Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

20190930. BÌNH LUẬN VỀ NGHỊ QUYẾT KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC

ĐIỂM BÁO MẠNG
QUY ĐỊNH 205 RẤT QUAN TRỌNG, ĐẶC BIỆT LÀ LÚC NÀY

ĐỖ THƠM/ GDVN 29-9-2019

Ông Lê Quang Thưởng – nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền là rất tốt và quan trọng, đặc biệt trong thời điểm này.
Ông Lê Quang Thưởng. Ảnh: VOV
“Thực tế, thời gian vừa qua công tác cán bộ đã bộc lộ nhiều vấn đề. Nhiều cán bộ bị kỷ luật, thậm chí là xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ cấp cao.
Đáng nói, khi xử lý mới vỡ lẽ, nhiều cán bộ đã vi phạm trong thời gian dài trước khi được cất nhắc vào vị trí quan trọng.
Vì thế, việc ban hành quy định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ cũng là đáp ứng yêu cầu bức thiết sau những vấn đề xảy ra vừa qua trong công tác quản lý cán bộ lãnh đạo, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược.
Đặc biệt là trong bối cảnh Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang đến gần”, ông Thưởng nêu nhận định.
Theo nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, thực tế, nhiều điểm trong quy định đã được thực hiện từ lâu như nếu phát hiện có việc lợi dụng chức vụ quyền hạn đưa người không đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch, đề bạt vô nguyên tắc đều được xử lý.
“Nhưng với Quy định 205 thì việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, các hành vi chạy chức chạy quyền được chỉ ra cụ thể. Trách nhiệm của từng bộ phận, các nhân sự liên quan đến công tác quy hoạch, bổ nhiệm rất rõ ràng.
Quy định này sẽ giúp rất nhiều cho việc làm công tác nhân sự cho Đại hội Đảng 13 tới đây", ông Thưởng nhấn mạnh.
Dẫn một điểm cụ thể về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ như quy định với cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể…“Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cùng cấp uỷ; chủ tịch Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị", ông Thưởng cho rằng, quy định này nhằm ngăn chặn quan hệ thân tộc trong tổ chức Đảng, chính quyền.
"Đã có quy định cụ thể, các địa phương, bộ ngành sẽ kiểm tra, nếu có trường hợp nào chưa xử lý thì buộc người ta phải xử lý.
Địa phương nào nể nang không xử lý thì giờ quy định đã công khai rồi, cán bộ, Đảng viên cấp ủy địa phương sẽ biết, phát hiện và có ý kiến tạo điều kiện để lựa chọn nhân sự Đại hội 13 tốt hơn”, ông Thưởng nói.
Ông nhấn mạnh lại, có quy định, ban hành quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền là việc rất tốt nhưng việc làm thế nào để thực hiện hiệu quả mới là quan trọng nhất.
Nếu quy định này được thực thi một cách nghiêm khắc, đồng bộ với các quy định khác thì chính là cơ chế kiểm soát quyền lực về công tác cán bộ trên mọi phương diện.
Các hành vi chạy chức, chạy quyền
1. Tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
2. Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

3. Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác, "cánh hẩu" vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người.
4. Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.
5. Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
6. Sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
Đỗ Thơm
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

HOAN HÔ VÀI UỶ VIÊN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 28-9-2019

Quốc hội VN mang tiếng là “Tổ chức bỏ phiếu của Đảng với đa số nghị gật”, nhưng thỉnh thoảng cũng có được vài ý kiến mới mẻ.
Nghị gật chủ yếu gồm 2 loại. Một số có hiểu biết kém nhưng được chọn theo cơ cấu, họ chỉ là những cái máy bấm nút khi bỏ phiếu theo lệnh ở trên. Môt số khác tuy có hiểu biết chút ít nhưng đã là ”cán bộ” trong cơ quan lãnh đạo của Đảng hoặc chính quyền, họ đến họp QH cho qua chuyện, bấm nút bỏ phiếu những việc mà họ đã biết, đã nghe ở nơi khác.
Quốc hội, thỉnh thoảng cũng có được vài ý kiến mới mẻ. Đó là ý kiến từ số ít những đại biểu có trí tuệ, có dũng cảm. Phải chăng họ ở trong số đại biểu chuyên trách.
Ngày 14 tháng 9- 2019, tại phiến họp 37, Ủy ban Thường vụ QH đã đưa ra, thảo luận “Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội”.
Trong “Dự án” có 2 ý kiến làm tôi chú ý. Đó là: 1- Nâng số ĐBQH chuyên trách lên cao hơn (hiện nay dưới 35%). 2- Hạn chế số cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước. đồng thời ở trong QH.
Tuy vậy, nghe đâu cả hai đề xuất đó đều không được đa số, không được thông qua. Thế thì hoan hô cái gì. Thưa rằng, hoan hô người đề xuất, hoan hô người tán thành. Tuy bây giờ họ còn là thiểu số, nhưng đó là mầm mống của tiến bộ, là hạt giống của tương lai.
Nhà nước VN cần được Dân chủ hóa. Việc này tốt nhất là được diễn biến trong hòa bình, mà nơi bắt đầu từ Quốc hội. Đảng muốn tạo một QH bù nhìn để dễ giật dây. Nhân dân cần một QH thực sự đại diện. Đó là mâu thuẫn lớn. Giải quyết mâu thuẫn này phải từ hai phía. Quan trọng và quyết định là từ phía nhân dân. Nhân dân cần có giác ngộ về Nhân quyền và Dân quyền, cần đoàn kết đấu tranh buộc Đảng phải trả lại quyền của Dân trong việc lựa chọn người đại diện. Đó là việc “Lập Quyền Dân”. Từ phía Đảng thì hy vọng vào một số có thiện chí, không quá ngoan cố chống lại xu thế Dân chủ hóa đất nước.
Toàn dân (kể cả đảng viên) cần thấy rõ trách nhiệm vô cùng quan trọng trong việc bầu Quốc hội, vận động thực hiện phương châm “Không biết không bầu”, tẩy chay những người lạ mà mình không biết rõ, từ nơi khác được Đảng đem đến để ép cử tri nhận làm đại diện. Đồng thời cổ vũ việc tự ứng cử.
Nhân dân đã bị Đảng tước hết nhiều quyền chính đáng, còn quyền bầu cử người đại diện lại bị lợi dụng để thi hành dân chủ giả hiệu. Hãy biến cái giả hiệu này thành dân chủ thực sự bằng cách chỉ bầu cho người mà mình biết rõ và tín nhiệm. Không bầu cho người mình không biết, không bầu cho người không có năng lực, được xếp đặt theo cơ cấu cho đủ thành phần..
Về ứng cử. Những người có nguyện vọng đại diện cho dân, có trình độ, như các trí thức, các luật sư, các nhà hoạt động trong các tổ chức xã hội dân sự, các cá nhân có năng lực hoạt đông chính trị rất nên tự ứng cử và vận động tranh cử. Việc này đã được thầy giáo Lê Trọng Hùng và một số người đề xuất, đã được dư luận hưởng ứng. Tôi sẽ ứng cử.
Hiện nay có 3 điều vô lý trong bầu cử cần bãi bỏ, thứ nhất là cấm vận động, thứ hai là hạn chế danh sách, thứ ba là Mặt trận TQ giữ toàn quyền lập danh sách.
Cấm vận động là quy định trong Đảng, ẩn dưới điều cấm chạy chức chạy quyền, cấm vận động, mua chuộc. Quy định này tuy phần nào hạn chế được một chút tiêu cực của những kẻ cơ hội, đang nắm giữ chức quyền, nhưng rất tai hại cho những tài năng, những tinh hoa trong quần chúng. Những người này phải qua vận động tranh cử mới có khả năng thể hiện mình để cử tri biết, xem xét, lựa chọn.
Hạn chế danh sách, thí dụ đơn vị i được bầu 5 đại biểu thì chỉ được lập danh sách từ 7 đến 8 ứng viên. Để làm gì ? Để tập trung phiếu, để tuyên truyền rằng người trúng cử có tỷ lệ phiếu cao và rất cao. Người ta làm được việc này là do dân trí còn thấp, là dân chủ giả hiệu. Hãy đề ra tiêu chuẩn rõ ràng, công khai và lập danh sách ứng viên gồm đầy đủ những người đủ tiêu chuẩn. Khắc phục việc chọn ra số ít người trong một danh sách dài là bình thường mà thiên hạ đã làm nhiều.
Việc Mặt trận hiệp thương lập danh sách. Nói là hiệp thương cho có vẻ dân chủ, thật ra là thực hiện độc quyền, là để loại bỏ những ứng viên tự do mà Đảng không ưa, không phải là con bài của họ. Việc lập danh sách chỉ cần do Ban bầu cử làm.
Còn hơn một năm nữa mới đến kỳ bầu cử mới. Thường vụ QH đã có thảo luận về sửa đổi Luật tổ chức QH. Chắc rằng sẽ đưa ra thông qua trong kỳ họp toàn thể. Mong rằng những Đại biểu QH có lương tri, có trình độ và dũng cảm sẽ có những đóng góp xác đáng vào sửa đổi Luật, để cho cuộc bầu cử thực sự trở thành ngày hội của toàn dân thực hành dân chủ.
Ý kiến trên đây là của một công dân. Hy vọng rằng nó đại diện được cho đông đảo cử tri, Mong được mọi người hưởng ứng.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

DÂN CHỦ, TẦM NHÌN 2021

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 30-9-2019

(GDVN) - Không làm không có sai phạm, đây có phải là nguyên nhân khiến một bộ phận được “quy hoạch” áp dụng chiến thuật “nín thở, lặn sâu”?
Năm 2015, trước thềm đại hội Đảng lần thứ 12 (diễn ra vào tháng 01/2016), Tạp chí Cộng sản trong bài “Bầu cử tại Đại hội Đảng - Một yếu tố quyết định chất lượng cấp ủy các cấp” nêu nhận định:
“Nội dung, phương thức bầu cử trong Đảng chậm được cải tiến, sửa đổi, bổ sung.
Vẫn còn những trường hợp chưa bầu được tập thể cấp ủy, bí thư, phó bí thư thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, phẩm chất và năng lực của cả đảng bộ.
Dân chủ trong Đảng trong bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Đảng cũng chưa được phát huy”. [1]
Sau đại hội Đảng, vào tháng 05/2016, Phó giáo sư-Tiến sĩ Vũ Văn Phúc - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - trong bài “Các nguyên tắc cơ bản của bầu cử ở nước ta hiện nay” nêu ý kiến: 
“Bầu cử là một định chế quan trọng của dân chủ, nền tảng hợp pháp để hình thành các chức danh, cơ quan lãnh đạo của các tổ chức thành viên hệ thống chính trị”. [2]
Tác giả bài báo cho rằng bầu cử phải tuân thủ bốn nguyên tắc: “Phổ thông đầu phiếu; Nguyên tắc bình đẳng; Nguyên tắc trực tiếp; Nguyên tắc bỏ phiếu kín”.
Hai trích dẫn trên đây, một nói về bầu cử trong đảng, một nói về bầu cử trong cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân,…).
Dân chủ trong bầu cử. (Ảnh minh hoạ: Plo.vn)
Phát biểu của ông Vũ Văn Phúc đề cập đến “Các tổ chức thành viên hệ thống chính trị”, vậy đó là những tổ chức nào?
Bài viết “Hệ thống chính trị” đăng trên “Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” liệt kê danh sách 05 thành viên “Hệ thống chính trị” Việt Nam gồm: “Đảng Cộng sản; Hệ thống Nhà nước; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Công đoàn; Các tổ chức chính trị - xã hội khác”. [3]
Trong đó “Hệ thống Nhà nước” gồm: “Quốc hội; Chủ tịch nước; Chính phủ; Toà án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tổ chức bộ máy cấp địa phương”. 
Vì Đảng Cộng sản Việt Nam là một thành viên của “Hệ thống chính trị” nên quá trình bầu cử trong Đảng cũng cần tuân theo các nguyên tắc của một thiết chế dân chủ, nghĩa là phải đặt dân chủ lên hàng đầu, trước “tập trung” chứ không phải “Tập trung” rồi mới đến “Dân chủ”.
Khoản 3 điều 4 Hiến pháp 2013 quy định: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. 
Vậy những nguyên tắc của một “Nhà nước pháp quyền” chỉ áp dụng cho “Hệ thống Nhà nước” hay cũng bao quát toàn bộ “Hệ thống chính trị”?
Và thêm câu hỏi nữa:
“Liệu có thể có ngoại lệ, chẳng hạn một “tổ chức thành viên hệ thống chính trị” không cần thực hiện “Phổ thông đầu phiếu” hoặc “Nguyên tắc trực tiếp” trong bầu cử”?
Như vậy, thượng tôn pháp luật trong một nhà nước pháp quyền phải bảo đảm mỗi cuộc “bầu cử” hàm chứa hai thể hiện:
- Thể hiện tính “dân chủ” của thể chế chính trị;
- Thể hiện sự hợp pháp của người/cơ quan được bầu.
Và như vậy, một cuộc bầu cử thiếu dân chủ sẽ không mang lại tính chính danh cho đối tượng được bầu dù đó là cá nhân hay tổ chức.
Chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 13, gần đây nhiều văn bản, quy định, nghị quyết,… đã được ban hành và công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng như “Quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền”. 
Tuy nhiên vẫn có những thông tin người dân mong chờ nhưng không biết có được “giải mật”?
Một số báo đưa tin, Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng: 
“Chúng ta quy hoạch hơn 200 nhân sự vào diện ủy viên T.Ư khóa XIII thì 200 người đó phải được công khai để đảng viên biết. Để đảng viên giám sát họ.
Bộ Chính trị hôm rồi vừa quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền.
Nhưng Đảng viên muốn kiểm soát được thì phải biết thông tin, chứ không biết thì sao kiểm soát được”. [4]
Cho dù, thực tế đời sống cho thấy, ngay cả khi biết thông tin cũng chưa chắc đã kiểm soát được. 
Chuyện bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ hiện nay là một ví dụ.
Tại tỉnh Đồng Nai, liên tiếp hai vị Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội bị kỷ luật, bị miễn nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội dù rằng khi ứng cử, danh sách của họ được niêm yết công khai và chắc chắn họ phải được “Hội nghị hiệp thương” thống nhất lựa chọn đại diện cho cử tri địa phương. 
Tại Hà Nội, có người khá nổi tiếng lại trượt ngay từ vòng hiệp thương trong khi một nữ doanh nhân (dính nghi án bỏ tiền chạy chọt) lại trúng cử để rồi sau đó bị miễn nhiệm vì vi phạm pháp luật.
Mặc dù thông tin về tổ chức, cán bộ (Chiến lược, kế hoạch, đề án về công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội;…) được quy định là “bí mật nhà nước” nhưng có nhất thiết phải “đóng dấu mật” vào danh sách cán bộ quy hoạch?
Để câu “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” không còn là khẩu hiệu, có nhiều chuyện cần công khai, minh bạch, chẳng hạn chuyện kê khai tài sản cán bộ, công chức và danh sách cán bộ nguồn, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược.
Phần lớn trong số đó sau quá trình bồi đưỡng sẽ trở thành “công bộc của dân”, nghĩa là sẽ làm việc trong “Hệ thống Nhà nước”, chỉ một bộ phận sẽ làm công việc chuyên trách của tổ chức Đảng.
Có tâm lý e ngại là khi công khai danh sách cán bộ được quy hoạch dễ xuất hiện những tin tức nặc danh, “sự râm ran” trong dư luận hay lợi dụng để moi móc, bôi nhọ uy tín cán bộ vì mục đích cá nhân, có khi còn nhằm phục vụ mưu đồ các “nhóm lợi ích”.
Thật ra, khi một người được quy hoạch mà xuất hiện các thông tin trái chiều nên được coi là bình thường, có khi lại là tốt nếu người đó tự giải trình, chứng minh được là mình trong sạch.
Nếu tổ chức lo thay cho họ, bảo vệ họ như của quý ngay từ khi mới dự kiến thì biết đâu sẽ phản tác dụng, biết đâu sẽ không còn liều vắc xin nào đủ mạnh có thể giúp họ miễn nhiễm với các loại “mầm bệnh” khi họ được giao đứng mũi chịu sào.
Tuy nhiên, người viết không tán thành ý kiến của ông Lê Minh Thông ở chỗ chỉ “công khai để đảng viên biết” chứ không phải “nhân dân biết”.
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”.
Hiến pháp 2013 viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc…”.
Cả Điều lệ Đảng và Hiến pháp đều quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc” do vậy nếu chỉ cung cấp thông tin cho đảng viên thì có phải ông Lê Minh Thông muốn đặt “giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc” vào vị trí khác?
Đảng viên chỉ là một phận nhỏ, chiếm khoảng 5% dân tộc Việt Nam tại thời điểm hiện tại vì thế đảng viên không phải là “nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam”.
Những cá nhân trong diện quy hoạch nếu đắc cử không phải chỉ làm việc trong các ban, ngành của Đảng mà còn làm việc trong các cơ quan, tổ chức khác thuộc Hệ thống chính trị mà chủ yếu là Hệ thống Nhà nước.
Những người làm việc trong Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát,… chắc chắn thuộc vào nhóm “đầy tớ của nhân dân” vậy nên không có lý gì dân lại không biết trước diện mạo những người sẽ làm “đày tớ” cho mình.
“Đày tớ” không do chủ nhà lựa chọn thì liệu có trung thành với chủ hay chỉ nghe lời người phái họ đi làm đày tớ?  
Vụ gian lận thi cử năm 2018 tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình cũng có chuyện không công khai danh tính phụ huynh và thí sinh được nâng điểm, dẫu có chủ trương như thế thì tên tuổi không ít người vẫn xuất hiện trên mặt báo. 
Chính vì thế việc công khai hay không công khai 200 nhân sự được quy hoạch đối với giới thạo tin không quá quan trọng, họ vẫn có thể tìm danh sách bằng nhiều cách khác nhau. 
Tuy vậy, ý nghĩa của việc công bố thì lại vô cùng quan trọng bởi nó thể hiện quyết tâm chính trị của tổ chức, sự minh bạch và tôn trọng các giá trị cốt lõi của dân chủ.  
Người dân quan tâm và biểu đạt ý kiến với quá trình bồi dưỡng, chuyển các đối tượng từ “quy hoạch” sang “chính thức” là điều đáng mừng, không có ý kiến gì mới thực sự lo ngại.
Về điều này, người viết đồng ý với quan điểm của ông Lê Minh Thông:
“Nếu bí thư do đại hội bầu thì mọi thứ sẽ khác. Như thế sẽ là người đứng đầu tổ chức đảng, vị thế sẽ rất khác.
Đây là con đường chúng ta phải đi để tìm kiếm người tài trong đảng hiệu quả hơn”.
Gợi ý này chính là thể hiện nguyên tắc “Phổ thông đầu phiếu” và “Nguyên tắc trực tiếp” trong bầu cử, qua đó tạo nên tính chính danh cho người/cơ quan được bầu.
Theo tổng kết trong một bài báo đăng trên Tạp chí Tổ chức Nhà nước – cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ, trước mỗi kỳ đại hội (hay các cuộc họp của Quốc hội, của các tổ chức chính trị - xã hội) sự xuất hiện “các kiểu chạy”ở hậu trường là một thực tế.
Nếu trong thể thao có chạy vượt rào, chạy tiếp sức, chạy maratong,… thì cuộc đua “chạy” trong hệ thống chính trị có: “chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy chỗ, chạy quyền, chạy chức, chạy luân chuyển, chạy huân chương và có cả chạy... tội”. [5]
Với nhiều kiểu “chạy” như thế, một vài cơ quan chức năng liệu có đủ nhân sự để giám sát?
Thậm chí nếu chỉ dành cho mấy triệu đảng viên, liệu họ có dũng cảm “giám sát” chuyện chạy của đồng chí hay cấp trên trực tiếp của mình?
Năm 2019, khi quy hoạch cán bộ chuẩn bị đại hội Đảng chính thức khởi động thì cũng là lúc xuất hiện tình trạng vốn đầu tư công chậm giải ngân, điều này đã được Thủ tướng Chính phủ cảnh báo.
Làm nhiều dễ dẫn đến sai phạm nhiều, không làm không có sai phạm, đây có phải là nguyên nhân khiến một bộ phận được “quy hoạch” áp dụng chiến thuật “nín thở, lặn sâu”?
Chậm giải ngân nghĩa là chậm tiến độ xây dựng, chậm đưa các công trình, dự án vào khai thác nhưng … “chưa chết” ai! 
Hăng hái làm nhỡ mắc sai phạm biết đâu mình “chết trước”, xóa tên khỏi danh sách quy hoạch còn là may, theo chân hai ông cựu bộ trưởng thông tin hay mấy ông tướng tá “nhập kho” mới là điều cần quan tâm trên hết? 
Nỗ lực chuyển từ “Một Chính phủ minh bạch, kiến tạo” thành “Một Nhà nước minh bạch, kiến tạo” là chưa đủ mà phải là “Một Thể chế chính trị minh bạch, kiến tạo”. 
Điều này có thành hiện thực ngay từ bây giờ hay là “Tầm nhìn đến đến năm 2021”?
Hay toàn Đảng, toàn dân cùng nhau góp sức đẩy nhanh tiến độ?
Tài liệu tham khảo:
[1] //www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2015/33225/Bau-cu-tai-Dai-hoi-Dang-Mot-yeu-to-quyet-dinh.aspx
[2] //www.moha.gov.vn/baucu/van-ban-huong-dan/cac-nguyen-tac-co-ban-cua-bau-cu-o-nuoc-ta-hien-nay-25681.html
[3]//www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/ThongTinTongHop/hethongchinhtri
[4]//thanhnien.vn/thoi-su/tro-ly-chu-tich-quoc-hoi-neu-bi-thu-do-dai-hoi-bau-moi-thu-se-khac-1130205.html
Xuân Dương
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét