Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2019

20190908. BÀN VỀ HIỆP ĐỊNH DẪN ĐỘ VIỆT-TRUNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
MỘT HIỆP ĐỊNH TỰ HẠI MÌNH

FB NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 2-9-2019

Trong hình ảnh có thể có: ô tô, đêm và ngoài trời

Nếu quả thật, giữa Việt Nam và Trung Quốc có một Hiệp định dẫn độ, rằng công dân Trung Quốc sang Việt Nam phạm tội thì Việt Nam không xét xử mà trao trả cho Trung Quốc xét xử, và ngược lại, – thì đó là một hiệp định mang tính tự hại cho phía Việt Nam.
NGUYÊN TẮC BẤT BIẾN: PHẠM TỘI Ở NƯỚC NÀO XÉT XỬ THEO LUẬT PHÁP NƯỚC ĐÓ
1. Không phải bây giờ, mà từ ngàn xưa, phạm tội ở nước nào thì phải xử theo luật pháp nước đó. Lấy một thí dụ ở thế kỷ thứ 6 trước công nguyên.
Thời Xuân Thu (771-476TCN) có người nước Tề sang nước Sở phạm tội. Nhân Tể tướng nước Tề là Án Anh (578-501 TCN) đi sứ nước Sở, vua Sở muốn làm nhục Án Anh nên mang tội phạm người Tề ra xử.
Sở vương hỏi: “Ngươi là người nước nào?” Tội phạm trả lời: “Người nước Tề’. “Phạm tội gì”? “Tội trộm ngựa”. Rồi Sở vương quay sang Án Anh: “Sao người nước Tề hay trộm cắp vậy?”
2. Không phải ở phương Đông mà khắp thế giới, phạm tội ở nước nào thì xét xử theo luật pháp nước đó.
Thử hỏi các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức… có nước nào không thực thi điều luật này?
TÁC HẠI CỦA HIỆP ĐỊNH
Nếu người Trung Quốc sang Việt Nam phạm tội mà Việt Nam không xét xử phải trao lại cho Trung Quốc xét xử thì vô cùng nguy hại cho Việt Nam.
1. Một là, điều khoản này sẽ thúc đẩy người Trung Quốc tràn sang Việt Nam phạm tội. Vì khả năng kiểm soát của Việt Nam đã kém, lại còn có vỏ bọc ngoại quốc, nên bọn chúng dễ hành tẩu hơn.
2. Hai là, tội phạm Trung Quốc sẽ tìm cách trốn sang Việt Nam, vì dễ lẩn tránh.
3. Ba là, Chính quyền Trung Quốc xử nhẹ, thậm chí tha bổng cho tội phạm sau khi Việt Nam trao trả. Vì tội phạm xẩy ra ở Việt Nam, tác hại cho người Việt Nam và xã hội Việt Nam, chứ không không tác hại cho người Trung Quốc và xã hội Trung Quốc.
4. Việt Nam phải tổn hao nhân lực, công sức, tiền bạc để chống tội phạm từ Trung Quốc.
5. Luật pháp của Việt Nam không có hiệu lực với người Trung Quốc trên đất Việt Nam nên không làm cho tội phạm người Trung quốc khiếp sợ.
6. Trung Quốc cố tình cho người sang phạm tội ở Việt Nam. Điều này là chắc chắn. Điều này là vô cùng nguy hiểm cho Việt Nam.
KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG “CÓ ĐI CÓ LẠI”
1. Có người biện hộ rằng Trung Quốc cũng đã trao trả nhiều công dân Việt Nam sang phạm tội ở Trung Quốc Cho việt Nam, là “có đi có lại”.
2. Người Trung Quốc sang phạm tội ở Việt Nam cả ngàn lần nhiều hơn và bội phần nguy hiểm hơn người Việt Nam sang phạm tội ở Trung Quốc.
3. Nguy hiểm hơn nữa là Trung Quốc chủ trương cho người sang phạm tội ở Việt Nam – trá hình dưới danh nghĩa tự phát.
4. Nguyên tắc “ Có đi có lại” không thể áp dụng trong trường hợp này với Trung Quốc.
SUY RA
Nếu quả thật có một Hiệp định đặt người Trung Quốc ngoài vòng pháp luật Việt Nam trên đất Việt Nam thì đây là một tai họa cho an ninh Việt Nam.
Nếu quả thật có một Hiệp định như vậy thì phải xóa bỏ. Càng sớm càng tốt. Lịch sử sẽ không bao giờ tha thứ cho một sai lầm sơ đẳng nhưng rất nguy hại, đi ngược với thông luật quốc tế như thế.
N.N.C.
P/S: Để khỏi hiểu nhầm, xin vắn tắt về khái niệm dẫn độ. Một cách nôm na, “Dẫn độ” là trường hợp tội phạm đã phạm tội ở nước khác chạy đến nước sở tại lẩn tránh bị nước sở tại bắt giữ và có quốc gia yêu cầu nước sở tại dẫn độ về cho quốc gia đó để xét xử tội phạm. Việc dẫn độ chỉ xẩy ra khi quốc gia sở tại bắt giữ tội phạm đồng ý cho dẫn độ – hoặc theo hiệp định dẫn độ đã ký kết giữa 2 quốc gia, hoặc không có hiệp ước dẫn độ nhưng vẫn đồng ý cho dẫn độ. Nếu không có hiệp định dẫn độ giữa 2 quốc gia, nước sở tại bắt giữ tội phạm có thể không đồng ý dẫn độ.
Điều này khác hẳn hoàn toàn với điều Việt Nam đang trao trả tội phạm cho Trumg Quốc.




LUẬT DẪN ĐỘ VIỆT-TRUNG: 'TỊ NẠN CHÍNH TRỊ' , ĐIỀU  ĐÁNG LO TRƯỚC TIÊN
TRỌNG THÀNH/RFI/ BVN 4-9-2019

mediaBiểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Seoul yêu cầu Bắc Kinh không trả về Bắc Triều Tiên 7 người tị nạn, Seoul, le 27/03/2012.REUTERS/Kim Hong-Ji
Ngày 26/08/2019, hãng tin Nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã thông báo Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, cơ quan đứng đầu lập pháp Trung Quốc, thông qua một dự luật về dẫn độ với Việt Nam. Về phía Việt Nam, hiện tại chính quyền chưa có thông báo nào về vấn đề này.
Trong thời gian gần đây, dự luật dẫn độ Việt Nam – Trung Quốc gây nhiều lo ngại trong công luận. RFI đặt câu hỏi với Luật sư Đặng Đình Mạnh (TP Hồ Chí Minh), ít ngày sau khi có tin phía Trung Quốc thông qua Hiệp định này.
Theo Luật sư Mạnh, điểm đặc biệt đáng lo ngại của luật này là có thể khiến chính quyền Việt Nam gia tăng vi phạm các quy định về nhân quyền quốc tế, khi trả về Trung Quốc những người « tị nạn chính trị », chạy trốn khỏi Hoa lục, do các đàn áp chính trị, tôn giáo hay sắc tộc. Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng khẩn thiết lưu ý tình trạng Việt Nam « khước từ một phần chủ quyền quốc gia », khi trả về Trung Quốc những công dân Trung Quốc phạm luật Việt Nam trên đất Việt Nam. Ông nhấn mạnh đến một điều căn bản khiến « luật dẫn độ » ở Việt Nam, nếu được thông qua, sẽ đi ngược lại xu thế tiến bộ chung. Đó là Bộ Luật Hình sự « hết sức khe khắt » của Việt Nam (và Trung Quốc) khiến cho hiệp ước dẫn độ càng làm tăng thêm tính hà khắc của Bộ Luật Hình Sự, hạn chế quyền thể hiện quan điểm, quyền của mỗi công dân được tham gia vào các công việc chung của đất nước.
***
RFI: Xin Luật sư cho biết sơ bộ về thông tin này.
LS Đặng Đình Mạnh: Với tư cách là một luật sư, tôi quan tâm đến các vấn đề luật pháp, chính trị xã hội ở nước nhà, khi đọc tin này, tôi hết sức là bất ngờ. Tại vì hầu như là trong nước, chúng tôi chưa bao giờ được nghe đến Việt Nam và Trung Quốc từng ký một hiệp ước về vấn đề dẫn độ. Vậy thì cái văn bản đó như thế nào ? Nội dung thế nào ? Ký vào thời điểm nào ? Đến bây giờ mới biết hóa ra có một văn bản như vậy và Quốc Hội bên phía Trung Quốc họ đã thông qua.
Tình hình một điều ước mang tính quốc tế, có giá trị pháp lý (đối với Việt Nam) mà chúng tôi là người làm công tác pháp luật trong nước, mà không hề biết, không hề được thông tin, thì đây là một điều hết sức đáng nói.
RFI: Luật sư nhận định ra sao về sự im lặng của phía chính quyền Việt Nam ?
LS Đặng Đình Mạnh: Tôi cho rằng luật về dẫn độ đối với các quốc gia là điều bình thường, thế nhưng một luật dẫn độ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh chính trị hiện nay nói chung là khá tế nhị, trong đó có các tác động của câu chuyện Hồng Kông , nhất là khi người Hồng Kông vừa có các cuộc biểu tình rất lớn và kéo dài, chưa từng có tại vùng lãnh thổ Hồng Kông. Cũng liên quan đến luật về dẫn độ.
Tôi nghĩ là do tác động về chính trị nên phía Việt Nam đã có một sự dè dặt nhất định trong việc công bố thông tin về hiệp ước ký với Trung Quốc. Tôi tin là như vậy.
RFI: Luật dẫn độ giữa các quốc gia, nếu thực thi theo đúng luật pháp quốc tế, là một bước tiến. Như vậy trong trường hợp của Việt Nam, điều gì khiến trong dư luận có nhiều lo ngại ?
LS Đặng Đình Mạnh: Theo tôi, vấn đề lo ngại là chủ yếu do yếu tố tâm lý. Trên thực tế, chuyện này không đáng lo. Lý do là thế này : Để thực hiện quyền tài phán của mình, quốc gia mà không có điều kiện thực hiện, họ phải đặt ra vấn đề dẫn độ. Và thường là, đối với những người mà có yêu cầu dẫn độ, thì thường là đã có hành vi vi phạm pháp luật tại Trung Quốc. Thế thì vấn đề này không phải là điều đáng lo đối với người dân Việt Nam đang sinh sống trong nước.
Tuy nhiên, có vấn đề đáng lưu ý khác, mà đáng lo, thường là liên quan đến vấn đề chính trị. Ví dụ như đàn áp về dân tộc, về tôn giáo… Mà theo tiêu chuẩn chung của thế giới, người ta không cho đó là hành vi vi phạm pháp luật về hình sự.
Vì Trung Quốc là nước quá khắt khe đối với các vấn đề đó, nên những người (Trung Quốc) khi bị áp bức như vậy họ có thể chạy sang nước khác, để lẩn tránh. Mà chúng ta gọi là « tị nạn chính trị ». Thế thì trong vấn đề tị nạn chính trị, chính quyền Trung Quốc có thể áp dụng luật dẫn độ này, mà Việt Nam đáp ứng, thì rõ ràng sẽ vi phạm quy định về nhân quyền của quốc tế. Lẽ ra là Việt Nam phải che chở những người này, nếu chiếu theo những tiêu chuẩn về bảo vệ nhân quyền, cụ thể nhất là vấn đề tị nạn chính trị. Nếu lo thì chỉ nằm trong phạm vi đó mà thôi.
RFI: Thế còn một lo ngại khác, liên quan đến việc người Trung Quốc phạm luật hình sự Việt Nam. Có một số ý kiến cho rằng, với luật dẫn độ này, chính quyền Việt Nam có thể dễ dàng không xét xử những người Trung Quốc phạm tội trên đất mình. Như vậy luật dẫn độ có thể khiến số vụ phạm tội hình sự của người Trung Quốc trên đất Việt Nam gia tăng.
LS Đặng Đình Mạnh: Điều đó có thể cũng đáng lo ngại. Nhưng sự lo ngại là không cần thiết. Bởi vì thật ra, dù có lo ngại hay không, thì điều đó đã từng xảy ra rồi, ngay cả trước khi chúng ta có thông tin về việc Quốc Hội Trung Quốc thông qua điều ước dẫn độ (với Việt Nam). Tức là, trong khi chưa có luật này, Việt Nam đã rất « hào phóng » thả những công dân Trung Quốc, khi họ vi phạm pháp luật Việt Nam, lại thả về Trung Quốc.
Chúng ta không thể biết được những người này khi trở về Trung Quốc có bị xét xử hay không. Ví dụ như trường hợp khoảng 300 người Trung Quốc bị bắt, vì có hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc ở một tỉnh phía bắc. Diễn biến sau đó, chúng ta hoàn toàn không biết. Cái việc đó gọi là «dẫn độ», theo tôi, là không chính xác.
Hành vi của họ là vi phạm pháp luật, theo luật pháp Việt Nam, trên lãnh thổ Việt Nam. Và nếu như vậy, quyền tài phán thuộc về Việt Nam. Việt Nam có toàn quyền xét xử những người này, để tuyên xử, chế tài họ. Chúng tôi đã từng có ý kiến : Chúng tôi rất bức xúc là không biết tại sao chúng ta lại đi khước từ cái quyền tài phán của mình, trong khi cái quyền tài phán đó là một trong các phần quyền thể hiện chủ quyền quốc gia.
Việc chúng ta thả tội phạm về chính quốc của họ rõ ràng là như vậy chúng ta đang khước từ một phần của chủ quyền quốc gia. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng.
RFI: Trở lại với vấn đề trung tâm của luật dẫn độ này, thưa luật sư, như thế nào thì một luật về dẫn độ đi đúng theo các công ước quốc tế, bảo vệ nhân quyền, và như thế nào thì luật dẫn độ đi ngược lại các nguyên tắc pháp lý này?
LS Đặng Đình Mạnh: Với tư cách là những người làm công tác pháp luật, chúng tôi rất tán thành nên có những hiệp định về dẫn độ. Điều này hết sức tốt, phù hợp với các hoạt động về tư pháp, đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng chúng tôi e rằng có những hiệp định dẫn độ đi ngược lại với sự tiến bộ chung.
Thực ra vấn đề không phải nằm ở việc dẫn độ, đến hiệp định dẫn độ, mà liên quan đến luật hình sự của một quốc gia. Do Bộ Luật Hình Sự, của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, có những điểm tương đồng. Đó là hạn chế quyền thể hiện quan điểm, quyền tham gia vào các hoạt động củng cố chính quyền (của mỗi công dân). Do chính quyền có cái nhìn hết sức khe khắt, ảnh hưởng đến việc thực thi điều ước dẫn độ, khiến điều ước về dẫn độ bị lạm dụng để đi đến chỗ bảo vệ chính quyền hơn là bảo vệ người dân. Như vậy đó là thêm một biện pháp của chính quyền làm tăng ảnh hưởng, tính hà khắc của đạo luật hình sự.
Với tư cách là luật sư, chúng tôi rất mong muốn được thấy hình hài thực sự của điều ước về dẫn độ Việt Nam và Trung Quốc, bằng giấy trắng mực đen, để xem nội dung cụ thể là về vấn đề gì.
RFI xin chân thành cảm ơn Luật sư Đặng Đình Mạnh
T.T.
LÝ DO KHÔNG XỬ LÝ VỤ GẦN 400 NGƯỜI TRUNG QUỐC ĐÁNH BẠC Ở HẢI PHÒNG
VNN 4-9-2019

 Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, vụ tổ chức đánh bạc người Trung Quốc ở Hải Phòng, hiện Trung Quốc tạm giữ 384 trường hợp để điều tra.

Giải trình tại phiên họp toàn thể của UB Tư pháp sáng nay về vụ tổ chức đánh bạc qua mạng của 395 người Trung Quốc ở Hải Phòng gần đây, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, đây là vụ nằm trong chuyên án trinh sát của Bộ Công an thực hiện.
Qua nguồn tin, Bộ Công an phát hiện trong tháng 5/2019, tại khu đô thị Our City của Hải Phòng có một số đối tượng cư trú và thuê đường truyền tiến hành truy cập Internet với lưu lượng đặc biệt lớn.
Có thời điểm, các đối tượng truy cập tới gần 1.000GB/ngày vào hơn 100 website quản lý và 99 trang người chơi đánh bạc, xổ số cá cược thể thao trong giao diện bằng tiếng Trung Quốc. Các máy chủ đặt tại Trung Quốc, Mỹ, Hong Kong, Đài Loan.
Lý do không xử lý vụ gần 400 người Trung Quốc đánh bạc ở Hải Phòng
Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương
Công ty Hiệp Phong cho 21 công ty, DN Trung Quốc thuê lại căn hộ trong khu đô thị. Sau khi phát hiện, cơ quan nghiệp vụ Bộ Công an xác lập chuyên án cùng công an Hải Phòng đấu tranh.
Có phối hợp với Công an Trung Quốc 
Đặc biệt, lực lượng Công an của Việt Nam có trao đổi thông tin thu thập với Bộ Công an Trung Quốc. Qua xác minh ban đầu, phía Trung Quốc cho biết đang tổ chức điều tra đối tượng này.
"Như vậy, đối tượng trên liên quan cả Trung Quốc và Việt Nam. Toàn bộ diễn biến sự việc, sau khi xác định rõ hành vi đánh bạc thì tổ chức bắt quả tang các đối tượng, thu giữ các máy chủ trên 500 máy tính đặc chủng, điện thoại di động, tiền Việt Nam, đô la", Thượng tướng Lê Quý Vương cho hay.
Về việc tại sao phải giao lại cho Trung Quốc xử lý, Thứ trưởng Công an cho biết, do nhóm đối tượng liên quan phía Trung Quốc. Hơn nữa, giữa hai nước đã có ký thỏa thuận giữa 2 Bộ trưởng Công an về hợp tác phòng chống tội phạm.
Các đối tượng về kinh tế, hình sự, ma túy trong mấy năm vừa qua Việt Nam thường xuyên phối hợp với Công an Trung Quốc.
"Phía Công an Trung Quốc trên cơ sở bắt giữ tổng số 395 người nhưng không phải tất cả đều tham gia đánh bạc. Chỉ có hàng chục đối tượng mang theo các máy tính, chủ yếu sử dụng địa bàn Việt Nam và thuê đường truyền để tổ chức đánh bạc ở Trung Quốc. Thiệt hại về phía Trung Quốc chứ không có gì thiệt hại về phía Việt Nam", ông Vương lý giải.
Ngoài ra còn có thêm nguyên nhân, toàn bộ máy móc muốn đánh bạc được thì người chơi phải thành thạo tiếng Trung Quốc.
"Khó khăn đặt ra cho cơ quan điều tra Công an Hải Phòng là một lúc 395 trường hợp, lấy đâu ra phiên dịch để khai thác các đối tượng. Trong khi đối tượng giả vờ không biết tiếng Việt. Vì vậy hết sức khó khăn. Chúng tôi phải huy động lớp tiếng Trung xuống phiên dịch. Toàn bộ máy móc thao tác bằng tiếng Trung Quốc", Thứ trưởng Công an phân tích.
Trung Quốc đang tạm giữ 384 trường hợp để phân tích, điều tra
Ông cũng thông tin thêm, trước đây, công an cũng bắt vụ tương tự như vậy của Đài Loan. Phải mời cảnh sát Trung Quốc tới mới mở được máy. Vì toàn bộ thao tác bằng tiếng Trung Quốc.
"Việc giao trả trên cơ sở là không gây thiệt hại cho Việt Nam", Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định.
Thứ trưởng Công an cho biết, đến nay, Trung Quốc phản hồi, trong 395 người Trung Quốc bị phía Việt Nam tạm giữ, hiện Trung Quốc tạm giữ 384 trường hợp để phân tích, điều tra.
"Theo yêu cầu, chúng ta bàn giao nhưng tất cả vấn đề gì có liên quan tới gây án, liên quan tới thiệt hại về phía Việt Nam thì Trung Quốc phải trả lời đáp ứng, thông báo kết quả", ông Vương nói.
Trước đó, vào chiều qua, ĐB Mai Thị Phương Hoa đặt vấn đề về việc lực lượng công an đã khám phá và bắt các vụ đánh bạc trực tuyến qua Internet, trong đó có vụ bắt giữ gần 400 đối tượng người Trung Quốc: "Đề nghị Công an thông tin thêm việc trao trả gần 400 người nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật thực hiện theo quy định nào?".
Cuộc dẫn độ lúc mờ sáng, đưa 395 người Trung Quốc về bên kia biên giới

Cuộc dẫn độ lúc mờ sáng, đưa 395 người Trung Quốc về bên kia biên giới





MỘT HIỆP ĐỊNH MỞ ĐƯỜNG CHO TỘI PHẠM

TÂM DON /BVN 15-9-2019
https://1.bp.blogspot.com/-xQpEtitW32g/XXtAjETnQHI/AAAAAAAAgD4/q455MTrTAtQiBB7OMlMBqLFg9F9CP-psgCLcBGAsYHQ/s640/no%2Bchina.jpg
Dư luận Việt Nam đang phẫn nộ về việc Việt Nam ký kết và thông qua Hiệp ước dẫn độ Việt Nam- Trung Quốc.
Điều gì khiến cộng đồng phẫn nộ? Điều thứ nhất, hiệp định này được ký kết mà không có tính công khai và minh bạch. Điều thứ hai, quan trọng nhất, theo hiệp định này, tội phạm Trung Quốc khi thực hiện hành vi phạm tội ở Việt Nam, nếu bị phía Việt Nam phát hiện và bắt giữ, sẽ nhanh chóng được trao trả- dẫn độ về Trung Quốc để phía Trung Quốc điều tra và xét xử. Điều thứ hai này hoàn toàn đi ngược lại với thông lệ luật pháp quốc tế là, tội phạm người nước ngoài phạm tội ở quốc gia nào sẽ được quốc gia đó xét xử. Bên cạnh đó, cộng đồng còn băn khoăn về việc, nếu người Việt Nam phạm tội ở Trung Quốc liệu có được- bị phía Trung Quốc trao trả- dẫn độ về phía Việt Nam?
Đã có nhiều nghi vấn tại Việt Nam rằng, Trung Quốc đã đưa nhiều tù nhân sang lao động tại các dự án mà Trung Quốc đầu tư ở Việt Nam nhằm tiết kiệm chi phí nhân công. Nghi vấn này nếu là hiện thực sẽ dẫn đến hậu quả đau đớn: Việt Nam là nơi chứa chấp tội phạm, Việt Nam bị cướp công ăn việc làm. Cũng tại Việt Nam đã có nghi vấn rằng, chính quyền Trung Quốc đang dung dưỡng cho các loại hình tội phạm tràn sang Việt Nam để phá hoại Việt Nam theo nhiều cách khác nhau, làm cho Việt Nam mất đi sự ổn định về xã hội và trật tự. Nghi vấn này hoàn toàn có cơ sở khi mà số vụ việc người Trung Quốc vi phạm pháp luật ở Việt Nam ngày càng diễn ra dày đặc, và hoạt động có tổ chức ngày càng tinh vi.
Khi tội phạm Trung Quốc được trao trả- dẫn độ về Trung Quốc, các tòa án ở Việt Nam đã không thể phán quyết các bản án nghiêm khắc dành cho kẻ phạm tội nhằm răn đe và ngăn ngừa tội phạm.
Khi tội phạm Trung Quốc được trao trả-  dẫn độ về Trung Quốc, rất có thể các cấp tòa án ở  Trung Quốc sẽ xét xử nhẹ nhàng, để rồi sau đó, các tội phạm này sẽ quay trở lại Việt Nam dưới một cái tên mới với hộ chiếu mới. Và, Việt Nam lại bị các tội phạm Trung Quốc làm thất điên bát đảo, gây rối loạn trật tự xã hội, và bào mòn ngân sách.
Hiệp định dẫn độ Việt Nam – Trung Quốc rất có thể là một thắng lợi cực kỳ lớn cho chính quyền Trung Quốc và là thất bại cay đắng cho phía Việt Nam.
Theo Tân Hoa xã của nhà nước Trung quốc đưa tin vào cuối tháng 8-2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc vừa phê chuẩn một Hiệp ước dẫn độ với Việt Nam được ký kết từ năm 2015. Cơ quan lập pháp hàng đầu của Bắc Kinh đưa ra quyết định hôm 26-8- 2019 khi phê chuẩn hiệp ước gồm 22 điều khoản, trong đó có các vấn đề như nghĩa vụ dẫn độ, tội phạm đủ điều kiện dẫn độ, quy định từ chối dẫn độ và giải quyết tranh chấp. Cũng theo Tân Hoa xã, Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu thảo luận về hiệp ước dẫn độ từ tháng 10/2013 và hai quốc gia cộng sản láng giềng đã ký hiệp định này vào ngày 7/4/2015 tại Bắc Kinh.
Truyền thông Việt Nam chưa có ghi nhận nào về việc Trung Quốc phê chuẩn Hiệp ước dẫn độ với Việt Nam và cũng không có thông tin về việc hai nước bàn thảo cũng như ký kết hiệp ước này trong những năm qua. Chỉ có hai bài viết trên báo Tuổi Trẻ và Nhân Dân ra ngày 13/11/2017 nói về việc Việt Nam và Trung Quốc tập trung thúc đẩy cho Hiệp định dẫn độ giữa hai nước trong thời gian Chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam.
Vào tháng 8-2019 vừa qua, khi đường dây đánh bạc trực tuyến do gần 400 người Trung Quốc cầm đầu bị công an Việt Nam bắt giữ ở Hải Phòng và nhanh chóng được phía Việt Nam dẫn độ- trao trả cho Trung Quốc, dư luận Việt Nam đã bùng phát giận dữ. Một số quan chức cấp thấp của Việt Nam đã trả lời công luận rằng, nhanh chóng trao trả- dẫn độ về Trung Quốc vì tuân thủ hiệp ước dẫn độ giữa hai nước. Cho đến thời điểm này, phía Việt Nam không công khai việc phê chuẩn hiệu lực của hiệp định vào thời điểm nào.
Việt Nam có thể hèn, có thể thất bại trước Trung Quốc, nhưng láng giềng của Việt Nam là Cambodia thì không. Cambodia xét xử và giam giữ các tội phạm Trung Quốc, không dẫn độ về Trung Quốc trước khi xét xử.
Tòa án tỉnh Banteay Meanchey, Cambodia vào tháng 6-2019 đã xử 12 công dân Trung Quốc về tội bắt cóc 3 người đồng hương thiếu nợ tiền thua bạc.(https://tuoitre.vn/nguoi-trung-quoc-lu-luot-ve-nuoc-khi-campuchia-cam-danh-bac-truc-tuyen-20190911105526535.htm).
Dân số Cambodia chỉ bằng 1/8 dân số Việt Nam, nhưng sự công minh và rạch ròi của Cambodia gấp 8 lần Việt Nam.
T.D.
VNTB gửi BVN 

LIỆU CÓ PHẢI DO 'DẪN ĐỘ' MÀ TỘI PHẠM TRUNG QUỐC TĂNG Ở VIỆT NAM ?

BEN NGO/ RFA/ BVN 20-9-2019


Công an đội nhập nhà trọ ở quận Sơn Trà, tạm giữ nhóm người Trung Quốc thuê trẻ vị thành niên Việt Nam để quay clip sex. Courtesy of Công an Đà Nẵng
Một luật sư nhận định với RFA rằng với việc liên tiếp trao trả tội phạm người Trung Quốc phạm pháp tại Việt Nam thì Hà Nội “không chỉ tự đánh mất chủ quyền quốc gia về quyền tài phán mà còn vô tình biến Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho tội phạm Trung Quốc”.
Tội phạm Trung Quốc tăng ‘đột biến’
Phát ngôn vừa nêu được đưa ra trong bối cảnh thời gian qua tại Việt Nam diễn ra liên tiếp các vụ nghi phạm Trung Quốc tổ chức đường dây đánh bạc, sản xuất ma túy tại các tỉnh thành…
Gần đây nhất, ngày 17/9, Công an quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng bàn giao 34 người Trung Quốc có hành vi hoạt động tội phạm công nghệ cao, thao túng chứng khoán cho cơ quan chức năng để xử lý. Nhóm này gồm 34 người, xin visa vào Việt Nam với mục đích du lịch, sau đó cả nhóm thuê cả khách sạn Chula trên đường Võ Nguyên Giáp, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn để lưu trú.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng tối 14/9 tiến hành bắt khẩn cấp và tạm giam 5 người Trung Quốc và một người Việt Nam (phiên dịch) vì có hành vi lôi kéo các cô gái trẻ, trong đó có cô gái mới 15 tuổi, để quan hệ tình dục và quay clip sex bán trên mạng xã hội.
Ngày 27/7, công an Việt Nam đã bắt giữ hơn 380 công dân Trung Quốc điều hành một đường dây đánh bạc bất hợp pháp tại thành phố cảng Hải Phòng, với số tiền vi phạm lên đến 10.000 tỷ đồng.
Hồi tháng 4/2019, một nhóm 40 người Trung Quốc nghi dùng công nghệ cao để lừa đảo cũng bị bắt giữ tại Nha Trang. Sau đó, công an Đà Nẵng cũng phát hiện 35 người Trung Quốc có hành vi vi phạm sử dụng visa du lịch đến Đà Nẵng nhưng thực tế là thuê nhà và tổ chức đánh bạc qua mạng Internet…
Báo Pháp luật hôm 12/8 dẫn nguồn Bộ Công an cho biết, tính đến tháng 5/2019, hơn 1.400 phạm nhân là người nước ngoài thuộc 30 quốc tịch khác nhau đang chấp hành án hình sự tại Việt Nam. Đa số các phạm nhân bị kết án liên quan đến các tội phạm về ma túy và kinh tế. Số phạm nhân quốc tịch Trung Quốc (bao gồm Đài Loan, Hong Kong, Macao) chiếm khá nhiều… (?!).
‘Mảnh đất màu mỡ cho tội phạm Trung Quốc’
Hôm 17/9, Luật sư Phùng Thanh Sơn, giám đốc điều hành Công ty Luật Thế giới Luật pháp nói với RFA rằng đến thời điểm hiện nay bản thân ông và nhiều đồng nghiệp vẫn chưa tìm được cái mà ông gọi là “hiệp định dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
Luật sư Sơn nói đã tìm nhiều nguồn, kể cả xem lại chương trình nghị sự trước đây của Quốc hội cũng không thấy có nội dung thông qua hiệp định dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam và Trung Quốc. Luật sư Phùng Thanh Sơn nói tiếp:
“Do đó, tôi không thể có câu trả lời rằng vụ án này [nhóm người Trung Quốc thuê các bé gái đóng phim sex] có phải dẫn độ về Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, vụ án thuê phụ nữ, trẻ em Việt Nam đóng phim người lớn này nó khác với vụ án đánh bạc online trước đây. Vụ án đánh bạc trước đây, theo Công an Việt Nam, thì nó chỉ liên quan đến người Trung Quốc. Còn vụ án này, các bị hại là người Việt Nam nên không thể nào trao trả về cho Trung Quốc như vụ án đánh bạc online trước đây”.
“Trong hình sự và hành chính thì không có xung đột pháp luật. Do đó, tổ chức cá nhân người nước ngoài vi phạm pháp luật hình sự, hành chính của Việt Nam thì dứt khoát Việt Nam phải xử lý theo quy định pháp luật Việt Nam, đặc biệt là đối với những người phạm tội mang quốc tịch của những nước có chung đường biên giới với Việt Nam”.
“Ngay cả vụ án chỉ liên quan đến người Trung Quốc nhưng hành vi tội phạm được thực hiện tại Việt Nam thì Việt Nam phải xử lý. Việc Việt Nam trao trả người Trung Quốc phạm tội tại Việt Nam cho Trung Quốc không chỉ Việt Nam tự đánh mất chủ quyền quốc gia về quyền tài phán mà còn vô tình biến Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho tội phạm Trung Quốc. Minh chứng là thời gian một vài tháng gần đây, nhiều vụ án do người Trung Quốc cầm đầu tại Việt Nam tăng đột biến”.
Theo tìm hiểu của RFA, Việt Nam và Trung Quốc hiện chưa công khai việc hai nước có ký kết Luật dẫn độ với nhau hay chưa. Hiện tại, công luận chỉ biết giữa hai nước có ký Hiệp định về tương trợ pháp lý về dân sự và hình sự.
Còn theo VOA Việt ngữ, Quốc hội Trung Quốc hôm 26/8 phê chuẩn hiệp ước gồm 22 điều khoản và theo Xinhua (Tân Hoa Xã), hiệp định này đã được hai nước bắt đầu bàn thảo từ năm 2013 và ký kết năm 2015.
Hôm 12/8, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, nói với RFA:
“Vấn đề tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự hình sự thì Việt Nam đã ký với nhiều nước như Hàn Quốc, Hungary, Bulgaria… trong đó có Trung Quốc, thì đã có rất lâu rồi, công dân nước này có thể hưởng bảo hộ pháp lý trên nước kia… Còn vấn đề dẫn độ là hợp tác tương trợ tư pháp giữa hai nước với nhau, có quyền yêu cầu bắt giữ hoặc chuyển giao người tội phạm. Việc dẫn độ được tiến hành giữa quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu, toàn bộ quá trình thực hiện hoạt động pháp lý này được thực thi theo pháp luật nước sở tại và các điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp”.
‘Điều khó hiểu’
Tối 18/9, Luật sư Phạm Công Út, cựu thẩm phán Tòa án nhân dân quận 8 ở TP.HCM, trả lời RFA: “Trước đây từng có những tội phạm là công dân Trung Quốc liên quan đến việc thuê nhà tại TP.HCM rồi đặt máy trộm cước viễn thông, biến cuộc gọi quốc tế từ Trung Quốc vào Việt Nam thành cước nội mạng do nhiều nhóm tội phạm người Trung Quốc thực hiện. Vụ này gây thiệt hại đặc biệt cho ngành bưu điện của Việt Nam. Họ bị xử tù khá nghiêm khắc dù có sự can thiệp của Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM”.
“Nhưng vài năm gần đây rộ lên việc người Duy Ngô Nhĩ vượt biên giới sang Việt Nam. Sau đó phía Việt Nam giao trả những người này. Rồi thì các vụ thuê phụ nữ Việt Nam đóng phim sex, vụ lừa đảo qua mạng ATM, vụ sản xuất ma túy với lượng tiền chất ma túy rất lớn, đường dây buôn bán trẻ em, tổ chức đánh bạc, bắt cóc do công dân Trung Quốc thực hiện… cũng lại có chuyện Việt Nam chuyển giao những công dân Trung Quốc có hành vi vi phạm pháp luật hình sự cho phía Trung Quốc mà chưa hề có Hiệp định dẫn độ được hai nước ký kết. Việc này khiến dư luận dậy sóng”.
Luật sư Út bình luận thêm: “Điều khó hiểu là phía Bộ Công an Việt Nam chưa có thông cáo báo chí lý do chính thức việc chuyển giao hay dẫn độ tội phạm Trung Quốc là theo đạo luật nào”.
“Có thể có một thỏa thuận chưa chính thức nào đó để các “củi tươi hay củi khô” của Việt Nam đào thoát qua đường Trung Quốc cũng sẽ được trao trả về Việt Nam như cách Việt Nam đã dành cho phía Trung Quốc như nguyên tắc quốc tế “có qua, có lại” cũng không chừng”.
Nhìn lại các vụ việc liên quan đến nghi phạm Trung Quốc phạm pháp trên lãnh thổ Việt Nam thời gian qua, Luật sư Phùng Thanh Sơn đề xuất:
“Theo tôi, để ngăn chặn tội phạm từ các nước có chung đường biên giới nói chung và Trung Quốc nói riêng, Việt Nam chỉ nên chấp nhận dẫn độ đối với những người đã thực hiện hành vi tội phạm ở nước ngoài nhưng đang có mặt trên lãnh thổ Việt Nam. Đối với hành vi tội phạm được thực hiện tại Việt Nam thì Việt Nam phải xử lý”.
Luật sư Sơn cho rằng Việt Nam không nên tự ràng buộc bằng các điều ước quốc tế song phương với Trung Quốc để phải trao trả người Trung Quốc phạm tội tại Việt Nam về Trung Quốc. Nếu Trung Quốc muốn gây rối an ninh, an toàn xã hội của Việt Nam thì họ thả tội phạm của họ qua Việt Nam hoặc khuyến khích công dân của họ sang Việt Nam gây án. Nếu bị cơ quan chức trách của Việt Nam bắt thì họ sẽ yêu cầu dẫn độ về Trung Quốc rồi sau đó sẽ trả tự do. Việt Nam thì không thể nào biết được là Trung Quốc có xử lý hình sự và thi hành án những người được dẫn độ đó trên thực tế hay không.
B.N.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét