Thứ Tư, 11 tháng 9, 2019

20190911. QUANH VỤ CHÁY NHÀ MÁY RẠNG ĐÔNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
SỰ KIỆN CHÁY CÔNG TY RẠNG ĐÔNG VÀ QUYỀN ĐƯỢC BIẾT CỦA NGƯỜI DÂN ?

AN VIÊN/ BVN 6-9-2019


Sự kiện cháy Công ty Rạng Đông làm gợi nhớ về sự kiện Mayak thời kỳ Liên Xô. Và liệu đám cháy Nhà máy Rạng Đông có liên quan đến Quyền tiếp cận thông tin hay không?
Thông tin bất nhất và chậm trễ?
Một ngày sau khi vụ cháy Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông xảy ra (29.8), UBND phường Hạ Đình (Hà Nội), khuyến nghị người dân không ăn rau, hoa quả, gia cầm, cá, heo được nuôi trong vòng bán kính 1km kể từ tâm đám cháy tại Công ty Rạng Đông trong vòng 21 ngày.
Hai ngày sau (31.8), UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã kiểm điểm nghiêm khắc đối với UBND phường Hạ Đình vì đã ban hành văn bản vượt quá thẩm quyền và chưa đủ cơ sở, khiến người dân hoang mang, lo lắng sau vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.
Hệ quả dẫn chiếu từ vụ kiếm điểm nghiêm khắc này đến từ việc sau khi đám cháy xảy ra, vào chiều 31.8, Sở TN&MT Hà Nội cùng với UBND quận đã lấy kết quả test nhanh môi trường trong và ngoài khu vực xảy ra vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, đối với thông số thủy ngân. Kết quả, các vị trí trên đều bằng 0 ug/m3 (microgam/mét khối). Tuy nhiên, điều này được báo Tiền Phong cho rằng, kết quả “bị nhiều chuyên gia môi trường nghi ngờ tính chính xác.”
Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, không thể nói kết quả thủy ngân trong môi trường bằng 0 mà phải là thiết bị test nhanh không phát hiện ra thủy ngân trong môi trường.
Tiếp đó, hướng gió thổi vào ngày 28.8, ngày xảy ra vụ cháy cũng được chuyên gia Đào Nhật Đình nhận định, nó có thể ảnh hưởng lây sang khu vực hồ Hạ Đình.
Trước nghi ngờ của dư luận xã hội, trong cuộc họp báo Chính phủ vào tối ngày 4.9, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin. Theo đó, Thứ trưởng Bộ này, ông Võ Tuấn Nhân cho biết, vụ cháy ở Công ty Rạng Đông đã làm phát tán ra môi trường từ 15,1 – 27,2 kg thuỷ ngân. Đồng thời ra khuyến cáo, người dân trong vùng phạm vi bán kính cách hàng rào nhà kho cháy đến 500m phòng ngừa phơi nhiễm và tổ chức theo dõi sức khỏe thường xuyên, định kỳ.
Nhìn chung, toàn bộ thông tin và chỉ đạo của chính quyền liên quan đến sự kiện cháy Công ty Rạng Đông là thiếu sự thống nhất và tính kịp thời. Bởi phải mất 7 ngày mới bắt đầu xử lý và kiểm soát tốt vấn đề môi trường sau sự cố cháy nổ. Còn trước đó, về mặt thông tin báo chí, các phát ngôn và khuyến nghị đưa ra vẫn chưa thực sự rõ ràng, chi số kết quả quan trắc thủy ngân cũng chưa tiếp cận đến đại bộ phận người dân.
Quyền được biết về sự cố này của người dân?
Fanpage Tôi Biết – một trang truyền tải thông tin về Quyền được ghi nhận trong Luật tiếp cận thông tin đã đặt vấn đề: chưa có kết quả chính thức từ cơ quan chức năng. Mọi suy đoán đều ở mức “có thể”. Và liệu đám cháy Nhà máy Rạng Đông có liên quan đến Quyền tiếp cận thông tin hay không?
Theo Điều 6, Luật tiếp cận thông tin, trong đó, có nhóm “thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện”. Dựa trên điều luật này, thông tin liên quan đến vụ cháy lại không nằm trong sự điều chỉnh.
Trong khi đó, nếu xét ở Điều 6 về Thông tin công dân không được tiếp cận, thì có thể vụ cháy sẽ được hiểu là nằm ở khoản 2, theo đó thông tin tiếp cận sẽ ảnh hưởng xấu đến “trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Nhưng khi những vụ cháy ở những địa điểm mà có khả năng phát tán ra chất gây độc hại (thủy ngân) ra môi trường sống của mọi người, mà cộng đồng lại không được tiếp cận thông tin thì liệu đó là sự thiếu sót của các nhà làm luật?
Thậm chí, trường hợp liên quan đến hướng gió vào ngày 28.8 có thể lây sang khu vực hồ Hạ Đình. Theo Facebooker Dang Ngoc Quang, vụ cháy ở Nhà máy Rạng Đông kéo dài 5 tiếng trong đêm, còn thời gian đi xe từ đây sang Nhà máy nước Hạ đình chỉ có 1 phút qua khoảng cách 250 mét theo Google Map (trong khi trả lời Chuyển động 24h, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, bán kính ảnh hưởng của vụ cháy có thể lên tới 1,5km). Lượng chất độc chứa thủy ngân trong 1 triệu 600 nghìn bóng đèn compact không biết rơi ở đâu. Trong khi di hại của nhiễm độc thủy ngân là rất lâu dài. Và liệu đã có ai che bể lắng lọc của Nhà máy nước Hạ Đình?
Nếu xét trên cơ sở này, thì chất độc thủy ngân có thể lắng xuống đất, hoặc trong trường hợp bể lắng lọc của Nhà máy nước Hạ Đình không được che chắn trong suốt thời gian xảy ra vụ cháy thì có thể (tức thiếu quy trình ứng phó sự cố môi trường), chất độc chứa thủy ngân đã phân bổ đi từng hộ dân (?).
Cần sửa đổi bổ sung Luật tiếp cận thông tin?
Tuy nhiên, điều may mắn là tủ chứa thủy ngân nguyên liệu của nhà máy còn nguyên, nên rủi ro chất độc thủy ngân có thể ở mức an toàn. Nhưng qua đó cho thấy hai vấn đề:
Một là, khi các nhà máy có tiềm ẩn chất độc nguy hại đặt trong khu dân cư, thì các công trình trọng yếu phải có quy trình ứng phó sự cố môi trường. Trong trường hợp xảy ra biến cố, thì các công trình trọng yếu cần nhanh chóng, kịp thời thông tin cho người dân, nhất là các Nhà máy nước.
Hai là, cần phải bổ sung và sửa chữa Luật tiếp cận thông tin, theo đó phải đưa các sự cố có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân vào thông tin mà công dân được phép tiếp cận. Điều này gia cố thêm quy trình thông tin chính thống được ban ra, vừa đảm bảo hạn chế mức thấp nhất lượng tin tin giả – gây thất thiệt trên mạng xã hội. Thay vì, không điều chỉnh trong quyền thông tin, khiến người dân bối rối, nhưng lại sử dụng Luật An ninh mạng để răn đe những người đưa tin như hiện nay.
Sự kiện cháy Công ty Rạng Đông gợi nhớ lại sự kiện bồn chứa chất thải hạt nhân ở nhà máy Mayak phát nổ năm 1957 và khả năng “che giấu thảm họa” của chính quyền Xô Viết. Sự kiện Mayak được đánh giá là một trong những thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử. Lý do, trước khi đám mây phóng xạ tan hoàn toàn, nó đã ảnh hưởng đến lượng lớn dân cư ở 22 ngôi làng. Mức độ thương vong trong thảm họa này chưa bao giờ được công bố, nhưng theo các nguồn tin độc lập, con số này có thể lên tới 10.000 người, chủ yếu vì ung thư và các bệnh rối loạn gene do nhiễm phóng xạ. Về phía chính quyền Xô Viết, chỉ tiến hành kỷ luật giám đốc nhà máy Mayak bị vì tội “buông lỏng kỷ luật công nghiệp”. Bản thân quan điểm chính thức của Liên Xô và Nga về sau này, đều không gọi đây là một tai nạn (hay thảm họa), mà sử dụng cụm từ “tình trạng ô nhiễm khẩn cấp do con người gây ra” để mô tả sự cố tại Mayak.
A.V.
VNTB gửi BVN

MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CỦA VỤ CHÁY RẠNG ĐÔNG

FB NGUYỄN ĐỨC MINH/ BVN 7-9-2019

Vụ cháy Rạng Đông là một sự cố môi trường. Sự kiện pháp lý này sẽ có thể dẫn đến một số hệ quả pháp lý sau:
1. Khắc phục ô nhiễm
Rạng Đông phải chịu toàn bộ chi phí của việc khắc phục ô nhiễm. Luật Bảo vệ môi trường yêu cầu đơn vị gây sự cố môi trường phải “khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước”. Mình không nghĩ là Rạng Đông đủ khả năng khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường. Nghe nói có dự định đưa bộ đội hoá học vào để làm. Chi phí này Nhà nước sẽ tạm ứng, Rạng Đông phải trả sau đó.
Lại nhớ năm 2010, BP gây sự cố tràn dầu. Chính quyền Mỹ đã phải huy động lực lượng để làm sạch dầu tràn. Sau đó, chính quyền Obama đã tổng hợp chi phí và gửi hoá đơn sang BP yêu cầu trả toàn bộ chi phí làm sạch dầu tràn.
2. Trách nhiệm dân sự đối với người dân trong khu vực
Trách nhiệm dân sự thì theo nguyên tắc của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Người dân trong khu vực có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khoẻ, tài sản. Nếu muốn được bồi thường người dân sẽ phải thống kê thiệt hại như tiền viện phí, thời gian đóng cửa hàng, thậm chí cả việc giảm giá trị tài sản… Thiệt hại phải xuất phát từ sự cố đám cháy, không được tát nước theo mưa, như kiểu: tính cả tiền hàn răng, hoặc đóng cửa hàng vì lý do đi nghỉ mát. Người dân đưa ra mức thiệt hại của mình, Rạng Đông có quyền đưa ra mức khác, nếu không thống nhất được thì ra toà.
Điều thú vị của trách nhiệm dân sự là Điều 602 của Bộ luật Dân sự quy định: Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, kể cả khi chủ thể đó không có lỗi. Tức là, kể cả khi Rạng Đông có chứng minh được là họ không cố ý, không vô ý để xảy ra cháy thì họ vẫn phải bồi thường.

2′. Thủ tục đòi bồi thường dân sự
Ở Việt Nam không có quy định rõ ràng về khởi kiện tập thể. Nên từng người dân một phải làm đơn kiện riêng. Nếu có nhiều đơn kiện tương tự nhau, toà án có thể nhập nhiều vụ kiện vào chung một vụ và xử một thể. Nhưng điều này hoàn toàn phụ thuộc vào ý thích của toà.
Đây là một lỗ hổng chết người của hệ thống tố tụng dân sự của Việt Nam khi không có quy định về khởi kiện tập thể. Nếu giả sử mỗi người thiệt hại vài ba triệu đồng, đòi cùng lắm được vài ba triệu này mà phải tự mình theo đuổi một vụ kiện kéo dài thì chắc chẳng ai muốn kiện. Nếu có quy định khởi kiện tập thể thì chỉ cần một vài người đại diện, một vài luật sư là có thể đòi tiền cho hàng ngàn người.
3. Bồi thường thiệt hại cho môi trường tự nhiên
Pháp luật Việt Nam có một điểm thú vị là người gây ô nhiễm môi trường, ngoài bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của cá nhân, tổ chức khác, còn phải bồi thường thiệt hại cho môi trường tự nhiên.
Người yêu cầu bồi thường là UBND cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh hoặc BTNMT, tuỳ theo phạm vi thiệt hại là trong một xã, trong nhiều xã cùng huyện, trong nhiều huyện cùng tỉnh, trong nhiều tỉnh thành. Vụ này khả năng trách nhiệm thuộc về UBND phường Hạ Đình hoặc UBND quận Thanh Xuân, hoặc cũng có thể là UBND TP Hà Nội.
Nghị định 03/2015 hướng dẫn khá chi tiết về cách tính thiệt hại. Đương nhiên Rạng Đông cũng vẫn có quyền đề xuất mức bồi thường khác với mức mà các UBND trên đưa ra. Nếu không thống nhất được thì ra toà.
Tiền thu được sẽ về ngân sách. Tuy nhiên, trên thực tế, mình chưa bao giờ thấy một UBND nào đứng ra kiện đòi khoản này.
4. Trách nhiệm hình sự
Chưa rõ nguyên nhân vụ cháy nên chưa thể nói có yếu tố hình sự hay không. Nếu giả sử Rạng Đông đã làm sai quy định nào đó về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường thì cũng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 237 Bộ luật Hình sự.
Lưu ý, Điều 237 không chỉ xử lý đối với người gây ra sự cố, mà còn xử cả người vi phạm quy định về ứng phó và khắc phục sự cố. Nên nếu chứng minh được rằng lãnh đạo UBND vi phạm quy định nào đó về ứng phó và khắc phục sự cố môi trường thì lãnh đạo đó cũng có thể bị xử lý hình sự. Đương nhiên, ngoài yếu tố đã vi phạm quy định thì còn rất nhiều yếu tố khác phải chứng minh như thiệt hại sức khoẻ người khác là bao nhiêu, thiệt hại tài sản là bao nhiêu […].
N.Đ.M.

 CHÁY RẠNG ĐÔNG, AI PHẢI KIỂM ĐIỂM TRÁCH NHIỆM ?

NGUYỄN HUY VIỆN/ 8-9-2019

 - Chủ tịch phường Hạ Đình phải kiểm điểm trách nhiệm hay Chủ tịch quận Thanh Xuân phải kiểm điểm trách nhiệm trong xử lý sự cố môi trường sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông?

Tại buổi họp báo Chính phủ ngày 4/9/2019, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, nguồn thủy ngân phát tán ra, theo báo cáo của Công ty cổ phần Phích nước, bóng đèn Rạng Đông (dưới đây viết tắt Công ty Rạng Đông) là 15,1kg, nhưng theo tính toán của các nhà khoa học, khối lượng thủy ngân phát tán ra là 27,2kg.
Ông Võ Tuấn Nhân cũng đã công bố kết quả phân tích mẫu đất, nước của các cơ quan liên quan, khi so sánh giá trị nồng độ thủy ngân (Hg) với các quy chuẩn Việt Nam (QCVN) hiện hành về môi trường:
Có 12/13 mẫu trầm tích vượt mẫu quy chuẩn tại điểm quan trắc sông Tô Lịch, cách cống gom xả nước thải nhỏ ngõ 320 Khương Đình vượt tới trên 6 lần; có 1 mẫu không khí vượt quy chuẩn trong khuôn viên bị cháy ở công ty…
Cũng theo ông Nhân, nếu so sánh với các tiêu chuẩn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), châu Âu, Mỹ và Canada cho thấy: Trong khoảng từ hàng rào đến khoảng cách 200m, các mẫu hấp thụ thủy ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị).
Cháy Rạng Đông, ai phải kiểm điểm trách nhiệm?

Chủ tịch phường Hạ Đình phải kiểm điểm trách nhiệm hay Chủ tịch quận Thanh Xuân phải kiểm điểm trách nhiệm trong xử lý sự cố môi trường sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông? Ảnh: Trần Thường
Các điểm quan trắc không khí trong khuôn viên công ty phía trước khu cháy (trạm ôxy) và trong nhà kho bị cháy có giá trị Hg trong môi trường không khí cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO và ATSDR (Mỹ) từ 10 đến 30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người).
Ông Võ Tuấn Nhân khẳng định: "Vụ cháy nổ ra tại Công ty là sự cố cháy nổ mất an toàn hoá chất, ảnh hưởng sức khoẻ con người ở mức độ trung bình, tuy nhiên gây thiệt hại tài sản và ảnh hưởng trầm tích, tác động đến sức khoẻ con người, phát tán môi trường không khí nước, lắng đọng nước và chảy vào sông Tô Lịch. Phạm vi vùng có nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng xấu sức khoẻ người dân khoảng cách bán kính 500m”.
Kết quả công bố trên đây của Bộ cho thấy, Thông báo của UBND phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội ngày 29/8/2019, về việc khuyến cáo nhân nhân phòng tránh độc hại và xử lý vệ sinh môi trường sau vụ cháy xảy ra tại Công ty Rạng Đông là hoàn toàn phù hợp và rất kịp thời.
Qua đó cho thấy lãnh đạo phường Hạ Đình không chỉ rất có ý thức và kiến thức ứng phó, phòng ngừa khi có sự cố về môi trường mà còn rất nhanh nhạy, rất trách nhiệm trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân.
Trong khi đó, chiều ngày 30/8/2019, UBND quận Thanh Xuân phát thông báo: “Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đã thực hiện lấy mẫu, phân tích, đánh giá chất lượng môi trường xung quanh khu vực nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông để xem còn hay không yếu tố độc hại. Trung tâm đã lấy các mẫu nước thải, nước sinh hoạt, không khí xung quanh, bụi, đất để phân tích trong phòng thí nghiệm. Kết quả phân tích nhanh các thông số vi khí hậu, nhiệt độ, bụi…cho thấy ở mức độ bình thường”.
Tuy nhiên, cũng trong ngày 30/8, UBND quận Thanh Xuân còn cung cấp thêm cho người dân: “thông tin ban đầu của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế các chỉ số như: Thủy ngân, chì, kim loại nặng được đo bằng máy test nhanh thì kết quả cho thấy các chỉ số đều trong ngưỡng cho phép, an toàn đối với người dân.” Thật nực cười là đến tối cùng ngày, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường đã lên tiếng phủ nhận thông tin "an toàn" mà quận Thanh Xuân thông báo. [1]
Không chỉ có vậy, UBND quận Thanh Xuân còn yêu cầu UBND phường Hạ Đình thu hồi văn bản cảnh báo nhân dân về ô nhiễm môi trường sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông, đồng thời yêu cầu kiểm điểm Chủ tịch UBND phường vì đã ra văn bản khuyến cáo không đúng thẩm quyền, gây hoang mang dư luận.
Đánh giá về cách xử lý vấn đề trên đây của UBND quận Thanh Xuân, Phó trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng khẳng định: “Qua sự việc, chúng ta thấy rằng UBND phường Hạ Đình đã phản ứng rất nhạy cảm với vấn đề. Và việc UBND quận Thanh Xuân yêu cầu thu hồi cảnh báo và đề nghị kiểm điểm lãnh đạo phường vì ra thông báo cảnh báo người dân là vô trách nhiệm, chưa cần nói đến là sai luật”.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng: “Rõ ràng, chính quyền Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo không kịp thời, thiếu đi những biện pháp để xử lý hiệu quả, đặc biệt trong vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn cho người dân”.
Phó ban Dân nguyện Quốc hội phân tích: “Trong việc này, lẽ ra Thành phố phải có trách nhiệm nhưng lại không làm. Thậm chí khi người ta làm có trách nhiệm thì lại lờ đi không bênh vực, cũng không công khai thông tin. Vì thế, dư luận có quyền đặt dấu hỏi về việc Thành phố bao che cho quận Thanh Xuân - đơn vị liên quan trực tiếp nhưng cũng chưa có động thái kịp thời ứng phó với sự cố.”
Từ cung cách xử lý sự cố môi trường sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông, có thể khẳng định nếu như lãnh đạo phường Hạ Đình rất có ý thức, kiến thức ứng phó, phòng ngừa khi có sự cố về môi trường; và cũng  rất nhanh nhạy, trách nhiệm trong việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, thì ngược lại từ lãnh đạo quận Thanh Xuân đến lãnh đạo TP. Hà Nội đều thiếu năng lực, thiếu kiến thức, thiếu nhanh nhạy và nhất là thiếu trách nhiệm với nhân dân.
Trong khi đó theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân “…đây là sự cố gây cháy nổ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của TP. Hà Nội.”
Cũng may là ô nhiễm môi trường do cháy tại Công ty Rạng Đông chưa đến mức nghiêm trọng. Nếu đó là một thảm họa về môi trường, với phương cách xử lý của lãnh đạo quận Thanh Xuân và lãnh đạo TP. Hà Nội thì chắc chắn người dân sẽ gánh chịu hậu quả khó lường.
Qua diễn biến của sự việc trên đây cho thấy điều trớ trêu, đó là lãnh đạo phường Hạ Đình rất nhanh nhạy trong xử lý sự cố và rất trách nhiệm với nhân dân thì bị lãnh đạo quận Thanh Xuân yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm.
Còn lãnh đạo quận Thanh Xuân có biểu hiện bưng bít sự thật, năng lực xử lý sự cố ô yếu kém, thiếu trách nhiệm với sức khỏe và tính mạng của người dân nhưng do “bình tĩnh” và thực hiện nhiệm vụ đúng “thẩm quyền”, đúng “quy trình” nên không hề bị lãnh đạo TP. Hà Nội nhắc nhở.
Thử hỏi với cung cách trên đây, trong xử lý những công việc hệ trọng, những tình huống đột xuất liệu cán bộ có dám thực hiện khẩu hiệu: “Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”?
Chủ tịch phường Hạ Đình phải kiểm điểm trách nhiệm hay Chủ tịch quận Thanh Xuân phải kiểm điểm trách nhiệm trong xử lý sự cố môi trường sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông? Hay còn những ai khác?
Nguyễn Huy Viện
Tài liệu tham khảo:
[1].https://thanhnien.vn/thoi- su/su-co-chay-cong-ty-rang- dong-chinh-quyen-ha-noi-da-vo- trach-nhiem-nhu-the-nao- 1122221.html

CẦN KHỞI TỐ HÌNH SỰ CHO VỤ HOẢ HOẠN Ở CÔNG TY BÓNG ĐÈN PHÍCH NƯỚC RẠNG ĐÔNG

MINH CHÂU/ BVN 11-9-2019

https://1.bp.blogspot.com/-5ZRoLi06Gy0/XXaMBIKBliI/AAAAAAAAEII/n0KSs677JPITMdx5VnDA7m9SrqMLuRJYgCLcBGAs/s640/Xulychatdoc9-1.jpg
Qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường cùng với quá trình đấu tranh với lãnh đạo doanh nghiệp, Công ty Rạng Đông đã thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân (Hg) lỏng có độc tính cao hơn so với viên Amalgam mà chính công ty này đã thông báo trước đó.
“Qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31-8, cùng với quá trình đấu tranh với lãnh đạo công ty, công ty mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng Hg lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam) với khối lượng theo tính toán của các nhà khoa học là 30 mg/bóng. Khối lượng hóa chất còn lại là 4.510.712 viên Amalgam với trọng lượng là 41,75 kg; Hg lỏng là 108,9 kg, trong đó 34,3 kg được bảo quản an toàn cùng với viên Amalgam trong tủ cấp đông tại khu vực bị cháy. Lượng Hg đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1 kg đến 27,2 kg” – Báo cáo của Tổng cục Môi trường cho biết.
Báo cáo chuyên môn của Tổng cục Môi trường cũng cho biết, tại thời điểm cháy, lượng Hg và các chất khí độc hại đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Theo dữ liệu khí tượng thủy văn và mô hình lan truyền ô nhiễm, ước tính phạm vi phát tán tối đa của khói thải khoảng 1,5 km, phạm vi ô nhiễm khoảng 200 m tính từ tường rào của công ty và theo hướng gió có thể ảnh hưởng đến khoảng cách 500 m.
Kết quả quan trắc môi trường không khí xung quanh ngoài hàng rào Công ty Rạng Đông cho thấy mặc dù hàm lượng Hg không vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng cũng đã xác định được hàm lượng đáng kể (thời điểm quan trắc, trời mới mưa, mát với nhiệt độ thấp), đặc biệt do đặc thù Hg là kim loại tồn tại ở dạng lỏng, không tan trong nước, rất nặng và dễ sa lắng, dễ bốc hơi ngay cả ở nhiệt độ thường và có thể còn nằm lại trên các mái nhà, cây cối, trên các bề mặt và các vật dụng lưu chứa hở, nên có nguy cơ gây ô nhiễm trở lại môi trường.
Như vậy, từ căn cứ Điều 63 “Xử lý vi phạm” của Luật Phòng cháy Chữa cháy, đã có thể tiến hành khởi tố vụ án, xác định bị can trong vụ hỏa hoạn ở Công ty Rạng Đông.
Bộ Luật Hình sự 2017, Điều 76 quy định “Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật này”.
Các Điều 235 đến Điều 246 thuộc Chương XIX “Các tội phạm về môi trường” có mức án phạt tù từ 1 năm đến 7 năm. Trong trường hợp hỏa hoạn cùng các tình tiết diễn ra sau đó như khai báo gian dối, ngụy tạo số liệu công bố của lãnh đạo Công ty Rạng Đông, nếu vụ án được khởi tố hình sự, từ căn cứ vào Điều 79, Bộ Luật Hình sự 2017, thì Công ty Rạng Đông sẽ phải “đình chỉ hoạt động vĩnh viễn”, vì đã gây sự cố môi trường đồng thời với việc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra, hoặc mức án nhẹ hơn là  “cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm” ( theo  Điều 235.5.d).
Giả dụ vụ án hỏa hoạn ở Công ty Rạng Đông được khởi tố, có thể xem như đây là vụ án đầu tiên một pháp nhân bị hầu tòa về tội danh liên quan đến môi trường. Báo chí sẽ được dịp phân tích đa chiều về những tình tiết xảy ra từ vụ hỏa hoạn, đặc biệt là dễ dàng liên hệ đến những hành vi có dấu hiệu đang diễn ra trong nhóm tội phạm môi trường thuộc Chương XIX, Bộ Luật Hình sự 2017, tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Thịnh Formosa ở khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Tương tự về pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về môi trường, còn có nhà máy Alumin Nhân Cơ tại tỉnh Đăk Nông và nhà máy Alumin Tân Rai ở tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra còn có loạt dự án nhiệt điện than do Trung Quốc đầu tư tại các vùng ven biển Việt Nam.
Trở lại với vụ hỏa hoạn ở Công ty Rạng Đông, hậu quả liên quan đến sức khỏe đã xảy ra. Số liệu ghi nhận từ Sở Y tế Hà Nội, tình chung trong 2 ngày 6 và 7/9, đã có gần 500 người đến khám tại hai điểm khám miễn phí (hai trạm Y tế phường Thanh Xuân Trung và Hạ Đình, TP Hà Nội). Trong số đó đã có trên 200 người được các bác sĩ cho chuyển các bệnh viện tuyến trên để xét nghiệm kỹ, đánh giá lại sức khoẻ, 16 người trong số này đã được cho nhập viện điều trị.
M.C.
VNTB gửi BVN

THÔNG TIN CẦN BIẾT VỀ NHIỄM ĐỘC THUỶ NGÂN
TS NGUYỄN HỒNG VŨ */BVN 7-9-2019

* Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA

Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
D:\Downloads\BVN\7-9\69690232_2864685436879142_3242464604969762816_n.jpg
Hôm qua mở Facebook lên tôi thấy tràn ngập tin về cuộc họp báo chiều ngày 4 tháng 9. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Võ Tuấn Nhân đã công bố kết quả quan trắc các mẫu lấy xung quanh khu vực xảy ra vụ hỏa hoạn, ông khẳng định “Đến giờ phút này có thể xác định, đã có khoảng từ 15,1 kg đến 27,2 kg thủy ngân bị phát tán ra môi trường sau vụ việc”! Nhìn chung, kết quả bước đầu cho thấy đã có nhiều mẫu nhiễm thủy ngân vượt mức an toàn: Không khí, nước, bùn trầm tích sông,…
Nếu các bạn đã đọc bài viết phân tích của tôi ngày 29 tháng 8 thì có lẽ kết quả này không đem lại sự bất ngờ vì nó là hệ quả tất yếu của một hiện tượng.
Ngoài ra, từ thông báo này các bạn có thể hiểu rõ hơn tại sao trong bài viết tiếp theo tôi đăng ngày 30 tháng 8 nói “họ” là thiếu tình người.
Dù sao thì sự việc cũng đã xảy ra và hậu quả cần phải được khắc phục, sức khỏe của con người cần phải được xem trọng. Do nhu cầu cần biết rõ hơn về nhiễm độc thủy ngân của người dân nên tôi viết bài hôm nay với các “thông tin khoa học đã được phổ thông hóa”
Dựa trên tính chất hóa học của thủy ngân, người ta thường chia ra làm 3 loại:
+ Loại 1: thủy ngân dạng kim loại, chủ yếu là hơi thủy ngân (Elemental Mercury Vapor). Loại này hấp thu rất lẹ ở phổi và cơ quan ảnh hưởng nhiều nhất là não.
+ Loại 2: thủy ngân ở dạng muối hữu cơ (chủ yếu là dạng methyl). Loại này hấp thu lẹ ở ruột và đi khắp cơ thể nhưng không tích tụ trong não hiệu quả như loại 1, tuy nhiên trong cơ thể chúng cũng có thể từ từ biến đổi về dạng kim loại và vượt hàng rào máu não để tích tụ dần dần ở não.
+ Loại 3: thủy ngân dạng muối vô cơ. Loại này thường không tan, khá bền và hấp thu kém. Loại này yếu hơn hai loại trên và chủ yếu tác hại đến thành ruột và thận.
Mối lo ngại lúc nhà máy Rạng Đông bị cháy là nhiễm độc thủy ngân loại 1 (Kim loại bay hơi). Do vậy hầu hết các kiến thức tôi viết về cảnh báo sức khỏe trong bài đầu tiên là tập trung vào dạng này. Sau đây tôi sẽ trả lời một số câu hỏi thường gặp quanh vấn đề này trong mấy ngày nay:

Làm sao tránh hít hơi kim loại thủy ngân trong không khí?
Trong bài đầu tiên, phần cảnh báo cho người dân, tôi có viết “Trong vùng nhiễm khi ra đường tuyệt đối phải sử dụng khẩu trang có trang bị than hoạt tính” vì thật sự khẩu trang thường không cản được thủy ngân dạng hơi. Chỉ khi có trang bị bộ lọc chứa than hoạt tính như loại của ông Phó Tổng Cục trưởng Hoàng Văn Thức đi khám nghiệm hiện trường, thì hơi thủy ngân kim loại mới bị oxi hóa và hấp thụ bởi than này trước khi không khí đi vô mũi. Tôi thật đau lòng khi nhìn hình ảnh những người chung quanh chỉ mang khẩu trang y tế bình thường hoặc chỉ đơn giản dùng tay che mũi!
Các cơn mưa sau vụ cháy có lẽ đã làm lượng thủy ngân trong không khi giảm đáng kể khi chúng bị ngưng tụ và rơi xuống đất. Tuy nhiên, nếu lượng thủy ngân này còn nằm ở trên mặt đất, bề mặt đường xi măng, ban công,… thì chúng có thể bốc hơi lại trong không khí sau cơn mưa nhất là khi nhiệt độ cao lúc trời nóng. Do vậy, tôi cảnh báo mọi người trong vùng nhiễm nên tiếp tục sử dụng khẩu trang có than hoạt tính cho đến khi vùng nhiễm được công bố hoàn toàn sạch.
Nước mưa có giúp rữa sạch ô nhiễm thủy ngân?
Có thể nói là nước mưa giúp giảm ô nhiễm thủy ngân trong không khí nhưng nó không giúp làm giảm ô nhiễm thủy ngân nếu chúng ta không có những biện pháp làm sạch triệt để, loại trừ thủy ngân ra khỏi môi trường. Mối lo nhiễm độc thủy ngân kim loại dạng hơi nay đang được chuyển thành mối lo ngại nhiễm độc thủy ngân dạng hữu cơ! Đây là dạng nhiễm độc thủy ngân hữu cơ rất nguy hiểm mà điển hình nhất là sự kiện ở Minamata, Nhật Bản trong hơn nữa thế kỷ với hàng ngàn người chết, chục ngàn người bị ảnh hưởng!
Để hiểu được nó có thể xảy ra như thế nào chúng ta có thể hình dung một lượng thủy ngân được kéo xuống bởi nước mưa có thể thấm vào đất, chuyển hóa thành dạng hữu cơ gây ô nhiễm đất, cây hoa màu trồng trên đất này lại hấp thu thủy ngân. Nếu để lâu, thủy ngân có thể thấm sâu hơn và làm ô nhiễm nguồn nước ngầm! Mặc khác khi nước mang thủy ngân ra sông suối chúng bị chuyển hóa thành dạng hữu cơ lơ lững trong nước, tích tụ ở bùn, trầm tích. Các vi sinh vật và quần thể tôm cá trong vùng sẽ bị nhiễm độc thủy ngân là chắc chắn. Sau đó, con người lại ăn các thực phẩm, sinh vật bị nhiễm thủy ngân… (các bạn có thể xem hình minh họa trong hình chính của bài viết này, tôi trích từ một tờ báo khoa học chuyên ngành về môi trường).
Trong bài viết đầu tiên, phần đề nghị chính quyền và bang quản lý nhà máy, tôi có viết là cần “Cô lập khu vực nhà máy có chứa thủy ngân ngay, tránh các tác nhân có thể làm lây lan” nhưng cho đến hôm nay, sau 1 tuần với bao trận mưa, trận gió họ mới bắt đầu có những biện pháp “cô lập vùng nguy hiểm”. Nếu họ làm việc này sớm hơn thì chắc sự lây lan đã được giảm đi rất nhiều! Tôi thật sự rất lấy làm tiếc!
Kiểm tra như thế nào mới biết được người bị nhiễm thủy ngân hay không?
Hiện nay có mấy phương pháp thông dụng để kiểm tra nhiễm thủy ngân đó là máu, nước tiểu và tóc. Khi bị nhiễm, thủy ngân “bám rất chặt” vào nguyên tố Selen (Se) và các nhóm sulfhydryl có trong nhiều enzyme nên lượng thủy ngân đã bám này không thể đào thải dễ dàng, trong khi đó lượng thủy ngân tự do trong máu, trong cơ thể sẽ bị đào thải liên tục qua nước tiểu, phân. Do vậy, lượng thủy ngân trong máu và nước tiểu sẽ giảm từ từ trong 1 khoảng thời gian ngắn tính từ lúc nhiễm độc (vì lượng thủy ngân tự do trong cơ thể giảm). Chính vì thế các xét nghiệm máu và nước tiểu thường chỉ để kiểm tra sự nhiễm xảy ra trong thời gian ngắn và không đánh giá được lượng nhiễm thật sự trong cơ thể (do lượng thủy ngân đã bám vào và không dễ đào thải).
+ Kiểm tra máu: Chỉ có thể thấy kết quả trong vòng vài ngày (thường từ 3-5 ngày) từ khi tiếp xúc với nguồn nhiễm. Ngưỡng bình thường là dưới 10 micrô gram/lít.
+ Kiểm tra nước tiểu: Chỉ có thể thực hiện đối với thủy ngân kim loại và vô cơ (không thể với dạng hữu cơ). Có thể thực hiện trong vòng vài tháng vì sau đó lượng thủy ngân tự do cũng giảm đi rất nhiều. Ngưỡng bình thường là dưới 10 micrô gram/lít.
+ Kiểm tra tóc: thường thực hiện khi để kiểm tra việc nhiễm thủy ngân hữu cơ nhiều tháng trước đó. Ngưỡng bình thường là dưới 10 mg/kg. Ở mức nhiễm độc trung bình, nồng độ thủy ngân khoảng 200-800 mg/kg nhưng trong trường hợp nghiêm trọng có thể đạt tới 2400 mg/kg. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyên theo dõi nồng độ thủy ngân trong tóc ở phụ nữ mang thai và nồng độ bằng hoặc lớn hơn 10 mg/kg làm tăng nguy cơ bị khiếm khuyết về thần kinh ở bào thai.
Làm cách nào để thải độc thủy ngân ra khỏi cơ thể?
Như đã nói ở phần trên, khi bị nhiễm độc thủy ngân, cơ thể của bạn cũng có cơ chế tự đào thải chất độc qua nước tiểu và phân. Do vậy, việc sử dụng một số phương pháp đơn giản để tăng lượng đào thải như ăn nhiều thực phẩm có chất xơ hoặc uống nhiều nước cũng có tác dụng phần nào! Tuy nhiên nếu bị nhiễm độc nặng thì bạn cần được điều trị một cách phù hợp hơn ở các cơ sở Y tế.
Hiện nay để thải độc kim loại nặng nói chung và thủy ngân nói riêng, người ta sử dụng các chất thuộc nhóm có tên là Chelate (đọc là Ki-Lây). Nhóm chất Chelate có tác dụng bám và cô lập các kim loại nặng và chúng sẽ được cùng nhau thải ra ngoài qua nước tiểu. Việc sử dụng phương pháp này phải được thực hiện ở cơ sở Y tế và chuyên viên Y tế vì có thể xảy ra các tác dụng phụ nguy hiểm. Cho đến hiện nay có một số chất thuộc nhóm này được sử dụng để thải độc thủy ngân như sau:
+ Dimercaprol hoặc tên khác là British anti-Lewisite (BAL): Trong trường hợp ngộ độc với thủy ngân dạng kim loại và muối vô cơ, dimercaprol (BAL) có thể được chích vô cơ với lượng 5 mg/kg một lần hoặc 2,5 mg/kg mỗi 8 đến 12 giờ cho 1 ngày, và sau đó 2,5 mg/kg mỗi 12 đến 24 giờ cho 7 ngày. Dimercaprol không hiệu quả trong trường hợp ngộ độc thủy ngân hữu cơ và thậm chí nó có thể tăng mức thủy ngân trong não và làm nặng thêm các triệu chứng nhiễm độc não. Các tác dụng phụ phổ biến của Dimercaprol bao gồm buồn nôn, tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, đau đầu, co giật.
+ Meso 2,3-dimercaptosuccinic acid (Succimer, DMSA): Là một chất tương tự Dimercaprol, tan trong nước, công thức hóa học C4H6O4S2, được FDA phê chuẩn năm 1991. Ở Hoa Kỳ, BAL hoặc DMSA thường được sử dụng để điều trị ngộ độc thủy ngân vô cơ. DMSA được chích qua tĩnh mạch hoặc qua đường uống. Liều người lớn là 10 mg/kg, 3 lần/ngày trong 5 ngày đầu, sau đó 2 lần/ngày, trong 14 ngày tiếp theo. Liều trẻ em được tính dựa trên diện tích bề mặt cơ thể, 350 mg/m2, 3 lần/ngày, trong 5 ngày đầu tiên, sau đó 2 lần/ngày, trong 14 ngày tiếp theo. Nếu cần thiết, nó có thể được lặp đi lặp lại với khoảng cách 2 tuần giữa các lần điều trị. Tác dụng phụ của DMSA bao gồm rối loạn đường ruột, phát ban da và có triệu chứng giống cúm.
+ 2,3-dimercapto-1-propane sulfonic acid (Unithiol, DMPS): Cũng là một chất tương tự dimercaprol, tan trong nước, công thức hóa học C3H7O3S3Na, đã được phê duyệt để sử dụng ở Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ kể từ 1958, ở Đức từ năm 1976 và ở Hoa Kỳ kể từ 1999. DMPS được sử dụng để điều trị nhiễm độc kim loại nặng như Arsen, chì, thủy ngân vô cơ và hữu cơ. DMPS được chích qua tĩnh mạch hoặc qua đường uống. Liều của người lớn là: truyền tĩnh mạch 250 mg mỗi 4 giờ trong 48 giờ đầu, sau đó 250 mg mỗi 6 giờ trong 48 giờ tiếp theo. Việc điều trị tiếp theo có thể qua đường uống với 300 mg 3 lần mỗi ngày trong 7 tuần. So với các chất Chelate khác, DMPS khá an toàn, tác dụng phụ rất hiếm nhưng thỉnh thoảng có phát ban, buồn nôn và giảm bạch cầu.
Tuy nhiên, hầu hết các thuốc sử dụng để khử độc kim loại thủy ngân trong cơ thể hiện nay không thấy hiệu quả đối với thủy ngân đã tích tụ trong não!
Tóm lại, tôi thực sự quan ngại cho sự việc nhiễm độc thủy ngân đang xảy ra trên địa bàn xung quanh nhà máy Rạng Đông sau vụ cháy. Dù rằng việc khẳng định tình trạng nhiễm được đưa ra khá chậm trễ nhưng là rất cần thiết để những người có trách nhiệm phải nghiêm túc xem xét vấn đề này một cách cẩn thận và xử lý nhiễm thật triệt để. Qua các kết quả khảo sát bước đầu của Bộ Tài nguyên-Môi trường và các dẫn chứng khoa học phía trên, chúng ta có cơ sở để lo ngại cho một thảm họa ô nhiễm thủy ngân dạng hữu cơ sắp tới là hệ quả sau thảm họa ô nhiễm hơi kim loại thủy ngân.
Để hỗ trợ xử lý khủng hoảng môi trường hiện nay và bảo vệ sức khỏe người dân tôi mong các tổ chức chính quyền và bang quản lý nhà máy nên:
Mua và phát miễn phí cho người dân bị ảnh hưởng trong vùng loại khẩu trang có màng lọc than hoạt tính ngăn được hơi thủy ngân.
Tổ chức cho người dân trong vùng nhiễm đi kiểm tra độ nhiễm thủy ngân trong thời gian sớm nhất. Nên xét nghiệm thủy ngân trong cả máu và nước tiểu để có số liệu chính xác.
Khoanh vùng nhiễm và kết hợp với các tổ chức xử lý môi trường chuyên nghiệp để tiến hành các phương pháp tẩy độc môi trường càng sớm càng tốt.
Hỗ trợ người dân trong vùng nhiễm di dời sang nơi khác sống tạm trong thời gian làm sạch môi trường, nhất là người già, trẻ em và phụ nữ có thai.
Những người có kết quả xét nghiệm nhiễm độc đáng lo ngại phải được điều trị ngay để hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu cho sức khỏe về sau.
Bài viết của tôi trên đây chỉ thể hiện quan điểm khoa học, không thể hiện quan điểm chính trị như nhiều bạn đang ráng chụp mũ cho tôi sau các bài viết. Mong những hành động cụ thể, nhanh chóng và “có tình người” của những đang trong vai trò lãnh đạo để bảo vệ sức khỏe cho cho người dân đang chịu ảnh hưởng.
N.H.V.
________
Tài liệu tham khảo:
Robin A. Bernhoft , 2012. Mercury Toxicity and Treatment: A Review of the Literature. J Environ Public Health. 2012: 460508. (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3253456/)
Mostafalou S, Abdollahi M, 2013. Environmental pollution by mercury and related health concerns: Renotice of a silent threat. Arh Hig Rada Toksikol 64:179–181. (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23585203)
Rafati-Rahimzadeh M et al., 2014. Current approaches of the management of mercury poisoning: need of the hour. Daru. 22:46. (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/24888360)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét