Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

20220108. VÀI SUY NGHĨ CỦA MẠC VĂN TRANG

 ĐIỂM BÁO MẠNG

'LÝ DO' CỦA LÊ PHÚ KHẢI

MẠC VĂN TRANG/ TD 3-1-2022


Tác giả và Lê Phú Khải (bên phải). Ảnh: FB tác giả

Nghe bà Thuận, vợ Lê Phú Khải kể những chuyện vui về chồng giữa bạn bè mà cười đến đau ruột! Chả là Cu Khải là cháu ĐÍCH TÔN, ông chú không có con, mấy bà cô thì không tính. Nên Cu Khải được ông bà nội chiều như ông Tướng. Cu Khải muốn gì được nấy, trong nhà mấy người phải hầu ông Tướng con, ai đụng đến ông tướng là ông nội cho ba toong; cắt móng tay cho Cu Khải mà Cu kêu “á” là ông quát cho một trận…

Chuyện vui về Cu Khải, cậu Khải, anh Khải, Lão Khải thì vô thiên lủng, mà nhiều chuyện không kể ra đây được. Chỉ xin kể chuyện LÝ DO KHÔNG THỂ LY HÔN. Cô Thuận chấp nhận làm vợ cậu Khải là đã hiểu nhau, yêu nhau, biết ít nhiều về cá tính của chồng rồi. Nhưng sống với nhau nó mới lòi ra hết mọi tính cách, dù đã chấp nhận nhưng nhiều lúc vẫn ấm ức.

Một hôm Thuận đi làm về, thấy trên đĩa có bốn cái chén cùng đọng cặn nước trà, liền hỏi:

– Có ai đến chơi đấy?

– Không có ai đến cả.

– Sao bốn cái chén cùng có cặn nước trà?

– Mình anh uống đấy. Mình uống bốn lần thì phải uống bốn cái nó mới sạch mà.

– Giời ơi! Anh không thông cảm gì với vợ phải rửa chén. Tôi không chịu được nữa.

Thế là Thuận viết đơn ly hôn. Khải đọc xong bảo, phải viết lý do là bốn cái chén vào đơn.

– Vấn đề không phải bốn cái chén, mà là lối sống, cách sống của anh.

– Lối sống thì mơ hồ, ai biết, phải viết lý do là bốn cái chén mới có bằng chứng cụ thể.

Khải cứ cù nhầy, lý do là bốn cái chén, không thì không chịu. Vậy là cô Thuận phì cười.

Thôi thì Giời không chịu đất thì Đất phải chịu Giời. Nay thì bà Thuận lại biến những “tật xấu” của chồng làm chuyện vui và càng ngày càng thấy giá trị của chồng: Anh ấy thế thôi, nhưng đàng hoàng, ngay thẳng lắm, nhiều khi thẳng tính quá, nhưng thương người lắm, luôn lo lắng vì cái chung của xã hội, của đất nước.

Còn Lê Phú Khải kể LÝ DO KHÔNG VÀO ĐẢNG cũng buồn cười. Anh bảo, cả nhà, cả họ nhà tôi đảng viên “bonsevich” hết, mỗi tôi là “bạch vệ”. Chú tôi là Thiếu tướng Công an thời Cụ Hồ cơ mà, kinh lắm đấy. Khi mình ra công tác, ở đâu cũng được quan tâm vận động vào Đảng, mình cứ từ chối. Lần sau cùng, họ cứ hỏi lý do, mình bảo: Đảng viên tiêu chuẩn cao lắm, nào là “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; nào là “gương mẫu về Tư tưởng, Đạo đức, Lối sống”… mà tôi thì thích gái, thích ăn ngon, mặc đẹp, không gương mẫu được, lại lười rèn luyện lắm. Thế là các ông ấy lắc đầu.

Hai “LÝ DO” Lão Khải nại ra để từ chối, thực sự chỉ là cách bài bây, che giấu cái bản chất mà Lão hiểu rất sâu sắc: Một là, nhất định không bỏ cô vợ quý hiếm được; hai là Lão biết tỏng bản chất cái Đảng này là gì rồi, vì cả nhà, cả họ toàn đảng viên cơ mà!

Từ đó ta mới thấy, các “LÝ DO” người ta nêu ra trên đời này phần nhiều là giả dối để che giấu cái bản chất thật, họ không tiện/ không dám nói ra mà thôi.

CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ĐỂ BẢO VỆ TRẺ EM ?

MẠC VĂN TRANG/ TD 5-1-2022

Vụ bé gái 8 tuổi ở TP.HCM, bị cha ruột đồng lõa với người tình hành hạ cho đến chết, vào cuối tháng 12/2021, đã gây bàng hoàng, đau đớn cho biết bao người và dấy lên lời cảnh báo cho toàn xã hội về số phận của những trẻ em ngay quanh ta. Cái chết đau thương, oan khuất của bé gái đã ám ảnh tôi suốt những ngày qua; mỗi lần nghĩ đến, định viết thì cảm xúc uất nghẹn trào lên, không viết nổi. Bây giờ đủ bình tĩnh để lý trí suy xét xem TẠI SAO và LÀM THẾ NÀO ĐỂ BẢO VỆ TRẺ EM?

1. TẠI SAO?

1.1. Hệ quả của xã hội cũ lạc hậu.

Xã hội phong kiến, gia trưởng kéo dài hàng nghìn năm: Vua xử ai chết phải chết; cha mẹ, thầy giáo dạy trẻ bằng roi vọt, nhục hình là bình thường. Bố tôi lấy “quyền huynh thế phụ”, bắt chú tôi đã có vợ và 2 con nằm ra phản, lấy roi mây quất cho tơi bời.

“Muốn đánh thì đẻ con ra/ muốn ăn thì lấy của nhà mà ăn”, ca dao thế đấy. Có ông ở bên cạnh làng tôi, lấy đòn gánh phang con 10 tuổi, lớn hơn tôi 3 tuổi, chết tại chỗ, chẳng phải tù tội gì cả. Dân làng chỉ lấy đó làm gương cho con trẻ là đừng có ngang bướng, cãi bố mẹ, bố mẹ “nóng tính” lên là chết! Tất nhiên dân làng cũng chê ông ta “nóng quá mất khôn”, nhưng chẳng ai lên án mạnh mẽ. Đấy là thời phong kiến – thực dân đã ăn sâu vào tiềm thức dân ta.

1.2. Từ bản chất của chế độ mới.

Đáng lẽ những di hại của chế độ cũ lạc hậu nói trên, sẽ được cải hoá dần trong một chế độ văn minh. Nhưng đến chế độ mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng cộng sản, cái ác càng lan tràn trong xã hội: Cải cách ruộng đất, Cải tạo tư sản, Xử lý Nhân văn – Giai phẩm, Xử lý những người bất đồng chính kiến… đều theo phương thức đấu tố, bôi nhọ, vu khống, sỉ nhục, hành hạ dã man công khai, và cô lập những người yếu thế, làm cho toàn xã hội phải thù ghét, vô cảm với họ. Lúc nào Đảng cũng phân chia xã hội ra các nhóm khác nhau: Biết ơn, đền đáp mãi mãi những “Lão thành cách mạng”, những “Người có công” và “đấu tranh một mất, một còn” với các “thế lực thù địch”, “phản động”… mà hầu hết chỉ là những người dân trái ý Đảng.

Bao giờ cũng phải gây nên một không khí xã hội phân biệt đối xử, thù hận lẫn nhau, khuyến khích, bảo kê cho kẻ xấu, kẻ ác chửi rủa, đe dọa, hành hung những người bất đồng chính kiến. Không ít người như những con ác thú, chỉ cần “Trên” ra lệnh một cái là chúng xông vào đập chết những người bất đồng chính kiến không thương tiếc, thậm chí mổ bụng, moi gan như giết đảng viên lão thành Lê Đình Kình!…

Cái tâm lý ÁC ĐỘC và VÔ CẢM ăn sâu, lan rộng vào “toàn hệ thống chính trị”, vào mỗi gia đình, mỗi cá nhân mà chúng ta không ý thức được. Mỗi người chúng ta hãy tự kiểm tra mà xem. Ai cũng có những ý nghĩ, những lời nói, hành vi làm tổn thương, xúc phạm người khác một cách vô thức hay cố ý, mà trong lòng không gợn lên chút phán xét nào.

Từ Mẫu giáo, trẻ đã Thi đua, phân ra trẻ ngoan, được khen ngợi, tặng thưởng, giấy khen; đứa khác thua kém thường bị tổn thương bởi những lời nhận xét lạnh lùng của cô giáo và thái độ khó chịu của bố mẹ với con mình. Cả cô giáo đến bố mẹ hầu như đều vô cảm với bao nỗi buồn tủi của những đứa trẻ bất hạnh vì thua kém. Chúng ta thường rất vô cảm trước niềm vui, nỗi buồn đau, sợ hãi của trẻ. (Các bạn có biết không, nhà Tâm lý học S. Freud quan tâm đến việc, khi đứa trẻ biết điều khiển “chim”/”bướm” của nó đi tè được theo ý muốn, nó sướng lắm; khi nó “ị” được một cục phân vào bô, nó nhìn chăm chú và “tự hào” vô cùng, vì nó đã tự mình, “sản xuất” ra được một “sản phẩm”, và ông coi những hiện tượng đó như một mốc phát triển tâm lý. Những người vô cảm chả quan tâm gì đến những hiện tượng đó, nay thì cứ đóng bỉm cho đến đến 4 tuổi).

Đến bậc học phổ thông, những em thua kém mới càng tủi hổ: Bị “Sao đỏ” theo dõi ghi vào sổ thi đua; bị giáo viên ghi bao nhiêu tội vào “Sổ liên lạc” thông báo cho cha mẹ; sáng thứ Hai chào cờ, nhiều em bị “bêu gương” dưới quốc kỳ. Cái thói quen kèn cựa, ganh đua, theo dõi kiểm điểm nhau, gây nên tâm lý cảnh giác nhau, thiếu đi sự thân ái chân thành, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt và cảm thông với những người yếu thế, đã dấy lên nạn bạo lực học đường đáng sợ.

Càng lớn lên, những điều nói trên càng ăn sâu vào tiềm thức và người ta phản ứng như là thói quen. Người ta làm tổn thương người khác một cách “tự nhiên”; người ta tránh né, vô cảm với những nỗi bất hạnh của người khác để yên thân như là lẽ thường tình. Có bao nhiêu người biết xúc động trước hàng vạn dân oan mất đất đi khiếu kiện 10 năm, 20 năm; có bao nhiêu người lên tiếng trước những vụ án bất công như đối với vụ Đồng Tâm, vụ Hồ Duy Hải, với những công dân dũng cảm đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền?; có bao nhiêu người lên tiếng bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích văn hoá- lịch sử bị xâm hại ngay ở địa phương mình?… Họ sợ liên luỵ và né tránh, trở thành an phận, vô cảm; vậy thì trước thân phận một người dân bị đàn áp, một em bé bị bạo hành mấy người quan tâm!

Ở đất nước nào cũng vậy, có những con người ác độc với đồng loại hơn loài thú dữ. Ở nước ta, với đặc điểm tâm lý – xã hội nêu trên, cùng với hệ thống pháp luật thiếu công minh, văn hoá, đạo đức xuống cấp, cái ác càng lộng hành. Trong đó trẻ em là đối tượng yếu thế nhất, dễ bị tổn thương nhất.

2. TA CẦN LÀM GÌ?

2.1. Mỗi người lớn cần thức tỉnh!

Vụ cháu gái 8 tuổi bị cha ruột và người tình đồng loã hành hạ đến chết ngay giữa một khu chung cư cao cấp tại TP.HCM đã đánh động lương tri toàn xã hội. Nhưng rồi cũng như bao nhiêu sự kiện đau thương khác, lại thoảng qua rồi chìm vào dĩ vãng.

Không! Lần này mỗi người hãy tự vấn, tự thay đổi chính mình đi để xứng đáng làm một người trưởng thành có trách nhiệm với con trẻ, nhất là những người làm cha mẹ, làm giáo viên: Còn mắng nhiếc, đánh đập, xúc phạm trẻ em không? Thấy những trẻ em có dấu hiệu bị bạo hành có hỏi han, tìm cách giúp đỡ không? Thấy những kẻ xúc phạm, đánh đập trẻ em có xông vào ngăn chặn không? Riêng bản thân tôi đã hai lần xông vào túm ngực một ông bố, vặn tay một bà mẹ đánh con dã man và làm cho họ phải tâm phục, khẩu phục. Thấy trẻ bị bạo hành, có gọi điện đến các cơ quan có trách nhiệm giúp đỡ các em không?…

Chỉ khi mỗi người lớn hiểu và thực hiện những điều nói trên như là phản ứng tự nhiên thì mới cải thiện được tình hình.

2.2. Hãy làm cho mỗi trẻ em từ 3 tuổi trở lên biết tự bảo vệ mình.

Trẻ ba tuổi bắt đầu có ý thức bảo vệ bản thân trước tác động từ bên ngoài. Từ gia đình, trường Mẫu giáo phải dạy cho trẻ biết bảo vệ mình, phải mách cho người lớn biết ai đó xâm hại mình… Lên đến phổ thông thì phải giáo dục NHÂN QUYỀN cho học sinh, các em hiểu biết quyền của cá nhân được tôn trọng và nghĩa vụ tôn trọng những người khác như thế nào. Đó không chỉ là dạy lý thuyết, mà phải biến thành thái độ, hành vi ứng xử trong văn hoá học đường.

Trẻ em thường hay phạm lỗi, nhưng từ đó dạy các em biết nhận lỗi, xin lỗi, chuộc lỗi… mới là quan trọng. Tôi đã từng đề xuất, vụ một nhóm học sinh vô cớ đua nhau đánh đập tàn nhẫn một bạn gái, cần phải tổ chức Lễ Tạ lỗi trước toàn trường, gồm cả các phụ huynh học sinh, vì các em phạm lỗi không chỉ với bạn bị đánh, mà có lỗi với toàn trường, với cha mẹ. Buổi Lễ đó được ghi hình lại rồi cho học sinh toàn quốc, từng lớp xem và thảo luận. Nhưng Bộ trưởng GD bảo, ai lại làm to chuyện ra thế!

Cần in và phát cho mỗi em “Cẩm nang những điều trẻ em cần biết” (Trích từ Công ước quốc tế về trẻ em, Luật bảo vệ trẻ em, những địa chỉ, số ĐT khi cần giúp đỡ, khi kêu cứu,…)

2.3. Luật pháp phải được thực thi nghiêm minh

Việt Nam có đủ các Luật bảo vệ trẻ em, nhưng chỉ trên giấy, không biến thành nhận thức, thái độ, hành vi của chính quyền, các tổ chức xã hội và người dân.

Việt Nam luôn tự hào là một trong số ít nước ký Công ước về quyền trẻ em đầu tiên, nhưng đã thực hiện được gì?

“Nghị quyết số 44-25 ngày 20/11/1989 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Có hiệu lực từ ngày 2/9/1990, theo điều 49 của Công ước. Việt Nam phê chuẩn ngày 20/2/1990)
“Thừa nhận rằng, để phát triển đầy đủ và hài hòa nhân cách của mình, trẻ em cần được lớn lên trong môi trường gia đình, trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và cảm thông;
Xét rằng, trẻ em cần được chuẩn bị đầy đủ để có thể sống một cuộc sống riêng trong xã hội và cần được nuôi dưỡng theo tinh thần các lý tưởng được nêu ra trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, nhất là tinh thần hòa bình, phẩm giá, khoan dung, tự do, bình đẳng và đoàn kết;

Điều 13.

1. Trẻ em có quyền tự do bày tỏ ý kiến; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến tất cả các loại thông tin và tư tưởng ở mọi lĩnh vực, bằng lời nói, văn bản viết tay hoặc bản in, hay dưới hình thức nghệ thuật hoặc bất kỳ phương tiện truyền thông nào khác mà trẻ em lựa chọn.”

Luật số 25/2004/QH11 của Quốc hội: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

“Điều 6. Thực hiện quyền của trẻ em

1. Các quyền của trẻ em phải được tôn trọng và thực hiện.

2. Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật”.

Luật như vậy đó, nhưng thực thi thế nào, ai cũng thấy. Rồi mọi người hãy theo dõi xem hai kẻ đồng loã bạo hành cháu gái 8 tuổi chết đau đớn có phải chịu mức án cao nhất không, hay chúng lại chạy thoát tội?

TÓM LẠI, còn nhiều điều nữa, nhưng trước hết xin hãy thực hiện ba điều đề xuất trên đã. Còn các tổ chức như Thanh niên, Phụ nữ, Đội Thiếu Niên, Cục Trẻ em…thì nói đến làm gì!

SUY NGHĨ TỪ 2 CHIẾC QUAN TÀI CỦA HAI VỊ

 TU HÀNH

MẠC VĂN TRANG/ TD 6-1-2022

Quan tài của Tổng Giám Mục Tutu. Ảnh trên mạngNgắm nhìn chiếc quan tài của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (CHXHCNVN) và chiếc quan tài của Tổng Giám Mục Desmond Tutu (CH Nam Phi) ai là người có não đều phải suy nghĩ: Hai vị đều Đạo cao, Đức trọng, giữ vị trí cao trong Giáo hội. Nhưng sao Lễ tang và 2 chiếc quan tài lại khác nhau đến thế? Do đâu?

1. Theo NLĐO- “Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ cả đời sống cuộc sống giản dị, tụng kinh viết sách, tu tập. Đại lão Hoà thượng không chỉ là một vị cao tăng đức trí vẹn toàn mà còn là một nông dân thực sự.

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, thế danh là Bùi Văn Quý, sinh ngày 12-4-1917, tại thôn Phùng Thiện (xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) và xuất gia năm 1923 tại chùa Quán (Yên Khánh, Ninh Bình). Khi 8 tuổi, thụ Sa di giới, 20 tuổi thụ Đại giới Tỷ kheo và Bồ tát giới tại Đại giới Đàn chùa Bút tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh năm 1937.


Quan tài của Hòa thượng Thích Phổ Tuệ. Ảnh: VNExpress

Từ tháng 12-2007 đến nay, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ giữ ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là vị pháp chủ thứ 3 của Giáo hội.

Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ cả đời sống cuộc sống giản dị, tụng kinh viết sách, tu tập. Đối với người dân trong vùng, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ không chỉ là một vị cao tăng uyên thâm Phật pháp, đức hạnh vẹn toàn mà còn là một nông dân thực thụ.

Trong suốt cuộc đời, ngoài giờ hành lễ hay đi hoằng pháp, Đại lão Hòa thượng luôn cùng môn đệ cần cù cày cấy đến tận năm 80 tuổi. Khi tuổi sao sức yếu, không còn ra đồng trồng lúa được nữa, hàng ngày Đại lão Hòa thượng vẫn làm vườn, dọn dẹp trong chùa.

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ cả đời sống cuộc sống giản dị như vậy, sao khi Ngài viên tịch, lại có chiếc quan tài khủng như vua chúa, là sao?

2. Tổng Giám Mục Desmond Tutu là nhân vật lẫy lừng và tên tuổi vang danh toàn cầu. Ngài Desmond Tutu qua đời ngày 26 Tháng Mười Hai 2021 ở tuổi 90. Ngài là người đấu tranh không mệt mỏi chống chế độ phân biệt chủng tộc, chống chia rẽ các sắc tộc, chống tội ác đàn áp, đòi dân chủ, bình đẳng cho các tầng lớp bị áp bức. Ngài là biểu tượng của tinh thần đấu tranh phi bạo lực và tấm gương về đạo đức của người dân Nam Phi.

Desmond Tutu đã được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1984, Giải Albert Schweitzer cho chủ nghĩa nhân đạo năm 1986, Giải Pacem in Terris năm 1987, Giải Hòa bình Sydney năm 1999, Giải Hòa bình Gandhi năm 2005,[1] và Huân chương Tự do Tổng thống năm 2009.

Lễ tang của Đức Tổng Giám Mục Tutu diễn ra vào ngày 01.01.2022 trong một nhà thờ tại Cape Town, nơi được trang hoàng với bức hình của Ngài và chỉ với một vòng hoa cẩm chướng từ gia đình, như Ngài mong muốn.

Quan tài của Ngài chỉ là một chiếc quan tài bằng gỗ rẻ tiền với những đoạn dây thừng đơn sơ (để nhấc lên, di chuyển).

Một câu hỏi: Vì sao Đại Lão hòa thượng lại bị rơi vào “hội chứng” của một thứ văn hoá kệch cỡm xa lạ với tinh tuý văn hoá Phật giáo dân tộc và những giá trị Chân, Thiện, Mỹ phổ quát của nhân loại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét