Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

20190905. NĂM HỌC MỚI VÀ NHỮNG NỖI LO

ĐIỂM BÁO MẠNG

MẢNH ĐẤT GIÁO DỤC ĐANG RẤT... MÀU MỠ

THANH AN/ GDVN  3-9-2019

Hiện cả nước có tới hơn 20 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên đang học tập và giảng dạy trong các nhà trường.
Việc học tập không chỉ đối với học sinh, sinh viên mà cán bộ, giáo viên trong các nhà trường cũng liên tục phải đi học nâng cao, học bồi dưỡng, học để bổ sung chứng chỉ, bằng cấp theo quy định.
Chính vì nhu cầu học tập để vào đời, học tập để để đảm bảo công việc thành ra nhiều trường, nhiều trung tâm đào tạo cũng mọc ra để đáp ứng nhu cầu học tập của nhiều đối tượng học tập.
Nhu cầu về bằng cấp, chứng chỉ không chỉ với học sinh, sinh viên mà cả với giáo viên  (Ảnh minh hoạ: binhlieu.quangninh.gov.vn)
Người học thì đương nhiên phải đóng tiền, những nhà cung cấp dịch vụ thì đương nhiên sẽ thu lợi. Những giá trị cốt lõi không được chú trọng, những hư danh, bằng cấp cứ mãi ám ảnh nhiều người.
Khi còn đi học phổ thông, ngoài giờ học trên lớp thì học sinh mải mê học thêm ở nhà thầy cô, ở các trung tâm gia sư và trung tâm ngoại ngữ. Không học thì không bằng bạn bè, không thi thố được.
Ngoài việc dạy thêm “chính đáng” ở nhà trường thì hàng loạt trung tâm gia sư, trung tâm ngoại ngữ mọc lên khắp các thành phố.
Không mấy trung tâm lấy tên tiếng Việt bởi đa phần đều gắn mác với vài chữ tiếng Anh để tạo sự trang trọng cho trung tâm của mình và đương nhiên cũng để tạo sự hấp dẫn đối với phụ huynh, với học sinh.
Tất nhiên, khi đến với các trung tâm này thì mức học phí rất cao, mỗi buổi học vài chục nghìn đồng, thậm chí các lớp ôn thi cuối cấp và các trung tâm ngoại ngữ thì mỗi ca học 90 phút của học sinh được tính bằng tiền trăm.
Không chỉ các trung tâm gia sư, ngoại ngữ mà nhiều trường quốc tế cũng được thành lập với mức học phí lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hơn nửa tỉ đồng/ năm.
Có những trường quốc tế được đào tạo bài bản nhưng cũng có rất nhiều trường chỉ yếu là đưa nhãn mác vào để đánh lừa phụ huynh.
Sau sự việc học sinh bị tử vong trên xe ô tô của trường quốc tế Gateway thì đến nay hàng loạt trường quốc tế đã âm thầm tháo đi chữ “quốc tế” để trở về với bản chất thật của nó.
Người học không biết thu nạp được bao nhiêu kiến thức nhưng rõ ràng các trung tâm này thu bộn tiền và chắc chắn một điều là họ có lãi cao.
Chính vì lãi cao nên nhiều người không chỉ mở một trung tâm mà họ mở rộng ra nhiều trung ở các địa bàn khác nhau để phát triển mạng lưới của mình.
Hết học phổ thông lên đến đại học thì ngoài chuyện học ở giảng đường, 100% sinh viên phải đến với các trung tâm ngoại ngữ và trung tâm tin học để học chứng chỉ theo quy định.
Ai là người dạy ở các trung tâm này, cũng chính các thầy cô đang dạy mình ở trên trường được các trung tâm thuê dạy. Thành ra, vẫn là “quân ta” cả nhưng lại vô tình làm giàu cho các cá nhân đứng ra mở trung tâm.
Tại sao các trường đại học đều dạy tiếng Anh với số lượng học phần (tín chỉ) nhiều nhất mà lại không được công nhận đã hoàn thiện chương trình học? Sao phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định mới được cấp bằng đại học? 
Nếu được công nhận đã hoàn thiện chương trình ngoại ngữ trong trường đại học thì có phải là đỡ tốn kém cho sinh viên hay không? Sau khi ra trường, ai có nhu cầu học, ai muốn được tuyển dụng vào các ngành cần chuyên sâu về ngoại ngữ thì để họ tự nguyện học tập.
Những giáo viên ra trường trước đây, đã đi dạy hàng chục năm trời vẫn phải miệt mài đi học chứng chỉ.
Nhiều người có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học A, B rồi nhưng vì sợ mất việc nên lại đua nhau đi học A2, B1; tin học cơ bản để hoàn thiện bằng cấp bởi văn bản Bộ Nội vụ đã ban hành, các trường học đã triển khai đến giáo viên.
Nhất là mấy năm nay cứ đến hè thì các trường đại học sư phạm lại gửi thông báo chiêu sinh các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.
Bây giờ, người ta không thông báo tại các trường đại học và cao đẳng sư phạm mà toàn gửi qua email của các nhà trường phổ thông.
Tất nhiên, khi đã được cấp trên thông qua, gửi thông báo đến nhà trường thì giáo viên đành phải miễn cưỡng đi học.
Nhiều nơi còn bắt buộc tất cả giáo viên phải đi học để lấy chứng chỉ, người không đi thì bị dọa tới năm 2021 sẽ tinh giảm biên chế. Vì thế, nhiều giáo viên phải lo “đón đầu” kẻo ảnh hưởng đến công việc trong tương lai…
Trong kinh doanh, có lẽ kinh doanh trong giáo dục là an toàn và lời nhất. Lĩnh vực này ít xảy ra rủi ro, đầu tư cũng không nhiều nhưng lãi thì cứ thu đều đều.
Các lớp học thêm có thể mở ở trường, có thể mở ở nhà giáo viên hoặc thuê một cái nhà rộng là có thể thể thành một trung tâm gia sư.
Các trường đại học, các trung tâm ngoại ngữ, tin học có thể mở lớp tại trường, có thể liên kết mở lớp ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, thậm chí mượn nhà Trưởng phòng Giáo dục làm nơi thi học phần…cũng xong.
Bộ càng quy định giáo viên phải có thêm chứng chỉ, văn bằng thì nhiều tổ chức, cá nhân càng chớp thời cơ để nắm bắt cơ hội mở lớp.
Một bên phải hoàn thiện bằng cấp, chứng chỉ, một bên chỉ cần lợi nhuận nên đa phần khi học viên đăng ký học là bên chiêu sinh đã cam kết “bao đậu” thì chất lượng làm gì được chú trọng.
"Mảnh đất" giáo dục vì thế mà trở nên trù phú, màu mỡ hơn bao giờ hết!
THANH AN
'THẠC SĨ KHÔNG ĐẦU' VÀ NỖI BUỒN TRÍ THỨC
THẠCH HOÀI LAM/ GDVN 3-9-2019
Trước đây, mỗi khi nghe nói đến chuyện thi đầu vào Cao học là chúng tôi sợ xanh mặt. Vì thi đầu vào của Trường đại học Cần Thơ có tiếng là rất khó, rất khắt khe nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.
May mắn nhờ ôn thi tích cực, chúng tôi trúng tuyển vào khóa Văn học Việt Nam đầu tiên của Khoa sư phạm với vỏn vẹn 14 người…
Ba năm học, chúng tôi nghiên cứu, tìm tòi tài liệu; đi thành phố Hồ Chí Minh đến các thư viện của Cần Thơ vì có những tư liệu ở Cần Thơ không có.
Khi bảo vệ xong luận văn tốt nghiệp, người nào cũng sụt mất mấy ký vì học khá vất vả, “trầy vi tróc vảy” mới có tấm bằng Cao học, chứng nhận trình độ của bản thân.
Một lớp học thạc sĩ (Ảnh minh họa: A.N).
Sau đó, “phong trào” học Cao học bỗng trở nên sôi nổi khắp nơi. Có những khóa có đầu vào, có những khóa vì lý do nào đó, không có đầu vào (chúng tôi gọi vui là “Thạc sĩ không đầu”). Những khóa “không đầu” này sẽ trả nợ “đầu vào” sau.
Phải nói là học Cao học thời gian gần đây “dễ thở” hơn so với thời kỳ “trứng nước” như chúng tôi.
Nắm được “nhu cầu” học nên đủ các loại hình đào tạo, liên kết ra đời. Các trung tâm giáo dục, các trường cao đẳng được dịp bung ra, “làm ăn” cũng khấm khá nhờ các màn “liên kết đào tạo cao học” với các trường đại học.
Nhờ các “lò ấp” này mà hàng loạt thạc sĩ “ra lò”, bổ sung cho các trường, góp phần phấn đấu cho trường đạt chuẩn quốc gia, quốc tế…
Thạc sĩ trong các cấp chính quyền giờ cũng không hiếm. Các phòng ban cấp tỉnh thì Thạc sĩ chiếm đa số. Các trường học thì không thể đếm hết vì đi ra đường, đi đến trường là gặp Thạc sĩ.
Trưởng phòng Nông nghiệp huyện là Thạc sĩ kinh tế hoặc Thạc sĩ ngành trồng trọt… là chuyện bình thường. Có thể nay mai, theo đà này thì Chủ tịch xã, Trưởng ban nhân dân ấp, xóm cũng có bằng Thạc sĩ chuyên ngành.
Nhưng thói đời “nhân nào quá nấy” vì đào tạo ồ ạt như thế thì tất nhiên chất lượng không cao là điều không tránh khỏi. Không thể tin được khi có những thạc sĩ ngành Ngữ văn mà còn viết sai chính tả.
Có nhiều thạc sĩ không viết nổi một dòng tin phản ánh các hoạt động của trường cho báo chí… Cũng nhiều người có bằng thạc sĩ nhưng viết một bài khảo cứu, một bản “sáng kiến kinh nghiệm” đều phải “copy” trên mạng rồi “chắp nhặt dông dài” thành của mình.
Trong giảng dạy, người có bằng thạc sĩ cũng không hơn gì mấy người chưa có. Riêng môn Ngữ văn vẫn giảng bài thiếu lửa, lời giảng chưa xuất phát từ trái tim mà mới dừng ở mức xuất phát ra từ cổ họng (còn khoảng một gang tay nữa mới tới tim).
Với tình trạng “trăm hoa đua nở, trăm trường liên kết đào tạo thạc sĩ” thế này thì chẳng bao lâu nữa, ngành giáo dục sẽ hoàn thành chỉ tiêu “phổ cập” thạc sĩ.
Cũng chưa bao giờ danh xưng của tên gọi “Thạc sĩ” mất giá như bây giờ vì học dễ quá, bảo vệ luận văn cũng dễ quá.
THẠCH HOÀI LAM
'THẤY KẾT QUẢ XẾP HẠNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM TÔI CŨNG HẾT HỒN'
VIỆT DŨNG/ GDVN 4-9-2019
Phó Giáo sư Lê Quang Minh – Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu nhận định như vậy tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về thi hành chính sách, pháp luật về đảm bảo kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Hội nghị này do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 3/9/2019.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia trình bày tại hội nghị này cho thấy, cách kiểm định và xếp hạng đại học như hiện nay tại Việt Nam sẽ có thể khiến cho dư luận hiểu sai về chất lượng của các trường đại học.
Tạm ngừng đào tạo kiểm định viên
Phó Giáo sư Lê Quang Minh nêu ý kiến: Không nên mở thêm các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục nữa, tạm ngưng đào tạo các kiểm định viên.
Đã đến lúc thành lậpTrung tâm kiểm định các tổ chức kiểm định. Quốc hội là cơ quan thành lập trung tâm này.
Phó Giáo sư Lê Quang Minh lý giải: Hiện nay, số trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam đã được kiểm định đã đạt mức khoảng 50%, số trường đạt chuẩn lên đến hơn 96% là không ổn.
Hội nghị về đảm bảo kiểm định chất lượng giáo dục đại học tổ chức ngày 3/9/2019 (ảnh: P.L)
Vị Phó Giáo sư này cho rằng, kết quả kiểm định như vậy giống như sai phạm trong kỳ thi trung học phổ thông ở Hà Giang trước đây. Tiếp tục làm như vậy nữa sẽ gây mất niềm tin trong xã hội về kiểm định chất lượng giáo dục.
Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nói tiếp: Chúng ta đang làm xếp hạng đại học như hiện nay là theo kiểu nóng vội.
“Thấy kết quả xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam, tôi cũng hết hồn. Với kết quả xếp hạng như vậy, kiểm định như đang làm hiện nay thì coi chừng chúng ta đang hướng dư luận, hướng học sinh vào những trường không đúng như kết quả được công bố. ”- Phó Giáo sư Lê Quang Minh chia sẻ.
Ông Lê Quang Minh nhấn mạnh: Như vậy sẽ rất tội nghiệp cho các trường có chất lượng thật, thiệt thà. Nếu cứ như vậy sẽ hướng các trường thiệt thà bớt thiệt thà lại. Cần phải coi lại hết mấy trường này.
Minh bạch và công khai thông tin ở các trường
Trình bày quan điểm của mình tại hội nghị, nhiều chuyên gia bày tỏ sự nghi ngờ về tính độc lập của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tại Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng trường – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Văn Thuyên nói, cần xác định rõ tính độc lập tuyệt đối của các tổ chức kiểm định.
Bởi lẽ, hiện nay, ông Ngô Văn Thuyên nói có tình trạng các trường chia sẻ chọn trung tâm kiểm định nào dễ để được công nhận kết quả kiểm định cao.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh phát biểu tại hội nghị ngày 3/9 (ảnh: P.L)
Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh – Giám đốc đảm bảo chất lượng,Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng chia sẻ: Dù trên danh nghĩa, hệ thống kiểm định của Việt Nam được cho là theo mô hình kiểm định của Mỹ, nhưng thực sự hệ thống kiểm định hiện nay gần như là do Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm soát tuyệt đối.
Theo Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, từ tiêu chuẩn kiểm định, phương pháp thực hiện, nội dung đào tạo, thẩm quyền cấp thẻ kiểm định viên…đều nằm trong tay của Bộ này.
Hệ thống kiểm định thiếu tính độc lập tác động tiêu cực đến tiến độ, hiệu quả của việc triển khai kiểm định trong hệ thống giáo dục đại học.
Sau đánh giá, chính sách khen thưởng và xử phạt chưa đủ mạnh, chưa có trường nào bị đóng cửa, khiến cho tác động của việc kiểm định chất lượng còn nhiều hạn chế.
Cuối cùng, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nêu lên 3 kiến nghị: Phải đảm bảo sự độc lập hoàn toàn với các quyết định chuyên môn, mạnh dạn chọn mô hình tập trung nhưng tạo điều kiện tham gia của toàn xã hội bằng các kênh thông tin minh bạch, con người thực hiện đảm bảo chất lượng là quan trọng nhất.
Còn theo Tiến sĩ Phạm Thị Ly – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cần tăng cường tính minh bạch, công khai thông tin ở các trường.
“Khi nhà trường bị bắt buộc phải công khai thông tin với toàn xã hội, thì họ mới có thể giám sát nhà trường thuận lợi hơn” – Tiến sĩ Phạm Thị Ly kết luận.
Việt Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét