Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2019

20190906. BÌNH LUẬN VỀ KẾT QUẢ TÍNH LẠI GDP

ĐIỂM BÁO MẠNG

GDP NGẤT NGƯỞNG, VẬN MỆNH CHÍNH TRỊ VÀ ĐỐNG RÁC LỊCH SỬ

PHẠM CHÍ DŨNG/ BVN 3-9-2019


https://1.bp.blogspot.com/-YFmILpBqgdA/XWzCZ3RNzgI/AAAAAAAAf1g/skh-VwHM6g4LBNE0mhz8CLainjq5hobTwCLcBGAs/s640/A4E304F9-DEF2-437D-8A63-BE1FBA201953_w1023_r1_s.png
Ông Phúc trong lần tiếp cận nổi tiếng đến ông Trump tại G20 Osaka, Nhật Bản ngày 28/6/2019. Photo: Chụp từ VTV1.
“Gia đình tôi 4 người, hai con nhỏ đi học, lấy đâu ra 2.540 × 4, tức bằng số tiền hơn 238 triệu đồng/năm?” – một tờ báo chuyên phân tích kinh tế – tài chính ở Việt Nam phóng ra câu hỏi chết người dành cho Tổng cục Thống kê.
Dân Việt bỗng giàu thêm 400 USD/năm (!?)
Và có lẽ cho cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tại hội nghị Cải thiện năng suất lao động diễn ra vào tháng 8 năm 2019, Tổng cục Thống kê bất ngờ công bố vừa hoàn thành cách tính GDP mới, theo cách tính này GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng đạt 3.000 USD/người/năm.
Công bố trên đã làm cho mỗi đầu dân bỗng giàu lên gần 400 USD và nền kinh tế bỗng nhiên có thêm 40 tỷ USD so với cách tính áp dụng thời gian trước đây (theo cách tính trước, nền kinh tế Việt Nam năm 2018 có quy mô khoảng 5,5 triệu tỉ đồng (hơn 240 tỉ USD), tổng GDP bình quân đầu người là 2.590 USD/người/năm).
Nhưng con số trên cũng khiến khiến nhiều chuyên gia và cả giới đại biểu Quốc hội nóng mặt.
Một lần nữa, những chuyên gia phân tích độc lập – như TS Bùi Trinh – phản pháo: “tính thêm khu vực này vào GDP chỉ có lợi ích duy nhất là làm đẹp thành tích tăng trưởng nhưng lại lợi bất cập hại ở chỗ kéo tỉ lệ bội chi và nợ công nhỏ xuống”, và “Nợ công và bội chi phải nhìn nhận ở con số tuyệt đối, nếu hạ “ảo” để đạt thành tích sẽ khiến các nhà làm chính sách và cả người dân quên đi thực tại”.
Còn tác giả của câu hỏi “Gia đình tôi 4 người, hai con nhỏ đi học, lấy đâu ra 2.540 × 4, tức bằng số tiền hơn 238 triệu đồng/năm?” đã làm một cuộc khảo sát nhỏ với 5 người, cùng một câu hỏi “Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?”. Nhưng không một ai nhớ rõ mà phải nhờ Google.
Đáng chú ý là trong số 5 người được hỏi có 3 người là giáo viên, quân nhân, mặc dù được xếp vào hạng ổn định hơn đại đa số nhưng thu nhập chính thức cả năm không thể đạt con số 238 triệu đồng. Họ bắt đầu cãi nhau dữ dội hơn, cho dù tất cả đều biết có những người giàu và siêu giàu ở đâu đó đang “chia đều” gánh cho cả xã hội.
Vài năm nay, Việt Nam góp mặt ngày một nhiều trong danh sách tỷ phú đô la do Forbes bình chọn, khối tài sản của các đại gia được “soi” rất kỹ, thậm chí có người đã tính khối tiền như núi của doanh nhân kia nếu tiêu một tỷ đồng/ngày thì phải mất hàng trăm năm mới hết sạch!
Nghịch lý là ai cũng chỉ nhìn về hào quang đó để võ đoán tăng trưởng kinh tế, xã hội giàu lên, nhưng đằng sau đó, có hàng triệu người phá sản, hàng chục ngàn doanh nghiệp giải thể – đồng nghĩa với việc họ không còn đóng góp đáng kể gì cho GDP.
Thật sự, không mấy ai quan tâm đến khái niệm GDP và GDP/đầu người của đất nước, vì điều đó đối với hầu hết là không quan trọng bằng mâm cơm gia đình. Nhưng mặc nhiên đối với chính quyền, cơ quan hoạch định chính sách – GDP là biểu số hết sức quan trọng.
Và người ta cũng nghi ngờ là Tổng cục Thống kê, theo chỉ đạo của ‘ai đó’, đã tính cả kinh tế ngầm vào GDP để chỉ số này được tốt mã, và cái chỉ số GDP nghiêng nghiêng ngoẹo ngoẹo như thế có lợi cho ai…
“GDP tăng trưởng có cánh”
Khác hẳn với lời ta thán về nguy cơ “nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần” vào cuối năm 2016 và “sụp đổ tài khóa quốc gia” vào đầu năm 2017, đến đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bất thần đổi giọng khi có đến hai lần yêu cầu Tổng cục Thống kê “tính lại GDP”, với lý do “Hàng vạn cái nhà lầu, hàng trăm chiếc ô tô đăng ký mỗi tháng ở TPHCM, Hà Nội mà chả tính được cái gì, bỏ rơi hết. Nếu cộng thêm được 30% nữa thì không phải 5 triệu tỉ đồng; mẫu số lớn lên, quy mô nợ công sẽ giảm xuống, có tiền cho đầu tư phát triển”, và giải thích thêm về tăng trưởng: “GDP đạt trên 5,1 triệu tỉ đồng. Con số này rất quan trọng, từ tổng GDP này làm cho nợ công thời điểm này còn 61,3% GDP, như vậy, so với đầu năm 2016 là chúng ta kịch trần 64,5-64,6% GDP”.
Hai lần yêu cầu trên xảy đến tại Hội nghị tổng kết của Bộ Tài chính và tại Hội nghị tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho dù bị nhiều dư luận phản ứng và nghi ngờ về “GDP tăng trưởng có cánh” tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2017 mà ông Phúc đã phải trần tình là ông “không can thiệp vào việc tính GDP”.
Ngay sau Hội nghị trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm thông báo rằng cơ quan này “sẽ điều chỉnh quy mô GDP trên cơ sở kết quả của Tổng điều tra nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016, Tổng điều tra kinh tế năm 2017, và cơ quan thống kê sẽ trình Thủ tướng phê duyệt để thực hiện đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, nhằm thu thập đầy đủ thông tin của các hoạt động kinh tế thực tế đang diễn ra và ảnh hưởng đến quy mô nền kinh tế nhưng chưa được đo lường và tính toán đầy đủ trong GDPa”.
Nói là làm ngay. Đến đầu năm 2019, sau khi Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát (kinh tế ngầm) được Nguyễn Xuân Phúc ký phê duyệt, Tổng cục Thống kê đã ồn ào tổ chức vài cuộc hội thảo và thông tin cho báo chí về bản nhạc ‘phải đưa kinh tế ngầm vào GDP’ và ‘Nợ công Việt Nam 61,4% GDP, so với các nước khác không là gì!’ – như một cách trả lời rất ‘cố đấm ăn xôi’ trước báo giới của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm.
Theo nội dung đề án này, 5 nhóm hoạt động khu vực kinh tế chưa quan sát, gồm: kinh tế ngầm; kinh tế bất hợp pháp; kinh tế phi chính thức; kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong chương trình thu thập dữ liệu thống kê.
Nhưng trong xã hội Việt Nam nhung nhúc ‘tư bản đỏ’ và tràn ngập tham nhũng lẫn chạy chức chạy quyền, bản chất của bài toán ‘đưa kinh tế ngầm vào GDP’ chỉ là làm tăng giá trị mẫu số trong khi tử số không thay đổi mà sẽ khiến giá trị của phân số nhỏ đi đáng kể.
Vận mạng chính trị và đống rác lịch sử
Những năm gần đây, phía Chính phủ muốn tăng vay ODA mà do đó khiến tăng nợ công nhưng bị ngưỡng nguy hiểm ‘nợ công không thể vượt quá 65% GDP’ chặn lại, cũng như bị một số đại biểu Quốc hội chỉ trích. Nhưng nay chỉ bằng thủ thuật kinh tế – chính trị đơn giản ‘đưa kinh tế ngầm vào GDP’, với nền kinh tế ngầm ấy có thể chiếm ít nhất 10% hoặc thậm chí đến 30 – 40% GDP trong trường hợp Việt Nam, thì khi đó tỷ lệ nợ công/GDP sẽ giảm tương ứng và giảm mạnh, có thể chỉ còn khoảng 50% GDP, trở thành một con số còn bóng lộn hơn cả báo cáo nợ công “chỉ có 55% GDP” thời Nguyễn Tấn Dũng. Một kết quả rất hấp dẫn chỉ nhờ vào việc tính toán những con số trên giấy mà chẳng phải lao tâm khổ tứ thuyết phục Quốc hội lẫn ma mị dân chúng.
Một khi kịch bản “tính lại GDP” thành công theo “yêu cầu đặc biệt” của Thủ tướng Phúc, các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước cùng Chính phủ sẽ còn ‘dư địa vay nợ’ và tha hồ vay được ít ra 15% GDP nữa, tương đương khoảng 30 tỷ USD, chẳng hạn “phục vụ dự án trọng điểm sân bay Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc Nam”. Hai dự án này lần lượt chiếm vốn đầu tư là 18 tỷ USD và hơn 10 tỷ USD, cộng lại xấp xỉ với “quota” 30 tỷ USD mà Chính phủ có thể vay trực tiếp hoặc bảo lãnh vay nếu thành công trong việc “tính lại GDP”. Cơ hội để các nhóm lợi ích “ăn tàn phá hại” vốn ODA và những nguồn vốn vay khác sẽ lại mở ra không khác gì thời Nguyễn Tấn Dũng.
Một cách tương ứng, ‘đưa kinh tế ngầm vào GDP’ sẽ làm giảm tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP trong lúc số tuyệt đối về bội chi không hề giảm, đồng nghĩa với việc Chính phủ và trong đó có phần tiêu xài khổng lồ của khối cơ quan đảng sẽ không còn phải nhìn trước nhìn sau với tỷ lệ bội chi ngân sách 3,6% GDP hay dưới 5% GDP nữa, mà sẽ thoải mái nâng con số tuyệt đối về bội chi.
Hẳn đó là nguồn cơn khiến Tổng cục Thống kê từng muốn đưa cả ‘trà đá, xe ôm, hàng rong’ vào kinh tế ngầm!
Và một khi kịch bản “tính lại GDP” thành công theo “yêu cầu đặc biệt” của Thủ tướng Phúc, không chỉ ông Phúc được cộng điểm thành tích cho vận mạng ‘ngồi trên triệu người’ của ông ta tại đại hội 13 của đảng cầm quyền diễn ra vào năm 2021, mà gần 100 triệu con dân Việt sẽ càng có cơ hội đội thêm gánh nặng nợ nần ngập đầu cho hiện tại và cho rất nhiều đời con cháu mai sau.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN

CẢNH BÁO VIỆC VIỆT NAM NÊU SỐ TĂNG GDP HÀO NHOÁNG 25,4 %

PHẠM QUÝ THỌ/ BBC 3-9-2019

GDP của VN 'tăng đột biến' vì chính trị hóa?

GDP của VN 'tăng đột biến' vì chính trị hóa? (Ảnh minh họa)

Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế Tổng sản lượng quốc nội (GDP) là phạm trù kinh tế được hầu hết các quốc gia trên thế giới sử dụng. Nó luôn được các nhà kinh tế hoàn thiện trong quá trình áp dụng thực tế.
Chính trị hoá GDP là vấn đề phức tạp. Các chính khách, hoặc bằng kỹ thuật hoặc cố ý, có thể làm sai lệch số liệu có lợi cho mục đích cầm quyền. Ngoài ra, những nhược điểm vốn có của phạm trù này, dù được chỉ ra về mặt lý thuyết và luôn được hoàn thiện trong thực tế, nhưng có vẻ tiếp tục là cơ sở thúc đẩy chính trị hoá.
Đối với các nước có nền kinh tế chuyển đổi từ tập trung sang thị trường, trong đó có Việt Nam, vấn đề còn phức tạp hơn, khi GDP còn là chỉ báo cho tính chính danh của chế độ.
Việt Nam đang đánh giá lại GDP, mới có kết quả sơ bộ, nhưng đã gây tranh luận nóng. Liệu tác động có thể là 'lợi bất cập hại'? Liệu có thể hạn chế việc chính trị hoá chỉ tiêu này?

Tác động 'lợi bất cập hại'

Xây dựng và phát triển hạ tầng chiếm tỉ trọng đáng kể trong GDP của Việt NamBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionXây dựng và phát triển hạ tầng chiếm tỉ trọng đáng kể trong GDP của Việt Nam
Mới đây, trong cuộc họp Giao ban báo chí ngày 27/8/2019, Tổng cục Thống kê cho biết quy mô GDP đánh giá lại bình quân giai đoạn 2010-2017 tăng thêm 25,4%/năm so với số liệu đã từng công bố chính thức.
Nghĩa là GDP năm 2017 tăng từ 220 tỷ USD lên 275 tỷ USD. Như vậy, ước tính đến nửa đầu năm 2019, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã vượt con số 300 tỷ USD và GDP bình quân đầu người nhờ đó tăng lên ngưỡng 3.000 USD, thay vì 2.590 USD, năng suất lao động cũng tăng cao tương ứng với tỷ lệ tăng GDP khi số lao động không đổi.
Cơ sở pháp lý của việc đánh giá lại GDP là Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ngày 16/8/2019 ông Tổng cục trưởng đã cho biết rằng với phương pháp tính hiện tại phù hợp với thông lệ quốc tế việc đánh giá lại quy mô GDP lần này được bổ sung thông tin từ Tổng Điều tra, chủ yếu là từ cơ quan thuế, trong đó bao quát thêm khoảng 76000 doanh nghiệp trước đây chưa được tính.
Theo tôi, không nên tuyên truyền đơn giản đó là 'một việc làm bình thường', mà cần coi là lần đầu tiên 'đánh giá lại' nên cần thận trọng tính đến tác động không nhỏ và nhiều mặt khi tính toán và chính thức công bố số liệu GDP 'mới'.
Trước hết, số liệu này 'kích hoạt' bệnh thành tích của nhiều lãnh đạo trung ương và địa phương, vốn đã và đang là 'dấu ấn' trong các báo cáo tình hình kinh tế xã hội hàng năm, nhiệm kỳ. Theo đó, GDP báo cáo của các tỉnh, thành phố luôn cao hơn bình quân cả nước trong nhiều năm, đến hiện nay chưa được khắc phục.
Về mặt chuyên môn, giới chuyên gia đã lên tiếng lo ngại 'dư địa lớn hơn' của Chính phủ lớn trong điều hành chính sách, nếu bị lạm dụng có thể dẫn tới mất cân đối cho nền kinh tế.
Đó là việc vay nợ có thể tăng lên trong điều kiện nợ công, nợ doanh nghiệp đang ở mức cao, khó trả và thu ngân sách hiện nay phần lớn để trả nợ, xoá nợ xấu.
Chẳng hạn, nợ công hiện ở ngưỡng 58,4% GDP sẽ điều chỉnh về dưới 50%. Nếu khống chế tỷ lệ nợ bằng 60% GDP, thì dư địa sẽ là rất lớn.
Việc chi tiêu thường xuyên từ ngân sách, cho hệ thống chính trị cồng kềnh, trong đó bộ máy hành chính, đang rất khó tinh giản. Ngoài ra, đầu tư công có thể được 'khuyến khích mở rộng' trong điều kiện hiệu quả còn thấp và tham nhũng chưa thể ngăn chặn. Tỷ lệ đóng góp với các tổ chức quốc tế của Việt Nam sẽ tăng lên trong khi nguồn thu không đổi…
VNBản quyền hình ảnhGODONG
Image captionMột thương xá ở TPHCM - các con số hào nhoáng có thể do bệnh thành tích tạo ra
Sẽ chưa đầy đủ, nếu chưa tính đến 'phản ứng' của các cơ quan chức năng khi chia sẻ số liệu và tâm lý, thói quen, việc điều chỉnh sử dụng chúng trong nghiên cứu của giới chuyên môn và các địa phương.
Rõ ràng việc sử dụng các số liệu này để hoạch định chính sách trung và dài hạn trong tương lai sẽ gặp khó khăn khi GDP được đánh giá lại tăng lên hơn 25%!
Có thể liệt kê nhiều tác động 'lợi bất cập hại' khác.

Niềm tin thay vì bệnh thành tích

Cán bộ lãnh đạo của bộ máy hiện hành được 'khích lệ' bởi bệnh thành tích vì sự thăng tiến và đặc quyền, đặc lợi. Tuy nhiên, nếu đặt lợi ích vì sự thịnh vượng của đất nước và nhân dân thì cải tổ nói chung và trong 'trường hợp này' nói riêng cần hướng tới lấy lại niềm tin thay vì bệnh thành tích.
Bởi vậy, các khuyến nghị chủ yếu cho tình hình, như phân tích ở trên, có thể là:
  1. Thứ nhất, cần đề cao vai trò độc lập của cơ quan Thống kê, không chỉ bởi vì năng lực tính toán số liệu được nâng lên tạo cơ sở niềm tin cho các hoạt động điều hành hay nghiên cứu khác, mà còn đảm bảo 'không chịu sức ép' nào từ cấp trên về việc 'bóp méo' số liệu hợp với màu sắc quyền lực chính trị. Trong điều kiện Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện, và lập pháp, tư pháp và hành pháp chỉ là các cấu thành phụ thuộc, chỉ là phân công, phân nhiệm, cũng cần có sự lựa chọn quá độ phù hợp. Chẳng hạn, cơ quan thống kê nên để trực thuộc Quốc hội, thay vì Chính phủ như hiện nay.
  2. Thứ hai, Quốc hội cần được tăng cường năng lực làm luật và vai trò giám sát độc lập đối với Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách bằng các nghị quyết về điều chỉnh các chỉ tiêu pháp lệnh hiện hành liên quan, như tỷ lệ so với GDP, để đảm bảo các cân đối vĩ mô cho nền kinh tế. Ngoài ra, cần mở rộng sự tham gia các ý của chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu độc lập, các doanh nghiệp và các tổ chức Mặt trận hay tổ chức nước ngoài có uy tín như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế Giới.
Từ khi GDP trở thành chỉ tiêu đo lường quan trọng, nó luôn được hoàn thiện bởi các nhà kinh tế vì mục tiêu ứng dụng thực tế. Họ không mệt mỏi tìm kiếm các mô hình để giải thích nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế.
Từ Mô hình D. Ricardo (1772-1823) với luận điểm cơ bản là đất đai sản xuất nông nghiệp là nguồn gốc của tăng trưởng, đến Mô hình R. Solow, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 1987, xác định rằng việc tăng vốn sản xuất chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn mà không ảnh hưởng trong dài hạn, tăng trưởng sẽ đạt trạng thái dừng và một nền kinh tế có mức tiết kiệm cao hơn sẽ có mức sản lượng cao hơn.
Và, gần đây, Paul M. Romer, được thưởng giải Nobel kinh tế năm 2018, đề xuất và chứng minh ý tưởng cho rằng chính bản thân tăng trưởng sinh ra tiến bộ kĩ thuật (chứ không phải ngược lại), có nghĩa rằng nguồn gốc của tăng trưởng là 'nội sinh' và tăng trưởng phụ thuộc vào vận tốc đã đạt được.
Các hiệp định thương mai song phương và đa phương giúp kinh tế Việt Nam cải thiện đà tăng trưởngBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionCác hiệp định thương mai song phương và đa phương giúp kinh tế Việt Nam cải thiện đà tăng trưởng
Cần lưu ý rằng các nhà kinh tế nổi tiếng này và các nghiên cứu của họ thuộc về thế giới các nước tư bản phát triển và nền kinh tế thị trường.
Các mô hình tăng trưởng, 'sâu hay nông' đều được giới thiệu trong các cơ sở nghiên cứu và đào tạo chủ yếu ở Việt Nam. Đáng tiếc, việc vận dụng chúng trong nền kinh tế chuyển đổi sang thị trường còn để lại nhiều khoảng trống để đề xuất các kiến nghị cho việc hoạch định chính sách.
Đối với Việt Nam, mức tăng trưởng GDP còn được coi là hình thức thể hiện tính chính danh của Đảng Cộng sản - chính đảng duy nhất lãnh đạo xã hội. Nó là tiêu chí để người dân đánh giá hiệu quả điều hành đất nước của chính quyền.
Động lực của tăng trưởng kinh tế phải dựa trên bốn nhân tố là nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên, tư bản và công nghệ. Thể chế có vai trò quan trọng để kết hợp các nhân tố này, sự khác biệt thể chế ở mỗi quốc gia đưa đến kết quả khác nhau.
Năng lực lãnh đạo yếu kém làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường vì tăng trưởng, lãng phí nguồn nhân lực vì thiếu môi trường tự do và sáng tạo như thị trường lao động, cào bằng trong phân phối làm triệt tiêu động lực, mức độ 'hấp thụ' thấp về tư bản và công nghệ do tắc nghẽn cơ sở hạ tầng, pháp lý và thiếu các nguyên tắc cho thị trường vận hành.
Đó cũng chính là các nhược điểm của GDP mà lý thuyết tăng trưởng kinh tế đã chỉ ra.
Việc đánh giá lại GDP ở Việt Nam đang và sẽ là đề tài nóng.
Trong nền kinh tế chuyển đổi, 'tranh tối, tranh sáng' thì việc áp dụng GDP vào thực tế tiếp tục tạo ra các ý kiến khác biệt. Một trong những thách thức lớn nhất là tính công khai, minh bạch của việc lựa chọn và thực thi chính sách cải cách.
Cảnh báo về việc chính trị hoá GDP cần được giới lãnh đạo và giới nghiên cứu quan tâm.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét