Thứ Hai, 9 tháng 9, 2019

20190909. PHẢI KIỆN TRUNG QUỐC RA TOÀ QUỐC TẾ

ĐIỂM BÁO MẠNG
KIỆN TRUNG QUỐC RA TOÀ QUỐC TẾ: VÌ SAO VIỆT NAM DO DỰ ?

NGỌC LÊ/ VOA 4-9-2019

Tàu cảnh sát biển Việt Nam đối đầu tàu hải giám Trung Quốc trên Biển Đông trong cuộc khủng hoảng giàn khoan hồi năm 2014

Tàu cảnh sát biển Việt Nam đối đầu tàu hải giám Trung Quốc trên Biển Đông trong cuộc khủng hoảng giàn khoan hồi năm 2014

Tòa án quốc tế thiếu cơ chế thực thi phán quyết và phản ứng trả đũa mạnh mẽ của Trung Quốc là những lý do Việt Nam nên cân nhắc kỹ nếu muốn đưa hành động Trung Quốc xâm lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ra tòa quốc tế, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Australia, nhận định với VOA.
Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Bãi Tư Chính trên Biển Đông đã kéo dài gần hai tháng mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong lúc ngày càng có nhiều lời kêu gọi Hà Nội nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế do xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội chiến thắng Trung Quốc ở tòa án nếu chiếu theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) cũng giống như Philippines đã làm hồi năm 2016 với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).
'Không thực thi được'
Trao đổi với VOA, Giáo sư Carlyle Thayer nhận định rằng nếu như Việt Nam cũng làm như Philippines là đưa vụ việc ra tòa trọng tài trong khuôn khổ Phụ lục 7 của UNCLOS thì Việt Nam ‘sẽ có chiến thắng vang dội’.
“Mỹ, Australia, Nhật toàn bộ sẽ ủng hộ phán quyết (cho Việt Nam thắng) nhưng Trung Quốc sẽ từ chối tuân thủ,” ông nói.
Theo ông phân tích, Việt Nam sẽ chiến thắng nếu làm như Philippines là yêu cầu tòa phân định đâu là quyền của Việt Nam trên Biển Đông, họ có được quyền khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của mình không, và trưng ra bằng chứng là Trung Quốc đã xâm phạm vào quyền này.
Ông nói những bằng chứng này cho thấy Trung Quốc đang ‘đứng trên luật pháp quốc tế’ và rõ ràng là Bắc Kinh tự diễn giải luật quốc tế theo ý mình
Tuy nhiên, cũng từ kinh nghiệm của Philippines, ông Thayer nêu ra hạn chế của phán quyết của PCA là ‘không có cơ chế thực thi’.
“Nếu anh nhìn trên khắp khu vực, không có ai đề cập đến phán quyết này (kể cả Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte). Trong ASEAN, họ gọi đó là quá trình ngoại giao và pháp lý,” ông cho biết.
“Ngay cả tuyên bố chung của Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc mới đây cũng nói rằng cần tôn trọng tiến trình pháp lý nhưng lại không đề cập trực tiếp đến tòa trọng tài sau ba năm họ đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines,” ông nói thêm.
Mặc dù một chiến thắng pháp lý như vậy sẽ ‘làm tổn thương uy tín của Trung Quốc’ và khiến cho Mỹ và các nước khác như Anh, Pháp, Nhật, Australia mạnh dạn hơn trong việc bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp, nhưng vào thời điểm này ‘không có dấu hiệu gì cho thấy ít nhất những quốc gia này sẽ hỗ trợ bằng cách gây áp lực đủ đối với Trung Quốc để họ chấp nhận phán quyết’, theo ông Thayer.
Ông chỉ ra là bản thân của Mỹ còn chưa ký vào UNCLOS nên họ không có tư cách pháp lý để được tham dự phiên xử ở The Hague, Hà Lan.
“Do đó cần phải có câu trả lời đạo lý và câu trả lời thực tiễn,” ông Thayer nói.
Trả lời câu hỏi Bắc Kinh sẽ trừng phạt Hà Nội như thế nào nếu Hà Nội kiện họ ra tòa, vị giáo sư này nói rằng ‘chắc chắn sẽ có hậu quả’.
“Việt Nam có thể giành chiến thắng về đạo lý nhưng Trung Quốc sẽ trừng phạt Việt Nam trong suốt khoảng thời gian diễn ra quy trình xét xử của tòa trọng tài,” ông nói.
“Liệu việc chiến thắng ở tòa có đáng để chịu cái giá mà Việt Nam phải trả hay không bởi gì sẽ không có gì thay đổi trên thực địa cả (do không có cơ chế thực thi)?” ông đặt vấn đề. “Cho nên (các lãnh đạo Việt Nam) cần phải tính toán lợi ích quốc gia: chúng ta sẽ được gì nếu có hành động pháp lý, chiến thắng đạo lý hay chiến thắng chính trị nhưng với cái giá như thế nào?”
Vào thời điểm này, ông Thayer cho biết cách xử lý của giới lãnh đạo Việt Nam là ‘kháng cự âm thầm’ trong khi ‘kiểm soát truyền thông’ và Việt Nam đã ‘tận dụng tất cả các kênh từ đảng, lãnh đạo và quân đội’ để nói chuyện với phía tương nhiệm Trung Quốc để khiến Trung Quốc phải rút đi.
Việt Nam có thể làm gì?
Trả lời câu hỏi của VOA rằng Việt Nam đang có trong tay những lựa chọn nào để đối phó với Trung Quốc ở Bãi Tư Chính, ông Thayer cho rằng trước hết Việt Nam ‘phải tiếp tục phản đối Trung Quốc’ bởi vì nếu Việt Nam có đưa vụ việc ra tòa thì điều đầu tiên họ phải chứng minh với ban trọng tài là họ đã tìm mọi cách nói chuyện với Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc rút đi trên thực địa nhưng tất cả đều không có tác dụng.
Hà Nội cũng phải tranh thủ các ủy ban đối ngoại của Quốc hội Mỹ vốn đang xem xét các dự luật trừng phạt các thực thể Trung Quốc vì hành động của nước này trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, ông nói thêm.
“Hiện dự luật này đang gặp khó khăn được thông qua trong phạm vị hẹp của ủy ban đối ngoại cho nên các nhà ngoại giao (của các nước bị ảnh hưởng trên Biển Đông) cần phải trình bày trước ủy ban về những gì đang xảy ra ở vùng biển của Malaysia, Philippines và Việt Nam,” ông giải thích.
“Và các phái đoàn của Việt Nam ở cấp đủ cao đến Mỹ cần phải gặp các thành viên của ủy ban đó để thông báo cho họ tình hình,” ông nói thêm và cho rằng chuyến thăm dự kiến vào tháng 10 của Tổng bí thư-Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sẽ ‘là cơ hội tốt’.
Ngoài ra, Việt Nam cũng phải tăng cường các cuộc diễn tập quân sự ‘với mục đích huấn luyện’ ở những vùng biển mà Trung Quốc có khả năng sẽ tăng cường hoạt động và tăng cường sự hiện diện, ông Thayer khuyến nghị.
Cuối cùng, Hà Nội nên tìm cách tận dụng truyền thông quốc tế để đưa tin về vụ việc Bãi Tư Chính như nước này đã từng làm trong cuộc khủng hoảng giàn khoan hồi năm 2014, ông nói thêm.
“Việt Nam có thể đưa các phóng viên quốc tế lên tàu cảnh sát biển, lên máy bay để họ ghi hình lại những gì Trung Quốc đang làm theo thời gian thực cho thế giới thấy,” ông nói. “Và những hoạt động này nên được duy trì liên tục để gây sức ép lên Trung Quốc.”
Ông cũng đề xuất là Việt Nam nên phối hợp với Malaysia vốn mới đây cũng bị Trung Quốc quấy rối tàu thăm dò trong vùng biển của họ.
“Malaysia luôn xử lý mọi việc (với Trung Quốc) rất, rất âm thầm… Chúng ta sẽ chờ xem liệu việc hãng Petronas bị Trung Quốc thách thức ngoài khơi bờ biển Surawak có dẫn đến mặt trận chung giữa Malaysia và Việt Nam mà nếu có sẽ trở thành một nhóm vận động hùng mạnh hơn để lôi kéo cộng đồng quốc tế lên án Trung Quốc,” ông nói và nhắc đến chuyến công du Hà Nội mới đây của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.
Theo lời ông Thayer thì nếu Hà Nội quốc tế hóa vấn đề sẽ ‘đi ngược lại điều Trung Quốc muốn’.
“Trung Quốc muốn đẩy tất cả các nước bên ngoài ra để họ có thể tự mình đối phó với các nước đông nam Á,’ ông giải thích và cho rằng nếu Việt Nam có thể tập trận với các nước Mỹ, Nhật, Pháp, Úc hết lần này đến lần khác thì Trung Quốc ‘sẽ thấy rằng con đường mà họ đang đi có tác dụng ngược’.
“Mỹ hay Úc không có lợi ích gì để làm tất cả mọi thứ giúp Việt Nam. Việt Nam trước hết phải đề ra là họ sẽ cho phép sự hiện diện quân sự nước ngoài tạm thời như thế nào để diễn tập quân sự và để đánh đi tín hiệu rằng Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền,” ông nói.
Ông Thayer cũng cho rằng chuyến thăm sắp tới của ông Trọng đến Mỹ là cơ hội đến hai nước ‘mở rộng mối quan hệ đối tác toàn diện’ để hướng đến nâng cấp lên thành ‘đối tác chiến lược’.
Ông nói Hoa Kỳ muốn Việt Nam cho phép hàng không mẫu hạm hạt nhân của Mỹ cập cảng Việt Nam hàng năm và vấn đề này ‘đang được thảo luận’.
“Việt Nam rất cẩn trọng thăm dò xem Trung Quốc có thể phản ứng như thế nào,” ông nói.
Bên cạnh đó, theo Carl Thayer, uy tín của Việt Nam đối với Mỹ cũng tăng lên với việc Hà Nội phản đối phổ biến vũ khí hạt nhân, thực thi các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên, tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai ở Hà Nội vào tháng 2 năm nay – tất cả những điều này đều quan trọng đối với Mỹ. Một yếu tố khác cũng cần lưu ý là Việt Nam hiện là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an và sắp đảm nhận ghế chủ tịch ASEAN vào năm sau. Tuy vậy, chuyên gia này cho rằng, Việt Nam ‘vẫn còn dè dặt trong việc nâng cấp hợp tác quân sự với Mỹ’.

TRAO ĐỔI NHANH VỀ CHUYỆN BIỂN ĐÔNG

VŨ NGỌC HOÀNG/ viet-studies/ BVN 8-9-2019

1.
Âm mưu của Trung Quốc về việc cưỡng chiếm Biển Đông của VN đã có từ lâu. Âm mưu đó có nguồn gốc từ bản chất Đại Hán của đế chế Phương Bắc này. Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, đến nay cảm thấy đủ điều kiện nên họ đang quyết tâm thực hiện một bước nhảy vọt đáng kể để thực hiện âm mưu này. Việc tàu Trung Quốc vào ra vùng biển chủ quyền của VN vài tháng nay không phải là một cuộc “dạo chơi” mà là một bước leo thang ngoạn mục. Thế mà phía VN ta cũng có ý kiến cho rằng “nó vào rồi nó ra chứ đã làm được gì đâu”. Nghĩ vậy thật đơn giản và thơ ngây quá! Nó vào rồi nó ra, nó ra rồi nó lại vào. Nó muốn vào thì vào, muốn ra thì ra, vào nhà người ta mà cứ nhà của nó. Một đất nước có chủ quyền mà sao có thể chịu vậy. Kiểu này thì có ngày nó bảo “hai nhà là một”, nhập chung thôi, rồi lấy tiếng Trung làm tiếng phổ thông vì đại đa số dân chúng đang nói thứ tiếng này. Thế là nó hoàn thành âm mưu thôn tính và đồng hóa, đạt mục đích mà hơn 4000 năm nay họ chưa làm được. Thật nhẹ nhàng, ít tốn công tốn sức. Biển của VN mà họ bảo của họ, yêu cầu cùng khai thác. Theo luận điệu đó thì VN mất biển. Mà mất Biển Đông là mất nước. Phần còn lại nhỏ hẹp, không gian sinh tồn của dân tộc mất đi hơn một nửa, lục địa bị bao vây tứ bề, phần tài nguyên khoáng sản lớn và quý giá nhất bị cướp hết, không còn cửa để ra đại dương – cái mà rất nhiều quốc gia đều cần đến để thành cường quốc, hàng không cũng mất tự do, con cháu muôn đời sẽ bị o ép và lệ thuộc họ đủ điều, mất lần này là mất hẳn, mãi mãi không bao giờ đòi lại được, niềm tự hào về lịch sử bất khuất của một dân tộc văn hiến cũng sẽ mờ nhạt và bị tan biến, đất nước anh hùng chỉ còn lại một cái xác như một mãnh nhỏ vô hồn, một dân tộc sẽ mãi tụt hậu, tủi nhục và đau đớn. Vào lúc này công việc lớn lao nhất, quan trọng nhất, hơn bất cứ thứ gì, là bảo vệ Đất nước, trước mắt là Biển Đông.
Tổ quốc trên hết! Có thể đình hoãn nhiều việc khác, kể cả việc quan trọng, để tập trung suy tính kỹ cả chiến lược, sách lược và giải pháp cụ thể (đừng chủ quan nói đã tính kỹ hết rồi). Đây mới chính là “đại cục” chứ còn cái đại cục gì nữa? Đây là nội dung quan trọng nhất và là cốt lõi, chính yếu của Đại hội lần nầy, chứ không thể nội dung nào hơn được. Đây là phương hướng và quan điểm để chọn nhân sự chứ không có bất cứ tiêu chí gì quan trọng hơn vào lúc vận mệnh đất nước như thế này. Theo đó, tiêu chí đầu tiên để chọn cán bộ lãnh đạo các cấp các ngành là thái độ rõ ràng, mạnh mẽ và tư duy mạch lạc trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia ở Biển Đông. Vừa qua, Chính phủ, Bộ Ngoại giao VN và các lực lượng cảnh sát biển, hải quân…đã có nhiều cố gắng, và lần này thái độ ta có mạnh mẽ hơn các lần trước. Chúng tôi xúc động khi được biết tình hình các sĩ quan và chiến sĩ của quân đội ta lúc xung trận húc nhau với các tàu xâm lăng của Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính đã thể hiện một tinh thần rất dũng cảm xứng đáng là con em của một dân tộc anh hùng. Tuy nhiên, nhìn chung thái độ tổng thể bộ máy lãnh đạo quản lý đất nước thì thấy sự thể hiện rất chưa đủ, chưa tương xứng với tính chất nghiêm trọng của tình hình. Và tất nhiên, muốn bảo vệ được Biển Đông thì không chỉ có tinh thần, bản lĩnh, trách nhiệm với Tổ quốc (mặc dù phải bắt đầu từ các yếu tố ấy), mà quan trọng hơn nữa là phải đổi mới cách tiếp cận vấn đề, đổi mới tư duy, quan điểm, kể cả chủ trương và hành động. Bảo vệ Biển Đông và đổi mới là hai yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay, cần được thực hiện đồng thời.
2.
Có ý kiến bảo phải kiện Trung Quốc ngay, công khai chủ trương và thúc đẩy nhanh công việc, ý kiến khác lại không đồng ý vì nhiều lẽ khác nhau. Ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận là việc bình thường. Nhưng cần phải có phương pháp tiếp cận tốt và khả năng quyết đoán sắc sảo, kịp thời, nhất là khi có tình thế nghiêm trọng đối với vận mệnh đất nước (xin nhắc lại để nhớ lần này không phải họ “dạo chơi”, mà là quyết tâm tạo ra một bước nhảy vọt đáng kể để thực hiện âm mưu lớn lâu dài). Trong đọan ý kiến này, tôi xin có đôi lời góp phần trao đổi để tham khảo về việc kiện Trung Quốc. Kiện là giải pháp hòa bình. Kiện chẳng những không phải là chiến tranh mà còn là một giải pháp ngăn chặn chiến tranh. Sử dụng luật pháp và dư luận quốc tế khi có mâu thuẫn giữa các bên là biện pháp cần thiết và đúng đắn trong một thế giới văn minh và hội nhập. Đó cũng là tư tưởng pháp quyền tiến bộ. Vì sao ta lại sợ kiện, trong khi chính nghĩa thuộc về ta.
Sợ kiện hay là sợ Trung Quốc? Đặt câu hỏi như vậy là vì tôi nghe có ý kiến cho rằng, nếu ta kiện thì Trung Quốc sẽ làm căng hơn nữa, trong khi ta phải sống bên cạnh họ lâu dài, nếu để họ thù vặt thì rất khó ở. Đó cũng là một cách suy nghĩ. Mà họ cũng dọa ta như thế. Dọa để ta đừng kiện. Họ không muốn ta quốc tế hóa vấn đề mà chỉ để riêng họ và ta với nhau nhằm dễ bề ức hiếp. Đó là cách đấm người ta mà muốn bịt miệng không cho la. Tôi nghĩ không thể đồng ý với cái lý lẽ cho rằng vì sợ họ ép ta (hơn nữa) nên thà rằng cứ để cho họ ép dần dần như thế mà không cần phải kiện. Họ sẽ chèn ép ta ngày càng nhiều thêm là quy luật tất yếu, vì mục đích của họ là độc chiếm Biển Đông, và vì thấy ta yếu mềm nên có thể chèn ép được. Các loài cá lớn ăn thịt sở dĩ không nuốt hết những loài cá nhỏ là vì không nuốt được, sợ bị gai nhọn đâm hoặc sợ nọc độc và còn sợ bị phản công của các nhân tố khác từ môi trường chung quanh, chứ hoàn toàn không phải nó thương cảm vì sự mềm yếu của đối phương. Trung Quốc to làm vậy nhưng đâu có dễ cưỡng chiếm Đài Loan. Ý kiến khác lại nói rằng, kiện cũng chẳng được gì, nó không chấp nhận, không chấp hành, chẳng có chế tài nào để cưỡng chế. Cách tiếp cận ấy theo tôi là không đúng. Khi lãnh đạo nước ta tuyên bố khởi kiện Trung Quốc thì tập họp cả một dân tộc, cả kiều bào khắp nơi trên thế giới, tập họp thêm nhiều bạn bè quốc tế, bản thân chúng ta cũng nhanh chóng trưởng thành về sự hiểu biết luật pháp quốc tế, đồng thời cũng là lên tiếng để nhân dân Trung Quốc biết thái độ rõ ràng của VN chứ không phải như lâu nay nhà cầm quyền Trung Quốc cứ tuyên truyền một chiều, còn ta thì im lặng hoặc ít nói nên dân Trung Quốc nhiều người đang hiểu sai bản chất của vấn đề. Vậy thì kiện là được chứ, sao lại không được gì. Được dân và được bạn bè quốc tế chẳng phải là cái được lớn sao. Mặt khác, hãy tin rằng, với nhận thức của thế giới ngày nay, chân lý không không dễ bị chà đạp đâu. Khi chân lý rõ ràng và thuộc về ta chẳng phải là cái được lớn hay sao. Một mình ta nói với họ không xong vì họ coi thường ta, không thèm nghe ta mà lại còn dùng mọi thủ đoạn để áp đặt. Cần phải dựa vào luật pháp và thông lệ quốc tế để đối mặt với họ là một giải pháp không thể khác trong tình thế này. Nếu không kiên quyết như thế hãy coi chừng sẽ mất Biển Đông. Mà mất Biển Đông là mất nước như đã trình bày trong điểm 1. Còn việc ta phải sống cạnh họ lâu dài là tất nhiên, và cũng chính vì thế mà phải đứng lên nói thẳng, phải biết tôn trọng lẫn nhau để có thể sống cùng theo đúng nghĩa là sống. Đây cũng là mục tiêu độc lập dân tộc mà Hồ Chí Minh đã chiến đấu suốt đời.
3.
Quan điểm không liên minh quân sự là đúng trong trường hợp nhằm để chống nước khác, nhưng sẽ không đúng đối với trường hợp để bảo vệ Tổ quốc của mình. Cần có cách tiếp cận mới và sớm điều chỉnh quan điểm chỉ đạo này. Vì mục đích bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải của đất nước thì chẳng những cần thiết mà thậm chí nên chủ động liên minh trước với các nước thật sự tôn trọng độc lập chủ quyền của VN. Không thể tự trói mình bởi những quan điểm bất lợi mỗi khi Tổ quốc có nguy cơ bị xâm lăng. Nhân dịp này cần nhìn nhận đánh giá lại các đối tác của chúng ta để mà hiểu cho đúng bạn bè. Tiêu chí quan trọng nhất để chọn bạn lúc này là ai thật sự tôn trọng và ủng hộ sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của VN. Trong số các đối tác chiến lược của VN thì một “đối tác” đã lộ diện rõ ràng là kẻ có âm mưu cưỡng chiếm Biển Đông của nước ta. Trong khi đó lại có nước tuy chưa gọi là đối tác chiến lược nhưng chính họ đã lên tiếng sớm nhất và mạnh mẽ nhất để ủng hộ chủ quyền của VN. Theo tôi, với thực tế đó họ xứng đáng là đối tác chiến lược của chúng ta, kể cả trường hợp trước đây họ có lúc đã không phải với ta. Ít nhất là họ xứng đáng hơn nhiều so với “đối tác chiến lược toàn diện” kia đang xâm lăng đất nước ta. Thực tiễn đã kiểm nghiệm ai tốt ai không tốt. Một dân tộc biết điều không thể quay lưng lại với thực tế trong văn hóa ứng xử với bạn bè. Nước có chủ quyền phải biết tự chủ trong chọn bạn mà chơi, không phải sợ gì ai bất bình hay quở trách. Cái Phương Bắc bá quyền ấy có động cơ và âm mưu xấu với ta, họ luôn tìm mọi cách để giữ ta trong vòng kiểm soát của họ, không muốn và không cho ta thoát ra khỏi họ để quan hệ thân thiết với các cường quốc khác.
Ta không gây thù hận với ai và luôn thật lòng mong muốn sống hòa hiếu với lân bang, nhưng đồng thời ta cũng phải biết cảnh giác và có bản lĩnh tự cường. Hãy đừng bao giờ quên mà ngược lại phải luôn nhớ đến bài học cay đắng thuở ông cha ta vì nhẹ dạ mất cảnh giác mà bị Phương Bắc cướp nước để cho cả một dân tộc phải sống nô lệ lầm thang điêu đứng trong cảnh “chim lồng cá chậu” đầu rơi máu chảy suốt một nghìn năm mới thoát ra được. Các nước Đông Nam Á về cơ bản là tốt, không có chuyện gì mâu thuẫn lớn với nhau, nhưng chưa phải đã đoàn kết một lòng cùng nhau thành một khối thống nhất vững mạnh, mà cá biệt đôi khi cũng có chuyện “đồng sàn dị mộng”. Mặt khác thì Phương Bắc lại tác động vào, kể cả bằng tiền và bằng các thủ đọan chính trị, tranh thủ lôi kéo dụ dỗ nước này nước khác, để khu vực này không thành một khối được, không có sức mạnh chung, cho họ dễ bề chi phối. Thực chất là “tách ra từng chiếc đũa” chứ không để “một bó đũa”, không để cho khu vực này chụm lại thành một khối. Thực tế ở khu vực Trường Sa mặc dù của ta là chính nhưng vẫn đang có nhiều nước quản lý một số đảo, mà việc này đã có từ trước, chỉ riêng Trung Quốc thì đến sau, bắn giết người của VN ta để chiếm đảo, rồi đồn trú ở đó đến nay, lại còn muốn lấy tiếp, lấy hết. VN cần phải có cách ứng xử phù hợp thực tế ở đây trong mối quan hệ với các nước Đông Nam Á, thừa nhận và bảo đảm quyền lợi chính đáng của các nước nhỏ, đừng để họ bị xuyên tạc mà suy nghĩ rằng Trung Quốc là đại bá còn VN cũng là tiểu bá mà dẫn đến phân tâm.
4.
Còn có ý kiến khác cho rằng, ta với Trung Quốc là anh em đồng chí, cùng XHCN với nhau, cùng một hệ tư tưởng và còn có quan hệ giữa hai đảng cộng sản đang cầm quyền, vì vậy cần kiên trì trao đổi ý kiến, đối thoại với nhau, không nên kiện ra quốc tế, không nên tỏ ra căng thẳng…Tinh thần hữu nghị với mọi người nói chung là tốt, nhưng nếu nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác, để cho những người có tâm địa và âm mưu xấu lợi dụng làm hại đến chủ quyền quốc gia thì sẽ là sai lầm lớn, thậm chí là có tội lớn với dân tộc mà lịch sử không thể tha thứ. Đồng chí anh em gì mà vô cớ bất ngờ đem 60 vạn quân sang VN để bắn giết dân chúng và đốt phá các làng mạc, nay lại quyết dùng mọi thủ đoạn để độc chiếm Biển Đông. XHCN gì mà đi xâm lược VN. Nhân dân ta chắc không ai cần cái kiểu XHCN xâm lược ấy. Đừng có nhân danh XHCN để lừa phỉnh nhau. Không có CHXH chân chính nào lại như thế cả (chuyện XHCN và TBCN cũng cần có cách tiếp cận khác căn bản so với cách hiểu, cách nghĩ lâu nay – sẽ nói sau ở bài khác). Đó chỉ là một đế chế phong kiến trá hình và biến tướng. Một quốc gia bảo vệ độc lập chủ quyền và một quốc gia khác đi xâm lăng sao lại cùng tư tưởng? Đảng cộng sản VN từ khi ra đời đã lấy mục tiêu dân tộc và dân chủ làm mục tiêu phấn đấu. Đến nay chưa hoàn thành xong mục tiêu ấy thì phải tiếp tục chiến đấu nữa. Xa rời mục tiêu dân tộc và dân chủ như ngày mới ra đời đã nêu lên thì Đảng sẽ không còn là đảng chân chính vì dân. Đảng CSVN quan hệ với các đảng khác không thể và không bao giờ được gây tổn hại cho mục tiêu độc lập chủ quyền của dân tộc. Còn kiên trì trao đổi, đối thoại? Trung Quốc đâu có cần trao đổi đối thoại với ta. Họ không tôn trọng và không coi VN là đối tác bình đẳng. Họ chỉ áp đặt và chèn ép. Còn VN ta đâu có tỏ ra căng thẳng gì. Sự căng thẳng là do họ chủ ý gây ra đấy chứ. Sao lại đổ vấy cho ta. Còn việc ta buộc phải kiện họ chính là do họ đẩy ta đến đó, không còn con đường nào khác. Lòng tự trọng dân tộc không cho phép ta nhân nhượng thêm nữa, vì ta càng nhân nhượng thì họ càng lấn tới. Đó cũng là tư tưởng chống ngoại xâm của Hồ Chí Minh.
5.
Chỗ dựa vững chắc và đáng tin nhất chính là cộng đồng nhân dân Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh qua nhiều nghìn năm nay rằng dân tộc này không bao giờ biết đầu hàng. Thuở xưa có lúc triều đình đã đầu hàng hoặc không đủ sức chiến đấu với quân giặc, nước đã mất và sau đó nhân dân đã tập họp nhau lại, đứng lên chiến đấu với quân thù, giành lại độc lập cho đất nước. Thời chiến tranh vệ quốc trước đây, có nơi, có lúc không còn tổ chức Đảng, không còn đảng viên, thì nhân dân đã tự mình lập ra chi bộ, một chi bộ của dân, để tiếp tục lãnh đạo cuộc chiến đấu, sau này tổ chức Đảng cấp trên phải công nhận các đảng viên và tổ chức đảng đó. Nhân dân ta từ thuở xưa đã là vậy. Ngày nay ta càng nhận thức sâu sắc rằng, nước là nước của dân. Dân là chủ nhân của đất nước. Chính người chủ ấy phải lo giữ lấy nước của mình. Nhà nước là của dân, do dân lập ra, có nhiệm vụ bảo vệ và phục vụ nhân dân, trong đó có công việc bảo vệ tổ quốc. Nhà nước phải làm theo ý dân, phải dựa vững vào dân mà bảo vệ tổ quốc, phải thường xuyên và kịp thời thông báo đầy đủ cho nhân dân biết thực chất tình hình xung quanh vấn đề Biển Đông. Không có bất kỳ ai, không có bất cứ đối tác nào, dù họ tốt đến bao nhiêu, cũng không thể thay được nhân dân. Nhân dân ta muôn đời nay thật anh hùng. Luôn mang trong mình dòng máu và khí phách của Bà Trưng, Bà Triệu, của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung và Hồ Chí Minh. Mỗi khi đất nước có họa ngoại xâm thì triệu người như một, tha thứ, xóa bỏ hoặc gát lại tất cả các bất đồng, các mâu thuẫn trong nội bộ, để một lòng cùng nhau quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Tất nhiên, với tư cách là những người tham mưu cho nhân dân, nhà nước thỉnh thoảng cũng cần nhắc nhân dân phải bình tĩnh, không để nóng đầu, quá bức xúc. Cuộc chiến đấu thuở xưa đã vậy và ngày nay càng phải vậy, lòng dũng cảm là vô cùng đáng quý, đáng trân trọng, nhưng để bảo đảm chiến thắng nhất định phải cộng với sự bình tĩnh, trí tuệ và mưu lược. Có nhân dân thì Đảng và Nhà nước sẽ có tất cả. Dân chủ hóa là con đường nhất định phải tiếp tục tiến lên. Có nhân dân, có bạn bè và luật pháp quốc tế nước ta nhất định bảo vệ được Biển Đông./.
V.N.H.  
Lên trang viet-studies ngày 7-9-19

CÁC Ý KIẾN TRAO ĐỔI:
Tôi tán thành ý kiến anh Vũ Ngọc Hoàng. Nhưng xin nói thêm:
Muốn có thái độ và hành động mạnh mẽ, dứt khoát trước mưu đồ xâm lược đã đến bước rất trắng trợn, rõ ràng của bành trướng Trung Quốc, thì phải kiên quyết từ bỏ sự kiên định mù quáng với ý thức hệ đang được đặt lên trên vận mệnh Tổ quốc hiện nay;
Đồng thời kiên quyết từ bó cái gọi là ‘Ba không”. Ba không là tự trói tay mình lại trong khi để cho bành trướng Trung Quốc tha hồ đánh ta không từ thủ đoạn nào.
Nguyên Ngọc
Trích từ FB Hoàng Hưng
Chu Hảo:  Cây ngay không sợ chết đứng (Nói phải củ cải cũng nghe?)
1. Tôi hoàn toàn tán thành những ý kiến rất xác đáng, thẳng thắn và có tính thuyết phục của tác giả Vũ Ngọc Hoàng. Đã đến lúc chúng ta cần có rất nhiều những bài viết như thế này được công bố công khai, rộng rãi. Đây cũng có thể là bước đầu tiên như kiến nghị tha thiết của ông Nguyễn Trung: ĐCSVN phải vượt qua chính mình và toàn dân phải có trách nhiệm, để cứu nguy dân tộc. Hãy lên tiếng, đừng sợ, để góp ý cho đảng cầm quyền “vượt qua chính mình” bằng cách nào? Và hướng dẫn quần chúng thể hiện trách nhiệm của mỗi người bằng cách nào?
2. Ba nút thắt liên quan đến vấn đề Biển Đông Nam Á (Biển ĐNÁ) hiện nay, như được vạch ra trong bài của ông Võ Ngọc Hoàng là: Kiện TQ ra Tòa án Luật pháp quốc tế, Ký Hợp tác chiến lược (thực lòng, thực chất) với Hoa Kỳ – nước duy nhất “bênh” VN trên Biển ĐNÁ, và Hóa giải “chính sách ba không” hoàn toàn bất lợi trong tình hình mới. Chắc chắn đã có ”một bộ phận không nhỏ” trong giới cầm quyền cản trở việc tháo gỡ các nút thắt này, nên lãnh đạo VN mới lúng túng và chần chừ đến như vậy. Có một Trần Ích Tắc dân tộc đã khổ, nếu có một bầy Trần Ích Tắc thì nhân dân ta khó lòng giữ được truyền thống quật cường, không khuất phục của Dân tộc ta đã được hun đúc từ khi dựng Nước. Họa mất Nước đang đe dọa dân ta! Phải vạch mặt bọn Trần Ích Tắc này, đừng sợ!
3. Có nhiều việc cấp bách, nhưng hãy coi việc “có thể mất Nước đến nơi rồi” là việc cấp bách nhất. Nên chăng dồn sức cho việc này trước mà chủ động làm chậm tiến độ các việc khác kẻ cả việc Chuẩn bị ĐH 13 của ĐCSVN, Chống tham nhũng… Nếu Dự án Đường cao tốc Bắc Nam lại chủ yếu rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc thì liệu chừng ta không chỉ mất Biển mà còn mất nốt cả Đất. Đường về nô lệ đang hiển hiện, phải cùng nhau góp sức làm cho toàn dân thấy rõ nguy cơ này, đừng sợ!
4. Hoa Kỳ đã tỏ rõ thiện chí đối với VN trong vấn đề Biển Đảo, nhưng tôi tin là Hoa Kỳ chỉ hành động trong khuôn khổ Luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền lợi cốt lõi trước hết là của chính họ, đặc biệt là quyền lợi kinh tế, chứ không sẵn sàng làm thay ai trong việc bảo về chủ quyền lãnh hải cũng như lãnh thổ của mình, trừ phi là đồng minh của họ và có yêu cầu chính thức từ phía đối tác đang bị đe dọa. Không biết lực lượng yêu nước thức thời trong giới cầm quyền của ta có đủ bản lĩnh và điều kiện khắc chế “khuynh hướng Trần Ích tắc” này chưa? Có cách nào thể hiện được lòng dân đứng bên cạnh họ một cách hết sức kiên quyết nhưng ôn hòa? Chẳng hạn vận đông tham gia thực hiện Lời kêu gọi đối thoại của GS Nguyến Đình Cống gửi ông Trưởng ban BTG TW cuối thàng 8 vừa qua? Hãy ủng hộ những chủ trương đối thoại trên nguyên tắc thấu đàm, không có vùng cấm, và tương kính. Tham gia vào một cuộc đối thoại như vậy, đương nhiên không có gì phải sợ!
Viện Phan Châu Trinh-Hội An
Ngày 7 tháng 9 năm 2019
C.H.
Lên trang viet-studies ngày 7-9-19

TRUNG QUỐC LÀ KẺ THÙ HAY LÀ BẠN CỦA TA ?

Nguyễn Trung/ viet-studies 8-9-2019


        Câu hỏi ngàn xưa này hiện đang nóng lên.

Song trong bối cảnh đối kháng thế kỷ Mỹ - Trung hiện nay, những sự kiện trên Biển Đông từ đầu tháng bẩy 2019 khiến cho mỗi chúng ta có cảm giác như đang nắm cục lửa trong tay!

           Có hàng trăm lý do để nói ngay: Trung Quốc là thù!
           Nhiều lắm, lịch sử chẳng quên bất cứ cái gì, không thể kể hết được!

           …Ví dụ, việc đánh ta trong chiến tranh 17-02-1979 với bao nhiêu tội ác tày trời, ta có thể coi đấy là quốc hận.

           Việc đánh chiếm các đảo và vùng biển của ta phải gọi là xâm lược.

           Sách của học sinh trước đây vẫn nói …nước ta một dải từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mâu[1], nhưng bây giờ làm  gì còn mục Nam Quan, làm gì còn thác Bản Dốc (phần chính)!…

           Có đủ các lý lẽ để coi hội nghị Thành Đô là quốc sỉ về mặt ngoại giao (không phải vô lý cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã coi sự kiện này là mở đầu thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai).

           Đường sắt trên cao ở Hà Nội phải được coi là tượng đài của sự ươn hèn đối với thủ đô của chúng ta!

           Nào là bô-xít Tây Nguyên và hàng trăm công trình kinh tế tầm quốc gia (thuộc công nghiệp trung ương) rởm về chất lượng, đang làm điêu đứng kinh tế và gây ô nhiễm môi trường nước ta…

           Nào là sự thâm nhập của hàng lậu chẳng những xói mòn nền kinh tế mà còn đem vào nước ta bao nhiêu độc hại chết người và bệnh tật mới.
          
Nào là sự can thiệp của quyền lực mềm Trung Quốc mà tướng Trương Giang Long đã thẳng thắn cảnh báo nhân dân cả nước, sự lệ thuộc trầm kha trên phương diện kinh tế, những lệ thuộc chính trị khác do những yếu kém của thể chế chính trị nước ta!.. Có thể nói chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam độc lập thống nhất đã lũng đoạn và góp phần quan trọng vào làm thui chột hẳn một giai đoạn phát triển của nước ta trong thế giới  hôm nay. Tuy nhiên cũng phải nói rõ, nguyên nhân của thực trạng này của đất nước trước hết và chủ yếu là do hệ quả chế độ toàn trị của nước ta, không thể một chiều đổ hết mọi lỗi cho phía Trung Quốc.

           Và hiện nay, những hành động xâm lược vùng biển nước ta tại khu vực bãi Tư Chính đang làm cho quan hệ Việt – Trung trở nên vô cùng căng thẳng.

           Vân vân và vân vân… 
          
-        Trung quốc có những điểm gì để Việt Nam coi là bạn?          
-        Cũng nhiều đấy, nhiều điểm quan trọng là khác, song nhìn tổng thể danh mục bạn ngắn hơn danh mục thù. Có thể nói nhân dân ta không bao giờ quên những giúp đỡ to lớn của Trung Quốc trong 2 cuộc kháng chiến lớn của nước ta,  những thành quả nước ta được thụ hưởng trong những hợp tác song phương thành công giữa hai nước… … 
-        Họ giúp ta vì ta đánh Mỹ cho họ, đâu có vô tư! 
-        Có chuyện ấy, nhưng vì là vấn đề khác, nên dẹp sang một bên lúc nào đó tính sau. Ta nên sòng phẳng, coi giúp là giúp, không vô ơn. 
-        Nhưng với khát vọng phục hưng đế chế Trung Hoa, muốn chia đôi thế giới để sẽ giành quyền lãnh đạo thế giới, rồi còn bao nhiêu hành động can thiệp khác.., vậy làm sao có thể coi Trung Quốc là bạn được? Thâm chí Việt Nam có xin làm bạn cũng không được! Có phải thế không? 
-        Đúng như vậy, song nói thế vẫn chưa đủ…

Chẳng ai thay đổi được bản chất của đế chế Trung Hoa. Trung Quốc hôm nay là vấn đề của cả thế giới chứ không phải chỉ riêng Việt Nam.

Nhìn toàn bộ, trong thực hiện giấc mộng Trung Hoa, những mưu chước và hành động trên những lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao, quân sự… mà Trung Quốc đang vận dụng đối với cả thế giới – trong đó có Việt Nam – xin đặc biệt lưu ýTất cả những mưu chước và hành động này có xuất xứ và bề dày kinh nghiệm từ thời Chiến Quốc (500 năm TCN), và tuy được vận dụng trong thời hiện đại, nhưng về cơ bản vẫn nằm trong khung khổ của tư duy và chiến lược thời Chiến Quốc, cho dù quy mô thâm độc, tàn ác và tàn phá có thể lớn hơn, hiện đại hơn (ví dụ như chiến lược vành đai - con đường là chùm lên cả thế giới), song vẫn không vượt qua được bản chất «zero sum game» và «mục tiêu biện minh cho biện pháp» trong  tư duy và chiến lược thời Chiến Quốc. Nên hiểu rõ điều này để thấy được bản chất của vấn đề Trung Quốc hôm nay. Tuy vậy, Mỹ và phương Tây đến hôm nay vẫn còn không ít mơ hồ về thực tế Trung Quốc này! Dẫn chứng sờ sờ là họ để cho Trung Quốc trỗi dậy như hiện tại rồi mới thức tỉnh, và hiện vẫn còn không ít những điểm mơ hồ tiếp! 

-        Vậy Trung Quốc chỉ có thể là thù, không bao giờ có thể là bạn của Việt Nam được! Mấy chục năm nay những lời tốt đẹp của họ  đối với nước ta đều là dối trá! 
-        Việt Nam vĩnh viễn là láng giềng của Trung Quốc. Nghĩ như vậy  có nghĩa Việt Nam muốn coi Trung Quốc là kẻ thù vĩnh viễn hay sao? 
-        Nhưng Việt Nam bé teo thế này làm sao thay đổi được bản chất Trung Quốc!? Đương nhiên cả, thế giới và chính bản thân Trung Quốc đều biết tỏng: Việt Nam không bao giờ và càng không dại gì lại tự mình đi gây thù địch với Trung Quốc! Có hòa bình để sống là nước độc lập, tự chủ, bình đẳng bên cạnh Trung Quốc thì còn gì bằng!..  
-        Đúng thế. Nhưng coi Trung Quốc là thù, hay là bạn, đều không thể thay đổi được Việt Nam vĩnh viễn là láng giềng của Trung Quốc…

Sự thật là từ hàng nghìn năm nay Việt Nam vẫn là láng giềng của Trung Quốc. Từ hàng nghìn năm cho đến hôm nay sự thật cho thấy, Trung Quốc không thể chiếm đóng vĩnh viễn, không thể độ hộ, và không thể đồng hóa được Việt Nam.., chỉ vì Trung Quốc đã làm mọi cách nhưng không thể mà thôi, chứ không phải do Trung Quốc không muốn! Cũng từ hàng nghìn năm cho đến hôm nay, sự thật cho thấy Việt Nam có những khoảng thời gian nhất định có hòa bình để sống bên cạnh Trung Quốc, mà nguyên nhân cũng chỉ là Việt Nam có những thứ mà khiến Trung Quốc không thể đối xử khác đối với Việt Nam, chứ không phải do lòng tốt nào; và họ tự bào chữa theo kiểu đại Hán: Thôi, ta tha cho làm phúc!..

Đại thể bức tranh toàn cảnh quan hệ Việt – Trung hiện nay là như vậy. 

*
  
           Biển Đông hiện nay càng nóng hơn bao giờ hết, nhất là Trung Quốc đang có những bước đi nhằm vào Việt Nam để tăng cường thế mạnh áp đảo tại chỗ trong đối kháng thế kỷ với Mỹ.

           Đơn thuần trả lời câu hỏi Trung Quốc là thù, hay là bạn? không phải là giải pháp cho Việt Nam. Thậm chí về lâu dài còn phải tìm cách làm cho Trung Quốc dù họ muốn hay không cũng phải chấp nhận Việt Nam là nước láng giềng có độc lập chủ quyền, phải chấp nhận có hòa bình và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam. Nói mong muốn hữu nghị với Trung Quốc là phải hiểu hữu nghị theo nội dung này, với nghĩa là nước ta phải có bản lĩnh và sức mạnh để giành lấy và gìn giữ đời này qua đời khác. Hữu nghị như thế là tiết kiệm xương máu cho cả hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời phục vụ sự phát triển thịnh vượng của hai nước. Mong muốn đòi thoát Trung là hiểu được và chính đáng, nhưng chưa đủ, và ít nhiều vẫn là tâm lý cảm tính, chạy trốn. Trong khi đó sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc đòi hỏi mỗi chúng ta hôm nay phải đứng vững vàng ngay tại chỗ trên mảnh đất địa đầu của tổ quốc mình, chứ không chạy đi đâu hoặc theo ai, và phải thoát bằng được mọi yếu kém của chính chúng ta! Mặt khác, mọi kích động sự thù hận giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ làm hại đất nước ta, càng làm cho phía ta dễ mắc mưu Trung Quốc mà thôi.

           Đặt vấn đề như vậy, giải pháp cho vấn đề Trung Quốc của Việt Nam trong thế giới hôm nay nằm trong toàn bộ những bài học rút ra từ thực tiễn lịch sử quan hệ Việt - Trung kể từ ngày lập quốc cho đến hôm nay. Không một chủ nghĩa hay ý thức hệ, hay tình đồng chí nào có thể thay thế những bài học này.
          
Trong kiến nghị (tháng 5-2019) về Đại hội XIII sắp tới của ĐCSVN[2], tôi đã trình bầy với lãnh đạo ĐCSVN: Thất bại của ĐCSVN trong xây dựng và xúc tiến quan hệ Việt – Trung là thất bại ngoại giao lớn nhất của đất nước độc lập thống nhất. Nguyên nhân chủ yếu là phía ta đã bỏ qua toàn  bộ những bài học xương máu vô cùng quan trọng trong thực tiễn quan hệ Việt – Trung kể từ ngày lập quốc đến nay – nghĩa là không đứng trên lập trường dân tộc và dân chủ vì đất nước, mà lại đi lấy ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng cho thiết lập và xúc tiến mối quan hệ ngoại giao quan trọng bậc nhất này của quốc gia! Thậm chí còn mơ hồ đến mức coi «sự phát triển của nước này là cơ hội của nước kia»[3].  Cả nước và dân tộc ta cho đến hôm nay đã phải trả giá đắt! Rất đắt!

Rất đau lòng, trên đây cũng là bản quyết toán đầy tổn thất mọi mặt của mối quan hệ Việt – Trung 4 thập kỷ độc  lập thống nhất của nước ta, dựa trên quan điểm «giữ đại cục», để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc theo lập trường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội và kiên định với chủ nghĩa Mác – Lênin. Cũng không phải là quá lời, nếu nói «vì giữ đại cục» nên đất nước ta mới bị kìm hãm và có quá nhiều chuyện khốn khó như hôm nay. Để làm rõ kết luận này, xin thử hình dung, sau 30 năm công nghiệp hóa với nguồn lực và cơ hội rất lớn (lớn hơn của Hàn Quốc 30 năm đầu tiên công nghiệp hóa rất nhiều!), nếu Việt Nam hôm nay có một nền kinh tế và một thể chế chính trị như của Hàn Quốc, mối quan hệ Việt - Trung và tình hình trên Biển Đông hôm nay sẽ ra sao?!

Trong Kiến nghị tháng 5 – 2019 tôi đề nghị phải thay đổi hoàn toàn mối quan hệ Việt – Trung, để giành lấy mối quan hệ hữu nghị đúng đắn như đã trình bày trên, lấy phát huy sức mạnh của dân tộc và dân chủ giải phóng mọi tiềm lực của đất nước và tranh thủ được sự hậu thuẫn của cả thế giới tiến bộ để thực hiện[4]; trong khi đó ngoại giao đu dây, ngoại giao «3 không» chỉ tự trói tay mình. Có dân với tính cách là một dân tộc tự do, có sự hậu thuẫn của cả thế giới tiến bộ như thế, nước ta mới chấm dứt được thân phận con tốt, mới có thể chủ động tạo ra con đường và cùng đi được với Trung Quốc cho hòa bình, hợp tác và phát triển. Mặt khác có dân như  vậy và cùng đi với cả thế giới như vậy, nước ta mới có thể làm tất cả mọi việc phải làm mà sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay đòi hỏi. Và một khi đất nước bị xâm lược, sức mạnh tự vệ của đất nước chúng ta sẽ là bất khả kháng.

Sẽ không có mấy ý nghĩa và mối nguy Trung Quốc đối với nước ta chắc chắn sẽ vẫn là nguyên vẹn, nếu như chúng ta chỉ đắm mình vào câu hỏi «Trung Quốc là thù hay là bạn?» Hơn bao giờ hết trong thế giới sang trang quyết liệt hôm nay, Việt Nam phải bằng mọi nỗ lực cao nhất sớm tạo ra cho mình khả năng chủ động như vừa trình bầy bên trên – gọi đấy là khả năng chủ động tạo ra cho Trung Quốc cái không thể trong đối xử với nước ta cũng là cùng một nghĩa!

Chưa nói đến, để tập hợp được sự hậu thuẫn của cả thế giới tiến bộ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của mình, ngoại giao Việt Nam còn phải phát triển và phát huy quyền lực mềm của mình – đó là lấy các giá trị của dân tộc, dân chủ, quyền con người và bảo vệ môi trường để phát triển toàn diện chính quốc gia mình theo tinh thần: Xây dựng một nhà nước mạnh của một dân tộc tự do; đồng thời nhờ đó có tiếng nói  chính danh và có thực lực dấn thân cho những giá trị này trên thế giới, để góp phần mình cho tiến bộ kinh tế - xã hội cũng như sự phát triển của cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Nghĩa là Việt Nam vừa phải dấn thân hết mình cho lợi ích sống còn của chính quốc gia mình, vừa phải hợp tác trung thực, hết lòng và tin cậy, quyết giữ chữ tín làm đầu với tất cả các đối tác của mình cũng như với mọi hợp tác đã cam kết! Chỉ có mình vì mọi người, mọi người mới vì mình như thế, chúng ta mới thành công, hơn nữa chúng ta lại có chính nghĩa! Kiến nghị tháng 5-2019 nhấn mạnh: Đây chính là thế mạnh tự nhiên rất lớn của Việt Nam trong thế giới quyết liệt hôm nay, rất cần phát huy, nhất là Việt Nam hôm nay không có một lợi ích chiến lược nào thù nghịch với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Việt Nam có quan hệ kinh tế - chính trị tốt với tất cả 5 châu lục, hầu hết các nước trên thế giới đều ủng hộ Việt Nam – chỉ có Trung Quốc là ngoại lệ!


*

Hiển nhiên sự sống còn và yêu cầu phát triển của đất nước ta trong thế giới quyết liệt hôm nay đòi hỏi phải có một thể chế chính trị quốc gia và những bộ não lãnh đạo đủ sức thiết kế và thực hiện thành công một đường lối đối ngoại như thế! Đòi hỏi này đồng thời có nghĩa, muốn thay đổi mối quan hệ đối ngoại Việt Nam – Trung Quốc hiện nay, chúng ta nhất thiết phải thay đổi toàn diện và triệt để con đường phát triển hiện tại của đất nước theo các yếu tố dân tộc và dân chủ - đơn giản vì ngoại giao phải dựa trên sức mạnh của kinh tế và nội trị theo quy luật muôn đời: Có thực mới vực được đạo! Toàn bộ những việc phải làm được nói tới tại đây chính là hòn đá thử vàng đối với ý chí phấn đấu, lòng yêu nước và bản lĩnh của mỗi người Việt Nam chúng ta.

Toàn bộ những việc phải làm này trước hết là hòn đá thử vàng đối với Đại hội XIII sắp tới của ĐCSVN hôm nay./.

          
Nguyễn Trung
Hà Nội – Võng Thị, 08-09-2019


[1] Mọi người Việt Nam đều nghĩ và nói như vậy, ngày 06-09-2019 VTV1 cho thấy tại cuộc họp bàn về chuẩn bị văn kiện Đại hội XIII TBT – CTN Nguyễn Phú Trọng cũng nói như vậy.
[2] Tìm xem tại VSN (http://www.viet- studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_KienNghiDaiHoiXIII.pdf).
[3] Tuyên bố chung cấp cao Việt nam – Trung Quốc, Hà Nội 13-11-2017 https://vnexpress.net/the-gioi/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-3669742.html
[4] Xem toàn văn phần nói về xây dựng lại mối quan hệ Việt – Trung trong Kiến nghị: chương II.4., từ trang 26 đến trang 29. Tìm trên:  http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_KienNghiDaiHoiXIII.pdf
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 8-9-19

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét