Thứ Ba, 24 tháng 9, 2019

20190924. QUANH CHUYỆN XÂY DỰNG LUẬT CỦA QUỐC HỘI

ĐIỂM BÁO MẠNG

'CÀI CẮM CHÍNH SÁCH VÀ CÂU CHỮ' ĐỂ BẪY AI ?

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 21-9-2019

Tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến kéo dài từ 09/09/2019 đến 20/09/2019, một trong các nội dung họp là xem xét cho ý kiến về các nội dung về 12 dự án luật.
Trong đó có 4 dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua và 8 dự án luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu.
Sáng 10/09/2019, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật thanh niên (sửa đổi), theo ông Tân "một số quy định của luật (hiện hành - NV) khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác,… nên cần phải sửa đổi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định bà "ủng hộ thanh niên" nhưng những chính sách trong này quy định thiếu tính đặc thù”.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: "Tôi đọc luật này lại thấy đòi hỏi nhiều quá, đòi hỏi quyền lợi cho thanh niên nhiều mà đề cập đến nghĩa vụ của thanh niên thì lại ít.
Tôi thấy luật này thay từ “thanh niên” thành "công nhân" hay "công dân" đều đúng vì đều có nghĩa vụ như vậy. Dự thảo luật này khẩu hiệu nhiều lắm, thiếu tính cụ thể". [1]
Ảnh minh họa: ITN/ Daibieunhandan.vn
Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ đề nghị Quốc hội “đổi vai” trong quá trình làm luật.
Cụ thể là giao cho người/cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.
Đề xuất mà ông Long trình bày không nhận được sự đồng tình của một số vị lãnh đạo Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Quốc hội là cơ quan ban hành luật theo quy định của Hiến pháp và không thể “đổi vai”.
Sau Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), ông Dũng nêu quan điểm của Chính phủ:
“Thực tiễn triển khai các dự án PPP trong thời gian qua cho thấy việc đầu tư theo phương thức này PPP tại nước ta vẫn còn nhiều rủi ro do đó cần xem xét có cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, bao gồm rủi ro của thị trường và rủi ro có nguyên nhân từ các tác động của quyết định hành chính” đối với nhà đầu tư. [2]
Đề xuất của Bộ Kế hoạch Đầu tư lập tức nhận được ý kiến của hai vị Chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội:
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu câu hỏi: “Tại sao lại đặt vấn đề về cơ chế rủi ro về doanh thu trong lĩnh vực này. Ở đây là vấn đề trong hợp đồng thôi nên nếu để cơ chế này là rất dở”.
Theo bà Nga bản chất các dự án BOT là hợp đồng, do đó, khi ký hợp đồng thì cơ quan nhà nước phải ký cho đúng, chứ không phải làm sai rồi lại chia sẻ rủi ro.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nói thẳng:
“Chúng ta là nước nông nghiệp nhưng đối với nông dân chúng ta đã có chính sách chia sẻ rủi ro với nông nghiệp chưa mà bây giờ đến vấn đề PPP ta lại đặt ra vấn đề chia sẻ rủi ro?”.
Việc nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với các dự án luật được các Bộ trưởng thay mặt Chính phủ trình bày nói lên điều gì?
Một dự thảo luật trước khi trình Quốc hội phải qua rất nhiều bước, chuyên viên soạn thảo, lãnh đạo Bộ và Chính phủ phê duyệt, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng lấy ý kiến nhân dân và các chuyên gia rồi sửa chữa, chỉnh lý,…
Việc trình dự án luật với những khiếm khuyết ra Quốc hội cho thấy hoặc là công tác soạn thảo luật chưa được coi trọng hoặc đã được coi trọng song năng lực, trình độ của đội ngũ tham gia xây dựng dự án luật chưa đáp ứng nhu cầu.
Chính phủ có 18 bộ và 04 cơ quan ngang bộ (Văn phòng, Thanh tra, Ngân hàng nhà nước và Ủy ban dân tộc), trong một kỳ họp phải trình ra 12 dự án luật liệu có phải là quá nhiều trong khi “Trình dự án luật, dự án ngân sách nhà nước và các dự án khác trước Quốc hội; trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội,…” chỉ là một phần nhỏ trong 08 nhiệm vụ và quyền hạn giao cho Chính phủ theo quy định tại điều 96 Hiến pháp 2013?
Tạm gác sang một bên những khiếm khuyết (nếu có) về năng lực soạn thảo dự án luật, câu hỏi đặt ra là có sự cài cắm lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng luật pháp hay không?
Báo Nhân Dân điện tử trong bài “Tháo gỡ “bẫy” trong chính sách” viết:
“Trong một phiên họp hồi đầu năm nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã cảnh báo, trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật có tình trạng “cài cắm câu chữ để bẫy doanh nghiệp…
Xây dựng cơ chế chính sách nên chăng cần tính đến việc, một mặt đăng tải công khai, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động, mặt khác cũng cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát nguy cơ cài cắm trong xây dựng pháp luật, xây dựng quy trình quản lý”. [3]
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì cho rằng: “Chất lượng dự án luật không được cơ quan trình, cơ quan soạn thảo chuẩn bị kỹ, đặc biệt là tình trạng "cài cắm chính sách" vào dự luật”. [4] 
“Cài cắm câu chữ để bẫy doanh nghiệp” là phát biểu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, vấn đề là ông Mai Tiến Dũng không giới hạn “doanh nghiệp” bị “bẫy” là loại doanh nghiệp nào bởi nhiều loại hình doanh nghiệp đang tồn tại như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân (trong nước), doanh nghiệp liên doanh giữa nước ngoài và nhà đầu tư Việt và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài…
Nếu việc “cài cắm câu chữ” chỉ giới hạn cho khối doanh nghiệp thì phạm vi ảnh hưởng của “cài cắm chính sách” rộng hơn rất nhiều bởi không chỉ doanh nghiệp mà mọi đối tượng trong xã hội đều bị chi phối kể cả cơ quan soạn thảo luật và cơ quan ban hành luật.
Chẳng hạn đề xuất “đổi vai” không phải chỉ nhằm đến Quốc hội mà còn các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật địa phương tức là Hội đồng nhân dân các cấp.
Lời cảnh báo trên báo điện tử Nhandan.com.vn [3] được đưa ra từ hơn một năm trước thế nhưng một số dự án luật đưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn cố tình “cài cắm chính sách” khiến một số vị lãnh đạo Quốc hội phải lên tiếng.
Vì sao lại như vậy?
“Lợi nhuận lên đến 300% thì treo cổ người ta vẫn làm” liệu có phải là gợi ý câu trả lời cho câu hỏi nên trên?
Giả thiết Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được thông qua và áp dụng vào các dự án BOT giao thông  thì điều gì sẽ xảy ra?
Về phía các bộ, ngành: Nếu người/cơ quan thẩm định, phê duyệt dự án vì lý do nào đó để tồn tại các vấn đề bất hợp lý, khi dự án đi vào hoạt động, bị doanh nghiệp kêu cứu và xã hội phản đối, buộc phải “chia sẻ rủi ro” thì ngân sách sẽ phải gánh chịu chứ không phải người làm sai phải bồi thường.
Về phía doanh nghiệp: bằng mọi cách kiếm được dự án, khi vận hành lãi thì bỏ túi còn làm ăn thua lỗ đã có ngân sách chia sẻ rủi ro.
Tình trạng bỏ thầu thấp để giành dự án rồi sau đó tìm cách đòi tăng vốn lên gấp nhiều lần xảy ra như cơm bữa tại Việt Nam mà dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là một ví dụ. Cho đến nay chưa thấy công bố hình thức xử lý các đối tượng liên quan?
Với các dự án BOT, liệu đây có phải là một kiểu hợp đồng kinh tế - kỹ thuật bị chi phối bởi sự định hướng của kinh tế thị trường chứ không phải các hợp đồng làm ăn theo thông lệ quốc tế?
Tháng 8 năm 2017, sau khi tiến hành thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ 100% các dự án BOT giao thông đều là chỉ định thầu, không đấu thầu rộng rãi theo quy định. Kết luận thanh tra là:
“Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm chung, toàn diện đối với những nội dung theo quy định thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó là việc quyết định đầu tư dự án, phương án thu phí bất hợp lý, phê duyệt tổng mức đầu tư sai lệch, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng thiếu chặt chẽ.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm liên quan đến việc thu phí chưa hợp lý, thỏa thuận việc đặt trạm thu phí chưa đảm bảo nguyên tắc”. [4]
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng “Yêu cầu 2 bộ này phải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan”.
Vậy phải chăng phía sau dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) mà Bộ Kế hoạch Đầu tư trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thấp thoáng bóng dáng của hai Bộ và các cá nhân mà Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng xem xét trách nhiệm?
Không ít bài báo đề cập tại Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện tình trạng cán bộ, công chức làm việc cầm chừng vì sợ mắc sai phạm nhưng có phải chỉ như thế hay còn chuyện người ta “cầm chừng” vì chưa hoặc không thể “cài cắm chính sách”?
Phát huy nội lực thông qua việc động viên nhà đầu tư bỏ vốn và công trình là cần thiết song nếu không minh bạch, nếu các dự án không công khai, nếu giá điện, xăng dầu vẫn bị đóng dấu “mật” thì làm sao để biết thực chất doanh nghiệp lỗ hay lãi?
Vậy phải chăng “cài cắm chính sách” vào luật là một giải pháp nhằm bảo vệ cán bộ hoặc cơ quan công quyền, là chiếc bùa hộ mệnh nếu “nhỡ tay” ký các hợp đồng gây thiệt hại cho nhà nước hoặc bất lợi cho nhóm lợi ích mà ai đó là “thành viên giấu mặt”?
Tài liệu tham khảo:
[1] //tuoitre.vn/luat-thanh-nien-nen-bot-khau-hieu-20190910095525539.htm
[2] //thanhnien.vn/thoi-su/nong-dan-thua-lo-thi-bao-rang-chiu-ma-bot-lai-chia-se-rui-ro-doanh-thu-1126793.html?fbclid=IwAR3xSEbudESkHgS-gdPdS_5H9hhvZc3bZAaLFRzrZvSaUHFRFTnD_TkZvE8
[3] //www.nhandan.com.vn/cuoituan/goc-nhin-kinh-te/item/36933502-thao-go-%E2%80%9Cbay%E2%80%9D-trong-chinh-sach.html
[4] //thanhnien.vn/doi-song/bot-giao-thong-nhieu-khuat-tat-866966.html
Xuân Dương
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

VÌ SAO QUAN CHỨC QUỐC HỘI 'BỨC XÚC' LUẬT BIỂU TÌNH ?

PHẠM CHÍ DŨNG/ BVN 22-9-2019

Khoảng 10 nhà hoạt động biểu tình về vụ Bãi Tư Chính ở phía trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, 6/8/2019. Hình minh họa.
Khi Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đứng lên đặt câu hỏi: ‘Tại sao chưa ban hành được Luật biểu tình?’ – một vấn đề mà đảng cầm quyền luôn xem là cực kỳ nhạy cảm và liên đới tới ‘âm mưu lật đổ chính quyền’ – với vẻ bức xúc không đến nỗi bị người dân nghi ngờ là giả tạo, cử tọa đã không thấy sếp của ông ta là Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phản ứng gì.
Cũng không thấy bà Ngân vội vã cắt ngang lời ông Lưu như cái cách nữ quan chức này đã thô bạo ‘chặn họng’ những đại biểu Quốc hội dám tọc mạch hỏi về về ‘luật bán nước’ (một hỗn danh mà dân gian đặt cho dự luật Đặc khu) và vụ phân bón giả Thuận Phong tại kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2019.
Từ ‘câm như hến’ đến câu hỏi bất ngờ
Câu hỏi của ông Uông Chu Lưu phát ra tại phiên họp thứ 37 sáng ngày 11/9/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo báo cáo 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 (2014-2019).
Theo ông Uông Chu Lưu, trong báo cáo của Chính phủ có 3 luật đã nằm trong kế hoạch nhưng vẫn chưa được ban hành, đó là Luật về Hội, Luật Biểu tình và Luật Hiến máu. Ông Lưu đề nghị Chính phủ cần xác định lộ trình ban hành chứ không nên để tình trạng này kéo dài.
Trước đó, những đề xuất cần có luật Biểu tình chỉ xuất phát từ một vài đại biểu Quốc hội, trong khi toàn bộ giới lãnh đạo cơ quan này đều ‘câm như hến’ – một cách sao y biểu cảm trước vụ các giàn khoan và tàu Trung Quốc lao vào Biển Đông như một cái tát vào mặt Bộ Chính trị đảng CSVN. Bởi thế, sự bức xúc của ông Uông Chu Lưu là hiếm có.
Sự thật ‘phản động’
Về thực chất, câu hỏi trên của ông Uông Chu Lưu là rất có ‘cơ sở thực tiễn’, được bắt đầu bằng một sự thật hết sức bôi bác, thậm chí còn hết sức ‘phản động’: Vào năm 2011, thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng đã giao cho Bộ Công an – cơ quan bị xem là ‘công an trị’ và chuyên trấn áp, đàn áp những cuộc xuống đường vì môi sinh môi trường của người dân, ‘chịu trách nhiệm soạn thảo Luật Biểu tình’.
Kể từ đó đến nay, đã quá nhiều lần Bộ Công an thập thò bộ luật này vào mỗi lúc mà chế độ độc trị phát hiện ra triển vọng một hiệp định thương mại quốc tế – hoặc TPP (Hiệp định đối tác thương mại Xuyên Thái Bình Dương, sau này chuyển thành CPTPP), hoặc Hiệp định thương mại Việt – Mỹ, hoặc EVFTA (Hiệp- định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam).
Nhưng sau khi đã ‘ăn đủ’ hoặc cám cảnh vì ‘mất ăn’, đã quá nhiều lần cơ quan bộ này yêu cầu hoãn Luật Biểu tình khi nại ra lý do: “Trong quá trình soạn thảo có một số nội dung phát sinh cần tiếp tục đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, khảo sát thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế như khái niệm “biểu tình,” “quyền tự do biểu tình,” “nơi công cộng,” “tụ tập đông người”…; phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật (có bao gồm cả việc tổ chức mít-tinh, biểu tình do Đảng, Nhà Nước, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức; việc khiếu kiện đông người, đình công, bãi công, bãi thị, bãi khóa hay không); vấn đề áp dụng các biện pháp trấn áp tương xứng, có hiệu quả đối với hành vi lợi dụng biểu tình vi phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình biểu tình…”.
Thực tế thời gian còn cay đắng hơn nữa: quyền biểu tình đương nhiên của người dân – được quy định rõ ràng trong Hiến pháp năm 1002, đã bị ‘treo cổ’ đến hơn một phần tư thế kỷ qua.
Đã có quá đủ căn cứ để thấy rằng việc cố tình kéo dài thời gian soạn thảo dự luật biểu tình của Bộ Công an là hành vi tắc trách công vụ, vi phạm vào Điều 4 của nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 do chủ tịch Quốc Hội ký ban hành tại kỳ họp thứ 7 vào tháng Sáu năm 2014.
Vì sao Nguyễn Thị Kim Ngân ‘bức xúc’?
Tháng 3 năm 2019, chính phủ của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa lấp ló: “Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Biểu tình bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước ta”.
Khi đó, một lần nữa trong quá nhiều lần bộ luật quyền dân này bị chính phủ từ thời ‘nắm chắc ngọn cờ dân chủ’ của Nguyễn Tấn Dũng đến ‘liêm chính, kiến tạo, hành động’ của Nguyễn Xuân Phúc, cùng ‘cơ quan dân cử tối cao’ là Quốc hội lợi dụng như một thứ mồi nhử nhân quyền để mặc cả thương mại với Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu – liên quan đến TPP vào những năm 2014 – 2016, và EVFTA đang trong giai đoạn ‘chuẩn bị ký kết’ vào những năm 2018 – 2019.
Cũng vào khoảng thời gian trên, Nguyễn Thị Kim Ngân vừa kết thúc chuyến đi châu Pháp và Bỉ vào cuối tháng 3 năm 2019 để vận động cho EVFTA. Ngay sau khi về nước, bà Ngân đã chủ trì một phiên họp Quốc hội. Được báo Sài Gòn Giải phóng tường thuật, bà Ngân đã tỏ ra rất sốt ruột về việc chưa nhận được hồ sơ trình dự án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, trong khi chương trình xây dựng pháp luật năm 2019 đã có dự án này. “Chúng ta đã cam kết với Nghị viện châu Âu về thời hạn xem xét sửa đổi Bộ luật Lao động. Đó chính là cơ sở quan trọng để Nghị viện châu Âu xem xét thông qua Hiệp định EVFTA, vậy mà bây giờ các bước cần thiết vẫn chưa được tiến hành. Thay vì trình hồ sơ dự án thì cơ quan trình lại chỉ báo cáo, xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ quốc hội về một số vấn đề, như thế có phải là làm ngược quy trình hay không?!” – bà Ngân bức xúc.
Không chỉ yêu cầu Việt Nam phải sửa Bộ luật Lao động, Nghị viện châu Âu còn đòi hỏi chính thể Việt Nam phải cải thiện nhân quyền liên quan đến nhiều vấn đề khác như ban hành luật về Hội và luật Biểu tình. Nhưng những nội dung này đương nhiên chưa bao giờ được hệ thống báo đài quốc doanh và giới quan chức Việt Nam thông tin chính thức cho người dân.
Nhưng dù gì, kể từ thời điểm Hội đồng châu Âu buộc phải hoãn việc ký kết hai hiệp định EVFTA và EVIPA (Hiệp định bảo hộ đầu tư) với Việt Nam vào tháng 2 năm 2019, với nguồn cơn thực chất là vô số vi phạm nhân quyền của Việt Nam, giới chóp bu Hà Nội đã không còn dám coi thường những đòi hỏi cải thiện nhân quyền của Nghị viện châu Âu, nằm trong bản nghị quyết chuyên về nhân quyền Việt Nam mà cơ quan nghị viện này đã tung ra vào tháng 11 năm 2018 với rất nhiều nội dung chi tiết. Sau đó và dù EVFTA và EVIPA đã được ký kết vào tháng 6 năm 2019, không có gì chắc chắn là hai hiệp định này sẽ được Nghị viện mới của châu Âu bỏ phiếu thông qua vào đầu năm 2020, nếu chính thể độc tài ở Việt Nam vẫn trí trá lươn lẹo không chịu cải thiện nhân quyền.
Cũng kể từ thời điểm đầu năm 2019 cho tới nay, đã hình thành một khoảng cách đủ lớn giữa hai cơ quan quốc hội và chính phủ Việt Nam – liên quan đến những yêu sách cải thiện nhân quyền của Nghị viện châu Âu. Trong lúc Nguyễn Thị Kim Ngân thực sự sốt ruột bởi bà ta có thể sẽ mất mặt vì đã cam kết với Cộng đồng châu Âu và những nước trong khối Liên minh châu Âu (EU) về ‘Việt Nam sẽ cải thiện nhân quyền’, thì hàng loạt dự luật về quyền con người do chính phủ và các bộ ngành ‘soạn thảo’ vẫn chưa đâu vào đâu, nếu không muốn nói là vẫn nằm trong ngăn kéo đầy bụi bặm.
Minh họa điển hình cho quá trình soạn thảo đầy giả dối như thế là Bộ luật Lao động sửa đổi. Vào thời điểm Nguyễn Thị Kim Ngân ‘bức xúc’, một ‘bí mật’ đã lộ hẳn ra: suốt từ cuối năm 2018 – thời điểm tái khởi động quy trình ‘chuẩn bị ký kết và phê chuẩn EVFTA’ cho đến khi đó, các bộ ngành đã gần như không làm gì cả đối với việc sửa đổi nội dung của Bộ luật Lao động để đáp ứng đòi hỏi của Hiệp định EVFTA.
Còn thực chất đằng sau động thái chính phủ giao Bộ Công an nghiên cứu xây dựng Luật Biểu tình chỉ là sự tiếp nối của một chuỗi động tác đối phó và ma mị nhằm đạt được mục tiêu ký kết và phê chuẩn EVFTA ngay trong năm 2019. Mà chưa có gì được xem là ‘thành tâm’.
Nhưng thủ đoạn trí trá, giảo hoạt và lươn lẹo ấy lại luôn là một sai lầm về sách lược của ‘đảng và nhà nước ta’.
Bởi lẽ đơn giản là với một Bộ Công an – còn được biệt danh là ‘bộ đàn áp nhân quyền’, quá tai tiếng về đàn áp biểu tình và vô số vấn nạn tra tấn người dân – việc giao cho bộ này làm Luật Biểu tình, trong khi đúng ra phải giao cho Bộ Nội vụ, là quá bất hợp lý, chẳng khác nào ‘giao trứng cho ác’ và tiếp thêm một mồi lửa thách thức EU và các chính phủ tiến bộ trên thế giới.
Sẽ ra luật để đàn áp biểu tình sắt máu hơn?
Cho dù Luật Biểu tình có được thông qua trong năm 2019 hoặc năm 2020, thì với những nội dung dự thảo luật chỉ siết không mở của Bộ Công an, thậm chí còn có thể hợp thức hóa cho hành vi của các ‘lực lượng công quyền’ đánh đập tra tấn người dân một cách côn đồ và lưu manh, sẽ chẳng có bất kỳ ích lợi nào cho người biểu tình ở Việt Nam, nếu không muốn nói là những cuộc biểu tình dân sinh có thể sẽ bị chế độ công an trị dìm trong biển máu.
Thậm chí chế độ công an trị ở Việt Nam còn tự cho nó quyền trấn áp cả những cuộc tụ tập đông người “không có yếu tố chính trị”. Một vụ việc đáng căm phẫn, xảy ra ngay sau ngày quốc khánh Việt Nam, là rất điển hình cho não trạng kiêu binh và đàn áp như thế.
Vào ngày 10/9/2019, một đám đông hâm mộ đi đón nam diễn viên Hàn Quốc Ji Chang Wook đã bị lực lượng an ninh sử dụng nhiều biện pháp mạnh như hú còi báo động, sử dụng bình chữa cháy, dùi cui chích điện để trấn áp, giải tán.
Đó là lần đầu tiên người dân chứng kiến cách hành xử bạo lực của cảnh sát với những trường hợp tụ tập đông người “không có yếu tố chính trị” như thế, trong khi đám đông là các fan trẻ yêu điện ảnh Hàn Quốc, không gây rối, không biểu tình, không bạo động, có chăng là sự cuồng nhiệt của tuổi trẻ với thần tượng.
Tại sao phải đàn áp?
Nhiều người dân đều có cùng nhận định là cảnh sát đã quen thói bạo lực, lạm quyền nên cư xử với dân khốn nạn đến thế!
P.C.D.
Tác giả gửi BVN 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét