Thứ Tư, 14 tháng 7, 2021

20210715. BIỂU TÌNH TẠI CUBA

 ĐIỂM BÁO MẠNG

BIỂU TÌNH TẠI CUBA

LÂM BÌNH DUY NHIÊN/ TD 13-7-2021


Ảnh: AFP

Từ ngày 11/7/2021, một sự kiện cực kỳ hy hữu trên hòn đảo này, hàng chục ngàn người dân Cuba đã xuống đường biểu tình phản đối những cuộc khủng hoảng xã hội và lên án chế độ của Chủ tịch Miguel Diaz-Canel.

Quá bực tức vì khủng hoảng kinh tế, người dân Cuba đã biểu tình trên khắp đất nước. Họ hô vang những khẩu hiệu “Tự do!” và “Đả đảo chế độ độc tài!”. Điều chưa từng thấy trong hơn nửa thế kỷ tại đây. Cứ như thể, người dân đã không còn sợ hãi trước sự đàn áp và khủng bố của chế độ độc tài

Chủ tịch Miguel Diaz-Canel đã kêu gọi những người ủng hộ ông cũng xuống đường. “Lệnh chiến đấu đã được đưa ra, trên đường phố, các nhà cách mạng!”, trong một bài phát biểu trên truyền hình, Miguel Diaz-Canel, đã cáo buộc “mafia Cuba-Mỹ” đứng sau cuộc nổi dậy này. “Chúng tôi kêu gọi tất cả những người cách mạng trong nước, tất cả những người cộng sản, hãy ra đường, ngay bây giờ và trong những ngày tới, nơi những hành động khiêu khích đang xảy ra. Và hãy đối mặt với chúng một cách kiên quyết, vững vàng và can đảm.”

Washington đã cảnh báo Cuba về bất kỳ hành vi sử dụng bạo lực nào đối với những người biểu tình. Cố vấn An ninh Hoa Kỳ, Jake Sullivan, cho biết trên Twitter: “Hoa Kỳ ủng hộ quyền tự do ngôn luận, quyền tập họp ở Cuba, và sẽ lên án mạnh mẽ bất kỳ hành động bạo lực nào nhắm vào những người biểu tình ôn hoà, thực hiện các quyền phổ quát của họ”.

Đại dịch Covid-19 đã đẩy Cuba vào một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, tồi tệ nhất trong 30 năm qua, khiến tình trạng thiếu lương thực và thuốc men trở nên trầm trọng hơn, đồng thời gây ra tình trạng bất ổn xã hội mạnh mẽ. Kinh tế khó khăn đã khiến chính quyền phải cắt điện vài giờ trong ngày.

Những cuộc biểu tình rầm rộ đã diễn ra trong bối cảnh một Cuba gặp nhiều biến đổi lịch sử trong nội bộ đảng cộng sản từ hơn 5 năm qua.

Fidel Castro, biểu tượng của chế độ cộng sản Cuba đã mất từ năm 2016. Em trai ông, Raúl Castro, rút lui khỏi chức Chủ tịch nước vào tháng 4/2018 và vào tháng 4/2021, ông đã từ chức Bí thư thứ nhất đảng cộng sản Cuba. Hai chức vụ quan trọng nhất đã thuộc về Miguel Diaz-Canel, vốn không xuất thân từ dòng họ Castro và cũng không trải qua cuộc Cách mạng 1959.

Trong bài phát biểu nhậm chức vào tháng 4/2021, Miguel Diaz-Canel đã cho dư luận thấy rằng ông ta vẫn thuộc lớp bảo thủ, ít cấp tiến, khi tuyên bố “điều quan trọng nhất của cuộc Cách mạng là luôn bảo vệ Đảng cũng như Đảng phải là lực lượng bảo vệ vĩ đại nhất của Cách Mạng”.

Sự kiện từ chức của Raúl Castro đã đánh dấu sự chấm dứt của “triều đại” Castro trong hơn 50 năm cầm quyền tại Cuba. Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế vẫn tỏ ra cẩn thận về một sự lột xác tức thời trên phương diện chính trị. Theo Norman McKay, của tờ The Economist Intelligence Unit, khó có sự thay đổi đột nhiên trong phương cách cầm quyền của đảng cộng sản. Nhưng theo ông, “Internet phải tạo điều kiện thuận lợi cho các yêu cầu về sự minh bạch và tự do, tạo ra những thách thức đối với chính phủ mà đảng cộng sản sẽ khó có thể bỏ qua”.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ gốc Cuba, Marco Rubio cũng cho rằng việc “Raúl Castro nhường lại quyền lãnh đạo không phải là một sự thay đổi thực sự”. Nhưng ông vẫn tin rằng “dù sao thì sự thay đổi thực sự đang được tiến hành”, bởi theo ông, nó mang mầm mống từ những tình trạng hỗn loạn xã hội. Đối với nhà phân tích chính trị Harold Cardenas, “có một cảm giác mệt mỏi lớn trong xã hội Cuba”, đó là các tác động về sự pha trộn của các chính sách của chính quyền của cựu Tổng thống Trump về việc gây áp lực tối đa lên Cuba và sự thiếu tự tin đối với các dự án và lời hứa của giới lãnh đạo Cuba ”. Đây là điều mà “phe đối lập chính trị đang cố gắng tận dụng”.

Chỉ trong vòng 3 tháng kể từ ngày Raúl Castro rời khỏi chức vụ Bí thư thứ nhất của đảng, sự bất mãn của người dân đã gia tăng ngày càng mạnh, vượt qua cả những nhận định hay tiên đoán của giới quan sát quốc tế. Từ việc cho rằng Raúl Castro tuy rời bỏ mọi chức vụ quan trọng nhưng vẫn hiện diện đằng sau chính trường để có thể can thiệp khi cần thiết cho đến sự bảo thủ ngoan cố của Miguel Diaz-Canel, có một yếu tố được đề cập đã tạo nên sự tăng tốc cho sự bất mãn của người dân, đó chính là Internet và mạng Internet di động (vốn chỉ được đưa vào sử dụng tại Cuba vào năm 2018). Các mạng xã hội đã góp phần hình thành nên những tổ chức, những tập hợp của những tiếng nói bất mãn về chế độ. Người dân đã cảm thấy tự tin và tự do hơn khi trao đổi hay tranh luận thậm chí phê phán chế độ qua các mạng xã hội.

Phe đối lập đã nhanh chóng hiểu được vai trò, tác dụng quan trọng của Internet và các mạng xã hội để chỉ trích trực diện chế độ và kêu gọi người dân tham gia bày tỏ nguyện vọng của họ về một xã hội dân chủ. Trước những đòi hỏi chính đáng, nhà cầm quyền, rơi vào thế kẹt, chỉ biết sử dụng vũ lực để đàn áp phe đối lập.

Thông qua các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Telegram và WhatsApp được cài đặt trên các điện thoại thông minh, giới trẻ đã tiếp cận được nhiều sự thật về xã hội Cuba dưới sự cai trị của đảng cộng sản. Cộng đồng người Cuba tại Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin đa chiều thông qua các mạng xã hội trên cho người dân trong nước.

Có thể nói rằng chính các mạng xã hội đã và đang làm rúng động chế độ độc tài toàn trị tại Cuba. Đó là yếu tố đã tạo nên những cuộc xuống đường chống nhà cầm quyền nhanh hơn những tiên đoán của các nhà bình luận chính trị quốc tế.

Kết cục sẽ ra sao? Tương lai Cuba sẽ chuyển biến nhanh chóng vào con đường dân chủ? Có lẽ vẫn còn sớm để có được câu trả lời chính xác. Nhưng khi người dân xuống đường vì sự đói khát, vì sự mệt mỏi trước bộ máy quan liêu, vì những đòi hỏi chính đáng, chính quyền Cuba khó có thể tiếp tục làm ngơ và sử dụng bạo lực để đáp trả (cảnh sát tại một số vùng đã từ chối can thiệp vào các cuộc biểu tình). Thói quen vu cáo mọi cái xấu cho Hoa Kỳ (như cấm vận từ năm 1962) và cộng đồng người Cuba tại Mỹ đã trở nên lố bịch và phản tác dụng khi người dân đã tiếp cận được sự thật qua Internet.

Khi người dân đã can đảm chỉ đích danh thủ phạm của mọi vấn nạn chính là chế độ cộng sản, đó là một bước tiến dài, thật dài, khiến cho họ vượt qua mọi nỗi sợ hãi. Một bước tiến sau hơn 60 năm bị nhiều áp bức và khủng bố.

Hình ảnh người dân Cuba xuống đường biểu tình khiến cho không ít người Việt thầm hy vọng một viễn cảnh như thế sẽ xảy ra tại Việt Nam một ngày không xa. Tại sao không, dẫu trên phương diện địa chính trị, Cuba có một lợi thế rất quan trọng là không nằm bên cạnh một nước láng giềng “cộng sản” như Việt Nam. Thật vậy, Trung Quốc là một cản trở cực lớn trong tiến trình dân chủ hoá Việt Nam. Tuy người dân nhận thức được sự nguy hiểm cũng như sự thao túng chính trị của Bắc Kinh, chính quyền cộng sản Việt Nam lại vẫn phải thuần phục Trung Quốc để được tồn tại.

Tuy nhiên bài học từ Cuba chính là Internet và các mạng xã hội, nơi mà người dân có thể tiếp cận sự thật và bày tỏ sự bất mãn đối với chế độ. Đó là yếu tố đã khiến người dân Cuba đang thực hiện một cuộc Cách mạng làm chao đảo nhà cầm quyền. So với Cuba, người dân Việt Nam được sử dụng Internet sớm hơn, dẫu cũng bị kiểm duyệt và ngăn chặn. Có thể đó sẽ là một hướng đi để tạo nên một cuộc Cách mạng trong tương lai tại Việt Nam.

Thời đại số và toàn cầu hoá, thông tin đa chiều cần được truyền tải đến với người dân, để giúp họ vượt qua mọi sự sợ hãi để giành lại quyền được Sống trong một xã hội dân chủ và phồn thịnh.

NHÂN DÂN CUBA ĐỪNG LÊN VÌ TỰ DO

TRẦN TRUNG ĐẠO/ TD 12-7-2021


Ảnh trên mạng

Hôm nay, hầu hết các hãng tin quốc tế đồng loạt đưa tin tức, hình ảnh và phim về các cuộc biểu tình tại nhiều nơi của nhân dân Cuba chống chế độ CS vì tự do. Những khẩu hiệu “Đả Đảo Độc Tài”, “Đả Đảo Cộng Sản”, “Tự Do!” được hô vang trên đường phố Havana và các thành phố lớn.

Cuba là một trong năm nước CS còn sót lại của thời Chiến Tranh Lạnh và chịu đựng dưới chế độ độc tài suốt 62 năm từ khi Fidel Castro và Che Guevara chiếm Cuba vào tháng Giêng, 1959. Các nước CS tàn dư khác là Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Bắc Hàn.

Nhắc lại lịch sử. Phong trào nổi dậy chống chế độ tham nhũng Fulgencio Batista đầu tiên là Phong Trào 26 Tháng Bảy (Movimiento 26 de Julio) 1953. Thoạt đầu phong trào thu hút được một số đông nông dân bất mãn với các chính sách sản xuất và thu mua mía, sản phẩm chính của nông nghiệp Cuba, và chính quyền vi hiến của Batista. Fulgencio Batista bị lật đổ và trốn sang Mỹ. Ông ta qua đời 26 tháng 8, 1973 tại Guadalmina, Spain.

Nhưng sau khi lật đổ Fulgencio Batista, Fidel Castro và Che Guevara thay vì tiến hành các cải cách kinh tế và mở rộng tự do chính trị như đã hứa, lại rập theo mô hình chính trị chuyên chế và kinh tế tập trung của các nước CS thuộc khối Đông Âu.

Fidel Castro quốc hữu hóa toàn bộ nền kinh tế trong đó 40% đường mía, 90% nguyên liệu là vốn đầu tư của các công ty Mỹ. Đảng CS Cuba chính thức ra đời ngày 3 tháng 10, 1965 và là nước CS đầu tiên tại Châu Mỹ.

Ngày 19 tháng 10, 1960, TT Dwight D. Eisenhower trừng phạt Cuba bằng cách ra lệnh cấm vận các hàng hóa Mỹ xuất cảng sang Cuba ngoại trừ y tế. Tháng 2, 1962, TT John F. Kennedy ra lịnh cấm vận các sản phẩm Cuba nhập vào Mỹ.

Qua các thời kỳ tổng thống Mỹ từ Eisenhower đến nay, quan hệ giữa Mỹ và Cuba có khi nóng khi lạnh, khi nới lỏng khi siết chặt, nhưng các điểm trọng tâm trong chính sách cấm vận của Mỹ đối với Cuba vẫn không thay đổi.

Chính sách cấm vận đối với Cuba chi phối bởi nhiều đạo luật như Trading with the Enemy Act 1917, Foreign Assistance Act nên muốn hủy bỏ phải được Quốc Hội Hoa Kỳ phê chuẩn và cho đến nay Quốc Hội chưa thông qua một đạo luật nào nhằm hủy bỏ cấm vận đối với Cuba.

“Cuba Archive”, một đề án phi lợi nhuận phục vụ nhân quyền tai Cuba đã tổng kết được danh sách của 8.200 người bị mất tích dưới chế độ Castro và đề án này hiện đang tiếp tục được tổng kết. Tiến sĩ Lago, thuộc đại học Havard, dựa theo các báo cáo của lực lượng tuần dương Mỹ đã ước lượng số người dân Cuba chết trên đường vượt biển là 77 ngàn. Sách Đen về Chủ Nghĩa Cộng Sản (The Black Book of Communism) ước lượng khoảng 15.000 đến 17.000 người Cuba bị xử tử dưới chế độ CS.

Nhiều người chết trên đường vượt biển, không nằm trong danh sách đó, là do trực thăng của công an Cuba thả bao cát đánh chìm bè, bắn thẳng xuống bè, ra lịnh tàu hải quân Cuba tông vào những chiếc bè mong manh. Trường hợp tàn sát “The Canimar River” hay “Tugboat massacre of 1994” trong đó nhiều trẻ em bị giết được ghi nhận nhưng vô số trường hợp khác vẫn chưa được biết đến, ít nhất cho đến ngày chế độ CS Cuba sụp đổ.

Nhưng sự chịu đựng nào cũng có giới hạn. Hôm qua, nhiều ngàn dân của thành phố San Antonio de los Baños đã xuống đường biểu tình chống chế độ CS. Dân chúng thủ đô Havana hưởng ứng và cũng đã xuống đường.

Theo hãng tin Reuters, đây là cuộc biểu tình chống chế độ lớn nhất kể từ khi Fidel Castro cướp chính quyền năm 1959 tới nay.

Các phương pháp sai lầm và chậm chạp mà chế độ CS áp dụng để giải quyết nạn dịch là giọt nước tràn ly dẫn tới cuộc bùng nổ hiện nay. Riêng ngày Chủ Nhật 11 tháng 7, đã có 6.923 người bị dương tính Covid-19 và 47 người, gấp đôi tuần trước, bị chết.

Đời sống của những người thuộc giới tiểu thương, những người làm ngày nào ăn ngày đó, các nghề nghiệp phụ thuộc vào sinh hoạt đường phố, chợ búa đều không có một lối thoát nào cho số phận vốn nghèo nàn của họ.

Trả lời phóng viên hãng Reuters, bà Miranda Lazara, 53 tuổi, một giáo viên, cho biết “Chúng tôi đang trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn. Hệ thống cần phải được thay đổi.”

Dù họ Castro từng gắn liền với chế độ độc tài CS Cuba không còn nhưng bộ máy vẫn còn nguyên như thời Fidel Castro và sau đó Raul Castro nắm quyền cai trị.

Miguel Díaz-Canel, chủ tịch Cuba kiêm Bí thư Thứ Nhất đảng CS Cuba từ 2019, trong diễn văn ngày hôm qua Chủ Nhật 11 tháng 7, vẫn với giọng điệu tuyên truyền cố hữu, đổ lỗi những khó khăn và bất ổn cho Mỹ.

Theo lãnh tụ CS này, một một số không nhỏ trong những người đang xuống đường là do Mỹ “xúi giục”. Nhiều người biểu tình đã bị an ninh thường phục bắt và hiện chưa ai biết số phận họ ra sao. Theo tin của hãng AP, cảnh sát đã xịt hơi cay vào đoàn người kể cả các phóng viên ngoại quốc đang theo dõi cuộc biểu tình.

Tương tự như các cuộc biểu tình Mùa Xuân Á Rập (Arab Spring) năm 2011 hay các cuộc biểu tình đòi đẩy bật Ali Khamenei tại Iran 2018, những người tổ chức đã vận dụng tối đa các phương tiện tin học. Các tín hiệu, hình ảnh được gởi đi qua các mạng xã hội. Các “lãnh tụ không chân dung” xuất hiện. Một phong trào không người lãnh đạo được hình thành. Ý chí tập thể trở thành nguyên tắc sinh hoạt và thay đổi hệ thống cai trị là mục tiêu chung mà đại đa số trong 11 triệu dân của đảo quốc Cuba đang tiến hành.

Díaz-Canel, chủ tịch Cuba, kêu gọi các đảng viên CS và các thành phần ủng hộ giới cai trị CS, xuống đường để “bảo vệ cách mạng” đúng ra là “bảo vệ quyền lợi” của giới cán bộ, đảng viên có đặc quyền trong xã hội.

Tuy nhiên Díaz-Canel quên rằng Nicolae Ceaușescu cũng đã từng làm vậy khi tổ chức cuộc mít-tinh ủng hộ mình ngày 21 tháng 12, 1989 và kết quả là hai vợ chồng bị chính các đồng chí từng thề thốt trung thành xử bắn bốn ngày sau đó.

Bài học các cuộc cách mạng dân chủ đã diễn ra tại Mông Cổ hay Hungary cho thấy đây là thời điểm của chọn lựa, không chỉ chọn lựa của người dân đang xuống đường mà còn là chọn lựa của những người lính, những người đang do dự và cả những người nằm trong giới cầm quyền. Nếu thành phần yêu tự do hay nghiêng về phía tự do tạo nên áp lực đủ mạnh, đất nước Cuba sẽ thay đổi.

Phong trào dân chủ Cuba hiện nay không phải tự nhiên bộc phát mà ngọn lửa tự do đã âm ỉ cháy từ nhiều năm trước.

Các tổ chức như Ladies in White được giải nhân quyền Sakharov 2005, Đề án Varela (Varela Project) thu thập hơn 10 ngàn chữ ký đòi hỏi tự do nhân quyền, xương máu của rất nhiều người Cuba chết trong ngục tù CS là những viên gạch lót đường cho nền dân chủ Cuba sau này.

Không có sự hy sinh nào cho tương lai con cháu là hy sinh oan uổng.

Thời gian ngắn tới đây sẽ là thời gian thử thách cho dân tộc Cuba và tương lai đất nước này. Nhưng dù kết quả ra sao, các cuộc biểu tình hôm qua và sắp tới nhắc cho giới cai trị CS một chân lý ngàn đời rằng mọi chế độ độc tài đi ngược với quyền sống của con người sớm hay muộn đều phải sụp đổ.

CUBA: BIỂU TÌNH ĐÔNG ĐẢO CHỐNG CHÍNH PHỦ CHƯA TỪNG THẤY

MINH ANH /rfi 12-7-2021

Người dân Cuba biểu tình chống chính phủ tại thủ đô La Habana, ngày 11/07/2021. REUTERS - ALEXANDRE MENEGHINI

Chủ Nhật ngày 11/07/2021, Cuba trải qua một ngày lịch sử. Những cuộc biểu tình chưa từng thấy đã diễn ra trên khắp cả nước. Từ Đông sang Tây, người dân Cuba xuống đường trong tiếng hô vang kêu gọi « tự do »và « đả đảo độc tài ». 

Theo AFP, sự việc xảy ra khiến chính quyền La Habana bất ngờ. Chính phủ Cuba tuyên bố sẵn sàng bảo vệ cuộc cách mạng « bằng mọi giá » và kêu gọi các nhà cách mạng « xuống đường, đến những nơi nào có những hành động khiêu khích diễn ra, ngay từ bây giờ và trong những ngày sắp tới ». 

Vụ việc cũng được Washington theo dõi sát sao và đã có phản ứng, cảnh cáo chính quyền La Habana không nên dùng vũ lực chống lại « người biểu tình ôn hòa ».  

Nguyên nhân nào khiến người dân Cuba rầm rộ xuống đường phản đối chính phủ ?

Từ La Habana, thông tín viên đài RFI, Domitille Piron gởi về bài phóng sự : 

Đó là một làm sóng thủy triều người chợt xuất hiện trên đại lộ Malecon dọc bờ biển và trên các nẻo đường của La Habana hôm Chủ Nhật 11/07 với tiếng hô vang đòi « tự do » ! Những người dân Cuba phẫn nộ lần đầu tiên trong đời đã xuống đường biểu tình. Những cảnh tượng chưa bao giờ diễn ra tại đất nước Cuba cộng sản. Nhưng nỗi sợ hãi cũng còn đó, tất cả những người được hỏi đều muốn xin giấu tên. 

Một người phụ nữ nói : « Hầu hết tại tất cả các tỉnh và tại nhiều thành phố, người dân đều đổ ra đường bởi vì chúng tôi đã quá ngán ngẩm về mọi vấn đề và cả cuộc khủng hoảng mà chúng tôi đang trải qua ở đây ! Người dân Cuba không còn chịu đựng được nữa. Đây là lần đầu tiên chúng tôi biểu tình, nhưng đây sẽ không là lần cuối ! » 

Một người đàn ông cho biết : « Chúng tôi chỉ muốn phản đối một cách ôn hòa và biểu tình vì quyền tự do của chúng tôi nhưng cảnh sát trấn áp tất cả những ai dám phản đối ! » 

Khủng hoảng, đói khát, nhu cầu thiết yếu, Covid và khao khát tự do… những điều đó đã vượt quá sức chịu đựng, buộc người dân Cuba phải xuống đường. 

Người phụ nữ nói tiếp : « Tôi vừa xếp hàng xong, ở đây chúng tôi bị đói và có rất nhiều nhu cầu. Trấn áp và đói khát, đã quá đủ rồi ! Chúng tôi luôn giữ im lặng, chúng tôi chưa bao giờ ca thán điều gì cả nhưng giờ đã quá đủ, người dân không thể chịu đựng được nữa ! » 

Những người biểu tình cho biết là họ ghi hình lại tất cả và cảm thấy như được hậu thuẫn và đoàn kết nhờ vào mạng xã hội. Nhưng đối mặt họ, cảnh sát ra tay trấn áp người biểu tình, khoảng 40 người đã bị bắt trước sự chứng kiến của chúng tôi. 

Người đàn ông nói thêm : « Vấn đề ở đây là có cảnh sát mặc thường phục và trà trộn vào dòng người biểu tình. Nhìn, nhìn kìa, bạn thấy đấy, bọn họ đánh người biểu tình như thế nào ! » 

Cùng lúc này, chủ tịch Miguel Diaz-Canel trên đài truyền hình kêu gọi những người cách mạng xuống đường. Ông thừa nhận người dân có một số nhu thiết yếu nhưng đồng thời lại cáo buộc một số người đã bị nhầm lẫn.

BIỂU TÌNH BÙNG NỔ Ở CUBA: TẠI SAO NGƯỜI DÂN GIẬN DỮ ?


(Phan Nguyên biên dịch từ The Economist)

Vào ngày 11/7, hàng nghìn người biểu tình tự phát đã xuống đường tại hơn 50 thị xã và thành phố của Cuba. Họ mang theo một danh sách dài những nỗi bất bình: tình trạng mất điện liên tục, các cửa hàng tạp hóa trống rỗng, nền kinh tế thất bại, một chính phủ đàn áp, và tình hình ngày càng tuyệt vọng liên quan đến covid-19.

Trong một màn thể hiện sự bất mãn chưa từng thấy trên hòn đảo cộng sản, có lẽ trong suốt sáu thập niên qua, người dân ở mọi lứa tuổi vừa hô vang vừa diễu hành, một số người trong số họ hô theo nhịp điệu của những chiếc thìa khua vào chảo rán. “Patria y Vida” (Quê hương và Cuộc sống) – một câu nhại theo khẩu hiệu cách mạng “Patria o Muerte (Tổ quốc hay là chết), đồng thời cũng là tên của một bài hát phổ biến chỉ trích chính phủ – chính là khẩu hiệu kêu gọi tập hợp lực lượng của họ, cùng với những khẩu hiệu như “Tự do” và “Đả đảo chế độ độc tài”.

Đến ngày hôm sau, đường phố yên tĩnh hơn khi cảnh sát đi từng nhà, vây bắt những người biểu tình. Cảnh sát chống bạo động tỏa ra khắp các thành phố, các sĩ quan mặc thường phục xuống đường và những đám đông ủng hộ chính phủ mang  theo hình ảnh của Fidel Castro được huy động để hô vang các khẩu hiệu ủng hộ cách mạng và vẫy cờ Cuba. Miguel Díaz-Canel, chủ tịch nước và bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản, xuất hiện trên truyền hình tuyên bố rằng, “Cuba thuộc về những người cách mạng.” Ít nhất 150 người đã mất tích. Có tin đồn các thanh niên trẻ đang bị ép phải nhập ngũ.

Câu hỏi lớn hiện nay là các cuộc biểu tình có thể duy trì được bao lâu. Những ngày tới sẽ cho thấy liệu nỗ lực của chế độ nhằm dập tắt bất kỳ dấu hiệu bất đồng chính kiến ​​nào có tiếp tục hiệu quả hay không. Chính phủ có rất ít vốn liếng để mua được sự ổn định xã hội. Cuba đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi covid-19 và sự sụt giảm nghiêm trọng của ngành du lịch, vốn là ngành mà nước này phụ thuộc rất nhiều. Việc thiếu ngoại tệ để mua hàng nhập khẩu đã dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và mất điện trầm trọng. Dưới thời chính quyền Donald Trump, Hoa Kỳ đã thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống Cuba. Những điều này đã làm gia tăng các rắc rối kinh tế cho hòn đảo.

Sự miễn cưỡng của Cuba trong việc mua vắc xin nước ngoài, vừa do tư duy tự cung tự cấp, vừa do thiếu ngoại tệ, khiến chỉ có 16% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Các loại vắc xin trong nước đang được phát triển nhưng vẫn chưa được triển khai trên toàn quốc (trong khi đó, các hiệu thuốc còn thiếu cả những thứ cơ bản như aspirin). Trong khi du lịch đã hoạt động trở lại ở các quốc gia lân cận nơi covid đã lắng xuống, chẳng hạn như Jamaica và Cộng hòa Dominica, làn sóng ca nhiễm và tử vong vẫn tăng ở Cuba. Trong một video được đăng lên Facebook, Lisveilys Echenique, sống ở thành phố Ciego de Ávila, mô tả cách anh trai cô trải qua 11 ngày chiến đấu với bệnh covid-19 mà không được điều trị gì vì không có giường bệnh và thuốc men. Sau khi chết, thi hài của anh vẫn nằm ở nhà cô trong bảy giờ trước khi xe cấp cứu đến.

Nền kinh tế Cuba gần như sụp đổ vào đầu những năm 1990, sau khi Liên Xô tan rã khiến viện trợ nước ngoài đột ngột chấm dứt. Lúc đó cũng nổ ra những cuộc biểu tình của người dân nhưng nhanh chóng bị giải tán. Nhưng người dân Cuba hiện đã có quyền truy cập Internet và rất thành thạo trong việc sử dụng nó để tập hợp cùng nhau. Các video về bạo lực cảnh sát và việc bắt giữ tùy tiện đã được lan truyền nhanh chóng trong những ngày gần đây. Vào một thời điểm trong chiều ngày 11 tháng 7, khi các cuộc biểu tình lên đến đỉnh điểm, các nhà chức trách đã ra lệnh chặn internet. Nhưng trong khi chính phủ muốn tắt Internet, họ cũng không thể thực hiện được nó lâu bởi phí truy cập internet cắt cổ do một công ty viễn thông nhà nước độc quyền là một nguồn thu ngoại tệ chính yếu. Internet cũng là kênh quan trọng để người Cuba ở nước ngoài chuyển tiền về nước. Emilio Morales làm việc tại Tập đoàn Tư vấn Havana ở Miami ước tính kiều hối mang lại cho chính phủ 80 triệu đô la mỗi tháng.

José Jasán Nieves Cárdenas, biên tập viên của tờ El Toque, một tạp chí Cuba độc lập, nói: “Chính phủ đã tự đóng cửa như một con hàu. Thay vì thừa nhận rằng là họ phải bước ra ngoài và thiết lập đối thoại với người dân, họ đã chọn sự đàn áp.” Hơi cay và đạn cao su đã được sử dụng để chống lại đám đông, mặc dù trong một số trường hợp, các nhân viên an ninh bị áp đảo bởi người biểu tình, khiến họ phải rút lui. Khi tình hình leo thang, xe cảnh sát bị lật và một số cửa hàng kinh doanh ngoại hối đã bị cướp phá.

Trong một bài phát biểu vào ngày 12 tháng 7, ông Díaz-Canel đã đổ những rắc rối của Cuba là do lệnh cấm vận mà Hoa Kỳ áp đặt, như chính phủ đã luôn làm lâu nay. Ông phớt lờ những lời phàn nàn của người biểu tình, thay vào đó nói rằng họ là lính đánh thuê. Ông đưa ra nhiều lời bào chữa hơn các kế hoạch cải cách. Sau bài phát biểu của vị chủ tịch nước, thêm nhiều người biểu tình đã tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Havana. Tại thời điểm này, ông ấy không thể làm được gì nhiều ngoài việc từ chức để có thể xoa dịu người dân, chủ một doanh nghiệp nhỏ cho biết. Cô nói: “Bạn không thể che mặt trời bằng một ngón tay. Hiện nay có quá nhiều vấn đề khiến chế độ không thể che đậy qua loa được”.

Alfred Martinez Ramirez, một thành viên của 27N, một nhóm các nhà hoạt động, nghệ sĩ và trí thức vận động cho quyền tự do ngôn luận lớn hơn, đã tham gia một cuộc biểu tình bên ngoài Bộ Văn hóa hồi tháng 11. Khoảng 300 người đã có mặt, vào thời điểm đó dường như là một con số khổng lồ. Người dân Cuba hiếm khi đi biểu tình, đặc biệt là vì các cuộc tụ tập công khai không giấy phép là bất hợp pháp. Chứng kiến hàng nghìn người trên đường phố Havana ngày hôm qua đã cho anh hy vọng rằng nhóm của anh không đơn độc, và rằng họ thậm chí có thể đã giúp nhiều người Cuba khác vượt qua nỗi sợ hãi về bất đồng chính kiến. “Đã có một sự thức tỉnh,” anh nói.

GỬI CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO CUBA

MẠC VĂN TRANG/ TD 14-7-2021

Kính gửi Ngài Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Miguel Díaz-Canel và các nhà lãnh đạo Cuba

Nhờ có mạng internet toàn cầu mà tôi được thấy những hình ảnh nhân dân Cuba xuống đường biểu tình với những khẩu hiệu đòi “FREE CUBA”, đòi “ANTI COMUNIST”, (*) diễn ra vào ngày 11/7/2021 ở thủ đô La Habana và nhiều thành phố khác.

Nhiều người Việt Nam vô cùng yêu mến nhân dân Cuba, yêu mến Fidel Castro. Việt Nam và Cuba dù rất xa cách nhau về địa lý, nhưng rất gần gũi nhau về tình anh em trong sáng và sự đồng cảm sâu sắc.

Vì thế tôi muốn nhắn gửi mấy điều đến các nhà lãnh đạo Cuba anh em.

1. Fidel Castro và những nhà lãnh đạo Cuba đã làm cuộc Cách mạng 1959 đem lại tự do cho nhân dân và khát khao muốn đưa đất nước Cuba thành thiên đường cộng sản chủ nghĩa, cho nhân dân được tự do, hạnh phúc, cho các nước Mỹ La tinh noi theo… Nhưng cuộc thí nghiệm chưa từng có tiền lệ đó đã diễn ra hơn 60 năm, được đa số người dân hết lòng ủng hộ, mà nó hoàn toàn thất bại so với những mong ước ban đầu.

Cuộc thí nghiệm vĩ đại và trường diễn đó chứng tỏ mô hình lý thuyết XHCN mà Fidel đã chọn đã thất bại, cũng như Liên Xô và nhiều nước khác đã mắc phải. Nó thất bại vì lý thuyết XHCN ấy đã huỷ diệt bản chất con người là “đi tìm lạc thú”, môi trường sống tự do sáng tạo… (S. Freud); là “quyền tư hữu”, tự do làm giàu của cá nhân (Adam Smith) …

2. Về thực tiễn, nếu Cuba không theo con đường xã hội chủ nghĩa, thù địch với Mỹ và các nước tư bản thì đất nước Cuba bây giờ đã phát triển như thế nào và đời sống của nhân dân Cuba chắc hẳn vào loại cao trên thế giới. Còn thực tế đời sống của nhân dân Cuba hiện nay vào loại nghèo: đói ăn, thiếu mặc, thiếu điện, nhiên liệu, thiếu thuốc phòng chống Coronavirus Vũ Hán…

Nhưng cái thiếu nhất là thiếu TỰ DO, DÂN CHỦ, thiếu NIỀM TIN vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mù mờ, lạc lối… Cho dù Fidel, Raul Castro … đem hết tâm và tài, hy sinh cả cuộc đời phấn đấu xây dựng CNXH suốt 60 năm, nhưng mô hình đã sai thì không làm sao đưa Cuba phát triển xứng với tiềm năng của đất nước và sự mong đợi nhân dân.

3. Nhân dân Cuba đã chịu đựng hy sinh hơn 60 năm cho cuộc đại thí nghiệm là quá đủ rồi. Hàng triệu người đã phải bỏ nước ra đi. Nay những người dân trung thành cũng không chịu được nữa đòi hỏi phải thay đổi thì hãy lắng nghe lòng dân, theo ý nguyện của nhân dân và cũng là xu thế tất yếu của nhân loại: thoát khỏi chế độ cộng sản độc tài toàn trị, đem lại tự do, dân chủ cho nhân dân!

4. Đừng có nghe Trung Cộng, tuyệt đối không làm theo Trung cộng giết hại nhân dân mình để giữ quyền thống trị. Chủ nghĩa nào, chế độ nào thì cũng “quan nhất thời, dân vạn đại”. Chỉ có đất nước và nhân dân là trường tồn. Fidel đã chết, rồi Raul cũng chết, nhân dân thì vẫn còn! Làm theo Trung Cộng đàn áp dân, thì tội ác ấy muôn đời còn ghi vào sử sách, không gì tẩy rửa được điều ô nhục ấy.

5. Con đường thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản, theo ý nguyện tự do của nhân dân như đã diễn ra ở Đông Âu, có hai phương cách. Một là ngoan cố để nhân dân phải xử lý như đối với vợ chồng Nicolae Ceaușescu ở Romania, năm 1989; hai là chuyển đổi trong hòa bình như Ba Lan, Séc – Slovakia, Hungary, cộng hòa Dân chủ Đức…

6. Khi đất nước phát triển theo mô hình dân chủ, đa nguyên, đa đảng thì đảng Cộng sản vẫn còn, dành cho những người trung thành với lý tưởng cộng sản tiếp tục hoạt động, cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật của một quốc gia dân chủ, văn minh… Những người của chế độ cũ vẫn tranh cử để nhân dân bầu chọn vào các cấp lãnh đạo quốc gia, như nhiều nhân vật ở các nước đã chuyển đổi. Điển hình là bà Angela Merkel vốn là cán bộ Đoàn Thanh niên của CHDC Đức, đã được bầu làm Thủ tướng của nước Đức thống nhất liên tiếp 4 nhiệm kỳ…

Khi chuyển đổi sang chế độ mới, như các nước ở Đông Âu, không những các thành tựu về Y tế, Giáo dục … dưới thời XHCN được bảo toàn, mà còn phát triển với chất lượng mới, vì được dân chủ hoá và kinh phí đầu tư dồi dào hơn, lương giáo viên, bác sĩ tăng cao, do kinh tế phát triển tốt…

Khi chuyển đổi chế độ, những người đối lập không còn là “thế lực thù địch”, đem lại hoà hợp dân tộc, những người con ưu tú của nhân dân phải tù đày, chạy trốn sẽ cùng góp sức xây dựng đất nước; sức người, sức của của các kiều dân Cuba ở Mỹ và nước ngoài sẽ đổ về nước, Cuba sẽ phát triển mạnh mẽ…

May mắn nhất của Cuba là gần Mỹ chứ không gần Trung Cộng như Việt Nam. Hãy tận dụng lợi thế đó để phát triển đất nước.

Vì vậy tôi chân thành khuyên các ngài lãnh đạo Cuba, hãy dũng cảm từ bỏ cái mô hình đã mục ruỗng, nhân dân quá chán ghét rồi; đừng lừa bịp và khủng bố nhân dân nữa; hãy thể theo ý nguyện của nhân dân, chuyển sang chế độ dân chủ, kết bạn với Mỹ và các nước tư bản để đất nước phát triển, nhân dân được tự do, hạnh phúc.

Như thế các ngài cũng sửa được lỗi lầm, để lại tiếng thơm cho hậu thế.

Xin gửi đến các Ngài lời chào trân trọng.

***

(*) Ghi chú của Tiếng Dân: Cờ Cuba có ghi chữ “Anti Communist” là hình ảnh ghi lại từ cuộc biểu tình của những người Mỹ gốc Cuba ở Mỹ, ủng hộ cuộc biểu tình của người dân Cuba.

______

Một số hình ảnh trên mạng, về các cuộc biểu tình của người dân Cuba và của dân gốc Cuba ở Mỹ:









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét