Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2021

20210215. BÀN VỀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN CỦA VIỆT NAM

 ĐIỂM BÁO MẠNG

'THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT' HAY 'CHÍNH TRỊ LÀ THỐNG SOÁI' ?

NGÔ NGỌC TRAI/ TD 6-2-2021


Việt Nam đang xác minh thông tin về một bãi phóng tên lửa đất đối không do Trung Quốc xây dựng sát biên giới, nếu hình ảnh từ vệ tinh được chia sẻ trên mạng là đúng thì đó là một hành động quân sự đe dọa chủ quyền của Việt Nam.

Mặc dầu vậy, cũng đừng quên rằng TQ đã có tên lửa liên lục địa, động cơ tên lửa của họ đã phóng vệ tinh lên bầu khí quyển và đưa phi thuyền lên mặt trăng, cho nên từ lâu rồi khả năng tên lửa của TQ đã có thể vươn tới mọi vị trí trên lãnh thổ VN.

VN cũng đã trang bị một số hệ thống tên lửa đánh chặn S300 mua của Nga, nhưng về lâu dài chúng ta không thể đem một hệ thống vũ khí đi mua số lượng giới hạn đương đầu với kho vũ khí tên lửa tự sản xuất được của TQ.

Dẫu thế, sự lo lắng vẫn khiến chúng ta phải quan tâm tới các động thái quân sự của họ và tìm kiếm thêm những biện pháp phòng vệ quốc gia. Nhưng quan trọng không kém điều đó, tôi cho rằng phía VN cần xác lập một nền móng nhận thức đúng đắn về hệ thống chính trị nhà nước của TQ, để từ đó dự báo được những nguy cơ có thể xảy đến trong tương lai.

Cùng một nguyên nhân

Ngay lúc này, cũng đang xảy ra xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, một số cuộc đụng độ đã làm binh sĩ hai bên thiệt mạng. Đối với các vấn đề trong nước thì TQ cũng đang dần xóa bỏ nền dân chủ ở Hong Kong, tìm cách thâu tóm Đài Loan đang muốn trở thành quốc gia độc lập, phương Tây cũng đang cáo buộc TQ giam giữ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương mà Ngoại trưởng Mỹ đã cáo buộc âm mưu diệt chủng.

Tất cả những điều đó cho thấy TQ đang trượt dài đến một nhà nước sô vanh hiếu chiến và nguyên nhân bản chất đằng sau đó là quan điểm nhận thức coi trọng “Chính Trị Là Thống Soái”.

Từ thời kỳ Mao Trạch Đông hệ thống của TQ đã coi Chính trị là thống soái, theo đó toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước của TQ được vận hành hoạt động theo các quan điểm đường lối chính trị, luật pháp bị gạt qua một bên, các chính sách về Đại Nhảy Vọt hay Cách mạng Văn Hóa đều là những chính sách chính trị bao trùm lên toàn bộ đời sống xã hội.

Để hiểu rõ hơn về hệ thống đó thì lấy ví như thế này. Ở Mỹ và Phương Tây, đời sống quốc gia có những phạm vi hoạt động mà chính trị không được xen vào. Ví như họ đòi hỏi các Thẩm phán của Tòa án không được tham gia đảng phái chính trị để giữ sự công tâm khách quan, mặc dù ở góc độ cá nhân thì một Thẩm phán vẫn có thể ủng hộ quan điểm của một đảng chính trị, nhưng các Thẩm phán sẽ phải đặt tôn chỉ mục đích và đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán lên trên, để giữ được sự khách quan của mình.

Hoặc hệ thống của Mỹ đòi hỏi Quân đội không được tham gia đảng phái chính trị mà chỉ tuân thủ điều khiển của một chính phủ dân cử được bầu hợp pháp. Hoặc đội ngũ hành chính gồm cảnh sát quốc gia và các cán bộ công chức cũng bị yêu cầu không được tham gia đảng phái chính trị, bởi sẽ thế nào khi trong một cơ quan mà có nhân viên vận động mọi người ủng hộ cho một đảng phái, còn nhân viên khác lại vận động cho đảng đối lập?

Ngoài ra là các Viện nghiên cứu khoa học hay các hãng phim và nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật về cơ bản họ cũng không giữ một quan điểm chính trị cứng nhắc nào, để từ đó họ có thể huy động sự ủng hộ đóng góp của những người thuộc mọi đảng phái.

Ở hệ thống của Mỹ và Châu Âu, những quyết định được đưa ra dựa trên nền tảng là luật pháp và luật pháp chính là sự bảo hộ. Còn các hoạt động chính trị chỉ gói gọn trong các hoạt động như vận động bầu cử, vận động ủng hộ chính sách của đảng phái, giới thiệu nhân sự, tìm kiếm gương mặt, quảng bá chính sách, những cái đó chỉ là một phần trong đời sống sinh hoạt vận động của quốc gia mà thôi.

Còn hệ thống của TQ thì không như vậy, một đảng toàn trị lãnh đạo tất cả vươn tới mọi ngõ ngách đời sống, và do vậy chính trị xen vào mọi chỗ. Mặt khác, điểm quan trọng nhất trong nền chính trị của TQ là giữ cho được quyền lãnh đạo của đảng, cho nên điểm quan trọng nhất này lại cũng góp phần tạo thêm ra tình trạng coi trọng chính trị là thống soái.

Ở TQ không thể tách bạch chính trị ra khỏi luật pháp, mọi việc làm đều có thể được đánh giá nhìn nhận theo quan điểm chính trị. Việc làm của một Nghị Sĩ hay Bộ trưởng sẽ không còn an toàn nếu bỏ qua yếu tố chính trị, tính hợp lý đúng đắn của sự việc là thứ yếu.

Lấy ví dụ, khi hồ sơ về Hong Kong, Đài Loan hay Tân Cương được đưa ra bàn nghị sự, tất cả những người có mặt đều phải nêu quan điểm giải quyết xử lý dựa theo quan điểm chính trị, luật pháp không là bệ đỡ an toàn cho họ nên không ai có thể nói “tại sao không để cho dân Hong Kong được yên?”, “tại sao lại không thể chấp nhận chung sống với một quốc gia Đài Loan độc lập?”. Một ý kiến như vậy sẽ bị đối thủ chính trị cho là mất lập trường, thiếu bản lĩnh, không kiên định hoặc phản bội đất nước, và người đó có nguy cơ bị loại ra khỏi quyền lực.

Khi đó, người ta thường sẽ đưa ra ý kiến mà có thể là trái ngược với suy nghĩ của bản thân. Và bởi vậy hệ thống của TQ trượt dài theo quán tính, khiến cho mọi sáng kiến giải pháp của hệ thống, từ dưới lên trên, đều chỉ làm theo một hướng, hệ thống vận hành như cỗ xe không có phanh hãm.

Bởi vậy mà người ta có thể từng bước một hủy hoại dần nền dân chủ của Hong Kong mặc dù sự tồn tại của nó chẳng mấy ảnh hưởng gì đến hệ thống của TQ đại lục, người ta dành nhiều nguồn lực tiêu hao cho việc khống chế Đài Loan thay vì đầu tư cho phát triển con người và nâng cao hạnh phúc của dân trong nước.

Việt Nam thì sao?

Có nhiều điểm chung giữa mô hình hệ thống của VN và TQ, nhưng chúng ta may mắn hơn là không có những yếu tố khiến cho ta có thể mắc phải sai lầm như họ. VN không phải là một cường quốc lớn không gì ngăn cản nổi như TQ, quá trình phát triển VN liên đới phụ thuộc và nhận được nhiều khuyến nghị động viên giúp đỡ từ các nước như Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu, ASEAN…, đó là những tác động giới hạn phanh hãm cho hệ thống của VN.

VN đang trên lộ trình xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội thượng tôn pháp luật, thay vì như TQ coi chính trị là thống soái. Một hệ thống như TQ hiện nay thiếu tính duy lý, đường lối thiếu sự hợp lý đúng đắn, họ đã và sẽ tiếp tục đưa ra những quyết định sai lầm trong con mắt cộng đồng quốc tế, và đó là vướng mắc mà hệ thống của họ hiện nay cũng không thể nào tự giải thoát ra được.

VIỆT NAM CÓ XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN ?

NGUYỄN HOÀNG TƯỜNG/ TD 12-2-2021

Trên trang “Tiếng Dân” ngày 6/2/2021, có đăng bài viết của LS Ngô Ngọc Trai, nhan đề “Thượng tôn pháp luật” hay “Chính trị là thống soái”. Cuối bài, tác giả kết luận: “Việt Nam đang trên lộ trình xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội thượng tôn pháp luật, thay vì như Trung Quốc coi chính trị là thống soái”.

Ông Ngô Ngọc Trai cũng so sánh Việt Nam với Trung Quốc và “chốt” một câu chắc nịch: “Có nhiều điểm chung giữa mô hình hệ thống của Việt Nam và Trung Quốc, nhưng chúng ta may mắn hơn là không có những yếu tố khiến cho ta có thể mắc phải sai lầm như họ” (?!)

Lấy đâu ra pháp quyền?

Không rõ “mô hình hệ thống” mà LS Ngô Ngọc Trai đề cập ở trên là hệ thống gì: Chính trị hay pháp luật, quản trị hay thể chế? Điều còn mơ hồ hơn nữa là nhờ những yếu tố nào mà Việt Nam “may mắn hơn” để có thể “tránh mắc phải sai lầm” như Trung Quốc?

Có thể những vấn đề này không hẳn là mục đích bài viết của LS Ngô Ngọc Trai. Tuy nhiên, những ngày này mọi con mắt của giới quan sát đều đang đổ dồn vào “Bố tứ” và tập trung vào “ngôi sao đang lên”, được coi là “nhân vật của năm” tức ứng cử viên (ƯCV) Thủ tướng Phạm Minh Chính. Vậy thử nhìn lại xem dàn lãnh đạo Đảng/ Nhà nước đã/ sẽ chuyển động theo hướng nào trên thực tế?

Hãy bàn đến sự giống nhau và khác nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc vào một dịp khác. Ở đây chỉ nêu bật một lỗ hổng chết người của hệ thống hiện nay là chúng ta không hề có cơ sở “nền” để xây dựng một “nhà nước pháp quyền” (NNPQ). “Xã hội thượng tôn pháp luật” (XHTTPL) lại càng không.

Ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vậy lấy đâu ra pháp quyền khi việc bầu Tổng Bí thư (TBT) tại Đại hội 13, cùng lúc với việc vi phạm Điều lệ đảng, vi phạm Quy định “trường hợp đặc biệt”, theo đánh giá của Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam.

Căn cứ vào nhiệm vụ và quyền hạn của đảng viên, ông Thuận đã chính thức kiến nghị với Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN phải có một văn bản chính thức trả lời công khai trên báo chí và truyền thông, tại sao lại có câu chuyện tự cơ cấu rồi tuỳ tiện thông qua nhân sự cấp cao như thế!

Liên quan đến phát biểu của Tổng Bí thư ĐCSVN nói với truyền thông về việc xử lý “chiếc va-li có nhiều triệu đô-la”, Phó Chủ nhiệm Trần Quốc Thuận đã kiên quyết phê phán cách xử lý trái luật của những người có trách nhiệm. Không thể có chuyện xách cả đống tiền đến hối lộ Ban Kiểm tra Trung ương, mà lại chỉ đạo cho “đem gói lại, mang về” như thế.

Rõ ràng đấy là một hành vi trái luật pháp, vì đã không tố giác tội phạm, nhìn từ góc độ NNPQ và XH thượng tôn pháp luật. Tương tự, XH thượng tôn pháp luật kiểu gì mà Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình – người ngang nhiên phủ nhận trước Quốc hội rằng ở Việt Nam không hề có án oan – lại giành được một vị trí trong Bộ Chính trị để nay mai chuẩn bị ngồi vào cái ghế Trưởng ban Nội chính Trung ương?

Nhà báo Kha Lương Ngãi, cựu Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng thuộc Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá: Điều ngạc nhiên được giải đáp bởi “Luật của đảng” đã bị chính người đứng đầu Đảng là ông Nguyễn Phú Trọng vi phạm, còn “Luật của dân, do dân, vì dân” là một loại luật chỉ để cai trị dân, để tùy tiện xét xử dân theo quyền và lợi ích của nhà cầm quyền. Cho nên sắp tới đây các phán quyết bất minh – bất chính về Hồ Duy Hải và dân làng Đồng Tâm, chắc chắn sẽ lại y án và được đưa ra thực thi, còn ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Hòa Bình vẫn nghiễm nhiên ngồi trên danh vọng và bất chấp luật lệ.

Ông Nguyễn Phú Trọng lại “tái đắc cử” Tổng Bí thư. Ảnh: TTXVN

Nhận xét trên của cựu Phó Tổng Biên tập làm chúng ta nhớ lại vụ đàn áp các dân oan Đồng Tâm. Những người đứng đầu chịu trách nhiệm chính như Nguyễn Phú Trọng, Tô Lâm đã bất chấp cái giá phải trả, từ thí mạng 3 cảnh sát đến để lộ bản chất của chế độ, nhằm tạo ra bầu không khí “khủng bố trắng” trong xã hội.

Hai thập niên đầu thế kỷ 21 rồi mà giải quyết tranh chấp kinh tế dân sự phải nhờ cuộc hành quân 3 ngàn cảnh sát cơ động, với vũ khí đủ loại để đánh úp? Tâm sự của TS Nguyễn Ngọc Chu “đừng để oan oan tương báo” có lẽ nói thay cho rất nhiều người. Cuộc đột kích Đồng Tâm là nhát chém cắt đứt sợi dây liên kết cuối cùng giữa dân và đảng.

Về các nguyên nhân sâu xa dẫn đến thảm án Đồng Tâm, nhiều phân tích cho rằng sẽ phải hàng chục năm nữa, các sự thật của nó mới có thể được tiết lộ hết. Nhưng vụ đột kích ấy có một lý do không cần che đậy, đó là để khẳng định “Luật hả? Tao là luật nè!” (Les lois? – C’est moi!) – được cho là một nguyên lý từ César Đại đế.

Áp dụng nguyên lý ấy, Nguyễn Phú Trọng Trọng muốn cho bàn dân thiên hạ biết, việc ông ta ở lại nhiệm kỳ thứ ba là lựa chọn của lịch sử. Vai trò “thế thiên hành đạo” ấy được dự báo trước cả thời điểm ra mắt tác phẩm của nhà báo Phạm Thành, dám công khai tố cáo kẻ độc tài trong một chế độ toàn trị.

Tương tự, vai trò của ƯCV Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng như vậy. Ông Chính đã trải qua cuộc sát hạch “Tứ trụ” từ thời còn “tập sự” dưới tỉnh lẻ, với 3 dự án về “luật Đặc khu”, phục vụ cho quyền lợi của Trung Quốc. Các “luật Đặc khu” ấy từng dấy thành cao trào phản đối trên khắp cả nước. Tại những quốc gia là nhà nước pháp quyền hay trong các XH thượng tôn pháp luật, những người như ông Trọng hay ông Chính đã bị cử tri loại ngay từ “vòng gửi xe”. Ở Việt Nam, mọi chuyện ngược lại. Đấy là sự bảo lãnh để họ tiến trên các nấc thang quyền lực cao hơn.

Xu hướng ngả theo Trung Quốc?

Một nguyên lý cơ bản nhất của NNPQ (rule of law) là không ai được phép đứng trên luật hay đứng ngoài luật, mọi người phải tuân thủ pháp luật. Ứng dụng quan trọng nhất của pháp quyền là chính phủ chỉ được thực thi quyền hành một cách hợp pháp theo các luật được soạn ra và phát hành rộng rãi.

NNPQ khác với và cao hơn cai trị bằng luật pháp (rule by law) ở nhiều yếu tố. Tối thiểu, NNPQ phải bảo đảm ba yếu tố: i) Nhà nước bị giới hạn bằng luật pháp; ii) Nhà nước phải có hệ thống luật lệ công khai, được áp dụng tổng quát cho toàn xã hội, trong các luật lệ đó phải có quyền được xét xử công bằng; iii) Pháp quyền chỉ tồn tại trong một xã hội khi người dân không phải hứng chịu thói hành xử bất thường khó đoán của bất kỳ cá nhân nào (dù là Tổng bí thư hay bất kỳ ai khác).

Không một thiết chế nào sau Đại hội 13, từ Bộ Chính trị đến Ban Chấp hành Trung ương, có thể đáp ứng được một trong các yếu tố kể trên. Đáp ứng cả ba yếu tố cùng một lúc lại càng không.

Vì sao có thể khẳng định như vậy? Thứ nhất, như đã nói ở phần đầu, đến Điều lệ Đảng, các ông còn bỏ qua, nói chi đến “chịu sự giới hạn bằng luật pháp”.

Thứ hai, làm thế nào để có thể “công khai hoá” và “áp dụng tổng quát cho toàn xã hội” hệ thống luật lệ ấy, khi hệ thống tù mù đến mức thảm hại.

Thứ ba, bất cứ một thành tố nào trong hai thiết chế quyền lực vừa nhắc ở trên, chẳng may bị “trái gió trở giời” thì đám thần dân (chưa phải công dân đâu nhé!) rất dễ “bị hứng chịu thói hành xử bất thường khó đoán trước” của đám thành viên ấy.

Sau Đại hội, có đánh giá cho rằng, sự chuyển giao “các chốt quyền lực” từ khoá 12 sang 13, trong đó có “Tứ trụ”, tiếp tục căng thẳng đến phút chót. Phương án nhân sự cao cấp và “các trường hợp đặc biệt”, trong đó có vị trí Tổng Bí thư chỉ đạt được đồng thuận tại Hội nghị Trung ương 15 (Trước thềm Đại hội 13). Thật ra nhiều chỉ dấu cho thấy thực tế không hẳn như vậy.

Việt Nam không phải “đang trên lộ trình xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội thượng tôn pháp luật” như LS Ngô Ngọc Trai kết luận. Đại hội vừa kết thúc, cuộc đấu dường như lại tiếp tục. Bắt đầu từ việc tân UVBCT Trần Tuấn Anh không giành nổi cái ghế Ngoại trưởng của Phạm Bình Minh. UVBCT Tô Lâm cũng không muốn rời ghế Bộ trưởng Công an để nhường cho Phan Đình Trạc như dự kiến ban đầu.

Nhưng táo tợn nhất có lẽ là phán đoán râm ran mấy ngày nay trên các trang mạng: Giữa ba ông trong “Tứ trụ” (Chính – Phúc – Huệ) có thể có sự giao tranh mới. Phúc hoặc Huệ có thể “hất” Chính xuống ghế Quốc hội để một trong hai ông chiếm ghế Thủ tướng. Sau khi BCT có vẻ như đồng ý với phương án ông Tô Lâm “ngồi lại” ghế Bộ trưởng Công an, ông Tuấn Anh bị “đẩy sang” Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, bất ngờ ông Phúc cũng bày tỏ ý định không muốn “rời ghế” Thủ tướng đang giữ.

Nói phán đoán này táo tợn, vì như thế là chưa thấy rõ “bàn tay vô hình” của thiên triều. Từ Bắc Kinh, lần này chẳng có đoàn đại biểu cấp cao nào của đảng CSTQ thăm Việt Nam như các Đại hội trước, nhưng mọi chuyện diễn ra hình như theo một kịch bản có sẵn. Xem thế đủ thấy “bộ đôi” Nguyễn Phú Trọng – Phạm Minh Chính đã tuân thủ “chỉ dụ”. Đồng ý giữ ông Trọng lại, gạt Phạm Bình Minh khỏi Bộ Ngoại giao, bằng mọi giá đẩy Phạm Minh Chính lên Thủ tướng… là những phướng án được hoạch định từ đầu.

Xem thế để thấy Trung Quốc là “bên thắng cuộc” tại Đại hội 13 vừa qua, đồng thời cũng sẽ là kẻ đứng sau các chuyển động hậu Đại hội. Bởi lẽ, Bắc Kinh nắm rất chặt hai vấn đề cốt tử của Hà Nội: kinh tế và an ninh. Các biến động toàn cầu ngày càng bấp bênh do đại dịch Covid-19 và sự gia tăng cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung rất có thể làm đứt gãy mọi kế hoạch của Việt Nam.

Thực tế nền kinh tế của Việt Nam hiện nay đang phụ thuộc rất lớn vào ngoại thương và đầu tư từ bên ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Sự phụ thuộc này ngày càng lớn và ngày càng gia tăng. Điều này đến lượt nó, sẽ có thể dẫn đến những thoả hiệp về chủ quyền biển đảo, đặc biệt là vấn đề khai thác chung trong các vùng EEZ của Việt Nam.

Tóm lại, xu hướng ngả theo Trung Quốc là thống soái, chứ khó có hy vọng Việt Nam đi vào giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền hay xã hội thượng tôn pháp luật.

_____

Mời tham khảo thêm:

Ngô Ngọc Trai: “Thượng tôn pháp luật” hay “Chính trị là thống soái”? https://baotiengdan.com/2021/02/06/thuong-ton-phap-luat-hay-chinh-tri-la-thong-soai/

Luật sư Trần Quốc Thuận hỏi vì sao ĐH13 không sửa Điều lệ: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-56014174

Nhân vật của năm, của đại hội XIII: Phạm Minh Chính: https://baotiengdan.com/2021/02/01/nhan-vat-cua-nam-cua-dai-hoi-xiii-pham-minh-chinh/

Luật Đặc khu bị phản đối, nhưng sao VN quyết mở khu kinh tế Vân Đồn? https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52749462

Khi người không nhận đã xử án oan lọt vào Bộ Chính Trị: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/when-nguyen-hoa-binh-elected-to-politbuto-02052021104752.html

Bắt blogger Phạm Thành, vì lý do gì? https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/why-they-arrested-writer-pham-thanh-05242020092429.html

“Rule of Law” không phải “Pháp Quyền” mà cũng chả phải “Pháp Trị”? https://www.luatkhoa.org/2018/04/rule-law-khong-phai-phap-quyen-ma-cung-cha-phai-phap-tri

Đại hội 13: Sự thay đổi và thách thức đối với bộ máy quyền lực mới: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/party-congress-13-changes-challenges-to-new-cabinet-02082021075412.html

NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN PHẢI LÀM GÌ CHO DÂN ?

ĐỖ KIM THÊM/ TD/ BVN 5-2-2021

Bối cảnh

Nhà nước pháp quyền (Rechtsstaat) là một khái niệm thuộc Luật Hiến pháp của Đức, nhằm đề cao tính cách tối thượng của Hiến pháp và luật pháp mà chính nhà nước phải tuân thủ.

Liên Xô đã vận dụng và dịch thành Pravovoe gosudarstvo. Việt Nam khi đổi mới đã du nhập của Liên Xô và cải biên thành nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vì vẫn kiên định tiếp tục theo đuổi con đường XHCN. Do bối cảnh này mà thành hình khái niệm tại Việt Nam.

Nội dung

Nhìn chung, tại các nước, Hiến pháp quy định khuôn khổ pháp lý để cho nhà nước hoạt động và phải chịu tuân thủ như mọi người dân, nghĩa là chịu sự ràng buộc do các luật lệ, cam kết tự đặt mình trong sự giám sát và bị chế tài khi vi phạm. Trong tiến trình này, nhà nước có quyền nhân danh bảo tồn pháp luật hay thi hành công vụ để hành động, đồng thời tạo cơ hội cho ai bị tổn thương điều kiện khởi tố khi chứng minh là nhà nước vi phạm luật.

Nhà nước cho phép dân chúng và các tổ chức hợp pháp có quyền chống lại hành vi của nhà nước, thí dụ như khi nhà nước ban hành, hay thi hành các luật lệ mà các quyền pháp định của họ bị tổn thương. Nhà nước còn bảo đảm cho họ thực hiện quyền này trong các tranh tụng tư pháp, có nghĩa là các vụ kiện dân sự.

Để bảo đảm cho mọi người dân an toàn trong các cuộc tranh chấp pháp luật, một cơ quan tư pháp phải hoạt động độc lập. Do đó, cần phải có một cơ quan tư pháp theo dõi và quyết định, nhưng quan trọng nhất là phải có một toà án tối cao đảm nhiệm vai trò bảo hiến.

Muốn xem nhà nước có tôn trọng pháp luật không, một tiêu chuẩn tổng quát cần đến là công lý, một khái niệm trừu tượng. Qua thời gian, khái niệm này đã được cụ thể hoá qua một số phương thức như sau:

- Quyền bình đẳng trước luật pháp: không ai được phân biệt vì lý do cá nhân, gia thế, chức quyền, gia sản hay dòng dõi, có nghĩa là không ai có ưu tiên hay đặc miễn hơn người khác trong các tranh chấp pháp lý. Cụ thể là không thể có một Đồng chí X mà từ Chủ tịch nước và cả một hệ thống tư pháp không dám nói động tới những vi phạm luật kinh tế.

- Bảo đảm mọi điều kiện và phương tiện cho người bị thiệt hại quyền lợi được khởi kiện.

- Mọi nghi can trong các vụ hình sự được suy đoán là vô tội cho đến khi nào có chung quyết của toà án.

- Toà án quyết định không bị lệ thuộc do ảnh hưởng các cơ quan nhà nước và phe nhóm quyền lợi. Mọi phán quyết của toà án phải dựa trên các luật lệ đã được ban hành trước khi có tranh chấp. Các bản án bỏ túi đã quyết định sẵn số phận cho bị cáo là một thí dụ ngược lại.

- Phán quyết hay hình phạt phải phù hợp theo nguyên tắc tương xứng cho nội dung vụ kiện.

- Nhà nước có nhiệm vụ bảo tồn tinh thần công lý, dựa trên khái niệm công bình và dân chủ làm nền tảng. Nhà nước bảo vệ người dân cô thế trước pháp luật là mang an toàn về xã hội, có nghĩa là, khi khởi tố hay thi hành án, tạo cho họ tránh được các gánh nặng bất ngờ hay khó khăn, nhờ thế đem lại một cộng đồng đoàn kết trong tinh thần tương trợ pháp lý và xã hội.

Theo khái niệm về công bình của Aritoteles, khi thực thi pháp luật nghiêm minh, nhà nước pháp quyền, cuối cùng, sẽ mang đến phúc lợi công ích cho toàn dân.

Thành tựu

Việt Nam đã đạt được danh hiệu nhà nước pháp quyền theo tiêu chuẩn của các nước khác không, vấn đề còn gây nhiều tranh luận. Bài viết này nhằm giới thiệu nội dung chính của khái niệm, do đó, không đi sâu vào các thành tựu của Việt Nam trong cải cách pháp luật.

Sự thật là từ sau ngày Đổi Mới, Việt Nam đã thực hiện nhiều thành tích nổi bật trong cải cách hệ thống tư pháp và đã được cả nước hân hoan chào đón. Đáng chú ý nhất là một bài viết đăng trên báo Tia Sáng, đã hết lòng ca ngợi ông Hồ và nhà nước pháp quyền XHCH. Bài có đăng lại tại đây: http://vietsciences.free.fr/timhieu/xahoi-luatphap/nhanuocphapquyen.htm

Xin nêu lên một trích đoạn sau đây để dẫn chứng và miễn bình luận.

“Việt Nam có ‘Nhà nước pháp quyền’. Tên gọi thật hay. Vừa ‘pháp’, nghĩa là luật pháp; vừa ‘quyền’, nghĩa là… quyền. Chưa biết quyền của ai, nhưng chắc chắn không phải là quyền của Nhà nước, vì Nhà nước cần gì phải đòi quyền - đòi một cái đã có. Thiện chí tôn trọng pháp luật của Chính phủ Việt Nam đã có từ 1991 và tiếp tục được phát huy cho đến nay, không ai chối cãi được… Nhà nước pháp quyền thì có gì lạ đâu với chúng ta!… Nhà nước pháp quyền có lạ lùng gì đâu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?”.

Tác giả đã quên những vết nhơ trong lịch sử tư pháp trước đây là vụ án phố Ôn Như Hầu và gần đây nhất là vụ án Đồng Tâm và Hồ Duy Hải.

Dĩ nhiên. Danh sách các vi phạm luật pháp của chính quyền còn rất dài, mà là một đề tài mở rộng còn kéo dài và độc giả sẽ là người có quyền nhận xét. Ở đây không thể đi vào chi tiết, nhưng triển vọng của một nhà nước pháp quyền cho Việt Nam là mù mịt, mà những “thành tựu” của Đại hội đảng XIII là một thực tế gần đây nhất để chứng minh.

Triển vọng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng CSVN diễn ra trong khi đất nước đang bước vào một thời kỳ đen tối mà mọi người dân đều nhận ra các nguy cơ này. Đó là các thách thức nghiêm trọng đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ, cụ thể là hiểm hoạ diệt vong do hung đồ của Trung Quốc, tụt hậu kinh tế do dịch bịnh COVID-19, chệch hướng xã hội chủ nghĩa nhưng không biết định hướng mới, nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội tràn lan và cuối cùng là hành động “diễn biến hòa bình” của các “thế lực thù địch” thông qua các mạng truyền thông xã hội trong và ngoài nước.

Thay vì thảo luận nghiêm chỉnh các vấn đề sinh tử này để tìm một lối thoát, Đại hội XIII lại tập trung lo vấn đề nhân sự, có nghĩa là, chia ghế để tiếp tục cầm quyền. Sau tám ngày làm việc, ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố: Đại hội kết thúc với sự thành công tốt đẹp.

Tốt đẹp? Thật ra, Đại hội Đảng XIII là sinh hoạt của một hội kín thời phong kiến hay sứ quân. Mọi thông tin được xem là tuyệt mật, nên ai loan truyền ra bên ngoài là vi phạm, sẽ bị truy tố. Khi dân không biết thì ai có phương tiện kiểm tra hay đối chứng? Nguyên tắc Dân biết, Dân làm, Dân bàn và kiểm tra chỉ còn là một khẩu hiệu, không có hiệu lực ràng buộc.

Sinh hoạt Đại hội XIII chỉ còn dựa vào Điều lệ Đảng như là một kim chỉ nam. Tổng Bí thư không được làm quá hai nhiệm kỳ như chương III, điều 17 của điều lệ Đảng CSVN quy định.

Đáng nói ở đây là, do được Đại hội yêu cầu, ông Trọng “vẫn phải hết sức cố gắng, phải làm” thêm một nhiệm kỳ, phải “hy sinh” dù “tuổi cao, sức khoẻ không được tốt như trước, bản thân đã xin nghỉ”, Hiển nhiên là Đại hội XIII sai phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng.

Quan trọng hơn là Đại hội Đảng XIII quyết nghị không sửa Điều lệ Đảng, mà lại giao cho “Ban chấp hành Trung ương khóa XIII xem xét ban hành các quy định thi hành Điều lệ Đảng cho phù hợp”. Như vậy là toàn bộ đại biểu tham dự biết sai nhưng vẫn không sửa mà hợp thức hoá.

Đây là một tiền lệ nguy hiểm không phải chỉ cho sinh hoạt nội bộ Đảng, mà cho triển vọng nhà nước pháp quyền. không phải là một khởi đầu tốt đẹp cho một tinh thần chung về tinh thần trọng pháp. Đảng vi phạm pháp luật, nhà nước chấp hành, thì ai thuyết phục dân chúng phải tôn trọng luật lệ.

Nhưng Đảng đang có nhiều may mắn khác, vui nhất cho Đảng là bất chiến tự nhiên thành khi các “thế lực thù địch” trong nước và hải ngoại đang suy yếu, thế giới không yểm trợ cho các phong trào đấu tranh nhân quyền khi đang lo cho COVID-19.

Chương trình nghệ thuật chào mừng thành công của Đại hội XIII diễn ra trên Sân vận động Mỹ Đình tối 2/2/2021 là một dịp vui chơi cho dân chúng và nghệ sĩ. Toàn dân có dịp bày tỏ cảm xúc cuồng nhiệt hơn cho nhiệm kỳ mới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vẫn theo tinh thần “mừng Đảng mừng xuân”, không ai còn quan tâm đến việc Đảng vi phạm Điều lệ hay Trung Quốc đang hoành hành trên Biển Đông.

Cuối cùng, triển vọng của một nhà nước pháp quyền cho Việt Nam như một thành tựu văn minh là mờ mịt.

Đ.K.T.

Nguồn: baotiengdan.com

DIỄN VĂN MẪU CỦA TỔNG BÍ THƯ

ĐỖ THÀNH NHÂN/ TD 11-2-2021

Xem ba bài Diễn văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc khi bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc của đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI, XII, XIII, cho thấy Đảng rất tài tình sáng suốt.

Tiêu biểu là đoạn văn đặc tả về các ủy viên trung ương được bầu, đều có câu “CÓ ĐỦ TIÊU CHUẨN VỀ PHẨM CHẤT, NĂNG LỰC, TRÌNH ĐỘ VÀ ĐẠO ĐỨC” giống như các yêu cầu bài văn mẫu của học sinh phổ thông tả một nhân vật tiêu biểu nào đó.

Có thể nói ông Nguyễn Phú Trọng sẽ để lại di sản cho thế hệ sau là những bài “diễn văn mẫu”, giúp cho những người nghiên cứu viết chương trình “diễn văn thời đại 4.0”, điều này tiết kiệm tiền thuế của nhân dân rất nhiều.

Nói thêm, ông Nguyễn Phú Trọng là Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Đảng), Cử nhân Ngữ văn, cho nên (phải thừa nhận là) những từ ngữ hay nhất, tốt nhất trong từ điển tiếng Việt đều sử dụng cho tất cả các Ủy viên Chấp hành Trung ương Đảng.

Mời các bạn xem đoạn văn mẫu của 3 bài diễn văn:

1. Diễn văn bế mạc Đại hội Đảng lần thứ XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc ngày 19/1/2011:

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm những đồng chí tiêu biểu cho trên 3,6 triệu đảng viên, có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, trình độ và đạo đức để gánh vác những trọng trách nặng nề do Đảng và nhân dân giao phó”.

(Nguồn: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xi/dien-van-be-mac-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xi-dang-cong-san-viet-nam-3422)

2. Diễn văn bế mạc Đại hội Đảng lần thứ XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc ngày 28/1/2016:

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm các đồng chí tiêu biểu cho hơn 4,5 triệu đảng viên, có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, trình độ và đạo đức để gánh vác trọng trách nặng nề do Đảng và nhân dân giao phó”.

(Nguồn: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xii/dien-van-be-mac-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xii-dang-cong-san-viet-nam-1595)

3. Diễn văn bế mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư – Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đọc ngày 01/2/2021:

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII gồm 200 đồng chí tiêu biểu cho hơn 5 triệu đảng viên, có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức, năng lực, trình độ để gánh vác trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó”.


***

Tất cả các ủy viên trung ương đều “có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức, năng lực, trình độ để gánh vác trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó”.

Mặc dù trong nhiệm kỳ XII, có 3 ủy viên Bộ Chính trị và nhiều ủy viên trung ương bị kỷ luật: Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Xuân Anh, Trần Quốc Cường, Tất Thành Cang, Nguyễn Đức Chung, Triệu Tài Vinh, Lê Viết Chữ.

Thêm dấu ấn về ông: 1 câu văn mẫu, 3 nhiệm kỳ, 15 năm.

ÔNG KHỔNG TỬ VÀ CÁI 'LỒNG CƠ CHẾ'

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 10-2-2021

Các ông thầy đồ

Ông Nguyễn Minh Nhị, cựu chủ tịch tỉnh An Giang đã về hưu, nằm trong số những cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam được nhiều người Việt Nam kính trọng, trong đó có tôi.

Tôi có nói chuyện với ông vài lần, ông không lẫn tránh những gì có thật đang diễn ra trong xã hội Việt Nam. Ông cũng không có cách dùng từ tràng giang đại hải, rất đặc trưng của cán bộ cộng sản Việt Nam, những người xài rất nhiều từ mà không có ý nghĩa bao nhiêu.

Trong bài viết “Ông Bí Thư Tỉnh Ủy” mới đây của ông Nguyễn Minh Nhị, ông ca ngợi ông Lê Việt Thắng (Tư Nhung) đàn anh cộng sản tiền bối của ông Nhị. Tôi không biết ông Nhung, nhưng theo cách ông Nhị kể lại, mà tôi tin là thật, thì tôi hình dung ra những người như các ông là những người cộng sản hơn cộng sản.

Nhưng tính chất đó của họ không phải do sách vở cộng sản Mác Lê đem lại, mà nó xuất phát từ xã hội truyền thống của Á Đông thì đúng hơn. Tôi không nghĩ là các ông này có đọc được những thứ linh tinh nhập cảng từ phương Tây, như là: Đấu tranh giai cấp, giá trị thặng dư, cách mạng tư sản,… những hạt nhân của học thuyết Mác. Đây là những người ứng xử theo mô hình nhân đức trị kiểu Khổng học ở Á Đông.

Ông Nguyễn Minh Nhị kể lại hai chuyện liên quan tới pháp luật, trong đó ông Nhung đã xử ngược với pháp luật (nếu có của đảng Cộng sản). Đó là một vụ đòi nhà và một vụ buôn lậu phân bón. Nếu xử đúng theo luật của đảng thì có vẻ như không hợp tình, rất ứng với câu cửa miệng của người cộng sản là “hợp tình, hợp lý”. Các ông này không nhìn thấy nguyên nhân lớn nhất là những luật định đó được hình dung một cách bất tự nhiên.

Cách ứng xử hợp tình hợp lý đó đặt hy vọng trên tính cách đạo đức và thông thái của người đứng đầu, mà trong bài viết của ông Nhị là ông Tư Nhung. Đó là nguyên tắc đức trị xa xưa của Á Đông vậy.

Và khi người đứng đầu có đạo đức và thông thái đó ra đi, thì sự hợp tình hợp lý sẽ chấm dứt. Tương tự như vậy, vua hiền thì dân được nhờ, vua ác thì dân ráng chịu.

Người ta không nghe nói điều tiếng gì về con cái của các ông Tư Nhung, Bảy Nhị. Khi ông Nhung về hưu và bệnh tật, ông sống trong một căn nhà cấp bốn. Đó không phải là một hình ảnh cộng sản, mà là hình ảnh một cụ đồ thanh bạch ở một làng quê xưa nào đó.

Sau ông Nhung và ông Nhị, tỉnh An Giang cũng không miễn nhiễm với nhiều vụ án tham nhũng, quan lại của đảng hống hách dọa nạt dân chúng. Đó mới là kết quả thật sự của mô hình đảng trị, nó dễ dàng tàn phá những gì tốt còn sót lại của kiểu đức trị Khổng giáo.

Cái “lồng cơ chế”

Trong một bài viết gần đây trên Tiếng Dân, tôi có nhắc lại lời giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, rằng người cộng sản rất ngại pháp luật mà họ phải tuân theo luật pháp ấy. Khi xã hội còn khá đơn giản như những năm 1980 tại nông thôn Việt Nam ở An Giang, thì có thể cái kiểu lai tạp giữa Khổng và Marx có thể là… có lý có tình. Nhưng xã hội Việt Nam liên tục thay đổi sau năm 1986, đặt cho người cộng sản vào cái thế kẹt về luật pháp.

Một mặt họ nghĩ rằng luật pháp là cần thiết, chẳng hạn như ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói vào năm 2017 là phải nhốt quyền lực vào cái lồng cơ chế, tức là pháp luật. Mặt khác cũng ông Trọng, lại nói là hiến pháp đứng hàng thứ 2 sau cương lĩnh đảng, qua câu nói: “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”, tức là ông muốn đảng của ông ngồi trên pháp luật.

Từ vị trí ngồi trên pháp luật đó, phải chăng ông Trọng, người được cho là sạch sẽ, muốn hành xử kiểu đạo đức như ông Tư Nhung, ông Bảy Nhị?

Mà ngay cả cương lĩnh đảng, luật pháp của đảng cũng có xong đâu, ông Trọng vừa xé toạc để ông làm thêm nhiệm kỳ thứ ba đấy thôi!

NHỮNG THÁCH THỨC KHI CHUYỂN GIAO QUYỀN LỰC

NGUYỄN QUANG DY/ BVN 11-2-2021

Chuyển giao quyền lực là tất yếu nhưng không bao giờ dễ dàng, ở bất cứ nước nào. Việt Nam không phải ngoại lệ. Đại hội 13 đã kết thúc và bầu được một ban lãnh đạo mới để dẫn dắt đất nước ít nhất 5 năm tới. Nhưng Ban lãnh đạo mới có đối phó được trước các thách thức khó lường hay không vẫn còn là ẩn số. Năm 2020, tuy Việt Nam đã chống dịch thành công và phát triển dương (GDP tăng 2,9 %), nhưng năm 2021 vẫn còn ở phía trước. Quá trình chuyển giao quyền lực vẫn còn dang dở, và chưa đổi mới thể chế như mong đợi.

***

Đại hội 13 khai mạc ngày 25/1 và kết thúc ngày 1/2, sớm hơn dự kiến một ngày vì đã “hoàn thành kế hoạch” và do dịch COVID-19 mới bùng phát. 1,600 đại biểu đã bầu ra 200 ủy viên Trung ương, và sau đó đã bầu ra 18 ủy viên Bộ Chính trị, quan trọng nhất là “Tứ Trụ”. Ông Nguyễn Phú Trọng, 76 tuổi, tiếp tục làm Tổng Bí thư. Ông Nguyễn Xuân Phúc, 66 tuổi, thôi chức Thủ tướng để làm Chủ tịch nước. Ông Phạm Minh Chính, 62 tuổi, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, sẽ làm Thủ tướng. Ông Vương Đình Huệ, 63 tuổi, Bí thư Hà Nội, sẽ làm Chủ tịch Quốc hội. Cơ cấu “Tứ trụ” này sẽ lãnh đạo Việt Nam đến năm 2026.

Thay vì bổ nhiệm “đúng người, đúng việc” để ban lãnh đạo mới đối phó với các thách thức khó lường, việc bầu “Bộ tứ” là một sự “thỏa hiệp lớn” giữa các phe phái. Ông Nguyễn Xuân Phúc là một Thủ tướng năng động, nhưng đáng tiếc là đã bị “đá lên” làm Chủ tịch Nước, chủ yếu làm vai trò nghi lễ. Thay thế ông Phúc là ông Phạm Minh Chính, chứ không phải ông Vương Đình Huệ, là một Phó Thủ tướng có năng lực và kinh nghiệm. Nay ông Huệ sẽ giữ chức Chủ tịch Quốc hội, nghe nói là để chờ thay thế ông Trọng làm Tổng Bí thư.

Theo nhận xét của Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales), “Hệ thống chính trị của Việt Nam được mặc định là phải luôn ổn định và cân bằng giữa các phe phái” – phe Đảng do ông Trọng đại diện và phe Chính phủ do ông Phúc đại diện. Trong khi yếu tố cơ cấu biểu hiện qua hệ thống xơ cứng khi chọn lãnh đạo, yếu tố phe phái biểu hiện khi hai phe tạo thế cân bằng qua cách sắp xếp người đan xen lẫn nhau. (Vietnam’s 13th National Party Congress: Exceptional and Unprecedented, Carl Thayer, AIIA, February 4, 2021).

Hệ quả là Việt Nam có một sự chuyển giao lãnh đạo khá nửa vời, trong khi đất nước cần một Chính phủ đủ mạnh để đối phó với một loạt vấn đề cấp bách. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là thành viên có quyền lực nhất trong “Tứ trụ”, đã sẵn sàng từ chức. Nhưng ông Trọng đã thất bại trong việc thu xếp cho người mình chọn để thay thế là Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. Điều đó có nghĩa là ông Trọng tuy già yếu nhưng phải làm thêm một nhiệm kỳ nữa, để có thời gian bồi dưỡng năng lực cho người kế cận mà ông chọn.

Để ở lại, Ông Trọng cần có “ngoại lệ đặc biệt” đối với quy định tuổi cho lãnh đạo cấp cao. Nhưng vấn đề còn để ngỏ là liệu ông có làm hết nhiệm kỳ 5 năm hay không. Dường như có một thỏa thuận ngầm là nếu đạt được đồng thuận về người thay thế thì ông sẽ nghỉ trước khi hết nhiệm kỳ. Nhưng nay ông Trọng vẫn còn đủ mạnh để chỉ đạo Đại hội, bỏ qua quy định của Đảng về hai nhiệm kỳ, và vận động được đa số đại biểu ủng hộ. Ông Trọng sẽ tiếp tục “đốt lò” để chống tham nhũng và điều hành quá trình chuyển giao quyền lực.

Xét về đường lối thì một hệ quả của quá trình chuyển giao quyền lực như vậy là triển vọng mở rộng cửa cho quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình là nguyên thủ quốc gia đầu tiên đã gửi điện chúc mừng Hà Nội vào ngày 31/1. Một phần lý do là Thủ tướng mới Phạm Minh Chính trước đây đã từng làm Bí thư tỉnh Quảng Ninh, giáp Trung Quốc. Trên cương vị đó, ông có vai trò chủ chốt trong việc xây dựng đặc khu kinh tế (SEZ) Vân Đồn, với sự giúp đỡ của các quan chức Trung Quốc, chủ yếu để cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Nhưng kế hoạch thông qua luật ba đặc khu kinh tế đã vấp phải một làn sóng phản đối mạnh trên toàn quốc vào năm 2018, buộc Quốc hội phải “hoãn vô thời hạn” dự luật mất lòng dân.

Một biểu hiện khác về đường lối liên quan đến sự nghiệp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tuy ông Đam được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, nhưng không được bầu vào Bộ Chính trị như dư luận mong đợi, mặc dù ông đã làm Phó thủ tướng 15 năm. Ông Đam là Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống COVID-19 rất có hiệu quả, nên việc đối xử thiếu công bằng với ông có thể làm mất lòng dân và làm nản lòng những người muốn đổi mới.

Theo Giáo sư Alexander Vuving (Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình dương ở Hawaii), “đừng mong có thay đổi lớn về đối ngoại và kinh tế ở Việt Nam trong 5 năm tới. Về cơ bản, tôi thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thất bại khi ông định chuyển giao quyền lực cho một ứng cử viên bảo thủ mà ông nhắm, nhưng ông đó không được lòng các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Ông Trọng là người bảo thủ cuối cùng làm Tổng Bí thư. Tình hình sẽ cởi mở hơn sau khi ông Trọng thôi lãnh đạo” (Term Limits? Not for Vietnam’s Hard-Line Communist Leader, Richard Paddock, New York Times, February 1, 2021).

Trong khi chuyển giao lãnh đạo còn nửa vời, thì có nhiều vấn đề cấp bách không thể chờ đợi. Căng thẳng ngày càng tăng trên Biển Đông xô đẩy Việt Nam xích lại gần Mỹ. Hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ tăng cường đáng kể mấy năm qua, tuy ông Trọng không đi thăm Mỹ vào tháng10/2019 như mong đợi. Việt Nam có mối quan hệ khó xử với Chính quyền Trump. Tuy hoan nghênh quan điểm chiến lược cứng rắn hơn của Mỹ với Trung Quốc, nhưng vẫn phải đối phó với cáo buộc về thao túng tiền tệ và thặng dư thương mại.

Nay Việt Nam cần tăng cường quan hệ với Chính quyền Biden. Việt Nam đã đánh giá cao tuyên bố của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo mạnh mẽ lên án các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam sẽ đánh giá cao nếu Mỹ tiếp tục chính sách cứng rắn đó. Sách trắng Quốc phòng của Việt Nam cuối năm 2019 để ngỏ khả năng hợp tác sâu hơn về an ninh với Mỹ, nếu Trung Quốc gia tăng sức ép ở Biển Đông. (What Does Vietnam Want from the US in the South China Sea? Derek Grossman, Diplomat, January 4, 2021).

ASEAN và Việt Nam cần sự có mặt cao hơn của Mỹ ở Indo-Pacific, qua việc Tổng thống Mỹ tham dự các cuộc họp Cấp cao Đông Á, và tăng cường đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN. Việt Nam và Mỹ cần tiếp tục trao đổi nhằm nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược. Điện đàm giữa Ngoại trưởng Tony Blinken và Ngoại trưởng Phạm Bình Minh (ngày 5/2) là một dấu hiệu tích cực để khởi đầu cho một giai đoạn mới.

Theo Derek Grossman (chuyên gia phân tích chiến lược của RAND), Việt Nam đã hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, khi chuỗi cung ứng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam, làm GDP tăng trưởng 2,9%. Nhưng dưới thời Biden, quan hệ Mỹ-Việt tiềm ẩn nhiều vấn đề, bao gồm hồ sơ về nhân quyền của Hà Nội, Mỹ cáo buộc Hà Nội thao túng tiền tệ và thặng dư thương mại, Việt Nam mua vũ khí của Nga vi phạm chế tài của Mỹ (How US-Vietnam Ties Might Go Off the Rails, Derek Grossman, Diplomat, February 1, 2021).

Thành công của Việt Nam trong việc chuyển giao lãnh đạo nửa vời sẽ được thử thách qua việc xử lý một loạt vấn đề quốc tế phức tạp, trong khi phải đối phó với hệ quả kinh tế hậu COVID và thách thức trước mắt là phải giữ không để đại dịch quay lại. Đến nay, Hà Nội đã được khen về thành tích chống dịch. Nhưng ngay khi Đại hội còn đang diễn ra thì COVID-19 đã bùng phát tại các tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, cách Hà Nội gần 160 km về phía Đông. Virus được xác định là chủng mới, lây lan nhanh hơn vụ bùng phát lần trước tại Đà Nẵng vào tháng 7 năm ngoái. Chỉ trong vài ngày, hàng trăm người Việt đã bị lây nhiễm.

Mặc dù sức khỏe và ảnh hưởng của ông Trọng bị giảm sút, nhưng ông vẫn chỉ đạo Đại hội theo ý của mình. Tuy có một số dấu hiệu tích cực nhằm điều chỉnh đường lối chính sách, nhưng quá trình triển khai có thể “quá ít và quá chậm”. Các sự kiện trên thế giới đang diễn ra quá nhanh và khó lường đối với các chính phủ, đặc biệt là ở khu vực Indo-Pacific. Đại dịch COVID-19 và những tác động về kinh tế và chiến lược đã làm sụp đổ những ảo tưởng về sức mạnh của Phương Tây. Mỹ và các nước EU là những nơi chịu tác động nặng nề nhất.

***

Năm 2020 là một bước ngoặt trước một thập kỷ mới đầy thách thức khó lường. Việt Nam cần một đội ngũ lãnh đạo nhanh nhạy và năng động. Đại dịch COVID-19 là màn dạo đầu, nhưng đã làm thế giới đảo điên. Biến đổi khí hậu và thảm họa môi trường ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, một số nước (như Mỹ) và khu vực (như EU và ASEAN) bị phân hóa và rạn nứt. Đảo chính ở Myanmar là một cảnh báo. Khủng hoảng y tế và môi trường có thể xô đẩy khủng hoảng kinh tế và chính trị, làm chuyển giao quyền lực ngày càng nan giải.

Tham khảo

1. What Does Vietnam Want from the US in the South China Sea? Derek Grossman, Diplomat, January 4, 2021

2. How US-Vietnam Ties Might Go Off the Rails, Derek Grossman, Diplomat, February 1, 2021

3. Term Limits? Not for Vietnam’s Hard-Line Communist Leader, Richard Paddock, New York Times, February 1, 2021

4. Vietnam’s 13th National Party Congress: Exceptional and Unprecedented, Carl Thayer, AIIA, February 4, 2021

N.Q.D.

10/2/2021

Tác giả gửi BVN

ĐẠI HỘI 13: SỰ THAY ĐỔI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI BỘ MÁY QUYỀN LỰC MỚI*

PHẠM QUÝ THỌ/ RFA 8-2-2021

Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCHTW) mới – Cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng được quyết định tại Đại hội 13 trên cơ sở phương án nhân sự đề xuất bởi sự đồng thuận của tập thể BCHTW khoá 12. Bộ máy quyền lực mới sẽ quản lý và điều hành chính sách phát triển ảnh hưởng tới cuộc sống của toàn dân, bởi vậy nó thu hút sự quan tâm của các nhà quan sát chính trị. Vai trò của “tứ trụ”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính Phủ và Chủ tịch Quốc hội, có vai trò quyết định trong cơ chế quyền lực tập trung. Việc lộ diện những cá nhân cụ thể phản ánh sự thay đổi tương quan trong chuyển giao quyền lực giữa hai nhiệm kỳ theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo và vai trò Tổng Bí thư.

Bài viết phân tích cơ cấu và đặc điểm của bộ máy quyền lực mới và sự thay đổi “tứ trụ”, tập trung vào hai vị trí Tổng Bí thư và Tân Thủ tướng, nhằm chỉ ra triển vọng và những thách thức trong bối cảnh khủng hoảng bởi đại dịch COVID-19 nghiêm trọng và lan rộng.

Bộ máy quyền lực mới

Cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng bao gồm 200 Uỷ viên trung ương (UVTW) với 180 chính thức và 20 dự khuyết. Phân tích sự sắp xếp vị trí quyền lực cụ thể của từng UVTW cho thấy những đặc điểm chủ yếu sau đây: Một là, tỷ lệ lãnh đạo chung  chuyên trách đảng, quân đội, công an chiếm ưu thế trong BCHTW nói chung, Bộ Chính trị (BCT) và Ban Bí thư (BBT) nói riêng; Hai là, tỷ lệ các lãnh đạo “kỹ trị”, cần thiết với kinh tế thị trường, thay đổi mạnh mẽ về ê kíp đứng đầu gồm Thủ tướng và các Phó thủ tướng Chính phủ và giảm đi về số lượng trong BCT so với nhiệm kỳ trước. Những động thái luân chuyển cán bộ có khuynh hướng “kỹ trị” sang giữ các chức vụ chuyên trách đảng vẫn đang tiếp tục, kiểu như Bộ trưởng Bộ Công thương mới nhận quyết định phân công làm Trưởng ban Kinh tế trung ương; Ba là, mười “trường hợp đặc biệt” đã phá vỡ giới hạn về tuổi và nhiệm kỳ quy định trong Điều lệ Đảng đối với chức vụ Tổng Bí thư phản ánh sự tương quan đối trọng quyền lực giữa “tập thể lãnh đạo” và vai trò Tổng Bí thư.

Kết quả này phản ánh quá trình sàng lọc cán bộ theo chủ trương chỉnh đốn đảng, trong đó nổi bật dấu ấn của cao của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong suốt nhiệm kỳ khoá 12. Quá trình này được thúc đẩy bởi chiến dịch chống tham nhũng “không vùng cấm” để tập trung quyền lực đảng và được “tăng tốc” vào năm 2018, khi triển khai tổ chức đại hội đảng các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh, thành và tương đương, từ đó xác định số lượng và cơ cấu đại biểu tham dự Đại hội đảng toàn quốc 13. Trong mỗi đại hội cấp trực thuộc trung ương đều có sự chỉ đạo của ít nhất một Uỷ viên BCT khoá 12.

Tuy nhiên, sự chuyển giao quyền lực, trong đó có “tứ trụ”, tiếp tục căng thẳng cho đến “phút chót”. Phương án nhân sự cao cấp và “các trường hợp đặc biệt”, trong đó có vị trí Tổng Bí thư chỉ được đồng tại Hội nghị BCHTW 15 khoá 12 trước thềm Đại hội 13.

Cương vị Tổng Bí thư

Phải thừa nhận rằng trong chế độ đảng toàn trị người đứng đầu là vấn đề thực sự được quan tâm, vì đây là cương vị có quyền lực gần như tuyệt đối mặc dù “tập thể lãnh đạo” vẫn là nguyên tắc. Mặc dù ông ta có vai trò quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo nhưng việc duy trì quyền lực hay không chỉ bởi phẩm chất và năng lực cá nhân, mà còn phụ thuộc vào hệ thống chính trị và sự tương quan quyền lực trong bối cảnh không lường trước được. Vấn đề “minh vương” luôn được đặt ra đối với chế độ tập quyền, nhưng “một bộ phận không nhỏ” quan chức “suy thoái” đặt ra thách thức to lớn nhất về chuyển giao quyền lực, trong đó có việc lựa chọn kế vị Tổng Bí thư đảng.

Từ sau Đổi mới năm 1986 Việt Nam luôn đối diện với vấn đề chính thể này. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người được cho là khởi xướng chính sách cải cách, được bầu tại Đại hội 6 (1986-1991). Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, trước đó ở cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (thủ tướng), được bầu tại Đại hội 7. Ông tiếp tục kéo dài 1 năm của nhiệm kỳ khoá 8 (1996-2001), sau đó chuyển giao cho cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, trước đó ông từng giữ chức Chủ nhiệm chính trị, trung tướng quân đội. Hai khoá tiếp theo 9 và 10, ông Nông Đức Mạnh giữ chức Tổng Bí thư trong 10 năm (2001-2011). Trước đó, ông từng làm Chủ tịch Quốc hội khoá 10. Tiếp đến, như đã biết, ông Nguyễn Phú Trọng đương kim Tổng Bí thư khoá 13, trước đó ông cũng từng là Chủ tịch Quốc hội 10 năm trong hai khoá 11 và 12 (2002-2011), sau đó nắm giữ cương vị Tổng Bí thư liên tục hai nhiệm kỳ 5 năm (2011-2021).

Quá trình chuyển giao quyền lực này cho thấy rằng một vị trí trong “tứ trụ”còn đủ giới hạn tuổi và nhiệm kỳ luôn là ứng viên chắc chắn hơn cho chức Tổng Bí thư và, gần đây có ưu thế rõ rệt là Chủ tịch Quốc hội. Đây là là vị trí được cho là có thể “dễ” cân bằng các lợi ích “phe cánh” quyền lực và có khả năng nhận được sự đồng thuận theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Tuy nhiên, khủng hoảng thể chế trong nhiệm kỳ 11 và 12 đã phá vỡ “quy ước” trên và, “các trường hợp đặc biệt” như là hậu quả nặng nề khó tránh khỏi. Liệu thông tin rò rỉ về việc nguyên Thường trực Ban Bí thư khoá 12, mặc dù được giới thiệu, nhưng không nhận được đồng thuận của Bộ Chính trị, BCHTW có thể được xác tín theo lôgic này và qua sự “bộc bạch” của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng “mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng Đại hội bầu thì phải chấp hành…”. Trước mắt là sự chuẩn bị người kế vị trong hay sau nhiệm kỳ 13 vẫn là câu hỏi mở cho sự đồn đoán về vị trí Chủ tịch Quốc hội khoá 15 tới đây liệu có là “tiền lệ” duy nhất khi hội tụ các “ngầm định”: người Bắc, có lý luận, kinh nghiệm lãnh đạo…?

Tân Thủ tướng

Thủ tướng Chính phủ, theo một số người, có thể không thực sự đáng quan tâm vì đây là vị trí không có thực quyền. Về nguyên tắc chức thủ tướng có ảnh hưởng hạn chế khi đề ra khung chính sách chung, nhưng lại đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chính sách, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường. Đảng nhận định rằng sự bất ổn thể chế của nhiệm kỳ trước là do “một bộ phận không nhỏ” quan chức suy thoái và tham nhũng nghiêm trọng. Nguyên Thủ tướng Chính phủ khoá 11 đã nhận trách nhiệm với tư cách người đứng đầu về những sai lầm trong điều hành nền kinh tế.

Nguyên nhân khách quan chính là sự cải cách thể chế chính trị chậm chạp để phù hợp với chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là “tự chuyển hoá”, “tự diễn biến” của quan chức lại được Đảng coi là chủ yếu, bởi vậy “sự cảnh giác” thường xuyên của Tổng Bí thư đối với bộ phận quan chức điều hành kinh tế, “có quyền và gần tiền” đến mức đã trở thành định kiến.


Ông Hoàng Minh Chính, người được dự đoán sẽ giữ vị trí Thủ tướng. Reuters

Phần lớn các thủ tướng trong thời kỳ Đổi mới, từ ông Võ Văn Kiệt đến ông Nguyễn Xuân Phúc, từng kinh qua chức phó thủ tướng, nhưng nay đã thay đổi “bước ngoặt”. Theo tin rò rỉ, ông Phạm Minh Chính được “phân công” giữ chức Tân Thủ tướng nhiệm kỳ 13 và việc chính thức hoá còn chờ quyết định của Quốc hội khoá 15, dự kiến nhóm họp vào giữa năm 2021 sau cuộc bầu cử sắp diễn ra. Cũng theo nguồn tin trên, đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một trong hai “trường hợp đặc biệt” của BCT, vẫn ở lại “tứ trụ” làm Chủ tịch nước -  một cương vị mang tính tượng trưng hơn thực quyền.

Theo tiểu sử cá nhân, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã được đào tạo chuyên môn kỹ thuật ở Rumani, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an, Bí thư tỉnh Quảng Ninh. Việc ông được quy hoạch làm Thủ tướng Chính phủ khoá 13 rất quan trọng đối với Đảng, không chỉ vì tính quyết đoán, năng lực và kinh nghiệm điều hành, trong đó có đề án Đặc khu hành chính kinh tế và dân chủ cơ sở, mà còn vì tính biểu tượng của chính phương án quy hoạch của Đảng.

Một số nhà quan sát nước ngoài cho rằng ông Nguyễn Xuân Phúc nên chăng tiếp tục giữ chức Thủ tướng vì sáng kiến Chính phủ kiến tạo và “sự năng nổ” cá nhân thực thi chính sách thực dụng đã dẫn tới thành công về tăng trưởng kinh tế và chống dịch trong bổi cảnh thế giới khủng hoảng do đại dịch COVID-19…. Tuy nhiên, dấu ấn cá nhân không những không được đánh giá cao, mà còn có thể gây ra hiệu ứng ngược đối với chủ nghĩa tập thể vốn là nền tảng của chế độ. Bất kỳ ai trở thành thủ tướng tiếp theo cũng đều buộc phải tuân theo nguyên tắc này. Bởi vậy, tân chính sách có thể được chờ đợi, nhưng nó phải là sản phẩm của sự lãnh đạo tập thể.

Những “ồn ào” trong chuyển giao quyền lực nói chung và của “tứ trụ” nói riêng cũng đã tạm thời lắng xuống sau Đại hội 13. Trạng thái cân bằng tương đối cũng dần được xác lập bởi cơ chế đối trọng đặc thù giữa “tập thể lãnh đạo” và vai trò Tổng Bí thư, mặc dù chỉ là tạm thời, nhưng đã quyết định cơ cấu bộ máy quyền lực tập trung hiện nay. Và thử thách lớn nhất là đường hướng và chính sách cải cách sẽ tiếp tục như thế nào để chống tham nhũng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và hạn chế bất công xã hội để duy trì tính chính danh của đảng và chế độ trong bối cảnh bất định bởi khủng khoảng kinh tế thế giới gây nên bởi đại dịch COVID-19.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét