Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

20210224. NGUYÊN PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG VĨNH TRỌNG TỪ TRẦN

 ĐIỂM BÁO MẠNG


NGUYÊN PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRƯƠNG VĨNH TRỌNG TỪ TRẦN

TTXVN / GDVN 19-2-2021

Ngày 19/2, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương thông báo: Đồng chí Trương Vĩnh Trọng, sinh năm 1942, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, sức yếu, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần vào hồi 3 giờ 25 phút ngày 19/2/2021 tại nhà riêng, ấp Lương Thuận, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Đồng chí Trương Vĩnh Trọng. Ảnh: TTXVN

Đồng chí Trương Vĩnh Trọng là Ủy viên Bộ Chính trị Khóa X; Bí thư Trung ương Đảng Khóa IX, X; Ủy viên Trung ương Đảng Khóa VI (dự khuyết), VII, VIII, IX, X.

Đồng chí giữ cương vị Phó Thủ tướng từ tháng 6/2006 đến tháng 8/2011; là đại biểu Quốc hội Khóa VIII, XI.

Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ an táng đồng chí Trương Vĩnh Trọng sẽ được thông báo sau.

Theo TTXVN
ÔNG TRƯƠNG VĨNH TRỌNG VÀ NHỮNG KẺ ...KHÓC MƯỚN

THU HÀ/ TD 22-2-2021

Như thành thông lệ, ở đất nước Việt Nam XHCN này, mỗi khi có một cựu lãnh đạo hay quan chức cấp cao chết, những tay bồi bút sẽ tha hồ đăng đàn thương vay khóc mướn. Báo Đảng, với những cây bút “quốc doanh” sẽ cố tìm ra những tiểu tiết mang biểu hiện một chút tốt của người chết để ngợi ca.

Nào là ông nọ là một quan thanh liêm, ông kia là một ông quan hiền lành, sống khép kín, không phô trương, không tham nhũng (hoặc tham nhũng kín đáo), ít để lại điều tiếng thị phi. Rồi nào là “tận trung với đảng, tận hiếu với dân”, “một đời vì dân, vì nước”…

Mọi chuyện có thật như thế không? Xin nói ngay là không bao giờ. Trong nhà nước cộng sản, tìm ra một vị quan “yêu nước, thương dân” khác gì hái sao trên trời. Bởi vì thể chế độc tài đảng trị, với guồng máy “tập trung dân chủ”, kiên định với chủ nghĩa Mác Lê, nên không ai dám làm ngược lại, mà làm đúng ý đảng thì làm gì “vì dân, vì nước” cho được?

Có thể có quan chức này kia, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhưng cũng chỉ dừng lại ở “đổi mới tư duy” trong điều hành kinh tế mà thôi. Còn dám đề xuất thay đổi những trật tự cũ, làm điều gì to tát cho tương lai dân tộc, dám chống lại những thế lực cường quyền, hiếp đáp dân lành (đang hiện hữu hay trong bóng tối) bất kể sự nguy hiểm tính mạng của mình, thì không hề có.

Trong chốn quan trường Việt Nam hiện nay, chỉ tồn tại những phe nhóm “dây mơ rễ má”, nhóm lợi ích câu kết với nhau, rút ruột ngân sách, o ép và cưỡng chế dân để vơ vét làm giàu, sống phè phởn như ông hoàng, bà chúa. Họ im lặng trước bất công xã hội hoặc đồng lõa với tội ác, hèn nhát co cụm, hoặc núp trong bóng tối chờ về hưu, chứ chẳng có gì xứng đáng để ngợi ca.

Nguyễn Bá Thanh (1953-2015), được xem là “lưu manh chính trị”, kẻ gây ra vụ đàn áp Cồn Dầu đẫm máu, câu kết với Vũ “nhôm” lấp sông, lấp biển, phân lô cả bán đảo Sơn Trà, thu tóm đất đai của dân, bán sạch công sản để làm giàu, đẩy mấy chục “đồ đệ” cán bộ chủ chốt Đà Nẵng vào vòng lao lý…

Tội lỗi ngút trời như thế, vậy mà ngày 16/2/2015, Tô Huy Rứa đọc điếu văn truy điệu Nguyễn Bá Thanh, có đoạn: “Đồng chí Nguyễn Bá Thanh tham gia cách mạng từ nhỏ, là một người tài năng, trí tuệ, dám nghĩ dám làm. Đồng chí đã dành trọn cả cuộc đời mình cống hiến cho cách mạng và sự phát triển đất nước…(sic) trên bất kỳ cương vị nào, kể cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, đồng chí cũng luôn thể hiện ý chí kiên trung của người Đảng viên, không ngại khó, không ngại khổ, hết lòng vì dân, vì nước”.

Tô Huy Rứa tại tang lễ Nguyễn Bá Thanh (trên) và Nguyễn Phú Trọng tại tang lễ Trần Đại Quang (dưới). Ảnh: Zing/ internet

Trần Đại Quang, trùm “bảo kê thượng tầng” khi chết vẫn hưởng quy chế quốc tang. Sáng 27/9/2018, ông Nguyễn Phú Trọng đọc điếu văn tại lễ truy điệu Trần Đại Quang có đoạn:

Đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, gương mẫu và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất của Đảng, thương yêu đồng chí, đồng bào; thực sự cầu thị, khiêm tốn học hỏi, trân trọng lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp; luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, được đồng chí, đồng bào quý mến, bạn bè quốc tế trân trọng“.

Ông Trương Vĩnh Trọng, người mà nắp quan tài vừa đóng lại trưa nay 22/2/2021 cũng không ngoại lệ. Ông Vĩnh Trọng từng kinh qua các chức vụ: Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Trưởng ban Nội chính Trung ương, vào Bộ Chính trị khoá X, được bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ và về hưu năm 2011. Suốt nhiều ngày qua, báo chí “lề đảng” đã hát bài tụng ca, ca ngợi công đức và nhân cách ông lên tận mây xanh.

Ông là người trực tiếp theo dõi, chỉ đạo giải quyết những đại án “nổi đình nổi đám” một thời như Eco – Minh Phụng, PMU 18… Dư luận cho rằng, có thể ông còn chút tư cách, thanh liêm và bình dị. Nhưng nếu cho rằng ông là quan chức có “bàn tay sạch”, một ông quan anh minh, sao ông không can thiệp để xem xét đơn kêu cứu của Minh Phụng và anh ta đã phải bị tử hình oan ức vì cơ chế kinh tế mập mờ sinh ra tội danh hư ảo. Trong khi đó, cùng phạm tội như nhau, nhưng “hạt giống đỏ” Lê Văn Kiểm thì được “khoanh nợ” và được giải cứu.

Trong vụ án PMU 18, khi báo chí phanh phui, dám đụng đến con rể Nông Đức Mạnh và nhiều quan chức cao cấp, cùng thế lực bảo kê cường quyền, đã phải trả một cái giá rất đắt. Nhiều nhà báo bị khởi tố bắt giam, lãnh án, bị thu hồi thẻ nhà báo, thậm chí những Tổng Biên tập “vua biết mặt, chúa biết tên” như Nguyễn Công Khế, Lê Hoàng… đều bị mất chức. Lúc ấy ông Trương Vĩnh Trọng có đủ dũng khí ra mặt để bảo vệ công bằng và lẽ phải không?

Còn một câu chuyện nữa. Năm 2009, dư luận cả nước rầm rộ phản đối dự án bô xít Tây Nguyên. Cựu Uỷ viên BCT, tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng phản đối, tướng Võ Nguyên Giáp cũng viết 3 bức thư can gián, gửi Ban Chấp hành Trung ương đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ

Chỉ riêng trang mạng Bauxite Việt Nam, đã thu thập được hàng ngàn chữ ký phản đối của trí thức trong và ngoài nước. Sự phản đối đồng loạt, rầm rộ, cuốn hút, quyết liệt, căng thẳng đến mức buộc Quốc hội và Bộ Chính trị “lắng nghe, tiếp thu”…

Vậy mà trong chuyến viếng thăm Ban Mê Thuột, Đắk Lắk vào ngày 5/9/2009, ở một diễn đàn, ông Trương Vĩnh Trọng đã khẳng định rằng việc “Khai thác bô-xít ở Tây Nguyên là đúng đắn và đang gặp thuận lợi”.

Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây nguyên. Ảnh: Ca Hảo/ báo Hà Tĩnh

Thói đời là vậy. Nếu như Đinh La Thăng hay Nguyễn Bắc Son, Bùi Văn Thành, Nguyễn Văn Hiến, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình… “may mắn” từ trần trước khi bị khởi tố, bị kỷ luật, chắc chắn cũng sẽ được hệ thống tuyên truyền khổng lồ của đảng CSVN dành cho những lời ngợi ca có cánh, về tinh thần “tận trung với đảng, yêu nước, thương dân, một đời thanh bạch…”

Nhiều trí thức viết trên trang cá nhân của mình, bóng gió cho rằng, báo chí và truyền thông của Đảng đã đánh lừa dân chúng. Những cây bút “nâng bi” đã mài đi, mài lại chi tiết con trai ông Trương Vĩnh Trọng không làm quan, còn cô con gái chỉ có tiệm… bánh xèo!

Xin “bật mí” một sự thật: Con trai cả của Trương Vĩnh Trọng là Trương Vĩnh Tùng, sinh năm 1975, từng là công an, hải quan, trước khi nhảy sang Tổng cty Du lịch và Thương mại Saigon với chức danh Hội đồng thành viên. Rồi anh ta giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty bia Saigon, TGĐ cty bia Saigon Sông Tiền và năm 2020 là Phó bí thư đảng uỷ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra). Satra được xem là công ty nhà nước, “con cưng” của thành uỷ thành Hồ, nắm giữ số vốn lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

Cô con gái út Trương Thị Thanh Trúc, sinh năm 1979, là bà chủ của các công ty Đăng Trường, công ty Pood-House với các chuỗi nhà hàng mặt tiền, các đại lộ đắt đỏ trải hầu hết các quận ở thành Hồ.

Trương Vĩnh Tùng có khác gì Lê Kiên Thành con trai Lê Duẩn, hay Phan Hoàn Ty con trai Phan Văn Khải, Phạm Hoàng Hà con trai Phạm Hùng, Phan Thanh Nam con trai Võ Văn Kiệt, Nguyễn Thanh Phượng con gái Nguyễn Tấn Dũng…? Các thái tử đảng, công chúa đảng không thèm làm quan, chỉ vì họ “rửa tiền” hoặc kiếm ngàn tỷ bên ngoài dễ dàng hơn.

Người chết thì cũng đã nằm sâu trong lòng đất, nhưng cách mà Đảng “lên đồng” và hàng trăm “con nhang đệ tử” nhảy múa, khóc than, tựa dàn đồng ca, xem ra thật lố bịch.

Thủ bút của Phan Thanh Bình và Nguyễn Thị Kim Ngân trong sổ tang Trương Vĩnh Trọng.

Nhìn những đoạn văn viết vào sổ tang, kiểu “đất nước Bến Tre” và “cõi Bác Hồ” của ông PGS-TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm UBVH-GD của Quốc hội, hay lối viết chữ “hầm chông” của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mà thấy buồn cho văn hoá của lãnh đạo cấp cao và nền văn hoá XHCN.

CÁI VAN XẢ MANG TÊN TRƯƠNG VĨNH TRỌNG

JACKHAMMER NGUYỄN /TD 24-2-2021

Cựu PTT Trương Vĩnh Trọng. Ảnh trên mạng

Báo chí Việt Nam liên tục mấy ngày qua đưa tin về ông Trương Vĩnh Trọng, cựu phó thủ tướng vừa qua đời, khóc than có, ca ngợi có. Mỗi tờ báo có cả chục bài, mấy trăm tờ báo “lề đảng”, chắc phải có hàng trăm bài về ông Trương Vĩnh Trọng.

Có thể một số người dân Bến Tre biết ông Vĩnh Trọng là ai vì họ là đồng hương với ông, nhưng đa số người Việt Nam, với những vất vả mưu sinh hàng ngày, có thể không biết, vì khi đương chức ông giữ những vị trí sau hậu trường, ít xuất hiện, không nổi đình đám như các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, hay Nguyễn Bá Thanh…

Nội dung các bài báo “lề đảng” thể hiện một sự trân trọng đối với ông Vĩnh Trọng, rằng ông là một nhân vật thanh liêm. Và mỗi khi có một nhân vật thanh liêm như vậy qua đời, cái trân trọng đó lại nổi lên một cách rất bất thường.

Một nhân vật rất nổi tiếng, qua đời hơn hai năm trước là ông Đỗ Mười, từng là tổng bí thư, thủ tướng một thời, nhưng đâu có nhận được sự trân trọng như thế. Dĩ nhiên trong hàng trăm bài đó, có những bài tát nước theo mưa, nhưng tôi không nghĩ toàn bộ đều là những kẻ khóc mướn, như bài viết “Ông Trương Vĩnh Trọng và những kẻ… khóc mướn”, của tác giả Thu Hà, đăng trên trang Tiếng Dân.

Công bằng mà nói, ông Trương Vĩnh Trọng cũng là một nhân vật có khả năng và khiêm tốn, như nhà quan sát Đinh Kim Phúc từ trong nước nhận định, khi nhớ lại việc ông Trọng khai trong lý lịch về trình độ học vấn của mình một cách thật thà, không sính bằng cấp như đại đa số các cán bộ đảng hiện nay.

Công việc quan trọng nhất mà ông Trọng làm trước khi về hưu là Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc, một cơ quan có nhiệm vụ bình định vùng Tây Bắc rất phức tạp về những vấn đề sắc tộc và tôn giáo. Ban chỉ đạo Tây Bắc, nay đã giải tán, đã từng là một bước thử thách quan trọng cho những cán bộ cao cấp còn trẻ thăng tiến, như các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc đều từng đứng đầu ban này.

Nhưng tôi cũng không phủ nhận việc so sánh rất chính xác của Thu Hà là con trai ông Trọng, Trương Vĩnh Tùng, nào có khác gì Lê Kiên Thành, con trai cựu tổng bí thư quyền lực ngút trời một thuở là ông Lê Duẩn. Cả hai ông con trai đều vinh thân phì da cả. Có thể ông Trọng sạch, nhưng cũng thuộc vào tầng lớp quý tộc đỏ, giai cấp mới, như ông Duẩn, và con cái các ông cũng đều là ‘thái tử đảng’ cả.

Nhưng điều quan trọng nhất sau khi những bài “viết để tưởng nhớ” này qua đi, người có suy nghĩ sẽ đặt câu hỏi: Ôi, các ông ấy trong sạch quá, nhưng sao đất nước đục ngầu làm vậy?

Đọc qua tiểu sử cuộc đời ông Trương Vĩnh Trọng, ta thấy ông làm những việc có liên quan đến kỷ luật nội bộ của Đảng, thế thì tại sao sau khi ông về hưu rồi, một ông Trọng khác là ông Nguyễn Phú Trọng lại phải thành lập một cái lò vĩ đại để chống tham nhũng, kỷ luật cán bộ đảng như vậy?

Ông Trương Vĩnh Trọng cũng không thể nhìn thấy ngoài những điều mà đảng cho ông nhìn, cho nên ông đồng ý rằng, nên khai thác bauxite ở Tây Nguyên, một kế hoạch tệ hại về kinh tế lẫn môi trường, lẫn an ninh quốc gia. Tôi thật sự tin, ông Trọng cho rằng bauxite Tây Nguyên là tốt, chứ không phải ông biết nó xấu mà nói càng, tức là ông rất tin vào cái Đảng của ông.

Ông Trương Vĩnh Trọng, cũng như một số nhân vật tương tự như ông, phải “học tập và làm theo” những chỉ thị của Đảng thôi, không thể nào khác. Mà trong guồng máy cai trị của đảng Cộng sản Việt Nam từ trước đến nay, họ đông chứ không ít, chẳng hạn như mới đây có bài viết về ông Tư Nhung, cựu Bí thư Tỉnh ủy An Giang, hay gần đây có một người cũng vừa qua đời, là cựu bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc, ông Lộc còn đi khá xa là dấn thân (dù mới được chút xíu) vào việc đấu tranh, đòi bỏ sự độc tôn cai trị của Đảng.

Những người như thế tôi so sánh họ với các cụ đồ nho ngày xưa, họ không thể nào vượt qua được cái vòng kim cô mà Đảng đội lên đầu họ. Họ có thể lấy được nước mắt những người hàng xóm vì sự tử tế của họ trong cuộc sống hàng ngày khi về hưu, được thuộc cấp quý mến khi còn tại vị, nhưng điều họ làm được lớn nhất cho đất nước này chỉ là như thế, và đôi khi họ bị lợi dụng làm một cái van xả những bức bối trong xã hội, khi họ qua đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét