Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2021

20210208. 'PHẤN ĐẤU' ĐỂ CÓ 25-50 ĐẠI BIỂU QH NGOÀI ĐẢNG ?

 ĐIỂM BÁO MẠNG

CHUYỆN THẬT NHƯ ĐÙA 

TRẦN THẤT*/ TD 7-2-2021


*TS Trần Thất, cựu Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp – Bộ Tư pháp. Nguồn: GDVN

Báo Vietnamnet ngày 04/02/2021 đưa tin: “Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, cơ cấu ĐBQH khóa mới phấn đấu người ngoài đảng từ 25-50”.

Trong tôi bỗng xuất hiện hai điều ngạc nhiên, cũng là hai điều nghịch lý:

1/ Quốc Hội đang tìm người tốt hay tìm người không tốt?

2/ Tại sao việc đưa người ngoài Đảng làm đại biểu Quốc Hội cũng phải đặt mục tiêu phấn đấu?

Về câu hỏi thứ nhất, tôi xin luận bàn như sau: Trong lịch sử Quốc Hội nước ta, ngoại trừ Quốc Hội khoá đầu tiên (1946) hầu hết các đại biểu Quốc Hội đều là đảng viên.

Điều này thì ai cũng biết, không cần phải dẫn chứng. Nói cách khác thì số đại biểu Quốc Hội là người ngoài Đảng hiện nay rất chi là hiếm. Vì sao vậy? Theo logic thông thường thì có hai khả năng suy đoán: Hoặc là, vì người ngoài Đảng không tốt bằng Đảng viên nên rất hiếm người được làm đại biểu Quốc Hội. Hoặc là, người ngoài Đảng quá tốt hơn đảng viên nên mới hiếm hoi đến như vậy. Ta nói của tốt là của hiếm.

Xét theo logic hình thức thì ta không thể so sánh hai khái niệm HIẾM và TỐT vì chúng thuộc hai phạm trù không thể so sánh được với nhau. Vậy ta hãy luận bàn trên cơ sở logic của cuộc sống đời thường vậy.

Các bạn hãy để ý đến động từ PHẤN ĐẤU trong câu nói của Bà Ngân. Trong cuộc sống thường ngày không ai nói “phấn đấu” để trở thành xấu hơn, tồi tệ hơn phải không các bạn? Một em học sinh chỉ có thể hứa với cha, mẹ mình là con sẽ phấn đấu học giỏi hơn (chứ không phải là phấn đấu để học kém hơn). Một thủ tướng hay bộ trưởng cũng thường hứa trước Quốc Hội là sẽ phấn đấu làm tốt hơn về một công việc nào đó (mà không nói là phấn đấu làm kém hơn).

Vậy trong trường hợp câu nói của Bà Ngân nói trên ta cũng phải hiểu rằng phấn đấu để có từ 25 đến 50 người ngoài Đảng làm đại biểu Quốc Hội là để làm cho Quốc Hội tốt hơn. Phải chăng đây là một nghịch lý? Nếu vậy ta phải hiểu rằng người ngoài đảng tốt hơn đảng viên ư? Trước đây ta thường nói cơ quan này, tổ chức kia rất mạnh vì tỷ lệ đảng viên so với quần chúng là rất cao. Chẳng lẽ nay lại phải nói ngược lại?

Điều ngạc nhiên thứ hai là: Để có được 25- 50 đại biểu Quốc Hội là người ngoài Đảng cũng khó khăn lắm hay sao mà phải PHẤN ĐẤU? Trong số chín chục triệu dân Việt Nam thì tuyệt đại đa số là người ngoài Đảng; họ cũng có thừa các tiêu chuẩn khác (ngoài tiêu chuẩn là đảng viên) để làm đại biểu Quốc Hội thì tại sao lại khó khăn trong việc tìm kiếm những người này?

Nói thẳng ra là lực cản nằm ở đâu? Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc Hội, Luật bầu cử Quốc Hội không hề có điều khoản nào hạn chế kiểu như vậy. Ai đã tạo ra lực cản để không cho những người ngoài Đảng làm đại biểu Quốc Hội?

Đến đây thì tôi chợt nhớ ra câu chuyện cười ra nước mắt cách nay khoảng vài chục năm. Chuyện là từ đầu thập niên Chín mươi của Thế kỷ trước, Đảng ta đưa ra chủ trương “TỰ CỞI TRÓI”. Khi đó trên các diễn đàn người ta rất phấn khởi, hồ hởi vì cho đây là một nước ngoặt đột phá. Không ngờ có một phóng viên báo nước ngoài đã hỏi một lãnh đạo Đảng ta rằng, AI ĐÃ TRÓI CÁC NGÀI?

Phải chăng các ngài đã tự trói mình rồi bây giờ lại tự cởi trói cho mình? Điều này liệu có bình thường không? Cũng tương tự như vậy, bây giờ ta lại tự hỏi: Ai đã hạn chế người ngoài Đảng tham gia Quốc Hội để bây giờ lại phải PHẤN ĐẤU đưa họ vào Quốc Hội?

Nói vậy cho hết nhẽ thôi. Nếu Nhiệm kỳ Quốc Hội Khoá tới mà các nhà kiến trúc Bộ máy nhà nước ta thiết kế được vài chục đại biểu Quốc Hội là người ngoài đảng theo đúng nghĩa thì tôi cũng sẽ cho đó là một KỲ TÍCH LỊCH SỬ thực sự.

BÀ KIM NGÂN CẦN 50 ĐẠI BIỂU NGOÀI ĐẢNG ĐỂ LÀM GÌ?

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 6-2-2021


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Quang Vinh/ VNE

Đại biểu ngoài đảng?

Ngay sau đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) khóa 13 kết thúc, bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói với báo chí rằng, sẽ “phấn đấu” để quốc hội sắp tới đây có … từ 25 đến 50 đại biểu là người ngoài đảng. Báo chí Việt Nam cũng giật tít với nội dung 50 người đó, tạo nên những cảm xúc, niềm tin,… rằng ĐCSVN đang cởi mở. 

Tuyên bố của bà Ngân, cũng như cách báo chí nhà nước Việt Nam (Việt Nam không có báo chí độc lập) đưa tin, thể hiện sự mặc cảm của những người cầm quyền hiện nay về chế độ chính trị của họ, đối diện với các chỉ trích, rằng chế độ CSVN là phản dân chủ.

Một mặt, chế độ này thường tuyên truyền cái câu giông giống như bên Mỹ, rằng, nhà nước của họ là của dân, do dân, vì dân, và từ dân mà ra, tức là quốc hội do dân bầu lên, có quyền lực tuyệt đối. Mặt khác, ĐCSVN nắm hết mọi thứ quyền lực, từ trên xuống dưới, quốc hội được bầu lên chỉ để góp vui, đảng cử dân bầu.

Tuyên bố của bà Ngân làm tôi nhớ một bài viết trên các tờ báo Việt Nam cách đây hơn 10 năm, trong một kỳ họp quốc hội, đưa tin nói rằng, sẽ cho các “đại diện của nhân dân vào giám sát các hoạt động hội họp của quốc hội”. Câu này có nghĩa là, đại biểu quốc hội không phải đại diện cho dân.

Chắc có ít người chú ý tới dòng tin đó, vì thật ra chẳng ai quan tâm quốc hội Việt Nam đang làm gì. Nhưng dòng tin như vậy thể hiện sự lẫn lộn khái niệm của những người cầm quyền Việt Nam, và sự thật thà ngộ nghĩnh của họ. Bên ngoài họ nói theo công thức tuyên truyền, rằng đại biểu quốc hội là do dân bầu lên, nhưng thâm tâm họ biết rõ rằng, các đại biểu quốc hội không có thực quyền, không đại diện cho dân chúng, cho nên khi đối diện các chỉ trích, họ cuống lên và phát biểu thật thà, ngây ngô như vậy.

Thời kỳ vàng son nhất của những đại biểu ngoài đảng có thể trong giai đoạn từ năm 2002-2007 của quốc hội khóa 11, lúc đó có các đại biểu ngoài đảng khá nổi tiếng như bác sĩ Trần Đông A, doanh nhân Võ Quốc Thắng (Gạch Đồng Tâm),… Trong hệ thống cộng sản, khó mà biết được các đại biểu ngoài đảng liệu có tiếng nói độc lập như người ngoài đảng hay không, hay chỉ là người ngoài đảng theo cách nhìn nhận vấn đề khi họ phát biểu ý kiến, cách dùng từ ngữ không theo hệ thống đảng.

Không rõ những người đứng đầu ĐCSVN lúc ấy có thực tâm muốn mở rộng dân chủ bằng cách để cho họ vào quốc hội hay không, nhưng chắc một điều là báo chí lúc ấy hay phỏng vấn họ, bởi họ là những người không theo chỉ thị hệ thống, phát biểu thẳng thắn và có ý kiến riêng, có tính chất sáng tạo. Cũng vì thế, tôi cho rằng, sau đó ĐCSVN đã dẹp bỏ việc này, vì không khéo những người phát biểu độc lập này lại “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, không cùng tiếng nói với Đảng thì nguy.

Trong ba khóa quốc hội gần đây nhất, tỷ lệ số đại biểu ngoài đảng (thì cứ cho là họ ngoài đảng thật sự) giảm dần, khóa 12 là 8,7%, khóa 13 còn 8,4%, khóa 14 giảm mạnh, chỉ còn 4,2%.

Quyền lực thật sự và trang trí thật sự

Trở lại với bà Ngân, có một điều khá thú vị là, khi báo chí Anh ngữ nói về đại hội toàn quốc của ĐCSVN, năm năm một lần, họ hay dùng chữ “Congress”, mà chữ này cũng dùng để chỉ quốc hội Mỹ. Tức là trong con mắt của các nhà báo phương Tây, ĐCSVN, mà cái lỏi hoạt động công việc hàng ngày của nó là Ban chấp hành trung ương, thật sự là cơ quan nắm quyền lực của đất nước. Điều khác biệt là, Congress của Mỹ do dân bầu lên, giằng co rất căng thẳng, ngược lại, Congress của ĐCSVN do 5 triệu đảng viên bàn tán, chia ghế với nhau, mà không phải đảng viên nào cũng được bàn tán.

Trên quan điểm quyền lực, trong các bài viết trước đây trên trang Tiếng Dân, tôi gọi Ban chấp hành trung ương của ĐCSVN là quốc hội De Facto. Trong các hội nghị trung ương trước khóa 12, Ban Chấp hành Trung ương chứng tỏ ngày càng có quyền hành hơn.

Hai trăm ủy viên (trong đó có 20 ủy viên dự khuyết) Ban Chấp hành Trung ương, kiểm soát toàn bộ các nấc quyền lực địa phương từ huyện đến tỉnh, các bộ công an và quốc phòng, toàn bộ các lĩnh vực kinh tế xã hội Việt Nam. Thế cho nên, Quốc hội Việt Nam là thừa, chỉ tốn thêm tiền thuế của dân, chi cho hội họp, lương bổng… nhưng chẳng hề đại diện cho dân.

Điều rất lý thú là những người cộng sản hiện nay rất là thực dụng, họ nắm chắc dân chúng mà họ cai trị, vậy mà họ vẫn duy trì một hình thức trang trí như quốc hội. Mà duy trì quốc hội đảng trị đối diện với các chỉ trích về tính dân chủ, lại sinh ra cái nhu cầu cần phát biểu như câu của bà Ngân vừa rồiPhấn đấu có từ 25 đến 50 đại biểu ngoài đảng.

Câu nói trên có thể gây ấn tượng đối với một số người ít thắc mắc, rằng dân chủ Việt Nam đang mở rộng, ít nhất về mặt hình thức, nhưng nó chọc cười cho những người chú ý tới chính trị Việt Nam, họ cảm thấy tội nghiệp cho những người phải đăng đàn phát biểu như bà Ngân.

ĐỂ MỤC TIÊU 50 ĐBQH LÀ NGƯỜI NGOÀI ĐẢNG TRỞ THÀNH HIỆN THỰC

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 5-2-2021

Báo Vietnamnet.vn ngày 04/2/20201 đưa tin: “Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, cơ cấu ĐBQH khóa mới phấn đấu người ngoài đảng từ 25-50”.

Đây là một tin vui. Vì là lần đầu tiên một trong những lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước – là đương kim Chủ Tịch QH – công khai bày tỏ mong muốn của đảng và nhà nước phấn đấu để có được 50 ĐBQH là người ngoài đảng.

Có thể khẳng định, đây là đóng góp rất quý giá của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân trong nhiệm kỳ Quốc hội XIV, nếu mục tiêu 50 ĐBQH người ngoài đảng được trở thành hiện thực trong Quốc hội khoá XV.

Để góp sức biến mục tiêu 50 ĐBQH người ngoài đảng của đảng, nhà nước và đương kim Chủ tịch QH thành hiện thực, xin đề xuất thể thức dưới đây.

1. Tại mỗi đơn vị bầu cử, ngoài số lượng ĐBQH là đảng viên, ghi rõ 1 ghế ĐBQH dành cho người ngoài đảng. Như vậy sẽ có 50 đơn vị bầu cử có 50 ghế dành cho ĐBQH không phải là đảng viên.

2. Tại mỗi đơn vị bầu cử có 1 ghế ĐBQH không phải đảng viên, cần 2 ứng cử viên không phải là đảng viên.

Vì đây là ghế ĐBQH dành riêng cho người ngoài đảng nên 2 ứng cử viên tự do sẽ không nằm trong danh sách hiệp thương của MTTQVN, mà lọt vào danh sách bầu cử qua con đường lấy chữ ký ủng hộ của cử tri.

Các ứng cử viên tự do phải có chữ ký ủng hộ của cử tri tại đơn vị tranh cử. Mỗi cử tri chỉ được ủng hộ cho một ứng cử viên tự do.

Trường hợp có nhiều hơn 2 ứng cử viên tự do, thì 2 ứng cử viên thu được nhiều chữ ký của cử tri hơn sẽ lọt vào danh sách bầu cử cuối cùng.

3. Các ứng cử viên tự do có quyền tranh cử ở bất cứ đơn vị bầu cử nào có ghế ĐBQH dành cho người ngoài đảng, không phụ thuộc vào quê quán, nơi thường trú hay tạm trú.

Xin khẳng định rằng, nếu tiến hành theo thể thức trên, đảm bảo dứt khoát có 50 ĐBQH là người ngoài đảng trong QH khoá tới. Và tất cả đều là những ĐBQH rất tài giỏi.

Nếu đảng và nhà nước muốn phấn đấu có nhiều ĐBQH là người ngoài đảng hơn nữa thì mỗi đơn vị bầu cử dành 1 ghế ĐBQH cho người ngoài đảng. Như vậy, tại 181 đơn vị bầu cử (theo số liệu bầu cử QH ngày 22/5/ 2016) sẽ có 181 ĐBQH là người ngoài đảng. 181/500 cũng chỉ là thiểu số (36,2%).

II. CÁC BẠN TRẺ Ở ĐÂU?

Xưa, khi giặc Ân sang xâm chiếm nước ta, nhà vua đã cho sứ giả đánh chiêng gõ mõ khắp cả nước, tận hang cùng ngõ hẻm, từ núi cao cho đến biển sâu, để tìm người tài ra giúp nước. Vì thế mới xuất hiện Thánh Gióng.

Nay, đảng và nhà nước đang tìm kiếm người tài giỏi ra ứng cử vào Quốc hội để giúp nước. Đảng và nhà nước đang cần 50 người tài. Các bạn trẻ tài giỏi ở đâu?

Thánh Gióng xưa chỉ mới 3 tuổi. Nay các bạn đã 30 tuổi, 40 tuổi. Đây là thời cơ giúp nước của các bạn. Các bạn không được bỏ lỡ.

Tuổi trẻ tràn đầy năng lượng và sáng láng về trí tuệ. Vì sung mãn và sáng láng nên dứt khoát trong quyết định, dũng mãnh trong hành động.

Hãy tạo nên một nếp sống mới trong bầu cử ở Việt Nam. Hãy nghiền nát sự e dè. Hãy vứt bỏ sự khiêm tốn giả tạo. Hãy đường hoàng ra ứng cử. Cùng góp sức để mục tiêu 50 ĐBQH là người ngoài đảng của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, của đảng và nhà nước trở thành hiện thực.

DÂN CHỦ ĐỪNG NHƯ NHỮNG CÔ ĐÀO GIÀ

TÂM CHÁNH/ TD 5-2-2021

Nghe bà Kim Ngân phải cố gắng để Quốc hội có vài chục người ngoài đảng. Cứ như thể ban phát ghế cho dân vậy. Chợt nhớ đến chuyện anh Lanh sổ thẳng ông Võ Văn Kiệt khi đích thân ông mời cơm khuyên các nhà báo tự ứng cử.

– Chú đừng xúi con nít ăn cứt gà sáp!

Thế là cuộc vận động đó không thành.

Bà Aung San Suu Kyi chắc bà Ngân biết. Bà ấy là một nỗi thất vọng lớn của dân Myanmar. Cả xã hội Myanmar đã cùng lực lượng chính trị của bà ấy dàn xếp một khung cảnh hoà bình, tự do cho dân chủ. Quân đội cũng tích cực đóng góp cho viễn cảnh đó. Nhưng dân Myanmar đã thất vọng. Bà ấy xài hoang phí thời gian của đất nước với một nền chính trị già nua.

Bà Aung San Suu Kyi không tạo được nhịp cầu nào khả tín trong thế giới Nam Á, mà Myanmar đang là một quốc gia phật giáo kiêu căng. Phật giáo ở vào cuộc tha hoá của quyền lực, một đạo phật từ bi ngất ngưởng muốn biến mình thành giáo hội, mà Myanmar không che giấu tham vọng mình kinh đô phật giáo thế giới.

Nhưng đã chẳng có một nghị sự nào tiến bộ, ngoại trừ cắp túi xin xỏ Bắc Kinh. Dân chủ trong tay bà Aung San Suu Kyi đã phản bội nhân dân của họ.

Một xã hội lạ lùng vẫn tồn tại trước mũi các chính trị gia. Một nền giáo dục Anh hiệu quả cho khung cảnh ổn định có thể phát triển dài hạn đất nước Myanmar. Nhưng những người trẻ chỉ vui tung tăng hớn hở trong chuyện mua sắm, thưởng ngoạn. Họ từ chối chính trị, nền chính trị hỗn hợp của Myanmar bỏ rơi những người trẻ.

Chỉ còn những chính khách già nua tự cho mình cái quyền sắp xếp thời gian để người Myanmar từng bước có dân chủ. Dân chủ ở Myanmar loay hoay trên sân khấu chỉ với một cô đào già mà sự chán nản đã trở thành nỗi chán ghét.

Đếm kiến coi khi nào có đủ 50 tay ngoài đảng được vào quốc hội. Đó chẳng còn gì ý nghĩa, ngoài là việc đẹp mặt đảng.

Ba xạo chính trị thì được dân chúng chán ghét nhanh thôi.

BÀN VỀ CƠ CẤU ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 9-2-2021

Thỉnh thoảng một tập thể cần lập ra một nhóm người để làm việc. Thí dụ tổ chức cần lập ban chấp hành hoặc cử đoàn đại biểu tham dự việc gì đó, mitting cần một chủ tịch đoàn đông người v.v… Những lúc này người ta thường nghĩ đến cơ cấu để có được đại diện của các tầng lớp chủ chốt.

Có lần đại hội công nhân viên chức của một trường đại học, chưa đến 200 đại biểu tham dự mà chủ tịch đoàn có 13 người. Hỏi rằng cần nhiều người để làm gì, được giải thích là phải có đủ cơ cấu để đại diện cho đảng ủy, chính quyền, công đoàn, thanh niên, phụ nữ, thầy cô giáo, công nhân viên, cấp dưỡng. Phải chăng họ đã quá nhầm chủ tịch đoàn đại hội, chỉ cần vài ba người để điều khiển với chủ tịch đoàn một cuộc mítting với nhiều người đại diện cho nhiều tầng lớp?

Chuẩn bị bầu Quốc hội khóa 15, bà Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra một cơ cấu như sau: Tổng số 500 người. Thuộc khối trung ương 207 người, thuộc khối địa phương 293 người. Số đại biểu cũ tái đắc cử 160 người (suy ra số mới được bầu là 340 người), đại biểu trẻ (dưới 40 tuổi) là 50 người, đại biểu nữ 165 người, người dân tộc thiểu số 90, người ngoài đảng từ 25 đến 50. Lại phải cơ cấu để có đại diện các tôn giáo.

Khi lập chủ tịch đoàn một cuộc mitting, lập một ban bệ hoặc đoàn đại biểu nào đó có thể do một người hoặc vài người lựa chọn thì có thể tạo ra cơ cấu theo ý muốn. Nhưng khi phải bầu cử mà số người trong danh sách ứng viên nhiều hơn số người cần bầu thì làm sao để cho cử tri bầu chọn đúng cơ cấu (đặc biệt khi số dư khá lớn, thí dụ danh sách có 10 ứng viên, được bầu 4 người). Bầu chọn ai là quyền của cử tri, vậy làm sao để cử tri bầu chọn đúng cơ cấu.

Trước hết xin nêu câu hỏi. Quốc hội có cần cơ cấu hay không. Tôi cho rằng chỉ cần một chỉ tiêu là tại mỗi đơn vị bầu cử được bầu mấy đại biểu. Còn cử tri bầu cho ai là quyền của người ta. Cử tri sẽ bầu cho người họ biết, họ thích, theo tiêu chuẩn do họ đề ra. Không cần ai vạch ra tiêu chuẩn và cơ cấu.

Khi bầu cử, việc đề ra cơ cấu tưởng là đúng, là hay, nhưng về bản chất là ý đồ độc tài, áp đặt. Tôi đề nghị bỏ ý tưởng chọn đại biểu QH theo cơ cấu. Nếu thấy rất cần có ai đó vào QH thì dành riêng một số ghế, không cần bầu. Quốc hội đầu tiên của Việt Nam đã bầu được 333 người và dành 70 ghế không cần bầu cho vài đảng chính trị.

Vậy khi đã đề ra cơ cấu thì phải dùng cách nào để đạt được. Có thể bằng cách khống chế danh sách hoặc gian lận khi kiểm phiếu. Đó là những thủ đoạn hèn kém hoặc xảo trá.

Khống chế danh sách ứng viên bằng hai biện pháp. Một là đưa người được cơ cấu áp đặt vào danh sách của một đơn vị bầu cử rồi chỉ đạo đơn vị ấy bầu cho người đó. Hai là hạn chế số ứng viên trong danh sách (thí dụ cần bầu 5 người thì danh sách ứng viên chỉ hạn chế 6 đến 7 người và trong đó đã cài sẵn 1 đến 2 người chỉ là hình nộm). Hai cách trên chỉ thực hiện được khi độc quyền lập danh sách ứng viên, hạn chế người tự ứng cử.

Dùng trò gian lận trong kiểm phiếu bằng các chỉ đạo ngầm và ngăn cản sự kiểm tra.

Hỏi tại sao lại cần có 25 đến 50 người ngoài đảng vào Quốc hội? Trả lời câu hỏi này sẽ gây ra nhiều oái oăm và tranh cãi. Dân cần người đại diện là người thật sự xứng đáng chứ không phải cần người ngoài đảng. Đại biểu QH là đảng viên mà thật sự có trí tuệ, liêm khiết, thật sự đại diện cho dân, được dân tín nhiệm thì cũng tốt chứ sao. Người ngoài đảng mà được Mặt Trận lựa chọn để làm tăng số “bù nhìn” thì ngoài đảng để làm gì?

Đúng ra nên kêu gọi và có biện pháp để cử tri bầu được những người thật sự tài giỏi, liêm chính vào Quốc hội dù họ là đảng viên hay ngoài đảng. Muốn được như thế thì bỏ ngay phương thức đảng cử dân bầu và Mặt trận giữ toàn quyền lập danh sách ứng viên. Hãy mở rộng việc ứng cử tự do và tổ chức tranh cử. Hãy vận động cử tri thực hiện phương châm không bầu cho những ứng viên xa lạ, không biết. Vắn tắt là “không biết, không bầu”.

Ở Việt Nam, các ủy ban của Mặt trận Tổ quốc được chọn theo hiệp thương mà không bầu, vì thế có thể chọn theo cơ cấu. Tuy vậy, sự tồn tại của Mặt trận là một nghịch lý, có hại nhiều hơn có lợi, nên dẹp bỏ. Còn Quốc hội là kết quả của phổ thông đầu phiếu thì không thể theo cơ cấu, đó là trò dân chủ giả hiệu trong bầu cử.

Trong Hiến pháp, trong Luật tổ chức Nhà nước không có qui định bầu Quốc hội theo cơ cấu. Nếu quả thật có nhu cầu bầu Quốc hội theo cơ cấu thì phải bổ sung Hiến pháp, sửa Luật và tổ chức bầu Quốc hội theo cách khác chứ không thể theo cách hiện tại.

Ngày 20 tháng 6 năm 2020, Bộ chính trị đảng CSVN ra chỉ thị số 45 về lãnh đạo bầu cử Quốc hội khóa 15. Tôi đã viết bài phản biện chỉ thị ấy, vạch ra một số điểm mập mờ và ngụy biện, đồng thời nhấn mạnh một số điểm cần thiết để có được cuộc bầu cử hợp lòng dân. Tôi rất mong được chia sẻ những ý kiến đã đề xuất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét