Thứ Tư, 17 tháng 2, 2021

20210218. NGHĨ VỀ CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI VIỆT-TRUNG 1979

 ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐẶNG TIỂU BÌNH ĐÃ CHUẨN BỊ CHO CHIẾN TRANH TRUNG-VIỆT NHƯ THẾ NÀO ?

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 17-2-2021



Sau khi TQ [Trung Quốc] đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ và trước tình hình VN ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác với LX [Liên Xô], mà bản chất là đã hình thành liên minh quân sự giữa hai nước, Đặng Tiểu Bình quyết định bình thường hóa quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản, nhằm lôi kéo đồng minh và cô lập VN bằng các chuyến du thuyết.

Đầu tiên, ông ta tới Nhật Bản, Đặng đánh giá cao các thành tựu của Nhật “Chúng tôi học hỏi và bày tỏ lòng ngưỡng mộ người dân Nhật Bản, những con người vĩ đại, siêng năng, cần cù, quả cảm và thông minh”. Ông ta ôm chầm lấy lấy đối tác Nhật và tuyên bố “Trái tim tôi ngập tràn sung sướng”. Đặng cần Nhật giúp TQ cô lập LX và VN.

Tháng 11/1978, Đặng đến thăm Đông Nam Á, đến Malaysia, Thái, Singapore, ông ta cho VN là “Cuba của phương Đông” và cho rằng hiệp ước Xô – Việt mới ký là mối đe dọa cho hòa bình thế giới. Tại Thái Lan, Đặng nói là hiệp ước này không chỉ động đến mình TQ mà động đến toàn thế giới, nhưng TQ không sợ bị bao vây. Tuy nhiên Lý Quang Diệu lại cho rằng:

TQ muốn các nước ĐNA [Đông Nam Á] đoàn kết lại để nhằm cô lập gấu Nga. Nhưng thực ra các nước ĐNA lại e ngại con rồng Trung Hoa hơn bởi vì chẳng có người Nga kiều nào ở ĐNA cầm đầu các cuộc nổi loạn ở đây dưới sự hỗ trợ của LX mà chỉ có Hoa kiều được TQ hỗ trợ gây ra mối đe dọa cho các nước Thái, Malaysia, Philippines và Indonesia.

Sau đó Đặng đến Mỹ để vận động ngoại giao. Ông ta phân tích với phía Mỹ là có ý định gây chiến với VN vì VN không dừng lại ở Campuchia và Đông Dương sẽ không chỉ gồm 3 nước. Ba quốc gia là đầu tiên, sau đó sẽ thêm Thái Lan. TQ thấy có trách nhiệm phải hành động, không thể chờ đợi, một khi chúng phát sinh thì sẽ quá muộn.

Đặng nói với TT Carter rằng mình đã cân nhắc đến khả năng xấu nhất là LX can thiệp như hiệp ước Xô Việt mới ký. Bắc Kinh đã sơ tán 300.000 dân khỏi biên giới giáp LX và đặt các lực lượng phòng thủ ở đây ở mức cảnh báo tối đa. Nhưng Đặng cho là một cuộc chiến ngắn gọn, giới hạn sẽ không cho Moscow thời gian để có phản ứng lớn và điều kiện mùa Đông sẽ khiến cho LX gặp khó khăn nếu tấn công TQ. Đặng nêu rõ là không sợ nhưng cần “hỗ trợ đạo đức” từ phía Mỹ.

Hoa Quốc Phong nói với Kissinger là “Chúng tôi đã cân nhắc khả năng phản ứng của LX. Khả năng tấn công lớn vào TQ là rất thấp. Tuy có 1 triệu quân dọc biên giới nhưng sẽ không đủ, LX phải kéo quân từ châu Âu về, sẽ cần thời gian và LX biết là cuộc chiến với TQ sẽ không thể kết thúc trong thời gian ngắn.”

Carter không ủng hộ TQ gây chiến và cảnh báo Đặng là điều đó sẽ làm mất vị thế của TQ như một quốc gia hòa bình. Các nước ĐNA, Mỹ và LHQ đang phản đối VN, LX và Cuba, nhưng nếu có chiến tranh thì có thể khiến đang từ phản đối VN (vì chiến tranh với Campuchia) sang thành ủng hộ một phần. Mỹ cảnh báo TQ là xâm lược VN sẽ gây bất ổn nghiêm trọng.

Đặng vẫn quyết tâm dạy cho VN một bài học. LX có thể sử dụng Cuba, VN và sau đó là Afghanistan để ủy quyền. TQ sẽ vẫn hành động giới hạn. Nếu VN thấy TQ mềm mại thì tình hình sẽ tồi tệ thêm. Đặng rời Mỹ ngày 4/2/1979 và dừng chân ở Nhật lần hai sau có 6 tháng để chắc chắn có sự đồng thuận của Nhật trong việc cô lập LX.

Sau khi đi thăm Myanmar, Nepal, Thái, Sing, Mã, Nhật (hai lần) và Mỹ, Đặng hoàn tất việc cô lập Hà Nội. Kể từ đó Đặng không bao giờ rời TQ nữa.

Ngày 17/2/1979, chiến tranh nổ ra. TQ cho đây là “Đòn phản công tự vệ chống VN”. Tự vệ ở đây được hiểu là chặn trước các nguy cơ bao vây từ liên minh Xô Việt, từ phía VN như Đặng đã phân tích, chứ không phải tự vệ trước sự xâm lược của VN vào TQ. Mục đích của cuộc chiến là “Dạy cho VN một bài học hạn chế thích hợp, đặt sức ép lên tham vọng của VN. Dự đoán của TQ là LX không can thiệp quân sự là chính xác. LX chỉ gửi lực lượng đặc nhiệm hải quân đến biển Đông, vận chuyển hàng không cho VN và gây sức ép ở biên giới Xô – Trung.

Cuối tháng 2/1979, bộ trưởng Ngân khố Mỹ đến Bắc Kinh và khuyên TQ nên rút quân càng sớm càng tốt. Một tháng sau khi rút quân, Đặng có nói với Kissinger là “Quân đội TQ đã tiến sâu 30km và đủ mạnh để tiến đến HN, nhưng TQ không muốn”.

NGÀY 17/2/1979, KHỞI ĐẦU CỦA CHÍNH SÁCH ĐU DÂY

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 17-2-2021


Ngày 17/2 lại đến với hàng chục triệu người Việt Nam. Một cảm xúc lẫn lộn rất khó tả trên không gian mạng, trên báo chí nhà nước và báo chí hải ngoại. Người Việt cảm thấy tự hào vì đã đuổi được kẻ xâm lược đông hơn mình, bực tức vì Hà Nội và Bắc Kinh vẫn giao hảo, vẫn ý thức hệ tương thông và không biết tương lai sẽ như thế nào.

Ngày 17/2/1979 quân đội Trung Quốc ồ ạt tấn công Việt Nam. Một tháng sau, họ bị đánh bật, nhưng cuộc chiến vẫn còn kéo dài dai dẳng cho đến hiệp ước Thành Đô, năm 1990 mới chấm dứt. Mà thật ra chỉ chấm dứt trên đất liền, căng thẳng và xung đột trên biển vẫn còn kéo dài đến ngày nay.

Ngày 17/2/1979 là ngày khởi đầu cho học thuyết đu dây của ngoại giao Việt Nam cho tới nay. Đa số các nhà quan sát trong và ngoài nước đều cho rằng, 30 năm nay học thuyết đu dây, nghĩa là cố gắng giữ thăng bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ (phương Tây) được áp dụng xuyên suốt, được sự nhất trí hầu như tuyệt đối giữa các nhà lãnh đạo Hà Nội.

Học thuyết này cũng sẽ không thay đổi sau đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) vừa qua.

Trước cuộc chiến 17/2/1979, đảng CSVN rất “kiên định lập trường ta địch”, hoặc là họ đứng phe này hoặc phe kia, chứ không đu dây. Các phe phái địa chính trị này, trong con mắt đảng CSVN bị chi phối mạnh mẽ bởi ý thức hệ. Họ đứng về “phe xã hội chủ nghĩa chống tư bản” khi cuộc chiến tranh lạnh bắt đầu. Họ đứng về phe “kiên trì chủ trương đường lối, chống xét lại”, tức là về phía Bắc Kinh, chống Mạc Tư Khoa, trong rạn nứt đầu tiên của khối cộng sản. Sau đó họ lại “đứng về phía Liên Xô xã hội chủ nghĩa chống bọn bành trướng Bắc Kinh”.

Diễn biến của trận chiến biên giới bắt đầu ngày 17/2/1979 kéo dài hơn 10 năm chiến tranh giằng co sau đó, dạy cho đảng CSVN sự khôn ngoan địa chính trị, mà vì lý do ý thức hệ, họ không có trước đó. Cuộc đối đầu Việt – Trung này làm cho Hà Nội nhận ra rằng hiệp ước hữu nghị Việt – Xô mà họ ký trước đó, chỉ là mảnh giấy lộn.

Không có hành động quân sự nào của quân đội đồng minh Liên Xô ở biên giới phía Bắc của Trung Quốc, dù trước đó chỉ 10 năm, năm 1969, Hồng quân Liên Xô từng tấn công Bát lộ quân rất dữ dội trong một cuộc chiến biên giới ngắn nhưng đẫm máu. Cuộc tấn công đảo đá Gạc Ma của Trung Quốc năm 1988 diễn ra ngay trước mắt hải quân Liên Xô, đồn trú tại Cam Ranh.

Trước hiệp ước Thành Đô một năm, Đông Âu sụp đổ; sau Thành Đô một năm thì Liên Xô sụp đổ, nhưng Bắc Kinh vẫn tồn tại, sống hùng sống mạnh với vết máu Thiên An Môn trên mặt.

Tất cả những điều đó thúc đẩy Hà Nội ngày càng tin chắc rằng, đu dây là đúng.

Thật ra, thế giới quan của Hà Nội trước năm 1979 bị bó buộc lại trong một khung nhị nguyên ta – địch rất hẹp, do ý thức hệ mà ra, vì chính sách địa chính trị đu dây không hề hiếm trong lịch sử nhân loại.

Ngay bên cạnh Việt Nam, Vương quốc Thái Lan nhờ đu dây giữa hai đế quốc thuộc địa Anh và Pháp mà thoát cảnh bị ngoại bang đô hộ, và hiện nay, tương tự như Việt Nam họ cũng đu dây giữa Bắc Kinh và Washington.

Các quốc gia nắm giữ vị trí địa chiến lược quan trọng như Việt Nam, chẳng hạn Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ,… đều thực hiện chính sách đu dây từ lâu.

Một yếu tố quan trọng góp phần vào chính sách đu dây của Hà Nội cần được nói đến là, sự thất bại của Việt Nam Cộng hòa trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa, trong đó hạm đội 7 của Mỹ đã nhắm mắt làm ngơ, dù Sài Gòn là đồng minh chống Cộng một thời của Mỹ.

Hà Nội hiện nay hiểu rõ Washington hơn Sài Gòn ngày xưa, và họ cũng hiểu Mạc Tư Khoa nhiều hơn sau năm 1979. Việt Nam không tin cường quốc nào.

Liệu chính sách đu dây này kéo dài tới bao giờ, và nó có thật sự bảo vệ cho Việt Nam?

Rất khó trả lời cho câu hỏi này. Một mặt, quan hệ kinh tế Việt – Trung lớn đến mức không thể phủ nhận được, đối với bất cứ người nào cầm quyền tại Hà Nội. Mặt khác, ảnh hưởng của quyền lực mềm từ Mỹ và phương Tây lên xã hội Việt Nam ngày càng mạnh, tạo nên một áp lực lớn từ dưới lên, muốn rời xa Bắc Kinh.

Cho tới nay Hà Nội khá thành công trong chính sách đu dây, trong đó có lúc cương, lúc nhu với Bắc Kinh, theo như nhận xét của giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, trả lời ông Nguyễn Lương Hải Khôi của Tạp chí nghiên cứu Việt – Mỹ, Đại học Oregon.

Chính sách của Hà Nội đối phó với Bắc Kinh là một chính sách hai mặt khá hiệu quả. Ngoài mặt, mối quan hệ ý thức hệ giữa hai đảng cộng sản vẫn được đề cao, có thể vuốt ve được tự ái của Bắc Kinh muốn đóng vai cường quốc, nhưng bên trong là sự nghi ngờ rất sâu sắc của Hà Nội. Thể hiện rõ chính sách hai mặt này là việc Hà Nội âm thầm đóng cửa biên giới, không cấp visa cho người Trung Quốc lúc bắt đầu đại dịch Covid-19, các nhóm hacker Việt Nam được cho là có liên quan đến chính phủ xâm nhập website Sở Y tế Vũ Hán để tìm kiếm thông tin.

Câu hỏi tiếp theo là, liệu với cuộc đối đầu Mỹ – Trung có khả năng leo thang, Hà Nội có bắt buộc phải chọn phe?

Lời lẽ bài Hoa ồn ào của chính quyền Trump trong bốn năm qua được sự cổ vũ nhiệt tình của dân chúng Việt Nam, và cả các viên chức ngoại giao cấp thấp, tuy nhiên Hà Nội vẫn đủ khôn ngoan, âm thầm hưởng lợi từ sự ồn ào đó mà không làm phật lòng Bắc Kinh. Ngoài ra họ còn nhân cơ hội lơ là về nhân quyền của Trump để tiêu diệt các nhóm đối kháng trong nước.

Nay nước Mỹ trở lại với chính sách đối ngoại cố hữu là liên kết các đồng minh cùng giá trị dân chủ, duy trì sức ép về các vấn đề nhân quyền, liệu Hà Nội sẽ dạt về Bắc Kinh hơn?

Tôi nghĩ rằng họ đã quen những áp lực như vậy, và trên hết là mối nghi ngờ phương Tây muốn thay đổi chế độ của họ không còn nữa, sau chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015. Họ vẫn tiếp tục chơi con bài đu dây cho tới chừng nào vẫn còn đối đầu Mỹ – Trung.

KÝ ỨC

NGUYỄN HƯNG QUỐC/ TD 17-2-2021

Ngày này, 42 năm trước, Trung Quốc xua quân tấn công sáu tỉnh phía Bắc Việt Nam. Cuộc chiến tranh chỉ kéo dài 29 ngày (từ ngày 17 tháng 2 đến ngày 16 tháng 3, 1979). Tuy nhiên, mức độ thiệt hại về nhân mạng khá lớn. Về tử vong, phía Trung Quốc có khoảng 25.000 người và phía Việt Nam khoảng 20.000 người. Trong số tử vong của Việt Nam, một số khá lớn là thường dân. Phương châm của Trung Quốc là giết sạch phá sạch. Họ giết bất cứ người Việt Nam nào họ gặp, kể cả người già, phụ nữ và trẻ em. Họ cho nổ tung mọi ngôi nhà. Ở đâu họ tràn qua ở đó thành bình địa.

Điều đáng buồn là, ở Việt Nam, chính quyền tìm mọi cách để cuộc chiến tranh ấy chìm vào quên lãng. Họ hiếm khi nhắc và cũng không muốn cho ai nhắc đến nó. Những buổi tưởng niệm của dân chúng đều bị họ cấm đoán. Tại sao? Lý do thật chua chát: Họ sợ Trung Quốc giận!

***

Tại sao Trung Quốc đánh Việt Nam năm 1979?

Hôm qua, 16 tháng 2, tôi nhầm là ngày 17 nên viết bài về cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc vốn bắt đầu vào ngày 17. Hôm nay, đúng ngày, xin bàn tiếp một khía cạnh khác:

Tại sao Trung Quốc, nước từng viện trợ cho Việt Nam trên 20 tỉ đô la suốt cả cuộc chiến tranh trước 1975 lại quyết định tấn công Việt Nam?

Trung Quốc thường nêu lên bốn lý do chính: Một, đập tan giấc mộng bá quyền của Việt Nam ở Đông Nam Á; hai, trừng phạt Việt Nam về tội quấy phá ở vùng biên giới của hai nước; ba, trả thù việc Việt Nam đối xử tàn tệ đối với các Hoa kiều (trấn áp, tịch thu tài sản và xua đuổi họ ra khỏi nước); và bốn, dằn mặt việc Việt Nam ký hiệp ước liên minh với Liên Xô để mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Nam Á.

Các nhà bình luận chính trị quốc tế nêu lên ba mục tiêu chính của Trung Quốc: Một, tấn công có giới hạn một số vùng đất dọc biên giới để trừng phạt Việt Nam; hai, tạo sức ép để Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia; và ba, để Việt Nam – và từ đó, các nước khác – hiểu là không thể tin cậy vào sự liên minh với Liên Xô, từ đó, có thể cắt đứt mối liên minh ấy để quay về với Trung Quốc.

Trung Quốc thành công hoàn toàn ở mục tiêu đầu, dĩ nhiên với một giá rất đắt về nhân mạng. Nhưng hai mục tiêu sau thì họ lại thất bại: Việt Nam không những không rút quân khỏi Campuchia mà còn đóng chiếm ở đó trên 10 năm; Việt Nam không những không bất mãn Liên Xô mà còn tiếp tục giữ liên minh chặt chẽ với Liên Xô đến tận lúc Liên Xô sụp đổ vào năm 1990.

Đó là chuyện năm 1979. Còn bây giờ, Trung Quốc chưa đánh, Việt Nam đã tự đầu hàng.

NGÀY NÀY 42 NĂM TRƯỚC

NGUYỄN THÔNG/ TD 17-2-2021

Ngày này tức là ngày 17 tháng 2. Còn 42 năm trước, tức vào buổi chiều 17.2.1979. Khi ấy tôi dạy tại Trường dự bị đại học TP.HCM. Mới gần 2 tuổi nghề, hăng lắm, trường giao việc gì cũng nhận, thậm chí chưa giao cũng xung phong. Hồi ấy không biết, hoặc chưa có bài vè “Tiến lên ta quyết tiến lên/Tiến lên ta lại xông lên hàng đầu”, hăng bởi đang là đoàn viên.

Sáng 17.2.1979, cả trường vẫn hoạt động bình thường, thầy trò lên lớp, học hành theo lịch, chả có gì thay đổi. Chị Nguyễn Thị Huệ, giáo viên hóa, Bí thư Đoàn trường còn dặn tôi sáng mai nhớ bám chiếc xe Reo của ông Thi già tài xế xuống cơ sở 2 dưới Tiền Giang để bồi dưỡng lớp đối tượng đoàn. Thầy Nghiệp, thầy Chi, anh Dương dưới ấy đã chuẩn bị xong cả rồi, lên lớp 2 buổi trong ngày, tới chiều tối sẽ quá giang xe đưa rước giáo viên về lại Sài Gòn.

Suốt buổi sáng 17.2, không có thông tin gì. Trưa, nghe thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Năm thông báo họp đột xuất các trưởng bộ môn, trưởng phòng ban, bí thư đoàn, chủ tịch công đoàn. Hình như có chuyện chi ghê gớm lắm. Tan họp, ai cũng căng thẳng. Chú Dương Cao Thăng, Chủ tịch Công đoàn trường thông báo Trung Quốc nó đánh ta rồi. Có khi nó thốc xuống tận Hà Nội. Đánh từ sáng sớm nhưng hồi đó thông tin liên lạc kém nên tới trưa nghe đài Tiếng nói Việt Nam mới biết. Đài phát liên tục những thông tin mới nhất, nào là bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh trở mặt, nào là quân ta đang chiến đấu anh dũng cản bước tiến của quân thù, nào là sắp có lệnh tổng động viên trên cả nước, v.v..

Buổi chiều thầy hiệu trưởng cho cả trường nghỉ học. Ngày mai sẽ tổ chức mít tinh phản đối bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh. Chị Huệ bảo tôi thôi không phải xuống Tiền Giang nữa, hoãn lớp đối tượng đoàn, để lo việc trên này đã. Mấy anh em Bắc kỳ chúng tôi, các thầy Nguyễn Văn Vy, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Tài Hoạt, Lưu Văn Trường, Nguyễn Đức Tuấn, tôi, và các thầy người Nam mới được kết nạp đoàn như Nguyễn Cương, Lê Thành Thượng, Nguyễn Hữu Nghiệp, Chu Đức Khánh… sốt sắng lo công việc ngày mai. Ai cũng căng thẳng. Lại chiến tranh.

Tuần trước, tôi đi với thầy Thượng và nhiều sinh viên tới quân y viện 175 ở Gò Vấp thăm hỏi thương binh từ mặt trận Campuchia về, thấy nằm la liệt cả ngoài sân ngoài vườn, mỗi ngày đưa về cả trăm người cụt chân cụt tay, mù mắt…, thương lắm. Lại nhớ ông Lê Duẩn năm 1975 hớn hở bảo từ nay đất nước ta sạch bóng quân thù, hóa ra không phải vậy. Thầy Vy và tôi nhờ đám học sinh khệ nệ khiêng một tấm bảng gỗ rộng mấy mét vuông dựng ngay lối đi chính, kẻ phấn rõ to lên bảng hàng chữ “Tổ quốc lâm nguy, tuổi trẻ trường DBĐH sẵn sàng lên đường nhập ngũ”. Thầy Năm đi ngang qua, nhìn vậy có vẻ hài lòng lắm.

Chiều tối, thầy Trần Mộng Lang trong đảng ủy trường và chú Thăng thông báo tiếp rằng từ tối nay tăng cường trực ban, canh gác cẩn mật. Chú Thăng nói nhỏ trường ta nằm ngay địa bàn chính của người Hoa, phường 9 quận 5 là thủ phủ của người Hoa, mặc dù họ đã bỏ đi nhiều trong vụ nạn kiều năm ngoái (1978) nhưng vẫn phải cảnh giác. Tôi được phát một khẩu súng trường K44, 2 kẹp đạn, mỗi kẹp 10 viên, cứ hết ca trực khoác luôn về nhà. Khẩu súng này mãi tới năm 1988 tôi mới trả lại cho thầy Trần Minh Chưởng phụ trách đội tự vệ, từng có vài năm cứ đêm giao thừa lại đứng trên hành lang lầu 4, lôi súng ra chĩa lên giời làm 2 viên trong tiếng pháo nổ đì đùng. Không bắn được bọn bành trướng bá quyền thì làm pháo nổ giao thừa vậy.

Sáng 18.2, nhà trường mít tinh, đăng ký tình nguyện sẵn sàng lên đường bảo vệ tổ quốc. Rất đông thanh niên trai tráng ghi tên, chả biết bộ phận lưu trữ của trường có còn giữ lại được những hồ sơ quý báu ấy. Từ bấy giờ, nhắc tới Trung Quốc là bao giờ cũng liền với cụm từ “bọn bành trướng bá quyền”, “bọn phản động Bắc Kinh”. Tivi chiếu phim “Mây đen bao phủ bầu trời Bắc Kinh”.


Ảnh: Báo Nhân Dân

Người ta chuyền tay nhau bản photo cuốn sách trắng “Sự thật mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc” của Nhà xuất bản Sự Thật, trong đó đảng vạch trần bản chất dối trá không thay đổi hàng nghìn năm của Trung Quốc, nhất là đám cộng sản Tàu, chửi không tiếc lời, thề không đội trời chung, quyết không môi răng gì nữa. Từ nay thì anh đi đường anh tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi. Chỉ có điều, tôi nhớ một hôm đang gác đêm, thầy Hùng thắc mắc, Trung Quốc lâu nay đối với mình tốt thế, nó cho mình không thiếu thứ gì, ngay cái áo Tô Châu tao đang mặc đây (thầy Hùng xoa lên áo giơ ra), của thằng em đi bộ đội cho, cũng do Tàu viện trợ, thế mà tự dưng nó giở mặt ngay được.

“Mối tình hữu nghị Việt – Hoa/Vừa là đồng chí vừa là anh em”, anh em đồng chí thế chó nào mà lại ra nông nỗi này? Hay là bởi mình với nó cũng cùng một duộc, duộc cộng sản, cùng bản chất, mà bấy lâu mình cứ nghĩ là tốt đẹp?

Câu hỏi ấy của thầy Hùng tới giờ vẫn chưa có sự giả nhời chính thức, mà thầy Hùng thầy Vy thầy Tuấn thầy Nghiệp chú Thăng… đều đã lần lượt về cõi tiên cả rồi.

MỘT CÁCH TIẾP CẬN THỰC DỤNG, THỰC TẾ VỚI TRUNG QUỐC LÀ CẦN THIẾT

TRỊNH HỮU LONG/ TD 17-2-2021

Bất chấp chúng ta nuôi dưỡng những mong muốn nào về Trung Quốc, những điều sau đây là thực tế phũ phàng chúng ta phải chấp nhận:

1. Việt Nam ở ngay cạnh Trung Quốc, ở cửa ngõ thông ra biển của Trung Quốc. Không dời nước đi chỗ khác được.

2. Trung Quốc là nước lớn, và sẽ luôn luôn là nước lớn, bất kể Đảng Cộng sản hay đảng nào nắm quyền, bất kể Trung Quốc có bị tan rã ra làm 5, làm 7. Có tan ra thành 5, thành 7 thì từng tiểu quốc đó vẫn là nước rất lớn.

3. Kiểm soát các quốc gia láng giềng là việc bất kỳ nước nào cũng làm, không khác gì Việt Nam phải kiểm soát Lào và Campuchia, Mỹ kiểm soát Canada và Mexico. Dĩ nhiên cách Mỹ kiểm soát khác cách Trung Quốc kiểm soát. Nhưng nói vậy để thấy là Trung Quốc sẽ luôn tìm cách kiểm soát Việt Nam, bất kể chế độ chính trị là gì. Tôn Trung Sơn – người được cả Trung Quốc lẫn Đài Loan tôn thờ là quốc phụ – đã tuyên bố rõ Việt Nam là phần lãnh thổ bị mất của Trung Quốc, trước sau gì cũng phải thu hồi lại.

4. Châu Á là vùng có quá nhiều nước muốn xưng hùng xưng bá, Mỹ và phương Tây sẽ luôn luôn muốn chơi với tất cả để chống lại tất cả. Họ phải ghìm các tay giang hồ khu vực này lại bằng cách lấy thằng này đánh thằng kia chứ không dại gì trực tiếp nhúng tay vào khi chưa cần thiết. Mỹ sẽ dùng Nhật ghìm Trung Quốc, dùng Trung Quốc để ghìm Nhật, và cũng có thể dùng Trung Quốc để ghìm Ấn Độ khi tình thế thay đổi.

Đó là tình thế địa chính trị khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt. Trong nhiều năm tới, chuyện Trung Quốc là cộng sản hay tư bản, độc tài hay dân chủ, gần như không có nhiều ý nghĩa lắm. Một nước Trung Quốc dân chủ vẫn muốn yên ổn biên giới của mình, một nước Trung Quốc manh nha dân chủ hóa càng cần ổn định biên giới của mình theo nghĩa là chủ động kiểm soát được tình hình.

Một cách tiếp cận thực dụng, thực tế với Trung Quốc là cần thiết. Đẩy chủ nghĩa dân tộc lên quá cao thì Việt Nam ăn đủ, như Lê Duẩn từng hoang tưởng trong những năm cuối đời và cuối cùng gánh thảm bại.

Ở cạnh Trung Quốc là cơ hội để làm ăn, cũng như để kêu gọi các nước lớn khác tới. Nếu đủ thực dụng, hạn chế lý tưởng hóa/cực đoan hóa vấn đề thì có thể ăn nên làm ra, không thì vừa bị Trung Quốc chi phối, vừa chẳng kiếm ăn được gì. Chửi Trung Quốc thì dễ, nhưng sống yên ổn và thịnh vượng bên cạnh Trung Quốc mới khó.

Vấn đề lớn là chừng nào chính quyền còn không thừa nhận thực tế lịch sử quan hệ với Trung Quốc thì người dân sẽ tiếp tục quay lưng với chính quyền và phản đối mọi chính sách đối ngoại với Trung Quốc, bất kể chính sách đó hợp lý hay không hợp lý.

ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI TRUNG QUỐC THÌ CHÚNG TA PHẢI THAY ĐỔI

NGUYỄN TRƯỜNG SƠN/ TD 17-2-2021

Cuộc chiến biên giới 1979 cũng giống như cuộc tương tàn Bắc Nam trước đó, cứ mỗi khi nhắc về thì lại khơi gợi những cảm giác chua chát, đắng cay, tủi hờn, và cả hậm hực.

Đó là bởi vì cách nhà nước che đậy lịch sử, không cho người dân được thảo luận về các cuộc chiến tranh đó một cách cởi mở và đa chiều. Cái gì cũng muốn áp đặt ý chí của mình vào. Cái gì không đúng ý mình thì kiểm duyệt.

Người ta đã nói nhiều về việc hòa giải dân tộc giữa những người Cộng Sản và Quốc Gia. Nhưng việc hòa giải đó vẫn chưa thể thực hiện được, âu cũng chỉ vì nhà nước không mặn mà với việc đó, bằng chứng là các động thái hòa giải vẫn rất hạn chế, nhỏ giọt như việc bỏ cấm một vài bài hát trước 75, chứ chưa phải là một chính sách quan trọng của chính phủ, và của đảng Cộng Sản.

Tương tự với nó, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn dậm chân tại chỗ. Cách chúng ta nhìn nhận người láng giềng phương bắc ra sao cách đây hàng ngàn năm thì giờ vẫn vậy. Đó là bởi vì chúng chưa chưa từng có một nhà nước đủ tự tin để tuyên bố với người dân rằng từ nay trở đi chúng ta sẽ xây dựng quốc gia mình mạnh mẽ, làm tiền đề để xây dựng chính sách ngoại giao với Trung Quốc một cách bình đẳng hơn, tự chủ hơn.

Tâm lý của cả người dân lẫn nhà nước từ xưa đến nay luôn là ta yếu, địch mạnh, ta bị ăn hiếp và ta phải bật lại. Thiết nghĩ, chúng ta cần phải thay đổi mối tương quan và thái độ này. Nhưng muốn thay đổi thì nước ta cần phải có một nhà nước hiệu quả và một chính phủ giỏi, thậm chí phải là hiệu quả và giỏi hơn Trung Quốc.

Nói đên đây mới thấy, cái vấn đề gốc rễ của nước ta vẫn là làm sao để xây dựng được một mô hình nhà nước phù hợp, và lựa chọn được một chính phủ tài năng. Nhưng làm sao để làm được điều đó trong khi đảng Cộng Sản vẫn độc quyền điều hành nền chính trị, không cho bất cứ ai ngoài đảng được tham gia vào việc nước, và suốt mấy chục năm qua vẫn tước đoạt quyền bầu cử tự do của dân chúng?

Về phần cá nhân mình thì tôi đã chán ngấy với cái tâm lý nhược tiểu vốn đã in sâu vào tiềm thức của xã hội chúng ta mỗi khi nói đến Trung Quốc. Tôi muốn chúng ta bang giao với họ một cách tự tin, tự chủ và khéo léo. Thay vì coi họ là kẻ thù, thì ta coi họ vừa là thách thức để cải thiện mình, nhưng cũng là cơ hội để phát triển. Thay vì hằn học mỗi khi nhắc đến họ, thì ta tỏ ra thương cảm cho người dân của họ vì họ không có tự do.

Nhưng để làm được điều đó thì chúng ta không thể cứ thế này được. Chúng ta phải giải phóng mình trước sự kìm kẹp do chính mình tạo ra trước đã. Chẳng phải đảng Cộng Sản Việt Nam là do chính người Việt Nam tạo ra hay sao, vậy thì chỉ có người Việt Nam mới thay đổi được nó.

CHỈ TRONG 14 NĂM, BẮC KINH ĐÃ BA LẦN XÂM LƯỢC NƯỚC TA-BA MÙA XUÂN ĐAU THƯƠNG, MẤT MÁT

CÙ MAI CÔNG/ TD 17-2-2021

Không được sợ Trung Quốc!” (Cố Tổng bí thư Lê Duẩn).

Sáng 17-2-1979, 21 tháng Giêng năm Kỷ Mùi, Trung Quốc đưa 600.000 quân và 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối mở cuộc tấn công xâm lược nước ta dọc theo biên giới phía Bắc – từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu) hơn ngàn cây số.

Dựa vào số quân đông nhất trong tất cả lịch sử các cuộc xâm lược Việt Nam từ xưa tới nay, quân xâm lược Trung Quốc đã cùng lúc tấn công trên nhiều hướng, với 3 mũi trọng điểm: Cao Bằng, Lào Cai và Lạng Sơn.

Các hướng đều tập trung lực lượng rất lớn, kết hợp bộ binh, pháo binh với xe tăng, tiến công ồ ạt theo chiến thuật “biển người”.

Họ muốn mau chóng đánh phủ đầu, phá vỡ các trận địa phòng thủ, đập tan kháng cự của quân ta, đánh chiếm nhanh trong một, hai ngày các mục tiêu, đặc biệt các thị xã Cao Bằng, Lào Cai và Lạng Sơn.

Đối mặt với 600.000 quân Trung Quốc xâm lược lúc ấy, ta có 130.000 quân – gần 2/3 là dân quân. Nhưng dù chỉ bằng 1/4 quân số địch, chúng ta đã phản kháng quyết liệt, chặn đứng ý đồ “đánh nhanh thắng nhanh” của quân xâm lược phương Bắc.

Các đội quân tinh nhuệ của ta từ chiến trường Campuchia cũng được không vận, xa vận, hải vận liên tục về Hà Nội; chuẩn bị tiến lên biên giới phía Bắc và lập tuyến bảo vệ Thủ đô. Nhất là khi Trung Quốc tuyên bố đã chiếm được Cao Bằng, Lào Cai.

Sáng 5-3, Trung Quốc tuyên bố đã chiếm thêm được Lạng Sơn, “mở toang cánh cổng tiến về Hà Nội”. Họ tuyên bố vậy, nhưng cũng nắm được tin lệnh tổng động viên + một số sư đoàn của ta ở các nơi, nhất là Campuchia đã tập trung đủ ở Hà Nội chuẩn bị tiến lên biên giới quyết liệt phản công nên ngay lập tức tuyên bố rút quân.

Cũng sáng 5-3, chương trình phát thanh 90 phút thường ngày của Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt: “Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. (…). Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc”.

Cuộc chiến này chúng ta thắng, nhưng cũng bao nhiêu mất mát: hàng vạn người Việt, quân cũng như dân đã ngã xuống. Ngay giữa mùa xuân.

* Trước đó 5 năm, ngày 19-1-1974, 27 tháng Chạp năm Quý Sửu, chỉ còn vài ngày nữa là Tết, Bắc Kinh đã xâm lược, cưỡng chiếm Hoàng Sa của chúng ta. 75 người lính Việt đã hy sinh, xác thân vùi trong biển quê hương.

* Sau đó 9 năm, 14-3-1988, 27 tháng Giêng năm Mậu Thìn, họ lại chiếm một số đảo, bãi đá của chúng ta cho tới giờ. 64 lính Việt đã ngã xuống, máu hòa vào biển Tổ quốc.

ĐÃ LÀ NGƯỜI VIỆT, DÙ KHÁC CHIẾN TUYẾN, KHÔNG AI MƠ HỒ VỚI CÁI GỌI LÀ “HỮU NGHỊ VIỂN VÔNG” CỦA CÁC THẾ LỰC CẦM QUYỀN TRUNG HOA

Trước 1975, ở miền Bắc, Tổng bí thư Lê Duẩn nổi tiếng là một người có thái độ cứng rắn, quyết liệt theo hướng không chấp nhận lệ thuộc giới lãnh đạo Bắc Kinh. Ông khẳng định: “Chúng ta ở bên cạnh một đất nước mà lịch sử của nước đó chưa bao giờ từ bỏ dã tâm xâm lược đất nước ta”.

Ngay lịch sử VN ở thế kỷ 20 đã chứng minh nhiều lần cái dã tâm ấy: “Hoa quân nhập Việt” 1945, Hoàng Sa 1974, Chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc 1979, Trường Sa 1988… Và gần đây là hàng loạt hành vi xâm lấn Biển Đông. Người láng giềng “4 tốt, 16 chữ vàng” ấy càng lúc càng trơ trẽn – đến mức thô bỉ khi nói “VN không có quyền” nói đến Hoàng Sa, Trường Sa. Dã tâm của họ ngày càng lộ liễu đến mức trắng trợn.

Ở miền Nam trước 1975, ngay từ thời Đệ nhất cộng hòa, Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm cũng là một người có thái độ và hành động cứng rắn, quyết liệt với những thế lực Trung Hoa (từ Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Mao Trạch Đông) không khác Tổng bí thư Lê Duẩn.

Hễ là người Việt Nam, dù khác chiến tuyến, thậm chí đối lập nhau về chính trị, có lẽ không ai mơ hồ với những âm mưu, thủ đoạn “tằm ăn lá” của các thế lực Trung Hoa. Tới giờ vẫn vậy, thậm chí con tằm này hôm nay ăn còn táo tợn, công khai hơn trước.

PHẢI CÓ TÂM THẾ, QUYẾT TÂM LẤY LẠI HOÀNG SA, TRƯỜNG SA NGAY TỪ ĐỜI NÀY CHỨ KHÔNG ĐẨY CHO ĐỜI CON CHÁU!

Không được sợ Trung Quốc!” (Cố TBT Lê Duẩn).

Hiện nay, sau nhiều tháng, nhiều năm kình địch, cục diện Mỹ – Trung đã lật bài ngửa với nhau.

Trước một loạt thái độ, hành xử phải nói là bất chấp của nhà cầm quyền Bắc Kinh ở khắp nơi, trên mọi mặt từ chính trị, kinh tế, quân sự đến Covid và sau bao nhiêu lần máy bay, tàu chiến Trung – Mỹ vờn nhau, đã đến lúc Mỹ không thể lịch sự, tế nhị với Bắc Kinh nổi.

Đúng là Mỹ chỉ nói tự do hàng hải ở Biển Đông. Nhưng đó là mâu thuẫn đối kháng với tham vọng – “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Mâu thuẫn đối kháng là mâu thuẫn một mất một còn. Có lợi cho ta, có lợi cho Hoàng Sa – Trường Sa của ta.

Ngay trong nước họ, chuyện Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông… cũng là mâu thuẫn đối kháng quyết liệt, chỉ chờ cơ hội bùng nổ. Đài Loan thì luôn luôn mật phục chờ cơ hội và chắc chắn không cam chịu cho Bắc Kinh thôn tính bằng vũ lực.

Bắc Kinh càng lúc càng lộ ra bộ mặt ghê tởm của mình; đang bị toàn bộ các nước xung quanh, nhiều nước lớn trên thế giới nhìn như một con quái vật.

Năm nay, họ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921-2021) nên càng hung hãn hơn. Mới đây, họ ra luật Hải cảnh, cho phép bắn tàu nước ngoài đi vào vùng lãnh hải mà họ tự tiện cho là của họ. Nhiều vùng biển thuộc về Việt Nam bị họ cưỡng chiếm lâu nay.

Chế độ Bắc Kinh độc tài, tàn bạo, dối trá, dơ bẩn và tham lam vô độ… bậc nhất trong lịch sử loài người tưởng chừng “trơ trơ như đá, vững như đồng” có thể sẽ sụp đổ rất nhanh khi có sự biến quốc tế + lòng dân trong nước họ, tất yếu sẽ đến. Vấn đề thuộc về thời gian.

Nên nhớ Trung Quốc không chỉ bị nhất diện mai phục mà thực tế đang bị thập diện mai phục, từ trong ra ngoài nước họ.

Dù cực kỳ khó khăn, muôn trùng khó khăn nhưng phải có tâm thế, quyết tâm lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa ngay từ đời này chứ không đẩy cho con cháu lấy.

Bao đời nay, có cuộc chiến chống xâm lược phương Bắc nào không cực kỳ khó khăn, muôn trùng khó khăn. Nhưng chúng ta đều đã chiến thắng.

Cục diện mới, cơ hội mới đang diễn ra rất nhanh, có lợi cho ta. Đã là người Việt phải có niềm tin này nếu thật sự muốn thu phục giang sơn, biển đảo của ta về một mối.

Cho những mùa xuân vẹn toàn lãnh thổ Việt Nam.

QUAN ĐIỂM CỦA CLB LÊ HIẾU ĐẰNG VỀ CUỘC XÂM LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC NGÀY 17/2/1979

LÊ THÂN/ TD 16-2-2021

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, Ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đứng đầu là Đặng Tiểu Bình đã đưa 60 vạn quân cùng các phương tiện chiến tranh tối tân, đồng loạt tấn công vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Quân xâm lược Trung Cộng đã tàn sát hàng chục vạn đồng bào ta, tàn phá tất cả các thành phố, làng mạc nơi chúng tấn công, chiếm đóng.

Hàng vạn chiến sỹ ta đã hy sinh trong cuộc chiến đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ Biên giới của Tổ quốc. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt NAM do nhà cầm quyền Bắc Kinh phát động từ ngày 17/2/1979 đến nay vẫn còn tiếp diễn, trên bộ còn nhiều hài cốt của chiến sĩ, đồng bào ta bị quân Trung Quốc tàn sát chưa được quy tập về nghĩa trang. Trên Biển Đông, Trung Quốc càng ngày càng hung hăng chiếm đảo của Việt Nam xây dựng căn cứ quân sự, bắn giết ngư dân Việt Nam ngày càng gia tăng.

Cuộc chiến đến nay đã 42 năm nhưng có nhiều điều vẫn chưa được nhìn nhận cho đúng. Quan điểm của CLB Lê Hiếu Đằng chúng tôi là:

1. Cần phải khẳng định dứt khoát, rõ ràng rằng: Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, do Trung Quốc tấn công Việt Nam vào ngày 17/2/1979 là cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, tàn ác. Quân dân Việt Nam đã anh dũng kháng chiến, đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi biên giới, giành thắng lợi vẻ vang. Điều đó phải ghi vào sử sách minh bạch và được giảng dạy trong nhà trường.

2. Nhà nước cần phải tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt các Liệt sĩ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới và xây dựng, tôn tạo Nghĩa trang Liệt sĩ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc xứng với chiến công và sự hy sinh của quân đội anh hùng của chúng ta. Đó phải là Nghĩa trang Quốc gia để những ngày Lễ, thân nhân các Liệt sĩ và nhân dân mọi miền đều có thể đến tưởng niệm, tri ân các Liệt sĩ một cách trang trọng và thuận tiện.

3. Nhà nước, chính quyền các cấp cần phải tôn trọng các tổ chức, đoàn thể xã hội và nhân dân các nơi trong cả nước tổ chức tưởng niệm các Liệt sĩ và nhân dân đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, coi đó là sinh hoạt tâm linh thiêng liêng, cần được tôn trọng và ủng hộ.

4. Yêu cầu Quốc hội ban hành nghị quyết chính thức phản đối và bác bỏ giá trị pháp lý Luật Hải Cảnh của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các đảo Hoàng Sa, Trường Sa, các vùng biển vùng trời của Việt Nam.

Ngày 16/2/2021

TM CLB Lê Hiếu Đằng

Lê Thân

NGHĨ NHÂN NGÀY 17/2: NGƯỜI VIỆT CÓ THÙ DAI ?

NGUYỄN THIỆN/ TD 17-2-2021

Trẻ em và phụ nữ trong chiến tranh biên giới phía Bắc. Nguồn: Báo PN

Giữa các nước, chiến tranh rồi lại hữu nghị đó là điều rất bình thường, không ai vì lý do từng chiến tranh mà thù ghét nhau mãi mãi.

Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản, hơn 200.000 người chết, hàng năm người Nhật ở Hiroshima và Nagasaki đều tưởng niệm để mong thảm họa đó không bao giờ lập lại trên trái đất, nhưng quan hệ Mỹ – Nhật vẫn luôn thắm thiết. Cái cốt lõi, giữa Mỹ và Nhật không tồn tại một tranh chấp lãnh thổ nào, Mỹ cũng không chiếm một tấc đất nào của Nhật, ngược lại, Mỹ giúp đỡ Nhật vươn lên từ đống tro tàn để trở thành quốc gia hùng cường bậc nhất.

Tháng 5/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima và 6 tháng sau Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đặt hoa tưởng niệm những người thiệt mạng trong trận Trân Châu Cảng 75 năm trước, khẳng định Tokyo sẽ không bao giờ lặp lại nỗi kinh hoàng chiến tranh này. Đó là cách họ nhớ về quá khứ.

Pháp từng đô hộ Việt Nam 100 năm, Mỹ từng đổ nửa triệu quân vào cuộc chiến ở Việt Nam, nhưng hiện nay quan hệ giữa Việt Nam – Pháp, Việt Nam – Hoa Kỳ hết sức tốt đẹp, thậm chí rất nhiều người Việt không muốn nhắc đến những trang sử buồn khi nói đến Pháp và Mỹ.

Nói như vậy để thấy rằng cuộc chiến tháng 2/1979 giữa VN và TQ sẽ lùi vào quá khứ, không được cộng đồng nhắc nhiều như hiện nay nếu như Trung Quốc không chiếm đóng Hoàng Sa của chúng ta; nếu như Trung Quốc không chiếm một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam; nếu như Trung Quốc không có âm mưu chiếm trọn biển Đông trong khi con đường ra biển là con đường sống, là tương lai của dân tộc Việt Nam; nếu như… ôi còn nhiều nếu như nữa …

Chừng nào các tồn tại đó vẫn còn giữa 2 nước thì cho dù các nhà chính trị cố tình giảm nhẹ đi bằng ngôn từ hoa mỹ, hoặc cố tình không nhắc tới, hoặc ai đó cố phá bỉnh các hình thức tưởng niệm như cẩu lư hương, khai trương lớp khiêu vũ dưới chân tượng đài Cụ Lý, giật băng tưởng niệm… như đã từng xảy ra, thì 17/2 sẽ vẫn mãi là ngày mà hàng triệu người Việt Nam không thể nào quên vì quên là mất cảnh giác trước âm mưu thâm độc của người láng giềng nham hiểm.

Mà tôi nghĩ các tồn tại này sẽ còn dài, dài lắm, có khi hàng trăm năm nữa!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét