Thứ Ba, 9 tháng 2, 2021

20210210. 'ĐỘT PHÁ TƯ DUY' KHỞI ĐẦU NĂM TÂN SỬU ?

ĐIỂM BÁO MẠNG

MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN LÀ LỚN LAO NHƯNG CŨNG RẤT KHÓ KHĂN

NGUYỄN CHÍ DŨNG*/ TVN 6-2-2021

* )Tuần Việt Nam trao đổi với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thành viên Tổ biên tập thuộc Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội.

Báo cáo kinh tế cho Đại hội Đảng đã đề ra các mục tiêu phát triển rất cao và cụ thể. Là một trong những người biên tập chủ chốt, ông nhìn nhận các mục tiêu đó ra sao?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chúng ta chuẩn bị bước vào giai đoạn khởi đầu cho Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm, Kế hoạch 5 năm với những mục tiêu phát triển đã được bàn bạc kỹ lưỡng, bắt đầu một giai đoạn phát triển mới, đưa đất nước thực hiện các mục tiêu phát triển thịnh vượng gắn với các dấu mốc lịch sử trọng đại của dân tộc.

Với trách nhiệm được giao là cơ quan thường trực của Tổ biên tập thuộc Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, viện, trường, cơ sở nghiên cứu, các chuyên gia trong nước và ngoài nước tham mưu, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm lần thứ 4 giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 giai đoạn 2021-2025.

Các văn kiện này đã thực sự trở thành kim chỉ nam, phương hướng, đường lối phát triển của đất nước trong chặng đường mới. 

Đặc biệt, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã định hướng đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Mục tiêu phát triển là hết sức lớn lao nhưng cũng rất khó khăn
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chiến lược lần thứ 4 đã xác định tầm nhìn dài hạn đến đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Chúng ta thấy được những mục tiêu đặt ra cho 5 năm, 10 năm, 25 năm tới là hết sức lớn và khó khăn.

Thưa Bộ trưởng, những giải pháp quan trọng nhất, những lĩnh vực cốt yếu nhất là gì để thực hiện các mục tiêu rất lớn lao đó?

Có hàng loạt các quan điểm phát triển giúp thực hiện các mục tiêu đó.

Tôi cho rằng, chúng ta phải phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy, tầm nhìn và hành động, phải chuẩn bị tâm thế thật tốt để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo. 

Cả Nhà nước và người dân phải chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước.

Cần phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế để xã hội hài hòa, bao dung.

Chúng ta cần phát triển nhanh, hài hoà các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân.

Mục tiêu phát triển là hết sức lớn lao nhưng cũng rất khó khăn
Thế và lực của nước ta mặc dù đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều, nhưng nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn còn hiện hữu. Ảnh: Phạm Hải

Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hoá thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài.

Đạt được mục tiêu kép

Nhìn lại quá trình phát triển kinh tế 5 năm qua, ông thấy những dấu ấn nào rõ nét nhất?

Dấu ấn rõ nét nhất là về giai đoạn 2017-2019, khi nền kinh tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các mặt.

Chúng ta cùng nhớ lại năm 2017, mặc dù kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức khi tăng trưởng GDP những quý đầu năm không đạt dự kiến, nhiều ý kiến lo ngại khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7%, song chúng tôi đã tham mưu Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng, kiên quyết không điều chỉnh mục tiêu, đồng thời ban hành nhiều nhiệm vụ, giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đến thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài… 

Sự quyết tâm và kiên định đó đã mang lại kết quả đáng tự hào, tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,81%, vượt mục tiêu đề ra là 6,7% và đạt mức cao nhất trong các năm 2011-2017.

Giữ nguyên tinh thần đó, các năm 2018-2019, chúng ta đã chứng kiến nền kinh tế phát triển bứt phá, đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, thể hiện trên nhiều mặt như: tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong cả thập kỷ qua; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; thu hút, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất siêu, dự trữ ngoại hối, thành lập mới doanh nghiệp… liên tục thiết lập những kỷ lục mới…

Năm 2020, cả nước đối mặt với những khó khăn chưa từng có trong lịch sử do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thiên tai bão lũ, sạt lở đất nghiêm trọng… 

Chúng tôi đã theo dõi sát sao, liên tục phân tích, đánh giá và dự báo tình hình, cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế, xây dựng, tham mưu đề xuất kịp thời cho Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ nhiều nhiệm vụ, giải pháp chính xác, hiệu quả, vừa giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, người lao động, vừa giải quyết căn cơ những tồn tại của nền kinh tế, tạo nền tảng tốt cho phục hồi và tận dụng, nắm bắt cơ hội phát triển đất nước.

Có thể khẳng định, chúng ta đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng năm 2020 đạt 2,91%, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương trên thế giới.

Mục tiêu phát triển là hết sức lớn lao nhưng cũng rất khó khăn
Cổng chính Trung tâm hội nghị quốc gia, nơi diễn ra Đại hội Đảng 13. Ảnh: Phạm Hải

Bộ trưởng nhìn nhận ra sao về các thách thức phát triển của đất nước, và đâu là các chính sách để thích ứng?

Bối cảnh thế giới và trong nước năm 2021 vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức.

Thế giới còn nhiều bất định do tác động của đại dịch Covid-19. Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia dự báo sẽ ngày càng gay gắt. Nhiều quốc gia đang có mức thâm hụt ngân sách và nợ công cao, làm gia tăng rủi ro, có thể dẫn tới khủng hoảng tài chính, nợ công trong tương lai.

Thế và lực của nước ta mặc dù đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều, nhưng nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn còn hiện hữu. Nền kinh tế vẫn còn những nút thắt trong quá trình phát triển, chưa thực sự được giải quyết, khơi thông. Năng lực cạnh tranh về cơ bản vẫn ở mức trung bình trên thế giới, nhất là những tiêu chí quan trọng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Cạnh tranh giữa các đô thị ngày càng lớn, nhất là trong việc trở thành các trung tâm tài chính, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…

Các vấn đề xã hội gây áp lực lớn đến phát triển, như già hoá dân số, chênh lệch giàu - nghèo và trình độ phát triển, những vấn đề của đô thị hoá, khai thác, sử dụng hiệu quả bền vững nguồn tài nguyên.

Những thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường và tài nguyên ngày càng tăng lên, nhất là trong bối cảnh Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức luôn đi kèm với những cơ hội rộng mở. Bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh “hậu Covid-19”, 13 hiệp định FTA thế hệ mới được ký kết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự dịch chuyển của dòng thương mại và đầu tư quốc tế, thời kỳ dân số vàng… cũng đang tạo ra thời cơ lớn để chúng ta cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm.

Tư Giang - Lan Anh


ĐỘT PHÁ CÁC LÀM VÀ TƯ DUY

NGUYỄN CHÍ DŨNG */ TVN  7-2-2021

*)Tuần Việt Nam giới thiệu tiếp trao đổi với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thành viên tổ biên tập thuộc Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội Đảng về các vấn đề phát triển. 

Thưa Bộ trưởng, ông là người tham mưu về huy động và phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển, đặc biệt là cho hạ tầng giao thông - một trong các điểm nghẽn phát triển của Việt Nam. Ông nói gì về điều này?

Tôi cho rằng đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung xây dựng các công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng tạo sự lan tỏa lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tập trung xây dựng và hoàn thành ngay một số trục giao thông chính như đường cao tốc Bắc - Nam. 

Chúng tôi đã làm việc với Bộ GTVT và thống nhất, báo cáo Thủ tướng, phải đặt mục tiêu đến năm 2025 chúng ta hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông từ Lạng Sơn cho đến Cà Mau, đây là mục tiêu rất lớn mà chúng ta đặt ra và chúng ta phải làm, chắc chắn sẽ làm được, không thể chậm trễ hơn được nữa.

Thứ hai là đường ven biển cũng mở rộng không gian mới cho các địa phương phát triển kinh tế biển, trước tiên tập trung xây dựng hoàn thành toàn bộ đoạn từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Các tỉnh miền Trung rất dài, rất hẹp lại có 4 tuyến đường song song thì chúng ta có thể dùng đường cao tốc, quốc lộ 1, đường sắt... do đó có thể làm một số đoạn và một số đoạn để sang 2026-2030.

Đột phá về cách làm và tư duy

Cao tốc La Sơn -  Túy Loan (cao tốc Bắc Nam phía Đông nối tỉnh Thừa Thiên - Huế với Đà Nẵng). Ảnh: Lê Anh Dũng

Còn lại toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long từ Tiền Giang xuống Cà Mau, bọc sang Kiên Giang, chúng ta sẽ cố gắng phát triển tuyến đường ven biển chạy bọc kín toàn bộ để các tỉnh này vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa có điều kiện để bứt phá và phát triển mạnh mẽ thời gian tới.

Rồi đường nối từ Tây Nguyên đến các tỉnh miền Trung, đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM; cảng biển, cảng hàng không tầm quốc gia, quốc tế, sân bay Long Thành; hạ tầng số... Đối với các địa phương, chúng tôi đề nghị phải theo tư duy này, đầu tư không dàn trải, tập trung vào các dự án mang tính chất lan tỏa, tạo động lực... Nhiều địa phương đang đầu tư rất dàn trải, lãng phí nhiều nguồn lực.

Lập trung tâm tài chính quốc tế  

Có một số dự án phát triển mang tính đột phá ở các địa phương, chẳng hạn như xây dựng trung tâm tài chính khu vực ở TP.HCM. Ông có ủng hộ điều này?

Thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng, hội nhập quốc tế, khai thác chức năng đặc thù các vùng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn. Tập trung phát triển trung tâm tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng. Đây là vấn đề rất lớn hiện nay. TP.HCM và Đà Nẵng đã đề cập đến, tôi đề nghị 2 TP cần tập trung lập đề án, bởi nếu lần này không làm được thì không bao giờ chúng ta làm được.

Đây là thời cơ vàng, ngàn năm có một để chúng ta có thể thành lập được trung tâm tài chính quốc tế, vấn đề này tôi đã phát biểu nhiều lần tại TP.HCM rồi, TP.HCM đang quyết tâm thực hiện. Tôi đề nghị phải làm nhanh, thuê tư vấn lập đề án, có các cơ chế, thể chế riêng để báo cáo Bộ Chính trị để sớm hình thành, mang lại cơ hội rất to lớn cho đất nước.

Tôi muốn nêu ví dụ, cách đây 40 năm, đảo quốc Cayman từng rất nghèo khó, nhưng giờ đã trở thành trung tâm tài chính, hàng trăm ngân hàng đã đăng ký thành lập ở đây, trong đó có 50 ngân hàng lớn nhất thế giới.

Đột phá về cách làm và tư duy
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cách đây 40 năm, đảo quốc Cayman từng rất nghèo khó, nhưng nay đã trở thành trung tâm tài chính

Cayman trở thành trung tâm tài chính quốc tế lớn nhất thế giới, ước tính mỗi ngày dòng tiền chảy qua đó khoảng 2.000 tỷ USD. Ở đó không thu thuế mà thu phí nhưng mỗi ngày thu hơn 300 triệu USD.

Tại sao chúng ta không làm trong khi rất nhiều điều kiện thuận lợi? Từ vị trí địa lý cho đến dân số, quy mô nền kinh tế… Có một điểm đặc biệt là ta nếu lấy compa quay một vòng khoảng cách tương đương 3 giờ bay với trung tâm là TP.HCM hay Đà Nẵng thì bao phủ toàn bộ khu vực ASEAN, rất thuận lợi. 

Hiện nay chúng ta không trùng múi giờ với 21 trung tâm tài chính quốc tế, đấy là cái khe, cơ hội rất hẹp. Dòng tiền có thể hình thành và luân chuyển suốt 24 giờ trên khắp các trung tâm tài chính đó, đấy là khe rất hẹp mình chen vào đấy. Người ta rời bỏ Hong Kong rồi, các trung tâm khác quá tải, hết dư địa, hết ưu đãi, hết hấp dẫn, người ta đang đi tìm nơi trú ẩn mới. Làm cái này chúng ta mang lại cơ hội vô cùng lớn cho đất nước, nhưng phải làm ngay.

Nếu một trung tâm nào khác hình thành trước chúng ta thì không còn cơ hội nữa. TP.HCM và Đà Nẵng cần nhanh chóng hơn.

Cần tư duy mới, cách tiếp cận mới  

Là người phụ trách về sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, ông nhìn nhận ra sao về họ?

Khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng lớn mạnh, từng bước khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước. Giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm có 128,2 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký trung bình trên 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 63% về số DN và tăng 216% về số vốn so với giai đoạn 2011-2015.

Ngày càng có nhiều DN, tập đoàn kinh tế lớn được hình thành và dẫn đầu trong một số ngành lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Các sản phẩm thương hiệu Việt ngày càng lớn mạnh, các DN muốn lớn mạnh bắt buộc phải vươn ra thị trường quốc tế.

Chúng tôi đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho DN. Đây là chương trình hết sức thiết thực, hiệu quả và cấp thiết, phải làm ngay. Nếu chúng ta hỗ trợ cho 800.000 DN hiện nay được tiếp cận chuyển đổi số, chắc chắn họ sẽ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh, từ đó lớn mạnh và đóng góp cho nền kinh tế rất rất lớn. Đây là ưu tiên hàng đầu trong những năm tới.

Đột phá về cách làm và tư duy
Thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng, hội nhập quốc tế, khai thác chức năng đặc thù các vùng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn. Tập trung phát triển trung tâm tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng

Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam làm sao để trở thành động lực cho tăng trưởng và phát triển; hoàn thiện thể chế để tiếp tục thúc đẩy, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển DN hơn nữa sao cho các DN thích nghi và chuyển đổi trong bối cảnh phát triển vũ bão về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay đổi về tư liệu sản xuất và phương thức sản xuất; sự phát triển của các học thuyết mới và xu hướng kinh doanh mới.

Để thực hiện các mục tiêu đó, theo ông, cần thay đổi điều gì, nhất là trong tư duy chính sách?

Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng, cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới, nhanh chóng theo hướng tích cực, theo kịp xu thế thời đại. Phải thay đổi tư duy quản lý từ chủ yếu là kiểm soát, cho phép (tiền kiểm) sang chủ yếu phục vụ thúc đẩy phát triển (hậu kiểm). 

Cần có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đại dịch Covid-19 đã cho ta bài học sâu sắc, cần nhận thấy đây vừa là khó khăn nhưng cũng mang đến cơ hội cho Việt Nam nắm lấy để bứt phá và trỗi dậy khi các cấu trúc kinh tế (sản xuất, thương mại, đầu tư…) và trật tự thế giới sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc.

Từ đó, chúng ta phải có các quyết sách đúng đắn và kịp thời, vì thời gian luôn là vàng và cũng là kẻ thù của chúng ta. Muốn đi nhanh, phải chọn được con đường đi đúng. Mọi chính sách phải xoay quanh hoặc hướng tới hạnh phúc của người dân vì người dân vừa là chủ thể vừa là mục tiêu để hướng tới. Không thể một lần nữa lại đứng ngoài hoặc đi sau, đi theo một cuộc chơi mới, sân chơi mới sắp diễn ra.

Với tư cách là một cơ quan tham mưu tổng hợp, chúng tôi phải kiên trì, tiên phong và đẩy nhanh việc cải cách, nghiên cứu định hướng chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng nâng cao sức cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo… Tranh thủ tận dụng nguồn lực con người để phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn dân số vàng, trước khi chuyển sang giai đoạn già hóa dân số.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hoàn thiện nhanh khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công; ban hành chính sách thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới, như: kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn… đáp ứng kịp thời nhu cầu nền kinh tế.

Nghiên cứu và khẩn trương ban hành và tạo điều kiện thực hiện cơ chế thí điểm (sandbox) cho đổi mới sáng tạo và DN khởi nghiệp. Có chính sách khuyến khích DN quan tâm đến đổi mới sáng tạo; xây dựng Quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho quá trình đổi mới sáng tạo.

Tư Giang - Lan Anh

TƯ DUY SỐ: KHÔNG CÒN CHỖ CHO TÌNH THÂN HỮU CHI PHỐI

ĐẶNG HÙNG VÕ/ TVN 8-2-2021


Gs. TsKh. Đặng Hùng Võ (Chuyên gia)


Xây dựng quốc gia số và phát triển kinh tế số được đặt như một trọng tâm trong Văn kiện Đại hội Đảng 13 để tạo động lực đưa Việt Nam lên thành nước phát triển có thu nhập cao.

Vấn đề này cũng đã được thảo luận sôi nổi ngay trong vài ngày đầu của Đại hội. Đây quả là một lựa chọn đường lối phát triển rất đúng đắn trong hoàn cảnh chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới và trong khu vực hiện nay.

Từ kinh nghiệm phát triển vài chục năm qua, thế giới đã nhận ra rằng chỉ có nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với công nghệ cao mới có thể tạo được hiệu suất cao cho phát triển để vượt lên đón đầu tương lai.

Tư duy số: Không còn chỗ cho tình thân hữu chi phối
Chỉ có nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với công nghệ cao mới có thể tạo được hiệu suất cao

Câu hỏi “sau công nghiệp sẽ là gì?” đã được đặt ra từ khi quá trình công nghiệp hoá tạo ra nhóm 7 nước công nghiệp phát triển. Khoảng dăm bảy năm trước, công luận ồn ào về thuật ngữ công nghệ 4.0 theo cách gọi của người Đức đưa ra trên Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Sau đó ít lâu, người ta lại bàn bạc về nội dung “thế hệ 4.0” gồm “trí tuệ nhân tạo” (AI) và “Internet kết nối vạn vật” (IoT). Vài năm gần đây, vấn đề phát triển lại chuyển sang định hướng kinh tế số, công nghệ số, quốc gia số...

Ba cuốn sách và 3 nguyên thủ

Người đầu tiên bàn về vấn đề công nghệ là động lực tạo nên sự phát triển loài người là Alvin Toffler, một nhà xã hội học Hoa Kỳ. Ông đã để 30 năm (1960 - 1990) vào nghiên cứu, khái quát hoá, rút ra quy luật và dự báo phát triển với 3 cuốn sách nổi tiếng thế giới: Cú sốc tương lai (1970), Đợt sóng thứ ba (1980) và Thăng trầm quyền lực (1990).

Nội dung của cả 3 cuốn sách này chỉ nhằm chỉ ra rằng: Loài người bắt đầu bằng kỷ nguyên nông nghiệp; công nghệ cơ khí đã làm ra máy móc thay thế lao động chân tay để tạo nên kỷ nguyên công nghiệp; tiếp theo, công nghệ thông tin đã làm ra máy móc thay thế lao động trí óc của con người để tạo nên kỷ nguyên thông tin.

Kỷ nguyên thông tin là đợt sóng thứ 3 sau nông nghiệp, rồi công nghiệp, làm cho loài người phải thay đổi cơ bản như bị một cú sốc lớn trong tương lai để phát triển. Ứng với mỗi kỷ nguyên này có một dạng thức quyền lực khác nhau: Vũ lực là dạng thức quyền lực trong kỷ nguyên nông nghiệp, tài chính trong kỷ nguyên công nghiệp và trí tuệ trong kỷ nguyên thông tin.

Bộ 3 cuốn sách này đã gây chú ý lớn cho nguyên thủ nhiều quốc gia, đặc biệt là Triệu Tử Dương (khi đó là Thủ tướng Trung Quốc), Lý Quang Diệu (Thủ tướng Singapore) và Kim Dae Jung (Tổng thống Hàn Quốc).

Ba vị nguyên thủ quốc gia này đã mời Alvin Toffler để đàm đạo riêng. Cả 3 quốc gia này nay đã trở thành nước công nghiệp mới, đang trong nhóm đầu của thế giới về xây dựng quốc gia số và phát triển kinh tế số từ trạng thái một nước nông nghiệp lạc hậu vào thời điểm thập kỷ 1960.

Tôi đã có 8 năm hợp tác nghiên cứu khoa học ở Ba Lan (1980 - 1988) nên có điều kiện tiếp cận khá sớm với 3 cuốn sách của Alvin Toffler. Từ đó, sau khi về nước tôi đã quyết định thực hiện “cải cách số” trong lĩnh vực sản xuất thông tin địa lý ở nước ta.

Nơi hoàn thành chuyển đổi công nghệ số từ năm 2000

Vào năm 1989, tôi đã đưa công nghệ định vị vệ tinh (GPS) vào đo đạc mặt đất sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton vừa ban hành quyết định cho phép sử dụng GPS chỉ cho mục đích quân sự vào mục đích dân sự. Khi đó nước ta còn đang bị cấm vận, khó khăn mọi bề trong tiếp cận công nghệ.

Ngày nay, GPS đã được phổ cập tới mức được gắn vào mọi thiết bị thông minh để xác định vị trí của mọi hoạt động. Từ thành công trong cải cách công nghệ định vị địa lý, đến năm 2000 tôi đã hoàn thành việc chuyển đổi mọi thiết bị chụp ảnh mặt đất từ máy bay, vệ tinh; thiết bị đo đạc trên mặt đất; thiết bị xử lý dữ liệu về dạng kỹ thuật số. Đến 2010, toàn bộ dữ liệu địa lý của Việt Nam đã được thiết lập dưới dạng thông tin số. Tôi đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới vì thành tích này.

Cách đây ít tuần, một anh bạn làm việc tại Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam có kể với tôi rằng cấp trên có xuống Cục làm việc về chuyển đổi số. Cục trưởng đã trả lời rằng chuyển đổi công nghệ số ở đây đã hoàn thành từ năm 2000. Cuộc làm việc kết thúc sớm. Nghe chuyện, tôi cũng vui lây. 

Từ định tính sang định lượng

Nhìn lại kinh nghiệm phát triển số trên thế giới và của bản thân, có thể thấy trí tuệ nhân tạo đang đóng vai máy móc thay thế lao động trí óc của con người, đang tạo nên bước đột phá quan trọng cho phát triển. Gắn với trí tuệ nhân tạo, mọi thông tin phải ở dạng số.

Trí tuệ con người thiên về tư duy định tính, thường bị tình cảm yêu hay ghét chi phối, làm mất đi tính trung thực và khách quan. Mọi nhận định và đánh giá thường thiếu căn cứ định lượng mang tính chính xác của khoa học, nhiều trường hợp đã dẫn đến những quyết định sai. Khác đi, trí tuệ nhân tạo lại tư duy theo định lượng, mọi quyết định đưa ra đều đủ căn cứ xác đáng sau khi phân tích dữ liệu. Quyết định sai chỉ có thể xảy ra khi dữ liệu sai.

Hiện nay, trên thế giới đã đưa ra một hệ thống đồ sộ các chỉ số để đánh giá mọi quá trình, mọi ngành nghề, mọi hoạt động, mọi quốc gia. Hàng năm, Ngân hàng Thế giới đều xuất bản một tài liệu mang tên “Chỉ số thế giới” với hàng triệu chỉ số để đánh giá hàng nghìn lĩnh vực của hàng trăm quốc gia.

Các chỉ số như vậy là căn cứ xác đáng để mỗi quốc gia tự đánh giá mình đang ở mức nào trong từng lĩnh vực, rồi từ đó đưa ra các quyết định điều chỉnh phù hợp. Đây chính là bản chất của “tư duy số”. Tư duy con người cũng phải thay đổi từ định tính sang định lượng. Đó là sự chuyển đổi số của tư duy.

Nước ta hiện nay có thiếu vắng hệ thống chỉ số cần thiết để đánh giá và quyết định. Mọi thứ vẫn trong trạng thái tư duy định tính. Việc cần làm trong chuyển đổi số là hình thành các chỉ số định lượng để chuyển đổi tư duy sang “tư duy số” như một thói quen trong phát triển cho tới khi trở thành “văn hoá số”. Có như vậy các quyết định mới đạt hiệu quả cao và không còn chỗ cho tình thân hữu chi phối.

Đặng Hùng Võ   

CHIA TAY...THỜI GIAN

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 8-2-2021

Vào năm Tân Sửu sáu mươi năm trước (1961), đến năm 2021 vừa tròn một hoa giáp, nhà thơ Tố Hữu khi viết “Bài ca mùa xuân 1961” đã gọi thời điểm đó là “đỉnh cao muôn trượng”. Từ “đỉnh cao” đó có thể nhìn khắp cả địa cầu, có thể “Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau”.

Năm 2021 này, chưa có người Việt nào chào năm Tân Sửu - thời khắc bắt đầu thập niên thứ ba của thế kỷ 21 - như ông Tố Hữu, ngược lại nhiều người nước ngoài và các phương tiện truyền thông quốc tế đánh giá Việt Nam là điều thần kỳ hiếm hoi, rằng thế giới u ám nhưng mặt trời vẫn tỏa nắng ở Việt Nam,…

Mười lăm năm sau “Chào xuân 61”, tháng 5 năm 1975 nước Việt Nam thống nhất, người Việt chưa kịp hưởng hòa bình đã lại phải đối diện với hai cuộc chiến ở hai đầu đất nước.

Vừa cầm súng chống cuộc xâm lấn của bọn diệt chủng Khơme Đỏ ở biên giới Tây Nam vừa đánh trả hàng chục vạn quân Trung Quốc xâm lược khắp toàn bộ biên giới phía Bắc.

Hoàn cảnh đất nước và quốc tế ngày nay không cho phép lặp lại nguyên xi những gì đã diễn ra nhưng người Việt chắc chắn vẫn phải bước vào những cuộc chiến mới, và bây giờ ít nhất cũng là “cuộc chiến ba đầu”, một đầu chống lại nạn “tham nhũng, lãng phí, cục bộ, nhóm lợi ích”, đầu thứ hai là đấu tranh xóa bỏ thói bảo thủ, trì trệ, giáo điều, nói mà không làm, làm không đến nơi đến chốn và đầu thứ ba là chống lại dã tâm bành trướng, xâm lược, nô dịch của những kẻ thù tiềm ẩn.

Sẽ có 25 năm (tính đến năm 2045) để Việt Nam lập nên kỳ tích mới trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc và điều này có vẻ dễ thực hiện hơn so với việc hình thành một thế hệ người Việt mới.

Giã từ năm 2020 không phải là cuộc chia tay giữa con người với con người, đó là cuộc “Chia tay thời gian”. (Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Để tạo dựng một đất nước thuộc nhóm nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, cần đến một thế hệ công dân mới, có tri thức, biết làm việc tập thể, yêu gia đình, quê hương, đất nước, dám sáng tạo và biết sáng tạo chứ không phải những cậu ấm, cô chiêu được bố mẹ gửi ra nước ngoài kiếm tấm bằng đại học rồi quay về hợp pháp hóa chiếc ghế đã kê sẵn.

Càng không cần những kẻ nằm trong guồng máy nhưng đã thủ sẵn hộ chiếu nước ngoài, những kẻ mắc Covid-19 được chữa khỏi bệnh tại Việt Nam rồi ra nước ngoài bôi nhọ đất nước quê hương họ.

Những kẻ đặt điều chê bai chính những người đã cứu sống họ chỉ xứng đáng với từ đầu tiên trong cụm từ “Con Người”.

Cuộc đời có nhiều cuộc chia tay, nào là “Chia tay hoàng hôn”, “Chia tay tuổi thơ”, “Chia tay hoài niệm”, “Tạm biệt chim én”, “Chia ly màu tím”,… Đa phần những cuộc chia tay ấy luôn lấp ló tia hy vọng rồi sẽ có ngày gặp lại.

Giã từ năm 2020 không phải là cuộc chia tay giữa con người với con người, đó là cuộc “Chia tay thời gian”, là cuộc chia tay vĩnh viễn, không thể tái hợp bởi dòng sông thời gian không có đôi bờ và luôn trôi theo một chiều, từ quá khứ qua hiện tại đến tương lai.

Trên dòng sông thời gian, con thuyền mà loài người giương buồm chưa bao giờ và không bao giờ có thể cập “Bến quá khứ”.

Người Việt sắp chia tay năm Canh Tý để đón năm Tân Sửu, và chắc chắn sẽ không bao giờ có một năm giống năm 2020 trong tương lai dù tên năm Canh Tý cứ 60 năm lại lặp lại.

Nhìn vào cơ đồ đất nước, nói một cách công bằng chứ không phải phụ họa, quả thật chưa bao được giờ như hôm nay.

Ổn định xã hội giúp cho người dân an cư lạc nghiệp trong khi ngay tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean), đảo chính quân sự, việc ban bố tình trạng khẩn cấp, biểu tình biến thành bạo lực diễn ra không phải chỉ tại một nước và cũng không phải chỉ có trong quá khứ.

Những cuộc biểu tình trở thành bạo loạn gây chết người, đập phá cơ sở vật chất, cướp phá cửa hàng, gây đình trệ giao thông, những vụ xả súng giết người bừa bãi,… diễn ra đâu đó trên khắp thế giới có phải chính là biểu hiện “tự do, dân chủ” mà giới chóp bu tư bản muốn xuất khẩu sang nước khác hay thực ra chỉ với mục đích làm thế giới bất ổn còn mình hưởng lợi?

Rõ ràng thứ “tự do, dân chủ” mà người Việt cần có phần giống nhưng nhiều phần không giống với những khái niệm được rao giảng đang thịnh hành ở không ít quốc gia phương Tây.

Người Việt hiểu quá rõ cái giá của chiến tranh và bất ổn chính trị và vì vậy cần sự an bình trong cuộc sống. Tuy nhiên sự an bình ấy phải đi kèm sự công khai, minh bạch, thượng tôn pháp luật, sự tuân thủ các quy định trong Hiến pháp, trong các đạo luật đã được ban hành.

Gần trăm triệu người Việt cần đội ngũ lãnh đạo từ phường xã đến trung ương liêm chính, thông tuệ, trung thực với dân, không mị dân. Cần những người thực thi công vụ nói đi đôi với làm, sẵn sàng chịu trách nhiệm, dám chủ động làm những điều người khác không dám làm nếu điều đó mang lại lợi ích quốc gia, dân tộc.

Cùng với đó ngay từ lúc này, cơ quan lập phát cần ban hành cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm (với động cơ trong sáng) không để lặp lại câu chuyện buồn đã xảy ra với ông Kim Ngọc - Cố Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc - một lần nữa.

“Dân chủ” mà Người Việt cần là kiểu “Dân chủ đơn giản”, không phải dân chủ theo triết lý của các học giả, điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:

“Dân chủ thật ra có nghĩa là để cho dân được mở miệng”. [1]

Nếu mong mỏi của dân chúng và giáo huấn của Bác Hồ được thực hiện thì hệ quả chắc chắn sẽ là “Dân tin, dân ủng hộ, dân hiến kế, dân cùng làm, dân bảo vệ”.

Chính thông tin các ca nhiễm Covid-19 được công bố thường xuyên, chính xác đã khiến người dân tin tưởng, chung tay cùng cơ quan chức năng chống dịch và đó là một trong những nguyên nhân thắng lợi của Việt Nam mà thế giới phải thừa nhận.

Nếu trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, tài sản quan chức và họ hàng của họ, những sai phạm cán bộ mắc phải cũng được minh bạch như Covid-19, người bị nhiễm “Bệnh tham nhũng” cũng được “Cách ly tập trung” để chạy chữa thì thắng lợi không thể bị nghi ngờ.

Nhìn vào từng gia đình, tivi, tủ lạnh, xe máy,… trở thành những đồ dùng sinh hoạt bình thường mà có thời mọi người Việt, kể cả lãnh đạo cao cấp nhất đều mong ước.

Nhìn tổng thể, ngoại trừ một số khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, ở đâu cũng thấy các khu công nghiệp, khu đô thị đẳng cấp, đường cao tốc, trường học, bệnh viện,… Tất cả những gì hiện diện, đúng là xưa nay chưa từng có.

Và cũng vì nói một cách công bằng nên bên cạnh ca ngợi những thành tựu về kinh tế, quốc phòng, an ninh, xã hội, y tế, giáo dục,… thì không thể giả bộ quên đi một thực tại là sự phân hóa giàu nghèo dần trở nên trầm trọng, là môi trường bị ô nhiễm nặng nề, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, là sự không bình đẳng trong hưởng thụ thành quả phát triển kinh tế giữa các vùng miền và các tầng lớp dân cư, là nạn tham nhũng, lãng phí của một bộ phận không nhỏ quan chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là tham nhũng quyền lực ở các cấp.

Trả lời báo chí sau khi bế mạc Đại hội Đảng 13, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết có trường hợp cán bộ xách vali toàn đô la Mỹ đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để biếu xén, lấp liếm, chạy tội.

Vào tận nơi làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với vali đầy đô la liệu có thể là người nông dân, công nhân, giáo viên hay người “buôn thúng bán mẹt”?

Nếu không phải họ thì còn lại chỉ có thể hoặc là quan chức kiếm được rất nhiều tiền hoặc không phải quan chức nhưng (cũng rất nhiều tiền) có mối liên hệ mật thiết với “Nhóm lợi ích Quan – Doanh” kiểu như Trần Bắc HàTrịnh Xuân ThanhVũ “nhôm”Út “trọc”,…

Năm Tân Sửu khiến người viết nhớ đến câu thành ngữ “Con trâu là đầu cơ nghiệp”.

Dẫu tại một số địa phương vẫn còn cảnh con trâu lầm lũi kéo cày trên những thửa ruộng bậc thang hay thửa ruộng con con nhưng cả nước gạo đã đủ ăn và còn dư để xuất khẩu.

Tiếc là ông Kim Ngọc không được tận mắt nhìn thấy cảnh những con tàu vạn tấn mang gạo Việt Nam bán khắp thế giới.

Và cũng đôi chút tiếc nuối cho gạo ST25 của Anh hùng lao động Hồ Quang Cua và cộng sự đã giành vị trí nhất thế giới nhưng đi thi lần thứ hai lại bị đánh tụt một bậc.

Giá có một chút cân nhắc, một chút tỉnh táo để rồi không thi lần thứ hai thì làm gì có chuyện bị mất vị trí số một!

Đón năm mới, không ngạc nhiên khi quốc tế loan tin có nước láng giềng vừa mới xây căn cứ tên lửa cách biên giới phía Bắc có 20 km.

Người ta cũng từng xây các nhà máy điện nguyên tử Phòng Thành cách biên giới Việt Nam có 50 km, nhà máy Xương Giang cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 100 km và nhà máy Trường Giang cũng chỉ cách biên giới Việt Nam hơn 200 km.

Vào mùa đông, gió mùa Đông Bắc thổi qua khu vực ba nhà máy này rồi xuống đất liền Việt Nam từ Quảng Ninh đến tận Nam Trung Bộ.

Gió thổi tự do mang theo những gì có trên bầu trời nhưng nước sông Cửu Long về đồng bằng Nam Bộ càng ngày càng ít vì bị chặn ở đầu nguồn, đấy là những gì người Việt nhìn thấy, cảm nhận được cùng với những gì thỉnh thoảng nghe thấy về mấy chữ, mấy chữ.

Loài người bước đến tương lai với hành trang toàn là nghịch lý, bằng cách tự chia thành các chủng tộc, tự cô lập bởi đường biên giới quốc gia để rồi cố gắng tạo nên các liên minh kiểu Nato, kiểu G7, G20,…

Những quốc gia mạnh nhất thế giới ngày nay cũng không thể tự bảo vệ mình, vậy nên chia tay năm cũ không phải là lúc để hối tiếc, cũng không phải lúc để tung hô mà phải biến những gì khẳng định trong nghị quyết thành của cải vật chất, thành sự ấm no hạnh phúc cho nhân dân – như lời khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

“Chia tay thời gian” vào năm 2020, với người Việt không chỉ niềm vui mà còn ngổn ngang lo toan, thậm chí không ít nỗi buồn.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://xaydungdang.org.vn/Home/MagazineStory.aspx?mid=52&mzid=409&ID=933

Xuân Dương
ĐỔI MỚI PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO TỪ VIỆC THAY ĐỔI NHỮNG 'TIỂU TIẾT'
THIỆN VĂN / TVN 30-1-2021

Cắt bỏ nghi thức rườm rà

Theo dõi các sự kiện trong đời sống chính trị thời gian gần đây, chúng ta thấy Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều đổi mới về tổ chức nghi thức, nghi lễ theo hướng mọi việc trở nên quy củ, gọn nhẹ, thiết thực, tiết kiệm mà vẫn bảo đảm sự trang nghiêm của sự kiện.

Đổi mới phong cách lãnh đạo từ việc thay đổi những ‘tiểu tiết’
Các đại biểu dự Đại hội Đảng 13 đang diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải

Một trong những việc làm đáng ghi nhận là trong dịp Đại hội Đảng các cấp, từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương, không còn cảnh cả đoàn thiếu nhi tưng bừng, rộn ràng “cờ đèn kèn trống” vào trong hội trường chúc mừng Đại hội.

Trước đó, trong dịp tổ chức Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc (tháng 12/2020) tại Hà Nội, Ban tổ chức Đại hội cấp Trung ương cũng không tổ chức đoàn chủ tịch, đoàn thư ký trên bục danh dự như trước.

Vào dịp đầu năm 2020, Ban Bí thư đã ban hành công văn số 77-CV/TƯ, yêu cầu lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tỉnh ủy, thành ủy, đơn vị sự nghiệp Trung ương về thực hành tiết kiệm trong việc tặng hoa chúc mừng. Theo đó, lãnh đạo cấp cao không tặng hoa với tư cách cá nhân đối với các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong dịp sinh nhật và Tết Nguyên đán; không tặng hoa khi đón, tiễn các lãnh đạo đi cơ sở và đến dự các cuộc mít tinh, lễ kỷ niệm, đại hội, hội nghị, họp mặt tại ban, bộ, ngành, địa phương.

Mấy năm gần đây, khi có lãnh đạo cấp cao đến thăm, làm việc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân cũng không còn thấy quang cảnh hội trường tiếp khách được trang hoàng thảm đỏ, cờ hoa rực rỡ và câu khẩu hiệu “Nhiệt liệt chúc mừng...” được ghi trang trọng, nổi bật trên cổng chào, màn phông nữa.

Ngay cả việc cán bộ lãnh đạo đi găng tay trắng cầm cán xẻng cuốn giấy xanh đỏ lòe loẹt tham gia Tết trồng cây ở một số địa phương, đơn vị - một căn bệnh hình thức đã được người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta từng phê bình là trông rất phản cảm, không phù hợp với tính chất công việc của người trồng cây gây rừng để bảo vệ môi trường. Vì tác phong đó dễ xa dân, đồng thời cũng dễ làm dân... xa lánh!

Trọng dân, vì dân

Có thể khẳng định rằng, việc bớt đi nghi thức chúc mừng của đội thiếu niên tiền phong trong dịp đại hội Đảng các cấp không những tiết giảm được một nghi thức mang tính hình thức, mà còn tiết kiệm thời gian cho học sinh để các em tập trung vào nhiệm vụ học tập.

Việc không tổ chức đoàn chủ tịch, đoàn thư ký trong dịp Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc không chỉ góp phần tạo ra không khí thân mật, ấm áp giữa cấp trên và cấp dưới, mà hơn thế, ưu tiên vị trí trang trọng nhất dành để tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến đã có nhiều cống hiến, hy sinh, đóng góp cho đất nước, xã hội.

Việc cắt bỏ nghi thức tặng hoa lãnh đạo cấp cao khi đến thăm, làm việc ở cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở là góp phần rút ngắn khoảng cách giữa cấp trên và cấp dưới, giữa lãnh đạo và quần chúng. Ý nghĩa hơn, điều đó thể hiện phong cách văn hóa lãnh đạo thân thiện, góp phần củng cố, gắn kết mối quan hệ bền chặt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Xin nói thêm rằng, những nghi lễ nêu trên từng tồn tại hàng chục năm như một lệ bất thành văn tưởng như góp phần làm “đẹp lòng” lãnh đạo, nhưng thực chất là biểu hiện hình thức, phô trương, không phù hợp với tinh thần đổi mới phương thức, phong cách lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.

Trong đời sống, có những thứ mới nhìn qua tưởng như nhỏ nhặt, không đáng kể, không đáng quan tâm, không ảnh hưởng đến ai, nhưng thực tế lại không phải vậy. Cũng có những thứ tồn tại bấy lâu nay tưởng như khó thay đổi vì người ta mang tâm lý “sợ bóng, sợ gió” và ngại đụng chạm đến “ông nọ, bà kia”. Nhưng rồi, khi những thứ đó không xuất hiện trong đời sống chính trị, tự nhiên cấp trên cảm thấy thoải mái, cấp dưới thêm vui vẻ, còn cơ quan, đơn vị có thêm thời gian tập trung chăm lo việc dân việc nước.

Từ trong truyền thống, người Việt vốn trọng lễ nghĩa, nghi thức, ưa thích sự chỉn chu bên ngoài. Cái hay của đặc điểm tâm lý này là dễ tạo thiện cảm ban đầu cho người tiếp xúc, giao lưu. Nhưng sự chu toàn thái quá dễ sinh ra hào nhoáng, rườm rà không cần thiết. Nhất là trong xã hội hiện đại, khi nhịp sống thời văn minh trí tuệ khác rất xa so với xã hội nông nghiệp cổ truyền trước đây, thì sự đổi mới tổ chức nghi thức, lễ nghĩa là việc rất cần thiết, cần làm trong đời sống chính trị.

Theo quan điểm triết học mác xít, hình thức tuy phản ánh cái bên ngoài song cũng là một trong những yếu tố góp phần làm nên và thể hiện nội dung của sự vật, hiện tượng. Do đó, việc thay đổi hình thức không phù hợp sẽ góp phần làm thay đổi tính chất nội dung theo hướng tích cực, tiến bộ hơn.

Chính vì vậy, chúng ta vui mừng khi nhận thấy các cấp lãnh đạo chủ động, chú trọng thay đổi những “tiểu tiết” không cần thiết để vì “đại cục” tốt hơn; kiên quyết cắt bỏ những thủ tục, nghi thức rườm rà và những việc làm hình thức, phô trương không phù hợp với nếp sống văn hóa mới. Những việc làm đó cũng không ngoài mục đích nhằm hiện thực hóa việc học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh về tác phong quần chúng giản dị, trọng dân, thân dân, vì dân.

Thiện Văn 

XIN CHO CỤ NGUYỄN TRỌNG VĨNH LÀ 'TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT'

MẠC VĂN TRANG/ TD 5-2-2021

Chị Nguyễn Nguyên Bình sau khi đi tảo mộ cha – Lão tướng, nhà Ngoại giao nổi tiếng Nguyễn Trọng Vĩnh, an nghỉ tại xã Đường Lâm, rồi về nghĩa Trang Mai Dịch thắp hương mộ mẹ – bà Lê Thị Ban. Chị Bình viết trên FB:

Cụ ông đã nương bóng cụ Giang Văn Minh – Vị Đại sứ chống lại sự o ép của ‘thiên triều’ với nước ta mấy trăm năm trước, và được sắc phong bốn chữ THIÊN CỔ ANH HÙNG; nay cụ ông vẫn đau đáu mong cụ bà. Mình là con, chưa làm trọn nguyện vọng của cụ, áy náy lắm thay. Ai giúp được chuyện đó bây giờ?… Cầu trời gặp được người thông cảm!

Bà Nguyễn Nguyên Bình bên mộ mẹ tại nghĩa trang Mai Dịch

Quả thật đây là chuyện “lạ đời” ở xứ CHXHCN Việt Nam. Hiếm có cặp vợ chồng cách mạng cộng sản tiền bối nào mà hai người cùng được tiêu chuẩn an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, vậy mà lại cố thoát ra!

Theo Wikipedia: “Nghĩa trang Mai Dịch là một nghĩa trang liệt sĩ nằm ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam. Được xây dựng vào năm 1956, đây là nơi an nghỉ của 1.228 liệt sĩ và 394 nhân vật nổi tiếng là cán bộ chính trị cấp cao là Ủy viên Trung ương Đảng trở lên bao gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương; nhà hoạt động xã hội, văn hoá, khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tiêu biểu; các tướng lĩnh công an, quân đội; anh hùng lực lượng vũ trang”…

Nghe nói để được chôn cất ở nghĩa trang Mai Dịch phải được Ban Tổ chức trung ương ĐCSVN xét duyệt, cân nhắc kỹ lắm. “Có vấn đề” như cụ Trần Xuân Bách vẫn được “ưu tiên” chôn cất ở Mai Dịch; nhưng lão tướng Trần Độ lại không những không được an táng ở Mai Dịch, mà điếu văn còn nêu ra “khuyết điểm”, khiến gây phẫn nộ tại tang lễ Cụ… Lại nghe thiên hạ đồn, mộ của Lê Đức Thọ để ở Mai Dịch mà không yên, nên gia đình phải bí mật di chuyển đi nơi khác (?).

Mối tình Nguyễn Trọng Vĩnh – Lê Thị Ban ly kỳ từ những ngày hoạt động bí mật trước cách mạng 1945, thơ mộng hơn cả tiểu thuyết.

Wikipedia cho biết: Bà Lê Thị Ban, tên thật là Lê Thị An, sinh ngày 14/7/1920, mất ngày 27/9/2010. Bà “là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trên 70 năm và Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông. Bà là phu nhân của thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh”.

Cứ tưởng rằng hai vợ chồng cùng tiêu chuẩn Mai Dịch là tuyệt vời nhất rồi, nhưng Cụ Vĩnh cuối đời đã viết hàng 100 bài phê phán những sai lầm, thối nát của ĐCSVN và dặn không chôn Cụ tại Mai Dịch! Hãy để cụ an nghỉ tại một nghĩa trang nhân dân nào đó và đưa Cụ Bà về cùng.

Các con và thân hữu đã tìm được một nơi hẳn là hợp ý Cụ. Nơi đó là một mảnh đất chừng 30m2, gần Lăng mộ Thám Hoa Giang Văn Minh, ở thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Con cháu đã xây hai ngôi mộ của hai Cụ bên nhau, nhưng nay Cụ Ông vẫn cô đơn, mong đợi Cụ bà về cùng…

Chị Nguyên Bình báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xin cho Cụ Bà rút khỏi Mai Dịch, nhường chỗ cho đồng chí khác, để về với Cụ Ông, nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Có anh em bảo, cứ bí mật rước Cụ Bà đi là xong, chẳng cần xin xỏ ai. Nhưng chị Bình bảo không được, việc này phải làm cho đàng hoàng chứ. Và bây giờ chị kêu gọi: Có ai có thẩm quyền, có động lòng cảm thông, giúp cho Cụ Bà thoát khỏi Mai Dịch để về bên Cụ Ổng!?

“Phong trào thoái Mai Dịch” có lẽ bắt đầu từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cuối đời, Cụ Giáp đã nhất quyết thoát ra khỏi Mai Dịch, tìm nơi an nghỉ cuối cùng của mình tại quê hương ở Vũng Chùa Đảo Yến, thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).

Sau đó Chủ tịch nước Trần Đại Quang, TBT Đỗ Mười cũng “goodbye” Mai Dịch, tìm về an nghỉ nơi quê nhà.

Còn các quan chức cao cấp ở phương Nam, lúc đương chức tại Hà Nội, nhưng về hưu thì không ai dại gì lại mơ tưởng đến Mai Dịch! Câu chuyện Mai Dịch cũng cho thấy chiều hướng tâm tư của hàng ngũ cao cấp trong đảng CSVN ra sao.

TÓM LAI, đã dính mắc vào đảng CSVN là rắc rối. Lúc sống phải thực hiện 19 Điều cấm đảng viên không được làm (nhưng thực ra các đồng chí cứ mần chui, đừng để lộ là ok)!

Riêng TBT Nguyễn Phú Trọng thì có thể làm trái Điều lệ Đảng, Điều cấm số 1, ngay giữa ĐH XIII, vì ĐH cho phép “trường hợp đặc biệt”!

Lúc chán Đảng, muốn thoát ra cũng không đơn giản, phải tìm nhiều cách, rồi chọn cách nào cho an toàn. Lúc chết rồi, mà tang lễ cũng phải duyệt, như Lão tướng Trần Độ, trên vòng hoa không được đề chữ “Vô cùng thương tiếc”, chỉ được đề “Kính Viếng…”!

Trường hợp đảng viên lão thành Lê Đình Kình, 56 tuổi đảng, chưa từng bị kỷ luật mà bị Đảng giết chết ghê rợn, thảm khốc biết chừng nào! Trong đám tang, công an chen đầy, cấm không ai được chụp ảnh, ghi hình; tiền phúng viếng bị giữ lại; ai đến thăm viếng bị ngăn chặn, đe dọa, bị ghi hình…

Còn trường hợp Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, hai Cụ mất rồi, mộ ở hai nơi, muốn về với nhau. Chị Bình làm đơn lên TBT Nguyễn Phú Trọng xin đây là “trường hợp đặc biệt”, chắc ông Trọng cảm thông, vì ông đã trải nghiệm thế nào là “trường hợp đặc biệt” mà trót lọt rồi.

TẦM NHÌN KINH TẾ TƯ NHÂN

VŨ THÀNH TỰ ANH/ VNEx 5-2-2021


Vũ Thành Tự AnhTiến sĩ kinh tế

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong mắt tôi thực sự là một thủ tướng “kỹ trị”, bền bỉ. Ông là người bình dị, thậm chí bình dân.

Ông thực sự "kỹ trị" và bền bỉ trong nỗ lực xây dựng nền kinh tế thị trường, phát triển khu vực kinh tế tư nhân và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Quan điểm của Thủ tướng Phan Văn Khải về phát triển kinh tế tư nhân và song song với nó là quan điểm về vai trò của kinh tế nhà nước đã dần được định hình từ thời ông còn làm Chủ tịch TP HCM.

Chính nhờ sớm nhận thức về vai trò quyết định của kinh tế tư nhân nên từ hồi phụ trách Tổ biên tập Chiến lược 1991, ông và tổ biên tập đã nhất trí ghi vào dự thảo: "Trên con đường Đổi mới, nhân vật trung tâm để chấn hưng kinh tế đất nước là các nhà kinh doanh thuộc nhiều tầm cỡ, từ người chủ kinh tế hộ gia đình gắn với thị trường đến người đầu tư và quản lý các doanh nghiệp lớn". Chính nhận thức mới mẻ này đã trở thành nền tảng của Luật Doanh nghiệp 1999 và 2005 sau này.

Cũng chính dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải, khu vực kinh tế tư nhân lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã trở thành "người đối thoại chính sách" với Chính phủ thay cho thân phận "đối tượng cải tạo" mới hơn một thập niên trước đó. Tinh thần đối thoại với doanh nghiệp do Thủ tướng Phan Văn Khải khởi xướng chỉ vài tháng sau khi ông nhậm chức.

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030 của Việt Nam đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng, trong đó nổi bật là tăng trưởng GDP đạt trung bình 7% và năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 50% cho GDP. Đạt được thành tích này đòi hỏi nền kinh tế phải có động năng khác hẳn, trong đó khu vực tư nhân đóng vai trò then chốt.

Lớn lên nhanh chóng trong ba thập kỷ qua, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam từ vị trí nhỏ nhoi bên lề hiện đã đóng góp trên 2/3 GDP và hơn 90% công ăn việc làm trong khu vực chính thức. Tuy nhiên, nhìn sâu hơn sẽ thấy gần như chỉ có sự phát triển về lượng mà thiếu về chất.

Mặc dù khối doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng gần như từ con số 0 vào đầu thập niên 1990 lên hơn 700 nghìn doanh nghiệp hôm nay, song chỉ đóng góp chưa tới 10% trong tổng GDP của Việt Nam - chưa bằng ½ của khu vực FDI và chưa bằng 1/3 của khu vực kinh tế cá thể. Hơn 98% doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô nhỏ và vừa, trong đó tỷ trọng doanh nghiệp siêu nhỏ lên tới 73%.

Không những thế, quy mô trung bình của doanh nghiệp tư nhân đã giảm đi đáng kể, từ mức 27 lao động mỗi doanh nghiệp vào giữa thập niên 2000 xuống còn chưa đến 18 lao động mỗi doanh nghiệp hiện nay. Quy mô vốn bình quân sau khi điều chỉnh lạm phát cũng nhỏ đi so với cách đây 15 năm.

Sức chống chịu của doanh nghiệp tư nhân trong nước đối với các cú sốc từ bên ngoài rất yếu, thể hiện hết sức rõ nét qua đại dịch Covid-19 vừa rồi. Và do vậy, khả năng kết nối của họ vào các chuỗi giá trị toàn cầu cũng hết sức hạn chế. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có 15% doanh nghiệp tư nhân là nhà cung ứng cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, chỉ có 8,4% có khả năng xuất khẩu sản phẩm trực tiếp ra nước ngoài, và chỉ có 7,4% có thể xuất khẩu gián tiếp thông qua việc bán hàng cho bên thứ ba.

Những rào cản đối với sự phát triển doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam là gì? Theo tôi, có bốn điều:

Thứ nhất, mặc dù quyền tài sản của doanh nghiệp và người dân đã được ghi nhận chính thức, song trên thực tế, quyền sở hữu, nhất là các tài sản gắn liền với đất, vẫn còn chưa chắc chắn. Ví dụ, quyền sử dụng đất của doanh nghiệp vẫn có thể bị Nhà nước thu hồi vì các lý do được định nghĩa rộng rãi như vì "mục tiêu phát triển kinh tế". Quy định có phần mơ hồ này cần phải được thắt chặt lại để bảo vệ chắc chắn hơn các quyền của người sử dụng đất, tránh nguy cơ nhân danh mục tiêu phát triển kinh tế để thu hồi tài sản và đất đai của doanh nghiệp và người dân một cách không thỏa đáng.

Thứ hai, các mối quan hệ "thân hữu" với giới chức và các định chế tài chính công ngày một trở nên quan trọng, thậm chí như chìa khóa dẫn tới cơ hội và thành công trong kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tư nhân. Kết quả tất yếu là nhiều doanh nghiệp phải dành một phần đáng kể thời gian và nguồn lực cho việc xây dựng "quan hệ" thay vì tập trung sáng tạo, nâng cao khả năng cạnh tranh hay tìm ra sự khác biệt của mình.

Thứ ba là sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Điều này được thể hiện dưới ba khía cạnh: bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp nước ngoài và trong nước, giữa doanh nghiệp thân hữu và các doanh nghiệp khác.

Hiện đối với đa số doanh nghiệp Việt Nam, tiếp cận đất đai và tín dụng vẫn là hai nguồn lực quan trọng bậc nhất. Sự thiên lệch hay những ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước, ngoài các độc quyền và chính sách hỗ trợ của nhà nước, cũng thể hiện trong tiếp cận nguồn lực đất đai và vốn.

Thứ tư là sự nhũng nhiễu của một bộ phận quản lý nhà nước. Báo cáo môi trường kinh doanh 2019 của Ngân hàng Thế giới xếp hạng Việt Nam thứ 70/190 nền kinh tế, tuy có sự cải thiện nhưng vẫn đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei. Nếu môi trường kinh doanh không được cải thiện đáng kể, một phần lớn thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp được tiêu tốn để đáp ứng các thủ tục quản lý còn thiếu tường minh và không nhất quán từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

Những nguyên nhân trên giải thích vì sao các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao, có sản phẩm riêng biệt, tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho xã hội chưa xuất hiện nhiều.

Để khu vực doanh nghiệp tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, chỉ giải quyết các nút thắt trong nội bộ khu vực này là chưa đủ. Trái lại, cần có một tầm nhìn tổng thể cho toàn bộ khu vực doanh nghiệp quốc gia.

Trong bối cảnh chưa thể thu nhỏ một cách quyết liệt khu vực doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty, tôi mong chính phủ cương quyết cải cách hệ thống quản trị của các doanh nghiệp này, đưa chúng vào môi trường cạnh tranh, và chấm dứt cứu trợ cho những doanh nghiệp hay dự án thua lỗ kéo dài.

Đối với khu vực FDI, bên cạnh việc thu hút có chọn lọc, hướng vào các ưu tiên của nền kinh tế, việc tìm cách cho doanh nghiệp nội địa kết nối vào mạng lưới cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu phải trở thành ưu tiên quan trọng của chính phủ giai đoạn tới.

Cũng như bất kỳ nơi nào trên thế giới, khi mà sự tác động của các nhóm lợi ích khác nhau trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách là điều không thể tránh khỏi, việc tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau là giải pháp khả thi hơn cả. Tâm lý mong mỏi các doanh nghiệp tự động "vứt bỏ" các mối lợi của mình là không thực tế. Do vậy, chính phủ cần tập trung vào việc tạo ra các thể chế để mọi doanh nghiệp có thể cạnh tranh với nhau một cách minh bạch, bình đẳng trong cả các hoạt động kinh doanh cũng như tạo ảnh hưởng hay vận động chính sách.

Khi các "rào cản" gia nhập bị gỡ bỏ, các doanh nghiệp phải tự cạnh tranh để có được thị trường và nguồn lực. Lúc này, họ sẽ tự chế tài lẫn nhau và nhu cầu có những luật chơi công bằng dần được hình thành.

Không những thế, khi ấy, dù phải cạnh tranh lẫn nhau, doanh nghiệp có thể cùng ngồi lại để đề xuất hoặc "giúp" chính phủ thiết kế những luật chơi công bằng hơn, làm cho chiếc bánh lớn lên vì lợi ích quốc gia chứ không chỉ chăm chăm chiếm được phần nhiều.

Vũ Thành Tự Anh

BÀN VỀ CÁC KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2021-2030
NGUYỄN MẠI/ NĐT 8-2-2021
Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 là một trong những vấn đề được các nhà chính trị, chuyên gia kinh tế quan tâm bởi vì có quan hệ đến thời gian thực hiện các mục tiêu về thu nhập quốc dân gắn với phát triển bền vững.
anh bai bac mai

Ảnh: Internet

Bài này dựa trên tiền đề phát triển kinh tế xanh, kinh tế bao trùm, chuyển đổi sang kinh tế số đã được coi là định hướng phát triển đất nước trong trung hạn và dài hạn,để bàn về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Lý thuyết mới về tăng trưởng kinh tế Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao giải Nobel Kinh tế 2018 cho hai nhà kinh tế học người Mỹ là William Nordhaus (Đại học Yale) và Paul Romer (Đại học New York). Ông William Nordhaus được vinh danh vì “tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào phân tích kinh tế vĩ mô dài hạn”. Ông Paul Romer được vinh danh vì “tích hợp các sáng kiến công nghệ vào phân tích kinh tế vĩ mô dài hạn”.

Tờ The Guardian cho biết, ông William Nordhaus được vinh danh nhờ công trình nghiên cứu về những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, còn ông Paul Romer đã nghiên cứu về các nhà kinh tế học có thể đạt được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế lành mạnh như thế nào. Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhận xét: “William Nordhaus và Paul Romer đã tạo ra các phương pháp để giải quyết một số câu hỏi cơ bản và cấp bách nhất trong thời đại của chúng ta về cách tạo ra sự tăng trưởng kinh tế bền vững và bền vững lâu dài”.

Công trình nghiên cứu của nhà kinh tế học Paul Romer đặt nền tảng cho cái gọi là học thuyết tăng trưởng nội sinh. Học thuyết này tạo điều kiện cho các nghiên cứu mới về quy tắc và chính sách khuyến khích các ý tưởng mới và thịnh vượng lâu dài. Lý thuyết tăng trưởng nội sinh của ông gắn liền với sự phát triển của những ý tưởng mới với số lượng người làm việc trong lĩnh vực tri thức (coi đây là nỗ lực dành cho R&D).

Những ý tưởng mới này làm cho những người khác sản xuất hàng hóa và dịch vụ thường xuyên có năng suất cao hơn, làm tăng năng suất lao động tổng hợp (TFP). Có nhiều biến thể của lý thuyết tăng trưởng nội sinh, nhưng một dự đoán mạnh mẽ là sự gia tăng dân số hoặc tăng tỷ lệ người làm việc trong lĩnh vực tri thức sẽ làm tăng trưởng kinh tế. Lý thuyết này:

1) Dự đoán tăng trưởng kinh tế cao hơn cho dân số lớn hơn, khác với lý thuyết tân cổ điển và lý thuyết kinh tế bi quan về dân số của Thomas Malthus. Ông cho rằng, chính sách một con của Trung Quốc là sai lầm không chỉ vì lý do xã hội, mà còn vì lý do kinh tế. Theo lý thuyết tăng trưởng nội sinh, Trung Quốc và phần còn lại của thế giới có thể có tăng trưởng mạnh hơn vì Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều ý tưởng mới với dân số thậm chí còn nhiều hơn.

2) Bởi vì các ý tưởng là thứ mà các nhà kinh tế gọi là “không có đối thủ” (có nghĩa là việc tôi sử dụng một ý tưởng, như một công thức hoặc một công thức toán học, không ngăn cản bạn sử dụng nó), sẽ là động lực kinh tế cho nhiều người làm việc trong lĩnh vực tri thức nếu có quyền sở hữu trí tuệ như bằng sáng chế và bản quyền. Vì vậy, cần hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực tri thức để kích thích tăng trưởng, mặc dù điều này dẫn đến những biến dạng và chênh lệch khác trong nền kinh tế.

Thực tiễn Việt Nam

Trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới biến động khó lường trước, thị trường toàn cầu liên tục đảo chiều, biến đổi khí hậu gây thiệt hại lớn về vật chất cho đất nước nên khó dự báo chính xác sự thay đổi trong ngắn hạn, càng khó hơn đối với trung hạn và dài hạn; do vậy cần nghiên cứu theo hướng có nhiều kịch bản tăng trưởng, từ đó gắn với hệ thống giải pháp về thể chế, thực thi thể chế để chủ động thích ứng với biến động tình hình thế giới và trong nước.

Vấn đề đặt ra cần trao đổi là liệu kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng với tốc độ cao hơn bình quân hàng năm của giai đoạn 2011- 2020 không (?). Vào đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, nước ta đã tiệm cận 100 triệu người, đại bộ phận dân số đều đã phổ cập giáo dục phổ thông, tỷ lệ người lao động được đào tạo nghề nghiệp ngày càng gia tăng, năng lực đổi mới sáng tạo gắn với tỷ lệ người dân sử dụng máy tính, smartphone, mạng internet khá cao, do đó cần nghiên cứu lý thuyết tăng trưởng nội sinh của Paul Romer để làm căn cứ khi hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm và 10 năm sắp đến.

Trên cơ sở lý thuyết tăng trưởng nội sinh, cần theo hai hướng tiếp cận bổ sung cho nhau: Thứ nhất là khảo sát quan hệ giữa đầu tư với tăng trưởng kinh tế, bao gồm đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: ICOR của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 là 6,3; 2016 - 2019 là 6,1, tức là đã giảm đi 0,2; năm 2020 do dịch Covid-19 và thiên tai nên tốc độ tăng GDP giảm xuống dưới 3%, ICOR trên 10,0.

Hệ số ICOR của Việt Nam khá cao, hiệu quả đầu tư rất thấp so với nhiều nền kinh tế trong khu vực, có nguyên nhân khách quan do đang trong giai đoạn tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ở vùng sâu, vùng xa và cho xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; nhưng nguyên nhân chủ yếu do sử dụng vốn đầu tư nhất là đầu tư công còn lãng phí, tham nhũng, nhiều công trình tăng vốn, kéo dài thời gian hoàn thành, chậm đưa vào sử dụng.

Tuy ICOR không tính cho từng khu vực kinh tế, nhưng quan sát thực tế cũng có thể khẳng định rằng, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài có hiệu quả hơn nhiều đầu tư công do được quản lý khoa học, giám sát thường xuyên, kịp thời ứng phó sự cố và tình huống. Trong 30 năm từ 1991 đến 2020, ICOR của nước ta đã có nhiều năm đạt 3,0- 4,0, mặc dù khoảng 15 năm đầu chủ yếu là đầu tư công bao gồm của nhà nước và của doanh nghiệp nhà nước, đầu tư nước ngoài chiếm 23- 25%, đầu tư tư nhân chiếm dưới 30%.

Từ đó có thể khẳng định rằng, theo lý thuyết tăng trưởng nội sinh thì ICOR giai đoạn 2021- 2030 có thể giảm xuống từ 4,0 đến 4,5 (gấp 1,5 lần của Hàn Quốc, Nhật Bản trong thời kỳ công nghiệp hóa) là hiện thực, cần được coi là mục tiêu quan trọng của việc sử dụng vốn đầu tư xã hội; nếu được như vậy, với tỷ lệ vốn đầu tư xã hội/GDP 32-35% thì tăng trưởng GDP đạt 7,5% đến 8,0%/năm. Thứ hai khảo sát quan hệ giữa tiêu dùng với tăng trưởng kinh tế, bao gồm chi tiêu nhà nước, chủ yếu là tiêu dùng của dân cư.

Với tốc độ tăng trưởng tương đối cao, thu nhập của dân cư tăng ổn định, hình thành tầng lớp trung lưu khá đông, tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục, các dân tộc sinh sống tại vùng sâu, vùng xa được tiếp cận mô hình kinh tế tạo ra thu nhập cao, nên tốc độ tăng tiêu dùng sẽ nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Các ngân hàng thương mại nước ta đang gia tăng tín dụng tiêu dùng, bởi vì cho vay tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 11,4% tổng dư nợ của nền kinh tế, trong khi tại nhiều quốc gia con số này là 40%; dư địa để phát triển tín dụng tiêu dùng ở nước ta vẫn còn khoảng 1,5-2 triệu tỷ đồng và còn tăng theo mức tăng của tổng tín dụng của nền kinh tế.

Cho vay tiêu dùng ở Việt Nam rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài; nhiều tập đoàn tài chính hùng mạnh đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản như Shinhan Card, LotteCard, Hyundai Card, Shinsei Bank…đang tìm cách sở hữu công ty tài chính tiêu dùng của Việt Nam.

Trên đây là hai yếu tố chủ yếu có quan hệ đến tăng trưởng kinh tế của nước ta trong trung hạn và dài hạn, cần nghiên cứu và phân tích thực tiễn để tìm ra nguyên nhân và có cách tiếp cận đúng với gia iđoạn mới.

Các nhân tố mới

Từ năm 2021 có ba nhân tố mới tác động đến tố ctăng trưởng kinh tế: các FTA thế hệ mới, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ.

3.1) FTAs thế hệ mới

Ngày 1/8/2020, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực sau khi đã được Quốc hội của hai bên phê chuẩn. Hiệp định được kỳ vọng thúc đẩy thương mại hai chiều, sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Theo các chuyên gia kinh tế, EVFTA được thông qua đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU đầy tiềm năng với hơn 500 triệu dân, GDP khoảng 18.000 tỷ USD. Theo tính toán, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với thời điểm chưa có Hiệp định.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố có liên quan đến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, thay đổi chính sách của các nước, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Kết quả tính toán chỉ ra rằng EVFTA góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2020- 2023) và trên 4% các năm sau đó.

Theo báo cáo “Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương: Trường hợp Việt Nam” do Ngân hàng thế giới (World Bank) thực hiện, CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.

Báo cáo này cho thấy, tính đến năm 2030, theo các giả định thận trọng, GDP của Việt Nam ước tính sẽ tăng thêm 1,1% sau khi hiệp định CPTPP được ký kết, so với mức tăng 3,6% của TPP-12; nếu giả định mức tăng năng suất vừa phải, tăng trưởng GDP ước tính lên tới 3,5% so với 6,6% của TPP-12.

Theo những thông tin mới nhất, Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Joe Biden có thể khôi phục sự tham gia của Mỹ vào CPTPP (TPP-12), bởi vì Mỹ là nước khởi xướng TPP, do vậy quan hệ thương mại và đầu tư của Mỹ với Việt Nam thuận lợi hơn, tác động đến tăng trưởng kinh tế cũng lớn hơn.

3.2) Kinh tế số

Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng nhanh nhất ở Châu Á- Thái Bình Dương (APAC), đề ra các mục tiêu đầy tham vọng cho nền kinh tế số, đóng góp 30% GDP vào năm 2030. Hiện nay nước ta số người sở hữu điện thoại cầm tay trung bình 1,7 máy/người, trong đó 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh, 70% thuê bao di động mạng 3G, 4G, 68% người Việt xem video và nghe nhạc trên thiết bị di động, số người truy cập các trang thương mại điện tử chiếm 72%, mua hàng trực tuyến online qua điện thoại chiếm 53% dân số.

Từ năm 2011 đến nay, thương mại điện tử đã có tốc độ tăng trưởng trung bình 25% -30%/năm; năm 2019, doanh thu bán lẻ thương mại điện tử đạt khoảng 10,4 tỷ USD, chiếm 4,92% thị phần bán lẻ (221 tỷ USD), dự tính đạt 50 tỷ USD vào năm 2025, chiếm khoảng 12% doanh thu bán lẻ.

Trong thời gian gần đây đã có một số tập đoàn kinh tế lớn như Viettel, Mobifone, Vingroup, FPT đầu tư xây dựng các Trung tâm nghiên cứu & Phát triển (R&D) quy mô lớn; sự hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp đã có bước tiến đáng mừng, số công trình nghiên cứu, bài báo khoa học của nước ta được công bố trên các tạp chí quốc tế tăng lên nhanh chóng.

Nguồn nhân lực chất lượng cao đã được chú trọng đào tạo, từ đầu những năm 70 thế kỷ trước, một số trường đại học tại Hà Nội đã dạy môn học trí tuệ nhân tạo (AI) cho sinh viên, các nhóm nghiên cứu AI đã được duy trì tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Bách khoa, Cộng đồng nghiên cứu về Xử lý tiếng nói và Ngôn ngữ tiếng Việt (VLSP).

Theo GS.TSKH Hồ Tú Bảo thì “Tính số người Việt làm về AI ở trong và ngoài Việt Nam, cả về số lượng và chất lượng, dường như không có sự khác biệt lớn giữa Việt Nam với Nhật Bản và Hàn Quốc” (Xem sách: “Việt Nam thời đại kinh tế số”, tr. 151).

Google (Mỹ) và Temasek (Singapore) đánh giá kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD năm 2025. Tổ chức Data 61 (Australia) nhận định nếu chuyển đổi số thành công thì GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm tới.

Kinh tế số không những làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng thêm, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, năng lực cạnh tranh của quốc gia và của doanh nghiệp.

3.3) Kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ

Trong những năm gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ nếu được nhân rộng tại nhiều địa phương, nhiều ngành, lĩnh vực thì trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam đã có một số mô hình kinh tế tuần hoàn được thực hiện, đem lại hiệu quả nhất định như mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ, mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm) tạo ra Chitosan và SSE.

Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình đã vận dụng sáng tạo các nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn để tổ chức thực hiện khá thành công trong các khu liên hợp, tự thu gom phế liệu, phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc. Tổ chức chăn nuôi tập trung và chăn nuôi liên kết, sản xuất đệm sinh học làm nền chuồng trại để xử lý phế thải trong chăn nuôi; xử lý triệt để tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong cả quá trình tổ chức sản xuất và kinh doanh, góp phần quan trọng cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Với quy mô chăn nuôi tập trung 5.000 con trâu, bò trong mỗi khu trại, hàng năm mỗi khu trang trại, khu liên hợp sản xuất đã sử dụng khoảng 30 nghìn tấn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi để sản xuất khoảng 25 nghìn tấn phân bón hữu cơ vi sinh.

Công ty đã có nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp trong quá trình tiếp cận và giải quyết các vấn đề thường phát sinh trong khâu tổ chức thực hiện, đặc biệt là bài toán chia sẻ lợi ích cho các thành phần và đối tượng liên quan được quan tâm đến mức tốt nhất có thể, do đó họ dễ nhận diện được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong quá trình tham gia chuỗi giátrị sản phẩm.

Nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng thành công mô hình nông nghiệp hữu cơ, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, được người tiêu dùng đón nhận như rau hữu cơ Thanh Xuân, thịt lợn hữu cơ Bảo Châu (huyện Sóc Sơn - Hà Nội), cam Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang).

Cách đây 3 năm, Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam thông qua Công ty nông sản hữu cơ Quảng Trị đã bắt tay cùng ngành nông nghiệp địa phương đề xuất phương thức trồng lúa hữu cơ chất lượng cao. Nhà đầu tư hỗ trợ giống, phân bón, cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm, mua ngang giá thị trường, bồi hoàn cho nông dân nếu mất mùa, một số HTX ở Quảng Trị đã làm theo. Đến vụ mùa thứ 5 (đông xuân2018-2019), Quảng trị có gần 109 ha lúa hữu cơ, thu được khoảng 3.000 tấn lúa, giá trị sản lượng gần 24 tỉ đồng, lãi 13 tỷ đồng. Tuy vậy, hiện nay diện tích đất sản xuất hữu cơ của nước ta mới chiếm 0,7% tổng diện tích đất canh tác, trong khi bình quân thế giới là 4,1%. Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ với quy mô trang trại hàng ngàn ha, công nghệ hiện đại, canh tác theo phương thức tiên tiến, tạo ra sản phẩm hàng hóa cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ không những làm thay đổi tư duy và hành động của con người về một nền sản xuất ít rác thải, không gây ô nhiễm môi trường, không thải khí nhà kính, mà còn góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững.

Ba kịch bản tăng trưởng

Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đề ra tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2021- 2025 đạt khoảng 6,5- 7,0%/năm.

Tại kỳ họp cuối năm 2020, Quốc hội đã biểu quyết thông qua chỉ tiêu tăng GDP năm 2021 là 6%. Lịch sử tăng trưởng kinh tế đất nước đã ghi nhận giai đoạn kéo dài 8 năm 1991- 1998 GDP tăng 8,5%/năm; từ 1991 đến 2013 có 12 năm tốc độ tăng GDP (theo giá so sánh) đạt trên 7%, trong đó có 2 năm đạt trên 9% (1995: 9,54% và 1996: 9,34% ) và 9 năm đạt trên 8%.

Một số chuyên gia kinh tế Việt Nam dự báo năm 2021 sẽ là năm khôi phục tốc độ tăng trưởng tương đương năm 2019, từ 2022 đến 2025 tăng dần tốc độ tăng trưởng để đạt mức cao hơn.

Chúng tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta trong giai đoạn 2021- 2025 phụ thuộc vào tình hình thế giới, nhất là ứng phó dịch Covid 19, cùng với thực hiện gián cách xã hội, một số nước bắt đầu tiêm vắc xin phòng dịch và tình hình trong nước chủ yếu là khắc phục khiếm khuyết trong đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là đầu tư công, giảm dần hệ số ICOR xuống mức hợp lý; tận dụng tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng; đồng thời khai thác ba nhân tố mới là các FTA thế hệ mới, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ.

Trên cơ sở lý thuyết tăng trưởng nội sinh của Paul Romer vận dụng vào thực tiễn ba thập niên Việt Nam phát triển theo kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, chúng tôi kiến nghị ba kịch bản tăng trưởng GDP giai đoạn 2021- 2025:

Kịch bản thấp như Báo cáo Chính trị (dự thảo) tại Đại hội XIII: 6,5- 7,0%/năm.

Kịch bản trung bình dựa trên khắc phục một phần khiếm khuyết về đầu tư và tiêu dùng, tận dụng chưa thật sự hiệu quả của các nhân tố mới: 7,5- 8,0%/năm.

Kịch bản cao do nâng cao hiệu quả đầu tư và tiêu dùng, tận dụng tốt các nhân tố mới: 8,5- 9%/năm. Khi trình bày các kịch bản tăng trưởng, chúng tôi đã tham khảo dự báo của năm tổ chức quốc tế: Ngân hàng UOB: tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 2,8% năm 2020 và 7,1% năm 2021. Ngân hàng Standard Chartered: Việt Nam sẽ đạt được tăng trưởng 2,7% năm 2020 và 7,8% năm 2021. Fitch Solutions: kinh tế Việt Nam có thể bật tăng đạt 8%, giữ vững vị thế quốc gia tăng trưởng nhanhnhất trong khu vực ASEAN. Ngân hàng HSBC: tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 đạt 2,6%, năm 2021 đạt 8,1%. Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Rating: tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 đạt 1,9% và năm 2021 đạt 11,2%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong trung hạn và dài hạn cao hay thấp tùy thuộc vào công cuộc cải cách đồng bộ, liên tục thể chế, bộ máy và con người theo hướng Chính phủ điện tử, Chính phủ số để khơi dậy và nhanh chóng thực hiện khát vọng thịnh vượng của dân tộc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét