Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

20231025. QUANH VỤ ÁN NGƯỜI MẪU NGỌC TRINH

   ĐIỂM BÁO MẠNG


NGỌC TRINH SAU NHỮNG GIÁ TRỊ ẢO ĐẦY TAI TIẾNG
HOÀNG THÔNG/ VNN 23-10-2023



Người đẹp Ngọc Trinh.
Phúc XO, Khá Bảnh, bà Phương Hằng và mới nhất là Ngọc Trinh - những hiện tượng trên mạng xã hội, có không ít người hâm mộ xem là thần tượng - nhưng đều dính tới vấn đề pháp lý.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả
Chuyện của cô người mẫu nội y Ngọc Trinh có lẽ chẳng nghiêm trọng bằng 3 cái tên kia nhưng rõ ràng việc người đẹp quê Trà Vinh bị pháp luật “điểm mặt” cũng là hồi chuông cảnh báo cho những ai tự cho mình cái quyền “muốn làm gì thì làm”.
Không phủ nhận trong nhiều năm qua cái tên Ngọc Trinh là một hiện tượng trên khắp các mặt báo và mạng xã hội. Dẫu rằng lượng chê cũng không thua số người khen nhưng người đẹp sinh năm 1989 rõ ràng rất thành công trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân.
Tất nhiên, có danh sẽ có lợi. Và Ngọc Trinh đã khôn khéo khi tận dụng nét đẹp trời phú (hoặc không hẳn là 100%), thời gian thanh xuân có hạn của mình để có được cuộc sống xa hoa giàu sang. Dù đâu đó cũng có lời ong tiếng ve rằng việc cô được chú ý không hoàn toàn bằng tài năng nhưng với những ai là fan của Ngọc Trinh có vẻ như “cô giàu cô nói gì cũng đúng” và “Ngọc Trinh đẹp thì có quyền”.

Cùng với sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội, danh tiếng của Ngọc Trinh ngày một vang xa. Hơn ai hết, cô hiểu rằng bắt cả xã hội thương yêu mình còn khó hơn lên trời nên cô cứ sống theo cách của riêng mình. Bởi ở đâu đó vẫn còn hàng ngàn fan hâm mộ, tung hô cô đó thôi.
Nhưng đây lại là con dao hai lưỡi khiến người trong cuộc thiếu sáng suốt để nhận ra vài điều. Có thể nhiều bạn trẻ là fan của Ngọc Trinh, cái họ ngưỡng mộ là cuộc sống sang chảnh mà cô đang có hay chính là con người cô? Có lẽ là ở vế đầu bởi một cô gái từng công khai mối quan hệ tình cảm dù là ngắn ngủi với một vị tỷ phú hơn tới 40 tuổi khó có thể là thần tượng của nhiều người. Nhưng ánh hào quang của mạng xã hội đã chẳng thể kéo Ngọc Trinh hay nhiều con người khác về với giá trị thực tại của cuộc sống.
Những con số like hay follow đã tạo nên những giá trị ảo thật sự. Đó thật sự là một thành công nhưng ở một thế giới không thực. Và chỉ ở thế giới đó một bộ phận công chúng chấp nhận hành động của Ngọc Trinh và cô được cái quyền làm bất cứ điều gì, vì cô đẹp.
Tuy mạng xã hội là một thế giới phẳng nhưng không phải ai muốn nói gì cũng được, không phải ai cũng có quyền xúc phạm đến đời tư của người khác và càng không có chuyện ai đó tự cho mình cái quyền làm “phán quan” để phán xét mọi chuyện bằng… cái miệng mà thôi.
Người trung lập tiếc cho Ngọc Trinh. Bởi với sức ảnh hưởng đó, nếu như họ biết dùng đúng chỗ, đúng cách thì có thể mang đến nhiều hiệu ứng tích cực cho giới trẻ bởi trong thời đại sùng bái Idol thì việc học theo thần tượng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với hàng trăm, hàng vạn bài học trên các giảng đường hay trong những quyển sách dày cộm.
Nhưng rồi họ không tận dụng việc nổi tiếng của mình vào những việc có ích mà gây ra tác động rất xấu về nhận thức và hướng suy nghĩ của nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Đó là tư tưởng “tự do” kiểu bất chấp, sự phóng túng nhưng vô lối và có phần ích kỷ. Một người đóng vai “phán quan” nhưng lại hành động chẳng tôn trọng pháp luật. Một người cậy vào sự nổi tiếng và xinh đẹp của mình mà coi thiên hạ chẳng ra gì.
Có lẽ Ngọc Trinh quên rằng đây là thế kỷ 21 chứ chẳng phải là câu chuyện trên phim về hàng trăm năm trước khi những mỹ nhân có thể thay đổi cả triều chính. Đành rằng xã hội ai cũng thích cái đẹp và người đẹp sẽ có nhiều lợi thế nhưng không phải cứ đẹp là có quyền, bởi quyền dù rộng đến đâu cũng có cái giới hạn của nó.
Từ lâu báo giới tung hô và ca ngợi Ngọc Trinh là “bà hoàng nội y” nhưng điều đó không có nghĩa cô cũng là bà hoàng giữa đời thực này. Hy vọng sau sự cố vừa qua, Ngọc Trinh và nhiều người nổi tiếng khác sẽ hiểu ra rằng đâu là điểm dừng cần thiết. Có những giá trị thực đang chờ cô làm hơn là những giá trị ảo chỉ mang đến tai tiếng mà thôi.

HIỂU THẾ NÀO LÀ GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG?
CHU VĨNH HẢI/ BÙI HỒNG HẢI/ FB 22-10-2023
Ai đó lên cơn mắng chửi, đe dọa người khác ngoài đường, hò hét gây sự chú ý, làm tắc nghẽn giao thông, đua xe, đánh nhau… nếu nhân viên công lực đến can thiệp thì đánh luôn cho đã tay… nói tóm lại, các hành vi kiểu như vậy được hiểu là gây rối trật tự công cộng.
Nhưng tất cả các hành vi đó, nếu muốn cấu thành tội phạm gây rối TTCC vẫn phải đảm bảo điều kiện cần là có khách thể chịu ảnh hưởng. Cụ thể ở đây là trật tự xã hội bị ảnh hưởng. Ví dụ gây ách tắc giao thông do hiếu kỳ, gây ảnh hưởng đến các hoạt động công như phá rối buổi biểu diễn hoặc hoạt động bình thường của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân…
Ngược lại, nếu bạn ra bờ sông, nơi đường vắng, quảng trường… để tập thể thao, ngồi thiền hoặc nứng quá thì thoát y nhảy múa mà chẳng ai thèm nhìn, tụ tập vì nó xảy ra ở nơi vắng hoặc không có người và đương nhiên không ảnh hưởng đến thằng cha căng chú kiết nào thì hành vì đó không cấu thành tội phạm do thiếu khách thể trực tiếp bị ảnh hưởng do hành vi của bạn gây ra. Và tất nhiên, nhân viên công lực họ cũng chẳng thèm quan tâm đến bạn.
Nguyên tắc của khoa học pháp lý ở đây: Khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội bị xâm phạm mà các quan hệ xã hội đó được Bộ luật hình sự bảo vệ, nếu thiếu nó thì không cấu thành tội phạm. Hay nói cách khác: nếu một hành vi nguy hiểm chưa xâm phạm đến bất kỳ khách thể trực tiếp nào thì hành vi đó chưa cấu thành tội phạm, cho dù các yếu tố khác đã thoả mãn.
Quay trở lại trường hợp Ngọc Trinh tập các động tác Motorcycle Stunt với huấn luyện viên riêng của cô trong 1 không gian mở nhưng không có người tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến bất kỳ 1 cá nhân, tổ chức nào… thì trường hợp này không cấu thành tội phạm gây rồi TTCC, như đã phân tích ở trên.
Mang trường hợp này lên không gian mạng để ghép tội Gây rối TTCC trên không gian mạng lại càng khiên cưỡng, vì như tôi đã phân tích ở trên, phía công an sẽ không chỉ ra được bất kỳ khách thể nào bị ảnh hưởng qua các clip tập motor Ngọc Trinh đăng tải trên trang cá nhân:
Mạng bị ngẽn do nhiều người like, share? Không. Nhiều người bị ảnh hưởng bởi hành vi chạy xe: Không, truyền hình VTV, Netflix, youtube, facebook… đầy rẫy những pha cảnh quay thể thao mạo hiểm, bắn súng, giết người… còn kinh khủng hơn nhiều, sao không phạt họ? Người nổi tiếng, nhiều like nên cần chế tài khác? Cái này luật hình sự không có nha. Thế nào là nổi tiếng, bao nhiêu mới gọi là nhiều like? Các video clip của NT có tạo ra các làn sóng đi bão không, đua xe không? Bọn đua xe mà chúng nó nhìn Trinh chạy xe kiểu đó chắc cười sặc ccm nó cơm.
Nói tóm lại, không có bất kỳ cá nhân, tổ chức hoặc điều gì bị ảnh hưởng tiêu cực vì các clip của Ngọc Trinh, trên không gian ảo, cũng như không gian thực. Thể tất, nên thay đổi biện pháp ngăn chặn, thả cô ấy ra về chữa cái chân bầm. Sa mãi vào cái tội danh tưởng tượng này, không khéo lại rối trật tự công cộng thật, anh em chúng tôi đau hết cả “nòng” mấy hôm nay rồi.

NGỌC TRINH VÔ TỘI!
CHU VĨNH HẢI/ BÙI HỒNG HẢI/ FB 22-10-2023
Các clip được Ngọc Trinh đăng tải khi chạy xe motor thực chất chỉ là các động tác trong bài tập Motorbike Stunt, một môn thể thao biểu diễn liên quan đến Motor thể thao, được thực hiện trong sân tập lái xe, chẳng lên quan gì đến đua kéo hay gây rối TT công cộng như cáo buộc của cơ quan công an.
Trinh mới chơi các động tác cơ bản như bốc đầu (Wheelie) hay bốc đuôi (stopies) dành cho người mới chơi. Cô ấy có đội mũ bảo hiểm, gang tay, giầy, tập cùng huấn luyện viên… những thứ bắt buộc phải có để đảm bảo an toàn cho người chơi.
Cả Stunt hay Gymkhana… nói cho cùng chỉ là các môn thể thao đòi hỏi kỹ năng điều khiển xe phân khối lớn, nhưng tạo hình ảnh ấn tượng khá mạnh nên thường được các hãng xe, hãng bán nhớt, đồ chơi xe…khuyến khích và tổ chức tập luyện, thi đấu nhằm thông qua đó kinh doanh các sản phẩm phái sinh xung quanh chiếc xe thể thao. Chiếc xe thể thao phân khối lớn cũng là nguồn thu đáng kể của CP, chiếc xe 1 tỉ thì cõng hơn 600 triệu tiền thuế các loại.
Đó là hoạt động thể thao lành mạnh, mang lại lợi ích cho người chơi (sức khỏe và tinh thần), cho người bán xe, và cho cả chính phú (thu thuế), như đã nói ở trên và không ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, như cáo buộc.
Chơi Motocycle Stunt hay Gymkhana tuyệt đối không phải là hành vi gây rối trật tự công cộng, nếu Công an tp HCM ghét Ngọc Trinh đến mức phải bắt cho bõ ghét, các anh nên tìm 1 cái cớ khác văn minh hơn.
Ai ghét kệ, gã không bao giờ ghét cô ấy.
Ngọc Trinh vô tội!

QUY KẾT KHÔNG THUYẾT PHỤC!
TRƯƠNG NHÂN TUẤN/ FB 22-10-2023
Tôi cho rằng việc qui kết bà NT phạm tội "gây rối loạn trật tự công cộng" do vài clip video phán tán trên các trang cá nhân của đương sự là "không thuyết phục". Ảnh hưởng của vài ba clip đó lên lượng "fans" của bà NT, nghe nói vài triệu người, là "không chứng minh được". Ta thấy VN đã từng cho chiếu vô số phim ảnh, với những hình ảnh đấm đá đầy bạo lực, hay những cảnh đua xe giữa các tay anh chị trong thành phố. Những hình ảnh đó loan truyền trong hàng chục triệu người, trong các rạp chiếu phim hay trên các màn ảnh nhỏ TV. Sao không thấy "gây rối loạn trật tự xã hội" ?
Tức là chuyện "bạo lực" trong phim ảnh, đối với cơ quan thẩm quyền VN, là không gây "rối loạn trật tự xã hội".
Vậy ba cái clip "vô tội vạ", dở ẹt (không ai muốn coi) của bà NT cách nào có thể làm "rối loạn trật tự xã hội" ?
Viết vụ này không phải để binh vực ai. Luật lệ phải rõ ràng, cụ thể. Không thể giải thích và áp dụng luật với người dân một cách tự tiện. Việc tự tiện này mới là nguyên nhân gây "rối loạn trật tự xã hội".

NGỌC TRINH, VÍ DỤ VỀ CÔNG AN 'VẬN HÀNH CÔNG LÝ'
TRÂN VĂN/VOA/TD 25-10-1023


Ngọc Trinh có thể sẽ bị đưa vào “danh sách đen” – nghĩa là triệt luôn đường sống của cô người mẫu này bằng cách cảnh báo: Chính quyền Việt Nam “không khuyến khích” doanh giới mời cô quảng cáo cho các dịch vụ, sản phẩm (1).
Nhìn một cách tổng quát, số phận của Ngọc Trinh coi như đã được công an Việt Nam định đoạt xong, sau khi khởi tố và tạm giam cô để điều tra vì “gây rối trật tự công cộng” (2). Trên mạng xã hội, rất nhiều người – kể cả những người vốn không thích hoặc không bận tâm Ngọc Trinh là ai, đang làm gì,... đã lên tiếng phản đối việc khởi tố và tạm giam Ngọc Trinh vì: Không thể vừa xử phạt vi phạm hành chính, đương sự đã thi hành xong quyết định xử phạt (3), vừa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một vi phạm bởi điều này trái với các nguyên tắc xử lý vi phạm - mỗi vi phạm chỉ bị xử lý một lần theo một phương thức cụ thể và chỉ thế mà thôi (4).
Tuy nhiên công an không thèm bận tâm. Theo công an, các video clip ghi lại cảnh Ngọc Trinh điều khiển mô tô phân khối lớn được post lên Internet “có số lượng người theo dõi lớn, gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên không gian mạng”.
***
Khoan bàn đến các qui định pháp luật vốn đang làm nhiều người băn khoăn khi công an không tuân thủ chúng, chỉ cần đem lập luận của công an đặt bên cạnh một số sự kiện gần đây, tự nhiên sẽ nhận ra công an có nhất quán trong nhận thức và hành xử hay không.
Chín ngày trước khi Ngọc Trinh bị khởi tố và bị tạm giam, hôm 10/10/2023, Công an quận Ngô Quyền của thành phố Hải Phòng đã khởi tố và tạm giam ông Phạm Trung Dũng – 37 tuổi - để điều tra hành vi “chống người thi hành công vụ”. Theo công an, ông Dũng không những không chấp hành yêu cầu “thử nồng độ cồn trong máu” của CSGT mà còn đòi kiểm tra giấy tờ của tổ công tác, kiểm tra máy đo, đồng thời ghi lại cuộc tranh luận giữa ông với công an và post lên Internet “gây nhiều dư luận trái chiều” (3)... Không thể đếm xuể đã có bao nhiêu người làm như ông Dũng và công an Việt Nam chấp nhận điều đó bởi không thể ngăn chặn lạm quyền, nhũng nhiễu (5).
Trên Internet có không ít video clip cho thấy CSGT bị dân chúng uốn nắn vì bắt lỗi sai (6), lãnh đạo công an địa phương buộc phải xử lý thuộc cấp vì có bằng chứng cho thấy “anh em” lạm quyền, nhũng nhiễu. Song gần đây tình hình đã khác.
Cách nay vài tháng, Bộ Công an Việt Nam ban hành Thông tư 32/2003, theo đó, từ 15/9/2023, tuy dân chúng vẫn còn quyền giám sát cảnh sát giao thông làm việc theo qui định nhà nước nhưng “phải đúng hướng dẫn”, nếu “giám sát không đúng hướng dẫn có thể bị xem là chống người thi hành công vụ” (7). Ông Dũng bị khởi tố, bị tạm giam để điều tra về hành vi “chống người thi hành công vụ” là do Thông tư 32/2003 đã có hiệu lực thực thi.
Nếu chịu khó đối chiếu video clip ghi lại cảnh ông Dũng tranh luận với CSGT Hải Phòng và post lên Internet (8') với một video khác cũng ghi lại cuộc tranh luận giữa một ông đang say rượu với CSGT Hải Phòng hẳn sẽ không thể hiểu thế nào là “chống người thi hành công vụ”!
Tuy người xem không rõ nhân vật chính trong video clip tên gì nhưng CSGT Hải Phòng hẳn là rất rõ vì ông đi tới, đi lui, liên tục vung tay chỉ vào mặt sĩ quan CSGT đang chỉ huy nhóm CSGT thi hành công vụ để khẳng định – đại ý: Đội phó như mày không đủ tuổi. Trưởng phòng CSGT cũng không đủ tuổi. Hơn 20 năm nay chưa bao giờ tao chịu nhục như thế này (bị chặn lại vì đang say rượu mà lái xe). Giờ không còn tình nghĩa, không còn anh em nữa... Sĩ quan chỉ huy nhóm CSGT đang thi hành công vụ chỉ đứng im nghe chửi, thỉnh thoảng gọi người lăng mạ mình là “anh” xưng “em” nhưng không thể phân trần được vì ông say rượu ngắt lời, không cho nói (9)...
Cả người ghi lại clip vừa đề cập rồi post lên Internet lẫn người xem không biết nhân vật chính tên gì vì dường như công an không khởi tố ông, hệ thống truyền thông chính thức cũng không đề cập! Thế nào là đủ “tuổi” để “chống người thi hành công vụ” mà vô sự?
Trước khi ông Dũng bị khởi tố, bị tạm giam vì “chống người thi hành công vụ” khoảng hai tháng, hồi hạ tuần tháng 8/2023, nhiều người sử dụng mạng xã hội bày tỏ sự phẫn nộ khi được xem video clip ghi cảnh khoảng mươi người dùng sáu xe mô tô phân khối lớn đòi nhân viên phà Cát Lái ưu tiên bán vé xuống phà (phía bờ thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Khi những người đang xếp hàng xuống phà phản đối, nhóm này đã lăng mạ họ và đánh một trong những người phản đối. Sau phản ứng của người sử dụng mạng xã hội, có vài chục cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức cùng lên tiếng nhưng công an không xem đó là “gây rối trật tự công cộng” (10).
***
Có rất nhiều ví dụ giống như câu chuyện Ngọc Trinh “gây rối trật tự công cộng” để minh họa cho thực trạng công an đang... “vận hành công lý” và vì vậy, đúng – sai phụ thuộc vào nhận thức, sở thích của công an. Muốn nhận thức, sở thích của công an an vận động theo hướng có lợi cho mình thì phải đủ... “tuổi”. Thế thôi!
Chú thích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét