Thứ Năm, 6 tháng 1, 2022

20220107. TÀI NGUYÊN ĐẤT ĐAI VÀ NGÂN SÁCH

 ĐIỂM BÁO MẠNG

BỘ TRƯỞNG HỒ ĐỨC PHỚC: ĐẤU GIÁ ĐẤT

 THỦ THIÊM 2,4 TỈ ĐỒNG/M2 LÀ NHIỄU LOẠN 

THỊ TRƯỜNG

ĐẶNG HÙNG/ CAFEF 5-1-2022


Tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 4/1, Bộ trưởng Tài 

chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, đấu giá đất tại Thủ 

Thiêm với mức trúng đấu giá 2,4 tỷ đồng một m2 là bất 

thường và đây là điển hình làm nhiễu loạn thị trường.


Liên quan đến hiện tượng đấu giá đất Thủ Thiêm bên hành lang Quốc hội, ông Phớc cho biết, giá đất trung bình tại đường Nguyễn Huệ, nơi được ví là trái tim của TP HCM có giá khoảng 1,5 tỷ đồng một m2.

Trong khi đó, Thủ Thiêm là khu vực mà hạ tầng mới, đang còn xây dựng, hoang vắng thì mức đấu giá lên tới 2,4 tỷ đồng. "Mức giá này là không phù hợp, không thực khi giao dịch đột biến tăng gấp vài lần", Bộ trưởng nhận định.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đấu giá đất Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng/m2 là nhiễu loạn thị trường - Ảnh 1.

Khu đô thị Thủ Thiêm thuộc TP.Thủ Đức (quận 2 cũ) 

nằm bên bờ sông Sài Gòn, được quy hoạch thành 8 

khu chức năng với công năng riêng.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói thêm, cần xem các nhà đầu tư có thực hiện đúng theo cam kết trúng giá hay không, hay bỏ cọc. Với trách nhiệm của mình, Bộ Tài chính kiểm tra những doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán, còn quản lý nhà nước về đất đai là Bộ Tài nguyên Môi trường, kể cả vấn đề giá đất.

Phát biểu tại tổ khi nhắc tới việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nói, đấu giá 1m2 đất ở Thủ Thiêm mà 2,4 tỷ đồng là trường hợp "chưa bao giờ xảy ra". Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ đang giao các cơ quan nghiên cứu động thái này xem có bất thường không, còn nếu bình thường thì không sao.

Thời gian qua, trái phiếu doanh nghiệp huy động gấp đôi, ba lần trước đây, đạt 155.588 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Phớc cho rằng việc huy động trái phiếu doanh nghiệp có lỗ hổng nên Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 163 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, với những doanh nghiệp thua lỗ, nợ xấu, không đủ điều kiện phát hành sẽ tăng điều kiện phát hành, tránh làm nhiễu loạn thị trường, chiếm dụng vốn của nhà đầu tư. Đồng thời, tăng cường cảnh báo, kiểm tra, siết lại để lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.

"Vì nhiều trường hợp, vốn vay gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn. Chẳng hạn, đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường", Bộ trưởng Phớc nhận xét. 

Trong báo cáo đánh giá tác động của phiên đấu giá đất tại Thủ Thiêm vừa trình Thủ tướng, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nhấn mạnh, nghiên cứu xu thế trả giá của đa số các doanh nghiệp tham gia phiên này cho thấy, mức phù hợp để triển khai dự án chỉ gấp 2-4 lần khởi điểm.

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn tham gia cũng không kịp trả giá lần này. Trong khi đó công ty trúng thầu đấu giá chỉ là doanh nghiệp tầm trung hoặc mới thành lập được một vài năm, thậm chí vừa mới lập.

Kết quả đấu giá có độ vênh rất cao (3,9-8,3 lần) từ mức khởi điểm đến mức đấu giá thành công. Diễn biến này theo HoREA, bộc lộ nhiều bất cập của các phương pháp xác định giá đất để định giá đất cụ thể để làm giá khởi điểm, hoặc để tính tiền sử dụng đất theo quy định. Hiệp hội này cũng cho rằng có nhiều kẽ hở trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhắc lại những khó khăn chưa có tiền lệ trong lịch sử của năm 2021. Nhưng đến nay, thu ngân sách vẫn đạt 1,5 triệu tỷ đồng, vượt dự toán kế hoạch.

Phần lớn trong số này là thu từ thuế, phí nội địa tăng 14,5%. Thị trường chứng khoán cũng khởi sắc với quy mô vốn hoá 7,7 triệu tỷ đồng, tăng 46,5%. Giá trị giao dịch cổ phiếu cũng tăng đột biến, có những lúc trị giá mỗi phiên giao dịch khoảng 1 tỷ USD (hơn 22.000 tỷ đồng), cá biệt có ngày lên tới 2 tỷ USD (gần 45.000 tỷ đồng).

Đề cập tới mức tăng trưởng ấn tượng của thị trường chứng khoán vừa qua, ông Hồ Đức Phớc cho hay, có doanh nghiệp tăng chục lần trong khi thua lỗ liệu có hay không yếu tố đầu cơ, tăng ảo. Ông khẳng định, hiện Bộ Tài chính đang sửa Nghị định 163 để tránh những trường hợp các doanh nghiệp không đủ điều kiện nhưng vẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, làm thiệt hại đến các nhà đầu tư khác.

Bộ Tài chính đã có nhiều cảnh báo để các nhà đầu tư thận trọng với trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, tránh trường hợp bị lừa. Yêu cầu doanh nghiệp minh bạch thông tin, báo cáo tài chính, thông tin, làm ăn có lãi hay không, vốn vay trên vốn chủ sở hữu, tình hình tài chính có lành mạnh hay không, công khai với nhà đầu tư. Song, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc tăng quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán là tín hiệu tốt, sẽ là kênh huy động vốn tốt.

Đặng Hùng

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị


BỘ TRƯỞNG PHỚC NÓI SAI MẤT RỒI !


NGUYỄN TIẾN TƯỜNG/ TD 5-1-2022



Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 4/1. Nguồn: DN&TT


Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói giữa Quốc Hội: “Đấu giá đất Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường”. Cá nhân tôi không tin rằng đây là lời phát biểu của một vị thượng thơ quản trị kinh tài quốc gia.

Cho dù không thích Tân Hoàng Minh, nhưng đây là một cuộc đấu giá tự do và hợp pháp. Ở đó, chính quyền tận hưởng được năng lượng cạnh tranh sinh động và bán được mặt hàng mình muốn với giá cao hơn nhiều kỳ vọng. Không có nhiễu loạn gì cả vì nếu doanh nghiệp không mua, buộc phải mất cọc và ngân sách vẫn có nguồn thu.

Ông nói nhiễu loạn giá cả là không đúng. Và như vậy, vô tình gieo tội cho Sài Gòn. Bởi vì không một chủ tiệm nào vừa bán xong mặt hàng mà quay lại xỏ xiên người mua vậy cả. Nếu hiểu theo nghĩa khác, chánh quyền trở thành một “vai diễn” trong màn nhiễu loạn hay sao?

Bộ trưởng Phớc có lẽ quên mất rằng càng dịch bệnh thì sức ép nguồn thu của Sài Gòn phải gánh càng lớn. Khi đấu giá đất, nghĩa là Sài Gòn mách thầm với trung ương là phải đập heo đất rồi. Nay lãnh đạo bộ nói vậy, Sài Gòn vừa làm việc vừa ăn mắng hay sao?

Ông Phớc lấy giá đất Nguyễn Huệ (1,5 tỷ đồng/m2) để ngầm ý nói mức giá 2,4 tỷ đồng/m2 ở Thủ Thiêm là nhiễu loạn thị trường. Điều này càng trật lất. Bởi vì Nguyễn Huệ đất nhỏ, không còn dư địa phát triển dự án. Còn Thủ Thiêm đất rộng, đón đầu dịch chuyển trung tâm. Một trong những vẻ đẹp của giá cả là phản ánh kỳ vọng của thì tương lai vào trong nó. Bộ trưởng tài chính sao có thể không biết hoặc quên mất điều này!

“Tiền là công cụ vĩ đại nhất của tự do mà con người từng phát minh ra”, ông Hayek đã nói như vậy. Tiền của người ta người ta xài, và khi đã xài giữa một sàn giao dịch minh bạch thì người quản lý chính sách tài chính không nên nhìn tiền người ta bằng con mắt ấu trĩ và hằn học như thế.

Bộ trưởng Phớc nói chuyện mất đoàn kết quá!

Nguyễn Tiến Tường

ĐÂY LÀ MỘT PHÁT BIỂU NGUY HIỂM, THƯA 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI !

NGUYỄN THÙY DƯƠNG/ TD 5-1-2022

Kính thưa Chủ tịch Quốc hội!

Tôi có một số ý kiến xin được nêu ra cùng Chủ tịch Quốc hội và Quốc hội như sau:

Báo VnExpress vào lúc 17h58′ ngày 04-01/2022 có đăng một bài báo có tựa đề: Bộ trưởng Tài chính: ‘Đấu giá đất Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng một m2 là bất thường’

Trong đó có đoạn: …”Phát biểu tại tổ khi nhắc tới việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nói, đấu giá 1m2 đất ở Thủ Thiêm mà 2,4 tỷ đồng là trường hợp ‘chưa bao giờ xảy ra’. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ đang giao các cơ quan nghiên cứu động thái này xem có bất thường không, còn nếu bình thường thì không sao.

Cá nhân tôi cho rằng đây là một phát biểu nguy hiểm, thưa Chủ tịch Quốc hội!

Nếu giá đất đấu giá tại Thủ Thiêm là đúng và không có gì bất thường trong quy trình thuận mua vừa bán thì Luật Đất đai của chúng ta vô cùng bất thường, gây ảnh hưởng xấu tới quyền lợi của hàng triệu người dân bị quy hoạch giải toả.

Khoản 2 điều 74, quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất như sau:

“Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.”

Như vậy, Nhà nước thu hồi đất ở Thủ Thiêm với giá 2,3 triệu đồng/m2, sau nhiều năm dân khiếu kiện thì 200m2 đất ở đầu được hỗ trợ thêm 16 triệu đồng/m2. Phần đất ở trên 200m2 vẫn tính giá 2,3 triệu đồng/m2. Đất nông nghiệp có giá 150 ngàn đồng/m2. Đất biền rạch có giá 75 ngàn đồng/m2.

Theo luật, Nhà nước có quyền áp giá đền bù theo cách tính của Nhà nước và một số cơ quan liên quan. Tuy nhiên, thực tế cho thấy giá khi đấu giá và giá thị trường cao hơn giá bị áp nhiều lần. Ngoài Thủ Thiêm, mỗi năm VN có bao nhiêu dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất và người dân “hiệp thương” chỉ mang tính hình thức là chính?

Có nhiêu cuộc đời bị lỗ lã? Bị thiệt hại? Bị mất quyền lợi? Bị đẩy đuổi? Bị trôi dạt? Thậm chí là bi kịch?

Vậy bình thường ở chỗ nào? Thưa Chủ tịch Quốc hội?

Một lần nữa, tôi kính mong Quốc hội xem xét gấp rút sửa đổi Luật Đất đai, theo đó, quyền lợi của người dân trong quy hoạch giải toả phải được đảm bảo thực tế. Chứ không phải đúng quy trình trên giấy.

Xin trân trọng cảm ơn và chúc sức khoẻ toàn thể Quốc hội!

***

Tôi từng nghe nói Chủ tịch Quốc hội khá nghiêm khắc. Nên nếu điều tôi nói ra có gì làm Chủ tịch Quốc hội phật ý, mong ông rộng lòng không chấp nhất.

Nguyễn Thuỳ Dương

KHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CÒN TRÔNG 

CHỜ VÀO ĐẤT

HỒNG VĂN/TBKTSG 5-1-2022

(KTSG Online) – Một tỉnh nhỏ ở duyên hải miền Trung là Phú Yên năm nay thu ngân sách nhà nước được 7.400 tỉ đồng. Mấy năm nay, thu từ đất chiếm tỷ lệ không nhỏ trong thu ngân sách trên địa bàn tỉnh này.

Nhưng, rồi đây thu ngân sách ở Phú Yên sẽ tăng vọt có thể lên gấp đôi nếu kế hoạch khai thác quỹ đất thành hiện thực. Theo đề án khai thác quỹ đất trong vòng 5 năm tới của tỉnh này là đưa các khu đất, dự án vào kế hoạch tổ chức bán đấu giá, tạo nguồn thu ngân sách từ tiền sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 dự kiến hơn 35.600 tỉ đồng; tức bình quân mỗi năm thu quỹ đất hơn 7.000 tỉ đồng, gần bằng số thu ngân sách hiện nay.

Để có số tiền khổng lồ cho một tỉnh nhỏ, các nhà quản lý ở đây đã dự tính đưa ra 318 dự án với 5.127.924 mét vuông đất, tức hơn 5 cây số vuông để khai thác, và đấu giá là một hình thức.

Nhưng đâu chỉ Phú Yên, nếu ai mở trang web các báo địa phương tìm kiếm (search) các cụm từ “thu ngân sách, nguồn thu từ đất” sẽ thấy được tỉnh nào cũng nhấn mạnh nguồn thu từ đất. Mở tờ báo chuyên viết về đấu thầu thì nổi bật trong thời gian gần đây có lẽ là đấu giá đất ở các địa phương.

Vào web của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, năm 2013, nguồn thu từ đất cả nước là 63.681 tỉ đồng thì ba năm sau đã hơn gấp đôi, 145.801 tỉ đồng; đến năm 2019, con số này là 232.689 tỉ đồng và năm 2020 là 254.854 tỉ đồng. Như vậy từ năm 2013 đến năm 2020, nguồn thu từ đất đã tăng hơn 4 lần.

Một báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết hàng năm nguồn thu từ đất đã đóng góp từ 12-15% thu ngân sách nội địa không tính dầu khí.

Phần lớn thu từ đất là thu tiền sử dụng đất chiếm tới 80%, còn cho thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản… chiếm không nhiều.

Không ít chuyên gia khi xem xét cấu trúc các khoản thu về đất đai, đã cảnh báo sự bất ổn, thiếu bền vững của ngân sách các địa phương. Đó là tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền thu từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước là các nguồn thu một lần, và trong 3 nguồn này, tiền sử dụng đất là nguồn quan trọng nhất.

Bằng cách giao đất cho cá nhân và doanh nghiệp, Nhà nước đang thực hiện việc bán quyền sử dụng tài sản của mình cho người sử dụng đất. Đến một giai đoạn nào đó nguồn thu này sẽ giảm, chứ không lẽ cứ bán mãi?

Cách thức mà hiện nay đa phần chính quyền các địa phương thu tiền sử dụng đất là dựa vào đấu giá đất và tất nhiên có tham khảo giá thị trường để làm cơ sở cho giá khởi điểm. Ngay cả khi thu tiền sử dụng đất theo khung giá đất thì khung giá đất do địa phương ban hành cũng ít nhiều dựa vào giá thị trường.

Vậy có ông “chủ đất” nào muốn giá thị trường xuống thấp khi mình đưa các lô đất ra thị trường hay không?

ĐẤT SỐT CHƯA TỪNG CÓ, TRÙM ĐẤT VÀNG THỦ THIÊM SÀI GÒN CÓ THÊM 9000 TỈ

VIỆT HÀ/ VNN 7-1-2021

Việc bất động sản sốt nóng ở nhiều nơi và đất vàng có nơi đã lên tới vài tỷ đồng một mét vuông tiếp tục kéo giá nhiều cổ phiếu bất động sản, trong đó có trùm đất Thủ Thiêm CII.

Tính từ đầu tháng 12/2021 tới nay, cổ phiếu CII của Công ty Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đã tăng khoảng gấp đôi lên 54.200 đồng/cp, đưa vốn hóa tăng tương ứng lên gần 13 nghìn tỷ đồng. Nếu tính trong 4 tháng qua, cổ phiếu này tăng gấp hơn 3 lần. Vốn hóa tăng thêm khoảng 9.000 tỷ đồng.

CII là một doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng và gần đây đầu tư nhiều vào bất động sản. Doanh nghiệp này có "đất kim cương" ở khu Thủ Thiêm, nơi vừa ghi nhận giá lên tới 2,44 tỷ đồng/m2 trong phiên đấu giá Tập đoàn Tân Hoàng Minh chi hơn tỷ USD mua hơn 10 nghìn mét vuông hôm 10/12 vừa qua.

CII hiện có 3 đơn vị phát triển bất động sản chính là Công ty TNHH MTV khu Bắc Thủ Thiêm (KBTT, chuyên dự án tại khu Thủ Thiêm), Năm Bảy Bảy và Công ty TNHH Đầu tư Cao ốc Văn phòng Điện Biên Phủ.

CII đã được giao khoảng hơn 90 nghìn mét xuống đất sử dụng ổn định lâu dài và hơn 6.000 m2 đất sử dụng 50 năm (để xây dựng văn phòng). Đây đều là những khu đất đẹp, dọc bờ sông, công viên, và trục đường Bắc Nam, tiếp giáp với cầu Thủ Thiêm 1.


Đất đắt chưa từng có, 'trùm' đất vàng Thủ Thiêm, Sài Gòn có thêm 9.000 tỷ

Trong những năm giai đoạn 2018-2021, CII gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có việc dòng tiền bị ách tắc tại các dự án hạ tầng. Loại hình đầu tư BOT và bất động sản gần đây bị xếp vào loại có rủi ro cao nên các ngân hàng hạn chế cho vay theo dự án hoặc với tỷ lệ vay thấp. CII phải sử dụng tài sản để huy động vốn nhằm đưa dự án đúng tiến độ.

Theo kế hoạch. từ quý IV/2021, tất cả các dự án trọng điểm do CII đầu tư sẽ đi vào khai thác, tạo ra nguồn thu khoảng hơn 8.200 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ. Bên đó, CII có nhiều nguồn thu lên tới cả nghìn tỷ đồng từ các dự án bất động sản đã hoặc sắp hoàn thành. Ngoài ra, việc chuyển nhượng quyền thu phí dự án BOT sẽ đem về cho CII 4.400 tỷ đồng.

CII có các dự án đất lớn được quy đổi theo giá trị các hợp đồng BT đổi đất lấy hạ tầng. Tổng diện tích đất mà doanh nghiệp này có tại khu Thủ Thiêm gần gấp 10 lần lô đất đấu giá của Tân Hoàng Minh. Phần lớn các lô đát của CII ở các vị trí đắc địa ở khu Thủ Thiêm mà doanh nghiệp này có được với giá giá thấp hơn rất nhiều so với giá mà Tân Hoàng Minh đấu giá.

Mặc dù nắm giữ quỹ đất vàng rất lớn và triển khai nhiều dự án nổi bật nhưng CII ghi nhận lợi nhuận khiêm tốn: chỉ hơn 520 tỷ trong 20219 và 472 tỷ trong 2020 và giảm sút trong quý III/2021 do tác động của dịch Covid -19 khiến nhiều hoạt động bị tạm dừng.

Gần đây, nhiều cổ phiếu bất động sản cũng tăng mạnh theo diễn biến giá đất như: NBB, DXG, PDR, SSH, NVL...

Trong phiên hôm qua 6/1, dòng tiền đổ mạnh vào các cổ phiếu bất động sản. Bộ 3 nhóm Vin của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp đà bứt phá, với VRE tăng trần, VHM tăng 1,5% và VIC tăng 4,5%. Nhóm FLC hầu hết tăng mạnh, thậm chí HAI, KLF, AMD tăng trần.

Nhiều mã bất động sản và xây dựng khác tăng trần như CTD, DXG, HAR, ITA, OGC, QCG, SCR, VNE, VPH, L14.

Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 7/1

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều cổ phiếu chịu áp lực chốt lới khiến VN-Index giảm nhẹ từ vùng đỉnh lịch sử quanh 1.530 điểm.

Theo VDSC, nhịp điều chỉnh của VN-Index tương đối nhỏ và đã nhanh chóng hồi phục trở lại. Mặc dù chỉ số vẫn thận trọng khi trở lại vùng 1.535 điểm và lùi bước, do áp lực bán vẫn tranh thủ chốt lời, nhưng không thể phủ nhận động thái hỗ trợ của dòng tiền. Hiện tại, diễn biến tranh chấp của VN-Index chưa kết thúc và có thể tiếp diễn trong phiên giao dịch 7/1.

Dù vậy, VDSC vẫn cho rằng có thể kỳ vọng chỉ số sẽ dần tăng và hướng đến vùng 1.550 điểm trong thời gian tới. Diễn biến phân hóa đang là điểm nổi bật trên thị trường và nhóm VN30 vẫn còn kém so với thị trường chung, do sự phân hóa mạnh và chênh lệch tăng giảm giữa các cổ phiếu trong nhóm.

Chốt phiên chiều 6/1, chỉ số VN-Index tawng 6,07 điểm lene 1.528,57 điểm. HNX-Index tăng 0,94% lên 484,89 điểm. Upcom-Index tăng 0,14% lên 114,42 điểm. Thanh khoản đạt 42 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.

V. Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét