Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

20190923. BÀN VỀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG DNNN

ĐIỂM BÁO MẠNG

HIỆU QUẢ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC: NGHẼN Ở CEO ?
VÕ ĐÌNH TRÍ/ TBKTSG 20-9-2019


(TBKTSG) - Song song với việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì cần có những tổng giám đốc/giám đốc (CEO) thực thụ ở các DNNN. Khi mục tiêu đã được xác lập, việc còn lại là có quyết tâm chính trị làm hay không.

Rất nhiều CEO của DNNN hiện nay đội cả ba chiếc mũ: đại diện vốn của Nhà nước (hội đồng quản trị), điều hành doanh nghiệp, và lãnh đạo tổ chức Đảng ở doanh nghiệp. Ảnh Lê Anh.

Sau Nghị quyết số 12-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN(1), nhiều văn bản pháp lý, chỉ đạo đã được ban hành bởi Quốc hội, Chính phủ. Tuy vậy, việc cải tổ mạnh mẽ DNNN dường như chỉ được thực hiện trên giấy tờ. Cho đến nay, hiệu quả của nhiều DNNN rất thấp so với nguồn lực được đầu tư, có khi còn là gánh nặng của ngân sách.

Vai trò mờ nhạt của CEO... 3 trong 1
Một thực tế hiện nay, mặc dù tính trung bình, các DNNN có quy mô về doanh thu và tài sản lớn hơn so với các khu vực kinh tế khác nhưng một số chỉ số hiệu quả như doanh thu/vốn, lợi nhuận/tài sản (ROA) lại thấp. Nhiều doanh nghiệp có ROA còn thấp hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng, thậm chí lạm phát trong năm.
Rất nhiều CEO của DNNN hiện nay đội cả ba chiếc mũ: đại diện vốn của Nhà nước (hội đồng thành viên/hội đồng quản trị), điều hành doanh nghiệp, và lãnh đạo tổ chức Đảng ở doanh nghiệp. Vừa là chủ vừa là người điều hành thì động lực cho việc quan tâm đến vấn đề người đại diện (principal-agent problem) là không có.
Với chiếc mũ thứ ba là lãnh đạo tổ chức Đảng ở doanh nghiệp, vị trí này đòi hỏi nhiều kỹ năng chính trị và phần lớn các CEO DNNN giỏi việc này hơn là lãnh đạo điều hành doanh nghiệp theo mục tiêu hiệu quả và tăng trưởng. Những khéo léo, kết nối về chính trị vẫn giúp được các CEO giữ được vị trí của mình, và giữ cho doanh nghiệp được tồn tại. Điều này khiến cho nhiều CEO chủ quan, tập trung và đầu tư nhiều hơn cho các kỹ năng chính trị thay vì các kỹ năng lãnh đạo, điều hành của một CEO thực thụ để đưa doanh nghiệp đi lên. 
CEO trong chiếc áo chật thể chế
Nhưng các CEO DNNN không hoàn toàn là cá mè một lứa. Vẫn có những CEO ngày đêm trăn trở để đưa doanh nghiệp đi lên, đảm bảo ngày càng tốt hơn đời sống của người lao động, có trách nhiệm cao với nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Có điều, những CEO này thường là những người bị cảm thấy bức bối, chật chội trong khung thể chế hiện hành. Đó là những bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật, các hướng dẫn mà cho đến nay, bàn bạc nhiều nhưng vẫn chưa giải quyết rốt ráo. Thêm vào đó, việc áp dụng, thực thi các quy định còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người đại diện cơ quan quản lý nhà nước, dễ xảy ra trường hợp “thật thà thẳng thắn thường thua thiệt”. Sự chật chội của thể chế còn có ở sự lạm quyền can thiệp trong chỉ đạo của cấp quản lý bên trên, cả về mặt Đảng lẫn chính quyền.
Thực tế như vậy khiến cho các CEO muốn làm tốt, đột phá cũng phải ngại ngần vì sợ vướng sai phạm, mà bẫy sai phạm thì nhiều vô kể vì các quy định chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chưa kịp sửa đổi. Từ đó, tâm lý chủ yếu là cầu toàn, an phận, hoàn thành các chỉ tiêu về chính trị hơn là chỉ tiêu sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Để CEO thực sự là một thuyền trưởng giỏi
DNNN giữ vai trò then chốt trong một số ngành, lĩnh vực là chủ trương đúng đắn cần quán triệt và thực hiện hiệu quả. Việc cải tổ sắp xếp các DNNN không hiệu quả, không còn giữ vai trò trọng yếu cần quyết liệt hơn và có thời hạn cụ thể rõ ràng. Cùng với việc đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cấu trúc thì việc tìm kiếm, bổ nhiệm CEO thực thụ cho DNNN là điều cần làm gấp và ưu tiên.
Thực ra từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc hội đồng thành viên/hội đồng quản trị các DNNN được thuê CEO, nhưng cho đến nay vẫn còn bế tắc. Ở một số DNNN, đã có hợp đồng ủy quyền đối với người đại diện phần vốn nhà nước, có chế độ hợp đồng lao động với CEO doanh nghiệp thành viên nhưng việc này vẫn là hình thức.

Vì thế, muốn các DNNN có CEO thực sự như một thuyền trưởng giỏi để điều hành, dẫn dắt doanh nghiệp thì phải làm các việc như sau.
Thứ nhất, phải có hợp đồng quy định quyền và trách nhiệm cụ thể của CEO, so với các doanh nghiệp cùng ngành, từ các khu vực kinh tế khác, trong nước và trong khu vực ASEAN. Cơ chế thưởng phạt rõ ràng, dựa trên hiệu quả kinh doanh và có thể bãi nhiệm khi không đạt được mục tiêu đề ra.
Thứ hai, cần tách bạch giữa vai trò chủ sở hữu (đại diện vốn nhà nước), người điều hành, và vai trò chính trị trong tổ chức. Chủ tịch hội đồng thành viên/hội đồng quản trị và người đứng đầu tổ chức Đảng ở doanh nghiệp có thể là một, nhưng CEO nên là một người khác, độc lập, được tuyển chọn và bổ nhiệm hay sa thải qua cạnh tranh công khai minh bạch.
Thứ ba, sự can thiệp (nếu có) về mặt chính trị chỉ được liên quan đến hiệu quả của doanh nghiệp, CEO cần được tự chủ nhiều nhất có thể và chịu trách nhiệm về công tác lãnh đạo điều hành của mình. Ở nhiều nước phát triển, vị trí CEO của các tập đoàn, doanh nghiệp có vốn nhà nước đều là những người có năng lực thật sự, tốt nghiệp từ những trường danh giá, và được lựa chọn bổ nhiệm vì sự phát triển của doanh nghiệp, vì hình ảnh của quốc gia.
Cải tổ mạnh mẽ DNNN là việc cấp bách mà Đảng và Chính phủ cần ưu tiên quyết liệt, càng chậm trễ thì thiệt hại về kinh tế càng lớn. Tăng hiệu quả của các DNNN là tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, góp phần lớn vào tăng trưởng và đảm bảo tốt hơn các chính sách an sinh xã hội. 
(1) Bao gồm công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước; công ty cổ phần, công ty TNHH có vốn nhà nước lớn hơn 50%; toàn bộ các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thành viên cấp 1, 2, 3, 4

ĐỊNH VỊ LẠI SỨ MỆNH CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC 
CHÂU PHAN/ VNE/ TBKTSG 22-9-2019

LTS: Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, thể hiện thêm một bước quyết tâm của Chính phủ với định hướng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Song song với quá trình đó, việc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả các DNNN còn lại cũng đã được Đảng, Nhà nước đặt ra. Làm thế nào để nâng cao hiệu quả của DNNN tiếp tục là câu hỏi quan trọng trước thực tế nhiều DNNN làm ăn không hiệu quả hiện nay.
Doanh nghiệp nhà nước - “không phải đầu cũng phải tai”. Ảnh: THÀNH HOA
Trong Hội nghị chuyên đề trực tuyến của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương ngày 9-9-2019 về tình hình triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình hỏi các lãnh đạo DNNN: “DNNN là then chốt, có nhất trí thế không?”. Theo báo chí tường thuật thì đáp lại câu hỏi này là sự im lặng. Phải gần hai giờ sau mới có một người trả lời rằng “không phải đầu cũng phải tai”(*).
Cũng trong hội nghị, ông Bình khẳng định DNNN là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội(*).
Sứ mệnh mâu thuẫn
Trích dẫn hai nội dung như vậy trong hội nghị nói trên trên để thấy trước hết về phần vai trò, sứ mệnh của DNNN, thực chất là gánh nặng trách nhiệm, nghĩa vụ mà DNNN phải đáp ứng, hoặc được kỳ vọng từ phía “trên”, là quá nhiều. Quan trọng hơn, các nghĩa vụ này có phần mâu thuẫn với nhau, khó có thể “chung sống hòa bình”.
Cụ thể, là công cụ để ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát thì thường sẽ có nghĩa là DNNN phải “mua đắt”, “bán rẻ”, ví dụ tăng giá mua nông sản để hỗ trợ nông dân nhưng lại phải bán giá rẻ hơn thị trường như kiểu cửa hàng “bình ổn giá”. Kinh doanh kiểu này tất nhiên lãnh đạo doanh nghiệp có tài đến mấy thì vẫn không tránh khỏi thua lỗ, trừ khi được Nhà nước bù đắp thua lỗ bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hoặc gián tiếp sử dụng ngân sách. Nếu như vậy thì DNNN sẽ không thể thực hiện tròn vai nghĩa vụ thứ hai là tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, bởi một mặt thì DNNN đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ thì lấy đâu ra tiền mà đóng góp cho ngân sách. Ngược lại, ngân sách lại phải bỏ ra để bù đắp cho DNNN khỏi thua lỗ.
Muốn DNNN tồn tại và lớn mạnh thì buộc phải định vị lại trách nhiệm và quyền hạn của DNNN theo hướng biến DNNN thành doanh nghiệp đơn thuần theo đuổi lợi nhuận với nguồn vốn công cộng nhưng được quản lý theo những nguyên tắc thị trường bởi những con người am tường kinh doanh hoạt động trong khuôn khổ pháp luật như đối với các doanh nghiệp tư nhân khác.

Nói như vậy để thấy ngay việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của DNNN thôi đã có vấn đề, để rồi từ đó lại tiếp tục nảy ra nhiều vấn đề khác trên thực tế liên quan đến DNNN.Tương tự như vậy, một mặt DNNN phải đối mặt với thương trường, cạnh tranh khốc liệt trong và ngoài nước, nhưng mặt khác vẫn phải đóng góp vào các nhiệm vụ chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng... Tức là cùng lúc phải căng mình làm nhiều việc mà việc nào cũng phải làm tốt thì không “vật vờ” mới là lạ.
Quyền lợi, quyền hạn cũng mâu thuẫn
Về các loại quyền đối với DNNN, câu phát biểu “không phải đầu cũng phải tai” cũng đủ tóm tắt những sự “tréo ngoe”. DNNN bị hạn chế quyền tự chủ, nhiều thứ muốn quyết không được mà phải “xin ý kiến trên”. Nếu làm đúng theo tinh thần ông Bình giục giã trong hội nghị (“…dồi dào niềm tin, cũng như ra trận, thiếu niềm tin thì không thể thắng. Phải có niềm tin để từng bước gây dựng lại hình ảnh tốt đẹp của DNNN”), hay câu giục giã của một vị lãnh đạo trước đây đối với Vinashin (táo bạo hơn nữa) thì sự mạnh dạn, tự tin, táo bạo, dám nghĩ dám làm dễ trở thành họa không chỉ cho bản thân lãnh đạo doanh nghiệp, DNNN, mà còn cho cả nền kinh tế, kể cả khi sự táo bạo, tự tin này xuất phát từ động cơ trong sạch.
Sự ràng buộc về pháp luật, cơ chế, sự trì trệ, lạc hậu nhưng quá... thừa thãi của đội ngũ công chức quản lý DNNN là một số trong những yếu tố trói chân trói tay DNNN muốn “làm lớn” trong khi lại tạo ra những cơ hội béo bở cho lãnh đạo DNNN cấu kết với một bộ phận công chức quản lý trục lợi của công.
Lối thoát
Khi mời tác giả tham gia diễn đàn này, tòa soạn báo có nêu câu hỏi là làm thế nào để nâng cao tính hiệu quả của DNNN. Với câu hỏi “đau đáu” như vậy thì trước khi trả lời, cần phải hỏi lại là hiệu quả ở mặt nào. Nhưng e rằng hỏi thế thì làm khó quá nên xin trả lời hộ luôn vậy.
Như trên đã nêu, trước sự “đa nhiệm” đầy mâu thuẫn trong khi “nhất cử nhất động” đều phải xin phép ai đó trong một thời gian có khi bất định nếu không muốn bị truy tố tội có nội hàm như tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” thì chẳng thể nào có phép màu, lời giải nào để đạt hiệu quả trên bất cứ phương diện nào.
Nhận diện vấn đề rõ như vậy rồi thì cũng sẽ nhìn thấy lối thoát. Về mặt nghĩa vụ, phải xác định, định vị rõ DNNN có trách nhiệm, nghĩa vụ gì. Về mặt này, gợi ý cho câu trả lời nằm ở chữ “doanh nghiệp”. Đã là doanh nghiệp thì dứt khoát phải đặt chữ “lợi nhuận” lên hàng đầu, và cũng chỉ duy nhất chữ này mà thôi, chỉ có chữ này được lấy làm thước đo hiệu quả. Điều này có nghĩa là DNNN nắm vốn Nhà nước giao phó phải có trách nhiệm làm vốn này sinh sôi nảy nở, như mô hình của Temasek ở Singapore. Thực thể này ở Singapore chẳng có nghĩa vụ phải ổn định vĩ mô, đóng góp vào an ninh, quốc phòng, xã hội. Điều hành Temasek là một đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm quản lý các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước chứ không phải phần lớn là đội ngũ quan chức ngồi bàn giấy như ở ta. Kết quả quản lý được đánh giá qua các chỉ tiêu cụ thể (KPI), cứ theo đó đội ngũ quản lý sẽ biết ai được ở lại, ai phải ra đi.
Chắc chắn nhiều người sẽ sợ hãi trước viễn cảnh này và đặt câu hỏi: vậy thì lấy ai làm các nhiệm vụ thay cho các DNNN truyền thống đây? Xin nói luôn là việc nào ra việc đấy, ai làm việc người đó. Doanh nghiệp thì chỉ nên kinh doanh kiếm lãi. Chuyện ổn định vĩ mô thì đã có các chính sách quản lý vĩ mô, qua các công cụ thuế, chính sách phúc lợi, an sinh. Chuyện an ninh, quốc phòng thì là của ngành an ninh, quốc phòng với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Đối với những người chưa “yên tâm” thì xin lấy ví dụ như thế này. Nhà nước muốn làm một con đường đến vùng sâu, vùng xa mà theo nếp nghĩ thông thường chỉ có DNNN mới “xung phong” đảm nhận còn doanh nghiệp tư nhân thì “mất hút”. Nhưng tiền đâu để DNNN làm dự án này? Rõ ràng là dự án không thể “tự nó rán mỡ nó” vì doanh nghiệp tư nhân không muốn làm. Có nghĩa là để DNNN đứng ra làm con đường này thì Nhà nước phải rót vốn cho DNNN này bằng cách này hay cách khác. Lúc đó DNNN về bản chất trở thành nhà thầu công trình, tức xây thuê. Nếu vậy thì Nhà nước cũng hoàn toàn có thể thuê doanh nghiệp tư nhân thực hiện dự án, đồng nghĩa với “sứ mệnh” đóng góp phát triển cơ sở hạ tầng của DNNN trở nên không mấy ý nghĩa.
Trường hợp Nhà nước không có đủ tiền để thực hiện dự án với tư cách là chủ dự án thì cũng không có nghĩa là DNNN sẽ đứng ra nhận thay và nhận luôn phần lo vốn và trả nợ, bởi rốt cuộc tiền vào hay ra cũng đều cùng địa chỉ là ngân sách nhà nước. Trong những trường hợp này thì thường Nhà nước phải dùng đến các công cụ khác như đổi đất lấy hạ tầng, hoặc bằng chính sách ưu đãi nào đó để bù đắp thiệt hại cho doanh nghiệp “xung phong” làm thay Nhà nước. Lúc đó dù không có DNNN thì vẫn có nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia.
Tóm lại, muốn DNNN tồn tại và lớn mạnh thì buộc phải định vị lại trách nhiệm và quyền hạn của DNNN theo hướng biến DNNN thành doanh nghiệp đơn thuần theo đuổi lợi nhuận với nguồn vốn công cộng nhưng được quản lý theo những nguyên tắc thị trường bởi những con người am tường kinh doanh hoạt động trong khuôn khổ pháp luật như đối với các doanh nghiệp tư nhân khác.   
(*) http://vneconomy.vn/tieng-keu-thuc-thu-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-20190909233635137.htm

TKV THAN KHÓ VÌ THUẾ' PHÍ DÀNH CHO BAUXITE : LẠ...!

THÀNH LUÂN/ ĐV/ BVN 23-9-2019

TKV đào tài nguyên đem bán, việc khai thác luôn tiềm ẩn hiểm họa môi trường…, vì vậy chuyên gia thấy lạ khi doanh nghiệp kêu khó với thuế, phí.
 Theo báo cáo tổng kết, đánh giá đầu tư thí điểm 2 dự án khai thác bauxite và sản xuất alumin Tân Rai (tỉnh Lâm Đồng) và Nhân Cơ (tỉnh Đắk Nông) gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cho biết hai dự án này đã có lãi 2 năm qua.
Tuy nhiên, tính chung 3 năm đầu vận hành dự án (đến cuối năm 2018), bauxite Tân Rai vẫn lỗ khoảng 1.325 tỷ đồng. Với khoảng 30.000 tỷ đồng đã đầu tư, cả hai dự án này cần thêm 5-7 năm để hòa vốn.
Báo Tuổi trẻ dẫn lời lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) than khó với  thuế phí. Chẳng hạn, đang có một số bất cập trong chính sách thuế, phí nên doanh nghiệp chưa được hưởng các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cùng với đó, mức thu phí bảo vệ môi trường với quặng bauxite theo quy định từ 10.000 – 30.000 đồng/tấn nhưng cả hai tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông đều thu phí tối đa 30.000 đồng/tấn là chưa có cơ sở thực tiễn, bởi nguồn gây ô nhiễm bùn đỏ từ các dự án bôxit đã được doanh nghiệp bỏ tiền xây dựng hồ chứa để xử lý. TKV đề nghị nghiên cứu điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường hai dự án.
Tương tự, lãnh đạo TKV cho rằng nếu áp thuế xuất khẩu alumin lên 5% (theo đề xuất của Bộ Tài chính là tăng từ 2% lên 5%) sẽ khiến TKV gặp nhiều khó khăn, vì 5% doanh thu tương đương với số lãi trong khai thác bauxite hiện nay của TKV.
Trao đổi với Đất Việt, GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường vẫn giữ nguyên quan điểm đã được ông chia sẻ trước đây nhiều lần rằng, số thu được từ Tân Rai, Nhân Cơ vẫn là quá ít so với những gì phải trả giá, nhất là khi hiểm họa về môi trường vẫn luôn cận kề.
        Báo cáo của Bộ Công thương cho biết 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ đã có lãi từ 2 năm nay
Với số lãi từ việc khai thác bauxite ở Tân Rai, Nhân Cơ, GS Bá đề nghị kiểm toán vào cuộc để làm rõ thực hư mức độ chính xác của con số mà Bộ Công thương và TKV công bố. Còn đối với những bất cập về thuế, phí mà TKV phản ánh và đề nghị sửa theo hướng có lợi cho tập đoàn này, ông tỏ ra không đồng tình.
Ông nhắc lại chủ trương khai thác bauxite từ xưa đến nay đã bị các nhà khoa học phản đối rất nhiều bởi hàm lượng bauxite thấp và sử dụng công nghệ Trung Quốc.
"Bauxite Việt Nam phân bố theo kiểu da báo lỗ chỗ chứ không phải ở một vỉa sâu liên tục, khai thác dễ nhưng hiệu quả không tốt, đặc biệt không hoàn thổ được, mặt bằng sau khi khai thác không còn khả năng sử dụng để canh tác. Ở các nước khác, yêu cầu hoàn thổ được thực hiện rất nghiêm ngặt nhưng ở Việt Nam, chuyện này lại rất kém.
Đối với việc vận chuyển bauxite khai thác được và thành phẩm, trước đây TKV tính làm cảng ở Kê Gà, Bình Thuận nhưng không thành, giờ chạy trên các tỉnh lộ cày nát hết đường. 
Nỗi lo lớn nhất đối với các dự án bauxite chính là hồ bùn đỏ. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, nếu không may vỡ đập ở độ cao 750-800 m thì đó sẽ làm thảm họa, lũ quét bùn đỏ sẽ đổ xuống hạ lưu là Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM khiến hệ sinh thái bị tiêu diệt", GS.TSKH Lê Huy Bá trăn trở.
Từ đây, nhìn lại việc TKV than khó đối với thuế, phí dành cho việc khai thác bauxite và xuất khẩu alumin, ông thấy lạ và tự hỏi: TKV nói khai thác bauxite đã có lãi, nhưng đấy là lợi cho doanh nghiệp, còn thực tế Nhà nước được gì? Tài nguyên đất nước bị đào đem bán, chút thuế thu được không đáng kể giờ lại muốn điều chỉnh theo hướng có lợi cho doanh nghiệp thì cuối cùng Nhà nước chẳng được gì, thậm chí còn mất.
"Tôi e rằng nếu tính toán đầy đủ ra, phải trả lại tự nhiên những gì mình đã lấy, môi trường ô nhiễm… thì cuối cùng không phải là lời như báo cáo mà là lỗ", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Vì thế, đối với nhà quản lý, GS.TSKH Lê Huy Bá cho rằng phải hết sức tỉnh táo, phải đặt lợi ích của người dân, của Nhà nước lên trên hết. Khai thác bauxite được gì, mất gì, nếu không lợi thì phải bỏ bởi làm ăn kinh tế phải như vậy.
Báo cáo của Bộ Công thương được báo Tuổi trẻ trích đăng có ghi nhận, từ khi đi vào sản xuất thương mại (tháng 10-2013) đến hết năm 2018, dự án bauxite Tân Rai đầu tư đã sản xuất được khoảng 3,03 triệu tấn alumin, trong đó TKV đã xuất khẩu, bán trong nước khoảng 2,97 triệu tấn alumin, thu về khoảng 21.837 tỷ đồng.
Trong 3 năm đầu đi vào hoạt động (2013 – 2016), bauxite Tân Rai liên tục thua lỗ nhưng đến năm 2017 dự án đã bắt đầu có lãi 379 tỷ đồng, tiếp đó năm 2018 lãi khoảng 1.790 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính chung 3 năm đầu vận hành dự án (đến cuối năm 2018), bauxite Tân Rai vẫn lỗ khoảng 1.325 tỷ đồng.
Với dự án bauxite Nhân Cơ, nhờ việc khai thác tối đa sản lượng bauxite, giá alumin trên thị trường thế giới tăng cao, trong năm 2017 dự án bauxite Nhân Cơ lãi 35 tỷ đồng, năm 2018 lãi khoảng 472 tỷ đồng.
T.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét