Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

20210725. NHẬN XÉT VỀ QUY CHẾ MỚI ĐÀO TẠO TIẾN SĨ (3)

 ĐIỂM BÁO MẠNG

KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG TIẾN SĨ SAU CẤP BẰNG CÒN ĐANG BỊ THẢ NỔI?

PHẠM MINH/ GDVN 23-7-2021

GDVN- Chúng ta chỉ quan tâm đến việc làm sao để có bằng tiến sĩ nhưng lại không có một quy định nào để đo chất lượng công việc của những người đã có bằng tiến sĩ.

Thời gian qua, có nhiều ý kiến thảo luận đa chiều xoay quanh Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.

Cụ thể, Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT không còn yêu cầu bắt buộc nghiên cứu sinh phải công bố ít nhất 1 bài báo thuộc hệ thống WoS/Scopus hoặc tương đương (cùng với các điều kiện khác), thay vào đó, nghiên cứu sinh có thể công bố bằng nhiều hình thức khác nhau, miễn là "các công bố phải đạt tổng điểm từ 2,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình".

Ông Lê Trường Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam, Thành viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT. (Ảnh: Thùy Linh)

Khó đánh giá chất lượng tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay

Trong cuộc trao đổi mới nhất với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Trường Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam, Thành viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho biết, chúng ta không bị áp lực về số lượng tiến sĩ phải có, chính vì vậy, tiêu chuẩn đối với quy chế đào tạo tiến sĩ nếu không tăng thì cũng không nên giảm.

Trong khi đó, chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay chưa thực sự tốt nên việc hạ một số tiêu chuẩn theo thông tư 18/2021/TT-BGDĐT tạo nên những ý kiến tranh luận, bất bình cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, chúng ta chỉ mới đang quan tâm đến việc bằng tiến sĩ được cấp như thế nào, nhưng vấn đề quan trọng hơn là những người có bằng tiến sĩ rồi họ phải làm gì và làm được những gì, điều này chưa được bàn luận và chưa có quy định cụ thể nào.

“Chất lượng tiến sĩ không chỉ được thể hiện trong thời gian 3 -4 năm anh học để lấy bằng, đây chỉ là bước khởi đầu, phản ánh chất lượng thời gian học mà thôi.

Vấn đề trong quy chế đào tạo tiến sĩ chỉ liên quan đến câu chuyện nghiên cứu sinh đầu vào thế nào, cần có mấy bài báo, đăng ở tạp chí nào, hội đồng bảo vệ như thế nào, người hướng dẫn ra sao,...

Nhưng nói đến chất lượng tiến sĩ là phải trả lời câu hỏi then chốt: có bằng tiến sĩ để làm gì, ngoài cái học vị, cái danh mà người mang bằng có được? Chất lượng công việc của những người có bằng tiến sĩ được đo như thế nào quan trọng hơn nhiều so với việc phải làm thế nào để có bằng tiến sĩ. Bởi thực tế, không ít người sau khi được cấp bằng tiến sĩ nhưng không làm công việc liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của mình nữa”, ông Lê Trường Tùng nhận định.

Mặc dù vậy, theo ông Lê Trường Tùng, để đo được chất lượng công việc của những tiến sĩ ở Việt Nam là điều rất khó, bởi lẽ, chúng ta chưa có nguồn lực, chưa có thị trường, môi trường nghiên cứu khoa học để các nhà khoa học thực hiện các hoạt động nghiên cứu.

Một trong những câu hỏi lớn nhất hiện nay là tiền đâu để trả lương cho hoạt động nghiên cứu của các giảng viên trường đại học.

Theo thông tư 20/2020/TT-BGDĐT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành, Quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học đã nêu rõ, giảng viên phải dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học (tương đương 586 giờ hành chính) để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

Theo ông Lê Trường Tùng, đây là một quy định cần thiết, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, vấn đề là kinh phí ở đâu để chi trả cho những hoạt động nghiên cứu đó, nội dung này chưa được nêu trong một quy định nào.

Trong bối cảnh các trường tự chủ về tài chính, kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư đã bị cắt thì nhà trường lấy tiền ở đâu phục vụ hoạt động nghiên cứu? Nếu chỉ trông chờ vào học phí của người học để trả tiền cho nghiên cứu thì con số đó cũng không đủ đáp ứng. Điều đáng nói là có những nghiên cứu còn không liên quan đến nội dung bài học thì không thể dùng học phí để chi trả.

Tất nhiên, bên cạnh đó sẽ có những nghiên cứu từ quan hệ hợp tác để doanh nghiệp trả tiền cho nghiên cứu nhưng con số đó cũng vô cùng ít.

Còn thực tế, các nghiên cứu của chúng ta hiện nay vẫn là thực hiện theo ngân sách nhà nước và thực hiện để lấy danh tiếng.

Chỉ có 2% ngân sách nhà nước dùng chi cho hoạt động nghiên cứu. Trong khi đó hoạt động nghiên cứu này còn phân chia theo các bộ, ngành, thử hỏi trong một năm, đề tài nhà nước chia ra cho tất cả các trường đại học được bao nhiêu?

Rõ ràng, chúng ta không có động lực, không có nguồn lực cho việc thực hiện nghiên cứu. Như vậy thì sẽ rất khó để đánh giá được chất lượng tiến sĩ hiện nay.

Theo ông Lê Trường Tùng, ở nhiều nước, kinh phí nghiên cứu khoa học phần lớn do nhà nước cấp, phần lương tương ứng với khoảng thời gian giảng viên dạy học được trích từ học phí người học, khoảng thời gian giảng viên làm nghiên cứu thì có ngân sách cung cấp.

Theo mô hình các trường đại học khác ở nước ngoài, hàng năm đều phải công khai tài chính, thu học phí bao nhiêu, bao nhiêu nghiên cứu được cấp từ ngân sách nhà nước.

Giảng viên ở các nước tiên tiến như nước Anh, Mỹ, Úc,... công việc giảng dạy và nghiên cứu được đảm bảo hài hòa, bởi vì họ được đảm bảo về nguồn lực tài chính, từ mức học phí thu khá cao và bao gồm cả nguồn thu lớn từ kinh phí đặt hàng của nhà nước.

Tóm lại, vấn đề đặt ra là không chỉ là quy chế đào tạo tiến sĩ ra sao mà còn là đào tạo ra tiến sĩ để làm gì. Tuy nhiên, khi đánh giá chất lượng tiến sĩ thì không đơn thuần là đo chất lượng công việc của tiến sĩ mà còn phải đo nguồn lực xã hội chi bao nhiêu cho hoạt động nghiên cứu.

Đây là hai yếu tố song song tồn tại, nếu như chúng ta có nguồn nhân lực giỏi nhưng không có nguồn lực tài chính, không có hệ thống môi trường nghiên cứu chuẩn chỉnh thì hoạt động nghiên cứu không thể đảm bảo.

Còn nếu đã có nguồn lực chi cho hoạt động nghiên cứu nhưng không đạt kết quả, không tạo ra giá trị thì khi đó chúng ta mới có cơ sở để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực - những người được cấp bằng tiến sĩ.

“Chi phí nghiên cứu khoa học của Việt Nam đang rất thấp, thấp đến mức vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn còn rất mờ nhạt.

Chúng ta không có thị trường khoa học công nghệ, không có nguồn lực tài chính và không tạo được môi trường để các nhà khoa học làm nghiên cứu.

Chính vì vậy, rất dễ hiểu vì sao nhiều nhà nghiên cứu giỏi ở nước ta phải ra nước ngoài làm việc, vì ở đó, họ có đồng nghiệp, có phòng thí nghiệm, có quan hệ quốc tế, có tài chính, họ có cả một môi trường tổng thể tạo điều kiện tốt nhất để họ làm việc và phát huy khả năng của mình.

Muốn đảm bảo chất lượng cho hoạt động nghiên cứu khoa học, muốn đo được chất lượng của tiến sĩ thì nhà nước phải thực sự quan tâm, phải đảm bảo được nguồn lực tài chính chi cho công việc nghiên cứu.

Nhà nước có sẵn sàng cung cấp ngân sách đủ lớn cho hoạt động nghiên cứu hay không, phải quy định rõ kết quả của nghiên cứu như thế nào thì sẽ được cấp ngân sách, không phải tất cả các công bố đều được chi trả.

Bởi lẽ, bản thân các công bố không mang lại tiền, để công bố ngoài hoạt động nghiên cứu để có kết quả, chúng ta phải chi trả tiền để công bố chứ không phải công bố thu về được tiền.

Và mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu không phải bài báo công bố, không phải các chỉ báo, số lượng mà phải là những đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội, tạo ra giá trị xã hội, tạo ra sản phẩm dịch vụ mới, hay mang lại những giá trị nhân văn,...", ông Lê Trường Tùng nhận định.

Cần có quy định đánh giá chất lượng tiến sĩ

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ở Việt Nam hiện nay, chưa có một quy định cụ thể nào để đánh giá chất lượng của những tiến sĩ sau khi đã được cấp bằng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NEU)

Theo Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng, cần phải phân biệt rõ hai nhóm tiến sĩ, thứ nhất là tiến sĩ chuyên về nghiên cứu (PhD), khi tốt nghiệp thường giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học hoặc Viện nghiên cứu với nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu, đăng bài báo quốc tế để đăng ký bản quyền cá nhân, chứng tỏ sản phẩm là của chính mình và cũng tăng xếp hạng ranking cho đơn vị.

Nhóm thứ hai liên quan đến nghề nghiệp (professional doctors), ví dụ như tiến sĩ về giáo dục trong lĩnh vực quản trị trường học, tiến sĩ về y khoa, tiến sĩ về quản lý kỹ thuật trong các nhà máy,... Họ không bắt buộc chuyên sâu về nghiên cứu trong phòng thí nghiệm mà thực hiện các công việc, chuyên môn sâu theo lĩnh vực ngành nghề của mình.

Do đó, yêu cầu và tiêu chí đánh giá đối với hai nhóm tiến sĩ này cũng khác nhau, nhóm thứ hai không cần phải có bài báo quốc tế.

Ở một số quốc gia trên thế giới, đối với các tiến sĩ làm nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học và Viện nghiên cứu, nếu muốn bổ nhiệm chức danh phó giáo sư, giáo sư thì họ phải đảm bảo được số lượng công trình nghiên cứu, bài báo xuất bản. Nếu trong vòng 5 năm không đáp ứng được tiêu chí đặt ra thì họ có thể bị đánh trượt. Publish or perish - Công bố hay là biến mất!

Sự cạnh tranh có tác động đến hoạt động nghiên cứu của mỗi nhà khoa học. Tiến sĩ chưa có việc làm thì họ đăng ký làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ (post-doctorate), tiến sĩ có việc làm rồi họ vẫn phải thực hiện nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để tiếp tục tìm những hướng mới cho công trình của mình.

“Ở Việt Nam không quy định rõ ràng như vậy. Với các tiến sĩ làm nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học, nếu muốn đánh giá được chất lượng tiến sĩ thì cần phải có những quy định và tiêu chí đánh giá cụ thể.

Ví dụ, trong một khoảng thời gian nhất định, nếu tiến sĩ không có công trình nghiên cứu mới, không có công bố ở các tạp chí khoa học thì tấm bằng sẽ không còn giá trị. Và những nghiên cứu, những công bố như thế nào cũng cần phải có tiêu chí đánh giá rõ ràng.

Bằng tiến sĩ cũng phải có thời hạn, nếu anh không đảm bảo hoàn thành những yêu cầu về hoạt động nghiên cứu thì tấm bằng sẽ bị xóa bỏ. Làm được điều này sẽ nâng cao chất lượng tiến sĩ.

Bản thân các trường đại học có thể ban hành quy chế, đặt ra yêu cầu đối với các tiến sĩ khi thực hiện công việc nghiên cứu. Thậm chí, các trường có thể đánh vào bài toán kinh tế. Một người có bằng tiến sĩ sẽ có mức lương cao hơn thạc sĩ, vậy nếu trong một năm, anh không có bài báo nào thì phần lương tăng thêm sẽ giảm dần. Đó cũng là một cách để đảm bảo và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.

Riêng với những tiến sĩ theo chuyên môn quản lý với tính chất và môi trường công việc khác thì có thể đánh giá theo hiệu quả công việc”, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng khẳng định.

Theo thầy Dũng, mục tiêu học tiến sĩ ở nước ta hiện nay chủ yếu là để phục vụ công tác giảng dạy ở trường đại học, để đảm bảo một mức lương cao hơn.

Bên cạnh đó, cũng có những người học vì danh tiếng, vì một "vị trí" công việc - đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất hiện các "lò ấp" tiến sĩ.

Bàn về chất lượng tiến sĩ, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng cũng đề cập đến những khó khăn về môi trường nghiên cứu cho đến tiềm lực tài chính đối với các hoạt động nghiên cứu.

Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu là rất lớn. Thậm chí công nghệ nhanh chóng lạc hậu theo thời gian đòi hỏi chúng ta cần đổi mới liên tục. Vậy bài toán về kinh phí là vô cùng quan trọng để thúc đẩy nghiên cứu khoa học phát triển.

"Nhiều người làm nghiên cứu ở nước ngoài với môi trường rất tốt, phòng thí nghiệm của họ hằng năm được nhà nước, được các công ty hỗ trợ đầu tư.

Nhưng khi về Việt Nam, họ bị hụt hẫng, những người làm nghiên cứu đơn thuần về lý thuyết cơ bản thì vẫn tiếp tục được, còn nghiên cứu liên quan đến các thiết bị thí nghiệm thì vô cùng khó khăn vì chúng ta chưa có sự đầu tư công nghệ, thiết bị,...

Trong khi đó ở trường đại học, nhiều thầy cô đã hài lòng với mức thu nhập từ giảng dạy nên không còn tha thiết công việc nghiên cứu, có thầy cô muốn làm nghiên cứu cũng không có môi trường để làm. Một bộ phận tiến sĩ giỏi, thực sự có năng lực tốt thì họ đi làm bên ngoài, thực hiện chuyển giao công nghệ, thành lập công ty, thu nhập còn cao hơn từ việc giảng dạy nghiên cứu.

Đó chính là thực trạng về nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Bài toán đặt ra là làm sao để có một môi trường tốt nhất để nhà khoa học làm nghiên cứu", Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng nhận định.

Mặc dù chúng ta có quy định giảng viên phải dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhưng quy định đó chưa đủ để đảm bảo chất lượng tiến sĩ.

Một mặt, quy định này vừa khuyến khích hoạt động nghiên cứu để tăng số lượng công trình, bài báo khoa học.

Mặt khác cũng xuất hiện tiêu cực như một số người không có khả năng nghiên cứu hoặc do không đảm bảo điều kiện về kinh phí, trang thiết bị mà không thể làm nghiên cứu nên sẽ cố tình gian dối, đứng tên chung với sản phẩm, công trình của người khác hoặc thực hiện những đề tài cũ để hợp thức hóa số điểm, đảm bảo thời lượng nghiên cứu.

"Chính vì vậy, ngoài việc ban hành những quy định đánh giá chất lượng tiến sĩ thì nhà nước cũng phải có vai trò trong việc đầu tư, tạo một môi trường tốt nhất để các nhà nghiên cứu được sáng tạo và nghiên cứu thực sự", Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng khẳng định.

Phạm Minh
'ĐẾN LÚC NGHĨ ĐẾN VIỆC NHÌN NHẬN TẠP CHÍ TRONG NƯỚC VƯƠN NGANG TẦM QUỐC TẾ'
AN NGUYÊN/ GDVN 24-7-2021

LTS: Liên quan đến những thảo luận, góp ý đối với Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư Nguyễn Quang Linh – Giám đốc Đại học Huế.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả.

Đầu tư để có tạp chí khoa học trong nước mang tầm quốc tế

Phóng viên:Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới được ban hành?

Phó Giáo sư Nguyễn Quang Linh: Tôi không đặt vấn đề so sánh các Thông tư mà Bộ ban hành về đào tạo bậc tiến sĩ. Tôi quan tâm nhiều về bối cảnh tự chủ hiện nay của giáo dục đại học.

Là người quản lý, chúng tôi luôn đau đáu về chi thường xuyên và làm thế nào để nâng thu nhập của người lao động.

Chúng tôi có 10 cơ sở giáo dục đại học đào tạo bậc học tiến sĩ. Mấy năm qua, có một số ngành đào tạo tiến sĩ có xu hướng tăng nhưng cũng có nhiều ngành không tuyển sinh được.

Thực tế không phải do quy chế khó hay dễ mà sinh viên một số ngành ra trường có việc làm nên họ không học thạc sĩ và cả tiến sĩ.

Hơn nữa, mỗi lĩnh vực hay ngành đào tạo có đặc thù như khoa học chính trị, an ninh – quốc phòng hay một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Chúng tôi vẫn luôn luôn duy trì chất lượng thông qua việc bảo đảm người học có chất lượng cao; người thầy có chất lượng tốt; cơ sở giáo dục có đủ điều kiện và chương trình đào tạo được cập nhật thường xuyên và đáp ứng nhu cầu xã hội.

Tuy là, chúng tôi luôn tuân thủ theo quy chế chung của ngành nhưng cũng có những điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, đặc biệt như giai đoạn hiện nay trong tình hình dịch bệnh, ứng phó kịp thời.

Cốt lõi nâng cao chất lượng trong đào tạo tiến sĩ hiện nay chính là đội ngũ giảng viên hướng dẫn, gắn với nhóm nghiên cứu hoặc nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học. Ảnh: AN

Phóng viên: Gần đây, có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề nghiên cứu sinh cần phải có bài báo ISI, Scopus hay không, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Phó Giáo sư Nguyễn Quang Linh: Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến việc nhìn nhận Tạp chí trong nước vươn lên để ngang hàng với Tạp chí quốc tế.

Chấp nhận các công bố trên tạp chí trong nước có chất lượng tốt (đạt khung từ 0,75 điểm trở lên) sẽ là động lực để các tạp chí khoa học trong nước phấn đấu nâng cao chất lượng, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.

Từ đó, việc nâng chất lượng một tạp chí khoa học phải được cụ thể hóa bằng chất lượng của từng nghiên cứu và từng bài báo, của hội đồng thẩm định tạp chí và quan trọng là trình độ của các tác giả có bài được công bố trên tạp chí.

Việc tạo điều kiện các nghiên cứu sinh công bố công trình nghiên cứu của họ trên những tạp chí trong nước có chất lượng cao thực là cần thiết.

So với việc chạy theo thành tích đăng báo quốc tế mà không thực chất, quy trình không có để ứng dụng cấu thành doanh thu của đơn vị hay chuyển giao doanh nghiệp có hiệu quả kinh tế xã hội.

Hiện nay, nước ta cũng có nhiều tạp chí được xuất bản bằng tiếng Anh, có số DOI và Citation Index cao, thu hút nhiều công trình nghiên cứu cả nước ngoài tham gia và đã có tạp chí đã được công nhận trên thế giới xếp hạng vào các cơ sở dữ liệu WoS hay Scopus, cần phải lấy tiêu chí này để đánh giá chất lượng của tạp chí.

Tôi cho rằng, để tạp chí của Việt Nam ngang tầm với các tạp chí quốc tế đòi hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nhà nước hỗ trợ tiếp tục và đầu tư ít nhất 1 cơ sở giáo dục đại học có đào tạo Tiến sĩ phải có 1 tạp chí ngang tầm quốc tế.

Cơ sở đào tạo quyết định chất lượng Tiến sĩ

Phóng viên: Theo nhiều ý kiến đánh giá thì quy chế mới có chuẩn thấp hơn so với các quy định về đào tạo Tiến sĩ trước đây như: việc tăng số lượng Nghiên cứu sinh được hướng dẫn hay quy định về chuẩn ngoại ngữ… Ông nhìn nhận về vấn đề này ra sao, thưa ông?

Phó Giáo sư Nguyễn Quang Linh: Các vấn đề được nêu ở trên là liên quan trực tiếp đến chất lượng của đào tạo tiến sĩ.

Theo tôi, chất lượng của 1 người có bằng tiến sĩ phải tương ứng với năng lực thực tiễn và trình độ hiểu biết. Chịu trách nhiệm về chất lượng trong bối cảnh tự chủ đại học là do cơ sở đào tạo phải coi trọng và có chất lượng cao mới tồn tại được, do xã hội sàng lọc.

Chúng ta đang hướng đến cạnh tranh về chất lượng thực và phải phát huy nội lực. Khi được Nhà nước giao tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học phải coi chất lượng là hàng đầu để cạnh tranh.

Vậy bàn về các thước đo mang tính định lượng này là khó thật, vậy hãy để các cơ sở giáo dục đại học quyết định cho chính họ nhưng không được tự do.

Nhà nước đưa ra các chính sách chung và xã hội sẽ kiểm chứng. Chuẩn ngoại ngữ theo khung năng lực trình độ ngoại ngữ quốc gia là tốt và vẫn phải tiếp tục đầu tư để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nghiên cứu sinh.

Phóng viên: Thực tiễn việc đào tạo tiến sĩ tại Đại học Huế đang diễn ra như thế nào, thưa ông?

Phó Giáo sư Nguyễn Quang Linh: Chúng tôi đang đào tạo các bậc học khác nhau, không chấp nhận ai đó nhận xét mà thiếu cơ sở và minh chứng.

Chúng tôi luôn tự soi mình có bảo đảm chất lượng không? Công việc này phải được rà soát thường xuyên.

Cốt lõi nâng cao chất lượng trong đào tạo tiến sĩ hiện nay chính là đội ngũ giảng viên hướng dẫn, gắn với nhóm nghiên cứu hoặc nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học (Đại học Huế có 35 nhóm và đang tiếp tục xem xét đủ điều kiện có 50 nhóm trong năm 2021).

Họ chính là người truyền cảm hứng cho nghiên cứu sinh với đạo đức nghề nghiệp và chuẩn mực khoa học. Chính họ cũng chịu trách nhiệm lớn nhất cho chất lượng của các tiến sĩ tốt nghiệp.

Về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ thì Đại học Huế là một đại học định hướng nghiên cứu, do đó yếu tố nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học được coi trọng, trong đó đào tạo tiến sĩ được quan tâm của nhiều nhà khoa học.

Việc lựa chọn những người thầy giáo hướng dẫn tốt có khả năng tìm kiếm hay đấu thầu nguồn kinh phí để tổ chức các nghiên cứu là quan trọng hàng đầu, tiếp đó là lựa chọn những sinh viên tốt và có khát vọng về khoa học.

Phải xem nghiên cứu sinh là lực lượng nghiên cứu khoa học công nghệ quan trọng trong cơ sở giáo dục đại học.

Vì vậy cần có chính sách học bổng, hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu sinh yên tâm hơn trong nghiên cứu; tạo môi trường nghiên cứu tốt;

Các nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học chính là giải quyết được nhưng vấn đề trên và để cứu sinh có nhiều điều kiện tiếp cận được trình độ quốc tế.

Nhóm nghiên cứu mạnh là tế bào nòng cốt của hoạt động đào tạo tiến sĩ và nghiên cứu khoa học, gắn kết giữa đào tạo sau đại học với nghiên cứu;

Các cơ sở giáo dục đại học cần thu hút nhân tài, mời đội ngũ giáo sư ở các trường đại học trong và ngoài nước về làm việc với các nhóm nghiên cứu mạn;

Có tiếp cận các hướng nghiên cứu hiện đại của thế giới, gắn với các nhân tố mới của cuộc cách mạng khoa học công nghệ thời đại và khởi nghiệp, thay đổi các tư duy khoa học truyền thống sang các tư duy khoa học mới, đột phá;

Các chính sách phải có sự thống nhất, công bằng để các cơ sở giáo dục đại học phấn đấu trong bối cảnh tự chủ và tự quyết định đến chất lượng của mình, cũng như chịu trách nhiệm trước xã hội và người học.

An Nguyên (thực hiện)
HẠ CHUẨN TIẾN SĨ VÀ NHỮNG TÁC HẠI
NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 24-7-2021

1. ĐỘ KHÓ CÔNG BỐ QUỐC TẾ CỦA CÁC NGÀNH

Khoa học không có biên giới. Một cách tổng quát, không thể so sánh độ khó công bố quốc tế của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Lĩnh vực nào cũng khó công quốc tế vì chuẩn quốc tế thường cao hơn chuẩn quốc gia. Ở các tạp chí đòi hỏi hàm lượng khoa học cao thì càng khó công bố. Cũng không thể nhận định là quốc gia này dễ công bố quốc tế hơn quốc gia khác. Các tạp chí khoa học không có tiêu chí chủng tộc, tôn giáo. Cho nên, nhận định nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam khó công bố quốc tế hơn khoa học tự nhiên của một số người là một nhận định phi khoa học và sai lầm. Nhận định này không xuất phát từ những người nghiên cứu khoa học xã hội chân chính. Nhận định này là của những người “giả nghiên cứu” khoa học xã hội.

Ngược lại, biên độ đánh giá một số nghiên cứu trong khoa học xã hội có các tham số không định lượng, nên rộng hơn, “mờ” hơn - so với các môn khoa học tự nhiên có các tham số cụ thể. Ở phương diện này, vì thước đo khó thống nhất, biên độ đo mềm dẻo, rộng hơn, “mờ hơn”, nên quy định chấp nhận mềm dẻo hơn.

Ở mặt khác, có những nghiên cứu về đặc thù dân tộc, vùng miền, có những nghiên cứu dựa trên số liệu quốc gia, địa phương – khó đánh giá, nên dễ được chấp nhận. Minh chứng cho luận điểm này là các luận án tiến sĩ bảo vệ ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trước đây, nhưng đề tài về Việt Nam và liên quan đến Việt Nam.

Tương tự như vậy là các nghiên cứu liên ngành. Giữa cơ học và toán học. Giữa sinh học và hoá học. Giữa kinh tế và công nghệ thông tin… Biên độ đánh giá các nghiên cứu trong các lĩnh vực liên ngành thường rộng hơn, “mờ” hơn.

Cho nên ở Việt Nam, nghiên cứu khoa học xã hội không phải là khó công bố quốc tế hơn nghiên cứu khoa học tự nhiên.

2. VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ CÔNG BỐ QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC KHOA HỌC XÃ HỘI Ở CÁC NƯỚC

Trên thế giới có nhiều tổ chức xếp hạng về công bố khoa học của các nước. Cho nên vị trí xếp hạng của các nước và các trường đại học có thể thay đổi tuỳ theo tổ chức xếp hạng. Nhưng nói chung, các xếp hạng này phản ánh tương đối đúng vị thế khoa học của các nước.

Về các công bố có chỉ số Scopus, theo xếp hạng của tạp chí SCImago (SCImago Journal & Country Rank) giai đoạn 1996-2019 thì Mỹ luôn là nước dẫn đầu. Thứ tự xếp hạng của top 5 năm 2019 là: Mỹ (748 908 công bố), Trung Quốc (716 540), Vương quốc Anh (234 637), Đức (210 340), Ấn Độ (206 648).

Nhưng năm 2020 Trung Quốc đã chiếm vị trí số 1 của Mỹ. Thứ tự xếp hạng top 5 năm 2020 là: Trung Quốc (788 287), Mỹ (766 789), Vương Quốc Anh (249 408), Ấn Độ (217 771), Đức (216 474).

Trung Quốc là nước có tốc độ phát triển rất nhanh về số lượng các công bố khoa học quốc tế mà không một nước nào sánh được. Hãy thử xem sự tăng tốc các công bố quốc tế của Trung Quốc: 30 856 (1996, thứ 9), 51 575 (2000, thứ 6), 171 402 (2005, thứ 2), 344 233 (2010), 464 400 (2015, thứ 2), 788 287 (2020, thứ 1). Số lượng công bố quốc tế của Trung Quốc năm 2020 tăng gấp 25,54 lần năm 1996.

Về công bố quốc tế khoa học xã hội của Trung Quốc: 276 (1996, thứ 21), 574 (2000, thứ 17), 1 561 (2005, thứ 11), 10 049 (2010, thứ 3), 12 191 (2015, thứ 3), 26 151 (2020, thứ 3). Như vậy công bố quốc tế khoa học xã hội của Trung Quốc năm 2020 tăng gấp 94,75 lần năm 1996.

Về công bố quốc tế khoa học nghệ thuật và nhân văn của Trung Quốc: 92 (1996, thứ 27), 218 (2000, thứ 17), 514 (2005, thứ 14), 2 168 (2010, thứ 10), 2 583 (2015, thứ 10), 5 251 (2020, thứ 6). Như vậy công bố quốc tế khoa học nghệ thuật và nhân văn của Trung Quốc năm 2020 tăng gấp 57,07 lần năm 1996.

Về các trường đại học, theo xếp hạng năm 2021 của Times Higher Education thì top 5 là: Oxford (Anh), Stanford (Mỹ), Harvard (Mỹ), Viện công nghệ California (Mỹ), Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ). Trung Quốc có đại học Thanh Hoa (ĐHTH) xếp thứ 20 và đại học Bắc Kinh (ĐHBK) xếp thứ 23.

Về đại học Bắc Kinh: khoa học xã hội - thứ 17, nghệ thuật và nhân văn - thứ 28, giáo dục - thứ 11, tâm lý - thứ 80.

Về đại học Thanh Hoa: khoa học xã hội - thứ 34, nghệ thuật và nhân văn - thứ 56, giáo dục - thứ 7, luật - thứ 41.

Về công bố khoa học của các trường đại học giai đoạn 2013-2016, theo xếp hạng của Umultirank thống kê các công trinh có chỉ số trong dữ liệu của Web of Science, thì top 5 gồm: ĐH Harvard (Mỹ), ĐH Toronto (Canada), Johns Hopkin (Mỹ), ĐH Michigan (Mỹ), ĐH São Paulo (Brazil).

Trong top 25, Mỹ có 11 trường, Vương Quốc Anh có 4 trường, Trung Quốc có 4 trường, Australia có 2 trường, còn lại 1 trường là các nước Canada, Brazil, Nhật, Hà Quốc. 4 trường của Trung Quốc là: ĐH Giao thông Thượng Hải – thứ 9, ĐH triết Giang – thứ 11, ĐH Thanh Hoa – thứ 15, ĐH Bắc Kinh – thứ 17.

Nêu ra bảng xếp hạng về công bố khoa học quốc tế của các nước và các trường đại học, nhất là nước láng giềng Trung Quốc, để thấy Việt Nam còn cách biệt như thế nào, mà có biện pháp phù hợp.

3. THỰC TẾ CÔNG BỐ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM KHẲNG ĐỊNH TƯƠNG LAI RỘNG MỞ CỦA NGHIÊN CỨU KHOA HỌC XÃ HỘI

Từ sau khi Quy định đào tạo tiến sĩ năm 2017 của Bộ GD&ĐT ra đời, yêu cầu phải có công bố quốc tế, thì số lượng công trình khoa học công bố quốc tế của Việt Nam đã tăng vọt cùng với sự thay đổi thứ hạng. Dưới đây là thống kê và thứ hạng các ngành khoa học Việt Nam có công bố quốc tế chỉ số Scopus theo xếp hạng của tạp chí SCImago cho năm 2015 và năm 2020 (Xem ảnh).

Không có mô tả ảnh.

Từ bảng thống kê trên, thì rõ ràng khoa học xã hội và khoa học nghệ thuật và nhân văn có sự tiến bộ vượt bậc về số lượng và thứ hạng sau khi có yêu cầu bắt buộc phải có công bố quốc tế trong đào tạo Tiến sĩ.

Cụ thể, so sánh năm 2020 với năm 2015 thì khoa học xã hội tăng 20 thứ bậc và số lượng công bố quốc tế tăng gấp 6,75 lần. Khoa học nghệ thuật và nhân văn cũng tăng 13 bậc và gấp 4,61 lần về số lượng công bố quốc tế.

Không có ngành khoa học nào không tăng vọt số lượng công bố quốc tế sau khi thông tư 08/2017 của Bộ GD&ĐT ra đời. Bảng thông kê trên chứng minh một cách thuyết phục, rằng yêu cầu công bố quốc tế trong Quy định đào tạo tiến sĩ năm 2017 của Bộ GD&ĐT là nguyên nhân quan trọng làm tăng đột biến các công bố quốc tế và tăng bậc xếp hạng của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cho nên, nếu ai đó cho rằng khoa học xã hội Việt Nam khó công bố quốc tế để hạ chuẩn đào tạo tiến sĩ là không đúng. Những nhà khoa học xã hội giỏi sẽ không đồng tình với quan điểm như thế.

Nhưng dù Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc sau 5 năm từ thứ 58 (2015) tiến lên thứ 46 (2020) thì vẫn phải xếp sau Thái Lan (40), Singapore (37), Malaysia (24), Indonesia (21). Nếu có một chính sách đúng, thì sau 10 năm nữa, thứ hạng của Việt Nam sẽ vượt qua được Malaysia. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào những người lãnh đạo ngành giáo dục và khoa học trong chính phủ.

4. NHỮNG TÁC HẠI NGHIÊM TRỌNG CỦA HẠ CHUẨN ĐÀO TẠO TIẾN SĨ

Năm 2020, tổng các công bố quốc tế trong mọi lĩnh vực của Việt Nam chỉ đạt con số 18 886 dù đã tăng gấp 4,18 lần so với năm 2015. Con số 18 886 của Việt nam chỉ bằng 2,4% của Trung Quốc (788 287).

Trong khi lãnh đạo Trung Quốc chủ trương thể hiện các yêu sách chủ quyền lãnh thổ, đường lưỡi bò, tài nguyên trong lòng biển và trong lòng đất… qua các công bố quốc tế như là các chứng cứ khoa học, thì Việt Nam hầu như bỏ trống. Đây là một điểm yếu của Việt Nam.

Nay, nếu từ bỏ yêu cầu công bố quốc tế thì con đường tiếp cận tới mặt bằng quốc tế của khoa học xã hội Việt Nam lại còn xa vời hơn nữa.

Trung Quốc có bộ môn Marxizm ở đại học Bắc Kinh, đại học Thanh Hoa và các đại học khác. Thế mà những người dạy chủ nghĩa Marx ở Trung Quốc lại có công bố quốc tế, tại sao ở Việt Nam lại không?

Các tạp chí chí quốc tế chấp nhận các nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao, dù đó là nghiên cứu về Marx, Mahatma Gandhi, Mao Trạch Đông hay Hồ Chí Minh. Các bài viết về Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh mà không công bố quốc tế được, là do tác giả đã không đưa được hàm lượng khoa học vào bài viết, bài viết không có điều gì mới về khoa học.

Không biết nhóm tư vấn nào có sức mạnh phù thuỷ, biến nguyên nhân chính đáng thành nguyên nhân phi lý, để thuyết phục được Bộ Giáo dục & Đào Tạo bỏ yêu cầu công bố quốc tế trong Quy định đào tạo tiến sĩ năm 2021?

Từ bỏ yêu cầu công bố quốc tế, thay bằng công bố quốc nội - là một sai lầm kéo theo nhiều tác hại nghiêm trọng, không chỉ trong giáo dục và nghiên cứu khoa học, mà trong toàn xã hội.

Sau đây là vắn tắt một số tác hại chính:

1/. Hạ thấp mặt bằng trình độ tiến sĩ Việt Nam so với khu vực và quốc tế.

2/. Làm chậm bước tiến của khoa học xã hội trên con đường tiếp cận với mặt bằng quốc tế.

3/. Tự lập chuẩn riêng không quan tâm đến khu vực và quốc tế là tự cô lập mình với quốc tế.

5/. Thúc đẩy sản xuất các tiến sĩ rởm, các thầy giả.

6/. Ảnh hưởng tiêu cực lên giáo dục và nghiên cứu khoa học.

7/. Làm lẫn lộn tiến sĩ thật giả trong toàn xã hội

8/. Bỏ mất cơ hội bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia thông qua các công bố quốc tế.

Từ bỏ yêu cầu công bố quốc tế ở các tạp chí SIS/Scopus thì không có cách gì để ngăn cản sự ra đời của hàng loạt tiến sĩ kém chất lượng.

Cũng cần nhắc nhở rằng, lý do không đòi hỏi công bố quốc tế để nâng cao chất lượng các tạp chí Việt Nam là phi khoa học, là nguỵ biện. Uy tín của một tạp chí, trước hết là uy tín của Ban biên tập, sau đó là các phản biện. Có Ban biên tập giỏi thì chọn được các phản biện giỏi. Có Ban biên tập giỏi và các phản biện giỏi thì không cho đăng các bài viết kém. Từ đó chất lượng tạp chí được nâng lên.

Cách tốt nhất để các tạp chí Việt Nam nâng cao chất lượng là có nhiều người Việt Nam có nhiều công trình tốt trên các tạp chí SIS. Cách giúp nâng cao chất lượng các tạp chí Việt Nam là mời cho được các nhà khoa học quốc tế có uy tín cao đứng vào hang ngũ Ban biên tập và phản biện. Nhưng điều này không hề dễ. Vì các nhà khoa học uy tín cao không muốn ghi tên vào các tạp chí uy tín thấp. Cho nên, chừng nào Việt Nam không có các nhà khoa học có uy tín quốc tế cao thì chừng đó các tạp chí Việt Nam không thể có uy tín quốc tế cao. Các thầy giáo giảng dạy chủ nghĩa Marx, tư tưởng Hồ Chí Minh không có cách nào khác, để tránh tụt hậu thì phải có công bố quốc tế. Không có công bố quốc tế thì chỉ là giả khoa học, bất cứ ngành nào.

Thêm một lưu ý rằng, đề xuất cho phép giáo sư hướng dẫn cùng lúc 7 nghiên cứu sinh là đề xuất chưa cân nhắc kỹ.

Việt Nam không nhiều giáo sư giỏi. Giáo sư giỏi hướng dẫn không quá 3 nghiên cứu sinh thì luận án may ra còn có chất lượng. Giáo sư loại mở đường cho một lĩnh vực nghiên cứu mà hướng dẫn cùng lúc 5 nghiên cứu sinh là rất chật vật. Nếu hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh cùng lúc thì sản phẩm đầu ra thuộc loại “hàng kém chất lượng”.

Việt Nam không thể tự lập chuẩn riêng về nghiên cứu khoa học. Mọi chuẩn riêng tự Việt Nam nghĩ ra không theo chuẩn quốc tế thì chỉ làm cho Việt Nam thêm tụt hậu với quốc tế. Trong thời đại cả thế giới tích hợp không ngừng – tại sao ta lại tự tách mình ra khỏi thế giới?

Khoa học Việt Nam vĩ đại muôn năm! Tự lập chuẩn riêng thì dù có hô triệu tỷ lần vẫn không thoát khỏi tụt hậu.

Nguyễn Ngọc Chu

Tác giả gửi BVN

CHUYỆN CÔNG BỐ KHOA HỌC: CÒN LOAY HOAY VỚI ĐÀO TẠO TIẾN SĨ ĐẾN BAO GIỜ ?

NAM LÊ/ BVN 24-7-2021

Năm nay nhà nước/bộ giáo dục Việt Nam lại thay đổi quy chế đào tạo tiến sĩ. Thực ra là gần như quay về quy chế cũ từ 2017 trở về trước, sau hơn 3 năm theo quy chế "ít nhất hai bài báo khoa học quốc tế" với yêu cầu đầu ra của đào tạo tiến sĩ.

A/ Trước hết, chúng ta phải hiểu Lý Do: Tại sao lại Phải có công bố Quốc Tế?

Cái chữ “quốc tế” ở đây chỉ áp dụng với Việt Nam – vì với Việt Nam thì mấy cái tạp chí bằng tiếng Anh (chưa nói chất lượng) mới được gọi là “quốc tế”.

Còn với người phương Tây, các quốc gia khoa học phát triển, thì đấy là hệ thống tạp chí/hội nghị của tất cả các nhà khoa học trong lĩnh vực nào đó. Chẳng có phân biệt thế nào là “quốc nội”, “quốc tế”.

Tạp chí có nhà xuất bản ở Đức, ở Mỹ, ở Anh, hội nghị khoa học tổ chức ở Anh, Mỹ, Úc, thậm chí Brazil (chỉ là địa điểm) – đều có giá trị khoa học của riêng nó.

Và việc công bố ở đâu, phụ thuộc vào lĩnh vực nghiên cứu, và yêu cầu của nghiên cứu (giữa giáo sư, nghiên cứu sinh, nguồn funding...).

Trước đây, những người làm nghiên cứu ở trong nước chúng ta phần lớn xuất bản ở quốc nội, như viết giáo trình cho sinh viên, các tạp chí trong nước, các hội nghị trong nước (phần lớn không có peer-review)… Cho nên nền khoa học trong nước không được “quốc tế” công nhận. Quốc tế ở đây nghĩa là: thế giới khoa học, không có nghĩa là phải ở Anh hay Mỹ.

Vì khoa học là của toàn nhân loại, tiêu chuẩn ở Anh/Mỹ cao là vì họ là người tạo ra các nghiên cứu tiên phong và từ đó tiêu chuẩn ngày càng cao.

Giai đoạn đó (tạm gọi là trước 2016), một làn sóng yêu cầu phải có công bố chất lượng, được thế giới khoa học công nhận theo một số thang đo nào đó. Vì vậy mới có việc: Phải có công bố “quốc tế”, trong khi các nơi xuất bản trong nước chưa thực sự được vào danh mục (index) của các nhà xuất bản khoa học uy tín thế giới.

B/ Publish or Perish (công bố hay là chết)

Tuy nhiên: 3 năm qua, đúng là số lượng bài báo khoa học ở Việt Nam "tăng chóng mặt" thật sự. Các bài tạp chí, kỷ yếu hội nghị (có hay không có peer-review như tạp chí) tăng lên rất nhiều về số lượng, nhưng chất lượng thì cũng "thượng vàng hạ cám".

Đó là hệ quả ban đầu của một luật chơi chung của giới khoa học thế giới, publish or perish (công bố hay là chết). Nghĩa là, vì phải chạy theo số lượng công bố để có thể kiếm được funding nghiên cứu, vị trí công tác ổn định (như giáo sư). Hệ quả là, cũng không ít công trình trong số này có chất lượng rất xoàng, phần lớn viết xong publish rồi vứt xó, đóng góp về tri thức cho lĩnh vực là hầu như rất ít.

Điều này sẽ càng đến mạnh hơn, ở các quốc gia có nền khoa học đang phát triển.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngoài chuyện chất lượng công bố khoa học, còn một vấn nạn: Nhiều người tham gia chương trình tiến sĩ, và cả một số đào tạo, chưa đủ khả năng để Tự viết một công bố khoa học vì nhiều lý do: Có thể do rào cản ngôn ngữ (phần lớn yêu cầu viết tiếng Anh khoa học), hoặc là nghiên cứu chưa đến chất lượng, hoặc là chẳng biết nghiên cứu cái gì...

Cho nên, vấn đề mà chắc không ít được nghe nói đến những năm qua là: nhiều người đã phải Thuê viết bài, thậm chí không phải chỉ thuê viết tiếng Anh mà thuê một số "thợ khoa học" đã có sẵn framework cứ thể là “generate” các bài báo khoa học số lượng lớn, và bán cho nhiều người cần (nghiên cứu sinh, phó giáo sư đang cần để lên chức…).

Đây là vấn đề đạo đức khoa học nghiêm trọng.

Vậy là: Sau khi phải “chạy theo Tây” để có “công bố khoa học quốc tế”, thì lại nảy sinh nhiều vấn đề bất cập: Lượng quá nhiều so với chất thì đã không nói, nhưng lại còn làm “giả chất lượng”.

Chúng ta lại trở về với trước đây: Là chỉ cần yêu cầu công bố trong nước!

C/ Đào tạo tiến sĩ là đào tạo ra cái gì?

Có lẽ chúng ta hiểu chưa đúng Bản chất của việc đào tạo tiến sĩ – học vị mà đến từ nền giáo dục phương Tây.

Đào tạo tiến sĩ phải hiểu bản chất là một quá trình đào tạo ra một người có khả năng nghiên cứu khoa học, từ đó có thể kết hợp nghiên cứu đến giảng dạy truyền bá kiến thức, hoặc nghiên cứu để kiến tạo ứng dụng thực tế cho cuộc sống.

Cho nên, nó hoàn toàn không liên quan đến việc dùng bằng cấp tiến sĩ để Đạt được một chức vị hay điều gì đó trong cuộc sống.

Nếu mang tư duy giáo dục của phong kiến Trung Quốc, tầm chương trích cú, học để “vinh thân phì gia”, áp dụng vào triết lý để đào tạo tiến sĩ (cái xuất phát từ giáo dục kinh viện tây phương) — thì sẽ dẫn đến các hệ luỵ như vậy.

Mindset bị “không tương thích”, nên mới dẫn đến cảnh loay hoay đẽo cày giữa đường bao năm qua.

Xem ra, vị bộ trưởng mới (có lần tôi đã đưa lên page), lên còn “giảm tiêu chí” khoa học hơn so với thời bộ trưởng Nhạ.

D/ Giải pháp khả quan

Để quay lại được giải pháp cốt lõi, thì là một bài viết dài riêng cho nó. Ở đây tôi xin nói ngắn gọn:

1/ Chúng ta cần nâng tầm các tạp chí trong nước, các peer-reviewed conference, trước hết là vào các danh mục khoa học của thế giới hiện nay, và sau đó là thu hút được các nghiên cứu chất lượng đến với các nhà xuất bản này.

Đây là một việc làm KHÓ. Nó giống như làm thương hiệu vậy. Cần thời gian, và cần cú hitch lớn. Ví dụ: Như Vingroup có nhiều tiền, nên có thể thuê một phát các giáo sư từ Yale Silicon Valley về làm thương hiệu, từ đó mọi người biết đến nghiên cứu của Vin.

Để xây dựng một tạp chí khoa học, cần nhiều mối quan hệ đến thế giới “tháp ngà” của khoa học hàn lâm. Ví dụ: Có một giải Nobel công bố trên một tạp chí X nào đó, thì sẽ là sự quảng cáo làm thương hiệu tuyệt vời cho tạp chí X và chuyên ngành trên tạp chí đó.

2/ Cốt lõi hơn cả, đó chính là Chất Lượng của việc làm nghiên cứu. Ở trên như tôi đã nói: Chúng ta cần hiểu cái Bản chất của việc đào tạo nghiên cứu sinh là gì.

Do vậy, để đảm bảo chất lượng chúng ta cần có:

a/ Yêu cầu từ người hướng dẫn:

Người hướng dẫn (các tiến sĩ, giáo sư) có chất lượng công bố khoa học Tốt. Có khả năng công bố khoa học quốc tế có Chất Lượng, được các chuyên gia trong lĩnh vực của vị đó công nhận (chứ không phải 1 hội đồng giáo sư nhà nước hay các cấp ôm đồm đa ngành).

Người Á Đông có nói: Danh sư xuất cao đồ.

Thầy mà còn làm nghiên cứu “loè bịp”, thì khó mà đào tạo ra một học trò là một nhà nghiên cứu thực thụ.

Cho nên theo tôi, nên xiết chặt đầu vào đầu tiên với: Ai đủ điều kiện để hướng dẫn nghiên cứu sinh.

b/ Yêu cầu đầu ra nên thế nào?

Chuyện ràng buộc yêu cầu đầu ra của một nghiên cứu sinh, Không Nên là Chuẩn Chung. Mà nên dựa theo yêu cầu của từng Người hướng Dẫn, là giáo sư/tiến sĩ bên trên đã được xiết chặt chất lượng.

Cũng dựa vào thực tế thôi. Vì bản chất nghiên cứu khoa học là có nhiều ngành khác nhau. Có những ngành có thể có công bố sớm, công bố nhiều, ví dụ như khoa học máy tính có văn hoá peer-reviewed conferences. Nhưng một số ngành xã hội, thì có lẽ để công bố được trong một tạp chí có chất lượng tốt có khi mất đến hàng năm để review. Nói như vậy, không có nghĩa là không có những yêu cầu cụ thể.

Nhưng như tôi nói bên trên: Chúng ta phải để chính vị giáo sư hướng dẫn, người này sẽ có thẩm quyền quyết định xem một nghiên cứu sinh của mình đạt điều kiện để Viết một luận văn tiến sĩ và ra bảo vệ trước hội đồng hay chưa.

Theo như kinh nghiệm của tôi được biết, về mặt bản chất, ở một số quốc gia như Anh/Pháp, không có yêu cầu Cứng số lượng công bố đầu ra. Nhưng tuỳ giáo sư sẽ có yêu cầu riêng đối với học viên nghiên cứu của mình.

Giáo sư của tôi (computer science) từng nói:

– Nam ah, thật ra không có một yêu cầu Cứng nào là cậu phải công bố bao nhiêu bài. Mặc dù bất cứ ai tốt nghiệp PhD ở đây đều thường có ít nhất 3-4 bài báo được công bố. Bởi vì có thể 3-4 bài báo đó sẽ tượng trưng cho 3-4 chương trong luận văn. Nghĩa là, những gì cậu viết, trình bày trong luận văn, đã được công bố (hay được chấp nhận, kiểm chứng một phần), để tăng sự tin tưởng.

Tuy nhiên, đào tạo tiến sĩ của chúng tôi nói rằng: Luận văn viết bởi nghiên cứu sinh, part was published (một phần đã được công bố), or part is publishable (một phần có thể được công bố trong tương lai). Nghĩa là: Nếu không may mắn, bạn biết đấy, khi gửi bài đi có thể gặp reviewer khó tính và đánh trượt vài lần dẫn đến không công bố được. Nghĩa là: Người giáo sư là vô cùng quan trọng. Kể cả khi học viên không may mắn, hoặc chưa thể công bố được. Nhưng bằng trình độ của thầy, thầy biết là luận văn này là Publishable – thì vẫn có thể cho phép học viên viết luận văn, nếu đã trả lời đủ các câu hỏi khoa học cần thiết.

Và trong trường hợp đó, thầy có nói với tôi: Thường là sẽ phải viết một bài journal, trước khi submit luận văn, và ghi là: đang trong tình trạng review.

Vậy đó: Đó là lý do vì sao tôi nói, nên có yêu cầu đầu tiên với người Đủ tiêu chuẩn để hướng dẫn nghiên cứu sinh.

c/ Vấn đề về bảo vệ:

– Nên gạt luôn các bước bảo vệ cấp cơ sở cấp khoa rồi cấp trung ương các kiểu. Chỉ có một buổi bảo vệ duy nhất (nếu là yêu cầu bảo vệ).

Và người ngồi trong hội đồng bảo vệ, những người Được Mời đến, không phải là Do chỉ định của khoa hay bất kỳ ai, mà là sự liên hệ giữa nghiên cứu sinh - giáo sư đến những giáo sư/tiến sĩ - những người có tiếng trong lĩnh vực của nghiên cứu.

Chỉ có họ, mới đủ thẩm quyền và chuyên môn, để có thể “phần nào” nhận xét được về chất lượng của luận văn nghiên cứu trong lĩnh vực của họ. Kể cả phải “thuê” nước ngoài đến, trả tiền cho họ, là tuỳ thuộc vào điều kiện.

Vậy đến đây có bạn sẽ hỏi: Vậy không sợ, văn hoá “đút lót thầy”, để thầy cho bảo vệ dù không đạt chất lượng ah?

Chuyện này rõ ràng là không hiếm ở Việt Nam.

Tuy nhiên như đã nói ở bước 1: Yêu cầu rất cao đối với người được hướng dẫn.

Những người này, có “danh tiếng” khoa học của họ. Nếu họ cho phép một học viên của mình, công bố một công trình kém, hoặc là bảo vệ một luận văn khoa học Kém chất lượng… thì thực sự ảnh hưởng đến danh tiếng và danh dự khoa học của họ.

Phần lớn ở đây, chúng ta tin vào danh dự của một nhà khoa học nghiêm túc.

Cho nên, xác suất của các vấn đề “đút lót” sẽ giảm.

Và cuối cùng, vui lòng không đề cao hay nâng tầm thái quá cái học vị, suốt ngày giơ ra để khoe như khoe chức khoe quyền (kiểu GS TS Đại tá… rất kì cục!).

Tiến sĩ – là một người nghiên cứu. Đào tạo tiến sĩ, là đào tạo một người có khả năng nghiên cứu độc lập (nghĩa là có thể xuất bản khoa học) về một hay một số lĩnh vực.

Đừng dùng các học vị khoa học để chạy chức chạy quyền, chế tài xử phạt phải đầy đủ, thì mới mong có một nền liêm chính học thuật ở quốc gia này.

Tạm dừng bài viết ở đây. Phần 2 tôi sẽ bàn về vấn đề: Funding cho nghiên cứu: ai là người nuôi cả giáo sư lẫn nghiên cứu sinh?

Link bài viết trong ảnh:

https://vnexpress.net/quy-che-dao-tao-tien-si-se-xoa-bo...

Best wishes,

N.L.

QUY CHẾ MỚI ĐÀO TẠO TIẾN SĨ NHIỀU LỖI CHÍNH TẢ, 

DO SƠ XUẤT HAY CẨU THẢ ?

MINH ANH/ GDVN 25-7-2021

Thời gian qua, có nhiều ý kiến thảo luận đa chiều xoay quanh Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.

Tạm gác những vấn đề về chuẩn đầu ra “hạ chuẩn” thì thời gian qua tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của một số chuyên gia băn khoăn về việc quy trình làm Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo diễn ra trong thời gian dài, với sự tham gia của nhiều bộ phận tuy nhiên do sơ suất hay cẩu thả mà để khi ban hành một Thông tư còn quá nhiều lỗi chính tả sai căn cơ. Nhiều người đặt vấn đề không hiểu pháp chế thẩm định kiểu gì.

Trong bài viết này chúng tôi chỉ ra một số lỗi chính tả trong Thông tư 18 được các chuyên gia gửi đến Tạp chí:

Minh Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét