Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

20210220. CẢNH BÁO VỚI XUẤT-NHẬP KHẨU CỦA VIỆT NAM

 ĐIỂM BÁO MẠNG


VIỆT NAM TRƯỚC NGUY CƠ THÀNH NƠI  TRUNG CHUYỂN HÀNG HÓA TRUNG QUỐC

THANH TRÚC/ RFA 18-2-2021


Hình minh hoạ. Các xe container chở hàng hoá qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, trên biên giới giữa Việt Nam Và Trung Quốc hôm 30/7/2014

Báo cáo kinh tế vĩ mô Quí IV 2020 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR),  công bố hôm 11/2/2021, cho thấy thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc với kim ngạch 84,18 tỷ USD, và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ với 77 tỷ USD, tăng 25,6% so với 2019.

Vẫn theo VEPR, bên cạnh mức nhập siêu 35,28 tỷ USD từ Trung Quốc, thì xuất siêu lớn nhất của Việt Nam vẫn là Mỹ với 63,36 tỷ USD, tăng 34,76%.

Từ những số liệu này, VEPR nhận định Việt Nam đang đứng trước nguy cơ trở thành thị trường tạm nhập- tái xuất mà Trung Quốc lợi dụng trong mục đích lách lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc vào thị trường Mỹ.

Trước đó, từ tháng 7/2020, đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội cho hay Việt Nam đã vượt qua Malaysia và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) .

Giáo sư Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Việt Nam, nhận định về nguy cơ Việt Nam trở thành nơi trung chuyển hàng Trung Quốc:

“Chắc chắn Trung Quốc sẽ tìm cách tiêu thụ hàng hóa mà khó xuất sang Mỹ và sang các thị trường khác, do đó việc Trung Quốc cần một cửa ngõ của ASEAN để mua bán qua Mỹ là có khả năng”

Báo chí trong nước dẫn lời chuyên gia kinh tế trưởng  thuộc tổ chức Mekong Economics, ông Adam McCarty, rằng Việt Nam có thể bị gộp vào với Trung Quốc khi bán hàng sang Mỹ và các thị trường khác trên thế giới, điển hình như mặt hàng thép xuất khẩu từ Việt Nam bán qua Mỹ.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt, từng làm việc trong Cục Thống Kê Liên Hiệp Quốc, cũng là nhà quan sát tình hình kinh tế Việt Nam, gần như đồng quan điểm với ông McCarty, rằng 

Nếu Việt Nam trở thành nơi mà Trung Quốc tuồn hàng sang nước khác trên thế giới thì các nước, đặc biệt là Mỹ, sẽ áp đặt thuế lên các mặt hàng đó. Chẳng hạn Việt Nam đã để cho Trung Quốc tuồn hàng thép rồi nhôm sang để mà xuất sang Mỹ. Mỹ đã đưa thuế nhập khẩu lên 250% gì đó”. 

Thực tế cho thấy Việt Nam nhập từ Trung Quốc rất nhiều mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện thiết bị, dụng cụ, phụ tùng máy móc...

Dưới cái nhìn của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, mức độ tăng trưởng đột ngột về nhập khẩu từ Trung Quốc bên cạnh mức độ xuất khẩu cao sang Mỹ trên cùng một số loại mặt hàng khiến câu chuyện tạm nhập- tái xuất hàng hóa Trung Quốc lộ rõ hơn là chuyện khu vực sản xuất trong nước mở rộng.

Từ điểm này, suy ra dòng vốn đầu tư trực tiếp FDI, đặc biệt đến từ Trung Quốc, sẽ tạo cạnh tranh bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước, ảnh hưởng đến sản xuất nội địa và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Nói một cách khác, tiếng là gắn thương hiệu ‘Made in Vietnam’ nhưng thực chất chỉ mang lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài mà nhiều nhất là Trung Quốc, là nhận định của chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ  Ngô Trí Long:

Giả sử Trung Quốc thông qua Việt Nam để làm một cầu nối, làm một bàn đạp để bán hàng hóa Trung Quốc, và nếu Việt Nam không cảnh giác, không thực thi đúng những cam kết với quốc tế, cũng như không công khai minh bạch đúng luật lệ quốc tế thì trước sau Việt Nam cũng bị loại ra khỏi thương trường quốc tế”.

Chính vì thế, VEPR khuyến nghị Chính phủ nên có chính sách thắt chặt các quy định về nguồn gốc nguyên liệu đầu vào hầu tránh rơi vào tình cảnh thị trường xuất nhập khẩu của mình bị Trung Quốc sử dụng để bán hàng của họ sang Mỹ mà không bị tăng thuế. 

Không phải đợi tới giờ mà từ tháng 5/2018, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá 256,44% lên sản phẩm thép cuộn từ Việt Nam, sau  khi phát hiện những sản phẩm này có nguồn gốc Trung Quốc và đã né tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ.

Một điểm quan trọng khác của xuất nhập khẩu là khi Việt Nam tăng cường xuất khẩu ra thị trường thế giới thì các công ty Trung Quốc càng có nhiều khả năng tăng cường nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này khiến cán cân thương mại Việt Nam-Trung Quốc càng chênh lệch và có thể làm tình hình tệ hơn.


Xe contaner chở hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn năm 2014. Reuters

Tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân, giảng viên Đại Học Kinh Tế Quốc Dân Hà Nội, khẳng định nguy cơ Việt Nam trở thành thị trường tạm nhập- tái xuất của hàng hóa Trung Quốc thực sự đã xảy ra:

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ bị đánh thuế xuất khẩu, vì vậy có thể có tình trạng gian lận nguồn gốc xuất xứ, hàng Trung Quốc nhưng đội lốt Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Có tình trạng đấy trong khoảng 2 năm vừa rồi mà bản thân cơ quan Hải Quan của Việt Nam cũng như chính phủ Việt Nam đã có biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý, cái đó là có. Nếu để tình trạng gian lận xuất xứ thì Việt Nam trở thành đối tác bị cho là thao túng tiền tệ và bị trừng phạt bằng cách tăng thuế đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam”.  

Tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân nói tiếp kinh tế Việt Nam quá lệ thuộc vào FDI, tức nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Những thành tựu về xuất khẩu, xuất siêu đều là do doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tạo ra chứ trong nước thì không có lợi thế đó.

Hai khía cạnh của vấn đề cần được nhìn rõ, giảng viên kinh tế Vũ Ngọc Xuận phân tích:

 “Góc độ là khi hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam mà không tạo giá trị gia tăng nhưng mà lại lợi dụng xuất xứ để tránh thuế xuất khẩu sang Hoa Kỳ thì mình phải thanh tra kiểm tra và tiến hành xử phạt thật nặng”

Còn nếu Việt Nam nhập nguyên vật liệu, công cụ, máy móc về để có một giai đoạn trung gian sản xuất ở Việt Nam, tức là tạo giá trị gia tăng để xuất sang Hoa Kỳ thì đó là chuyện hoàn toàn khác, là chuyện cần khuyến khích, Tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân nhấn mạnh:

“Còn bảo để tránh lệ thuộc vào Trung Quốc thì đấy là quan điểm của những người không nghiên cứu sâu về chuỗi cung ứng toán cầu. Không thể nào mà không nhập đầu vào từ bên Trung Quốc để tạo ra hàng hóa xuất khẩu bởi vì bây giờ Trung Quốc là công xưởng thế giới có tính kinh tế vĩ mô, chất lượng tốt và giá cả rất cạnh tranh. Vì vậy không một doanh nghiệp nào mà không nhập đầu vào từ Trung Quốc cả. Phải phân tích ở góc độ như thế chứ không phải chỉ chuyện là mình nhập siêu quá nhiều từ Trung Quốc. Cứ nói ở góc độ phải “thoát Trung” thì đấy là góc độ phi kinh tế”.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR nhắc nhở Việt Nam luôn phải đặt mình trong tư thế một đất nước dễ bị trở thành nơi trung chuyển hàng hóa của Trung Quốc sang Hoa Kỳ.

Giới chuyên gia kinh tế và tài chính cho rằng đây là bài toán hóc búa mà Việt Nam phải cảnh giác và giải quyết đồng bộ trong bối cảnh khó khăn hiện nay. 

CHO GIẶC MƯỢN ĐƯỜNG ?

ĐỖ NGÀ/ TD 15-2-2021

Năm 2020 Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 16 tỷ đô so với năm 2019. Thực chất giá trị xuất khẩu tăng thêm của Việt Nam vào thị trường Mỹ chủ yếu là do khối FDI, vì khối doanh nghiệp trong nước hoặc yếu đi, hoặc bị rụng rất nhiều năm 2020. Được biết năm 2020 tổng kim ngạch xuất khẩu của FDI là 202 tỷ đô, tăng 21 tỷ đô so với năm 2019. Vậy là tổng số giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng lên ấy thì hết 76% là rót vào thị trường Mỹ.

Năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu từ thị trường Trung Cộng 84,18 tỷ đô và xuất sang Mỹ là 77 tỷ đô. Tàu là nước xuất sang Việt Nam nhiều nhất và Mỹ là nước mà Việt Nam xuất đi nhiều nhất. Vấn đề là trong dòng tiền rót từ Mỹ sang Việt Nam và từ Việt Nam sang Tàu ấy, có bao nhiêu trong đó chỉ “quá cảnh” Việt Nam để vào Mỹ?

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – VEPR thì mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng là những mặt hàng bị điểm mặt là loại hàng Tàu Cộng muốn mượn đường Việt Nam để đẩy vào thị trường Mỹ để né cách sắc lệnh trừng phạt của tổng thống Trump.

Năm 2020, Việt Nam nhập mặt hàng này từ Tàu với tổng giá trị lên đến 35,47 tỷ đô và xuất sang Mỹ với tổng giá trị là 22,59 tỷ đô. Tổng giá trị mặt hàng công nghệ rót vào Mỹ bằng đến 64% tổng giá trị hàng cùng loại mà Việt Nam nhập từ Tàu. Mà như ta biết, mặt hàng công nghệ Tàu là thứ mà Mỹ chú ý nhiều nhất. Nếu Việt Nam cứ tiếp tục cho Tàu mượn đường xuất mặt hàng này sang Mỹ thì có thể nói, đó là một hành động chơi dại. Rất không nên.

Được biết ngày 17/12/2020, tổng thống Donald Trump đã đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ. Đây là một bản án treo, nếu Việt Nam tiếp tục tiếp tay cho Tàu Cộng, thì khả năng cao là tổng thống Joe Biden sẽ đề ra lệnh trừng phạt đối với Việt Nam, lúc đó cánh cửa rót cho nền kinh tế Việt Nam hơn 50 tỷ đô mỗi năm sẽ khép lại dần và nền kinh tế Việt Nam sẽ khốn đốn.

Năm ngoái doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 69% xuất khẩu, nhưng đến năm 2020 thì FDI đã chiếm đến 72% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều đáng nói là nhập khẩu từ Tàu tăng và xuất khẩu sang Mỹ cũng tăng. Từ đó cho thấy, con số tăng trưởng GDP 2,91% mà chính quyền CS có được là nhờ cho Tàu mượn đường xuất khẩu sang Mỹ chứ chẳng phải “vì nỗ lực” nào cả.

Ai cũng biết, cho Tàu mượn đường thì lợi ích vẫn là Tàu đớp hết, Việt Nam chỉ nhận được con số tăng trưởng cao để khoe mẽ trước toàn dân mà thôi. Như vậy, cái gọi là “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế mà đảng Cộng sản hay khoe khoang ấy, thì chỉ có chống dịch là thật còn phát triển kinh tế chỉ là ảo. Miếng thì Tàu nuốt trọn, còn đảng CSVN chỉ được cái tiếng là “tăng trưởng”.

Hiện nay Mỹ và Việt Nam chưa có FTA nào cả, điều đó cũng có nghĩa là Mỹ sẽ trừng phạt Việt Nam dễ dàng hơn vì không sợ vướng víu. Nếu Mỹ trừng phạt thì chắc chắn người dân sẽ khốn đốn chứ đảng CSVN và quan chức của nó thì lúc nào cũng ăn trên ngồi trốc với tiền tham nhũng đầy túi thì làm gì họ biết khổ?!

Trong những tháng tới, nếu chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc hay chính phủ ông Phạm Minh Chính sắp tới không ngăn chặn tình trạng này thì hậu quả nhân dân lãnh đủ. Đảng CSVN đã chạy theo chỉ tiêu hão mà đánh cược cuộc sống toàn dân. Đấy không chỉ là thói vô trách nhiệm và còn là một hành động… ác với dân.

_____

Tham khảo:

https://vneconomy.vn/phu-thuoc-vao-xuat-khau-cua-khoi-fdi-va-nhung-rui-ro-tiem-an-20201230143246692.htm

https://1thegioi.vn/viet-nam-co-nguy-co-tro-thanh-diem-trung-chuyen-cua-hang-trung-quoc-161135.html

https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/viet-nam-co-bi-oan-khi-my-dan-nhan-thao-tung-tien-te/

https://www.sggp.org.vn/no-luc-dat-muc-tieu-kep-voi-hieu-qua-cao-nhat-713048.html

NHỮNG DỰ BÁO KHÁC NHAU CHO TĂNG TRƯỞNG GDP VIỆT NAM NĂM 2021

ĐÌNH VŨ/ NĐT 19-2-2021

NĐT- Đã có những cách nhìn khác nhau trong mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 được các Viện nghiên cứu trong nước đưa ra. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, có những điểm mấu chốt đều đã được các Viện nghiên cứu đưa ra để khuyến cáo.

Trong báo cáo mới đây về triển vọng kinh tế Việt Nam 2021, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng không quá lạc quan cho kinh tế Việt Nam năm 2021 với tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 5,5-5,8% (tích cực) và kịch bản xấu hơn là chỉ 1,8-2%. Tuy VEPR nghiêng về kịch bản lạc quan nhưng là dựa trên cơ sở dịch bệnh được kiểm soát tốt. Nhưng ngay cả đạt được mức cao nhất mà viện nghiên cứu này đưa ra thì vẫn không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra cho tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,0%.

Trước báo cáo của VEPR, TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã đưa ra dự báo đầy lạc quan về tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 với 3 kịch bản cơ sở, tích cực và tiêu cực. Ở mức tích cực GDP của Việt Nam năm 2021 có thể đạt 7,5-8%, kịch bản cơ sở (trung bình) là ở mức 6,5-7% và ở kịch bản tiêu cực thì GDP tăng trưởng từ 4-4,5%. 

GDP

Kịch bản nào cho tăng trưởng GDP Việt Nam 2021? Ảnh: Minh hoạ.

Chia sẻ riêng với Nhadautu.vn TS. Cấn Văn Lực cho biết, 3 kịch bản tăng trưởng nêu trên đều được Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV chạy trên mô hình dựa trên những số liệu giả định khá cụ thể và chính xác về tăng trưởng của từng ngành nghề, lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam năm 2021.

"Với kịch bản tăng trưởng cơ sở, Việt Nam có thể đạt mức 6,5-7% vào năm 2021. Điều này hoàn toàn có thể đạt được do tăng trưởng GDP 2021 dựa trên mức nền tăng trưởng GDP năm 2020 thấp. Cùng với đó là việc các nước trên thế giới cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trong nửa đầu năm 2021, vắc xin được đưa vào tiêm chủng như kế hoạch giúp giảm dần tình trạng lây nhiễm, khôi phục phần nào hoạt động kinh tế - xã hội tại các nước", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Với kịch bản lạc quan hơn, nếu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được Chính phủ nhanh chóng ban hành và triển khai; quá trình cơ cấu lại, chuyển đổi số được thúc đẩy; thu hút đầu tư trong và ngoài nước hồi phục... thì tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 7,5-8%.

Trước đó, vào khoảng giữa tháng 1/2021, Viện Kinh tế Việt Nam cũng đã đưa ra các mô hình dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp). Tuy nhiên, Viện Kinh tế cho rằng, khả năng đạt được mỗi kịch bản trong thực tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trước khi có các nghiên cứu phân tích mô hình tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam từ phía các Viện nghiên cứu trong nước, một số tổ chức Quốc tế như IMF và WB đã đưa ra những dự báo đầy lạc quan về tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam. Các dự báo này đều tỏ rõ sự lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2021.

Cụ thể, IMF dự báo rằng năm 2021 Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7%, cao hơn Indonesia và Thái Lan, thấp hơn Malaysia và Philippines; WB cũng dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,7%, tiếp tục là nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

Đâu là động lực và rủi ro cho tăng trưởng GDP 2021?

Một trong những báo cáo có quan điểm khá rõ ràng về tăng trưởng GDP năm 2021 là của VEPR cho thấy những rủi ro đáng chú ý với nền kinh tế trong thời gian tới.  

Cụ thể, năm 2020, Việt Nam tăng trưởng hình chữ V, thấp nhất là vào quý 2/2020 và bắt đầu tăng trưởng trở lại ở quý 3 và 4. Riêng quý 4, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức 4,48% cao hơn so với Quý 3/2020 (2,62%). Tính chung năm 2020, GDP Việt Nam tăng 2,91%.

GDP-2020-

Nguồn: VEPR

Những yếu tố được cho là hỗ trợ cho tăng trưởng là Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh từ giai đoạn sớm giúp duy trì hoạt động kinh tế trong nước; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn; làn sóng dịch chuyển đầu tư vàthương mại nhằm phân tán rủi ro từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức chấp nhận được, tạo môi trường cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Dù có kịch bản khác nhau tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 nhưng các Viện nghiên cứu cho rằng kiểm soát dịch bệnh sẽ là yếu tố hàng đầu trong tác động đến tốc độ tăng trưởng GDP. Cùng với khả năng kiểm soát dịch là việc duy trì, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ, tạo môi trường để doanh nghiệp sống sót và hoạt động, sáng tạo; cùng với đó là thúc đẩy ứng dụng cộng nghệ.

Các ý kiến cũng cho rằng việc thiết kế các gói hỗ trợ lần 1 là đi đúng hướng nhưng việc thực thi chính sách lại thiếu hiệu quả, thủ tục hành chính phức tạp và khó tiếp cận. Vì vậy, điều quan trọng ở năm 2021 là thực thi hiệu quả gói hỗ trợ lần 1, sau đó mới tính tới gói hỗ trợ lần 2.

Phân tích về khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2021, VEPR cho rằng, đặc biệt, một điều rất cần lưu ý là tình trạng bong bóng tài sản đang hình thành trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

Thực tế thì trong năm 2020, các thị trường tài sản đã có sự tăng trưởng đáng kể, chủ yếu vì đó là nơi trú ẩn cho khoản tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư và hộ gia đình. Điều này có thể hiểu được trong giai đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên, việc lãi suất huy động tiền gửi liên tục hạ do cầu tín dụng giảm, đang đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng ngày càng nhanh hơn. Thêm vào đó, khi mức tăng giá trên các thị trường tài sản đủ lớn để tạo ra hiệu ứng của cải thì mức tiêu dùng sẽ tăng đối với các mặt hàng không phải thiết yếu.

"Điều này dẫn tới sự lan tỏa của sự tăng giá từ thị trường tài sản sang thị trường tiêu dùng, dù chậm chạp, nhưng có thể cảm nhận được. Đây cũng là một biểu hiện của hiện tượng tăng giá khi chính sách nới lỏng tiền tệ được theo đuổi trong thời gian đủ dài", báo cáo của VEPR nhận định.

Theo đó, một khuyến cáo đáng lưu ý thời gian tới là, trong mọi tình huống, ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì. Điều này được cho là hết sức cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch.

Đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu cũng cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn.

Một trong những điểm đáng lưu ý nữa là, tập trung cơ cấu lại nền kinh tế và khai thác thị trường nội địa, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ như đã nêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2021 nhằm làm chủ một số yếu tố đầu vào vừa là hạn chế nhập khẩu, vừa tăng tính chủ động trong nhiều tình huống khác nhau, vừa tạo việc làm và tăng khả năng kết nối giữa các khối doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi (giảm thuế, phí…) để phát triển sản xuất và thương mại trong nước nhằm thúc đẩy thị trường nội địa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét