Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

20231030. BÀN VỀ 3 MỨC TÍN NHIỆM Ở QUỐC HỘI

  ĐIỂM BÁO MẠNG


BÀN VỀ 3 MỨC TÍN NHIỆM Ở QUỐC HỘI

NGÔ THẾ BÍNH/ngothebinh’s blog 30-10-2023




  Lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội xét về bản chất cũng giống như mọi hình thức khảo sát nhằm lượng hóa những đánh giá định tính, được áp dụng trong các lĩnh vực như: bầu chọn người vào các chức vụ, chức danh; đánh giá chất lượng sản phẩm-dịch vụ; tìm hiểu nhu cầu khách hàng…

 Tuy nhiên trong tuần qua sau khi diễn ra hoạt động lấy phiếu tín nhiệm cho 44 vị giữ chức vụ do quốc hội phê chuẩn và bầu tại kỳ họp 6 QH khóa 15 thì có nhiều ý kiến phản biện trên báo chí chính thống và đặc biệt trên mạng xã hội. Tôi đã có tut tập hợp khá nhiều ý kiến trên FB 27-10-2023.[1]. Trong tut này xin chia sẻ đôi điều liên quan đến topic ‘3 mức tín nhiệm’ mà  một số Facebookers đã sơ bộ đề cập.

1/ Cần chính xác tên gọi của các mức tín nhiệm

NQ85/QH14 ngày 28/11/2014 [2] còn hiệu lực đến nay đã quy định phiếu tín nhiệm được lấy theo các mức độ: ‘tín nhiệm cao’, ‘tín nhiệm’, ‘tín nhiệm thấp’. Để chính xác tên gọi (theo logic) cần đổi mức ‘tín nhiệm’ thành mức ‘tín nhiệm trung bình’. Tuy nhiên sự sửa đổi này sẽ không cần thiết nếu ta xét nhiều hơn hay ít hơn 3 mức. Đó là điều cần được bàn tiếp theo.

 2/ Chỉ nên có 2 mức tín nhiệm: ‘tín nhiệm’ và ‘không tín nhiệm’

Số mức tín nhiệm hay số mức khảo sát nói chung phụ thuộc mục đích của khảo sát. Ví dụ: để tìm hiểu cơ cấu nhu cầu khách hàng về kích cỡ 1 loại quần áo may sẵn nhà sản xuất cần khảo sát theo 5 mức kích cỡ: XX, XL, L, M, S.

Giả thử qua khảo sát nhận được tỷ trọng (%) nhu cầu khách hàng theo các kích cỡ như sau:

3% XX, 7% XL, 10% L, 60% M, 20% S

Nếu nhà sản xuất dự kiến sản xuất 10.000 sản phẩm thì số lượng sản phẩm từng kích cỡ sẽ là: 300 XX, 700 XL, 1.000 L, 6.000 M, 2.000 S.

   Mục đích của lấy phiếu tín nhiệm là tạo cơ sở cho việc giữ nguyên, miễn nhiệm, cho từ chức thì chỉ cần 2 mức: ‘tín nhiệm’ và ‘không tín nhiệm’. Khi đó mức độ tín nhiệm sẽ được đánh giá bằng tỷ số (%) của số phiếu đánh giá tín nhiệm trên tổng số phiếu bầu của các cử tri. Ví dụ: Ông A được QH đưa ra lấy phiếu tín nhiệm có kết quả là 400 phiếu ‘tín nhiệm’ và 100 phiếu ‘không tín nhiệm’. Như vậy mức độ tín nhiệm là 400/(400+100)=0,8 hay 80%. Ông B có kết quả là 450 phiếu ‘tín nhiệm’và 50 phiếu ‘không tín nhiệm’, tương tự cách tính ông A ông B có mức tín nhiệm là 450/(450+50)=0,9 hay 90%.

  Ưu điểm của sử dụng 2 mức đánh giá là:

-Cho đánh giá mức độ tín nhiệm cụ thể từng cá nhân được QH đưa ra lấy phiếu tín nhiệm thay vì đưa về 3 mức chung;

- Người được QH đưa ra lấy phiếu tín nhiệm vẫn có thể tự đánh giá theo 3 mức tín nhiệm nếu có tiêu chuẩn cụ thể được ghi trong quy định. Ví dụ:

       Tín nhiệm cao:  đạt từ 91 đến 100% số phiếu cử tri;

      Tín nhiệm trung bình: đạt 50 đến 90 % số phiếu cử tri;

      Tín nhiệm thấp: đạt dưới 50% số phiếu cử tri.

Người ở diện ‘tín nhiệm thấp’ chính là đối tượng phải xem xét hoặc tự xem xét để miễn nhiệm hay cho từ chức.

- Tiêu chuẩn về mức tín nhiệm có thể sửa đổi có thể điều chỉnh theo yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và phù hợp với 2 loại chức vụ hành pháp (chính quyền) và lập pháp (quốc hội).

3/ Bảo đảm tính khách quan của lấy phiếu tín nhiệm

     Tính khách quan của lấy phiếu tín nhiệm được hiểu là tính ít sai lệch của kết quả tín nhiệm do ảnh hưởng nhân tố chủ quan như: nể nang với người là cấp trên hay cùng phe nhóm khi ở vai trò cử tri, tự đánh giá cao bản thân khi ở vai trò người được lấy phiếu tín nhiệm trong khi có nhiều khuyết điểm sai phạm. Thực tế cũng đã chứng tỏ mặc dù QH đã có nhiều lần lấy phiếu tín nhiệm nhưng không miễn nhiệm, bãi chức được ai trước khi họ bị kỷ luật hay bị khởi tố. Năng lực mỗi đại biểu QH (cử tri) cũng là nhân tố chủ quan  không kém quan trọng. Chúng ta có quyền nghi ngờ tính khách quan của kết quả lấy phiếu tín nhiệm khi theo dõi các phiên thảo luận công khai của QH. Nhiều đại biểu còn thiếu chú ý, nói chuyện riêng, hoặc nhận thức kém đề xuất những ý kiến ‘tào lao’…         

 THAM KHẢO:

1-Ngo The Binh://www.facebook.com/ngo.thebinh.14?__cft__[0]=

2-Nghị quyết 85/2014/QH13)

3-Quy định của Bộ Chính trị về Lấy phiếu tín nhiệm

(Cổng TTĐT Chính Phủ 15/5/2023)

4-Một số điểm mới về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý  

(Kiểm Sát 17/5/2023)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét