Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2022

20220116. VAI TRÒ IELTS TRONG TUYỂN SINH ĐẠI HỌC?

ĐIỂM BÁO MẠNG

TUYỂN SINH ĐẠI HỌC: 
IELTS 'CHUỘNG' HƠN ĐIỂM 10? 

THÚY NGA/ VNN 9-1-2022

‘Cơn sốt’ luyện thi IELTS đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố, khi rất nhiều gia đình cho con luyện thi loại chứng chỉ này. Nhiều phụ huynh nhận thức IELTS là giấy thông hành để vào những trường ĐH top đầu ở Việt Nam.

Còn với các trường ĐH, việc sử dụng IELTS hay các chứng chỉ quốc tế khác như SAT, TOEFL… là một trong những tiêu chí ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng đã cho thấy khát vọng hội nhập với các nền giáo dục tiên tiến, nhất là từ khi được ‘tự chủ’ tuyển sinh từ năm 2018.

Đi đầu trong xu hướng này là ĐH Quốc gia Hà Nội với kỳ vọng sẽ tuyển được lứa thí sinh mới phù hợp cho các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh.

Cùng năm này, hai ngôi trường đào tạo hàng đầu về kinh tế là ĐH Ngoại thương và ĐH Kinh tế Quốc dân cũng mở rộng thêm một phương thức xét tuyển mới là xét tuyển kết hợp, trong đó yêu cầu IELTS đạt tối thiểu 6.5. Theo lý giải của ĐH Ngoại thương, việc xét tuyển kết hợp này sẽ áp dụng cho các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao – vốn đòi hỏi cao về năng lực tiếng Anh.
Ban đầu chỉ có một vài trường “tiên phong”, nhưng đến năm 2021, cả nước đã có khoảng hơn 60 cơ sở đào tạo sử dụng các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT,… là tiêu chí để ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng.

Tuyển sinh đại học: IELTS sẽ được 'chuộng' hơn điểm 10?
Bảng quy đổi điểm IELTS của một số trường đại học trong mùa tuyển sinh năm 2021

Đặc biệt hơn, mùa tuyển sinh 2021 vừa qua, những trường ĐH nổi tiếng có điểm chuẩn cao ‘chót vót’ như ĐH Y Hà Nội, Học viện An ninh Nhân dân,… cũng lần đầu tiên “săn lùng” thí sinh giỏi ngoại ngữ.

Trường ĐH Y Hà Nội dành 40 chỉ tiêu cho thí sinh giỏi tiếng Anh, Pháp. Thí sinh có chứng chỉ IELTS quốc tế từ 6.5 trở lên hoặc chứng chỉ tiếng Pháp DALF C1 được ưu tiên trong nhóm xét tuyển, với tổng điểm tổ hợp khối B00 có thể thấp hơn điểm chuẩn (không quá 3 điểm).

Từng là trường Y duy nhất trên cả nước đào tạo chương trình tiên tiến ngành cử nhân Điều dưỡng (dạy và học bằng tiếng Anh, cũng là ngành học duy nhất thuộc khối khoa học sức khỏe cả nước có chương trình tiên tiến), sau 10 năm đào tạo, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết có gần 50% sinh viên sau khi tốt nghiệp đã được cấp chứng chỉ hành nghề và đang làm việc tại các bệnh viện lớn của CHLB Đức.

Trường kỳ vọng sẽ từng bước hội nhập sâu rộng, thực hiện các chương trình đào tạo quốc tế, trong đó có những điều chỉnh về phương thức tuyển sinh để thu hút sinh viên giỏi có trình độ ngoại ngữ. Từ mùa tuyển sinh tới, trường dự kiến sẽ mở rộng cả về chỉ tiêu xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ lẫn mở rộng dần cả về chỉ tiêu xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ lẫn mở rộng ngành.

Sau 3 năm kể từ khi Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tuyển sinh lứa đầu tiên theo phương thức xét tuyển kết hợp, mặc dù chưa có những thống kê cụ thể, nhưng PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo đánh giá, “những sinh viên này đều có kết quả học tập tương đối tốt. Các em đều giỏi ngoại ngữ, có khả năng tư duy sâu và thành thạo nhiều kỹ năng,… Đây sẽ là ưu thế sau khi ra trường, giúp sinh viên có cơ hội việc làm tốt và đáp ứng yêu cầu của công dân toàn cầu”.

Vì thế, năm nay, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tiếp tục tăng chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển này, đến 15 – 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.

Cơ hội tốt để thay đổi

Một nữ tiến sĩ ở Học viện Ngân hàng cho biết, chị đã gặp nhiều sinh viên có điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh rất cao, nhưng khả năng tiếp cận, đọc hiểu tài liệu, giao tiếp, thuyết trình lại rất… đuối. Mà đấy lại là điều cần thiết trong môi trường đại học.

Còn theo một giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), “đối với những ngành khoa học cơ bản, ngoại ngữ sẽ là trợ thủ đắc lực giúp sinh viên có thể tự đọc và nghiên cứu các tài liệu quốc tế”.

Từng dẫn dắt nhiều sinh viên thực hiện các bài báo công bố quốc tế, việc đầu tiên anh thường yêu cầu sinh viên khi tới lab là phải đọc hiểu, phân tích được một số tài liệu, bài báo chuyên ngành ở cả trong nước và quốc tế liên quan đến hướng nghiên cứu dự định làm.

Lúc này, năng lực tiếng Anh để hỗ trợ cho việc tự học là yêu cầu bắt buộc, bởi giảng viên không thể làm thay.

Tuyển sinh đại học: IELTS sẽ được 'chuộng' hơn điểm 10?
Phổ điểm thi tiếng Anh trong kì thi tốt nghiệp năm 2021 từng khiến dư luận băn khoăn. Nguồn: Bộ GD-ĐT

Nhiều người nhìn nhận, kết quả bài thi tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa đủ để đánh giá năng lực, trình độ của thí sinh về các kỹ năng ngôn ngữ lẫn tư duy học thuật. Thậm chí, kể cả nếu thí sinh đạt điểm tuyệt đối bài thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh, điều này cũng không có nhiều giá trị nếu đề thi không mang tính phân loại cao.

Nhưng với các chứng chỉ quốc tế lại khác. Hệ thống thi và cấp chứng chỉ IELTS nói riêng và nhiều chứng chỉ tiếng Anh nói chung đã được hình thành trên toàn cầu trong một khoảng thời gian đủ dài và có uy tín.

“Ngôn ngữ IELTS chạm tới những chủ đề chuyên sâu nhất như kỹ thuật, kinh tế, khoa học, xã hội. Khi học sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên đồng nghĩa với việc các em đã có khả năng nghe, nói, đọc, viết ngôn ngữ tiếng Anh học thuật ở mức độ tương đối.

Do đó, đây sẽ là một công cụ tốt như một tiêu chí đầu vào, thậm chí là cả đầu ra cho các trường. Việc này cũng sẽ làm đa dạng hóa sự lựa chọn cho học sinh, tạo nền tảng tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế cho học sinh phổ thông và sinh viên đại học”, ThS Nguyễn Hồng Phương, giảng viên Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhìn nhận.

Thừa nhận một thực tế, sinh viên ngành y chưa thực sự chú trọng vào việc học ngoại ngữ, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội mong muốn, những thay đổi trong phương thức tuyển sinh năm nay sẽ khích lệ học sinh tự trau dồi năng lực ngoại ngữ khi còn học phổ thông, để ngoại ngữ sẽ là năng lực cần thiết với sinh viên muốn học ngành y.

“Có ngoại ngữ, sinh viên có thể học tập tích cực hiệu quả nhất, tự học, tự tìm tòi tham khảo các tài liệu, học liệu quốc tế, tham gia vào các diễn đàn y khoa để trau dồi kiến thức và năng lực chuyên môn. Thiếu ngoại ngữ, sinh viên khó có thể phát triển nghề nghiệp như mong muốn và đạt được những yêu cầu của y học trong thế giới hội nhập”.

GS Tú cho rằng quan niệm về dạy và học đại học ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Học đại học giờ đây không còn là chuyện cầm tay hướng dẫn như thời phổ thông nữa, mà sinh viên cần có khả năng tự học, tự tìm tòi có hướng dẫn, từ đó sẽ hình thành thêm năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo...

“Với những điều chỉnh về quy chế xét tuyển năm nay, có thể thấy những trường đại học, đặc biệt là những đại học tốp đầu, giờ đây đã coi ngoại ngữ là một năng lực cần thiết và xem đó như một tiêu chí quan trọng trong việc tuyển sinh”.

Khi Bộ GD-ĐT “thả” cho các trường có quyền tự quyết, đây chính là cơ hội tốt để các trường tự thay đổi mình. Các trường cần phải tìm ra những giải pháp phù hợp để có được nguồn tuyển chất lượng, mà việc sử dụng các chứng chỉ quốc tế có thể là một tiêu chí quan trọng giúp các trường tuyển được những lứa thí sinh có năng lực tốt trong tương lai.

Thúy Nga


THÍ SINH LO 'THIỆT THÒI' VÌ XÉT TUYỂN 

IELTS, CÁC ĐẠI HỌC NÓI GÌ ?


LÊ HUYỀN/ VNN 13-1-2022

Các trường ĐH ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khiến các thí sinh dự định dùng điểm thi tốt nghiệp để xét đại học cảm thấy thiệt thòi, điều này có đúng không?

Những năm gần đây, phương thức xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ được nhiều đại học chú trọng và có xu hướng ngày càng gia tăng. 

Ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong xét tuyển tổ hợp có môn tiếng Anh, thí sinh có chứng chỉ IELTS 6.0 được quy đổi 10 điểm môn tiếng Anh, IELTS 5.5 được quy đổi 9 điểm và IELTS 5.0 được quy đổi 8 điểm. Trong khi đó, chứng chỉ TOEFL iBT 79 được quy đổi thành 10 điểm. Mức thấp nhất là TOEFL iBT 46-47 được quy đổi là 8 điểm.

Còn Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh IELTS 6.0 trở lên vào ngành Sư phạm Tiếng Anh và Ngôn ngữ Anh tới 30% chỉ tiêu của ngành. Ngoài ra, thí sinh có điểm SAT 800 cũng được ưu tiên xét tuyển.

Thí sinh lo 'thiệt thòi' vì xét tuyển IELTS, các đại học nói gì?
Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ được nhiều trường đại học ưu tiên

Tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, thí sinh đạt IELTS 6.0 trở lên có thể đăng ký xét tuyển theo phương thức kết hợp vào ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học, vào ngành Điều dưỡng nếu IELTS 5.0 trở lên…

Trường ĐH Tôn Đức Thắng ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế hoặc chương trình quốc tế vào học chương trình đại học bằng tiếng Anh với thí sinh có chứng chỉ IELTS ≥ 5.0 (hoặc chứng chỉ quốc tế tương đương)…

Ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương IELTS 6.0 trở lên là một trong những tiêu chuẩn theo phương thức xét tuyển học sinh giỏi và xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn.

Thí sinh khác có thiệt thòi?

Các trường đại học lý giải ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL iBT, TOEIC, ACT vì muốn chủ động hội nhập quốc tế. Mặt khác đây là sự đa dạng trong tuyển sinh. Các trường đang tìm những phương thức khác để khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn tính phân loại mạnh thì các trường vẫn sẵn sàng trong việc tuyển sinh. Hơn nữa, để tốt nghiệp ở nhiều trường bắt buộc sinh viên phải có khả năng ngoại ngữ tốt.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho hay các trường đại học ưu ái cho thí sinh theo học chương trình bổ sung tiếng Anh vì việc xét này có nhiều ưu điểm. Đầu tiên, đây là những thí sinh thực sự có hiểu biết về ngành nghề, cơ hội việc làm và các chương trình trong trường đại học. Mặt khác, do được học tiếng Anh từ nhỏ nên khi vào đại học, các thí sinh có cơ hội tiếp cận tài liệu, giao tiếp và có cơ hội hội nhập cao hơn.

Về việc “ưu ái” thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ có khiến thí sinh khác không có điều kiện tiếp xúc học tiếng Anh thiệt thòi, ông Sơn cho rằng, điều này là có nhưng không nhiều vì chủ yếu các thí sinh ở vùng xa. Tuy nhiên theo ông Sơn, những thí sinh như vậy vẫn có nhiều cơ hội để xét tuyển bằng cách khác và các em vẫn phải học tập tốt tiếng Anh vì đây ngôn ngữ thứ hai.  

“Nếu thí sinh không học tập tiếng Anh tốt là không thể ra trường khi sắp tốt nghiệp vì các trường đại học đã đặt ra tiêu chí cho sinh viên phải đạt ngoại ngữ, nhất là môn tiếng Anh, phải đạt mức 3 trong khung năng lực 6 bậc do Bộ GD-ĐT quy định hay có chứng chỉ quốc tế như TOEIC, TOEFL, IELTS…Điều này bắt buộc các sinh viên nếu chưa có tiếng Anh đầu vào thì cũng phải học để có đầu ra”- ông Sơn nói.

Ngoài ra, theo ông Sơn chỉ tiêu xét học bạ hay thi tốt nghiệp ít đi vì hiện nay các trường dành tiêu chí xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực, xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế, xét tuyển những thí sinh có thành tích thể thao cao, ....đã nhiều hơn các năm trước. Nghiên cứu cho thấy sinh viên xét tuyển bằng học bạ THPT thì tỷ lệ học tập "ẹ" hơn nhiều so với xét tuyển bằng các phương thức khác.
 
Ông Phùng Quán, Trưởng phòng thông tin truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, cho rằng trong thời đại hội nhập, người không có ngoại ngữ đã là bất lợi lớn, sinh viên sẽ không có cơ hội kiếm được việc làm, có thu nhập cao nếu ra trường yếu tiếng Anh. Khi không có tiếng Anh khi vào đại học sẽ cực kỳ khó khăn cho việc học, nghiên cứu.

Thí sinh lo 'thiệt thòi' vì xét tuyển IELTS, các đại học nói gì?
Điểm xét tuyển của thí sinh trường dân tộc nội trú trong năm 2021

Ông Quán nhấn mạnh, các trường ĐH được quyền tự chủ về tuyển sinh, có nghĩa là có quyền, có cách chọn lựa học sinh đủ năng lực, phẩm chất vào học. Hiện nay có hơn 10 phương thức xét tuyển, học sinh có nhiều cơ hội để vào các trường ĐH. 

Đối với thí sinh ở khu vực miền núi, vùng sâu thiệt thòi khi tiếp cận ngoại ngữ, ông Quán cho rằng các em đã có những chế độ ưu tiên khác. Bằng chứng là năm nào trường dân tộc nội trú cũng nhiều thí sinh có điểm xét tuyển từ 28 đến 30  thậm chí hàng chục thí sinh có điểm xét tuyển trên 30.

Lê Huyền

 

CON ĐẠT 7.0 IELTS, PHỤ HUYNH VẪN NHƯ 'NGỒI TRÊN ĐỐNG LỬA'

PHƯƠNG MAI/ VNN 14-1-2022

Trước xu hướng tuyển sinh đại học bằng chứng chỉ IELTS, người “sốt cao” hơn cả chưa chắc đã là những thí sinh tương lai mà lại là phụ huynh.

Nhận kết quả con trai đạt 7.0 trong kỳ thi IELTS vừa qua, cả nhà chị Thu Hà (Hà Nội) không chút vui mừng.

Chị Hà đầu tư cho con học tiếng Anh để thi IELTS từ năm lớp 9, với học phí trọn gói hơn 40 triệu đồng. Trung tâm tiếng Anh này cam kết đầu ra của con chị sẽ từ 6.5-7.0 IELTS. 

Khi cho con học, một người thuộc thế hệ 7X như chị Hà nghĩ đạt 7.0 IELTS là 'quá ổn', và chị cũng không ngờ là sau vài năm các trường lại 'ồ ạt' xét tuyển đại học bằng chứng chỉ này như thế.

"Với mức 7.0 IELTS, cơ hội vào những trường hot như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân trở nên mong manh quá, vì nghe nói học sinh vào đây toàn có điểm IELTS cao vút. Tôi vừa đọc thấy Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến sẽ dành 25 – 35% chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển có sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, trong khi chỉ dành 10 – 15% trong tổng số chỉ tiêu để xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Thế nên, nếu tính đường vào đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, khả năng con mình được 29, 30 điểm để mà trúng tuyển cũng xa vời quá. Bên trường Ngoại thương cũng xét chứng chỉ ngoại ngữ cùng với học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp. Mà kết quả học của con hai năm rồi cũng không quá nổi trội ” – chị Hà chia sẻ sự lo lắng.

Con đạt 7.0 IELTS, phụ huynh vẫn như 'ngồi trên đống lửa'
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Thanh Tùng

Chị Hà cho biết, cả nhà chị đang cân nhắc các phương án khác nhau.

“Chúng tôi tính hoặc là tìm lớp luyện thi cấp tốc để thi IELTS thêm lần nữa, xem có nâng lên được nửa điểm không. Phương án này chắc tốn khoảng chục triệu, chưa kể gần 5 triệu lệ phí thi. Bên cạnh đó, bố cháu và cháu đang tìm hiểu về kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội vì thấy khá nhiều trường công bố tuyển sinh bằng phương thức này” – càng tính chị Hà càng lo lắng.

Gia đình chị Thanh Phương (Quận 3, TP.HCM) cũng lo lắng không kém dù đã cho cô con gái luyện thi IELTS.

Chị Phương nói gia đình mình không có điều kiện để cho con du học, con cũng biết vậy và xác định nếu có cơ hội học bổng thì sau khi học xong đại học ở trong nước mới đi. Vì vậy trước đây cả nhà chưa hề tính tới việc thi IELTS.

Nhưng từ đợt tuyển sinh đại học năm ngoái, thấy một số trường thuộc top đầu có xu hướng tuyển sinh bằng cả chứng chỉ Tiếng Anh, cộng với điểm chuẩn bằng điểm thi tốt nghiệp THPT quá cao, nên hồi tháng 8 năm ngoái, con chị đã xin cho theo học một lớp luyện thi IELTS online để tăng cơ hội vào đại học.

“Con biết kinh tế gia đình không dư dả nên cũng rụt rè, mình thấy vậy cũng thương, thôi thì hai vợ chồng gắng mà làm thêm để đóng học phí cho con. Bây giờ thấy cũng may mà cho con học vì con muốn vào Trường ĐH Luật TP.HCM hoặc ĐH Kinh tế - Luật, cả hai trường này đều có xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ”.

Chị Phương cho biết cô con gái đặt mục tiêu đạt 6.0, đã đăng ký thi đợt cuối tháng hai.

“Thấy con học suốt ngày, sau giờ đến trường là bài vở trên lớp, bài ở lớp học thêm với tiếng Anh mà mình cũng nóng ruột” – chị Phương than thở.

Trong khi đó, không ít học sinh lớp 12 cũng chia sẻ áp lực khi phải đạt điểm IELTS càng cao càng tốt.

Nguyễn Lâm An (Ba Đình, Hà Nội) bắt đầu học luyện thi IELTS theo yêu cầu của mẹ. Cô bé tự nhận định rằng mình không có năng khiếu ngoại ngữ, nên việc học tiếng Anh với em ngay từ cấp 1, cấp 2 khá chật vật, chỉ đạt kết quả khá dù mẹ đã rất đầu tư, từ học gia sư đến trung tâm.

Đến năm lớp 10, mẹ cô bé cho học luyện IELTS với mục đích có thể cho đi du học.

“Em từng thi được 5.5 thôi. Mẹ nói bây giờ đang dịch nên không cho đi du học nữa nhưng vẫn yêu cầu em phải đạt tối thiểu là 6.5 để được xét tuyển vào mấy trường nhóm đầu vì nếu xét điểm thi tốt nghiệp THPT sợ em không đủ. Bây giờ em đang học luyện một thầy một trò, em thấy học vừa nặng vừa tốn tiền của mẹ, lại lo việc phải đỗ đại học nên rất áp lực”.

Năm 2021, cả nước có khoảng hơn 60 cơ sở đào tạo sử dụng các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT… là tiêu chí để ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng.

Thậm chí, những trường đại học nhóm đầu thường có điểm chuẩn cao ‘chót vót’ như Trường ĐH Y Hà Nội, Học viện An ninh Nhân dân… cũng lần đầu tiên “săn lùng” thí sinh giỏi ngoại ngữ.

Nhiều người nhìn nhận, kết quả bài thi tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa đủ để đánh giá năng lực, trình độ của thí sinh về các kỹ năng ngôn ngữ lẫn tư duy học thuật. Thậm chí, kể cả nếu thí sinh đạt điểm tuyệt đối bài thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh, điều này cũng không có nhiều giá trị nếu đề thi không mang tính phân loại cao.

Nhưng với các chứng chỉ quốc tế lại khác. Hệ thống thi và cấp chứng chỉ IELTS nói riêng và nhiều chứng chỉ tiếng Anh nói chung đã được hình thành trên toàn cầu trong một khoảng thời gian đủ dài và có uy tín.

“Ngôn ngữ IELTS chạm tới những chủ đề chuyên sâu nhất như kỹ thuật, kinh tế, khoa học, xã hội. Khi học sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên đồng nghĩa với việc các em đã có khả năng nghe, nói, đọc, viết ngôn ngữ tiếng Anh học thuật ở mức độ tương đối.

Do đó, đây sẽ là một công cụ tốt như một tiêu chí đầu vào, thậm chí là cả đầu ra cho các trường. Việc này cũng sẽ làm đa dạng hóa sự lựa chọn cho học sinh, tạo nền tảng tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế cho học sinh phổ thông và sinh viên đại học”, một giảng viên nhận định.

Năm 2022 này, thay vì dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT như những năm trước, các trường đã công bố phương án tuyển sinh với điểm chung là giảm chỉ còn từ 50% chỉ tiêu trở xuống cho phương thức này. Thậm chí, ở một số trường top, số lượng chỉ tiêu dựa trên kết quả kỳ thi do Bộ GD-ĐT tổ chức đã giảm xuống còn 10 – 20%, thấp nhất từ trước đến nay. Số lượng chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển đại học có sử dụng chứng chỉ quốc tế gia tăng, một số trường thậm chí dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp có chứng chỉ quốc tế. Ví dụ như Trường ĐH Thương mại dành khoảng 40% cho phương thức xét tuyển này trong tổng số 4.150 chỉ tiêu tuyển sinh của trường; hay Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến sẽ dành 25 – 35% chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển có sử dụng chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế như IELTS...

Phương Mai


LO BẤT BÌNH ĐẲNG VÌ XÉT TUYỂN ĐẠI HỌC BẰNG IELTS, BỘ GD-ĐT LÊN TIẾNG

THANH HÙNG / VNN 16-1-2022

Sau khi một số trường đại học công bố phương án tuyển sinh năm 2022, nhiều thí sinh bày tỏ lo lắng liệu cơ hội vào đại học có sụt giảm khi những phương án xét tuyển sử dụng chứng chỉ này ngày càng gia tăng. 

Trao đổi với VietNamNet, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho hay các thí sinh sẽ không hề bị mất cơ hội vào đại học đúng với năng lực của mình.

Lo bất bình đẳng vì xét tuyển đại học bằng IELTS, Bộ GD-ĐT lên tiếng
Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, năm 2021, số trường đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển là hơn 92%; số trường sử dụng kết quả học tập bậc THPT (học bạ) để xét tuyển là hơn 77%.

Số liệu này cho thấy hầu như các trường sử dụng 2 phương thức cơ bản nêu trên. Nhưng, điều này chưa quan trọng bằng số chỉ tiêu và số liệu nhập học cụ thể của các trường trong toàn hệ thống.

“Qua thống kê tổng chỉ tiêu mà các trường xác định, cũng như con số nhập học thực tế trong năm 2021, 90% thí sinh nhập học theo 1 trong 2 phương thức: sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập bậc THPT (học bạ). Các thí sinh trúng tuyển bằng phương thức khác tổng số chưa đến 10%. Như vậy, 2 năm vừa qua, xu thế đó gần như không có thay đổi nhiều. Có thể nói, tỉ trọng xét tuyển bằng các phương thức khác là không cao so với tổng thể”, bà Thủy phân tích.

Do đó, bà Thủy nhận định, trong năm 2022, với tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể chưa được khống chế hoàn toàn (chưa thuận lợi để tổ chức thi riêng và thi Đánh giá năng lực một cách phổ biến), thì tỉ lệ nhập học đối với các phương thức vẫn có thể tương tự và ổn định như giai đoạn 2020-2021.

“Các năm tiếp theo, khi các trung tâm khảo thí độc lập đi vào vận hành ổn định, tỉ trọng các trường tốp trên sử dụng kết quả này sẽ gia tăng mạnh mẽ (để dần thay thế cho kết quả thi tốt nghiệp THPT). Các kỳ thi riêng do các nhóm trường tổ chức cũng sẽ chiếm tỉ trọng lớn hơn, được chấp nhận rộng rãi hơn, xu hướng sẽ không cao bằng kết quả thi của các trung tâm khảo thí độc lập vì việc tổ chức thi là tốn kém, vất vả; nếu sử dụng dịch vụ đáng tin cậy thì các trường sẽ chuyển sang sử dụng dịch vụ”.

Xét tuyển bằng IELTS, TOEFL không phải là tiêu chí duy nhất

Theo bà Thủy, đa phần các trường sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển. Một số cơ sở giáo dục đại học thuộc top đầu – các trường có những chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến học hoàn toàn bằng Tiếng Anh -  thì việc sử dụng thêm các tiêu chí như chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, TOEFL trong xét tuyển cũng là điều bình thường, hợp lý, bởi có tính hội nhập quốc tế.

“Tiêu chí về IELTS, TOEFL cũng không phải là tiêu chí duy nhất, mà thông thường các trường còn căn cứ kết hợp cả kết quả học tập hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT. Chưa kể, cũng chỉ một phần chỉ tiêu là được xác định tuyển sinh bằng phương thức này”.

Với các thí sinh lo ngại liệu có thiệt thòi, bất công khi khó cạnh tranh nếu các trường thêm tiêu chí IELTS, TOEFL,... bà Thủy cho hay: “Việc tuyển sinh luôn tuân thủ nguyên tắc lấy từ cao xuống thấp theo các ngành nghề lĩnh vực và phương thức tuyển sinh mà các trường áp dụng, và quan trọng là cũng tùy thuộc nguyện vọng đăng ký của thí sinh vào các phương thức. Do vậy, nếu thí sinh không trúng tuyển ở phương thức này, vẫn có cơ hội trúng tuyển bằng phương thức khác theo đúng năng lực của thí sinh, trong bối cảnh cạnh tranh với các thí sinh khác có cùng nguyện vọng”.

Bà Thủy cũng cho rằng, hiện nay, hầu hết các trường sử dụng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT (chỉ trừ các trường tuyển sinh năng khiếu). Do đó, nếu có năng lực và đủ quyết tâm, ôn tập tốt, tinh thần vững vàng, các em vẫn hoàn toàn có thể trúng tuyển, không hề mất cơ hội.

“Tôi cũng rất chia sẻ với lo lắng sẽ khó trúng tuyển vào các trường thuộc tốp đầu, cạnh tranh rất cao của các thí sinh. Tuy nhiên, nếu xác định mục tiêu phù hợp năng lực và nỗ lực hết mình thì tôi cho rằng các em không mất cơ hội vào đại học mà mình yêu thích.

Có một thực tế là, trong 2 năm qua, do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số thí sinh đã ôn luyện và thi được các chứng chỉ IELTS, TOEFL nhưng không thực hiện được mục tiêu chính là du học nên các em cũng đã dùng kết quả đó để đăng ký và nhập học vào các trường trong nước. Do vậy, điều này có thể khiến thí sinh sử dụng chứng chỉ này để đăng ký xét tuyển cao hơn một chút so với trước. Tuy nhiên, số chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL,... không quá nhiều và chủ yếu là dành cho các ngành/chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Bởi lẽ, khi không có khả năng tiếng Anh tốt thì các thí sinh cũng khó có thể học tốt hay theo kịp chương trình đào tạo”.

Bà Thủy cho rằng, với xu hướng quốc tế hóa giáo dục đại học hiện nay, với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ cao cho công dân toàn cầu, thì việc các trường đại học (nhất là các trường hàng đầu) sử dụng các tiêu chí chuẩn hóa quốc tế, được công nhận rộng rãi trên thế giới (như SAT, ACT, IELTS…) để tuyển sinh cũng là điều dễ hiểu và đáng được ghi nhận.

“Có như vậy, cùng với các nỗ lực khác, giáo dục đại học Việt Nam cũng sẽ dần đối sánh được với các nước khác trên thế giới và khu vực, đồng thời tiếp tục thu hút hơn nữa thí sinh nước ngoài tới học. Điều này cũng đúng theo quyền tự chủ kèm theo trách nhiệm giải trình trong công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học”.

Xu hướng tuyển sinh đại học 2022 sẽ không thay đổi nhiều?

Lo bất bình đẳng vì xét tuyển đại học bằng IELTS, Bộ GD-ĐT lên tiếng
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT

Tuy nhiên, từ phía Bộ GD-ĐT, bà Thủy cho hay, Bộ cũng khuyến cáo các trường khi đưa ra những phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh thì cần đảm bảo sự ổn định, tránh việc gây xáo trộn, biến động lớn ảnh hưởng đến việc học tập và ôn luyện của thí sinh.

“Khi có những thay đổi lớn thì các trường cần thông báo trước với xã hội, dự trù thời gian để thí sinh có thời gian chuẩn bị cho việc ôn luyện. Các tiêu chí tuyển sinh cần phù hợp với ngành đào tạo và phân loại được thí sinh, việc xét tuyển thực hiện trên cùng thang đo, trên một mặt bằng chung nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào, tăng cường cả chất lượng đào tạo, để xây dựng và khẳng định uy tín của nhà trường. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, giảm áp lực cho thí sinh, đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thí sinh, công bằng giữa các cơ sở đào tạo, các vùng miền, khu vực”, bà Thủy nhấn mạnh.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, các thí sinh và phụ huynh không nên quá lo lắng, bởi xu hướng mùa tuyển sinh năm 2022 cũng sẽ không thay đổi quá nhiều, phương án tuyển sinh về cơ bản sẽ giữ ổn định tương đối so với năm 2020, 2021. Thay vào đó, cần tập trung vào việc học tập, ôn luyện, tránh hoang mang bởi những thông tin không chính thống.

Thanh Hùng


BỘ GIÁO DỤC NÊN HỌC CÁCH TỔ CHỨC THI CỬ VÀ QUẢN LÝ BẰNG CẤP NHƯ IELTS

SƠN QUANG HUYẾN/GDVN 16-1-2022
GDVN- Ngành giáo dục nên có cách thức tổ chức các kì thi ngoại ngữ nói riêng, các kì thi khác nói chung, minh bạch và có phương thức quản lý bằng cấp, chứng chỉ.

Thời gian qua, chuyện học sinh học và thi IELTS nói riêng và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nói chung, đã được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh vừa ban hành Quyết định số 12 và 13/QĐ-SGDĐT ngày 7/1/2022 về việc đặc cách công nhận học sinh giỏi tỉnh năm học 2021 - 2022 cho 77 em có chứng chỉ quốc tế các môn tiếng Anh và tiếng Pháp lớp 12.[1]
Ở môn tiếng Anh, trong số 73 học sinh được công nhận học sinh giỏi tỉnh năm học 2021 - 2022 có 9 em đạt 8.0 điểm IELTS, tương đương với giải nhất học sinh giỏi tỉnh môn tiếng Anh; 30 em đạt 7.5 điểm IELTS, tương đương với giải nhì học sinh giỏi tỉnh; 34 em đạt 7.0 điểm IELTS, tương đương với giải ba học sinh giỏi tỉnh môn tiếng Anh.
Nhiều trường đại học công bố phương án tuyển sinh năm học 2022 – 2023 đã sử dụng IELTS để xét tuyển, trong phương án tuyển sinh.
Đừng lo ngại học sinh học lệch vì thi IELTS
Thực tế, gần 40 năm dạy học, người viết thấy những học sinh phổ thông dám học và thi IELTS nói riêng và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nói chung, xứng đáng nhận được sự khen ngợi của xã hội.
Những học sinh phổ thông dám thi IELTS nói riêng và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nói chung, học không vì điểm số, thành tích, mà các em học vì đam mê, có mục tiêu rõ ràng.
Điều này khác biệt với không ít học sinh của chúng ta đang học ngoại ngữ vì thành tích, điểm số chứ không phải vì phát huy năng lực ngoại ngữ.[2]
Những học sinh phổ thông dám học và thi IELTS nói riêng và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nói chung là những học sinh có ý thức tự học.
Để có kết quả thi IELTS nói riêng và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nói chung, ngoài học bên ngoài… nhưng cơ bản nhất, học sinh phổ thông phải tự học là chủ yếu.
Phiếu thu lệ phí thi IELTS. (Ảnh chụp màn hình)
Có người cho rằng, do lệ phí thi IELTS (4.750.000 đồng) quá cao so với mức thu nhập của người dân Việt Nam, nên học sinh chúng ta không tham gia thi, chỉ gia đình có khả năng mới cho con thi IELTS, nên sử dụng IELTS trong xét tuyển sinh đại học là không công bằng.
Hoàn toàn không phải vậy, ngày 15/01/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND về việc quy định chế độ khuyến khích tài năng cho học sinh trường trung học phổ thông Chuyên, trường phổ thông và các trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo quy định, những học sinh trường trung học phổ thông Chuyên, trường phổ thông và các trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khi đạt được chứng chỉ tiếng Anh Quốc tế (IELTS, TOEFL, CEFR) sẽ được thưởng từ 5 – 8 triệu đồng.[3]
Theo đó, chỉ cần học sinh phổ thông đạt IELTS 5.0, là có tiền thưởng 5.000.000 đồng, như vậy là thu bù chi, hay nói cách khác “hòa vốn”.
Thế nhưng, số học sinh phổ thông trung học tham gia thi IELTS không nhiều, ngay tại huyện Xuyên Mộc, nơi người viết công tác, hàng năm số học sinh thi IELTS chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đừng lo ngại học sinh học lệch vì thi IELTS, những học sinh thi IELTS là những học sinh có ý thức tự học, biết làm chủ bản thân, chắc chắn các em sẽ biết mình cần học cái gì cho cuộc đời mình.
Bằng cấp, chứng chỉ, thi cử, chúng ta nên học theo cách tổ chức thi IELTS
Không phải ngẫu nhiên các trường đại học sử dụng IELTS làm tiêu chí xét tuyển sinh, học đại học cần phải có ý thức, năng lực tự học, sử dụng IELTS làm tiêu chí xét tuyển sinh, tức là đã tuyển được sinh viên đầu vào có năng lực, ý thức tự học.
Các trường đại học nên ưu tiên xét tuyển chứng chỉ B1, B2 thay vì IELTS
Các trường đại học nên ưu tiên xét tuyển chứng chỉ B1, B2 thay vì IELTS
Bên cạnh đó, các loại bằng cấp, chứng chỉ ở nước ta có thể đều bị làm giả, hay học giả bằng thật, từ bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ… cho đến chứng chỉ nghề Tin học, với IELTS, không có chuyện đó. Chỉ vài cú kích chuột, có thể kiểm chứng ngay chứng chỉ IELTS thật hay giả.
Cách thức tổ chức thi IELTS minh bạch, không thể “chạy”, loại bỏ hoàn toàn “học giả bằng thật”; ngoài ra, tổ chức thi IELTS cũng đóng góp vào ngân sách, khi lệ phí có 10% VAT.
Thầy Ph. một giáo viên dạy Anh ngữ (đề nghị giấu tên) cho biết: “Đề thi IELTS không thể “học tủ”, “dạy tủ”, chỉ có thể học hiểu, rèn luyện đầy đủ kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, mới có thể làm tốt.
Chỉ riêng nội dung đề thi IELTS, nó đã toát lên được nội hàm của cách dạy, cách học, định hướng được phương pháp dạy, phương pháp học: rèn luyện, phát huy phẩm chất, năng lực của người học, điều mà giáo dục chúng ta đang hướng tới trong môn ngoại ngữ nói riêng và giáo dục nói chung”.
Điều đặc biệt hơn, chứng chỉ IELTS chỉ có giá trị 02 năm, khác với các chứng chỉ ngoại ngữ “nội” có giá trị trọn đời.
Sau 2 năm, chứng chỉ IELTS không còn tác dụng, học sinh phổ thông bắt buộc phải ôn luyện, tự học trọn đời, không tự mãn, tự kiêu, ỷ lại, nhờ đó chúng ta có một nguồn nhân lực ngoại ngữ chất lượng cao.
Trong lúc đó, ở nước ta, ngay “Bằng tiến sĩ lưỡng dụng: “vừa tiến vừa… sĩ”” [4]. Học sinh phổ thông thi IELTS mà không thi các chứng chỉ “ngoại ngữ nội”, dù những chứng chỉ đó có giá trị trọn đời, điều đó cũng phản ánh phương thức tổ chức thi, quản lý chứng chỉ có vấn đề, phải sửa đổi cho phù hợp.
Vì thế, ngành giáo dục nên có cách thức tổ chức các kì thi ngoại ngữ nói riêng, các kì thi khác nói chung, minh bạch, có phương thức quản lý bằng cấp, chứng chỉ không thể làm giả, người viết tin rằng, các trường đại học sẽ dùng chứng chỉ B1, B2 xét tuyển như IELTS, chứ không phải “ưu tiên” nữa.[2]
Tài liệu tham khảo:
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét