Thứ Ba, 13 tháng 7, 2021

20210714. 37 NĂM NGÀY TRUNG CỘNG ĐÁNH BIÊN GIỚI PHÍA BẮC

ĐIỂM BÁO MẠNG

GIÁ CỦA XƯƠNG MÁU

HUY ĐỨC/ TD 12-7-2021

Trong trận đánh mở đầu chiến dịch mang mật danh MB84, nhằm lấy lại các điểm cao gần cửa khẩu Thanh Thủy từ tay quân xâm lược Trung Quốc, gần 600 bộ đội Việt Nam đã hy sinh chỉ trong một ngày, ngày 12-7-1984. Trong khoảng thời gian từ 1984 -1987, bộ đội ta chưa bao giờ để cho quân Trung Quốc vào sâu quá 5km nhưng cũng phải trả giá vô cùng to lớn. Hàng ngàn người lính đã hy sinh.

Trong Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên có 1.797 ngôi mộ với gần 300 ngôi mộ “chưa biết tên”; tại hang Sập, bình độ 400, xã Thanh Thủy, còn có một ngôi mộ tập thể nữa… Nhưng, còn khoảng một nửa số liệt sỹ chưa thể quy tập. Xương cốt của các anh giờ đây vẫn hòa vào trong đá của những cao điểm hai bên bờ sông Lô đoạn chảy qua Vị Xuyên.

Các cựu binh sư đoàn 356 gọi 12-7 là “ngày giỗ trận”. Trên cao điểm 468 giờ đây có một đền thờ thờ các anh gọi là Đài Hương 468. Đài Hương được lập bởi sáng kiến của các cựu binh sư đoàn 356. Những người lính may mắn sống sót đã không quên các đồng đội vĩnh viễn không được về nhà.

Cạnh Đài Hương 468 là cao điểm 685 nơi trong năm 1985 Trung Quốc đã bắn sang hàng chục nghìn quả đại pháo. Đá bị nung đến mức trắng vụn ra, cao điểm 685, lúc ấy, được gọi là “lò vôi thế kỷ”. Giờ thì màu xanh đã trở lại suốt dãy Tây Côn Lĩnh.

Như thường lệ, mỗi lần lên Hà Giang, tôi lại ghé thắp nén hương tưởng nhớ các anh. Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên đang được sửa sang… Nhưng thật băn khoăn là trong ngôi đền mới xây, phần trang trọng nhất được dành riêng thờ Hồ Chủ Tịch. Cả phần đền thờ trên Đài Hương 468 cũng thế. Tôi nghĩ nếu Cụ Hồ mà biết, Cụ cũng sẽ muốn dành nơi đây chỉ để hương khói cho các anh, những người lính vô danh và phần lớn không có mồ yên, mả đẹp.

Trên Đài Hương 468 cũng nhiều tên tuổi quá, ngay cả các vị trong “đoàn tâm linh” trồng một cây đa cũng dựng bia đá như là dựng cho các anh hùng. Những người trông coi Đài Hương 468 thì chu đáo quá…


Một số hình ảnh trên FB tác giả

Sự tĩnh lặng ở nơi linh thiêng ấy cần hơn những điếu văn soạn sẵn; tĩnh lặng mới chiêm nghiệm được cái giá của xương máu đã đổ xuống cho hòa bình mà chúng ta đang được hưởng hôm nay.


NGÀY 12 THÁNG 7- KỶ NIỆM 37 NĂM TRẬN ĐÁNH CHIẾM CAO ĐIỂM 772 BI HÙNG LỊCH SỬ 12/7/1984

NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 12-7-2021


Từ tháng 4/1984 đến tháng 5/1989, Trung Quốc lần lượt điều hơn 50 vạn quân của 8 trong 10 đại quân khu đến đánh chiếm Vị Xuyên (Hà Giang). Mục đích của Trung Quốc là đưa đường biên giới Trung Quốc lấn sâu vào lãnh thổ Việt Nam.

Ngày 12/7/1984 ta mở chiến dịch MB-84 để tái chiếm các cao điểm bị Trung Quốc chiếm đóng, trong đó rất ác liệt là cao điểm 772.

Ba tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn 876 (Sư 356) đánh điểm cao 772. Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 3 là đánh thẳng vào sở chỉ huy địch, tiêu diệt điểm D3 trên cao điểm 772, luồn sau 772 đánh phá trận địa pháo, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 đánh điểm D1, D2 và chiếm toàn bộ cao điểm.

Vượt Cốc Nghè trong đêm hành quân dưới mưa lạnh, các chiến sỹ Tiểu đoàn 3 đã xin Tiểu đoàn trưởng ăn nốt số cơm khô dự phòng. Đại úy Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh lặng đi: “Để anh em ăn, biết ngày mai còn sống đâu mà giữ”.

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh, dẫn đội đặc công đánh trực diện cứ điểm D3 cao điểm 772. Anh bị thương cả hai chân, vẫn chồm tới tới lô cốt, bắn hai loạt đạn AK cuối cùng và kích nổ cả xâu lựu đạn quấn quanh ngườI, tiêu diệt toàn bộ quân địch xung quanh, làm kinh hoàng những kẻ sống sót.

Tiểu đoàn 3 chiếm trọn cứ điểm D3.

Trong trận tái chiếm cao điểm 772 bất thành ngày 12/7/1984, 600 chiến sĩ của Trung đoàn 876 đã anh dũng hy sinh, trong đó có Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh cùng với 144 chiến sĩ Tiểu đoàn 3.

Ngày 12/7 hàng năm trở thành ngày giỗ đồng đội của Sư 356.

BIẾT MÃI CÒN LÀ ĐẤT CHA ÔNG

Hành quân đêm tái chiếm điểm cao

772 mưa gió ào ào

Ngàn chiến binh dàn trên dốc núi

Quyết xung phong diệt địch chiến hào

Xin được ăn chút cuối cơm khô

Nào chan đi lã chã nước mưa

Biết ngày mai ai còn ai mất

Biết mãi còn là đất cha ông

Này đặc công tất cả xung phong

Hãy bắn đi viên đạn cuối cùng

Cùng lao vào chiến hào diệt địch

Nổ tung lên lựu đạn quanh mình

Xin được ăn chút cuối cơm khô

Nào chan đi lã chã nước mưa

Biết ngày mai ai còn ai mất

Biết mãi còn là đất cha ông

Biết rằng mẹ mãi mãi mất con

Biết rằng em phải chịu góa chồng

Biết rằng con mồ côi từ nhỏ

Cho nước nhà toàn vẹn non sông

Xin được ăn chút cuối cơm khô

Nào chan đi lã chã nước mưa

Biết ngày mai ai còn ai mất

Biết mãi còn là đất cha ông!

Đời chiến binh chỉ biết xông lên

Sống bám đá chết thành hoá đá

Trời Vị Xuyên sư đoàn bất tử

313, 356, 316, 314, 312.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét