Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2022

20220117. BÌNH LUẬN THỜI SỰ CUỐI NĂM TÂN SỬU

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TỔNG KẾT CUỐI NĂM: NHỮNG VỞ BI HÀI KỊCH HAY LÀ ĐỊNH MỆNH VÀ SỐ PHẬN NGHIỆT NGÃ CỦA DÂN TỘC, QUỐC GIA

QUÁCH HẠO NHIÊN/viet-studies 16-1-2022



Tổng giám đốc Công ty Việt Á (bên trái màn hình) và đại diện Học viện Quân y tại họp báo công bố kit test do Bộ 
Khoa học và Công nghệ tổ chức tháng 3/2020.

1. Bi kịch “chống dịch như chống giặc” và điệp khúc “cơ đồ dân tộc, vị thế đất nước…”

Không thể không gọi là bi kịch khi hơn 30 ngàn đồng bào đã chẳng may qua đời cùng hàng ngàn đồng bào khác đã phải chạy trối chết khỏi Sài Gòn trong thời điểm cao trào “chống dịch như chống giặc” bằng ý chí chính trị của “toàn đảng, toàn quân, toàn dân” trong suốt năm qua. Bi kịch ấy càng cao trào hơn khi vụ kít xét nghiệm của công ty Việt Á của anh chàng tép riu Phan Quốc Việt bị phanh phui vào những ngày cuối năm.

Liên quan đến vụ này, thời gian qua các chuyên gia, các nhà quan sát trong và ngoài nước đã có nhiều bài viết với những phân tích rất xác đáng. Trong đó, đáng chú ý phải kể đến bài của TS Nguyễn Đức Thành[1]. Trong bài viết của mình, TS Nguyễn Đức Thành gọi vụ test kit Việt Á là “sự lũng đoạn nhà nước” nhằm phân biệt với các vụ “tham nhũng thông thường” trước đây cả về về tính chất lẫn “đẳng cấp” tham nhũng. Những phân tích và khái quát của TS Thành tuy không sai nhưng theo tôi, nếu nói đến sự “lũng đoạn nhà nước” thì vụ test kit Việt Á chỉ là “muỗi” so với nhiều vụ án khác. Chẳng qua, trong bối cảnh bùng nổ về công nghệ thông tin (mạng xã hội), nhất là nỗi đau hơn 30 ngàn đồng bào đã tử nạn vẫn chưa kịp nguôi ngoai nên Việt Á mới gây phẫn nộ rộng khắp toàn xã hội mà thôi.

Căn cứ vào 3 dấu hiệu về sự lũng đoạn và các đặc điểm của vụ Việt Á mà TS Thành đã liệt kê trong bài viết của mình, chúng ta hoàn toàn có thể áp vào cho các vụ án trước đó. Nói khác đi, ở đây, cần phải thấy rằng bản thân sự tồn tại thể chế chính trị độc Đảng hiện nay ở Việt Nam đã là một sự lũng đoạn. Vì nếu không lũng đoạn thì “Đảng ta” không thể duy trì quyền cai trị tuyệt đối của mình suốt mấy mươi năm qua.

Có thể nói, cái quy định ngầm người làm Tổng Bí Thư phải là “người miền Bắc có lý luận” là một định kiến có tính lũng đoạn trong nhận thức về người lãnh đạo quốc gia; việc duy trì quan điểm “đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân” (qua đó tùy tiện thu hồi đất của dân với giá rẻ mạt giao cho các đại gia bất động sản – mấu chốt gây ra sự bất ổn xã hội, dân oan kiện cáo khắp nơi) là sự lũng đoạn; chủ trương khai thác Bauxite ở Tây Nguyên là sự lũng đoạn; các “quả đấm thép” thua lỗ như Vinashin, Vinalines…là sự lũng đoạn; việc cho phép lập ra vô số các trạm BOT giao thông trên khắp cả nước là sự lũng đoạn; việc lập đề án và soạn thảo để chuẩn bị thông qua Luật đặc khu (rất may là dân chúng biểu tình phản đối nên tạm thời dừng lại) là sự lũng đoạn; vụ án Vũ Nhôm và Út Trọc là sự lũng đoạn; việc khai thác đến kiệt quệ vựa lúa, “vựa lương thực của cả nước” ở các tỉnh miền Tây nhưng hạ tầng nhất là giao thông vận tải không đầu tư (cho đến nay các tỉnh miền Tây chỉ có vài chục kí lô mét đường cao tốc; không có mét đường sắt nào so với các tỉnh phía Bắc) tạo nên sự bất bình đẳng trong thụ hưởng các giá trị vật chất và tinh thần đối với đồng bào nơi đây cũng là một sự lũng đoạn;…

 Dẫu vậy, nếu phải nói về sự khác biệt của vụ Việt Á lần này với các với các vụ tham nhũng trước đó, theo tôi, vụ Việt Á cho thấy tính chất máu lạnh và đạo đức giả rất kinh tởm của “tập đoàn quân buôn” này. Máu lạnh và đạo đức giả ở chỗ dù tận mắt chứng kiến cảnh đồng bào ở Sài Gòn chết không kịp thiêu; lớp khác thì tay xách nách mang rồng rắn liều mình đèo nhau trên chiếc xe gắn máy cà tàng, hoặc lội bộ trăm ngàn cây số tìm đường sống nhưng các con buôn vẫn thản nhiên lên kịch bản toan tính chuyện lọc lừa và vơ vét làm giàu cho bản thân. Có ai ngờ đằng sau những nghị định, thông tư, công điện, đề án…liên quan đến chính sách “truy vết” F0, F1 hay “thần tốc xét nghiệm diện rộng” là những cú áp phe lại quả bạc tỉ; đằng sau những lời lẽ thống thiết kêu gọi sự đồng lòng của dân chúng “chung tay chống dịch” là sự chia chác “hoa hồng”, hoa huệ của những kẻ mỗi ngày đều ra sức “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ…”

Ngoài ra, có một vấn đề mà các chuyên gia tuy có điểm qua, nhắc đến nhưng ít người bàn sâu đó là sự tha hóa của đội ngũ truyền thông trên các cơ quan chính thống lẫn mạng xã hội.

Không riêng vụ này, chúng ta biết rằng, trong thời đại ngày nay muốn bán thứ gì đó dù là bán thân (xin lỗi) cũng phải nhờ đến truyền thông và mạng xã hội để quảng cáo, PR. Có thể thấy, ngay sau khi Phan Quốc Việt bị khởi tố, các cơ quan truyền thông bắt đầu chiến dịch đổ lỗi cho Bộ Khoa học và Công nghệ, cho Học Viện quân y (nơi được giao đề tài và nghiệm thu đề tài sản xuất kit xét nghiệm thần tốc), cho Bộ Y tế…Tuy vậy, họ lại quên ngay chính họ đã từng sản xuất ra hàng loạt bản tin, bài viết ca ngợi công ty Việt Á của Phan Quốc Việt  trước đó.

Cứ cho là thời điểm đó họ lấy thông tin từ bản thông cáo báo chí của Bộ Khoa học và Công nghệ thì họ vẫn không thể thoát tội đồng phạm vì đưa tin không kiểm chứng. Dấu hiệu móc nối giữa các cá nhân có liên quan ở các Bộ Y tế, Học viện quân y, Bộ KH và Công nghệ là điều ai cũng thấy. Nhưng nếu không có các cơ quan truyền thông chính thống và các nhà báo về hưu đang sắm vai các facebooker đình đám trên mạng xã hội thì liệu một nơi sản xuất với diện tích 10 mét vuông và anh chàng tép riu Phan Quốc Việt có thể một bước lên mây không, có trở thành niềm tự hào của dân tộc khi bộ test kit của Việt Á được hơn “20 quốc gia đặt hàng” và “WHO thông qua” không?

Lẽ ra, các cơ quan truyền thông (dù vô tình hay cố ý) đã trót tụng ca công ty Việt Á của Phan Quốc Việt lên mây trước đây cần có lời xin lỗi và đính chính công khai vì đã sản xuất những bài báo, bản tin nhưng thiếu kiểm chứng chứ không nên chỉ biết đổ hết trách nhiệm cho các quan chức lãnh đạo ở Bộ Khoa học và công nghệ và Bộ Y tế. Thử hỏi đạo đức nghề nghiệp ở đâu, đạo lý xã hội ở đâu, sự công bằng trước pháp luật ở đâu khi một người dân đăng một dòng tin trên trang cá nhân bày tỏ quan điểm chống dịch của mình (không giống với quan điểm của chính quyền) là đã bị xử phạt nhưng hàng loạt cơ quan báo chí cùng các facebooker đăng tin sai sự thật về công ty Việt Á của Phan Quốc Việt nhưng đến nay vẫn bình an vô sự?

Đến đây có thể nói bi kịch “chống dịch như chống giặc” trong năm qua của người dân Việt Nam là cùng lúc phải chống lại hai “quân giặc”. Một là “quân” Covid Vũ Hán và hai là “tập đoàn quân buôn” Việt Á máu lạnh và đạo đức giả. Trong “tập đoàn quân buôn” Việt Á không thể bỏ qua vai trò hà hơi tiếp sức của một bộ phận đội ngũ truyền thông chuyên nghề viết lách cả trên các phương tiện chính thống lẫn mạng xã hội.

Cái bi kịch, nỗi bất hạnh, sự đớn đau và kiệt quệ ấy còn tăng thêm gấp bội khi cái điệp khúc “cơ đồ dân tộc, vị thế, tiềm lực, uy tín quốc tế của đất nước chưa bao giờ được như bây giờ…” thỉnh thoảng lại vang lên khi vị Tổng giáo chủ xuất hiện và đọc diễn văn ở đâu đó. Hơn 30 ngàn nhân mạng không may ra đi nhưng không có lấy một ngày quốc tang (chỉ có một buổi tưởng nhớ) cho thấy cái bi kịch vừa có tính quy luật (sự tha hóa, suy đồi của tầng lớp lãnh đạo như thế nên tất yếu dân chúng phải lầm than) vừa là định mệnh, số phần của một dân tộc (có lẽ đang bị trời hành, trời đày)?

2. Hài kịch đấu giá “đất máu Thủ Thiêm”

Nếu gọi vụ test kit Việt Á và hơn 30 ngàn đồng bào tử vong là vở bi kịch trong chiến lược “chống dịch chống giặc” thì vụ đấu giá “đất máu Thủ Thiêm” (Sài Gòn) của “đại gia” bất động sản Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh là một vở hài kịch có một không hai.

Trước khi bàn về vở hài kịch này thiết nghĩ cũng nên nhắc lại đôi nét về vết nhơ với lịch sử 20 năm oan khí ngút trời của người dân Thủ Thiêm dưới thời cai trị của “lãnh chúa” Lê Thanh Hải.

Cùng với vụ Đồng Tâm (Hà Nội), vụ Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng), Đặng Ngọc Viết (Thái Bình), Đặng Văn Hiến (Đăk Nông) … thì vụ Thủ Thiêm là những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự lũng đoạn nhà nước về chính sách “đất đai sở hữu toàn dân” của những “tập đoàn quân buôn” bất động sản. Dẫu vậy, điểm khác biệt của vụ Thủ Thiêm là đồng bào Sài Gòn (hay miền Nam) nói chung có vẻ hiền lành hơn nên không có những án mạng khủng khiếp xảy ra. Thay vào đó là sự chịu đựng đến cùng cực của người dân nơi đây; hay tuy cũng có án mạng nhưng là người dân vì quá oan ức và kiệt quệ, khủng hoảng về tinh thần nên có người đã ra đi hoặc tự kết liễu chứ chưa có ai “nổi dậy” bắn lại chính quyền như các vụ ở phía Bắc.

Chuyện này thì báo chí truyền thông chính thống cũng đã được bật đèn xanh đưa tin phản ánh suốt nhiệm kỳ ông Nguyễn Thiện Nhân còn làm Bí thư Sài Gòn. Những ai còn nghi ngại chưa tin cứ tìm đọc “Bút ký Thủ Thiêm” của nhà văn Võ Đắc Danh sẽ rõ.

Trở lại chuyện tại sao lại gọi vụ đấu giá “đất máu Thủ Thiêm” là vở hài kịch? Theo tôi, nó hài ở chỗ, không ít những đại gia - con buôn bất động sản ở Việt Nam giờ đây xem lãnh đạo chính quyền Nhà nước và luật pháp ở quốc gia này như một trò đùa có cũng như không. Việc ông chủ Tân Hoàng Minh cố tình phá giá (2,4 tỷ đồng/mét vuông) để được trúng thầu rồi sau đó viết “tâm thư” gửi tất cả các lãnh đạo, cơ quan Đảng, chính quyền giải thích việc “bỏ cọc” cho thấy rõ hơn sự thối rửa bên trong của một xã hội mà “đạo chích thành tôn giáo phổ thông” và “quyền lực bày ra đấu giá giữa công đường” (Nguyễn Duy).

Đồng thời nó cũng cho thấy sự cấu kết, bắt tay và nuông chiều quá mức của chính quyền với những “tập đoàn quân buôn” nhằm lũng đoạn chính sách “sở hữu toàn dân” về đất đai để làm giàu bất chính ở Việt Nam thời gian qua.

Trong khi đại bộ phận người dân phải đầu tắt mặt tối mưu sinh thì các “tập đoàn quân buôn” chỉ ngồi một chỗ toan tính chuyện lọc lừa để đẩy người dân ra bên lề mảnh đất của họ. Đất đai của cha ông bao đời khai phá nhưng chỉ sau một đêm quy hoạch rồi cưỡng chế là có không ít người phải tay trắng ra đường, nhà không còn để ở, đất không có để làm dẫn đến gia đình ly tán, mẹ xa con, vợ xa chồng…

Thế nên, dù ban đầu là màn hài kịch nhưng vụ đấu giá rồi “bỏ cọc” này đọng lại cuối cùng là những giọt nước mắt uất nghẹn của đồng bào nơi đây. Trong khi lãnh chúa một thời Lê Thanh Hải vẫn yên vị vui thú điền viên; trong khi lời hứa của ông cựu Bí thư (giờ đang chễm chệ trong vai trò ông Nghị) với người dân mất đất vẫn chưa thực hiện trọn vẹn thì các “tập đoàn quân buôn” lại kéo nhau đến Thủ Thiêm bỡn cợt và diễu võ giương oai, phô bày tính trọc phú, bần tiện của mình…

Và trong khi một mùa xuân nữa lại về nhưng những người dân thấp cổ bé miệng Thủ Thiêm vẫn phải lưu lạc tha hương để “mừng Đảng quang vinh, mừng xuân hạnh phúc” đâu đó trong các khu ổ chuột Sài thành hoa lệ. Màn hài kịch “đấu giá đất máu” có một không hai rất xứng đáng được lưu danh thiên cổ nhất là điểm tô thêm cho một thời đại rực rỡ “chưa bao giờ như bây giờ” của ông Tổng Bí thư.

3. Hooligan trên mạng xã hội và “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa

Nhìn lại những gì đã xảy ra trong năm qua mà không đề cập đến sự đảo điên trên thế giới mạng xã hội (facebook, youtube…) ở Việt Nam thì thật là thiếu sót. Điển hình là việc một nữ đại gia qua những lần “lai trym” rất bá đạo của mình đã làm cho các văn nghệ sĩ trong giới giải trí điêu đứng vì liên quan đến việc huy động tiền từ thiện. Hay hiện tại là vụ án liên quan đến những người ở Tịnh Thất Bồng Lai…với rất nhiều thông tin không kiểm chứng được tung ra gây ra cảnh nhiễu loạn, không biết đâu mà lần.

 Ở giác độ văn hóa và truyền thông, những sự việc như thế này một lần nữa cho thấy sự suy đồi và xuống cấp toàn diện về đạo đức của người Việt hôm nay với ít nhất là những biểu hiện như sau:

Thứ nhất, sự thất bại hoàn toàn của truyền thông chính thống trong việc chạy đua về bài vở, tin tức trong thời đại công nghệ. Hay nói khác đi, đây là biểu hiện rõ ràng nhất cho thấy sự mất niềm tin của người dân với các cơ quan báo chí chính thống (nên đã đổ dồn sang việc theo dõi hoặc tự sản xuất tin tức trên không gian mạng phi chính thống để thỏa mãn tính tò mò và kiếm tiền) từ đó làm cho không gian mạng ở Việt Nam ngày một như một bãi chiến trường ngỗn ngang và hổ lốn. Đó cũng là lý do không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam là lại lọt vào top 5 các quốc gia có chỉ số văn minh thấp nhất trên không gian mạng (do Microsoft khảo sát và công bố).[2]

Thứ hai, tuy Việt Nam có luật an ninh mạng nhưng có vẻ như luật này chỉ là công cụ để xử lý những người có quan điểm khác biệt với chính quyền hơn là quan tâm đến sự an toàn và lành mạnh về thông tin cho người dân trên cả hai phương diện kỹ thuật bảo mật lẫn văn hóa. Đặc biệt, trong bối cảnh mạnh ai nấy chứng tỏ mình là “chuyên gia” bình luận chính trị, văn hóa trên mạng xã hội nếu quan sát kỹ sẽ thấy có một đội ngũ những nhà báo “hai mang”. Những người này một mặt giữ vai trò quan trọng trong cơ quan truyền thông chính thống, mặt khác lại là các Facebooker kiêm các KLOs đang rất phổ biến hiện nay. Với thế mạnh về nghiệp vụ, kỹ năng viết lách cùng các mối quan hệ rộng với các quan chức chính quyền những người này dễ dàng dẫn dắt hay thậm chí thao túng các vấn đề xã hội theo những ý đồ của riêng họ hoặc giúp nhà cầm quyền đánh lạc hướng dư luận về một ván đề nghiêm trọng nào đó. Trong nhiều trường hợp rất khó để nhận biết họ có phải là nhà báo chân chính hay chỉ là các mafia hay “hooligan” lưu manh giả danh trí thức trên mạng…Sự việc liên quan đến chuyện “bác sỹ Khoa rút ống thở” cha mẹ nhường cho sản phụ song sinh” trong thời điểm Sài Gòn gồng mình chống dịch là một ví dụ.

Cuối cùng, tổng hợp các vấn đề trên cho thấy sự thất bại toàn tập của Đảng ta trong vấn đề “xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” suốt mấy mươi năm qua. Sự thất bại ấy còn được minh chứng rõ ràng và cụ thể hơn ở cái “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa” (theo như cách giật tít rất vớ vẩn của khá nhiều cơ quan truyền thông lề phải). Những bài tổng kết và phát biểu chỉ đạo mang tính nước đôi cũ rích một lần nữa lại được mang ra; những ngoa ngôn, sáo ngữ của các “chuyên gia văn hóa” cũng được dịp quăng quật, tung hứng bất chấp một nền giáo dục - nền tảng quan trọng để gieo mầm văn hóa lành mạnh cho xã hội - đang bị/được cải cách nửa vời và đầy dẫy sự tiêu cực, dối trá…

4. Nỗi mặc cảm và ẩn ức về giải Nobel văn học

Trong bầu khí quyển suy đồi và lộn tùng phèo trên mạng xã hội như thế, những ngày cuối năm, thiên hạ lại được một phen ồn ào khi nghe ông Chủ tịch nước trình bày ước mơ và khát vọng một ngày không xa Việt Nam sẽ có văn nhân “đạt giải Nobel văn học” (trong khi chẳng mấy người quan tâm đến 5000 container nông sản bị ông “bạn vàng” kiếm chuyện không cho thông quan bị kẹt lại ở biên giới Lạng Sơn). Công tâm mà nói, cá nhân tôi thấy phát biểu của ông Chủ tịch nước chẳng có gì đáng chê cười. Với vai trò “Đảng lãnh đạo diện” cùng trách nhiệm lẫn “truyền thống” người đứng đầu khi đến tham dự các buổi lễ lạt ở các tổ chức hội đoàn phải lên phát biểu chỉ đạo thì việc phát biểu của ông Chủ tịch nước chẳng có gì sai.

Hay nói khác đi, ông Chủ tịch nước thật ra chỉ đang nói thay cho cái ước mơ, sự mặc cảm hay sâu xa hơn là sự ẩn ức của giới văn nghệ sĩ nước Việt hôm nay mà thôi. Không phải cái ước mơ “ăn giải Nobel văn chương” đã có từ thời cụ Nam Cao viết “Đời thừa” cách đây mấy mươi năm hay sao? Thế nên, những ông bà nào nhà văn nào mỉa mai phát biểu của ông Chủ tịch nước chẳng qua theo tôi chỉ là đang “làm mình làm mẩy” nhằm chứng tỏ bản thân thanh cao trong sự giả trá, hèn kém mà thôi. Không ít ông bà văn nghệ sĩ cạnh khóe rằng với “cơ chế kiểm duyệt hiện nay mà ông Chủ tịch nước đòi nhà văn Việt Nam có giải Nobel” nhưng hay thử đặt lại vấn đề chắc gì khi không bị kiểm duyệt thì các ông bà viết được tác phẩm lớn để ăn giải này?

Quan sát xu hướng lựa chọn để trao giải Nobel văn chương của Viện hàn lâm Thụy Điển một vài năm gần đây, tôi cho rằng, xét về tài năng và tầm vóc ở Việt Nam có hai nhà văn hoàn toàn có thể sánh ngang với các nhà văn trên thế giới đoạt giải này đó là Nguyễn Duy và Nguyễn Huy Thiệp. Từ đây, soi lại nỗi khát khao “đạt giải Nobel” của ông Chủ tịch nước cho chúng ta thấy rõ hơn sự tự ti yếm thế của “Đảng ta” liên quan đến vấn đề xét và trao giải Nhà nước về văn hóa văn nghệ hay cụ thể hơn là Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật lâu nay. Hay nói khác đi, ông Chủ tịch nước đang gián tiếp thừa nhận giá trị của giải các thưởng văn chương trong nước chẳng qua chỉ là sự “tự sướng” chứ chẳng là cái đinh gì so với giải Nobel của thế giới.

Dẫu vậy, nếu tự tin và tử tế hơn thì lẽ ra, “Đảng ta” phải trao giải và vinh danh cho Nguyễn Duy và cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từ rất lâu rồi chứ không phải bị các ông quan văn hóa văn nghệ chụp cho cái mũ “phản động” lên đầu họ suốt mấy chục năm qua.

Ngẫm kỹ lại xem, mấy mươi năm trước Nguyễn Huy Thiệp bảo “đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu…” còn Nguyễn Duy nói “xứ sở thật thà sao thật lắm thứ điếm/Điếm biệt thự, điếm chợ, điếm vườn/Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng/Điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn/Vật giá tăng vì hạ giá linh hồn…” thì sai ở chỗ nào?

5. Thay lời kết

Nhìn lại một năm nhưng chỉ toàn những chuyện buồn đau hẳn là phiến diện. Thế nên, khách quan và công tâm mà nói cũng phải ghi nhận nỗ lực đáng trân trọng của lãnh đạo, chính quyền Nhà nước trong vấn đề “ngoại giao vắc xin” để phủ cho toàn dân khi đã lờ mờ nhận ra việc đeo đuổi chiến dịch “zero Covid” là một sai lầm. Đặc biệt, cần phải ghi nhận sự nỗ lực và cố gắng tuyệt vời của đội ngũ y bác sĩ trên cả nước trong tuyến đầu chống dịch trong những thời điểm căng thẳng và phức tạp nhất.

Đây có thể xem là những điểm sáng để nhóm lên ngọn lửa hy vọng về một năm mới an lành và tỉnh thức trong tình yêu thương và đoàn kết. An lành cho đại bộ phận người dân lương thiện và tỉnh thức cho tất cả nhưng quan trọng hơn là với những người đang nắm quyền cai trị và điều hành đất nước.

Người dân cần tỉnh thức để nhận ra đâu là những quyền cơ bản của mình trong mối quan hệ với nhà cầm quyền để mà trưởng thành hơn, văn minh hơn. Còn nhà cầm quyền cần tỉnh thức để sám hối về những quyết sách sai lầm của mình; tỉnh thức để thay đổi tư duy và nhận thức về con người và xã hội Việt Nam hôm nay; và nhất là từng bước cải cách thể chế chính trị quốc gia nhằm chấm dứt tình trạng lũng đoạn của các nhóm lợi ích thân hữu; hạn chế thấp nhất những sai lầm - nguyên nhân gây ra những cảnh đau thương tang tóc cho dân chúng thời gian qua. Cái sai lầm đồng thời cũng là một sự thật mà nói như nhà thơ Thái Bá Tân (một người cũng rất đặc biệt, xét ở phương diện nào đó cũng rất xứng đáng được vinh danh bằng những giải thưởng quốc gia lẫn quốc tế) là:

Một khi cộng sản đỏ

Chơi với tỉ phú đen

Thì kết quả tất yếu

Là xã hội đảo điên.

Xin mạn phép mượn mấy câu trên của ông để kết lại bài tổng kết cuối năm con trâu này vậy!

Q.H.N

CT, 15/01/2022  


[1] Nguyễn Đức Thành – “Cần nhìn nhận vụ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 là lũng đoạn nhà nước”.  http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenDucThanh_LungDoanNhaNuoc.html

[2] Báo Tuổi Trẻ - “Người Việt kém văn minh trên mạng”https://tuoitre.vn/nguoi-viet-kem-van-minh-tren-mang-20200223220019317.htm

 

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 15-1-22


NỀN KINH TẾ YẾU KÉM VÌ THIẾU VẮNG TẦNG LỚP TƯ SẢN DÂN TỘC

LƯU TRỌNG VĂN /TD 12-1-2021


Thật xấu hổ khi đọc tâm thư của tỷ phú Đỗ Anh Dũng, chủ tập đoàn bất động sản Tân Hoàng Minh, gửi lãnh đạo VN để xin lỗi vì không tham gia mua đất vàng ở Thủ Thiêm với giá trên trời nữa.

Biết nhục vẫn làm!

Lợi ích trên danh dự!

Trong tâm thư đầy lời lẽ ngợi ca lãnh đạo, khoe mẽ bố vợ là tướng an ninh, khoe mẽ động cơ chính trị, mà thấy buồn cho một nhà kinh doanh giàu có hàng đầu quốc gia.

Nếu có phẩm chất một nhà kinh doanh có tự trọng, tỷ phú Dũng chỉ cần gửi thư đến ban đấu giá xin nộp phạt và bồi thường các tổn thất do việc mình bỏ không tham gia mua đất nữa là đủ. Sòng phẳng, không cần lý do.

Tiếc thay, nhiều tỷ phú là nhà kinh doanh nhưng không có phẩm chất của một nhà kinh doanh.

Mới đây tỷ phú Trịnh Văn Quyết chủ FLC bị Uỷ ban Chứng khoán điều tra về hành vi bán chui đến hơn 70 triệu cổ phiếu của mình gây tổn thất cho các nhà đầu tư do không được minh bạch thông tin.

Và có thể dẫn ra nhiều tỷ phú đôla VN có những vấn đề về phẩm chất như trên.

Hơn một trăm năm trước cụ Phan Châu Trinh nhà cách mạng vĩ đại nhất thế kỷ 20 của VN đã chủ trương một quốc gia muốn phát triển phải có tầng lớp tư sản Dân tộc. Cụ và các đồng chí của mình đã vận động và trực tiếp hỗ trợ các nhà tư sản Dân tộc như Nước mắm Liên Thành.

Tiếc rằng các nhà tư sản Dân tộc của VN mới chỉ xuất hiện lẻ tẻ như Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô… mà không thành một tầng lớp tư sản Dân tộc.

Sau năm 1954, tại miền Nam đã xuất hiện một tầng lớp tư sản Dân tộc nhỏ đang dần tạo nền tảng cho tầng lớp tư sản Dân tộc lớn, thì chiến tranh mở rộng dẫn đến không thể có nhà tư sản Dân tộc lớn tạo nên những thương hiệu lớn vượt tầm quốc gia. Và các nhà tư sản trong đó có cả các nhà tư sản Dân tộc sau 1975 đều bị cải tạo hết.

Sau năm 1954 tại miền Bắc do sai lầm của kinh tế bao cấp, kinh tế nhà nước, các nhà tư sản trong đó có cả các nhà tư sản Dân tộc bị cải tạo rồi bị triệt tiêu.

Sau Đổi mới Đất nước năm 1986 đã dần xuất hiện một số tư sản Dân tộc tạo nên một loạt thương hiệu uy tín. Tiếc rằng một số nhà tư sản Dân tộc chân chính này chưa đủ sức cạnh tranh được với tầng lớp hùng mạnh các nhà tư bản thân hữu có lợi ích mật thiết với một bộ phận tham nhũng tha hoá trong chính quyền.

Sự khác biệt duy nhất của các nhà tư sản Dân tộc với các nhà tư bản thân hữu đó là Tinh thần Dân tộc.

Vì lợi ích của Dân tộc mà kinh doanh.

Vì niềm tự hào Dân tộc mà kinh doanh.

Lưu Trọng Văn

BÁO NHÀ NƯỚC CÓ BỊA TIN VỀ VINFAST ĐỂ LỪA NGƯỜI VIỆT ?

TUẤN KHANH/ RFA 12-1-2022


Xe VinFast VF e35 được trưng bày ở AutoMobility LA Auto Show hôm 18/11/2021.

Mới đây, phát hiện của những người quan sát thời sự tại Việt Nam đã chỉ ra nhiều điểm bất thường trong một bản tin quảng cáo về sản phẩm của ông Phạm Nhật Vượng. Việc báo Nhà nước ra sức quảng cáo về sự “thu hút kỳ diệu” của xe điện VinFast đang bị dân chúng vạch trần và chia sẻ khắp nơi.

Vào ngày 10-1-2022, tờ báo Dân Trí trong nước xuất hiện bài viết có tựa đề “VinFast có thể là Tesla tiếp theo của thế giới” ca ngợi hết lời hệ thống kinh doanh của Vingroup, và đặc biệt nhấn mạnh các mẫu xe điện của ông Phạm Nhật Vượng đang “gây sốt” tại Mỹ. Báo này trích dẫn một bản tin chưa đến 350 chữ của Humphrey Bwayo, một cây viết cộng tác với tờ Autoevolution, có cái tựa rất đình đám nhưng lại không bất kỳ có một phân tích nào cho thấy nội dung liên quan đến dự đoán là “Tesla tiếp theo của thế giới”, tạo nghi vấn về một bài viết được “mua” như thói thường của các hãng mới ra mắt.

Nguyên văn của báo Dân Trí viết “Giữa sân khấu lớn ở Las Vegas, hãng xe Việt đã rầm rộ ra mắt cùng lúc năm mẫu xe điện. Ba trong số này – VF 5, VF 6 và VF 7 là những mẫu ô tô lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng, chỉ hai tháng sau khi hai mẫu bom tấn là VF 8 và VF 9 (tên cũ là VF e35 và VF 36) gây sốt tại Los Angeles Auto Show 2021”.

AP21322026195580.jpg

Chuyên gia thiết kế trưởng của VinFast David Lyon, trái, bước xuống khỏi sân khấu nơi giới 
thiếu xe VF e36 tại AutoMobility LA Auto Show hôm 17/11/2021. AP

Tờ báo này trích dẫn bản tin Financial Times, tường thuật tham vọng của tập đoàn Vingroup trong kế hoạch bán ô tô điện tại Mỹ và châu Âu trong năm nay. Trong cách dẫn cố ý mập mờ để người đọc Việt Nam hiểu nhầm rằng bài báo này ca ngợi sản phẩm VinFast, khi trích dẫn tham vọng của phía ông Phạm Nhật Vượng khi tự đặt mục tiêu “trở thành một trong những thương hiệu sản xuất xe điện hàng đầu trên thế giới”.

Bản tin Dân Trí dẫn lời công ty RPM ở Canada được cho là ca ngợi “chính sách thuê pin của VinFast”. Báo viết: “Cách làm này, theo đánh giá của trang báo Canada, giúp khách hàng có thể nâng cấp pin khi hệ thống này xuống cấp theo thời gian. Việc tách biệt chi phí giữa pin và xe theo đánh giá cùng có thể giúp nhà sản xuất việt Nam xây dựng mức giá tốt so với các đối thủ cạnh tranh”. Tuy nhiên những tìm kiếm các nội dung trên trang RPM ở Canada không thấy có thông tin nào như vậy.

Riêng về chính sách cho thuê pin với các sản phẩm xe điện đã bán ở Việt Nam, được coi là đang nhận những lời chỉ trích nhức nhối từ khách hàng. Các Facebooker nhận định rằng đây được coi là một cách chạy chữa cho việc thất bại với “chính sách thuê pin” ở ngay tại quê nhà, mà vốn lúc này những lời tố cáo của người mua hàng xuất hiện nhiều nơi trên các trang mạng Việt Nam.

Đáng chú ý, trong một đoạn ca ngợi VinFast, báo Dân Trí viết “Theo thống kê từ VinFast, sau 48 giờ mở bán, hãng đã nhận được hơn 24.000 đơn đặt hàng cho hai mẫu ô tô điện VF 8 và VF 9 trên toàn cầu. Trong đó, một doanh nghiệp Mỹ là Artemis DNA (công ty phân tích lâm sàng gene) đã thỏa thuận đăng ký đặt hàng 100 chiếc xe điện VinFast phục vụ cho hoạt động công ty”.

Số lượng “24.000 đơn đặt hàng” do VinFast đưa ra chưa được kiểm chứng, và cũng không có cách để kiểm chứng theo thời gian.

Nhưng về công ty Artemis DNA – được mô tả là một công ty sinh học tại Mỹ – tức thì đặt mua ngay 100 chiếc xe của VinFast, là điều khiến nhiều người Việt tò mò và tìm hiểu.

Nhiều chuyên gia kinh doanh và marketing đã trình bày trên trang Facebook của mình về sự hoài nghi chuyện đặt hàng này, với những câu hỏi cụ thể như:
– Công ty công nghệ sinh học thì cần gì nhiều xe thế?
– Việc mua một lúc 100 xe, nếu không phải là công ty cho thuê xe, là rất khó hiểu với tư duy và tập quán kinh doanh ở Mỹ, vì thuê xe (leasing) sẽ hiệu quả (cost effective) hơn sở hữu xe rất nhiều.

Trong việc tìm kiếm cái tên công ty Artemis DNA, người ta nhận thấy địa chỉ nơi này chỉ làm dịch vụ xét nghiệm DNA, mà trên trang web của công ty hoàn toàn không có phần nào hoạt động cụ thể. Mọi thứ bị chựng ở đó và không có tin tức gì thêm. Nhiều người đặt vấn đề rằng tên công ty nào có vẻ như những web ma vẫn dùng để lừa gạt những người ở thế giới thứ ba.

Công ty này được biết biết nằm ở Irvine, California nhưng không có địa chỉ cụ thể. Một nhóm người Việt ở California theo dõi tin tức cho biết họ đang tìm cách truy đến tận nơi – nếu có – để xác định công ty đó như thế nào. Chi tiết được tìm biết thêm, chủ sáng lập công ty có vẻ là một người Châu Á, tên Emylee Thai, và có 39 nhân viên đang làm việc. So với 100 xe đặt mua cho cuối năm 2022, mà vẫn chưa biết các cơ quan kiểm định Hoa Kỳ đã cho phép đáp ứng các yêu cầu để bán ra hay chưa, thì thông tin quảng cáo của VinFast nói trên có vẻ là tạo dựng.

Tạo những luồng thông tin giả, để lừa cả hệ thống chính quyền và người dân Việt, vẫn là điều thường thấy ở Việt Nam sau 1975, kéo dài cho đến nay, kể cả trong chính trị lẫn thương mại. Thậm chí, người dân Việt nhiều lần còn phát việc các vụ lừa đảo tầm quốc tế được mua bài trên các tờ báo nhỏ, hoặc trơ trẽn hơn, là trên cả trang quảng cáo nhưng giả như một bài viết độc lập.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

CHUYỆN CỦA NHỮNG NHÀ GIÀU 'MỚI', VIỆT NAM HÔM NAY

TUẤN KHANH/ BVN 14-1-2022


Chủ tịch SOVICO Nguyễn Thị Phương Thảo và Giáo sư Nick Brown - Hiệu trưởng Trường Đại học Linacre, Viện Đại học Oxford, ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Thông tin Chính phủ

Hồi Tháng Mười Một 2021, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VietJet Air, bỗng nổi như cồn, về chuyện móc túi tặng cho một phân viện của Đại học Oxford 155 triệu bảng Anh. Chuyện của bà đã tạo ra nhiều hiệu ứng rất thú vị trong xã hội Việt Nam.

Dễ thấy nhất là nhiều cây viết phục vụ cho các chính sách nhà nước, hay mơn trớn giới nhà giàu xã hội chủ nghĩa, lập tức lên giọng bảo vệ cho sự kiện này. Một trong các ngôn luận nổi cộm là kiểu phê phán thói xấu người Việt, rằng không hiểu sao đám đông vẫn hay “ghét” người giàu vô cớ, ganh tị hoặc không công bằng với người làm ra của cải hôm nay.

Dĩ nhiên, đọc là hiểu những ngôn từ đó nhằm bênh vực, che chắn cho một lớp đại gia hôm nay – trong đó có không ít người bỗng vụt lên giàu có như huyền thoại, không có lời giải. Loại huyền thoại dễ bắt gặp của một tầng lớp “thắng cuộc” sau 1975. Nói nôm na là không khác mấy chuyện Alibaba một ngày chợt nhìn thấy cửa hang châu báu rồi nghiễm nhiên trở thành ông chủ, bà chủ.

Thật ra, không ai tự dưng dòm ngó gì bà Thảo hay giới nhà giàu cả. Chuyện bà bỏ một số tiền khổng lồ để nâng đỡ cho việc xây dựng chất xám của nước Anh, và cả cho giá trị cá nhân mình – là quyền và chọn lựa riêng. Bất chấp những lời đồn thổi về nguồn gốc của số tiền ấy, trong khi giới kinh doanh bàn tán rằng vào tháng trước, VietJet của bà khai lỗ và kêu khó với nhà nước là hãng bay này đang “thiếu hụt khoảng 10,000 tỉ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Không thể phủ nhận rằng hôm nay Việt Nam có rất nhiều người giàu có. Đã qua các thời Việt kiều từ mọi phương trời về quê, xòe ra nắm ngoại tệ khiến ai cũng xanh mắt. Giờ thì thế hệ mới từ trong nước bay ra ngoại quốc mua cả một siêu thị, mua năm ba căn hộ một lúc bằng tiền mặt là chuyện bình thường. Dân làm lụng đầu tắt mặt tối, đóng thuế sôi mồ hôi cho chính phủ tư bản ngẩn người hỏi nhau “vì sao họ nhiều tiền vậy? Họ làm cách nào mà giàu vậy?”.

Việt Nam là một quốc gia chứa nhiều bí ẩn mang màu sắc dị thường. Từ chuyện những bà mẹ, vợ của những người bị đẩy vào trại học tập cải tạo làm sao để nuôi lớn những đứa con nheo nhóc của mình, làm sao có thể giữ gia đình tồn tại được ở miền Nam sau năm 1975, trong thời kỳ dò xét và khắc nghiệt ngăn sông cấm chợ qua từng ngày; cho đến một ngày lại đột nhiên thấy lớp nhà giàu “mới” nổi lên ở khắp nơi, cất giọng huênh hoang dạy dỗ trên cả truyền hình, báo chí. Những người giàu nhất được xuýt xoa mô tả và đôi khi khoác thêm chiếc áo yêu nước – nhưng không chắc có mấy ai trong số đó có một hồi ký chân thật về đời và cách làm giàu của mình.

Và khi những người giàu “mới” xuất hiện nhiều hơn, họ không kiềm chế nổi sự xa hoa hay sự thèm muốn chứng minh đẳng cấp nhất định của mình, thì cũng sản sinh ra một lớp người ve vuốt và bảo vệ cho giai cấp ấy. Hơn 30 năm trước, ở miền Bắc cũng như miền Nam, khi được hô là “nhà giàu” thì không ít người tái mặt. Giờ thì khác, hợp thức hóa đời sống giàu có là một nhu cầu bức thiết trong đời sống chính trị của giai cấp cách mạng vô sản cầm quyền.

Ở nhiều khu định cư của người Việt Nam trên thế giới, người ta vẫn hay giật mình chứng kiến sự xuất hiện của lớp người mới ấy, còn có thêm con cái, tài sản dịch chuyển… “Toàn là người bên Việt Nam mới qua”, lưu dân người Việt vẫn nói khẽ với nhau. Nhưng điều lạ, đó không là người Việt mà chúng ta thấy mỗi ngày trên các trang báo, truyền hình từ trong nước: Những người cơ cực không thể ngẩng đầu, những người bị bỏ tù vì lên tiếng trước những điều trái khoáy, hay gần nhất, là những đoàn người tháo chạy về quê giữa đại dịch trong niềm tuyệt vọng.

Thỉnh thoảng, ở giữa cuộc trà nước vỉa hè cũng có những cuộc tranh luận về nguồn gốc của người Việt giàu có thượng lưu của đất nước hôm nay. Dĩ nhiên, có những người cả đời gầy dựng và tạo nên của cải đáng tự hào, làm nên những giá trị có thật. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp khác, mà sự bùng phát phồn thịnh của họ – hay gia đình họ – có thể làm chung quanh ngỡ ngàng. Trên báo chí, thỉnh thoảng có người tự tiết lộ, giải thích rằng họ đã qua một thời gian dài buôn chổi đót hay làm men giá đỗ, trồng cây cảnh… nhưng nói gì thì nói, tầng lớp đó tạo ra sự hào nhoáng nhất định về một Việt Nam, và cũng tạo ra những hố thẳm về sự cách biệt giai tầng của cả Việt Nam.

Không chỉ người Việt nhìn nhau và thắc mắc. Nhìn vào Trung Quốc, nhiều người nước ngoài cũng tò mò khôn xiết. Trên tờ Financial Review, với bài viết có tên “Người giàu Trung Quốc: Họ lấy tiền ở đâu ra vậy?” (China’s rich: where do they get their money?), nhà báo nữ Sul-Lin Tan đặt một câu hỏi thảng thốt về quê hương của mình, nơi có một mô hình phát triển và cộng đồng “khá giả” bất ngờ mà cô nhìn thấy. Một trong những biểu hiện của cộng đồng khá giả đó là họ luôn mang căn bệnh cố phô ra hình ảnh giai cấp của họ. Nếu để ý, bạn cũng thấy người Việt Nam lâu nay cũng có một tầng lớp thích giới thiệu mình như vậy với đủ các chiều đạo đức giả lẫn biểu lộ trơ trẽn. Sâu thẳm trong việc trình bày sự giàu có của mình, có không ít những vị đại gia muốn được chính danh trong đời sống, chứ không cần e dè che đậy như nhiều năm trước. Dường như thời đã tới rồi.

Tháng Sáu năm nay, trên tờ SCMP, trong bài Indonesia targets its crazy rich Asians with 35 per cent income tax in bid to heal coronavirus-hit economy”, tác giả cho biết rằng, chính phủ Indonesia đang dò tìm để xem những “kẻ giàu điên cuồng” – giàu không giải thích được là như thế nào để đánh thuế thu nhập lên 35%. Nghe tin không khỏi mỉm cười: Indonesia, đất nước căm ghét cộng sản đến tận xương tủy, nhưng hành động không khác gì lý thuyết tinh thần cộng sản cao quý đã mất ở Châu Á. Indonesia gọi những kẻ đó là giàu điên cuồng (crazy rich). Loại giàu mà ở nước Mỹ vào thập niên 1950-1960 chỉ có bọn băng đảng, buôn lậu và tham nhũng cấu kết với chính quyền mới có thể tạo được cơ ngơi.

“Tiền của họ từ đâu mà có?”, nhà báo Sul-Lin Tan nhận được lời đáp từ một nhà đầu tư Trung Quốc giấu tên, rằng “Tiền? Mọi thứ đến từ những người làm quần quật ngày đêm ở Trung Quốc”. Bộ phim Crazy Rich Asians phát hành năm 2018 là một lời giải thích nhỏ.

Mặc dù bộ phim mượn bối cảnh ở Singapore chứ không phải Trung Quốc, nhưng câu chuyện thì đầy gợi ý. Rõ ràng có nhiều loại của cải ở châu Á, nhất là ở các nước độc tài cộng sản mà nhiều người ở phương Tây không thể nào hiểu được. “Tôi từng chứng kiến ​​nhiều người phương Tây há hốc mồm, trong một buổi bán biệt thự đắt tiền hoặc một bữa tiệc châu Á ngập tràn Prada và trứng cá muối. Nhưng nên nhớ, phía sau những điều đó vẫn là vô số người nghèo của đất nước họ” – bà Sul-Lin Tan nói.

Trong một nhận định của Aidan Foster Carter, chuyên gia về xã hội học và nghiên cứu Bắc Hàn hiện đại vào năm 2013, ông mô tả rằng chế độ cộng sản này dựng nên một mô hình kiểu mẫu mà Trung Quốc lẫn các nước cộng sản khác đều âm thầm học theo. Đó là hình thái đảng toàn trị và chỉ có giai cấp khá giả ăn theo đảng, còn lại tất cả – là nhân dân cần lao. Đó là một bộ máy nô lệ kiểu mẫu nuôi sống và duy trì chế độ. Giả như một đại nạn tới, chính quyền Bắc Hàn kêu cứu, điều đó không có nghĩa họ yêu nhân dân mà thật ra chỉ là sợ mất hay hao hụt tần suất duy trì chế độ từ nhân dân – lực lượng nô lệ.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy sự ích kỷ và tự mãn của một giai cấp khá giả lộ diện ở các nước độc tài – cộng sản, thỉnh thoảng bộc lộ qua lời ủng hộ nhiệt thành các chính sách của nhà nước, hay tuyên bố vung vít về hiện trạng xã hội như một triết gia. Nhưng nhiều người trong số họ luôn thầm kín ôm ấp những khát vọng xây dựng những thành trì khác của cuộc đời bên ngoài quê hương mình như một loại bảo hiểm hưởng thụ bí mật.

Bạn hãy ngồi xuống, tự ngẫm nghĩ xem mình đã bắt gặp những điều này ở đâu. trong đời mình?

T.K.

Nguồn: Tuấn Khanh's Blog


ĐÚNG LÀ 'THỜI LOẠN'

NGUYỄN NHƯ PHONG/ TD 14-1-2022


Bốn năm trước, tôi có viết cuốn tiểu thuyết mang tên ‘Thời loạn’. Cuốn tiểu thuyết nói về những “doanh nhân” mà để làm giàu, họ không từ một thủ đoạn nào. Thủ đoạn từ mưu mô thổi giá chứng khoán, buôn lậu vàng, thâu tóm đất đai đến đòi nợ thuê, rồi cả giết người… Những cuộc tình đầy toan tính và éo le.

Các biên tập viên của Nhà xuất bản CAND đọc rất thích nhưng cứ băn khoăn về chữ “Thời loạn”, bởi nó “nhạy cảm”. Xã hội ta đang tươi roi rói, cơ đồ sáng choang thế này, đi đâu cũng thấy cờ hoa biểu ngữ đỏ rực thế này mà lại bảo “Thời loạn”, nghe rất không được. Thôi vậy, thế thì đổi tên.

Bàn đi tính lại mãi với nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, cuối cùng đổi thành “Kim Tiền”, và cuốn tiểu thuyết đã đạt giải B cuộc thi Tiểu thuyết, Truyện ký của Bộ Công an và Hội Nhà văn năm 2020. Cuốn tiểu thuyết cũng chuyển thành kịch bản phim hình sự, nhưng chả ai dám đầu tư vì đây không phải là “hàng chợ”, đầu tư làm phim khá tốn tiền, phải gấp ba, gấp bốn lần phim “Thị trường” hiện nay.

Nói lằng nhằng một tý về cuốn sách. Nhưng giờ mới thấy thời buổi này đúng là “Thời loạn” thật. Đúng là “Thời loạn” khi mà liên tiếp xảy ra những vụ cha mẹ đánh chết con thơ. Con cái đánh chết cha mẹ.

Đúng là “Thời loạn” thật, khi mà nhiều ông to bà lớn, mới hôm trước còn lên bục răn dạy thiên hạ, thì ít hôm sau lại thấy “ăn năn, hối lỗi”.

Đúng là “Thời loạn” thật, khi mà xảy ra những vụ như Việt Á, lợi dụng dịch bệnh để kiếm chác, mà lại được tặng thưởng Huân chương mới là “loạn” chứ?

Đúng là “Thời loạn” thật, khi mà có không ít doanh nhân vừa mới lên diễn đàn thể hiện “lòng yêu nước vô bờ bến” thì lại có những hành vi lừa đảo, kiếm tiền bất chấp liêm sỉ?

Mà xem ra khá nhiều tình tiết hư cấu trong tiểu thuyết “Kim Tiền” là được các “roanh… nhân” hiện nay áp dụng. Kể cũng thú vị.

Mặc dù tôi biết, họ chả có thời gian đâu, văn hóa đâu mà đọc cuốn sách của tôi đến ngót 800 trang?

Đúng là “Thời loạn” thật!

Nguyễn Như Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét