Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022

20220129. PHIÊN HỌP 21 BAN CĐTƯ PCTN&TC

ĐIỂM BÁO MẠNG

KIÊN QUYẾT, KIÊN TRÌ, ĐẨY MẠNH HƠN  NỮA PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
NHÂN DÂN/ GDVN 21-1-2022
GDVN- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Sáng 20/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) họp phiên thứ 21 để đánh giá công tác năm 2021, cho ý kiến về chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì phiên họp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ 


đạo, chủ trì phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Năm 2021, mặc dù trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp; nhiều thành viên mới được bổ sung, nhưng Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, xử lý nghiêm mọi sai phạm.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rõ rệt, có mặt cao hơn năm trước, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ” của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Một số kết quả nổi bật là, nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện quyết liệt, tạo khí thế mới ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Cụ thể là: Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng đã tích cực, khẩn trương cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Trung ương đã tổ chức 7 hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, trong đó có Hội nghị về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quyết liệt nhiều văn bản quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 37 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 22 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định số 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định số 32 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Chỉ thị số 04 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50, ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV;...

Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của của Luật Đầu tư công; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu và Luật Thi hành án dân sự;... Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 144 nghị định, 40 quyết định; các bộ, ngành ban hành hơn 700 thông tư, thông tư liên tịch...

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo về cơ chế phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm, tạo bước đột phá mới trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đối với 618 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 132 đảng viên so với năm 2020).

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm 2020).

Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 81.290 tỷ đồng và 811 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.286 tập thể và 6.132 cá nhân; nhất là đã hoàn thành thanh tra chuyên đề diện rộng việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư, đấu thầu thuốc chữa bệnh; việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại 3 tập đoàn, tổng công ty. Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra, kiểm toán được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng thực hiện nghiêm cơ chế phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đã chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý hơn 330 vụ việc có dấu hiệu tội phạm (tăng hơn 3 lần so với năm 2020).

Cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã kịp thời cung cấp thông tin, chuyển tài liệu sai phạm của nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, kiểm tra, xử lý theo quy định của Đảng.

Việc thực hiện cơ chế này, vừa nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa bảo đảm sự đồng bộ, nghiêm minh, kịp thời giữa kỷ luật của Đảng với xử lý hình sự, xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể đối với cán bộ, đảng viên vi phạm.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xác minh, xử lý các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Các cơ quan chức năng trong cả nước đã khởi tố, điều tra 390 vụ án/1.011 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ. Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ sau Phiên họp thứ 19 đến nay, đã khởi tố 10 vụ án/40 bị can; kết thúc điều tra 15 vụ án/150 bị can; truy tố 16 vụ/164 bị can; xét xử sơ thẩm 21 vụ án/179 bị cáo, xét xử phúc thẩm 13 vụ án/74 bị cáo.

Đáng chú ý là, đã khởi tố mới nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp; tiếp tục mở rộng điều tra, kiên quyết, kiên trì đi sâu làm rõ bản chất tham nhũng, tiêu cực trong nhiều vụ án, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, trong đó 10 trường hợp cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Đã kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm vụ án đưa, nhận hối lộ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; một số vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế, lợi dụng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để trục lợi; các vụ án xảy ra tại Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang,...

Xét xử kịp thời 10 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, gồm: (1) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công thương và Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh;

(2) Vụ án “Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan;

(3) Vụ án “Đưa hối lộ; Môi giới hối lộ; Nhận hối lộ” liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; (4) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Ethanol Phú Thọ và Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam;

(5) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên;

(6) Vụ án “Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội;

(7) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi;

(8) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, liên quan đến các quân nhân thuộc Bộ Quốc phòng;

(9) Vụ án “Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) và các đơn vị liên quan;

(10) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn.

Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án chuyển biến tích cực, các cơ quan chức năng đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị hơn 15 nghìn tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị lớn.

Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ năm 2013 đến nay đã thu hồi được hơn 31 nghìn tỷ đồng (đạt tỷ lệ 33,33%); trong đó, năm 2021 đã thu hồi được hơn 9.000 tỷ đồng (tăng hơn 7.100 tỷ đồng so với năm 2020).

Đã thu hồi số tiền gần 2,7 triệu USD và 127 nghìn đô-la Singapore của Phan Sào Nam ở nước ngoài.

Công tác phối hợp, chấn chỉnh, xử lý sai phạm, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường.

Các cơ quan chức năng trong Công an, Quân đội đã chủ động phát hiện, xử lý kỷ luật 98 cán bộ, chiến sĩ; tòa án, viện kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm toán đã xử lý kỷ luật 50 cán bộ, công chức có sai phạm, tiêu cực; Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố, điều tra 26 vụ án/32 bị can về tội tham nhũng, chức vụ, tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực; trong năm 2021, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã khởi tố mới án tham nhũng. Trong đó, nhiều địa phương đã điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm (như: Đồng Nai, An Giang, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Yên, Hà Nội, Sơn La…).

Chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, báo chí và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Về nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022, Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng không được chủ quan, thỏa mãn, bằng lòng với những kết quả đạt được; phải kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm, đồng bộ giữa kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự đối với những trường hợp vi phạm, bất kể người đó là ai; kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân có thành tích trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để “không thể tham nhũng”.

Trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập, bảo đảm thực chất, hiệu quả; rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, tài sản công,…; sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Đất đai, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các dự án luật liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo về cơ chế phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên có sai phạm liên quan các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 16 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 40 vụ việc; truy tố 20 vụ án; xét xử sơ thẩm 22 vụ án, xét xử phúc thẩm 1 vụ án theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Nhất là, tập trung chỉ đạo xử lý vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các vụ việc, vụ án liên quan đến lĩnh vực y tế; các vụ việc, vụ án xảy ra tại Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang…; xét xử sơ thẩm đối với 10 vụ án trọng điểm, gồm:

(1) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương;

(2) Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan;

(3) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận;

(4) Vụ án “Buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả; đưa hối lộ; nhận hối lộ…” xảy ra tại Đồng Nai và một số địa phương;

(5) Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; nhận hối lộ” xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ đội biên phòng;

(6) Vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op);

(7) Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực núi Chín Khúc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa;

(8) Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ quan, đơn vị;

(9) Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị có liên quan;

(10) Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công” xảy ra tại Công ty Việt Á và một số cơ quan, địa phương.

Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm các sai phạm, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đột phá hơn nữa trong công tác giám định, định giá và thu hồi tài sản tham nhũng.

Chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu.

Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chỉ đạo khẩn trương hoàn thành tổng kết Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC); đề án thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh và các đề án, chuyên đề khác theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, thống nhất Kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống tiêu cực theo Quy định số 32, ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 03, ngày 1/12/2021 của Bộ Chính trị thực hiện Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, với 19 nhóm nhiệm vụ; phân công cụ thể cho các cấp ủy, tổ chức đảng và các thành viên Ban Chỉ đạo; xác định rõ lộ trình, thời gian thực hiện, trong đó nhấn mạnh công tác hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cũng tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện dự thảo Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo; Kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 9 vụ án, 4 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật.

Chiều cùng ngày, Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp báo, thông báo kết quả, nội dung phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo.

Theo Nhandan.vn
TỔNG BÍ THƯ LÀ LINH HỒN, CHỖ DỰA VỮNG CHẮC CHO ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG 
THAM NHŨNG
ĐOÀN BỔNG/VNN 20-1-2022

Phó Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh: Tổng Bí thư là linh hồn, là chỗ dựa vững chắc cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Tại họp báo công bố kết quả phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, lần đầu tiên hội nghị toàn quốc của 9 cơ quan Nội chính được tổ chức và đi đến thống nhất cao.

Xử lý Thứ trưởng Bộ Y tế không đơn giản

Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao nhiều nhiệm vụ cho 9 cơ quan. "Việc tổ chức hội nghị tác động lớn đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, cho thấy trách nhiệm của các cơ quan nội chính", ông Nguyễn Thái Học nói.

Theo ông Học, dịch Covid-19 kéo dài tác động lớn đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Trong bối cảnh đó, kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện với một số vấn đề nổi bật.

Tổng Bí thư là linh hồn, chỗ dựa vững chắc cho đấu tranh phòng chống tham nhũng
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học

Đầu tiên, công tác trên được thực hiện theo yêu cầu mang tính nguyên tắc, nhiệm vụ cốt lõi khi xác định phòng là cơ bản, lâu dài. Bên cạnh đó, việc chống tham nhũng được xác định phải tập trung và cấp bách.

Phó Ban Nội chính Trung ương cho rằng, thực tế cho thấy, quá trình chống tham nhũng có sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nếu phát hiện sai phạm sẽ chuyển ngay cho cơ quan điều tra.

Tại phiên họp thứ 21 của Ban chỉ đạo diễn ra sáng nay đã có nhiều thành viên đồng tình với quan điểm việc chống tham nhũng có bước phát triển cả về lý luận và tổ chức thực hiện.

"Về mặt lý luận, chúng ta có tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư là "nhốt" quyền lực trong lồng thể chế. Điều này đã được cụ thể hóa bằng các quy định (bổ sung những điều đảng viên không được làm; khi đảng viên vi phạm mức xử lý cụ thể sẽ như thế nào) được thể chế hóa rất rõ. Ngoài ra, với những đảng viên sáng tạo, vì lợi ích chung sẽ được bảo vệ như thế nào cũng được quy định", ông Học viện dẫn.

Đặc biệt, theo ông Học, có những quy định mới khi ban hành đã được áp dụng ngay từ Trung ương đến địa phương như quy định miễn nhiệm, từ chức. Ngoài ra, việc bổ sung chức năng chống tiêu cực là điểm mới trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thái Học cho biết, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng được thực hiện kiên trì, liên tục không dừng lại trong bất kì hoàn cảnh nào. Càng dịch Covid-19, càng chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt hơn.

"Ban đầu, có ý kiến cho rằng, đất nước đang dịch bệnh diễn biến phức tạp như thế có chống tham nhũng không? Đặc biệt liên quan đến các sai phạm trong y tế, lực lượng này đang chống dịch, có thực hiện chống tham nhũng trong y tế không. Trả lời cho câu hỏi trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định mọi thứ phải rạch ròi - chống dịch và chống tham nhũng tiêu cực là hai việc hoàn toàn khác nhau", lời ông Học.

Trong năm 2021, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi. Có những vụ án tưởng chừng như phải dừng lại, không thể đi đến tận cùng, tuy nhiên nhờ sự kiên trì, bền bỉ đã đi được đến tận cùng.

Điển hình là vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ đưa và nhận hối lộ. Đây là việc đấu tranh kiên trì, bền bỉ và có sự chỉ đạo của Tổng Bí thư. Công tác đấu tranh rất khó vì ban đầu các đối tượng không nhận. Nhưng khi ra tòa, các trường hợp đó đã thừa nhận việc nhận tiền một cách tâm phục, khẩu phục.

"Hoặc vụ án mua bán thuốc giả liên quan đến VN Pharma, việc xử lý Thứ trưởng Bộ Y tế không đơn giản. Nhưng Ban chỉ đạo thống nhất việc khởi tố và bắt tạm giam bị can. Những vụ việc trên cho thấy sự kiên trì, kiên quyết của Ban chỉ đạo đã giúp đi đến tận cùng của sự việc", ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.

Nhìn vào Tổng Bí thư để quyết tâm làm

Để đạt được những kết quả trên, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, công tác lãnh đạo chỉ đạo thường xuyên, liên tục, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn sâu sát, quyết liệt.

Trong đó, Tổng Bí thư luôn lo lắng, trăn trở và dành nhiều quan tâm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

"Nhiều thành viên trong Ban chỉ đạo khẳng định, công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực đạt được nhiều kết quả quan trọng là nhờ vai trò chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư là linh hồn, là chỗ dựa vững chắc cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp nhiều áp lực, khó khăn, mọi người nhìn vào Tổng Bí thư để quyết tâm thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ", ông Nguyễn Thái Học chia sẻ.

Ngoài ra, việc phối kết hợp đồng bộ chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng chống tham nhũng thực hiện hiệu quả. Trong điều kiện dịch bệnh cản trở nhiều thứ, có những cán bộ phải nằm trong vùng dịch cả năm trời để nắm thông tin, thực hiện phá án.

Đặc biệt, việc phòng chống tham nhũng nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Trước các vụ tham nhũng tiêu cực, người dân thể hiện bất bình, phẫn nộ với hành vi tham nhũng, tiêu cực và lên án. Tuy nhiên, người dân cũng đồng tình ủng hộ việc xử lý các sai phạm.

Theo ông Học, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn hạn chế, tồn tại.

"Tổng Bí thư đặt câu hỏi, vì sao chống tham nhũng mạnh mẽ như thế, xử lý nghiêm nhiều hành vi vi phạm như thế, nhưng tham nhũng tiêu cực vẫn cứ trơ. Sai phạm xảy ra ngay trong quá trình kiểm tra. Liệu có ai là chỗ dựa, có ai chống lưng cho hành vi tham nhũng tiêu cực hay không?", ông Học nói.

Ngoài ra, Phó Ban Nội chính Trung ương lưu ý, thông qua các vụ án, vụ việc cho thấy thất thoát lượng lớn tài sản. Quá trình điều tra, xác minh cho thấy một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên còn giữ vai trò bảo kê, tiếp tay, giúp sức, thậm chí là đồng phạm. Thậm chí, nhiều cán bộ giữ cương vị quản lý.

Đặc biệt, hành vi tham nhũng ngày một tinh vi hơn có sự cấu kết chặt chẽ giữa các nhóm lợi ích, giữa các lực lượng (doanh nghiệp, người làm khoa học, người quản lý) để trục lợi.

"Điều đó thể hiện sự tinh vi, thủ đoạn che đậy, tạo vỏ bọc để ngụy trang đối phó với cơ quan chức năng ngày càng tinh vi hơn. Nhiều nhóm lợi ích cùng bắt tay thì vỏ bọc tinh vi hơn, ngụy trang phức tạp hơn. Do đó, Tổng Bí thư yêu cầu, không say sưa với chiến thắng, không chủ quan thỏa mãn với kết quả đạt được mà phải xác định, công tác phòng chống tham nhũng phải lâu dài, bền bỉ, quyết tâm cao hơn, bài bản hơn", ông Học nhấn mạnh.

Liên quan đến việc sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, một số cán bộ, đảng viên vẫn bị kỉ luật, ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh: "Một trong những chỉ đạo của BCH Trung ương yêu cầu các cấp ủy phải rà soát, đánh giá cán bộ, không để lọt các cán bộ vi phạm đạo đức lối sống lọt vào các cấp. Quy trình nhân sự làm rất chặt chẽ và nghiêm".
Việc xử lý thời gian qua cho thấy có cán bộ vi phạm lọt vào bộ máy của Đảng. Về việc này, tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư rất cụ thể: "Rõ đến đâu xử lý đến đó, nếu trước Đại hội Đảng chưa rõ, chưa phát hiện thì sau Đại hội phát hiện sẽ xử lý nghiêm".

Đoàn Bổng


SAO THAM NHŨNG VẪN CỨ TRƠ TRƠ !


TRẦN VĂN CHÁNH/ viet-studies/ BVN 25-1-2022



Hôm 20.1.1922 tại phiên họp thứ 21 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tiêu cực, người chủ trì phiên họp đặt câu hỏi: “Vì sao chống tham nhũng mạnh mẽ như thế, xử lý nghiêm nhiều hành vi vi phạm như thế, nhưng tham nhũng tiêu cực vẫn cứ trơ. Sai phạm xảy ra ngay trong quá trình kiểm tra. Liệu có ai là chỗ dựa, có ai chống lưng cho hành vi tham nhũng tiêu cực hay không?”.

Thừa nhận thất bại mà từ lâu ai cũng trông thấy rõ, chỉ có một mình ông có vẻ chưa rõ, lời phát biểu chân thành nêu trên vừa như tỏ vẻ kinh ngạc vừa như có khẩu khí trách oán thở than, nghe sao mà đứt ruột não lòng! Cho thấy người thốt ra có thể rất tận tâm thiện chí với việc “đốt lò” mà ông đã dành rất nhiều thời gian và nỗ lực chỉ đạo liên tục trong nhiều năm, từ lúc còn khỏe cho đến lúc tuổi già sức yếu, như thể muốn hạ nhiều quyết tâm thêm nữa để đạt được mục tiêu cao cả diệt trừ quốc nạn.

Không ít dân chúng bên ngoài mong ông già càng thêm mạnh (lão đương ích tráng) để chăm lo việc nước tới hơi thở cuối cùng.

Ông cũng nói: “Luật [phòng chống tham nhũng tiêu cực] không có chúng ta làm luật, luật là do chúng ta làm chứ!”.

Rồi yêu cầu cần phải có quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, bài bản hơn, hiệu quả hơn, năm mới phải quyết tâm mới, khí thế mới trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực…

Tuy nhiên, những câu phát biểu rất đáng được cảm thông chia sẻ như trên càng cho thấy người phát biểu tuy có thể có nhiệt tâm nhưng lại hiểu biết rất yếu kém về chính trị và bất cận nhân tình về về mặt thực tế đời sống. Chính trị nói ở đây hiểu theo nghĩa một hệ thống tư duy-kiến thức dùng điều khiển quốc gia chứ không phải những thủ thuật/biện pháp cụ thể chỉ nhằm giải quyết cho những vụ việc cụ thể từng ngày liên tục phát sinh. Nói cách khác, người đứng đầu đất nước ngoài cái tâm còn phải có tầm nhìn sâu rộng, quán xuyến trong mọi vấn đề trị nước, làm cho lòng người tất cả đều quy hướng về mình.

Bất cận nhân tình vì không đi sát với dân, mỗi năm ông chỉ xuất hiện một hai lần trong vài giờ gọi là tiếp xúc cử tri để chủ yếu nghe những lời ca tụng. Lại càng không hiểu tâm lý, âm mưu quỷ kế của các thuộc hạ cận thần đã trở thành lũ âm binh bất trị mà người ta thường mô tả là “đông như một bầy sâu”.  

Cũng cho thấy nhân vật quan trọng này có lẽ không hề trang bị cho mình điều kiện đầy đủ để trở thành lãnh tụ chính trị, như đọc thật nhiều sách để am hiểu các vấn đề chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội, vì bận suốt ngày này qua ngày khác chỉ lo hội họp, báo cáo và nghe báo cáo, sửa đổi câu chữ nghị quyết, đưa ra những văn bản quyết định mới, xử lý những vụ việc rắc rối trong tranh chấp nội bộ này khác... Vì thế lời phát biểu hay bài viết đăng báo chỉ đạo của ông thường rất công thức, giáo điều nghe đến buồn cười mà tội nghiệp, quanh đi quẩn lại chỉ vài câu truyện Kiều, lời dạy Hồ Chủ tịch, và nhất là chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị giáo điều hóa theo hướng nặng về đấu tranh giai cấp qua các bậc tiền bối ngoại lai như Stalin, Mao Trạch Đông được Viện Triết học Việt Nam và một số tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương hoặc của Hội đồng Lý luận Trung ương diễn giải.

Muốn chống tham nhũng, ngoài đức khiêm khiết ra, cần phải đọc nhiều, học nhiều, cả đông tây kim cổ, tham khảo cách làm của nhiều nước khác trên thế giới, chứ không thể chỉ bắt chước kiểu “đả hổ diệt ruồi”, hoặc chăm bẵm vào chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vốn phần nhiều đã lạc hậu lắm rồi.

Tôi có dịp đọc qua một luận văn của sinh viên cao học thời trước năm 1975 về đề tài tham nhũng, thấy trích dẫn thư tịch thế giới rất phong phú, nhiều kinh nghiệm và vấn nạn được nêu ra để làm sáng tỏ, nhưng theo chỗ tôi được biết, các nhà chính trị CS của Việt Nam chúng ta ít ai chịu nghiên cứu sâu vấn đề tham nhũng, mà họ chỉ biết sơ sơ năm điều ba chuyện không vượt ra ngoài việc triển khai học tập các bản nghị quyết được xây dựng bởi những kẻ giáo điều thành tật.  

Đây là tình trạng yếu kém chung của hầu hết nếu không muốn nói tất cả của các nhà lãnh đạo cao cấp nhất nước. Tuy họ cũng có lập ra những phòng ban chuyên tập hợp sách báo của muôn phương về dịch ra tiếng Việt để nghiên cứu nhưng nghiên cứu không phải để học hỏi cầu tiến bộ mà chỉ để đối phó với những thứ họ cho là luận điệu xuyên tạc của các thế lực tư sản thù địch!

Bi kịch của dân tộc Việt Nam là đang được dẫn dắt bởi một đám mù tịt những kiến thức căn bản về triết học, văn hóa, lịch sử, tâm lý xã hội…, hoặc cũng là những kiến thức cần thiết loại này nhưng đã bị các trường, viện viết ra cho học trong suốt thời kỳ dài tăm tối của chủ nghĩa giáo điều kiểu Mao Chủ tịch.

Điều quan trọng hơn nữa là không ai dám tự do suy nghĩ phát biểu chính kiến trung thực, vì sợ bị đồng chí mình rình rập bắt bẻ về quan điểm lập trường tư tưởng, kể cả đối với những cán bộ lãnh đạo cấp rất cao. Đây là một đại bi kịch của mọi thể chế chính trị CS.

Trong một bài viết hồi hai năm trước, tôi có kể câu chuyện thật về một ông nguyên là Thường trực Ban Bí thư trung ương. Đại khái ông này không hề đọc theo dõi thông tin trên các trang mạng xã hội, mà hằng ngày chỉ đọc báo Nhân Dân và xem chương trình VTV trên tivi thôi. Nghe nói ông cũng có đọc một hai cuốn sách do “bọn tư sản” viết dự báo về tương lai không mấy sáng sủa của thế giới CS, chủ yếu để tìm cách ngăn ngừa không để cho chế độ bị sụp đổ như ở Liên Xô, Đông Âu.  Thật là quá kém cỏi, trong thời đại bùng nổ thông tin mà ông kém năng động như vậy thì làm sao đủ kiến thức để điều khiển các cấp dưới và quản lý điều hành xã hội (vốn từng bước thay đổi, diễn biến rất nhanh). Ông là đại thần trong triều, mà quan trí của ông tệ hại như vậy, thử hỏi những kẻ cấp dưới làm việc xung quanh ông lúc ông còn đang cầm quyền thì thế nào? (xem “Hiện trạng dân trí, quan trí và dân khí của người Việt”, Viet-studies, 27.12.2020).

Thật là rầu! Ông lãnh đạo cấp cao này không có tinh thần học hỏi cầu tiến, chỉ ham thích chức quyền một cách thiếu chính danh, thua rất xa các vua quan thời phong kiến! Chỉ thông cảm tí xíu được với ông ở chỗ ông cũng như các vị đồng liêu khác, trong hệ thống chính trị độc tài toàn trị hiện hữu, tối ngày bắt buộc phải lo hội họp, đọc, viết, nghe báo cáo, xử lý thường vụ… đến tối mắt tối mũi, không còn biết trên trời dưới đất còn có ai, có học thuyết mới nào xuất hiện trên trái đất hay không, dân tình hiện đang sống ra sao, bọn quan tham cấp dưới quậy đến cỡ nào… Có nghĩa chắc cú trăm phần trăm các ông không thể có khả năng đưa ra quyết sách điều hành xã hội hữu hiệu và chống được quốc nạn tham nhũng.

Các ông cứ khoe thành tích: Trong năm 2021, đã khởi tố, điều tra 3.725 vụ/ 7.066 bị can (tăng 1.186 vụ/ 2.652 bị can so với năm 2020) về tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó, án tham nhũng, chức vụ đã khởi tố là 390 vụ/ 1.011 bị can. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ sau Phiên họp thứ 19 đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 21 vụ án/ 179 bị cáo, xét xử phúc thẩm 13 vụ án/ 74 bị cáo; khởi tố mới 10 vụ án/ 40 bị can, khởi tố thêm 103 bị can trong 20 vụ án. Điểm nổi bật là, đã khởi tố mới nhiều vụ án lớn, mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (có 10 cán bộ diện Trung ương quản lý - Trong nhiệm kỳ XII, có 19 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự).

Nhưng còn rất nhiều vụ khác chưa bị lộ thì sao? Hơn thế nữa, lộ hay không lộ trong lúc này cũng còn tùy thuộc phần lớn vào tình trạng đấu đá tranh giành chức quyền vạch mặt nhau giữa các phe nhóm chính trị hay nhóm lợi ích đã chia quyền tham nhũng, bởi nếu không có sự tranh chấp này thì người dân bên ngoài khó biết được những vụ tham nhũng lớn, trong khi hệ thống báo chí công khai thì gặp phải rất nhiều sự cấm đoán từ cơ quan điều khiển chung là Ban Tuyên giáo Trung ương, ai mở miệng “nói bậy” rất dễ bị rút phép thông công, thậm chí ngồi tù vì cho là bị “các thế lực thù địch” chủ mưu xúi giục. Còn dạng tham nhũng cò con phổ biến dưới dạng lót tay, phong bì, bồi dưỡng, quà cáp đã trở thành một dạng văn hóa mới của người Việt, làm cho dân khí hèn đi, thì phải đợi thông qua một công cuộc cải tạo văn hóa giáo dục lâu dài trên cái nền dân chủ hóa toàn diện đời sống xã hội mới hi vọng khắc phục được dần dần.

Vì thế chống tham nhũng là rất khó và rất dễ bị lạm dụng để biến thành những cuộc thanh trừng phe phái mạnh được yếu thua gây mất đoàn kết làm cho bộ máy cầm quyền càng trở nên suy yếu đi đến bất lực.  

Những điều nói trên cho thấy, như trong thực tế chứng tỏ, nạn tham nhũng càng chống càng tăng về quy mô, tính chất, và biểu hiện dưới những hình thái ngày càng hung hãn, kịch liệt, tinh vi làm cho mọi người chưng hửng nhiều hơn, như chính ông trùm đảng mới đây đã thừa nhận và thở than. Những thứ các ông gọi “nghị quyết đại hội” chẳng qua chỉ là mớ giấy lộn được sửa đi sửa lại chứa đầy những luận điệu cũ rích vô bổ, mà như bậc thầy CS Lênin của các ông đã nói rồi, từ một thế kỷ trước, rằng nếu người ta còn có thể hối lộ được thì người ta cũng không có cái điều kiện tối thiểu để làm chính trị, vì khi đó mọi biện pháp, pháp lệnh, nghị quyết đều sẽ trở thành những tấm giấy lộn và chỉ lơ lửng trên không trung mà  thôi (xem Về chủ nghĩa quan liêu, NXB. Sự Thật, Hà Nội).

Dùng một bộ máy mục nát thối ruỗng đến cùng cực để xử lý tình trạng mục nát tức quốc nạn tham nhũng thì về mặt logic là điều không thể, giống như người ta không thể tự nắm tóc để nhấc mình lên khỏi mặt đất, hay như một con bệnh yếu nhớt sắp chết không thể tự mình đứng dậy được, mà phải cần đến một ngoại lực: ngoại lực ở đây là phương hướng chữa trị mới, với liều thuốc mới đủ mạnh để vực dậy con bệnh trong cơn hấp hối.

Điều này cũng có nghĩa, tất cả những giải pháp nửa vời có tính vá víu do nhà cầm quyền đưa ra gần đây, như đã thấy, và như mới  bổ sung tại phiên họp thứ 21 nói trên của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tiêu cực,  dù có xuất phát từ thiện chí, nhưng bản chất không có gì mới mẻ, và đều chắc chắn không thể đạt được hiệu quả tích cực hay mang lại một niềm hi vọng nào cả vì cơ bản vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn.

Bản thân hệ thống đã thối nát đến cùng cực thì tự nó không thể cải thiện được, chống tham nhũng vì vậy thực chất đã bị lạm dụng và chỉ thành công trong việc thanh trừng phe phái, cho dù người “đốt lò” có thật sự có ý xấu này hay không. Bởi dưới trướng ông còn có cả một lũ gian thần hủ nát câu kết liên thông với nhau mà vụ đại án đại ác Việt Á xảy ra trong những ngày gần đây gây bức xúc dư luận toàn quốc là thêm một thí dụ vô cùng sinh động cụ thể khiến ông phải bùi ngùi xót xa thốt ra câu: sao chống mạnh thế mà chúng vẫn cứ trơ ra không biết hổ thẹn là gì!

Ở một mặt khác cũng cần xét: chống tham nhũng mà vẫn không thu hồi được tài sản tham nhũng, tiền bạc bí mật chẳng biết lọt vào tay ai. Khi được hỏi ý kiến, có đến  ¾ đại biểu Quốc hội không đồng ý với phương án thu hồi tài sản tham nhũng, điều này dễ hiểu, vì Quốc hội với chính quyền tham nhũng là cũng một nguồn gốc và bản chất hủ nát như nhau…

Một số công dân tích cực có hiểu biết dám mạnh dạn phê phán chế độ để chống tham nhũng thì rất dễ bị xử “bỏ túi” vào tù, như nhà báo Phạm Đoan Trang, gia đình bà Cấn Thị Thêu...

Suốt năm bàn chuyện chống tham nhũng, chống hoài chống mãi, không có hồi kết, như một bộ phim truyện dài nhiều tập mà người làm phim không cho khán giả biết trước có hết thảy bao nhiêu tập, biến kế hoạch quốc gia tốt đẹp chống tham nhũng to lớn thành một trò hề chính trị với diễn viên là những cán bộ chức quyền trong khi thường dân chỉ được đứng ngoài xem với những cái lắc đầu vô vọng, chán nản!

Khó quá, nhiều người liền nghĩ đến chuyện phải kiểm kê tài sản cán bộ, nhưng việc này cũng lại không khả thi trong hiện thực Việt Nam. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từng phát biểu trước diễn đàn Quốc hội hồi tháng 12.2004: “Khi đề bạt cán bộ thì bắt khai tài sản, nhưng họ rất khôn khi để cho con đứng tên, vợ đứng tên... Thành ra đặt vấn đề thu hồi tài sản bất chính là rất khó”. Phó thanh tra Chính phủ Vũ Phạm Quyết Thắng chắc cũng có kinh nghiệm nhiều về việc này nên mới nói: “Nếu bây giờ kê khai, nhiều công chức đang có sẽ hóa ra không có tài sản, vì họ đã ‘gửi’ cho cháu chắt hết rồi” (dẫn lại của Tạp chí Phát Triển Kinh Tế, số 191, tháng 9.2006). 

Thực tế cho thấy cách kê khai tài sản qua nhiều chỉ thị, nghị định  đã ban hành không phải là biện pháp cơ bản khả thi trong điều kiện nạn tham nhũng đặc biệt ở Việt Nam như hiện nay, mà sự vô hiệu trên thực tế của Nghị 

định 130/2020/NĐ-CP kiểm soát tài sản thu nhập của 

người có chức vụ, quyền hạn, đọc nghe rất mê làm 

ai cũng tin thật, là một thí dụ rất hùng hồn sinh động.

Với những tình trạng được miêu tả như trên, phải thẳng thắn nhận định rằng, nếu vẫn cứ tiếp tục bằng những biện pháp cũ thông thường như học tập nghị quyết, học tập lời dạy của lãnh tụ, phê bình kiểm điểm, thanh tra kiểm tra, cảnh cáo kỷ luật, đình chỉ công tác, thậm chí bắt bớ bỏ tù..., nạn tham nhũng vẫn khó bị đẩy lùi, nếu như cái điều căn bản là toàn bộ hệ thống chính trị-kinh tế do đặc điểm và những khuyết tật bên trong của nó mà tệ nạn tham nhũng phát sinh, không được điều chỉnh một cách đúng mức cần thiết.

Chống tham nhũng cũng khó khăn như chống lại bệnh nghèo khó, nó luôn vướng phải cái vòng luẩn quẩn: muốn làm được việc gì cũng cần phải có một chính phủ lành mạnh, trong khi chính phủ đó đang bị nghiền nát do chính bệnh tham nhũng, và trong số cán bộ lãnh đạo cấp cao ngoài người tốt còn rất ít vẫn có một thành phần khá đông thật ra chẳng muốn cho tình trạng hỗn loạn về các phương diện luật pháp, hành chính sớm được chấm dứt trong chừng mực cho phép là hệ thống chính trị lạc hậu của họ vẫn chưa bị sụp đổ trước khi họ còn có thể lợi dụng kiếm chác được. Một thí dụ cho thấy rất rõ điều này là tình trạng tham nhũng liên quan đất đai xảy ra nặng nhất tại nước ta nhưng luật đất đai sửa đổi lại cứ lần lữa mãi không chịu cho thông qua. Một thí dụ khác nữa đó là luật biểu tình. Số còn lại thì như một bà luật sư nổi tiếng nọ đã từng nói: Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử thì dùng toàn luật rừng!

Muốn chống tham nhũng vì thế phải quyết tâm xoay theo một chiều khác hẳn bằng con đường cải cách hệ thống chính trị theo hướng dân chủ hóa toàn diện đời sống xã hội. Còn cải cách cụ thể như thế nào thì đã có hàng trăm hàng ngàn bậc thức giả trong ngoài nước góp ý rất hay rất đúng rất nhiệt tình rồi, ở đây không cần lặp lại, nhưng đại khái cũng không ra ngoài một số điều cốt lõi như thực hiện quyền ứng cử bầu cử thật sự tự do dân chủ, thể hiện một cách thực chất các quyền về tự do ngôn luận, tự do báo chí, lập hội, biểu tình… như Hiến pháp 2013 đã thừa nhận; sửa đổi một vài điều khoản quan trọng trong hiến pháp liên quan nền tảng tư tưởng chính trị (không coi chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng nữa), về quyền sở hữu đất đai, về kinh tế quốc doanh. Đặc biệt cải cách tư pháp, tôn trọng tính độc lập của tòa án, nâng cao vai trò của luật sư…, để không còn những vụ án xét xử thiếu công bằng, những vụ án oan sai, án “bỏ túi”; tuyệt đối cấm tra tấn, ép cung, mớm cung, như luật pháp đã quy định…

Trước mắt, như tôi đã nhiều lần đề nghị trong một số bài viết gần đây, nên tái thẩm để phóng thích hầu hết các nhà bất đồng chính kiến, vì tiếng nói phê phán của họ nếu gạn đục khơi trong đều thẳng thắn khách quan, có tác dụng đóng góp, đáng được tham khảo trong quá trình thực hiện cải cách chính trị, trên tinh thần coi “kẻ chê ta mà chê đúng là thầy ta; kẻ nịnh ta là thù địch ta”; ở đây kẻ thù địch nội bộ thật sự chính là đám quan tham lại nhũng hủ nát đông như bầy sâu, bọn họ chỉ khéo biết chiều lòng cấp trên và không bao giờ dám nói lên sự thật.

Trước đây có một số ông lớn coi vậy mà thành thật hơn. Như cố Tổng bí thư Đỗ Mười từng nói: “Như hiện nay, xin đi học, hay vào bệnh viện đều phải có... tí phong bì”. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói về hiện tượng thoái hóa của cán bộ nhà nước: “Nếu có phát hiện thì... hy sinh đời bố, củng cố đời con!” (dẫn lại của Tạp chí Phát Triển Kinh Tế, số 191, tháng 9.2006).

Nhưng có lẽ chính cố Thủ tướng Phan Văn Khải mới nói trúng vào trung tâm của vấn đề đang xét: “Rất nhiều lần tôi nói cả hệ thống chính trị chứ không chỉ hệ thống hành chính của chúng ta có vấn đề, cần phải cải cách, chấn chỉnh, nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực, chống cho được tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu...” (Nt).

Ông Đào Đình Bình trước khi rút lui khỏi chức vụ bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thành thật nói lớn lên chân lý này ở trước mặt mọi người tại kỳ họp Quốc hội ngày 15 tháng 6.2006: “Cơ chế hiện nay phải thay đổi. Nếu không thay đổi thì bộ trưởng nào ngồi vào đây cũng sẽ mắc khuyết điểm. Tôi từ chức rồi, nhưng các đồng chí sau tôi chắc chắn cũng khó vượt qua” (Nt).

Ông TS Lê Đăng Doanh thì lại có lối nói thực tế và bình dân dễ hiểu hơn: “Chỉ trừng phạt thôi thì người này đổ, người khác sẽ lên. Cơ chế nếu không thay đổi thì người mới lên sẽ... tệ không kém, thậm chí còn ‘cáo’ hơn anh trước” (Nt).           

Một số nhà lãnh đạo tiền bối không lâu trước đây đều đã nhận ra vấn đề. Các giới hữu trách từ bấy đến nay cũng đã bàn nát nước mà lối ra dường như vẫn còn thấp thoáng nằm xa xăm mờ mịt ở tận đâu đâu. Ngặt nỗi, dường như chỉ có nhà lãnh đạo cao nhất nước hiện nay là chưa có tầm nhận thức ngang bằng với cố Thủ tướng Phan Văn Khải gần 20 năm trước về nhu cầu cải cách chính trị, nên ông cứ cố bám lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm ngọn đuốc soi đường cho mọi hành động chính trị, nhưng rất tiếc, cả Mác cả Lênin lẫn cụ Hồ trong bối cảnh lịch sử đương thời cũng chưa có kinh nghiệm gì cụ thể để truyền dạy cho ông bài học, đơn giản chỉ vì thời các cụ đó còn sống và hoạt động chưa có một tình trạng tham nhũng tiêu cực nào quá quắt giống như đất nước Việt Nam của chúng ta hiện nay.

Thiết tưởng, sắp tới đây các tổ chức trong hệ thống chính trị hiện hữu (như Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hội nghề nghiệp…) nên định ra một vài kỳ họp bất thường nào đó để thảo luận chuyên về con đường cải cách chính trị, cho phép mọi người được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, lấy khẩu hiệu “Sống và hành động theo hiến pháp và pháp luật” làm chủ đề cho những cuộc hội thảo như vậy, nhằm tìm hướng ra thích hợp và thúc đẩy cải cách, thực hiện cuộc cách mạng lần thứ hai trong hòa bình và ổn định.

Ở đoạn đầu bài tôi có chê ông lãnh đạo cao nhất nước hiện nay là chẳng có thì giờ đọc sách nên cũng chẳng có kiến thức gì sâu rộng để điều hành đất nước và chống tham nhũng hiệu quả. Khi thẳng thắn đưa ra nhận xét như vậy, trong thâm tâm tôi chẳng có ý gì chê bai theo kiểu  “nói xấu lãnh đạo” để hạ uy tín cá nhân, trái lại tôi còn rất thông cảm và coi ông là trường hợp bi kịch chung của tất cả những cán bộ làm việc trong chế độ CS độc tài toàn trị. Giả định được ở vào địa vị lãnh đạo của ông, nhiều khả năng tôi sẽ còn tệ hơn ông rất nhiều.

Tôi chỉ muốn chứng minh và thưa rằng đường lối chống tham nhũng như ông đang làm chắc chắn sẽ không bao giờ đạt hiệu quả như lòng ông mong muốn, và càng chống ông sẽ càng cảm thấy ê chề đau khổ, như ông đã than trong cuộc họp ngày 20.1 vừa qua, “chống mạnh mẽ như thế, nhưng sao tham nhũng tiêu cực vẫn cứ trơ”, là điều rất cần tránh, đặc biệt trong lúc tuổi già, để còn được hưởng chút an nhàn trước khi từ giã cái cõi đất Việt rất đáng mến yêu nhưng cũng đầy chuyện phức tạp lộn xộn này.

Trong một bài viết gần đây tôi có nói,  «Nếu ông vẫn chưa chịu rút lui thì nên tìm cách ở lại chức vụ để chuyển hướng chính trị bằng cách thực thi rộng rãi nền dân chủ trong nước, thả hết những người có chính kiến khác đang bị cầm tù, mở ra một bầu không khí tươi mới tích cực, đẩy lùi đám nịnh thần thối nát đang bu xung quanh, hầu có thể gây lại mối đoàn kết nhất trí cao để vừa xây dựng đất nước, vừa đủ sức đối phó với một thế lực thù địch rất nguy hiểm đã và đang lăm le gây hại cho đất nước chúng ta. Nếu làm được như vậy, nhân dân Việt Nam sẽ muôn đời nhớ ơn ông, coi ông là một vị thánh sống cứu tinh cho toàn thể dân tộc đang lao đao lận đận vì đám đông quan lại gian tà» (xem «Tản mạn chuyện đông tây kim cổ: do một  người hay do cả hệ thống chính trị», Viet-studies, 28.12.2021).

Đang có lời đồn đại rằng ông sắp phải rời khỏi chính trường, như vậy rất tốt cho tuổi già và sức khỏe của ông, vợ con và các cháu ông sẽ rất vui mừng. Nếu tin đồn này không xác thực thì cũng không sao, trong trường hợp sự ở lại chức vụ thêm một thời gian ngắn nào đó của ông là nhằm để góp phần cải cách căn bản thể chế chính trị chứ không phải chỉ để «đốt lò» hoặc thanh trừng phe phái vì những lý do vị kỷ.

24.1.2022

T.V.C.

Nguồn: http://vietstudies.net/kinhte/TranVanChanh_ThamNhungTroTRo.html

VÀI LỜI VỚI ÔNG TRẦN VĂN CHÁNH

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 26-1/2022

Ngày 26 tháng 1 các trang Bôxit và Tiếng Dân đăng bài “Sao tham nhũng vẫn cứ trơ trơ”. Tác giả là ông Trần Văn Chánh. Phần lớn bài viết gồm những nội dung đúng và có một vài chi tiết hay hay, tôi đọc mà như càm thấy được ăn một bữa với các món ngon, nhưng bỗng nhai phải một hạt sạn, suýt mẻ răng và toát ra một vị chát khó chịu. Đó là câu ông Chánh viết như sau :”Giả định được ở vào địa vị lãnh đạo của ông, nhiều khả năng tôi sẽ còn tệ hơn ông rất nhiều”. Câu này nếu được viết ra thật rõ là : Tôi là Trần Văn Chánh, giả định tôi được ở vào địa vị Tổng bí thư ĐCSVN, nhiều khả năng tôi sẽ tệ hơn ông Nguyễn Phú Trọng rất nhiều.

Nội dung bài cơ bản đúng vì tác giả đã vạch ra được nguyên nhân gốc của tham nhũng là thể chế độc quyền toàn trị, là Mác Lênin đã lỗi thời, là trình độ của người lãnh đạo tối cao quá non kém, không theo kịp thời đại, không hiểu biết thực tế, quá bảo thủ và giáo điều. Tuy cơ bản đúng, nhưng không có gì mới và còn có vài chi tiết tôi cũng chưa nhất trí. Những điều như vậy đã được nhiều người viết ra và viết còn sâu sắc hơn khi chỉ ra sự tham nhũng về thể chế, về chính sách. Viết được một bài như bài ‘Sao tham những vẫn cứ trơ trơ’ chứng tỏ ông Chánh là người không những có hiểu biết sâu sắc về chính trị, về đạo lý mà còn có dũng cảm, tuy sự dũng cảm có mức độ. Viết rằng, giả định có quyền, có khả năng ông Chánh sẽ tệ hơn ông Trọng rất nhiều. Phải chăng đây là sự khiêm tốn. Khiêm tốn là cần, là thể hiện sự có văn hóa, nhưng khiêm tốn như lời của ông Chánh là quá nặng nề. Có thể có vài năng lực ông Chánh không bằng ông Trọng, nhưng nhận thức về tham nhũng và chống tham nhũng thì ông Chánh hơn ông Trọng. Ông Chánh tưởng viết như thế là khiêm tốn và đề cao ông Trọng, nhưng có khả năng làm hại ông ấy và tự hạ mình quá đáng.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

VẠCH 'ÁO THAM NHŨNG' CHO DÂN XEM QUYẾT TÂM

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 23-1-2022

GDVN- Rõ ràng là văn bản, nghị quyết, điều luật chống tham nhũng không thiếu, cái thiếu là một chế tài đủ mạnh có thể tạo được chứng “sợ tham nhũng” cho bất kỳ kẻ nào.

Quan sát thực trạng đất nước qua một cặp kính, không gì bằng chọn chiếc kính số không với hai mắt kính Y tế và Giáo dục.

Đây là hai ngành luôn nhận được sự “chăm chút” của dân chúng thông qua người đại diện quyền lực của mình là các Đại biểu Quốc hội.

Năm 2013, lần đầu tiên Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các thành viên do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (209 phiếu), người thứ hai là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận (177 phiếu). Năm 2014, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai, người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (192 phiếu - chiếm 38,63%). Lần lấy phiếu tín nhiệm thứ ba diễn ra vào năm 2018, vị trí này thuộc về ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong một số bài đã đăng, người viết cho rằng bất kỳ ai được cử làm tư lệnh hai ngành Y tế hoặc Giáo dục cũng sẽ có kết quả tương tự bởi năng lực lãnh đạo của Bộ trưởng không thể vượt quá những rào cản của cơ chế, chủ trương, chính sách.

Đặc biệt là chất lượng nhân sự quản lý giáo dục từ trung ương xuống địa phương không phải do ngành Giáo dục xây dựng mà là bên Nội vụ.

Đối với ngành Y tế, những vụ việc mua bán giấy chứng nhận tâm thần, lãnh đạo cơ quan bộ tiếp tay để doanh nghiệp buôn bán thuốc chống ung thư giả, lùm xùm tại các Bệnh viện TimBệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Mắt,… mới tạm lắng thì dư luận lại bị choáng bởi vụ cấu kết nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 giữa Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương. Vụ việc vẫn trong quá trình điều tra và càng ngày số lượng nghi phạm bị tạm giam càng nhiều.

Những vụ việc liên quan đến thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế,… chỉ liên quan đến các đơn vị trung ương hoặc địa phương thuộc ngành Y tế, các ngành khác khó mà nhảy vào mảnh đất màu mỡ đã có chủ này.

Giáo dục có đôi chút khác Y tế, nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều cơ quan có khả năng “thể hiện quyền lực” với giáo dục như Nội vụ, Kế hoạch - Tài chính, Ngân hàng,…

Tranh minh hoạ đăng trên Baogiaothong.vn

Bên cạnh đó, không ít liên minh ma quỷ gần như vô hình nhưng lại tác động trực tiếp đến các sự kiện thuộc diện “thớt có tanh tao” mà muốn hay không ngành Giáo dục vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm.

Vụ “Lò đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ” xảy ra tại Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là một ví dụ. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Nghị định số 53/2008/NĐ-CP và trực thuộc Chính phủ nên Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có thể “đề nghị” cơ quan này xem xét xử lý vi phạm (nếu có) chứ không thể đòi hỏi gì hơn.

Vụ gian lận điểm thi đại học năm 2018 xảy ra tại ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình (và có thể còn nhiều địa phương khác) chủ yếu do cán bộ thuộc Ủy ban Nhân dân, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ liên đới chịu trách nhiệm.

Phát hiện của Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) “Ngân sách nhà nước liên tục nhiều năm không đảm bảo chỉ tiêu dành cho giáo dục & đào tạo (20%) và Khoa học Công nghệ (2%), chi giáo dục, đào tạo và dạy nghề năm 2018 bằng 14,2% tổng chi ngân sách nhà nước, năm 2019 giảm xuống còn 14,03%” cho thấy ngành Giáo dục không có khả năng can thiệp vào quyết sách liên quan đến “nồi cơm” của mình. [1]

Ví dụ mới nhất là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang vừa thi hành lệnh bắt tạm giam 02 bị can là cán bộ phòng Tài chính – Kế hoạch, Ủy ban Nhân dân huyện Việt Yên do vi phạm quy định về đấu thầu thiết bị giáo dục, gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài hai người trên, liên quan đến vụ án, một chuyên viên đã nghỉ hưu của phòng này cũng đã bị khởi tố.

Phải chăng có không ít kẻ cho rằng dịch bệnh Covid-19 cũng làm giảm sức đề kháng của pháp luật, làm pháp luật bị “ốm” nên đây là thời cơ tốt nhất để tranh thủ đánh quả?

Nếu không phải thế thì vì sao hai năm 2020 – 2021, số người vi phạm các quy định của pháp luật xuất hiện ngày càng nhiều gần như ở tất cả các lĩnh vực, từ an ninh, quốc phòng đến y tế, giáo dục, bất động sản, chứng khoán,…?

Có vẻ như tình trạng “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” của một bộ phận không nhỏ (thuộc diện được quy hoạch) đã chấm dứt sau khi mọi sự đã rõ ràng, đã đến lúc họ thể hiện “năng lực tiềm ẩn” mà việc đầu tiên chính là “gọi vốn” để tái đầu tư cho tương lai.

Đầu năm 2022, “Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm 2020)”. [2]

Nhiều văn bản của Trung ương và phát biểu của lãnh đạo nói đến phê bình và tự phê bình, nói đến tự giác trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí song qua thông báo của Ban Nội chính Trung ương về kết quả phiên họp thứ 21 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì: “hơn 330 vụ việc có dấu hiệu tội phạm (tăng hơn 3 lần so với năm 2020) do các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán” chứ không thấy đề cập chuyện cá nhân tự giác nhận khuyết điểm. [2]

Rõ ràng là văn bản, nghị quyết, điều luật chống tham nhũng không thiếu, cái thiếu là một chế tài đủ mạnh có thể tạo được chứng “sợ tham nhũng” cho bất kỳ kẻ nào dù là dân thường, doanh nhân, công chức hay lãnh đạo cao cấp.

Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên của chúng ta vẫn chưa tốt; cơ chế, chính sách của chúng ta còn lỏng lẻo, tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực”. [4]

Loài người tiêm vaccine với mục đích tạo ra kháng nguyên chống lại virus gây bệnh, vậy có thể tạo ra loại vaccine giúp Nhà nước miễn nhiễm với “Virus Tham nhũng”?

Từ hai mắt kính Giáo dục và Y tế, từ ý kiến của các vị lãnh đạo, có thể nhận thấy hai điều:

Thứ nhất, chế tài chống tham nhũng của chúng ta nhiều nhưng vẫn thiếu.

Khó thống kê chính xác số lượng văn bản, nghị quyết, điều luật về phòng chống tham nhũng được ban hành nhưng lại dễ nhận thấy những người soạn thảo luật, biểu quyết thông qua luật hoặc soạn thảo các văn bản dưới luật đa số lại chính là người sẽ thực hiện các điều luật đó.

Không ít trường hợp các đạo luật, các văn bản quy phạm pháp luật vừa ban hành đã phải dừng áp dụng để chỉnh sửa. Người soạn thảo luật nhiều nhưng lại thiếu tính chuyên nghiệp chỉ là một trong các nguyên nhân, nguyên nhân chính phải chăng đã có sự lồng ghép lợi ích nhóm trong quá trình làm luật?

Phải chăng do những quy định từ thể chế, nhiều Đại biểu Quốc hội “sắm hai vai”, vừa làm luật, vừa thực hiện luật nên sự “nhìn xa trông rộng” của không ít người đã được khéo léo nhào nặn, kết quả là cùng một tội danh (nhận hối lộ 1 tỷ đồng) nhưng khung hình phạt có thể co dãn từ tù 20 năm đến chung thân hoặc tử hình?

Các quy định đảng viên không được làm đã được đưa ra từ lâu và liên tục cập nhật, vì sao số cán bộ (đa số là đảng viên) bị kỷ luật, bị xử lý hành chính hoặc hình sự năm 2021 lại tăng hơn 03 lần so với năm 2020 chứ không giảm? [2]

Thứ hai, cơ quan phòng chống tham nhũng của chúng ta nhiều nhưng hoạt động không hiệu quả.

Về điều này Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Việc ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn là vấn đề nhức nhối, gây dư luận xấu khi mà vẫn có một số cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, ngành tư pháp... (kể cả cán bộ cấp cao) bị xử lý”. [4]

Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng (năm 2016) đã phát biểu: “Tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn, chống lại cơ chế xin cho. Chúng tôi chống lại có khi “chết' trước”. [5]

Một thời gian dài, hầu hết các đại án tham nhũng đều do nhân dân, truyền thông tố giác, do Trung ương, Bộ Công an phát hiện, xử lý, ít thấy vụ việc do địa phương chủ động.

Mỗi năm có hàng triệu người kê khai tài sản, chỉ vài người bị phát hiện kê khai không trung thực, thế có phải tỷ lệ cán bộ trong sạch là gần 100%?

Tất cả cơ quan cấp bộ, tỉnh đều có bộ phận thanh tra, các Đảng bộ đều có Ủy ban Kiểm tra, vậy những cơ quan này đã chủ động phát hiện bao nhiêu vụ án tham nhũng trong đơn vị mình?

Xin nêu kết luận mới đây của Ban Bí thư: “Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng: Chậm sửa đổi, ban hành Quy chế làm việc, Quy chế làm việc có nội dung trái với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu, dẫn đến người đứng đầu lạm quyền, lộng quyền, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của cơ quan, đơn vị… Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Ủy ban Nhân dân thành phố và một số sở, ngành, cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước gây hậu quả rất nghiêm trọng”. [3]

Chuyện xảy ra tại Hà Nội có thể tìm thấy tại khá nhiều tỉnh, thành, bộ, ngành như Khánh Hòa, Cần Thơ, Quảng Ninh, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương,…

Điểm chung nhất là đa số vụ việc đều không do cơ quan chống tham nhũng của các đơn vị này chủ động phát hiện.

Xin nhấn mạnh là những điều nêu trên hoàn toàn không phải phát hiện mới mà đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tổng kết trong phiên họp thứ 21, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bốn tồn tại mà Tổng Bí thư nêu lên trong phiên họp thực sự là nguy cơ, thực sự đáng báo động bởi “Chỉ cần một vụ tham nhũng đã có thể làm tha hoá cả một hệ thống với số lượng lớn cán bộ, thậm chí có thể làm cho các ngành, các địa phương bị ảnh hưởng trầm trọng”. [4]

Nhận ra vấn đề là điều vô cùng may mắn cho dân, cho nước, thực hiện thành công cuộc chiến chống tham nhũng có vai trò rất quan trọng của người đứng đầu song sự tồn vong của hệ thống không thể chỉ trông vào một số vị lãnh đạo mà phải dựa vào sức mạnh, sự đoàn kết của cả dân tộc.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://dbndhatinh.vn/dbnd/portal/folder/ky-hop-quoc-hoi-16/news/tang-chi-ngan-sach-cho-giao-duc-dao-tao-va-khoa-hoc-cong-nghe.html

[2] https://vov.vn/chinh-tri/32-can-bo-dien-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-quan-ly-bi-ky-luat-lien-quan-tham-nhung-tieu-cuc-post919597.vov

[3] https://tienphong.vn/ban-bi-thu-ky-luat-ban-can-su-dang-ubnd-thanh-pho-ha-noi-post1366868.tpo

[4]https://baochinhphu.vn/ket-luan-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-phien-hop-thu-21-cua-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-10222012020244664.htm

[5] https://dantri.com.vn/dien-dan/chong-lai-co-khi-chung-toi-chet-truoc-20160305173938621.htm

Xuân Dương

TẠI SAO LÒ ĐÃ 'NÓNG' MÀ CÁC QUAN THAM VẪN TRƠ  LỲ ?

NGUYỄN HUY VIỆN/ TVN 24-6-2019

 - Trong những năm vừa qua, với chiến dịch “đốt lò”, hàng loạt quan to, quan bé bị trừng trị nghiêm khắc, cứ tưởng các quan tham sẽ dè chừng. Nhưng vì sao những kẻ rắp tâm tham nhũng vẫn không chùn tay?

Gần đây nhất, vụ Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị cơ quan điều tra lập biên bản về hành vi vòi vĩnh đòi chung chi ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã làm dậy sóng dư luận. 

Báo chí cũng vừa phát hiện một dự án gần 13.000 căn hộ xây trái phép giữa trung tâm TPHCM. Tình trạng quy hoạch đô thị ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và ở nhiều thành phố, thị xã khác đang ngày ngày bị băm nát, cho thấy các “nhóm lợi ích” bất chấp pháp luật, bất chấp răn đe vẫn cấu kết với nhau để trục lợi. 

Vụ sửa điểm, nâng điểm trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Dù cơ quan điều tra có tìm ra đủ chứng cứ hay không thì dư luận cũng không khó để nhận ra phần lớn những thí sinh được sửa điểm là “thành quả” của hành vi trục lợi. 

Theo báo Tuổi trẻ, có bị can khai để rút bài sửa điểm 3 môn đạt tổng điểm theo yêu cầu trong tổ hợp xét tuyển đại học, trung bình mỗi trường hợp "giá" là 1 tỉ đồng.  Trong quá trình điều tra, một số bị can trong vụ án đã tự giác nộp lại số tiền thu lợi bất chính. 

Không chỉ trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô thị, giáo dục mà tất cả các lĩnh vực khác, tình trạng tham nhũng vẫn âm ỉ, nhức nhối. Việt Nam vẫn bị xếp hạng cao trong bảng xếp hạng tham nhũng của thế giới. 

Vậy tại sao các quan tham vẫn cứ trơ lỳ đến vậy? 

Tại sao lò đã “nóng” mà các quan tham vẫn trơ lỳ?

Báo chí có vai trò quan trọng trong phát hiện tham nhũng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói, muốn chống tham nhũng thì quyền lực phải được nhốt “vào lồng” cơ chế, luật pháp. Luật pháp phải nghiêm khắc, rõ ràng; thực thi luật pháp phải nghiêm minh và quyền lực phải có cơ chế kiểm soát thì mới ngăn chặn được đặc tính tư lợi của con người trong một bộ phận quan chức phát triển thành tham lam và dẫn đến tham nhũng.

Tham nhũng không phải bây giờ mới có, không phải riêng một quốc gia nào. Từ khi xã hội loài người hình thành nhà nước đến nay, tham nhũng luôn hiện hữu. Tham nhũng bao giờ cũng diễn ra ở tầng lớp nắm quyền lực. Khi quyền lực không được kiểm soát thì mức độ, quy mô tham nhũng càng nghiêm trọng. 

Tham nhũng tất yếu dẫn đến bất công, mâu thuẩn xã hội gay gắt. Đây là cội nguồn làm cho quốc gia bị lũng đoạn, rối ren; chính thể chao đảo, thậm chí sụp đổ. 

Những năm gần đây, tham nhũng vẫn là nguyên nhân chính làm cho nhiều triều chính bị sụp đổ, như Tunisia, Lybia, Ai cập … năm 2011; làm cho nhiều chính khách, nguyên thủ bị phế truất, như Luiz Inácio Lula da Silva bị phế truất Tổng thống Brazil năm 2011, Park Geun Hye bị phế truất Tổng thống Hàn Quốc năm 2017, Jacob Zuma Tổng thống Nam Phi buộc phải tuyên bố từ chức năm 2018… 

Vậy cội nguồn của tham nhũng do đâu và tại sao nó tồn tại xuyên suốt lịch sử và phổ quát toàn cầu như vậy? 

Cội nguồn của tham nhũng trước hết là do tuyệt đại đa số con người luôn có đặc tính thu vén tư lợi. Mặt khác, ở mức độ khác nhau, đa phần con người đều có xu hướng vươn lên để vượt trội so với cộng đồng, trước hết và quan trọng nhất là vượt trội về đời sống vật chất. 

Bởi vậy, con người không bao giờ thoả mãn nhu cầu về đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần. Có một học giả đã có khái niệm rất hóm “con người là động vật bất mãn”. 

Có thể khẳng định, rằng tư lợi là một trong những thuộc tính nổi trội nhất của con người, thuộc phạm trù bản chất. Nếu thuộc tính tư lợi được lý trí, phẩm hạnh của mỗi người (chủ thể) chế ngự; được kiểm soát bằng pháp luật và giám sát của cộng đồng (khách thể) thì sẽ có sự điều tiết hài hoà giữa lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội. Còn nếu thuộc tính tư lợi không được chủ thể chế ngự và không được khách thể kiểm soát, con người sẽ trở nên tham lam tột độ. 

Với người tham lam, nếu có quyền lực thì lạm dụng chức vụ quyền hạn để tham nhũng; không có quyền lực thì buôn gian, bán lận, lừa đảo, trộm cướp..., thậm chí giết người để thỏa mãn lòng tham về vật chất. 

Thực tiễn cho thấy, nếu thuộc tính tư lợi của con người được kiểm soát bằng thể chế nhà nước tiến bộ và hệ thống pháp luật nghiêm minh, thì lòng tham bất chính sẽ bị chế ngự và hạn chế tối đa hệ luỵ tiêu cực của nó. 

Lúc đó, tham nhũng khó có đất sống, đồng nghĩa kinh tế phát triển lành mạnh, tạo cơ sở xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Điều này được thể hiện rất rõ ở các nước có nền quản trị quốc gia tiên tiến như Sigapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, các nước châu Âu... 

Khách quan mà nói, ở các nước đạt trình độ phát triển tiên tiến về kinh tế và nền hành chính công, không phải tất cả những người trong hệ thống công quyền không có ý định tham nhũng mà là do cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực và hệ thống pháp luật ở các quốc gia đó rất chặt chẽ, ít có cơ hội cho quan chức tham nhũng. Nói cách khác, quan chức muốn tham nhũng cũng khó mà tham nhũng được. 

Ngược lại, một khi quyền lực không được giám sát, kiểm soát dẫn đến mất dân chủ, không công khai minh bạch thì sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng phát triển. Điều này thể hiện rõ ở các nước đang phát triển và nhất là các nước chậm phát triển. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho các quốc gia này luẩn quẩn trong đói nghèo, lạc hậu, thậm chí đắm chìm trong bạo loạn, xung đốt vũ trang. 

Với Việt Nam, chúng ta là một nền kinh tế chuyển đổi, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực còn đang được xây dựng và hoàn thiện. Đây chính là “khoảng trống” cho tham nhũng phát triển. 

Bởi vậy hàng chục năm qua, mặc dù Đảng và Nhà nước có nhiều nghị quyết, chủ trương, giải pháp chống tham nhũng nhưng tình trạng này vẫn chưa được đẩy lùi và được xem là giặc nội xâm. Tham nhũng hoành hành ở mọi ngõ ngách, mọi tầng nấc không chỉ làm thất thoát một khối lượng tài sản khổng lồ của quốc gia mà còn bào mòn nghiêm trọng niềm tin của nhân dân. 

Nguyên nhân của vấn đề là do ở nước ta quyền lực chưa được kiểm soát chặt chẽ. Điều này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 25/6/2018: “Thể chế, chính sách pháp luật trên một số lĩnh vực còn bất cập, tính khả thi không cao; chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ quyền lực; công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm thực hiện, nên dễ dẫn đến việc lạm quyền để trục lợi…” [2] 

Đâu là lời giải đáp cho những bất cập về thể chế, những hạn chế trong thực hiện giám sát, kiểm soát quyền lực, và hạn chế về phòng, chống tham nhũng? 

Trả lời câu hỏi này cần xem từ tổng kết của Marx: “Cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng” và “Mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị, trong đó kinh tế giữ vai trò quyết định chính trị, còn chính trị tác động mạnh mẽ trở lại kinh tế”. Bên cạnh đó là thực tiễn thành công và chưa thành công của các mô hình kinh tế, chính trị trên thế giới trong hàng trăm năm qua. 

Từ đó, có lẽ chúng ta cần cải cách mô hình quản trị nhà nước theo hướng hiện đại, tương thích với nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. 

Khi đó, quyền lực sẽ được nhốt vào lồng luật pháp, bị giám sát, giúp loại trừ tham nhũng tận gốc và giúp vận hành trơn tru các quy luật của kinh tế thị trường. Hành trình đưa đất nước tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh cũng sẽ được rút ngắn. 

Nếu cơ chế quản trị quốc gia ít tương thích với thể chế kinh tế trường hiện đại sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, trong đó nguy hiểm nhất là hình thành các “nhóm lợi ích” trục lợi từ công sản quốc gia, tài sản của nhân dân, dẫn đến hình thành chủ nghĩa tư bản thân hữu. Đây là nguy cơ khôn lường với dân tộc.

Nguyễn Huy Viện

[1].https://tuoitre.vn/gian-lan-thi-cu-o-son-la-gia-nang-diem-moi-truong-hop-trung-binh-1-ti-dong-20190525084513726.htm

[2].https://vov.vn/chinh-tri/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-ve-phong-chong-tham-nhung-779201.vov

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét