Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2023

20231028. QUANH VIỆC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM Ở QUỐC HỘI

  ĐIỂM BÁO MẠNG

CỬ TRI CHỈ CẦN BIẾT TÍN NHIỆM HOẶC KHÔNG TÍN NHIỆM

LƯU TRỌNG VĂN/ FB 24-10-2023


Chiều 24/10, Quốc hội bắt đầu quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Gã chú ý đến một số thông tin mà bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) khi trả lời phỏng vấn của VnExpress, chia sẻ.
1.
Bà Thanh cho rằng đợt lấy phiếu tín nhiệm kì này khác với các kì lấy phiếu tín nhiệm trước là:
-các ban kiểm phiếu thông thường chỉ gồm 15 người, ban kiểm phiếu lần này sẽ gồm 25 người;
-quy trình kiểm phiếu bằng máy do Viện Khoa học Công nghệ quân sự, Bộ Tổng tham mưu, phối hợp thực hiện. Công nghệ kiểm phiếu bằng máy bảo đảm độ chính xác tuyệt đối, bảo mật tốt, tốc độ nhanh.
Gã ngạc nhiên, tại sao có máy kiểm phiếu tối tân hiện đại thì số lượng người trong các ban kiểm phiếu phải tinh gọn, ít đi, sao lại nhiều lên gần gấp đôi?
2.
Theo bà Thanh một khác biệt nữa trong kì lấy phiếu tín nhiệm này là:
“Việc bỏ phiếu kín hoàn toàn không có dấu tích nào để biết ai là người đánh giá, và ý kiến đánh giá của đại biểu cũng được bảo mật tuyệt đối. Điều này giúp loại bỏ tình trạng nể nang, không bày tỏ chính kiến, không làm tròn trách nhiệm của đại biểu.”
Gã rất hoan nghênh việc bảo mật này. Nhưng ở đây tránh sự nể nang là một phần thôi, phần quan trọng là người bỏ phiếu tín nhiệm rất e ngại thậm chí sợ bị trù dập nếu người được lấy phiếu tín nhiệm (là cán bộ lãnh đạo cấp cao) biết ai là người bỏ phiếu không tín nhiệm cho mình (là cán bộ dưới quyền, hoặc thấp hơn).
Việc bảo mật nếu thực hiện đúng như bà Thanh nói sẽ tạo nên số phiếu trung thực hơn,đánh giá chính xác hơn.
3.
Gã rất thích câu hỏi này của báo Vnexpress:
“Việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn đánh giá ở ba mức "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp", nghĩa là ai cũng được tín nhiệm. Tại sao Quốc hội không lấy phiếu chỉ với hai mức "tín nhiệm" và "không tín nhiệm"?”
Còn câu trả lời của bà Thanh bảo vệ và duy trì cách lấy phiếu “tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp”có thể nói là khó vừa lòng đa số cử tri.
Bác cả Trọng thường nói: “Nhân dân biết tốt xấu thế nào cả đấy”. Vậy thì 500 đại biểu của Dân cứ đắn đo, thận trọng e dè quá mức dẫn đến cái xấu cứ được dập dìu nâng lên đặt xuống nhiều lần rồi mới phán xét sốt cả ruột làm gì?
LTV

LIỆU VỊ NÀO NAY MAI BỊ VÀO LÒ BẤT TÍN NHIỆM?
LƯU TRỌNG VĂN/FB 26-10-2023
Rất tiếc rằng QH và người Dân với cách thức bầu cử như hiện nay chưa thể là một thực thể thống nhất. Chính vì vậy 44 vị lãnh đạo do QH bầu đương nhiên chưa phải thực sự do Dân chọn. Cũng chính vì vậy sự bỏ phiếu tín nhiệm cho 44 quan chức này chỉ là kết quả của sự tín nhiệm thực chất là trong nội bộ của đảng cầm quyền- chi phối QH và chọn lựa nhân sự.
Gã sáng qua cafe với luật sư danh tiếng Nguyễn Minh Tâm. Luật sư Tâm là người bào chữa cho Trần Huỳnh Duy Thức. Luật sư Tâm nói:
“Trần Huỳnh Duy Thức là người có quan điểm phản biện rất rõ ràng, ông cho rằng Con đường Việt Nam muốn thành công thì với thực tiễn VN, bước đầu đảng cầm quyền phải thực sự Dân chủ trong đảng của mình đã.
Có Dân chủ trong đảng cầm quyền mới có thể có Dân chủ trong QG.”
Việc 500 đại biểu QH mà 90% là đảng viên đảng cầm quyền bỏ phiếu tín nhiệm chia ba nấc: tín nhiệm cao- tín nhiệm- tín nhiệm thấp, như nhà báo Lê Kiên chuyên theo dõi hoạt động QH kết luận: “tất cả đều là tín nhiệm,”thì mức độ Dân chủ thực sự có hạn chế. Vì với cách bỏ phiếu này lấy đâu ra vị lãnh đạo nào bất tín nhiệm để bãi chức mà chỉ có “tốt nhiều hay tốt vừa vừa, tốt in ít”mà thôi.
Nhiều cử tri cho rằng với cách bỏ phiếu này có cũng như không. Có nghĩa là Dân chủ trong đảng cụ thể ở đây trong QH vẫn còn là câu chuyện phải bàn.
Một bài học chúng ta cần nhắc lại đó là QH khoá trước cũng lấy phiếu tín nhiệm-tất cả đều tín nhiệm-nhưng rồi một số đồng chí “được tín nhiệm”ấy đã bị cho vào “lò bất tín nhiệm.”
LTV

TÍN NHIỆM!
LÊ HUYỀN ÁI MỸ/ FB/ TD 26-10-2023
Trưa, nắng nắng mưa mưa, lội vô chợ Bến Thành ăn hàng. Vừa nóng vừa ồn nhưng “vì miếng ăn”, chấp. Lờn mặt tới độ chị chủ quán ưu tiên cho ngồi… quầy nước sát bên, nơi có quạt máy nhỏ xíu. Hỏi thăm nhau, được lắm chị, mấy hôm nay khách đông. Nóng zầy mà du lịch tây, ta đủ cả, hàng lấy bán không kịp luôn.
Vui lây hay sao mà ăn dĩa ốc len ngon quá trời!
Ngó lên trần nhà, nghe đâu sắp tới sẽ thay tôn giả ngói này bằng ngói thiệt, cách nhiệt tốt hơn nhiều, tạo độ dốc cao để thoát nước… Kinh phí thay ngói đã công khai là 95 tỉ đồng, đang tìm nguồn.
Sang năm, 2024, ngôi chợ này tròn 110 tuổi. Hồi xây cũng mất hết 23 năm để từ ý tưởng (năm 1870) đến chốt hạ (1903). Tới năm 1908 mới thống nhất địa điểm và 5 năm sau, 1913 cất. Đợt chỉnh trang gần nhất nghe nói cũng đâu 40 năm rồi. Giờ nhìn đâu cũng thấy xuống cấp. Đặt cạnh ga Metro nay mai vận hành, rồi mở rộng các tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Đồng Khởi…, lại càng thấy nó xập xệ hơn.
Tối, có tiếng chuông gọi cửa, chắc là tổ trưởng, công an và hội phụ lão gì đó nói có chủ trương mỗi nhà trang bị một bình chữa cháy. Cập nhật thời sự vụ cháy ở Khương Hạ, Hà Nội với lời chia sẻ đính kèm phải phòng cháy chữa cháy thôi. Giá được nhà nước hỗ trợ, đâu nhỉnh 350 ngàn, rẻ hơn so với ngoài thị trường đó chị. Vậy hả, ok. Giờ chị đóng luôn thì mai em giao biên lai xuống. Bình thì 2 tuần nữa phường (15. Phú Nhuận) sẽ phát. Ok em.
Đêm, chẳng biết có phải nhờ phép tâm lý bình chữa cháy nay mai có mà ngủ ngon. Hóa ra, toàn bộ khu vực giữ xe mọi khi trống hẳn, thì ra chung cư không nhận giữ xe bên ngoài nữa, tạo lối đi thoáng, nhất là các lối thoát hiểm.
Đọc báo thấy hôm 11.10, thành phố tổ chức hội nghị gặp chuyên viên, lãnh đạo cấp phòng của hệ thống sở ngành. Tại đó, ông chủ tịch thành phố đề nghị, các anh chị khi tham mưu, ít nhất đưa ra 2 cách: 1 là đề xuất giải quyết theo đúng quy định; 2 là khi có độ chênh giữa quy định và thực tế thì nên gỡ cách nào, “lách” quy định để thông cho thực tế, chưa đúng lắm theo nhà nước nhưng trúng và có lợi cho dân, cho doanh nghiệp. Trách nhiệm về nội dung tham mưu, xem xét để quyết định là của cấp lãnh đạo, của chính ông chủ tịch UBND TP.
Nôm na, anh dám nghĩ dám làm dám tham mưu, đề xuất thì tui dám phê duyệt, dám ký.
Chứ không chơi kiểu cấp dưới dám tham mưu, làm tờ trình; cái cấp trên dám… né, không tỏ rõ chính kiến, trách nhiệm thẩm định, phê duyệt. Có cơ sự, là chuyên viên hứng. Chơi vậy ai chơi lại.
Tôi thích cái cách ra mặt “giám hộ”, “bảo lãnh” trách nhiệm bằng chính trách nhiệm và sinh mệnh chính trị của người đứng đầu chính quyền thành phố như vậy. Dám chịu. Trên từng công việc, đầu việc cụ thể.
Tín nhiệm cao hay thấp, đôi khi đến từ những cách tiếp cận, giải quyết công việc, cách anh chịu trách nhiệm trong hệ thống “nội bộ”; chưa kể trước toàn xã hội.
Chứ nhìn cái kết quả tín nhiệm hôm qua, dẫn đầu và chiếm vị trí CAO số phiếu tín nhiệm THẤP lại là các liền anh liền chị ở các lĩnh vực thiết yếu với nhân dân: Giáo dục, Khoa học, Văn hóa, Công thương, Y tế, Giao thông…
Nên nổi gì!

MA TRẬN TÍN NHIỆM!
TRÂN VĂN/VOA/TD 27-10-2023
Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam vừa công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với 44 cá nhân đang đảm trách những vai trò quan trọng mà các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa này (khóa 15) từng bỏ phiếu bầu chọn. Theo đó, không ai rơi vào trường hợp “có thể xin từ chức” vì bị hơn 50% ĐBQH xác định mức độ tín nhiệm là... “thấp” (1).
Việc bỏ phiếu tín nhiệm như vừa kể là một phần trong hoạt động của Kỳ họp thứ sáu (23/10/2023 - 10/11/2023). Nếu chịu khó đối chiếu với các nhận định của chính những ĐBQH khóa này tại Kỳ họp thứ 5 (22/5/2023 - 10/6/2023 và 19/6/2023 - 24/6/2023) thì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã lập được... “kỳ tích”.
Vì sao cách nay bốn tháng, các ĐBQH còn đồng loạt cảnh báo về tình trạng “né tránh, sợ trách nhiệm, thói vô cảm” đã trở thành “bệnh” và “đang có xu hướng lan nhanh trong nền công vụ” dẫn tới “ách tắc, cản trở sự phát triển của đất nước” (2) mà nay, chính họ lại xác nhận, không có bất kỳ ai trong số những người vừa được họ xem xét để bày tỏ mức độ “tín nhiệm” phải chịu trách nhiệm về tình trạng khiến cả họ lẫn dân chúng trăn trở? Nếu mục tiêu của bỏ phiếu tín nhiệm không nhằm biểu thị nhận định khách quan, chính xác về tư cách - năng lực - hiệu quả công việc của những cá nhân được giao giữ - thực thi trọng trách, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của những lĩnh vực đang do các cá nhân ấy chịu trách nhiệm trên bình diện vĩ mô thì tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm để làm gì? Bỏ phiếu tín nhiệm để làm gì khi song song với các tuyên bố, qui định về tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm còn... đính kèm “giải pháp dự phòng” - nếu bị hơn 50% ĐBQH xác định mức độ tín nhiệm là “thấp” thì... “có thể xin từ chức”?
Khi “từ chức” phụ thuộc vào nhận thức và ý chí của những cá nhân bị hơn 50% ĐBQH xác định rằng họ không tín nhiệm (tín nhiệm thấp) thì bỏ phiếu tín nhiệm để làm gì? Vì sao đến cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ mới được bày tỏ nhận định về hiệu quả công việc của các đương sự do họ bầu chọn thông qua bỏ phiếu tín nhiệm nhưng khi có hơn 50% ĐBQH cho rằng không thể tín nhiệm thì hoặc phải chờ đượng sự tự nguyện tự xử, hoặc phải chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định có trình Quốc hội xem xét bỏ phiếu tín nhiệm lại hay không? Vì sao bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định “nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước” mà không thể bãi nhiệm một cá nhân bị 2/3 ĐBQH xác định không tín nhiệm (tín nhiệm thấp) và phải chờ “cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm” (3)?
Ai cũng biết, Bộ Chính trị và BCH TƯ đảng CSVN lựa chọn – giới thiệu Chủ tịch Nhà nước, Phó Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước cho Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nếu Quốc hội có thực quyền thì tại sao phải chờ “cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm” một cá nhân mà các ĐBQH thấy không đáng tin cậy? Về lý thuyết, các ĐBQH đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của toàn dân nhưng Quốc hội chỉ được bầu hoặc phê chuẩn những cá nhân đã được đảng lựa chọn và giới thiệu và bãi nhiệm cũng phải chờ đảng muốn “trình” mới được gật thì việc bày tỏ mức độ “tín nhiệm” của ĐBQH có đáng tín nhiệm không?
***
Đây là lần thứ tư Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với các cá nhân thuộc diện phải được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (ba đợt trước diễn ra vào các năm 2013, 2014, 2018). Bởi Quốc hội chỉ được bầu, phê chuẩn, miễn nhiệm, bãi nhiệm những cá nhân đã được đảng CSVN lựa chọn – giới thiệu hoặc quyết định loại bỏ, không dùng nữa nên mới có chuyện sau khi bầu và phê chuẩn xong, Quốc hội lại tiếp tục tổ chức hàng loạt “kỳ họp bất thường” để “thống nhất miễn nhiệm” hai Phó Thủ tướng là các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam rồi “thống nhất miễn nhiệm” Chủ tịch Nhà nước là ông Nguyễn Xuân Phúc. Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam còn “thống nhất phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Y tế” của ông Nguyễn Thanh Long. “thống nhất bãi nhiệm tư cách ĐBQH” của các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh,... Trong lịch sử nhân loại, khó mà tìm thấy cơ quan nào đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của toàn dân lại đồng thuận cao, thống nhất gần như tuyệt đối trong việc gật và lắc như Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam, bất kể chuyện cùng gật và cùng lắc ấy có tạo được sự đồng thuận cao và thống nhất với dân chúng hay không!
Chú thích

COI CHỪNG...TÍN NHIỆM!
TRÂN VĂN/ VOA/TD 27-10-2023
Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam vừa công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm 44 cá nhân từng được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa này (khóa 15) bầu hoặc phê chuẩn. Đây là những cá nhân đang đảm nhận vai trò lãnh đạo: Nhà nước (Chủ tịch, Phó Chủ tịch), quốc hội (Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Tổng Thư ký, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của quốc hội), chính phủ (Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng), Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát Tối cao, Tổng Kiểm toán. Theo “Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm” thì tất cả các cá nhân cần được các ĐBQH Cộng hòa XHCN Việt Nam xem xét – xác định về mức độ tín nhiệm của họ đều đạt yêu cầu (1).
Đây là lần thứ tư quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam bỏ phiếu tín nhiệm đối với những cá nhân mà họ từng bầu hoặc phê chuẩn (ba lần trước diễn ra vào các năm 2018, 2014, 2013). So với ba lần trước, lần này, việc bỏ phiếu tín nhiệm được quảng bá là khác hơn, mới hơn. Dựa trên quy định mới nhất của Bộ Chính trị về việc tổ chức “lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị” (Quy định số 96-QĐ/TW) được ban hành hồi đầu tháng hai năm nay (2), tháng sáu vừa qua, quốc hội khóa này ban hành nghị quyết “về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn” (Nghị quyết số 96/2023/QH15) [3].
Nhìn một cách tổng quát thì Nghị quyết số 96/2023/QH15 là bản sao của Quy định số 96-QĐ/TW! Còn Quy định số 96-QĐ/TW thì chẳng khác gì mấy so với Quy định số 262-QĐ/TW cũng do Bộ Chính trị ban hành vào tháng 10/2014 và cũng về việc lấy phiếu tín nhiệm. Tương tự, lý do dẫn đến sự ra đời của của Nghị quyết số 96/2023/QH15 của quốc hội khóa này cũng chẳng khác gì lý do khai sinh Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội khóa 13 hồi tháng 11/2014 – vừa để minh họa, vừa phụ họa cho quy định của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm! Tất cả đều xác định việc bỏ phiếu tín nhiệm phải dựa trên “phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật” và “kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao” của đương sự.
Có nên tín nhiệm việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và kết quả không?
***
Tuần trước, công an Việt Nam đề nghị truy tố ba người từng là cựu chủ tịch, cựu phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa. Đây là lần thứ ba những viên chức này bị đề nghị truy tố. Hai lần trước họ đã bị đưa ra xét xử, bị phạt tù vì hàng loạt bán công thự, công thổ trái phép và việc truy cứu trách nhiệm hình sự của họ chưa ngừng ở đây, bởi trong thời gian đảm trách vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa họ bán rất nhiều công thự, công thổ trên địa bàn tỉnh này (4). Tuy nhiên hành vi phạm pháp của họ không phải là chuyện để bàn ở đây vào lúc này. Điểm cần chú ý là những ông như Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên đều đã từng được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm khi còn tại chức và tất cả đều vô sự, thậm chí năm 2014, ông Vinh không có phiếu “tín nhiệm thấp” nào (5)!
Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm làm gì khi điều đó chỉ giúp những người như các ông cựu chủ tịch, cựu phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa tiếp tục phát huy cơ hội làm giàu nhờ... phiếu tín nhiệm? Có đáng tín nhiệm những người bỏ phiếu tín nhiệm và các lá phiếu tín nhiệm khi những người có tư cách bỏ phiếu tín nhiệm vẫn xác định sự tín nhiệm đối với những “công bộc” mà giá trị tài sản phải tính bằng những trăm tỉ và những trăm ngàn Mỹ kim? Theo các qui định của Bộ Chính trị và nghị quyết của quốc hội, những cá nhân thuộc diện cần phải được đưa ra để lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo về thành quả công vụ, giải trình về tài sản, tại sao những người bỏ phiếu tín nhiệm các cựu chủ tịch, cựu phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa lại xem sự càn rỡ và sự giàu có của những ông này (6) là bình thường?
Ba cựu chủ tịch, cựu phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa chỉ là số lẻ trong vô số trường hợp được phiếu tín nhiệm tạo điều kiện để phá mạnh hơn, đục khoét nhiều hơn. Cũng tháng này, dư luận rúng động khi ông Lê Đức Thọ - Ủy viên BCH TƯ đảng khóa này kiêm Bí thư Bến Tre bị “tước bỏ tất cả các chức vụ trong đảng” vì “Vi phạm nghiêm trọng quy định của đảng, pháp luật của nhà nước, Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập’ giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định. Vi phạm mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của đảng, mất uy tín cá nhân” (7).
Tuy BCH TƯ đảng chỉ đề cập chung chung như thế nhưng theo một số nguồn được xem là thạo tin thì tài sản của ông Thọ là rất lớn. Những nguồn này bảo rằng, trong đảng, giàu có tới mức đó vốn được xem là bình thường nên hoạn lộ của ông Thọ mới hanh thông như đã biết. Ông Thọ gặp nạn chỉ vì đang vận động để được quy hoạch vào vị trí cao hơn trong BCH TƯ đảng khóa tới (8'). Dẫu không thể khẳng định những nguồn vừa đề cập chính xác đến mức nào nhưng rõ ràng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không thiếu những cá nhân xem vài trăm ngàn Mỹ kim như giấy lộn mà ví dụ gần nhất là ông Chu Ngọc Anh (9). Ở đợt bỏ phiếu tín nhiệm hồi cuối năm 2018, ông Anh chỉ có 7% phiếu tín nhiệm thấp (10) nên ông mới có điều kiện gây họa lớn hơn!
Chú thích

TRANH GIÀNH QUYỀN LỰC TRONG TRÒ CHƠI 'LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM'
THU HÀ /TD 27-10-2023
Mấy ngày qua truyền thông và tuyên giáo của đảng tụng ca việc Quốc hội khoá 15 công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh quốc hội bầu và phê chuẩn, trên cơ sở ba mức đánh giá “Tín nhiệm cao – Tín nhiệm – Tín nhiệm thấp”. Thật ra, đây chỉ trò chơi quyền lực vừa khôi hài, vừa nhạt nhẽo và lố bịch không hơn không kém. Hãy thử xem trò chơi này bắt đầu từ đâu.
Năm 2012, trong chiến dịch “Phê bình và tự phê” của đảng, phe nhóm Nguyễn Phú Trọng – Trương Tấn Sang trong Bộ Chính trị đã tấn công Nguyễn Tấn Dũng dồn dập với chỉ trích sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý của Nguyễn Tấn Dũng, cùng việc để cho nạn tham nhũng hoành hành. Chưa bao giờ, một đương kim thủ tướng lại bị phê phán nặng nề đến như vậy, đặc biệt là những chỉ trích từ phía tổng bí thư Đảng. Báo chí quốc doanh cũng hùa theo, bóng gió công khai những phê phán này.
Phe Trọng – Sang muốn mượn bàn tay Ban Chấp hành Trung ương để hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, khi đưa vấn đề ra Hội nghị Trung ương 6, khoá 11 để biểu quyết, thì Ban Chấp hành Trung ương quyết định không kỷ luật Bộ Chính Trị và “một đồng chí trong Bộ Chính trị”. Nhờ đó, Nguyễn Tấn Dũng thoát hiểm và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải khóc trong khi đọc diễn văn bế mạc.
Phe Trọng – Sang vẫn chưa chịu dừng lại, họ liên kết với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nghiên cứu và “vẽ” ra cái gọi là “lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội”. Vậy là Quốc hội khoá 13 đã phải hai lần tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm.
Lần đầu vào tháng 6-2013, Quốc hội khoá 13 lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp thứ 5. Có 48 người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả Nguyễn Tấn Dũng có 210 phiếu tín nhiệm cao, 122 phiếu tín nhiệm và 160 phiếu tín nhiệm thấp. Trương Tấn Sang và Nguyễn Sinh Hùng có kết quả cao hơn. Đồ đệ của Nguyễn Tấn Dũng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhận số phiếu “đội sổ”. Ông Bình đạt số phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều nhất, với 209 phiếu. Tuy nhiên, số phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm của ông Bình vẫn là 88 (17,67%) và 194 (38,96%), cộng lại là 56,63%, quá bán, nên Bình vẫn cười khẩy.
Lần thứ 2 vào tháng 11-2014, Quốc hội khoá 13 lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 8. Có 50 người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả Nguyễn Tấn Dũng đạt 320 phiếu “tín nhiệm cao”, tăng mạnh so với 210 phiếu trước đó. Người “đội sổ” lại là người của phe Nguyễn Phú Trọng, bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Bà Tiến chỉ có 97 phiếu “tín nhiệm cao”, 192 phiếu “tín nhiệm” và 192 phiếu “tín nhiệm thấp”.
Thua keo này, bày keo khác. Phe Trọng – Sang tiếp tục cho “trình làng” sáng kiến lấy phiếu tín nhiệm ngay trong đầu não của đảng. Mục tiêu nhằm ngăn chặn Dũng tái cử và tranh chiếc ghế Tổng Bí thư. Đây được xem là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng, những người cộng sản trong hàng ngũ cấp cao, dùng lá phiếu để hạ bệ uy tín nhau trong chính trường.
Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 11 tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 20 Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngay tại Hội nghị Trung ương 10, khoá 11 diễn ra hồi tháng 1-2015. Một lần nữa, kết quả làm bẽ mặt phe Trọng – Sang khi mà Dũng thắng áp đảo, vươn lên vị trí dẫn đầu, đẩy Trương Tấn Sang xuống vị thứ số 2 và Nguyễn Phú Trọng xếp vị thứ 8.
Ảnh: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm hồi tháng 10-2015, Nguyễn Tấn Dũng vươn lên đầu bảng, Nguyễn Phú Trọng đứng thứ tám. Nguồn: CDQL
Gần đến đại hội 12, các phe nhóm trong đảng huy động mọi cách, dùng mọi thủ đoạn có thể, nhằm triệt hạ đối thủ chính trị. Những đòn “đánh dưới thắt lưng” liên tục được tung ra. Nhờ vào “lá bùa” Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương, gọi tắc là Quy chế 244, cùng với các đơn thư tố cáo của các cựu lãnh đạo nhắm trực diện vào cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, liên quan đến vợ con và một số vấn đề khác, buộc Dũng phải viết đơn xin “không tái cử” khoá 12 và rút lui khỏi chính trường.
Nhờ vậy, Nguyễn Phú Trọng trở thành ứng viên duy nhất, đã tái đắc cử ghế Tổng Bí thư khoá 12, nhiệm kỳ 2016-2021.
Nguyễn Tấn Dũng về vườn, “làm người tử tế”, nhưng các đàn em, phe cánh ngày nào của ông ta ở lại, đã phải hứng chịu trận cuồng phong trong “chiến dịch đốt lò” của “Người đốt lò vĩ đại”!
Sau khi loại bỏ được Dũng, mặc dù vẫn duy trì lấy lệ các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong Đảng và Quốc hội, nhưng “sức nóng” và sự quan tâm, theo dõi gần như không còn. Mọi thăng tiến, đề bạt trong đảng đều được dàn xếp, thoả hiệp trong hậu trường. Người nào nhiều tiền hơn, phe cánh mạnh hơn, người đó sẽ thắng. Kết quả của những lần “lấy phiếu tín nhiệm” sau đó, chỉ còn mang ý nghĩa thủ tục.
Trường hợp Nguyễn Thị Kim Tiến và Nguyễn Văn Bình là những minh chứng. Tại đại hội 12 của đảng, tiền và sự giúp sức của Tô Huy Rứa đã đưa Nguyễn Văn Bình lọt vào danh sách Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 12, nhiệm kỳ 2016-2021 và giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Nguyễn Thị Kim Tiến đã bị “out” khỏi Ban Chấp hành Trung ương khoá 12, nhưng vẫn nhận được ưu ái từ Nguyễn Phú Trọng, giữ lại cho tái bổ nhiệm bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ hai 2016-2021.
Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Thị Kim Tiến, tuy “đội sổ” nhưng vẫn làm lãnh đạo sau đó. Nguồn: GDVN
Tháng 12-2018, tại Hội nghị Trung ương 9, khoá 12, Nguyễn phú Trọng cũng cho diễn lại “vở tuồng” lấy phiếu tín nhiệm đối với 21 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Lúc này hai ứng viên Tổng Bí thư tiềm năng là Trần Đại Quang vừa chết mấy tháng và Đinh Thế Huynh mắc bệnh tâm thần. Ông Trọng cũng bắn tin hậu thuẫn Phạm Quang Nghị kế nhiệm ông ta. Kết quả cho thấy, Nguyễn Phú Trọng về đầu, Phạm Quang Nghị gần chót bảng xếp hạng. Cho rằng Phạm Quang Nghị không được tín nhiệm, ông Trọng đắc ý làm “nhân sự đặc biệt” để tái cử ghế Tổng Bí thư!
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 21 ủy viên BCT và BBT hồi tháng 12-2018
Năm năm sau, Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa 13, diễn ra vào tháng 5-2023, cũng lấy phiếu tín nhiệm đối với 21 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Các phe trong đảng lại đổ dồn theo dõi vào ba ứng viên được cho là sẽ tranh chức vụ Tổng Bí thư khoá 14, gồm Vương Đình Huệ, Phạm Minh Chính và Võ Văn Thưởng. Nhiều đồn đoán cho rằng, Nguyễn Phú Trọng muốn chọn Huệ và loại bỏ Chính. Kết quả bất ngờ, số phiếu tín nhiệm của Huệ - Chính đều ngang nhau và xếp sau Thưởng.
Ảnh: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tháng 5-2023, Vương Đình Huệ và Phạm Minh Chính đứng sau Võ Văn Thưởng
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá 15, diễn ra ngày 25-10-2023, để làm vui lòng ngài Chủ tịch Quốc hội họ Vương, phe nhóm Nghệ - Tĩnh và các đàn em trong khối Quốc hội, đã có “quà tặng” lấy phiếu tín nhiệm theo ba mức: Tín nhiệm cao - Tín nhiệm - Tín nhiệm thấp. Theo đó, Vương Đình Huệ (90,85% - 6,65% - 2,29%) đã bỏ xa Phạm Minh Chính (77,55% - 19,71% - 3,53%) …
Đảng luôn hô hào dân chủ, cho rằng kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Thực tế thì ngược lại, trong đảng không hề có dân chủ. Những màn lấy phiếu tín nhiệm suốt 10 năm qua, rõ ràng là chỉ nhằm phục vụ cho các cuộc tranh giành quyền lực của các phe nhóm trong thượng tầng chính trị của đảng cộng sản.
Mặc kệ dân tình đói khổ, người dân ngày càng bị bần cùng hóa, đám “đầy tớ của dân” phe nào cũng muốn cài cắm người của họ vào những vị trí chóp bu trong cung đình cộng sản, nơi có nhiều đặc quyền, đặc lợi, bổng lộc xa hoa đến ngút ngàn.

BẤT TÍN NHIỆM PHIẾU TÍN NHIỆM
NGUYỄN THÔNG/ FB/TD 29-10-2023
Cứ tưởng trò bỏ phiếu tín nhiệm nảy nòi từ năm 2012 bị dẹp, bị vứt vào sọt rác rồi, ai dè sau hơn chục năm nó được dựng lại, có phần hoành tráng hơn.
Cái gì liên quan đến "phiếu" ở xứ này đều đáng sợ, kể cả tem phiếu thời bao cấp, lẫn phiếu bầu bán này nọ. Giờ đào xới từ ký ức, nhớ lại mấy ô phiếu-tem, cái thì quy định được mua 25 gam thịt (to bằng cái lưỡi mèo), cái thì 20 cm vải (bằng chiếc khẩu trang), cái thì 100 gam lương thực (gạo) vẫn rùng mình.
Rồi mỗi kỳ bầu cử “sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng bầu vào quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp” (lần nào cũng câu này), tivi hát “cầm lá phiếu trên tay chúng ta đi bầu” nhưng ai cũng hiểu họ chả cần mình bầu, phiếu mới chả phiếc, bởi chưa bầu đã biết ai trúng, nhất là tứ trụ, thậm chí biết trước cả tháng. Tin đồn, thông tấn xã vỉa hè luôn trúng phóc. Kể từ khi cộng sản cầm quyền luôn diễn ra như vậy. Họ có đủ cả, chỉ thiếu mỗi quyền dân chủ thực sự.
Người ta vẫn kể cho nhau nghe chuyện tay trùm Xít ta lin (Stalin) chỉ đạo đàn em tổ chức bỏ phiếu. Khi bọn kia thật thà muôn tâu thánh thượng, nếu bỏ phiếu thì chúng ta thua mất, y liền cười, bay làm cách mạng nhưng đ3o biết gì, ăn nhau ở khâu kiểm phiếu chứ không phải bỏ phiếu. Cả bọn được giác ngộ lý luận cách mạng vô sản cười như nghé. Chuyện Liên Xô nghe như chuyện nhà. Ông Xít ta ở nước Nga/mà em lại thấy rất là Việt Nam, cụ thần đồng Trần Đăng Khoa nhể.
Trong một bộ máy cai trị/ cầm quyền, không phải người nào cũng tài giỏi đạo đức, được cả hồng lẫn chuyên. Không ít đứa leo lên từ kênh đoàn hội, hoặc ngạch “hồng phúc của dân tộc”, và nhất là chọn nhầm, theo kiểu đảng cử - dân bầu. Tuy nhiên, thực chất của cán bộ chỉ cần thời gian ngắn là lộ ra. Vì vậy, cũng nên có sự sàng lọc, mà bỏ phiếu tín nhiệm là một cách.
Cách tốt nhất, đúng nhất là trưng cầu dân ý, lấy ý kiến nhân dân, để dân bỏ phiếu tín nhiệm. Còn kiểu nội bộ, loanh quanh với nhau, nói thật, chỉ diễn, biện pháp cải lương, dân túy, cốt làm cho có, chỉ là biện pháp cải tạo nửa vời đối với một bộ máy đang rệu rã, ốc vít hỏng hóc, rỉ sét, cùn mòn. Cứ kiểu bệnh hình thức này, dù mỗi năm, thậm chí mỗi tháng lấy phiếu tín nhiệm 1 lần cũng chẳng thay đổi được gì.
Lạ ở chỗ, những ai tâm huyết với đất nước và nhân dân lên tiếng về cách “làm ăn” nhố nhăng đều bị họ coi là thế lực thù địch, phản động, quan điểm sai trái. Chỉ những anh luôn tự cho mình đúng thì mới vu cho người khác sai trái. Mặt trời còn có lỗ đen, huống hồ con người và thể chế do con người tạo ra.
Nếu các vị đúng trăm phần trăm (họa là thánh), sạch hơn nước cất, thì hãy quy cho người khác sai trái. Đừng cái thói cứ thấy ai khác ý mình, không đi chung với mình thì kết án người ta sai trái. Chỉ ra một điều sai trái còn giá trị hơn tỉ lần thói a dua, nịnh hót. Trung ngôn nghịch nhĩ. Ngồi ghế cửu trùng cần phải biết điều đó, chứ tự lừa mình và lừa người khác thì còn nói làm gì.
Bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm ư? Cũng được, nhưng phải làm thực chất, đừng biến nó thành trò cười. Nếu các vị thực sự muốn sửa chữa, thay đổi, tìm kiếm kết quả chính xác của lá phiếu tín nhiệm, chỉ cần bỏ phiếu với 2 mức: Tín nhiệm, bất (không) tín nhiệm. Không lôi thôi. Trong đội ngũ cai trị hiện hành có những kẻ hư hỏng, không được tín nhiệm nữa, cần bị loại bỏ, thì phải bất tín nhiệm, chứ chúng còn được tín nhiệm đâu mà bày biện “tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp”. Làm chính trị mà cứ đang diễn hài.
Vở hài cười ra nước mắt này chẳng biết khi nào mới kết thúc. Đời không thiếu gì người tài đức để thay thế đám hư hỏng kia, nhưng chúng nó vẫn nhơn nhơn tồn tại bởi chúng không bị bất tín nhiệm, chúng vẫn còn được đồng chí (chứ không phải dân) tín nhiệm, dù là tín nhiệm thấp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét