Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2021

20210207.BÀI HỌC CHO VIỆT NAM TỪ ĐẢO CHÍNH TẠI MYANMAR

 ĐIỂM BÁO MẠNG

MYANMA, AUNG SAN SUU KYI VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM

SONG CHI/ BBC/ BVN 4-2-2021


Bà Aung San Suu Kyi trước khi bị lực lượng đảo chính bắt giữ đóng vai trò Cố vấn Quốc gia của chính phủ do Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ chiếm đa số lãnh đạo. NGUỒN HÌNH ẢNH: GETTY IMAGES

Tôi chợt nhớ lại năm 2009, khi tôi vừa tới Na Uy chưa được bao lâu và lần đầu tiên từ nơi ở là Kristiansand đến Oslo chơi, một trong những nơi tôi ghé thăm là Nobel Peace Center, nơi trưng bày mọi hình ảnh, tư liệu về các nhân vật, tổ chức đã từng được đoạt giải Nobel Hòa bình.

Gặp đúng lúc người ta đang tổ chức ký tên kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, người đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991 và hiện đang bị chính quyền quân phiệt độc tài Myanmar giam lỏng tại nhà.

Tất nhiên là tôi cũng ký tên như nhiều người khác. Thật ra, trước đó khi còn ở trong nước tôi phải thú nhận là tôi không biết gì nhiều về bà Aung San Suu Kyi, tôi ký vì ngay tại đó tôi đứng đọc những thông tin về cuộc đời đấu tranh của bà.

Không bao lâu sau, tháng 11/2010 bà Aung San Suu Kyi được thả tự do tại Yangon. Báo chí quốc tế khắp nơi đưa tin này.

Những ngày tháng ấy bà Aung San Suu Kyi là một biểu tượng của hòa bình, một ngọn hải đăng cho phong trào đấu tranh dân chủ không chỉ ở Myanmar, từng được thế giới ca ngợi hết lời. Không có mấy nhân vật đấu tranh được như bà, bao nhiêu giải thưởng, bằng danh dự quốc tế, bao nhiêu tổ chức lên tiếng đòi trả tự do cho bà, trong cuộc đời mình bà đã từng gặp biết bao chính khách, lãnh đạo từ Đông sang Tây, ở đâu bà cũng được tiếp đón trọng thị.

Bà thu hút mọi người không chỉ vì danh tiếng của một nhà đấu tranh mà còn vì là một trí thức từng tốt nghiệp Cử nhân, Thạc sĩ các ngành chính trị, kinh tế tại các trường Cao đẳng thuộc Đại học Delhi ở New Delhi, đại học Oxford…, có thể nói được vài ba ngoại ngữ. Người phụ nữ mảnh mai, tuy đã có tuổi nhưng vẫn giữ được nét đẹp thanh lịch, nền nã trong những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Myanmar, luôn luôn cài hoa tươi trên đầu.

Và rồi khi bà bắt đầu nắm quyền lực, một số vết mờ trên bức chân dung của bà bắt đầu xuất hiện.

Bà Aung San Suu Kyi

Bà Aung San Suu Kyi trong xe hơi sau khi nộp đơn tranh cử như một ứng viên hồi tháng 8/2020 trong cuộc bầu cử năm ngoái ở Myanmar mà sau đó đảng của bà thắng cử với tỷ lệ phiếu bầu 83%. NGUỒN HÌNH ẢNH: GETTY IMAGES

Từ chuyện vì có chồng quá cố và con sinh ra ở nước ngoài nên không được làm Tổng thống do một điều khoản trong Hiến pháp Myanmar, nhưng vẫn “đẻ” ra cái vai trò là State Counsellor of Myanmar (Cố vấn Quốc gia) có thực quyền hơn cả Tổng thống, thậm chí “cao hơn Tổng thống”, như lời tuyên bố của bà.

Những vết mờ ngày càng lớn hơn khi bà lên nắm quyền, Myanmar chẳng những không có những tiến bộ đáng kể nào về kinh tế mà quan trọng hơn, bà vẫn không xây dựng được một lộ trình dân chủ thật sự cho đất nước, nhiều vi phạm về nhân quyền vẫn tồn tại. Một ví dụ là dưới sự lãnh đạo của bà, nhiều nhà báo tại Myanmar đã bị truy tố.

Bà cũng không giải quyết được những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo vốn âm ỉ trong xã hội Myanmar, thay vào đó lại im lặng trước hành động bị xem là tội ác diệt chủng của quân đội đối với cộng đồng thiểu số Hồi giáo Rohingya. Thậm chí ngày 10/12/2019 bà đã ra Tòa án Công lý Quốc tế LHQ ở La Haye, Hà Lan, để bảo vệ quân đội, bảo vệ cho đất nước Myanmar trước cáo buộc phạm tội diệt chủng đối với người thiểu số Hồi giáo Rohingya.

Thật khó tin rằng một người trí thức, bị ảnh hưởng bởi cả triết lý bất bạo động của Mahatma Gandhi và cụ thể hơn là bởi các khái niệm Phật giáo, luôn chọn con đường đấu tranh bất bạo động, một con người đã dùng những năm tháng bị giam lỏng tại gia để nghiền ngẫm triết học Phật giáo và thiền định, lại trở thành một con người khác đến thế khi nắm được quyền lực.

Có những người bênh vực bà Aung San Suu Kyi, cho rằng bà chấp nhận bị phương Tây chỉ trích, chấp nhận đánh đổi danh tiếng của mình để “chung sống hòa bình” với bên quân đội vẫn chưa bao giờ thực sự mất quyền lực, và vì bà biết thế của bà và của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà (National League for Democracy) không đủ mạnh để nắm trọn quyền, rằng nếu bà cực lực lên án vụ đàn áp người Hồi giáo Rohingya thì sẽ bị bên quân đội cho “lên đường” ngay. Có thể điều đó có một phần đúng chăng?

Đối với người Việt Nam, tôi đã từng nghe không biết bao nhiêu lời ca ngợi, ước ao, giá mà Việt Nam có một Aung San Suu Kyi. Sự thay đổi của bà không chỉ làm cho hàng triệu người Việt thất vọng, mà phương Tây càng thế… Nhưng, có lẽ đó là do nhiều người chỉ nhìn thấy bà từ xa?

Bài học gì cho dân chủ Việt Nam?

Bà Aung San Suu Kyi

Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi tham dự một buổi lễ tại thành phố Loikaw, ngày 15/01/2020. NGUỒN HÌNH ẢNH: GETTY IMAGES

Dù sao, câu chuyện của bà Aung San Suu Kyi và con đường dân chủ hóa gập ghềnh vừa bị ném ngược trở lại mấy chục năm trước của Myanmar, cũng cho người Việt chúng ta rất nhiều bài học quý báu.

Theo tôi, đó là giành được quyền lực đã khó, xây dựng một lộ trình dân chủ thực sự cho đất nước, không để cho đất nước “chuyển hóa” thành một dạng độc tài kiểu khác, còn khó hơn gấp nhiều lần.

- Có những “ngôi sao sáng”, là biểu tượng cho đấu tranh dân chủ nhưng thay đổi khi có quyền lực trong tay. Họ có thể phải thỏa hiệp với những thế lực phi dân chủ khác để giữ quyền lực và do đó cũng không thực sự cải cách dân chủ cho đất nước.

- Người lãnh đạo, có tinh thần đấu tranh, khao khát tự do dân chủ, yêu đất nước chưa đủ, phải có trí tuệ, có tầm nhìn xa để vạch nên những chiến lược đường dài, lộ trình dân chủ hóa, và sự phát triển lâu dài, vững mạnh cho đất nước, dân tộc. Bà Aung San Suu Kyi có thể không thiếu trí tuệ nhưng có lẽ bà là một biểu tượng đấu tranh thì tốt hơn là trở thành một người đứng đầu nhà nước, vì cần phải có những kỹ năng khác để điều hành một đất nước.

- Quan trọng nhất là chúng ta không nên “thần thánh hóa” bất cứ ai, biến họ thành một tượng đài. Như thế vừa làm hại chính họ vừa khiến cho những người khác, trẻ hơn, có khả năng lãnh đạo hơn nhưng lại bị “cái bóng” của người đó lấn át. Cần chú ý rằng người Việt vốn hay có tâm lý thần tượng ai đó, và tự nó là một biểu hiện phi dân chủ.

Cuối cùng là bài học về việc xây dựng lực lượng kế thừa. Cho đến giờ có vẻ như đảng của bà Aung San Suu Kyi và người dân Myanmar vẫn chưa chuẩn bị những người có khả năng thay thế bà, đã ở tuổi 75, cho nên nếu quân đội bắt bà Aung San Suu Kyi thì cũng có nghĩa là không còn ai khác. Người Việt Nam đấu tranh càng phải lựa chọn việc xây dựng một phong trào mạnh chứ không phải đặt hết vào một hai “lãnh tụ”.

Việt Nam

Đảng Cộng sản Việt Nam vừa tổ chức Đại hội 13 và đang chuẩn bị đánh dấu 91 năm ngày thành lập. NGUỒN HÌNH ẢNH: GETTY IMAGES

Lại có người cho rằng cuộc đảo chính này có sự hỗ trợ phía sau của Trung Cộng, quốc gia từng không hài lòng khi nhìn thấy Myanmar tiến lên một bước về dân chủ và nhích ra xa khỏi ảnh hưởng của mình, và đây cũng là thêm một “phép thử” của Bắc Kinh đối với chính phủ mới của Mỹ, bên cạnh những “phép thử” về biển Đông và Đài Loan.

Không biết điều này có đúng không, nhưng dù sao, tôi vẫn tin rằng con đường dân chủ hóa của Myanmar dù có gập ghềnh, khi tiến khi lùi, nhưng chí ít dân tộc Myanmar vẫn còn may mắn vì giữ được sự hiền lương, thật thà, tử tế.

Nhiều người từng đến thăm Myanmar đều nhận xét như vậy. Myanmar là một quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo nhưng phần lớn vẫn là Phật giáo, trong cách sống của họ rất thấm nhuần tư tưởng Phật giáo. Xã hội Myanmar dù cũng trải qua một chế độ độc tài sắt máu, nhưng không bị một chủ nghĩa cộng sản “giả cầy” phá nát đến tận gốc rễ từ văn hóa, đạo đức xã hội, tính thiện trong con người, các mối quan hệ gia đình cho tới kỷ cương, luật pháp… như các nước Liên Xô cũ cho tới Trung Cộng, Việt Nam, Bắc Hàn… Xây dựng lại từ đầu trên cái phông nền con người, xã hội như vậy có phần đỡ hơn.

Và từ bên ngoài, thế giới có lẽ sẽ không để mặc Myanmar.

Một số lãnh đạo các nước đã lên tiếng. Hoa Kỳ đã tính đến chuyện cấm vận trở lại Myanmar. Bởi vì cho dù hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi có phần bị hoen ố nhưng thế giới sẽ lên tiếng, vì người dân Myanmar, vì bây giờ là năm 2021 chứ không phải 1962 để quân đội Myanmar muốn làm gì thì làm. Kết quả cuộc bầu cử và ước muốn được sống một cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân Myanmar phải được tôn trọng.

Nhưng xét cho cùng, mọi thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn cho mọi quốc gia phải bắt đầu từ chính khát vọng và hành động của người dân chứ không thể chỉ trông chờ vào bên ngoài.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, nhà báo tự do, cựu đạo diễn truyền hình, hiện sống tại Leeds, Anh Quốc.

S.C.

Nguồn: bbc.com/vietnamese

DÂN TỘC DÂN CHỦ: LỜI NGUYỀN CHO AUNG SAN SUU KYI, BÀI HỌC CHO VIỆT NAM

BÙI CÔNG TRỰC/ LK/ BVN 5-2-2021


Một người biểu tình giơ cao tranh vẽ Aung San Suu Kyi trước tòa nhà Liên Hợp Quốc ở Thái Lan, sau khi bà Suu Kyi bị quân đội Myanmar bắt giữ. Ảnh chụp ngày 3/2/2021. Ảnh: Soe Zeya/ Reuters

Myanmar không chỉ là một câu chuyện trên báo, mà là một tấm gương để Việt Nam soi chiếu mình.

Aung San Suu Kyi từng là người hùng của rất nhiều người, trong đó có tôi. Một người phụ nữ quyết đoán, có niềm tin mạnh mẽ vào dân chủ và nền cộng hòa, đấu tranh và hy sinh trong hơn một thập niên, bà là một hình tượng hoàn hảo của dân quyền và nữ quyền. Tuy nhiên, kể từ khi chính đảng của bà - National League for Democracy - chiến thắng trong cuộc bầu cử phổ thông đầu tiên của Myanmar vào năm 2015, các thảo luận bắt đầu thay đổi.

Myanmar đã mở cửa đất nước và từng bước thực hành cải cách kinh tế tốt hơn, song nó cũng đối mặt với những cáo buộc diệt chủng và tội ác chống lại loài người, đặc biệt với các chiến dịch quân sự đẩy người Rohingya ra khỏi đất nước này từ năm 2016 đến hết năm 2017.

Không chỉ im lặng về những tội ác của quân đội Myanmar, bà Suu Kyi thậm chí còn khá thụ động trong việc bảo vệ quyền tự do báo chí khi các tờ báo trong nước lên tiếng phản biện quan điểm của nhà nước lẫn quân đội.

Aung San Suu Kyi bị coi là nỗi thất vọng của những người yêu dân chủ ở Myanmar khi im lặng trước vấn đề diệt chủng người Rohingya. Ảnh: The Independent.

Bài viết này không nhằm bao biện cho thanh danh của Aung San Suu Kyi, vốn đã bị vấy bẩn trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, tác giả mong muốn phân tích những khó khăn nền tảng mà bản thân con đường và tư duy chính trị dân chủ mang đến cho bà.

Lời nguyền địa chính trị: Trở ngại của Myanmar không chỉ là chính quyền quân quản

Những người ủng hộ quá trình dân chủ hóa tại Myanmar thường cho rằng chính quyền quân quản là nhân tố duy nhất đẩy lùi quá trình này. Đó là một nhận định hoàn toàn sai.

Myanmar từng là thuộc địa của Anh. Cách thực dân Anh quản lý Ấn Độ nhiều thập niên trước đó đã dẫn đến các xung đột đẫm máu giữa hai cộng đồng Hindu giáo và Hồi giáo, ngày nay thuộc Ấn Độ và Pakistan. Theo một cách thức tương tự, người Anh cũng khá tùy tiện trong việc hình thành và duy trì các đường biên giới và đơn vị hành chính tại Burma (tên gọi trước đây của Myanmar).

Kể từ khi được Vương quốc Anh trao trả độc lập vào năm 1948, Myanmar chưa bao giờ chấm dứt tình trạng nội chiến. Trong khung biên giới gọi là Myanmar, chúng ta có hơn chục nhóm sắc tộc lớn nhỏ khác nhau với các tham vọng chính trị khác nhau.

buddhism rohingya

Một nhóm tín đồ Phật giáo phản đối người Rohingya tại Myanmar. Ảnh: ISSSP.

Theo nghiên cứu Ethnicity And Insurgency In Myanmar của giáo sư người Ấn Sourabh Jyoti Sharma, một trong những chuyên gia hàng đầu về an ninh chính trị Nam Á và Đông Nam Á, có đến… 17 tổ chức quân sự tuyên bố rằng mình đại diện cho quyền lợi của các nhóm sắc tộc thiểu số, bên cạnh đa số người gốc Bamar theo Phật giáo chiếm khoảng trên dưới 70% tổng dân số quốc gia. Hầu hết thống kê khoa học xã hội khác cũng đồng thuận với con số này.

Độc giả không đọc nhầm, trong biên giới của một quốc gia có chủ quyền được Liên Hiệp Quốc công nhận, có đến 17 tổ chức quân sự đang hoạt động công khai.

Trong đó, chúng ta có thể kể đến United Wa State Army (UWSA), nhánh quân sự của tộc người Wa (có nguồn gốc là phong trào bạo lực cộng sản), sinh sống chủ yếu tại Đông Bắc Myanmar, gần biên giới với Trung Quốc và Thái Lan.

Sắc dân này cũng sinh sống tại tỉnh Vân Nam thuộc Trung Quốc.

Sắc tộc Wa hiện có hơn 800.000 người. Họ có 40.000 quân được Trung Quốc hậu thuẫn, đồng thời trực tiếp sản xuất và buôn bán ma túy. Wa là sắc tộc được công nhận tại Myanmar, nhưng cũng là lực lượng đòi tự trị có thế lực nhất tại nước này.

Binh lính thuộc UWSA diễu hành tại Panghsang, bang Shan. Ảnh: Myanmar Times.

Kachin Independence Army (KIA) là lực lượng quân sự độc lập có thế lực lớn thứ hai tại Myanmar. Họ đang kiểm soát hoàn toàn (effective control) tỉnh Kachin, ngoại trừ một số thành phố lớn và hệ thống đường sắt. KIA có khoảng 10.000 quân thường trực và 10.000 quân dự bị. Đây cũng là một nhóm quân sự có móc nối lợi ích với Trung Quốc.

Hay cũng có thể kể đến Karen National Union (KNU), nhóm quân sự nổi dậy lâu đời nhất thuộc Burma, thành lập vào năm 1949. Nhóm này tự nhận mình là một tổ chức dân chủ, đấu tranh vì quyền lợi của người dân Karen nói chung và các nhóm thiểu số thuộc Thiên Chúa giáo, với lực lượng quân sự khoảng 14.000 quân.

Và đó mới chỉ là ba nhóm quân sự của các sắc dân được công nhận mà thôi.

Hầu hết những nhóm nói trên, dù không đòi ly khai, đều đưa ra yêu sách tự trị tuyệt đối, từ chối các yêu cầu giải giới quân đội riêng cũng như không muốn tham gia vào các cải cách dân chủ của chính quyền trung ương.

Nhìn nhận thực tế này, chúng ta sẽ thấy, dù Aung San Suu Kyi có thể là tượng đài dân chủ của sắc dân Barma chiếm đa số tại Myanmar, nhưng bà chỉ là một kẻ “ngoại tộc” trong mắt của những sắc dân khác tại quốc gia này.

Ảnh của bà Suu Kyi cùng ba lãnh đạo quân sự trên đường phố ở Hpa-an, Myanmar. Ảnh: AFP/ Getty Images.

Ngay cả khi bà Aung San Suu Kyi dàn xếp ổn thỏa và xây dựng thành công một chính thể cộng hòa dân sự mới tại Myanmar, câu hỏi đặt ra là chính quyền này có bất kỳ giá trị nào đối với các sắc dân thiểu số và các phe phái quân sự vốn vẫn tồn tại và chi phối địa chính trị Myanmar hay không?

Điều này có thể có ảnh hưởng quan trọng đến con đường xây dựng dân chủ mà Aung San Suu Kyi lựa chọn.

Lời nguyền dân tộc dân chủ

Dân tộc dân chủ (democratic nationalism) là tư tưởng nền tảng cho hầu hết mô hình đấu tranh đòi độc lập chính trị và dân chủ trong suốt thế kỷ 20 cho đến nay.

Hiểu đơn giản, động lực chính của quá trình dân chủ hóa tại các quốc gia này, dù theo con đường hòa bình hay bạo lực, là một cộng đồng dân cư có cùng một số đặc điểm về nhân khẩu (như sắc tộc, tiếng nói, tôn giáo…), cùng lịch sử phát triển và vận động văn hóa, cùng với đó là một kỳ vọng về tương lai chính trị như nhau. Những đặc trưng đó chính là cách hiểu về dân tộc.

Như vậy, dân tộc dân chủ hướng đến việc xây dựng một nền cộng hòa đại chúng, lấy quần chúng làm trung tâm. Nhưng nhóm quần chúng đó lại phải là một tập thể sắc dân thống nhất mà không có những khác biệt đáng kể.

Hãy nhớ rằng, trong hầu hết các phong trào cách mạng, phong trào dân chủ từ xưa đến nay, sắc tộc và văn hóa dân tộc luôn là nền tảng hậu thuẫn trọng yếu. Ta có thể thấy điều đó từ Cách mạng Hoa Kỳ, Cách mạng Pháp cho đến các cuộc cách mạng giải phóng thuộc địa. Nó cũng xuất hiện trong cuộc cách mạng ly khai của các nền cộng hòa thuộc Liên Xô, vốn chỉ vừa kết thúc vào đầu những năm 2000.

Một bức họa nổi tiếng về cuộc Cách mạng Pháp 1789. Văn hóa dân tộc cũng là động lực của cuộc cách mạng này. Ảnh: mysticpolitics.com

Thành quả của những phong trào nói trên thường được các nhà khoa học chính trị gọi là những nền dân chủ đơn sắc tộc (ethnic democracy), nơi mà danh tính, văn hóa, thực hành kinh tế và chính trị của một sắc tộc duy nhất trở thành danh tính, văn hóa, thực hành kinh tế và chính trị của toàn bộ quốc gia. Theo đó, một sắc dân chiếm đa số nắm toàn quyền kiểm soát nhà nước và toàn bộ các mặt chính trị - kinh tế - tư tưởng.

Hãy khoan vội phán xét con đường của bà Suu Kyi.

Cho đến hiện nay, người viết cho rằng chỉ có Hoa Kỳ, Pháp và Vương quốc Anh, ba kẻ “đại thực dân” xưa cũ với dân số di dân đa dạng mới có thể được xem xét danh hiệu “dân chủ đa sắc tộc” (multicultural democracy).

Còn lại tất cả các quốc gia khác, dù có nền dân chủ mạnh hay yếu, đều phải dựa vào “mạch máu” dân tộc.

Kể cả các nước Bắc Âu, Đan Mạch hay Thụy Sĩ… nền dân chủ của họ đạt đến mức độ thượng thừa chủ yếu dựa vào sự đồng nhất văn hóa và sắc tộc cực cao.

Ví dụ, Na Uy có đến 83,2% là người da trắng Norwegian, 8,3% da trắng gốc Âu và chỉ khoảng 8,3% bé nhỏ còn lại là các chủng tộc khác.

Image result for norway ethinic

Na Uy có sự đồng nhất văn hóa và sắc tộc rất cao. Đó được xem là cơ sở cho sự ổn định của nền dân chủ của nước này. Đồ họa: Britannica.

Tỷ lệ đồng nhất sắc tộc này cao hơn hẳn nếu so với Hoa Kỳ. Tại Mỹ, người da trắng dù vẫn được xem là đông đảo nhất, nhưng tập hợp tất cả sắc dân da trắng (bao gồm cả gốc Anh, Ireland, Pháp, Đức, Ý… ) chỉ chiếm vỏn vẹn 60%. Phần còn lại, gần 20% là người Hispanic và gần 15% là người da đen.

Theo khá nhiều triết gia chính trị tên tuổi, kể cả John Stuart Mill, mức độ đồng nhất dân tộc là một chỉ số cực kỳ quan trọng để xác định khả năng thành công của các thể chế dân chủ tại một quốc gia. Hiển nhiên, những nhận định này đúng hay sai có lẽ cần nhiều hơn là một bài viết để phân trần. Song có một sự thật là chính trị Na Uy luôn ổn định hơn chính trị Hoa Kỳ. Vai trò của dân tộc trong nền tảng chính trị quốc gia là không thể phủ nhận.

***

Sự tồn tại của quốc gia có tên gọi Việt Nam không nằm ngoài quy luật của các phong trào dân tộc. Dù trang bị cho mình đầy đủ các quy định pháp luật cấp tiến nhất, không ai có thể phủ nhận rằng Việt Nam là một quốc gia do người Kinh vận hành, vì người Kinh trước tiên, quảng bá văn hóa Kinh và tuân thủ theo mô hình kinh tế mà người Kinh lựa chọn.

Vẻ thống nhất đoàn kết dân tộc mà Việt Nam trưng bày ra ngày nay là thành quả của hàng thập niên kìm nén, khống chế các phong trào của các dân tộc khác, như người Thượng, người Mèo, hay người Khmer. Những phong trào ấy đến nay vẫn còn âm ỉ.

Myanmar không phải chỉ là một câu chuyện trên báo. Myanmar là một tấm gương, một bài học để các dân tộc Việt Nam phải ngồi lại xem xét, cân nhắc để có thể hướng tới xây dựng thành công một nền dân chủ non trẻ, đa sắc tộc.

Nếu một mai, những kìm nén của Đảng Cộng sản bị tháo gỡ, và các yêu sách dân tộc trỗi dậy khắp dải đất hình chữ S, một chính quyền dân chủ thật sự cần phải làm gì? Đó là một câu hỏi vô cùng khó trả lời.

B.C.T.

Nguồn: luatkhoa.org

CẦN MỘT NỀN DÂN CHỦ ĐẠI DIỆN CHO VIỆT NAM VÀ MIẾN ĐIỆN

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 5-2-2021

Một sắc tộc, hay đa sắc tộc?

Sau vụ đảo chánh ở Miến Điện, trên trang Luật khoa, tác giả Bùi Công Trực có một bài viết rất hay, so sánh Việt Nam với Miến Điện, mang tựa đề “Dân tộc dân chủ: Lời nguyền cho Aug San Suu Kyi, bài học cho Việt Nam.

Tác giả so sánh tình trạng đa sắc tộc và tôn giáo của hai quốc gia, từ đó kết luận rằng, Miến Điện là một ví dụ mà người Việt Nam nên chú ý.

Tuy nhiên tôi có một nhận xét là, dường như Bùi Công Trực đã quá nhấn mạnh đến vấn đề mà tác giả gọi là dân chủ đơn sắc tộc (ethnic democracy). Nói nôm na là một nền dân chủ ở một quốc gia sẽ dễ dàng được thực hiện hơn nếu như quốc gia đó có 1 sắc tộc, hay ít nhất, có 1 sắc tộc thống trị.

Bên cạnh đó, tác giả cho rằng, hiện nay hầu như chỉ có ba quốc gia thực hành tốt một nền dân chủ đa sắc tộc (multicultural democracy) là Hoa Kỳ, Anh và Pháp, ba đại thực dân xưa cũ (Hoa Kỳ không hẳn là đại thực dân xưa cũ).

Chắc chắn rằng, nếu một quốc gia có tính sắc tộc đồng nhất thì sẽ dễ ổn định hơn, người ta dễ nghe nhau hơn. Ví dụ rõ ràng nhất ở châu Á là hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc, hay như một vài nước châu Âu mà tác giả đề cập. Tuy nhiên hãy nhìn các trường hợp những quốc gia như Ai Cập, Chi Lê, hay Argentina, rất đồng nhất về sắc tộc, nhưng vẫn ì à ì ạch trên con đường dân chủ hóa. (Chi Lê chỉ mới ổn định trong thời gian gần đây).

Không chỉ có Anh, Pháp và Mỹ thực hiện được tốt dân chủ đa sắc tộc (tôi cho rằng tác giả muốn nói đến dân chủ đại diện?). Hai nước rất gần với Hoa Kỳ về cấu trúc chính trị là Canada và Úc cũng rất thành công. Ngoài ra, trường hợp Ấn Độ, có khi được mệnh danh là nền dân chủ lớn nhất thế giới, tôi không cho là thất bại. Tại các quốc gia thuộc liên hiệp châu Âu, đa số đều có nền dân chủ đại diện và thành công, rõ nhất là nước Bỉ với hai sắc dân nói tiếng rất khác nhau. Thụy Sĩ có đến bốn thứ tiếng khác nhau.

Thế nên, tôi nghĩ rằng, để một nền dân chủ thành công, có nhiều vấn đề phức tạp và chồng chéo lên nhau, chứ không chỉ sắc tộc.  Ngay cả nền dân chủ đa sắc tộc như Hoa Kỳ cũng không phải một sớm một chiều mà có. Bốn năm vừa qua cho thấy, nền dân chủ Mỹ bị thử thách rất dữ dội bởi chủ nghĩa dân túy, phân biệt chủng tộc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trước khi rời nhiệm sở phán rằng: Nước Mỹ không phải là nền văn hóa đa sắc tộc. Nước Úc trong hai mươi năm qua, cũng có lúc rung rinh vì đảng Một dân tộc, chống người châu Á và người Hồi giáo.

Việt Nam, Miến Điện và… Trung Quốc

Cả ba quốc gia này đều đa sắc tộc, với một sắc tộc thống trị như người Kinh ở Việt Nam, người Miến ở Miến Điện và người Hán ở Trung Quốc. Nhưng tôi nghĩ, Miến Điện không giống như hai nước kia, đó là nền quân chủ tập trung quyền lực kiểu Trung Quốc thời xưa và tiếp nối là chế độ toàn trị của đảng cộng sản.

Hệ thống toàn trị kiểu chi bộ của đảng cộng sản len được vào đến các bản làng của người thiểu số, nắm chặt lấy họ trong hệ thống chính trị. Hệ thống quân đội của các tướng lãnh Miến Điện không len được vào đến các thôn làng của người Karen, người San,… chứ đừng nói chi đến Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi.

Tuy nhiên, trong nội bộ các đảng cộng sản, tính sắc tộc cũng sẽ dần dà chiếm thế thượng phong, với sự thống trị của các đảng viên thuộc về nhóm sắc tộc đa số. Ông Tito đứng đầu nước Nam Tư trước đây, thuộc sắc tộc Croatia thiểu số, nhưng khi Nam Tư tan rã thì đảng Cộng sản Nam Tư được thống trị bởi các đảng viên người Serbia đa số. Tại Trung Quốc, bí thư các khu tự trị người thiểu số thường là người Hán.

Ở Việt Nam, nếu ta xem Trung ương đảng là một quốc hội De Facto, thì nó đã từng đại diện khá đầy đủ các vùng miền và sắc tộc trên cả nước. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng từng có một người đứng đầu thuộc sắc dân thiểu số là ông Nông Đức Mạnh.

Nhưng như nhà báo Nguyễn Hùng có chỉ ra trong bài “Đại hội 13: Mười bảy ông sao có mỗi một bà”, Bộ Chính trị vừa được bầu, không có một người thiểu số nào. Ngoài ra, trong số 200 ủy viên trung ương, chỉ có 10 người thuộc các dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 5%, trong khi người thiểu số chiếm 15% dân số. Không có người Khmer nào, mặc dù vấn đề Khmer Krom không phải là vấn đề nhỏ trong những năm qua.

Ngoài vấn đề Khmer Krom, chính phủ Việt Nam đã không ít lần phải giải quyết những bất ổn liên quan đến sắc tộc như vụ Fulro, người Hmong Lai Châu, các sắc tộc thiểu số theo đạo Tin lành ở Tây nguyên. Lo ngại của tác giả Bùi Công Trực về một tương lai “những kìm nén của đảng Cộng sản bị tháo gỡ” là đáng quan tâm.

Hãy để cho những sắc tộc có tiếng nói ở một cơ cấu đại diện, dù nó là quốc hội lập hiến (con đường còn xa) hay trung ương đảng hiện thời.

Tôi vẫn tin ở cơ cấu dân chủ đại diện, dù đôi khi nó có những biến động như bốn năm qua ở Mỹ, hay Ấn Độ, khi chủ nghĩa dân túy lên ngôi, một phần từ sự lo ngại của sắc dân đa số. Thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders từng nói, dân chủ thì phải có sự lộn xộn thôi.

Vấn đề Bắc Ái Nhĩ Lan của Vương quốc Anh, vấn đề xứ Basque và Catalan của Tây Ban Nha rồi cũng được giải quyết, khi những người đại diện các sắc dân thiểu số có mặt ở quốc hội.

Việc đàn áp người thiểu số như vấn đề người Rohingya ở Miến Điện, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, người Khmer và Phật giáo tiểu thừa ở Tây Nam Bộ Việt Nam, là những thất sách.

GIẤC MƠ MIẾN ĐIỆN VÀ GIẤC MƠ VIỆT NAM

JACKHAMMER NGUYỄN / TD/ BVN 1-2-2021

Giấc mơ Miến Điện

Sau ngày 30/4/1975, tôi có nghe một viên chức tuyên giáo đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nói như thế này: Các đồng chí biết không, có những nước nhân dân mơ rằng, sau một đêm thức dậy, họ trở thành người Việt Nam.

Không rõ ông tuyên giáo nọ có được những “nhân dân” nước ngoài kể lại với ông ta hay không, nhưng chắc chắn ý nghĩa biểu tượng của phát biểu trên là Việt Nam vĩ đại quá, ôi giấc mơ Việt Nam!

Trái với giấc mơ của ông tuyên giáo, dân chúng Việt Nam không ngừng bỏ xứ ra đi, dù hàng chục năm sau khi được “giải phóng”, mặc mọi hiểm nguy chết chóc.

Sau khi đảng CSVN cải cách kinh tế năm 1986, người dân Việt ít liều mạng ra đi hơn, nhưng họ cũng không có giấc mơ của ông tuyên giáo, mà chỉ giấc mơ Mỹ thôi.

Thế nhưng, hơn 45 năm sau, ông tuyên giáo có ngờ đâu rằng, một số đồng bào của ông, còn ở Việt Nam hay đã sang Mỹ, không biết có được giấc mơ Mỹ hay chưa, lại có giấc mơ… Miến Điện!

Số là vào hôm thứ Hai, ngày 1/2/2021, giờ địa phương, tại Miến Điện, quân đội Miến làm đảo chánh, bắt giữ bà Aung San Suu Kyi, cố vấn quốc gia, đồng thời là lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Miến Điện, cùng nhiều lãnh đạo khác, với lý do là có “gian lận bầu cử” hồi tháng 11/2020, trong đó Liên đoàn của bà Suu Kyi thắng lớn.

Tại Mỹ, sau cuộc bầu cử ngày 3/11/2020, cựu Tổng thống Donald Trump bị thất bại thảm hại. Một số người Mỹ gốc Việt, cùng một số người còn sống ở Việt Nam, vì yêu mến Trump, mơ rằng Trump sẽ chỉ huy quân đội bắt giữ ông Biden, Obama, Pelosi,…

Thế nhưng, do quân đội Mỹ phi chính trị, chỉ bảo vệ Hiến pháp, không đứng về phe phái nào, cho nên giấc mơ của những người Việt Nam muốn ông Trump đảo chính thành công đã không xảy ra. Ông Trump muốn đảo chánh, nhưng quân đội không ủng hộ, cho nên ông ta thất bại thảm hại. Tôi tạm gọi đó là giấc mơ Miến Điện của người Việt.

Giấc mơ Việt Nam

Đầu bài tôi có đề cập đến giấc mơ của vị tuyên giáo, tôi tạm gọi đó là giấc mơ cộng sản.

Sau thảm họa kinh tế trong thập niên 1980, người cộng sản tỉnh mộng. Họ trở thành những con người rất thực dụng, thực dụng đến lạnh lùng. Họ sử dụng bộ máy cai trị khổng lồ giám sát dân chúng ở từng khu phố, thôn xã. Họ cho phép dân chúng làm ăn nhưng dân bị kiểm soát gắt gao. Và họ trục lợi. Khi họ thấy sự bất bình nào đó thì họ xả van một chút.

Bây giờ đến lượt những người chống cộng sản lại mơ mộng. Ngoài giấc mơ Miến Điện trên kia, họ còn nhiều giấc mộng khác nữa. Hai giấc mộng làm cho tôi ấn tượng nhất là giấc mộng chính phủ lưu vong, mà gần đây nhất là chính phủ Đào Minh Quân, còn giấc mộng kia là giấc mộng Hiệp định Paris.

Bạn đã nhìn thấy hình chụp chính phủ Đào Minh Quân chưa? Một ông ăn mặc rất lịch lãm, ngồi giữa một nhóm tướng tá độ thất, bát tuần, nhưng oai hùng hơn các binh lính Miến Điện vừa đảo chánh nhiều. Một hình ảnh rất siêu thực.

Khoảng năm 2019, giấc mộng Hiệp định Paris dấy lên. Người ta đi thu thập chữ ký gửi lên chính giới Mỹ, nói rằng Việt Cộng đã vi phạm Hiệp định Paris ký năm 1973, do vậy nước Mỹ với tư cách người ký hiệp định đó, có quyền đòi … ai đó lật ngược thế cờ, trả lại miền Nam Việt Nam dưới vĩ tuyến 17 cho… Việt Nam Cộng hòa.

Đến thời điểm của cuộc vận động đó, Hiệp định Paris đã hơn 46 tuổi, Hà Nội và Washington tái lập bang giao gần ¼ thế kỷ. Những người chủ trương cuộc vận động này lên cả báo Người Việt, nói rằng họ rất hy vọng người hùng chống cộng của họ là Donald Trump sẽ giúp họ trong việc này. Tôi nghĩ, Trump chẳng biết Hiệp định Paris là cái giống gì!

Những giấc mộng của người Việt lại càng mộng mị hơn nữa với sự lan tràn của mạng xã hội, trong đó người ta hay tụ tập trong những nhóm có cùng giấc mộng với nhau, được gọi là những phòng đồng vọng (echo chamber). Trong những nhóm này, một người mộng thì những người khác được vuốt ve, và giấc mộng ngày càng lớn.

Liên quan đến hai giấc mộng siêu thực trên kia, cùng với giấc mộng Miến Điện, còn vô vàn giấc mộng con khác nữa. Người ta mơ chuyện cơ quan tình báo Mỹ đã có hết bằng chứng phản quốc của ông Biden, rằng ông Trump đang điều hành nước Mỹ từ Mar-a-Lago, còn ông Biden đang làm Tổng thống Mỹ là giả,… Và người ta còn mơ, sớm muộn gì cộng sản Việt Nam sẽ sụp đổ khi ông Trump vẫn còn đang cầm quyền ở Mỹ.

Mà không phải chỉ có người bình dân, giới khoa bảng tiến sĩ, luật sư, từ trong nước đến hải ngoại đều có những giấc mơ như thế. Một người từng là nhà báo lão làng vùng thủ đô Hoa Kỳ cũng mơ Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ sẽ xử cho những cáo buộc gian lận bầu cử của Trump thắng.

Một luật sư bên trong Việt Nam, ông Đặng Đình Mạnh, phải thốt lên: Đồng bào, tỉnh lại nào!

Nhưng là con người, ai mà chả mơ, giấc mơ làm ta hướng thiện, làm cho ta thấy được cái không tốt của hiện tại, đòi hỏi tương lai tốt hơn.

Tôi cũng có một giấc mơ, tôi mơ rằng nước Việt Nam có những cuộc bầu cử bốn, năm năm một lần, trong đó người dân có thể đuổi việc các quan chức bất tài. Tôi mơ rằng, hàng triệu công nhân Việt Nam có được nghiệp đoàn thực sự của họ. Tôi mơ, người nông dân Việt Nam được quyền làm chủ mảnh đất của mình. Tôi gọi giấc mơ của tôi là một giấc mơ lành.

Nhưng chắc chắn tôi không dám có giấc mơ Miến Điện như một số đồng bào tôi, từ trong đến ngoài nước, vì đó là ác mộng, chứ không phải là một giấc mơ lành.

J.N.

Nguồn: baotiengdan.com

CÂU CHUYỆN DÂN CHỦ Ở MIẾN ĐIỆN

NHÃ DUY/ TD 2-1-2021

Tin tức về vụ quân đội Miến Điện đảo chánh, cắt mạng internet và bắt giữ cấp lãnh đạo Miến Điện, là tiêu điểm thời sự thế giới vào cuối tuần qua. Phát ngôn viên tòa Bạch Ốc là bà Jen Spaki đã lập tức lên tiếng phản đối mạnh mẽ và yêu cầu giới quân phiệt Miến Điện tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và luật pháp, trả tự do cho giới lãnh đạo dân sự nước này.

Tuyên bố này viết rằng, Hoa Kỳ tiếp tục khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ các định chế dân chủ của Miến Điện và phản đối bất kỳ nỗ lực thay đổi kết quả của cuộc bầu cử hợp pháp hoặc cản trở tiến trình dân chủ của Miến Điện, cũng như sẽ có biện pháp chế tài với những người chịu trách nhiệm nếu không đảo ngược quyết định.

Cuộc đảo chánh được giới bình luận quốc tế xem như sự lặp lại cáo buộc sai trái của tổng thống Donald Trump về cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ. Nó xảy ra sau một tháng tướng Min Aung Hlaing, người đang nắm quyền Miến Điện hiện nay, đã gặp gỡ với Ngoại Trưởng Vương Nghị của Trung Cộng. Cũng nói thêm, Miến Điện là quốc gia mà Trung Cộng nhắm vào quyền lợi dầu khí và khí đốt đáng kể tại đây.

Lộ trình dân chủ của Miến Điện đã được Hoa Kỳ tiếp sức khá mạnh mẽ và đưa đến thành công của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân Chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi, là đảng giành thắng lợi và nắm quyền từ năm 2015 cho đến chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua.

Tổng Thống Barack Obama và Ngoại Trưởng Hillary Clinton được xem có những đóng góp to lớn trong việc giúp Miến Điện đạt được thành công này, nhằm giúp Miến Điện đi theo con đường dân chủ, thoát Trung và thân Mỹ hơn, thông qua chiến lược chuyển trục châu Á của Hoa Kỳ.

Tổng Thống Obama đã đến Miến Điện vào năm 2012 và Ngoại Trưởng Clinton đã hai lần đến Miến Điện vào năm 2011 và năm 2015 để vận động cho tiến trình này. Hoa Kỳ cũng bỏ lịnh cấm vận vào cuối nhiệm kỳ TT Obama.

Sau chiến thắng áp đảo của đảng NLD, bà Clinton tuyên bố “Đây là sự khẳng định vai trò không thể nào thiếu vắng của Hoa Kỳ, trong tư cách nhà cổ vũ cho hòa bình và tiến bộ thế giới“. Bà đã dành nguyên một chương trong cuốn hồi ký “Những chọn lựa khó khăn” (Hard Choices) để kể chi tiết về vấn đề Miến Điện.

Cũng theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, có những sự việc dẫn đến một số bất đồng trong mối quan hệ song phương, qua hành động bị xem là phản dân chủ của chính phủ Miến Điện trong việc đàn áp sắc dân Hồi giáo thiểu số Rohingya. Dù không là tổng thống vì các quy định công dân theo hiến pháp nhưng trên thực tế, bà Aung San Suu Kyi là người lãnh đạo Miến Điện qua vai trò cố vấn tối cao, kiêm Ngoại Trưởng tại quốc gia này và là người chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên Hoa Kỳ vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược cam kết khi ghi nhận những bước tích cực mà Miến Điện đã thực hiện và khuyến khích cuộc cải cách đi xa hơn nữa.

Nguyên tắc chủ đạo này nhằm giúp sự cải tổ nền chính trị và kinh tế của Miến Điện, thúc đẩy việc hòa giải dân tộc, xây dựng các định chế, trách nhiệm và sự minh mạch của chính phủ, trao quyền cho cộng đồng địa phương và xã hội dân sự, thúc đẩy mối can dự quốc tế đầy trách nhiệm, đồng thời tăng cường việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền, quyền tự do tôn giáo. Từ năm 2012 cho đến nay, Hoa Kỳ đã viện trợ cho Miến Điện khoảng 1.5 tỉ đô la (theo US Relations with Burma-US Department of State).

Trong khi Trung Cộng không đưa ra tuyên bố gì ngoài việc kêu gọi các bên “kiềm chế” đầy ngoại giao, cũng như một số quốc gia Á châu tuyên bố đó là “vấn đề nội bộ của Miến Điện” thì Tổng thống Joe Biden đã ra tuyên bố trong ngày đầu tuần rằng:

Hoa Kỳ đã gỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Miến Điện trong thập niên qua dựa trên tiến trình dân chủ tại đây. Việc đảo ngược tiến trình đó sẽ cần bị xem xét lại ngay lập tức bằng các hành động thích hợp qua thẩm quyền và lịnh cấm vận. Hoa Kỳ sẽ bảo vệ dân chủ ở bất cứ nơi nào mà nó bị tấn công“. Ông cũng kêu gọi thế giới đồng lên án và áp lực giới quân đội Miến Điện, phải lập tức trả lại quyền hành và tự do cho giới lãnh đạo Miến Điện.

Việc điều hành quốc gia và những trách nhiệm của bà Aung San Suu Kyi trong vấn đề phân biệt sắc tộc đã bị Hoa Kỳ cùng cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích, bà đã phải ra điều trần tại tòa án quốc tế Hague và phủ nhận những cáo buộc. Nó cho thấy tiến trình dân chủ một quốc gia chưa bao giờ suôn sẻ và các chính sách sắc tộc là vấn đề hiện diện tại nhiều quốc gia, không riêng với Miến Điện.

Tuy nhiên việc quân đội nước này sử dụng vũ lực để đảo chánh và cướp chính quyền, tấn công vào tiến trình dân chủ và hiến pháp quốc gia này lại là một vấn đề hoàn toàn riêng biệt, liên quan đến những nền tảng và nguyên tắc dân chủ thế giới. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ cùng các nước phương Tây khác đã lên tiếng.

Hồi tháng 7 năm 2019, trong cuộc gặp gỡ một số nạn nhân các quốc gia bị đàn áp tôn giáo từ phòng Bầu Dục, một người Miến Điện thuộc sắc dân Hồi Giáo Rohingya đã hỏi Donald Trump rằng ông sẽ làm gì trước nạn diệt chủng tại Myanmar. Trump đã hỏi ngược lại “Myanmar chính xác là ở đâu?” và một phụ tá của ông đã cứu nguy cho thượng cấp khi nhắc ông là nó nằm cạnh … Burma!

Trong khi Burma vốn là tên cũ của Myanmar và Hoa Kỳ, Anh vẫn đang tiếp tục sử dụng vì không muốn thừa nhận cái tên do giới quân phiệt Miến Điện đã đổi tên. Không lấy điều này để đại diện cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, tuy nhiên nó cho thấy vấn đề Miến Điện không hề được Donald Trump biết đến.

Nhắc lại câu chuyện Donald Trump bên trên cùng một trong những khủng hoảng đối ngoại đầu tiên mà nội các tổng thống Joe Biden đối diện và phản ứng, người ta có thể nhìn nhận được vai trò, sự quan tâm và thái độ của Hoa Kỳ trước vấn đề dân chủ thế giới sẽ thay đổi theo từng lãnh đạo và nội các khác nhau. Điều này cho thấy, các phong trào dân chủ thế giới hay Việt Nam nói riêng cũng cần quan sát, theo dõi và nắm bắt theo từng chính sách ngoại giao và ưu tiên của mỗi đời tổng thống Hoa Kỳ, nếu thật sự muốn tìm kiếm sự hậu thuẫn và ủng hộ.

Nền dân chủ thế giới luôn bị thách thức và đối diện nguy hiểm, kể cả chính tại Hoa Kỳ, nơi từng được xem một thành trì dân chủ của thế giới. Câu chuyện Miến Điện là lời nhắc nhở về những nền dân chủ thiếu sức mạnh và nếu không được bảo vệ đúng mức, sẽ có nguy cơ xảy ra những gì như đang diễn ra trên đất nước chùa vàng này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét