Thứ Ba, 20 tháng 7, 2021

20210721. NHẬN XÉT QUY CHẾ MỚI VỀ ĐÀO TẠO TIẾN SĨ (2)

 ĐIỂM BÁO MẠNG

THẠC SĨ, TIẾN SỸ TRONG BỘ MÁY CÔNG CHỨC

ĐINH DUY HÒA/ TVN 19-7-2021

Quả là rất sôi nổi câu chuyện chuẩn mới về tiến sĩ trong mấy ngày này. Khi một chính sách mới của nhà nước ra đời, thật mừng là có các luồng ý kiến đồng tình hay phản bác.

Cứ hình dung ông nhà nước ra cái gì rồi xã hội cũng im re thì thực sự là đáng buồn. Nói theo mấy bác nghiên cứu là chả có sự phản biện xã hội gì cả, nếu thế làm sao mà tiến bộ được.

Rất may, còn bàn đến chuẩn tiến sĩ là còn thấy xã hội vẫn còn coi trọng học vị này. Cha ông chúng ta từ xa xưa đã thế rồi mà. Thời xưa, các vị tiến sĩ sau khi đỗ đạt sẽ được niêm yết tên trên bảng vàng, được bệ kiến vua rồi vinh quy bái tổ và được khắc tên vào bia đá đặt ở Văn Miếu để lưu danh mãi mãi.

Còn thời nay, cái giá trị của học vị tiến sĩ may mà vẫn còn. Và ta cũng giống như đa phần các nước. Riêng ở Đức, khi khai báo phần nhân thân làm căn cước công dân cũng như làm thủ tục về nơi thường trú, cơ quan công quyền không hỏi học sơ cấp, trung cấp hoặc đại học gì không, mà chỉ hỏi có học vị tiến sĩ không. Âu cũng là sự coi trọng học vị này theo một cách rất Đức.

Thạc sĩ, tiến sĩ trong bộ máy công chức
Ở đa phần các nước, những người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ chủ yếu làm việc tại các viện nghiên cứu, trường học, tức không phải là cơ quan hành chính nhà nước. Ảnh: Thanh Hùng

Tuy nhiên, cũng phải thấy cái giá trị học vị tiến sĩ này ở ta cũng đang có phần suy giảm bởi chính chất của những con người mang tấm bằng đó có phần suy giảm, thậm chí không xứng đáng.

Cho nên bàn chuẩn tiến sĩ để thực thi là cần thiết. Nếu để bảo đảm chất lượng tiến sĩ mới ra lò cần phải có 2 bài báo quốc tế như GS.TS Ngô Việt Trung đã nêu thì tôi đồng tình ngay. Thậm chí nếu ông bảo cần 3 bài thì cũng vẫn ok. Quá thấm với nhận định của ông: Chuẩn tiến sĩ mới là nỗi hổ thẹn với thế giới. Riêng tôi cảm nhận được chỉ những người có tâm thật với nền giáo dục nước nhà, có lòng tự trọng như ông mới thốt ra được như vậy.

Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, nếu có vị nào đó ngồi ở Bộ ra chính sách mới này chứng minh được một cách rõ ràng rằng không cần 2 bài báo quốc tế thì tôi có lẽ cũng ok, bởi nói thật tôi không thạo ở mảng này nên không thể nhiều lời bàn theo. Xin để các chuyên gia, các nhà nghiên cứu tiếp tục làm rõ cái chuẩn tiến sĩ này.

Số liệu lý thú

Tôi có may mắn mới đây là ủy viên Hội đồng nghiệm thu Dự án điều tra thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức ngành nội vụ nên có được một vài số liệu lý thú.

Cụ thể là: 49% công chức tại Bộ Nội vụ có trình độ từ thạc sĩ trở lên, tỷ lệ này ở 63 Sở Nội vụ là gần 28% và ở các phòng Nội vụ trong cả nước là 18%. Công chức toàn ngành Nội vụ có trình độ từ cử nhân trở lên đến tiến sĩ là 96,6%. Số liệu có lẽ cũng vậy ở các ngành, lĩnh vực khác.

Cử nhân là bình thường, xu hướng đã là phổ cập thạc sĩ. Đấy là câu tôi thường được nghe khi bàn đến bằng cấp trong công vụ hiện nay. Không biết cứ thế này mươi năm nữa vào các cơ quan công quyền có lẽ là toàn từ thạc sĩ trở lên ngồi làm việc.

Điều này nói lên mấy vấn đề sau:

- Đang có những sai lầm, làm không chuẩn trong xác định cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương tới cấp huyện. Không có cơ quan nào mà không có những việc làm, vị trí chỉ yêu cầu trình độ đào tạo là sơ cấp, trung cấp. Để những người có bằng cử nhân, thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ làm những việc này quả là sự lãng phí lớn.

- Đáng lý ra giống như đa phần các nước, những người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ chủ yếu làm việc tại các viện nghiên cứu, trường học, tức không phải là cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, dường như cơ quan hành chính ở ta có ma lực kiểu gì đó nên hút rất mạnh thạc sĩ, tiến sĩ vào làm việc.

- Đang có những suy giảm về chất lượng trong đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Quá trình này dường như bắt đầu vào các năm 1992, 1993 ở nước ta. Trong vòng mấy năm từ 1993- 1996, 1997 đã cho ra lò nhanh chóng các vị tiến sĩ.

Đầu ra của giáo dục là đầu vào của công vụ và chúng ta dễ hình dung khi đầu ra giáo dục chất lượng thấp thì đương nhiên chất lượng đầu vào công vụ cũng thấp, đấy là chưa kể những tiêu cực trong thi công chức làm cho cái chất lượng này còn thấp thêm một nấc nữa. Nói một cách dân dã thì mươi năm trở lại đây, học để lấy bằng thạc sĩ, thậm chí cả tiến sĩ là khá dễ.

Do có sự dễ dãi như vậy nên có dư luận về sự không trung thực trong đào tạo và cấp các loại bằng này. Đã có lúc dư luận xôn xao về trường hợp này, trường hợp kia không xứng đáng mang học vị tiến sĩ, nhưng rồi mọi sự lại đâu vào đấy. Nguyên nhân chủ yếu cũng tại cái cách quản lý của chúng ta.

- Đang có quan niệm khá phổ biến cứ có bằng thạc sĩ, tiến sĩ là chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức sẽ nâng lên, đáp ứng được yêu cầu. Thậm chí, các vị trí lãnh đạo, quản lý cũng cần dần dần  phổ cập hóa câu chuyện bằng cấp này. Thành ủy Hà Nội mới thông qua chủ trương phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý phải có bằng thạc sĩ, tiến sĩ là một ví dụ cho vấn đề này.

Quả là may mắn khi các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và cả người dân bình thường trong xã hội bàn câu chuyện chuẩn tiến sĩ nhân thông tư mới của Bộ GD-ĐT, bởi cũng là lúc cần bàn rộng ra cái triết lý và chất lượng giáo dục của nước ta. Rõ cái này thì mọi cái ăn theo cũng sẽ rõ.

Đinh Duy Hòa

HẬU TIẾN SĨ  'BỊ LÃNG QUÊN'

LƯU TIẾN HIỆP/ GDVN 20-7-2021

Gần đây giới đại học thảo luận sôi nổi về quy chế đào tạo tiến sĩ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành. Trong một đất nước trải qua các mô hình đại học khác nhau trong một khoảng thời gian không dài, việc các quy chế liên quan đến giáo dục đại học phải điều chỉnh liên tục cũng là bình thường. Tuy nhiên, những thay đổi về giáo dục đại học đều cần phải nhằm mục đích tiếp cận rồi hội nhập với nền giáo dục quốc tế.

Trong bài viết hôm nay tôi có một số ý kiến về vấn đề tiến sĩ, nhưng ở giai đoạn sau khi có bằng tiến sĩ, đó là hậu tiến sĩ.

Ở Việt Nam, giai đoạn hậu tiến sĩ thường không được đề cập trong các quy chế, nghĩa là không có giai đoạn hậu tiến sĩ.

Hậu tiến sĩ có hai quá trình riêng biệt. Hậu tiến sĩ (post-doctorate) thường để chỉ giai đoạn nghiên cứu sau khi có tiến sĩ, chuẩn bị cho quá trình tuyển dụng để trở thành giảng viên đại học, giai đoạn này thường kéo dài khoảng một năm. Quá trình hậu tiến sĩ này nhằm giúp người học vừa tốt nghiệp tiến sĩ làm nghiên cứu ở một trường đại học để lấy kinh nghiệm và để “xin việc”. Bài viết này tôi không đề cập đến giai đoạn này.


Ảnh minh họa: nguồn Báo Vietnamnet

Có một hình thái hậu tiến sĩ thứ hai, tôi tự đặt ra để dễ xác định vì quá trình hậu tiến sĩ này cũng diễn ra sau khi học xong tiến sĩ và đi làm một số năm ở một trường đại học.

Bỏ qua những yếu tố về tính hội nhập quốc tế thì Quy chế đào tạo tiến sĩ của Việt Nam dường như tạo cho người đỗ cảm giác là sau khi đạt bằng tiến sĩ cũng là đạt đến đỉnh cao của kiến thức. Điều này là một ngộ nhận.

Theo sự hiểu biết của tôi có bằng tiến sĩ mới chỉ là bước đầu trên con đường khoa học của mình. Khi chuẩn bị tiến sĩ, nói nôm na đó cũng là giai đoạn “học nghề” nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu sinh phải tìm hiểu trong quá khứ đã có những công trình nào viết về đề tài của mình, và rồi phải đọc hiểu những công trình này. Nếu là khoa học thực nghiệm phải biết xây dựng dụng cụ, máy móc thí nghiệm để đo đạc. Có kết quả phải biết tập hợp, đánh giá, trình bày, chuẩn bị bài đăng trong tạp chí, viết luận văn…Còn phải biết làm việc với người hướng dẫn, đồng nghiệp, bạn bè.

Nghiên cứu sinh trải qua rất nhiều công đoạn, mà nhiều công đoạn này lần đầu tiên nghiên cứu sinh mới làm quen. Bởi vậy không quá đáng khi nói học xong tiến sĩ mới chỉ là học một nghề cao cấp để sau này dấn thân vào “nghề” nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp.

Nếu coi tiến sĩ mới tốt nghiệp chỉ là người bắt đầu nghiên cứu khoa học, trường đại học, viện nghiên cứu mong muốn họ bắt đầu làm công việc của nghiên cứu sinh càng trẻ càng tốt, hoàn thành tiến sĩ càng sớm càng tốt. Đó cũng là lý do tại sao chỉ chọn nghiên cứu sinh ưu tú. Phần lớn nghiên cứu sinh được học bổng, nhưng học bổng thường chỉ cho trong 3 năm (thời gian tối thiểu để hoàn thành), cùng lắm gia hạn thêm nửa năm, nghĩa là phải làm việc toàn thời gian, điều này cũng không ngoài mục đích là ép nghiên cứu sinh phải hoàn thành tiến sĩ trong thời hạn ngắn nhất. Đó là giai đoạn không nhàn chút nào. Chuyện nghiên cứu sinh tốt nghiệp tiến sĩ khi mới 21, 22 tuổi cũng không ít. Các trường đại học rất không muốn nghiên cứu sinh hoàn tất tiến sĩ khi tuổi đã lớn vì đơn giản tiềm năng nghiên cứu khoa học hậu tiến sĩ sẽ giảm một khi lớn tuổi.

Trong một nền giáo giáo đại học phát triển, trường đại học khi thu nhận tiến sĩ mới tốt nghiệp thường chỉ coi như là tạm tuyển. Muốn được tuyển làm giảng viên chính thức (gọi là tenure) phải có một số công trình công bố ở các tạp chí quốc tế. Như vậy đây là mẻ lưới thứ hai để sàng lọc chất lượng tiến sĩ.

Bằng tiến sĩ không được coi là đích cuối cùng đối với những tiến sĩ làm nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu. Ngày xưa các trường đại học cũng không có chế độ tenure, dẫn đến tình trạng sống lâu lên lão làng. Sau này phải đưa vào chế độ tenure để ràng buộc tiến sĩ phải nghiên cứu khoa học. Đại học Việt Nam nên học tập chế độ tenure.

Có lẽ chế độ tenure không mặn mà ở Việt Nam vì tuyển được một tiến sĩ là may lắm rồi, còn đòi hỏi thêm làm gì. Nếu đây là lý do chính đáng e rằng nó sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại.

Trước hết chuyện học tiến sĩ trở thành như chuyện “cá vượt vũ môn”, nghiên cứu sinh muốn tốt nghiệp tiến sĩ bằng mọi giá, kể cả những biện pháp dưới chuẩn, tiêu cực, họ chỉ muốn hóa rồng, nhưng sau đó trở thành rồng đất cũng không sao vì bằng tiến sĩ đối với họ là cứu cánh, không phải là bắt đầu con đường khoa học, nếu không có chế độ tenure.

Trường đại học cũng chẳng cần tenure vì không quan tâm đến nghiên cứu khoa học. Suy nghĩ này về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến phát triển giáo dục và nghiên cứu. Các trường phải có những quy định sau một năm, hai năm…những tiến sĩ được tuyển dụng sẽ có những công trình được xuất bản, nếu không sẽ bị cắt hợp đồng, không lên lương, không thăng chức.

Có như vậy mới duy trì được tiềm năng của các tiến sĩ trẻ, duy trì ngay từ đầu thói quen nghiên cứu khoa học. Biện pháp có vẻ mạnh, về lâu dài trường sẽ gặt hái được thành quả và nền giáo dục Việt Nam mới phát triển.

Khi ràng buộc tiến sĩ và hậu tiến sĩ thành một thể thống nhất, ít nhất có thể làm nản lòng những người muốn học tiến sĩ, tốt nghiệp tiến sĩ chỉ vì coi bằng tiến sĩ là cứu cánh, giảm bớt những tranh cãi không cần thiết về quy chế tiến sĩ.

Đến đây tôi lại nghĩ đến mong đợi của các tiến sĩ trở thành phó giáo sư, giáo sư trong điều kiện hiện nay. Thời gian chờ đợi để trở thành phó giáo sư, giáo sư mất cả chục năm sau biết bao cố gắng nghiên cứu khoa học.

Tại sao không để các trường tự chủ việc phong các chức danh giảng dạy đến giáo sư cho các trường như nhiều nước vẫn làm. Khi các trường này thực hiện trọng trách này chắc chắn họ sẽ tạo ra các ngưỡng cụ thể cho các tiến sĩ phải vượt qua để lên bậc giảng dạy cao hơn. Khi tự chịu trách nhiệm thì họ sẽ tổ chức xét duyệt nghiêm túc hơn, có thể chưa bảo đảm loại bỏ hết tiêu cực.

Nhưng cũng không sao, ngay cả ở Mỹ, Úc, một giáo sư ở một trường chưa chắc đã được bổ nhiệm ở một trường khác: giáo sư là giáo sư của một trường cụ thể. Việt Nam bắt đầu thí điểm việc trường tự phong giáo sư ở những trường có uy tín như Đại học Quốc gia. Chuyện phong giáo sư cả chục năm nay vẫn chưa xong thì bắt đầu xem xét tự chủ đại học trong đó có nội dung tự phong giáo sư cũng không phải là muộn.

Phó giáo sư Lưu Tiến Hiệp
HẠ CHUẨN SẼ GIÚP THÊM NHIỀU NGƯỜI DỄ KIẾM THÊM ĐƯỢC DANH TIẾN SĨ ĐỂ LÀM QUAN
TÙNG DƯƠNG/ GDVN 21-7-2021

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành quy chế về đào tạo tiến sĩ để thay thế quy chế năm 2017. Với quy chế mới, có nhiều ý kiến cho rằng đó là bước "thụt lùi".

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng viện Văn hóa dân gian ứng dụng, ông Sơn chia sẻ:

“Việc “hạ chuẩn” đào tạo Tiến sĩ theo quy chế mới 2021 là không đúng với sự phát triển của khoa học, muốn phát triển thì rất cần sự hòa nhập với quốc tế, bây giờ bỏ bớt các công trình nghiên cứu quốc tế đi thì làm sao phát triển được khoa học?.

Quy định cho phép nghiên cứu sinh có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên. Theo tôi, quy định này đi ngược lại xu hướng hội nhập của khoa học Việt Nam, “hạ chuẩn” so với Quy chế cũ năm 2017.

Những bài báo in tạp chí khoa học trong nước cũng đáng khuyến khích, nhưng việc quản lý chưa chặt dẫn đến tình trạng lộn xộn, không có thực chất. Phần lớn các tạp chí nghiên cứu trong nước được xuất bản bởi các trường đại học, cá nhân tôi cho rằng quy trình duyệt bài còn lỏng lẻo, thậm chí có phần tuỳ tiện.

Tôi biết một tác giả có đến 3 bài đăng trong cùng một số báo, còn có khá nhiều người không viết được nhưng lại đi thuê, thậm chí có những bài báo quốc tế cũng đi thuê viết.

Nguy hiểm hơn, nghiên cứu sinh và thầy hướng dẫn có thể dễ dàng “tác động” vào quá trình xét duyệt đăng bài trên tạp chí trong nước, tạo kẽ hở cho việc ra đời các tiến sĩ rởm. Còn nếu nói đăng các bài báo nghiên cứu ở các tạp chí trong nước là để góp phần nâng cao chất lượng các tạp chí đó, tôi cho đó là ngụy biện”.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng viện Văn hóa dân gian ứng dụng. Ảnh: NVCC.

Nhiều ý kiến cho rằng tạp chí nước ngoài cũng có thể “can thiệp” được để nghiên cứu sinh đăng bài? Ông Sơn cho biết: “Tạp chí nước ngoài mà “can thiệp” được thì đó chỉ là những tạp chí lá cải, thậm chí họ còn có dịch vụ tổ chức các chuyến du lịch, hội thảo trá hình để từ đó giúp nghiên cứu sinh đăng được bài báo quốc tế trên những loại tạp chí như vậy.

Còn những tạp chí quốc tế có uy tín, để mà đăng được một bài báo trên đó là thực sự khó khăn, đòi hỏi đề tài có chất lượng thật sự. Những tạp chí này họ không “quen biết” ai, không ai can thiệp được, họ có nhưng người phản biện uy tín và nghiên cứu sinh cũng không được biết. Như vậy những bài báo đó mới thật sự chất lượng.

Một nhà nghiên cứu khoa học về lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, thì ông ta phải có những đề tài nghiên cứu thế nào, sách chuyên khảo ra làm sao, có bao nhiêu bài báo quốc tế, bài trong nước? Ngoài ba vấn đề đó, các nghiên cứu của ông có tác dụng gì cho khoa học, xã hội? Đây là vấn đề thiết thực, là gốc, còn đề tài “luyên thuyên” thì không có tác dụng, mà hiện tượng này hiện nay khá phổ biến”.

Học Tiến sĩ với mục đích làm “quan”?

Ông Sơn nêu quan điểm: “Làm quản lý và làm khoa học khác nhau, đừng lấy danh tiến sĩ khoa học để làm quản lý, lấy danh tiến sĩ với mục đích làm “quan”.

Tôi thấy rất phổ biến hiện nay có việc một số cán bộ đang là lãnh đạo, lại đi “làm thêm” tiến sĩ là không chuẩn, bởi những vị này lấy đâu ra thời gian? Bản thân tôi đã làm tiến sĩ nên tôi quá hiểu, bởi thời gian vài năm trời chỉ có nghiên cứu, vậy nên những vị lãnh đạo kia “đóng cửa” công việc suốt mấy năm liền để làm tiến sĩ hay sao? Tôi cho đó là sai.

Việc làm tiến sĩ mất rất nhiều thời gian, từ học lý thuyết, cập nhật thêm kiến thức, rồi nghiên cứu… vậy mà vị lãnh đạo đó vừa giải quyết công việc chuyên môn, lại vừa làm tiến sĩ. Đó là nói dối”.

Có giáo sư hướng dẫn hàng chục nghiên cứu sinh cùng một lúc, chưa kể có tiến sĩ về kinh tế lại đi hướng dẫn nghiên cứu sinh về Lịch sử, về vấn đề này, ông Sơn nếu quan điểm: “Đó là sai, bản thân tôi cũng đã hướng dẫn nghiên cứu sinh, đã là hướng dẫn phải hiểu sâu về vấn đề đó, phải am hiểu tường tận thì mới có thể góp ý.

Nguyên tắc, mình hướng dẫn thì không được phép làm hộ cho nghiên cứu sinh, mà chỉ hướng dẫn cách làm. Vậy mà hướng dẫn lại không có chuyên ngành thì hướng dẫn cái gì? Đây là kiểu cái gì cũng biết nhưng không vấn đề nào sâu.

Hơn nữa, hàng chục luận án tiến sĩ cùng một lúc thì người hướng dẫn làm sao có đủ thời gian, 1 đến 2, thậm chí hướng dẫn đến 3 học trò cùng một lúc đã là quá nhiều. Muốn hướng dẫn một luận án thường phải đọc rất nhiều tài liệu, tự học chuyên sâu, học hơn cả học trò thì mới hướng dẫn được”.

Nếu quy chế mới quy định chuẩn đầu ra thấp, sau 10 hay 15 năm tới, khi những lứa tiến sĩ này tốt nghiệp, liệu chất lượng tiến sĩ của chúng ta sẽ thế nào?. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Ông Sơn nhấn mạnh: “Tôi thấy việc Bộ ra quy chế mới là “hạ cấp”, có ý kiến cho rằng do “sơ xuất”, nhưng theo tôi đây là hợp thức hóa tiến sĩ hạ cấp, là lợi ích nhóm. Có thể nói nếu như quy chế này thì đã cung cấp công cụ pháp lý để cho các nhóm lợi dụng, sử dụng danh tiến sĩ để làm “quan”.

Điều nữa, phải siết chặt việc học tiến sĩ bởi không ít cán bộ, công chức hiện nay đua nhau đi học tiến sĩ, nếu những vị đó chuyển sang nghiên cứu khoa học thì hãy thôi làm lãnh đạo. Còn làm giám đốc sở, quản lý nhà nước thì cần phải đi học quản lý hành chính công, chứ không phải cố “gắn mác” tiến sĩ ngành chung chung.

Theo tôi, nếu không cải tiến hơn thì cũng nên kế thừa những điểm tiến bộ về chuẩn đầu ra theo quy chế năm 2017, nghiên cứu sinh phải công bố tối thiểu hai bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó một bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục tạp chí ISI/Scopus, hoặc công bố tối thiểu hai báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện, hoặc hai bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.

Yêu cầu luận án tiến sĩ có công bố quốc tế là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để có tiến sĩ thật. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giữ yêu cầu công bố quốc tế trong khoa học xã hội và nhân văn, bởi quy định này không cao so với khu vực.

Ngành Khoa học xã hội nhân văn và tất cả ngành khác hoàn toàn có thể đáp ứng được bởi yêu cầu về chuẩn ngoại ngữ với tiến sĩ theo khung bậc 8 trình độ năng lực quốc gia là rất cao, như tiếng Anh phải là B2, bậc 4/6. Có thể nâng chuẩn với một số ngành Khoa học tự nhiên, Công nghệ.

Nhưng ở quy chế mới là chuẩn đầu ra về chuyên môn, ngoại ngữ và hội nhập quốc tế đều thấp hơn. Chính vì vậy, việc cần phải sửa đổi quy chế mới vừa ban hành là thực sự góp phần nâng cao chất lượng khoa học công nghệ, chất lượng đội ngũ trí thức Việt Nam. Đây là điều mấu chốt.

Nếu quy chế mới quy định chuẩn đầu ra thấp, sau 10 hay 15 năm tới, khi những lứa tiến sĩ này tốt nghiệp, liệu chất lượng tiến sĩ của chúng ta sẽ thế nào? Điều này có thể gây ra hệ lụy cho chất lượng đào tạo đại học và sau đại học của Việt Nam”.

Tùng Dương

KHÔNG NÊN 'HẠ CHUẨN' TIẾN SĨ VỚI HIỆN TRẠNG Ở VIỆT NAM

PGS PHAN THỊ HÀ DƯƠNG/ VNN 21-7-2021

"Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ" cần đặt trong hiện trạng của nền giáo dục và nhu cầu sử dụng tiến sĩ của xã hội ta hiện nay. 

Chúng ta không nên áp mô hình của một nước tiên tiến hay một mô hình mà ta dự định xây dựng trong tương lai xa vào cho hiện tại.


PGS Phan Thị Hà Dương: Không nên ‘hạ chuẩn’ tiến sĩ với hiện trạng ở Việt Nam
PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương tại Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2021. Ảnh: NAG Nguyễn Á

Quy chế về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ GD-ĐT mới ban hành (và dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/8/2021) đã gây xôn xao trong giới khoa học, trong đó có nhiều ý kiến phản biện về việc ‘hạ chuẩn’ đầu ra của tiến sĩ.

Đặc biệt, ngày 15/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có công văn đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu các ý kiến góp ý, có hình thức phù hợp để trao đổi ý kiến thật sự khoa học và tiếp thu các ý kiến xác đáng ‘nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ’.

Tôi có một số ý kiến đóng góp về tiêu chuẩn đầu ra của việc đào tạo tiến sĩ như sau:

Cần đi thẳng vào hiện trạng giáo dục

Như chúng ta biết, Thông tư có nội dung và mục đích nhằm hướng dẫn, giải thích chi tiết, cụ thể những quy định chung trong các văn bản pháp luật, có hiệu lực 45 ngày sau khi ban hành; và thời gian hiệu lực của Thông tư có thể chỉ 4 năm (như trường hợp ta đang bàn là Thông tư 08/2017 sẽ bị thay thế bằng Thông tư 18/2021 này).

Do đó, Quy chế theo Thông tư 18 sẽ được áp dụng ở ngay hiện tại và trong tương lai gần, chứ không phải ở một tương lai xa, khi ta giả thiết đã có những điều chúng ta muốn xây dựng. Vì vậy, chúng ta nên phân tích việc áp dụng Quy chế trong hiện trạng giáo dục và xã hội ta hiện nay.

So với các nước tiên tiến được không?

Khác với Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ cũ (Quy chế 2017), Quy chế mới (Quy chế 2021) không yêu cầu luận án tiến sĩ phải có công bố quốc tế.

Có ý kiến cho rằng ở các nước tiên tiến, ví dụ như ở Pháp, không có yêu cầu công bố với tiến sĩ. Theo tôi, ta cũng nên xét một cách tổng thể. Trước hết, ở Pháp thầy hướng dẫn luận án tiến sĩ phải có bằng Tiến sĩ khoa học (Habilitation – bằng cấp cao nhất trong khoa học, kết quả của một quá trình tối thiểu 3 năm nghiên cứu cao cấp hơn sau bằng tiến sĩ) – đảm bảo vấn đề từ gốc là thầy hướng dẫn đã có kinh nghiệm và thành tích nghiên cứu. Trong khi đó, Quy chế mới của ta đã ‘hạ chuẩn’ so với Quy chế cũ khi không yêu cầu thầy hướng dẫn phải có công bố quốc tế. Ngoài ra, luận án ở Pháp được hai phản biện đánh giá với các tiêu chí cao - hầu hết các kết quả nghiên cứu trong luận án đã được gửi đi và sớm được công bố trên các tạp chí hay hội thảo khoa học uy tín.

Việc đánh giá luận án tiến sĩ ở Pháp hay nhiều nước tiên tiến là do cộng đồng khoa học đánh giá và đáng tin tưởng vì đó đã là một cộng đồng khoa học phát triển. Cộng đồng khoa học của chúng ta đã đủ phát triển chưa khi mà trong tấm bằng tiến sĩ của Pháp ghi đầy đủ tên các thành viên Hội đồng với quan trọng nhất là hai phản biện; còn ở ta, để tránh tiêu cực, tên của hai phản biện độc lập mãi mãi là bí ẩn với mọi người?

Đề xuất công khai tên của phản biện độc lập là rất hợp lý; nhưng chừng nào trong Quy chế chưa quy định những điểm mới như vậy, thì chúng ta vẫn phải xây dựng các điều khoản dựa trên các quy định cũ.

Có một số ý kiến cho rằng với Quy chế này, chúng ta vẫn có thể đạt được chuẩn mực cao bằng cách nâng cao chất lượng các tạp chí trong nước, giới hạn danh sách các tạp chí được Hội đồng Giáo sư công nhận. Tuy nhiên, đó là một câu chuyện dài, của tương lai xa, chứ chưa thể áp dụng ngay vào trong Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/8 này.

Chính vì cộng đồng khoa học của chúng ta chưa đủ phát triển như vậy nên để có thể tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, chúng ta cần chấp nhận một số chế tài quy định các điều kiện hội nhập quốc tế. Do đó, để có thể nâng cao chất lượng, chúng ta chưa thể 'hạ chuẩn' đầu ra.

Một trong những băn khoăn của nhiều người là có thể có những ngành/chuyên ngành mà khó để công bố quốc tế thì ý kiến “đối với những ngành đặc thù thì có quy định cho phù hợp, bảo đảm chất lượng”, có lẽ là thỏa đáng.

Có thực sự tự chủ tích cực?

Với các quy chế trước đây, từng cơ sở đào tạo vẫn có thể giữ nguyên chuẩn đầu ra hoặc nâng cao lên (như Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam). Vậy thì vấn đề tự chủ về công nhận trình độ tiến sĩ sẽ tạo điều kiện để những cơ sở đào tạo chưa đạt được chuẩn đầu ra như trước đây sẽ có chuẩn đầu ra thấp hơn?. Liệu chúng ta có thể tin rằng ở các cơ sở đạo tạo đó, các bằng tiến sĩ sẽ tiếp cận được chuẩn mực quốc tế? Và liệu chúng ta có thể chắc rằng xã hội sẽ phân biệt được bằng tiến sĩ của trường nào có giá trị hơn trường nào và chính thị trường sẽ đào thải các bằng tiến sĩ kém chất lượng?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy xem xét thực tế bằng tiến sĩ ở Việt Nam được sử dụng như thế nào? Tôi rất chia sẻ với ý kiến của GS Ngô Việt Trung rằng: Các cơ quan nhà nước hay các cơ sở đào tạo (công hay tư) là những nơi chủ yếu sử dụng bằng tiến sĩ như một yếu tố để nâng cao vị trí công tác; trong đó có nhiều nơi chỉ quan tâm đến tấm bằng chứ không sử dụng trình độ nghiên cứu của tiến sĩ. Vì vậy, có thể nhiều người sẽ tìm đến những nơi đào tạo tiến sĩ dễ dãi để có tấm bằng; và xã hội chưa đủ phát triển để phân biệt và đào thải những bằng tiến sĩ kém chất lượng.

Tóm lại, theo tôi, Quy chế này cần đặt trong hiện trạng của nền giáo dục và nhu cầu sử dụng tiến sĩ của xã hội ta hiện nay. Chúng ta không thể áp mô hình của một nước tiên tiến hay một mô hình mà ta dự định xây dựng trong tương lai xa vào cho hiện tại.

Chúng ta ghi nhận là Quy chế mới đã có một số thay đổi tích cực như: Các cơ sở đào tạo có thể công nhận kết quả học tập lẫn nhau, yêu cầu nghiên cứu sinh sinh hoạt khoa học thường xuyên ở cơ sở đào tạo, có thể tiến tới việc tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo cấp kinh phí cho nghiên cứu sinh. Nhưng điều đó không mâu thuẫn với việc giữ một chuẩn đầu ra tiếp cận với trình độ quốc tế.

Tôi rất mong rằng tới đây Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh Quy chế này để có thể phát huy những mặt tích cực của Quy chế, nhưng không 'hạ chuẩn' đầu ra, nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ.

PGS. Phan Thị Hà Dương

Phó Giám đốc Trung tâm quốc tế đào tạo và nghiên cứu Toán học (Unesco) - Viện Toán học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét