Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021

20210226. TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG SAU ĐẠI HỘI XIII

 ĐIỂM BÁO MẠNG


BÁO ĐĂNG BÁC TRỌNG TRỒNG CÂY...

CÁNH CÒ/ Blog VOA/ TD 21-2-2021 


Đây là nói báo Đảng, báo dòng chính, báo có “thẻ đảng” vắt vai chứ không phải là loại báo lang thang trên mạng.

Năm 2018 tức là ba năm trước, bài báo được VTC đăng trên trang nhất có tựa “’Diễn’ khi trồng cây: Căn bệnh lệch lạc về nhận thức, văn hoá của một bộ phận quan chức” có nội dung rất mạnh mẽ chống lại việc quan chức trồng cây trong các dịp lễ lạc. Những thân cây già khụ được các ông quan tới cầm một sô nước tạt vào và thế là một tấm bảng “kỷ niệm” mọc lên đỏ thắm ghi chép tên tuổi, chức vụ, công trạng, ngày giờ trồng cây cho hậu thế chiêm ngưỡng.

Trong bài báo ấy ghi lại một ý kiến được xem là mạnh mẽ, trực diện và không khoan nhượng trước cái hủ tục đáng lên án trong thời đại ngày nay. Ý kiến ấy của ông đương kiêm Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với nguyên văn như sau:

Trong phiên họp đầu xuân về tình hình và kết quả thực hiện chỉ thị 16 của Ban Bí thư về tổ chức Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, khi nói về chuyện trồng cây dịp Tết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận xét:

“Hôm trước chúng tôi nêu cái ý định là năm nay làm một cái Tết trồng cây bảo vệ rừng vì cái nạn phá rừng nhiều quá mà. Làm sao cho nó thiết thực, cứ cầm cái xẻng nghêu ngao, cầm ra lút cán, trông là người ta biết ông này không phải là trồng cây. Gẩy gẩy mấy tí đất, chân thì đi giày, xong lại đưa cái khăn với chậu nước, nó phản cảm quá.

Cây thì to đùng ra, xây sẵn cái vòng xung quanh rồi. Cái đó đã nói rồi nhưng mà dưới địa phương không chịu chuyển, cứ chuẩn bị sẵn. Thậm chí cái cán xẻng tôi nói nhiều lần lắm rồi, quấn xanh xanh đỏ đỏ này, rồi thì bác trồng cây bác phải đi găng tay, xong rồi ra có người đưa cho cái khăn lau tay này. Tôi bảo không, tớ nông dân quen rồi, phủi thế này sạch rồi”.

Sau khi huấn thị được ban ra người ta thấy rất nhiều tung hô trên báo chí lẫn trên cộng đồng mạng. Ai cũng phấn khích trước ý kiến của ông Trọng và cho rằng đã đến lúc Ban bí thư nhìn lại vấn đề quá “trơ trẽn và khôi hài” này và đích thân TBT lên tiếng thì chắc rằng từ nay trò hề “trồng cây gây rừng” sẽ âm thầm lùi vào quá khứ. Có người còn sướng quá kêu lên “Bác Tổng ơi xin ra lệnh bứng hết những cái bảng ghi công và ném chúng vào sọt rác lịch sử Bác nhé!”

Cơn lên đồng nào rồi cũng phải hạ xuống khi con đồng thăng khỏi xác con nhang. Bao nhiêu vụ việc tiếp theo làm người dân bị xoay như chong chóng nên những câu nói “để đời” của ông Trọng không lâu sau đó đã phai nhạt cùng với những đồng chí cộm cán xếp hàng vào ngục thất…Cái lò của bác Trọng lại âm ỉ cháy cho tới khi con Covid-tàu bá chủ thế giới gây tang tóc cho bao người thì mọi tiếng tốt lại tiếp tục đổ về Việt Nam vì thành quả chống Covid không thua chống Mỹ.

Bác Trọng, hơn ai hết lại làm thơ ca tụng Đảng của bác, và lần này bác chẳng những ca tụng mà còn biết ơn tiền nhân đã ưu ái đặt bác tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa, và để tỏ lòng tôn kính bác cùng với những bác khác dẫn nhau đi…trồng cây! Việc làm mà ba năm về trước bác mỉa mai thiếu đìều muốn nói là hằn học.

Tờ báo đăng bản tin lần này lớn hơn lần trước, vì nó là báo chính phủ, báo của…bác Trọng. Tờ báo loan tải tin tức bình thường như mọi năm, một mẩu tin vô thường vô phạt nói về sinh hoạt của Tổng Bí Thư, tờ báo viết:

(Chinhphu.vn) – Nhân dịp năm mới Tân Sửu 2021, chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp, sáng 17/2 (tức mùng 6 Tết Tân Sửu), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dâng hương tưởng niệm các bậc tiền nhân và trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long ở thủ đô Hà Nội.

Bản tin thì phải có hình đi kèm, và đây, bác Trọng đang tưới cây…điệu bộ y khuôn những lời bác từng mô tả bọn “diễn tuồng”: Cây thì to đùng ra, xây sẵn cái vòng xung quanh rồicứ cầm cái xẻng nghêu ngao, cầm ra lút cán, trông là người ta biết ông này không phải là trồng cây. Gẩy gẩy mấy tí đất, chân thì đi giày, xong lại đưa cái khăn với chậu nước, nó phản cảm quá

Vậy là mạng xã hội lại nhao nhao lên, có kẻ tức quá chửi tục, có người nhẹ nhàng hơn thì bấm mặt giận, có người lại đập bàn phím ầm ầm kêu hết tên của cả Bộ Chính Trị ra mà ấn cho cái tên Bọn Cá Tra!

Chỉ có bác Trọng là vô sự, bởi bác hiểu rõ tâm lý của bọn con dân: Chỉ một lúc rồi đâu cũng vào đấy.

Bác hiểu thế nên bác mạnh dạn tự nhận thêm một nhiệm kỳ nữa với câu chữ “hết sức đặc biệt” và bác còn tâm sự rằng bác đã già yếu không thể chịu nỗi cái nợ “tai biến” vẫn còn trên vai nhưng BCT khẩn khoản quá nên bác đành phải cắn răng mà nhận gánh nặng quá lớn này. Bác biết khi nói như vậy rất nhiều người mủi lòng và tiếp tục ủng hộ bác.

Vì vậy tuy hôm trước nói bác chỉ nhận nửa nhiệm kỳ thôi nhưng do yêu cầu cấp thiết của bối cảnh đất nước hiện nay bác không cam lòng nhìn các đồng chí của mình chống các loại giặc một cách khó khăn và cô độc.

Giặc thì có rất nhiều, giặc tham nhũng, giặc tham quyền cố vị, giặc phản động, giặc túm áo nông dân làm thành phong trào dân oan, giặc ăn đất cạp rừng, giặc làm ít nói nhiều, giặc bầu đoàn thê tử làm quan, giặc con ông cháu cha ăn tàn phá hại, giặc dốt mua bằng, giặc dự án không lối thoát…

Vậy thì cầm cây xẻng quơ quơ, nghêu ngao quào ít đất xuống cái cây cổ thụ thì có tội gì bao lớn phải không nhân dân?

KHI NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU NÊU GƯƠNG XẤU

JB NGUYỄN HỮU VINH/ Blog RFA/ TD 21-2-2021


Ông Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo đảng CSVN tại Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Thượng bất chính, hạ tắc loạn

Câu thành ngữ nêu trên thường được sử dụng trong xã hội Việt Nam như một lời nhắc nhở, rằng từ trong gia đình ra đến xã hội, người đứng đầu phải nghiêm chỉnh và nêu gương sống chính trực, ngay thẳng thì mới mong xây dựng được một tập thể mạnh, đoàn kết và hướng đi lên.

Trong gia đình, muốn có một gia đình êm ấm, hòa thuận và đoàn kết và tin tưởng lẫn nhau, con cháu ngày càng phát triển, thì người đứng đầu là ông bà, cha mẹ phải là tấm gương cho con cái học tập noi theo.

Trong một gia đình mà người bố rượu chè, cờ bạc hay nghiện hút, chơi bời thì khó có thể có một sự tôn trọng trong gia đình từ con cái, cháu chắt để có thể điều khiển gia đình mình đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển. Ngược lại, các thành viên sẽ nhiễm thói ích kỷ, tham lam với chính những người thân thích ruột thịt của mình. Từ đó, gia đình bại hoại, gia phong đảo lộn.

Trong xã hội, người lãnh đạo là tấm gương đển cho mọi thần dân, công dân trong xã hội lấy đó làm mẫu để noi theo mà chấp hành luật pháp, quy định xã hội nghiêm túc, có vậy mới xây dựng được một xã hội bình đẳng, an ninh và thúc đẩy xã hội tiến bộ.

Đặc biệt là với văn hóa phương Đông, khi người dân đã sống qua nhiều thời kỳ quân chủ, phong kiến thì nếp sống noi gương đã trở thành một nét văn hóa khó có thể thay đổi. Người dân thường hay đi tìm thần tượng và thần tượng hóa các lãnh đạo như những tấm gương để noi theo và giáo dục lẫn nhau trong đời sống xã hội.

Người dân Việt Nam xưa nay vẫn vậy, họ đồn thổi, họ khâm phục hoặc bàn tán nhiều khi chỉ về một cử chỉ, lời nói từ miệng hoặc cách hành xử trước thiên hạ của nhà vua, của người đứng đầu đất nước… để rồi quan đó, học tập noi gương hoặc biện minh cho những hành động của mình trong thực tế.

Trong xã hội mà người trên không chính trực, làm bậy thì kỷ cương mất nghiêm, người cấp dưới sẽ khinh nhờn “Bởi trên ở chẳng chính ngôi-cho nên kẻ dưới chúng tôi hỗn hào”.Từ đó mà sinh ra lòng tà: Tham nhũng. cửa quyền quan liêu, hà hiếp, áp bức thường dân, gây nên sự thất tín, phẫn nộ rồi đảo lộn ký cương dẫn đến “Tức nước vỡ bờ”…

Quá trình phát triển xã hội đã cho thấy: Người có trọng trách, cần cán cân công lý trong xã hội mà không công minh chính trực thì dân tình, xã hội rối loạn.

Chính vì vậy, nhà cầm quyền CSVN sau khi cướp chính quyền về tay mình, đã nhanh chóng dựng lên thần tượng Hồ Chí Minh hết sức tròn trĩnh, lộng lẫy về trí tuệ và đạo đức bằng cả hệ thống tuyên truyền hùng hậu để cho người dân noi theo. Dù Điều này trái ngược với lời Hồ Chí Minh kêu gọi “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Người dân Việt Nam đã có thời đồn đại bằng những câu chuyện lan truyền âm ỉ trong dân chúng về một Hồ Chí Minh tài đức cao vời, hy sinh rất mực cho đất nước và dân tộc, yêu thương người dân, sống giản dị và hòa đồng… thôi thì đủ mọi thứ tốt đẹp về lãnh tụ thiên tài của mình. Một lời nói, hành động của Hồ Chí Minh đều được thần thánh hóa, linh thiêng hóa đối với thần dân. Từ những lời nói, cách ăn mặc, từ một hành động cho đến đời tư, tất cả đều lung linh đẹp đẽ.

Và người dân đã bao năm nay, được đảng kêu gào, đổ ra cả đống tiền của nhằm tạo thành phong trào “Học tập và làm theo” một con người cách họ cả hơn thế kỷ.

Thật ra, chính Hồ Chí Minh sau những tác phẩm kêu gọi “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”  thì chính ông ta đã là người tự viết những cuốn sách tự ca ngợi mình núp dưới những cái tên khác. Những tác phẩm như “Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” mang tên Trần Dân Tiên, “Vừa đi đường vừa kể chuyện” mang tên T. Lan là những bằng chứng không thể chối cãi về sự trái ngược giữa lời nói và việc làm của người cộng sản.

Nhưng điều này nói lên rằng: Trong chế độ cộng sản, việc dựng lên một thần tượng để người dân lấy đó làm gương mà học tập, làm theo… là một nhu cầu không thể thiếu.

Người cộng sản vốn coi người dân như đàn cừu cần một cái bóng để được che chở, noi gương. Ở đó, hình ảnh lãnh tụ luôn là khuôn mẫu, là sự toàn vẹn từ đời sống cá nhân, đạo đức lẫn trí tuệ. Tất cả đều được tô vẽ đẹp đẽ để người dân có thể chết, có thể lao mình vào lửa, chấp nhận đổ máu xương mà bảo vệ.

Khi người lãnh đạo nêu gương xấu

Thế nhưng, những hình ảnh và lời nói, hành động gần đây của người đứng đầu đảng và đất nước hiện nay hoàn toàn khác.

Sau một thời gian dài mông muội, cai trị xã hội theo kiểu nghị quyết và lệnh miệng từ ý thích của một quan chức, lãnh đạo nào đó bất chợt nghĩ ra hoặc học theo một mẫu hình nhập khẩu từ các nước “đàn anh trong phe XHCN” để lại một hậu quả là xã hội vô kỷ cương, không luật pháp và hỗn độn.

Khi bước vào sân chơi thế giới, Việt Nam mới bắt đầu những bước sơ khai về việc xây dựng một nhà nước pháp quyền, cai trị xã hội bằng luật pháp và những nguyên tắc bằng văn bản.

Mặc dù nơi nơi, ở bất cứ chỗ nào, trước đây cũng đầy rẫy câu khẩu hiệu “Sống, chiến đấu lao động và học tập theo gương bác Hồ vĩ đại” thì ngày nay là “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”.

Nhìn bên ngoài xã hội, cứ căn cứ những câu khẩu hiệu nhan nhản khắp nơi, người ta cứ ngỡ rằng ở Việt Nam cũng có một “Nhà nước pháp quyền” như thật?

Tiếc thay, tất cả những điều đó, được thực hiện bằng cách du nhập từ nước ngoài rồi “Việt Nam hóa” bằng cách hết sức… cộng sản.

Những cái gọi là cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đều có đủ, có điều là nó không bình thường, bởi tất cả đều là “3 trong 1”. Tất cả dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng. Do vậy, việc các cơ quan này hoạt động độc lập, công tâm, vì công lý, công bằng, bình đẳng và thượng tôn luật pháp là sự xa xỉ ở Việt Nam.

Bởi ở đó, đảng vẫn là một tổ chức đứng ngoài vòng luật pháp, là một tổ chức siêu quyền lực dù chỉ với một nhúm đảng viên so với tổng dân số Việt Nam. Thế nên, mọi nghị quyết, mọi hoạt động của đảng đều là khuôn vàng thước ngọc để mọi người dân thực hiện, dù nó sai lầm, dù nó là phản động, bán nước, chỉ nhằm giữ sự cai trị của đảng trên toàn bộ đất nước. Ở đó người dân chỉ là trâu ngựa lo cày cuốc bán sức mình để nuôi hệ thống đảng đồ sộ ăn tàn phá hại và chỉ nhằm lo trấn áp họ.

Trong đảng, với hàng triệu đảng viên, thì sự thuần phục với một nhóm người có chức vụ, quyền hạn là một nguyên tắc. Tất cả đều bị chi phối bởi vài trăm đảng viên trong cái gọi là Ban chấp hành Trung Ương, rồi cái Ban này lại thuần phục một nhóm nhỏ hơn mang tên Bộ Chính trị. Tiếp theo là cả hơn chục người trong Bộ Chính trị được dẫn dắt bởi Tổng Bí Thư, mọi hành vi của TBT được coi như mẫu gương, là mệnh lệnh và mọi ý thích của cá nhân này là tuyệt đối.

Thế nhưng, đến một lúc nào đó, sự tan rã trong ý thức, sự tranh giành phe nhóm trong đảng đến hồi kịch liệt, sự mâu thuẫn giữa mớ lý thuyết quái gở và thực tế cuộc sống của đất nước, của người dân đã đặt đảng vào thế bí không thể gỡ.

Thì khi đó, chính cá nhân Tổng Bí thư cũng bất chấp chẳng cần là gương mẫu dù chỉ là hình thức, mị dân trước quốc dân đồng bào.

Điều này được khẳng định bởi Nguyễn Phú Trọng đã chứng minh trước cả bàn dân thiên hạ qua những hành động, lời nói của mình trong đảng và trước người dân.

Người ta thấy trước Đại hội 12 của đảng, Nguyễn Phú Trọng chính là người đã hô hào to nhất, mạnh miệng nhất rằng: “Kiên quyết loại ra khỏi Trung ương những kẻ tham quyền cố vị và cơ hội”. Thế nhưng, ở đại hội đó, chính ông ta đã bằng mọi cách, kể cả phá vỡ Điều lệ Đảng, là Kinh Thánh, là cẩm nang của đảng để tự đặt mình vào “trường hợp đặc biệt” để ngồi ghế Tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ. Người dân đã đặt câu hỏi rằng: Vậy thì ai là kẻ tham quyền cố vị và cơ hội ở đây?

Kế đó, khi người ta đặt vấn đề rằng: Thôi thì để luôn chức Bí thư và Chủ tịch huyện cho một người làm, đỡ… tốn cơm dân, thì chính miệng ông ta đã nói rằng: “Chủ tịch và bí thư là một thì to quá, ai kiểm soát nổi ông”. Thế nhưng sau đó, chính ông ta lại ôm luôn một lúc hai ghế cả ghế Tổng Bí thư lẫn Chủ tịch nước. Lúc này, ông chẳng cần quan tâm đến điều ông đã nói: Ai kiểm soát nổi ông?

Cứ tưởng đại nạn của đất nước có một TBT được mệnh danh là Trọng Lú chỉ đến mức đó là cùng. Ngờ đâu, tại đại hội 13, một lần nữa ông quyết xé luôn điều lệ đảng mà tự đặt mình vào trường hợp “đặc biệt của đặc biệt” lại ngồi lỳ thêm một khóa tiếp theo trước sự ngỡ ngàng của cả đất nước.

Đến khi đó, ông ta tỏ rõ rằng chẳng cần liêm sỉ, chẳng cần quân tử, chẳng cần nhớ rằng mình đã nói gì, đã tuyên bố điều gì trước đó, ông ta bất chấp tất cả. Phải chăng, ông ta tham quyền cố vị để chống lại những kẻ tham quyền cố vị trong đảng?

Không chỉ có trên bình diện nội bộ đảng, về việc chia chác và đấu đá phe nhóm, trên những hành động hàng ngày trong điều hành, lãnh đạo đảng và đất nước. Khi chiếm hai ghế cao nhất trong nước, ông ta đã chứng minh hết sức sinh động và rõ ràng rằng: Chẳng có ai so được với người cộng sản trong những hành động đi ngược với lời nói của họ.

Khi cả miền Trung trong cơn đại thảm họa thiên tai, hàng trăm người chết, hàng triệu người dân mất nhà cửa, ngụp lặn trong nước lũ, hàng loạt các em bé, cụ già dầm mình trong nước giữa màn trời biển nước, ông ta “lặn một mạch không sủi tăm” nhằm lo chiến đấu với phe đảng, chia chác cái ghế trong đảng và giành phần béo bở nhất về cho mình ở lại chiếc ghế Tổng bí thư.

Khi giặc Trung Quốc xâm lược biển đảo, gây hấn, giết chóc đồng bào ngoài biển, ông ta im lặng và thậm chí khi người ta đề nghị nói về Biển Đông, ông ta đã gạt đi “Biển Đông không có gì mới”. Để rồi sau đó ngồi tự sướng rằng: “Nếu có đụng độ trên biển Đông, làm sao chúng ta ngồi yên ở đây để bàn về Đại hội đảng”. Điều đó thể hiện mục đích của ông ta là gì.

Thế nhưng, ông ta vẫn leo lẻo rằng “vì hạnh phúc của nhân dân”.

Khi cả đất nước gồng mình chống dịch, tất cả mọi người dân được yêu cầu không tập trung đông người, phải đeo khẩu trang, giãn cách, kể cả lễ Giáng Sinh và các hoạt động xã hội, tôn giáo khác, thì ông ta vẫn tập trung hàng ngàn người đại hội đảng và hàng vạn người khác bảo vệ cho cái gọi là đại hội đảng của ông ta.

Khi từ Nam đến Bắc đang trong đợt bùng phát nguy hiểm dịch covid-19 đợt 3, rất nhiều nơi phải cách ly, mọi công dân ra đường phải đeo khẩu trang, hàng loạt người không đeo khẩu trang đã bị phạt, thì chính ông ta ngay trong những lần tiếp xúc dân chúng Hà Nội ngày tết, đi thăm Hoàng Thành thăng long tự cho mình cái quyền không chấp hành bất cứ một quy định nào của ai về dịch bệnh.

Phải chăng ông ta xác định mình là vua một cõi, mọi luật lệ chỉ dành cho thần dân, nô lệ, còn bản thân vua thì được miễn mọi trách nhiệm và quy định của xã hội? Trong khi ông ta vẫn leo lẻo rằng: “Chức vụ càng cao, thì càng phải gương mẫu”. Phải chăng, chỉ có khi chức vụ đến cao nhất như ông ta thì không cần một sự gương mẫu nào?

Điều hài hước mà nhiều khi người dân thấy xót xa cho ông ta ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” chân đi tập tễnh, giọng nói đã phều phào, những lời nói và suy nghĩ chẳng có điều gì mới ngoài mấy câu “đừng ngủ quên trên chiến thắng”, “đừng tự hào, tự mãn”, “đất nước ta chưa bao giờ được như ngày hôm nay” “nền giáo dục chưa bao được được như bây giờ” hoặc “thời đại rực rỡ nhất là thời đại Hồ chí Minh” luôn được ông ta nhai đi nhai lại như chiếc bã kẹo cao su. Có thể ông ta không thấy chán, nhưng những người nghe, những người chứng kiến thấy thật thảm thương và tội nghiệp.

Trước thiên hạ, ông ta không thấy xấu hổ, bởi ông ta không thèm nghe những lời mỉa mai, những sự cay đắng của người dân mỗi lần nghe TBT nói chuyện, ông ta chỉ nghe những lời hào nhoáng, nịnh bợ và xui xiểm của đám nịnh thần.

Còn người dân thì không thế, họ lợm giọng, họ kinh tởm và khinh bỉ, họ cười ra nước mắt, cứ như đất nước đang đi vào cõi tâm thần, hoang tưởng.

Và qua tấm gương người đứng đầu,  những hình ảnh, lời nói của người đứng đầu có ảnh hưởng rất lớn trong đám cán bộ dưới quyền của ông ta. Họ thể hiện sự ngu dốt không cần xấu hổ hoặc che đậy.

Đó là những ông nghị, những lãnh đạo có trọng trách như Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Thượng tướng Võ Trọng Việt đã hồn nhiên nói về phê-tê-bốc (Facebook) và “phải dịch chuyển đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam để mở trung tâm dữ liệu tại Việt Nam” hoặc Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đã từng kêu gọi người dân “vào Gu Gồ chấm Tiêng Lãng” để xem tin tức. Hoặc những ông nghị cho rằng không thể nói Việt Nam lạm phát khi đĩa rau muống ở nước ngoài mấy trăm ngàn, còn ở quê ông chỉ mấy đồng một mớ.

Đó là những ông mang áo thầy chùa làm đại biểu quốc hội với nhiệm vụ của một tên nịnh hót, đề nghị đưa Việt Nam trở thành côn đồ quốc tế như Bắc Hàn hoặc lấp liếm việc công an tạo oan sai trong các vụ án rằng “Nhà Phật chúng tôi trăm tay ngàn mắt mà vẫn tạo oan cho Thị Kính”

Nghĩa là họ đã học tập và làm theo tấm gương TBT cứ nói mà không hiểu mình nói gì, bất chấp “quan trên trông xuống, người ta trông vào” ra sao.

Cũng tương tự, tấm gương người đứng đầu đã dẫn đến một hệ thống quan chức, cán bộ dưới quyền luôn mồm leo lẻo về chống tham nhũng, chống diễn biến hòa bình, chống diễn biến và tự diễn biến trong cán bộ, đảng viên. Trường hợp các Ủy viên Trung ương Đảng,  Phó ban Tuyên giáo, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, là những “kẻ thù của Internet” đã từng hăm dọa người dân nếu nói xấu nhà nước. Thậm chí viết sách giảng dạy về đạo đức cán bộ, đảng viên rồi khua chiêng gõ mõ tự ca ngợi mình theo gương Hồ Chí Minh.

Chỉ đến khi vụ án AVG được bóc ra thì người ta mới thấy rằng đó là những tên trùm tham nhũng đã nhận hối lộ hàng mấy triệu đô la một lần để hùa nhau cướp của công hàng ngàn tỷ đồng một phi vụ.

Những điều đó xảy ra ngày càng phổ biến trong xã hội, không bởi vì người cộng sản không cần những màn mị dân che đậy thực tế như xưa, như cái thời Hồ Chí Minh được ca ngợi giản dị và tiết kiệm mà người dân cứ vậy xót thương rồi yêu mến và kính trọng nhầm. Chỉ cho đến khi các tài liệu được rò rỉ ra thì người dân mới biết được thực tế không phải vậy, và hiểu ra rằng: Chẳng có ai là thần thánh, cũng là con người, cũng xương, cũng thịt và trong ruột cũng chỉ toàn… phân.

Người cộng sản vẫn cần những màn che đậy, và hệ thống tuyên giáo với cả ngàn tờ báo đã hoạt động hết công suất để phục vụ mục đích đó. Thế nhưng, người ta chỉ có thể che đậy được một vài chỗ hở, một vài chỗ thối, còn khi cả hệ thống đã lở loét và phân hủy, thì chẳng có phép thần nào có thể che đậy được tất cả. Nó không xì ra cách này, sẽ lòi ra cách khác mà thôi.

Và đến khi ấy, thì đảng chấp nhận cởi truồng giữa chợ với chiếc dao lăm lăm trong tay.

Và khi ấy, đảng không ngần ngại thể hiện mình là một tổ chức mà Mafia cũng phải kính nể, bởi đảng không cần bí mật, không cần giấu diếm như các tổ chức tội phạm.

Ở đây, đảng ngang nhiên hành động như chỗ không người trước cả trăm triệu người dân Việt Nam vốn quen khuất phục và được rèn luyện trong phản xạ, cảm giác sợ hãi.

BÀN VỀ NHÂN SỰ ĐẠI HỘI 13

TRƯƠNG NHÂN TUẤN/ TD 22-2-2021

Ngày 26 tháng Mười hai năm 2019 tôi có viết đôi lời về ông Nguyễn Phú Trọng như dẫn lại dưới đây. Ý kiến này tôi bị gạch đá quăng ghê lắm, đủ để làm Kim tự tháp lúc hậu sự. Nhiều người nói tôi “nịnh” ông Trọng.

Hôm nay nhìn lại tôi thấy ý kiến của mình không sai. Nhưng ông Nguyễn Phú Trọng đã sai. Ông Trọng đã sai trong việc “dụng nhân” khiến “chiến lược đốt lò” của ông sẽ chấm dứt ngay sau khi ông rời quyền lực trong vài năm tới. Ông Trọng quá tập trung vào một “đảng lý tưởng” thay vì một “quốc gia lý tưởng”, do đó ông lơ là trong việc nghiên cứu về về một chiến lược để chuyển hóa, như cam kết xây dựng “cái lồng lập pháp”, để “nhốt quyền lực” các đảng viên.

Ông Trọng lãnh đạo đảng cũng như quản lý nhà nước không bằng “luật pháp” mà bằng cái “đức”, một lối cai trị đất nước thời trung cổ. Vấn đề là “cái đức”, tức bản thể của một người, như sự trong sạch, khả năng, kiến thức, uy tín… không thể kế thừa. Ông Trần Quốc Vượng dự tính là “truyền nhân” của ông Trọng trên phương diện “đức trị” đã bị “phe phái” đánh bật ra khỏi vòng quyền lực sau Đại hội XIII.

Không có “cái lồng lập pháp” để kiểm soát và phân bổ quyền lực một cách hợp lý và hợp pháp, chắc chắn quyền lực sẽ tập trung vào cá nhân hay phe phái. Nhiều dấu hiệu cho thấy sau ông Trọng chính trị VN sẽ là chính trị “phe phái”, vùng miền.

Cá nhân tội cực kỳ hy vọng vào ông Trọng trong công tác “đốt lò” cũng như tin tưởng hết mình vào ông trong công tác xây dựng một “nhà nước pháp trị” (Etat de Droit – hay nhà nước pháp quyền, tùy theo cách hiểu và cách gọi). Trong đó vai trò của Nhà nước (Etat hay quốc gia tùy cách gọi) và đảng được tách bạch theo qui định của pháp luật. Đảng phải đứng sau, hoặc có thể đứng trong nhân sự chính phủ, nhưng dứt khoát phải “đứng ngoài” mọi hoạt động công quyền, liên quan đến nhà nước.

Thật là uổng, ông Trọng đã không kế thừa di sản “nhà nước hóa đảng” của ông Ba X để lại. Mặc dầu di sản này của ông Ba X chỉ là “bước đệm” để tiến tới mô hình “quốc gia lý tưởng”. Nhưng nếu không có “bước đệm” cần thiết này thì VN sẽ không bao giờ phát triển thành rồng, thành cọp.

Mô hình của VN trong tương lai sẽ là đảng hóa nhà nước. Nội bộ đảng là đảng của phe nhóm, vùng miền. Sau ông Trọng chắc chắn sẽ là sự “thống trị” của phe phái. Danh sách ủy viên BCT cho ta thấy rõ rệt điều này.

Như trên có nói, ông Trọng đã sai khi sử dụng người. Các ban thanh tra và ban chống tham nhũng có thể nói là “thanh gươm” trong tay ông Trọng trong chiến dịch “đốt lò”. Thực tế cho thấy nhân sự đảng viên cao cấp của miền Nam, thậm chí của Hà nội và các tỉnh miền Bắc, đều bị các thanh gươm này chém bay đầu. Có phải đó là ý chí của ông Trọng, hay là sự lựa chọn chiến lược để tranh quyền của nhân sự trong các ban chống tham nhũng và ban thanh tra?

Nhân sự trong ban thanh tra và chống tham nhũng đều có cùng nơi chốn xuất thân. Theo tôi, nhờ điều khiển được thanh gươm trong tay ông Trọng, những người này đã mượn tay ông Trọng để loại tất cả địch thủ tiềm tàng để độc quyền điều khiển đảng và nhà nước.

Đó là chiêu “tá đao sát nhân”. Miền Nam xem như bị loại ra ngoài. Quyền lực tập trung vào nhân sự chung quanh vòng “quyền lực” thuộc ban thanh tra và ban chóng tham nhũng. Có gì bảo đảm rằng chỉ có nhân sự miền Nam (và miền Bắc) là tham nhũng. Phần còn lại thì không? Và có gì bảo đảm rằng nhân sự miền Nam (và miền Bắc) không có bằng cấp, không có khả năng quản trị đất nước như là nhân sự xuất thân còn lại?

Tôi không biết ông Trọng có nhìn thấy cái tai hại này chưa? Và tôi cũng không chắc vài năm nữa ông Trọng có thể chuyển đổi “dòng chảy”, hay sửa sai ở những cái sai của ông.

***

Sau đây là ý kiến tôi viết ngày 26/12/2019:

Nghe nói cụ Tổng chủ lò củi Ba Đình đi xe Toyota Crown, đời 1992, như tấm hình (chôm) trên mạng truyền qua truyền lại dưới đây.


Ảnh: internet

Nếu đúng vậy thì cụ Tổng là người đáng để ta nể trọng.

Đối với người lãnh đạo, điều làm cho mọi người “nể” là sự “chính danh”. Ở đây tôi không nói về tính “chính danh” để lãnh đạo đất nước của đảng CSVN. Chuyện này nói đi nói lại nhiều lần rồi.

Cụ Tổng rõ ràng là “người cộng sản chân chính”. Điều này không còn thấy nơi các đảng viên đảng cộng sản.

Người cộng sản (nguyên thủy) là người “vô sản”, là người đại diện cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Mục tiêu của ngườ i cộng sản là xây dựng một xã hội “bình đẳng”, không có cảnh “người bóc lột người”.

Sang thời “đổi mới”, làm “kinh tế thị trường” theo “định hướng xã hội chủ nghĩa”, người cộng sản vẫn được hiến pháp ghi nhận là người “đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động”.

Thử nhìn quan chức cộng sản hôm nay. Rõ ràng họ là những người phản bội. Họ phản bội lại lý tưởng. Họ phản bội lại giai cấp mà họ là đại diện (và xuất thân). Họ quan liêu, hách dịch. Họ trưởng giả, lạm chức lạm quyền, phung phí ngân sách nhà nước vô tội vạ.

Tổng thống các nước giẫy chết người ta còn đi xe đạp. Quan chức VN, ngay chỉ ở huyện, xã… đã đi xe hạng sang. Quan chức các nước người ta đi công tác vé máy bay hạng bình dân. Còn quan chức VN, ngay cả đi mượn nợ hay “vác rá đi ăn xin”, cũng ngồi ghế hạng nhứt.

Quan chức người ta hết lòng phục vụ cho dân. Người ta ý thức được rằng lý do duy nhứt để biện hộ cho sự hiện hữu của họ là “phục vụ cho lợi ích của đất nước và dân tộc”.

Quan chức VN xa hoa, phung phí, tham lam, những lạm đã đành. Họ sử dụng quyền lực sẵn có chỉ để phục vụ cho lợi ích của bản thân, cho gia đình, giòng họ…

Ngày nào đọc báo lại không có cảnh cán bộ, đảng viên hư hỏng đến mức trở thành “cặn bã xã hội”.

Trong mọi cộng đồng xã hội, việc “phản bội” luôn bị trừng phạt và loại trừ. Tội nặng nhứt trong luật hình sự VN là “phản bội tổ quốc”, tức phản bội lại lợi ích của đất nước và dân tộc.

Người cộng sản Việt hiện nay, như vậy đa số đã phạm vào tội nặng nhứt: phản bội “lợi ích của dân tộc”.

Trở lại chủ đề, rõ ràng cụ Tổng là người cộng sản chân chính, có đủ tư cách đứng đầu đảng và có đủ tư cách “đốt lò” để đưa những đảng viên hủ bại ra xử.

Tôi không ủng hộ án tử hình. Vì con người, không ai có thể nhân danh “đấng” nào hết để tước đi quyền được sống của người khác. Nhưng có những trường hợp, sự tồn tại của một người, một tổ chức, một đảng phái nào đó lại đe dọa cho sự sinh tồn của cả dân tộc. Người đó, đảng phái đó, tố chức đó… hiển nhiên không xứng đáng để tồn tại.

NGUYỄN PHÚ TRỌNG SẼ 'NHƯỜNG NGÔI' CHO VƯƠNG ĐÌNH HUỆ ?

NGUYỄN DUY/ thoibao.de 22-2-2021

 Vương Đình Huệ là một trong 2 người mà ông Trọng đã nâng đỡ để vào Bộ Chính Trị năm 2013 nhưng thất bại, người kia là ông Nguyễn Bá Thanh thì nay đã không còn. Sau khi Nguyễn Tấn Dũng bị đánh bật ra khỏi Bộ Chính Trị thì ông Vương Đình Huệ trỗi dẫy và tiến thân rất nhanh. Vào cuối tháng 5 năm nay, khi Quốc Hội khóa đầu tiên được bầu lên thì ông Vương Đình Huệ sẽ là chủ tịch Quốc hội. Mọi chuyện đã được an bài rồi, việc bầu cử chỉ là vở kịch diễn cho xong.

Đại Hội 13 đã kết thúc. Ông Trọng tiếp tục giữ ghế Tổng bí thư. Điều trước tiên có thể nói là việc ông tiếp tục giữ được chiếc ghế này không phải do uy tín của ông hay người ta yêu quý gì ông, chỉ đơn giản là ông là thế lực mạnh nhất mà không ai có thể truất phế được. Người ta nói, hiện nay ông Trọng chọn ai kế vị thì tương lai người đó được đảm bảo. Liệu rằng sự thật có phải là như vậy không?

Vương Đình Huệ xuất hiện có lẽ cậy nhờ ông Nguyễn Phú Trọng nhiều hơn là giúp ích cho ông Trọng. Khi ông Trọng chiến với Nguyễn Tấn Dũng, ông Vương Đình Huệ âm thầm né tránh để một mình Nguyễn Bá Thanh chịu trận. Ông Huệ là dân Kế toán, Tài chính, có lẽ vì thế mà ông giỏi tính toán chăng? Điều này không biết có đúng hay không, nhưng rõ ràng ông Vương Đình Huệ là một con người giỏi tính toán. Hiện nay có tin ông Nguyễn Phú Trọng ngồi ghế tổng bí thư 2 năm rồi nhường lại cho Vương Đình Huệ.

Có thể ông Trọng ở lại, vì người mà ông chọn thay ông chưa đủ vững nên cần một thời gian để đủ độ chín. Tuy nhiên ông Vương Đình Huệ cần chú ý là ông là ông Đinh Thế Huynh cũng từng được ông Trọng chọn làm hạt giống thay ông giữa nhiệm kỳ nhưng cuối cùng ông Trọng không nhường ghế cho ông Huynh mà còn làm cho ông Huynh bị bệnh mất trí một cách khó hiểu. Chính trị là con dao 2 lưỡi, rất dễ đứt tay.

Lại có tin Võ Văn Thưởng cũng là hạt giống

Việc ông Võ Văn Thưởng được giao chức thường trực ban bí thư trung ương cũng làm rộ lên tin đồn là ông Thưởng cũng là một hạt giống để thay ông Nguyễn Phú Trọng giữa nhiệm kỳ. Điều này cũng có thể đúng vì ông Thưởng tiến thân cũng rất nhanh khi về Ban Bí Thư của ông Nguyễn Phú Trọng. Có tin cho rằng Võ Văn Thưởng là người mà ông Nguyễn Phú Trọng cài vào Đảng bộ TP HCM bị Lê Thanh Hải đánh bật ra, quay trở ra trung ương và được ông Trọng giao cho Thưởng làm Trưởng ban Tuyên giáo. Chờ đến lức rồi truyền ngôi.

Có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng nuôi cả hai và để đến khi sắp trao quyền thì ông sẽ chọn người mà ông tin cẩn nhất để trao quyền. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ trao quyền cũng không thuyết phục cho lắm, bởi ai cũng biết ông Trọng là con người sống chết vì quyền lực. Vào ngày 14/4/2019 ông đã bị đột quị tại Kiên Giang và sau đó sức khỏe của ông vô cùng yếu ớt ông cũng không chịu nhường ghế cho ai thì bây giờ bảo ông sẽ nhường ghế cho Võ Văn Thưởng hay Vương Đình Huệ là một cách giải thích không được thuyết phục cho lắm.

Vừa già yếu vừa giữ chiếc ghế quyền lực nhất nước, ắt hẳn quanh ông Trọng không thiếu những người nịnh bợ chìu chuộng để được ông chiếu cố. Giữa ông Trọng và thế hệ kế cận có một quãng cách xa. Võ Văn Thưởng so với ông Trọng giống như cha với con, khoảng cách tuổi tác khá xa trong khi đó ông Vương Đình Huệ so với ông Trọng như anh em. Trong mắt ông trọng, Võ Văn Thưởng vẫn chỉ là măng, chưa đủ cứng. Còn phải thử thách, bồi dưỡng và uốn nắn.

Từ bây giờ đến 2 năm sau, chính trị Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi. Có quá nhiều người ngắm nghía chiếc ghế của ông Trọng. Nếu chẳng may ông Trọng có vấn đề sức khỏe thì rất có thể cuộc chiến cung đình át liệt sẽ xảy ra để tranh giành, còn nếu ông Trọng vẫn khỏe như bây giờ thì có thể chính trường Việt Nam sẽ êm hơn.

Có tin đường quan lộ của Vương Đình Huệ được Nguyễn Phú Trọng dọn sẵn

Có ý kiến cho rằng, ông Trọng chưa thể nghỉ, là việc ông Vương Đình Huệ chưa có thời gian để kinh qua các giai đoạn tu nghiệp. Ông phải từng là bí thư, đứng đầu một tỉnh, và để tránh tiếng Tổng bí thư chỉ do Đảng cử, đảng bầu, không có được sự thừa nhận của đại diện quốc dân, Ông Huệ nhất định phải kinh qua bước làm chủ tịch Quốc Hội. Như vậy, ông Huệ phải trở thành bí thư Hà Nội, Ông Hoàng Trung Hải, đột ngột được nhắc tới khuyết điểm của nhiều năm trước, một khuyết điểm nhỏ trong hàng chục tội nghiêm trọng khác gắn với chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng đủ để rút khỏi chân bí thư Hà Nội, nhường chỗ cho Vương Đình Huệ. Và chuyện ông Huệ sẽ được bầu làm Chủ tịch Quốc Hội chỉ là việc thủ tục, và cũng chỉ làm cho có lệ, nghĩa là không phải cả nhiệm kỳ, để khi ứng cử chức Tổng bí thư, ông phải vẫn còn dưới 65 tuổi. Như vậy ông Trọng sẽ phải xin nghỉ hưu vào giữa nhiệm kỳ, và TƯ sẽ họp đột xuất bầu Tổng bí thư Huệ vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Chiếc ghế Chủ tịch Quốc Hội vốn được dọn sẵn cho bà Trương Thị Mai, không phải cho ông Huệ sẽ là chỗ ngồi tạm hai năm.

Những tin tức này chỉ là lời đồn, tuy nhiên với chính trị Việt Nam, lời đồn đôi khi còn đi trước thông tin chính thống rất xa, nên không thể nào phủ nhận lời đồn được.

Cho tới giờ, những dự định của ông Trọng nếu có thì nó vẫn có thể bị thay đổi vào phút chót. Có lẽ giải pháp thay thế chỉ xảy ra khi sức khỏe ông Trọng không cho phép, chứ ông còn sức khỏe thì khó lòng mà ông nhường ghế lại cho ai. Ông Trọng vẫn nuôi tham vọng cầm quyền suốt đời như ông Hồ Chí Minh, điều đó không khó để nhận ra.

Có điều rất dễ thấy là, ông Vương Đình Huệ hoàn toàn không như ý ông Trọng. Trước đây ông Trọng nâng đỡ Đinh Thế Huynh với mục đích tiếp quản chiếc ghế tổng bí thư thì bản thân ông Huynh là người lý luận chủ nghĩa  Mác, nghĩa là ông Huynh cũng thuộc trường phái bảo thủ như ông Trọng. Ông Huệ thì khác, ông Huệ dân kinh tế không phải dân theo chủ nghĩa Mác. Ông Huệ cấp tiến hơn ông Trọng, đó là điều dễ nhận ra. Trong khi đó ông Võ Văn Thưởng đi lên từ ban tuyên giáo, cũng học chuyên môn về chủ nghĩa Mác. Vì vậy với ông Trọng, con người ông Vương Đình Huệ cũng chưa được ưng í cho lắm.

Ngã về Trung Quốc sẽ có thế mạnh

Với sức khỏe như hiện tại, người ta nghĩ ông Trọng không thế đủ sức để tiếp tục kiểm soát toàn bộ hệ thống thêm 5 năm nữa. Dưới thời cầm quyền của ông Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã ba lần lùi khi đối mặt với các mối đe dọa và áp lực của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông. Vào tháng 3 năm 2018, Việt Nam đã rút hơp đồng thăm dò dầu khí với Repsol của Tây Ban Nha tại khu vực Bãi Tư Chính. Vào năm 2019, sau cuộc đối đầu kéo dài 4 tháng tại Lô Phong Lan đỏ do Tập đoàn dầu khí của Nga Rosneft điều hành, Việt Nam đã hủy hợp đồng khảo sát với Tập đoàn Noble. Việt Nam đã hầu như không còn tiếp tục thăm dò dầu khí ở khu vực này nữa. Từ bỏ chủ quyền cho TQ, ông Trọng đã tiếp tục chấp nhận thua thiệt lợi ích quốc gia cho lợi ích phe phái.

Chính nhờ những bước lùi đó mà thế lực của ông Trọng trong ĐCS trở nên mạnh hơn bao giờ hết. Có lẽ ông Trọng làm thế vì tham vọng chính trị của ông. Đã 31 năm, quy luật người nào thân Trung Quốc nhất thì người đó làm tổng bí thư, người nào được Trung Quốc tín nhiệm nhất thì người đó vững vàng ở ngôi vị của mình nhất. Và đến hôm nay thế lực ông Trọng vẫn là mạnh nhất.

Ông Trọng là con người có tham vọng rất lơn. Phó tiến sĩ xây dựng đảng, Đại học Moskva, ông Trọng đã âm thầm nhiều năm cho vị trí Tổng bí thư. Và khi đã nắm được vị trí Tổng bí thư, ông phải chứng minh được rằng, tất cả phải do đảng lãnh đạo. Có nghĩa là do ông lãnh đạo. Ông chưa chết thì tất cả phải do ông quyết định. Và tất nhiên người kế vị ông trong chức tổng bí thư cũng sẽ do ông quyết định nốt.

Đừng bao giờ ảo tưởng sự tử tế của ông Trọng. Hai nhiệm kỳ Tổng bí thư, dưới tay ông, Nguyễn Tấn Dũng, Bố già của Vũ Huy Hoàng, Đinh La Thăng, Trần Bắc Hà, Trầm Bê, Nguyễn Văn Bình, đã phải chịu bó gối về vườn làm người tử tế. Lê Thanh Hải hai mươi năm cát cứ, độc chiếm Sài Gòn bất khả xâm phạm, bị đánh bật ra khỏi ghế quyền lực. Đó là những đối thủ, còn với đồng minh như Đinh Thế Huynh thì ông còn lạnh lùng có lùi vào sau cánh gà của sân khấu chính trị. Với một con người ngã về Trung Quốc thân với Tập Cận Bình thì ông có sức mạnh đáng sợ như vậy, và khi quyền lực cao hơn ông càng nhẫn tâm hơn, càng lạnh lùng hơn. Nếu o bế Nguyễn Phú Trọng để hy vọng thừa hưởng chiếc ghế quyền lực thì có thể nói trong đó cũng đầy rủi ro chứ không dễ.

Muốn tạo sức mạnh cho riêng mình, ông Vương Đình Huệ cần phải học Phạm Minh Chính

Máu danh vọng chưa bao giời nguôi hay giảm trong người ông Trọng. Công lao đông đấu đá, công lao ông giành giật và công lao ông tạo mối quan hệ khăn khít với Bắc Kinh không dễ gì ông buông. Ông Vương Đình Huệ cần phải hiểu điều đó, bài học về một hạt giống Đinh Thế Huynh còn nóng hổi.

Hiện nay ông Phạm Minh Chính có mối quan hệ với Bắc Kinh rất tốt. Ông Chính là đối thủ nặng ký cho chức tổng bí thư sau 5 năm nữa. Với vai trò là chủ tịch quốc hội, ông Vương Đình Huệ cần tranh thủ tìm kiếm móc nối với Bắc Kinh để có thế lực ủng hộ thì tương lai ông Huệ sẽ đảm bảo. Còn bám ông Nguyễn Phú Trọng thì có thể nói, nó không hề đảm bảo cho ông Huệ chắc suất kế thừa ngai vàng.

Thực tế cho thấy ông Huệ là người rất khéo léo ẩn mình chờ thời đợi đến lúc thời tới thì vương vai. So sánh giữa ông với Nguyễn Bá Thanh sẽ thấy nổi lên điều đó. ĐCS VN chưa thể thoát khỏi sự gắn kết với sự dẫn dắt của TQ, ông Huệ ắt hiểu ra điều đó. Và liệu ông Huệ có thừa hưởng được chiếc ghế tổng bí thư do ông Nguyễn Phú Trọng để lại hay không nó phụ thuộc vào những dự định của ông Huệ sẽ làm trong vai trò chủ tịch quốc hội sắp tới. Bắt tay với Trung Quốc đảm bảo quyền lực hơn là núp bóng ông Trọng. Những năm tới hãy xem ông Vương Đình Huệ sẽ làm gì. Hãy đợi rồi sau đó sẽ rõ.

VIỆT NAM LẠI CÓ...VUA NHƯ THỜI ...TRUNG CỔ ?

TRÂN VĂN/ Blog VOA/ TD 19-2-2021


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dâng hương tưởng niệm các “tiên đế” tại Hoàng thành, Thăng Long. Ảnh: TTXVN

Hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đang hối hả sửa chi tiết ông Nguyễn Phú Trọng dâng hương tưởng niệm các… tiên đế (1) thành dâng hưởng tưởng niệm các… bậc tiền nhân (2).



Về ngữ nghĩa, chỉ có Thiên tử của một triều đại mới gọi ông, cha của mình, vốn cũng từng làm… đế như mình là… tiên đế! Chuyện nhiều cơ quan truyền thông nhà nước loan báo ông Trọng dâng hương tưởng niệm… tiên đế không phải là lỗi kiến thức. Đó là vấn đề về nhận thức nên không có cá nhân nào trong hệ thống truyền thông chính thức dám tự tiện sửa hai từ… tiên đế khi loan tin về sự kiện ông Trọng dâng hương tưởng niệm, trồng cây lưu niệm tại Hoàng thành Thăng Long nhân dịp đầu Xuân Tân Sửu!

Việc hệ thống truyền thông sau đó sửa… tiên đế thành… các bậc tiền nhân chỉ là chuyện… chẳng đặng đừng sau khi dân chúng đồng loạt… chỉ trích và điều đó làm méo mó cả hình ảnh của… Hoàng thượng, lẫn… triều đình.

Trong một xã hội thật sự dân chủ, chắc chắn sẽ không có chuyện hệ thống truyền thông đưa tin giống nhau, sau đó được lệnh cùng sửa mà không xin lỗi, không giải thích vì sao lại thế! Hiện tượng này chỉ có thể xảy ra ở những quốc gia theo thể chế quân chủ.

Cần phải nói thêm, vào thời điểm này vẫn còn một số quốc gia có vua. Tuy nhiên vị trí, vai trò, hoạt động của những vị vua ở các xứ ấy phải theo Hiến pháp, pháp luật (quân chủ lập hiến). Chỉ có thời Trung cổ, vua mới đứng trên tất cả và trở thành cá nhân toàn quyền định đoạt đúng – sai, phải – trái (quân chủ chuyên chế). Về lý thuyết, Việt Nam đã từ bỏ chế độ quân chủ cách nay 76 năm sau khi Hoàng đế Bảo Đại thoái vị hồi 1945 nhưng trên thực tế, Việt Nam đang có vua và bản chất thể chế là một kiểu… quân chủ chuyên chế!

Đó là lý do không có bất kỳ đảng viên nào của đảng CSVN hay công dân nào của Cộng hòa XHCN Việt Nam có quyền tư nghị về phát biểu hay hành vi của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước Nguyễn Phú Trọng. Đó cũng là lý do cả hệ thống chính trị, lẫn hệ thống công quyền tại Việt Nam không những không dám can gián, điều chỉnh mà vừa phải răm rắp tuân theo, vừa phải tán dương tất cả các chỉ đạo, hành động của “đồng chí” Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước!

***

Cách nay ba năm, vào dịp Tết Mậu Tuất (2018), khi toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tiếp tục thực hiện truyền thống… Tết trồng cây, ông Trọng từng phát biểu đại loại thế này:

… Chúng tôi nêu ý định năm nay là một cái Tết trồng cây bảo vệ rừng vì phá rừng nhiều quá nhưng phải làm sao cho thiết thực! Cứ cầm cái xẻng nghêu ngao. Cầm ra mút cán… người ta trông là biết ông này không trồng cây. Gảy gảy tí đất, chân thì đi giầy, xong lại đưa cái khăn với chậu nước… phản cảm quá! Rồi cây thì to đùng xây sẵn mấy vòng xung quanh rồi! Điều đó đã nói rồi nhưng dưới địa phương ‘nó’ không chịu chuyển. ‘Nó’ cứ chuẩn bị sẵn! Thậm chí cái cán xẻng – tôi nói nhiều lần lắm rồi – mà ‘nó’ cứ quấn xanh xanh, đỏ đỏ… rồi trồng cây phải đi găng tay này, xong rồi có người đưa cho cái khăn lau tay… Tôi bảo ‘không’, tớ nông dân quen rồi phủi cái là sạch rồi (3)

Năm nay – Tết Tân Sửu (2021) – đích thân ông Trọng thản nhiên làm đúng những gì ông đã lớn tiếng phê phán: Cũng… đi giày, cũng… cầm xẻng gảy gảy tí đất để trồng một… cái cây to đùng. Không có bất kỳ ai trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam dám gọi đó là… phản cảm và… không thiết thực. Tất cả cùng hoan hỉ xem việc ông Trọng dâng hương tưởng niệm các… tiên đếtrồng cây là… sự kiện chính trị quan trọng.

Ông Trọng trồng cây ngày Tết. Ảnh: VOV

Xét theo logic về nhận thức, nếu không tự xem mình là bề trên của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, ông Trọng sẽ không phô bày sự trịch thượng, gọi những hệ thống này ở các địa phương là… “nó”. Càng không dễ dãi chỉ trích “nó” đã làm đúng những gì chính ông cũng làm!

Chỉ có tự xem mình như… vua, tự tin vì được trọng kính như… vua mới vừa lớn tiếng đề cao… đạo đức, buộc… nêu gương, tuyên bố tiến hành… tự chỉnh đốn, vừa chà đạp các qui định của Hiến pháp và pháp luật. Chẳng hạn, tuy thường xuyên tham dự các sự kiên qui tụ nhiều người song ông không mang khẩu trang dù hành vi này vi phạm các qui định phòng dịch hiện hành.

Bởi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức mặc định ông Trọng là… vua nên không ai dám nhắc, nói gì đến việc lập hay yêu cầu lập biên bản vi phạm hành chính, phạt ông bao nhiêu trong mức phạt từ một đến ba triệu đồng (4)!

***

Tiếng là một quốc gia theo thể chế cộng hòa nhưng việc rẽ theo hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo ra cho Việt Nam những ông vua như ông Trọng. Xã hội Việt Nam có khác gì xã hội trong “Bộ quần áo mới của Hoàng đế” mà Andersen từng kể với thiếu nhi (5).

Trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, Việt Nam tuyên bố thủ tiêu nhiều thứ, bao gồm cả… phong kiến nhưng khi công khai xác định, tự diễn biến, tự chuyển hóa – vốn là qui luật có tính nền tảng của tiến hóa, tiến bộ và văn minh thì làm sao Cộng hòa XHCN Việt Nam có thể có hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, cũng như những công dân đúng nghĩa của một nền cộng hòa? Còn tin, còn chấp nhận kiểu tuyên truyền, tự diễn biến, tự chuyển hóa, tự điều chỉnh cho phù hợp với tiến trình phát triển chung của nhân loại là… thù địch và phản động, đồng nghĩa với đồng tình chấp nhận thân phận… thần dân! Chấp nhận đặt hiện tại và tương lai vào tay những… ông vua thời… Trung cổ.

Chú thích

(1) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-trong-cay-tai-hoang-thanh-thang-long-713412.html

(2) http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Tong-Bi-thu-Chu-tich-nuoc-Nguyen-Phu-Trong-trong-cay-tai-Hoang-thanh-Thang-Long/423335.vgp

(3) https://www.youtube.com/watch?v=6bfs2JY8L1o&ab_channel=NguyenMinh

(4) https://tuoitre.vn/do-hoa-vi-pham-phong-chong-dich-covid-19-bi-phat-the-nao-20210217155739501.htm

(5) https://vi.wikipedia.org/wiki/Bộ_quần_áo_mới_của_hoàng_đế

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét