Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 5 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Đại tá Bùi Văn Tùng ̣(trái) và nhà báo Borries Gallasch (Đức) tại sân dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu

Trong số các cá nhân này có Đại tá Bùi Văn Tùng, nguyên Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2, nguyên Phó hiệu trưởng về Chính trị Trường Hạ sĩ quan Xe tăng 1, Binh chủng Tăng thiết giáp.

Đại tá Bùi Văn Tùng cũng là người soạn thảo lời đầu hàng không điều kiện cho ông Dương Văn Minh, Tổng thống chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Ngày 9/2/2023, ông Tùng trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng, hưởng thọ 94 tuổi.

Các cá nhân còn lại được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân gồm:

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (Tạ Thái An) - nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên.

Thượng tướng Vũ Lăng - nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3.

Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp (Đặng Hùng) - nguyên Chủ nhiệm chính trị, nguyên Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, nguyên Chính ủy Quân đoàn 3.

Liệt sĩ Nguyễn Lương Định - nguyên Tiểu đội trưởng Đại đội 4, Trưởng Đoàn đường ống 593, Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

NGUỒN: Truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đại tá Bùi Văn Tùng

CUỐI CÙNG, NGƯỜI ÔNG TẠ ẤY ĐÃ ĐƯỢC PHONG ANH HÙNG
CÙ MAI CÔNG/FB 19-10-2023


Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngày 17-10-2023 đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho năm vị, trong đó có đại tá Bùi Văn Tùng.
Đại tá Bùi Văn Tùng là sĩ quan cao cấp nhất của Quân Giải phóng ở Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 (lúc ấy ông mang cấp bậc trung tá). Ông là người thảo bản đầu hàng vô điều kiện cho Tổng thống Dương Văn Minh đọc và sau đó ông là người đọc tiếp nhận đầu hàng trên Đài phát thanh Sài Gòn.
Danh hiệu anh hùng đến sau khi ông ra đi hơn tám tháng (9-2-2023). Trước đó, hàng chục năm liền, sự thật lịch sử trong ngày 30-4 ấy bỗng bị nói khác khi có một đại úy, sĩ quan dưới ông hai cấp bỗng nhận “thành tích” ấy là của mình. Báo Tuổi Trẻ là một trong vài tờ báo đầu tiên nêu ra sự thật về “cuộc tranh chấp sự thật giữa nhiều cơ quan, báo đài và giữa hai người lính: đại tá về hưu Bùi Văn Tùng và trung tướng tư lệnh Quân khu I Phạm Xuân Thệ”.
Viên sĩ quan dưới cấp bậc ông Tùng vào ngày 30-4-1975 sau đó đã là trung tướng, anh hùng; còn ông Tùng khi về hưu vẫn là đại tá. Thậm chí có lúc người ta còn tổ chức hội thảo cấp quân khu khá ồn ào để kết luận ông Thệ là người tiếp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh.
Năm 2020, dịp 45 năm ngày 30-4-1975, các báo đài lớn nhất nước đã chính thức thông tin về sự thật. Lịch sử đã lên tiếng nói của mình.


Vị anh hùng vừa được phong sau 1975 ở khu nhà số 2 đường Thoại Ngọc Hầu (giữa thập niên 1980 đổi tên thành Phạm Văn Hai). Trước 1975, đây là một cư xá dành cho sĩ quan Mỹ. Ngang bên kia đường là Bệnh viện Dã chiến 3 của Mỹ (nay là Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ).
Cư xá này nằm xéo cổng Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cách chừng hơn trăm thước. Sáng 30-4-1975, đây là nơi lính Biệt cách dù 81 chốt bên trong chặn Quân Giải phóng tấn công Bộ Tổng tham mưu, bắn cháy gần chục xe tăng, xe thiết giáp.
Thôi, tôi không viết lịch sử và không đủ tư cách làm chuyện này. Tôi chỉ biết con gái đầu của ông Tùng, Bùi Thị Quỳnh Hoa cùng là học trò Ngô Sĩ Liên với tôi. Năm học 1976-1977, tôi học 9P1, còn Hoa học sau tôi ba lớp, 6A7. Hoa bảo: “Bạn bè toàn là dân Bắc 54 nên mình thấy gần gũi”.
Năm đó, Hoa chi đội phó. Chi đội trưởng là Trần Thị Mai Trâm, con một vị tá Việt Nam Cộng hòa. Nhỏ Trâm hay bảo “Việt Nam Cộng hòa không thua trận mà do Mỹ đã bỏ rơi”. Lúc đó, tuy hãnh diện về những gì ba mình đã làm nhưng tính Hoa hiền khô, tôn trọng bạn nên cũng không tranh luận, cãi cọ. Bạn bè chơi với nhau cốt ở tấm lòng, đưa chính trị vô dễ bất hòa. Sau này, Hoa nhói tim khi nghe nói ba Trâm mất trong trại cải tạo.
Một cô bạn khác của Hoa tên Phùng Thị Tuyết Nga, ba là đại tá Việt Nam Cộng hòa, nhà ở khu rất đẹp trong cư xá Tự Do. Tuyết Nga nhỏ nhắn, hiền, có “có cậu em trai gầy gò, hai chị em đều răng khểnh và cười rất tươi”. Sau này, Hoa đau lòng khi nghe nói người em trai này mất trên đường đi vượt biên.
Hoa cũng có người bạn cùng lớp tên Bùi Hữu Chí, nhà gần chợ ông Tạ. Chí giỏi toán nhất lớp, thích chơi với Hoa (chắc do cùng họ Bùi). Sáng nào mẹ sai đi chợ, Chí cũng mua bó hành, bó rau rồi xách chạy đến nhà Hoa ngồi giải toán chung, gần trưa mới chạy về ăn cơm để đi học buổi chiều.
Đứa bạn thân của Hoa cho tới nay là Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao, con thầy Nguyễn Ngọc Chương dạy Anh Văn, cô Phan Thị Bạch Tuyết dạy văn. Thầy Chương Bắc 54 Nam Định, hay la nhưng dạy rất giỏi và thương, chăm học trò như chăm con.
Ở Ông Tạ mấy năm là mấy mùa Giáng sinh Hoa đi xem rước Đức Mẹ và Chúa Hài đồng ở nhà thờ Tân Sa Châu. Ba Tùng của Hoa nói con: “Những nguời có đạo là những người sống có đức tin, có đạo đức. Người trí thức có đạo Việt Nam kết hợp những đức tin và văn hoá thế giới với đức tin, văn hóa ông bà, dân tộc Việt nên thường là những người tân tiến”.
Có lẽ vì có niềm tin về con người Công giáo Việt Nam nên khi con chơi thân với bạn bè Công giáo Bắc 54 Ông Tạ, ông vui vẻ ủng hộ.
Thật ngẫu nhiên, khi sang Mỹ, Hoa lại chơi rất thân với các anh chị con dì MC Việt Dzũng, sau này mới biết đó là con bác sĩ Bảy, cũng dân Ông Tạ “gốc”. Đôi lúc Hoa ngẫm nghĩ: Hợp nhau, chơi thân trước khi biết tông tích về nhau chắc chỉ có một cái duyên duy nhất là yêu con người, quê hương Việt Nam vô cùng.
Tôi thì nghĩ thêm: Phải chăng cũng từ cái bén duyên bạn bè Ông Tạ những ngày sau 1975?
Và cũng từ cái nhìn nhân bản của người cha? Sau 1975, từ Hà Nội về lại quê Đà Nẵng, ông Tùng từ chối đòi lại mảnh đất của ông bà (có giấy tờ điền địa từ thời Pháp thuộc cấp). Ông bảo: “Mình đòi tức là tống người khác ra khỏi ngôi nhà mà họ cũng đã sống bao nhiêu năm”. Ông không đòi và cả đời hầu như sống trong doanh trại.
Khi về Sài Gòn, vợ con sống nhờ họ hàng bên ngoại. Ngay căn hộ ở cư xá số 2 Thoại Ngọc Hầu cũng là tiêu chuẩn của vợ. Khi về ở căn nhà của ông ngoại cho, mẹ Hoa trả nhà nước, không sang nhượng lấy một đồng của ai.
Về vụ “tranh công”, ông chỉ trầm ngâm, tặc lưỡi nói vợ con: “Khổ nỗi là ở ta quá coi trọng thành tích, không có thành tích là khó có đặc quyền đặc lợi nên nhiều anh ít tự trọng, cứ làm liều”.
Ông cũng có lúc chia sẻ với con gái: “Sĩ quan, binh lính Việt Nam Cộng hòa cũng con dân nước Việt, được học hành, đào tạo sử dụng vũ khí, khí tài hiện đại nên chỉ cần học tập chủ trương chính sách của nhà nước mới vài ba ngày, rồi để anh em làm việc theo chuyên môn của họ (đơn vị ông sau 1975 đóng ở Tổng kho Long Bình vốn của của quân đội Sài Gòn).
Còn trong công việc, như căn cốt của bao người Đà Nẵng, ông thẳng; không e ngại, cả nể cấp trên cho nên khi em trai đi bộ đội sau cả chục năm lên thượng uý thì ông mới đại úy. Ông chú này nói nửa đùa nửa thiệt với cháu gái: “Ba mày tánh kỳ, không nể nang ai hết”.
Quỳnh Hoa có con trai lớn làm khoa học, ngẫm sao giống y chang tánh ông ngoại. Ai không hiểu thì anh này có vẻ khó ưa, vì với anh chàng, phải chính xác, nói có sách mách có chứng. Quỳnh Hoa bảo: “Nếu không có chiến tranh, ba em chắc chắn sẽ là nhà khoa học”.
Vị đại tá ấy về “hưu non”, năm 53 tuổi. Cô con gái nhớ lại: “Ngày đó, nhà em buồn lắm, ba cứ bị lên huyết áp. Mẹ đôi lúc bảo hay là tại ông thẳng tính quá…”.
Khi con gái sang Mỹ, ông hỏi: “Bà con mình sinh sống bên Mỹ thế nào hả con? Có thành công nhiều không?” chứ không hỏi chuyện này nọ về chính trị. Có lẽ ông chia sẻ với con gái những gì mình hiểu biết, trải nghiệm. Ông vốn trí thức, đọc những từ ông viết trong văn bản đầu hàng của tướng Dương Văn Minh và dòng tiếp nhận đầu hàng - chỉ vài chục chữ trong lúc dầu sôi lửa bỏng là hiểu trình độ của ông: hầu như không thừa, không thiếu một chữ; gọn ghẽ, thẳng tuột như tính cách của ông.
Một điều thú vị: một trong những người góp phần quan trọng cho việc quyết liệt đòi lại sự thật lịch sử ấy cũng là một người Ông Tạ: tiến sĩ sử học tài danh Nguyễn Nhã, dân hẻm 158 Thoại Ngọc Hầu. Nhà đại tá Tùng và tiến sĩ Nhã sau 1975 cách nhau hơn nửa cây số. Nhà tôi cũng trên đường Thoại Ngọc Hầu, giữa nhà hai vị. Nguyễn Quý Đôn, cháu ruột và xưa ở cùng nhà với ông Nhã là bạn học với tôi. Đôn mất sớm, trước khi mất cũng hay uống cà phê với tôi.
Gia đình đại tá coi tôi như người nhà. Hai chị em Quỳnh Hoa, Nam Hải - con đại tá Tùng - coi tôi như anh, gì cũng chia sẻ…

Cù Mai Công

https://www.facebook.com/he.via.54?__cft__[0]=