Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2023

20231016. BÀN VỀ VĂN HỌC, NGỮ VĂN VÀ TIẾNG VIỆT

   ĐIỂM BÁO MẠNG


HỌC VĂN LÀ HỌC CÁI GÌ?
THÁI HẠO/FB/TD 15-10-2023


Câu hỏi này có vẻ ngớ ngẩn, nhưng lại rất cần được trả lời một cách nghiêm túc. Vì sao? Vì rất nhiều người đang hiểu và mang trong mình một quan niệm không suy xét, rằng môn Văn (Ngữ văn) là học các tác phẩm văn chương (để "làm người", để bồi đắp tâm hồn abc này nọ), và coi đó như tất cả những gì thuộc về môn Văn.
Sự thực không hẳn như thế. Học văn là để biết sử dụng tiếng Việt một cách thành thạo, hiệu quả.
Ngôn ngữ (tiếng Việt) có 6 dạng phong cách cơ bản, bao gồm: Phong cách ngôn ngữ Sinh hoạt, Phong cách ngôn ngữ Nghệ thuật, Phong cách ngôn ngữ Báo chí, Phong cách ngôn ngữ Chính luận, Phong cách ngôn ngữ Hành chính, Phong cách ngôn ngữ Khoa học. Nghĩa là dạng văn bản nghệ thuật (văn chương) chỉ là 1 trong 6, chứ không phải tất cả như nhiều người đang lầm tưởng.
Vì thế, học môn Văn trong nhà trường là để biết cách nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt thuộc cả 6 dạng phong cách ấy sao cho đúng, hấp dẫn, lôi cuốn, và hiệu quả. Những ai coi rằng học Văn chỉ là để phân tích, cảm nhận và bay bổng cùng tác phẩm văn chương, người đó đang vô hình trung thu hẹp chức năng của môn học này một cách đáng kinh ngạc.
Thậm chí, việc đọc và viết [về] tác phẩm văn chương còn chưa hẳn đã quan trọng bằng sự thành thạo đối với 5 dạng phong cách còn lại. Vì văn chương nghệ thuật là một phương diện thuộc về năng khiếu và không hoặc rất khó bắt buộc tất cả phải am tường, nhưng ngôn ngữ báo chí, nghị luận, hành chính, khoa học thì dứt khoát phải được trang bị, vì nó gắn với đời sống hàng ngày và có vai trò to lớn trong sự phát triển của cá nhân, về mọi mặt.
Thu hẹp môn Văn lại trong việc học các tác phẩm văn chương là một sai lầm tai hại, vì nó gây ra sự khiếm khuyết và đồng thời đổ gánh nặng lên vai tất cả học sinh một cách không cần thiết. Văn chương (với tư cách là một môn nghệ thuật) nên được giáo dục theo hướng cá thể hóa, chứ không phải cào bằng.
Vậy làm sao để học tốt văn theo nghĩa là 6 phong cách như đã liệt kê? Có phải cứ suốt ngày ngâm nga thơ phú và miệt mài phân tích hình tượng nhân vật với các thủ pháp nghệ thuật đủ loại thì sẽ thành giỏi văn? Không, không hẳn.
Ngoài việc hiểu nghĩa của từ như trong từ điển, biết viết câu cú đúng ngữ pháp, biết tạo lập văn bản đúng phong cách... mà môn Ngữ văn phải trang bị cho học sinh, thì tư duy là tối quan trọng. Không phải cứ dân chuyên văn thì sẽ viết hay, nói giỏi. Những người làm khoa học tự nhiên ở trình độ cao và có thành tựu rõ ràng thường viết rất hay, cho dù là viết về một vấn đề xã hội cách rất xa với chuyên ngành của họ.
Chính tư duy độc lập và suy nghĩ tự do đã khiến người ta làm chủ được ngôn từ, sai khiến chữ nghĩa như vị tướng cầm quân. Ê a ngâm ngợi suốt ngày mà không chịu suy nghĩ , truy tầm ý nghĩa và xây dựng quan điểm cá nhân thì thì dù có đọc hàng vạn tác phẩm văn học thì rốt cuộc cũng chỉ viết ra những bài văn mẫu vô hồn và sáo rỗng mà thôi.
Tình trạng sa sút ngày nay của chất lượng sử dụng tiếng Việt nơi người Việt từ báo chí đến lời ăn tiếng nói hàng ngày, có nguyên nhân không phải chỉ từ sách giáo khoa, mà quan trọng hơn là tự một nền tảng xã hội không khuyến khích suy nghĩ, bóp nghẹt tư duy, định hướng tư tưởng và áp đặt quan điểm. Khi người ta không được phép nghĩ khác, nói khác thì tất yếu ngôn từ sẽ bị vô hiệu hóa và dần bị hủy hoại. Những câu nói ngu ngơ, những bài báo ngố tàu, những phát biểu rối rắm ngờ nghệch, những bài viết lủng củng...cứ thế mà phơi ra và tràn ngập.
Cho nên, theo tôi, cái cần làm nhất là khuyến khích suy nghĩ độc lập, kích thích tự duy tự chủ, tạo mọi điều kiện cho nhau nói ra suy nghĩ mà không chụp mũ, gán ghép và đấu tố nhau. Song song, phải vận động cho một tiến trình dân chủ hóa được thúc đẩy nhanh hơn để làm nền tảng văn minh cho sự độc lập cá nhân và từ đó, làm giàu có tiếng mẹ đẻ.

CÂU THẦN CHÚ 'VĂN HỌC LÀ NHÂN HỌC'
THÁI HẠO/ FB/TD 15-10-2023
Khi tôi nêu quan điểm rằng môn Ngữ văn là môn dạy tiếng Việt, (trong đó có một mảng là tiếng Việt nghệ thuật – tức tác phẩm văn chương) thì lại gặp ngay cái câu nói đã như thành kinh thánh trên miệng nhiều người: Học văn là học làm người!
Xin hỏi, học nhạc, học vẽ, học thể dục, học lịch sử có phải là học để làm người không? Học toán để làm gì nếu không phải là để biết làm con người có năng lực tính toán? Học Lý, Hóa, Sinh để làm gì nếu không phải là để làm con người hiểu biết về thế giới tự nhiên quanh mình? Học Giáo dục công dân để làm gì nếu không phải là để làm con người có trách nhiệm xã hội? Trên đời này, có môn học nào không phải là học để “làm người”?
Thành ra, cái câu “học văn là học làm người” vừa đúng tuyệt đối mà vừa vô ích. Vô ích vì nói cái điều hiển nhiên, và còn có hại nữa vì nói cái điều gây hiểu lầm cho các môn học khác, như thể các môn ấy không dạy con người ta làm người vậy, hại một điều nữa là nó làm lạc hướng mục tiêu của môn học này trong nhà trường, khiến nó trở thành một môn đạo đức hơn là một môn dạy tiếng mẹ đẻ.
“Văn học là nhân học”, chả biết từ bao giờ câu nói này đã trở thành một thứ bùa chú trên miệng người Việt. Khoa học về con người, nếu là về mặt vật lý thì đi học môn giải phẫu, nếu là về tinh thần thì tìm học môn tâm lý, về tư duy thì kiếm môn logic, môn triết học, mắc chi học môn Ngữ văn?!
Còn nói rằng bồi bổ tâm hồn, rung cảm thẩm mỹ vân vân thì âm nhạc, hội họa, điêu khắc, phim ảnh, sân khấu... không làm người ta rung cảm sao? Bạn có chắc là đọc một tác phẩm văn chương (hay) thì dễ xúc động hơn xem một bộ phim ấn tượng hoặc nghe một bản nhạc dạt dào?
Có những thứ cứ trở thành tín điều đóng đinh mãi trong trí não mà không mấy ai buồn xét lại, cứ phát ngôn tự động như thể được lập trình. Văn chương (không phải môn ngữ văn) có những đặc trưng và giá trị riêng lớn lao, nhưng đừng thần thánh hóa nó và cũng đừng coi nhẹ các ngành khác, rất có thể thiên tài của con cháu bạn đang nằm đâu đó ở điện ảnh, âm nhạc hay kinh doanh, hãy cho chúng được trải nghiệm càng nhiều càng tốt.
Còn môn văn (ngữ văn) thì trước hết cứ phải là học tiếng Việt đã, giỏi tiếng Việt rồi thì sẽ không chỉ biết đọc văn chương, sáng tạo văn chương, và làm giàu thêm rung cảm..., mà còn giúp con người ta một cách đắc lực trong cuộc mưu sinh rất thực tế này. Ăn không nên đọi, nói không nên lời thì khó lắm thay!
Lưu ý, nếu anh chỉ giỏi tiếng Việt thôi mà yếu kém về các tri thức liên ngành, đa ngành thì đôi khi cái giỏi ấy chỉ làm ra một kẻ ba hoa, sáo rỗng và phét lác. Thành ra, các môn học khác từ Tự nhiên đến Xã hội chính là đang cung cấp cái “nội dung” làm người căn bản bậc nhất, chứ không phải ngược lại.

TIẾNG VIỆT ĐANG BỊ XEM THƯỜNG?
THÁI HẠO/FB / TD 15-10-2023
Tiếng Việt có quan trọng không? Quan trọng, nếu không nói là vô cùng hệ trọng.
Khi tôi phát biểu quan điểm rằng môn Ngữ văn là môn học tiếng Việt (trong đó có một mảng là tiếng Việt nghệ thuật – tức tác phẩm văn chương) thì có vẻ nhiều người tỏ ra thất vọng, một số khác thì bắt đầu cảm thấy môn này dường như không quan trọng lắm. Vì đáng ra, theo họ, “văn học là nhân học”, “học văn là học làm người”, thế mới xứng với sứ mạng to tát của môn Văn.
Nhưng, chắc chưa ai quên câu nói của học giả Phạm Quỳnh: “Tiếng ta còn, nước ta còn”. Tiếng nói của một dân tộc không chỉ là thiêng liêng bởi trầm tích lịch sử, văn hóa chất chứa ngàn năm trong nó, mà còn quyết định đối với hiện tại và tương lai của một cộng đồng. Một khi ngôn ngữ đã bị làm hỏng thì mọi sự truyền thông tri thức và kết nối tinh thần đều sẽ bị chặn đứng. Đất nước ấy không phát triển được. Nhưng ngày nay, tiếng Việt đang bị sa sút nghiêm trọng.
Ngôn ngữ không phải chỉ là “công cụ của tư duy”. Triết học ngôn ngữ chỉ ra rằng ngôn ngữ còn là “hiện thực của tinh thần”, nó “hướng dẫn thế giới quan người nói”, nó quy định tư duy của con người... Nói cách khác, nó (ngôn ngữ) “thống trị” đầu óc con người.
Nhà báo, nhà văn hóa Nguyễn An Ninh đã dẫn một định đề mà tôi tâm đắc: “Điều gì người ta suy nghĩ kĩ sẽ diễn đạt rõ ràng, và dễ dàng tìm thấy những từ để nói ra”.
Fareed Zakaria, tác giả của cuốn sách “Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng” thì viết: “Khi bạn nghe ai đó tán dương về lợi ích của một nền giáo dục khai phóng, có lẽ bạn sẽ nghe người ấy nói rằng “nó dạy cho bạn cách suy nghĩ”. Tôi chắc chắn điều đó đúng nhưng đối với tôi nó chính xác là giáo dục khai phóng dạy bạn cách viết như thế nào và viết làm cho bạn suy nghĩ”.
Phong trào học tiếng Anh đang rầm rộ trên cả nước, đó là một đòi hỏi của thực tế hội nhập, và có cả phần thổi phồng nữa; tuy nhiên điều đáng lo lắng là tâm lý coi thường việc học tiếng Việt. Các nhà trường trên cả nước đang rầm rộ đưa nào là tiếng Anh tích hợp, tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh đủ loại vào để kiếm tiền, nhưng lại không thèm để ý đến tiếng mẹ đẻ của mình đang tồi tệ như thế nào.
Không phải cứ là người Việt thì tất nhiên sẽ giỏi tiếng Việt. Tôi quan sát thấy, người giỏi tiếng Việt bây giờ không phải quá nhiều, nếu không nói là rất ít so với 100 triệu dân.
Ngay cả môn tiếng Việt trong nhà trường cũng bị coi thường và bỏ bê, nếu không nói là bị khinh thường. Chỉ có ở cấp Tiểu học vì yêu cầu dạy đánh vần, đọc chữ mà môn này được dạy tập trung, nhưng lên cấp THCS thì bắt đầu xem nhẹ, cấp THPT thì thảm hại: Các bài học về tiếng Việt thường bị lướt qua hoặc bỏ qua. Học sinh, sau 12 năm học Ngữ văn không viết nổi một bài văn cho ra hồn.
Nguyên nhân có nhiều nhưng một phần là do cách thi cử: Suốt những năm Trung học toàn cắm cúi học và thi nghị luận văn học với những bài văn chết cứng trong sách văn mẫu, với lối đánh giá “đếm ý cho điểm”..., thành ra nội dung tiếng Việt bị vô tình hoặc cố ý bỏ quên.
Chúng ta có thể thấy tiếng Việt đang bị nói sai, viết sai, viết dở tràn ngập trên sách báo, thậm chí cả trong các bản luận văn. Lời ăn tiếng nói hàng ngày cũng dần xơ cứng, nghèo nàn và mất dần đi sự tinh tế, ý nhị. Thậm chí nhiều nhà văn cũng dùng sai và viết dở.
Tình trạng này đang bày ra trước mắt những nguy cơ to lớn đến mức phải gióng lên một hồi chuông báo động khẩn thiết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét