Tác phẩm điện ảnh Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng xoay quanh nhân vật bé An đi tìm cha giữa bối cảnh cuộc nổi dậy chống Pháp của người miền Nam đầu thế kỷ 20.

Bên cạnh những ý kiến khen phim cảm xúc, có ý kiến cho rằng phim làm "sai lệch lịch sử" khi "nâng tầm vai trò của Thiên Địa Hội". 

Vấn đề kiểm duyệt phim và phóng tác dựa trên các tác phẩm mang tính lịch sử lần nữa lại được đặt ra. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ với VietNamNet xung quanh câu chuyện này.


Cảnh trong phim 'Đất rừng phương Nam'.

- Dư luận đang xôn xao việc phim 'Đất rừng phương Nam' có chi tiết bị cho là nhạy cảm làm sai lệch lịch sử, ông có nhận định gì? 

Sáng tạo nghệ thuật dựa trên chất liệu lịch sử luôn là chủ đề nhạy cảm và gây tranh cãi, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Tôi nhớ Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đã từng tổ chức một hội thảo và sau đó in thành sách năm 2013 về Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử, cho thấy đây là một chủ đề rất quan trọng và không phải lúc nào chúng ta cũng thống nhất với nhau.

Theo tôi, điểm quan trọng ở đây là phim lịch sử gồm 2 yếu tố: Thứ nhất là nghệ thuật (điện ảnh/phim); Thứ hai là lịch sử.

Đối với những người coi trọng yếu tố nghệ thuật, lịch sử chỉ được xem là cái cớ, sự kiện hay như ai đó nói rằng là “cái đinh để móc chiếc áo nghệ thuật”. Nếu nghệ thuật chỉ tuân thủ hoàn toàn máy móc các sự kiện lịch sử sẽ trở nên nhàm chán, ở điện ảnh đó chỉ là phim tư liệu.

Ngược lại, đối với những người đề cao tính chân thực lịch sử thì làm phim phải tôn trọng tối đa các dữ kiện, bối cảnh lịch sử. Nếu bóp méo những sự thật lịch sử này sẽ khiến công chúng hiểu sai về lịch sử, giá trị mà lịch sử đem lại cho đất nước, từ đó tạo ra những hệ lụy không mong muốn khác.

Với tôi, cả hai quan điểm này đều có những lý lẽ riêng. Tốt nhất là kết hợp được cả hai lợi thế của nghệ thuật và lịch sử để tác phẩm nghệ thuật vừa chân thực, vừa hấp dẫn. Dù vậy việc đi giữa 2 lằn ranh, hài hòa cả hai quan điểm luôn rất khó khăn. 

Trở lại với bộ phim Đất rừng phương Nam, điều tôi thấy tích cực là xu hướng khai thác chất liệu lịch sử cho nghệ thuật những năm vừa qua. Ngay trong năm 2023, chúng ta thấy có phim Đào, Phở và Piano, Hồng Hà nữ sĩ (là những phim do Nhà nước đặt hàng) và đặc biệt là Đất rừng phương Nam, trong âm nhạc, mỹ thuật thì có khá nhiều.

Điều này cho thấy các nghệ sĩ đã thực sự quan tâm đến việc khai thác những giá trị lịch sử văn hóa dân tộc để tạo ra những sản phẩm nghệ thuật của người Việt Nam, vì người Việt Nam và cho người Việt Nam. Như vậy, từ những quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã chuyển biến thành những hành động cụ thể trong cuộc sống. Vì thế, chúng ta cần chung tay, cổ vũ cho xu hướng tích cực này.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên dễ dãi trong việc diễn giải lịch sử thông qua các tác phẩm nghệ thuật. Tôi thấy, hầu như không có sản phẩm nghệ thuật nào không tìm thấy hạt sạn về lịch sử. Điều quan trọng là thái độ cầu thị của chúng ta đối với những sai sót đó. Tôi thấy, đơn vị sản xuất phim Đất rừng phương Nam thực sự đã có thái độ cầu thị đó khi cùng Cục Điện ảnh thẩm định lại, có ý kiến về những chi tiết lịch sử gây tranh cãi, từ đó có những chỉnh sửa phù hợp hơn. 

- Từ 'Đất rừng phương Nam', dư luận lần nữa lại bàn tới khâu kiểm định phim của Hội đồng duyệt phim "có vấn đề", ý kiến của ông ra sao?

Tôi đánh giá cao nỗ lực của Cục Điện ảnh trong việc thể hiện trách nhiệm của mình, là tạo điều kiện đưa ra những bộ phim Việt Nam có chất lượng tốt nhất, có nội dung tư tưởng phù hợp. Việc Cục Điện ảnh lắng nghe ý kiến của dư luận, phối hợp cùng đơn vị sản xuất phim chỉnh sửa những chi tiết chưa hợp lý để tránh những liên tưởng không cần thiết, giúp đem lại cảm xúc trọn vẹn cho khán giả. Theo tôi, cũng là một cách phản ứng hợp lý, hợp tình với bối cảnh xã hội hiện nay.

Rõ ràng, chúng ta không chạy theo dư luận để giải quyết những vấn đề quản lý Nhà nước nhưng chúng ta cần lắng nghe dư luận điều chỉnh các quyết định quản lý của Nhà nước trong những trường hợp cụ thể. Điều đó không chứng minh các cơ quan quản lý Nhà nước sai vì ranh giới đúng - sai trong nghệ thuật khá mong manh.

Nhiều khi chúng ta cần sự đồng thuận và hợp lý hơn là tranh cãi đúng - sai khi thiếu tiêu chí thống nhất. Ngược lại, điều đó còn chứng minh sự tôn trọng, lắng nghe và cầu thị của các cơ quan quản lý Nhà nước để làm tốt trách nhiệm chính trị, xã hội của mình.

- Nhưng rõ ràng Cục Điện ảnh đã duyệt, vài chi tiết không vi phạm Luật Điện ảnh nhưng cả một ê-kíp phải ngồi lại rà soát chỉnh sửa lại theo dư luận liệu có hợp lý? Việc này nhiều người cho rằng sẽ hạn chế sự sáng tạo của các nhà làm phim, ông nghĩ sao?

Đó cũng là điều mà nhiều nghệ sĩ lo lắng. Chúng ta có nhiều quy định mang tính định tính. Vì vậy đôi khi phụ thuộc vào góc nhìn, quan điểm của người kiểm duyệt. Đều này đã gây ra nhiều tranh cãi, hoặc nhẹ hơn là sự không hài lòng giữa nhà sản xuất và cơ quan quản lý.

Đây cũng là một bước trong quá trình phát triển nghệ thuật ở nước ta. Tuy nhiên, tôi tin với đội ngũ cán bộ quản lý hiện nay, bằng nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của sáng tạo và tự do sáng tạo sẽ khuyến khích, động viên các nghệ sĩ làm ra nhiều tác phẩm có chất lượng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của khán giả và sự phát triển của đất nước.

- Để những tác phẩm phóng tác, hư cấu về đề tài lịch sử có thêm một cuộc sống mới trong xã hội hiện tại, theo ông cần phải làm gì?

Tôi nghĩ rằng, chúng ta rất cần tôn trọng lịch sử. Những gì thuộc về lịch sử đã được mọi người công nhận, ghi nhớ cũng phải là những chi tiết bắt buộc phải tôn trọng trong các sản phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, có rất nhiều những góc khuất, chi tiết không được nhắc tới trong lịch sử có thể trở thành chất liệu tuyệt vời, kho báu vô giá cho trí tưởng tượng phong phú, sáng tạo không giới hạn của nghệ sĩ.

Điều quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chúng ta cần xác định các tác phẩm nghệ thuật không hoàn toàn là lịch sử. Tác phẩm nghệ thuật về lịch sử giúp quá khứ trở nên sống động và gần gũi hơn, trao gửi cho chúng ta những thông điệp giá trị từ cha ông.

Chúng ta ủng hộ, khuyến khích những nghệ sĩ khai thác chất liệu lịch sử để sáng tạo ra các sản phẩm nghệ thuật, để lịch sử có thêm một cuộc sống mới trong xã hội hiện tại, viết tiếp giấc mơ quá khứ để lan tỏa thông điệp mạnh mẽ sang các lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước.

NGUỒN: Đại biểu Quốc hội bàn về yếu tố lịch sử trong phim Đất rừng phương Nam 

TIN LIÊN QUAN:

'Đất rừng phương Nam': Đừng xem phim bằng cái nhìn cực đoan! (VNN 17/10/2023)

Nhà sản xuất cam đoan sửa 3 điểm trong phim 'Đất rừng phương Nam' (VNN 17/10/2023)

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lên tiếng về những ồn ào 'Đất rừng phương Nam' (VNN 17/10/2023)

ĐẠO DIỄN NGUYỄN QUANG DŨNG LÊN TIẾNG VỀ NHỮNG ỒN ÀO 'ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM' 

MỸ ANH/VNN 17-10-2023

Trước những ý kiến xôn xao về bộ phim 'Đất rừng phương Nam' bản điện ảnh đang trình chiếu ngoài rạp, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lần đầu có những chia sẻ chính thức.

Đất rừng phương Nam đang là bộ phim gây chú ý ngoài rạp cũng như trên truyền thông và mạng xã hội với những tranh cãi không hồi kết. Liên quan đến những ý kiến tiêu cực hướng tới bộ phim cũng như việc Đất rừng phương Nam phải chỉnh sửa một số chi tiết trước khi tiếp tục ra rạp vào 16/10, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã có chia sẻ trên VTV. 


Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tại buổi ra mắt phim 'Đất rừng phương Nam' ở HN ngày 13/10. 

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói trước những ý kiến tiêu cực hướng tới bộ phim cũng như hiểu lầm ý nghĩa của đoàn làm phim mong muốn gửi tới khán giả, bản thân anh và ê-kíp rất buồn.

"Chúng tôi muốn làm một bộ phim nói về tình người, về gia đình, về vùng đất ở thời kỳ loạn lạc nên có ý kiến hơi tiêu cực về Đất rừng phương Nam và lan rất rộng tới những người chưa xem làm chúng tôi trăn trở. Chúng tôi quyết định sửa những chi tiết khiến người xem hiểu lầm. Đó là chi tiết nhỏ để mô tả bang hội, nhân vật trong phim chứ không phải ý nghĩa chính của bộ phim hay điều chúng tôi hướng tới", anh nói. 

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết Đất rừng phương Nam lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết cùng tên và bộ phim truyền hình Đất phương Nam. Phim chuyển bối cảnh lịch sử trong tiểu thuyết là năm 1945 sang 1920-1930. Đó là giai đoạn có nhiều bang hội và nhiều người yêu nước tự phát với phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp. 


Một cảnh trong phim. 

Đạo diễn giải thích lý do đặt tên Nghĩa Hoà Đoàn cho nhóm người Hoa. Còn về cái tên Thiên Địa Hội, đoàn phim có nghiên cứu, tìm hiểu và được biết Thiên Địa Hội từng xuất hiện tại Việt Nam đầu thế kỷ 20.

"Nếu xem phim rồi các bạn sẽ thấy Thiên Địa Hội chỉ là 1 phần mô tả 1 tuyến nhân vật, song song với đó cũng có các nhóm nghĩa quân khác của ba An hay người yêu nước như thầy Bảy muốn dùng văn học nghệ thuật để đánh động lòng người.  

Nên khi thông tin tiêu cực lan toả quá nhiều gây tranh cãi và khiến những người chưa xem phim hiểu lầm chúng tôi và đó là điều không đáng có. Do vậy chúng tôi nghĩ mình nên sửa lại những đoạn không quá quan trọng và cũng không ảnh hưởng đến nội dung và ý nghĩa của bộ phim", Nguyễn Quang Dũng giãi bày. 

Đạo diễn Đất rừng phương Nam nói cảm ơn khán giả xem phim đã tìm ra những điểm chưa tốt để góp ý, đoàn phim ghi nhận và mong sao khán giả sẽ có những phán xét tích cực hơn.

NHÀ SẢN XUẤT CAM ĐOAN SỬA 3 ĐIỂM TRONG PHIM 'ĐẤT RỪNG 

PHƯƠNG NAM' 

MỸ ANH/VNN 17-10-2023

Nhà sản xuất 'Đất rừng phương Nam' thông tin về những chi tiết đã chỉnh sửa trong phim sau buổi làm việc với Cục Điện ảnh ngày 14/10.

Sáng 17/10, đại diện nhà phát hành Đất rừng phương Nam đã ra thông báo chính thức về một số chi tiết đã chỉnh sửa trong phim. Nội dung cụ thể như sau: 


Một cảnh trong phim 'Đất rừng phương Nam'.  

"Tiếp thu ý kiến của khán giả, sau cuộc đối thoại, trao đổi một số nội dung liên quan đến bộ phim với cơ quan chức năng, đoàn làm phim điện ảnh Đất rừng phương Nam đã chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa một số chi tiết trong bộ phim, bao gồm:

1. Dòng chữ: “Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim Đất phương Nam” được đưa lên đầu phim. Sự điều chỉnh này để làm rõ sự tương đồng về bối cảnh không gian và thời gian (vào những năm 1920 – 1930) của phim điện ảnh Đất rừng phương Nam và phim truyền hình Đất phương Nam. Bối cảnh này khác với bối cảnh không gian, thời gian của tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của Nhà văn Đoàn Giỏi (vào năm 1945).

2. Bổ sung thêm nội dung cho câu giới thiệu “Hành trình vẫn còn phía trước” thành “Hết Phần 1 - Hành trình vẫn còn phía trước”. Sự điều chỉnh này nhằm khẳng định rõ hơn dự định của nhà sản xuất cho phần 2 kể về hành trình của nhân vật An trong tương lai.

3. Điều chỉnh cụm từ “Nghĩa Hoà Đoàn” thành “Nam Hoà Đoàn”, “Thiên Địa Hội” thành “Chính Nghĩa Hội” trong tất cả các câu thoại liên quan tới hai cụm từ này trong phim điện ảnh Đất rừng phương Nam. Các tình tiết phim liên quan tới hai cụm từ trên đều là những tình tiết hư cấu được lấy cảm hứng từ các sự kiện trong lịch sử. Việc chỉnh sửa này nhằm tránh mọi liên tưởng không đúng về hai cụm từ này".

Nhà sản xuất cho biết mong muốn thông qua việc chỉnh sửa như trên, khán giả sẽ được tiếp cận và trải nghiệm tốt nhất Đất rừng phương Nam và khẳng định những chỉnh sửa trên không làm thay đổi nội dung phim. "Bản phim Đất rừng phương Nam đã được chỉnh sửa và trình lên Cục Điện ảnh theo đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi xin cam đoan các bản phim của Đất rừng phương Nam được chỉnh sửa như trên bắt đầu từ ngày 16/10/2023", trích thông báo của nhà sản xuất.

Trước đó, ngay sau khi phim ra mắt, mạng xã hội rộ lên ý kiến nhận xét Đất rừng phương Nam có nhiều chi tiết lai lệch lịch sử. Do vậy, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Cục Điện ảnh thẩm định lại bộ phim và làm việc với nhà sản xuất để làm rõ ý kiến phản ánh của khán giả. Sau buổi làm việc ngày 14/10, nhà sản xuất Đất rừng phương Nam đã chủ động đề xuất chỉnh sửa lại một số thông tin gây tranh cãi. 

Việc chỉnh sửa đã hoàn tất trong ngày 15/10 và nhà phát hành Đất rừng phương Nam quyết định đưa phim ra rạp từ 16/10 thay vì 20/10 như dự kiến ban đầu. Đến 9h sáng ngày 17/10, phim đã thu về gần 53 tỷ. 

PHIM ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM, QUÀ QUÝ KÍNH DÂNG 'TẬP ĐẾ'?

GIÓ BẤC/RFA/ TD 17-10-2023


Cải biến tiểu thuyết lịch sử Việt, con người Việt thành câu chuyện, nhân vật Tàu không có thực. Hư cấu, gán ghép bọn du thủ du thực hết thời thành anh hùng Tàu yêu nước Việt. Bác Ba Phi Việt rặt ri, hào sảng, trào lộng của đất phương nam cũng bị ép mặc áo Tàu. Đảng luôn nêu cao tính Đảng, tính chiến đấu của văn học, nghệ thuật, vậy tính Đảng trong chuyện đầu tư 50 tỷ đồng để Tàu hóa lịch sử Việt này là gì? Bao nhiêu phim từng bị Cục Điện Ảnh săm soi lên bờ xuống ruộng từng chi tiết nhỏ như lỗ kim, sao lỗ voi Tàu hóa, sống sượng lại được ve sầu thoát xác, đổi tên Thiên Địa Hội, Nghĩa Hòa Đoàn?
10 tỷ đồng tiền đầu tư Phim Đất Rừng Phương Nam của Trấn Thành đã tạo hiệu ứng đặc biệt. Báo chí, truyền thông lề phải dành cho phim những lời có cánh, nhưng ngược lại, người cả tin đi xem đã phản ứng dữ dội. Bất bình không vì chuyện hay dở, đẹp xấu mà vì việc Tàu hóa các nhân vật trong phim. Câu chuyện về nông dân miền nam yêu nước biến thành chuyện anh hùng của những bang hội Tàu lưu vong.
Nhà văn, tiến sĩ Hà Thanh Vân đã có bài viết trên Facebook rất uyên bác, công phu dẫn chiếu tài liệu từ nhà văn Sơn Nam, GS. Trần Văn Giàu nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, thống kê của Sở Mật thám Đông Dương ở Nam Kỳ và các nhà nghiên cứu phương Tây.
Hà Thanh Vân chứng minh rằng, ở Miền Nam thời trước có hội kín người Hoa, mục đích phản Thanh phục Minh. Từ sau cuộc khởi nghĩa của Phan Xích Long 1913, họ đã chuyển hóa thành những băng đảng du côn, trộm cướp, dần tàn lụi, không có vai trò trong xã hội. Phân tích sự đậm đặc yếu tố Tàu trong phim, Hà Thanh Vân "Đề nghị đổi tên phim 'Đất Rừng Phương Nam' thành phim 'Thiên địa hội ở Nam Kỳ'." (1)
Tác phẩm gốc của nhà văn Đoàn Giỏi không đề cập đến các băng đảng Tàu. Ông đặc tả về những người phương nam yêu nước theo sự dẫn dắt của Việt Minh. Phim Đất Rừng Phương Nam không chỉ hư cấu mà còn đề cao quá mức vai trò, khả năng của các băng đảng Tàu này lấn át tuyến nhân vật Việt.
Thẳng thắn mà nói, dư luận bất bình vì phim đã đánh tráo giá trị nhân văn, tính cách người Việt ở vùng đất phương nam thành của người Tàu, tạo ra sự ngộ nhận, tình cảm lệch lạc về người Tàu ở Việt Nam. Sự cố ý Tàu hóa không chỉ thể hiện trong nội dung mà chi ly đến phục trang nhân vật. Nhân vật Tàu mặc y phục Tàu đã đành. Chiếc áo Bác Ba Phi, áo bà ba các nhân vật nữ trong phim, đều biến thành áo Tàu nút thắt. Người Việt nào từng biết chiếc áo bà ba nhìn thấy phục trang áo Tàu này đều xốn xang khó chịu.
Khăn rằn đặc trưng của Nam Kỳ bị khoác lên gượng gạo giả tạo. Đạo diễn Trần Chí Kông đã đưa lên Facebook hình ảnh chân thực cách vấn khăn thoải mái tự nhiên của người Nam Kỳ như sự dẫn chứng cho sự lệch lạc này (2).
Poster phim Đất Rừng Phương Nam. Nguồn: GALAXY
Dư luận phản ứng do tình cảm dân tộc bị xúc phạm, giá trị lịch sử bị chà đạp
Các cơ quan quản lý văn hóa xứ "chiều nay" vốn nổi tiếng nhạy cảm về chính trị khi kiểm duyệt. Chuyện Tử Tế bị cầm lên đặt xuống nhiều lần, suýt bị trùm mền. Áo Lụa Hà Đông từng bị đánh lên bờ xuống ruộng, xét nét từng chi tiết nhỏ. Dù đạo diễn ý tứ quay cận cảnh chữ US Army trên trái bom, vẫn bị Tuyên Giáo cật vấn “Bom trong phim là của ai?”. Xích lô của Trần Anh Hùng đoạt giải quốc tế hàng chục năm qua, vẫn chưa được công chiếu ở Việt Nam.
Ấy vậy mà trước sai trái tai hại nghiêm trọng của Đất Rừng Phương Nam, Cục Điện Ảnh lại rộng vòng tay bảo bọc. Trong khi dư luận bức xúc việc Tàu hóa, ông Cục trưởng Vi Kiến Thành đánh trống lảng sang chuyện luật pháp. Che chắn rằng ngày 29-9, hội đồng thẩm định, phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình đã thẩm định, phân loại phim Đất rừng phương Nam. Kết quả 100% thành viên hội đồng thống nhất kết luận phim không vi phạm Luật Điện ảnh và cho phép bộ phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi, với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Không rõ có bị ảnh hưởng bởi bom tấn 10 tỷ đồng chi phí PR hay không, ông Vi Kiến Thành hết lời ca ngợi “đây là tác phẩm điện ảnh được xây dựng công phu, với âm hưởng chủ đạo là tinh thần yêu nước, chống phong kiến, đế quốc ở khu vực Nam Bộ”.
Với chức năng quản lý nhà nước, với vai trò đảng viên cao cấp trong ngành văn hóa, lẽ ra phải cân nhắc xem xét nghiêm túc ý kiến phê bình của công chúng, Cục trưởng Cục Điện ảnh lại làm chức năng luật sư bảo vệ cho những sai trái mười mươi của phim. Ông Thành bao biện, phim Đất Rừng Phương Nam muốn kể chuyện bé An lưu lạc qua nhiều nơi, nhiều môi trường, nhiều bang hội, cũng như nhiều nhóm nghĩa quân khác nhau… Thông qua đó, gợi lên được miền Nam là mảnh đất giao thoa văn hóa của người bản địa Việt Nam và người Khmer, người Hoa. "Một vùng đất hòa hợp có những dân tộc, văn hóa khác nhau cùng khai hoang và gìn giữ, đấu tranh cho vùng đất này", ông nói thêm.
Ông Thành mở toang cánh cửa quản lý khi xác định rằng, “bộ phim hư cấu, không xác định chính xác thời điểm diễn ra câu chuyện. Phim cũng lấy cảm hứng từ tiểu thuyết chứ không bê y nguyên” (3).
Luật điện ảnh của các ông đặt ra, vi phạm hay không, quyền của các ông nhưng nếu mồ ma nhà văn Đoàn Giỏi hay hương hồn Bác Ba Phi linh thiêng, chắc hẳn sẽ không dùng Điều 331 Bộ luật hình sự, kiện các nhà làm phim đã Tàu hóa tác phẩm và nhân cách của họ. Theo luật “trượng nghĩa” của Nam Kỳ, họ sẽ tự ra tay.
Xin lưu ý ông Thành, không ai phủ nhận sự giao thoa văn hóa cộng cư ở Miền Nam nhưng tinh thần kháng chiến chống Pháp, chống ngoại xâm nói chung, xuyên suốt từ 1859 đến 1945, từ Trương Định, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Cố Quản Thành, Ngô Lợi, đạo Tưởng, Nguyễn An Ninh… đều do người Việt đứng ra, không hề có một bang hội Tàu nào tổ chức. Ngay Phan Xích Long mang danh Thiên Địa Hội nhưng cũng là nhóm thanh niên người Việt.
Nói phim ca ngợi tinh thần yêu nước, vì sao không dàn dựng những hội kín thật của người Việt như Ngô Lợi, Đạo Tưởng, Nguyễn An Ninh, mặc tình hư cấu cho ly kỳ hấp dẫn?
Nếu muốn hư cấu không gian lịch sử, tuyến nhân vật chính, thì cứ lấy tên phim khác, cớ gì lôi tiểu thuyết Đất Rừng Phương Nam Việt rặt ri ra, treo đầu dê để mở quán bán thịt chó phim Tàu?
Dư luận càng lên tiếng, Cục Điện Ảnh càng bảo vệ che chắn cho phim lộ liễu hơn. Ngày 15.10, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, đại diện nhà sản xuất phim Đất Rừng Phương Nam đã chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa phim này trong cuộc đối thoại với Cục Điện ảnh. Nhà sản xuất sẽ bỏ tên và lời thoại "thiên địa hội" và "nghĩa hòa đoàn". Từ "nghĩa hòa đoàn" sẽ đổi thành "nam hòa đoàn", còn "thiên địa hội" sửa thành "chính nghĩa hội". “Sự thay đổi này nhằm tránh sự liên tưởng đến Thiên địa hội và Nghĩa hòa đoàn từ thời nhà Thanh ở Trung Quốc” (4).
Một lần nữa ông Thành lại đánh bùn sang ao để phim Tàu Đất Rừng Phương Nam được ve sầu thoát xác. Dư luận không dị ứng với cái tên Thiên Địa Hội hay Nghĩa Hòa Đoàn, nếu nó không phải là những băng đảng của Tàu được hư cấu, đề cao thành các tổ chức yêu nước Việt Nam. Dù có được thay thế bằng trăm vạn cái tên Đình Đoàn gì đi nữa thì nó vẫn là hội kín của Tàu, mặc y phục Tàu, là người yêu nước Việt.
Thế hệ trẻ Việt Nam, học lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc chỉ có mấy dòng, không biết chống ai, mù mờ về lịch sử. Được báo Nhà nước ca ngợi, cắm đầu xem phim Đất Rừng Phương Nam, chúng chỉ có một cách hiểu, ở đất phương nam này cha ông chúng là người Tàu. Người Tàu bảo bọc và giành độc lập cho Miền Nam và Việt Nam. Điều đáng sợ mà ông Cục Trưởng cố tình né tránh là như vậy đó.
"Tác phẩm của tác giả Đoàn Giỏi về tình người, tình dân tộc của phương nam, bỗng chốc biến thành bộ phim người dân phương nam mang ơn Hội người Hoa cứu giúp. Bộ phim như một sự nhắc nhở người việt về sự hỗ trợ của Tưởng Giới Thạch/Trung Hoa trong thời kỳ đánh đổ quân pháp 1945.
Bộ phim này tui cho là rất mang tính thời sự “ơn Hoa”, dù nói về chuyện xưa, rất đáng hoan nghênh và nên trao giải Hoaben vì hoà bình. Người miền nam chân chất luôn chào đón người mọi nơi đến ở, và luôn trân trọng tất cả những người đã góp sức cho mảnh đất này, tuy nhiên không nên cải tác một tác phẩm được nhiều người yêu mến thành tư tưởng Ơn Hoa như thế.
Nhà sản xuất phim Trấn Thành nên xin lỗi nhà văn Đoàn Giỏi và đổi tên phim để tôn trọng tác giả truyện, vì thông điệp nội dung chính đã thay đổi quá xa rồi.
Nên đổi tên phim thành: “ơn hoa trên đất rừng nam bộ”
Không viết hoa” (5).
Nhà biên kịch Võ Đắc Dự, cha và hai anh ruột là liệt sĩ, mẹ là Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, chôn nhau cắt rún và lớn lên từ đất Cà Mau đã phẫn uất viết trên Facebook cá nhân.
“Bị cộng đồng mạng phản đối, chúng "hư cấu" lại hai cái tên tổ chức lưu manh du thủ du thực đó thành "Nam hoà Đoàn và Chính nghĩa Hội"...
Song, mất dạy nhất là chúng chống chế rằng:"bộ phim không đề cao ca ngợi một hội nhóm nào, chỉ ca ngợi lòng yêu nước chống ngoại xâm của người dân..."
Câu này, chúng đã ngang nhiên đùa cợt lịch sử Nam kỳ...
Thế tao hỏi chúng mầy người dân "yêu nước chống ngoại xâm" ở đây dưới ngọn cờ của ai?...
Quá mất dạy!
Tôi đề nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét một cách nghiêm túc về quan điểm lịch sử của êkip làm phim, nội dung phim này!!!” (6)
Với gia thế dòng giõi cách mạng ba đời đỏ như son, với gốc gác Cà Mau rặt ri trực tính, với tình cảm quê hương nồng cháy, anh bức xúc và kiến nghị như vậy rất ư là chính đáng. Nhưng rất tiếc, anh quên rằng Tập Cận Bình sắp Nam Du. Vòng kim cô 16 chữ vàng sẽ thêm siết chặt. Muốn bình yên tổ chức Đại hội Đảng 14 thì Đất Rừng Phương Nam là món quà lý tưởng kính dâng “Tập Đế”.
Nếu bề trên thật lòng hun đúc sĩ khí, nhiệt huyết yêu nước của muôn dân thì bố bảo anh Cục Trưởng Điện ảnh cũng không dám láo toét bô lô ba la như vậy.
Đừng ngạc nhiên nếu Bộ Trưởng Văn Thể Du tạm ứng vài ngàn trong số ngân sách 350 ngàn tỷ đồng chấn hưng văn hóa để mua đứt Đất Rừng Phương Nam cho dân đen xem miễn phí. Khẩu hiệu “Dân ta phải biết sử ta. Muốn biết lịch sử phải xem Đất Rừng Phương Nam” là chân lý không có gì thay đổi được.
__________
Tham khảo:

Tiếng Dân News

https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=

ĐẤT NƯỚC TRIỆU HOA HỒNG...
CHU MỘNG LONG/FB/ TD 18-10-2023


Nhiều bạn nhắn tin rằng, họ đang chờ tôi lên tiếng về cái bộ phim Đất rừng phương Nam đang gây tranh cãi ầm ĩ. Thú thật, tôi thích xem phim, và chỉ có bình luận mồm: Thích hay không thích. Những gì không biết thì không viết.
Mà phim này dựa vào tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, tôi xem từ bé. Muốn xem phim thì trước đó tiểu thuyết này cũng đã có dựng phim. Không rảnh để mua vé xem phiên bản. Tôi càng chúa ghét loại trí thức gì cũng tỏ ra biết tuốt, có sự là khoe cái biết tuốt của mình.
Trong vụ này, thấy hai bên chửi nhau, tôi có xem họ chửi nhau thế nào. Vui nhưng tởm. Tởm nhất là đấu tố và chụp mũ chính trị. Kể cả sự ngụy biện để bào chữa.
Phe đấu tố không phải bần cố nông mà khởi động từ đám trí thức. Buồn cười và tởm nhất là sau gần cả thế kỉ cách mạng, dân trí thì có tiến bộ mà trí thức vẫn ấu trĩ như trẻ con. Họ vẫn mãi cái tư duy mang tính lập trường ta tốt/địch xấu, ta thiện/địch ác, ta thắng/địch thua. Một bộ phim thiếu lập trường là sự nhột của nhà cầm quyền và phe đấu tố gồm toàn những người đứng tuổi nhưng trở thành Hồng vệ binh - đội quân trẻ con của Mao từng giết người như ngóe.
Phe bào chữa nói nghệ thuật phi chính trị thì theo tôi cũng không ổn. Chính họ khi bàn chuyện chính trị thì to mồm nói, rằng ngay cả chuyện ăn uống, ỉa đái cũng có tính chính trị, vì chính trị chi phối mọi hoạt động của công dân. Vậy thì làm gì có chuyện nghệ thuật phi chính trị?
Họ nói hư cấu thì phi lịch sử. Càng sai. Bởi một sự kiện, dẫu ăn uống, ỉa đái cũng có tính lịch sử. Ngay các từ chỉ hoạt động ăn uống: Từ đớp, táp, nhai, nhá đến ăn; các từ chỉ hoạt động vệ sinh: từ liếm, quẹt, trịn, lau, đến rửa... đã mang tính lịch sử. Trang phục hay các tổ chức xã hội, kể cả xã hội đen càng có tính lịch sử. Tất nhiên, phe chỉ điểm, đấu tố dựa vào đó mà kết tội phản lịch sử, phản quốc gia, phản động thì đúng là kinh hãi.
Xét trên bình diện ấy, tôi có xót xa cho những người làm phim và nhìn ra luôn cái hậu họa của bất cứ tác phẩm nào bị mang ra đấu tố, trừ những tác phẩm phân tuyến rõ ràng địch/ta. Như thể loại cổ tích để bịp trẻ em chẳng hạn!
Nhưng đến hôm nay thì tôi lại quay ra ghét những nhà làm phim, đúng ra ghét nhà sản xuất phim. Không thể chấp nhận được khi họ cấu kết với trường học bắt sinh viên, học sinh phải mua vé xem phim. Cái trò nhân danh vì tình yêu đất nước, quê hương, vì trải nghiệm học tập nghe mà phát ói. Tôi ói vào mặt những nhà quản lý giáo dục khi đặt vé trước cho sinh viên, học sinh rồi sau đó thu tiền. Có nhân danh gì đi nữa cũng không giấu được cái món hoa hồng nhà sản xuất chi lại cho người quản lý.
Đất nước này gì cũng hoa hồng. Triệu đóa hoa hồng. Thôi thì trong kinh doanh, đấu thầu còn tạm chấp nhận. Trong giáo dục mà cũng thi nhau hưởng hoa hồng: Hoa hồng thiết bị, hoa hồng sách giáo khoa, hoa hồng học tăng cường, hoa hồng bảo hiểm, hoa hồng khám sức khỏe, hoa hồng đồng phục,... cho đến hoa hồng vé số, và bây giờ là hoa hồng vé xem phim.
Người quản lý giáo dục kiêm luôn đại lý các loại. Nhưng đại lý trong kinh doanh còn chừa chỗ cho người bán lẻ. Đại lý trong nhà trường giết chết luôn người bán lẻ. Loại hoa hồng này moi đến đáy quần hàng triệu phụ huynh. Không thơm được mà thúi!
Nhớ cách đây đã lâu, công đoàn, đoàn thanh niên làm đại lý bán vé số. Đủ loại nhân danh: Vé số vì người nghèo, vé số vì trẻ em nhiễm chất độc da cam, vé số vì trẻ em khuyết tật... Cứ thế, mỗi công đoàn bộ phận, mỗi chi đoàn phát cho mỗi công đoàn viên, mỗi đoàn viên thanh niên chục vé và trừ lương hoặc thu tiền.
Đến lúc tôi phải lên cơn thịnh nộ: "Cả đời tôi không cờ bạc, không đánh số, sao lại bắt tôi phải cờ bạc, đánh số? Vì người nghèo, người khuyết tật cái gì khi việc đi bán vé số dạo của họ cũng bị các người cướp luôn?" Tôi phản đối quyết liệt và từ đó chấm dứt luôn cái loại hoa hồng thúi mà năm nào thầy trò cũng phải ngửi!
Phim ai thích thì mua vé vào xem. Không thích thì thôi. Người lớn vỏ não đã hình thành, phân biệt được hay dở, đúng sai. Tác hại phim ít. Nhưng sách giáo khoa thì bắt buộc trẻ em phải mua phải học, tác hại vô cùng lớn. Trừ rất ít người có tâm có trí lên tiếng, còn đại đa số giáo sư, tiến sĩ thì im bặt. Trong khi vụ phim ảnh này thì họ rất hung hăng như chó khoe nanh!

Chu Mộng Long

https://www.facebook.com/Chumonglong?__cft__[0]=

Tiếng Dân News

https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=

ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM: MÌ ĂN LIỀN
PHAN XUÂN TRUNG/ FB/TD 1-11-2023


Tôi hiếm khi xem phim ở rạp. Nhưng hôm nay quyết định đi coi phim một mình để có tư liệu thực tế viết bài.
Rạp Cine Lotte Mart số 2, 7 giờ tối, le que khoảng hơn 10 người xem phim Đất Rừng Phương Nam.
Trước hết nói về phim Đất Phương Nam của đạo diễn Vinh Sơn. Đó là một tác phẩm nghệ thuật điện ảnh, mượn cốt truyện Đất Rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi để dựng lại hồn cốt của xứ miền Tây. Tựa phim là Đất Phương Nam, với Đất có nghĩa là vùng, miền chứ không phải nghĩa đen là đất cát hay đất ruộng. Đất Phương Nam nói về người ở phương Nam, về sinh hoạt, tính cách, văn hóa và một phần lịch sử. Những cảnh đấu tranh chống Tây là phụ, không phải nội dung chính.
Trong phim, tác giả miêu tả đến từng chi tiết về con người ở đất Nam kỳ. Cảnh vật ruộng đồng, sông nước, làng quê, sinh hoạt... được phục dựng hết sức chân thật, gần gũi đến từng hơi thở. Đây là phim đặc tả, lưu giữ hồn cốt miền Nam. Dù đạo diễn Vinh Sơn là người gốc miền Trung (Quảng Trị), nhưng ông hiểu miền Nam đến từng cọng cỏ và vì vậy ông đã tạo ra tác phẩm đi vào lòng người.
Nếu đem phim Đất Rừng Phương Nam để so sánh với Đất Phương Nam thì đó là sự hỗn hào, vô lễ đối với đạo diễn Vinh Sơn, với phim Đất Phương Nam và với khán giả.
Giờ nói về phim Đất Rừng Phương Nam, đây là một phim mì ăn liền, hoàn toàn khác biệt với hồn cốt của phim Đất Phương Nam. Đây là chuỗi nhiều cảnh đánh nhau bát nháo của những đám đông. Ngay từ đầu phim, âm nhạc đã thình thịch tiết tấu nhanh, chan chát, chuẩn bị cho người xem bước vào cảnh bắn người, chạy loạn, giết chóc. Hết phân đoạn ồn ào đánh, chém này đến ào ào đánh chém, bắn súng khác. Xen lẫn những cảnh náo loạn, bắn chém là những đoạn... nghỉ mệt, hài hài do Út Lục Lâm diễn trò.
Các nhân vật thằng Cò, Tư Béo, Ba Phi... xuất hiện nháng qua cho có, hoàn toàn không để lại dấu ấn gì như trong bản phim ĐPN. Nói lại, đem so ĐRPN với ĐPN là một điều sỉ nhục ĐPN.
Nhân vật chiếm cảm tình của phim ĐRPN là Út Lục Lâm, điển trai và hài hước. Bé An nay dễ thương nhưng rất khác với bé An xưa.
Về kỹ thuật điện ảnh, đúng mì ăn liền. Lạm dụng đồ họa vi tính để tạo hình cánh cò, đom đóm, hay quay chậm cảnh phi thân chém lính... Nếu người xem đang trông chờ các cảnh quay đẹp, chân thật của sông nước miền Nam thì nhũng kỹ xảo vi tính khiến cho người ta cảm giác nhai cơm trúng sạn.
Về nhân vật, vai Tư Mắm đã đi quá đà, từ một kẻ điềm báo sang kẻ cầm súng lục bắn người, mặc bộ đồ bà ba tím xông pha ruộng sình đuổi bắn người còn hơn lính biệt kích.
Nhân vật Ba Phi do Trấn Thành thủ vai thì khỏi bàn, như con khỉ nhảy nhót... Từ gương mặt non choẹt gắn râu đến tác phong, đến bối cảnh... chẳng có gì là Ba Phi hết.
Nhiều cảnh quay bất hợp lý như mẹ hát ru đứa con trai tuổi thiếu niên mà như ru em bé một tuổi. Hai đứa trẻ nhỏ ngồi dưới trăng nói chuyện yêu đương. Bé An học ăn cắp, học thói xấu từ Út Lục Lâm.
Phim có tiết tấu nhanh, dồn dập, náo loạn... theo mô đen phim xã hội đen Hồng Công.
Không bàn đến bang hội người Hoa trong phim vì trong lịch sử mở mang miền Nam có sự tham gia của người Hoa và phim cũng không thuộc thể loại phim tư liệu lịch sử. Và nếu như vậy thì việc lùa sinh viên, học sinh đi xem để hiểu lịch sử là việc làm hết sức bậy bạ.
Theo tôi, đạo diễn Quang Dũng nên lấy một tên phim khác, dựng nhân vật khác để đừng ai liên tưởng đến phim Đất Phương Nam thì có lẽ phim sẽ bán được vé hơn.

Phan Xuân Trung

https://www.facebook.com/phanxuantrung?__cft__[0]=

Tiếng Dân News

https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=