, công ty thương mại sinh phẩm, dịch vụ y tế! Phải đẩy hệ thống y tế dự phòng theo hướng hỗ trợ người dân thực thi tốt nhất chiến lược 5K, bao gồm cả tự làm và đọc test sàng lọc, tự lấy mẫu sinh phẩm gửi xét nghiệm, tự chăm sóc tại nhà và cả chủ động liên hệ với y tế qua điện thoại để kịp thời nhận tư vấn tự chữa bệnh cao nhất có thể.

Cuối cùng, truyền thông phải làm và phải làm được, đẩy cả xã hội và chính phủ chung đích phòng chống dịch bệnh COVID-19 thời gian tới thật cụ thể khoa học vì dân: Toàn hệ thống tuân thủ đúng theo hướng dẫn phòng chống dịch bệnh của WHO, thực hiện tiêm chủng miễn phí, xét nghiệm miễn phí COVID-19 cho dân; chính quyền đóng vai trò hỗ trợ người dân đạt mức hiểu biết tốt nhất để chủ động cao nhất thực thi 5K! Trường hợp có bệnh, hình thức tự chăm sóc tại nhà phải là phổ biến, chỉ đến bệnh viện khi đã xong tư vấn y tế qua phone, bệnh thực sự cần trợ giúp can thiệp y tế. Trên hết, đảm bảo tổ chức tiêm vaccine đầy đủ, trật tự, theo kế hoạch tự chủ động đăng ký qua mạng, và đạt kết quả 70% các đối tượng đích tiêm chủng đủ số mũi, đúng thời gian, vào đầu năm 2022.

Có như thế, mới mong dịch được khống chế hiệu quả! Để cả dân, cả chính phủ, thực sự an bình đi qua đại dịch!

Được như thế, mới đáng tự hào!

MỘT SỐ SAI LẦM CẦN TRÁNH KHI THẢO LUẬN VỀ CHÍNH SÁCH PHÒNG CHỐNG COVID-19

VŨ THÀNH TỰ ANH/ TD 9-7-2021

Tôi viết bài này nhân đọc bài “Nên ngưng đếm số ca nhiễm và chiến lược thoát covid-19” của GS. Nguyễn Văn Tuấn đăng trên blog cá nhân của ông ngày 7/7/2021, trong đó tôi thấy có một số ngộ nhận, thậm chí là sai lầm nên tránh.

Trong điều kiện bình thường, tôi sẽ không bình luận. Nhưng vì những nhận định sai lầm này có thể dẫn tới những nhận thức không đúng đắn cho công chúng và các nhà làm chính sách; và trong bối cảnh dịch bệnh đang leo thang ở Việt Nam, những nhận định sai lầm này có thể trở nên nguy hiểm, thậm chí phải trả giá bằng sinh mạng, vì vậy tôi buộc phải bình luận.

Để ngắn gọn, tôi chỉ nêu ra 3 sai lầm quan trọng của bài viết này.

SAI LẦM 1: DẪN CHỨNG SAI SỰ THỰC

Câu đầu tiên trong bài, GS Tuấn viết “Đã đến lúc chúng ta nên làm như Singapore: ngưng đếm số ca nhiễm virus mỗi ngày”.

Để kiểm tra, tôi vào trang web của Bộ Y tế Singapore (www.moh.gov.sg) và thấy họ đang đếm số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày, ngay cả khi chỉ là 3 ca như số liệu ngày 8/7/2021.

Ảnh chụp màn hình

SAI LẦM 2: ĐÁNH ĐỒNG XÁC SUẤT TRONG CÁC ĐIỀU KIỆN KHÁC NHAU

Bình luận về tỷ lệ tử vong ở Việt Nam hiện là 0,4% so với mức bình quân của thế giới là 0,8%, GS Tuấn nhận xét “tính trung bình, tỉ lệ tử vong Covid-19 ở VN chỉ bằng phân nửa tỉ lệ trên thế giới.”

Ở đây cần hiểu tỷ lệ tử vong 0,4% hiện nay ở Việt Nam là trong điều kiện hệ thống y tế chưa bị quá tải. Nhớ lại trường hợp của phi công người Anh (BN91) chỉ được cứu sống nhờ máy trợ thở và ECMO trong 68 ngày. Điều này ngụ ý rằng, khi tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ ca nhiễm nặng và cần thở máy hay ECMO vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống y tế – điều chắc chắn sẽ xảy ra nếu TP.HCM không áp dụng phong tỏa toàn thành phố – thì việc sử dụng máy trợ thở và ECMO trong 68 ngày là điều vô cùng “xa xỉ”, vì cả TP.HCM hiện chỉ có 16 máy ECMO. Khi ấy, chắc chắn tỷ lệ tử vong không dừng ở con số 0,4% như trong điều kiện chưa bị quá tải.

Trong khi tôi đồng ý với GS Tuấn rằng không nên “đưa ra những con số thống kê thiếu bối cảnh nên làm cho người ta (có lẽ kể cả nhà chức trách) hoang mang,” thì ở góc độ ngược lại, cũng không nên đưa ra những con số thống kê thiếu bối cảnh làm cho người dân và chính quyền lạc quan một cách không thực tế.

SAI LẦM 3: BẮT CHƯỚC NƯỚC KHÁC MỘT CÁCH THIẾU CÂN NHẮC

Bài viết của GS Tuấn kết luận “đã đến lúc chúng ta nên làm như Singapore: ngưng đếm số ca mỗi ngày (chỉ tập trung vào số ca nặng) và chuẩn bị phương án sống chung với con virus này vĩnh viễn như Úc đang làm”.

Như đã dẫn chứng ở trên, Singapore vẫn đang đếm số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày. Ở Singapore, ngay trong điều kiện dịch đã được kiểm soát gần như hoàn toàn (với tối đa 6 ca nhiễm trong 10 ngày qua), Chính phủ tuy đưa ra lộ trình đi đến “bình thường mới”, nhưng đồng thời cũng khẳng định “trong thời gian chờ đợi, chúng ta vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ cần thiết để ngăn ngừa lây nhiễm và nhập viện” (xem “Living normally, with Covid-19: Taskforce ministers on how S’pore is drawing road map for new normal”).

Như vậy, trước khi có thể “sống chung một cách bình thường với Covid-19” thì những biện pháp phòng chống dịch tích cực vẫn phải được thực hiện – chưa kiểm soát được dịch thì khẩu hiệu “sống chung với dịch” chỉ là ảo tưởng, không những thế là ảo tưởng nguy hiểm vì có thể sẽ phải trả giá bằng rất nhiều sinh mạng.

GS Tuấn cũng khuyên Việt Nam học theo kế hoạch exit 4 giai đoạn của Úc. Tuy nhiên, nếu đối chiếu tình trạng thực tế của Việt Nam so với Úc và tham chiếu vào kế hoạch này, có lẽ Việt Nam đang ở “giai đoạn -1”, vì vậy không thể vội vàng bỏ qua thời kỳ quá độ được.

Để kết thúc bài, GS Tuấn kết luận điều kiện để sống chung với Covid-19 thì “ưu tiên số 1 là vaccine tiêm vaccine, chớ không phải làm xét nghiệm đại trà.” Chắc chắn GS Tuấn biết Việt Nam hiện nay có bao nhiêu liều vaccine và tình hình tiếp cận vaccine khó khăn đến nhường nào khi cầu vượt xa cung trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, đừng áp đặt kinh nghiệm của một nước phát triển và dân số tương đối thấp như Singapore hay Úc cho các quốc gia có điều kiện rất khác, trong đó có Việt Nam.

Để chính sách – dù là về vaccine hay bất cứ điều gì khác – có tính khả thi, nhất thiết phải bám sát điều kiện thực tiễn, trong đó bao gồm những ràng buộc về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, và trong trường hợp Covid-19, cả những điều kiện y tế, tài chính, và địa chính trị nữa. Tôi mong những nhà phân tích lưu ý những yếu tố này để những bình luận của chúng ta góp phần soi sáng thực tại, từ đó giúp công chúng và người ra chính sách có nhận thức và quyết định phù hợp.

LÝ DO TỶ LỆ TỬ VONG CỦA BỆNH NHÂN COVID-19 TẠI VIỆT NAM THẤP HƠN THẾ GIỚI

NGUYỄN LIÊN/ VNN 10-7-2021

Theo bác sĩ Cấp, việc kiểm soát tốt F0 ngay từ đầu, khống chế được số bệnh nhân nặng không vượt quá khả năng chăm sóc của hệ thống hồi sức đã giúp nước ta giữ được tỷ lệ tử vong do Covid-19 khá thấp.

Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 4 triệu ca Covid-19 tử vong trên tổng số hơn 186 triệu người mắc, chiếm 2,16%.

Tại Mỹ, trong 34 triệu ca mắc có trên 620 nghìn ca tử vong, chiếm 1,79%. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại các nước lớn khác như Anh là 2,55%; Nga: 2,47%; Đức: 2,45%; Trung Quốc: 5,04%; Nhật Bản: 1,84%; Hàn Quốc: 1,23%.

Tại Đông Nam Á, một số quốc gia cũng có tỷ lệ tử vong khá cao, như Indonesia: 2,64%; Philippines: 1,76%; Campuchia: 1,45%.

Việt Nam tới sáng 10/7 đã ghi nhận 26.608 ca Covid-19 với 110 bệnh nhân tử vong (theo công bố của Bộ Y tế), chiếm 0,41%. Con số này thấp hơn rất nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Những lý do nào đã giúp chúng ta có tỷ lệ bệnh nhân tử vong thấp và làm thế nào để duy trì thành quả trên?

Dưới đây là chia sẻ của BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng từ khi dịch bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam tới nay về vấn đề này.

Lý do tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam thấp hơn thế giới
BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - Ảnh: Thạch Thảo

Theo bác sĩ, vì sao tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam thấp hơn so với các nước trên thế giới?

Từ trước đến nay, các làn sóng dịch Covid-19 ở Việt Nam chủ yếu xảy ra tại khu công nghiệp, người mắc đa số là công nhân trẻ, ít bệnh nền, do vậy số tử vong ít. Một số đợt dịch xảy ra trong bệnh viện, trên những nhóm bệnh nhân nặng, chúng ta cũng phải chứng kiến tỷ lệ tử vong khá cao.

Trong tất cả các đợt dịch xảy ra, chúng ta đều kiểm soát F0 ngay từ đầu, khống chế được số bệnh nhân nặng không vượt quá khả năng chăm sóc của hệ thống hồi sức. Việt Nam chưa từng để xảy ra tình trạng thiếu máy thở, thiếu oxy hay nhân viên y tế kiệt sức, không chăm sóc nổi bệnh nhân.

Do vậy, chúng ta đã giữ được tỷ lệ tử vong chung do Covid-19 khá thấp so với nhiều nước trên thế giới.

Đợt dịch thứ tư lần này xảy ra ở diện rộng với số ca bệnh lớn, đòi hỏi hệ thống điều trị phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới giữ được thành quả đó.

Như bác sĩ đã nói, hệ thống hồi sức có vai trò đặc biệt quan trọng giúp giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19. Vậy ông đánh giá thế nào về năng lực của hệ thống hồi sức tại Việt Nam hiện nay?

Chuyên ngành Hồi sức cấp cứu vốn là chuyên ngành khó, đòi hỏi đào tạo kỹ càng, công việc vất vả và thu nhập thấp trong ngành y. Bởi vậy từ nhiều năm qua, khả năng thu hút thầy thuốc theo chuyên ngành này không nhiều.

Bên cạnh đó, mặc dù đã được Bộ Y tế quan tâm nhưng trên thực tế, các trang thiết bị hồi sức cấp cứu như máy thở, máy lọc máu, ECMO rất đắt tiền, lại không sinh lợi nhuận như những loại máy khác (máy siêu âm, can thiệp mạch,...) Bởi vậy, nhiều bệnh viện, địa phương chưa ưu tiên đầu tư.

Có thể nói trừ 3 trung tâm ở 3 miền là Hà Nội, TP.HCM, Huế-Đà Nẵng và một vài tỉnh lớn có đội ngũ thầy thuốc cùng trang bị hồi sức cấp cứu tương đối mạnh, còn lại ở nhiều tỉnh, năng lực về hồi sức còn hạn chế.

Thực tế trong các đợt dịch Covid-19 trước đây, Hà Nội, TP.HCM, Huế-Đà Nẵng,… đã tập trung hỗ trợ các tỉnh bạn. Tuy nhiên nếu dịch bùng phát trên diện rộng, khi không còn nhận được sự hỗ trợ nhiều, một số địa phương có thể sẽ gặp khó khăn trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

Một số ý kiến cho rằng, các bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ có thể tự khỏi, bởi vậy nên cho nhóm này cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà để giảm áp lực cho cơ sở điều trị. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?

Bệnh nhân khi mới mắc Covid-19 có thể xuất hiện các triệu chứng khởi phát hoặc không, sau đó đa số qua 7 ngày sẽ sang giai đoạn hồi phục.

Nhưng vẫn có nhiều ca khi khởi phát không có triệu chứng gì đáng kể, qua 7-8 ngày lại diễn biến thành rất nặng, thậm chí tử vong. Do vậy, tại thời điểm mới phát hiện dương tính, không thể biết trước ca nào sẽ diễn tiến nặng hay nhẹ. Chỉ qua ngày thứ 8-9 mới xác định được ai là bệnh nhân nặng, ai là người nhẹ.

Một bệnh nhân Covid-19 chỉ được coi là không triệu chứng, hay triệu chứng nhẹ nếu từ khi khởi phát bệnh đến lúc khỏi hẳn không hề có biểu hiện gì hoặc chỉ có biểu hiện nhẹ.

Lý do tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam thấp hơn thế giới

Lý do tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam thấp hơn thế giới
Điều trị, cấp cứu bệnh nhân Covid-19 nặng tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - Ảnh: Đặng Thanh

Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp nào để sàng lọc, phân loại các bệnh nhân Covid-19 nặng hay nhẹ?

Thời điểm mấu chốt để phân loại bệnh nhân nặng hay nhẹ là ngày thứ 7-8 kể từ khi phát hiện dương tính. Tuy nhiên, điều khó khăn là nhiều ca bệnh khởi phát không triệu chứng nên không biết ngày nào là ngày thứ 7-8 của bệnh.

Do đó, cần coi những ca mới phát hiện dương tính trong tuần đầu tiên là nhóm có nguy cơ diễn biến nặng, theo dõi sát và sàng lọc dấu hiệu nặng, đặc biệt chú trọng thời điểm ngày thứ 7-8. Còn những người sau ngày thứ 8 vẫn không diễn biến xấu có thể coi là ca bệnh nhẹ, không cần điều trị gì thêm và đưa ra cách ly chờ hồi phục.

Khó khăn lớn nhất hiện tại là nhiều thầy thuốc còn nhầm lẫn, cho rằng ca nhập viện không triệu chứng hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ tức họ là bệnh nhân nhẹ, xếp họ vào khu vực không được theo dõi sát, dễ dẫn đến không phát hiện được các diễn biến nặng kịp thời.

Khó khăn thứ hai là để nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ diễn biến nặng, đòi hỏi phải có những xét nghiệm đánh giá về đông máu, miễn dịch và biết cách phiên giải phù hợp.

Do Covid-19 là bệnh lý mới xuất hiện, nhiều nơi chưa thực hiện được các xét nghiệm này, thầy thuốc chưa có kinh nghiệm nhận định, phiên giải. Phải đợi đến khi bệnh nhân biểu hiện lâm sàng nặng như khó thở, sốc mới phát hiện ra sẽ khiến việc điều trị kém hiệu quả.

Khó khăn thứ ba là ngay cả những bệnh nhân có tổn thương phổi nặng và suy hô hấp thì nhiều người cũng không biểu hiện khó thở. Tình trạng này được gọi là “thiếu oxy yên lặng”. Nếu y bác sĩ không có kinh nghiệm hoặc thiếu thiết bị đo độ bão hòa oxy máu, có thể bỏ sót dẫn đến bệnh nhân nguy kịch hoặc tử vong.

Hệ thống y tế phải làm gì, kiểm soát thế nào để giảm thiểu tối đa việc nhóm bệnh nhân không có triệu chứng diễn biến nặng?

Về công tác tổ chức, chúng tôi cho rằng phải coi những bệnh nhân Covid-19 trong tuần đầu kể từ khi phát hiện bệnh là nhóm nguy cơ diễn biến nặng, cần theo dõi sát. 

Bất kỳ thời điểm nào ở giai đoạn này, đặc biệt là ngày thứ 7-8 mà sàng lọc, phát hiện các dấu hiệu nguy cơ hoặc biểu hiện nặng, phải chuyển bệnh nhân sang khu điều trị sớm theo cơ chế bệnh sinh để ngăn ngừa xu hướng diễn biến nặng, hồi sức kịp thời nếu tình trạng bệnh xấu đi.

Chỉ những bệnh nhân sau hơn 1 tuần vẫn không có dấu hiệu dự báo tiến triển nặng trên lâm sàng và xét nghiệm mới được coi là bệnh nhân nhẹ và chuyển sang khu cách ly chờ hồi phục.

Tại những địa bàn đã xảy ra dịch như Hải Dương hoặc Bắc Ninh trước đây, chúng tôi áp dụng mô hình điều trị gọi là “tháp 3 tầng”. Có thể tưởng tượng hệ thống điều trị như tòa tháp, càng thấp thì bệnh nhân càng nhiều nhưng nhân viên y tế ít, càng lên cao càng giảm số bệnh nhân nhưng tập trung nhân viên y tế và trang bị kỹ thuật càng cao.

Bệnh nhân Covid-19 mới phát hiện được nhập vào tầng 2 của tháp (khu vực có khả năng theo dõi và sàng lọc dấu hiệu nặng). Nếu sau 7-8 ngày không có biểu hiện nặng thì được chuyển xuống tầng 1 của tháp (khu vực cách ly chờ ra viện). Trong bất kỳ thời điểm nào phát hiện được xu hướng diễn biến nặng, bệnh nhân sẽ được chuyển lên tầng 3 của tháp điều trị (khu vực có thể điều trị và hồi sức tích cực).

Nguyễn Liên

Tổng số ca :10.295
Ca trong ngày :1.229

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét