Thứ Ba, 17 tháng 9, 2019

20190917. BÀN VỀ VAI TRÒ CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC

ĐIỂM BÁO MẠNG
MẶT TRẬN TỔ QUỐC- LỢI ÍT HẠI NHIỀU

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG / BVN 16-9-2019

Image result for mặt trận tổ quốc việt nam

1- Giới thiệu
Nhân Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) sắp đại hội, xin có mấy lời bình luận.
Người ta cho rằng MTTQ là một tổ chức quan trọng trong hệ thống chính trị, nhưng theo tôi thì “Nên giải tán MTTQ vì tổ chức và hoạt động của nó mang lại cho dân tộc lợi ít, tốn kém nhiều, hiệu quả âm”.
Sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, tôi suy nghĩ, chọn cho mình con đường đóng góp vào hoạt động xã hội. Tôi đã chọn môi trường MTTQ và định sẽ tiến dần từ dưới lên. và tạm gọi là “Khởi nghiệp tuổi già”. Người ta khởi nghiệp làm kinh tế, còn tôi khởi nghiệp làm công tác xã hội ở tuổi U70.
Tôi bắt đầu bằng việc nhận làm tổ trưởng dân phố, chi ủy viên. Ở cương vị này tôi có dịp làm quen với đông đảo bà con và cán bộ địa phương trong khu dân cư. Tôi tham gia thi “tổ trưởng dân phố giỏi” và “báo cáo viên về học tập, làm theo Hồ Chí Minh”, đã nhận được giải cao ở Quận và Thành phố.
Thấy tổ chức MTTQ có thể thích hợp với khả năng nên tôi đã lập kế hoạch hoạt động từ thấp lên cao. Đầu tiên là vào Ủy ban MTTQ phường. Việc này tương đối dễ. Từ Phường sẽ vào UB MTTQ quận rồi bằng năng lực và tinh thần sẽ vào được UB MTTQ Thành phố, từ đó sẽ chờ dịp vào UBMT Trung ương. Ở đây tôi sẽ phát huy trí tuệ đóng góp cho công tác Mặt trận.
Tôi đã vào được UB MTTQ quận Thanh Xuân từ rất sớm. Tôi tìm hiểu kỹ các vấn đề liên quan đến Mặt trận, làm quen với nhiều cán bộ ở cấp Quận và các Phường, thể hiện tinh thần và năng lực. Nhưng càng hoạt động tôi càng thất vọng vì MTTQ không cần gì đến năng lực và tinh thần của tôi, họ chỉ cần cái danh vị Giáo sư và những thứ mà tôi không có (như là tuyên truyền, nịnh bợ, tâng công, ca ngợi Mác Lê và ĐCS). Thế là tôi đành từ bỏ sự khởi nghiệp sau vài năm làm thử.
Mặt trận, kiểu như MTTQ ở VN hiện nay là một tổ chức hiếm thấy trên thế giối. Nó là sản phẩm, là cái đuôi của ĐCSVN, được luật hóa.
Điều 9 Hiến pháp năm 2013 ghi MTTQ là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Văn bản quan trọng là Điều lệ MTTQ VN và Luật MTTQ VN, số 75/2015 QH 13. Theo đó MTTQ có một số quyền và trách nhiệm, tóm tắt như sau
1- Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
2- Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghĩa vụ công dân.
3- Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân
4- Tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước.
5- Thực hiện giám sát và phản biện xã hội.
6- Tập hợp ý kiến cử tri để phản ảnh với Đảng và Nhà nước.
7- Thực hiện đối ngoại nhân dân.
Trong nhiệm vụ 4 có lẽ quan trọng nhất là MT lo chuyện hiệp thương về danh sách đề cử để bầu Quốc hội và HĐND các cấp.
Tài chính để MTTQ hoạt động chủ yếu do ngân sách nhà nước cung cấp.
2- Nhận xét về hoạt động của MT
Ngoài 7 quyền và trách nhiệm kể trên MTTQ còn có một nhiệm vụ rất quan trọng, được ẩn giấu là giúp Đảng “khống chế quần chúng” thông qua các tổ chức đoàn thể (nhiệm vụ này cứ ngấm ngầm thực hiện, không được nói công khai).
Trong thời kỳ 1941-45, MT Việt minh đã có tác dụng lớn giúp Đảng cướp chính quyền. Trong thời kỳ 1954-56 MT Liên Việt có vai trò tích cực trong việc đoàn kết các trí thức và công thương gia trong vùng mới giải phóng. Trong những năm gần đây MTTQ là nơi tiếp đón tập thể hoặc cá nhân kiều bào các nơi về nước.
Quyền chính trị phải thuộc về toàn dân. Hoạt động của MT, nếu cần, phải hướng về “Lập Quyền Dân”. Nhưng MTTQ đã làm ngược lại là tìm cách dâng chính quyền cho Đảng để thực hành đàng trị toàn diện.
Khi Đảng đã nắm trọn chính quyền, đáng lẽ vai trò của MT giảm xuống thì ngược lại việc làm của MT tăng lên, với rất nhiều hoạt động nặng hình thức, kém hiệu quả. Tôi đã gặp, trao đổi với một số cán bộ chủ chốt của UBMT, được nghe lời than thở là vất vả quá, công việc nhiều quá, làm không hết, ít có thì giờ nghỉ ngơi, giải trí. Tôi mới bỏ công tìm hiểu thì thấy phần lớn công việc tiêu tốn nhiều thời gian và công sức của họ liên quan đến phát động, phổ biến, điều tra, tổng kết, báo cáo, giấy tờ… nhiều việc chẳng có tác dụng gì, nếu không làm còn tốt hơn. Khi gặp những việc như vậy tôi chỉ làm qua loa cho xong chuyện.
Nhân đây xin kể sơ chuyện tôi làm tổ trưởng dân phố trong nhiều năm. Trong lúc các ông/bà tổ trưởng khác kêu than là quá vất vả, quá nhiều việc, tôi lại thấy mọi công việc tổ dân phố chỉ chiếm mất của tôi chưa đến 5 phần trăm thời gian. Thế mà năm nào tổ của tôi cũng được xếp loại xuất sắc, tôi đi thi tổ trưởng dân phố giỏi được giải nhất của Quận, giảỉ nhì thành phố. Tôi chỉ thấy tiếc thời gian là khi bị bắt buộc phải dự những cuộc họp chỉ vì hình thức.
Hoạt động của MT thể hiện rõ trong báo cáo tại các kỳ đại hội. Nội dung của báo cáo các kỳ, các cấp thường giống nhau, bao gồm các điều chủ yếu: Thành tích là toàn diện và tốt đẹp, tuy vậy còn tồn tại một số thiếu sót. Có thành tích là nhờ sự lãnh đạo, còn thiếu sót là tại nhân dân giác ngộ chưa cao, v.v…. Trong thời gian tới phải tăng cường, nỗ lực làm việc này việc nọ,cố gắng khắc phục chuyện ấy chuyện kia. Tôi thấy báo cáo của MT có trên 80% giống với báo cáo của Đảng cùng cấp. Cứ mỗi kỳ đại hội các UBMT rất vất vả chuẩn bị, thảo luận, thông qua báo cáo, tốn khá nhiều giấy mực để in ấn, nhưng rồi phần lớn các báo cáo đó chỉ trở thành mặt hàng cung cấp cho đồng nát.
Xét các quyền và trách nhiệm 1; 2; 3 thấy rằng trong các báo cáo đều có kể công, nêu thành tích nhưng thực chất chẳng có gì đáng kể. Đất nước đã thống nhất về lãnh thổ trên 40 năm nhưng chưa có sự hòa giải dân tộc thực sự. Nhân quyền và dân quyền bị vi phạm ở nhiều nơi, dân oan có mặt khắp chốn, thế mà chẳng thấy MT đại diện và bảo vệ được gì. Ngay như thảm họa môi trường khắp nơi cũng chẳng ai nghe tiếng nói nào của MT. Còn việc MT không hề bênh vực nhân dân trong việc chống Tàu cộng xâm lược là quá rõ ràng.
Trong việc bầu cử, thu thập ý kiến cử tri người ta cũng chỉ thấy MT là nơi thực hiện các ý kiến của cấp ủy đảng tương ứng. Trong việc giám sát, chưa thấy MT có được giám sát gì tương xứng với vai trò. Riêng về phản biện thì sau vụ Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (vì đọc bài phát biểu ở hội nghị UB TƯ MT năm 1956 mà đang là một trí thức bậc cao bị dìm xuống tận đáy xã hội) thì ở các hội nghị của MTTQ không còn ai dám mở mồm kiểu như vậy.
3- Đề nghị giải tán MTTQ
Tôi nhiều năm suy nghĩ, giả thử hiện nay không có tổ chức MTTQ thì các hoạt động chính trị – xã hội thay đổi như thế nào, tốt lên hay xấu đi. Đoan chắc là sẽ tốt lên. Trong hệ thống chính trị của Việt Nam có tổ chức Hội đồng nhân dân, xét ra quan trọng hơn MT, thế mà đã có ý kiến đề nghị giải tán HĐND ở cấp xã, cấp huyện. Đã có làm thí điểm nhưng chưa thấy công bổ kết quả. Riêng MTTQ, tôi đề nghị giải tán toàn bộ, từ trung ương cho đến cơ sở thôn xóm, không cần làm thí điểm. Vấn đề quan trọng là sắp xếp những người đang ăn lương trong hệ thống MT như thế nào để họ có thể sinh sống bằng hoạt động chân chính và phát huy năng lực.
Sau khi giải tán, một số công việc MT làm trước đây, nếu quả thực còn cần thiết thì chuyển cho các bộ phận khác. Thí dụ hiệp thương và danh sách ứng cử giao cho Ban bầu cử và cơ quan hành pháp, vận động giúp người nghèo giao cho Hội Chữ thập đỏ, xây dựng đời sống văn hóa là việc của chính quyền. Giám sát công việc nhà nước thì đã có Quốc hội và HĐND làm tốt hơn, việc phản biện do Liên hiệp các Hội làm hiệu quả hơn. Tập hợp ý kiến cử tri do các tổ đại biểu HĐND, các đại biểu QH. Đối ngoại nhân dân giao cho các tổ chức dân sự.
Giải tán tổ chức MTTQ, cắt bỏ mọi bao cấp của nhà nước cho các đoàn thể thành viên của MT sẽ tiết kiệm cho ngân sách một khoản lớn. Bỏ đi những báo cáo, những tuyên truyền của MT và của các đoàn thể thành viên sẽ chữa được phần nào căn bệnh dối trá đang tràn lan. Dẹp bỏ một số công việc không có hiệu quả của MTTQ sẽ góp phần làm tăng năng suất xã hội.
Nhiều nước không có tổ chức MT mà người ta vẫn quản lý tốt xã hội, vẫn phát triển tốt mọi mặt. Việt Nam có hoạt động mạnh mẽ của MT mà mọi mặt càng ngày càng tụt hậu. Tôi không quy kết nguyên nhân tụt hậu là do MT, chỉ nhận xét rằng hoạt động MT ít có tác dụng làm cho xã hội tốt lên mà lại tốn nhiều công sức, tiền của. Thực chất của MT có lẽ là để Đảng nắm chặt và điều khiển quần chúng. Hoạt động của MT có năng suất và hiệu quả quá thấp, nói theo ngôn ngữ kinh doanh là bị lỗ nặng, là đang dẫn tới bị phá sản.
Tôi biết nhiều người vì thói quen mà vẫn ca ngợi MT, cho rằng không thể thiếu MT. Đề nghị những người đó hãy đặt câu hỏi và tự tìm câu trả lời: Các nước không có MT như VN, họ phát triển được là nhờ vào cái gì, nếu VN bỏ MT đời sống nhân dân có ảnh hưởng gì không (trừ những người sống bám vào MT như sâu mọt).
Việc giải tán MT liên quan đến sửa đổi Hiến pháp, chưa thể làm ngay. Đặt ra vấn đề để những người có quan tâm suy nghĩ và tìm biện pháp.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

CẦY ẢI...TƯ DUY
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 16-9-2019
“Cày ải” trên cánh đồng là việc của nông dân.
Sau khi thu hoạch lúa – thường là vào vụ đông xuân – bà con nông dân tiến hành cày ruộng để lật các lớp đất, thao tác này gọi là “cày ải”.
Sau khi cày ải, đất được phơi nắng, phơi sương, một phần sâu bệnh sống trong đất sẽ bị diệt, đất khô tạo điều kiện cho không khí thẩm thấu có tác dụng làm đất tơi xốp.
Người xưa nói mỗi lần cày ải là một lần bón phân, nhờ thế đất trở nên màu mỡ hơn và năng suất lúa cao hơn khi không cày ải.
Có một nhóm người được gọi là “Lao động cổ cồn”, đó là những người làm việc trong môi trường sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, đa số những người này được xếp vào tầng lớp trí thức.
Tại Việt Nam vài chục năm gần đây, tầng lớp trí thức chia thành hai nhóm, một nhóm làm công việc chuyên môn trong các cơ sở giáo dục, học viện, viện nghiên cứu, nhóm còn lại làm việc trong cơ quan công quyền, không ít người gần như không động tới chuyên môn đã được đào tạo. 
Đa số lãnh đạo từ cấp phường xã đến trung ương tối thiểu có bằng cử nhân, một số lượng không nhỏ có bằng thạc sĩ, tiến sĩ.
Vậy tầng lớp “cổ cồn” làm lãnh đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị có cần học tập nông dân, sau mỗi nhiệm kỳ phải “cày ải” và nếu cần thì cày ải cái gì?
Nếu không “cày ải tư duy” liệu “cánh đồng tư duy” của quan chức có trở nên khô cằn? (Ảnh minh hoạ trên //hoinhabaovietnam.vn)
Nông dân làm việc trên cánh đồng, trong trang trại, công nhân làm việc trong nhà máy, công xưởng, lao động của họ là lao động cơ bắp trong khi “lao động cổ cồn” có thể làm việc bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào miễn là khả năng tư duy còn cho phép.
Nếu không “cày ải tư duy” liệu “cánh đồng tư duy” của quan chức có trở nên khô cằn? Những dẫn chứng sau đây góp phần làm sáng tỏ vấn đề này.
Bài viết “Một số vấn đề về đội ngũ cán bộ trí thức” của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước đăng trên báo Nhân Dân điện tử đã làm sáng tỏ vai trò của trí thức nói chung và trí thức làm lãnh đạo nói riêng.
Theo bà Nguyễn Thị Bình, thực trạng trí thức làm lãnh đạo hiện nay có “sự chưa ngang tầm trong sự lãnh đạo cả về năng lực, phẩm chất và trí tuệ…
Có những sự yếu kém đáng lo ngại về năng lực, trình độ, về vai trò trách nhiệm và có thể cả về tư tưởng đạo đức của một bộ phận quan trọng trong đội ngũ cán bộ trí thức làm công tác lãnh đạo, quản lý, giữ những trọng trách công việc mà Đảng và Nhà nước giao cho, từ trung ương tới địa phương và cấp cơ sở”. [1]
Nếu quả thật thực trạng “đội ngũ cán bộ trí thức làm công tác lãnh đạo, quản lý, giữ những trọng trách…” đúng như bà Bình nêu thì việc phát động chiến dịch “Cày ải tư duy” với nhóm đối tượng này là thực sự cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng: “Chúng ta có bao nhiêu giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư ở các viện, đơn vị mà mặt cầu Thăng Long sửa chữa không xong”. [2] 
Bản thân ông Thể có học vị Tiến sĩ Khoa học kỹ thuật giao thông và bằng Lý luận chính trị Cao cấp.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, khi còn làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư ông Sử Ngọc Anh phát biểu:
“Đội ngũ làm quy hoạch của TP. Hồ Chí Minh không nhiều. Vừa qua, chúng tôi làm 2 - 3 quy hoạch nhưng đều thất bại. Đội ngũ giáo sư, tiến sĩ làm về quy hoạch rất ít. [2] 
Ông Sử Ngọc Anh là Thạc sĩ Kinh tế Phát triển, Cử nhân Chính trị.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng “chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội”. 
Tại Thủ đô, có thời điểm lãnh đạo thành phố là kiến trúc sư, có bằng tiến sĩ kinh tế, thế mà đó lại chính là lúc người ta “băm nát quy hoạch Hà Nội”.
Nguyên nhân “băm nát quy hoạch Hà Nội” đã được nêu trong một bài báo: “Có thể khẳng định, quy hoạch đô thị bị bóp méo, băm nát là hậu quả của sự cấu kết, thông đồng giữa chủ đầu tư với những người có thẩm quyền từ địa phương đến bộ, ngành liên quan”. [3]
Báo chí nhận định như thế nhưng từ phát biểu của ba vị lãnh đạo, một vị ở trung ương, hai vị ở hai thành phố lớn nhất cả nước, chỉ có thể hiểu rằng đội ngũ trí thức làm chuyên môn phải chịu trách nhiệm trong việc làm đất nước tụt hậu về kinh tế chứ không phải những trí thức làm lãnh đạo! 
Quy hoạch đô thị bị bóp méo, băm nát có phải là hậu quả từ việc “bóp méo, băm nát tư duy” của người lãnh đạo hoặc là tư duy thiển cận, lạc hậu từ thời “con trâu đi trước, cái cày theo sau” được áp đặt nguyên xi vào thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngược với quy hoạch, có những lĩnh vực hàng chục năm, thậm chí hơn nửa thế kỷ vẫn nằm ở điểm xuất phát.
Tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thay mặt chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị Quốc hội “đổi vai” trong quá trình làm luật. 
Cụ thể Chính phủ muốn “cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết”.
Thế có nghĩa là gần như Chính phủ thực hiện “trọn gói” quá trình làm luật bởi lâu nay ngoài Chính phủ hình như chưa thấy đại biểu Quốc hội hoặc cơ quan, tổ chức nào đưa ra dự thảo các dự án luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật.
Phản ứng trước đề xuất của thành viên Chính phủ, một vị lãnh đạo Quốc hội cho rằng:
“Trong 17 năm qua, nhiều ý kiến nêu chất lượng dự án luật không được cơ quan trình, cơ quan soạn thảo chuẩn bị kỹ, đặc biệt là tình trạng "cài cắm chính sách" vào dự luật, chứ ít khi nói rằng lỗi của cơ quan thẩm tra.
Còn nếu một số dự luật chất lượng chưa cao thì phải xem lại toàn bộ quy trình”. [4]
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn chỉ rõ:
“Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ đề nghị quy trình như vậy.
Cách đây mấy năm, khi sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ cũng đã nêu đề xuất này nhưng không nhận được sự đồng tình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội…
Quy trình xây dựng luật phản ánh nguyên tắc tổ chức Nhà nước, trong đó có vai trò lập pháp của Quốc hội đã được Hiến pháp quy định”.  [4]
Tại sao sau 17 năm mà tư duy làm luật vẫn không thay đổi, tại sao đã bị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội bác bỏ mà vẫn tiếp tục đề xuất chuyện “đổi vai”?
Phải chăng câu trả lời duy nhất chỉ có thể là “tư duy làm luật” đã bị xơ cứng?
Nếu giả thiết này là đúng thì có cần cày ải … tư duy làm luật?
Năm năm trước, báo Doisongphapluat.com cơ quan trung ương của Hội Luật gia Việt Nam đăng bài: “Quốc hội vinh dự nếu “trả nợ” nhân dân Luật Biểu tình". 
Bài báo dẫn ý kiến của Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa:
“Thủ tướng Chính phủ đã từng kiến nghị xây dựng Luật Biểu tình, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Tôi nghĩ đây là một dự án luật có nhu cầu rất cấp thiết, ban hành được thì sẽ rất nhiều mặt có lợi, khả năng để xây dựng luật hoàn toàn có thể thực hiện được.
Quốc hội Khóa XIII sẽ rất vinh dự là Quốc hội trả nợ được nhân dân Luật Biểu tình mà 12 khóa Quốc hội trước đây chưa có điều kiện thực hiện”. [5]
Năm 2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua “Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016”, theo đó sẽ “bổ sung dự án Luật Biểu tình vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, thông qua tại kỳ họp thứ 10; bổ sung dự án Luật về hội và dự án Luật tiếp cận thông tin vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 để triển khai quy định của Hiến pháp về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và đáp ứng yêu cầu thực tiễn…”. [6]
Thế nhưng ngày 11/09/2019, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sơ kết 5 năm thi hành Hiến pháp 2013 (2014-2019).
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu vẫn phải nhắc lại: “Trong báo cáo của Chính phủ chỉ rõ bây giờ chúng ta đang có 3 luật đã nằm trong kế hoạch rồi nhưng vẫn chưa được ban hành, đó là Luật về hội, Luật biểu tình, Luật hiến máu.
Đề nghị các đồng chí phân tích rõ nguyên nhân và cũng xác định lộ trình để ban hành chứ không thể để kéo dài, bởi vì đây là những quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp”. [7]
Chắc không phải do khó khăn về nhân lực hay kinh phí nên Quốc hội còn nợ nhân dân? Vậy phải chăng phải tìm nguyên nhân từ phía được giao soạn thảo dự án luật?
“Tư duy làm luật phải thay đổi” nhưng thay đổi như thế nào?
Quốc hội có tám ủy ban, trong đó có Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp - mỗi ủy ban đều tương đương một bộ thuộc Chính phủ. 
Để tránh tình trạng tình trạng “cài cắm chính sách, chỉ trình nội dung có lợi cho mình, vì lợi ích cục bộ của ngành, của bộ, của lĩnh vực mình quản lý” vào dự luật như ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, liệu Quốc hội - với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất, là cơ quan lập pháp theo quy định của Hiến pháp - có nhất thiết phải chờ Chính phủ trình dự án luật để thông qua?
Nếu “cánh đồng tư duy” của người/cơ quan chịu trách nhiệm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hoặc thực thi chức năng quản lý nhà nước không được “cày ải” thì tình trạng “chai sạn tư duy” sẽ tiếp tục và lãnh hậu quả không chỉ là người dân hay doanh nghiệp mà còn là cả hệ thống chính trị và tương lai đất nước.
Tài liệu tham khảo:
[1]//www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/33984702-mot-so-van-de-ve-doi-ngu-can-bo-tri-thuc.html
[2]//dangcongsan.vn/noi-hay-dung/thieu-giao-su-tien-si-499315.html
[3]//vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/nhung-ai-bam-nat-quy-hoach-thu-do-540812.html
[4]//tuoitre.vn/chinh-phu-de-nghi-thay-doi-quy-trinh-lam-luat-de-chiu-trach-nhiem-den-cung-2019091315150207.htm
[5]//www.doisongphapluat.com/xa-hoi/can-thiet-co-luat-bieu-tinh-a34408.html
[6]//nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/quoc-hoi-thong-qua-thoi-diem-co-luat-bieu-tinh-2014053015010897.htm
[7]//tuoitre.vn/tai-sao-chua-ban-hanh-duoc-luat-bieu-tinh-20190911144615061.htm
 //dantri.com.vn/kinh-doanh/tien-si-tran-dinh-thien-quan-chuc-so-sai-nhieu-du-an-dinh-tre-roi-nhu-canh-he-20190912140137440.htm
Xuân Dương
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét