Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

20210223. QUANH VẤN ĐỀ MÔ HÌNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ

ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐỂ VIỆT NAM HÓA RỒNG

NGUYỄN SĨ DŨNG/ VNex 19-2-2021


Nguyễn Sĩ DũngNguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Tôi vinh dự được làm chuyên gia tư vấn cho hai đời Thủ tướng, Thủ tướng Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng. Được làm tư vấn cho Thủ tướng là được tham gia bàn thảo về những cải cách thể chế quan trọng nhất để thúc đẩy kinh tế.

Nhìn lại những cố gắng cải cách, trong một thời gian dài, dẫn dắt chúng ta là hệ chuẩn tư duy của phương Tây. Muốn kinh tế phát triển thì phải vận hành đầy đủ cơ chế thị trường; thị trường là cơ chế phân bổ nguồn lực hiệu quả nhất; muốn thị trường vận hành hiệu quả thì phải cắt bỏ các rào cản, phải thúc đẩy cạnh tranh... là một vài khuôn khổ tư duy như vậy.

Là người được đào tạo cơ bản, lại là có tinh thần đổi mới, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thúc đẩy nhiều cải cách để xác lập và vận hành cơ chế thị trường. Và kinh tế nước ta nhờ đó cũng đã có bước phát triển rất ngoạn mục.

Tuy nhiên, câu hỏi là tại sao sau hơn 30 năm Đổi mới, chúng ta vẫn chưa phát triển được như Hàn Quốc hay Singapore? Tại sao đa số các nước tiếp nhận mô hình thể chế thị trường từ phương Tây vẫn chỉ là những nước có thu nhập trung bình?

Tìm cách trả lời cho những câu hỏi nêu trên, trong Thông điệp 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lần đầu tiên đề cập đến khái niệm "chính phủ kiến tạo phát triển" và coi đó là phương châm hành động cho những cải cách thể chế về kinh tế tiếp theo.

Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII vừa qua vẫn khẳng định "cải cách thể chế là một trong những đột phá quan trọng". Vậy thì, phải chăng cải cách thể chế theo mô hình chính phủ kiến tạo phát triển vẫn là vấn đề rất cần được quan tâm nghiên cứu?

"Chính phủ kiến tạo phát triển" hay thuật ngữ phổ biến hơn là "nhà nước kiến tạo phát triển" là mô hình thể chế kinh tế của các nước Đông Bắc Á. Đây là mô hình nằm giữa mô hình nhà nước điều chỉnh của phương Tây - theo chủ thuyết thị trường tự do - và mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung - theo mô hình xã hội chủ nghĩa truyền thống.

Tại sao mô hình này lại phù hợp hơn cho Việt Nam? Câu trả lời là: mô hình thể chế này phù hợp với nền tảng văn hóa của Việt Nam hơn.

Xin kể ra đây một vài ví dụ về sự gắn kết giữa văn hóa và thể chế.

Các nước Mỹ, Australia, Canada, New Zealand đều đã từng là thuộc địa của Anh và đều đã rất thành công khi áp dụng thể chế nhà nước điều chỉnh của Anh. Tuy nhiên, những gì đúng cho các nước nói trên, thì có vẻ lại không hoàn toàn đúng cho Ấn độ, Pakistan và nhiều nước Á-Phi, cũng từng là thuộc địa của Anh.

Tại sao lại có sự bất nhất như vậy? Câu trả lời nằm ở nền tảng văn hóa của các nước. Các nước Mỹ, Australia... có nền tảng văn hóa tương đồng với Anh. Người Anh đã không chỉ xuất khẩu thể chế, mà còn xuất khẩu văn hóa tới những nước này. Trong lúc đó, họ đã không thể xuất khẩu văn hóa của mình sang Ấn Độ, Pakistan và nhiều nước cựu thuộc địa khác.

Tương tự, cũng là điều chúng ta có thể nói về mô hình nhà nước phúc lợi. Các nhà nước phúc lợi Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, là mô hình thể chế có thể được coi là thịnh vượng và tốt đẹp nhất đang tồn tại trên thế giới. Ở các nước này, người dân sinh ra đã được nhà nước chăm lo về mọi mặt. Cuộc sống của họ hết sức an toàn, đầy đủ và hạnh phúc. Thế nhưng tại sao một mô hình thể chế tốt đẹp như thế lại không thể nhân rộng ra được ngoài vùng Bắc Âu? Lý do là vì thiếu nền tảng văn hóa của Bắc Âu không thể vận hành được mô hình thể chế nói trên.

"Biết đủ" là nét văn hóa rất đặc biệt của người dân Bắc Âu. Họ sẵn sàng đóng thuế cho nhà nước đến 70-75% thu nhập của mình mà không hề tâm tư, suy bì. Bất cứ ở một nơi nào khác, mức thuế như trên sẽ triệt tiêu động lực làm việc, còn ở các nước Bắc Âu thì không.

Vậy thì nền tảng văn hóa Việt Nam phù hợp với mô hình thể chế nào?

Về mặt vị trí địa lý, Việt Nam thuộc về nhóm các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, về mặt văn hóa, chúng ta lại thuộc về nhóm các chủ thể Đông Bắc Á như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore.

Mô hình thể chế được hầu hết các nước Đông Bắc Á lựa chọn là "nhà nước kiến tạo phát triển". Khái niệm này được Chalmers Johnson đưa ra từ thế kỷ trước, khi ông nghiên cứu về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản.

Đặc trưng của mô hình này gồm: bộ máy hành chính gọn nhẹ, nhưng tinh hoa và hiệu quả; bộ máy hành chính được trao quyền đầy đủ để đưa ra những sáng kiến và vận hành hiệu quả; nhà nước thông qua các thiết chế tài chính và các hướng dẫn hành chính để can thiệp vào thị trường; có Bộ thương mại quốc tế và công nghiệp như một thiết chế mạnh điều phối chính sách phát triển công nghiệp.

Thật ra, kể từ Đại hội VI của Đảng, chúng ta đã từ bỏ mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung và đi dần theo mô hình "nhà nước kiến tạo phát triển". Đảng và Nhà nước đã đề ra đường lối công nghiệp hóa đất nước, đã công nhận cơ chế thị trường, nhưng vẫn coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước.

Như vậy, tất cả các phần cấu thành quan trọng của "nhà nước kiến tạo phát triển" đều đã được khẳng định trong đường lối phát triển của Việt Nam. Có lẽ, chính vì thế, kinh tế nước ta đã có sự phát triển khá ngoạn mục trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, vấn đề là tại sao đất nước ta vẫn chưa trở thành "hổ", thành "rồng" như các nước Đông Bắc Á?

Nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản nhất là chúng ta đã không chú trọng thúc đẩy công nghiệp hóa thông qua các doanh nghiệp tư nhân như ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Một nguyên nhân cơ bản khác nữa, chúng ta cũng đã không có được một bộ máy hành chính, công vụ chuyên nghiệp và tài giỏi để hiện thực hóa chương trình công nghiệp hóa.

Công bằng mà nói, một khuôn khổ khái niệm sáng rõ và mạch lạc về "nhà nước kiến tạo phát triển" chưa hình thành ở nước ta. Sự lựa chọn của chúng ta khi tiến hành Đổi mới chủ yếu là theo đòi hỏi khách quan của tình hình hơn là trên một nền tảng lý thuyết vững chắc.

Điều đáng băn khoăn là những cố gắng của chúng ta thời gian gần đây lại có vẻ đang thiếu dứt khoát trong việc lựa chọn mô hình "kiến tạo phát triển". Giáo sư kinh tế học thể chế người Hàn Quốc, Ha Joon Chang, trong hội thảo tại Hà Nội về "nhà nước kiến tạo phát triển" đã cảnh báo: "nhà nước không thúc đẩy công nghiệp hóa thì không thể có chuyện ‘hóa hổ’, ‘hóa rồng’".

Nguyễn Sĩ Dũng

PHẢI CHĂNG ÔNG NGUYỄN SĨ DŨNG NÉ TRÁNH ?

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 21-2-2021

Báo VnExpress ngày 19/2 có bài Để Việt Nam hóa rồng, của tác giả Nguyễn Sĩ Dũng. Ông viết nhiều điều nghe rất hay, nhưng chỉ lướt qua điều quan trọng nhất, cốt lõi nhất. Đó là thể chế chính trị. Phải chăng ông né tránh?

Ông Dũng cho rằng, mô hình các nước Bắc Âu rất hay nhưng Việt Nam và nhiều nước khác không theo được vì cái gốc văn hóa không phù hợp. Việt Nam tuy ở Đông Nam Á, nhưng về văn hóa lại tương đồng với Đông Bắc Á, vì vậy sẽ là hợp lý khi chọn đi theo các nước phát triển như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan với thể chế nhà nước (hoặc chính phủ) kiến tạo phát triển. Đặc trưng của mô hình này gồm bộ máy hành chính gọn nhẹ, nhưng tinh hoa và hiệu quả; bộ máy hành chính được trao quyền đầy đủ để đưa ra những sáng kiến và vận hành hiệu quả; nhà nước thông qua các thiết chế tài chính và các hướng dẫn hành chính để can thiệp vào thị trường.

Nhà nước kiến tạo và phát triển đã được lãnh đạo VN nói nhiều, rất nhiều, nhưng chưa làm được. Vì sao vậy?

Ông Dũng cho rằng: “Nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản nhất là chúng ta đã không chú trọng thúc đẩy công nghiệp hóa thông qua các doanh nghiệp tư nhân như ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Một nguyên nhân cơ bản khác nữa, chúng ta cũng đã không có được một bộ máy hành chính, công vụ chuyên nghiệp và tài giỏi để hiện thực hóa chương trình công nghiệp hóa”.

Kết thúc bài, ông Dũng viết: “Nhà nước không thúc đẩy công nghiệp hóa thì không thể có chuyện ‘hóa hổ’, ‘hóa rồng’.” (nhắc lại ý của GS Ha Joon Chang, người Hàn quốc).

Nguyên nhân của một sự cố có chính, phụ, gần, xa. Quan trọng là nguyên nhân gốc, cơ bản và phải chỉ ra được ai, tổ chức nào chịu trách nhiệm. Khi tìm ra một nguyên nhân N hãy đặt câu hỏi: Ai, cái gì làm phát sinh ra N? Nếu thấy còn cần đặt và trả lời được câu hỏi đó thì N chưa phải là nguyên nhân cơ bản cần tìm (để khắc phục sự cố).

Ông Dũng cho rằng: “Chúng ta đã không chú trọng thúc đẩy công nghiệp hóa thông qua các doanh nghiệp tư nhân … chúng ta cũng đã không có được một bộ máy hành chính, công vụ chuyên nghiệp và tài giỏi”. Đây đúng là nguyên nhân, nhưng chưa phải là nguyên nhân cơ bản vì vẫn cần và có thể đặt câu hỏi: Ai, cái gì tạo ra chúng nó?

Tại sao chúng ta không có được một bộ máy hành chính, công vụ chuyên nghiệp và tài giỏi. Tại Trời Đất sinh ra thế, tại dân tộc này không sinh ra được người tài giỏi hay tại sự độc đoán, chuyên quyền, toàn trị, tạo nên một bộ máy cồng kềnh, dẫm đạp lên nhau gồm đảng, chính quyền, mặt trận với đường lối dân chủ giả hiệu?

Tại sao không không chú trọng thúc đẩy công nghiệp hóa thông qua các doanh nghiệp tư nhân? Phải chăng tại vì cái đuôi “định hướng XHCN” với hình thức là sự chủ đạo của kinh tế quốc doanh nhưng thực chất là lợi ích nhóm?

Rồi lại hỏi tiếp: Ai, cái gì tạo ra sự chuyên quyền, độc đoán? Ai, cái gì tạo ra các nhóm lợi ích?

Ông Dũng đủ thông minh để hiểu cặn kẽ nguyên nhân gốc cản trở Việt Nam hóa hổ, hóa rồng, nhưng né tránh, chưa dám nói thẳng ra vì còn sợ, nhưng lại tự bảo vệ rằng, như thế mới là khôn ngoan.

LẠI LOAY HOAY ĐI TÌM THỊ TRƯỜNG CÓ ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

TRIỆU TỬ LONG/ VNTB/ BVN 22-2-2021

(VNTB)-“Quản lý nhà nước phải tôn trọng yêu cầu, quy luật khách quan của thị trường trong phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ thảo luận đề án về đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế thực hiện Nghị quyết Trung ương số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng.

Thông tin báo cáo tóm tắt đề án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “đề án tập trung vào chức năng quản lý và phát triển kinh tế của Nhà nước thuộc nhóm cơ quan hành pháp và chức năng có tính chất tổng hợp, liên ngành.

Theo đó, mục tiêu tổng quát là đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang quản lý và kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để đạt mục tiêu về phát triển kinh tế tư nhân.

Chính sách được xây dựng trên nền tảng tôn trọng quy luật của thị trường, đảm bảo tính thống nhất, toàn diện, đảm bảo tính công khai, minh bạch và đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tổ chức không phân biệt thành phần kinh tế. Đổi mới thanh kiểm tra, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro và ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại nhằm giảm chi phí, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng không đề cập đến cụm từ quen thuộc lâu nay: “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trên cương vị là “một trong tứ trụ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại đưa ra yêu cầu cho đề án mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày, đó là: quản lý nhà nước phải tôn trọng yêu cầu, quy luật khách quan của thị trường trong phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII”.

Tiền nhiệm của ông Nguyễn Chí Dũng từng được một bài viết trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, viết rằng: “Một câu hỏi mà gần 30 năm qua Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vẫn chưa có câu trả lời, đó là thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (https://www.thesaigontimes.vn/114301/Cai-cach-the-che-tu-cau-hoi-chua-co-loigiai.html).

Theo bài báo phát hành 3-5-2014, thì, “Một ngày cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh được mời đến nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Thính giả là các lãnh đạo của hầu hết các tỉnh, thành phố. Kết thúc buổi nói chuyện, nhiều người hỏi bộ trưởng, thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông đáp: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”. Gần ba mươi năm trước, khi còn là bí thư chi bộ kiêm lớp trưởng của một lớp lý luận cao cấp học tại học viện, ông Vinh cũng đã hỏi câu hỏi đó với các thầy giáo là các nhà lý luận, nhưng không được trả lời. Nay, câu hỏi đó vẫn làm băn khoăn những thế hệ sau ông”.

Kết thúc cuộc trò chuyện với các nhà báo tại trụ sở bộ vào một ngày cuối năm 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nán lại để chụp ảnh với từng người. Ông nói, đây là lần cuối ông trao đổi với báo chí trên cương vị lãnh đạo. Ở ‘lần cuối’ đó, ông đã trải lòng có đoạn như sau:

“Chúng tôi là cơ quan hoạch định chiến lược, xây dựng chính sách phát triển cho đất nước. Đây là công việc cực kỳ hệ trọng, đòi hỏi tư chất đổi mới, đòi hỏi những con người có tư duy tốt, kiến thức toàn diện, không chỉ kiến thức trong nước mà kiến thức của thế giới.

Chúng ta không thể một mình đi một đường. Chúng ta phải đi con đường chung của nhân loại. Muốn đi con đường chung đó, chúng ta phải biết nhân loại đang làm gì, các quốc gia phát triển họ đi ra sao, và Việt Nam đang đứng ở đâu trong lộ trình này. Đấy là đòi hỏi thực tế, và cần kiến thức.

Bên cạnh đó, cũng cần có tâm huyết với đất nước, phải trăn trở tại sao nước mình còn phát triển chậm và kém thế, tại sao người dân còn ta thán nhiều như thế. Trăn trở vậy mới giúp hoạch định chiến lược tốt, chính sách tốt. Đây là việc trí tuệ, không ai ép buộc, nên phải tạo môi trường đổi mới sáng tạo cho cán bộ trong cơ quan.

Tôi muốn nói, sáng tạo chỉ có khi người ta hưng phấn làm việc. Tôi kêu gọi, và cam kết môi trường bình đẳng thuận lợi cho nghiên cứu, sáng tạo để có thể tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước những đột phá về thể chế. Tức là phải suy nghĩ khác đi để làm khác đi”.

Giờ là đầu năm 2021. Nếu vẫn tiếp tục đề bài phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có nghĩa là cách làm cơ bản tiếp tục theo kiểu “dò đá qua sông”, bởi cho đến nay trên thế giới chưa có một quốc gia nào có được nền kinh tế tư nhân phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Việt Nam đang lần mò tìm đường hướng tới – nghĩa là nói như lời của cựu bộ trưởng Bùi Quang Vinh, chúng ta không đi chung con đường cùng nhân loại

T.T.L.

VNTB gửi BVN

'LÒNG TIN CỦA NHÂN DÂN LÀ VẬT BÁU CHÍNH TRỊ CỦA  ĐẢNG'

CAO KIM ANH / GDVN 22-2-2021

Trong không khí đón năm mới, Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam có dịp trao đổi cùng Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về những thành tựu đất nước đã đạt được trong năm qua, đặc biệt là sự kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp, được xem là nguồn sinh khí mới của quốc gia vào thời điểm khởi đầu năm Tân Sửu.

- Ông đánh giá như thế nào về những thành tựu Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã làm được trong những năm vừa qua?

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Theo đánh giá chung của Đại hội, ý kiến của nhiều đại biểu trực tiếp dự Đại hội và ý kiến của các cử tri thì những thành tựu của đất nước ta đạt được khá ấn tượng trên nhiều phương diện khác nhau.

Thứ nhất, về kinh tế chúng ta giữ được nhịp độ tăng trưởng. Đây là thành công lớn nhất!

Thứ hai, chúng ta đảm bảo được chủ quyền lãnh thổ, không bị các diễn biến quá lớn.

Thứ ba, an sinh xã hội của nhà nước cho người dân được quan tâm rất nhiều. Chúng ta có Bộ Luật Lao động mới, sửa đổi rất nhiều chính sách đối với người có công, các đối tượng xã hội.

Chúng ta dành quan tâm rất lớn cho giáo dục và y tế, đặc biệt là những vấn đề về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã có những thành công rất lớn. Đối với bảo hiểm y tế, chúng ta vượt qua chỉ tiêu đặt ra, kiên trì định hướng bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, đây là vấn đề thách thức của nhiều năm trước đây.

Thành công vang dội nhất của chúng ta trong lĩnh vực y tế là ngăn chặn được rất nhiều làn sóng, phát triển mạnh của đại dịch Covid-19, được thế giới đánh giá rất cao. Làm được điều này chứng tỏ Việt Nam là đất nước quản lý tốt, được nhân dân tin tưởng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ. Nông nghiệp đã phát triển rất mạnh mẽ và trở thành “bà đỡ” cho nền kinh tế của Việt Nam trong tình cảnh toàn cầu đang rơi vào suy thoái kinh tế vì đại dịch.

Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội rằng, lúc này mới thấy giá trị bà đỡ của nền nông nghiệp Việt Nam. Tất cả lĩnh vực từ nhân lực, cây trồng, vật nuôi đến nguồn thức ăn ở đất nước ta đều dồi dào. Lâu nay, chúng ta chạy theo công nghiệp, chạy theo một cái bóng, bỏ sở trường để làm sở đoản, nhưng rất mừng là chúng ta đã kịp thời nhận ra.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Cao Kim Anh.

Nhân dân, cử tri đánh giá rất cao công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Có thể nói rằng đây là một mặt trận lớn, dàn trận rất lâu và có những chiến lược chiến thuật rất rõ ràng. Từ thể chế cho đến những hoạt động thực tiễn thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra truy tố, xét xử... đã làm mạnh mẽ hơn, củng cố niềm tin của người dân.

Những năm vừa qua, chúng ta đã đầu tư rất lớn cho hạ tầng bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng sản xuất cũng như hạ tầng sinh hoạt. Đường giao thông của chúng ta được cải thiện rất mạnh mẽ, từ chiến lược, quy hoạch đến quá trình thực hiện.

Nhiều dự án ở nhiều lĩnh vực khác nhau, hỗ trợ lẫn nhau tạo nên sự phát triển ổn định cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh.

Bên cạnh đó, Việt Nam luôn tích cực tham gia vào công việc chung của khu vực và toàn cầu, điều đó nâng cao vị thế uy tín của chúng ta.

- Bên cạnh những thành tựu đạt được, theo ông những việc gì cần tiếp tục được đẩy mạnh giải quyết triệt để trong thời gian tới?

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Kinh tế của chúng ta có phát triển nhưng cơ cấu chuyển đổi chậm, chưa bền vững, đặc biệt kinh tế nông thôn chuyển dịch không mạnh mẽ, hàng nghìn hợp tác xã ra đời nhưng hiệu quả thấp.

Một vấn đề nữa phải xem lại, đó là đất đai ở các địa phương đã được sử dụng đúng mục đích, hợp lý chưa? Ở nhiều nơi, thanh niên phải ra các thành phố lớn kiếm sống, đa phần chỉ còn lại người già, trẻ nhỏ.

Chênh lệch giàu nghèo tại nước ta lớn, nhóm giàu rất giàu, nhưng nhóm nghèo và cận nghèo luôn là nguy cơ. Công tác giảm nghèo của chúng ta làm tốt đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, nhưng phần lớn là thoát nghèo chuyển sang cận nghèo, nguy cơ tái nghèo rất lớn, tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc.

Hoạt động công nghiệp của chúng ta chưa nâng cao được chất lượng, chủ yếu vẫn gia công là chính, chưa có sản phẩm đặc biệt để có thể thi đấu với các đối thủ khác trên thị trường quốc tế.

Công cuộc phòng, chống tham nhũng triển khai mạnh mẽ nhưng sự đồng đều trong cách xử lý vẫn còn đâu đó có sự dị nghị, có trường hợp đã xử lý nghiêm khắc, nhưng có trường hợp xử lý về mặt Đảng rồi còn chậm trễ xử lý về pháp luật.

Cho đến thời điểm này dù nghiêm túc trong xử lý nhưng tham nhũng vẫn tồn tại, vẫn phức tạp. Mặt trận này còn phải đấu tranh lâu dài bởi tham nhũng giờ tinh vi hơn, né tránh giỏi hơn.

Bên cạnh đó, cơ chế kiểm soát quyền lực có nhiều vấn đề chưa ổn, còn lúng túng. Tôi đã từng phát biểu tại Quốc hội, nếu không có một thanh gươm pháp luật thì rất khó đưa vào kỷ luật, khuôn khổ được. Có thanh gươm pháp luật rồi nhưng không có người trông coi đến nơi đến chốn thì tham nhũng còn “nhảy múa” trên lưỡi gươm pháp luật.

Công tác điều tra, truy tố xét xử của chúng ta mặc dù đã được tiến hành một cách mạnh mẽ nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra về tính công bằng.

Cán bộ trong lĩnh vực tư pháp từ thẩm phán, kiểm sát viên… đều có người dính tội. Rõ ràng những người cầm cân nảy mực mà còn như thế thì phải nghiêm túc xem xét lại. Tư pháp là hộ pháp cho nền kinh tế, xã hội. Nếu cán bộ thực thi công vụ không công tâm thì hộ pháp không còn khỏe mạnh, cán cân công lý bị sai lệch khiến xã hội trở nên náo loạn, suy giảm niềm tin của nhân dân.

Tôi đi rất nhiều địa phương và nhận thấy rằng nhiều dự án về đất đai có vấn đề khiến người dân không hài lòng. Đây cũng là vấn đề cần được tiếp tục quan tâm xử lý triệt để.

Lòng tin của nhân dân chính là báu vật chính trị được gìn giữ từ khi Bác Hồ thành lập ra Đảng ta. Bác luôn nêu quan điểm gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, sống phải vì dân thì người dân mới tin.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói chúng ta phải “nhốt” quyền lực vào trong lồng cơ chế.

Mình phải tự kiểm điểm mình, phải xử lý các khâu yếu đuối, xấu xa trong cán bộ thì người dân mới tin được.

- Ông gửi gắm những giải pháp cũng như kỳ vọng gì vào nhiệm kỳ mới của Đảng?

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Câu chuyện lòng tin là câu chuyện khó khăn nhất nhiệm kỳ XIII phải làm được. Các vị trí lãnh đạo phải chọn được những người thực sự có đủ tài, đủ đức thì mới tạo nên những kết quả đột phá.

Nếu một số vị trí lãnh đạo nào đó không thật sự xứng đáng thì có thể tạo ra phản ứng ngược, vì ba lý do: Thứ nhất, không đủ tài, đức tức là không đủ khả năng lãnh đạo; Thứ hai, không tạo ra được cơ sở của lòng tin cho cấp dưới và người dân; Thứ ba, bối cảnh hiện nay tình hình kinh tế, xã hội cực kỳ phức tạp, lại chịu thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chỉ có những cán bộ thực tài mới gánh vác được trọng trách, xoay chuyển được tình thế.

Trước hết nói về mặt chính trị, chúng ta phải khẩn trương thực hiện thật tốt các chỉ đạo, chủ trương, chính sách được đề ra trong Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII. Đây là nhiệm vụ bất di bất dịch bởi vì nó là nền tảng, chính trị, tư tưởng để chúng ta thực hiện các công việc khác.

Chúng ta có thể dựa trên nền tảng chính trị này để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Vừa căn cứ vào Nghị quyết Đại hội, vừa căn cứ tình hình thực tiễn phải ra các quy định mang tính chất cấp thiết, kịp thời để xử lý tình hình.

Như vậy là phải có sự điều chỉnh về chiến lược, chiến thuật để ổn định, phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin của người dân.

Theo tôi, cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo cực kỳ sáng suốt, linh hoạt và rất cần sự hiệu triệu. Yếu tố tinh thần đối với người dân là vô cùng quan trọng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói “cán bộ phải trọng dân, tin dân, không mị dân”.

Hãy đem đến những việc làm thực tế, thay đổi cuộc sống người dân chứ đừng hứa suông, lúc cần phiếu thì nói rất hay, xong rồi thì chẳng làm được bao nhiêu.

- Ông vừa nhắc tới lựa chọn cán bộ vào những vị trí quan trọng, vậy ông lý giải vì sao chúng ta có quy định, quy trình chặt chẽ mà vẫn để lọt những cán bộ có sai phạm leo lên những vị trí cao?

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Có rất nhiều lý do nhưng theo tôi quy tụ lại bốn lý do lớn nhất:

Thứ nhất, chúng ta có quy trình nhưng quá trình thực hiện thì một số người có thẩm quyền làm không đúng. Mọi thứ có vẻ như rõ ràng nhưng tất cả các bước đó khi làm đều là hình thức.

Thứ hai, xã hội ta đã xảy ra không ít vụ việc cán bộ sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả và đáng buồn là chúng ta vẫn còn còn coi trọng bằng cấp hơn năng lực cống hiến thực tế.

Thứ ba là “5 C và 4 Ệ” vẫn còn tồn tại. Có những cán bộ được thần tốc bổ nhiệm thực chất là do “5C” chứ không phải do tài năng mà được đưa vào quy hoạch.

Thứ tư là quy trình lựa chọn cán bộ chưa thật sự gắn với sự đánh giá của người dân. Chúng ta chưa có được cơ chế huy động và tôn trọng sự tham gia của ý kiến người dân, của báo chí vào công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, bổ nhiệm, đề bạt, bầu cử cán bộ.

Quá trình đề ra và thực hiện đều có lỗ hổng, thậm chí người ta có thể tạo ra được các lỗ hổng ở trong phạm vi những cái hàng rào cơ chế ấy. Người ta có thể “xé rào” vì động cơ mục đích không trong sáng.

Chúng ta có thể chế chính trị, có cơ sở pháp lý, có quy trình, quy hoạch, có đầu vào, đầu ra nhưng phải có sự đánh giá, sự phản biện của người dân thì mới tạo ra được một khuôn khổ về tiêu chuẩn, mới xây dựng được đất nước của dân, do dân, vì dân, xây dựng được xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Cao Kim Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét