Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

20220130. VỤ ÁN NHẬN HỐI LỘ Ở CỤC LÃNH SỰ

 ĐIỂM BÁO MẠNG

KHỞI TỐ VỤ ÁN 'NHẬN HỐI LỘ' XẢY RA TẠI CỤC LÃNH SỰ,  BỘ NGOẠI GIAO

BCA/ GDVN 23-1-2022

GDVN- Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án “Nhận hối lộ" để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về

Ngày 27/01/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án “Nhận hối lộ" để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam cùng về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự và Lệnh khám xét đối với 04 bị can:

1. Nguyễn Thị Hương Lan, sinh năm 1974, tại Hà Nội; nghề nghiệp: Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Bị can Nguyễn Thị Hương Lan.

2. Đỗ Hoàng Tùng, sinh năm 1980, tại Hà Nội; nghề nghiệp: Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Bị can Đỗ Hoàng Tùng.

3. Lê Tuấn Anh, sinh năm 1982, tại Hưng Yên; nghề nghiệp: Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Bị can Lê Tuấn Anh.

4. Lưu Tuấn Dũng, sinh năm 1987, tại Hà Nội; nghề nghiệp: Phó Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Bị can Lưu Tuấn Dũng.

Sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với 04 bị can theo lý lịch và tội danh đã viện dẫn nêu trên.

Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý nghiêm trước pháp luật. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thông báo để các cá nhân, đơn vị có liên quan biết, chủ động liên hệ làm việc.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an
SAU VỤ TÓM CẢ CỤM Ở CỤC LÃNH SỰ, CÓ SỜ ĐẾN CÁC ĐẠI SỨ QUÁN VN Ở NƯỚC NGOÀI ?
MẠNH QUÂN/ TD 29-1-2022
Tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể, cá nhân xuất sắc trong công tác bảo hộ công dân và chống dịch. Nguồn: Báo Quốc Tế

Vụ Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tóm cả ban lãnh đạo Cục Lãnh sự hôm qua vì tội nhận hối lộ, thực sự là một vụ lớn cho dù về chức vụ, những người bị khởi tố, bắt tạm giam hôm 27/1 không “to” bằng nhiều ông, bà bị bắt vào thời điểm cận tết mấy năm trước.

Tuy nhiên, vụ này tính chất rất đặc biệt bởi không chỉ là vấn đề tham nhũng, “tranh thủ” mùa dịch mà trong lĩnh vực này, nhiều năm qua, có thể nói ít nhất là trong khoảng 20 năm nay, tình trạng nhũng nhiễu, tham tàn của cán bộ lãnh sự VN, ở nhiều nước đã được lên tiếng, phản ánh nhiều nhưng chưa có vụ nào được điều tra, xử lý đến nơi đến chốn.

Đột nhiên, một vụ việc được khởi tố tại Cục Lãnh sự và cơ quan điều tra khởi tố từ Cục trưởng, Cục phó, Chánh văn phòng cho tới nhân viên, nó cho thấy tính chất nghiêm trọng của câu chuyện. Ở đây, không chỉ là việc nhận hối lộ của vài cá nhân mà đã có dấu hiệu khá rõ của một vụ tham nhũng tập thể, tham nhũng có tổ chức – yếu tố tăng nặng cho hành vi của mỗi cá nhân. Và hiển nhiên, dân tình rất hả hê, đặc biệt là kiều bào ngoài nước.

Cách đây 4 năm, Chủ tịch một hãng hàng không từng gọi tôi nói chuyện khá dài và có gợi ý hỗ trợ tôi chi phí toàn bộ vé máy bay đi lại đến nhiều nước để điều tra về tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, nhân viên của Sứ quán VN. Vì theo ông, tình trạng đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài ngại đi, đến Việt Nam do mất nhiều chi phí, thủ tục khi làm visa, có rất nhiều khoản không đúng quy định, nhiều việc làm khó dễ… khiến người ta rất khó chịu khi làm việc với cán bộ, nhân viên lãnh sự VN. Tiếc là thời điểm đó tôi cũng bận nhiều việc mà không nhận lời đề nghị hay ho này.

Nhưng sau đó thì cũng có rất nhiều ý kiến, thông tin phản ánh về tình trạng trên. Có cả một group “Tôi và sứ quán”, nơi nhiều người Việt ở nước ngoài lên tiếng rất gay gắt, cụ thể về những cơ quan lãnh sự nào, cán bộ, nhân viên nào, có những hành vi thế nào gây nhũng nhiễu, vòi tiền…Có cả những kiến nghị rất cụ thể của những kỹ sư, sinh viên, nhà nghiên cứu …Việt Nam ở ngoài nước để chấn chỉnh tình trạng trên ở nhiều cơ quan ngoại giao VN ở nước ngoài. Và Group này thực sự cũng khiến tình trạng trắng trợn ở nhiều sứ quán giảm đi, bớt đi đáng kể.

Tuy nhiên, thực tế, cho đến nay, theo nhiều người, nó vẫn còn diễn ra khá nặng nề. Một điều dễ hiểu là do những cơ quan này ở nước ngoài, khả năng giám sát, kiểm tra của các cơ quan trong nước kém, lỏng lẻo hơn nhiều với các cơ quan trong nước nên ở đó, người ta dễ làm bậy bạ hơn mà không sợ bị phát hiện, xử lý. Nhận ra lỗ hổng này, một số đại biểu Quốc hội khóa trước đã có kiến nghị đưa vào chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội các hoạt động của cơ quan ngoại giao VN ở nước ngoài. Nhưng đáng tiếc, các kiến nghị này đã không được đưa vào.

Đối với báo chí, trong suốt thời gian dài, lĩnh vực này dường như bất khả xâm phạm vì viết gì người ta hay quy cho là ảnh hưởng xấu đến hình ảnh cơ quan ngoại giao VN nên tin, bài có viết lên cũng rất dễ bị gỡ, bị ngăn chặn không thể làm sâu hơn.

Cho nên, ngay sau vụ bắt cả nhóm đầu não Cục lãnh sự, Bộ Công an tiếp tục mở rộng, điều tra ở nhiều cơ quan lãnh sự VN ở nước ngoài, các cơ quan thanh tra, kiểm toán cũng vào mạnh, xử lý triệt để, làm minh bạch, lành mạnh hóa hoạt động các cơ quan lãnh sự VN thì bà con còn ủng hộ, vỗ tay lắm lắm.

Mạnh Quân

NGƯỜI VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI CÓ 

LÝ TƯỞNG GÌ ?

ĐOÀN BẢO CHÂU/ TD 29-1-2022

Tôi biết, từ “lý tưởng” có vẻ xa vời, mơ mộng và cao siêu với người Việt Nam đương đại.

Với tầng lớp lao động thì càng xa vời bởi điều họ ao ước là xây được nhà, con cái được học hành, xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái để rồi mỗi dịp giỗ tết, chúng sẽ thắp nén hương cho tổ tiên. Đời chỉ có vậy. Nghĩ xa xôi làm gì? Viển vông vô ích! Chính vì vậy mà ở nông thôn Việt Nam, con cái được vào ngành công an là tự hào ghê lắm. Vừa oai, vừa có tiền, ai chẳng thích?

Nhưng còn mấy triệu đảng viên thì sao?

Lý tưởng của đảng viên là Chủ Nghĩa Xã Hội, là Chủ nghĩa Cộng sản chói lọi vinh quang. Lý tưởng của họ là đưa đất nước sánh vai với những cường quốc năm châu, để “ngạo nghễ” trên đỉnh cao của một thứ chủ nghĩa mà đa phần nhân loại cho là không tưởng, không khoa học, một thứ chủ nghĩa lý thuyết rất hay nhưng thực hành rất chán.

Tiếc thay, với tôi thì hình như mấy triệu đảng viên cũng có vẻ chẳng có lý tưởng gì cao siêu và đẹp đẽ. Họ vào đảng không phải với khát vọng cống hiến, xây dựng đất nước mà để vinh thân phì gia, để có một tấm vé bước vào đường quan lộ, trong lòng rỗng tuếch lý tưởng nhưng giả vờ tin, giả vờ hô để hưởng lợi.

Xin mấy bạn an ninh đừng quy chụp tôi là phản động, các bò đỏ, dư luận viên đừng vào chửi tôi là ba que, đu càng và đuổi tôi ra xứ tư bản mà sống. Chúng ta là người lớn, hãy cùng nhìn vào hiện trạng đất nước một cách thẳng thắn, có nhìn thẳng, học thật thì mới lớn lên được. Một đất nước hay một cá nhân cũng vậy cả thôi.

Tôi đã nói rồi, nếu có cơ hội thì mọi ngành, mọi nghề sẽ đều bộc lộ những gì bẩn thỉu nhất ra ngoài, bởi cốt lõi đã không tốt đẹp thì dù có đắp điếm gì, bản chất vẫn vậy.

Không nhìn vào cốt lõi, chỉ lo trang điểm bên ngoài thì ung nhọt sẽ có lúc nổ tung nhầy nhụa.

Bốn chân dung ngành ngoại giao kia là đồng chí của các vị đấy, đều là những khuôn mặt sáng láng, học hành cao, thành đạt, quan lộ thênh thang, đầy triển vọng nhưng đằng sau những khuôn mặt đẹp đẽ ấy là gì?

Đừng quy kết những người nói thẳng như tôi là phản động, là thế lực thù địch. Tôi không hề làm xấu bộ mặt bộ máy của các vị mà chính các cán bộ đồng chí ấy của các vị đã làm điều ấy.

Ở đây, tôi không tranh thủ một sự việc để “nói xấu” bởi những sự việc tương tự nhưng nhỏ lẻ đã âm ỉ từ nhiều năm nay, nhưng bởi các vị không nhìn thẳng vào sự thật và không cương quyết tẩy rửa cái xấu nên mới có ngày ê chề như hôm nay.

Giáo dục đạo đức cho cán bộ đảng viên không phải bằng khẩu hiệu răn dạy mà phải bằng luật pháp nghiêm minh. Chỉ có một xã hội thượng tôn pháp luật mới có thể tiến bộ được.

Các vị mở những phiên toà xử những người bất đồng chính kiến với những án bỏ túi, vai trò của luật sư chỉ là trang trí cho đủ lệ bộ, luật sư có nghiên cứu hồ sơ kĩ đến đâu, có cãi khản cổ thì cũng không ích gì.

Việc ấy các vị tưởng là hay nhưng về lâu dài rất hại cho đất nước. Đấy là chà đạp lên pháp luật và điều ấy sẽ khiến đất nước bị tụt hậu. Một bộ máy cầm quyền mà không gương mẫu về thượng tôn pháp luật thì dân làm sao có thể tin tưởng vào công lý?

Các bạn FB thân mến, tôi muốn nhân cơ hội để hỏi các bạn về lòng tin vào cán bộ. Qua sự việc mấy cán bộ ngoại giao ăn hối lộ để tiếp tay đội giá vé “giải cứu”, các bạn hãy comment và điền con số bao phần trăm cán bộ trong bộ máy khi có cơ hội sẽ có hành động “ăn thịt đồng loại” như 4 người này. Ví dụ 5%, 15%, 95%… Xin cảm ơn các bạn!

Tôi nói đây không có nghĩa là tôi mất lòng tin hoàn toàn vào bộ máy. Chúng ta đừng quên những cán bộ y tế đã xả mình cứu dân trong thời gian vừa qua, chúng ta hãy cúi đầu ghi nhớ và thương tiếc những cán bộ y tế đã thiệt mạng trong mùa dịch. Họ là những người anh hùng đích thực, chúng ta mãi mãi biết ơn họ.

Lý tưởng không cao siêu, không xa vời mà rất thiết thực và gần gũi. Ta không có lý tưởng xây dựng đất nước tốt đẹp hơn thì những việc ta đang làm hàng ngày chỉ là những thứ nhỏ mọn tầm thường và chúng ta không bao giờ có thể dạy con cháu mình sống làm Người theo nghĩa đích thực.

Đoàn Bảo Châu

'ĐANG DỊCH BỆNH' CÁC ANH CHỊ ĐÒI VỀ 

NƯỚC LÀM GÌ ?'

KHẢI ĐƠN/ TD 29-1-2022

“Ủa đang dịch bệnh các anh chị đòi về nước làm gì? Lây cho người dân à?”

Tôi đọc được comment đó từ một giảng viên đại học, người dạy học cũ của tôi, một trí thức, một người từng làm việc cho nhiều tập đoàn nước ngoài.

Câu nói của cô sẽ còn âm vang thêm hàng ngàn lần nữa trong năm 2020, khi Việt Nam hân hoan ăn Noel, đón Tết, đi xem bóng đá và cười nhạo cả thế giới chết như ngả rạ.

Trong niềm tự hào dân tộc và yêu nước đó, những tờ báo tôi chụp ảnh dưới đây viết về các chuyến bay giải cứu thế này:

“(NLĐO) – “Tôi như vỡ òa khi máy bay đáp xuống sân bay Đà Nẵng chiều 25-3. Vô cùng biết ơn Chính phủ đã hỗ trợ, tạo điều kiện để tôi được trở về trong lúc khó khăn cực độ này.”

Bạn google thử xem, có hàng trăm bài viết như vậy. Cảm xúc xã hội vô cùng bệnh hoạn: vừa xua tay vứt bỏ đám người trót kẹt ở nước ngoài không liên quan gì đến mình, vừa tấm tắc khen nhà nước nhân đạo, rưng rưng chào đón những công dân may lắm mới được về nhà.

Năm 2020 đó đẹp như giấc mơ ánh nồng sắc đỏ, nhà nhà yêu chính phủ, chửi bệnh nhân ngu thì chết, chửi nước giàu ngu quá chết đông, cười nhạo và vô tâm trước những người không thể về lại mái nhà.

Năm 2020 đó trên báo, tôi thấy những đồng nghiệp cũ của mình phản bội giá trị của nghề báo, và bỗng nhiên thấy may mắn, vì tôi không còn là đồng nghiệp của họ: Họ ca ngợi chuyến bay giải cứu như đưa chúng lên bàn thờ cúng cùng con gà khỏa thân, thiếu điều cởi quần áo rạch mặt nằm khóc cho nhòa lệ thấu tâm can rằng chuyến bay nhân đạo quá.

Trong khi ấy, chỉ cần một status FB, chỉ cần search vài group FB, họ sẽ thấy hàng chục ngàn người Việt khốn khổ, vạ vật, không thể về lại mái nhà, không còn tiền lưu vong xứ người, kỳ kèo với những suất “chuyến bay nhân đạo” đắt tới 100 triệu đồng, 150 triệu đồng (mà ngày thường nó chỉ trị giá 22 triệu đồng).

Nhưng các nhà báo, trong cơn high năm 2020 với thành công chống dịch của Việt Nam, quyết tự che mắt lại và chỉ nhìn thấy Việt Nam sáng lòa còn cả thế giới ngu lol đáng chết. Người nào đó đọc bài này của tôi có thể đặt câu hỏi: Lỡ đâu “chúng nó” bịt miệng không cho nhà báo viết?

– Không, vì tôi biết có những bạn bè tôi vẫn bỏ công viết những bài này, trong tiếng nói yếu ớt muốn giúp những công nhân nghèo khốn cùng mắc kẹt ở nước ngoài có thể về lại nhà. Bài của họ được đăng. Rất ít ỏi. Rất lặng lẽ. Vậy là chẳng có ai cấm cả, chỉ là các tờ báo thấy mình nên thật mạnh mồm bơm thổi cho các chuyến bay nhân đạo sặc giấy tiền.

Tôi ở trong vòng xoáy đó. Tôi kẹt ở Chile 10 tháng dài. Trong 10 tháng ở trong group chat của Đại sứ quán Việt Nam ở Chile, một nhân vật có tên “Anh Hoàng Sứ Quán”, cứ hê lên là cả đám người phải vào đăng ký tên. Vài bữa anh hiện ra, bảo đứa này đứa này được về, đứa kia đứa kia chưa tới lượt. Có người hỏi ủa anh giải cứu ở Chile mà bắt em bay qua Pháp, đại sứ quán Pháp không mở cửa sao em làm visa, anh Hoàng đáp: “Việc này em tự lo!” rồi biến mất.

Anh Hoàng huyền bí ấy như đức thánh canh cổng trời, toàn quyền quyết định sinh mệnh một đám người kẹt cả năm trời ở nửa vòng trái đất khác. Rồi những chuyến bay được báo giá, hai ngàn, ba ngàn, hai ngàn rưỡi. Không biết giá ai đặt ra, nhưng những ai có tiền đều phải vung ra hết để được về nhà. Có người xa con cả nửa năm. Có người người thân sắp mất không thể không về. Anh Hoàng bí ẩn quyết định số phận của họ.

Đến khi tôi sang Mỹ, những con số đó sẽ bự thêm, 8 ngàn, 9 ngàn, 10 ngàn, nhưng 14 ngàn chắc chắn về được, cách ly khách sạn. 280 triệu đồng cho một cái vé máy bay một chiều và khách sạn cách ly. Ngày thường cái vé đó 1 ngàn chưa chắc có ai mua. Tất cả những chuyện đó có bí mật lắm không?

Không, chúng xuất hiện đầy trên khắp các diễn đàn du học, diễn đàn công nhân, diễn đàn Tôi với Sứ Quán, diễn đàn người Việt xa quê. Những câu chuyện xuất hiện với đủ hình hài của bi kịch. Vợ kẹt ở nước ngoài, chồng ở quê chết vì Covid, con trai nhỏ xíu bơ vơ với bà ngoại. Bố mẹ đi thăm con du học kẹt một năm trời ở Mỹ, tiền không còn đủ ăn, phải đi chạy Uber kiếm sống. Du học sinh học hết chương trình không thể về nhà, visa không được làm việc, phải trày vảy đi xin việc lậu và bị ức hiếp.

Những bi kịch như vậy, người comment ở đầu bài như cô giáo tôi không cần biết. Họ đang bận sống trong cái áo của sự an toàn, năm 2020 Việt Nam chiến thắng Covid. Họ không quan tâm đến người khác bị tước bỏ quyền công dân và bị làm tiền trên cái chết và nỗi đau. Đó là ký ức xã hội của năm 2020.

Năm 2021, Covid-19 trở cờ như thay áo. Có lẽ cô giáo tôi cuối cùng cũng học được bài học rằng chiến thắng bệnh dịch không phải lòng tự hào dân tộc, và đại dịch không có ranh giới. Có lẽ cuối cùng cô cũng chứng kiến và rơi vào hoàn cảnh những công dân Việt Nam kẹt ở nước ngoài, kẹt trong dịch bệnh, mất người thân và bị bỏ rơi. Có lẽ cô và những công dân Việt đang high với lòng tự hào dân tộc của họ đã học được một bài học mới: Nếu họ có thể chế nhạo nỗi đau của đồng loại, thì nỗi đau một ngày nọ sẽ loang tới chân họ.

Vấn đề của chuyến bay giải cứu không chỉ nằm ở chỗ “đang có dịch ở yên đó đi” hay “có tiền thì về”, mà là hệ thống “giải cứu” này đã tước bỏ quyền công dân của những người Việt mắc kẹt ở nước ngoài. Họ bị quê hương từ chối quyền cơ bản của con người: là được về nhà, nơi có ghi trong hộ chiếu của họ. Đồng thời, nó tạo ra cánh cửa đặc quyền khổng lồ cho Đại sứ quán, cho anh Hoàng sứ quán trở thành thánh Peter gác cổng thiên đàng, cho những cơ quan lãnh sự được quyền chỉ mặt, ban ơn và… làm tiền.

Nhưng hệ thống vi phạm quyền con người và vi phạm luật pháp nghiêm trọng đó, rất tiếc, đã nhận được sự hồ hởi chào đón của những trí thức như cô giáo tôi, nhận được sự đồng lõa của những tờ báo lớn với những phóng viên không hề biết nhục. Hệ thống đó xảy ra, những tờ vé máy bay 9 ngàn đôla, 14 ngàn đôla đó, có lấm máu người xa quê và dính nước bọt trơ tráo của kẻ nhắm mắt đồng thuận, ngợi ca.

Người bạn tôi sau khi đọc tên đường dây làm tiền ở Cục lãnh sự đã bật khóc. Còn tôi bật google, mở ra, sau 24 giờ, đã kịp thấy những tờ báo ca khúc ca ngược lại với khúc họ vừa ca chỉ một tháng trước. Thật nồng nhiệt.

Khải Đơn

BỘ NGOẠI GIAO CẦN CẢI CÁCH MẠNH CÔNG 

TÁC LÃNH SỰ

LÊ HỒNG HIỆP/ TD 29-1-2022

Ảnh: toivasuquan.org

Dân cư mạng đang rần rần về vụ 4 cán bộ của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bị khởi tố. Từng làm trong Bộ một thời gian, mình cũng thấy có chút liên quan, xin được chia sẻ một vài quan sát bên lề thế này:

– Cán bộ ngoại giao đa phần có trình độ, học thức, biết đối nhân xử thế, nhưng môi trường công tác đôi khi làm họ bị ảnh hưởng. Trong Bộ, nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là Cục Lãnh sự và các bộ phận lãnh sự ở các đại sứ quán ở nước ngoài. Đây là bộ phận có “quyền lực” khi là nơi tiếp xúc trực tiếp nhiều với người dân, đồng thời tạo ra nhiều thu nhập nhất cho Bộ. Trước đây (giờ nghe bảo không còn?), ngoài lương chính thức thì cán bộ, nhân viên trong nước của Bộ mỗi tháng được hưởng một khoản thu nhập từ quỹ phúc lợi mà theo mình hiểu là được trích từ các khoản thu lãnh sự (như phí visa ở các đại sứ quán) mà Bộ được giữ lại một phần. Cũng chính vì thế, ở trong Bộ, Cục Lãnh sự là bộ phận “hot”, không dễ để xin vào.

– Vì liên quan nhiều lợi ích nên bộ phận lãnh sự trong nước cũng như ở các đại sứ quán thường là nơi mang lại nhiều tiếng xấu nhất cho Bộ Ngoại giao. Lên mạng chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy bao nhiêu phàn nàn, lên án, tố cáo… của cư dân mạng, nhất là người Việt đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, nói về việc họ bị gây khó dễ, ăn chặn, lạm thu… bởi cán bộ lãnh sự ở các đại sứ quán của Việt Nam như thế nào.

– Ngay từ cách đây gần 20 năm, khi mình mới chân ướt chân ráo vào Bộ, mình đã đọc được trên mạng các tố cáo như vậy. Đây cũng là một phần lý do mình cảm thấy thất vọng và quyết định rời Bộ. Điều đáng nói là tình trạng này phổ biến đến nỗi có hẳn những diễn đàn để thu thập thông tin, lên án các hành vi sai trái của cán bộ lãnh sự, như phong trào “Tôi và sứ quán”, vốn tồn tại từ hồi đó đến tận bây giờ.

– Điều mình ngạc nhiên là sau gần mấy chục năm, mọi thứ vẫn như vậy, và không thấy có những nỗ lực đáng kể nào từ Bộ Ngoại giao trong việc khắc phục tình trạng này để giữ uy tín, hình ảnh cho Bộ. Ngoài tình trạng nhũng nhiễu, lạm thu tiếp tục kéo dài, thì mình quan sát thấy dù bộ phận lãnh sự là nơi tiếp xúc nhiều với dân, cả người Việt Nam lẫn nước ngoài, là “bộ mặt quốc gia”, nhưng nhiều nơi cơ sở vật chất rất xập xệ, tồi tàn, quy trình làm việc thì thiếu minh bạch, rối rắm, thủ công…, khiến người đến làm thủ tục lãnh sự không thể không thấy bức xúc, thất vọng.

– Nói đi cũng phải nói lại, cán bộ lãnh sự cũng chịu áp lực vì là những người lo thu nhập cho cả sứ quán lẫn những đồng nghiệp trong nước. Các khoản thu sai, nếu có, cũng có thể bị tư túi một phần, nhưng theo mình hiểu phần lớn là đưa vào quỹ chung để trang trải thu nhập cho những người khác nữa.

– Mình cũng ngạc nhiên là sau mấy chục năm, thu nhập chính thức của cán bộ ngoại giao (và có lẽ là của công chức Việt Nam nói chung), hầu như không tăng lên là bao. Giờ cán bộ mới vào ngành lương cứng cũng chỉ tầm ba triệu. Như mình, nếu ở lại Bộ, sau gần 20 năm, thì bây giờ lương chắc cũng chỉ tầm 6-7 triệu đồng/tháng. Thu nhập như vậy trong thời buổi bây giờ thì chắc hẳn không đủ sống, càng khiến họ sa vào cám dỗ. Tất nhiên, thu nhập cao cũng không đảm bảo người ta không tham nhũng (các vụ đại án vừa qua đều liên quan những quan chức, tướng lĩnh đã có những khối tài sản khổng lồ), nhưng chắc hẳn nếu thu nhập tăng lên đủ sống, cộng với các biện pháp chế tài khác, thì tình trạng tham nhũng này sẽ được kiềm chế phần nào.

– Bộ Ngoại giao nên nhân cú sốc này để thúc đẩy cải cách và lấy lại hình ảnh cho Bộ. Cải cách đặc biệt nên tập trung vào việc cải thiện sự minh bạch, hiệu quả làm việc và hình ảnh của bộ phận lãnh sự ở trong nước cũng như ở các đại sứ quán ở nước ngoài. Biện pháp quan trọng là cần số hóa các quy trình làm việc để giảm tiếp xúc giữa cán bộ lãnh sự với người dân, việc thu phí phải tiến hành qua các kênh trực tuyến, không thu tiền mặt. Mọi thông tin, quy trình làm việc cần được minh bạch hóa, có cơ chế để người dân có thể phản ánh các sai phạm trực tiếp lên các cơ quan giám sát. Cơ sở vật chất cho các bộ phận lãnh sự nói riêng và các đại sứ quán nói chung cũng cần được đầu tư nâng cấp, chất lượng dịch vụ cần được cải thiện hơn nữa. Về lâu dài, các cải cách nhằm tinh giảm biên chế, nâng cao thu nhập cho cán bộ, cộng với các chính sách luân chuyển minh bạch, công bằng cũng cần được thực hiện nhằm hạn chế tiêu cực, tham nhũng.

Đã từng làm trong Bộ và giờ vẫn giữ quan hệ với nhiều đồng nghiệp cũ, mình cũng có chút e ngại khi chia sẻ những nhận xét này, vì có thể làm một số bạn bè, đồng nghiệp cũ không hài lòng. Tuy nhiên, mình tin là nếu có những thảo luận công khai để thúc đẩy cải cách, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn, dần dần mọi người có thể sống một cách thoải mái hơn với nghề của mình mà không phải đối diện những cám dỗ, sai trái. Đó sẽ là một điều tốt, cho họ cũng như những cán bộ ngoại giao tương lai, bởi chắc chắn không ai muốn phải đối diện với lựa chọn hoặc bỏ nghề, hoặc phải “bán linh hồn cho quỷ” chỉ để tiếp tục công việc của mình.

Lê Hồng Hiệp

SÂU CHÚA LÀ AI, HAY LÀ CÁI GÌ KHÁC ?

LƯU TRỌNG VĂN/ TD 29-1-2022


Báo Quốc tế của Bộ Ngoại giao ca ngợi lãnh đạo cục Lãnh sự bộ Ngoại giao, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, đã tổ chức tốt 183 chuyến bay đưa 42.205 công dân gặp khó khăn trong đại dịch từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Báo Quốc tế đánh giá: Các chuyến bay trên thể hiện công tác bảo hộ công dân thường xuyên, được triển khai một cách đồng bộ, tiếp tục là trụ cột, là chỗ dựa tin cậy của người dân.

Cũng trên báo ngành Ngoại giao này bà Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan nói: “Với vai trò là cơ quan đầu mối trong công tác tổ chức chuyến bay về nước, Cục Lãnh sự đã tham gia tích cực trong việc điều tiết chuyến bay, giải quyết hài hoà bài toán nhu cầu hồi hương của công dân và nhiệm vụ chống dịch trong nước, đồng thời xử lý một số vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai.

Không ai rõ ý của bà cục trưởng “một số vấn đề phát sinh” là gì?

Thì đây, hơn một năm sau ngày 28-1, trung tướng Tô Ân Xô đã cho biết những vấn đề phát sinh ấy là gì, khi thông báo: “Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại cục Lãnh sự. Hành vi sai phạm của các bị can xảy ra trong quá trình xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân“.

Cơ quan an ninh điều tra đã bắt tạm giam Nguyễn Thị Hương Lan, cục trưởng Cục Lãnh sự cùng một loạt cộng sự của Lan.

Phan Quốc Việt ông chủ Việt Á nhận huân chương Lao động do thành tích chống dịch, hiện trong trại giam sẽ bớt buồn tủi khi được gặp người cùng cảnh là Nguyễn Thị Hương Lan cắp theo bằng khen của Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao cũng với thành tích chống dịch ấy.

Khốn nạn, chị Doan ơi, chị chỉ được cái nói đúng: Chúng ăn không từ một cái gì.

Còn anh Tư Sang ơi, anh cũng chỉ được cái nói đúng: Lúc nhúc bầy sâu.

Tại sao đụng vào bất cứ đâu cũng thấy lũ sâu bẩn thỉu, gớm ghiếc, tham lam mà trước đó đều khoác chiếc áo gấm đạo đức vì nước thương dân, trung thành với đảng ngời sáng?

Sâu chúa đẻ ra bầy sâu là ai? Có phải sâu chúa chỉ là một cá nhân nào đó như có lần anh Tư Sang ám chỉ, hay là “cái gì khác”?

Nếu là “cái gì khác” thì từng thanh củi bác cả cho vào lò chả tác dụng bao nhiêu vì cái gốc của tham nhũng, ăn cướp bẩn thỉu vẫn ung dung ngoài lò, bởi nó là “cái gì khác”.

Mà “cái gì khác” ấy là gì? Dân ai cũng biết. Vậy tại sao một điều đơn giản dân ai cũng biết mà các quan ngài không biết?

Lưu Trọng Văn

CÔNG LÝ BỊ TRÌ HOÃN THÌ CŨNG KHÔNG 

KHÁC GÌ SỰ BẤT CÔNG

LÊ NGUYỄN DUY HẬU/ TD 28-1-2022

Ai quen mình đều biết rằng mình thường không bày tỏ nhiều sự ủng hộ khi một ai đó bị bắt, nhưng lần này mình không thể giấu được cảm xúc “hả hê” khi biết tin này. Trước khi đi nước ngoài vào giữa mùa dịch, mình thường không để ý lắm về các chuyến bay mang danh “giải cứu”.

Tuy biết rằng chắc chắn phải có ăn hối lộ trong đó, nhưng chỉ đến khi sang Mỹ và chứng kiến một thị trường sôi nổi suất máy bay “giải cứu”, mình mới thấy mắc nghẹn với các hành động này. Một suất máy bay “giải cứu” lúc đó đều có giá của nó, và thường là trên trời, chỉ để được vào danh sách. Sau đó, người về phải trả thêm các chi phí của hãng bay. Các “chuyến bay giải cứu” vốn dĩ mang màu sắc nhân đạo, “ngạo nghễ Việt Nam” lúc đầu, dần trở thành những cơ hội cho nhiều cán bộ làm ăn, buôn bán, nhiều lúc công khai.

Không phủ nhận, chuyến bay góp phần đưa rất nhiều trường hợp khó khăn về nước, và sự tận tuỵ của lực lượng bộ đội cách ly người về cũng đã làm nguôi ngoai phần nào cho các công dân trở về, nhưng cũng có vô số trường hợp bị bỏ lại phía sau, nhường chỗ cho những người có quen biết hơn, giàu có hơn, và chưa chắc cần thiết hơn. Kết quả là một số lượng suất bay đã rơi vào tay người có tiền, người có quan hệ, nhóm đặc quyền, đặc lợi. Con voi ở trong phòng, người ta tố cáo trên các trang mạng nhưng đâu vẫn hoàn ấy. Lâu dần nó thành luật bất thành văn. Sự độc quyền giữa mùa dịch khiến người ta chấp nhận đó như là cái giá để về nhà.

Hậu quả? Mình từng cố gắng giúp một người bạn của mình kẹt ở Philippines hơn 1 năm. Bạn này đăng ký chuyến bay giải cứu không dưới 10 lần. Chuyến du học ngắn ngày thành một cuộc “lưu vong” hơn năm trời. Kết quả là mình không giúp được, và bạn phải vay số tiền lớn để trả cho một công ty nọ đảm bảo một suất trên chuyến bay giải cứu. Một tuần sau khi thanh toán, bạn có tên trong danh sách được “giải cứu”. Sự trùng hợp khiến bạn chua chát thốt lên rằng “hoá ra giải cứu là như thế”.

Hai người bạn khác của mình không còn đợi được nữa sau khi hết hạn visa gần 1 năm, quyết định làm một hành trình sang nước bạn Campuchia (nơi cũng bán suất bay vào), chấp nhận cách ly 14 ngày ở Campuchia (trong khách sạn), sau đó đi đường bộ về biên giới Tây Ninh và chịu thêm 14 ngày cách ly tập trung, trong các doanh trại quân đội. Một người khác suốt 18 tháng không có tên trong danh sách “giải cứu”, quyết định lập nghiệp ở nước ngoài. Một trường hợp khác visa hết hạn, nhiều lần gửi email, 9 tháng chờ đợi, không may nhiễm bệnh khi chưa được lên máy bay và qua đời. Cung thì ít, cầu thì nhiều, và hệ thống giám sát có vẻ không có, nên kết quả là bán suất, bán quan hệ, ăn chia trên thân phận của nhiều đồng bào. Kẻ làm sai thì không chịu trách nhiệm. Thị trường chợ đen được bình thường hoá. Người bị bắt ngày hôm nay mới ba ngày trước còn tươi cười nhận bằng khen cho cống hiến của mình.

Mình tin rằng vụ bắt bớ này sẽ chỉ là bắt đầu cho một cuộc bố ráp khác, và không ít người đã trải qua gần 18 tháng ở nước ngoài mà việc mình có được về hay không do một hệ thống đầy mơ hồ quyết định rất hài lòng. Trên VnExpress, có người đã hoan hô bộ công an vì đã vào cuộc. Nhưng có ai nghĩ, tại sao cho đến bây giờ, khi mọi thứ đã dần trở lại bình thường, đường bay quốc tế đã mở lại, vụ việc mới được phanh phui? Rồi khi các cán bộ này vào tù, số tiền họ hưởng lợi sẽ đi đâu? Theo quy định, rất có thể nó sẽ vào ngân sách nhà nước. Vậy rốt cuộc, ở một khía cạnh nào đó, việc truy tố cũng góp phần hợp thức hoá sự vi phạm.

Những người bị bỏ lại vì không đủ tiền, không đủ quan hệ: ai đền bù cho họ thời gian bị mất, các cơ hội việc làm, những phút cuối không ở bên cạnh người thân, hay thậm chí là sức khoẻ, tính mạng? Không ai cả. Vào tù là hết. Vì vậy, bên cạnh việc ca ngợi việc phanh phui vụ việc, chúng ta cần phải hiểu rằng công lý hoá ra chưa bao giờ được thực thi trọn vẹn, vì công lý bị trì hoãn thì cũng không khác gì sự bất công. Và giá như tại thời điểm cao trào của dịch, có ai đó thực sự nghiêm túc chấn chỉnh các vụ việc như vậy, để việc về nhà được công bằng hơn, thì có thể công an sẽ không lập được chiến công bắt một cán bộ tham nhũng, nhưng sẽ có nhiều người thực sự xứng đáng về đã không bị bỏ lại phía sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét