Thứ Ba, 6 tháng 7, 2021

20210707. TRUNG TÂM CỦA SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI GIÁO DỤC ?

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TRUNG TÂM CỦA SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI GIÁO DỤC LÀ THÀY, 

TRÒ HAY ... TOA TẦU ?

DƯƠNG XUÂN THÀNH */ GDVN 3-7-2021

BÀI 1:

Thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện Giáo dục và Đào tạo là cả Hệ thống chính trị nhưng vai trò chính là Chính phủ, cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Những định hướng cơ bản của Giáo dục và Đào tạo Việt Nam có thể tìm thấy trong nhiều văn bản của Đảng, chẳng hạn Nghị quyết 29-NQ/TW, trong Hiến pháp và ba đạo luật dành riêng cho Giáo dục và Đào tạo là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Vấn đề còn lại là quyết sách mà Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.

Và điều này phụ thuộc vào tâm đức, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý của các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng cùng với đội ngũ giúp việc cho lãnh đạo Bộ, cụ thể là cấp cục, vụ và tương đương trong cơ quan Bộ.

Là cơ quan hành pháp, Chính phủ không được làm những điều luật pháp không cho phép đồng thời còn phải tuân theo chủ trương, đường lối của Đảng.

Dựa theo cách nói “Phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, mọi sáng tạo của Chính phủ tại bất kỳ thời điểm nào chỉ giới hạn trong phạm vi “chiếc lồng Luật pháp và Nghị quyết”.

(Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)

Mới đây, chuyên mục “Kết nối” báo Giaoducthoidai.vn đăng một bài báo dài ba kỳ với cái tít mang tính ẩn dụ: “Giáo dục Việt Nam - Nắng soi qua nóc”. [1], [2], [3]

Có một chi tiết khá thú vị, đó là lúc đầu bài viết được đăng với tiêu đề “Giáo dục Việt Nam - Nắng soi qua tóc”. Sau đó, theo đề nghị của tác giả, từ “nóc” được sửa thành “tóc” theo đúng nguyên bản.

“Nắng soi qua tóc” là chuyện bình thường xứ nhiệt đới, để đầu trần dưới trời nắng thế nào cũng bị nắng soi qua tóc chạm đến đỉnh đầu, về nhà nhẹ thì sổ mũi, nặng thì cảm nắng nhưng điều này không ăn nhập với giáo dục.

“Nắng soi qua nóc” lại là chuyện khác, đặc biệt khi đó là “nóc” của giáo dục Việt Nam.

“Nóc” thường liên quan đến nhà, nhiều trường hợp “nhà” là lâu đài, biệt thự, cũng có khi là cung điện, dinh nguyên thủ hoặc tháp ngà mà dân thường chỉ được phép đứng ngoài hàng rào chiêm ngưỡng.

Một khi nắng soi qua nóc xuống tận nền nhà thì có phải những cư dân sống ở đó không quan tâm đến mái nhà, để mặc cho thời gian bào mòn, gió mưa làm thủng?

Tác giả loạt bài “Giáo dục Việt Nam - Nắng soi qua nóc” thứ nhất là muốn gửi đôi lời tâm sự đến Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đúng vào dịp ông được đề cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây có thể là những lời “nghịch nhĩ” nhưng tuyệt không phải là “cầm đèn chạy trước Bộ trưởng”.

Thứ hai là hình như tác giả cố ý tránh không muốn nhắc đến chuyện “Nhà dột từ nóc” nên mới nói “Nắng soi qua nóc”, nếu nóc không có lỗ thủng thì làm gì có chuyện nắng soi qua. Vả lại khi nắng có thể soi thì chả nhẽ mưa không thể dột!

Thứ ba là có vẻ như tác giả vẫn rất ưu ái giáo dục nên mới để nắng soi qua nóc vào trong nhà, nắng chiếu xuống nền giúp nhà sáng sủa, làm nhà khô ráo, giúp gia chủ nhận biết chỗ ẩm mốc, chỗ mối mọt mà cứu chữa. Nếu nhà bị “dột từ nóc” mà lại để lâu ngày thì mọi thứ mục nát, chỉ còn cách vứt đi sắm đồ mới.

Cái tít bài tưởng bình thường hóa ra hàm chứa nhiều điều, thế nên mấy ông đồ già còn biết đùa với chữ nghĩa cũng là may mắn cho con cháu trong nhà.

Nóc nhà nào phía trên cũng là bầu trời, có thể có “nhà chọc trời” nhưng “nhà trên trời” họa chăng chỉ có trong các phim thần thoại. Thực ra thì bất kể nhà kiểu gì, chuyện nắng soi hay mưa dội vào nhà qua nóc có thể ít xảy ra nhưng lọt qua cửa sổ không phải là hiếm.

Nói “Giáo dục Việt Nam - Nắng soi qua nóc” mà không có dẫn chứng đủ sức thuyết phục thì đó là nói bừa, nói kiểu anh Chí làng Vũ Đại.

Ngôi nhà giáo dục giống một khu chung cư với đủ loại chủ hộ, vì thế cần phân biệt chủ thật của giáo dục với những hộ “ăn ké, ở nhờ”.

Bài viết này xin phác họa đôi điều về “ngôi nhà giáo dục” mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mới dọn vào được hơn hai tháng.

Thứ nhất, “nóc nhà” của Giáo dục Việt Nam là gì?

Thứ hai, vì sao “nóc nhà giáo dục” lại bị nắng soi qua”?

Thứ ba, muốn chống dột, muốn tránh nắng soi qua nóc, Giáo dục Việt Nam phải làm gì?

Về câu hỏi thứ nhất: “nóc nhà” của Giáo dục Việt Nam là gì?

Vị trí “nóc nhà giáo dục” đương nhiên thuộc về lãnh đạo cao nhất Bộ Giáo dục và Đào tạo và người viết trong không ít bài đăng đã cho rằng bất kỳ ai - theo sự phân công hay theo nguyện vọng - nhận trách nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đều là người dũng cảm.

Không ít ý kiến cho rằng đây là chiếc ghế Bộ trưởng khó ngồi nhất trong trong 22 chiếc ghế lãnh đạo cấp bộ và cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ.

Sự “khó ngồi” thể hiện ở bốn yếu tố: “quyền”, “lực”, “thế” và “hướng”.

Giáo dục gần như không có quyền:

Đây là nói về quyền quản lý, điều động, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật,… cán bộ trong ngành. Đại bộ phận cán bộ, giáo viên khối giáo dục phổ thông do chính quyền cấp tỉnh quản lý, khối đào tạo nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Phần lớn cơ sở giáo dục đại học do các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội và địa phương quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý một số trường sư phạm và đại học.

Theo số liệu tại công văn số 1279/BGDĐT-KHTC của Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trong số 132 cơ sở giáo dục đại học (tính đến ngày ban hành công văn), Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý 37 cơ sở, chiếm tỷ lệ 28,03%.

Số lượng cơ sở giáo dục đại học thuộc quyền “chủ quản” của một vài đơn vị, tổ chức không được Luật Giáo dục giao chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo như sau:

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - 12; Bộ Y tế - 11; Bộ Công thương - 8; Bộ Giao thông Vận Tải - 5; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - 4; Bộ Quốc phòng - 8; Bộ Công an - 8;…

Có 04 cơ sở giáo dục đại học trực thuộc bốn đơn vị kinh tế: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Một số tổ chức chính trị xã hội cũng có đại học của riêng mình như: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam 02 trường, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 01 học viện, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh 01 học viện,…

Vì không quản lý nhân sự và tài chính giáo dục phổ thông nên Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể xử lý cán bộ địa phương trong vụ gian lận điểm thi trung học phổ thông năm 2018 tại ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bởi những người này thuộc quyền quản lý của Đảng bộ và chính quyền cơ sở.

Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể xử lý một số lãnh đạo, cựu lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh khi những người này phạm luật hình sự về đấu thầu từ nguồn vốn ngân sách,…

Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể xử lý những cán bộ, giáo viên vi phạm trong kỳ thi tuyển viên chức giáo dục tại tỉnh Quảng Ngãi năm 2017.

Sau khi có sự tố cáo gian lận, trù úm từ người trong cuộc, tỉnh Quảng Ngãi là lập đoàn kiểm tra 10/14 hội đồng thi và phát hiện hàng loạt hội đồng thi có sai phạm từ khâu tổ chức thi đến việc chấm thi, đặc biệt là có chuyện Giám đốc sở Nội vụ nhờ chạy điểm cho hai người thân của mình.

Thông tin trên báo cho biết ngày 14/06/2021, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ Trần Hồng Thắm gửi đơn cho Bí thư Thành uỷ, Ban Tổ chức Thành uỷ và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ xin nghỉ việc. [4]

Tường thuật của Vietnamnet.vn cho thấy đơn xin thôi việc của bà Thắm không gửi tới lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong khi Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết “Có nhiều biểu hiện mất đoàn kết nội bộ tại Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ” thì Bộ Giáo dục và Đào tạo biết được những gì và đã có những chỉ đạo gì? [5]

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo không quản được nhân sự gần 80% cơ sở giáo dục đại học, không được xử lý Giám đốc sở mắc sai phạm, không nắm được nhân sự và nguồn lực giáo dục tại địa phương có phải là lỗ hổng lớn nhất trên “mái nhà giáo dục” khiến cho mọi thứ, cả nắng, mưa, bụi và rác đều có thể lọt vào trong nhà?

BÀI 2 :

Giáo dục không có lực:

Đánh giá Bộ Giáo dục và Đào tạo không có “lực” là dựa vào phát biểu của nguyên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:

“Hiện nay, 20% ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục chủ yếu phân bổ cho các địa phương cũng như các bộ ngành khác, phần ngân sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối trực tiếp quản lý thực chất chỉ chiếm khoảng 4,8% trong tổng số". [6]

Ông Phùng Xuân Nhạ đã trăn trở rất nhiều chuyện 20% ngân sách nhà nước dành cho Giáo dục và Đào tạo.

Sự trăn trở của ông Nhạ thể hiện qua Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia 2016-2020 với đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục ở Việt Nam 2011-2017”.

Mục đích của nghiên cứu mà ông Nhạ chỉ đạo thực hiện chỉ mới dừng ở việc trả lời câu hỏi “20% ngân sách chi cho giáo dục đã đi đâu?”. [6]

Thực ra “20% ngân sách chi cho giáo dục đã đi đâu?” là tít bài do báo Vietnamnet.vn đặt chứ không phải do nhóm nghiên cứu dưới sự chỉ đạo của nguyên Bộ trưởng Nhạ đề xuất.

Tuy nhiên bằng câu nói “Hiện nay, 20% ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục…” ông Phùng Xuân Nhạ đã mặc nhiên khẳng định ngân sách nhà nước dành cho ngành giáo dục là 20%.

Tất cả những người, cơ quan tán đồng quan điểm “ngân sách nhà nước dành cho ngành giáo dục là 20%” đều đã sai (nhưng không biết mình sai) cho đến khi đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 13/06/2020 đưa ra con số:

“Chi ngân sách nhà nước liên tục nhiều năm không đảm bảo chỉ tiêu dành cho Giáo dục và Đào tạo (20%) và Khoa học Công nghệ (2%). Chi giáo dục đào tạo và dạy nghề năm 2018 bằng 14,2% tổng chi ngân sách nhà nước, năm 2019 giảm xuống còn 14,03%, quyết toán chi giáo dục đào tạo và dạy nghề chỉ đạt 96,2% dự toán”. [7]

Phát biểu của đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ làm nảy sinh ba câu hỏi:

Thứ nhất, vì sao Nghị quyết 29-NQ/TW và Luật Giáo dục 2019 quy định ngân sách chi cho Giáo dục và Đào tạo ít nhất là 20% nhưng thực tế lại bị cắt tới gần 6%?

Thứ hai, tình trạng này diễn ra “liên tục nhiều năm” thực ra là bao nhiêu năm?

Thứ ba, đơn vị, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về việc làm trái Nghị quyết của Đảng và pháp luật của nhà nước, đã có hình thức xử lý gì với người, cơ quan vi phạm?

Liên tục nhiều năm bị cắt bớt kinh phí, phải chăng đây là nguyên nhân khiến ngành Giáo dục thiếu tiền sửa chữa trường lớp xuống cấp, thiếu kinh phí xây trường mới và nhất là tăng lương cho đội ngũ giáo viên?

Với thực trạng này Giáo dục và Đào tạo duy trì được sức lực để vận động đã là may mắn chứ chưa nói đến phát triển.

Bốn vị lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm các nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, Phạm Vũ Luận, Phùng Xuân Nhạ và đương kim Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đều có chung một suy nghĩ, rằng sẽ cố gắng để cải thiện đời sống của thày cô giáo, để nhà giáo sống được bằng lương,… nhưng đến năm 2021 này đó vẫn chỉ là lời nói.

Không thể trách các vị Bộ trưởng, bởi một khi không có quyền và lực thì giữ cho mái nhà không bị tốc khi mưa bão tại đã là cố gắng rồi. Lo cho nồi cơm của cả triệu nhà giáo quả là lực bất tòng tâm.

(Ảnh minh họa: theuktraining.co.uk)

Giáo dục không có thế:

“Thế” chỉ có thể tạo ra bởi “quyền” và “lực”.

Quyền thấp và lực mỏng đương nhiên sẽ tạo nên thế yếu.

Cùng với Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo được xem là quốc sách hàng đầu, thế nhưng vị thế của ngành giáo dục lại không khác mấy so với vị thế của tư lệnh ngành trong một số cuộc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội phê duyệt.

Người viết cho rằng chuyển bất kỳ vị Bộ trưởng nào (đang có phiếu tín nhiệm cao rất nhiều) sang làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì kết quả bỏ phiếu tín nhiệm sau đó tại Quốc hội cũng sẽ cho con số ngược lại.

Vì đã phân tích rất kỹ thế yếu của giáo dục trong loạt 04 bài “Giáo dục: “Quyền rơm, vạ đá” ” đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam từ tháng 02/2019 nên phần này xin không đề cập.

Giáo dục thay đổi định hướng theo nhiệm kỳ:

Cứ mỗi đợt cải cách hoặc đổi mới giáo dục, cứ mỗi nhiệm kỳ Bộ trưởng, giáo dục Việt Nam lại có một định hướng khác nhau.

Có vị cho rằng đổi mới giáo dục là một “trận đánh lớn”, lại có ý kiến ngược lại, rằng “giáo dục không phải là một trận đánh, giáo dục là con người”.

Hiện tại không ít người cổ xúy cho quan điểm lấy học sinh làm trung tâm, chẳng hạn một bài báo có tít: “Giáo dục và Đào tạo phải lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực”.

Tuy nhiên cố Giáo sư Hoàng Tụy, một nhà khoa học, nhà giáo nổi tiếng lại cho rằng:

“Vai trò quyết định đối với chất lượng giáo dục vẫn thuộc về các yếu tố có liên quan trực tiếp tới người thầy”.

Có một “định hướng” mô tả 22 triệu thày trò là hành khách trên “đoàn tàu đổi mới giáo dục” và đó là đoàn tàu chạy trên đường ray.

Phát biểu của vị nguyên Bộ trưởng cho rằng thày trò cùng ngồi trên toa tàu với vai trò như nhau là “Hành khách”, vậy thày là trung tâm, trò là trung tâm hay… toa tàu là trung tâm của sự nghiệp giáo dục?

Phải chăng chính vì Giáo dục Việt Nam không có hướng đi rõ ràng, không tìm thấy Triết lý giáo dục phù hợp với thời đại mới nhưng lại vội vã vứt bỏ triết lý giáo dục người xưa để lại nên Giáo dục mới trở nên yếu kém khiến chính người Việt phải ruồng bỏ.

Nhận định trên không phải của người viết mà là tít một bài báo: “Chi 3-4 tỉ USD đi du học, người Việt mất niềm tin giáo dục trong nước”. [8]

“Người Việt mất niềm tin giáo dục trong nước” không phải là nhận định vô căn cứ, nhưng cần phải làm rõ người Việt mất niềm tin vào nhà giáo, nhà trường hay chính sách?

Quản lý nhà nước về giáo dục là Bộ Giáo dục và Đào tạo thế nhưng hiếm có bộ nào ở Việt Nam bị chia tách, sáp nhập nhiều như Bộ Giáo dục.

Giai đoạn 1945-1954, Việt Nam có Bộ Quốc gia Giáo dục (sau này đổi thành Bộ Giáo dục). Tháng 10/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc tách một phần Bộ Giáo dục thành lập Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Năm 1990 Chính phủ quyết định thành lập Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở sáp nhập Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề.

Năm 1969 thành lập Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật trực thuộc Bộ Lao động.

Năm 1978 tách Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật khỏi Bộ Lao động và đổi tên là Tổng cục Dạy nghề trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ).

Giai đoạn 1987 - 1990 Tổng cục Dạy nghề sáp nhập vào Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Đến năm 1998 chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo nghề từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Năm 2014 Quốc hội ban hành Luật Giáo dục nghề nghiệp, quyết định chuyển giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Năm 2021, có ý kiến đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục, chuyển nhiệm vụ đào tạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiệm vụ dạy nghề từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Bộ Khoa học và Công nghệ.

Người Việt có câu: “Ba lần chuyển nhà bằng lần cháy nhà”, người Anh cũng có câu tương tự: “Three removals are as bad as a fire”.

Vậy giáo dục Việt Nam sau từng ấy lần chia tách, sáp nhập chuyền đi, chuyển lại liệu có nghiệm đúng như lời cổ nhân?

Đối với nhà giáo và nhà trường, thực tế cho thấy sự kính trọng, niềm tin gửi gắm nơi người thày và ngôi trường đã giảm sút nghiêm trọng, tuy nhiên lỗi của thày cô và nhà trường không tách khỏi những bất cập của cơ chế, chính sách.

BÀI 3:

Về câu hỏi thứ hai: Vì sao “nóc nhà giáo dục” lại bị nắng soi qua”?

Sống chung trong một ngôi nhà đòi hỏi các thành viên phải chung tay, chung sức, phải đoàn kết, tuân thủ nội quy và sự lãnh đạo của Trưởng nhà.

Ngôi nhà Giáo dục trên có Bộ trưởng, Thứ trưởng, dưới có các cục, vụ và tương đương.

Giữ gìn kỷ cương trong hoạt động giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ của Thanh tra Bộ. Thế nhưng mấy năm trước, chuyên mục Tuần Việt Nam báo điện tử Vietnamnet.vn trong bài: “Công nhận bằng tiến sĩ đào tạo chui?” đã thẳng thắn đề cập:

“Cần phải cho thanh tra chính cơ quan thanh tra của Bộ để đảm bảo các kết luận thanh tra thực sự công tâm, đúng pháp luật, để cán bộ, giáo viên, sinh viên và người dân có thể đặt niềm tin vào đội ngũ cán bộ thanh tra của Bộ”. [9]

Bài báo cho thấy sai phạm rõ ràng của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kết luận thanh tra liên quan đến tố cáo của cán bộ, giáo viên một đại học ngoài công lập về sự gian lận bằng cấp của lãnh đạo một trường đại học.

Sự việc đã khiến một vị Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải ra văn bản bãi bỏ kết luận thanh tra. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì những cán bộ thanh tra đưa ra kết luận sai trái lại vẫn “yên tâm công tác”.

Phải chăng lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó e ngại va chạm với Thanh tra hay Thanh tra Bộ “có võ” nên vụ việc chìm vào quên lãng?

Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Moet.gov.vn)

Gần đây khi lãnh đạo Bộ quyết định xem xét trách nhiệm của cơ quan Thanh tra trong vụ gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình thì lãnh đạo đơn vị này lập tức phản pháo ý kiến của lãnh đạo bộ một cách không kiêng nể.

Kết quả là cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ, một số thanh tra bình yên nhận sổ hưu, một số lãnh đạo chuyển công tác và vụ việc lại cũng như “chưa từng có cuộc… so găng”.

Năm 2014, Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Công văn số 659/BGDĐT-TCCB tới Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hướng dẫn giải quyết vướng mắc chế độ trợ cấp đối với nhà giáo theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg.

Không lâu sau, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) có Công văn số 282/KTrVB gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị hủy bỏ Công văn số 659/BGDĐT-TCCB bởi đây là văn bản có nội dung trái thẩm quyền, không đúng với quy định trong Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Mới đây, báo Đại Đoàn Kết, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có bài:

“Cấp dưới tự ý sửa văn bản của Thứ trưởng: Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng kỷ luật”.

Bài báo đề cập đến sự kiện lãnh đạo Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Bộ Giáo dục và Đào tạo tự ý sửa đổi, thêm bớt nội dung, làm sai lệch Kế hoạch số 26/KH-BGDĐT của lãnh đạo Bộ và Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định Bộ đã thành lập Hội đồng kỷ luật và sẽ xử lý nghiêm.

Với tên gọi “Vụ Giáo dục chính trị…” lẽ nào các vị Vụ trưởng, Vụ phó vụ này lại có thể hành xử thiếu “chính trị” đến như vậy!

Cuối năm 2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sau khi sách được đưa vào sử dụng đã xuất hiện vô số phê phán về nội dung, ngôn ngữ, thời lượng,… không chỉ một mà một số bộ sách và các tác giả đã phải đính chính.

Tại địa phương, hàng loạt Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng, Phó phòng các Sở Giáo dục và Đào tạo bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy tố trong các vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2018 tại ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Cùng với đó là các vụ án kinh tế như tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, Cần Thơ, Quảng Ninh, Gia Lai… , [10], [11], [12], [13] hoặc các vụ án liên quan đến hoạt động công vụ tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh. [14]

Chỉ với một phần nhỏ vụ việc nêu trên đã thấy xuất hiện tên một số đơn vị cục, vụ tại cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo và ít nhất tại trụ sở tám Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh khắp Bắc, Trung, Nam. Có thể khẳng định, nếu tìm tiếp chắc chắn sẽ còn thấy nhiều điều “thú vị” hơn nữa.

Liệu đây đã đủ bằng chứng kết luận:

Thứ nhất, với đội ngũ chuyên viên, cán bộ lãnh đạo cấp cục, vụ, sở như vậy, với đội ngũ tham mưu toàn tinh hoa như Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa vừa rồi, thật khó để các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao chứ chưa nói đến hoàn thành tốt hoặc xuất sắc;

Thứ hai, việc rút tên khỏi danh sách những người phải nhận số phiếu tín nhiệm thấp tại Quốc hội nhiệm kỳ này sẽ là vô cùng nan giải nếu không có sự đột phá ngay tại trụ sở trên phố Đại Cồ Việt.

Vấn đề khó nhất với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo không chỉ là năng lực công chức - về điều này người viết đã đề cập trong loạt bài: Đọc “Dự thảo” đoán “Chuyên viên” mà còn ở thái độ làm việc của họ.

Bộ trưởng, các Thứ trưởng không phải người giỏi chuyên môn tất cả các lĩnh vực được phân công phụ trách vì thế dù cố gắng đến mấy mà đội ngũ trợ lý, tham mưu không biết làm, không muốn làm hoặc thậm chí còn tìm cách phá đám thì khó mà thực hiện thành công Nghị quyết 29-NQ/TW cũng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về siết chặt kỷ luật, kỷ cương tại các đơn vị thuộc cơ quan Bộ.

BÀI 4:

Về câu hỏi thứ ba: Muốn chống dột, muốn tránh nắng soi qua nóc cần phải làm gì?

Có một câu nói được xem là chân lý ở mọi thời đại, mọi quốc gia, đó là: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”.

Muốn Giáo dục cả nước không bị “loạn” thì đầu não toàn ngành là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải “chính”. Muốn Bộ “chính” thì mọi thành viên trong bộ - từ Bộ trưởng xuống nhân viên - đều phải “chính”.

Mở rộng vấn đề, muốn Giáo dục không “loạn” thì những cơ cấu được xác định là “thượng” của giáo dục đều phải “chính”, chẳng hạn phải trả lời bằng được câu hỏi vì sao ngân sách chi cho giáo dục mấy năm gần đây chỉ quanh quẩn 14%?

Về những vấn đề cụ thể, xin nêu vài ý kiến:

Thứ nhất, hãy trả lại cho giáo dục nhiệm vụ đích thực của nó.

Lâu nay giáo dục có nhiệm vụ quảng bá sự ưu việt bằng cách tạo ra con số tốt nghiệp trung học phổ thông trên 95%, bằng những tấm huy chương mang về qua các kỳ thi quốc tế với học sinh trung học phổ thông, bằng tỷ lệ mù chữ chỉ vài ba phần trăm,…

Nhưng đó không thể và không phải là nhiệm vụ đích thực của giáo dục.

Nhiệm vụ đích thực của giáo dục là đào tạo ra những thế hệ người Việt “Có văn hóa” và “Có kỹ năng”.

Một nền giáo dục thực chất "học thật, thi thật, nhân tài thật" mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn theo đuổi cũng là mong mỏi của rất nhiều người quan tâm đến giáo dục, đào tạo. Ảnh: moet.gov.vn.

“Có văn hóa” để chặn đứng sự xuống cấp đạo đức xã hội, để ngăn chặn tiến tới tiêu diệt sự suy đồi nhân cách không chỉ của hàng loạt quan chức trong nhiều bộ, ngành, địa phương mà còn của một bộ phận dân cư tham lam, thiếu hiểu biết chứ không riêng trong giáo dục.

Có văn hóa để tạo nên bản sắc, để người Việt không lẫn với người Hán, người Nhật, người Hàn,…

Có văn hóa để những người thày đĩnh đạc trước mặt học trò và những kẻ lắm tiền nhưng ít học, để nhà giáo trở thành tấm gương khiến cho con trẻ phải nể phục (chứ không phải sợ hãi), để nhà trường không thành nơi trẻ con lột đồ đánh bạn hay đặt máy quay trộm cô giáo trong phòng vệ sinh…

Có văn hóa để hàng loạt gương mặt được phong nghệ sĩ “ưu tú”, nghệ sĩ “nhân dân”, được gán mác “danh hài, danh ca” không phải là những con sâu trong “bầy sâu” làm xấu hổ nước Việt và dân tộc Việt.

Mất văn hóa là mất nước, mất nước thì dân tộc sớm muộn sẽ bị đồng hóa.

Có kỹ năng là để người Việt hòa nhập được với nhân loại, không bị lạc hậu trước những tiến bộ vũ bão của khoa học, công nghệ.

Có kỹ năng mới có thể sống tốt trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi thế giới đối mặt với biến đổi khí hậu, với tình trạng thời tiết ngày càng cực đoan.

Có kỹ năng là hành trang cần thiết để người Việt cùng với nhân loại chuẩn bị ngày phải rời xa hành tinh xanh, bước vào cuộc phiêu lưu tìm nơi định cư khi mặt trời lụi tàn.

Khi người Nga, người Mỹ, người Trung Quốc đang xây những ngôi nhà đầu tiên trên các trạm quỹ đạo, đang chuẩn bị những cơ sở trên Mặt Trăng, sao Hỏa thì chúng ta vẫn dành mọi ánh mắt về phía biển cả. Không muốn hay không dám nhìn lên bầu trời, phải chăng tầm của người Việt chỉ có thế?

Có kỹ năng mới có thể truyền dạy lại cho con cháu khả năng bảo vệ và xây dựng tổ quốc mà thế hệ hôm nay kế thừa từ nỏ thần Cổ Loa, từ chiến tích Bạch Đằng, Chi Lăng,…

Chừng nào còn xem giáo dục như bức tranh tường che đậy lớp vôi vữa phía sau, như là một thể hiện (Instance) của quyền năng thì chừng đó giáo dục vẫn không phải là giáo dục.

Thứ hai, với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo

Người viết rất mong “các Sếp” đủ tỉnh táo để xác định làm Bộ trưởng, Thứ trưởng chỉ là công việc thời vụ, làm thày mới là công việc suốt đời.

Cày ải, gieo hạt, tát nước, bón phân,… làm tốt một vụ rồi về cầm phấn, để lại thửa ruộng màu mỡ cho người kế tiếp chẳng phải là để phúc lại cho chính con cháu, dòng tộc nhà mình sao.

Ở các nước phương Tây, hết làm Tổng thống thì về nhà viết sách, làm cho công ty hoặc diễn thuyết kiếm tiền, chẳng có ai sợ không làm sếp thì thất nghiệp và hình như cũng không ai nghĩ càng làm sếp lớn thì càng thu được nhiều phong bì.

Tuy nhiên, dù có là nhân công “lao động thời vụ” thì chức danh Bộ, Thứ trưởng cũng không phải là người lao động cơ bắp thế nên muốn “kẻ dưới” kính trọng, nghe lời thì phải “giỏi” hơn họ (nhưng không nhất thiết phải làm như họ).

Nói cụ thể là muốn trị những kẻ có thói bòn rút ngân sách, những kẻ chỉ nhăm nhe nâng khống giá thiết bị hoặc dọa nạt người khác kiếm phong bì thì phải biết các mánh lới của họ, biết cách vận dụng chế tài pháp luật để đặt lên đầu họ chiếc vòng kim cô quyền lực.

Thứ ba, với lãnh đạo cấp dưới

Tình trạng người đứng đầu các cục, vụ hoặc đơn vị ngang cấp ban hành các văn bản có tính quy phạm pháp luật không chỉ là sự lạm quyền mà còn có thể là sự coi thường kỷ cương, coi thường cấp trên.

Về điều này Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhiệm kỳ trước, ông Mai Tiến Dũng, đã cảnh báo phải “Hạn chế ban hành thông tư, nhất là để các cục, vụ ban hành rồi bắt cả nước thực hiện thì cũng không khác gì “rế cao hơn nồi”. [15]

Liệu tình trạng “rế cao hơn nồi” có thật là đã phổ biến khiến người đứng đầu Văn phòng Chính phủ nhiệm kỳ trước phải đưa ra cảnh báo?

Ngày 14/05/2021, Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi một văn bản với tên gọi “Thư công tác” tới các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục phổ thông trực thuộc yêu cầu thực hiện một số công việc chuyên môn về ghi nhận xét vào sổ theo dõi, đánh giá học sinh. Dưới đây là ảnh chụp một phần “thư công tác” này:

Đã có nhiều ý kiến trên báo chí phê phán văn bản gọi là “thư công tác” này và vì thế có lẽ Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ngoài việc xem xét chức năng ban hành văn bản mang tính quy phạm pháp luật của cấp dưới, cũng nên mời các nhà ngôn ngữ học nhờ họ giải thích cho dân chúng hai câu văn sau:

Câu 1: “…Chỉ ghi điểm trung bình môn học (đối với môn học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số) và kết quả xếp loại nhận xét môn học (đối với…)” .

Câu 2: “Bộ GDĐT đề nghị các Sở GDĐT chỉ đạo, hướng dẫn các sở giáo dục và giáo viên thực hiện đúng quy định tại Thông tư 26…”.

Trong câu thứ nhất giáo viên phải ghi vào sổ điều gì: “kết quả xếp loại” hay “nhận xét môn học” hay “kết quả xếp loại” đối với “nhận xét môn học”?

Trong câu thứ hai, “Sở GDĐT chỉ đạo, hướng dẫn các sở giáo dục…”;

Xin gửi tới Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo ba câu hỏi:

Thứ nhất, “Luật Giáo dục, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan có quy định chính quyền cấp tỉnh của Việt Nam hiện nay có “sở giáo dục” hay không?

Thứ hai, “sở giáo dục” có phải là sở cấp dưới chịu sự chỉ đạo của một “sở” cấp trên là “Sở GDĐT” hay không? Nếu không phải thì câu văn “Sở GDĐT chỉ đạo, hướng dẫn các sở giáo dục…” phải chăng thể hiện sự vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết của người viết văn bản?

Thứ ba, vì sao trong một văn bản của cơ quan Bộ mà các từ “Sổ theo dõi” và “Học bạ” được viết hoa trong khi “sở giáo dục” lại viết thường?

Xin nói thêm là không chỉ văn bản của Vụ Giáo dục Trung học mà còn của Thanh tra Bộ và ngay cả Dự thảo Thông tư của Bộ trưởng cũng tìm thấy lỗi chính tả và và lỗi quy phạm.

Đến đây thì không thể không nêu câu hỏi, những chuyên viên Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm soạn thảo các văn bản hành chính hoặc văn bản quy phạm pháp luật và người cho phép công bố văn bản có thông thạo ngữ pháp tiếng Việt, có những hiểu biết cần thiết về pháp luật liên quan đến vị trí công tác của mình?

Những gì thể hiện trên các văn bản có phải đã bộc lộ trình độ quản lý, sự am hiểu pháp luật và kiến thức cần thiết của một bộ phận chuyên viên, lãnh đạo cấp cục, vụ thuộc cơ quan bộ?

Người viết rất muốn tin số đông thuộc đội ngũ này thực sự trong sạch, thực sự không “dính chàm”, cũng rất muốn tin khi tiếp xúc với họ, người dân không hề bị “ngứa” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đề cập.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, làm tốt hơn công tác thông tin, truyền thông để xã hội, nhân dân hiểu, có nhiều chia sẻ, thông cảm và đóng góp nhiều hơn cho ngành về những chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. [16]

Hai nguồn thông tin mà người dân thường xuyên tiếp cận là Cổng Thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo (Cổng TTĐT) và Báo điện tử Giáo dục và Thời đại (Giaoducthoidai.vn).

Dù đã là tháng 07/2021 nhưng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo (Cổng Thông tin) vẫn chỉ có “Tờ gấp giáo dục đào tạo năm 2019” vậy bao giờ mới có Tờ gấp giáo dục đào tạo năm 2020?

Mục “Chức năng, nhiệm vụ” trong phần “Giới thiệu” trên Cổng Thông tin liệt kê 20 đơn vị cấp cục, vụ và Văn phòng Bộ nhưng không có Thanh tra Bộ. Có phải Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải là đơn vị trực thuộc Bộ?

Truy cập vào báo Giaoducthoidai.vn sẽ thấy một giao diện chính với nhiều chức năng trùng hợp, chẳng hạn bên cạnh mục “Giáo dục” là “Giáo dục pháp luật”, bên cạnh mục “Bạn đọc” lại có thêm mục “Kết nối” và “Trao đổi”, cùng với mục “Trẻ” lại còn mục “Khỏe đẹp”,…

Cùng với sự rối rắm trên giao diện là việc rất khó truy tìm thông tin trong nội bộ tờ báo, chẳng hạn tác giả bài “Giáo dục Việt Nam - Nắng soi qua nóc” là Tiến sĩ Dương Xuân Thành (hình 1) nhưng gõ vào mục tìm kiếm như hình 2 thì nhận được câu trả lời là “Không có kết quả tìm kiếm” trong khi các báo khác cung cấp cho người dùng nhiều khả năng tìm kiếm hơn.

Hình 1

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu “Tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, các trường hợp nhũng nhiễu, quan liêu ở ngay trong cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục” và “Đồng chí Bộ trưởng phải trực tiếp phụ trách và chỉ đạo lĩnh vực hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước (về Giáo dục và Đào tạo – NV)”.

Người viết cảm thấy lo lắng thay Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bởi nếu thiếu một đội ngũ cấp phó, trợ lý, chuyên viên thạo việc, giỏi nghề thì một mình Bộ trưởng sẽ không thể xoay sở.

Và phải chăng muốn thành công trong công cuộc đổi mới giáo dục, việc đầu tiên là tạo nên những thay đổi mang tính đột phá tại chính cơ quan Bộ?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/giao-duc-viet-nam-nang-soi-qua-toc-lqcJkwlGg.html

[2]https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/giao-duc-viet-nam-nang-soi-qua-toc-2-FsIbZQlMR.html

[3]https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/giao-duc-viet-nam-nang-soi-qua-noc-3-BeRYnwlMg.html

[4] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/dien-bien-moi-vu-giam-doc-so-giao-duc-dao-tao-can-tho-tran-hong-tham-xin-nghi-viec-747116.html

[5] https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nhieu-lum-xum-tai-so-giao-duc-dao-tao-tp-can-tho-20210618152550284.htm

[6] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/20-ngan-sach-chi-cho-nganh-giao-duc-da-di-dau-394945.html

[7]https://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=47293

[8] https://tuoitre.vn/chi-3-4-ti-usd-di-du-hoc-nguoi-viet-mat-niem-tin-giao-duc-trong-nuoc-2018070208511828.htm

[9] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/cong-nhan-bang-tien-si-dao-tao-chui-158767.html

[10]https://giaoducthoidai.vn/phap-luat/so-gddt-thanh-hoa-co-loi-ich-nhom-trong-viec-quan-ly-su-dung-tram-ti-dong--gtt3tGk7g.html

[11] http://congan.com.vn/doi-song/giam-doc-giai-trinh-mua-vat-tu-thiet-bi-cao-ngat-nguong_114732.html

[12] http://daidoanket.vn/thay-gi-tu-viec-dau-thau-o-so-gddt-tinh-quang-ninh-5655561.html

[13] https://baogialai.com.vn/channel/1602/201009/that-thoat-nhieu-ty-dong-o-nganh-giao-duc-dao-tao-gia-lai-1958965/

[14] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/xem-xet-ky-luat-giam-doc-so-gd-dt-ha-tinh-tran-trung-dung-697735.html

[15] https://vnexpress.net/cac-bo-nganh-ban-hanh-van-ban-kieu-re-cao-hon-noi-4036274.html

[16] http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=431148

*Tiến sĩ Dương Xuân Thành (Ban nghiên cứu và phân tích chính sách Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét