Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

20210719. CHUẨN BỊ KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHÓA XV

 ĐIỂM BÁO MẠNG

RÚT NGẮN CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHÓA XV

BÁO CP/ GDVN 17-7-2021

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ được khai mạc ngày 20/7, bế mạc vào ngày 31/7, rút ngắn 5 ngày làm việc so với dự kiến, đồng thời làm việc không nghỉ ngày thứ 7.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Sáng nay (17/7), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã đồng chủ trì cuộc họp giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ nhằm thống nhất nội dung kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV.

Tại cuộc họp, các đại biểu nghe Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo một số nội dung liên quan đến chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Đồng thời nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn báo cáo bổ sung một số nội dung liên quan đến chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Các đại biểu Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ tiến hành thảo luận, thống nhất các nội dung thuộc chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ thể hiện sự thống nhất cao về nội dung, cách thức tổ chức kỳ họp thứ nhất cũng như các báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia… và hiện không còn vướng mắc. Đồng thời, khẳng định Chính phủ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý từ Đảng đoàn Quốc hội trên tinh thần cầu thị và lắng nghe.

Với sự chuẩn bị chu đáo của các cấp, các ngành, đặc biệt là các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội XV sẽ tiếp nối và thể hiện cao nhất khí thế từ thành công rất tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, để thực hiện nhất quán quan điểm: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian qua, đất nước vẫn đạt được nhiều thành tích, kết quả quan trọng về công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền, hệ thống chính trị; giữ vững được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; thực hiện sâu rộng, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là các hoạt động ngoại giao vaccine; tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tương thân tương ái trong hoạn nạn, dịch bệnh được phát huy cao độ. Những nội dung này sẽ được thể hiện rõ trong các báo cáo trình Quốc hội trong kỳ họp thứ nhất tới đây.

Đề cập đến công tác nhân sự, Thủ tướng khẳng định, công tác này được tiến hành hết sức chặt chẽ, được lòng dân và cần được thể hiện nhất quán tại kỳ họp, không để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá.

Liên quan đến chương trình họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Ban Cán sự Đảng Chính phủ nhất trí cao với Đảng đoàn Quốc hội về chương trình họp và trong điều kiện “vừa chiến đấu với dịch bệnh, vừa bảo đảm sản xuất” và “chống dịch như chống giặc”, việc rút ngắn thời gian kỳ họp là hợp lý và đã được tính toán kỹ để kỳ họp được tổ chức thực sự an toàn, ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo dân chủ, đúng Hiến pháp, pháp luật, phát huy cao nhất trí tuệ của các đại biểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, Chính phủ đã xây dựng các phương án rất kỹ lưỡng để bảo đảm an ninh, an toàn cũng như bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh cho Kỳ họp quan trọng này của Quốc hội, trên tinh thần, mức độ phương án như bảo đảm an toàn cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử vừa qua.

“Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan thuộc Chính phủ, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra thành công tốt đẹp”, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh:VGP/Nguyễn Hoàng

Phát biểu Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là cuộc họp theo thông lệ giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ trước mỗi Kỳ họp của Quốc hội để rà soát các vấn đề tổ chức Kỳ họp, thống nhất chương trình, nội dung và cách thức tổ chức Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Đến nay, công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Chính phủ, các bộ ngành và các cơ quan tư pháp được chuẩn bị chu đáo, công phu, kỹ lưỡng để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất.

Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng đoàn Quốc hội đã làm việc với các cơ quan liên quan, báo cáo Bộ Chính trị và sẽ họp tập trung tại phòng họp Diên Hồng.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc ngày 20/7, bế mạc vào ngày 31/7, rút ngắn 5 ngày làm việc so với dự kiến, đồng thời làm việc không nghỉ ngày thứ 7.

Điều này nhằm tiết kiệm thời gian song vẫn đảm bảo các nội dung chương trình đề ra gồm công tác nhân sự và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới. Bộ Chính trị đã đồng ý phương án họp tập trung tại nhà Quốc hội.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng cho hay, Bộ Y tế cũng vừa có văn bản trả lời Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch tại Kỳ họp thứ nhất.

Cụ thể, các Đại biểu Quốc hội đến từ địa phương có dịch sẽ được đưa đón riêng, ở nhà khách riêng và ngồi họp riêng một khu vực trong phòng họp Diên Hồng. Có phương án bố trí phương tiện tối tân như máy phát hiện COVID-19 qua hơi thở tại Nhà Quốc hội. Đại diện cơ quan của Bộ Y tế và Văn phòng Quốc hội sẽ thường trực tại Nhà Quốc hội để xử lý các vấn đề phát sinh nếu có nhằm bảo đảm an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh cho kỳ họp.

Tại Hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Văn phòng Quốc hội đã và đang thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID – 19 cho các đại biểu Quốc hội, cán bộ tham gia phục vụ Kỳ họp và phóng viên, báo chí tham gia tuyên truyền về Kỳ họp. Tính đến 16h ngày 16/7/2021 đã có 435/499 đại biểu Quốc hội được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Đối với 64 trường hợp ĐBQH còn lại, Văn phòng Quốc hội đang tiếp tục rà soát, xác minh để tiến hành tổ chức tiêm ngừa vaccine, bảo đảm an toàn cho các Đại biểu./.

Theo Baochinhphu.vn
THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT XÁC NHẬN TƯ CÁCH ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VỚI 499 NGƯỜI
BÁO CP/ GDVN 12-7-2021

Sáng 12/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã tiến hành phiên họp thứ 8, phiên họp toàn thể cuối cùng để rà soát các công việc còn lại và biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV đối với 499 người trúng cử.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Gần 70 triệu cử tri đi bỏ phiếu

Ngày 10/6 vừa qua, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã công bố danh sách chính thức 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, hôm nay (12/7) là thời hạn cuối cùng xem xét khiếu nại tố cáo liên quan đến bầu cử và xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội.

Với gần 70 triệu cử tri đi bỏ phiếu, vượt lên những khó khăn chưa từng có do tác động của đại dịch COVID-19, cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay đã thành công rất tốt đẹp. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây chính là nhân tố quan trọng, quyết định đến thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 dưới sự lãnh đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự chỉ đạo rất trách nhiệm, bài bản, cẩn trọng, chu đáo từ Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban bầu cử các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Đến thời điểm này, các địa phương đều đã tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, hoàn thành việc kiện toàn nhân sự lãnh đạo chủ chốt của chính quyền địa phương. Chủ tịch Quốc hội cũng đã ký phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV tới đây, chúng ta sẽ kiện toàn nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, đồng thời kiện toàn nhân sự cấp cao (theo giới thiệu của Trung ương là 50 nhân sự) để hoàn tất toàn bộ công tác nhân sự từ Trung ương đến địa phương.

Các Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại tố cáo dưới sự chủ trì trực tiếp của các Trưởng Tiểu ban tiếp tục rà soát, hoàn thiện các tài liệu, tờ trình, bảo đảm chặt chẽ theo quy định của pháp luật; rà soát để hoàn tất toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác bầu cử; trình Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia ký ban hành Nghị quyết xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV đối với người trúng cử; tiến hành các thủ tục cấp thẻ đại biểu Quốc hội; báo cáo Quốc hội về kết quả bầu cử tại kỳ họp thứ nhất dự kiến khai mạc vào ngày 20/7 tới; Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác khen thưởng về bầu cử.

Về tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bầu cử, Chủ tịch Quốc hội đồng ý với đề xuất của Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, tổ chức chu đáo, chất lượng nhưng tinh giản, gọn nhẹ, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội giao Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia rà soát số lượng hợp lý các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung tại điểm cầu Nhà Quốc hội; tại địa phương, tuỳ theo điều kiện thực tế, rút gọn số lượng tham dự và có thể nối điểm cầu trực tiếp xuống các huyện.

Thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia họp phiên thứ 8.

Tỉ lệ đại biểu Quốc hội dự kiến hoạt động chuyên trách chưa đạt 40%

Tại Phiên họp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã nghe báo cáo cập nhật một số nội dung về cuộc bầu cử kể từ sau Phiên họp thứ 7 của Hội đồng Bầu cử Quốc gia đến nay; xem xét báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; xem xét xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV đối với 499 người trúng cử…

Trên cơ sở đó, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV đối với 499 người có tên trong danh sách chính thức người trúng cử được công bố hôm 10/6.

Theo đó, Quốc hội khóa XV có 194 đại biểu do các cơ quan, tổ chức Trung ương giới thiệu; 301 đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu; 4 đại biểu tự ứng cử; số đại biểu dự kiến hoạt động chuyên trách tại Trung ương là 126 người, số đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương là 67 người.

Về cơ cấu kết hợp, đại biểu là phụ nữ có 151 người, đạt tỉ lệ 30,26%; đại biểu là người dân tộc thiểu số có 89 người, đạt tỉ lệ 17,84%; đại biểu trẻ dưới 40 tuổi có 47 người, đạt tỉ lệ 9,42%; đại biểu là người ngoài Đảng có 14 người, đạt tỉ lệ 2,81%; đại biểu Khóa XIV tái cử hoặc đã từng là đại biểu Quốc hội các khóa trước có 203 người, đạt tỉ lệ 40,68%; đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội có 296 người, đạt tỉ lệ 59,32%.

Về trình độ chuyên môn: trên đại học có 392 người, đạt tỉ lệ 78,55%, trong đó, tiến sĩ có 144 người, thạc sĩ có 248 người, đại học có 106 người; dưới đại học có 1 người. Học hàm Giáo sư có 12 người, Phó Giáo sư có 20 người.

Với kết quả nêu trên, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội Khóa XV đã giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỉ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Tuy tỉ lệ đại biểu Quốc hội dự kiến hoạt động chuyên trách chưa đạt 40% so với quy định nhưng lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỉ lệ đại biểu Quốc hội dự kiến hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6% tổng số đại biểu Quốc hội.

Các cơ cấu kết hợp như tỉ lệ nữ đại biểu, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu đề ra.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong 15 nhiệm kỳ Quốc hội, tỉ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số đạt 17,84%, cao nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên, nước ta có thêm đại diện của 2 dân tộc thiểu số rất ít người (dân tộc Lự và Brâu) trong Quốc hội.

Số lượng đại biểu Quốc hội là phụ nữ cũng lớn nhất từ trước đến nay với 151 đại biểu, đạt 30,2%, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội.

Theo Baochinhphu.vn
QUỐC HỘI CHỈ NÊN HỌP 3 NGÀY
HUY ĐỨC/ TD 15-7-2021

Thật là phi chính trị khi cả nước đang căng mình chống dịch mà Quốc hội (QH) – với nhiều đại biểu đang là lãnh đạo chủ chốt ở địa phương – lại cứ ngồi trong Hội trường Ba Đình hàng tuần.

Về mặt lý thuyết, Việt Nam đã có một nền cộng hòa đại nghị. Việc ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, như nhiều nền cộng hòa khác, Đảng CSVN cho thay đổi các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Chúng ta sẽ thấy việc thay đổi này là hoàn toàn bình thường nếu “cộng hòa đại nghị” vận hành trong một nền chính trị đa đảng chứ không chỉ vận hành đơn thuần “về lý thuyết”.

Nửa đầu tháng 4-2021, Quốc hội khóa XIV đã thay thế những người không còn tham gia BCT hoặc BCH TW khóa mới, trừ 4 vị trí cơ cấu chưa phải là đại biểu QH theo Hiến định. Cho dù trên thực tế, những nhân sự mới này sẽ tiếp tục vận hành bộ máy nhà nước cho tới sau Đại hội tới của Đảng thì về mặt lý thuyết, họ vẫn là nhân sự của QH khóa XIV. Và, cũng về mặt lý thuyết, họ phải được QH khóa XV bầu hoặc phê chuẩn lại tại kỳ họp thứ nhất, nghe nói diễn ra vào cuối tháng này.

Cho dù QH khóa XV có gần 60% đại biểu mới (296/499) thì tuyệt đại đa số vẫn là đại biểu của Đảng. Đảng chưa có ý định thay thế các chức danh chủ chốt mà Hiến pháp quy định là do QH bầu (“Bộ Ba”, Chánh án TAND TC, Viện trưởng VKSND TC…); chỉ có 4 ủy viên UBTV QH được cơ cấu mới nhưng dạo tháng Tư chưa là đại biểu (thượng tướng Trần Quang Phương, trung tướng Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường và Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm).

Các chức danh QH phê chuẩn cũng ổn định, Chính phủ chỉ có 4 Phó thủ tướng, không bổ sung vào chỗ khuyết của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình.

Không còn thủ tục miễn nhiệm như hồi tháng Tư, và cũng không nên quá hình thức khi định thảo luận “số lượng PCT Quốc hội…” Hiến pháp chỉ quy định các chức danh phải do QH bầu hoặc phê chuẩn chứ không đòi QH phải dành thời gian thảo luận về những người mình sẽ bầu hoặc phê chuẩn ấy nhất là khi họ đều được sàng lọc qua các cấp đại hội của Đảng rồi.

Kỳ họp bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ mới thực chất và cần vai trò lớn hơn của QH. Các đại biểu chỉ nên lên hội trường để bỏ phiếu lần lượt các chức danh theo trình tự được ghi trong Hiến pháp. Các báo cáo thường niên cũng nên gửi văn bản trước hoặc sau cho đại biểu mang về đọc ở nhà. QH, vì thế, chỉ cần họp 3 đến 4 ngày là đủ.

Tập trung gần cả ngàn người (đại biểu và các cơ quan phục vụ…) trong một thời gian dài đã là trái với nguyên tắc chống dịch mà Hà Nội đang buộc người dân phải chấp hành. Trong khi nước sôi lửa bỏng, dân tình gặp nhiều khó khăn, nhiều địa phương đang phải căng mình chống dịch, mà QH vẫn “diễn đủ các màn” thì vừa càng thể hiện tính hình thức vừa, với dân, là vô cảm.

PS: Trong 499 người trúng cử QH khóa XV: 151 đại biểu là phụ nữ (30,26%); 89 đại biểu là người dân tộc thiểu số (17,84%); 47 đại biểu dưới 40 tuổi (9,42%); 14 đại biểu là người ngoài Đảng (2,8%); 203 đại biểu khóa XIV tái cử hoặc đã từng là ĐBQH các khóa trước (40,68%); 296 đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội (59,32%).

QUỐC HỘI CỦA AI CHỨ KHÔNG PHẢI CỦA TÔI
NGUYỄN THÔNG/ TD 17-7-2021

Thấy báo chí nói nhiều về kỳ họp thứ nhất quốc hội khóa mới sắp diễn ra. Ông chủ tịch, ông chủ nhiệm văn phòng, bà trưởng ban công tác… của quốc hội đều đăng đàn tuyên bố, giải thích này nọ, rằng tại sao phải bầu lại, tại sao phải tuyên thệ, chính phủ mới sẽ ra sao, có mấy phó thủ tướng, v.v..

Tinh những chuyện mọi người đã tỏ, không cần phải họp, không cần phải giải thích. Chẳng hạn ông Trương Hòa Bình đang là Phó Thủ tướng thường trực nhưng không còn ủy viên trung ương nữa thì đương nhiên sẽ “out”, có gì mà phải bàn. Thế mà cũng cứ làm như tinh giản bộ máy ghê gớm lắm (ngay chuyện để ổng làm thủ phó tới thời điểm này cũng lắm điều hay, như một kiểu an ủi…). Họp như thế chỉ phí thời gian, thà ở nhà (tỉnh, thành) mà chống dịch.

Quốc hội, ngoài nhiệm vụ chính làm luật, hãy đi vào thực chất. Tôi lấy ví dụ, ai cũng biết cái công trình đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là sự nhức nhối ê chề tốn kém diễn ra cả chục năm nay rồi. Nó không phải của riêng thủ đô, mà là vết nhơ của cả nước. Hai khóa quốc hội, họp mấy chục kỳ, không bao giờ bàn đến, cứ để nó “ngạo nghễ” thách thức.

Giờ hãy bàn cụ thể về nó, số phận nó, quyết đi, để hay phá, chạy hay không chạy, bao giờ chạy…, lại cứ ỡm ờ mãi, đẩy tới đẩy lui, đánh bùn sang ao, ném đá ao bèo, không đứa nào chịu trách nhiệm, chối bỏ xừ.

Tôi đề nghị, trước khi họp, xin các vị đừng làm lễ khai mạc khai miếc, đừng “trong không khí hân hoan phấn khởi” làm gì (đang dịch chết người, buồn thấy bà, tôi cấm tiệt các vị hân hoan phấn khởi), cứ tất cả 499 ông bà lục tục leo hết lên tàu Cát Linh – Hà Đông làm một vòng. Cho tứ trụ ngồi hàng đầu, ông Thể cầm lái. Không có cách nào chứng minh chất lượng công trình thuyết phục dân chúng bằng cách ấy. Đi xong, về lại hội trường Diên Hồng, tha hồ họp. Còn có về được hay không lại là chuyện khác, không bàn ở đây.

Cứ bàn toàn chuyện đẩu đâu, không ích nước lợi dân chi cả.

' ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI PHẢI THỂ HIỆN  TRÁCH NHIỆM VỚI 
NHÂN DÂN, ĐẤT NƯỚC'
CAO KIM ANH/ GDVN 18-7-2021
GDVN- Chúng ta mong chờ những người trúng cử vào vị trí Đại biểu Quốc hội, đặc biệt là những nhân sự mới sẽ thể hiện được phẩm hạnh, tài năng.

Chất lượng Đại biểu Quốc hội nâng cao

Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra thành công tốt đẹp cũng là lúc hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp bước vào giai đoạn mới, hứa hẹn sẽ có nhiều đổi mới.

Dự kiến kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV sẽ được diễn ra vào ngày 20/7, thảo luận, quyết định về công tác nhân sự và nội dung phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây cũng là kỳ họp đầu tiên nhiều Đại biểu Quốc hội mới tham gia, mang theo nhiều kỳ vọng nhân dân trao gửi.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII chia sẻ: "Trước thềm kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV, đã xảy ra nhiều sự vụ biến động mang tính chất tổn thất, thiệt hại cho đất nước về cả nhân sự và kinh tế. Một trong số đó có trường hợp cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam vi phạm những quy phạm pháp luật đã bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.

Trước đó, Hội đồng Bầu cử Quốc gia có nghị quyết không công nhận tư cách Đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Trần Văn Nam vì kết luận bước đầu cho thấy ông Nam có những dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Phải nói rằng, đây là một sự thật hết sức đau lòng. Khi mà ngay trong Đảng tồn tại một nhân sự sai phạm có tính hệ thống, bài bản, thời gian diễn ra sai phạm kéo dài trong hai nhiệm kỳ trước và đã suýt nữa trót lọt tại nhiệm kỳ này.

Điều đó đặt nhiều nghi vấn trong lòng nhân dân về công tác cán bộ, về quản lý nhà nước, về giám sát và thực thi quyền, nghĩa vụ của Đại biểu Quốc hội mà đất nước, nhân dân, cử tri giao phó".

Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII (Ảnh quochoi.vn)

Theo bà Bùi Thị An, những năm gần đây, dù công tác cán bộ bao gồm tuyển mộ, đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm, chú trọng nên phần lớn chất lượng cán bộ được nâng cao.

Chúng ta hoàn thiện công tác cán bộ bằng cách bổ sung, thay đổi về thể chế, chính sách, xuyên suốt những mục tiêu mang tính hệ thống từ trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, ngoài hệ thống, văn bản, sự thống nhất cao về mặt thể chế thì trên thực tế, vẫn có nhiều sự vụ, sự việc xảy ra, với những sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng, mang nhiều tổn thất cho đất nước, cho nhân dân.

Cũng chính vì vậy, với thực tế đang tồn tại, bà Bùi Thị An kỳ vọng rằng: “Sẽ không còn một trường hợp Đại biểu Quốc hội nào trong nhiệm kỳ mới này lặp lại những sai phạm như các vụ việc tiền nhiệm, như vụ việc cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.

Các đồng chí đã được người dân cân nhắc, lựa chọn, gửi gắm niềm tin thì các đồng chí cố gắng làm đúng lời hứa của mình đối với cử tri, đất nước trong quá trình vận động bầu cử của mình trước đó”.

Kinh nghiệm đã từng là Đại biểu Quốc hội uy tín với nhân dân, bà Bùi Thị An luôn quan niệm, đã là đại biểu dân cử, nhân dân đặt niềm tin, kỳ vọng thì luôn luôn có áp lực. Áp lực đó chính mà những mong mỏi thực hiện những điều tốt đẹp hơn cho đời sống nhân dân, cho lợi ích của đất nước.

Chính vì vậy, thẳng thắn, nhìn nhận, đối diện và giải quyết mọi khúc mắc, bất cập cho đời sống nhân dân, đó cũng chính là áp lực của các đại biểu.

Phó Giáo sư Bùi Thị An đã từng chia sẻ, trong quá trình là Đại biểu Quốc hội không ít lần bà gặp những gợi ý của trưởng ngành đề nghị phát biểu nhẹ nhàng hơn, thậm chí là xin không chất vấn.

“Khi chất vấn trên nghị trường cái đầu tiên chính là vấn đề, nội dung chất vấn, đối tượng chất vấn và thời điểm chất vấn cần phải đúng.

Áp lực chất vấn trên nghị trường chắc chắn là có, thậm chí rất căng thẳng. Có đồng chí bộ trưởng, tư lệnh ngành từng nói thẳng với tôi rằng đừng chất vấn họ. Tôi hiểu tâm tư và áp lực họ đang đối diện và rất chia sẻ, tuy nhiên tôi phải lựa chọn lợi ích của nhân dân, đất nước chứ không phải vì một sự nhờ vả, đề nghị nào đó. Hơn nữa, mình chất vấn để nhằm thúc đẩy giải quyết vấn đề chứ không nhằm vào phê phán cá nhân lãnh đạo ngành”, bà An cho hay.

Kế thừa thành tựu và phát triển đất nước trong thời kỳ mới

Là một trong những người thường xuyên có ý kiến đóng góp mạnh mẽ trong công tác cán bộ và phòng chống tham nhũng, lãng phí, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) cho biết: "Tôi tham gia công tác tại Quốc hội và đã làm Đại biểu Quốc hội hai khoá nên hiểu rất rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ cần phải làm khi được nhân dân tin tưởng, gửi gắm.

Khi phát biểu thì cần phải thẳng thắn, thấy những tồn tại gây hại cho đất nước, gây hại cho nhân dân thì phải dũng cảm lên tiếng".

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII). (Ảnh vietTimes)

Đại biểu Quốc hội là những người được nhân dân, cử tri gửi gắm, kỳ vọng, trực tiếp thảo luận và đưa ra những giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn, đưa đời sống nhân dân, đất nước ngày càng phát triển.

Ông Lê Như Tiến hy vọng những đại biểu quốc hội mới sẽ là những người rất cầu thị, chịu khó học hỏi, đem lại sức mạnh mới cho Quốc hội, cho nhân dân, cho đất nước.

“Chúng ta mong chờ những người trúng cử vào vị trí Đại biểu Quốc hội khoá mới sẽ thể hiện được năng lực phẩm chất, đạo đức và tài năng, đại diện cho nhân dân.

Nếu trở thành Đại biểu Quốc hội mà không đem lại một bầu không khí mới cho Quốc hội cũng không có những đường lối, giải pháp mới thực hiện được ý chí, nguyện vọng của người dân trong tình hình mới thì không đạt được mục tiêu đề ra”, ông Tiến nhận định.

Theo ông Lê Như Tiến, nói như vậy không có nghĩa đổi mới là bỏ đi những giá trị, kết quả của các Đại biểu Quốc hội các khóa trước, mà phải phát huy, kế thừa những thành tựu, thành quả, để phát huy tốt hơn trong khoá XV.

"Cuộc sống này giống như một dòng chảy không bao giờ ngừng chảy, ngưng tụ. Xã hội ngày càng phát triển đồng nghĩa với việc tư duy của những người bám sát vào đời sống nhân dân cũng phải thay đổi, phải được định hướng và không ngừng suy nghĩ để phát triển”, ông Tiến chia sẻ.

Với những nhân sự trẻ, nhân sự mới cùng với sự kết tinh của những nhân sự tái cử, nhân sự các khóa trước, ông Lê Như Tiến hy vọng rằng Đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục phát huy thành quả những nhiệm kỳ trước, đồng thời có những dấu ấn mới, sáng kiến mới theo kịp dòng chảy của xã hội, của đất nước và của thế giới.

“Đổi mới, phát triển và đưa đời sống của nhân dân, đất nước tiến lên mạnh mẽ có phần trách nhiệm của các Đại biểu Quốc hội trong chính nhiệm kỳ của mình trúng cử.

Đây không chỉ là kỳ vọng của một mình tôi, mà là nguyện vọng của tất cả cử tri, nhân dân và đất nước. Cử tri đã hoàn thành trách nhiệm bầu cử lựa chọn những người xứng đáng, vậy ở chiều ngược lại các đại biểu Quốc hội cũng phải thể hiện trách nhiệm trước nhân dân, đất nước. Như vậy mới xứng đáng với vai trò là Đại biểu Quốc hội khóa XV”, ông Lê Như Tiến bày tỏ.

Cao Kim Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét