Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2021

20210206. NHỮNG CÂU HỎI CẦN GIẢI ĐÁP

 ĐIỂM BÁO MẠNG

ANH ĐAM ĐANG Ở ĐÂU ?
ĐÀO TUẤN/ TD 2-2-2021

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng (trái) và Phó TT Vũ Đức Đam. Ảnh trên mạng

Đêm: Anh ở tâm dịch Chí Linh (Hải Dương) động viên những người ở tiền phương. “Chúng ta đã cùng nhau cam kết trong 10 ngày cơ bản khống chế, dập được ổ dịch ở Chí Linh, đến hôm nay, chúng ta còn 6 ngày nữa, các đồng chí phải tiếp tục tinh thần đó”.

Từ Chí Linh, anh tiếp tục qua Đông Triều, Quảng Ninh, cũng trong đêm.

Sáng hôm sau, anh ở tổ truy vết dịch. Ở đó, vị tướng chống dịch làm một clip kêu gọi người dân ở vùng có dịch sử dụng tối đa các công cụ truyền thông xã hội để cung cấp thông tin cho Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19. Một cái clip quay bằng điện thoại.

Đến trưa ngày 1.2 anh Đam làm việc với CDC Hà Nội, vẫn kiên định: “Còn 5 ngày nữa, các đồng chí phải tiếp tục từng giờ, từng phút”.

Buổi chiều, Phó Thủ tướng tặng sách cho các cháu học sinh đang trường tiểu học Xuân Phương- những đứa trẻ còn rất nhỏ- nhỏ đến thơ dại- đang phải cách ly.

Thống kê của Phạm Mỹ bạn tôi, về 24h của Phó Thủ tướng. Mỹ nói đúng: vị tướng ấy đang lăn xả ở những điểm nóng nhất của miền Bắc.

Có lẽ lâu lắm rồi người dân mới lại chứng kiến một viên tướng tiền phương như tướng Đồng Sĩ Nguyên, từng “ngồi lì” trong một căn hầm sơ sài bên túi bom phà Giang để tận mắt khảo sát quy luật đánh bom B52, một Đặng Tính cùng lính của mình lấp hố bom- quần dài quàng cổ. Hay gần nhất, tướng Nguyễn Văn Man cưỡi cano vượt lũ cứu dân giữa đêm.

Anh Đam, như những vị tướng súng dài- bằng vào sự có mặt của mình đang truyền cảm hứng cho tuyến đầu chống dịch, cho người dân. Đang nỗ lực bằng mọi cách để chúng mình có một cái Tết, một cuộc sống bình thường mới.

Vậy mà vừa xong, một bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ vừa phát biểu: Nói Chính phủ công bố rằng sẽ kiểm soát dịch bệnh trong vòng 10 ngày là không đúng. Chính phủ không công bố thông tin này mà là Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch và đó là phát ngôn của cá nhân người công bố. Ai công bố điều đó thì phải chịu trách nhiệm.

Bọn trẻ trâu hay nói câu đ3o gì, đại khái không sợ kẻ địch mạnh thì phải.

TẠI SAO ÔNG DŨNG ĐỤNG ÔNG ĐAM ?

TRÂN VĂN/ Blog VOA/TD 3-2-2021

Ông Mai Tiến Dũng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, chức vụ tương đương Bộ trưởng nên còn được gọi là Bộ trưởng – vừa “chỉnh nặng” thượng cấp của mình: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

***

Hôm 2 tháng 2, tại buổi họp báo định kỳ của tháng 1, trả lời thắc mắc của báo giới về khả năng Việt Nam có thể dập được đợt dịch COVID-19 vừa bùng phát trong vòng mười ngày, ông Dũng – trong vai trò Phát ngôn viên Chính phủ, chủ trì cuộc họp báo, nói thế này: Chính phủ không công bố thông tin mười ngày dập được dịch. Đây là ý kiến cá nhân thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19. Ai công bố thì trách nhiệm của người đó, không phải danh nghĩa chính phủ (1)!

Thành viên nào của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 đã tuyên bố sẽ dập được đợt dịch COVID-19 mới bùng phát trong mười ngày khiến ông Dũng hậm hực, nặng lời, tách… “y” ra khỏi chính phủ để cột trách nhiệm vào… “y”?

Người duy nhất trong Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 đề cập đến việc dập được đợt dịch COVID-19 mới bùng phát trong mười ngày là ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế, cấp trên của ông Dũng.

Tuy nhiên ông Đam không tuyên bố sẽ… dập được đợt dịch COVID-19 mới bùng phát trong mười ngày. Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam về đợt dịch COVID-19 mới bùng phát, ông Đam thay mặt chính phủ nhận địch: Virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh hơn và do vậy, ông đề nghị: Chúng ta phải có những biện pháp nhanh hơn virus này, nhanh hơn trước đây và quyết tâm phấn đấu mười ngày sẽ dập tắt dịch (2).

Bởi sự khác biệt về tính chất giữa… đề nghị “phấn đấu mười ngày sẽ dập tắt dịch” với… tuyên bố “dập tắt dịch trong mười ngày” rất lớn, nên báo giới mới hỏi lại ông Dũng cho tỏ tường tại cuộc họp báo mà ông chủ trì. Thay vì giải thích để tránh ngộ nhận, có thể ảnh hưởng đến uy tín của cả ông Đam lẫn chính phủ, ông Dũng làm ngược lại: Cố tình biến ngộ nhận thành sai lầm của ông Đam!

***

Không rõ quan hệ giữa ông Dũng và ông Đam thế nào nhưng việc một thành viên trong nội các dùng báo giới để công khai chỉ trích, hạ thấp uy tín của một trong những cá nhân lãnh đạo chính phủ cho thấy, tôn ti trật tự trong công vụ là thứ không hề tồn tại trong nội các Việt Nam, thành ra ông Dũng mới thản nhiên hành xử như vậy. Vì sao lại thế?…

Cứ xem xét các qui định hiện hành và đối chiếu với thực tế sẽ thấy, Thủ tướng hay các Phó Thủ tướng trong chính phủ Việt Nam không có… quyền đụng đến… ông Dũng – thuộc cấp của họ! Tuy chỉ giữ vai trò Chánh Văn phòng của chính phủ, song ông Dũng lại là Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN suốt hai nhiệm kỳ (11 và 12), thành ra lãnh đạo chính phủ không có… quyền đụng đến ông Dũng nếu… BCH TƯ đảng, Ban Bí thư, Bộ Chính trị chưa… nhất trí xử lý kỷ luật ông Dũng!

Đạo đức” và “văn minh” của đảng CSVN đã tạo ra… nề nếp kỳ quái đó trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Cộng hòa XHCN Việt Nam! Nề nếp ấy cho phép các thành viên trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam hành xử không giống ai, đồng thời cũng là một trong những yếu tố khiến đảng CSVN hãnh diện, liên tục khẳng định tổ chức chính trị này chính là chuẩn mực của… “đạo đức” và “văn minh”!

Có thể do quá tuổi, không được giới thiệu tái ứng cử vào BCH TƯ nhiệm kỳ 13, lại không đủ thế lực để được công nhận là… trường hợp ngoại lệ, rất… đặc biệt như ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc, sắp phải về vườn, chẳng còn gì để mất nên ông Dũng nói cho… hả dạ! Đảng không dùng ông thì ông sẽ ngưng, không… xài đảng nữa! Đâu phải tự nhiên mà đảng phải cảnh báo, tình trạng đảng viên đồng loạt bỏ sinh hoạt sau khi nghỉ hưu, lẳng lặng… thoát ly khỏi đảng đang là vấn nạn nghiêm trọng (3)!

Xét cho đến cùng, ông Đam – dù được nhiều người, nhiều giới dành cho nhiều thiện cảm vì “tả xung, hữu đột” chống dịch suốt năm vừa qua – cũng chỉ là một… Ủy viên BCH TƯ đảng như… ông Dũng. Chưa kể, so với ông Dũng, dường như ông Đam yếu thế hơn vì dường như ông chẳng thuộc về phe nào. Ông Dũng có chỉ trích ông Đam nặng hơn thì cũng chẳng thành… điều! So với lẽ chung, “đạo đức” và… “văn minh” của đảng dẫu quái gở song vì bất bình mà chỉ trích coi chừng không còn đất dung thân!

Chú thích

(1) https://www.baogiaothong.vn/bo-truong-mai-tien-dung-chinh-phu-khong-cong-bo-10-ngay-dap-duoc-dich-d494678.html

(2) https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-quyet-tam-dap-dich-covid-19-trong-10-ngay-633270/

(3) https://vov.vn/chinh-tri/canh-bao-tinh-trang-dang-vien-nghi-huu-thoi-viec-la-nghi-luon-sinh-hoat-dang-813559.vov

LÀ ĐỒNG CHÍ SAO LẠI ĐỐI XỬ VỚI NHAU NHƯ THẾ ?

AN VIÊN/ BVN 5-2-2021


“Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Chiều tối ngày 31.01.2021 khi đi thị sát công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Chí Linh, Hải Dương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tuyên bố: “Chúng ta đã cùng nhau cam kết trong 10 ngày cơ bản khống chế, dập được ổ dịch ở Chí Linh, đến hôm nay còn 6 ngày nữa, mọi người phải tiếp tục tinh thần đó”.

Ông Đam được biết đã đưa ra kỳ vọng “6 ngày nữa sẽ khoanh được ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh, giữ đúng cam kết dập dịch trong 10 ngày”.

Công tác chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã từng được ca ngợi là hình mẫu của cả thế giới, khiến Việt Nam trở thành một ngôi sao sáng về kinh tế khi toàn cầu kể cả các cường quốc phải lao đao vì dịch bệnh.

Công lao đó nói cho công bằng là công rất lớn của ông Vũ Đức Đam, người đứng đầu Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch. Người ta hẳn còn nhớ hình ảnh một Vũ Đức Đam cô đơn trong sảnh ở Ba Đình, nơi hơn 1.500 đang nhóm họp mật hội Diên Hồng để “bầu dàn lãnh đạo mới”.

Hôm 2.2.2021, trong cuộc họp báo thường kỳ với báo giới khi được hỏi về nhận định sau 10 ngày nước ta có thể dập được dịch, người đứng đầu Văn phòng Chính phủ ông Mai Tiến Dũng trả lời: “Chính phủ không công bố thông tin 10 ngày dập được dịch, đây là ý kiến cá nhân thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19. Ai công bố thì trách nhiệm của người đó, không phải danh nghĩa Chính phủ”.

Câu nói của ông Mai Tiến Dũng có những điều làm cho người dân thật hoang mang quá sức! Hoá ra theo ý ông Chánh Văn phòng thì Phó Thủ tướng không phải là người đại diện cho Chính phủ nên câu nói của Phó Thủ tướng không được xem là “danh nghĩa của Chính phủ”? Hay là nội tình có gì hục hặc đến độ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược?

Ý kiến của một người đứng đầu Ban chỉ đạo chống dịch được xem là ý kiến cá nhân. Trong lúc Chính phủ đang kêu gọi chống dịch như chống giặc thì lệnh của tướng cầm quân ra trận được coi là ý kiến cá nhân thì quân nào chịu nghe theo lời tướng?

Theo lời của ông Mai Tiến Dũng tôi lại suy đoán chẳng lẽ việc dập ổ dịch Chí Linh trong 10 ngày là bất khả thi khi mà có cả học sinh tiểu học, trẻ mầm non và trẻ sơ sinh lây nhiễm Covid biến thể Anh? Và như thế thì nguy cơ dịch bệnh lan tràn cả nước là điều không thể tránh khỏi?

Nếu không phải vậy thì ý ông Chánh Văn phòng muốn thể hiện điều gì? Ông muốn phê bình hay nhắc nhở ông Vũ Đức Đam? Phê bình hay nhắc nhở gì ở đây cũng không đúng nữa. Người mình có câu đóng cửa dậy nhau. Trong khi ông Chánh Văn phòng là thuộc cấp mà lại cao giọng phê bình cấp trên trước báo giới thì quả là không phải một tẹo nào.

Trên mạng người ta đang cười ông Mai Tiến Dũng vì vụ đòi “đàn hặc” cấp trên của mình này trong khi lúc này hơn bao giờ hết là lúc cần đoàn kết, tập trung nguồn lực để đối phó với dịch bệnh.

Ngô Nguyệt Hữu, Facebooker có trên 110.000 người theo dõi viết “khi mà một vị tướng đang xông pha ngoài trận mạc, thì mong các bậc đại thần ở triều ca khoan tính chuyện đàn hặc. Bởi, ai ở dưới hàng hiên lại trách người đương dầm mưa hộ đê bao giờ”.

Ông Chánh Văn phòng cũng rất khôn khi đẩy hết trách nhiệm cho cấp trên, vì lỡ chẳng may không dập được ổ dịch Chí Linh trong vòng 10 ngày thì ông Phó Thủ tướng vịt què, từng lao đao cả năm chống dịch cho Chính phủ được thơm lây sẽ là người lại phải chịu búa rìu của dư luận.

Mạng xã hội còn cay độc hơn khi cho rằng ông Chánh Văn phòng muốn tranh công đổ tội hay thậm chí là ghen ăn tức ở.

Ông Mai Tiến Dũng từng có câu nói đáng ghi bia miệng về vụ việc Đồng Tâm năm 2017. Khi ấy ông tuyên bố: “Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Nay trước khi về làm người tử tế, ông lại làm dậy sóng mạng xã hội lần 2 khi đâm sau lưng cấp trên của mình.

Là đồng chí sao lại đối xử với nhau như thế?

A.V.

VNTB gửi BVN.

VŨ ĐỨC ĐAM: THỬ TIẾP CẬN CHÍNH TRỊ HỌC VỀ CÁC SỰ VIỆC LIÊN QUAN

KIM VĂN CHÍNH*/ TD 3-2-2021


Hình ảnh Phó TT Vũ Đức Đam được chia sẻ rất nhiều trên Facebook mấy ngày qua.

1. Vũ Đức Đam là người quê tôi nên tôi quan tâm viết status này về các sự việc liên quan đến ông. Quả thật, ông là một hiện tượng, một ngôi sao, một trường hợp hiếm hoi và độc đáo trên chính trường Việt Nam.

Ông là con một nông dân chính hiệu, được vào Đảng cũng khá muộn (29 tuổi), không phe cánh, không được bảo trợ bởi bất cứ thế lực chính trị nào, nhưng cứ lầm lũi tiến thân rất thành công trên con đường hoan lộ. Rõ ràng là năng lực của ông, đạo đức của ông đã quyết định thành công của ông trong rất nhiều cương vị công tác.

2. Ở nhiệm kỳ 12, ông vẫn là một “ngôi sao đang lên”. Với chức vụ Phó Thủ tướng, ông vẫn tả xung hữu đột, được điều động xông pha vào những nơi khó khăn nhất, đặc biệt là đảm nhận chức vụ Phụ trách Bộ Y tế khi khuyết chức danh Bộ trưởng, rồi Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid. Ông là người khiêm nhường, cẩn trọng, không khoa trương. Nhưng công bằng mà xét, đất nước ta qua hơn 1 năm chống chọi với dịch bệnh Covid, thành tựu đạt được trong chống Covid quá mỹ mãn.

Thế giới họ không những ngạc nhiên về kết quả của Việt Nam mà còn khâm khục mô hình chống Covid của Việt Nam: Chi phí thấp, thiết bị không tiên tiến nhưng kết quả trên cả tuyệt vời. Chống covid đúng là không thể nói khoác loác được. Nếu như ghi nhận công trạng của đất nước, nhân dân về chống Covid thì vai trò, công lao của ông Đam không thể phủ nhận.

3. Trước thềm Đại hội 13, ông vẫn là ngôi sao sáng giá trong nền chính trị Việt Nam. Một người có học thật (Học Đại học kinh tế – kỹ thuật ở Bỉ, học nghiên cứu sinh bảo vệ TS ở Việt Nam), thông thạo Anh, Pháp, người trải nghiệm các chức vụ nhà nước và đảng không những nhiều nhất mà còn thành công nhất, ít điều tiếng nhất, lời khen nhiều nhất, từ vụ trưởng đến phó chủ tịch, chủ tịch tỉnh, từ chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đến Bí thư tỉnh ở Quảng Ninh, rồi 5 năm Phó Thủ tướng… Ở chức vụ nào ông cũng tỏ ra sự mẫn cán, trung thành, hết mình vì công vụ, được tín nhiệm cao, nhiều lần được bầu với số phiếu tuyệt đối.

Ông là cán bộ kỹ trị điển hình, nhưng cũng là một cán bộ đảng tuyệt vời trong thời đại hiện nay (qua thời kỳ làm Bí thư tỉnh Quảng Ninh tôi biết).

Nếu đất nước ta cần một thủ tướng chính phủ, thì ông phải là ứng cử viên số 1, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay (Ông học viễn thông ở Bỉ và rất hiểu biết về lĩnh vực này). Theo thông lệ, người lên làm Thủ tướng thì khóa trước phải làm Phó Thủ tướng. Chính ông là ứng viên không những sáng giá mà còn độc đáo nữa – do chỉ có 2 Phó Thủ tướng khóa 12 tiếp tục sự nghiệp khóa này là ông và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.

Nếu nước ta có một nền chính trị dân có quyền thật sự về bầu cử, tôi dám chắc 100% rằng, dân sẽ bầu ra các đại biểu của dân và các đại biểu này sẽ chọn ông Đam làm Thủ tướng, nếu Thủ tướng tiền nhiệm hết tuổi về hưu hay chuyển làm công tác khác.

Khổ nỗi, trong thể chế chính trị nước ta, ông phải qua cửa ải quá khó khăn: phải được đảng quy hoạch và bầu vào Bộ Chính trị, được bầu vào “danh sách ứng cử tứ trụ”. Chính tại cửa ải này ông gặp nạn.

Ông là cán bộ Nhà nước, không trực tiếp làm công tác đảng, nên nhiều vấn đề zic zắc (có người gọi là xảo thuật), nên ông khó tránh khỏi những tơ vương, những rối rắm làm ngáng bước tiến của ông trong ma trận rùng rợn của quy trình cán bộ chạy suốt một năm nay. Làm sao ông chống được nó khi suốt ngày ông lăn lộn chống Covid mà người ta suốt năm chỉ tâm tâm vào bẫy này bẫy nọ, quy trình này quy trình nọ, tiêu chuẩn này tiêu chuẩn kia…

Thật buồn khi cửa vào Bộ Chính trị ông đã trượt. Trong khi so với các ông ủy viên mới như Trần Tuấn Anh, Đinh Tiến Dũng, Nguyễn Xuân Thắng, và một số nữa thử hỏi các đại biểu đại hội đảng: Ông Đam thua gì họ về các tiêu chuẩn kiến thức, kỹ năng (năng lực), đạo đức, uy tín, thành tích, kinh nghiệm…?

Đảng đã bỏ sót ông, không bầu ông (lại bầu những người kém ông rõ rành rành) là sai lầm nghiêm trọng.

4. Lỗi của ông có lẽ là do ông không mắc những điều mà nhiều lãnh đạo khác họ có.

Ông liêm khiết, trong sạch thì người không trong sạch sao muốn làm việc cùng ông (nước trong không có cá).

Ông không bè phái, cánh hẩu thì làm sao bọn bè phái, lợi ích nhóm chịu được.

Ông có học cao, lại thông minh thì làm sao người học không cao họ chịu để ông làm lãnh đạo cao hơn họ.

Ông có uy tín quá cao (kể cả trong dân và trong đảng nghĩa rộng) thì làm sao bọn mua phiếu, mẹo thuật để uy tín họ cho ông làm tiếp được.

KẾT LUẬN

Nhiều “mưu hèn, kế bẩn” đã được tung ra để hại Vũ Đức Đam, nhưng ông vẫn lừng lững trong chính trường Việt Nam, dù chỉ là tư cách Ủy viên Trung ương, Phó Thủ tướng phụ trách văn xã.

Dấu hỏi lớn khi ĐH 13 bầu ra chỉ có 18 UV Bộ Chính trị?

Tôi thử dự đoán như sau: Theo điều lệ, bầu vòng 1, số người đạt phiếu là 18 người. Nếu đúng theo điều lệ đảng, số lượng ủy viên các cấp ủy phải là số lẻ, thì đúng lý ra Đại hội hoặc là quyết định chỉ lấy 17 cụ cao phiếu nhất, hoặc là bầu bổ sung 1 cụ nữa cho thành 19 người.

Tại sao không rút xuống 17 hoặc bầu lên 19 là dấu hỏi lớn của Đại hội 13. Rất có thể Vũ Đức Đam nằm ở danh mục số 19 đó nên những người có quyền điều hành cắt luôn quy trình bầu bổ sung, lấy cớ dịch covid cần kết thức sớm.

Trớ trêu là hình như hôm bầu, Vũ Đức Đam phải tả xung hữu đột ở Hải Dương, Quảng Ninh để dập dịch, bảo vệ an toàn cho Đại hội Đảng. Nói một câu hơi hớ (dập dịch 10 ngày) mà ông Dũng, Văn phòng Chính phủ, hôm qua còn láo khoét bôi nhọ…

Có thể nếu bầu tiếp người thứ 19 tại Đại hội, ông Đam là người không có cạnh tranh.

Còn cứ để đó, sau bổ sung ở Hội nghị ban chấp hành Trung ương thì tình huống nó khác rồi… Lúc đó, đơn giản là còn đâu chức Thủ tướng để phân công nữa…

Hãy chờ xem…

_____

(*) Tác giả Kim Văn Chính là PGS-TS Học viện Chính trị quốc gia HCM.

VÀI SUY NGẪM VỀ CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT ĐẶC BIỆT TỐI 2/2/2021

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 3-2-2021

I. Không biết Hội diễn nghệ thuật chào mừng thành công Đại hội Đảng có từ bao giờ? Nhưng chắc chắn tại Đại hội II (1951, trong kháng chiến), và tại Đại hội III (1960, khi đã hoà bình) đều không có.

Trong thực tiễn, vấn đề nên hay không nên tổ chức lễ hội chào mừng có thể nói là 50/50, hãy chưa bàn đến. Vấn đề cần bàn là, khi đã tổ chức, thì quy mô và phương thức tổ chức sẽ như thế nào?

Ở phương diện này, Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng thành công của Đại hội XIII diễn ra trên sân vận động Mỹ Đình tối ngày 02/2/2021 đã để lại những điều phải suy ngẫm.

1. Một là, chương trình diễn ra trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19 chủng loại mới rất nguy hiểm về tốc độ lây lan, mà lại tập trung nhiều ngàn người, trong đó có rất nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nếu lỡ xẩy ra lây lan Covid-19 thì hậu quả sẽ rất tai hai.

Dẫu biết rằng, chương trình đã được chuẩn bị rất công phu từ trước với hơn 1800 nghệ sỹ, lại luyện tập dày công nhiều ngày, nếu bỏ đi thì thật tiếc.

Dẫu biết rằng Ban tổ chức đã cẩn thận kiểm tra test Covid-19 cho tất cả những người tham gia chương trình.

Nhưng đặt lên bàn cân lợi hại thì sẽ rõ. Chuẩn bị công phu lớn như Olympic Tokyo mà cũng phải hoãn, nói chi đến một đêm biểu diễn.

2. Hai là, chương trình vô cùng tốn kém.

Tổ chức biểu điễn cho 1800 nghệ sỹ thì tốn kém nhiều về tài chính. Các đoàn không chỉ ở Hà Nội mà đến từ các tỉnh và cả từ TP.HCM. Chưa nói đến công sức luyện tập nhiều ngày và nhiều lần diễn thử.

Lại thêm phải tổ chức kiểm tra test Covid-19 cho mấy ngàn người tham dự, là một sự tốn kém đáng kể. Trong hoàn cảnh phải căng sức chống bùng phát covid chủng loại mới thì thấy thật khó biện hộ.

Tổng cộng tất cả lại, tính cho đầy đủ tất cả mọi thứ, thì đêm nghệ thuật 100 phút của hơn 1800 nghệ sỹ tối ngày 02/2/2021, để chào mừng thành công của Đại hội XIII, đã tiêu phí bao nhiêu tỷ đồng? cả của nghệ sĩ, cả của người đến dự?

3. Có cách nào tổ chức lễ chào mừng thành công Đại hội XIII đủ trang trọng, mà ít tốn kém hơn không?

Đảng luôn đề cao tiết kiệm. Chỉ thị 44/CT-TTg của Thủ tướng về không sử dụng ngân sách vào bắn pháo hoa trong dịp Tết là rất phù hợp và kịp thời. Nhưng chi phí lớn cho Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng thành công của Đại hội XIII diễn ra tối ngày 02/2/2021 thì thật khó thuyết phục.

Đại hội Đảng thành công như thế nào thì đã rõ. Mức độ thành công của Đại hội XIII phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi cá nhân. Việc tổ chức “hoành tráng” lễ chào mừng thành công – không có nghĩa là mức độ thành công của Đại hội Đảng tỷ lệ thuận với sự “hoành tráng” của lễ chào mừng.

II. Dẫu sao thì Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng thành công của Đại hội XIII cũng đã diễn ra tối 02/2/2021 rồi. Trao đổi những điều suy ngẫm trên là để những người có trách nhiệm tham khảo mà có những quyết định phù hợp cho những sự kiện tương tự trong tương lai.

Để cho những ai còn hoài nghi, xin đưa 3 câu hỏi sau đây.

1. Nếu không phải là ngân sách Nhà nước thì có đơn vị tư nhân nào đứng ra tổ chức lễ chào mừng thành công Đại hội XIII như chương trình tối 02/2/2021 không?

2. Nếu tổ chức lễ chào mừng thành công Đại hội XIII với phương thức kinh doanh bán vé thu tiền, lời ăn lỗ chịu, thì có đơn vị nào dám đứng ra tổ chức không?

3. Nếu bạn là người có quyền quyết định tối cao về tổ chức lễ chào mừng về mọi mặt, bao gôm cả kinh phí, thì bạn có tổ chức như đêm 02/02/2021 hay không?

Trong hai chục năm gần đây, nước ta đã chi quá nhiều tiền, một cách quá lãng phí, cho các cổng chào, các tượng đài, các lễ hội. Chi một cách xa hoa. Xa hoa là thứ người cộng sản dị ứng. Xa hoa đối nghịch với tính cách giản dị cần kiệm của giai cấp công nhân – đội ngũ tiên phong của Đảng.

Hái củi 3 năm đốt 1 giờ. Không sắm xe mới, không chạy theo đồ đắt tiền là điều rất quý. Nhưng quý hơn nữa là cắt bỏ được mọi hoạt động mang tính hình thức dẫn đến tiêu tiền lãng phí. Học tập Bác Hồ – xin đừng sao nhãng sự khiêm tốn, giản dị, thực chất, và hiệu quả. Đó là nghĩ đến Dân.

ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG CÓ PHẠM TỘI 'KHÔNG TỐ GIÁC TỘI PHẠM' KHI CHO NGƯỜI HỐI LỘ  RA VỀ?

DIỄM THI/ RFA 3-2-2021

Sáng 1 tháng 2 năm 2021, tại cuộc họp báo thông tin về kết quả Đại hội 13, Tổng bí thư ĐCSVN, ông Nguyễn Phú Trọng kể với báo chí rằng: “Có người hối lộ xách vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương biếu xén, lấp liếm. Tôi nói với cán bộ kiểm tra anh mở vali ra để xem là cái gì, mở ra thì thấy tiền, đô la. Tôi bảo giờ anh khóa lại, lập biên bản, anh ký vào đây, rồi anh xách vali về”. Theo ông Trọng, việc đấu tranh tham nhũng khó khăn, phức tạp, nếu không có bản lĩnh, dũng khí, tình cảm chân chính thì không làm được.

Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng bày tỏ quan điểm của mình với báo chí trong nước rằng, nhiệm vụ của những người đứng đầu là phải chọn được những cán bộ tử tế, còn nếu người đứng đầu là kẻ tham nhũng thì lại chọn quân cũng như thế. Kẻ đem cả vali đôla đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương biếu xén vô liêm sỉ đến trắng trợn. 

Đối với câu chuyện mà ông Trọng kể như vừa nêu, có người cho là ông Trọng kể ra để lấy điểm chứ sự thật không thể có chuyện đó. Có người khẳng định chuyện này có thể xảy ra, vì nó đã từng xảy ra. Vì sao lại có chuyện một người dám mang cả vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương - cơ quan tham mưu tối cao của Đảng về vấn đề kiểm tra và kỷ luật trong Đảng - để hối lộ, trước mặt ông Tổng bí thư?

Nhà báo Võ Văn Tạo nêu quan điểm của mình:

“Mặc dù nó có vẻ trắng trợn là đem đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, nhưng nó là thực tế chứ ông Trọng không dám bịa ra chuyện ấy đâu. Bởi vì chắc chắn chuyện này nhiều người khác làm trong ủy ban cũng biết chứ không chỉ ông Trọng. Nếu ổng bịa ra sẽ mất uy tín với thuộc hạ của ổng. Trước đây ông Lê Khả Phiêu cũng từng kể câu chuyện tương tự.

Là người từng làm công tác xét xử trong vai trò bồi thẩm đoàn khoảng chục năm, tôi thấy với sự việc như thế này mà ông Trọng và những người trong Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ yêu cầu người mang va li tiền đến để hối lộ ký vào biên bản chứ không thông báo để khởi tố, bắt giam. Như vậy là có dấu hiệu vi phạm tội ‘không tố giác tội phạm.’”

Tháng 5 năm 2005, trong lần trả lời phỏng vấn truyền thông Nhà nước về tệ tham nhũng, hối lộ, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng kể câu chuyện tương tự. Ông cho biết, lúc ông còn làm thường trực Bộ Chính trị thì ông nhận thấy chuyện đưa hối lộ là tự nhiên, chuyện nhận là bình thường. Riêng ông, đã có lúc người ta đưa hối lộ bằng cách để bó hoa có năm nghìn, mười nghìn đô la trên bàn rồi ra về.

Tuy vậy, ông chỉ gọi lên cảnh cáo, nhắc nhở bảo đem tiền về mà không làm lớn chuyện vì ông muốn giáo dục từ bên trong.

Ít nhất đã 15 năm trôi qua kể từ câu chuyện của ông Lê Khả Phiêu, nạn tham nhũng, hối lộ tại Việt Nam ngày càng trắng trợn hơn, mà không nói ra thì không ai biết, như câu chuyện ông Nguyễn Phú Trọng vừa kể.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nói về tính pháp lý trong câu chuyện này:

“Tôi hy vọng đây chỉ là câu chuyện làm quà, tức là nói cho vui. Chứ nếu đây là câu chuyện thật thì có khá nhiều vấn đề phải được đặt ra.

Thứ nhất, nếu va li đó có số tiền là tiền đô có giá trị lớn thì chắc chắn người có hành vi hối lộ đó có thể chịu hình phạt tới mức tử hình chứ không phải chuyện đùa. Đó rõ ràng là hành vi hối lộ và số tiền đó là tang vật của một vụ án. Tang vật đó phải được giữ lại và khi xét xử vụ án đó thì chắc chắn số tiền này phải bị tịch thu sung công quỹ. Không có chuyện trả lại cho người ta xách về.

Thứ hai, nếu thật sự có cách xử lý lúc đó là lập biên bản rồi cho người ta cầm va li tiền về, thì những người biết việc này mà không tố giác hành vi này thì những người đó đều phải chịu tội. Đó là tội hình sự ‘không tố giác tội phạm’”.

Tiếp theo sẽ là gì?

Sau khi câu chuyện có người đem vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương hối lộ được chính ông Tổng Bí Thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng kể ra, người ta cho rằng ít nhất ông Trọng đã vi phạm pháp luật khi không tố giác tội phạm với bằng chứng hiển nhiên.

Theo pháp luật Việt Nam, không tố giác tội phạm được hiểu là hành vi không báo cho cơ quan có thẩm quyền về một trong các tội phạm mà mình biết rõ là đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện. Người phạm tội ‘không tố giác tội phạm’ sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, được quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét rằng, ông Trọng đem câu chuyện này ra kể với mục đích để khoe thành tích ‘trong sạch’ của mình, nhưng vô hình chung lại tự vạch ra chuyện mình không thực hiện luật pháp nghiêm minh. Ông Nguyễn Quang A nói tiếp:

“Ông Trọng đã nói ra cho toàn dân biết thì dân phải hỏi ông Trọng cái kẻ mang tiền đến hối lộ đó là ai và sẽ bị xử như thế nào. Tức là bây giờ cơ quan công an và tòa án hay viện kiểm sát phải hỏi ông Trọng là tên mang một vali tiền đến hối lộ cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đó, là ai và phải khởi tố ngay kẻ hối lộ đó. Đồng thời trừng trị những kẻ đã bao che hoặc ỉm đi chuyện này từ bấy đến giờ. Chắc kẻ hối lộ là quan chức cao quá của Đảng Cộng sản nên ông Trọng không nói ra…”

Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, là người chứng kiến việc này thì ít nhất ông Trọng phải là nhân chứng của sự việc. Luật sư Mạnh đặt câu hỏi, sau khi sự việc xảy ra như vậy thì cơ quan chức năng có xử lý hay không? Ông Trọng và những người chứng kiến có tố giác hành vi đó với cơ quan pháp luật hay không?

Trong một xã hội pháp quyền, không một cá nhân, tổ chức nào được phép đứng trên pháp luật. Pháp luật mỗi quốc gia cũng không thể đi ngược với thông lệ quốc tế. Tuy vậy, ở Việt Nam, sự độc lập của ba nhánh quyền lực, gồm: lập pháp, hành pháp và tư pháp chỉ mang tính hình thức nên đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp và không minh bạch.

BIỂN ĐÔNG Ở ĐÂU TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA ĐẠI HỘI XIII ?

BÌNH MINH/ BVN 2-2-2021

Biển Đông tại Đại hội 13

Một Đại hội được đồn đoán tiêu tốn hàng nghìn tỷ tiền thuế của nhân dân, quy tụ đến cả vạn người, qua 3 vòng kiểm tra Covid khắt khe, nội bất xuất ngoại bất nhập, nhưng những ý kiến về Biển Đông dường như quá hiếm hoi.

Trong diễn văn khai mạc ông Tổng bí thư đề cập đến Biển Đông đúng một lần trong một câu duy nhất: “Tại Đông Nam Á, môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn diễn biến phức tạp”.

Tham luận của ông Tô Lâm, lãnh đạo của lực lượng được xem là thanh bảo kiếm của Đảng, người vẫn tiếp tục nằm trong sách của 200 người được bầu vào ban chấp hành Trung ương nhắc đến “nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông”. Trong đó ông Tô Lâm, người lẫy lừng ở Đức vì thành tích bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã đề cập đến “thách thức trong xử lý quan hệ với các nước lớn và giữ vững uy tín của Đảng, chế độ trước nhân dân ngày càng gia tăng”. Nhưng nước lớn là nước lớn nào thì Tô Lâm không được đề cập đến.

Trong tham luận của Đảng bộ Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Giang có đề cập đến 2 lần từ Biển Đông khi nói đến thành quả của tình huống không bị động và thách thức mới.

Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao nêu trong tham luận rằng Việt Nam “đã phát huy được ngọn cờ chính nghĩa, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, phản đối các hành động xâm phạm đơn phương, thúc đẩy xu thế giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời duy trì được ổn định quan hệ với các nước láng giềng liên quan” khi nói về Biển Đông.

Báo nước ngoài đã mỉa mai rằng, trong khi lãnh đạo chóp bu Việt Nam đang nhóm họp ở Ba đình để bầu lãnh đạo mới thì Trung Quốc đang cho quân tập trận 3 ngày ở Vịnh Bắc Bộ từ ngày 27.01.2021.

Luật Hải cảnh Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam

Ngày 22.1.2021 Sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc biểu quyết thông qua Luật Hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài, Tập Cận Bình đã ký lệnh ban hành dự luật này.

Luật cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc nổ súng vào các tàu nước ngoài, một động thái có thể khiến Biển Đông đang tranh chấp và các vùng biển lân cận trở nên phức tạp hơn.

Luật Hải cảnh được thông qua hôm 22.01 trao quyền cho hải cảnh “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán bị các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài xâm phạm trái phép trên biển”.

Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01.02.2021.

Các chuyên gia về Biển Đông đã nhận định luật hải cảnh mới này của Trung Quốc sẽ có nguy cơ gây ra xung đột vũ trang ở Biển Đông.

Những người phải chịu nhiều rủi ro mất mát nếu nguy cơ xung đột vũ trang xảy ra trên Biển Đông chính là ngư dân Việt Nam không được trang bị tàu thuyền hay vũ khí hiện đại như lực lượng hải cảnh Trung Quốc.

Trên báo Tuổi Trẻ, Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi cho biết luật này rất nguy hiểm cho ngư dân Việt Nam hiện đã và đang đánh bắt trên ngư trường này cả trăm năm nay.

Tàu của ngư dân Việt Nam liên tục bị xua đuổi ở Hoàng Sa, nhiều tàu cá đã bị họ đâm chìm, gây thiệt hại về người và của cho ngư dân.

Nay với luật này theo ông Hùng đây là một “hành động khiến cho khu vực Biển Đông nói chung, và đặc biệt là Hoàng Sa nói riêng, càng thêm căng thẳng. Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân Việt Nam hành nghề hợp pháp ở vùng biển mà Việt Nam và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền”.

Ông Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi cho biết từ lúc hay tin, không chỉ nghiệp đoàn mà bản thân ngư dân đánh bắt ở Biển Đông rất lo lắng.

Chỉ vài ngày sau đó, ngày 25.1.2021, một “tàu lạ” đã đâm chìm một tàu cá của ngư dân Nghệ An, khiến 8 người rơi xuống biển, một người tử vong.

Hôm 27.01.2021, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đã phản đối Luật Hải cảnh và gọi đó “lời đe doạ chiến tranh đối với bất kỳ quốc gia nào”.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. cho biết Hoa Kỳ cam kết bảo vệ Philippines theo hiệp ước phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Philippines đồng thời sát cánh với các quốc gia Đông Nam Á trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng.

Mãi cho đến ngày 29.01.2021, Việt Nam mới rón rén có ý kiến trả lời chất vấn của báo chí về luật hải cảnh của Trung Quốc.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng vẫn nêu lên các luận điểm mà Việt Nam trước giờ vẫn sử dụng khi trả lời các câu hỏi liên quan đến Biển Đông và Trung Quốc như Công ước quốc tế về Luật biển 1982, chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý về chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, và rồi kêu gọi các bên liên quan “gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông”.

Tuyệt nhiên không có một ý kiến cứng rắn nào về Luật Hải cảnh của Trung Quốc, nguy cơ xung đột vũ trang hay thậm chí là sự sinh tử của chính ngư dân Việt Nam bắt đầu từ ngày 01.02 tới đây.

Với việc ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử và Tập Cận Bình rất nhanh chóng gửi lời chúc mừng Tân Tổng bí thư cùng với ông Phạm Minh Chính trở thành Thủ tướng, thì Việt Nam sẽ quay về lối cũ, phần hợp tác nhiều hơn so với phần đấu tranh trong quan hệ với Trung Quốc.

Ngư dân cứ tiếp tục yên tâm chống giặc bằng cờ!

B.M.

VNTB gửi BVN

THẤY GÌ TỪ CƠ CẤU NHÂN SỰ ĐẢNG KHÓA 13 ?

TRẦN C/ TD 2-2-2021

Đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam có thể xem là cuộc bầu bán kỳ khôi nhất. Khi 1.587 đại biểu đại diện cho 5,2 triệu đảng viên đã buộc một ông già 77 tuổi, sức khỏe kém rồi, đã tha thiết xin thôi, phải làm công việc mà theo ông là nguy hiểm, nặng nề và khó khăn.

Việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ 3 đã bôi đen điều 17 của điều lệ đảng, quy định rằng: “Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp“.

Sự cố vị trái lệ này, phải chăng Trọng lão phạm pháp. Thiên hạ đồn rằng, chuyện ông Trọng tiếp tục làm thêm nhiệm kỳ thứ ba đã phạm vào điềm rủi trong Đảng là: Những ai từng giữ chức lãnh đạo tối cao qua 3 nhiệm kỳ liên tiếp trước đây, đều chết vì bệnh khi đang đương chức và đều hưởng dương 79 tuổi, như cố chủ tịch Hồ Chí Minh hay cố tổng bí thư Lê Duẩn.

Việc không tìm ra người kế nhiệm chức Tổng Bí thư, cho thấy sự mất phương hướng và chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ. Điều này là kết quả tất yếu của quá trình đổi mới tư duy quản lý kinh tế suốt mấy chục năm qua nhưng về chính trị thì càng ngày càng thủ cựu. Tầng lớp kỹ trị gia tăng trong hàng ngũ lãnh đạo đã khiến cho nhóm giáo điều cảm thấy bất an.

Riêng trong khóa này, nhóm các ủy viên trung ương (UVTƯ) có bằng cấp liên quan đến kinh tế, quản lý và kỹ thuật chiếm đến 49% với 89 UVTƯ. Thế nên, cũng dễ hiểu khi các nhân vật bảo thủ do ông Trong đề cử đã sớm về vườn “làm người tử tế”.

Trong khi tham nhũng diễn ra phổ biến thì việc “đốt lò” chẳng qua là công cụ thanh trừng bè phái. Hiện nay, khi nhiều đồng chí của “đồng chí X” đã vào tù, thì dĩ nhiên các “Củi đảng” phải nâng cao cảnh giác với “Quỉ lửa”.

Sự nổi lên của các nhóm quyền lực địa phương trong cơ cấu nhân sự hậu đại hội sẽ là mầm móng cho trận thư hùng đoạt vị tiếp theo, trong đó nhóm nhóm Nghệ Tĩnh đứng đầu các nhóm địa phương với 24 UVTƯ chiếm 13%, năm ủy viên bộ chính trị (UVBCT) chiếm 28%. Nhóm miền Bắc tính từ Thanh Hóa trở ra, đứng đầu các nhóm vùng miền với 91, UVTƯ chiếm 51% và chín UVBCT, chiếm 50%.

Đối với miền Nam, nơi chiếm đến 36.84% dân số, 54.4% GRDP (Tổng sản phẩm quốc nội khu vực), 45.15% tổng thu ngân sách cả nước, đóng góp 61% tổng ngân sách điều tiết từ các địa phương về trung ương năm 2018. Tuy nhiên, theo cơ cấu nhân sự, miền Nam chỉ có 36 UVTƯ chiếm 20%, và năm UVBCT chiếm 28%, chỉ tương đương với Nghệ Tĩnh.

Dẫu có mở rộng cơ cấu nhân sự miền Nam đến vĩ tuyến 17 đi nữa, thì cũng chỉ có: 62 UVTƯ, chiếm 34% và tám UVBCT, chiếm 44%. Xem ra nguyên tắc “công bằng không bằng công nông” vẫn là kim chỉ nam trong công tác nhân sự.

Thiển nghĩ, những bất thường trong cơ cấu nhân sự khóa này cũng là điều bình thường trong thời mạt của một triều đại. Tính đến nay, đảng cộng sản Việt Nam đương nhiệm kỳ thứ 13, và khi kết thúc nhiệm kỳ này vào năm 2026 đảng sẽ có 81 năm độc tài lãnh đạo nhà nước.

Thật trùng hợp khi những con số trên cũng ứng với những con số trong sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Từ Đinh đổi đời chí lục thất gian”, hay “Cửu cửu càn khôn dĩ định”.

Hy vọng trong tầng lớp chóp bu của đảng sẽ còn người có lương tâm, mau chóng loại bỏ sai lầm rõ mười của chủ nghĩa cộng sản, thực thi tự do, dân chủ và pháp quyền. Đó là một viễn cảnh khả dĩ để giới cầm quyền thôi bước thụt lùi trên con đường tiến hóa của nhân loại, thoát khỏi ách nô lệ của Tàu Cộng với ít đau thương mất mát nhất cho nhân dân.

_______

Tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/thoi-su/dai-hoi-xiii/danh-sach-200-uy-vien-ban-chap-hanh-tu-khoa-xiii-1336481.html

[2] https://thanhnien.vn/thoi-su/dai-hoi-xiii/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-toi-cung-xin-nghi-roi-nhung-dai-hoi-bau-thi-van-phai-lam-1337011.html.

[3] https://susta.vn/bai-viet-Xep-hng-phat-trien-kinh-te-cua-cac-vung-cac-tinh-1723.html

[4] Nghị quyết số: 50/2017/QH ngày 14/11/2017 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét