Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2021

20210222. TƯỚNG NGUYỄN TRỌNG NGHĨA GIỮ CHỨC TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

 ĐIỂM BÁO MẠNG


THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN TRỌNG NGHĨA GIỮ CHỨC TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

THU HẰNG/ VNN 19-2-2021

Sáng 19/2, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.

Đến dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam Lương Cường cùng lãnh đạo một số ban, bộ, ngành.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao quyết định và tặng hoa tân Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (trái)

Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc phân công Ủy viên Ban Bí thư.

Theo Quyết định số 06, Bộ Chính trị phân công Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị trao quyết định và chúc mừng tân Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa được đào tạo căn bản, rèn luyện thử thách trong quân đội, trải qua nhiều nhiệm vụ quan trọng từ cơ sở đến lãnh đạo chủ chốt Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam.

Với kinh nghiệm phong phú được tích lũy từ công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội; với am hiểu về công tác tư tưởng, văn hóa, văn nghệ, báo chí truyền thông và sự gắn kết chặt chẽ của Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa với Ban Tuyên giáo Trung ương trong thời gian qua, Bộ Chính trị tin tưởng tân Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, tập thể cán bộ, công chức, viên chức người lao động của Ban đoàn kết, gắn bó, phát huy những kết quả đạt được, không ngừng nỗ lực sáng tạo, quyết tâm cao hoàn thành tốt nhiệm vụ.

"Với tư cách cá nhân, tôi bày tỏ lòng biết ơn và tình cảm quý trọng với các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đương chức và nguyên chức; đối với tập thể cán bộ, công chức, viên chức người lao động của Ban đã sát cánh cùng tôi để hoàn thành nhiệm vụ nhiệm kỳ nhiều thử thách, đầy ắp sự kiện vất vả và sôi nổi. Tôi mong các đồng chí lượng thứ đối với những điều chưa trọn vẹn", Thường trực Ban Bí thư nói.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Tân Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa

Phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ sự xúc động và biết ơn sâu sắc với Đảng, nhân dân, Quân đội, đặc biệt là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo để ông được trưởng thành như hôm nay.

Với 42 năm trong quân đội, trưởng thành từ trợ lý tuyên huấn cấp trung đoàn, được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao phụ trách công tác tuyên huấn trong Quân đội, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, được Đảng giao phó nhiệm vụ Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương là vinh dự lớn lao nhưng trách nhiệm rất nặng nề. 

"42 năm trong quân ngũ, tôi luôn ghi nhớ, thực hiện lời thề danh dự của quân nhân là tuyệt đối trung thành với Đảng, nhân dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, tân Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ.

Tân Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương hứa sẽ kế thừa sự nghiệp vĩ đại của Đảng, ngành Tuyên giáo, quán triệt sâu sắc hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của ngành tuyên giáo trong thời kỳ mới, rèn luyện hơn nữa tác phong trong công tác để xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, ngành Tuyên giáo.

Ông khẳng định, muốn hoàn thành nhiệm vụ, trước hết bản thân mình phải nỗ lực, nhưng một nhân tố quan trọng là sự thương yêu, giúp đỡ, chỉ bảo của thế hệ đàn anh, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và toàn ngành Tuyên giáo.

Tân Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong sẽ được tạo điều kiện, giúp đỡ để hoàn thành tốt nhiệm vụ và trọng trách mới.

Tại Đại hội Đảng XIII vừa qua, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa tái đắc cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Sau đó, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, ông được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021-2026.

Trước đó, ngày 6/2, Bộ Chính trị đã phân công ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương giữ chức Thường trực Ban Bí thư. Cùng ngày, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công Thương được phân công làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. 

Như vậy, đến nay, Bộ Chính trị đã phân công 2 Ủy viên Bộ Chính trị, một Ủy viên Ban Bí thư giữ chức vụ mới gồm: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.

Thu Hằng - Trần Thường

THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN TRỌNG NGHĨA SẼ LÀ UVBCT HAY KHÔNG ?

BBC 20-2-2021

Hôm 19/2, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam công bố việc phân công Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam được phân công giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Người đứng đầu ban này khóa 12, Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng, đã trở thành Thường trực Ban Bí thư sau khi Đại hội 13 kết thúc.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa được bầu vào Ban Bí thư hôm 31/1/2021, vì thế một câu hỏi được dư luận quan tâm là liệu ông Nghĩa sắp trở thành Ủy viên Bộ Chính trị trong cương vị mới hay không.

Để trả lời câu hỏi này, cần nhìn lại lịch sử của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Không phải người dân nào cũng nhận ra rằng Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ mới được hình thành sau khi sáp nhập Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương năm 2007.

Năm 1968, Đảng Cộng sản tách Ban Tuyên giáo Trung ương thành Ban Tuyên huấn Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương.

Năm 1989, Bộ Chính trị hợp nhất Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương với Ban Tuyên huấn Trung ương, lấy tên là Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương.

Năm 2007, Bộ Chính trị ra quyết định hợp nhất Ban Khoa giáo Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương.

Từ lúc này, thuật ngữ công tác tuyên giáo mới lại được sử dụng trở lại.

Theo Quyết định 80 ngày 28-8-2007 của Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương có chức năng là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng; về quan điểm, chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo và một số lĩnh vực xã hội khác…


Ban Tuyên giáo Trung ương ĐCSVN được cho là đã hoạt động khá tích cực trong thời gian vừa qua để hỗ trợ tuyên truyền và tổ chức cho Đại hội 13 của đảng cầm quyền

Trước đây, những người đứng đầu Ban Khoa giáo Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương không nhất thiết ngồi trong Bộ Chính trị.

Cụ thể, các ông Trần Trọng Tân và Hữu Thọ đều từng đứng đầu Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, khi là ủy viên trung ương đảng.

Ông Nguyễn Khoa Điềm, trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương từ 2001 tới 2006, là ủy viên Bộ Chính trị.

Ông Đỗ Nguyên Phương, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương (nhiệm kỳ 2002-2007) là Ủy viên Trung ương Đảng.

Khi Ban Tuyên giáo Trung ương thành lập ngày 1/8/2007, người đứng đầu ban này là ông Tô Huy Rứa.

Nhưng phải tới tháng 1/2009, tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), ông Rứa mới được bầu vào Bộ Chính trị.

Một thập niên đã đi qua, từ đó tới nay, hai người lãnh đạo tiếp theo của ngành tuyên giáo, ông Đinh Thế Huynh và Võ Văn Thưởng, đều là ủy viên Bộ Chính trị.

Điều này chứng tỏ sức ảnh hưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương trong Đảng Cộng sản đã tăng theo thời gian hơn 10 năm qua.

Hôm 31/1, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản đã bầu Bộ Chính trị khóa XIII gồm 18 thành viên, bầu Tổng Bí thư khóa XII, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư khóa XIII.

Nhiều khả năng Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa sẽ tiếp tục được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị trong tương lai gần, trong vai trò Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Từ Hà Nội, hôm 19/02, một nhà quan sát chính trị Việt Nam, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện Đông Nam Á (Iseas, Singapore) đưa ra bình luận với BBC:

"Đây là một động thái khá bất ngờ, bởi vì trong danh sách nhân sự người ta dự kiến, ông Nguyễn Trọng Nghĩa được sắp xếp để sẽ lên làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN, mà bổ nhiệm như hôm nay sẽ làm xảy ra một khả năng khác.

"Đó là Đại tướng Lương Cường có thể sẽ ở lại vị trí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nhưng nếu điều đó xảy ra thì cũng vẫn phù hợp, bởi vì chức cụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN rất quan trọng, bởi vì như chúng ta biết rằng từ trước tới nay, chức vụ này không chỉ quan trọng trong quân đội Việt Nam, mà từ chức vụ này, người ta vẫn đưa người từ quân đội ra ngoài làm các việc của dân sự, việc của đảng.

"Cho nên nay từ quân đội, ông Nghĩa được đưa ra ngoài làm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đảng cũng là một bước không phải là không có tiền lệ, nhưng do với danh sách dự kiến trước đây, thì người ta thấy có bất ngờ một chút."

TƯỚNG NGUYỄN TRỌNG NGHĨA GIỮ CHỨC  TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO, NHÓM NAM BỘ ĐÒI ĐƯỢC THÊM  VỊ TRÍ CAO CẤP TRONG ĐẢNG

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD / viet-studies 20-2-2021 

Một điều chỉnh nhân sự cấp cao vừa được đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) thực hiện, chỉ vài tuần lễ sau đại hội 13. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, 59 tuổi, không phải là ủy viên Bộ Chính trị, mà chỉ là ủy viên trung ương đảng, được chỉ định làm Trưởng ban Tuyên giáo, cơ quan tuyên truyền của đảng CSVN.

Đây là một chức vụ quan trọng nên thường người đứng đầu phải nằm trong bộ phận quyền lực nhất là Bộ Chính trị. Như thế, khả năng ông Nghĩa sẽ được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị là rất lớn.

Khi kết thúc đại hội 13, giới quan sát cho rằng đảng CSVN không đạt được thỏa thuận 19 người trong Bộ Chính trị như khóa trước, mà dừng lại ở con số 18, một con số chẳn, sẽ bất lợi khi phải bỏ phiếu những vấn đề gây tranh cãi, bất phân thắng bại.

Điều thú vị là, trong suốt thời gian trước và trong đại hội 13, dư luận chú ý rất nhiều đến chuyện ông Trọng đi hay ở, chuyện bốn nhân vật nào nằm trong tứ trụ, nay hóa ra nhân vật được bàn cãi khá lâu để sắp xếp, lại là nhân vật số 19.

Việc bổ sung tướng Nghĩa vào Bộ Chính trị, giải quyết được chuyện chẳn lẻ, và cũng giải quyết được cơ cấu vùng miền của chính trị Việt Nam, vì tướng Nghĩa gốc Nam bộ. Trong 18 người của Bộ Chính trị hiện nay, chỉ có ba người gốc Nam bộ, là ông Nguyễn Văn Nên quê Tây Ninh, đứng đầu thành Hồ, ông Trần Thanh Mẫn quê Hậu Giang, đứng đầu Mặt trận Tổ quốc, và ông Võ Văn Thưởng, người được tướng Nghĩa thay thế, quê Vĩnh Long.

Nếu tính từ Huế trở vào (đồng nhất với không gian văn hóa chính trị có nhiều ảnh hưởng từ thời Việt Nam Cộng hòa), tức là hơn phân nửa diện tích quốc gia, cũng chỉ có   6 người, thêm các ông Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Hòa Bình, và Trần Tuấn Anh (thật ra ông Tuấn Anh sinh ở Hà Nội, nhưng cha ông là ông Trần Đức Lương, dân Quảng Ngãi).

Trước đó, vào ngày 6/2/2021, ông Võ Văn Thưởng được bổ nhiệm chức Thường trực Ban Bí thư, tức là đứng đầu bộ phận trông coi công việc hàng ngày của Đảng, được xem như nhân vật quyền lực số 5, sau tứ trụ. Điều này được ông Lê Hồng Hiệp, một nhà quan sát từ Singapore, người có vẻ có nhiều nguồn tin nội bộ bên trong, đưa ra trước đại hội 13.

Ông Hiệp cho rằng vì số người gốc Nam bộ trong Bộ Chính trị ít hơn vốn dĩ phải có, nên sẽ được bù đắp bằng vị trí số 5 đó. Việc thêm một nhân vật Nam bộ là ông Nghĩa vào cơ cấu Bộ Chính trị, phải chăng là để giải tỏa sự bất bình của nhóm Nam bộ tiếp tục sau đại hội 13?

Việc tìm cho ra người thay ông Thưởng, có lẽ cũng không dễ dàng, vì đến hơn 2 tuần lễ sau đó người ta mới quyết định chọn tướng Nghĩa. Có thể tướng Nghĩa là một nhân vật có được các đặc điểm mà các phe, các khuynh hướng đều hài lòng. Ông là dân miền Nam, là người của quân đội, đồng thời ông lại là tướng chính trị, đi lên bằng con đường chính trị viên, chính ủy, mặc dù ông cũng là người từng kinh qua trận mạc (1979), gia đình ông cũng là gia đình “cách mạng gộc” vùng Gò Công.

Chuyển biến mới này đưa đến một điều khá lý thú là liên tục trong hai khóa, dân Nam bộ được biết là ít có mặt trong các vị trí giáo điều, lại nắm giữ chức trưởng ban tuyên truyền ý thức hệ của Đảng.

Vị trí này, với những tên gọi khác nhau từ khi đảng CSVN được thành lập, thường do các nhân vật phía Bắc đèo Hải Vân phụ trách, trong đó có những người tượng trưng cho tầng lớp bảo thủ của Đảng như Trường Chinh, Tố Hữu, Đào Duy Tùng, Hoàng Tùng,… Rất ít nhân vật miền Nam nắm vị trí này như Bùi Thanh Khiết (1982-1984) và Trần Trọng Tân (1986-1991).

Ông Võ Văn Thưởng học khoa triết, trường đại học Tổng hợp TP HCM. Ông từng có 1 số bài viết tương đối đi ra ngoài kiểu cách tuyên truyền của Đảng như bàn về chủ nghĩa dân túy, hay là ông từng tuyên bố sẵn sàng tranh luận với người khác quan điểm với Đảng.

Không thấy ông tranh luận với ai cả, nhưng nói ra được như vậy cũng đã là khá hơn các vị tiền nhiệm rồi.

Dĩ nhiên, các chính sách chính trị, văn hóa của ĐCSVN được đảng quyết định chứ không phải cá nhân nào, và các nhân vật thuần đảng, phần đông xuất phát từ khu vực Thanh – Nghệ – Tĩnh vẫn nắm thế đa số trong đầu não của Đảng.

Theo một số nhà báo trong nước thì vị trưởng ban tuyên giao tới đây, thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, là một người khá cởi mở. Dù sao cả hai ông Thưởng và Nghĩa đều học hành và lớn lên ở miền Nam Việt Nam, chắc chắn các ông có tiếp xúc được với một không khí chính trị xã hội khác rất nhiều với không khí chính thống đỏ rực phía trên vĩ tuyến 17.

VN: CHIẾN BINH MẠNG 'ĂN NGỦ VỚI MÁY TÍNH' VÀ MUỐN CÓ CHỨNG CHỈ MỸ

BBC 18-2-2021

So với Phương Tây, lực lượng quân sự cho không gian mạng ở Việt Nam ra đời không hề muộn hơn nhưng nhiệm vụ của họ có khác, gồm cả tiêu chí vì “cách mạng”, chứ không chỉ là an ninh mạng thuần tuý.

Bộ Tư lệnh 86, được các báo Việt Nam giới thiệu cùng bài phát biểu của Thượng tướng Phan Văn Giang tại Đại hội Đảng CSVN 13, là cơ quan có hoạt động rất quan trọng cho nước này.

Bài trên QĐND (05/02/2021) nói thành lập chưa được ba năm nhưng nguồn cán bộ của Bộ Tư lệnh “có trình độ chuyên môn cao về công nghệ thông tin và tác chiến không gian mạng”.

Ảnh minh họa cho thấy đơn vị này có cả nam và nữ, mặc quân phục.

Bài báo ca ngợi “các chiến binh mạng” có “tinh thần làm việc say mê, “cháy” hết mình vì công việc, ngày đêm “ăn ngủ với máy tính”.

Tuy thế, bài báo tiết lộ rằng các chiến binh mạng nói trên vẫn tiếp tục cần có chứng chỉ bảo mật của Phương Tây để hoạt động.

Một trong những điều kiện khắt khe đối với những người muốn theo đuổi sự nghiệp bảo đảm an toàn thông tin là có “bảo bối” chứng chỉ quốc tế về công nghệ thông tin. Hiện nay, Học viện SANS (Mỹ) có rất nhiều khóa học cấp chứng chỉ bảo mật tương ứng như GISF, GSEC, GPEN, GCIH... cung cấp cho các chuyên gia cập nhật kiến thức và kỹ năng về an toàn an ninh mạng phức tạp.

Tất nhiên, việc học từ nước ngoài (qua mạng?) không thể trang bị hết cho Bộ Tư lệnh 86 kiến thức cần có, vì không nước nào lại chia sẻ hết “bảo bối” an ninh mạng cho Việt Nam.

Trong khi đó, tập huấn, giao lưu với các nước trên thế giới, họ cũng không chia sẻ tác chiến trên không gian mạng vì thế không có cách nào khác là đơn vị tự nghiên cứu, tự rút kinh nghiệm, viết chiến lệ sau mỗi lần chiến đấu,” một trung tá tại Bộ Tư lệnh 86 cho biết.

Mặt khác, có vẻ như chính các “chiến binh mạng” này cần phải “giữ mình” để không vấp ngã “trên mạng”, như lãnh đạo của Bộ Tư lệnh 86 thừa nhận:

Tác chiến trên KGM, ranh giới giữa cái tốt và cái xấu rất mong manh, nếu không bản lĩnh, không trung thành, không có đạo đức nghề nghiệp, tự do vô kỷ luật thì dễ bị kẻ xấu lợi dụng, mua chuộc. Chỉ cần một cú kích chuột là có thể từ người tốt trở thành kẻ tội đồ, phản bội,” Trung tá Nguyễn Cao Cường, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 nói.

Một sĩ quan khác, Thiếu tá, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thái, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 thì nêu rõ hơn về các đối tượng mà Bộ Tư lệnh 86 phải đương đầu:

“Các thế lực thù địch, phản động, hacker có nhiều chiêu trò tinh vi, xảo quyệt, có thể chúng ta vừa “làm sạch” máy chủ của cơ quan, đơn vị này nhưng lúc sau nó lại xuất hiện ở chỗ khác...”

Lực lượng 47 và Dư luận viên?

Các báo Việt Nam không nói rõ Bộ Tư lệnh 86 có liên quan gì đến Lực lượng 47 mà giới chức cho biết vào cuối 2017 đã có 10 ngàn thành viên.

Theo phát biểu của các quan chức quân đội, công an và tuyên giáo VN (Tuổi Trẻ 25/12/2017) thì Lực lượng 47 có vẻ có nhiệm vụ chính là bảo vệ hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản hơn là hoạt động chống xâm nhập, hacking trên không gian mạng từ các tác nhân nhà nước bên ngoài.

Bài báo nhấn mạnh Lực lượng 47 là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, "vừa hồng vừa chuyên", kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao.

Họ đóng vai trò chủ chốt trong cuộc đấu tranh “chống các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng” theo Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng lúc đó, Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa.

Sau Đại hội 13, tướng Nghĩa vừa được thăng tiến trong Đảng, lên giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương của ĐCSVN.

Hiện không rõ các hoạt động của những nhóm mà một số nhà quan sát mạng Internet Việt Nam từ nước ngoài gọi là “dư luận viên” (state-sponsored trolls hoặc opinion shapers) có liên quan gì đến các đơn vị được ca ngợi nói trên hay không.

Cộng đồng mạng xã hội tiếng Việt phản ánh rằng có những nick ảo thường vào các trang thảo luận tự do tư tưởng hoặc 'lề trái' để ồ ạt chửi bậy lặp đi lặp lại một cách ngây ngô, gây nghi vấn đây là cách rải trolls bằng bot có nguồn gốc không rõ ràng.

BBC không có điều kiện xác nhận những hoạt động này đến từ đâu.

An ninh không gian mạng ở một số nước

Tại Anh, mới tháng 11/2020, thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace công bố lập Lực lượng Không gian mạng quốc gia -National Cyber Force (NFC).

Đây là đối tác giữa trung tâm thông tin tình báo GCHQ và Bộ Quốc phòng Anh có mục tiêu bảo vệ Anh quốc trong cuộc chiến trên không gian mạng.

Quan chức Anh nhấn mạnh về vai trò bảo vệ mạng thông tin quốc gia, các tàu chiến, phi cơ của quân lực Hoàng gia trước tấn công mạng.

Quy định về hoạt động của NFC được công khai tại trang mạng https://www.gchq.gov.uk/news/national-cyber-force và quảng cáo tuyển nhân viên tại trang về công chức chính phủ 'Civil Service Jobs'.

Nhân viên NFC ở Anh không phải là quân nhân.

Hoa Kỳ hồi năm 2010 đã lập ra – Bộ Tư lệnh không gian mạng (US Cyber Command) thuộc Bộ Quốc phòng.

Bên cạnh các hoạt động bí mật, họ thường xuyên tự quảng cáo trên mạng Internet như một cơ quan công quyền bình thường, gồm cả lời chúc Ngày Lễ tình nhân Valentine's Day trên Twitter, Facebook tuần qua.

Ở Trung Quốc, Lực lượng tác chiến không gian mạng thuộc Quân Giải phóng được thành lập năm 2015 khi chính phủ cải cách quân đội.

Tuy chỉ có tên là Đội Chi viện Chiến lược, lực lượng không gian mạng của Trung Quốc được xây dựng trên chiến lược quân sự 2013, đánh giá đúng các đối thủ cạnh tranh trong công nghệ mạng.

Theo một số phân tích tại Hoa Kỳ, Trung Quốc dùng khái niệm 'Tám con King Kong' (Khỉ đột khổng lồ trong phim Hollywood) để nhận diện các đại công ty nắm chuỗi cung ứng công nghệ cao mà Trung Quốc cần cạnh tranh.

Đó là Apple, Cisco, Google, IBM, Intel, Microsoft, Oracle và Qualcomm.

Khác với cách Bộ Tư lệnh 86 của Việt Nam phải cố gắng chạy theo công nghệ Phương Tây để học hỏi, chiến tranh không gian mạng của Trung Quốc có mục tiêu ban đầu là giám sát chặt chẽ và thậm chí bắt chước 8 King Kong.

Tiếp đó Trung Quốc tiến tới phát triển cơ sở hạ tầng cho không gian mạng riêng, gồm các máy chủ siêu nhanh, trung tâm dữ liệu khổng lồ để cạnh tranh với các nước khác.

Nhờ đó, Trung Quốc có thể đảm bảo an ninh cho chính sách thông tin của họ ở các khu vực trọng yếu (critical areas) và sau có thể dùng các phương tiện tương ứng (parallel tools) để bành trướng ra bên ngoài.

Ngoài việc bảo mật và bị tố cáo là dùng không gian mạng để đánh cắp công nghệ cao, Trung Quốc dùng lực lượng an ninh mạng để quảng bá hình ảnh của Đảng Cộng sản.

Trong chiến tranh thông tin với các đối thủ trên thế giới, Trung Quốc hiện đã đạt khả năng công nghệ trong top 100, nhưng gặp phải vấn đề cản trở là ngôn ngữ.

Để chống lại tấn công thông tin trên thế giới, Trung Quốc buộc phải dùng tiếng Anh vì tiếng Trung chỉ đạt có 1,7% người sử dụng trên tất cả các trang web toàn cầu.

Một trong những nước gặp nhiều khó khăn kinh tế là Bắc Hàn lại có lực lượng tác chiến mạng rất mạnh và hung hãn, theo các đánh giá của Phương Tây.

Bài của Michael Raska trên trang của Viện RSIS năm 2020 cho rằng từ những năm 1990 Bình Nhưỡng đã chú tâm vào công tác tin tặc.

Tổng cục Trinh sát của Bộ Quốc phòng CHDCND Triều Tiên gần đây đã nhận Phòng 121 và đơn vị 91 vào để tăng cường sức mạnh.

Hoạt động trên không gian mạng của Bắc Hàn có mục tiêu thu thập, thậm chí đánh cắp thông tin công nghệ cao để phục vụ cho chương trình tên lửa và cho phát triển kinh tế, theo ông Raska.

Đôi khi tin tặc Bắc Hàn cũng trừng phạt cả các hãng phim ảnh nước ngoài để chặn các tác phẩm 'bôi nhọ hình ảnh' nước họ, như vụ tấn công Sony Pictures năm 2014.

Tuy thế, có đánh giá rằng Bắc Hàn có thể đã hoặc sắp nắm được công nghệ mã hóa cao cấp quantum enscription.

CHÍNH TRỊ VÙNG MIỀN VIỆT NAM: LỜI NGUYỀN ĐỊA CHÍNH TRỊ 

VÕ VĂN QUẢN/ LK/ viet-studies 18-2-2021

Chính trị vùng miền Việt Nam bắt rễ từ rất xa trong lịch sử. 

Tranh chấp Nam – Bắc và tư duy vùng miền tại Việt Nam không phải là câu chuyện mới đây. Nhiều nghiên cứu Việt Nam và quốc tế, không chỉ về lịch sử – chính trị, mà thậm chí là còn về văn học, đã cho thấy sự khác biệt trong nền tảng văn hóa, quá trình phát triển và tư duy chính trị giữa Nam – Bắc Việt Nam.

Kể từ cuối thế kỷ 17, hai miền Nam – Bắc, bắt đầu với thứ gọi là Đàng Trong – Đàng Ngoài, không hề có liên lạc gì khác với nhau ngoài chiến tranh và chết chóc. Điều này được giáo sư Alexander Woodside thuộc trường Đại học British Columbia (Canada), một trong những chuyên gia phương Tây hàng đầu về lịch sử Đông Á và Đông Nam Á, tổng kết lại rằng: mỗi miền tiến hóa và phát triển bằng hệ quy chiếu riêng của nó với cấu trúc kinh tế, chính trị và xã hội hoàn toàn đặc trưng. 

Nền tảng văn hóa của hàng trăm năm tách biệt dường như tạo nên một định hướng chung cho thế giới quan của mỗi miền, điều đến nay dường như vẫn còn vang vọng. 

Ở Đàng Ngoài, ổn định xã hội được chú trọng, chủ yếu dựa vào sự phát triển của đạo lý, nguyên tắc Khổng giáo. Họ có xu hướng thân Trung Quốc, và tập trung duy trì sự thuần nhất văn hóa (cultural heterogeneity) rất cao. Mạch máu chính của nền chính trị Đàng Ngoài là các viên chức dân sự (civil servant) được đào tạo bài bản, có quy củ và có nền tảng thực hành mô hình quan liêu nhiều thế kỷ. 

Hoàn toàn ngược lại, chúa Nguyễn ở Đàng Trong duy trì sự ổn định xã hội chủ yếu bằng phát triển kinh tế và giao thương đường biển với nhiều quốc gia khác nhau. Nguồn lực chính trị chủ yếu là các quan chức quân sự phi Khổng giáo. Chính quyền và con người Đàng Trong nhìn chung luôn được đánh giá là mang tính thỏa hiệp và thực dụng cao hơn hẳn so với miền Bắc. Nền tảng sắc tộc cũng đa dạng hơn với sự xuất hiện đáng kể của người Chăm, Khmer, Hoa và kể cả thương nhân phương Tây trong quan hệ xã hội, giao thương thường ngày. 

Cái lõi văn hóa này, hay thậm chí người viết có thể tạm gọi là một lời nguyền địa chính trị, tiếp tục ám ảnh chính trị Việt Nam. 

Từ việc đại đa số các nhóm trí thức Khổng giáo Đàng Ngoài khước từ nhà Tây Sơn, cho đến phe Bắc phái Nam bên trong nội bộ nhà Nguyễn, và đỉnh điểm là chiến tranh Việt Nam (1954 – 1975)… là những minh chứng cho sự dai dẳng của căn bệnh nan y “Nam – Bắc” trong nền chính trị quốc gia. 

Đảng Cộng sản Việt Nam, tập đoàn chính trị thống trị chính thức của toàn cõi Việt Nam gần nửa thế kỷ trở lại đây, có vẻ không thoát khỏi lời nguyền trên, theo ghi nhận của nhiều nghiên cứu khoa học lịch sử.

Cũng cần lưu ý, bài viết không tập trung vào nơi sinh hay nguyên quán của một cá nhân để xác định họ là “cánh Nam” hay “cánh Bắc”. Điều quan trọng là họ được nuôi dưỡng, hoạt động, chịu ảnh hưởng và xây dựng lực lượng trong môi trường chính trị nào. 

Một trong những ví dụ điển hình là trường hợp của Nguyễn Văn Linh. Ông sinh ra ở Hưng Yên, tức hoàn toàn ở Bắc Bộ Việt Nam. Tuy nhiên, ông trưởng thành và hoạt động cách mạng trong suốt 15 năm giai đoạn chiến tranh Việt Nam chủ yếu với tư cách là phó bí thư và bí thư Trung ương Cục miền Nam (chức danh đảng quan trọng nhất tại miền Nam Việt Nam). Sau đó, ông tiếp tục được chỉ định làm Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Linh vì vậy là một trong những đại diện có tư tưởng cấp tiến ít ỏi của “cánh Nam” trong Bộ Chính trị sau năm 1975. 

Từ thập niên 1920 đến 1975: Thành bại vì… còn sống hay đã chết

Khác biệt vùng miền xuất hiện gần như ngay lập tức khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành hình tại dải đất hình chữ S. 

Nhiều nghiên cứu tiếng Việt cũng như nghiên cứu khả tín tiếng Anh như của William J. Duiker với “Communist Road to Power in Vietnam” hay Vũ Tường với “Vietnam’s Communist Revolution: The Power and Limits of Ideology” ghi nhận rằng trong thập niên 1920, tinh hoa cộng sản miền Bắc gần như thống nhất trong việc ưu tiên thực hiện cách mạng xã hội trước (“social revolution first”), trong khi đó, cánh miền Nam thì ưu tiên cách mạng dân tộc dân chủ trước (“national revolution first”).

Sự tan rã của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (Vietnam Revolutionary Youth League) vào năm 1929, từ đó hình thành nên hai chính đảng cộng sản gồm Đông Dương Cộng sản Đảng (tên gọi cũng phản ánh việc không chấp nhận con đường cách mạng dân tộc tính) và An Nam Cộng sản Đảng là bằng chứng được ghi nhận khá rõ ràng về sự phân hóa vùng miền (và theo đó là tư tưởng chính trị) bên trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Vào năm 1930, Nguyễn Ái Quốc làm trung gian cho việc sáp nhập cả ba tổ chức cộng sản để hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam (bao gồm một đảng độc lập khác là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn – League of Indochinese Communist). Tuy nhiên, các tranh chấp về định hướng đấu tranh giữa các phe phái bên trong Đảng Cộng sản Việt Nam không vì thế mà giảm bớt. 

Gần một thập niên sau, với thất bại của Xô-viết Nghệ Tĩnh (Trung bộ Việt Nam, 1930 – 1931) và khởi nghĩa Nam Kỳ (Nam bộ Việt Nam, 1940), hệ thống mạng lưới cán bộ và cơ sở đảng của miền Trung và miền Nam gần như bị triệt tiêu hoàn toàn.

Cũng vì hai thất bại nghiêm trọng này, bốn đời tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam là Trần Phú (quê Phú Yên), Lê Hồng Phong (quê Nghệ An), Hà Huy Tập (quê Hà Tĩnh) và Nguyễn Văn Cừ (quê Bắc Ninh), cùng nhiều cán bộ cao cấp khác đều bị thực dân Pháp xử tử. Đây cũng là những người có tham dự vào các tranh chấp vùng miền trước đó.

Theo lý giải của tác giả Duy Trinh, Đại học California, trong nghiên cứu “Explaining Factional Sorting in China and Vietnam”, điều này khiến cho chỉ còn Hồ Chí Minh và mạng lưới cán bộ lãnh đạo Bắc Kỳ là còn sống sót để trở thành lực lượng nòng cốt tham gia Cách mạng tháng Tám. Trên cơ sở này, họ đồng nhất sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với sự lãnh đạo của giới tinh hoa “Việt Bắc”.

Tuy nhiên, hệ quả phụ của nó đối với chính nhóm lãnh đạo này là họ không còn nền tảng nào khác để tham gia vào các hoạt động bảo trợ chính trị (political clientelism – hiểu đơn giản là việc trao đổi, mua bán, trung gian quyền lực, nhân sự, lợi ích chính trị…) ngoài nền tảng địa lý, quê quán hay vùng miền. Ví dụ như ở Trung Quốc, các phe phái nội đảng đời đầu thường được phân chia giữa cán bộ được đào tạo ở Liên Xô và cán bộ tự phát triển của địa phương.

Sự thống trị đương nhiên của giới tinh hoa từ Việt Bắc chỉ chính thức bị đe dọa khi Lê Duẩn (quê Quảng Trị) – một cán bộ từ miền Nam Trung Bộ – chen chân được vào Bộ Chính trị (1951). Tuy nhiên, ông này cũng mất hết chín năm sau đó để có thể đạt được vị trí tổng bí thư (1960 – thời điểm này gọi là bí thư thứ nhất) và lâu hơn thế nữa để củng cố vị thế cùng phe cánh của mình.

Chính sử của nhà nước Việt Nam ghi nhận rằng chính Hồ Chí Minh đã ủy nhiệm quyền lực lại cho ông Duẩn nhằm đảm bảo sự thống nhất của đảng. Song không khó để các nhà nghiên cứu nhận ra sự nổi lên của Lê Duẩn là kết quả của một cuộc cạnh tranh giữa phe cán bộ miền Bắc mong muốn tập trung xây dựng lại miền Bắc và phe cán bộ miền Nam “diều hâu” chủ trương lấy lại miền Nam bằng vũ lực.

“Vụ án xét lại chống Đảng” xảy ra trong giai đoạn 1967 – 1968 được nhiều nhà quan sát cho là đỉnh điểm của tranh chấp phe phái Nam – Bắc, với các nhân vật thuộc cấp hoặc đồng minh chính trị của Hồ Chí Minh lẫn Võ Nguyên Giáp bị bắt giữ và xét xử. Một số cái tên trong đó còn quen thuộc và được ghi nhận trong các nghiên cứu hiện đại ngày nay như Vũ Đình Huỳnh và Vũ Thư Hiên, Đặng Kim Giang, Lê Liêm, Đỗ Đức Kiên, Hoàng Thế Dũng, Văn Đoàn, Lê Trọng Nghĩa…

Cùng trong hoàn cảnh đó, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, một tổ chức trực thuộc của Đảng Cộng sản Việt Nam (dù lúc đó cả hai phía đều phủ nhận), phát triển ở miền Nam với quyền tự chủ cao trong các vấn đề từ nhân sự đến tài chính, từ đó trở thành một thế lực đáng gờm nếu một ngày hai miền thống nhất. Có thể lý giải việc này là do cách biệt địa lý với chính quyền Hà Nội, cùng với mô hình và hệ thống tổ chức chính trị – quân sự thống nhất và mang tính tự trị, tự duy trì khá cao. Bản thân nhóm này cũng là những nhóm thực chiến với quân lực Việt Nam Cộng hòa và quân đội Hoa Kỳ. 

Tuy nhiên, tham vọng “giải phóng” sớm của phe phái cán bộ từ miền Nam lại là con dao hai lưỡi làm hại chính họ, mà cao trào là chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968. 

Các tài liệu quốc tế thường ghi nhận chiến dịch Mậu Thân là cú tát làm công chúng Hoa Kỳ thức tỉnh (một cách thiếu kiên nhẫn). Thứ mà họ không nhận ra là cơn ác mộng hậu Xô-viết Nghệ Tĩnh đã lặp lại với Mặt trận: cơ sở đảng của họ ở miền Nam bị trốc rễ.

Theo ước tính, có khả năng lên đến 180.000 quân cách mạng thiệt mạng trong Tết Mậu Thân. Thêm vào đó, 40% cán bộ chủ chốt của Mặt trận bị giết hoặc mất kết nối với cơ sở. Nhóm này sau đó bị cán bộ miền Bắc thay thế. Hệ thống tình báo, cảm tình viên… đều bật gốc khỏi các đô thị miền Nam Việt Nam.

Vì những lý do trên, Mặt trận không còn khả năng tự vận hành và đánh chiến dịch một cách độc lập mà phải dựa vào sự điều động, kế hoạch và nhân lực của miền Bắc.

Quan trọng nhất, danh tiếng cũng như tầm ảnh hưởng tại Hà Nội của cánh miền Nam, do Lê Duẩn và Lê Đức Thọ dẫn đầu, bị thách thức. Dù Lê Duẩn tiếp tục tại vị bên trong Bộ Chính trị đến tận năm 1986, tổ chức đảng thuộc cánh miền Nam không còn đủ tiếng nói để tiến cử các cá nhân có ảnh hưởng nào khác nhằm kế thừa vai trò và vị trí trong đảng mình. Danh tính của “cán bộ đảng miền Nam” từ đó không còn quan trọng nữa.

Sau 1975: Bằng mặt, không bằng lòng?

Kể từ sau 1975, sự thắng thế của nhóm miền Bắc được khẳng định khá rõ. Song không vì vậy mà nhóm này không cẩn trọng trong việc duy trì một hình ảnh công bằng và phổ quát bên trong Bộ Chính trị. Theo ghi nhận của tác giả David Koh (bất ngờ là hiện đang làm việc cho VinUni của Vingroup), số lượng ghế ủy viên Bộ Chính trị đã phải tăng từ 11 ghế lên 14 ghế, cho phép các đại diện từ miền Nam nắm giữ.

Điều này, tuy nhiên, vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Như đã nói, Nguyễn Văn Linh là nhân vật duy nhất từ miền Nam có thể lọt vào Bộ Chính trị (mà thật ra thì ông cũng là người gốc Bắc) sau năm 1975.

Một số nhà nghiên cứu  thì lại cho rằng các nhóm bỏ phiếu “hội đồng”, các liên minh chính trị có tính phe phái trong Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay không còn màu sắc vùng miền rõ ràng, mà chủ yếu dựa trên lý tưởng, chính sách hoặc lợi ích. 

Các tác giả như Barbara Crossette hay Nguyen Cong Luan là đại diện chủ yếu của luận điểm trên. Họ cho thấy chi phái miền Nam có mặt cả ở nhóm cấp tiến ủng hộ cải tổ kinh tế như Nguyễn Văn Linh hay Võ Văn Kiệt. Song những người đến từ chi phái này như Lê Duẩn và Mai Chí Thọ (sinh tại Nam Định, nhưng từ năm 1948 đã là bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho và hoạt động hoàn toàn tại miền Tây Nam Bộ cho đến 1975) lại là những nhân vật cộm cán nhất trong phe thủ cựu. 

Trường Chinh, một nhà lý luận chính gốc người Bắc, thì từng hợp lực với Lê Duẩn để đẩy Nguyễn Văn Linh ra khỏi Bộ Chính trị vào năm 1982. Nhưng cũng chính ông này mở đường lý luận và kêu gọi chi phái miền Bắc ủng hộ tạo đà cải cách kinh tế, giúp đỡ Nguyễn Văn Linh trở lại con đường quyền lực và nắm giữ vai trò tổng bí thư. 

Nguyễn Văn Linh, mặt khác, dù được tụng xưng là cha đẻ của phong trào Đổi mới tại Việt Nam, dần trở nên bảo thủ hơn và thường xuyên xung đột với Võ Văn Kiệt trong các vấn đề liên quan đến chi tiết và định hướng của quá trình Đổi mới cho đến khi ông hết nhiệm kỳ vào năm 1991.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng chỉ sau Đổi mới, chi phái miền Nam của Đảng Cộng sản mới có mặt một cách thường xuyên và đông đảo hơn trong Bộ Chính trị. 

Thành công vang dội của Đổi mới và quá trình mở cửa do chi phái miền Nam đóng vai trò chủ đạo (mà đặc biệt là cánh miền Tây Nam Bộ) nhanh chóng tạo điều kiện mở rộng ảnh hưởng của nhóm.

Ở một góc độ nào đó, người ta bình luận rằng khả năng mở rộng tầm nhìn chính trị Việt Nam ra khỏi quota vùng miền là khả thi.

Sau Đại hội X – 2006, có thể nhận thấy các lãnh đạo chính trị cao cấp như Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết có lực lượng áp đảo hai vị đến từ miền Bắc là Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng. Nhìn rộng hơn, có đến 6 thành viên đến từ Tây Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long trong Bộ Chính trị vào khi đó. Nếu so với con số 14 ủy viên tổng cộng thì không hẳn là nhiều, nhưng nó cho thấy tầm ảnh hưởng dần lớn mạnh của một bộ phận chính trị “bản lề” trong suốt gần 100 năm lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam: bị lãnh đạo chứ chưa bao giờ thành lãnh đạo. 

***

Đại hội XII và Đại hội XIII chắc chắn đã có những thay đổi rất dễ thấy. Sau chỉ tròm trèm một thập kỷ trỗi dậy, cánh miền Nam tiếp tục rơi vào thế yếu, với một lý do cực kỳ hợp lý – quản lý kinh tế kém và tham nhũng. 

Tuy nhiên, sẽ thật ngờ nghệch nếu cho rằng bản chất tham nhũng trong bộ máy nhà nước Việt Nam chỉ tồn tại hay phát huy ở bối cảnh do chi phái miền Nam nắm quyền.

Nên nhớ, đến cuối cùng, gần như toàn bộ bộ máy quản lý ở trung ương đều do các “sĩ phu Bắc Hà” nắm cả, dù cho đến nay không có một nghiên cứu chính thức nào dám đào sâu vào nghiên cứu tính đại diện vùng miền trong nhân lực quản lý cấp cao của nhà nước Việt Nam. 

Cuộc chiến chống tham nhũng đã diễn ra và sẽ kéo dài trong tương lai, không biết bao nhiêu phần trăm nằm trong nỗi ám ảnh vùng miền. Khối ung thư trong tư tưởng quản lý nhà nước “Đàng Trong – Đàng Ngoài” liệu có thể giải quyết bằng cách nào, kể cả khi Đảng Cộng sản rơi khỏi quỹ đạo lịch sử, vẫn là một câu hỏi quá khó.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét