Thứ Hai, 24 tháng 1, 2022

20220125. MÙA GIẢI THƯỞNG VINFUTURE LẦN THỨ NHẤT

ĐIỂM BÁO MẠNG


GIÁO SƯ ĐẠI HỌC CAMBRIDGE: SỨ MỆNH PHÁ RÀO CẢN  VÀ TRUYỀN CẢM HỨNG TỪ VINFUTURE

THE INDEPENDENT/ GDVN 31-12-2021

The Independent - tờ báo uy tín bậc nhất của Anh vừa đăng tải nguyên văn bài viết của Sir Richard Friend, Giáo sư Vật lý, Trường đại học Cambridge (Anh) thể hiện góc nhìn về đổi mới trong Khoa học và Công nghệ.

Đáng chú ý nhất, hơn một nửa bài viết được vị giáo sư dành để phân tích về VinFuture - Giải thưởng trị giá 4,5 triệu USD do người Việt khởi xướng.

“Thông qua việc nâng cao nhận thức về những đột phá trong Khoa học và Công nghệ, chúng ta có thể phá bỏ các rào cản, tạo sự chú ý cho những phát triển mới và truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai”, Giáo sư Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, viết.

Bài báo của Giáo sư Sir Richard Friend, FRS – Chủ 


tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture trên tờ The 

Independent

Tôn vinh những người có thể mang lại thay đổi cho thế giới

Bài viết của Giáo sư Richard Friend được đăng tải tại chuyên mục Góc nhìn của tờ báo nổi tiếng có hàng chục triệu độc giả trên khắp thế giới với tiêu đề “Khoa học và Công nghệ là chìa khóa của một tương lai bền vững - chúng ta cần khuyến khích sự đổi mới”.

Mở đầu bằng việc đề cập tới những cam kết tích cực tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc - COP26, Giáo sư Richard Friend cho rằng: “Sự sáng tạo và khám phá của mỗi cá nhân vẫn là yếu tố quan trọng để giải quyết các thách thức toàn cầu, và Khoa học - Công nghệ chính là chìa khóa để mang lại một tương lai bền vững và trao quyền vào tay mọi người”.

Vấn đề là làm sao để con người thực sự nắm giữ chìa khóa quan trọng ấy. Theo vị giáo sư của Đại học Cambridge, cải thiện kinh phí nghiên cứu là chưa đủ.

Quan trọng hơn là khuyến khích sự đổi mới mang tính đột phá, tạo nên nền tảng cho những sáng kiến ít được biết đến tại các lĩnh vực mới.

Đặc biệt, ông nhắc tới sự cần thiết của việc tôn vinh những người có thể mang lại thay đổi tích cực cho mọi người trên thế giới.

Vị giáo sư lấy ví dụ về Giải thưởng toàn cầu VinFuture trị giá 4,5 triệu USD được công bố lần đầu vào tháng 12/2020, dành cho các nghiên cứu khoa học và đổi mới mang tính đột phá, giúp tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày của con người trên khắp thế giới. Và đây cũng chính là điểm khác biệt của Giải thưởng Khoa học Công nghệ toàn cầu do người Việt Nam khởi xướng.

“Các giải thưởng uy tín tồn tại nhưng vẫn chưa có nhiều giải tập trung rõ ràng vào cách khoa học và công nghệ có thể tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”, bài viết trên The Independent có đoạn.

Sir Richard Friend, FRS - Giáo sư Vật lý tại Đại học


 Cambridge, nổi tiếng với các nghiên cứu về OLED


 được ứng dụng để phát triển màn hình phẳng, màn


 hình cuộn, màn hình chuyển động. Ứng dụng được


 biết đến nhiều nhất là TV màn hình OLED

VinFuture - nơi “trau dồi và nuôi dưỡng sự đổi mới”

Giải thích thêm về sức tác động của những Giải thưởng như VinFuture, Giáo sư Richard Friend khẳng định, VinFuture rõ ràng đã giải quyết hai vấn đề lớn là “trau dồi và nuôi dưỡng sự đổi mới”.

Điều ý nghĩa trước hết được Giáo sư chỉ ra là: “Thông qua việc nâng cao nhận thức về những đột phá trong khoa học và công nghệ, chúng ta có thể phá bỏ các rào cản, tạo sự chú ý cho những phát triển mới và truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai”.

Điều này có thể hiểu rằng, việc ghi nhận những thành tựu khoa học tại các giải thưởng như VinFuture sẽ giúp thúc đẩy sự đa dạng trong cộng đồng khoa học và mở rộng cơ hội tiếp cận của nhiều đối tượng trong ngành Khoa học, Công nghệ.

Với VinFuture, ngoài Giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD, điều khác biệt còn ở 3 Giải đặc biệt (trị giá 500.000 USD/mỗi giải) dành cho nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phá triển và nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực mới.

Đó có lẽ là nguồn cảm hứng để Giáo sư Richard Friend nhắc tới việc cần khuyến khích các nhà khoa học từ nhiều nhóm hoặc quốc gia khác nhau.

Theo ông, phụ nữ thực tế vẫn ít được vinh danh tại nhiều lễ trao giải danh giá trên thế giới , bao gồm cả lĩnh vực khoa học công nghệ.

Vị Giáo sư dẫn thống kê tại Anh, phụ nữ chỉ chiếm 20% lực lượng lao động trong các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học).

“Chúng ta không thể bỏ lỡ việc huy động các tài năng nữ trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu khác”, ông cảnh báo.

Tương tự, vị giáo sư nhắc tới tình trạng, tiếng nói của các nhà khoa học từ các nước đang phát triển thường “không được lắng nghe rộng rãi như những gì họ xứng đáng được có”.

Khẳng định sự bất bình đẳng có thể rất nguy hiểm, ông lấy ví dụ về việc phân bổ vắc xin không đồng đều đã cho thấy sự chênh lệch giữa các quốc gia giàu và nghèo có thể đe dọa an ninh toàn cầu ra sao.

Nói về tương lai, vị giáo sư cho rằng, mặc dù con người đã có những tiến bộ vượt bậc nhưng những đổi mới có thể giải quyết những thách thức toàn cầu vẫn chưa được chú trọng.

“Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để tiếp thêm sinh lực, động lực và truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo của các nhà khoa học và kĩ sư - những người sẽ tạo ra những đổi mới này”, Giáo sư nhấn mạnh.

VinFuture chính thức ra mắt ngày 20/12/2020. Đây là một trong các giải thưởng Khoa học Công nghệ thường niên có giá trị lớn nhất thế giới. Người sáng lập Giải thưởng VinFuture là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân là bà Phạm Thu Hương. Ngay trong năm đầu tiên, VinFuture đã tiếp nhận tới gần 600 dự án đến từ hơn 60 quốc gia và 6 châu lục.

Theo công bố mới nhất, VinFuture đã hoàn tất thẩm định và thống nhất tôn vinh 4 công trình khoa học kiệt xuất. Chủ nhân 4 giải thưởng VinFuture lần thứ Nhất sẽ công bố tại lễ trao giải diễn ra vào ngày 20/01/2022 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.

Giáo sư Richard Friend hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture. Ông là một trong các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới với hơn 20 bằng sáng chế, 164.623 trích dẫn khoa học trong các công bố khoa học uy tín trên Thế giới và là tác giả/đồng tác giả của hơn 1.000 ấn phẩm khoa học.

Link tham khảo:

https://www.independent.co.uk/climate-change/opinion/sustainable-innovation-climate-change-technology-b1982914.html

Theo The Independent
NHIỀU NHÀ KHOA HỌC LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI  SỄ THAM GIA TUẦN LỄ TRAO GIẢI VINFUTURE

THU GIANG/ GDVN 13-1-2022
GDVN- Một trong những tên tuổi được giới khoa học toàn cầu kính nể nhất sắp có mặt tại Việt Nam là Giáo sư Sir. Richard Henry Friend đến từ Đại học Cambridge (Anh).

Sự hiện diện của các chủ nhân những giải thưởng khoa học, công nghệ danh giá nhất thế giới như Nobel, Millennium Technology hay Breakthrough, những người góp phần thay đổi thế giới, tại Tuần lễ trao giải VinFuture (từ 18 - 21/01/2022) khẳng định uy tín quốc tế và vị thế toàn cầu của giải thưởng khoa học công nghệ đầu tiên do người Việt khởi xướng.

Những bộ óc xuất chúng nhất của thế giới đương đại

Một trong những tên tuổi được giới khoa học toàn cầu kính nể nhất sắp có mặt tại Việt Nam là Giáo sư Sir. Richard Henry Friend đến từ Đại học Cambridge (Anh). Ông đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture.

Sở hữu hơn 20 bằng sáng chế, là tác giả, đồng tác giả của hơn 1.000 ấn phẩm khoa học, Giáo sư Friend hiện là một trong những “cây đại thụ” có ảnh hưởng nhất thế giới. Đặc biệt, vị Hiệp sĩ Hoàng gia Anh còn là chủ nhân Giải Millennium Technology 2010 - Giải Công nghệ Thiên niên kỷ tầm vóc sánh ngang Nobel.

Các nghiên cứu được xếp vào hàng xuất sắc nhất thế kỷ XX của Giáo sư Friend về OLED giúp ông không chỉ ghi dấu ấn trong cộng đồng khoa học hàn lâm toàn cầu mà còn được cả thế giới biết đến.

Ngày nay, trong hầu hết mỗi gia đình đều có ít nhất một thiết bị ứng dụng thành quả nghiên cứu để đời của Giáo sư Friend, đó là màn hình tivi, điện thoại OLED.

Trong sự kiện mở màn cho Tuần lễ trao giải VinFuture, ngày 18/01, Giáo sư Friend sẽ có buổi giao lưu với các nhà nghiên cứu Việt Nam để chia sẻ về niềm đam mê, những thành tựu và hy sinh của người làm khoa học.

Cũng tại buổi giao lưu này, công chúng Việt Nam sẽ có cơ hội hiếm hoi gặp gỡ chủ nhân của Giải Nobel Vật lý 2018 - Giáo sư Gérard Albert Mourou đến từ Đại học École Polytechnique (Pháp). Là người tiên phong trong lĩnh vực kỹ thuật điện và laser, ông cũng chính là “cha đẻ” của công nghệ khuếch đại xung laser cực ngắn (CPA).

Chùm laser sắc bén do Giáo sư Mourou tạo ra có thể cắt hoặc khoan lỗ qua nhiều vật liệu khác nhau với độ chính xác cực cao, ngay cả với vật chất sống. Kỹ thuật giúp thực hiện những ca phẫu thuật mắt cho hàng triệu người mỗi năm. Công nghệ còn được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi đột phá trong điều trị ung thư và các nghiên cứu vật lý khác trong tương lai.

Một gương mặt cũng được đặc biệt trông đợi là Tiến sĩ Katalin Kariko - “người hùng thầm lặng” đứng sau vắc xin mRNA chống COVID-19.

Năm 2020, giữa lúc hệ thống y tế thế giới còn đang quay cuồng trong cuộc đấu tranh giành giật sự sống cho các bệnh nhân COVID-19 nặng, các vắc xin của Moderna (Mỹ) và Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) đã ra đời như một phép màu.

Đó là 2 loại vắc xin mRNA được phát triển với tốc độ nhanh kỷ lục - chỉ vài tháng - dựa trên chính thành quả nghiên cứu mà Tiến sĩ Kariko kiên trì theo suốt nhiều chục năm.

Trước COVID-19, ít ai có thể hình dung ra một “vũ khí” thần tốc, có thể bảo vệ mạng sống cho hàng tỉ người như vắc xin mRNA. Thành tựu đột phá mang lại cho Tiến sĩ Kariko giải thưởng Breakthrough danh giá năm 2021. Bà đồng thời được tạp chí uy tín Time bình chọn là “Người hùng của năm” và Top 100 người ảnh hưởng nhất thế giới 2021.

Tham gia Tuần lễ trao giải VinFuture, ngày 19/01, Tiến sĩ Kariko sẽ có buổi chia sẻ về “Tương lai của sức khỏe”.

Tại đây, ngoài câu chuyện ít biết đến về hành trình khoa học 30 năm đầy chông gai trước khi đạt đến đỉnh vinh quang, Tiến sĩ Kariko sẽ đưa ra những phân tích và góc nhìn về tiến bộ của y học trong cuộc sống, đặc biệt là các vấn đề nóng xoay quanh cuộc chiến của cả nhân loại với đại dịch COVID-19.

Hội đồng giải thưởng VinFuture

Sự kiện khoa học tầm cỡ thế giới

“Bữa tiệc” khoa học, công nghệ đỉnh cao của VinFuture còn có sự tham gia của chủ nhân giải thưởng Breakthrough 2021, Giáo sư Drew Weissman và Giáo sư Pieter R. Cullis. Cả hai đều là những “người hùng” sát cánh cùng Tiến sĩ Katalin Kariko để tạo ra vắc xin mRNA, giải cứu thế giới trước “cơn bão” COVID-19.

Cũng trong khuôn khổ Tuần lễ trao giải VinFuture, cộng đồng khoa học và công chúng Việt Nam sẽ lần đầu tiên có cơ hội gặp gỡ, giao lưu cùng tác giả của phát minh gel Tenofovir.

Đây là thành tựu mang tính cách mạng, giúp ngăn ngừa nguy cơ lây truyền HIV và nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác.

Đó là vợ chồng Giáo sư Quarraisha Abdool Karim và Salim Abdool Karim - những nhà dịch tễ học tiên phong trong cuộc chiến đẩy lùi HIV/AIDS.

Diễn ra trong những ngày đầu tiên của năm mới 2022, Tuần lễ trao giải VinFuture được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng nhất của cộng đồng khoa học, công nghệ toàn cầu, nơi quy tụ các “ngôi sao khoa học” của thế giới đương đại.

Tại đây, chủ nhân của các giải thưởng danh giá với tổng giá trị lên tới 4,5 triệu USD sẽ chính thức lộ diện.

“Đó là một nghiên cứu mang lại lợi ích cho hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỉ người. Công trình chắc chắn sẽ còn tiếp tục tạo ra giá trị lớn cho nhân loại trong tương lai”, Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, Đại học California (Mỹ), đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, tiết lộ về công trình giành giải thưởng cao nhất, trị giá 3 triệu USD.

“Ngoài ra, còn có rất nhiều công trình xuất sắc, từng được đề cử ở các giải thưởng quốc tế danh giá, đưa VinFuture sánh ngang các giải thưởng lâu đời và uy tín nhất thế giới.”

Ở một góc nhìn khác, Giáo sư Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, khẳng định việc ghi nhận và tôn vinh những thành tựu nghiên cứu tại các giải thưởng như VinFuture sẽ giúp thúc đẩy sự đa dạng trong cộng đồng khoa học và mở rộng cơ hội tiếp cận của nhiều đối tượng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.

“Thông qua việc nâng cao nhận thức về những đột phá trong khoa học và công nghệ, chúng ta có thể phá bỏ các rào cản, tạo sự chú ý cho những phát triển mới và truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai”, chủ nhân Giải Millennium Technology 2010 đánh giá về những đóng góp quốc tế của VinFuture.

Diễn ra từ ngày 18 đến 21/01/2022, Tuần lễ trao giải VinFuture bao gồm các sự kiện: Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo (sáng 18/01),Tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống” (ngày 19/01). Tâm điểm của chuỗi sự kiện là Lễ trao giải thưởng VinFuture được tổ chức vào tối 20/01 tại Nhà hát lớn Hà Nội và Truyền hình trực tiếp trên VTV1 cùng các nền tảng mạng xã hội lớn trong nước và quốc tế.

Thu Giang

VINFUTURE CÔNG BỐ CHỦ NHÂN CÁC GIẢI 

THƯỞNG PHỤNG SỰ NHÂN LOẠI NĂM 2021

THU GIANG/ GDVN  21-1-2022
GDVN- Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu đô la Mỹ đã được trao cho 3 nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada) với công nghệ mRNA.

Ngày 20/1/2022, tác giả của các công trình nghiên cứu: Công nghệ gốc vaccine mRNA; Vật liệu khung cơ-kim (MOFs); Vật liệu điện tử hữu cơ có tính năng như da người và công trình nghiên cứu giúp ngăn nguy cơ lây nhiễm HIV và giảm gánh nặng bệnh AIDS đã được vinh danh tại Lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất.

Đây là những thành tựu khoa học xuất chúng, có khả năng tạo ra ảnh hưởng tích cực và rộng rãi nhất đến cuộc sống của hàng tỷ người trên khắp thế giới trong hiện tại và tương lai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện

Sự kiện Lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất được phát trực tiếp trên các kênh truyền thông lớn của Việt Nam và thế giới với sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ngài Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ ban ngành trong nước, Đại sứ nhiều quốc gia; các doanh nhân hàng đầu và đặc biệt là các nhà khoa học nổi tiếng thế giới.

Hội đồng sơ khảo và Hội đồng Giải thưởng VinFuture

Trong đó, Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu đô la Mỹ đã được trao cho 3 nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada) với công nghệ mRNA, mở đường tạo ra các loại vaccine ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả.

Theo đó, công nghệ sử dụng mRNA đã được sửa đổi, bao bọc trong các hạt nano lipid giúp ngăn hệ thống miễn dịch phản ứng với mRNA khi được đưa vào cơ thể và không gây ra các phản ứng cytokine, không gây độc tính hoặc tác dụng phụ.

Dựa trên khám phá của Kariko và Weissman cùng với việc tạo ra hạt nano lipid của Cullis, các công ty dược phẩm như Pfizer-BioNTech, Moderna đã sản xuất được các loại vaccine phòng chống Covid-19 hữu hiệu trong thời gian kỷ lục.

Không chỉ tạo ra vũ khí ngăn chặn nguy cơ lây lan và tử vong do đại dịch trên phạm vi toàn cầu, công nghệ mRNA còn có tiềm năng tạo các loại vaccine ngăn ngừa HIV, ung thư, miễn dịch và các bệnh di truyền… có thể bảo vệ sức khỏe cho hàng tỷ người trên thế giới trong tương lai.

Giáo sư Katalin Kariko có đề án đạt Giải thưởng


 Chính của VinFutue

Cùng với Giải thưởng Chính là 03 giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 đô la Mỹ dành cho các nhà khoa học nghiên cứu trong các lĩnh vực mới; nhà khoa học nữ và nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.

Giáo Omar Yaghi nhận giải đặc biệt cho Nhà khoa 


học trong lĩnh vực mới.

Đầu tiên, hạng mục Giải Đặc biệt dành cho “Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới” được trao cho Giáo sư Omar Yaghi (Mỹ) với công trình tiên phong khám phá ra vật liệu khung cơ-kim (MOFs).

MOFs là một loại vật liệu mới bao gồm các liên kết hữu cơ tích điện và các ion kim loại, có độ xốp vĩnh viễn, sự ổn định ấn tượng trên diện tích bề mặt lớn.

Với kích thước lỗ xốp có thể điều chỉnh tạo thành mạng lưới 3D, cho phép hấp thụ và lưu trữ các phân tử khí và nước, MOFs tạo ra giải pháp thu nhận, lưu trữ, phân tách và kiểm soát thành phần hoá học của nhiều loại khí và phân tử, có khả năng làm sạch môi trường, mang lại bầu không khí, nguồn năng lượng và nguồn nước sạch hơn.

Đặc biệt, máy thu nước MOF của giáo sư Yaghi có tiềm năng cung cấp nước sạch từ không khí.

Nếu được ứng dụng thành công, vật liệu mới MOFs sẽ thay đổi cuộc sống của hàng triệu người đang sinh sống tại những nơi khan hiếm nguồn nước sạch, giúp tự chủ về nguồn nước và nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Giáo sư Zhenan Bao nhận giải Đặc biệt cho nhà 


khoa học Nữ

Giải Đặc biệt thứ 2 dành cho “Nhà khoa học nữ” đã được trao cho Giáo sư Zhenan Bao (Mỹ) với công trình nghiên cứu các vật liệu điện tử hữu cơ có đặc tính của da người.

Đây là một loại vật liệu hữu cơ cho phép biến các thiết bị điện tử thành một phần trên cơ thể người với khả năng co giãn, tự chữa lành và tự phân hủy sinh học.

Những chức năng trên rất hữu ích trong chẩn đoán và điều trị chăm sóc sức khỏe thông minh, đồng thời có thể được ứng dụng vào các thiết bị điện tử để đeo và cấy ghép, mang lại trải nghiệm sống trọn vẹn hơn cho hàng triệu người khiếm khuyết các bộ phận cơ thể trên khắp thế giới hiện tại, cũng như tạo ra các đột phá về y tế trong tương lai.

Giải Đặc biệt dành cho “Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển” thuộc về vợ chồng hai nhà khoa học đến từ Nam Phi, Giáo sư Salim Abdool Karim và Giáo sư Quarraisha Abdool Karim, với công trình nghiên cứu giúp ngăn nguy cơ lây nhiễm HIV và giảm gánh nặng bệnh AIDS.

Giáo sư Salim Abdool Karim và Quarraisha Abdool


 Karim nhận giải thưởng VinFuture

Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực dịch tễ, hai nhà khoa học đã phát triển một loại gel có chứa dược chất tenofovir giúp kháng virus HIV và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm, qua đó đặt nền móng cho phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).

Salim Abdool Karim và Quarraisha Abdool Karim cũng tạo ra thuốc dạng uống nhằm thiết lập chiến lược phòng ngừa HIV đặc biệt dành cho phụ nữ trẻ và nữ vị thành niên và hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV cho trẻ sơ sinh.

Nghiên cứu của vợ chồng Giáo sư Karim đã được UNAIDS và WHO công nhận là đột phá khoa học quan trọng, có tác động to lớn đến nỗ lực ngăn ngừa đại dịch thế kỷ tại châu Phi và trên toàn thế giới.

Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture phát biểu


 tại sự kiện

Phát biểu về kết quả của mùa giải VinFuture đầu tiên, Giáo sư Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture cho biết:

“Giải thưởng VinFuture 2021 đã nhìn nhận và tôn vinh những công trình khoa học thực sự xuất sắc đang và sẽ tiếp tục tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người trên thế giới.

Các nhà khoa học được vinh danh đã mang đến những giải pháp mới, giải quyết những thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt, như các bệnh dịch truyền nhiễm hay nhu cầu bức thiết đối với các nguồn năng lượng sạch. Giải thưởng VinFuture tôn vinh sức mạnh của khoa học và công nghệ, để góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu.”

Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn biểu diễn tại sự 


kiện

Đại diện cho những người đoạt giải, Giáo sư Katalin Kariko chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự được lựa chọn là chủ nhân của Giải thưởng Chính VinFuture.

Là những nhà khoa học, chúng tôi ngày ngày thực hiện các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và mong rằng, một ngày nào đó trong cuộc đời mình, những thành tựu nghiên cứu của mình sẽ mang lại lợi ích chung cho nhiều người.

Thật vui mừng vì những khám phá của chúng tôi đã đặt nền móng cho các loại vaccine mRNA.

Cũng cần lưu ý rằng, các loại vaccine này đã được phát triển dựa trên thành quả khoa học và kỹ thuật của cả thế kỷ cùng những khám phá của hàng trăm nghìn nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư và các chuyên gia để tạo nên tính hiệu quả và độ an toàn.

Chúng tôi hy vọng rằng cuộc phiêu lưu khoa học của mình sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ các nhà nghiên cứu tiếp theo, để những đóng góp của họ sẽ nâng cao các kiến thức khoa học của nhân loại, chăm sóc và cải thiện cuộc sống của con người.”

Ca sĩ John Legend biểu diễn tại sự kiện

Sự kiện Lễ trao giải đã khép lại mùa giải VinFuture đầu tiên với chất lượng vượt kỳ vọng của Hội đồng Giải thưởng cả về số lượng, chất lượng lẫn khả năng ứng dụng thực tiễn của các đề cử.

Nghệ sĩ Linh Nga múa tại sự kiện

Bản giao hưởng số 9 Beethoven kết thúc chương trình

Thành công bước đầu của Giải thưởng đã tạo lập nền móng cho việc mở rộng tầm ảnh hưởng của Giải thưởng trong những năm tiếp theo, cổ vũ và thúc đẩy các nhà khoa học tìm kiếm giải pháp cho các thách thức của nhân loại, góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, kiến tạo môi trường sống bền vững cho các thế hệ mai sau.

Chính thức khởi động Giải thưởng VinFuture lần thứ II

Ngay sau khi kết thúc Tuần lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất, mùa giải VinFuture năm thứ hai chính thức được khởi động. Quỹ VinFuture sẽ mở cổng tiếp nhận đề cử từ ngày 15/2/2022 cho đến ngày 3/6/2022.

Thu Giang
NGHĨ VỀ GIẢI VIN FUTURE

NGUYỄN HUY VŨ / TD 21-1-2022


Hôm nay, giải thưởng Vin Future đã được chính thức trao nhận cho những người đạt giải. Tính về giá trị tiền bạc, đây là một trong những giải thưởng hàng năm có nhiều tiền nhất. Tổng giá trị lên tới khoảng 4,5 triệu đô la Mỹ, trong đó giải thưởng chính lên đến 3 triệu đô la Mỹ, còn ba giải đặc biệt khác chia nhau mỗi giải 500 ngàn đô la Mỹ. Trong khi đó, giải Nobel năm vừa rồi chỉ ở mức 10 triệu Krona, tương đương 1,1 triệu đô la Mỹ.
Nhưng tiền thưởng nhiều không có nghĩa là cái giải nó danh giá. Một giải thưởng danh giá nó cần ít nhất là 5 yếu tố.
Thứ nhất là tổ chức đứng sau giải đó. Sở dĩ giải Nobel đem lại sự vinh dự của người nhận giải vì phía sau nó là Viện Hàn lâm Khoa học của Thuỵ Điển, tổ chức gồm những nhà khoa học hàng đầu của châu Âu và thế giới, và phía sau nó nữa là chính phủ Thuỵ Điển và Hoàng gia Thuỵ Điển.
Thứ hai là cá nhân của người đứng ra sáng lập giải đó. Người sáng lập giải Nobel là Alfred Nobel, một người nói được 6 thứ tiếng, một nhà khoa học, một nhà sáng chế với 355 bằng sáng chế đã đăng ký, một doanh nhân thành công, và một nhà từ thiện. Ông giàu có nhờ thương mại hoá thành công các sáng chế của mình mà một trong số đó là thuốc nổ dynamite, một chất được dùng trong khai mỏ, phát triển hạ tầng giao thông, và cả trong vũ khí.
Thứ ba là đất nước nơi giải đó khởi phát. Một giải thưởng danh giá nó phải gắn liền với một đất nước văn minh. Văn minh bao gồm nhiều khía cạnh. Đầu tiên, nó phải là một nước phát triển về khoa học công nghệ nếu là một giải về công nghệ, hoặc nó phải là một nước giàu có về văn hoá nếu nó là một giải về văn hoá. Và trên hết nó phải là một nước văn minh trong cách đối xử giữa người và người. Đó là lý do mà giải thưởng được trao ở một nước có truyền thống dân chủ, xiển dương hoà bình, nó sẽ có giá trị khác so với một giải thưởng tương tự được phát ở một nước độc tài, độc đoán. Thuỵ Điển từ rất lâu đã được xem như là một nước trung tâm của khối Bắc Âu nơi mà các giá trị về dân chủ, tự do, và hoà bình được xiển dương. Giải Nobel đi kèm với nó là một thông điệp vì hoà bình và thịnh vượng của nhân loại. Người nhận giải tự hào vì được ghi nhận có công đóng góp vào sự phát triển của nhân loại, và sự ghi nhận đó được công khai bởi những người thuộc giới tinh hoa đương đại.
Thứ tư là quy trình trao giải và số tiền thưởng. Từ rất lâu, giá trị của giải Nobel dao động trong khoảng 1 triệu đô và được uỷ ban trao giải điều chỉnh hàng năm. So với các giải khác, đây là một số tiền thưởng rất lớn. Nhưng quan trọng hơn là cách mà người ta chọn ra người để nhận giải: đó phải là những người được đề cử bởi những nhân vật ưu tú nhất, thuộc tầng lớp tinh hoa trong xã hội của các nước khác nhau trên thế giới, mà chủ yếu ở phương Tây. Một khi được đề cử và được chọn trao giải, đó là một sự công nhận rằng người nhận giải là những người ít ỏi thuộc nhóm tinh hoa của nhân loại. Họ sẽ được mời ăn tối với hoàng gia Thuỵ Điển và những người thuộc giới quyền quý của phương Tây hàng năm. Món tiền quan trọng, nhưng vị trí xã hội và cái danh nó còn lớn hơn. Chính vì cái danh nó lớn như vậy cho nên khi bị bệnh, Leo Max Lederman đã bán cái mề đai Nobel bằng vàng được tới 765 ngàn đô trong khi lượng vàng của cái mề đai nặng 175 gram chỉ có giá chưa tới một ngàn đô la Mỹ.
Và cuối cùng là thời gian. Một giải thưởng uy tín nó cần có thời gian để nuôi dưỡng và chứng tỏ sự nghiêm túc của nó.
***
Nhìn lại cả 5 yếu tố trên để thấy cái giải thưởng Vin Future thực ra không rơi vào một tiêu chí nào cả, ngoại trừ số tiền thưởng.
Thứ nhất, tổ chức đứng sau giải đó là một nhóm các nhà khoa học được nhóm của ông Phạm Nhật Vượng mời. Những nhà khoa học này có một vị trí trong giới nghiên cứu của họ. Nhưng họ chưa đủ để tạo nên một uy danh cho một tổ chức danh tiếng.
Thứ hai, cá nhân người đứng sau sáng lập ra giải Vin Future là ông Phạm Nhật Vượng. So với những tiêu chuẩn của giới tinh hoa phương Tây, ông Vượng hoàn toàn không có, nếu không muốn nói là ngược lại. Sự giàu có của ông Vượng trong mắt nhiều người là do có được từ sự thông đồng với giới quan chức nhằm chiếm lấy những khu đất đắc địa. Không thấy ông có một phát minh nào, cũng như là những đóng góp nào làm nên sự tiến bộ của nhân loại trước khi ông sáng lập ra giải Vin Future này.
Thứ ba, chẳng có gì hãnh diện khi người ta nhận một giải thưởng xuất phát từ một nước cộng sản, độc đoán, nếu số tiền của nó không lớn. Người ta đến nhận tiền hơn là nhận giải. Và họ càng cảm thấy ái ngại hơn khi nhận phần thưởng từ một ông thủ tướng của một chính phủ tàn bạo và tham nhũng — một chính phủ mà liên tục bỏ tù những ai mà mình không thích lấy cớ là xâm hại an ninh; một chính phủ sẵn sàng cướp đất của dân nghèo để trao cho những đại gia và sẵn sàng bắn bỏ nếu chống; một chính phủ thất bại trong chống dịch và cấu kết với đại gia nhằm móc túi ngân sách quốc gia; và quan trọng nhất là một chính phủ duy trì quyền lực bằng bạo lực và khủng bố chứ chẳng phải là một chính phủ do dân bầu một cách chính danh và trong hoà bình.
Thứ tư, nếu người nhận giải được mời đi dạ tiệc hàng năm chẳng hạn thì ai sẽ là người chiêu đãi? Phạm Nhật Vượng hay Phạm Minh Chính? Như đã nói ở trên, những người nhận giải Nobel được chiêu đãi bởi Hoàng gia Thuỵ Điển họ thấy vinh dự vì họ được “thăng hạng” hay “công nhận” vào tầng lớp tinh hoa của thế giới. Điều này không có ở Vin Future nếu không muốn nói là ngược lại.
Và cuối cùng, đây là một giải mới. Còn rất lâu mới có thể tạo nên một uy tín.
GIẢI THƯỞNG  VINFUTURE : ĐỘC ĐÁO, Ý

 NGHĨA NHƯNG LIỆU CÓ BỀN LÂU ?

VOA/BVN 21-1-2022


Quỹ VinFuture của tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng trao 4 giải thưởng cho những nhà khoa học xuất sắc tối 20/1 với tổng giá trị lên đến 4,5 triệu đô la. Trong dư luận Việt, nhiều người nhận xét chương trình trao thưởng này thật độc đáo, ý nghĩa, song cũng có một số người băn khoăn liệu giải có thể tồn tại lâu dài.

Theo tường thuật của báo chí Việt Nam về buổi lễ trao “giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu”, quỹ của tỷ phú Vượng trao giải thưởng chính, VinFuture Grand Prize, cho 3 nhà khoa học gồm Katalin Kariko, Drew Weissman đến từ Mỹ và Pieter Rutter Cullis đến từ Canada.

Họ được vinh danh vì đã nghiên cứu về công nghệ chỉnh sửa mRNA, mở đường cho việc chế tạo vắc-xin ngừa COVID-19 hiệu quả, giúp cứu sống vô số người.

Ba nhà khoa học này là những người đầu tiên nhận giải của VinFuture. Báo chí Việt Nam nhấn mạnh rằng giải thưởng chính của VinFuture có trị giá 3 triệu đô la, gần gấp 3 giải Nobel.

Bên cạnh giải thưởng chính, quỹ của vị tỷ phú người Việt là chủ của tập đoàn Vingroup còn trao 3 giải đặc biệt, mỗi giải 500.000 đô la, cho 4 nhà khoa học đến từ Mỹ và Nam Phi để tôn vinh thành tựu hoặc nghiên cứu của họ về vật liệu khung cơ kim, da điện tử siêu co giãn, và một loại sản phẩm dành cho phụ nữ có tác dụng kháng virus HIV.

Tin cho hay Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính dự buổi lễ và trao giải grand prize cho nhóm 3 nhà khoa học được trao giải.

Theo quan sát của VOA, phần lớn dư luận Việt Nam dành cho quỹ VinFuture và tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhiều lời ca ngợi. Họ cho rằng buổi lễ trao giải đạt đến đẳng cấp thế giới và là thành công ban đầu của quỹ.

Một trong những người khen ngợi VinFuture là nhà báo kỳ cựu Quốc Phong, cựu Phó Tổng Biên tập báo Thanh Niên. Ông viết trên trang cá nhân rằng buổi lễ trao giải “rất đặc biệt và trang trọng” và nhận xét rằng quỹ của ông Vượng “đã thay mặt cả loài người trên thế giới cảm ơn các nhà khoa học đã nghĩ ra vắc-xin COVID-19”.

Ông Phong bình luận thêm rằng “Điều đó không phải ai giàu có trên thế gian này cũng nghĩ ra và cũng có thể hào phóng làm được” như vợ chồng tỷ phú Vượng đã làm.

“Thật tuyệt vời và cũng thật tự hào với ai là người Việt Nam”, nhà báo Quốc Phong nhấn mạnh bằng cách viết hoa tất cả các chữ cái.

Ông Phong cho rằng những chương trình như thế này sẽ tạo được vị thế của Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế, trong đó có cả vị thế về mặt khoa học.

Bên cạnh nhiều lời ca tụng, VOA nhận thấy cũng có không ít người bày tỏ ý kiến rằng một buổi lễ tưng bừng và số tiền 4,5 triệu đô la chưa nói lên gì nhiều về VinFuture, mà cần chờ thêm thời gian dài nữa để khẳng định về tầm vóc và sự bền vững của quỹ.

Tiến sỹ Nguyễn Huy Vũ hiện làm việc ở Na Uy đưa ra ý kiến rằng tuy giải thưởng của VinFuture gần gấp 3 lần giá trị của giải Nobel song tiền thưởng nhiều không nhất thiết có nghĩa rằng giải thưởng đó danh giá.

Sự danh giá của giải thưởng được tạo nên bởi 5 yếu tố, tiến sỹ Vũ viết trên trang cá nhân. Đó là tổ chức đứng sau giải đó, cá nhân người sáng lập giải, đất nước nơi giải đó khởi phát, quy trình trao giải và số tiền thưởng, và cuối cùng là thời gian quỹ hoạt động, chứng tỏ sự nghiêm túc của nó.

Phân tích về các yếu tố nêu trên, ông Vũ chỉ ra rằng giải Nobel đem lại sự vinh dự của người nhận giải vì phía sau nó là Viện Hàn lâm Khoa học của Thuỵ Điển gồm những nhà khoa học hàng đầu của châu Âu và thế giới. Người sáng lập giải Nobel là một nhà khoa học, nhà sáng chế, doanh nhân thành công, và cũng là nhà từ thiện.

Về yếu tố nhà nước, tiến sỹ Vũ viết rằng một giải thưởng danh giá phải gắn liền với một đất nước văn minh. Đó phải là một nước phát triển về khoa học công nghệ hoặc giàu có về văn hoá.

“Và trên hết nó phải là một nước văn minh trong cách đối xử giữa người và người. Đó là lý do mà giải thưởng được trao ở một nước có truyền thống dân chủ, xiển dương hoà bình, nó sẽ có giá trị khác so với một giải thưởng tương tự được phát ở một nước độc tài, độc đoán”, vẫn lời của ông Vũ.

Bàn về quy trình chọn người để trao giải thưởng, tiến sỹ Vũ đưa ra quan sát rằng đó phải là những người được đề cử bởi những nhân vật ưu tú nhất, thuộc tầng lớp tinh hoa trong xã hội của các nước khác nhau trên thế giới, mà chủ yếu ở phương Tây. “Một khi được đề cử và được chọn trao giải, đó là một sự công nhận rằng người nhận giải là những người ít ỏi thuộc nhóm tinh hoa của nhân loại”, ông viết.

Từ những phân tích đó, ông Vũ nêu lên sự tương phản của quỹ và giải thưởng VinFuture: “Nhìn lại cả 5 yếu tố trên để thấy cái giải thưởng Vin Future thực ra không rơi vào một tiêu chí nào cả, ngoại trừ số tiền thưởng”.

Riêng về cá nhân ông Vượng, người chủ của VinFuture, tiến sỹ Vũ nhận xét rằng so với những tiêu chuẩn của giới tinh hoa phương Tây, ông Vượng hoàn toàn không có, nếu không muốn nói là ngược lại.

“Sự giàu có của ông Vượng trong mắt nhiều người là do có được từ sự thông đồng với giới quan chức nhằm chiếm lấy những khu đất đắc địa. Không thấy ông có một phát minh nào, cũng như là những đóng góp nào làm nên sự tiến bộ của nhân loại trước khi ông sáng lập ra giải VinFuture này”, ông Vũ viết.

Theo vị tiến sỹ hiện sinh sống và làm việc ở Na Uy, “chẳng có gì hãnh diện khi người ta nhận một giải thưởng xuất phát từ một nước cộng sản, độc đoán, nếu số tiền của nó không lớn. Người ta đến nhận tiền hơn là nhận giải”.

Tiến sỹ Vũ cho rằng những người nhận giải hẳn là “cảm thấy ái ngại” khi nhận phần thưởng được trao từ tay một ông thủ tướng đại diện cho “một chính phủ duy trì quyền lực bằng bạo lực và khủng bố chứ chẳng phải là một chính phủ do dân bầu một cách chính danh và trong hoà bình”.

Kết luận về giải thưởng VinFuture, ông Vũ viết: “Đây là một giải mới. Còn rất lâu mới có thể tạo nên một uy tín”.

Cũng đưa ra ý kiến về VinFuture, tiến sỹ Nguyễn Đức Thái, Việt kiều Mỹ hiện sinh sống ở Việt Nam, viết trên trang cá nhân rằng ông thấy “băn khoăn, kèm với bức xúc” khi nhìn thấy số tiền 4,5 triệu đô la sẽ từ Việt Nam chảy ra nước ngoài đến các phòng thí nghiệm rất đầy đủ và có thể dư thừa, trong khi rất nhiều phòng thí nghiệm trong nước và các nhân tài Việt đang khan hiếm tài trợ.

Tiến sỹ Thái nêu lên quan điểm là VinFuture cần mang về những giá trị cụ thể cho khoa học Viêt Nam khi đầu tư phát thưởng cho các trung tâm khoa học quốc tế.

“Các mục tiêu đó có thể là mang về cho Việt Nam những chuyên gia và họ có khả năng tự chủ phát triển các nghiên cứu quan trọng trong nước; hoặc tạo được những chương trình hợp tác phát triển khoa học mũi nhọn cho Việt Nam với các trung tâm hàng đầu nước ngoài, hoặc tạo ra được cao trào khoa học quốc tế trong nước để khoa học Viêt Nam đi song hành với khoa học thế giới”, tiến sỹ Thái viết.

Theo ông Thái, “nếu không mang về được những mục tiêu trên, mà chỉ giúp khoa học thế giới tiến bộ cho lợi ích chung của nhân loại, thì e rằng VinFuture tự biến mình thành một quân tử Tàu!”.

Trong tiếng Việt, cụm từ “quân tử Tàu” có hàm ý nói về những người cuồng ngôn, lố bịch, không thực tế.

Ông Dương Quốc Chính, một người chuyên quan sát và bình luận về thời cuộc ở Việt Nam có tổng cộng khoảng 60.000 người theo dõi, nói với VOA rằng việc báo chí Việt Nam nhấn mạnh vào khía cạnh giải VinFuture có giá trị gấp 3 lần giải Nobel là kiểu so sánh “rất xôi thịt”.

“Vác tiền ra để khoe đẳng cấp thì đúng là tư duy trọc phú”, ông Chính nói thêm.

Vẫn nhà bình luận này đưa ra nhận định với VOA rằng việc lập nên một giải thưởng công nghệ chỉ cho thấy rằng Vingroup có mong muốn được “rửa mặt”, biến mình thành một công ty công nghệ, dần xóa đi hình ảnh một tay tư bản thân hữu bán bất động sản.

“Giải thưởng này chỉ là cách PR [quảng bá] hình ảnh cho Vingroup, lấy tiếng với bạn bè năm châu”, ông Chính nói, và đưa ra quan sát rằng nhìn chung các giải thưởng bền vững, lâu đời và uy tín trên thế giới đều phải do một tổ chức hay một quỹ quản lý, chứ không phải là một doanh nghiệp. Ông Chính lấy dẫn chứng là quỹ từ thiện của vợ chồng tỷ phú Mỹ Bill Gates đứng tên ông bà, không dùng tên hãng Microsoft.

Nhà bình luận Dương Quốc Chính lưu ý đến phát biểu của giáo sư Đặng Văn Chí, Giám đốc Khoa học Viện nghiên cứu ung thư Ludwig (Mỹ), thành viên Hội đồng giải thưởng VinFuture, được trang VnExpress trích dẫn: "Duy trì được giải thưởng này trong nhiều năm thì là điều tuyệt vời".

Theo ông Chính, xét đến thực tế trong những năm gần đây, tỷ phú Phạm Nhật Vượng liên tiếp từ bỏ một loạt các hoạt động đầu tư, kinh doanh, kể cả trong lĩnh vực công nghệ, chế tạo, không thể loại trừ khả năng là biết đâu một, hai năm tới ông Vượng lại tuyên bố bỏ giải thưởng này.

Nguồn: voatiengviet.com



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét