Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

20231031. QUANH VỤ CÔNG TY THÀNH BƯỞI BỊ HÀNH

 ĐIỂM BÁO MẠNG


VTV VÀ NHÀ XE THÀNH BƯỞI

HUY ĐỨC/FB/ TD 29-10-2023

Lực lượng Công an và Thanh tra giao thông mà "tiến hành khám xét trụ sở chính Công ty TNHH Thành Bưởi tại quận 5" thì số phận của Nhà Xe này có vẻ như đã "ngàn cân treo sợi tóc". Nhưng, tối qua khi xem một phóng sự của VTV thì thật buồn.
Những "vi phạm" mà nhóm phóng viên VTV "điều tra" ra đều là những hoạt động công khai suốt nhiều năm. Chúng không những không đe dọa gì về trật tự công cộng mà còn cho thấy, cách tổ chức rất khoa học, rất tiện lợi cho hành khách của hãng xe được lựa chọn nhiều nhất trên tuyến Sài Gòn - Đà Lạt này.
Trong các năm 2014, 2015, tôi tham gia tổ chức các lớp tập huấn cho các nhà báo và các nhà vận động chính sách ở RED Communication, khi "xe dù" đang là một đề tài được rất nhiều báo đài "điều tra", phê phán. Và, chúng tôi đã lấy "xe dù" làm case-study [dưới sự hướng dẫn của PGS Võ Trí Hảo]. Và điều mà mọi người nhận ra, "xe dù" chỉ là vấn đề cạnh tranh giữa các nhà xe.
Việc Thành Bưởi dùng xe nhỏ trung chuyển ra một bãi đất trống ở ngoại ô Sài Gòn là cách làm đáng khen vì điều này giảm lượng xe lớn vào trung tâm thành phố. Xe trung chuyển của Thành Bưởi, "xe dù" cũng như mọi phương tiện khác đều phải tuân thủ Luật Giao thông. Nếu những xe này dừng, đỗ xe nơi cấm đỗ, phóng nhanh vượt ẩu thì sử dụng Luật Giao thông mà điều chỉnh.
VTV phê phán Thành Bưởi chạy tuyến cố định nhưng dưới hình thức "xe hợp đồng" là vi phạm "Nghị định số 10 năm 2020".
Nếu hiểu biết, VTV phải phê phán cái Nghị định số 10 ấy vì nó vừa có dấu hiệu của "nhóm lợi ích" vừa là những thủ tục vô lý, tạo điều kiện nhũng nhiễu doanh nghiệp [cả khi làm thủ tục và cả khi đi trên đường]. Tại sao chạy xe dưới hình thức nào, tuyến nào lại phải "xin - cho" thay vì việc ấy là lựa chọn của các nhà xe [thị trường sẽ điều tiết chứ không phải nhà nước].
Điều quan trọng nhất với nhà nước là thuế. Nếu Thành Bưởi thực sự trốn thuế thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật [tất nhiên, điều tra trốn thuế không đơn giản và võ đoán như VTV vừa làm].
Sài Gòn - Đà Lạt, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe khách. Có cả Phương Trang và Thành Bưởi thì mới có cạnh tranh, hành khách mới được phục vụ tốt như hai chục năm qua. Cũng hàng chục năm qua, Thành Bưởi luôn là đối tượng bị tấn công [nhất là thời Tất Thành Cang làm Giám đốc sở GTVT]. Mất Thành Bưởi thì Phương Trang sẽ kinh doanh thuận lợi, "một mình một chợ". Nhưng, mất Thành Bưởi, hành khách sẽ đối diện với nguy cơ độc quyền, nguy cơ trở về thời "hành khách".
PS: Hiện tượng xe khách phóng như điên bất chấp tốc độ là rất phổ biến trên tất cả các tuyến gần như từ Nam chí Bắc. Điều này, chắc CSGT hiểu nguyên nhân đến từ đâu.

Truong Huy San


https://www.facebook.com/Osinhuyduc?__cft__[0]=

Tiếng Dân News


https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=

QUẢN LÝ NHÀ XE THẾ NÀO?

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ FB 30-10-2023
Mình đọc tin Thành Bưởi có thể bị tước giấy phép tối đa 3 tháng và phạt 90 triệu thấy buồn cười. Nếu là mình, mình sẽ đối phó dễ ợt. Nhà xe, bất kỳ, lập ra 1 thương hiệu phụ, giống nick FB phụ ấy, chạy song song với nick chính. Đại khái có ông Thành Lê, Thành Cam gì đó. Khi nick chính vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng bị khoá mõm thì lấy thằng ảo dùng làm nick chính. Coi như tài xế và xe của bên nick chính cho nick ảo “mượn”. Mấy khi có trường hợp 2 nick cùng bị khoá mõm đâu. Hết hạn phạt thì ai về nhà nấy, vẫn là anh em nương tựa như xưa.
Thế nên việc tạm tước giấy phép này nó như trò hề!
Muốn quản lý nhà xe triệt để thì cứ quản lý dữ liệu hành trình của nhà xe với tất cả các xe. Xe chạy đâu cơ quan chức năng phải biết. Xong rồi có thể phạt nguội. Mức phạt tăng dần nếu vi phạm lặp lại nhiều lần, cứ đánh vào tài xế cũng được, không cần đánh công ty. Bởi không có bằng chứng nào cho thấy công ty ép tài xế vi phạm luật GT. Chỉ phạt công ty khi cố tình sử dụng tài xế đang bị tước bằng chẳng hạn.
Cơ quan chức năng phải nắm được xe nào đang chạy ở đâu, do tài nào lái, dữ liệu về tài xế thì CSGT nắm được xem hiện có vi phạm gì không.
Tóm lại là nắm dữ liệu và hậu kiểm được hết, phạt nguội được. Phạt rồi mà người ta vẫn vi phạm có nghĩa là mức phạt không đủ cao để răn đe, hoặc người ta chấp nhận phạt để đổi lấy tốc độ (tức là lợi ích khác). Thì tăng mức phạt lên cao nữa.
Đương nhiên quản lý kiểu này sẽ minh bạch với tất cả các nhà xe, vì có dữ liệu hành trình đó rồi. Thậm chí có thể công khai luôn dữ liệu này cho hành khách check được như xe bus đang làm (check được vị trí xe đang ở đâu trên tuyến). Thậm chí hành khách có thể chấm điểm tài xế bằng app. Tức là hoàn toàn có thể dùng công nghệ để kiểm soát các nhà xe. Có thể dùng cộng đồng kiểm soát nhà xe bằng cách chấm điểm. Ví dụ, hành khách đi xe có thể dùng app để đánh giá tài xế và nhà xe ngay trên xe đang chạy.
Chứ còn việc đánh Thành Bưởi như vừa rồi vẫn là bắt cóc bỏ đĩa và không minh bạch, có mùi lợi ích nhóm. Không nên vì vài vụ tai nạn GT rồi đi đập công ty hay hình sự hoá vấn đề có thể xử lý hành chính hoặc cá nhân tài xế vi phạm lại quy trách nhiệm cho công ty.

Dương Quốc Chính


https://www.facebook.com/chinh.duongquoc.kts?__cft__[0]=

TỪ CHUYỆN THÀNH BƯỞI BỊ HÀNH, NHỚ KHỔ NẠN ĐI LẠI NĂM XƯA

NGUYỄN THÔNG/ FB/TD 31-10-2023



KỲ 1
Làm con dân xứ này luôn có những thứ để quan tâm, nặng cái đầu, mà nhiều chuyện, nhiều điều rất vớ vẩn, chả đâu vào đâu. Nào là tranh cãi về phim Đất rừng phương Nam, nào vụ bắt Ngọc Trinh, bênh Cơ Nghiệp, ì xèo việc bỏ phiếu tín nhiệm, chê sao lắm giáo sư tiến sĩ... Hôm qua, hôm xưa lại chuyện Thành Bưởi thành bòng. Bà bạn tôi cười bảo ung cái thủ. Tôi nói ai biểu bà quan tâm cho lắm vào, lại còn than thở.
Nhân vụ Thành Bưởi, nhớ chuyện đi lại những năm nào, chửa xa xôi gì. Thời bao cấp, ở miền Bắc trước và sau năm 1975, ở miền Nam sau 1975, khi nhắc lại, người ta chỉ thường nói tới những đói rét (không có ăn, không có mặc) mà thường quên chuyện đi lại. Thực ra, đó là một chương sử hãi hùng, khổ nạn. Con người bị hành hạ như con vật.
Ông anh ruột tôi hồi cuối thập niên 90 rủ tôi đi Bảo Lộc thăm người nhà. Lúc về, ra chân đèo đón xe để về Sài Gòn, chờ gần 4 tiếng đồng hồ mới bắt được xe (bởi những xe khác đều đã chật ních), bị nhét vào chiếc 14 chỗ cũ kỹ chứa hai mươi mấy người, sau suốt đêm bị hành ngồi bó giò và thiếu khí thở, xuống trạm xe gần chùa Việt Nam Quốc tự quận 10, đã thề không bao giờ đi xe khách nữa.
Giờ bần thần nhớ lại, thương anh, thương mình, thương cho đám dân chúng tội nghiệp bị hành xác theo đúng nghĩa đen. Anh em tôi, sau chuyến xe bão táp khốn nạn ấy đều lăn ra ốm bởi kiệt sức, cơ thể suy nhược, mãi lâu sau mới hồi phục được.
Và đây là chuyện cũ, xong rồi sẽ bàn vụ Thành Bưởi.
Nhắc tới sự đi lại, không thể không nhớ tới cái ô tô.
Hôm trước tình cờ coi trên trang “báo địch” BBC, thấy chùm ảnh tư liệu của các phóng viên AP, AFP, NYT, và tất nhiên của BBC nữa, về cuộc sống ở miền Nam, ở Sài Gòn những năm trước “giải phóng”. Khá nhiều ảnh chụp từ hồi cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, thời ông Ngô Đình Diệm. Coi chán chê, mới ngớ ra, những gì mình từng được tuyên truyền, được giáo huấn (mà người cộng sản gọi phương thức này của kẻ địch là nhồi sọ) hồi tuổi thiếu nhi và thanh niên lại khác hẳn với những bức ảnh sống động này.
Không có gì gọi là chìm đắm, rên xiết, màn đêm đen tối… của cái "chế độ Mỹ ngụy tàn bạo". Trong ảnh vẫn phảng phất đâu đó bóng ma chiến tranh nhưng rõ ràng cuộc sống miền Nam sinh sắc, giàu có, vật chất đầy đủ hơn hẳn những gì mình tưởng tượng. Hay là đám phóng viên nước ngoài nhận tiền của “bọn” Ngô Đình Diệm, Thiệu - Kỳ rồi tô hồng cho cái cuộc sống mà miền Bắc định nghĩa là bơ thừa sữa cặn. Có nhẽ đâu thế.
Điều rất sửng sốt trong những sự bất ngờ là phương tiện đi lại. Nó nói lên sự khác biệt của hai miền. Mãi tới tận thập niên 70, phần đông dân chúng miền Bắc đến cái xe đạp cũng không có mà đi. Xe công cộng như xe khách, xe ca (trong Nam gọi là xe đò), xe buýt rất hiếm. Taxi thì hoàn toàn không. Lứa chúng tôi, đám sinh ra giữa thập niên 50, từ sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, “bốt đồn Tây đã cuốn sạch rồi”, lớn lên giữa chế độ mới, không hề biết taxi là gì.
Trên đường phố miền Bắc, những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… lọt vào mắt là những chiếc xích lô xộc xệch, với dáng đạp uể oải của tấm thân gầy còm. Xe ô tô con rất hiếm, chủ yếu đám Volga, Moskvic, Lada do Liên Xô sản xuất, chỉ để dành cho cán bộ cấp trung ương trở lên. "Bầm ơi có rét không bầm/ Volga con cưỡi, gà hầm con xơi", người ta dè bỉu vậy.
Ngay cả những thầy nổi tiếng ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội hồi nửa đầu thập niên 70, duy nhất có Giáo sư Ngụy Như Kontum hiệu trưởng, được cưỡi xe Moskvic, còn thầy hiệu phó Dương Hữu Thời (có cô con gái đẹp như hoa hậu, học khoa Hóa), thầy bí thư đảng ủy Nguyễn Đình Tứ, thầy Hoàng Xuân Nhị giáo sư chủ nhiệm khoa Văn, thầy Phan Hữu Dật giáo sư chủ nhiệm khoa Sử, những vị trí thức nổi tiếng từ thời Pháp thuộc (không kể thầy Tứ đi Liên Xô về) đều phải nói “không” với ô tô. Các vị sư biểu ấy có người chạy xe máy (như thầy Nhị), còn phần lớn đều "diện" xe đạp. Thầy Tứ mãi sau này mới được dùng chiếc Lada, một thời gian sau thì được rút về bộ.
Những nẻo đường miền Bắc thời ấy (thập niên 50 - 70) trông thật nghèo nàn, thiếu thốn, xơ xác. Chúng phô bày ra trên từng mét đường, có muốn giấu, muốn che đậy cũng không giấu nổi.

KỲ 2




Ảnh tư liệu: Bến xe đò ở Sài Gòn-Chợ Lớn năm 1965; Xe trên đường Công Lý năm 1968 (ảnh của Thomas Johnson)

Cứ nghĩ miền Bắc tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội mà còn thế thì miền Nam bị giày xéo dưới “gót giày Mỹ ngụy” không thể nào khá nổi. Chắc đám phóng viên phương Tây kia đã “tô hồng” khung cảnh xe cộ, đường sá ở miền Nam, nhất là phố phường Sài Gòn. Nhiều bức ảnh, ngay từ những năm 1957-1958 đường Sài Gòn đã nhan nhản xe taxi. Thập niên 60, ô tô chạy như mắc cửi. Cũng có xe đạp, xích lô, tuy nhiên xe máy Vespa, Honda mới là đội ngũ chiếm lĩnh mặt đường. Công chức, giáo viên, nhân viên sở này sở nọ đều ngự trên xe Vespa Super hoặc Vespa Sprint. Thầy Võ Thanh Long dạy cùng trường với tôi chỉ xài rặt loại Vespa. Thầy kể từng mua chiếc Super từ hồi học đại học, mà gia đình ở miền Trung cũng chỉ “gia tư thường thường” chứ không phải hạng giàu có. Sinh viên học sinh ai cũng có xe đạp, nhiều đứa còn được cha mẹ mua cho xe máy đi học. Những cô gái Sài Gòn mặc áo dài chạy xe Honda Dame lượn trên phố trông đẹp như từ thế giới khác chứ không phải nơi đang có cuộc nội chiến. Taxi đậu dài chờ khách trên những đường phố lớn như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Tổng Đốc Phương…, bất cứ người bình dân nào cũng có thể sử dụng ô tô 4 chỗ, không phải thứ đặc quyền cho đẳng cấp trên như ở miền Bắc.
Và phổ biến, phổ thông nhất là xe đò. Nếu xe khách là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân miền Bắc thì xe đò trong Nam lại hoàn toàn khác. Những hãng xe đò Hưng Long, Hưng Phú, Phi Long, Thuận Thành, Thuận Hiệp, Tân Hưng, Phước Hòa, cơ man là hãng tư nhân, đếm không xuể… đã cho tôi cái nhìn hoàn toàn khác về phương tiện giao thông công cộng này. Ngay năm 1977, khi công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh đã gần như xóa sổ những vàng son kinh tế của miền Nam, khi xe đò Hưng Long, Phi Long đã bị đẩy vào cơn hấp hối, thì tôi vẫn kịp bước lên xe một số chuyến đường dài của Hưng Long đi Mỹ Tho và cảm nhận được giá trị vì con người của nó.
Ông anh vợ tôi kể hồi còn chiến tranh ổng học hết tú tài 1 thì nghỉ để đi làm, vừa tránh quân dịch, vừa kiếm tiền phụ ba má nuôi các em. Làm thư ký một hãng buôn trên Kon Tum, xa quê chút nhưng lương hậu. Chỉ là anh cạo giấy quèn, nhưng mỗi kỳ nghỉ bắt xe đò Long Xuyên - Sài Gòn, sau đó mua vé máy bay Sài Gòn - Kon Tum, không lăn tăn gì. Chưa hề phải xếp hàng mua vé xe, cứ tới bến là đám tài xế lơ xe đủ các hãng ùa ra săn đón mời chào, kéo thốc lên xe, bưng bê giùm hành lý. Nhà xe chiều khách hơn chiều vong. Xe rộng rãi, chỗ ngồi thoải mái, chạy đúng giờ. Suốt hành trình lên thành phố chỉ sợ mỗi Việt cộng, nhất là trên quốc lộ 4 (giờ là quốc lộ 1), đặc biệt đoạn qua Long An, giáp Sài Gòn bị đắp mô, đào rãnh chặn xe, gài mìn. Việt cộng phục kích xe quân sự nhưng đã không ít lần xe đò chịu cảnh “không phải đầu cũng phải tai”, chết cả tài xế lẫn khách.
Sau biến cố tháng 4.1975, anh tôi mất việc, về quê làm ruộng. Không còn lần nào đi máy bay nữa. Vài bận từ Long Xuyên lên Sài Gòn (hồi ấy quen gọi lên thành phố) thăm người nhà, mua vé rất khó khăn bởi mua phải trình công lệnh, giấy đi công tác, ít nhất là giấy giới thiệu xác nhận của địa phương (chẳng hạn đi chăm người bệnh), chứ người bình thường không được đi xe đò do nhà nước độc quyền thâu tóm, lên xe thì bị hành như con lợn (anh tôi bảo lợn còn sướng hơn), chen chúc, xô đẩy, ngột ngạt. Chỉ gần 200 cây số mà không ít lần mất hơn 1 ngày mới tới nơi, anh tôi than thở “chẳng thà các ông đừng giải phóng”.
Những chuyện bãi bể nương dâu, đảo lộn tang thương như thế, có kể cả tháng cũng không thể nào hết được. Tôi chỉ lục lọi biên những điều mắt thấy tai nghe trực tiếp trong đời mình về chuyện đi lại thời khốn nạn.
Có những thứ, những điều tưởng đã được đào sâu chôn chặt trong ký ức, bỗng hôm nào đó tự dưng bị ai cầm cái mai cái thuổng phóng một nhát thật mạnh vào, thế là chúng lại bật văng lên. Tôi từng bị rất nhiều lần như vậy. Cũng tại cái số mình vất vả, không thể dễ quên đi như người ta.
Bồi hồi nhớ lại những năm xa, mà thật ra chưa xa lắm, mới cách vài chục năm, trong cái hồi mà ta quen gọi thời bao cấp. Nhát mai nhát thuổng ấy, lâu lâu được dịp lại cắm vào đầu, chả hạn hôm rồi thấy tivi chiếu bộ phim đen trắng cũ xì “Chuyến xe bão táp”. Bây giờ, coi nó cũng giống đọc lại chuyện cổ tích, chỉ có những ai, thế hệ sống vào những năm tháng ấy mới thấy rợn người. (còn tiếp)



KỲ 3


Bộ phim “Chuyến xe bão táp” ra đời năm 1977 của đạo diễn Trần Vũ kể về thế sự qua một chuyến xe khách. Chiến tranh đã chấm dứt rồi, tưởng cuộc sống mới “ta nắm tay nhau xây lại đời ta”, tất cả sẽ sung sướng, đầy yêu thương, ai ngờ con người đối xử với nhau còn khốn nạn hơn cả lúc súng ống bom đạn đùng đoàng. Xem mà giận, mà thương. Hồi cuối thập niên 70 xem bộ phim này cảm giác thế nào, giờ vẫn nguyên như thế. Cặp Thanh Quý - Vũ Đình Thân và bậc tiền bối Trịnh Thịnh (khi ấy tuổi trung niên) nhập vai quá giỏi. Xem mà không nghĩ đó là phim. Phim tiếp theo có Quý - Thân là phim “Những người đã gặp” cũng rất tuyệt vời, xuất hiện thêm cả Phương Thanh nữa. Thời ấy tôi chỉ hơn cô Quý vài tuổi, mấy đứa thầy giáo trẻ chúng tôi lúc bụng đói cật rét ngồi tán phét với nhau, tôi bảo ông Vy đồng nghiệp, ông ạ, tôi chỉ ao ước được nắm tay Thanh Quý một phát, rồi “nó” làm gì thì làm. Về sau này nền “điện ảnh cách mạng” đi xuống, chả bao giờ có lại được những Thanh Quý, Phương Thanh, Đình Thân... nữa. Hồng nhan bạc phận, idol của tôi lấy được ông chồng có chút danh, ai ngờ “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, hợp rồi lại tan, ngậm ngùi.
Trong đời, chính tôi từng chịu biết bao nhiêu chuyến xe bão táp, còn bị hành hơn cả Thanh Quý, Trịnh Thịnh. Khổ riết thành quen, không nghĩ mình khổ. Sức chịu đựng của con người trong chế độ xã hội chủ nghĩa xứ ta, nếu có cuộc thi quốc tế, giải nhất cầm chắc.
Thôi, không kể chuyện của người khác làm gì, cứ lấy chuyện chính bản thân mình cho cụ thể. Phản ánh hiện thực, không gì bằng mắt thấy tai nghe, tự mình trải qua, chứng kiến. Tất nhiên cũng có những trường hợp “tự mình” nhưng do bị hao mòn bởi thời gian, trí nhớ, dẫn đến có thể sai lệch, không đầy đủ. Tôi hiểu điều ấy nên chỉ biên lại những gì mình còn cảm thấy chắc chắn, rõ ràng từ ký ức, chứ không phải dạng nhớ láng máng thế này thế nọ.
Khi tôi lên 9 (năm 1964, mở màn cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ), lúc ở miền Nam đã bắt đầu “tivi chạy đầy đường” thì tôi vẫn chưa hề được ngồi xe ô tô khách. Làng tôi cách nội thành Hải Phòng 23 cây số, nếu ra phố chỉ đi bộ. Một vài lần thày cho tôi ra chơi nhà người thân ngoài phố, hai bố con chỉ cuốc bộ, bố đi trước, con lẽo đẽo theo sau. Đi chân đất bởi không có giày dép, còn guốc thì không đi xa được. Mất cả buổi sáng mới tới nơi. Ở chơi chiều và tối, sáng hôm sau lại cặm cụi đi bộ về.
Không phải là thích đi bộ, mà cũng chẳng đến nỗi không có tiền vé xe chỉ độ 3 hào, mà do không bắt được xe. Hải Phòng những năm tháng ấy có 2 bến xe khách, một bến cạnh hồ Quần Ngựa (gần khách sạn Tray bây giờ) và bến kia gần cầu Niệm. Ô tô rất ít, về các huyện Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo… chỉ 2 chuyến/ngày, sáng sớm và chiều tối. Đố ai giành được vé với người nhà nước (dấm dúi cho người nhà hoặc để bán chợ đen) và con buôn. Trên chiếc xe ca (phát âm từ gốc car) cũ kỹ, tậm tạch, không cửa kính, ghế đổ nát xiêu vẹo, người ta nhét khách lên đó như buôn lợn. Khách đứng nhiều hơn khách ngồi. Đúng nghĩa hành khách. Vậy nhưng không phải ai cũng có được sự may mắn khốn nạn ấy.
Tới đầu thập niên 70, học trên Hà Nội, mỗi lần nghỉ hè nghỉ tết, tôi thường phải mất ít nhất 2 ngày cho hành trình về hoặc đi gần 130 cây số. Chỉ có điều, từ Hà Nội về Phòng, hoặc Phòng lên thủ đô còn có xe lửa, không mua được vé ô tô khách thì lần mò sang ga Trần Quý Cáp xếp hàng vé tàu lửa. Còn từ nội thành Phòng về huyện thường không có xe. Không ít lần tôi về tới Phòng thì đã nửa đêm, lại vạ vật lề đường hoặc góc bến, sáng hôm sau không chen mua được vé thì đánh bộ về. Thày bu sốt ruột đang chờ. Có lần mò tới được đầu núi Chè chỉ còn cách nhà khoảng hai trăm mét, phần thì mệt, phần thì đói, ngã khuỵu xuống chả còn sức lê tiếp nữa. Đó là hè năm 1974.
Cuộc sống tươi đẹp chỉ có trong văn nghệ, thơ ca nhạc họa, kiểu như "sương long lanh, trên ngọn cỏ non xanh, vừng đông đã sáng lên, tươi sáng trong không gian, bao tối tăm mịt mù dần tan", "bạn ơi cất tiếng hát ta ca đời sống, đây là tương lai ngời ánh sớm mai hồng", "trên những ngả đường náo nức tôi đi/tôi đã nghe xao xuyến thầm thì"... thực ra chỉ toàn tô vẽ, nói phét. Cả nửa đất nước với mười mấy triệu người bị lừa dối, câm lặng nhẫn nhục. (còn tiếp)
KỲ 4



Thời ấy, và cả những năm sau 1975, thủ đô chỉ có 2 bến xe khách chính là bến Nứa (Long Biên) và bến Kim Mã (tôi quên biên một bến chính nữa là bến Kim Liên, nhờ bạn đọc nhắc nên bổ sung, xin cảm ơn các cô bác anh chị). Bến Nứa cho những tuyến về vùng núi phía bắc, trung du và mấy tỉnh Hải Hưng, Hải Phòng, Quảng Ninh. Bến Kim Mã cho các tỉnh từ Nam Hà, Thái Bình, Ninh Bình đổ vào miền Trung. Giờ cứ nhớ lại hai cái bến ấy với những chiếc xe ca quốc doanh hiệu Thống Nhất, Ba Đình rệu rã, cảnh người chen chúc xếp hàng trong những lối chăng dây thép gai, chịu sự khủng bố của đám tài xế, phụ xe, nhân viên bán vé trong quầy, không thể tưởng tượng được tại sao con người lại bị đày đọa khốn khổ đến vậy.
Khi nhà nước xã hội chủ nghĩa nhúng tay vào chỗ nào là chỗ ấy đầy bi kịch, con người như đám cỏ bị chà đạp. Chỉ một nhân viên bán vé trong quầy cũng có thể quát nạt, hạch sách, đòi hỏi, vặn vẹo vùi dập bất cứ ai, nói chi quan này quan nọ. Bến xe thời bao cấp là một thế giới thu nhỏ của cái xã hội đầy bất công và tội ác. Hè năm 1974 tôi đã không thể về quê bởi bị kẻ cắp móc túi mất cái giấy đi đường do văn phòng khoa cấp, không có nó thì người ta chẳng bán vé cho, mà không thể đi bộ trăm mấy chục cây số. Ở bến Nứa cũng như ga xe lửa Hàng Cỏ, hoặc bến cầu Niệm, tôi từng tận mắt thấy biết bao cảnh đời, thân phận khốn nạn, những van xin, nỉ non, khóc lóc, thất vọng, tuyệt vọng bởi cái vé xe. Phó thường dân biết với nhau, ứa nước mắt với nhau, chứ đám “Volga anh cưỡi, gà hầm anh xơi” có bao giờ nhìn thấy bi kịch của dân lành.
Miền Nam, sau tháng 4.1975. Không khí hồ hởi của người dân đón chào ngày đất nước thống nhất, hai miền sum họp dần dà lắng xuống khi cả bên thắng cuộc lẫn thua cuộc phải đối mặt với thực tế thụt lùi từng ngày dưới sự lãnh đạo của chính quyền cách mạng. Mọi thứ cứ xám xịt dần, cả lá cờ treo trước cổng trường tôi cũng bạc phếch, rách te tua mà không ai nghĩ tới việc hạ nó xuống, thay bằng lá khác tươi mới hơn. Tôi còn nhớ “thằng” Hùng, rất đẹp trai, tốt tính, nhân viên phòng hành chính, con rể ông hiệu phó, có lần tôi chỉ cho nó ngắm lá cờ, bảo sao không thay đi, nó nói nhỏ chả còn lá xơ cua nào để thay cả, mua mới thì không có tiền. Thầm nghĩ, trời ạ, tới cờ tổ quốc mà cũng chịu cảnh đói nghèo, nhưng lại tặc lưỡi cuộc sống thế nào thì cờ thế ấy.
Trong đám giáo viên Bắc Kỳ du nam, lão Vy (Nguyễn Văn Vy) bạn tôi vào Sài Gòn đầu năm 1976, tôi chậm hơn một nhịp vào đầu năm 1977. Chỉ hơn kém nhau có 1 năm mà khác hẳn nhiều thứ. Lão kể lúc mới tới Sài Gòn, cảm giác bị choáng ngợp. Lão được đi xe đò của các hãng Phi Long, Hưng Long, Thuận Thành mỗi người một ghế, có cả khăn lạnh lau mặt mặc dù lúc ở nhà đi đã rửa mặt rồi. Nhìn dãy xe đò mới tinh đủ màu sắc ở bến xe miền Tây mà khiếp. Mấy chiếc xe buýt “made in” Tiệp Khắc, Bun, Đức chạy tuyến Bờ Hồ - Hà Đông ở Hà Nội so với đám xe Mỹ này chưa là cái đinh gì. Cứ vừa tới cổng bến xe đã có đứa ra săn đón hỏi chú hai, anh hai đi đâu đi đâu. Không phải mua vé, càng không phải xếp hàng, càng không phải chen lấn như hồi ở Hà Nội. Nhưng tới lúc tôi vào, cũng bến xe miền Tây, khi tôi đi dạy ở cơ sở Tiền Giang năm 1978 thì những điều lão Vy kể đã mau chóng chìm trong quá khứ. Những gì tôi từng chứng kiến, từng trải qua, từng chịu đựng ở miền Bắc “xã hội chủ nghĩa tươi đẹp hơn vạn lần tư bản”, ở bến xe cầu Niệm, bến Nứa, bến Kim Mã, ga Hà Nội, ga Hải Phòng, bến xe buýt đi Hà Đông, ga tàu điện Bờ Hồ… giờ được lặp lại y nguyên, thậm chí khủng khiếp hơn. Chỉ có điều, nhắm mắt lại cũng không thể hình dung tại sao người ta đẩy cuộc sống vào cảnh “phú quý giật lùi” nhanh như vậy.
Cho tới giờ, vẫn không ít người vững vàng lập trường cách mạng khẳng định rằng miền Nam trước năm 1975 được khá giả, sung túc là nhờ có Mỹ viện trợ, ăn bơ thừa sữa cặn, đó chỉ là thứ phồn vinh giả tạo, v.v.. Sao họ không chịu rướn cái ý nghĩ thêm một tí, rằng trong cuộc nội chiến ấy miền nào chẳng “ăn” viện trợ, chỉ khác ở chỗ, một bên biến tất cả viện trợ thành súng đạn để đem đi bắn giết, mặc dân chịu đói nghèo khổ ải, còn bên nọ cho dân được thừa hưởng cuộc sống đầy đủ hạnh phúc hơn. Phồn vinh dù có giả tạo mà dân được sung sướng còn giá trị gấp nghìn lần đói nghèo thực sự. Cũng đừng lấy lý do sự phồn vinh ấy phải trả bằng máu, bởi thiên hạ đều biết ai "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" đưa quân vào miền Nam. (còn tiếp)

Ảnh: Sài Gòn năm 1966 (ảnh tư liệu internet)

KỲ 5



Những ai ở miền Nam thời kỳ sau năm 1975, cụ thể là nửa cuối thập niên 70, gần hết thập niên 80, chắc khó quên một thành tựu công nghệ, một phát minh khoa học kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội: xe chạy than. Nỗi ám ảnh của một thời.
Bây giờ tụi trẻ mỗi lần đi xa đi gần đều leo lên ô tô, mà phải ghế nệm rộng rãi, giường nằm, có tivi, máy lạnh, nước uống, khăn ướt, nhạc nhẹ… mới chịu. Xe Phương Trang, Thành Bưởi, Cúc Tùng, Thuận Thảo, Mai Linh, Hoàng Long, Hải Âu… mà không chiều khách sẽ lỗ chỏng gọng, chả ai thèm đi. Nhưng ngược về vài chục năm trước, đó chỉ là giấc mơ, điều hoang tưởng.
Sau khi đánh thắng hai đế quốc to, những người cộng sản, nhất là mấy ông kễnh Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Đỗ Mười… coi trời bằng vung, tự đắc chỉ có Việt Nam nhất thế giới, muốn gì cũng được. Họ vênh vang tuyên bố "từ nay đất nước vĩnh viễn sạch bóng quân thù" (lời hoang tưởng, kiêu ngạo cộng sản của ông Duẩn), đường lớn xã hội chủ nghĩa rộng mở thênh thang, chả mấy chốc nữa sẽ tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Ông Duẩn nói chúng ta sẽ vượt cả Nhật Bản. Đi đâu, chỗ nào cũng thấy băng rôn, khẩu hiệu về chủ nghĩa xã hội. Nếu thời chiến tranh, những câu to đùng trên tường là “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”… thì bây giờ chuyển thành “Cả nước phấn đấu tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Trên nóc đầu hồi tòa nhà Hỏa xa Đông Dương cũ trông ra bùng binh chợ Bến Thành, người ta kẻ câu đó mỗi chữ cao hơn mét, mắc đèn đêm đêm chiếu sáng rực, sau này có công nghệ hiện đại còn thay bằng chạy chữ điện. Tôi đã sống trong những năm tháng dữ dội ấy, đã cố góp phần công sức nhỏ bé của mình vào đại sự nghiệp, đã chứng kiến tất cả, và mau chóng nhận ra rằng người ta đã ngu dốt phá nát nền kinh tế miền Nam thì sự thành công của chủ nghĩa xã hội còn xa vời lắm.
Say quá nên họ làm càn, bất chấp tất cả quy luật. Không chịu nghe những lời phải trái, cứ quyết là làm. Tất cả chỉ có đúng, bởi cộng sản tự cho mình không bao giờ sai. Nền kinh tế miền Nam đang huy hoàng, phát triển vậy, chỉ vài nhát quét bằng chủ trương này nọ, họ mau chóng đưa về tầm ngang bằng miền Bắc để cùng nhau thụt lùi. Kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, nhà nước độc quyền, cấm đoán tư nhân, chính sách ngăn sông cấm chợ đã kìm hãm đất nước, dân tộc này gần hai chục năm, nhưng tai hại hơn nữa là nó kéo lùi Việt Nam cả mấy chục năm so với nước khác, để bây giờ không thể nào đuổi kịp.
Hệ thống cửa hàng thương nghiệp nhà nước ban đầu sau tháng 4.1975 còn có hàng tồn kho, hàng chiếm đoạt được từ “bọn tư sản bóc lột” đem phân phối cho cán bộ công nhân viên, nhưng chỉ một thời gian ngắn cũng hết. Các thầy cô giáo những trường ở khu vực Chợ Lớn mỗi khi đến đợt mua nhu yếu phẩm thì tới cửa hàng thương nghiệp Bách hóa tổng hợp ở cuối đường Trần Hưng Đạo nối dài, còn có tên là Trần Hưng Đạo B (đường Đồng Khánh cũ) gần nhà thờ Cha Tam, xếp hàng đông như quân Nguyên, chen chúc chầu chực nửa ngày mới mua được mấy mét vải tiêu chuẩn, hoặc nửa ký đường, hộp sữa Thống Nhất. Chỉ riêng lương thực thì bộ phận hành chính của trường nhận giúp từ kho nhà nước đem về phân chia, tiêu chuẩn 14 ký/người thì chỉ có 4 - 5 ký gạo hẩm đầy bông cỏ hoặc sạn, còn lại là mì tôm (6 gói), mì sợi, củ mì (sắn) và hạt cao lương (dân Nam gọi là hạt bo bo). Thầy Trần Mạnh Hảo dạy toán trường tôi bảo thời đại cách mạng vẻ vang đâu chửa thấy, chỉ thấy “thầy giáo tháo giầy”, “giáo chức dứt cháo”. Thầy Long dạy lý tủm tỉm về nhận xét độc đáo ấy. Thế mà vẫn cứ sống, kéo dài cả chục năm trời, cả thầy Hảo, thầy Long, tôi, mười mấy triệu người đám dân chúng cần lao vừa được “giải phóng”, và bên thắng cuộc cũng không tránh khỏi kiếp nạn.
Hàng hóa hiếm một, thì xăng dầu nhiên liệu hiếm mười. Những thứ ăn uống bỏ vào mồm còn bắt dân ráng tự túc được, chứ xăng dầu đều phải nhập. Cả thế giới cấm vận không thèm chơi với anh hùng đang "kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ". Không có xăng, xe cộ, ô tô, xe máy thành cục sắt. Khổ nhất là mấy thầy cô diện lưu dung (giáo viên từng dạy trước năm 1975, được chế độ mới sử dụng tiếp, gọi là lưu dung. Một cách gọi rất bề trên, xách mé, coi thường, kiểu như tao giữ (lưu) mày lại dùng (dung), là ban ơn (dung, khoan dung) lắm rồi, lôi thôi thì tao đá đít. Thế mà từ “lưu dung” kênh kiệu bố thí này được dùng suốt nhiều năm, vào cả văn bản nhà nước) vốn quen dùng xe máy. Đám giáo viên chúng tôi từ Bắc vào, thì đi bộ là chuyện nhỏ, xếp hàng chen chúc mua vé xe khách là chuyện nhỏ. Nhưng với những người như thầy Long, thầy Thạch, thầy Duyệt, thầy Sanh, thầy Pha, cô Quỳnh, thầy Hoàng, thầy Hữu… không xăng khổ sở vô cùng, bởi chạy xe máy quen rồi. Chỉ những trí thức cũ, thượng hạng như các vị Chu Phạm Ngọc Sơn, Võ Tòng Xuân, Trần Kim Thạch mới được tiêu chuẩn xăng thôi. Thầy Long lý có chiếc Vespa đành gửi dưới nhà ăn, bụi phủ đầy, lâu lâu lấy ra dội vài gáo nước cho hết bụi rồi lại đẩy vào góc. Thầy Tài có chiếc Honda dame màu đỏ, thỉnh thoảng mua được can xăng 2 lít tiêu chuẩn của ai đó, không dám chạy xe thường xuyên, đem xếp mấy can tích trữ dưới gầm bàn trong phòng ký túc xá. Có hôm tôi vào ngửi sực mùi xăng, mà bếp điện dây may so thì đang đỏ hồng phía góc phòng. Sự thiếu thốn cùng cực khiến con người ta liều mạng hoặc không để ý tới mối nguy hiểm. Cũng may chưa xảy ra chuyện gì nghiêm trọng. (còn tiếp)
Ảnh: Đường Tự Do (quận nhất, Sài Gòn) đoạn trước tòa nhà Hạ viện (nhà hát thành phố bây giờ) năm 1965 - Ảnh của Thomas Johnson.

******
KỲ 6


Thiếu xăng, người ta chế ra xe chạy than. Có lẽ đây là sản phẩm của những người giỏi môn vật lý và cơ khí. Nó là bản sao của xe lửa (hỏa xa) chạy than? Nghe đồn thời kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc người ta đã mày mò chế ra thứ này. Cho tới nay, hình như chưa có văn bản nào cho biết chiếc xe ô tô chạy than đầu tiên ở miền Nam sau tháng 5.1975 của công ty, xí nghiệp, đơn vị nào; ai là người thiết kế. Một kỳ tích thời đại, dù kỳ tích đau thương, khốn khó, cũng cần được ghi nhận. Các nhà viết sử quốc doanh suốt ngày chỉ chăm lo tìm kiếm thành công thắng lợi vĩ đại hoành tráng của đảng và nhà nước khiến sử rất đơn điệu. Đây mới chính là thứ cần phải biên lại, con cháu vài chục năm sau đọc sẽ hết hồn nhưng khoái bởi nó chân thực, sinh động. Đọc sử chính thống nhà nước, cũng như coi tivi quốc doanh, chả đọng lại gì, ngoài sự giả dối.
Cứ như tôi từng chứng kiến, từng chễm chệ trên chiếc xe than ít nhất cũng vài chục lần, khi đi Tiền Giang, lúc tới Vũng Tàu, đận về Tây Ninh, thì xe than thường được cải tạo từ những chiếc ô tô chứa khoảng hơn chục người, dạng xe nhãn hiệu Dodge, Renaul hoặc Chevrolet, thứ xe Mỹ máy khỏe, nồi đồng cối đá. Những tuyến đường gần, vài chục cây hoặc dưới trăm cây số đổ lại, hợp với xe than, như từ Sài Gòn đi Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Vũng Tàu. Ban đầu còn lẻ tẻ, tới khoảng năm 1980 về sau thì nhan nhản.
Cái lò đốt than được gắn phía đít xe, cao có khi tới gần 2 mét. Có lần tôi cố ý đo, đứng bên nó, nó cao hơn tôi cả hai gang tay. Hỏi cậu lơ xe, đốt than gì, nó bảo than đước chứ không phải than đá. Than đước miền Nam sẵn lắm. Gần chục năm thiếu điện, thiếu xăng, thiếu chất đốt, người ta tích cực phá rừng đước làm hầm than, tới khi tỉnh lại thì rừng đước gần như sạch nhẵn. Lại la toáng lên nguy cơ về môi trường, nhưng vẫn cứ phá, cứ đốt. Làm kinh tế xã hội chủ nghĩa là vậy. Giờ vẫn vậy. Phần tốt đẹp hiện nay có được là nhờ yếu tố kinh tế thị trường, chứ cái đuôi "định hướng" kia chỉ phá và kéo giật lùi trở lại. Nhưng các giáo sư tiến sĩ xây dựng đảng cứ thích thế, làm gì được nhau.
Có vài lần tôi đi Tây Ninh thăm vợ chồng đứa em con cậu ruột. Đường Lê Hồng Phong quận 10 thời những năm 80 là cái bến xe liên tỉnh. Tinh xe than, mà mua vé cũng trần ai chứ không phải dễ. Đi xe than, về cũng xe than. Sau chuyến đi, về tới nhà tởn luôn. Tởn nhưng lần sau vẫn đi. Khiếp nhất là mua phải chỗ cuối xe, ngồi gần lò. Nóng chả khác gì đi xông hơi mát xa đá muối bây giờ. Có bao nhiêu mồ hôi ra nhẵn. Mặt mũi nhếch nhác, đen đúa do bụi than bám vào. Cứ chạy một đoạn mươi cây số, xe dừng, đứa lơ xe lại lấy cây sắt thò vào lò chọc chọc ngoáy ngoáy, bỏ thêm than, đóng nắp lò, chạy tiếp. Lại dừng, lại ngoáy lại chọc. Vài lần thì tới nơi. Bụi than, tàn than, thậm chí còn cả cục than hồng, văng ra khắp đường. Cũng may chưa thấy than văng cháy vào mặt ai. Đi xe than là một cuộc hành xác vĩ đại. Có thể đó chính là khởi nguồn, là nguyên thủy, là mở đầu cho cuộc cách mạng 4.0 của mấy ông cộng sản hậu sinh bây giờ.
Tôi còn nhớ những năm từ 1977 (lúc tôi vào Sài Gòn) đến khoảng 1992-1994 có 2 trạm kiểm soát cực kỳ nổi tiếng về sự tàn bạo của nó: trạm Tân Hương trên quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1) từ Sài Gòn về miền Tây Nam Bộ, đặt ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Tiền Giang; trạm kia là trạm Suối Sâu trên quốc lộ 21 từ Sài Gòn đi Tây Ninh, đặt ở huyện Trảng Bàng, Tây Ninh. Không biết bao nhiêu oan ức, đau khổ, bi kịch của người dân đã sinh ra từ 2 trạm này. Lúc ấy lực lượng kiểm soát là những ông trời con, bất cứ thứ gì của người dân đưa qua trạm cũng bị lục soát, khám xét, tịch thu, kể cả gạo, đường tán, cá thịt, thuốc lá... Dưới danh nghĩa chống buôn lậu, họ cướp hết. Năm 1982, trên chuyến xe than "nóng như lò than" từ huyện Hòa Thành (Tây Ninh), tới trạm Suối Sâu tôi bị tịch thu 5 gói thuốc lá Samit mua về định đem ra ngã 6 Chợ Lớn bán kiếm lời, mà cũng chỉ đủ tiền mua có 5 gói. Mất cả chì lẫn chài. Xe than lết về tới Củ Chi còn bị hỏng, chữa gần tối mới xong. Chuyến du hành nhớ đời.
Trường tôi có lần tổ chức cho giáo viên về Mỹ Tho mua gạo cứu đói. Lần này không phải diện xe than mà ngồi chiếc xe REO nhà binh được quân khu 7 tặng trường, do ông Thi già lái. Mỗi người chỉ dám mua 10 - 15kg, vậy mà qua trạm Tân Hương vẫn bị tịch thu hết. Lần sau, ông Thi già liều vượt qua trạm, bị đám nhân viên Tân Hương vác AR15 ra đuổi bắn chỉ thiên bắt quay lại, mặt các thầy cô cắt không còn hột máu, cô Hứa Hồ Ngọc suýt ngất, đến giờ nhớ lại còn phát khiếp.
Bây giờ, cứ nhắc lại thời kinh hoàng ấy, người ta thường nhớ đến ông Đỗ Mười. Ông ta là gã thiên lôi của chế độ cộng sản, đã có "công đầu” phá nát nền kinh tế miền Bắc sau 1954 bằng công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, sau lại được đảng trọng dụng đem thứ kinh nghiệm ấy vào phá nát kinh tế miền Nam với tên gọi cải tạo tư bản tư doanh. Sự thật rành rành, thiên hạ ai cũng biết, thế mà đương sự vẫn được ca tụng, hội thảo, kỷ niệm, biết ơn này nọ, quốc tang quốc tiếc. Mà chẳng riêng Đỗ Mười. Sau này lịch sử cần viết lại cho rõ ràng để đánh giá công tội những hung thần ấy, không thể ù xọe lập lờ mãi được.

Ảnh: Sài Gòn năm 1970 - ảnh tư liệu, Bettmann chụp


Nguyễn Thông 


https://www.facebook.com/profile.php?id=100024722048900&__cft__[0]=

Tiếng Dân News


https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét