Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2019

20190914. VIỆT NAM TRONG TÌNH THẾ 'NẠN NHÂN KÉP'

ĐIỂM BÁO MẠNG
KHÔNG THỂ BẮT CẢ DÂN TỘC NÀY LÀM CON TIN !

ĐINH HOÀNG THẮNG, CHU THỊ XUYÊN/VHNA 12-9-2019

TS Đinh Hoàng Thắng
Ngày 08/9/2019, một loạt “Tweeter” từ mạng “Tin tức về Biển Đông” và các nguồn tin khác đều xác nhận, tàu Hải Dương Địa Chất 8 (HD-8) của Trung Quốc đã rời Đá Chữ Thập với tốc độ tối đa, cùng với một số tàu hộ tống, đang trên đường quay trở lại khu vực Bãi Tư Chính. Lần này phải chăng Trung Quốc nhất quyết xâm chiếm khu vực quanh Bãi Tư Chính? Chiếc tàu hải cảnh khổng lồ 3901 của Trung Quốc, chủ lực trong đoàn hộ tống đã bật lại tín hiệu liên lạc, cho thấy vị trí của nó gần chiếc HD-8. Căn cứ vào luật quốc tế, rõ ràng Trung Quốc đang ngang nhiên xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa (CS) của Việt Nam… Đây là lần thứ ba từ đầu hè này, đội tàu Trung Quốc quay lại khu vực này sau hai lần tạm lui về Đá Chữ Thập để tiếp nhiên liệu. Trong bối cảnh ấy, Tạp chí Văn hóa Nghệ An có cuộc trao đổi với TS. Đinh Hoàng Thắng, Phó Viện trưởng Viện các Vấn đề Phát triển (VIDS), Thư ký “Chương trình Minh triết làm chủ Biển Đông” về ý đồ của Trung Quốc trong việc kéo dài khủng hoảng quanh Tư Chính, khả năng bảo vệ chủ quyền của ta và một số kiến nghị liên quan đến cuộc đấu tranh ngoại giao và pháp lý hiện nay. Dưới đây là nội dung trao đổi.
Chu Thị Xuyến: Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa tàu các loại vào Bãi Tư Chính của Việt Nam. Các năm 2014, 2017 và 2018 đều có chuyện với Trung Quốc ở khu vực này. Trước hết, Tiến sỹ đánh giá thế nào về ý đồ, mục tiêu của các lần xâm nhập?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Ý đồ cũng như mục tiêu các lần xâm nhập của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa (CS) của Việt Nam nằm trong tiến trình thực hiện chính sách “tằm ăn dâu” nhằm độc chiếm Biển Đông và thực hiện chiến lược biến Trung Quốc thành cường quốc đại dương. Chủ trương nhất quán ấy phục vụ cho mục đích của ban lãnh đạo Bắc Kinh là triển khai bằng được “Sáng kiến Vành đai con đường” (BRI) khét tiếng từ bao năm nay, mà Việt Nam là một đầu cầu quan trọng trong đó. Về các biện pháp thì thiên hình vạn trạng. Từ “ngoại giao pháo hạm”, đến “vừa ăn cướp vừa la làng”, từ dùng sức mạnh “cứng” đe dọa đến đẩy mạnh “tam chủng chiến pháp”… Đấy là chính sách nước lớn ức hiếp nước nhỏ, một chính sách bá quyền trong thời đại mới và cũng là một nét truyền thống trong chính sách bành trướng của Bắc Kinh đối với nhiều nước ở khu vực, trong đó có Việt Nam.
Những mục tiêu “nóng” hơn
Chu Thị Xuyến: Thế còn năm 2019 này?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Tuy nhiên, năm nay, cuộc xâm nhập diễn ra từ đầu mùa hè đến nay (có thể lấy cái mốc từ tháng 6/2019), với nhiều chiều kích mới, gắn với các mốc thời sự. Do đó, các vi phạm lần này có những mục tiêu “nóng” hơn so với các xâm nhập trước đây. Thứ nhất, Trung Quốc xâm nhập khu vực EEZ và CS của ta trong thời điểm Việt Nam đang chuẩn bị cả về đường lối lẫn nhân sự cho Đại hội Đảng sắp tới. Rõ ràng Bắc Kinh đang muốn gây sức ép lên ban lãnh đạo Hà Nội trên cả hai phương diện ấy. Thứ hai, Trung Quốc ức hiếp Việt Nam vào lúc Hà Nội sắp sửa đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN. Thông điệp Trung Quốc chuyển tới ASEAN, thông qua việc chủ động gây ra khủng hoảng trong khu vực Bãi Tư Chính là để ép Việt Nam và ASEAN chấp nhận các điều kiện do Trung Quốc áp đặt (mà Việt Nam và một số thành viên khác trong ASEAN đang bác bỏ) lên dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Thứ ba, kéo dài khủng hoảng Bãi Tư Chính, Trung Quốc bắn tin tới Mỹ và châu Âu rằng, Trung Quốc không ngán cái gọi là “Tự do đi lại trên biển” (FONOP) của Mỹ và phương Tây. Đặc biệt năm nay, Mỹ - Trung lại đang bước vào một cuộc thư hùng có thể nói là lớn nhất trong lịch sử quan hệ quốc tế hậu chiến tranh Lạnh. Thứ tư, ngoài vấn đề thương chiến, năm nay Bắc Kinh đang đau đầu về Đài Loan, Hong Kong và nhiều vấn đề nội trị khác, nên lãnh đạo chủ trương gây hấn bên ngoài để “chùng bớt” căng thẳng nội bộ. Cuối cùng, nếu Việt Nam không quyết liệt, Trung Quốc rất có thể liều lĩnh chiếm đoạt một số điểm trong khu vực gần Bãi Tư Chính như Trung Quốc đã từng cưỡng đoạt bãi cạn Scarborough hồi năm 2012.
Chu Thị Xuyến: Tiến sỹ có thể cho độc giả VHNA biết thêm về mức độ nghiêm trọng của các hành động xâm nhập lần này của Trung Quốc?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Ngày 04/9, một Hội nghị về An ninh diễn ra ở Singapore với sự tham gia của các nước Nhật, Úc, Ấn Độ… Các chuyên gia tại Hội nghị rất quan ngại về tình hình ở Biển Đông, với cảnh báo rằng, không còn ranh giới nào giữa hòa bình và chiến tranh trên biển nữa trước những hành vi liều lĩnh và hung hăng của Trung Quốc. Mức độ nghiêm trọng của các hành động xâm phạm còn thể hiện trên một số khía cạnh khác: Thứ nhất, hành động của Trung Quốc không chỉ vi phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, mà bằng các lượt đưa tàu thăm dò và tàu cẩu lớn nhất vào ra xung quanh Bãi Tư Chính như ra vào một vùng biển vô chủ, Trung Quốc trên thực tế đã thách thức luật pháp quốc tế, đặc biệt là thách thức Bản Hiến chương về đại dương, tức là Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS-1982). Thứ hai, những hành động lặp đi lặp lại của Trung Quốc không chỉ đe dọa các hoạt động bình thường của các doanh nghiệp Việt Nam tác nghiệp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, mà còn cản phá việc thực hiện các hợp đồng giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài như Tây Ban Nha, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ và cả Hoa Kỳ nữa. Thứ ba, là một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (P5), một bên đặt bút ký vào UNCLOS-1982, nhưng nay Trung Quốc nhảy vào khu vực Bãi Tư Chính một cách vô luân vô pháp như thế là trực tiếp thách thức trật tự pháp lý trên biển được xác lập trong Công ước, đồng thời vi phạm nghiêm trọng an ninh khu vực và thế giới, đặc biệt đe dọa an ninh năng lượng không chỉ của Việt Nam mà còn của các đối tác liên quan.
Chu Thị Xuyến: Tiến sỹ vừa nhắc đến cuộc thư hùng Trung Mỹ. Ý ông nói tới cuộc thương chiến đang làm chấn động kinh tế toàn cầu! Nhưng thưa ông, liệu có mối liên hệ nào giữa các lần gây hấn hiện nay của Trung Quốc ở khu vực gần Tư Chính với khủng hoảng ở Hong Kong và cuộc thương chiến Mỹ Trung?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Hẳn nhiên giữa các sự kiện ấy có liên quan khá mật thiết với nhau! Họa phúc đâu phải một buổi! Biểu tình Hong Kong như “lũ ống, lũ quét”, các giải pháp đối phó từ Bắc Kinh chưa thể đến trong ngày một ngày hai. Vì thế, Trung Quốc đang cần “xả stress”. Thương chiến Trung - Mỹ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song tựu trung lại đây là cuộc “so găng” giữa hai gã khổng lồ, đại diện cho hai quan niệm ngược nhau về thế giới. Hai cường quốc này có những toan tính khác nhau về Trật tự quốc tế trong ngắn hạn và dài hạn; hiện họ đang quyết đấu xem ai sẽ là người “xác lập luật chơi”, ai sẽ là người “dẫn dắt” cái Trật tự ấy. Nhưng tại sao lúc này Trung Quốc lại chọn Việt Nam, chọn khu vực Bãi Tư Chính để “rút củi dưới đáy nồi” của cả hai điểm sôi vừa đề cập? Đơn giản, vì theo đánh giá của Trung Quốc, Việt Nam đang chập chững giữa “ngã ba đường”. Tuy là “đối tác mới nổi” trong cấu trúc của “không gian Ấn Thái Dương” (FOIP), nhưng lại ở vị trí dễ tổn thương, vì yếu cả về sức mạnh “cứng” lẫn sức mạnh “mềm”. Hẳn nhiên khi đánh giá như vậy để chọn “con mồi”, Bắc Kinh đã bỏ qua lịch sử xa xưa cũng như hiện đại mới đây.
 “Nạn nhân kép”
Chu Thị Xuyến: Ý ông là với khủng hoảng kéo dài ở khu vực Bãi Tư Chính, Việt Nam có nguy cơ rơi vào thân phận “nạn nhân kép”, tức là vừa phải chịu sức ép về biển đảo do việc Trung Quốc cần “xả stress”, vừa có thể trở thành nạn nhân trong cuộc “so găng” Mỹ - Trung?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Các nhà nghiên cứu gần đây bắt đầu dùng khái niệm “nạn nhân kép” để mô tả tình thế khó khăn mà Việt Nam đang phải đương đầu xung quanh khủng hoảng ở khu vực Bãi Tư Chính. “Nạn nhân kép” ở đây thể hiện trên hai phương diện: Thứ nhất, thân phận quốc gia Việt Nam bị tiếp tục chèn ép, thành quả lao động và hòa bình chúng ta có được bao lâu nay đang bị đe dọa; Thứ hai, ý đồ thâm hiểm của Trung Quốc là muốn khuất phục Việt Nam để răn đe các thành viên ASEAN khác trong khu vực, tạo đà để giành thế thượng phong với Mỹ trong các cuộc đối đầu quy mô toàn cầu. Nhìn sâu hơn vào cái nguy cơ của một thân phận là “nạn nhân kép”, chúng ta thấy dường như Trung Quốc đang muốn bắt cả dân tộc Việt Nam làm “con tin” cho chính sách bành trướng của họ.
Chu Thị Xuyến: Liệu khu vực và thế giới có nhìn nhận khủng hoảng Bãi Tư Chính ở mức độ nghiêm trọng như ông vừa phân tích?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Khi GS. Peter Navarro viết cuốn sách gối đầu giường cho các nhà hoạch định chiến lược từ mọi quốc gia “Chết dưới bàn tay Trung Quốc”, sau đó ông được Tổng thống Trump mời vào làm cố vấn trong Nhà Trắng, thì vị Giáo sư Kinh tế và Chính sách công này đã nhấn mạnh, Trung Quốc không chỉ là vấn đề của nước Mỹ, ban lãnh đạo Trung Quốc là vấn nạn toàn cầu. Khủng hoảng ở khu vực Bãi Tư Chính chỉ là một “nhát cắt” (cross-cutting), một âm mưu thường trực trong “kinh lược hải dương” của Bắc Kinh. Sau “Bãi Tư Chính” này sẽ còn nhiều “Bãi Tư Chính” khác. Kể từ 20/7/2019, qua các tuyên bố chính thức của Washington, từ Bộ Ngoại giao đến Bộ Quốc phòng, từ Ngoại trưởng đến tân Tổng trưởng Quốc phòng, từ Chủ tịch Quốc hội đến các Nghị sỹ đứng tên đề xuất Nghị quyết trừng phạt Trung Quốc… Rồi các tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Nhật, Ấn Độ, Thủ tướng Úc, Liên minh châu Âu với tư cách là một khối thống nhất và từ ba nước đầu tàu EU là Pháp, Đức và Anh. Nếu không nhận thức được nguy cơ Trung Quốc và tầm mức nghiêm trọng của các vụ xâm lấn đang diễn ra hiện nay, Mỹ và phương Tây không hành động mau lẹ như thế.
Chu Thị Xuyến: Nội dung các tuyên bố của Mỹ và thế giới đề cập những vấn đề gì liên quan đến khủng hoảng Tư Chính?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Các tuyên bố phong phú và đa chiều kích, nhưng có 3 nội dung nổi bật. Một là lên án Trung Quốc ức hiếp Việt Nam. Hai là phê phán Trung Quốc làm tổn hại tới an ninh năng lượng khu vực và thế giới, gây tác động xấu, rất xấu đến Trật tự trong khu vực Ấn Thái Dương (FOIP). Ba là ủng hộ tuyên bố về quyền chủ quyền của ta (Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam). Cá biệt Quốc hội Mỹ còn đòi ra Nghị quyết riêng để trừng phạt Trung Quốc về những hành động gây hấn trên Biển Đông.
Chu Thị Xuyến: “Lụt thì lút cả làng” thưa Tiến sỹ. Nếu như lần này, thế giới tiếp tục ủng hộ Việt Nam, lên án Trung Quốc như chúng ta đang chứng kiến, vậy chúng ta có thể phát huy bài học “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” như trong các cuộc kháng chiến trước đây?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Hoàn toàn có thể! Tuy nhiên, phải khẳng định ngay, nội hàm của bài học ấy ngày nay đã khác xưa một cách căn bản. Chính đường lối “hội nhập toàn diện và sâu rộng”, chủ trương kiến tạo một hệ thống “đối tác chiến lược”, “đối tác toàn diện” của nhà nước ta đã phản ánh những thay đổi mang tính “chuyển dịch địa tầng” trong thời đại ngày nay. Trước đây, chúng ta chưa thể hình dung sẽ xuất hiện một cấu trúc an ninh mới có quy mô toàn cầu như “không gian Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP) của Bộ Tứ, bao gồm Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ. Chỉ cách đây hai năm, cũng chưa ai nghĩ ASEAN sẽ có phản ứng tích cực trước khung khổ địa-chính trị đó và khẳng định AOIP (Quan điểm của ASEAN về FOIP). Đây chính là cơ hội kim cương chứ không chỉ là cơ hội vàng để Việt Nam và ASEAN có thể trở thành những “thành viên theo sát” (shadow member) của “chiến lược Ấn Thái Dương” (IPS). Bài học dân tộc và thời đại ngày nay chính là ở chỗ đó!
Càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới
Chu Thị Xuyến: Philippines là một thành viên ASEAN khác từng bị Trung Quốc ức hiếp như Việt Nam. Ông Duterte phải giấu “sổ đỏ” được Tòa PCA cấp năm 2016. Việt Nam có học hỏi được điều gì qua chuyến thăm Bắc Kinh lần thứ 5 vừa qua của vị Tổng thống được coi là “Trump của Á châu”?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Bài học lớn nhất qua chuyến công du của ông Duterte tại Bắc Kinh là càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới. Philippines gác “sổ đỏ” bác đường lưỡi bò của Trung Quốc do Tòa Trọng tài thường trực (PCA) cấp năm 2016, còn Việt Nam thì nương vào “tình đồng chí 4 tốt và 16 chữ vàng” với hy vọng được yên ổn và giữ được “đại cục”… Nhưng tất cả đều vô nghĩa trước tham vọng biến Biển Đông thành ao nhà nhằm triển khai “Sáng kiến Vành đai con đường” (BRI) của Bắc Kinh.
Chu Thị Xuyến: Ông có thông tin gì mới về chuyến thăm Hoa Kỳ sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng? Trong bối cảnh hiện nay, chuyến thăm ấy có ý nghĩa như thế nào đối với bang giao Việt Mỹ cũng như đối với quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Lời mời chính thức từ phía Mỹ đã được đích thân Tổng thống Trump đưa ra từ đầu năm, ngay tại Hà Nội. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng cả hai nước đang chuẩn bị khá chộn rộn, chúng ta chứng kiến các trao đổi đoàn liên tục. Mới nhất là hai tướng Không quân Mỹ, Đại tướng Goldfein, Tham mưu trưởng và Đại tướng Brown, Tư lệnh khu vực Thái Bình Dương chắc chắn không phải sang Việt Nam để nghỉ mát. Các ông ấy không giấu giếm mục đích “sang Hà Nội là để chuẩn bị các phương án bày lên bàn các nhà lãnh đạo chính trị để họ lựa chọn”. Nước ngoài bình luận rất nhiều. Phía ta thì vẫn “yên tĩnh”, nhưng rõ ràng đang chuẩn bị, âm thầm mà cương quyết! Tôi cho rằng, chuyến thăm cấp cao trong khoảng từ nay đến cuối năm sẽ là bước ngoặt không chỉ trong quan hệ Việt - Mỹ, mà còn là cột mốc lịch sử trên con đường hội nhập toàn diện và phát triển bền vững của Việt Nam.
Chu Thị Xuyến: Thưa Tiến sỹ, đấy là điều kiện bên ngoài, còn bên trong, cho đến nay, Tiến sỹ đánh giá thế nào về khả năng bảo vệ và giữ Tư Chính?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Tôi tin rằng, ta có khả năng và đủ sức mạnh để bảo vệ và giữ khu vực Bãi Tư Chính. Nhìn vào cách phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam (đã 3 lần ra tuyên bố chính thức và nhiều lần trao công hàm phản đối), phát biểu của người đứng đầu chính phủ (2 lần), dư luận có thể vẫn chưa thỏa mãn, nhưng trên thực tế ta đang chủ động một số kịch bản để kiên trì và kiên quyết xử lý cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, về quyết tâm thì chỉ có một và không hề lay chuyển, đó là phải giữ cho được khu vực Bãi Tư Chính bằng mọi giá! Ngày 08/9/2019, giới quan sát ghi nhận các dấu hiệu cho thấy tàu khảo sát Trung Quốc HD-8 đang trên đường quay trở lại khu vực Bãi Tư Chính, với tốc độ tối đa. Phải chăng Trung Quốc đang rắp tâm chiếm khu vực Bãi Tư Chính bằng mọi giá? Tôi không dám nghĩ đến các hệ lụy nguy hiểm của việc mất Bãi Tư Chính hay Việt Nam lại buộc phải thoái lui khỏi một “lô dầu” nào đấy từ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Bởi vì khu vực Bãi Tư Chính là một “cứ điểm” chiến lược trọng yếu. Mất Bãi Tư Chính hay mất bất cứ một điểm nào, một phần nào nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của ta sẽ dẫn đến mất toàn bộ Biển Đông. Phát huy ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để bảo vệ biển đảo hiện nay, tôi băn khoăn, dường như ta chưa thấm nhuần sâu sắc về sức mạnh của lòng dân, chưa dựa vào khát vọng và cố kết bên trong. Nếu chính quyền chưa coi trọng đúng mức, không dựa vào yếu tố “nhân hòa” thì cái giá đỡ “thời đại” sẽ không phát huy được hết tác dụng. Chúng ta chủ trương “quốc tế hóa Biển Đông”, kêu gọi các nước đóng góp vào việc bảo vệ hòa bình - an ninh trên Biển Đông, chúng ta càng phải chú ý đến các nhân tố nội tại.
“Mô thức Bí Đao” như một giải pháp
Chu Thị Xuyến: Hơn hai tháng qua, hàng trăm bài viết nhắc đi nhắc lại các biện pháp cần kíp vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này. Tiến sỹ có nhận xét gì về các giải pháp được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đề xuất?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Phần lớn các giải pháp đề xuất đều hợp lý và khả thi, đặc biệt là phải kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Tôi xin nhắc lại đề xuất trước đây, “Mô thức Bí Đao” (P&DOWN) như một giải pháp tổng thể. Các thành tố của giải pháp, khi triển khai trong thực tiễn, luôn phải cập nhật hóa cho phù hợp với tình hình. “P” trong Partnership như hệ thống đối tác chiến lược hoặc toàn diện, đã đến lúc cần nâng cấp “đối tác toàn diện” trong quan hệ Việt - Mỹ. Tuy nhiên, “P” chỉ phát huy hiệu quả tối đa nếu chúng ta mạnh bên trong và mở ra được những thế cờ mới cả trong lẫn ngoài. Về thành tố “D” như dân chủ hóa đất nước,chính quyền cần phát huy đầy đủ hơn “sức mạnh mềm” ẩn chứa trong triệu triệu lồng ngực. Không nên hạn chế vai trò của người dân và xã hội dân sự trong sự nghiệp bảo vệ biển đảo. Chúng ta vẫn phải tiếp tục đàm phán, lấy “nhu” thắng “cương”, “nhu” nhưng không “nhược”! Đó còn là thành tố “O” trong (Organising) đàm phán COC và tổ chức cuộc chiến pháp lý và truyền thông trong nước và ra với thế giới. Kết hợp hài hòa các nhân tố then chốt ấy để kiến tạo nên một “minh triết bảo quốc” (Wisdom), để kết nối (Networking) với không gian Ấn Thái Dương tự do và rộng mở (FOIP) theo AOIP - nhận thức của Việt Nam và ASEAN về FOIP.
Chu Thị Xuyến: Xin cảm ơn Tiến sỹ về cuộc trao đổi này và hy vọng chúng ta còn tiếp tục câu chuyện về “Minh triết làm chủ Biển Đông” vào một dịp khác./.

ĐÁNH GIÁ GIỮA KỲ CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ-TRUNG
NGUYỄN QUANG DY/ BVN 10-9-2019

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã diễn ra 18 tháng nay, lúc đánh lúc đàm, vẫn đang leo thang chưa có hồi kết, với hệ quả khó lường. Gần đây, khi Trung Quốc đánh thuế lên 75 tỷ USD hàng nhập của Mỹ (23/8/2019), Trump lập tức phản ứng để trả đũa bằng tăng thuế từ 25% lên  30% trên 250 tỷ USD hàng nhập của Trung Quốc (từ 1/10/2019). Ông còn muốn tăng thuế trên 300 tỷ USD hàng nhập của Trung Quốc (đến hạn từ 1/10 và 15/12/2019), cấm cửa Huawei và yêu cầu các công ty Mỹ không được làm ăn với Trung Quốc. Quyết định của Trump làm rung chuyển thị trường chứng khoán. Dow Jones giảm 600 điểm (bằng 2,4%). Nhưng chiến tranh thương mại chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” trong cuộc “chiến tranh lạnh mới” Mỹ-Trung, với những quan điểm khác nhau, thậm chí đầy nghịch lý. Tuy còn hơi sớm, nhưng cần đánh giá giữa kỳ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, để có cái nhìn toàn cảnh.
Nghịch lý về chiến tranh thương mại 
Trong khi chiến tranh thương mại “truyền thống” của Mỹ với EU (xuyên Đại Tây Dương) hoặc với Nhật Bản (xuyên Thái Bình Dương) trong thập niên 1980 (hay sau đó), chủ yếu là vì kinh tế, thì chiến tranh thương mại của Mỹ với Trung Quốc hiện nay chủ yếu là vì địa chính trị (do chiến lược thúc đẩy). Vì vậy, chiến tranh thương mại “phi truyền thống” của Trump “không logic” (hoặc “logic ngược”). Nói cách khác, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, với cuộc “chiến tranh lạnh kiểu mới” trên nhiều mặt trận. (The High Costs of the New Cold War, Minxin Pei, Project syndicate, March 14, 2019).
Cũng như vậy, chiến tranh lạnh “truyền thống” của Mỹ với Liên Xô trước đây chủ yếu là do chiến lược vì Liên Xô lúc đó không phải là siêu cường kinh tế. Cuộc “chiến tranh lạnh mới” với Trung Quốc là đối đầu tổng lực giữa hai hệ thống chính trị/tư tưởng đang muốn thống trị toàn cầu, vì Trung Quốc đang trỗi dậy như một siêu cường kinh tế và quân sự. Theo lời Richard Nixon, Trung Quốc đã trở thành “quái vật Frankenstein” tại Châu Á.
Theo các chuyên gia kinh tế, chiến tranh thương mại “truyền thống” thường theo một số quy luật như “đánh đổi” (trade off). Họ thường lập luận “không có bữa trưa miễn phí” và mọi thứ đều phải có “chi phí cơ hội”. Với ý nghĩa đó, chiến tranh thương mại của Trump với Trung Quốc không chỉ là cuộc đấu về kinh tế. Đó còn là một phần của cuộc “chiến tranh lạnh kiểu mới” do Mỹ phát động để nhắm vào Trung Quốc, trong một cuộc đối đầu không chỉ tại khu vực Indo-Pacific mà trên toàn cầu, như một cuộc chiến “lồng ghép” (hybrid).
Như vậy, đối đầu Mỹ-Trung không chỉ là chiến tranh thương mại mà còn là “chiến tranh lạnh kiểu mới”, mang tính “đối kháng toàn diện” (về kinh tế, quân sự, công nghệ, hệ tư tưởng) có ý nghĩa sống còn, với thời gian kéo dài (trong thế kỷ 21). Đối đầu Mỹ-Xô (trong thế kỷ trước) chỉ mang tính “đối kháng về quân sự” của cuộc chiến tranh lạnh “truyền thống”.
Mỹ cho rằng Trung Quốc là “cường quốc xét lại” (còn nguy hiểm hơn cả Nga), đang đe dọa không chỉ nước Mỹ mà cả trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Vì vậy, Mỹ phải: (1) giữ khoảng cách về quân sự và kinh tế với Trung Quốc; (2) Kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc về công nghệ và địa chính trị; (3) Thúc đẩy sự phát triển của dân chủ hóa ở Trung Quốc.
Gần đây, Mỹ đang thuyết phục các nước G7 để hình thành một mặt trận đồng minh về thương mại nhằm đối phó với Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì: (1) các nước G7 sẽ thay thế Trung Quốc trong quan hệ thương mại với Mỹ; (2) Các nước G7 sẽ tham gia cùng Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc; (3) Với sự hộ trợ vững chắc đó, Mỹ sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp, buộc các công ty Mỹ phải rời khỏi Trung Quốc.
Tính đến nay, Trung Quốc đã vượt qua 6 trong 7 nước thành viên G7 (chỉ đứng sau Mỹ về kinh tế). Trong mấy thập kỷ qua, Trung Quốc đã trỗi dậy vượt bậc vì lợi dụng được chính sách của Mỹ và phương Tây (constructive engagement), ăn cắp sở hữu trí tuệ, tạo ra thâm hụt lớn trong cán cân thương mại, thao túng đồng Nhân dân tệ để dành lợi thế kinh tế, đặt ra các rào cản và điều kiện để gây khó dễ cho hàng nhập vào Trung Quốc, cài đặt thiết bị gián điệp trong các sản phẩm (của Huawei), trợ giá cho hàng của Trung Quốc xuất sang Mỹ.
Sau khi báo cáo của Robert Mueller không quy kết Trump đã thông đồng với Nga trong chiến dịch tranh cử, chắc Trump sẽ lại chơi “lá bài Nga”. Nếu Mỹ tiếp tục cấm vận và cô lập Nga thì sẽ đẩy Nga lại gần Trung Quốc hơn như đồng minh (làm Trung Quốc mạnh lên). Vừa qua, Mỹ đã rút khỏi hiệp ước tên lửa tầm trung không phải vì Nga vi phạm mà vì Trung Quốc đứng ngoài hiệp ước này để vi phạm. Nếu Mỹ không cải thiện được quan hệ hợp tác với Nga, thì các vấn đề quốc tế quan trọng (như Bắc Triều Tiên, Iran, Syria) sẽ tiếp tục bế tắc.
Trong khi Mỹ muốn chơi “lá bài G7” như một liên minh chống Trung Quốc (vì “công bằng thương mại”) và chơi “lá bài Nga” bằng cách kéo Nga trở lại G7 (để cô lập Trung Quốc), thì Đức và Pháp cũng muốn giảm căng thẳng với Nga. Đây cũng là cơ hội tốt để Nga thoát khỏi tình thế bị Mỹ và phương Tây cô lập về kinh tế. Chắc Putin cũng muốn “nước Nga trên hết”, vì Nga liên minh với Trung Quốc chỉ là nước cờ thế do tình huống.
Ngày 26/8/2019, Bắc Kinh đã phát tín hiệu muốn đàm phán lại với Mỹ. Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã gửi thông điệp cho Washington trong đó nhấn mạnh “Bắc Kinh sẵn sàng giải quyết các tranh chấp thương mại với Washington thông qua “đối thoại bình tĩnh”. Trong trò chơi thương mại “vừa đánh vừa đàm”, Bắc Kinh tỏ ra đang yếu thế, trong khi Washington đang ở thế thượng phong. Khi đàm phán tiếp tại Washington (dự kiến trong tháng 10/2019), chắc Trung Quốc muốn hòa hoãn với Mỹ, nhưng còn quá sớm để có thể dự đoán cụ thể.
Nhìn lại Trung Quốc và Mỹ 
Gần đây, trên thế giới người ta vẫn còn đặt câu hỏi “Tập Cận Bình là ai?” Tuy có nhiều người nước ngoài bị nhầm về Tập, nhưng nhiều người Trung Quốc thân với Tập cũng không biết họ được cái gì khi ủng hộ Tập lên cầm quyền. Thực ra, Tập không đả phá Mao (như người ta tưởng) mà còn sùng bái Mao. Tuy trong nước Tập đã củng cố được quyền lực, nhưng ngoài nước, phản ứng đối với các chương trình lớn của Tập đang tăng lên. Mỹ đang đối đầu với Trung Quốc trên mọi mặt, từ thương mại đến quân sự. Tập tỏ ra cứng rắn và quyền biến trong việc thao túng thể chế để buộc nó theo ý mình. Nhưng lịch sử Trung Quốc đã chứng minh, sớm hay muộn thì thể chế cũng đuổi kịp Tập. Vấn đề là khi nào. (Party Man: Xi Jinping’s Quest to Dominate China, Richard McGregor, Foreign Affairs, September/October 2019).
Theo New York Times, Hồng Kông là thị trường tài chính lớn thứ ba trên thế giới, đang trong tình thế nguy hiểm. Đây là thời điểm nhạy cảm khi Mỹ tiến hành cuộc chiến hệ tư tưởng trực tiếp với Trung Quốc về hình thù của thế giới trong thế kỷ 21. Nhiều người cho rằng nếu để xảy ra Thiên An Môn lần thứ hai thì Tập Cận Bình sẽ gặp rắc rối lớn. Tập có nhiểu điểm yếu hơn là người ta tưởng. Tuyên bố của Trump gần đây gắn thỏa thuận thương mại với biểu tình ở Hồng Kông có lẽ là “điểm sáng nhất” của Trump: “Rất khó thỏa thuận với Trung Quốc nếu họ dùng bạo lực. Ý tôi là nếu có một Thiên An Môn nữa…”. Hiện nay, trong số các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ, chỉ có Elizabeth Warren là hiểu về Trung Quốc, nên đang lên điểm. Trung Quốc sẽ là một chủ đề lớn trong năm tranh cử 2020. (Trump Has China Policy About Right, Roger Cohen, New York Times, August 30, 2019).
Nikki Haley (cựu đại sứ tại LHQ và ứng cử viên tổng thống tiềm năng) lập luận: “bản chất cực đoan của chiến lược an ninh quốc gia Trung Quốc chỉ bộc lộ rõ trong mấy năm gần đây. Khi điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia Mỹ để đối phó, chúng ta muốn khuyến khích các đồng minh điều chỉnh chiến lược của họ. Trung Quốc đòi hỏi không chỉ “cả chính phủ” mà “cả quốc gia” phải vào cuộc. May mắn là chúng ta có sự ủng hộ của tất cả các phía để đối phó với chính sách hung hăng mới của Trung Quốc. Chúng ta phải hành động ngay, trước khi quá muộn. Cái giá phải trả rất lớn, có thể là sống còn”. Theo Haley, Tập đã thủ tiêu khái niệm Trung Quốc sẽ “hòa đồng”, và thái độ cứng rắn về thương mại “chỉ là bước đầu”. Mỹ cần “thay đổi lăng kính để xem xét lại các quy định của Mỹ về ngoại thương, chuỗi cung ứng quốc tế, đầu tư vào Mỹ, bảo vệ bản quyền, ưu đãi cho công nghệ quốc phòng cốt lõi”.  (How to Confront an Advancing Threat From China, Nikki Haley, Foreign Affairs, July 18, 2019).
Theo Andrew Hastie (Chủ tịch Ủy ban Tình báo và An ninh của Quốc hội Úc), nước Úc đã đánh giá thấp Trung Quốc. Để so sánh, ông nhắc lại bài học về Đức Quốc Xã trong những năm 1930. Quan điểm của Hastie phản ánh sự phân hóa trong chính giới Úc và phương Tây. Hastie cho rằng Úc đang đứng trước thử thách lớn nhất về an ninh, kinh tế, và dân chủ trong thập niên tới khi Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh để bá chủ toàn cầu. “Thập niên tới sẽ thử thách các giá trị dân chủ, nền kinh tế, khối liên minh và an ninh của chúng ta, mà Úc chưa từng thấy trong lịch sử. Lúc này, chỗ yếu lớn nhất không phải là hạ tầng mà là tư duy của chúng ta. Thất bại về nhận thức sẽ làm chúng ta yếu kém về thể chế. Nếu chúng ta không hiểu thách thức trước mắt, thì chủ quyền và tự do của chúng ta sẽ bị suy yếu”. (SBS News, 8/8/2019).
Đối với nhiều người Đức và Châu Âu, việc Trung Quốc tăng cường trấn áp trong nước đang đặt ra các câu hỏi đáng lo ngại về hình thù thế giới do Trung Quốc dẫn dắt. Châu Âu đang cố gắng xem làm thế nào để hợp tác với Mỹ về Trung Quốc. Có nhiều người coi thường thách thức của Trung Quốc. Nếu thế giới dân chủ không làm được gì thì Trung Quốc sẽ lập ra một thể chế như họ muốn, và chắc Châu Âu không muốn thấy hệ quả đó. Không phải chỉ có Đức đang tỉnh ngộ mà hai cường quốc khác là Pháp và Anh cũng đều lo lắng, tuy họ vẫn hợp tác với Trung Quốc về các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và phổ biến vũ khí hạt nhân. Tại Châu Âu, nhiều người cho rằng Trung Quốc đang làm tổn hại đến các giá trị dân chủ của phương Tây và các tiêu chuẩn hành xử dựa trên luật pháp. Trong chuyến thăm Pháp của Tập Cận Bình, Macron đã tuyên bố chấm dứt “sự ngây thơ của Châu Âu” về Trung Quốc.
Nhưng Châu Âu không thỏa thuận được việc đáp ứng yêu cầu của Mỹ là Châu Âu phải cấm Huawei làm dự án mạng 5G. Ủy ban Châu Âu đã ra khuyến cáo về rủi ro an ninh mạng, nhưng để tùy các nước tự quyết định về tiêu chí an toàn của họ. Hầu hết các nước còn đang soạn thảo chính sách quốc gia về 5G. Đức và Anh đang thắt chặt các yêu cầu về an toàn cho các nhà cung cấp 5G, và Pháp đã có tiêu chí an toàn để răn đe các nhà mạng không sử dụng thiết bị Huawei cho mạng 5G của họ. Nhưng không có nước nào thuận theo lập trường của Washington muốn cấm hoàn toàn Huawei, vì còn lâu EU mới có một chính sách chung.
Tại Châu Á, chiến lược kết nối của Nhật, do thủ tướng Shinzo Abe đề xướng (như một mô hình tốt) ngay sau khi Trung Quốc triển khai BRI (Vành đai Con đường). Quỹ đầu tư gồm $110 tỷ USD đã nâng cao năng lực của Nhật để tài trợ cho các dự án phát triển có tài chính bền vững và chất lượng cao trong khi hợp tác với Trung Quốc, nếu chấp thuận nguyên tắc của Nhật. Điều mà Nhật học nhanh hơn các nước Tây Âu là sẽ làm theo Trung Quốc nếu họ là bên duy nhất tham gia trò chơi. Nhưng khi các nước khác cạnh tranh, thì thế giới đang phát triển có nhiều lựa chọn  hơn. (The Old World and the Middle Kingdom: Europe Wakes Up to China’s Rise, Julianne Smith & Torrey Taussig, Foreign Affairs, September/October 2019).
Cách đây hơn 77 năm, Nicholas Spykman (một chiến lược gia Mỹ gốc Hà Lan) đã thấy trước một liên minh hậu chiến gồm Mỹ và Nhật để chống Trung Quốc. Tầm nhình xa đó đã xác định và ổn định Châu Á, giúp đem lại hòa bình và thịnh vượng cho khu vực suốt 3/4 thế kỷ. Nếu không có liên minh Mỹ-Nhật, thì tổng thống Nixon không thể bắt tay với Trung Quốc (năm 1972). Nhưng tầm nhìn của Spykman về Châu Á nay đang bắt đầu suy xụp. (Asia’s Coming Era of Unpredictability, Robert Kaplan, Foreign Policy, September 1, 2019).
Điều đó là do Châu Á đã trải qua một quá trình chuyển đổi ngoạn mục. Nay ít người nhận thấy chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, với một nước Trung Quốc hung hăng nhưng nội bộ bất ổn, cùng với một hệ thống đồng minh với Mỹ đang rạn nứt, và hải quân Mỹ không còn bá chủ thế giới như trong mấy thập kỷ trước. Khủng hoảng chính trị ở Hồng Kông và suy giảm quan hệ giữa Nam Hàn và Nhật là tiền đề cho mấy năm tới khi an ninh Châu Á không còn là chuyện mặc nhiên. Nếu trật tự “đơn cực” là chìa khóa ngầm cho tầm nhìn của Spykman vể một liên minh Mỹ-Nhật, thì sự chuyển đổi sang trật tự “đa cực” bắt đầu.
Các dự án phát triển hải cảng gần đây của Trung Quốc ở Darwin (Bắc Úc) và ở Ream (gần Sihanoukville) chứng tỏ họ đang lấp lỗ trống hàng hải tại cửa ngõ Biển Đông và Ấn Độ Dương. Kết quả là Indo-Pacific không còn là cái hồ của hải quân Mỹ. Bằng cách lựa chọn chính sách song phượng đơn điệu với từng nước Châu Á mà không có tầm nhìn khu vực rõ ràng, nên chính quyền Trump đã mở “cái hộp Pandora” gồm nhiều vấn đề khu vực có thể làm các nước đồng minh với Mỹ chống đối nhau trong khi chỉ có Trung Quốc trục lợi.
Liên minh mới của Washington với New Delhi và một mạng lưới đối tác mới xuất hiện (gồm Ấn Độ, Úc, Nhật, và Việt Nam) tuy hữu ích nhưng làm được ít hơn là người ta tưởng. Từ Nhật tới Úc, các nước đồng minh Châu Á đang đi vào quỹ đạo Trung Quốc theo cách mà Phần Lan đã xích lại gần Liên Xô trong thời chiến tranh lạnh (vì họ không có sự lựa chọn). Nếu Mỹ để điều này xảy ra thì chúng ta sẽ thấy tầm nhìn của Spykman chấm dứt.
Theo Stephen Walt (Harvard KSG) có hai yếu tố quan trọng nhất cần xem xét: Một là cân bằng lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc; Hai là phản ứng của các nước Châu Á trước các biến động quan trọng của thế cân bằng đó. Có 3 kịch bản chính: (1) Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy nhanh trong khi Mỹ vấp ngã; (2) Trung Quốc vấp ngã trong khi Mỹ bất chấp dự đoán là sẽ suy yếu.  (Đây là kịch bản tốt nhất cho Mỹ); (3) Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy nhưng Mỹ vẫn theo kịp. Khoảng cách có thể thu hẹp nhưng Trung Quốc không vượt được Mỹ. Thế giới trở thành “lưỡng cực” (bipolarity) hoặc “đa cực” (multipolarity) với Mỹ và Trung Quốc bỏ xa các cường Quốc khác (như Nga, Ấn Độ, Nhật Bản). Đây là kịch bản có nhiều khả năng nhất. (Asia Has Three Possible Futures, Stephen Walt, Foreign Policy, September 5, 2019).
Nhìn lại Việt Nam
Sau khi Trump bất ngờ lên án Việt Nam là “nước lạm dụng tồi tệ nhất” về thương mại và “còn tồi tệ hơn cả Trung Quốc”, Bộ Thương Mại Mỹ đã đánh thuế hơn 400% lên thép nhập khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Đài Loan (hoặc Trung Quốc). Việt Nam có thể là mục tiêu tiếp theo để Mỹ đánh thuế. Tuy đây là phát súng cảnh báo, nhưng điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước. Khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra, nhiều người lạc quan cho rằng Việt Nam sẽ là “bên thắng cuộc” (winner) được lợi từ cuộc chơi này, trong khi nhiều người khác lại bi quan cho rằng Việt Nam là “bên thua cuộc” (loser) vì “trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”. Tuy cả hai nhóm trên đều có lý nhất định, nhưng có xu hướng đơn giản hóa vấn đề. Thực ra, Việt Nam “vừa thắng vừa thua”, tùy thuộc vào cách ứng xử của mình.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng từ 31,98 tỷ USD (năm 2016) lên 39,49 tỷ USD (năm 2018) và tăng thêm 39% (tính đến 6/2019). Trong khi thâm hụt thương mại của Mỹ là một cách đánh giá thiếu chính xác thương mại với Việt Nam, thuế của Mỹ có thể làm hại mục tiêu an ninh của Mỹ đối với Trung Quốc. Cả hai đảng ngày càng đồng thuận là nếu không ngăn chặn thì Trung Quốc sẽ là nguy cơ an ninh lớn nhất, và quan hệ Mỹ-Việt vững mạnh sẽ là yếu tố ngày càng quan trọng để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.
Tuy Việt Nam có thể là mục tiêu tiếp theo để Mỹ đánh thuế, nhưng có những cách tính toán khác cơ bản với Trung Quốc. Tuy còn quá sớm để biết liệu Việt Nam có được Mỹ tha không, hay sẽ bị vạ lây khi hai bên đánh nhau. Rất ít khả năng Mỹ tha cho một nước không gần Mỹ bằng Nhật Bản và Hàn Quốc tuy là đồng minh của Mỹ nhưng cũng bị cho vào tầm ngắm. Tuy nhiên Mỹ nên cộng tác với Việt Nam để hạn chế việc trung chuyển hàng hóa và tăng cường hợp tác an ninh để lôi kéo Việt Nam gần Mỹ hơn. (The Next Battleground in Trump’s Trade War: Vietnam, Alexander Hitch, Diplomat magazine, September 2019).
Một số nhà phân tích coi Việt Nam là nơi Trung Quốc chọn để “tập dượt” trước khi đánh thật lớn hơn với Mỹ tại Biển Đông. Derek Grossman (chuyên gia phân tích tại RAND Corporation) lập luận rằng nếu Trung Quốc định tấn công quân sự tại Biển Đông, có nhiều khả năng họ sẽ chọn Việt Nam. Trong một bài viết vào đầu năm nay (trước khi có đối đầu tại bãi Tư Chính) ông cho rằng Việt Nam sẽ được Bắc Kinh chọn để “khởi động cuộc chiến” vì đó là “một quốc gia tầm trung dễ bị quân đội Trung Quốc đánh bại”. (Vietnam Is the Chinese Military’s Preferred Warm-Up Fight, Derek Grossman, Diplomat, May 14, 2019).
Rõ ràng quân đội Việt Nam yếu kém hơn quân đội Trung Quốc. Trong khi Việt Nam chi 5 tỷ USD mỗi năm cho quốc phòng thì Trung Quốc chi 200 tỷ USD. Quân số Trung Quốc gấp 5 lần Việt Nam, trong khi số máy bay chiến đầu gấp 10 lần (3.187 trên 318) và số tàu chiến gấp 11 lần (714 trên 65). Trang bị của quân đội Trung Quốc tốt hơn nhiều. Hải quân Trung Quốc có tàu sân bay và tàu khu trục, trong khi Việt Nam không có. Nếu đối đầu (standoff) hiện nay trở thành đối kháng vũ trang (armed confrontation) thì đó là cơ hội để Trung Quốc “tập sẵn sàng chiến đấu” cho các trận đánh lớn hơn trong tương lai tại vùng biển có tranh chấp. (Why China is picking a fight with Vietnam, David Hutt, Asia Times, September 5, 2019).
Hiện nay Việt Nam mua khoảng 4/5 thiết bị quân sự của Nga và 1/10 của Israel. Nếu Việt Nam mua thêm thiết bị của Mỹ, thì Washington có thể ưu ái không trừng phạt Việt Nam theo luật   CAATSA (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act) vì mua vũ khí của Nga. Vừa qua Việt Nam đã được Mỹ tạm miễn trừ theo luật CAATSA, vì cựu bộ trưởng quốc phòng James Mattis cho hưởng ngoại lệ (waiver). Nhưng để ngoại lệ đó trở thành chính thức, Hà Nội phải chứng tỏ đang giảm phụ thuộc vào vũ khí nhập của Nga. Hầu hết các nhà phân tích cho rằng trong tình huống bất cân xứng (asymmetry), lựa chọn chiến lược duy nhất của Việt Nam trong một cuộc xung đột trong tương lai là phòng vệ (defensive).
Mỹ cần phải chứng tỏ rằng họ nghiêm túc đảm bảo an ninh cho Việt Nam để đối phó với Trung Quốc. Chắc chắn Hà Nội vẫn nhớ rằng tổng thống Obama đã không bảo vệ cho đồng minh khi Trung Quốc chiếm Scarborough Shoal của Philippines (năm 2012). Obama cũng không hỗ trợ  Việt Nam trong vụ đối đầu dàn khoan HD-981 (năm 2014). Trump cũng cư xử tương tự, tuy tuyên bố cứng rắn nhưng không có hành động tương xứng khi Trung Quốc bắt nạt Việt Nam (và Repsol) buộc phải bỏ kế hoạch khai thác dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế của mình tại mỏ Cá Rồng Đỏ (lô 136-03 & 07-03) vào tháng 7/2017 và tháng 3/2018.
Đối với Việt Nam, chắc Washington cũng không muốn mở rộng chiến tranh thương mại sang một đối tác chiến lược tiềm năng tại khu vực (chỉ vì lý do kinh tế). Đây không phải là mặt trận phụ (sideshow) của Trung Quốc, là mục tiêu chính trong cuộc chiến thương mại “phi truyền thống” (hay “chiến tranh lạnh mới”). Tuy Trung Quốc gây sức ép mạnh hơn lên Việt Nam, vô hình trung đẩy Việt Nam vào vòng tay Mỹ, nhưng thật vô lý nếu chính quyền Trump đúng lúc này lại trừng phạt và đẩy Việt Nam trở lại vòng tay Trung Quốc.
Một yếu tố khác trong thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Mỹ là sự “thiếu hụt thông tin”. Nhiều người không hiểu rằng trong tổng số hàng nhập của Việt Nam bao gồm một tỷ lệ rất lớn (hơn 70%) từ “khu vực FDI” (đầu tư nước ngoài). Đó chủ yếu là hàng tiêu dùng “sản xuất tại Việt Nam” nhưng không hẳn là “sản phẩm của Việt Nam”, mà là “sản phẩm gia công” cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các mẫu điện thoại iphone (của Samsung) hoặc giầy Nike (của Mỹ) tuy sản xuất tại Việt Nam nhưng không hẳn là sản phẩm của Việt Nam mà là của hàn Quốc (hoặc của Mỹ) trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ví dụ, một đôi giầy Nike “sản xuất tại Việt Nam” và bán ở Mỹ với giá khoảng 100 USD, thì Việt Nam chỉ được hơn 1 USD. Đây chính là “bẫy gia công” mà các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rủi ro trong chuỗi giá trị toàn cầu.   
Lời cuối 
Trong bối cảnh “khủng hoảng Biển Đông lần 2”, Bộ Chính trị Đảng CSVN đã ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW (20/8/2019). Đây là một cột mốc quan trọng để điều chỉnh chiến lược theo định hướng mới, trước chuyến thăm Mỹ của TBT-CTN Nguyễn Phú Trọng (dự kiến tháng 10/2019). Nó đã mở ra một bước ngoặt mới, để Hà Nội tuyên bố mạnh mẽ hơn, tàu cảnh sát biển Việt Nam hành động kiên quyết hơn tại bãi Tư Chính, và hải quân Việt Nam mạnh dạn hơn, tham gia cuộc tập trận (lần đầu tiên) với Mỹ và ASEAN (2-6/8/2019).
Nghị quyết 50 (từ trên xuống) là một yếu tố thay đổi được công chúng ủng hộ (từ dưới lên), báo hiệu một bước chuyển biến tích cực đang diễn ra (như “cùng tắc biến”) đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách phải đổi mới từ bên trong và liên kết với bên ngoài. Hành động xâm lược của Trung Quốc tại bãi Tư Chính cũng là một yếu tố thúc đẩy đồng thuận quốc gia và đồng thuận quốc tế chống Trung Quốc, mà bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng là một chỉ dấu điển hình (Trao đổi nhanh về chuyện Biển Đông, Vu Ngoc Hoang, Viet-studies, 8/9/ 2019).
Một lần nữa khi tổ quốc lâm nguy, người Việt Nam lại phải dẹp bỏ lợi ích cá nhân hay phe nhóm, để chung tay bảo vệ lợi ích quốc gia. Điều đó không dễ, vì các nhóm lợi ích trong nước (cũng như giữa các nước ASEAN) đã bị Trung Quốc phân hóa và thao túng. Chuyến thăm Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng là cơ hội tốt để đổi mới thể chế (bên trong) và liên kết chiến lược với Mỹ (bên ngoài), nhằm bảo vệ chủ quyền tại Biển Đông. Nói cách khác, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và chủ quyền Biển Đông có mối liên kết chặt chẽ.
Tham khảo  
1. The High Costs of the New Cold War, Minxin Pei, Project syndicate, March 14, 2019
2. Vietnam Is the Chinese Military’s Preferred Warm-Up Fight, Derek Grossman, Diplomat, May 14, 2019
3. How to Confront an Advancing Threat From China, Nikki Haley, FA, July 18, 2019.
4. Trump Has China Policy About Right, Roger CohenRoger Cohen, NYT, August 30, 2019
5. Party Man: Xi Jinping’s Quest to Dominate China, Richard McGregor, Foreign Affairs,   September/October 2019.
6. The Old World and the Middle Kingdom: Europe Wakes Up to China’s Rise, Julianne Smith & Torrey Taussig, Foreign Affairs, September/October 2019.
7. Asia’s Coming Era of Unpredictability, Robert Kaplan, Foreign Policy, September 1, 2019
8. This Is How a War With China Could Begin, Nicholas Kristof, NYT, September 4, 2019
9. Trump’s Effect on US Foreign Policy, Joseph Nye, Project Syndicate, September 4, 2019
10. Asia Has Three Possible Futures, Stephen Walt, Foreign Policy, September 5, 2019
11. The Next Battleground in Trump’s Trade War: Vietnam, Alexander Hitch, Diplomat magazine, September 2019
12. Trao đổi nhanh về chuyện Biển Đông, Vu Ngoc Hoang, Viet-studies, September 8, 2019.
N.Q.D.

9/9/2019 

Tác giả gửi BVN  

NHỮNG KỊCH BẢN XẤU VÀ ĐỠ XẤU HƠN Ở MỎ CÁ RỒNG ĐỎ 
PHẠM CHÍ DŨNG /BVN 12-9-2019
https://1.bp.blogspot.com/-ECX8coOvYLA/XXg5KPeHAOI/AAAAAAAAf-s/WbLzeR3MhpwFAAH0RpvwfMjQnmZM9ltzACLcBGAsYHQ/s640/4D24E633-5558-487A-B3EE-CDFA134DBFC6_cx0_cy3_cw0_w1023_r1_s.jpg
Gần một năm rưỡi sau lần chính thể ‘đảng em’ ở Việt Nam lần đầu tiên gián tiếp thừa nhận rằng họ đã yêu cầu Repsol – một hãng dầu khí Tây Ban Nha liên doanh với PetroVietnam – dừng khai thác dầu khí ở mỏ Cá Rồng Đỏ trong khu vực Bãi Tư Chính, mà nguồn cơn thực chất là do bị ‘đảng anh’ Trung Quốc gây sức ép và phá bĩnh, đã xuất hiện thông tin không chính thức, nhưng có cơ sở, về việc chính quyền Việt Nam đã phải phủ phục nhượng bộ trước Bắc Kinh tại mỏ này.
Repsol phải dừng hẳn khai thác dầu?
Nhà báo Chu Vĩnh Hải, một hội viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, viết trên trang web Tiếng Dân, rằng một nguồn tin cực kỳ khả tín và có trách nhiệm ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) nói với ông: Vào sáng ngày 06-9-2019, PVN và hãng dầu khí Repsol đã đi đến thỏa thuận cuối cùng là, Repsol sẽ dừng hẳn việc triển khai dự án dầu khí Cá Rồng Đỏ tại lô 136.03 và lô 07.03.
Theo nguồn tin trên, PVN và Repsol sẽ không đưa nhau ra tòa trọng tài quốc tế mà sẽ tự thỏa thuận đền bù cho Repsol. Thỏa thuận đền bù dân sự này cao hơn tổng mức đầu tư mà Repsol đã đầu tư vào Cá Rồng Đỏ là 300 triệu USD nhưng không vượt quá 1 tỉ USD.
Tuy chưa được xác nhận chính thức bởi một hãng thông tấn hay tờ báo nào của nước ngoài, nhưng thông tin trên của nhà báo Chu Vĩnh Hải là khá phù hợp với bầu không khí trĩu nặng và trống rỗng tại liên doanh Cá Rồng Đỏ trong hơn hai năm qua, kể từ ngày Trung Quốc mở màn chiến dịch gây hấn tại mỏ dầu khí này từ tháng 7 năm 2017 khiến Repsol phải ‘tháo chạy’ lần đầu tiên. Từ đó đến nay, hoạt động khai thác mỏ này đã bị đình trệ.
“Bản lĩnh Việt Nam” và những lần tháo chạy
Cá Rồng Đỏ, còn gọi là Red Emperor, là một phần Lô 07/03 tại bồn trũng Nam Côn Sơn, cách bờ biển Vũng Tàu 440 km. Ước tính trữ lượng của mỏ là khoảng 45 triệu thùng dầu thô, gần 4,9 tỷ m3 khí tự nhiên và 2,3 triệu thùng condensate – một dạng dầu thô siêu nhẹ, chủ yếu là một phụ phẩm của việc khai thác khí đốt.
Nhưng lô này nằm gần đường 9 đoạn, còn gọi là ‘đường lưỡi bò’, mà Trung Quốc đã vạch ra để tuyên bố chủ quyền trên một vùng biển rộng lớn ở Biển Đông. Vào năm 2017, Trung Quốc đã cho vẽ lại ‘đường lưỡi bò 9 đoạn’ mà đã quét qua đến 67 lô dầu khí – chiếm phần lớn trong số các mỏ dầu khí của Việt Nam. Khu vực bị ‘liếm’ nhiều nhất là Bãi Tư Chính.
Tháng Bảy năm 2017 đã xảy ra một sự kiện mà xứng đáng được liệt vào loại “nhục quốc thể”: chính quyền Việt Nam phải “giương cờ trắng” khi yêu cầu Repsol ngừng hoạt động thăm dò khí đốt tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở khu vực Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại Giao Việt Nam chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam.” Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại Giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ “nhục quốc thể” ấy, nhưng vụ “giương cờ trắng” này lại trùng hợp một cách kỳ lạ với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí. Sau vụ bỏ chạy không ngoái cổ ấy của liên doanh dầu khí Việt Nam – Tây Ban Nha, đã có tin quốc tế xác nhận ý đồ của hải quân Trung Quốc là có kịch bản tấn công quân sự, đặc biệt khi ‘bạn vàng’ này đã đưa cả một giàn phóng tên lửa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa vào năm 2016.
9 tháng sau “nỗi nhục Bãi Tư Chính” lần đầu, nỗi nhục lần thứ hai đã xảy ra ở cùng địa điểm. Tháng Ba năm 2018, một lần nữa, Repsol vội vàng tháo chạy khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ. Vẫn bởi sức ép của ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ là Trung Quốc – như cái cách tụng ca một thời của giới chóp bu Việt Nam, bất chấp giới hạn dưới của phạm trù liêm sỉ.
Ngay sau vụ Cá Rồng Đỏ lần hai, Tập Cận Bình đã cử Vương Nghị – Bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc – đến Việt Nam với một “tối hậu thư”: Việt Nam phải “cùng hợp tác khai thác” mỏ Cá Rồng Đỏ với Trung Quốc. Nếu không, “bản lĩnh Việt Nam” sẽ hết cửa kiếm tiền ngay trong vùng lãnh thổ của mình.
Cho tới lúc đó, “bản lĩnh Việt Nam” chỉ còn cách “tự xử”: nếu ở “nỗi nhục Bãi Tư Chính” lần đầu, Petro Vietnam có thể phải bồi thường cho Repsol khoảng 36 triệu USD – kinh phí mà Repsol đã phải bỏ ra để thăm dò dầu khí, thì đến tháng Ba năm 2018, con số bồi thường nghe nói lên đến 200 triệu USD.
Còn bây giờ là từ trên 300 triệu USD đến 1 tỷ USD. Đó là cái giá phải trả vì PetroVietnam, mà đứng đằng sau nó là Bộ Chính trị Việt Nam, đã đơn phương hủy bỏ hợp đồng với Repsol. Cũng có thông tin từ giới chuyên gia dầu khí về việc PetroVietnam phải bồi thường khoảng 400 triệu USD cho Repsol.
Thông tin ngoài lề về việc PetroVietnam chấm dứt liên doanh với Repsol trong khai thác mỏ Cá Rồng Đỏ cũng khá logic với phản ứng ‘kịch liệt phản đối’ đến mức nổ súng cảnh cáo còn không dám của lực lượng tuần duyên Việt Nam, khi tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ vệ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam từ đầu tháng 7 năm 2019 đến nay như vào chốn vô chủ quyền.
‘Khấu đầu’ hay tiếp tục vật lộn?
Vấn nạn hiện thời tại mỏ Cá Rồng Đỏ là chính thể Việt Nam không những rơi vào tình trạng rất có thể phải chấm dứt liên doanh và bồi thường cho Repsol, mà còn có thể đã nhúng thêm một chân xuống miệng vực thẳm nếu quả thật đã phải nhượng bộ cho Trung Quốc ‘cùng hợp tác khai thác dầu khí’. Nếu đúng vậy, sắp tới tàu Hải Dương 8, tàu cẩu Lam Kình và các tàu hải cảnh của Trung Quốc sẽ biến mất khỏi khu vực Bãi Tư Chính, mà thay vào đó sẽ là sự hiện diện của một công ty khai thác dầu khí Trung Quốc, để mọi chuyện lại trở về vạch xuất phát ‘Bốn Tốt’ và ‘Mười Sáu Chữ Vàng’ cực kỳ đãi bôi và giả dối. Khi đó, một phần đáng kể dầu thô từ Cá Rồng Đỏ đáng lý chạy vào ngân sách để nuôi bộ máy đảng CSVN thì sẽ chui thẳng vào túi ‘đảng anh’.
Nhưng cũng còn một kịch bản khác – đỡ tệ hại hơn. Đó là chính thể Việt Nam chỉ cúi mình chấm dứt hoạt động liên doanh với Repsol, chịu bồi thường cho Repsol để tạm thời thỏa mãn yêu sách của Bắc Kinh và chấp nhận để PetroVietNam tự khai thác dầu mà không có sự hỗ trợ kỹ thuật tối tân của các quốc gia châu Âu, nhưng mặt khác cũng không để Trung Quốc can dự vào mỏ Cá Rồng Đỏ. Tuy nhiên, phần tiếp theo của câu chuyện này sẽ gay cấn không kém gì cái cách mà Bắc Kinh đã làm để đẩy đuổi Repsol trở về Tây Ban Nha. Cuộc chiến giành ăn dầu khí chỉ tạm lắng một thời gian, rồi sau đó sẽ vẫn tái diễn. Và với nỗi sợ mất mật đã trở thành bản năng, Bộ Chính trị Việt Nam sẽ khó mà khoan được thùng dầu nào từ mỏ Cá Rồng Đỏ để có tiền nuôi đảng và trả nợ nước ngoài…
P.C.D.
VNTB gửi BVN 

CÁ VOI XANH: TÌM HIỂU 'KHÓ KHĂN' CỦA ExxonMobil VÀ PetroVietnam
BBC 12-9-2019
PVN.vn
Lễ ký kết thỏa thuận khung hợp đồng bán khí mỏ Cá Voi Xanh năm 2017
BBC được nghe một số bằng chứng mới dường như cho thấy sức ép Trung Quốc không phải là yếu tố đằng sau tin đồn ExxonMobil muốn rút khỏi dự án dầu khí tại miền Trung Việt Nam.
Những ngày qua, dư luận Việt Nam quan tâm tin đồn liệu có phải tập đoàn Mỹ muốn, hay đã thông báo cho Việt Nam ý định, rút khỏi dự án khí Cá Voi Xanh.
Mới nhất, các nguồn tin từ Việt Nam cho BBC hay có một văn bản của tập đoàn ExxonMobil, ký ngày 28/8, được PetroVietnam nhận vào ngày 6/9.
Ngày 12/9, PetroVietnam ra thông cáo ngắn nói: "Các dự án Dầu khí ở miền Trung Việt Nam (bao gồm các dự án trên biển và trên bờ) được Tổ hợp nhà thầu (ExxonMobil, PVN và PVEP) triển khai theo kế hoạch."
"Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không có ý kiến bình luận đối với thông tin không chính thức xung quanh các Dự án này."
Quanh tin đồn này, nhà báo BBC cũng là chuyên gia về Biển Đông, Bill Hayton, nhận định trên trang Twitter cá nhân, nói ông cho rằng nếu tin đồn có thật, có lẽ đó là quyết định mang tính chất thương mại từ trụ sở hay văn phòng khu vực của Exxon, chứ không phải do sức ép chính trị từ Bắc Kinh.
Ông Bill Hayton chỉ ra rằng mỏ khí Cá Voi Xanh nằm ngoài cái gọi là 'đường chữ U', tức hải vực Biển Đông Trung Quốc vẽ ra để đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Thêm nữa, nhà báo người Anh cho hay suốt nhiều năm qua, ExxonMobil đã thương thuyết với Việt Nam về giá bán khí từ mỏ Cá Voi Xanh nhưng vẫn chưa đạt thỏa thuận.
Vào năm 2017, PetroVietnam và ExxonMobil Việt Nam đã ký thuận khung Hợp đồng Bán khí Cá Voi Xanh.
Theo đó, trong giai đoạn đầu, sản lượng khai thác của Dự án sẽ đủ cung cấp khí cho bốn nhà máy điện với tổng công suất 3.000 MW (02 Nhà máy đặt tại khu kinh tế Chu Lai, tỉnh Quảng Nam và 02 Nhà máy đặt tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi).
Sản lượng khai thác trong giai đoạn mở rộng sẽ cung cấp khí cho hóa dầu, hoặc nhà máy điện thứ 5 với công suất khoảng 750 MW như trong Tổng Quy hoạch Điện 7 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tổng đầu tư chuỗi dự án khoảng 10 tỷ USD và sẽ đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 20 tỷ USD, theo thông báo năm 2017.

Tranh cãi giá điện

Theo quy hoạch thông qua cuối năm 2018, Việt Nam xác nhận khu kinh tế mở Chu Lai sẽ đầu tư xây dựng hai dự án nhà máy điện tuabin khí Miền Trung I và Miền Trung II công suất 750 MW, sử dụng lô khí Cá Voi Xanh.
Hai nhà máy điện tuabin khí này do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, với số vốn dự kiến lên tới hơn 38,5 nghìn tỷ đồng (30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay).
Dự án nằm tại khu vực phía Đông Nam khu kinh tế Chu Lai, Quảng Nam.
Dự án dự kiến vận hành vào năm 2023 với nhà máy miền Trung I và 2024 với nhà máy Miền Trung II.
Như tin trên báo chính thống đầu năm 2019 cho hay, PetroVietnam đề nghị chính phủ chấp thuận cơ chế về giá điện nhằm bao tiêu hết sản lượng khí cam kết với nhà thầu Exxon Mobil.
Theo đó, giá bán điện của dự án được tính toán đầy đủ để đảm bảo hiệu quả đầu tư; giá điện của nhà máy được tính toán trong phương án giá bán điện hàng năm của EVN.
PetroVietnam kiến nghị cho phép nhà máy điện được phép không tham gia thị trường điện để đảm bảo tiêu thụ hết khí từ dự án Cá Voi Xanh.
Bản tin của VietNamNet tháng 3/2019 tiết lộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đó là mức giá khá cao so với giá bán điện bình quân hiện nay.
Bộ Tài chính thì đề nghị PetroVietnam phân tích, đánh giá về tính cạnh tranh giá điện của dự án với các dự án điện khí khác.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam lại đề nghị PetroVietnam tính toán lại giá mua khí Cá Voi Xanh cho năm 2023 với độ trượt giá khí có xem xét đến Chỉ số giá tiêu dùng thực tế của Mỹ các năm 2016, 2017 và 2018.
Bản tin của VietNamNet khi đó cho hay Tập đoàn Điện lực đề nghị phân tích và xem xét lại phương án tài chính được kiến nghị vì phương án này sẽ có nguy cơ gặp nhiều khó khăn, kéo dài các quá trình thương thảo, gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án và chuỗi dự án khi điện Cá Voi Xanh.
Ngày 9/9, trong lúc tin đồn về ExxonMobil lan ra, phó bí thư Đảng ủy PetroVietnam Nguyễn Xuân Cảnh cho biết một số dự án dầu khí như Cá Voi Xanh vì vướng cơ chế mà chậm trễ, từ đó hiệu quả dự án không còn như trước.
Dự án dầu khí Cá Voi Xanh được ông Nguyễn Xuân Cảnh nhắc đến tại hội nghị Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương ngày 9/9.
"Các dự án như Cá Voi Xanh, Lô B như nồi cơm của PVN, nồi cơm của tăng trưởng GDP và thu ngân sách. Nhưng vướng cơ chế nọ, cơ chế kia nên bị chậm trễ hết rồi", ông Cảnh nói.
Một viên chức từ PetroVietNam giải thích với BBC về dự án Cá Voi Xanh: "Sản lượng khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh được xác định tiêu thụ hết tại khu vực gần nguồn khí do không có đường ống kết nối đi xa hơn, ra Bắc vào Nam."
"Nếu thị trường tại chỗ dư thừa, sản lượng khí có thể sẽ vận chuyển đi các khu lân cận theo hình thức CNG và LNG."
"Các bên xác định nhu cầu tiêu thụ của mỏ này dựa trên sự phát triển một thị trường khí mới tại các tỉnh miền Trung, chủ yếu ở Quảng Nam và Quảng Ngãi."
Viên chức này cho biết trách nhiệm của ExxonMobil là khai thác, đưa khí vào bờ, trong khi PetroVietnam cần làm nhà máy điện khí, tìm nguồn tài chính, đàm phán giá điện với EVN.
"Để PetroVietnam làm được các việc này, quyền quyết định cao nhất là từ phía chính phủ," người này giải thích.
Một báo cáo của Viện Dầu khí Việt Nam tháng 2/2017 nhận định "mức giá khí đề xuất Cá Voi Xanh khó đạt hiệu quả kinh tế khi phải tham gia thị trường điện cạnh tranh, do đó cần có cơ chế riêng".

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 31/5Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionThủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 31/5

Sức ép?

Trả lời BBC ngày 12/9, ông Nguyễn Lê Minh, thành viên Hội đồng Biên tập và Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam, cho rằng có việc ExxonMobil đang gây sức ép lên chính phủ Việt Nam để rút ngắn quy trình phê duyệt, nhằm giúp dự án kịp tiến độ.
"ExxonMobil muốn chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy nhanh việc phê duyệt giá bán điện của PVN và EVN cho các nhà máy điện."
"Dù việc phía Việt Nam bán điện không liên quan đến lợi ích kinh tế của ExxonMobil, nhưng nếu không được phê duyệt sớm thì cũng dẫn đến làm chậm tiến độ dự án của ExxonMobil."
Các thông tin trên đặt ra một số điểm, như:
  • ExxonMobil và PetroVietnam đến nay đều từ chối bình luận chính thức về tin đồn
  • Nhưng Dự án Cá Voi Xanh đang gây sốt ruột cho cả ExxonMobil và PetroVietnam
  • Liệu có hay không việc tin đồn - không được bác bỏ mạnh mẽ - về việc ExxonMobil muốn rút khỏi dự án, là để gây sức ép buộc chính phủ Việt Nam thông qua các khuyến nghị của ExxonMobil và PetroVietnam?
  • Nếu ExxonMobil quả thực muốn rút khỏi dự án, phải chăng đây là do cân nhắc thương mại về lời lỗ, chứ không phải do sức ép của Trung Quốc?

VIỆT NAM LÊN TIẾNG VỀ DỰ ÁN DẦU KHÍ VỚI EXXONMOBIL
VIỆT ANH /VnEx 12-9-2019
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil triển khai các dự án ở miền trung theo kế hoạch.

"Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã có thông tin cho biết những dự án dầu khí ở miền trung, bao gồm các dự án trên biển và trên bờ được tổ hợp nhà thầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí và ExxonMobil triển khai theo kế hoạch", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo chiều nay khi phóng viên AFP hỏi về "tin đồn ExxonMobil đang rút dần khỏi dự án Cá Voi Xanh".
Vị trí mỏ Cá Voi Xanh và tuyến ống nối vào bờ biển Chu Lai. Đồ họa: ExxonMobil.
Vị trí mỏ Cá Voi Xanh và tuyến ống nối vào bờ biển Chu Lai. Đồ họa: ExxonMobil.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty thăm dò và khai thác dầu khí Việt Nam và Công ty trách nhiệm hữu hạn Thăm dò Khai thác Dầu khí ExxonMobil Việt Nam thuộc Tập đoàn dầu khí ExxonMobil, trụ sở tại Mỹ, đã ký thỏa thuận khung phát triển dự án và thỏa thuận khung hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh vào năm 2017, theo Báo Đầu tư
Mỏ khí Cá Voi Xanh nằm cách bờ biển miền Trung khoảng 88 km về phía đông, do Exxon Mobil làm nhà điều hành. Mỏ khí này có trữ lượng thu hồi tại chỗ ước tính khoảng 150 tỷ mét khối, gấp 3 lần mỏ Lan Tây và Lan Đỏ thuộc dự án khí Nam Côn Sơn lớn nhất Việt Nam hiện nay, theo website của Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ngãi.
Theo kế hoạch, ExxonMobil sẽ đầu tư một giàn đầu giếng để xử lý tách nước ngoài khơi, hai cụm khai thác ngầm, mỗi cụm có 4 giếng khai thác và một đường ống nối vào bờ biển Chu Lai.
Tổng sản lượng khí hàng năm khai thác khoảng 9-10 tỷ mét khối, trong đó một tỷ mét khối dành để kết nối với nhà máy lọc dầu Dung Quất phục vụ chế biến sâu. PVN đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD, doanh thu từ khí dự kiến khoảng 30 tỷ USD, từ điện khoảng 30 tỷ USD.
Việt Anh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét