Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2021

20210214. QUANH CHUYỆN BỎ CHỨNG CHỈ NGOẠI NGỮ, TIN HỌC GIÁO VIÊN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

BỎ CHỨNG CHỈ NGOẠI NGỮ, TIN HỌC-MÓN QUÀ TẾT Ý NGHĨA BỘ DÀNH CHO GIÁO VIÊN
THANH AN/GDVN 8-2-2021

Vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát ở một số địa phương, nhiều giáo viên và học sinh phải vào khu vực cách ly tập trung, nhiều trường học đã phải triển khai dạy online theo kế hoạch của nhà trường.

Tâm trạng buồn và lo lắng đang hiện hữu trên nhiều khuôn mặt nhà giáo vì ai cũng sợ qua Tết mà phải dạy trực tuyến như năm học trước là điều buồn chán nhất bởi hiệu quả của nó không đạt được như kỳ vọng.

Tuy nhiên, cũng trong lúc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập khiến cho hàng triệu nhà giáo vui mừng khôn xiết.

Vậy là những nỗ lực của lãnh đạo Bộ mà đứng đầu là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã giải tỏa cho hàng triệu giáo viên những áp lực vô hình về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học tồn tại hàng chục năm qua được gỡ bỏ.

Gánh nặng bằng cấp, chứng chỉ đã oằn vai đội ngũ nhà giáo

Thực ra, chuyện chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không phải là vấn đề mới mà nó đã tồn tại từ mười mấy năm trước đây.

Chứng chỉ ngoại ngữ đã được chú trọng trong khâu tuyển dụng từ hơn chục năm trước và thực tế các trường đại học, cao đẳng sư phạm đã đào tạo bắt buộc cho sinh từ những năm 2000 cho tất cả sinh viên các ngành sư phạm.

Đối với giáo viên từ mầm non trở lên nếu đã tốt nghiệp hệ đại học chính quy trong khoảng 15 năm trở lại đây thì gần như ai cũng đã có các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định vì khi tuyển dụng các Sở Giáo dục và Đào tạo đều yêu cầu phải nộp mới được xét (thi) tuyển.

Ảnh chụp màn hình, ảnh chỉ có tính chất minh họa.

Tuy nhiên, giáo viên thực sự khó khăn kể từ khi Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc trình độ tương đương trở lên theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cùng với yêu cầu về ngoại ngữ là yêu cầu về tin học theo Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

Các văn bản quy định về khung ngoại ngữ, chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin là các văn bản về hướng dẫn về xét (thi) thăng hạng giáo viên, xét chuẩn nghề nghiệp giáo viên…khiến cho giáo viên sa vào vòng xoáy của chứng chỉ.

Các trường đại học, các trung tâm được Bộ cho phép đào tạo ngoại ngữ, tin học trong những năm qua đã liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên, thậm chí là về tại các trường phổ thông để giảng dạy, bồi dưỡng, ôn thi cho giáo viên thi chứng chỉ.

Bên cạnh đó là các Sở, Phòng Giáo dục cũng liên tiếp gửi mail về trường chiêu sinh. Ban giám hiệu nhà trường thì thường xuyên lên tiếng cảnh báo là nếu không có các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định mà sau này có tinh giản biên chế thì những thầy cô chưa có sẽ là người bị tinh giản đầu tiên.

Trên thì văn bản của Bộ, Sở, Phòng Giáo dục, dưới thì Ban giám hiệu nhà trường thúc giục nên nhiều giáo viên cũng đành phải tặc lưỡi đi học cho nó qua bởi nhiều người quan niệm trước sau gì thì cũng phải học, học trước cho yên thân.

Nhưng, đi học đâu phải là chỉ mất thời gian mà nó tốn kém vô cùng, chỉ riêng chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam cũng phải đầu tư trên dưới 5 triệu đồng, có nơi lên đến 7-8 triệu đồng đóng tiền học, lệ phí thi chứng chỉ.

Lương giáo viên thì ba cọc, ba đồng, nhất là giáo viên vùng quê, giáo viên môn phụ càng khó khăn hơn nên học được chứng chỉ ngoại ngữ xem như mất đi ít nhất 1 tháng lương của mình.

Bộ bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên là một việc hữu ích, thiết thực

Ngày 26/11/2020, khi tiếp xúc với cử tri tại Bình Định, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thông tin về việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên khiến đội ngũ nhà giáo khấp khởi mừng thầm.

Cho dù đến thời điểm này chưa có văn bản chính thức nhưng việc Bộ ban hành các Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập đã xem như các chứng chỉ này không còn bắt buộc đối với giáo viên nữa.

Bởi, nếu đem so với dự thảo mà Bộ Giáo dục lấy ý kiến trước đây thì giáo viên các từ hạng III trở lên đều yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Thông tin bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học được các phương tiện thông tin đại chúng trong mấy ngày nay khiến cho đội ngũ nhà giáo trên cả nước vui mừng.

Vì từ nay, giáo viên không còn gánh nặng chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và cả chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên các cấp. Đồng thời, bỏ luôn cả quy định về trình độ ngoại ngữ thứ hai đối với giáo viên dạy ngoại ngữ.

Việc Bộ Giáo dục bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học một cách hình thức như lâu nay để đưa vào chương trình đào tạo theo khung trình độ quốc gia và chuẩn đầu ra của sinh viên sư phạm là hoàn toàn hợp lý.

Suy cho cùng, chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam áp dụng cho tất cả giáo viên là điều khiên cưỡng, hình thức mà gây tốn kém cho đội ngũ nhà giáo. Còn việc chứng chỉ tin học thì Bộ không yêu cầu giáo viên cũng bắt buộc phải học, phải biết sử dụng mới đáp ứng được công việc hiện nay.

Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học là điều hữu ích, cần thiết cho giáo viên. Sự việc này giúp cho giáo viên yên tâm công tác, không phải bận tâm về những chứng chỉ như lâu nay. Những thầy cô chưa học cũng đỡ phải mất đi một số tiền lớn không cần thiết.

Vì thế, cho dù việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên có phần hơi muộn nhưng dù sao đây cũng là nỗ lực của lãnh đạo ngành giáo dục trong suốt cả nhiệm kỳ này để dần hạn chế những bất cập đã diễn ra suốt nhiều năm qua.

THANH AN
BỎ CHỨNG CHỈ NGOẠI NGỮ, THẦY CÔ VÍ NHƯ 'CƠN MƯA RÀO ĐI QUA VÙNG NẮNG HẠN'
TRUNG DŨNG /GDVN 7-2-2021

Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên từ tháng 3/2021, đây là một trong những nội dung trong các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Các Thông tư này được ban hành trên cơ sở sửa đổi, thay thế các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2021.

Sau khi các thông tư này được ban hành, nhiều giáo viên ví điều này như “cơn mưa rào đi qua vùng nắng hạn” mà họ đang mong mỏi bao lâu nay.

Cô Ngô Thị Lễ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Thành phố Tam Điệp, Ninh Bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dưới góc độ của một nhà quản lý, cô Ngô Thị Lễ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Thành phố Tam Điệp, Ninh Bình hơn ai hết là người nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của các giáo viên và đã có những chia sẻ thẳng thắn với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này.

Cô Lễ cho biết: “Theo tôi việc làm này của Bộ Giáo dục là rất đúng đắn. Ví dụ, nếu một cơ sở giáo dục nào đó thuộc tầm cao cấp hoặc mang chuẩn quốc tế, họ cần một giáo viên phải đảm bảo tới một mức yêu cầu nhất định nào đó. Họ sẽ xét tuyển đầu vào đáp ứng được đủ chuẩn thì việc đề ra các yêu cầu phù hợp là đúng.

Giáo viên ở các trường Tiểu học, Trung học cơ sở hay Trung học phổ thông hệ công lập ở mức độ đại trà thì nên bằng chuẩn đào tạo đầu ra sư phạm.

Theo kinh nghiệm công tác, tôi thấy rằng, những chứng chỉ đó chỉ là điều kiện cần để khi mình xét cho giáo viên đó làm việc gì đó cụ thể thôi.

Còn thực ra với giáo viên, có những người cả năm đi dạy, cho dù đầy đủ các loại chứng chỉ đó trong tay nhưng không đúng chuyên ngành giảng dạy của người đó thì rõ ràng cả năm những cái chứng chỉ ấy chỉ đút túi đâu có đưa ra để sử dụng.

Như vậy khác gì chúng ta đang lãng phí thời gian và tiền bạc để đầu tư vào một cái không thực sự cần thiết hay sao.

Vì thế, khi Bộ đề ra quyết định này, không đơn lẻ chỉ là với những người làm công tác quản lý như chúng tôi mà tất cả các giáo viên đều hết sức vui mừng và hoan nghênh quyết định đúng đắn của Bộ Giáo dục. Điều này là thiết thực và phù hợp với tâm tư nguyện vọng của rất nhiều giáo viên.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn vào thực tế chung hiện nay, khi nền giáo dục của chúng ta đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ thì việc Bộ Giáo dục không yêu cầu giáo viên cần có những chứng chỉ đó không có nghĩa là chúng ta xem nhẹ mức trình độ về ngoại ngữ và tin học với giáo viên, hơn ai hết tự bản thân mỗi giáo viên cần cố gắng trau dồi hơn nữa các kinh nghiệm và kỹ năng.

Vì đã bước chân vào môi trường giáo dục thì nếu một giáo viên đảm bảo hoàn thiện về các trình độ chuyên môn bao giờ cũng sẽ gặp thuận lợi hơn so với các giáo viên khác”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc, nếu trong quá trình tuyển dụng đầu vào mà trong hồ sơ của giáo viên ấy không có những loại chứng chỉ trên thì quá trình tuyển dụng có làm khó cho nhà quản lý hay không? Và căn cứ vào đâu để đánh giá chính xác được năng lực của giáo viên đó, những điều này được cô Lễ thẳng thắn chia sẻ: “Thực tế, với một giáo viên nếu nếu họ có năng lực thực sự thì bằng con mắt nghề nghiệp và kinh nghiệm công tác quản lý lâu năm thì để đánh giá được chất lượng giáo viên đó là điều rất dễ dàng qua phỏng vấn, thực tế công việc.

Vì thế, không nhất thiết các giáo viên ấy phải trình ra được những chứng chỉ ấy thì mới được chúng tôi nhận vào.

Bởi một giáo viên muốn được vào công tác tại một cơ sở giáo dục nào đó thì tại cơ sở ấy luôn có một khung chung để cho các giáo viên đó thi đánh giá năng lực đầu vào.

Điều này đã được áp dụng bao lâu nay và luôn chọn được những giáo viên có năng lực thực sự.

Vì thế, khi tuyển dụng thì hồ sơ của họ chúng tôi cũng chỉ coi là điều kiện cần, cái cơ bản nhất vẫn là năng lực của chính bản thân họ”.

Trung Dũng
DẸP 'CHỢ' CHỨNG CHỈ NGOẠI NGỮ, TIN HỌC ĐỒNG THỜI CẦN NÂNG CHUẨN ĐẦU RA
CAO KIM ANH /GDVN 6-2-2021

Chấm dứt việc chạy các loại chứng chỉ

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập. Trong đó, chính thức bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên.

Các Thông tư này được ban hành trên cơ sở sửa đổi, thay thế các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2021.

Trước đó, tại cuộc tiếp xúc cử tri của tỉnh Bình Định tháng 11/2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Bộ Nội vụ để đi tới thống nhất, sẽ xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên.

Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên, trong quá trình đào tạo các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau rồi, nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là chưa thiết thực.

Ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội khóa 13 - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ảnh: Tùng Dương)

Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) cho biết:

“Nên bỏ những quy định về chứng chỉ đối với các thầy cô. Điều này là việc đúng đắn, nên làm.

Không nên đặt ra quá nhiều quy định cho các thầy cô. Khi có quá nhiều quy định chồng chéo nhau mà không mang lại hiệu quả, cán bộ công chức, viên chức sẽ bị áp lực, khó khăn. Điều này nguy hiểm nhất là sản sinh ra chạy chứng chỉ nọ, chứng chỉ kia để làm đẹp hồ sơ”.

Cũng theo ông Lê Như Tiến, việc bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đó là một bước tiến trong ngành giáo dục, đào tạo.

Trong thời gian vừa qua, việc chạy bằng cấp, tín chỉ được xem là một “cái chợ”. Việc quy định về các tín chỉ tồn tại là “sân sau” cho các hoạt động mua, bán tín chỉ hoành hành. Các trung tâm cung cấp các loại tín chỉ hoạt động bát nháo, bành trướng, ngang nhiên, thậm chí xem thường các quy định của pháp luật.

Những lớp học tín chỉ tồn tại một vài ngày, thậm chỉ là không một giờ nào học viên vẫn có thể được cấp các loại tín chỉ về ngoại ngữ và tin học.

“Điển hình mới đây là ngay cả bằng đại học, thậm chí có cả bằng tiến sĩ… người ta còn chạy được, kể cả bằng đại học ở nước ngoài. Họ có thể không học nhưng họ vẫn ghi danh, nộp tiền và họ vẫn có bằng được.

Nếu chúng ta thêm một nội dung quy định gì bất hợp lý và cơ chế quản lý không chặt chẽ về chứng chỉ, bằng cấp thì chỉ có tạo điều kiện cho việc chạy bằng, chạy cấp, chạy tín chỉ có “công ăn việc làm”.

Chúng ta cứ đưa ra các quy định, cứ thêm nội dung này, nội dung kia, thêm chứng chỉ này, bằng cấp nọ chồng chéo, bất hợp lý chính là đòn bẩy “khuyến khích” nhu cầu của giáo viên chạy bằng, chạy điểm”, ông Tiến khẳng định.

Nên chuẩn hóa chương trình tin học, ngoại ngữ tại các trường cao đẳng, đại học

Theo ông Lê Như Tiến, việc bỏ quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là điều nên làm nhưng cũng không nên xem nhẹ những yêu cầu tối thiểu của tin học và ngoại ngữ.

“Không nên đặt quá nhiều quy định chồng chéo về bằng cấp, tín chỉ đối với các thầy cô giáo. Trong khi đó, nếu nghiêm túc đưa tin học, ngoại ngữ thành chương trình đào tạo đại học, cao đẳng thì hiệu quả đầu ra cao hơn, nhân sự sẽ chất lượng hơn.

Khi đã đưa vào chương trình đào tạo chuẩn mực ở đại học, cao đẳng có thi cử và cấp chứng chỉ đàng hoàng thì cần gì mình phải bắt các viên chức, công chức thi bổ sung thêm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa.

Việc quy định, yêu cầu về chứng chỉ, gây khó khăn kép cho các cán bộ công chức, viên chức. Chúng ta đang trong quá trình đơn giản hóa các thủ tục, không nên gây phiền hà cho công chức, viên chức.

Nếu như tiếp nhận nhân sự, những người đó không đủ trình độ về tin học, ngoại ngữ thì chúng ta cho đi đào tạo lại, đào tạo thêm những nội dung cần bổ sung, nâng cao.

Nhưng điều quan trọng nhất là ngành giáo dục phải đưa ra chuẩn hóa về ngoại ngữ và tin học, được đưa vào chương trình đại học, cao đẳng. Lúc đó, những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng thì đương nhiên họ sẽ có đủ trình độ về tin học và ngoại ngữ”, ông Tiến chia sẻ.

Hiện nay, trong ngành giáo dục đang sản sinh ra nhiều lớp học chứng chỉ cấp tốc nhằm giúp cho việc bổ nhiệm nhân sự thuận lợi. Bằng cấp, chứng chỉ được mua, bán như một món đồ vô tri, vô giác, không có sự hiện diện của tri thức, ngang nhiên và trái pháp luật.

Về giải pháp nâng cao chất lượng tuyển dụng nhân sự cho ngành giáo dục không dựa vào những quy định về chứng chỉ như từ trước tới nay, ông Tiến cho hay:

“Tôi thấy rằng, đã bỏ quy định để các thầy, cô không chạy chứng chỉ về mặt hình thức thì nên tiến hành tuyển dụng theo phương thức tuyển dụng của các nước tiên tiến.

Tại các nước tiên tiến, nhà tuyển dụng yêu cầu cán bộ công chức, viên chức đến và phỏng vấn trực tiếp. Họ đưa ra nhưng bài kiểm tra, đặt người cần việc làm vào các tình huống, chức danh, công việc, vị trí mà họ đang xét tuyển.

Khi phỏng vấn, họ sẽ đặt người tuyển dụng vào tất cả các tình huống có thể xảy ra khi ngồi vào vị trí đang tuyển dụng.

Nếu phỏng vấn trực tiếp, hỏi đúng vào yêu cầu của vị trí việc làm thì thực chất hơn là ngồi trong văn phòng xem hồ sơ có đẹp không, đầy đủ bằng cấp chứng chỉ hay không”.

Thời gian vừa qua, việc chạy bằng cấp, chứng chỉ chính là hệ quả của chính sách chưa thiết thực mà chúng ta đưa ra. Phải hướng tới người được tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt bắt buộc phải có kiến thức thực tiễn, thực chứng chứ không phải có nhiều bằng cấp, chứng chỉ để làm đẹp vào hồ sơ.

“Chúng ta tuyển dụng người làm việc chứ không phải tuyển dụng xem ai là người có nhiều bằng cấp chứng chỉ hay không.

Thực tế, có những người tốt nghiệp cao học, học tiến sĩ nhưng không viết nổi một cái công văn. Đó chính là thực tiễn mà đã quá nhiều trường hợp như thế xảy ra trước đó.

Không nên chạy theo chứng chỉ, bằng cấp vì không những xuất hiện việc mua bằng, bán điểm, mua chứng chỉ, mua giấy chứng nhận… mà nguy hiểm hơn là đối tượng thực hiện việc gian dối này chính là các thầy cô giáo, những người về nhân cách, đạo đức không được phép gian dối.

Thay đổi chính sách hợp lý, đưa ra những phương pháp tối ưu, tối giản mang lại hiệu quả trong việc quản lý hành chính, nhân sự trong ngành giáo dục là mong mỏi của toàn thể xã hội, đặc biệt là nhân sự trong ngành”, ông Tiến nhận định.

Cao Kim Anh
CÒN CHỨNG CHỈ VÔ DUYÊN NHẤT, GIÁ NHƯ BỘ GIÁO DỤC BỎ NỐT
NHẬT DUY /GDVN 5-2-2021

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các công lập đã bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khiến cho hàng triệu nhà giáo vui mừng khôn xiết.

Tuy nhiên, điều mà đội ngũ nhà giáo mong ước thêm là giá như Bộ bỏ luôn cả chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì tuyệt vời nhất bởi thực ra chứng chỉ này trùng lặp với rất nhiều nội dung mà giáo viên đã học trên giảng đường đại học và bồi dưỡng chuyên môn hàng năm.

Hơn nữa, đây là loại chứng chỉ mà hiện nay giáo viên học chưa nhiều nên nếu bỏ được cũng sẽ tiết kiệm cho hàng triệu nhà giáo một số tiền khổng lồ và tránh được lãng phí về thời gian, công sức cho đội ngũ giáo viên trên cả nước.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (Ảnh trên giaoduc.net.vn)

Giáo viên vẫn phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp

Ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập. Các Thông tư này vẫn yêu giáo viên các hạng có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.

Chẳng hạn, đối với Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập thì yêu cầu giáo viên hạng III như sau:

“Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (đối với giáo viên trung học cơ sở mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học cơ sở hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng)”.

Đối với giáo viên hạng II thì yêu cầu: “Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II”.

Giáo viên hạng I thì yêu cầu: “Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I”.

Có nghĩa là giáo viên hạng nào cũng đều yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và khi chuyển lên hạng cao hơn lại phải đi học một chứng chỉ mới.

Điều này sẽ gây nên những lãng phí không cần thiết khi xét (thi) thăng hạng đối với giáo viên bởi thực tế nội dung học chứng chỉ này không có những điểm mới so với những nội dung mà giáo viên đã được học, được tập huấn hàng năm.

Nội dung bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp gồm những chuyên đề gì?

Bản thân người viết bài này đã từng học lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II vào dịp hè năm 2020 và cũng tham khảo nội dung đào tạo của các trường đại học giảng dạy cho giáo viên cấp mầm non đến trung học phổ thông chúng tôi đều thấy đều có thời lượng là 240 tiết học.

Về nội dung học, cơ bản đều có 10 chuyên đề, đó là; Chuyên đề 1: Lí luận về nhà nước và hành chính nhà nước; Chuyên đề 2: Chiến lược và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; Chuyên đề 3: Quản lí giáo dục và chính sách phát triển giáo dục trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

Chuyên đề 4: Giáo viên với công tác tư vấn học đường trong trường; Chuyên đề 5: Tổ chức hoạt động dạy học xây dựng và phát triển kế hoạch giáo dục ở trường; Chuyên đề 6: Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên; Chuyên đề 7: Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ;

Chuyên đề 8: Thanh tra, kiểm tra và một số hoạt động đảm bảo chất lượng ở trường; Chuyên đề 9: Sinh hoạt tổ chuyên môn và công tác bồi dưỡng giáo viên; Chuyên đề 10: Xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển.

Nhìn vào những chuyên đề này, mọi người trong ngành có thể nhìn thấy là đa số nội dung học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện nay của các trường đại học dành cho giáo viên là kiến thức mà các thầy cô đều đã được học thời đại học, cao đẳng sư phạm.

Khi ra trường, với trải nghiệm của công việc thực tế thì người thầy cũng thường xuyên được học tập, bồi dưỡng các nội dung này hàng năm. Năm nào giáo viên chẳng học chính trị 2 lần, năm nào giáo viên chẳng phải đi tập huấn vài lần về chuyên môn, về đổi mới của ngành.

Trong thực tế giảng dạy ở nhà trường thì thầy cô nào lại không phải sinh hoạt chuyên môn mỗi tháng 2 lần, chẳng phải tư vấn cho học trò.

Và, trong những năm gần đây thì ngành Giáo dục chủ trương chuyển từ phương pháp truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho học sinh nên giáo viên đã quá rõ vấn đề này. Hàng năm, giáo viên nào chẳng phải chuẩn bị hồ sơ, sổ sách, giờ dạy để cấp trên thanh tra, kiểm tra, dự giờ…

Vì vậy, việc học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện nay của giáo viên cũng chỉ là việc “làm sáng tỏ những điều đã rõ, đã biết” mà thôi. Nhưng, nó lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và thậm chí gây nên những ức chế cho đội ngũ giáo viên.

Thời lượng được thiết kế 240 tiết nhưng học viên chỉ học từ 7-10 buổi học

Theo Quyết định số 2514 /QĐ-BGDĐT ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với việc tìm hiểu về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các trường đào tạo, chúng tôi thấy nội dung học, số tiết học được phân bổ khá cụ thể.

Chương trình học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp gồm có 03 phần:

Phần I: Kiến thức về chính trị, quản lý nhà nước và các kỹ năng chung (gồm 4 chuyên đề); Phần II: Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp (gồm 6 chuyên đề).

Phần III: Tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch.

Thời gian học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp như sau: Lý thuyết, thảo luận, thực hành: 176 tiết; ôn tập: 10 tiết + kiểm tra: 06 tiết; tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch: 44 tiết; công tác tổ chức lớp (khai giảng, bế giảng lớp): 04 tiết.

Dù theo thiết kế thời lượng học tập khi giáo viên đăng ký thì học viên sẽ học 240 tiết nhưng thực tế người viết bài này chỉ học 7 buổi sáng, mỗi buổi từ 2-3 tiếng đồng hồ là kết thúc khóa học là xong.

Và, trong khoảng thời gian ngắn ngủi mỗi buổi sáng 1-2 chuyên đề nhưng không phải giảng viên nào cũng dành trọn cho việc giảng dạy. Thế nhưng, học viên học lớp bồi dưỡng này đang phải đóng học phí từ 2- 2,5 triệu đồng, cộng thêm 200 ngàn tiền mua tài liệu.

Tài liệu là một cuốn giáo trình dày mấy trăm trang bắt buộc học viên đăng ký học phải mua và nó chỉ có giá trị sử dụng 1 lần. Người học trước không thể cho người sau học vì khi học viên đăng ký học là phải mua tài liệu!

Chính vì thế, giáo viên chúng tôi mong rằng Bộ đã bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học thì cũng nên bỏ luôn chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên.

Bởi đi học phải là kiến thức mới, thiết thực cho công việc thì nó mới có ý nghĩa, còn học lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên như một số trường đại học sư phạm đang bồi dưỡng thì không chỉ lãng phí, tốn kém về thời gian, tiền bạc mà thực ra nó cũng chẳng giúp ích được bao nhiêu cho công việc hàng ngày của người thầy.

Nhật Duy
GIÁO VIÊN ĐẮK NÔNG MỪNG VÌ BỘ BỎ CHỨNG CHỈ, NHƯNG VẪN TIẾC NUỐI ĐÃ MẤT TIỀN OAN
PHAN TUYẾT /GDVN 5-2-2021

Giáo viên tỉnh Đắk Nông đã nhiều lần phản ánh lên tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc địa phương truy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong thời gian chờ đợi Bộ Giáo dục ra văn bản chính thức.

Tòa soạn cũng đã đăng tải những bài viết phản ánh về vấn đề này, như: “Không đủ chứng chỉ giáo viên sẽ bị thu quyết định tuyển dụng, Bộ trưởng có biết?”; “Địa phương truy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, giáo viên mong Bộ sớm "giải vây".

Ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thay thế các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ 20/ 3/2021.

Tuy hơi trễ so với thông tin công bố của Bộ Giáo dục rằng Bộ dự kiến ban hành các thông tư này trước ngày 31/12/2020, thế nhưng đây chính là sự nỗ lực rất lớn của Bộ đem đến niềm vui lớn cho nhiều nhà giáo chúng tôi.

Giáo viên than mất tiền vì một công văn

Ngày 13/7/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông Công văn số: 909/SGDĐT-TCCBTC về việc đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn theo chức danh nghề nghiệp hiện hành được nhà trường gửi qua email khiến họ đứng ngồi không yên.

Công văn này đã buộc thầy cô thiếu chứng chỉ đi học (ảnh do thầy cô cung cấp).

Nội dung công văn nêu rõ:

Đối với cán bộ quản lý, giáo viên (thiếu Chứng chỉ ngoại ngữ bậc 2, Chứng chỉ tin học) và đối với nhân viên (thiếu Chứng chỉ ngoại ngữ bậc 1, Chứng chỉ tin học) thì khẩn trương đi học để có Chứng chỉ theo quy định.

Ngoài ra, có thể học và thi để có Chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc thay thế cho Chứng chỉ ngoại ngữ.

Đối với giáo viên dạy ngoại ngữ thì trình độ ngoại ngữ thứ hai phải đạt bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Cuối công văn còn dòng chữ nhấn mạnh: “Sau thời hạn ngày 31/12/2020, cán bộ, giáo viên, nhân viên chưa hoàn thiện đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định hiện hành thì đều phải thu hồi quyết định tuyển dụng”.

Nhận được công văn của Sở, giáo viên thật sự hoang mang. Các thầy cô phải suy nghĩ lựa chọn: mất tiền hay mất việc?

Thế là, nhiều giáo viên dù không có cũng phải vay mượn thậm chí là vay nóng để lấy chứng chỉ về cho rồi.

Chứng chỉ tin học 1.500.000 đồng, Chứng chỉ tiếng dân tộc 1.500.000 đồng còn Chứng chỉ ngoại ngữ B2 có giá gần 10 triệu đồng nhưng vẫn phải bấm bụng chi ra, vì theo các thầy cô này, tất cả cũng vì miếng cơm manh áo.

Một số thầy cô giáo nơi đây cho biết, cũng có khá nhiều giáo viên vì tiếc tiền vô ích, vì chờ đợi Bộ Giáo dục ban hành quy định bỏ chứng chỉ nên cũng đánh liều chưa đi học. Thế nhưng bất ngờ ngày 22/12/2020, tất cả các trường thuộc khối trung học phổ thông ở tỉnh Đăk Nông tiếp tục gửi danh sách những giáo viên thiếu chứng chỉ phải bổ sung trước ngày 31/12/2020 về Sở Giáo dục.

Trước thông tin này, cô giáo M nói: “Nhiều giáo viên hoang mang, lo lắng vì chỉ còn vài ngày nữa là hết thời hạn nộp chứng chỉ, giáo viên chúng tôi phải làm gì đây? Họ làm thế, chẳng khác nào ngấm ngầm tạo cơ hội để các trung tâm liên kết để đào tạo chứng chỉ cấp tốc và thu tiền của chúng tôi”.

Trước động thái được các giáo viên cho là có tính hối thúc này, những thầy cô giáo chưa đi học đợt trước đã rất hoang mang. Ngày 9/1 hơn 200 giáo viên nơi đây đành bỏ ra mỗi người 1.500.000 đồng để thi Chứng chỉ tiếng dân tộc. Một số khác đi học thi chứng chỉ ngoại ngữ thứ 2.

Giá như liều một chút chờ Bộ, giáo viên đỡ mất oan vài tháng lương

Trước thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các thông tư mới, trong đó bỏ các quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên, một số ít thầy cô giáo (đã liều không đi thi) tại tỉnh Đắk Nông vui mừng khôn xiết.

Dòng tin nhắn đầy tiếc nuối của một đồng nghiệp ở Đắk Nông trao đổi với người viết sau khi nghe tin Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa bãi bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên.

Thầy giáo H. còn đùa vui: “Canh bạc vừa rồi mình đã chiến thắng nhưng cũng khá hồi hộp. Vì tiếc tiền nên đành đánh cược một ăn cả, hai ngã về không.

Còn đa số các thầy cô giáo đã có chứng chỉ đều tỏ ra nuối tiếc, giá chúng tôi liều một chút sẽ đỡ mất oan số tiền vài tháng lương.

Nỗi khổ về chứng chỉ của giáo viên bao năm qua đã được gỡ bỏ. Chúng tôi biết, để đưa ra quyết định này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thấu hiểu, đồng cảm và nổ lực rất lớn để tháo bỏ gánh nặng chứng chỉ đang đè lên vai đội ngũ giáo viên.

Bởi, đưa ra quy định bỏ chứng chỉ đâu phải quyền hạn của riêng Bộ Giáo dục, khi nó được quy định từ Luật Viên chức? Một mình Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể quyết được chắc giáo viên đã không phải đợi lâu đến thế. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải kỳ công thuyết phục các cơ quan chức năng khác, mà theo người viết ít nhất phải qua được Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp.

Điều đáng mừng nữa là, cùng với việc điều chỉnh quy định về trình độ ngoại ngữ trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo đưa yêu cầu về trình độ ngoại ngữ vào chương trình đào tạo theo khung trình độ quốc gia và chuẩn đầu ra của sinh viên sư phạm.

Tương lai gần, giáo sinh tốt nghiệp trường sư phạm sẽ có đủ trình độ ngoại ngữ và tin học đúng tiêu chuẩn.

Phan Tuyết
CHƯA KỊP MỪNG VÌ BỘ BỎ CHỨNG CHỈ, GIÁO VIÊN LẠI LO LẮNG VỚI CHUẨN MỚI
SƠN QUANG HUYẾN /GDVN 4-2-2021

Ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT thay thế các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ 20/3/2021. [1]

Các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT đều có điểm chung là mỗi cấp học giáo viên đều được xếp thành 3 hạng: Hạng III, hạng II, hạng I. Quy định về chuẩn trình độ đào tạo của hạng thấp nhất (hạng III) là giáo viên phải có bằng Cử nhân.

Quy định về chuẩn trình độ đào tạo của hạng thấp nhất (hạng III) là giáo viên phải có bằng Cử nhân. (Ảnh mang tính chất minh họa: Lã Tiến)

Chưa kịp mừng giáo viên lại lo lắng với chuẩn mới

Giáo viên cả nước vui mừng từ nay hết cảnh phải bỏ một khoản tiền không nhỏ cho chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Thế nhưng bên cạnh niềm vui là sự lo lắng không hề nhỏ của một bộ phận giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo yêu cầu mới.

Thầy giáo Lê Bình ở Vũng Tàu chia sẻ “Mình thấy mừng cho anh em khi chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đã được Bộ thay đổi từ yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên các cấp, các hạng được điều chỉnh từ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sang tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ.

Đây cũng là bước khởi đầu để chúng ta đánh giá năng lực thực sự của giáo viên thay vì qua bằng cấp, bằng thật nhưng học giả còn tệ hơn không có bằng nhưng làm được việc.

Niềm vui là niềm vui chung, nhưng lo lắng lại của riêng mình. Mình chưa có bằng cử nhân, chỉ còn vài năm nữa về hưu, không thuộc đối tượng đào tạo bồi dưỡng, bỗng thấy hụt hẫng.

Đọc Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT, giáo viên trung học cơ sở có ba hạng, hạng III phải có bằng Cử nhân trở lên. Như vậy mình và những giáo viên như mình đã không còn trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm, xếp lương nữa.

Vậy đối tượng giáo viên như mình sẽ được đánh giá như thế nào, xếp lương như thế nào, lo lắng bất an quá. Nếu Bộ tạo điều kiện cho chúng mình nghỉ hưu trước tuổi, không bị trừ % lương hưu thì hay quá”.

Ngành giáo dục sẽ không bỏ rơi thầy cô chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo

Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Tổng số giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn (tính đến thời điểm trích xuất cơ sở dữ liệu ngành giáo dục ngày 10/3/2020) là: 256.492 người (công lập: 207.606 người; dân lập, tư thục: 48.886 người).

Trong đó giáo viên mầm non: 87.903 người (công lập 41.021 người, ngoài công lập 46.882 người).

Giáo viên tiểu học: 116.846 người (công lập 115.010 người, ngoài công lập 1.711 người). Giáo viên trung học cơ sở: 51.868 người (công lập 51.575 người, ngoài công lập 293 người)”.

Theo số liệu thống kê, có 40.259 giáo viên, cán bộ quản lý (trong đó, mầm non: 7.207 người, tiểu học: 25.171 người, trung học cơ sở: 7.881 người) không phải tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ đào tạo sẽ thuộc đối tượng quy định tại Thông tư quy định sử dụng giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo”.

Khi trả lời về hướng giải quyết cho 40.259 giáo viên, cán bộ quản lý không phải tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ đào tạo, ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết:

“Đa số giáo viên, cán bộ quản lý thuộc diện này đều là những giáo viên có nhiều năm công tác, có kinh nghiệm, nhiều người là giáo viên giỏi, cán bộ quản lý giỏi và đang thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục, quản lý trong các cơ sở giáo dục.

Những giáo viên, cán bộ quản lý này tiếp tục được tham gia các khóa bồi dưỡng để cập nhật kiến thức, phương pháp dạy học mới để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới”. [2]

Như vậy, thầy cô giáo thuộc đối tượng chưa chuẩn trình độ đào tạo nhưng không phải tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ đào tạo hãy yên tâm công tác, thầy cô sẽ tiếp tục được tham gia các khóa bồi dưỡng để cập nhật kiến thức, phương pháp dạy học mới để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đôi điều kiến nghị

Hiện nay, chúng ta đang có hơn 70 ngàn cử nhân Sư phạm thất nghiệp, đây là những cử nhân trẻ, được đào tạo nhưng không được sử dụng, là sự lãng phí rất lớn của xã hội. [3]

Vì vậy, nếu Bộ tạo điều kiện nghiên cứu trình Chính phủ phương án cho 40.259 giáo viên, cán bộ quản lý không phải tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ đào tạo được về hưu trước tuổi (nếu muốn), không bị trừ tỷ lệ % lương hưu, sẽ giải được hai bài toán lớn của ngành giáo dục hiện nay:

1. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cả về sức khỏe lẫn trình độ.

2. Tiết kiệm nguồn lực con người và chất xám cho xã hội.

Bộ cần có hướng dẫn thực hiện thông tư thật cụ thể, chi tiết cho các địa phương khi thực hiện các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT, tránh tổn thương cho thầy cô giáo không đạt chuẩn trình độ đào tạo, không phải tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ đào tạo.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-chinh-thuc-bo-yeu-cau-chung-chi-tin-hoc-ngoai-ngu-cho-thay-co-post215431.gd

[2] https: //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/hon-40-000-giao-vien-vao-dien-neu-2-nam-lien-khong-dat-chuan-se-phai-sang-lam-viec-khac-644885.html

[3] http://www.hanoimoi.com.vn/ban-in/Giao-duc/857714/hon-70000-giao-vien-se-that-nghiep-co-cau-lai-truong-su-pham-ra-sao

Sơn Quang Huyến

TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

-Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học- món quà Tết ý nghĩa Bộ dành cho giáo viên (GD 8/2/2021)

-Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, thầy cô ví như "cơn mưa rào đi qua vùng nắng hạn" (GD 7/2/2021)

-Dẹp "chợ" chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đồng thời cần nâng chuẩn đầu ra (GD 6/2/2021)

-Còn chứng chỉ vô duyên nhất giá như Bộ Giáo dục bỏ nốt, thầy cô mừng biết mấy (GD 5/2/2021)-

-Giáo viên Đắk Nông mừng vì Bộ bỏ chứng chỉ, nhưng vẫn tiếc nuối đã mất tiền oan (GD 5/2/2021)

-Chưa kịp mừng vì Bộ Giáo dục bỏ chứng chỉ, giáo viên lại lo lắng với chuẩn mới (GD 4/2/2021)-

-Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên là quyết định đúng của Bộ Giáo dục (GD 4/2/2021)

-Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học giáo viên đồng tình, hiệu trưởng băn khoăn (GD 4/2/2021)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét