Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

20210729. KỶ NIỆM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ 27/7

 ĐIỂM BÁO MẠNG

THỦ TƯỚNG: NƠI ĐÂU Ở VIỆT NAM CŨNG KHẮC GHI SỰ HY SINH 
CAO CẢ VÌ TỔ QUỐC

VGF/ VNN 24-7-2021

Chính phủ, Thủ tướng luôn quan tâm trong phạm vi thẩm quyền ở mức cao nhất, trách nhiệm nhất, bằng tấm lòng và sự tri ân sâu sắc với các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng, các gia đình chính sách.

Chiều ngày 24/7, tại trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính tổ chức gặp mặt 50 đại biểu là người có công tiêu biểu đại diện cho hơn 9,2 triệu người có công trên cả nước nhân dịp 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021).

Cùng dự buổi gặp mặt có Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Ngay trước buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, các cơ chế, chính sách, mức ưu đãi với người có công được nâng cao hơn so với trước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu và các thương binh dự buổi gặp mặt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mãi mãi là người lính “Bộ đội Cụ Hồ”

Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu đã xúc động nghe các thương binh, bệnh binh đại diện người có công cả nước phát biểu, chia sẻ những tâm tư, tình cảm với đất nước, nhân dân, với Đảng, với Bác Hồ, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Thương binh Lê Thịnh Vượng (sinh năm 1946, quê Thanh Hóa) cho biết, năm 19 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ông nhập ngũ và được giao nhiệm vụ bộ đội công binh tại chiến trường C. Năm 1966, trong khi làm nhiệm vụ phục vụ trực tiếp chiến đấu, ông bị thương với tỷ lệ thương tật 36%. Năm 1973, ông được Ban Xây dựng 64 (nay là Tổng Công ty Công trình giao thông 8) cử đi công tác biệt phái tại Lào.

Thương binh Lê Thịnh Vượng cho biết, trong nhiều năm, việc lập hồ sơ để hưởng chế độ của cá nhân gặp khó khăn do vướng mắc liên quan đến thẩm quyền xác nhận của các cơ quan quản lý trong thời gian làm việc tại Lào. Để giải quyết vướng mắc của các trường hợp tương tự, gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp và có kết luận về xử lý vướng mắc trong giải quyết chế độ trợ cấp một lần đối với chuyên gia sang giúp Lào thuộc Ban Xây dựng 64.

“Những năm qua, tôi nhiều lần đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm, giải quyết, tuy nhiên với những hồ sơ, thông tin, giấy tờ mà tôi lưu giữ thì vẫn không đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của Quyết định số 57/2013/QĐ-TTg. Có những lúc, tôi cũng đã có ý định dừng lại. Nhưng với sự quan tâm, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giao thông vận tải, đề nghị của tôi, cũng như các cán bộ có cùng thời điểm công tác như tôi đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đây là niềm vui, niềm phấn khởi, là điều mà chúng tôi rất mong mỏi, chờ đợi từ rất lâu”, ông chia sẻ.

Người thương binh nhấn mạnh, mặc dù tuổi đã cao, sức cũng bắt đầu yếu, nhưng với bản lĩnh của người lính “bộ đội Cụ Hồ”, ông vẫn mong muốn tiếp tục được đóng góp một phần công sức nhỏ bé mình để xây dựng quê hương, đất nước.

Bệnh binh Phạm Đức Hiểu (sinh năm 1954, Hà Nam) chia sẻ, trong suốt 74 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với người có công với cách mạng. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức hiệu quả các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người có công và thân nhân.

Từ năm 2010 đến nay, bệnh binh Phạm Đức Hiểu đã kết nối cùng anh em cựu chiến binh thu thập thông tin và tìm kiếm mộ của các đồng đội tại các nghĩa trang liệt sĩ trên khắp cả nước. “Đến nay, chúng tôi đã tìm được thông tin mộ của hơn 400 đồng đội, đã báo thông tin tới các gia đình liệt sĩ và đưa được 34 đồng đội từ các nghĩa trang liệt sĩ về quê hương”, ông cho biết. Ông đã cùng đồng đội vận động, đóng góp xây dựng 9 ngôi nhà thờ cúng liệt sĩ, 20 nhà tình nghĩa và hỗ trợ sửa chữa 4 ngôi nhà cho các thương binh và gia đình liệt sĩ.

“Những công việc của tôi và đồng đội đi tìm hài cốt liệt sĩ, đưa đồng đội về quê hương xuất phát từ tình cảm đồng đội sống chết có nhau. Đơn vị tôi có những kíp xe tăng chiến đấu bị địch bắn cháy hy sinh cả 03 đồng đội và một tiểu đội công binh”, ông xúc động chia sẻ. 

Qua chia sẻ của Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Duy Ứng (sinh năm 1947, hiện đang sống tại Hà Nội), những hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và phần ký ức hào hùng của dân tộc hiện lên một cách chân thật, rõ nét và đầy xúc động. Với hơn 3.000 bức tranh, tượng điêu khắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, họa sĩ Lê Duy Ứng đã để lại một gia tài đồ sộ, mang nhiều ý nghĩa về nghệ thuật và lịch sử. Trong đó, bức tranh Bác Hồ được vẽ bằng máu từ đôi mắt bị thương của ông được xem là biểu tượng của niềm tin chiến thắng và sức sống mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam.

Chiến tranh tàn khốc đã lấy đi của người anh hùng đôi mắt, nhưng bằng nghị lực phi thường của mình, phát huy truyền thống cách mạng kiên trung của gia đình, ông luôn thể hiện tinh thần, bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn thách thức trong cuộc sống để chăm lo cho gia đình cũng như hoạt động rất tích cực trong các phong trào hỗ trợ cho cộng đồng, quê hương, tận tình giúp đỡ những đồng chí, đồng đội còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, 74 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công ngày càng hoàn thiện và phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh 02 năm 2020 về ưu đãi người có công với cách mạng, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021 với nhiều điểm mới hướng tới nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng số người hưởng ưu đãi cho người có công với cách mạng. Gần đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 1142/QĐ-CTN về việc tặng quà nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ.

Theo Bộ trưởng, các phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng. Chỉ tính riêng từ năm 2016-2020, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được hơn 16,8 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 5.600 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 61.650 sổ với tổng kinh phí gần 103,5 tỷ đồng. Xây dựng mới gần 39.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 24.650 nhà tình nghĩa trị giá hơn 2.265 tỷ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta coi trọng, nâng niu, quan tâm trong điều kiện tốt nhất có thể với các mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người có công, các gia đình liệt sĩ, thương binh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đồng bào và Tổ quốc sẽ mãi khắc ghi

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động được gặp mặt, trò chuyện với đại biểu người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ nhân kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sỹ. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi tới các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng sự tri ân và biết ơn sâu sắc nhất.

“Không chỉ trong ngày hôm nay, sự biết ơn gắn với trách nhiệm luôn là nỗi trăn trở trong suy nghĩ và hành động của các cấp lãnh đạo, trong nhân dân và đây cũng là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Chúng ta đã, đang và sẽ làm gì để vơi nỗi đau chiến tranh, để lan tỏa lòng yêu nước, để viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, để truyền cảm hứng vượt qua khó khăn và thách thức?”, Thủ tướng xúc động chia sẻ.  

Theo Thủ tướng, chiến tranh đã lùi xa chúng ta nhưng nỗi đau vẫn còn hiện hữu. Hàng triệu người con gửi lại tuổi thanh xuân, gửi lại ước mơ, gửi lại khát vọng dưới lòng đất. Nhắc tới những ca từ của nhạc sĩ Xuân Hồng: “Nước mắt mẹ không còn vì khóc những đứa con, lần lượt ra đi, mãi mãi”, Thủ tướng cho rằng, những vần thơ, ý nhạc rất xúc động đó vẫn không miêu tả hết được những hy sinh, mất mát của các anh hùng, liệt sĩ, người có công, những thế hệ đi trước, biết bao người mẹ mất con, người vợ mất chồng, người con mất cha, biết bao nhiêu người đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường…

Thủ tướng chia sẻ, những thương binh, bệnh binh mà ông từng gặp tại những trung tâm chăm sóc ở Hà Nam, Bắc Ninh… và nhiều đồng chí tại buổi gặp mặt đều có những vết thương vẫn đau nhức mỗi khi “trái nắng, trở trời”. Nhiều đồng chí, đồng đội đã hy sinh, thậm chí nhiều người đến nay chưa xác định được tên hoặc chưa tìm thấy hài cốt. Nhiều đồng chí trở về nhưng di chứng chất độc da cam vẫn ảnh hưởng đến các thế hệ sau. Kể cả trong thời bình, lực lượng vũ trang vẫn phải chứng kiến mất mát, đau thương, vẫn có những đồng chí hy sinh, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và vì sự bình yên, sự an ninh, an toàn của nhân dân.

“Bất kỳ nơi đâu trên mảnh đất Việt Nam này cũng khắc ghi sự hy sinh cao cả vì nền độc lập của dân tộc và thống nhất đất nước. Mỗi khi đến các nghĩa trang liệt sĩ, chúng ta nhìn lên danh sách dài những tên tuổi các liệt sĩ, quê quán, cộng trừ năm sinh năm mất và chúng ta lặng đi vì nhiều người tuổi đời mới chỉ trên dưới đôi mươi… Chúng ta ngậm ngùi khi nhìn theo những chuyến xe chở hài cốt liệt sĩ được phủ cờ đỏ sao vàng trở về quê hương”, Thủ tướng phát biểu.   

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, đất nước thống nhất, độc lập, hòa bình được xây đắp bằng những sự hy sinh cao cả đó. Chính vì vậy, sinh thời, Bác Hồ đã khẳng định: “Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế”. Đó là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất tinh thần với người có công luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt và là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Chúng ta coi trọng, nâng niu, quan tâm trong điều kiện tốt nhất có thể với  các mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người có công, các gia đình liệt sĩ, thương binh. Chính sách luôn được hoàn thiện và ưu tiên bố trí nguồn lực để quan tâm cụ thể, chăm lo đến người có công.

Hiện nay, hơn 9,2 triệu người có công (chiếm khoảng 10% dân số) được hưởng chính sách ưu đãi. Hàng nghìn Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đang được phụng dưỡng. Mức sống của gia đình người có công được đảm bảo bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú, trong điều kiện còn khó khăn chung của đất nước.

Phong trào đền ơn đáp nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền, sự đồng hành của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội đã lan tỏa rộng khắp cả nước với nhiều chương trình thiết thực và ý nghĩa, huy động sự đóng góp của toàn dân cho “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” lên tới hàng nghìn tỷ đồng, chương trình tặng nhà tình nghĩa, các món quà cho thương binh hay tặng học bổng cho con em gia đình chính sách…

Đảng và Chính phủ không chỉ quan tâm đến ngày 27/7 mà chính sách đối với người có công là vấn đề luôn được quan tâm thường xuyên, nhất quán, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tổ chức có hiệu quả chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính phủ đã triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với người có công và gia đình chính sách.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu dự cuộc gặp mặt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Truyền cảm hứng cho các thế hệ sau

“Chính phủ sẽ kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được của các nhiệm kỳ trước. Chính phủ luôn quan tâm bằng giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ở mức cao nhất, trách nhiệm nhất, thể hiện tấm lòng và sự tri ân sâu sắc với người có công và gia đình chính sách. Những vấn đề vượt thẩm quyền, Chính phủ sẽ rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết”, Thủ tướng nêu rõ.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục khẩn trương hoàn thiện những chính sách đang xây dựng để ban hành sớm nhất có thể. Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát toàn diện các chính sách liên quan đến người có công, gia đình chính sách và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhanh và hiệu quả nhất, phù hợp tình hình đất nước. Tinh thần là quan tâm rà soát, không bỏ sót các đối tượng chính sách. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục có hình thức giáo dục thế hệ trẻ về sự hy sinh của các thế hệ đi trước vì nền độc lập tự do của dân tộc, vì sự bình yên của nhân dân. Đồng thời, yêu cầu các địa phương phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, tôn tạo chỉnh trang các nghĩa trang liệt sĩ.

Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan huy động nguồn lực xã hội để tìm kiếm, quy tập, ứng dụng công nghệ và khoa học để lưu trữ, giám định ADN hài cốt liệt sĩ…

“Các đồng chí đại biểu tham dự hôm nay là đại diện tiêu biểu cho những người có công cả nước, là những người truyền cảm hứng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Tôi biết nhiều đồng chí mang trong mình thương tật của chiến tranh. Nhưng với bản lĩnh anh bộ đội Cụ Hồ, các đồng chí nói riêng và toàn thể các thương bệnh binh trên cả nước nói chung luôn nỗ lực không ngừng để tiếp tục cống hiến, đóng góp cho quê hương, đất nước, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Dù thương tật, dù tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn một ý chí, một tấm lòng hướng về đất nước”, Thủ tướng bày tỏ.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, đất nước chúng ta đang trải qua thời kỳ khó khăn do đại dịch Covid-19 với những biến thể mới rất nguy hiểm, khó lường và khó dự báo. Nhiều tấm gương về nghị lực kiên cường, lòng yêu nước, sự sẻ chia, tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn thách thức là nguồn cảm hứng đến từng người dân, truyền cảm hứng cho thế hệ sau để chúng ta phát huy các thành tựu của các thế hệ đi trước, cùng nhau chiến thắng đại dịch. Vừa chống dịch thành công, vừa phát triển kinh tế - xã hội nhưng quan trọng nhất hiện nay là tập trung chống dịch trên phạm vi cả nước, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.

Gần đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Nhận định này được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định và đa số nhân dân đồng tình, ủng hộ. Kết quả đó là sự kết tinh tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước và sự cố gắng của cả dân tộc ta, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có sự đóng góp của các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh và gia đình có công với cách mạng.

Theo Thủ tướng, cảm xúc về những ngày tháng 7 mãi sẽ lắng đọng trong mỗi chúng ta về sự hy sinh của các thế hệ, để xây dựng đất nước ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Bác Hồ- người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - sinh thời hằng mong muốn.

Một số hình ảnh tại cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện người có công cả nước:

Anh hùng Lê Duy Ứng phát biểu tại cuộc gặp mặt. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thương binh Lê Thịnh Vượng phát biểu tại buổi gặp mặt -Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu dự cuộc gặp mặt. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà tri ân các đại biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh, chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất tinh thần với người có công luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt và là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị -Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự cuộc gặp mặt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo VGP    

XÁC MINH DANH TÍNH LIỆT SĨ: NGÂN HÀNG ADN VÀ HÀNH TRÌNH 

KHÔNG NGỪNG NGHỈ

QUỐC PHONG /TVN 27-7-2021

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mới đây nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, khẩn trương thành lập ngân hàng ADN các hài cốt liệt sĩ và thân nhân.

Tôi rất mừng khi mới đây theo dõi trên báo chí thấy có cuộc làm việc của Chủ tịch nước với ban lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ nhân dịp 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.

Tại đây, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của những người đại diện cho các gia đình cựu chiến binh Việt Nam qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ông nói đến một ý rất quan trọng và cũng là điều mà hàng chục vạn gia đình liệt sĩ mong mỏi từng ngày.

Xác minh danh tính liệt sĩ: Ngân hàng ADN và hành trình không ngừng nghỉ
26 hài cốt liệt sĩ được quy tập về nghĩa trang Ba Dốc (Bố Trạch, Quảng Bình) tháng 5/2015. Ảnh: Hải Sâm

Ông yêu cầu Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với các bộ, ngành tập hợp, xử lý kiến nghị của các hội, trong đó có việc xác nhận nạn nhân chất độc da cam, nhất là đối với thế hệ thứ 3 sao cho có căn cứ khoa học và thủ tục nhanh chóng, đặc biệt là tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, khẩn trương thành lập ngân hàng ADN các hài cốt liệt sĩ và thân nhân để phục vụ việc xác định danh tính liệt sĩ.

Một thông tin không thể vui hơn dù tất cả đều biết, lúc này đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn thử thách bởi đại dịch Covid-19.

Mở rộng hợp tác quốc tế

Chúng ta đang mở rộng hợp tác quốc tế trong việc xác định danh tính liệt sĩ. Chúng ta cũng tham khảo thêm các phương pháp giám định ADN tiên tiến trên thế giới, nâng cao trình độ cho các giám định viên.

Từ 2013 - 2020, Việt Nam đã quy tập được 16.960 hài cốt liệt sĩ. Riêng trong nước là hơn 8.000, Lào hơn 2.600, Campuchia hơn 6.000 bộ hài cốt. Chúng ta cũng đã tiếp nhận gần 40.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ; Phân tích ADN được gần 24.000 mẫu để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, hơn 4.000 trường hợp đã được xác định, trong đó hơn 2.700 trường hợp bằng phương pháp thực chứng và hơn 1.300 trường hợp qua giám định ADN.

Đằng sau những con số biết nói ấy là biết bao tâm huyết, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ, chiến sĩ các đội quy tập hài cốt liệt sĩ.

Ban chỉ đạo quốc gia 515 và ban chỉ đạo các cấp đã tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác với các tổ chức, cá nhân có liên quan tại Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan nhằm chia sẻ, trao đổi thông tin liên quan đến bộ đội ta hy sinh, mất tích trong chiến tranh.

Công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ được triển khai sâu rộng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân. Nhiều cá nhân trong và ngoài nước đã chủ động cung cấp thông tin rất quý báu về liệt sĩ.

Khi nỗi đau nhân đôi

Gia đình tôi từng có nỗi đau bị nhân đôi chỉ vì sự vô cảm của người thực thi chính sách thiếu tế nhị.

Ông bà nội tôi có 3 người con trai đầu đều hăng hái tham gia tòng quân chống thực dân Pháp. Bác ruột tôi là con cả trong nhà. Ông hy sinh từ năm 1951 khi đang là đại đội trưởng. Thế nhưng Bảng vàng danh dự được Chủ tịch nước ký tặng gia đình từ cuối những năm 1950 ghi bác tôi hy sinh có ngoặc đơn: mất tích trong chiến đấu.

Vào năm 1971, 20 năm trôi qua, gia đình vẫn mù tịt thông tin về sự ra đi của ông. Một hôm, bà nội tôi lên Phòng LĐ-TB-XH Ủy ban khu hành chính Hồng Bàng, Hải Phòng (nay khu hành chính gọi là quận) để xác minh xem có tin tức gì mới không thì một cô nhân viên buông câu lạnh lùng: “Bác đừng trông chờ mất công. Có nhiều trường hợp hy sinh thời chống Mỹ còn chả tìm được huống hồ con bác hy sinh từ thời chống Pháp. Nay cũng đã 20 năm rồi còn gì nữa mà hy vọng tìm”. 

Bà tôi về nhà trong nỗi buồn xen cả sự tức tưởi bởi sự vô cảm của người thực hiện chính sách lạnh tanh kia. Bà ấm ức không chịu nổi nên đã lẳng lặng viết thư gửi ông Bí thư Thành ủy Hải Phòng ngày đó là Trần Kiên.

Thật bất ngờ, lá thư đó đã khiến ông Kiên động lòng và yêu cầu Uỷ ban khu hành chính Hồng Bàng cử lãnh đạo Phòng cùng cô chuyên viên nọ xuống xin lỗi gia đình tôi.

Một người cô ruột của tôi lên cơ quan đã vô tình kể lại câu chuyện buồn này cho mọi người cùng nghe. Và thêm một lần nữa trong nỗi đau lại có bất ngờ, ông thủ trưởng (cấp lãnh đạo ngành của thành phố) nghe được. Ông nhớ lại hồi kháng chiến có thời gian là đồng đội với bác tôi (do tên bác tôi rất hiếm trùng là Nguyễn Kỳ Tô,đại đội trưởng, thuộc Cơ quan Bộ Tổng tham mưu).

Thế là chính ông sau đó đã xác nhận cho gia đình tôi rằng, bác tôi hy sinh tại vùng Đông Bắc (Quảng Ninh ngày nay) trong một trận tiễu phỉ bị địch phục kích nên cả nhóm trinh sát đã cùng hy sinh với đại đội trưởng. Và người đồng đội ấy chính là ông Nguyễn Dần, sau này trở thành Chủ tịch UBND TP Hải Phòng. 

Gia đình mới vui một nửa, đó là được xác nhận năm và địa phận hoạt động rồi hy sinh của bác tôi, nhưng vẫn không tìm thấy hài cốt bác.

Hành trình không ngừng nghỉ

Từ câu chuyện này, tôi càng thấu hiểu nỗi đau của nhiều gia đình mà bao năm trôi qua vẫn chưa tìm ra tung tích, hài cốt của người thân. Chiến tranh càng lùi xa, sự hy vọng càng nhỏ lại bởi xương cốt không có gì che bọc tất sẽ bị phân hủy nhanh. 

Vì thế, để có thể tìm kiếm, quy tập được nhiều liệt sĩ hơn sẽ còn là cả một hành trình không ngừng nghỉ. Với những trường hợp đã hy sinh từ thời chống Pháp lại càng khó khăn bội phần. Đơn giản là bởi cuộc chiến ấy đã lùi xa nhiều thập niên, thời gian quá dài nên xương cốt bị phân hủy, chất lượng ADN lưu lại kém nếu không sớm xây dựng ngân hàng lưu trữ ADN liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ. Có những liệt sĩ không còn thân nhân để lấy mẫu…

Song, tôi tin rằng, trong số vài trăm ngàn liệt sĩ chưa xác định được danh tính, nếu cả hệ thống chính trị có quyết tâm cùng với trách nhiệm trước người hy sinh vì Tổ quốc thì không gì là không thể. 

Và nếu như có thêm một gia đình nào may mắn tìm được người thân thì cũng là lúc chúng ta đã bớt đi nỗi buồn cho một gia đình, một dòng họ, một xóm làng có người đã anh dũng hy sinh vì đất nước. Nếu càng chậm trong việc xây dựng ngân hàng gen hài cốt liệt sĩ và thân nhân, các thế hệ sau này càng khó khăn vất vả tìm kiếm hơn nhiều…

Quốc Phong

TƯỞNG NHỚ VÀ TRI ÂN KHÔNG CHỈ CÓ NGÀY 27 / 7

TRẦN TRUNG HIẾU/ 27-7-2021

Trong tiến trình lịch sử, có lẽ không có quốc gia nào lại phải đối mặt, phải chiến đấu và chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược với thời gian, mật độ, mức độ như Việt Nam.

Tháng 7 là tháng của kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ. Lịch sử là môn học có lợi thế nhất trong các môn học khoa học xã hội trong việc chuyển tải những thông điệp. Nhiệm vụ của các thầy cô dạy Sử chúng tôi là chuyển tải những thông điệp đó.

Những con số biết nói

Trong tiến trình lịch sử của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới, có lẽ không có quốc gia nào lại phải  đối mặt, phải chiến đấu và chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược với thời gian, mật độ, mức độ như Việt Nam. Và có lẽ cũng không ở đâu như Việt Nam, để có nền độc lập cho dân tộc, để thống nhất non sông, để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, rất nhiều giọt mồ hôi đã rơi, nhiều máu đã đổ.

Chỉ cần thống kê 2 con số về nghĩa trang liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ hiểu sâu sắc giá trị của độc lập dân tộc.

Tưởng nhớ và tri ân không chỉ có ngày 27/7
Hình ảnh mẹ Thứ bên mâm cơm đợi con được Đại tá Trần Hồng ghi lại

Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB-XH, cả nước hiện nay có trên 3.200 nghĩa trang liệt sĩ, trên 3.000 các công trình ghi công liệt sĩ, gần 200.000 hài cốt chưa được quy tập và gần 300.000 hài cốt đã được quy tập nhưng chưa đầy đủ thông tin về các anh, chưa xác định được danh tính, tên tuổi, quê quán, đơn vị. Tên các anh được ghi trên các tấm bia của mộ chí là Liệt sĩ chưa biết tên.

Việt Nam có nhiều nghĩa trang cấp quốc gia như nghĩa trang A1 (Điện Biên), nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9 (Quảng Trị), nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang)…

Đến nay, Đảng và Nhà nước đã phong tặng và truy tặng 139.275 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (số liệu năm 2020), trong đó có 4.962 mẹ còn sống. Quảng Nam là tỉnh có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất cả nước với 15.261 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tiếp sau đó là Bến Tre, Quảng Ngãi, Hà Nội...

Mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam có chồng, 9 con đẻ, 1 con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ. Mẹ Lê Thị Tự ở Quảng Nam có 9 con là liệt sĩ. Mẹ Trần Thị Mít ở Quảng Trị có chồng, 6 con đẻ, 1 con dâu, 1 cháu nội là liệt sĩ. 

Tháng 7 là tháng của tưởng nhớ và tri ân. Càng gần đến kỷ niệm 74 năm Ngày thương binh liệt sĩ, hơn ai hết những  giáo viên Sử chúng tôi càng thấu hiểu trách nhiệm của mình trong việc giáo dục cho các thế hệ học sinh của mình những giá trị đích thực của lịch sử.

‘Mùi’ chiến tranh chỉ còn phảng phất

Thế hệ học trò ngày nay đều sinh ra và lớn lên khi đất nước hoà bình, “mùi” của chiến tranh chỉ còn phảng phất qua những bài học lịch sử trong sách giáo khoa. Các em đã thật sự được ấm no, hạnh phúc để hưởng thụ thành quả của đất nước.

Tưởng nhớ và tri ân không chỉ có ngày 27/7
Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ là quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào ở nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, tỉnh Quảng Trị, tháng 5/2020. Ảnh: Tiến Nhật

Thế hệ trẻ các em đừng hững hờ khi đi qua các nghĩa trang liệt sĩ, đừng vô tâm trước các đài tưởng niệm, đừng vô cảm với những nỗi đau thương, mất mát của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Các em hãy ngẩng cao đầu khi tự hào nhìn lên lá cờ Tổ quốc trong lễ chào cờ trong âm hưởng bài “Tiến quân ca” ngân lên, hãy cúi đầu và dành phút nghiêm trang để tưởng nhớ, tưởng niệm những người đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu và hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc. Và khi các em cùng hát bài “Tiến quân ca”, cần hiểu sâu sắc tại sao nhạc sỹ Văn Cao lại viết “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước”.

Từ kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam đến chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, từ đường Trường Sơn trên đất liền (đường mòn Hồ Chí Minh) đến “đường Trường Sơn trên biển”, từ Trường Sơn đến Trường Sa, từ ngã ba Truông Bồn đến ngã ba Đồng Lộc... tất cả đều làm nên những tượng đài, nghĩa trang liệt sĩ.

Còn rất nhiều liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy hài cốt. Thân thể của họ vẫn còn nằm đâu đó ở các chiến trường Lào, Campuchia, lẩn khuất trong những khu rừng già, vách đá, thung lũng, nằm lạnh lẽo ở đáy sông, biển đảo. Đó cũng là nỗi day dứt khôn nguôi của đồng đội, của gia đình và tất cả chúng ta.

Giữ lửa thế hệ trẻ thời bình 

Cứ đến dịp tháng 7, rất nhiều đoàn cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và tổ chức đoàn thể hành hương về các chiến trường xưa. Nén tâm hương, vòng hoa đỏ và nhiều tiếng nấc nghẹn ngào của những người lính già và người thân chốn nghĩa trang, đài tưởng niệm.

Đó là đạo lý, là lẽ sống của những người còn lại sau cuộc chiến. Những cựu chiến binh đó đã tình nguyện chắt chiu thời gian, quyên góp tiền của và sức lực để miệt mài đi tìm đồng đội.

Điều quan trọng hơn là không chỉ đến dịp 27/7 chúng ta mới tưởng nhớ và tri ân. Mỗi cơ quan, doanh nghiệp hay cá nhân đều có thể đền ơn, đáp nghĩa, chắt chiu công sức, nguồn lực để tạo nên những quỹ nghĩa tình tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, đặc biệt là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. 

Đây là việc làm thiết thực nhất, ý nghĩa nhất của sự đền ơn, đáp nghĩa. Thế hệ trẻ thời bình hiểu rõ điều này và đang làm những gì có thể để tiếp nối ngọn lửa tri ân. Đó mới chính là ngọn nến luôn lung linh trong đêm. 

Trần Trung Hiếu

PHẢI CHĂNG TÔI ĐÃ BỊ NHẦM ?

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 27-7-2021

Nhân ngày 27 tháng 7 (ngày TBLS) tôi nhận được khoản tiến trên hai triệu là quà của các cấp chính quyền tặng gia đình liệt sĩ. Đó là khoản trích ra từ ngân sách, nghĩa là từ tiền đóng thuế của dân. Tôi biết ơn về sự quan tâm đó.

Gia đình tôi có 5 liệt sĩ là cha tôi và các con cháu của ông, được cấp giấy chứng nhận gia đình có công với cách mạng, mẹ tôi đạt tiếu chuẩn bà mẹ anh hùng.

Tôi đã từng tự hào vì gia đình có đóng góp xương máu cho công cuộc đấu tranh do ĐCS lãnh đạo. Tôi biết các thương binh liệt sĩ hy sinh xương máu là để phục vụ ĐCS làm cách mạng, làm chiến tranh. Họ nghe theo lời tuyên truyền của Đảng nói rằng để giành độc lập và thống nhất đất nước. Đúng là có việc đó thật, nhưng mục đích chính của ĐCS không phải vì việc đó. Độc lập thống nhất chỉ là mục đích ngắn hạn của họ. ĐCS phải lãnh đạo toàn dân giành cho được để thực hiện một mục đích khác cơ bản , quan trọng, đó là áp đặt chính quyền do họ lập ra và sự thống tri toàn diện lên cả đất nước. Mục đích chính của ĐCS là thực thi lý thuyết của Chủ nghĩa Mác Lê về đấu tranh giai cấp, về thiết lập nhà nước chuyên chính vô sản để đem lại đặc quyền đặc lợi cho phe nhóm của họ.

Đảng, như một cành tầm gửi bám vào cây chủ là dân tộc, hút nhựa từ cây chủ để phát triển, khai thác lòng yêu nước và sức mạnh của nhân dân để phục vụ cho lợi ích riêng là chủ yếu.

Độc lập, thống nhất chỉ là bước đầu, là điều kiện cần để ĐCS thực hiện sự thống trị chứ đó không phải mong ước chính của họ. Hy sinh xương máu của chiến sĩ, của đồng bào chính là để phục vụ cho mục đích cơ bản và lâu dài của ĐCS. Không có sự hy sinh đó ĐCS không thể có vai trò và quyền lực như ngày nay.

Sự hy sinh đó là một tổn thất lớn của dân tộc, nó cần được các thế hệ sau biết ơn và thờ cúng. Nhưng phải chăng tuyên truyền CS trong nhiều năm đã làm cho mọi người, kể cả những người đã đóng góp tính mạng, xương máu, hiểu sai ý nghĩa mục đích của sự hy sính ấy. Đó là hy sinh cho độc lập thống nhất chỉ là phần phụ còn chủ yếu là hy sinh để Đảng giành chính quyền, áp đặt sự thống trị lên toàn quốc, để Đảng có đủ điều kiện thực thi Chủ nghĩa Mác Lê, để được bám gót Trung cộng theo ý thức hệ cộng sản, áp đặt lên toàn dân một thứ đã bị nhân loại tiến bộ vứt vào đống rác.

Tuyên truyền CS đã lờ đi mục đích chính sự hy sinh của chiến sĩ và đồng bào, đã biến phần phụ thành chính. Phải chăng đó là do vô tình vì kém trí tuệ hay cố ý lừa dối. Riêng tôi thì đã từng hiểu nhầm và hình như đang ngộ ra sự thật. Phải chăng là như thế.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

HÀ NỘI-BẮC KINH VÀ VIỆC GỌI ĐÚNG TÊN CUỘC CHIẾN

HUY ĐỨC/ TD 24-7-2021

Ngày 21-7-2021, thượng tướng Đỗ Căn đã lên Hà Giang viếng các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh Biên giới (1979 – 1989). Đặc biệt, Thượng tướng đã thay mặt Đại tướng Phan Văn Giang, trao số tiền 50 tỷ đồng (do các doanh nghiệp Quân đội đóng góp) để nâng cấp Nghĩa Trang Liệt Sĩ Quốc Gia Vị Xuyên. Thượng tướng Đỗ Căn cũng đã thăm, tặng quà Đội Tìm kiếm, Quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ CHQS tỉnh.

Đại tướng Phan Văn Giang là một người lính đã chiến đấu và trưởng thành trong cuộc chiến tranh này. Việc làm của ông, ngay sau khi nhận quân hàm Đại tướng và chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là rất ý nghĩa.

Tuy nhiên, bản tin của báo Quân Đội Nhân Dân khi nhắc đến Nghĩa Trang Quốc Gia Vị Xuyên và Đài Hương 468 đều không nói rõ các liệt sĩ được an táng, được hương khói ở đó hy sinh trong cuộc chiến tranh nào.

Trong khi, trước đó một ngày, 20-7-2021, tại tỉnh Thiểm Tây, Quân đội Trung Quốc tổ chức một lễ rất trọng thể, khai trương Nhà kỷ niệm Chiến tranh biên giới Việt – Trung (Cuộc chiến tranh mà họ gọi là Cuộc chiến phản kích tự vệ Trung – Việt) nằm trong Công viên văn hóa du lịch Tái Thượng Quân. Đây không phải là công trình đầu tiên, Trung Quốc xây để tôn vinh cuộc chiến tranh xâm lược này và đau đớn nhất là công trình xây trên điểm cao 1509.

Ngày 16-5-1984, sau mười tám ngày dùng một lực lượng lớn tấn công, Trung Quốc chiếm và chốt giữ hai mươi chín điểm dọc biên giới Việt Nam, trong đó có 1509. Hàng ngàn người lính Việt Nam đã hy sinh trong các đợt phản công lấy lại các cao điểm ấy, kể từ năm 1984.

Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 2-2009, Đại tá Phó chỉ huy trưởng Biên phòng Hà Giang Hoàng Đình Xuất cho chúng tôi, phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, biết:

“Từ khi chiếm được điểm cao 1509, Trung Quốc cho xây dựng trên đỉnh một pháo đài quân sự. Ở phía bên kia, Trung Quốc xây được đường xe hơi lên tận đỉnh trong khi bên mình dốc, hiểm trở. Theo nguyên tắc mà hai bên thống nhất, đường biên giới đi qua đỉnh, cắt đôi pháo đài mà Trung Quốc xây dựng trên cao điểm này, nhưng khi hoạch định biên giới, phía Trung Quốc cho rằng, đây là một khu vực có ý nghĩa thiêng liêng nên họ xin được giữ lại toàn bộ pháo đài để làm du lịch. Đau xót là các nhà lãnh đạo của chúng ta đã đồng ý. Phần Việt Nam nhượng Trung Quốc ở đây tuy chỉ có 0,77 hecta nhưng, 1509 là một vị trí chiến lược. Từ trên pháo đài ấy có thể nhìn thấy từng chiếc ô tô ở thị xã Hà Giang”.

Sự hy sinh của hàng ngàn người lính Việt Nam ở 1509, ở Vị Xuyên, ở các mặt trận Biên giới từ 1979 – 1989, há chẳng thiêng liêng sao.

Bắc Kinh gọi cuộc chiến tranh xâm lược này là Cuộc chiến phản kích tự vệ Trung – Việt. Chúng ta không cần tranh cãi với quân ăn cướp, chúng ta chỉ cần ngay thẳng gọi đúng tên cuộc chiến thôi: Chiến Tranh Chống Quân Trung Quốc Xâm Lược.

Tại Nghĩa Trang Liệt Sĩ Quốc Gia Vị Xuyên, tại Đài Hương 468 và gần cả trăm nghĩa trang lớn nhỏ trên Biên giới phía Bắc nên có bia ghi rõ: Nơi An Nghỉ của Những Anh Hùng Liệt Sĩ Hy Sinh Trong Cuộc Chiến Tranh Chống Quân Trung Quốc Xâm Lược 1979 – 1989.

Tại lễ khai trương Nhà kỷ niệm Chiến tranh biên giới Việt – Trung, các tướng là cựu binh Trung Quốc còn tặng sách mà họ đặt tựa đề là “Tổ Quốc Trong Tim”.

Tôi biết, có những cuốn sách rất thật do các cựu binh QĐND Việt Nam viết về cuộc chiến tranh Vệ Quốc vĩ đại mà họ tham gia này đã chờ mấy “17 tháng Hai” rồi, đến nay vẫn chưa được cấp phép. Không chỉ có sách báo, trong các bảo tàng lịch sử cũng cần có không gian tương xứng cho cuộc chiến tranh Biên giới.

Không thể có một tương lai hòa bình vững chắc nếu các thế sau không biết sự thật về lịch sử, nhất là phần lịch sử còn có thể được viết bởi những người đã trực tiếp tham gia.

Ngày này của 42 năm trước, nhiều người bạn tuổi Nhâm Dần của tôi đã nhập ngũ trong khuôn khổ “Lệnh Tổng Động Viên”, đợt Hai, 24-7-1979. Chúng tôi nhập ngũ đợt Một, trước đó 4 tháng 10 ngày.

Hàng trăm ngàn thanh niên ở thế hệ chúng tôi đã tàn phế, đã bỏ mình trên biên giới phía Bắc hoặc ở Campuchia. Chúng ta đã làm được rất ít cho họ, từ quy tập hài cốt cho đến chăm sóc các thương binh. Điều tử tế tối thiểu để an ủi các anh linh, theo tôi, là phải gọi đúng tên cuộc chiến.

Họ đã cầm súng và hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc, chống quân xâm lược Trung Quốc; họ không còn cơ hội để chiến đấu với sự sợ hãi vô cớ của chúng ta.

PS: Theo Cựu UVTW Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại Giao Nguyễn Đình Bin:

“Hiện Trung Quốc đã xây dựng xong Nhà kỷ niệm tác chiến phản kích tự vệ đối với Việt Nam, Nhà ký ức Nam Cương (biên giới phía Nam), Tháp kỷ niệm anh hùng cách mạng đỏ và các hạng mục trưng bày vũ khí mô phỏng, thể nghiệm huấn luyện quân sự, đi lại con đường trường chinh, xuyên rừng… Là khu công năng tổng hợp về giáo dục quốc phòng, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, giáo dục cán bộ đảng viên, giáo dục khoa học, đào tạo, hội nghị, nghiên cứu, tham quan, du lịch.

Tính đến nay, Công viên này đã tổ chức hơn 900 hoạt động đào tạo, giáo dục, huấn luyện quân sự cho học sinh trung tiểu học, cơ quan chính quyền, đơn vị sự nghiệp và cán bộ đảng viên, với hơn 110.000 người tham gia đào tạo. Các giới trong xã hội đến tham quan du lịch, thể nghiệm cuộc sống quân đội, tham gia giáo dục quốc phòng chủ nghĩa yêu nước lên tới hơn 1.2 triệu lượt người…”


CHUYỆN THƯƠNG BINH

NGUYỄN THÔNG/ TD 27-7-2021

Hôm nay 27.7 lịch dương nhưng lại là ngày tưởng nhớ biết ơn liệt sĩ-thương binh, một dạng lễ kiểu lịch âm, tưởng nhớ người đã khuất.

Dĩ nhiên không phải ai chết cũng được nhớ dù cuộc chiến tranh năm xưa, binh đao máu đổ làm chết biết bao người. Có rất nhiều hồn ma, người cụt người què khốn khổ bị chôn vùi, quên lãng, chỉ bởi họ bị xô đẩy vào trận huynh đệ tương tàn và bị thua cuộc. Đánh nhau do ý thức hệ thì sự phân biệt cũng từ ý thức hệ.

Xứ ta thời hậu chiến, lực lượng thương binh (của phe thắng cuộc) là một dạng vết thương xã hội, lâu lâu gặp khi trái gió trở trời lại sưng tấy, mưng mủ, đau nhức. Một loại đối tượng rất nhạy cảm, nếu không có chính sách đối xử hợp lý hợp tình sẽ dễ sinh chuyện. Điều ấy cắt nghĩa vì sao chính quyền phải có hẳn một bộ gọi tên “Lao động – Thương binh – Xã hội”, tức là thương binh được xem như một đơn nguyên ngang hàng với “lao động” và “xã hội”.

Cuộc chiến tranh tương tàn đã lùi hơn 46 năm, tuy nhiên vấn đề thương binh sẽ còn phải kéo dài vài chục năm nữa. Mai ngày từ “thương binh” sẽ chỉ còn trong quá vãng, những chiếc xe tự chế, những tổ hợp 27.7, nhưng cơ thể “tàn nhưng không phế”, những chính sách ưu tiên, và cả những phũ phàng trong sự đối xử với người có công với đảng, v.v.. sẽ thưa vắng và tắt dần. Cũng chưa biết rồi cuộc sống, xã hội không còn thương binh sẽ như thế nào, chi bằng lúc này đây, khi thương binh vẫn hiện diện như một thực thể bằng xương bằng thịt, hãy giải quyết sao cho có lý có tình.

Trước hết, nói về thương binh. Tôi luôn kính trọng những người đã đổ máu hy sinh. Vẫn hiểu rằng cuộc chiến tranh mà họ tham gia có rất nhiều phi lý, nhưng thời thế đã vậy, phận làm trai phải ra nơi chiến địa, “gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao”. Người cộng sản giành được phần thắng, điều đương nhiên họ phải trả món nợ máu xương cho thương binh liệt sĩ của họ.

Phải công bằng nhận xét thế này: Nhà nước đã có khá nhiều ưu đãi cho thương binh, nhưng cũng còn rất nhiều sự đối xử phũ phàng. Không ít người từng bỏ lại phần thân thể ở chiến trường khi trở về quê nhà vẫn chịu cảnh đối xử bất công, cuộc sống cơ hàn, nghèo khó, phận dưới đáy xã hội. Nói đâu xa, một nhân vật mà nhiều người biết, nhà văn nhà thơ Hoàng Cát, tác giả truyện ngắn nổi tiếng “Cây táo ông Lành”, cụt chân ở chiến trường Quảng Đà, suốt mấy chục năm hậu chiến phải vất vưởng sống vỉa hè, mọi chế độ thương tật bị cắt bỏ, không được thừa nhận là thương binh, dù chỉ còn một chân.

Mãi sau này, người ta mới phục hồi quyền lợi cho ông, lúc ấy cũng muộn rồi. Chả khác gì bê đĩa cơm sườn hoặc bát canh xương ống mời một ông rụng hết răng, bảo mời bác xơi cơm. Dạng được đối xử ân cần như bác thương binh nặng nhà văn Sơn Tùng (vừa mất hôm kia) hiếm lắm. Ai muốn biết cách nhà nước đền ơn thương binh thế nào, nên đọc những cuốn sách của cô Phan Thúy Hà, như “Tôi là con gái của cha tôi”, “Những trích đoạn của các anh”.

Ở một nước trải qua hết cuộc chiến tranh này tới cuộc đánh nhau khác, hết trong nhà nện nhau lại tới đánh với “bạn” ngoài, đội ngũ thương phế binh nhiều vô kể. Chỉ kể riêng cuộc nội chiến 1954-1975, khi chiến tranh kết thúc, bên thắng cuộc đương nhiên có chính sách đãi ngộ thương binh, còn thương phế binh phe bại trận tuyệt đối không chút gì. Nếu có chăng, chỉ là được vào trại tù học tập cải tạo, sau đó tự lang thang bến tàu bến xe kiếm sống bằng sự què cụt của mình. Nhiều năm sau “giải phóng”, ở miền Nam nhan nhản những hình ảnh thương phế binh quân đội Sài Gòn chịu thân phận sống dưới đáy xã hội như vậy. Tội của họ là để thua, vậy thôi. Được làm vua, thua chịu thiệt. Tới ngày 27.7, có lẽ họ là người ngậm ngùi thân phận nhất.

Tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn từ ngày 28 tháng 12 năm 2015 đến ngày 6 tháng 01 năm 2016. Ảnh: RFA

Rồi sau này lịch sử sẽ đánh giá lại những nguyên nhân cuộc chiến. Nếu chiến tranh bảo vệ tổ quốc chống Trung cộng xâm lược biên giới phía bắc (1979-1989) thì chính nghĩa đã đi một nhẽ, đằng này nhiều khi chỉ vì để thực hiện ý chí nhất thời của một ai đó, một ý thức hệ sai lầm nào đó mà họ, người cộng sản, lôi cả dân tộc vào vòng binh đao, gây bao nhiêu mất mát, tang tóc đau thương, cuối cùng cũng chỉ để “góp thây trăm họ nên công vài người”, thì cần được bạch hóa dần, trả lịch sử về đúng sự thật của nó.

Có những sự thật phải mất trăm năm, thậm chí vài trăm năm mới phô bày như nó vốn có. Rồi tới ngày dân xứ Việt sẽ cùng nhau ngẫm lại lời của một nhà lãnh đạo, ông vua nước láng giềng Thái Lan “Các ngài (Việt Nam) tự hào đánh thắng hai đế quốc to, còn chúng tôi thì tự hào không phải đánh nhau với đế quốc nào cả”.

Thời tôi sống, suốt nhiều thập niên, ngoài chuyện “ra ngõ gặp anh hùng” thì còn “ra ngõ gặp thương binh”. Không cần nói đâu xa, làng tôi trai tráng cứ vừa đủ tuổi 17 là lũ lượt ra trận, có năm vài ba lần bắt lính (còn gọi là đi nghĩa vụ quân sự).

Chiến trường A, B, C, D đều khát lính. Bao nhiêu cũng không đủ. Ông Huy anh họ tôi từng ngậm ngùi bảo các bà mẹ đẻ con không kịp cho người ta bắt. Huyện đội về tuyển quân, khám qua loa xong rồi trai làng về chia tay gia đình, thịt con gà làm mâm cơm tiễn biệt rồi đi. Chia tay chỉ có khóc bởi biết tiễn nhau vào cõi chết. “Gió hiu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê”. Nhiều người đi mãi không về, không bao giờ về nữa. Xã Thụy Hương quê tôi bé tí, chỉ vài ngàn khẩu nhưng nghĩa trang liệt sĩ hơn trăm ngôi mộ. Trong số những người may mắn thoát khỏi định mệnh “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (xưa nay ra trận mấy ai trở về), rất nhiều người thành thương binh.

Ông anh ruột tôi, học hết lớp 10, giấy gọi vào đại học có trước, giấy nhập ngũ tới sau nhưng “cái sau đè cái trước”, tháng 10.1969 hành quân vào nam. Bị thương ở mặt trận Nam Lào, sau đó vào sâu tiếp lại bị thương trên chiến trường Bình Định, năm 1975 ra bắc nhập trại thương binh bên huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) chữa trị mấy tháng mới được hồi hương. Vết thương chìm trong người nên trông cơ thể vẫn lành lặn, may không bị què cụt. Giờ trong người ông anh vẫn còn một vài viên bi bom chưa lấy ra được.

Tôi nhớ như in cái thẻ thương binh của anh tôi do trung tá Lương Tuấn Khang (quân khu 3) ký, sau khi anh tôi đi Liên Xô học giao cho tôi bảo quản, thỉnh thoảng nó được trưng dụng “bất hợp pháp” để mua vé tàu vé xe tuyến Hà Nội – Hải Phòng dịp tết, dịp hè. Dạo thập niên 1970, từ Hải Phòng đi Hà Nội thường phải mất ít nhất 1 ngày mới tới nơi. Có khi 2 ngày chỉ cho quãng đường 104 cây số.

Tết năm Bính Thìn 1976, tôi đi chuyến tàu điện tinh mơ ra bến Nứa, chen chúc xếp hàng mua được cái vé ô tô khách thì đã 3 giờ chiều, chờ xe mất thêm cả tiếng nữa, xe về tới bến hồ Quần Ngựa Hải Phòng thì đã khuya, không còn xe về huyện. Ngủ vật vạ bến xe, sáng hôm sau lại xếp hàng mua vé về huyện Kiến Thụy, tới trưa mới đến nhà, tính ra hết đúng ngày rưỡi cho hơn 120 cây số (về tận nhà). Lúc quay lại trường, nhờ có bảo bối ưu tiên, chiếc thẻ thương binh, chỉ mất hơn nửa ngày. Giờ nghĩ lại, cũng biết mình sai, tham nhũng vặt, nhưng khổ quá nên làm “bậy”.

Hai thương binh khác ở làng tôi, hơn tôi 1 tuổi, học trước tôi 1 năm, cùng vào Nam năm 1971, là Nguyễn Minh Trí (gọi tôi bằng chú) và Nguyễn Đức Vê. Bọn hắn cùng đi và cùng trở về, cùng bị cụt một tay, cùng nhập trại Vĩnh Bảo. Chỉ khác tí xíu: Trí thuận tay phải thì cụt ngay tay phải, cưa tới gần vai; anh Vê thuận tay trái thì mảnh bom xơi béng ngay tay trái. Cùng về học sư phạm 10 + 3 Kiến An, ra làm thầy giáo. Còn mỗn tay, lại không thuận, học và sinh hoạt rất vất vả. Trí làm tới hiệu trưởng nhiều trường cấp 2, về hưu vẫn tham gia vào các hoạt động xã hội.

Trí mỗi lần mua vé tàu xe, đưa thẻ thương binh ra, thấy nhân viên bán vé ngắm nghía soi mói nghi ngờ có phải thương binh thật không, liền thò cánh tay cụt vào ô cửa ngoáy ngoáy. Khỏi cần giải thích. Anh Vê từng nổi tiếng với vụ cùng một số thương binh “nhảy dù” chiếm nhà trong khu tập thể mới xây ở đường Trần Nguyên Hãn nội thành. Đầu đuôi là việc thương binh bị đối xử thậm tệ, không nơi ăn chốn ở, làm đơn xin nhà mãi không được, trong khi cán bộ lành lặn trốn ở hậu phương thời chiến tranh lại được cấp hết nhà này tới nhà khác. Các chiến sĩ què cụt nhà ta bèn tập hợp nhau lại hơn chục vị, thấy khu nhà kia vừa xây xong bèn tiền trảm hậu tấu. Nghe đâu chính quyền Hải Phòng của ông Đoàn Duy Thành hồi đó phải xử lý mãi mới ổn vụ này.

Một ông bạn khác của tôi, cùng lớp suốt thời cấp 3, cũng thương binh. Y tên Vũ Trường Thành, người xã Minh Tân, cùng huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Học toán rất giỏi, cỡ… Ngô Bảo Châu bây giờ, hì hì. Năm 1972, tháng 3, đang học dở lớp 10, chuẩn bị thi tốt nghiệp thì y và nhiều bạn trong lớp, cùng cả thầy Mễ chủ nhiệm, bị gọi nhập ngũ bổ sung cho chiến trường Quảng Trị, nơi được mệnh danh là cối xay thịt, mỗi ngày mất hẳn một đại đội.

Đánh trận thành cổ xong, cùng chiến hào với những tên tuổi sau này như Đinh Thế Huynh, Lê Duy Ứng, Nguyễn Quốc Triệu…, y còn bị đưa vào tận mặt trận Quảng Đà, bị thương rồi mới ra bắc. Cũng học sư phạm 10 + 3 Kiến An, dạy toán ở nhiều trường, khi An Đà, khi Anh Dũng, có tiếng, học trò rất quý. Tính thẳng thắn, ngang như cua, gặp điều gì vướng tai trái mắt quật luôn, chửi luôn, ban giám hiệu cũng phải sợ và phục.

Điều đáng nói, hầu như năm nào dịp 27.7 y cũng lần mò vào tận chiến trường xưa, tới thành cổ, tới nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9 thắp hương cho đồng đội trận vong. Cứ mỗi lần kể cho tôi nghe những chuyến về nguồn, y đều chảy nước mắt, làm tôi cũng khóc theo. Y thường kết luận, đéo mẹ chúng nó, bao nhiêu người chết vùi thân nơi rừng xanh núi đỏ, bao nhiêu thằng què cụt, thương tật như tao, để bây giờ chúng nó gây ra cái xã hội khốn nạn như thế này, mày thấy có tức không.

Năm nay 27.7 ngày trận vong, bạn tôi không thể vào các đại nghĩa trang thắp hương và khóc nữa, bởi vết thương đã nổi cơn tàn phá và đưa bạn đi gặp đồng đội cõi âm vào cuối năm ngoái ta mất rồi.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét