Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

20190916. QUANH CHUYỆN LẠM THU ĐẦU NĂM HỌC

ĐIỂM BÁO MẠNG

CÒN NHỮNG PHỤ HUYNH NHIỆT TÌNH NHƯ THẾ, LẠM THU VẪN CÒN ĐẤT SỐNG

ĐỖ QUYÊN /GDVN 15-9-2019

Chị H. phụ huynh có con vào học lớp 6 tại một trường trung học cơ sở ở tỉnh Bình Thuận bức xúc kể cho chúng tôi nghe câu chuyện phải nộp tiền ủng hộ hội phí một cách thụ động mà không thể nói được gì.
Kiểu đóng góp mang tên tự nguyện thế này cũng khổ cho không ít phụ huynh (Ảnh minh họa. I.T)
Trong câu chuyện chị kể, người đáng trách nhất là vị phụ huynh có con học chung với con gái chị.
Chị H. nói rằng: “Còn những phụ huynh như thế thì chúng tôi còn phải đóng nhiều khoản tiền dài dài”.
Nói rồi chị kể, trong buổi họp phụ huynh đầu năm học 2019-2020 của cô bé con chị, cô chủ nhiệm còn khá trẻ chắc là mới ra trường.
Vào cuộc họp, cô rụt rè thông báo tổng số tiền dự chi trong năm học của lớp khoảng 11 triệu đồng.
Số tiền ấy bao gồm tiền phần thưởng cho học sinh cuối năm, tiền quà lễ Trung thu, mua một số đồ dùng phục vụ cho việc học, phô tô đề kiểm tra, chi phí cho các hoạt động phong trào của lớp…
Cô giáo vừa dứt lời, một vị phụ huynh đứng lên có ý kiến.
Chị ấy nói rằng mình có kinh nghiệm làm hội phụ huynh hàng chục năm cho các con, nay lại có cháu học lớp này nên xin ứng cử vào hội phụ huynh của lớp.
Chưa kịp nghe sự đồng ý của đại đa số phụ huynh, chị nói tiếp:
“Lớp học cần rất nhiều khoản phải chi, tôi thấy những khoản cô giáo nói ra khá hợp lý.
Vì thế, muốn giúp các con học tốt chúng ta cần chung tay với nhà trường”.
Rồi chị tính luôn: “Tổng cộng tiền dự chi là 11 triệu, lớp có 45 em, thôi thống nhất mỗi em nộp 300 ngàn đồng là được 13 triệu 500 ngàn đồng, dư ra chút đỉnh để cho thoải mái”.
Vài ba phụ huynh lên tiếng đồng ý, rồi ít phút sau cả lớp cũng đồng ý luôn vì chẳng lẽ ai lại đứng lên phản đối?
Chị H. nói mình nhìn quanh có vài phụ huynh buồn bã, có người lầm bầm: “Nhà 3 con đi học mà nộp thế này, biết lấy đâu ra?”
Thế là, cũng chị phụ huynh ấy nhanh tay lấy bút, viết đến từng bàn ghi tên phụ huynh nộp tiền. Và chỉ một loáng, số tiền phụ huynh đóng góp đã vượt chỉ tiêu.
Cô giáo nhận tiền từ tay vị phụ huynh bàn giao lại nở một nụ cười sung sướng vì cô chẳng mất công thuyết phục, cũng chẳng phải thu lai rai hằng ngày mà số tiền thu vẫn ngoài dự kiến.
Người phụ huynh như chị H. kể có mặt ở các lớp không ít. Họ vì nhiệt tình, đôi khi vì cả sự muốn lấy lòng thầy cô nhưng cũng có thể vì gia đình họ khá giả, số tiền 300 ngàn đồng chẳng là gì.
Thế nên họ cứ vô tư kêu gọi các phụ huynh khác đóng góp mà vô tình đẩy không ít phụ huynh có gia cảnh nghèo khổ, khó khăn vào thế khó.
Không nộp đúng số tiền cho lớp lại ngại, lại sợ con bị để ý, bị trù úm.
Mà cố nộp cho con lại đẩy một số gia đình vào cảnh phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi.
Trong khi trước đó, gia đình họ đang phải bỏ ra số tiền không nhỏ để lo tiền sách vở, quần áo, học phí...cho các con nhập trường.
Vậy nên, đừng nhìn vào hầu bao nhà mình mà hãy đặt mình vào vai những gia đình đông con, thu nhập thấp.
Lúc đó, bạn mới thấy được có nên kêu gọi đóng góp khoản tiền tự nguyện theo hình thức cào bằng những khoản thu một cách hào phóng như thế nữa hay không?
Đỗ Quyên
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:


BUỔI HỌP PHỤ HUYNH TRONG MƠ

MAI HOA/ GDVN 15-9-2019

Câu chuyện về buổi họp phụ huynh tôi kể dưới đây là câu chuyện có thật diễn ra ở một trường tiểu học phía Nam.
Thế nhưng vì một số lý do, cô giáo trong bài không muốn được nêu tên mình và tên trường.
Tôi gọi là buổi họp phụ huynh trong mơ vì tôi chưa bao giờ được dự một buổi họp phụ huynh nào lại diễn ra đầy tình thân ái đến như vậy.
Một buổi họp phụ huynh (Báo Đồng Nai)
Trước đó, nhận giấy mời đi họp phụ huynh cho cháu gái đầu năm học. Tôi cũng nghĩ thầm như bao người vẫn thường nói “cuộc họp đầu tiên” nghĩa là “tiền đâu?” chứ quan trọng gì.
Bước chân vào lớp, gặp ngay cô chủ nhiệm của cháu, cô cúi chào phụ huynh bằng nụ cười khá thân thiện.
Vào cuộc họp, thay vì đọc các khoản thu chi của năm trước, công bố số tiền đóng góp của năm học này và kêu gọi phụ huynh ủng hộ tiền trên tinh thần tự nguyện (bắt buộc) cho quỹ hội.
Thì cô giáo của cháu tôi lại trao đổi về tình hình học của các con những ngày đầu năm (dĩ nhiên là không nêu tên hay chỉ trích một em nào).
Cách hướng dẫn cho con chuẩn bị bài ở nhà. Cô nhắc nhở các mẹ hãy để con tự soạn sách vở, không làm hộ, làm thay.
Một số phụ huynh nóng lòng đưa ý kiến muốn gửi cô cho con học thêm vào buổi tối.
Cô nhẹ nhàng giảng giải: “Các con học một ngày trên trường cũng khá áp lực, mệt mỏi.
Lứa tuổi tiểu học, học như thế là đủ, các con cần được nghỉ ngơi. Em nào yếu quá, tối về cha mẹ nên dành cho con một tiếng để học bài là đủ”.
Xong phần trao đổi, cô mới chuyển qua phần đóng góp đầu năm.
Cô chỉ rõ những khoản học sinh buộc phải đóng chủ yếu là tiền bảo hiểm lên tới hơn bảy trăm ngàn đồng.
Khoản tiền hội phí là tiền phụ huynh tự nguyện góp nhiều ít tùy tâm, tùy hoàn cảnh gia đình mỗi nhà.
Cô vừa dứt lời, phía góc lớp một người đàn ông ăn mặc khá sang trọng đứng lên nói rằng :
“Lớp mình bao năm nào cũng đều ủng hộ quỹ hội mức thấp nhất là 200 ngàn đồng. Năm nay mình cũng nên thực hiện như thế.
Đây chỉ là mức sàn, không được đóng ít hơn. Còn phụ huynh nào muốn đóng cao hơn bao nhiêu cũng được”.
Cứ ngỡ cô giáo phải vui lắm, nhưng cô lại nói: “Xin cảm ơn sự nhiệt tình ủng hộ của phụ huynh.
Nhưng quy định mức đóng thấp nhất và đổ đồng là sai với tinh thần chỉ đạo của Thông tư 55”.
Một phụ huynh khác lên tiếng: “Cô giáo cứ để phụ huynh chúng tôi tự bàn bạc. Đây là việc của chúng tôi”.
Khá bất ngờ, giọng cô nhỏ nhẹ: “Tôi rất cám ơn quý phụ huynh đã rất quan tâm đến hoạt động của lớp.
Nhưng tôi biết trong lớp mình vẫn có học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình khó khăn vì đông con đi học. Nếu đổ đồng như thế rất tội cho họ”.
Cả lớp ngồi lặng đi giây lát. Cô bắt đầu đi phát 40 cái phong bì trắng cho từng phụ huynh:
“Ai ủng hộ bao nhiêu vào quỹ hội thì bỏ vào phong bì, có thể không đề tên”.
Tôi biết cô làm thế vì không muốn một số phụ huynh khó khăn phải khó xử.
Vì thường khi thu tiền ủng hộ, một vị phụ huynh trong Ban đại diện sẽ cầm tờ giấy đến từng người để thu và ghi vào danh sách.
Một số phụ huynh nghèo khó cũng phải ráng theo vì sợ bị chê cười, bị coi thường.
Và như thế, họ cũng không thật sự thoải mái.
Sau buổi họp, cô giáo cùng một số phụ huynh trong Ban đại diện ngồi dở từng chiếc phong bì ra và ghi số tiền ủng hộ được để công bố vào buổi họp lần sau.
Có phong bì ủng hộ cao nhất là 500 ngàn đồng, có phong bì 200 ngàn nhưng cũng không ít phong bì chỉ 100 ngàn đồng.
Đặc biệt có một số phong bì chỉ có dăm chục ngàn bạc lẻ, một phong bì khác lại ghi mảnh giấy nhỏ: “Tôi ủng hộ 100 ngàn nhưng sẽ đưa sau”.
Cô cứ cầm mãi chiếc phong bì ấy trên tay, khuôn mặt cô trầm, buồn hẳn. Cô nói:
“Nếu lúc trước, mình không làm thế này, có phải đã đưa những phụ huynh này vào thế khó hay không?”
Nhìn cách cô nói, nhìn việc cô làm, tôi cứ thấy may mắn cháu mình năm nay được học với một giáo viên nhiệt tình và giàu lòng nhân ái đến vậy.
Tôi cứ ước ao, giá ngành giáo dục có nhiều thầy cô giáo như thế thì những chuyện buồn về cách ứng xử của thầy cô với phụ huynh, của phụ huynh với giáo viên sẽ không bao giờ xảy ra nữa.
Tình cờ cô biết được tôi muốn đưa câu chuyện xúc động này lên báo.
Cô giáo đã chủ động nói rằng mình không muốn bị để ý, càng không muốn nhà trường không vừa lòng với cách thu tiền hội phí như vậy.
Bởi, sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho phụ huynh, muốn đóng bao nhiêu cũng được hay thích đóng là đóng, không thích thì thôi. Làm thế, sẽ gây khó cho nhà trường sau này.
Nể tình cô, tôi buộc phải giấu tên cô và tên trường. Nhưng câu chuyện đẹp về buổi họp phụ huynh thì tôi không muốn giấu.
Tôi muốn những câu chuyện đẹp như thế trong ngành cần được lan tỏa rộng rãi.
Mai Hoa
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:


BAN ĐẠI DIỆN CHA MẸ HỌC SINH PHẢI LÀ NGƯỜI NHIỆT TÌNH, TRÁCH NHIỆM

SÔNG TRÀ/ GDVN 15-9-2019

Trong buổi họp phụ huynh đầu năm học mới không thể thiếu nội dung bầu chọn 1 Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, gồm có 3 phụ huynh: trưởng ban, phó ban và ủy viên theo quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT,ban hành ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.  
Do trong thông tư nói trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không đề cập cụ thể đến đối tượng Ban đại diện, Trưởng, Phó trưởng ban đại diện của lớp, của trường phải là cha mẹ đẻ (hoặc cha mẹ nuôi) của con em nên các bậc phụ huynh và nhà trường có quyền bầu chọn và đồng ý với những người là giám hộ, ông bà nội, ngoại… làm nhiệm vụ, vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Thực tế, lâu nay, nhiều trường mầm non, trường phổ thông, có tình trạng không phải là cha mẹ ruột tham gia vào ban đại diện của lớp, trường (như cụm từ trong Thông tư số 55: cha mẹ học sinh) khá nhiều.
Bởi tại buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm học, việc bầu chọn Ban đại diện của các cha mẹ học sinh đi họp thường diễn ra chóng vánh và hình thức.
Có giáo viên chủ nhiệm phải vất vả vận động, thuyết phục, thậm chí là năn nỉ rất lâu mới có đủ người trong ban đại diện của lớp.
Vì nhiều lý do khác nhau, cha mẹ ruột vắng họp nên người thân, cô, dì, ông, bà đi thay.
Chọn Ban đại diện cha mẹ học sinh phải chọn người nhiệt tình và trách nhiệm. (Ảnh minh họa: //thaimoa.longbien.edu.vn)
Kêu gọi tinh thần xung phong thì chẳng có ai, chỉ người này thấy được song họ lại từ chối đủ kiểu, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm buộc phải “bắt”, “bốc” tạm những ông, bà, cô, dì để tham gia vào ban đại diện, có khi là danh nghĩa, có khi trở thành chính danh.
Một khi Ban đại diện cha mẹ học sinh ít hoặc không phải cha mẹ ruột của học sinh, công tác hỗ trợ, phối hợp giữa ban đại diện và nhà trường gặp những lúng túng, khó khăn nhất định.
Mức độ trách nhiệm, quan tâm của ban đại diện đến nhà trường, thầy cô giáo và giáo dục học sinh thường mờ nhạt, hạn chế.
Trong điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: “Các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp là những người nhiệt tình, có trách nhiệm trong việc phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn, nhà trường và đại diện cho cha mẹ học sinh trong lớp thực hiện các hoạt động giáo dục học sinh.”Bên cạnh nhiều Ban đại diện cha mẹ học sinh thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình đối với các hoạt động giáo dục học sinh của trường, lớp thì vẫn còn không ít Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động yếu kém, cầm chừng, nhà trường bảo sao nghe vậy, bị hiệu trưởng lợi dụng, không đấu tranh, bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của phụ huynh học sinh, để nảy ra tình trạng lạm thu gây bức xúc trong phụ huynh và dư luận xã hội.
Mang danh là người trong Ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng cả năm học chẳng tham gia buổi họp nào.  
Tôi thiết nghĩ, các phụ huynh và nhà trường, thầy cô giáo chủ nhiệm cần định hướng, chọn lựa kỹ hơn, tốt hơn những cha mẹ học sinh tham gia vào Ban đại diện cha mẹ học sinh tại buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm học.
Hạn chế tối đa những người không thuộc cha mẹ ruột của các em.
Chọn lựa những phụ huynh làm việc nhiệt tình, trách nhiệm, có hiểu biết luật pháp, về lĩnh vực giáo dục, có uy tín và khả năng phối hợp làm tốt mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh học sinh.
SÔNG TRÀ
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét