Thứ Năm, 18 tháng 2, 2021

20210219. CHIA SẺ ĐẦU XUÂN TÂN SỬU VỀ GIÁO DỤC

 ĐIỂM BÁO MẠNG


CHIA SẺ ĐÔI ĐIỀU VỀ GIÁO DỤC ĐẦU XUÂN TÂN SỬU

PHẠM THỊ HIỀN*/GDVN  15-2-2021

Tôi nhận lời viết bài dịp Tân Xuân cho Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vào thời điểm hết sức đặc biệt, những ngày cận kề Tết Tân Sửu. Khi học sinh- sinh viên cả nước đang háo hức chuẩn bị chào đón Tết cổ truyền Tân Sửu 2021 thì bất ngờ nhận được thông báo nghỉ Tết sớm hơn dự định, đại dịch Covid -19 một lần nữa đã bùng phát trong cộng đồng. Có thể lúc này, các em học sinh- sinh viên cũng chẳng còn trạng thái tâm lý vui mừng như trước đây, là được nghỉ Tết sớm, là được tự do thoải mái tận hưởng không khí xum vầy bên gia đình, bạn bè, người thân…

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền. Ảnh: NVCC

Điều đáng lưu tâm ở làn sóng thứ 3 của đại dịch tại Việt Nam là hình ảnh các em nhỏ đang học mầm non, tiểu học, một số giáo viên và cha mẹ học sinh phải mang hành lý vào cách ly tập trung tại trường học vì có em đã bị dương tính với virus nguy hiểm này, cả lớp học cùng giáo viên chủ nhiệm bỗng nhiên trở thành F1.

Ở độ tuổi còn phụ thuộc nhiều vào sự bảo vệ chăm sóc hàng ngày của người lớn, chắc chắn các em vẫn chưa thể hiểu vì sao mình phải tạm rời vòng tay của bố mẹ ông bà, vì sao phải trùm kín áo mưa tiện lợi ngồi giữ khoảng cách với các bạn để đợi đến lượt mình xét nghiệm.

Hình ảnh ấy thật sự gây xúc động rất mạnh cho bất kỳ ai nhìn thấy. Hình ảnh ấy đã cho chúng ta nhận diện rõ nét hơn về những tác động quá lớn của virus SARS-CoV-2, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, văn hóa- xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục.

Đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới phải đối mặt, phải thích nghi với sự thay đổi mạnh mẽ và toàn diện về nhận thức xã hội, hành vi con người với môi trường bên ngoài. Nó khiến cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách phải tập trung cao độ để ứng phó trước những diễn biến quá nhanh của virus, đó là vừa xử lý những vấn đề cấp bách, vừa xây dựng các chính sách nhằm kiểm soát, quản lý, phát triển xã hội với tầm nhìn dài hạn. Và lúc này, lĩnh vực giáo dục & đào tạo càng phải giữ vững vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong việc xây dựng kiến tạo xã hội.

Ở đó, thế hệ hiện tại và tương lai cần phải được giáo dục và rèn luyện kỹ càng để có thể vượt qua các thách thức và biến động xã hội. Chắc chắn, các chính sách giáo dục trong giai đoạn thích ứng “trạng thái bình thường mới” của xã hội và cả trong tương lai cần phải được nghiên cứu hoạch định bằng tư duy với tầm nhìn dài hạn, thay thế cho các chính sách, chương trình, kế hoạch ngắn hạn hoặc thực dụng theo kiểu cuốn chiếu đã tồn tại trong suốt nhiều năm qua.

Những lối mòn hay những vết xe đổ trong giáo dục hiện hành rất cần phải tránh xa, muốn kiến tạo tương lai thì không thể ẩn mình an toàn trong các lỗ hổng chính sách đã cũ, đã không còn phù hợp, đó là điều hiển nhiên. Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và xã hội hóa sách giáo khoa lớp 1 trong năm vừa qua với những "hạt sạn" là một câu chuyện rất đáng phải quên đi, nhưng nó lại mang bài học kinh nghiệm đầy xương máu cho các nhà quản lý giáo dục trong năm mới này.

Nhất là khi năm học tiếp theo, chúng ta tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bộ sách giáo khoa mới cho cả lớp 2 và lớp 6, trong khi câu chuyện xử lý trách nhiệm, xử lý lỗi sai trong các bộ sách giáo khoa lớp 1 vẫn chưa có gì rõ ràng cả. Có không ít phụ huynh vẫn mang nhiều tâm tư trăn trở gởi đến tôi, họ lo lắng nhiều lắm, họ chờ đợi một phương hướng xử lý thật mạch lạc.

Giáo dục & đào tạo phải luôn gắn với trau dồi và rèn luyện, quan điểm của tôi từ trước đến nay luôn nghĩ như vậy. Việc tiếp nạp tri thức hay khai phóng năng lực con người không thể chỉ thông qua các bài học trên lớp và vô số bài tập về nhà, những kỳ thi đầy mệt mỏi trong suốt 12 năm giáo dục phổ thông. Không chỉ có truyền tải kiến thức, sứ mệnh mới của giáo dục phổ thông còn phải hướng đến việc rèn luyện cho học sinh- sinh viên có khả năng thích ứng linh hoạt, kỹ năng số thuần thục, kích hoạt năng lực phối kết hợp, nâng cao ý thức tự giác về nghĩa vụ, không chỉ là nghĩa vụ mang tính chất cá nhân đơn thuần mà còn là nghĩa vụ giữa cá nhân với xã hội.

Một nền giáo dục hướng tới sự bền vững là nền giáo dục truyền đạt cho người học khả năng linh hoạt trong tình cảm và trí tuệ, cho phép người học phát triển tư duy, kiến thức theo thiên hướng cá nhân, kết nối các giá trị và kỹ năng để tham gia vào những quyết định, hành động của cá nhân cũng như tập thể. Nền tảng cho sự phát triển bền vững của giáo dục đó chính là trao quyền và tôn trọng sự sáng tạo.

Fukuzawa Yukichi, một nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản thời cận đại đã viết trong cuốn “Khuyến học” của ông rằng: “Quan sát, suy luận, đọc sách là cách để tích lũy tri thức; Bàn bạc, tranh luận là cách để trao đổi tri thức; Viết, diễn thuyết là cách để mở rộng tri thức”.

Tôi cho đó là một tư tưởng còn khá mới mà chúng ta nên xem xét và nghiên cứu ứng dụng trong chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam. Điều đặc biệt trong cuốn sách này, nhà tư tưởng người Nhật gần như không nói nhiều về thi cử. Cá nhân tôi cũng nghĩ rằng, đổi mới giáo dục là đổi mới cả vấn đề thi cử đối với từng cấp học hiện nay. Ở khía cạnh nào đó, tôi chỉ thấy nó mang nhiều gánh nặng, nhiều áp lực bởi căn bệnh thành tích đã ăn sâu trong tiềm thức của không ít người Việt. Nếu thi cử mang ý nghĩa của một dấu mốc quan trọng, là đánh dấu một chân trời kiến thức đã được tìm thấy qua từng cấp học thì tôi hy vọng rằng các nhà quản lý, hoạch định chính sách của giáo dục sẽ biết cách đặt người học vào đúng trọng tâm để đổi mới công tác thi cử trong những năm sắp đến. Học để thi và điểm số là thành tích sẽ không giúp gì cho công cuộc cải cách, chấn hưng nền giáo dục nước nhà.

Ai cũng hiểu rằng phát triển và đổi mới giáo dục là sự nghiệp lâu dài đòi hỏi sự thận trọng và bền bỉ, không thể hoàn thành ngay trong ngày một ngày hai. Tuy vậy, tôi nghĩ chương trình giáo dục phổ thông ở thì hiện tại đã đến lúc cần được nâng lên ở mức cấp bách, một số chính sách cần phải được thay đổi mạnh mẽ và toàn diện mà không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Trước hết, ngoài việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy học tập, kịp thời duy trì việc trao đổi, tiếp thu kiến thức đối với người học bằng nhiều hình thức thì trong tương lai gần, việc xây dựng, phổ biến chương trình giáo dục phổ thông có tính tương thích với mọi điều kiện, mọi hiện trạng, thành phần đối tượng người học là điều mà ngành Giáo dục cần quan tâm nghiêm túc, đầu tư nghiêm túc.

Tôi và cũng như nhiều người dân rất mong Việt Nam mình sẽ sớm có một hệ thống giáo dục được xây dựng trên nền tảng vững chắc, có chiều sâu và đa ứng dụng. Mà ở đó, khi vận hành bằng phương tiện hay công cụ gì cũng đều đáp ứng thật tốt, thật thông suốt hướng tới mục tiêu cuối cùng của Giáo dục. Suy cho cùng, đổi mới giáo dục cần bắt đầu từ đổi mới tư duy trong quản lý Giáo dục.

Hãy thử hình dung như thế này, chúng ta đang ngồi trên chiếc xe mang tên “giáo dục” và có nhiệm vụ phải vận hành nó tiến về phía tương lai. Con đường mà chúng ta đang đi được xem như là hành trình tìm kiếm tri thức, khai phóng sức mạnh nội lực con người, xây dựng và phát triển xã hội. Khi lái xe, chúng ta phải tập trung quan sát thật tốt, phải nhìn vào gương chiếu hậu, thao tác sử dụng thuần thục các thiết bị; song điều chắc chắn rằng chúng ta phải luôn nhìn thẳng phía trước, nơi mà chúng ta hướng đến, tiến đến. Nếu không muốn xe dừng lại đột ngột hoặc gây ra một sự cố nào trên đường thì chúng ta bắt buộc phải học cách đối mặt, xử lý, ứng phó kịp thời và chuẩn xác với những tình huống có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, lựa chọn thắng gấp hoặc bẻ lái theo những thay đổi trên đường, miễn là để có thể điều khiển chiếc xe một cách vững vàng nhất mà không bị mất lái. Trong tiến trình đổi mới giáo dục cũng thế, quan trọng nhất là cách chúng ta điều khiển, vận hành công cuộc ấy như thế nào, và người cầm lái người tham gia vận hành chắc chắn sẽ là nhân tố quyết định trong cải cách, đổi mới Giáo dục Việt Nam hiện nay.

Với tâm thế và vai trò của mình hiện tại, đôi khi tôi luôn phải giữ một trạng thái tâm lý thật “tĩnh” vì đã từng nhiều lần chứng kiến sự sốt ruột, bức xúc cho đến ở đâu đó có sự suy giảm niềm tin của dư luận xã hội, của phụ huynh học sinh trước những vấn đề nóng, những câu chuyện buồn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo thời gian qua. Cố gắng giữ cho mình “vốn niềm tin” đủ để có thể chia sẻ với phụ huynh và cả giáo viên những lúc như vậy là trách nhiệm của một đại biểu dân cử. “Vốn niềm tin” ấy không hẳn tự nhiên mà tôi có, càng không phải là niềm tin sáo rỗng tôi tự huyễn hoặc mình, mà bởi vì khi đặt để tâm thế của mình ở góc nhìn đa chiều, tôi nhận thấy có rất nhiều tín hiệu tích cực, trân trọng những kết quả mà công tác Giáo dục- Đào tạo nước nhà đã và đang đóng góp trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Tôi tin rằng những thay đổi sẽ thật sự khởi sắc và chúng ta có quyền đặt nhiều hy vọng trong giai đoạn mới này, bởi giá trị cốt lõi của giáo dục đó chính là kiến tạo tương lai.

* Bài viết thể hiện quan điểm của người viết.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền
CÓ THỂ CHỌN BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC KHÔNG PHẢI LÀ UVTƯ  ĐẢNG ĐƯỢC KHÔNG ?
NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 15-2-2021

Vai trò của giáo dục quan trọng như thế nào thì đã được đề cập nhiều nên không nhắc lại ở đây. Chỉ xin trao đổi đôi điều về vị trí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGDĐT) sau khi đã có danh sách các UVTƯ được bầu tại Đại hội XIII.

NĂM LÝ DO ĐỂ KHÔNG YÊU CẦU PHẢI LÀ UVTƯ KHI CHỌN BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

1. Điểm qua danh sách các UVTƯ khoá XIII có liên quan đến giáo dục và khoa học, được Ban tổ chức trung ương, Ban bí thư và Bộ chính trị khoá XII lựa chọn từ các trường đại học và các cơ sở khoa học giáo dục để làm cán bộ nguồn, thì thấy rất lo cho vị trí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGDĐT). Một cách thẳng thẳng, trong số các UVTƯ khoá XIII thuộc lĩnh vực giáo dục và khoa học, chưa nhìn ra một ứng viên nào xứng đáng với vị trí Bộ trưởng BGDĐT. Chiếc áo Bộ trưởng BGDĐT đều quá khổ cho bất cứ ai trong số các ứng viên này.

2. Đối với vị trí Bộ trưởng BGDĐT cần chọn người có tầm nhìn sáng về phát triển giáo dục và khoa học cho quốc gia. Để có tầm nhìn sáng về phát triển giáo dục và khoa học thì phải có tri thức rộng lớn về nhiều lĩnh vực, phải rất am hiểu về các khoa học liên quan đến sự phát triển của tự nhiên. Chẳng hạn như cố bộ trưởng Tạ Quang Bửu là một thí dụ được kiểm nghiệm.

3. Tài năng không đi theo con đường tuần tự. Tài năng bước những bước lớn, bỏ qua những bước tuần tự tủn mủn. Cho nên, đối với vị trí Bộ trưởng BGDĐT không nên chọn theo cách tuần tự thông thường đang áp dụng cho việc tuyển chọn nhân sự hiện nay. Cụ thể là yêu cầu phải kinh qua các vị trí lãnh đạo từ thấp đến cao.

Thí dụ như ông Putin được ông Eltsin lựa chọn không theo con đường tuần tự. Thí dụ ông Donald Trump trở thành tổng thống Hoa Kỳ không qua con đường tuần tự. Yêu cầu kinh qua các vị trí lãnh đạo tuần tự từ thấp đến cao là phép loại bỏ các tài năng, bắt tài năng phải thui chột trước khi có được cơ hội toả sáng.

4. Công dân Việt Nam, nếu xứng đáng với vị trí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì đó là những người có tri thức sâu rộng. Những người có tri thức sâu rộng chắc chắn không đi ngược lại quyền lợi của nhân dân và tổ quốc. Cho nên, lựa chọ vị trí Bộ trưởng BGDĐT không nên quan tâm đến đảng phái tôn giáo.

5. Học tập Cụ Hồ ở điểm nào?

Nhiều trí thức du học phương Tây được Cụ Hồ chọn vào Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà không phải là đảng viên ĐCS Đông Dương, cũng không nằm trong Ban chấp hành trung ương của ĐCS Đông Dương.

Học tập và làm theo gương Cụ Hồ chính là ở điểm này. Vì lợi ích dân tộc cần phải chọn cho được một vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xứng tầm, bỏ qua mọi rào cản về đảng phái, tôn giáo, lý lịch.

ĐỀ XUẤT

Biết là rất khó khăn. Nhưng vẫn đề xuất.

1. Không yêu cầu phải là UVTƯ khi lựa chọn vị trí Bộ trưởng BGDĐT. Không xét đến các tiêu chí đảng phái, tôn giáo và lý lịch trong để cử và ứng cử cho vị trí Bộ trưởng BGDĐT. Điều này hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục đích và tôn chỉ của ĐCS VN. Điều này là học tập và làm theo Cụ Hồ.

2. Các ĐBQH mạnh dạn ứng cử vào vị trí Bộ trưởng BGDĐT.

3. Các công dân Việt Nam tự tin ứng cử vào ĐBQH và ứng cử vào vị trí Bộ trưởng BGDĐT.

4. Các vị UVTƯ và ĐBQH tiến cử người cho vị trí Bộ trưởng BGDĐT.

CHIA SẺ

1.Nhớ lại tích xưa, khi Bào Thúc Nha có công rất lớn giúp Tề Hoàn Công (715 TCN – 643 TCN) lên được ngôi vua (685 TCN), lại từ chối chức Tể tướng mà tiến cử Quản Trọng (725 TCN – 645 TCN) cho Tề Hoàn Công để làm Tể tướng. Bào Thúc Nha là tấm gương thanh liêm, thẳng thắn, không tham quyền, không kỳ thị người tài, đã được sử sách ghi nhận.

Việc tiến cử người tài ra giúp nước ở thời xưa là một trong những cách thức tìm người hiền tài. Cách thức này được các vua quan thời trước thực thi thường xuyên và trở thành truyền thống. Nhưng không biết từ thời nào lại biến mất cách thức tiến cử người hiền tài?

2. Các vị ĐBQH hãy tự tin ứng cử vào vị trí Bộ trưởng BGDĐT. Và tìm cách tiến cử những người có đủ năng lực vào vị trí Bộ trưởng BGDĐT. Đó là trách nhiệm của ĐBQH trước cử tri cả nước.

3. Lại thêm một giấc mơ đầu xuân. Mơ mãi tất thành hiện thực.

DẠY THÊM CHÍNH KHÓA LÀ THAM NHŨNG TRÁ HÌNH

THÙY LINH/ GDVN 9-2-2021

Những ngày gần đây, câu chuyện “dạy thêm, học thêm” lại gây xôn xao dư luận khi có ý kiến cho rằng, tăng lương giáo viên 20 triệu đồng/tháng, có lẽ chẳng giáo viên nào dạy thêm.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, khát vọng trong cuộc sống của mỗi người đều rất cao, do đó kể cả tăng lương lên 20 triệu đồng/ tháng thì họ vẫn tìm cách để tăng thu nhập.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền - Thành viên liên đoàn giáo dục độc lập Australia cho rằng, trước hết chúng ta cần phải làm rõ khái niệm dạy thêm và dạy phụ đạo.

Theo thông tư 17/2012/TT-BGDDT, do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm và học thêm ban hành ngày 16/05/2012, dạy thêm và dạy phụ đạo được định nghĩa:

Dạy thêm là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Còn dạy phụ đạo là dạy cho những học sinh có học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường và không thu tiền của học sinh và không coi là dạy thêm và học thêm.

Ảnh minh họa: Trinh Phúc

Như vậy, việc dạy thêm là có chủ trương nhưng chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền thắc mắc ba vấn đề.

Thứ nhất là ai là người chịu trách nhiệm kiểm tra và đánh giá chất lượng và nội dung của chương trình dạy thêm?

Thứ hai, làm thế nào có thể xác định nội dung của thầy cô đó dạy nằm trong hay ngoài chương trình giáo dục phổ thông mà Bộ ban hành?

Thứ ba, nếu tham gia dạy thêm thì liệu thầy cô có thể đảm bảo được chất lượng giáo dục của chính khóa được không?

Vì dạy thêm được thu tiền cho nên việc cắt giảm nội dung chính khóa để đưa vào dạy thêm là tất yếu. Còn về dạy phụ đạo đặc biệt là học sinh yếu, kém liệu các giáo viên có thật sự tận tâm và hy sinh thời gian của mình để dạy hay không vì không được thu tiền.

Cho nên có thể thấy Thông tư 17 thể hiện sự bất cập trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục chính khóa trong bậc phổ thông.

Vậy vấn đề việc dạy thêm này có phải chăng là do lương giáo viên thấp nên muốn tạo điều kiện để giáo viên tăng thu nhập? Hay nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh và phụ huynh?

"Nếu vì vấn đề thứ nhất thì tôi cho rằng đây là hình thức lách luật còn vì vấn đề thứ hai thì tôi khẳng định con số đó rất ít. Học sinh đã học quá tải ở chính khóa, còn phải gánh thêm kiến thức học thêm. Đó là một hình thức nhồi nhét cực hình, tra tấn về tâm lý.

Còn phụ huynh một số ít vì sợ con hư nên có thể xem đó là cách để gửi con cho thầy cô trông hộ chứ mất tiền để cho con học thêm không phải phụ huynh nào cũng muốn. Nhưng tác hại của việc này không chỉ nằm ở đó mà nó sẽ tạo ra sự phân biệt trong đối xử học sinh của thầy cô mà thực tế như phản ánh của báo chí. Học sinh không đi học thêm, không đóng tiền học thêm thì bị thầy cô xa lánh, thậm chí bị bạn bè coi thường", chuyên gia này nhận định.

Vậy lương giáo viên tăng cao thậm chí lên 20, 30 triệu đồng/tháng họ có bỏ dạy thêm không? Cá nhân ông Nguyễn Sóng Hiền cho rằng là KHÔNG. Bởi theo ông, bản chất của vấn đề không phải là vấn đề lương của giáo viên thấp mà nó xuất phát từ đạo đức nghề nghiệp.

“Tôi cho rằng đội ngũ giáo viên hiện nay của chúng ta chia thành hai tầng lớp. Tầng lớp thứ nhất, tôi gọi họ là thầy cô. Đây là những giáo viên thật sự có đam mê nghề nghiệp, có tố chất sư phạm, có lý tưởng phụng sự và cống hiến cho nghề mình theo đuổi.

Họ hy sinh, tận tụy hết mình cho sự nghiệp trồng người cao cả vì họ nhận thức được rằng những đồng lương họ nhận được dù ít ỏi nhưng đó chính là đồng tiền từ mồ hôi và nước mắt của người dân tin tưởng gửi gắm cả tương lai của con em họ cho mình. Những người này tôi gọi họ là những nhà giáo nhân dân.

Tầng lớp thứ 2, theo tôi nghĩ nên gọi họ là thợ dạy, những người buôn chữ. Những người này lựa chọn nghề dạy học không phải vì đam mê mà có thể do muốn có một công việc ổn định hay do một hoàn cảnh nào đó đưa đẩy nên cố theo nghề. Họ thiếu lý tưởng, và chỉ xem nghề dạy như một công việc kiếm tiền.

Họ dùng điểm số như là công cụ kiếm tiền từ học sinh và phụ huynh. Họ gieo rắc sự sợ hãi, họ thể hiện quyền uy, họ tạo ra sự ghanh đua giữa các học sinh bằng điểm số, bằng xếp loại, bằng các thành tích khiến cho phụ huynh phải lo sợ chạy theo để thỏa mãn những mong muốn của họ cốt là để con mình được yên, được bằng bạn bằng bè.

Họ biến hội phụ huynh thành tay sai, thành những kẻ đồng lõa để moi móc tiền từ các phụ huynh khác. Họ thông đồng với Ban giám hiệu để có thể trục lợi được nhiều nhất học trò. Họ biến trường lớp thành chợ búa nơi để mua bán điểm số, đổi chác kiếm lời.

‘”Theo tôi, việc tồn tại thông tư này là lợi bất cập hại cần phải xóa bỏ”, chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền khẳng định.

Cũng theo ông Nguyễn Sóng Hiền, dạy thêm học thêm thực tế đều tồn tại ở bất kỳ quốc gia nào. Nó xuất phát từ nhu cầu của thực tế người học. Tuy nhiên, bản chất về dạy thêm và học thêm ở các quốc gia có nền giáo dục tiến bộ hoàn toàn khác chúng ta.

Ở Úc là một ví dụ, hoàn toàn không bao giờ có chuyện dạy thêm học thêm để thu lợi cho giáo viên hay nhà trường dưới bất kỳ hình thức nào. Bởi vì, họ không chú trọng đến thành tích và điểm số.

Bên cạnh đó, xã hội họ không coi trọng bằng cấp mà chú trọng đến kinh nghiệm thực tế và năng lực của mỗi cá nhân làm thước đó để đánh giá. Mỗi quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường là mối quan hệ bình đẳng, và là một yếu tố quan trọng trong ba mối quan hệ, gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, định hình và phát triển nhân cách trẻ.

Phụ huynh được quyền tham gia vào hội đồng trường để tham gia, góp ý và định hướng chiến lược phát triển của nhà trường.

Tất cả các hình thức, xếp loại, khen thưởng của học sinh chỉ nhằm để khuyến khích, động viên học sinh đó phát triển các điểm mạnh của mình chứ hoàn không có việc dùng để ganh đua giữa các học sinh, các lớp, các trường với nhau. Họ đề cao các giá trị nhân văn, đảm bảo tôn trọng quyền cá nhân, hướng tới các giá trị bình đẳng, và dân chủ.

Việc dạy thêm chỉ được tổ chức bên ngoài trường học do các cá nhân tự mở dành cho những học sinh có nhu cầu học phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Các giáo viên và nhà trường hoàn toàn không được phép tổ chức dạy thêm để thu tiền học sinh của mình.

Thực tế, các giáo viên họ không có đủ thời gian để có thể dạy thêm vì áp lực đối với giáo viên ở các trường phổ thông Úc rất lớn do họ phải tự biên soạn sách và tài liệu giảng dạy cho mỗi môn của mình cho nên nó chiếm hầu hết thời gian của họ.

Bên cạnh đó việc dạy cá nhân hóa đòi hỏi họ phải dành thời gian để có thể nắm bắt và thấu hiểu những sở thích và năng lực của mỗi học sinh để từ đó lựa chọn một phương pháp giáo dục phù hợp nhằm có thể tạo cơ hội cho các em phát huy hết những khả năng của mình.

“Tôi cho rằng việc dạy thêm hiện nay trong hệ giáo dục quốc dân Việt Nam có thể xem là một hình thức trá hình của tham nhũng. Tham nhũng thời gian vui chơi của các em, tham nhũng nội dung chính khóa của chương trình giáo dục phổ thông, tham nhũng điểm số.

Nếu để tồn tại Thông tư dạy thêm học thêm như hiện nay chúng ta còn lâu nữa mới có thể thực thi thành công và hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà như chủ trương của Đảng đề ra”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Ngày 26/8/2019 Quyết định số: 2499/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.

Như vậy các điều còn lại như Các trường hợp không được dạy thêm; Quy định về tổ chức dạy thêm trong trường; Thu và quản lý tiền học thêm… thì vẫn đang còn hiệu lực.

Thùy Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét